Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.

Chương 11- Sự phát triển của Tiểu thừa

19 Tháng Sáu 20169:09 CH(Xem: 2842)
Chương 11- Sự phát triển của Tiểu thừa

Phật Học Tinh Yếu
Hòa Thượng Thích Thiền Tâm
Tịnh Liên Đồ Thư Quán Tái Bản Lần Thứ Nhất tại Hoa Kỳ 2002

 

 

 

Thiên Thứ Nhất
Chương Mười Một
Sự Phát Triển Của Tiểu Thừa

Tiết Mục:

I. Nguyên nhân phân biệt danh từ 

II. Sự phát triển của Hữu Bộ 

III. Sự phát triển của Kinh Lượng Bộ 

IV. Sự phát triển của Đồng Diệp Bộ 

Kinh sách tham khảo: Dị Bộ Tông Luân Luận, Phật Học Đại Cương, Lược Sử Truyền Bá Phật Giáo, Ấn Độ Phật Giáo Sử Lược.

Đề yếu: Bởi chúng sinh căn tánh có khác nhau, nên giáo pháp mới chia thành Đại, Tiểu thừa sai biệt. Tuy nhiên, nhìn nơi hiện thực, mỗi bên đều có những ưu điểm riêng. Trong ba bộ phái Tiểu thừa được phát triển nhất, giáo nghĩa đặc sắc của Hữu Bộ là Câu Xá Luận; giáo nghĩa đặc sắc của Kinh Bộ là Thành Thật Luận. Đạo lý của hai bộ này về sau gây thành Câu Xá Tông và Thành Thật Tông bên Trung Hoa. Còn Nam phương Thượng Tọa Bộ nhờ ở điểm giữ theo cổ truyền, đến nay thế lực vẫn không suy giảm, lại có phần muốn lấn hơn Bắc phương Phật giáo.

Nam tông và Bắc tông đã có những ưu điểm riêng, thiết tưởng người học Phật cũng nên có quan niệm bao dung, tham khảo giáo nghĩa cùng sự hành trì của đôi bên, để chiết trung lấy, bỏ những phần ưu, liệt.

Tiết I: Nguyên Nhân Phân Biệt Danh Từ

Sau khi Phật giáo chia thành hai mươi bộ, các phái đều phát đạt, nhưng tiến trình rất sai khác nhau. Hoặc có bộ phái dừng lại nơi giáo lý Tiểu thừa, có bộ phái biến thành Đại thừa. Các phái Tiểu thừa phần nhiều thuộc hệ thống Thượng Tọa Bộ. Các phái Đại thừa phần nhiều thuộc hệ thống Đại Chúng Bộ.

Trước tiên, sau khi đức Thế Tôn diệt độ trong khoảng 100 nãm, Phật giáo chưa bị chia chẻ, nên thật ra chưa có danh xưng phân biệt. Lúc giáo đoàn Tăng lữ dần dần chia thành hai mươi bộ, ta có thể gọi đó là thời kỳ Bộ phái Phật giáo. Bấy giờ những danh từ Tiểu thừa, Đại thừa hay Nguyên thủy để chỉ định cho một tập đoàn nào cũng chưa có. Nhưng sau khi Đại thừa Phật giáo được chính thức thành lập, những học giả Đại thừa muốn phân biệt sự cao thấp về mặt tư tưởng giáo lý, nên gọi những bộ phái thiên về quan niệm tự độ, chấp ngã không pháp hữu là Tiểu thừa. Trái lại, Tiểu thừa Phật giáo không chấp nhận danh từ Tiểu thừa, để tỏ ra giáo lý của mình đi đúng với căn bản hơn, sau này họ tự xưng là phái Nguyên thủy. Gần đây, muốn gây ý niệm dung hòa trong khi giao tiếp, bên Đại thừa thường tự xưng là Bắc tông và gọi bên Tiểu thừa là Nam tông.

Khi Đại thừa Phật giáo mới ra đời và dần dần được hưng long, phái Tiểu thừa bị kích thích bởi ảnh hưởng đó, cũng trở nên tiến đạt. Thời ấy, bên phái Tiểu thừa, giáo lý được phát triển hơn cả là học thuyết của Nhất Hữu Bộ và Kinh Lượng Bộ.

Tiết II: Sự Phát Triển Của Hữu Bộ

Lập nghĩa của Hữu Bộ, ban sơ lấy Phát Trí Luận của ngài Ca Chiên Diên Ni Tử làm căn bản. Kế đó, các luận sư trong bộ phái này căn cứ theo bản luận mà diễn thích thành sáu bộ khác, gọi là Lục Túc Luận. Ít lâu sau, những học giả thuộc bản bộ lại y cứ theo Phát Trí Luận và Lục Túc Luận mà giải thích một cách tỉ mỉ, biên soạn thành bộ A Tỳ Đạt Ma Đại Tỳ Bà Sa, có nhiều thuyết khác nhau. Có thuyết cho rằng niên đại chế tác luận này vào lúc Phật diệt độ hơn 400 năm, khi vua Ca Nị Sắc Ca mới lên ngôi. Còn trong Thế Thân Truyện lại bảo sau Phật diệt độ 500 năm. Ngài Đạo Đinh, vị pháp sư viết lời tựa Tỳ Bà Sa Luận, thì nói là hơn 600 năm sau Phật diệt độ. Thuyết sau này gần với sự thật hơn cả.

Đương thời, tông nghĩa của Hữu Bộ lấy xứ Ca Thấp Di La làm trung tâm, và được thịnh hành ở địa phương tây bắc Ấn Độ. Khi bộ Đại Tỳ Bà Sa Luận đã được biên soạn, học thuyết của Hữu Bộ dường như trở nên cố định, ngưng đến sau, do phản ứng từ sự công kích của những luận sư Đại thừa Phật giáo như Long Thọ, Đề Bà, các phái Tiểu thừa cũng dần thức tỉnh. Riêng về Hữu Bộ, họ hết sức chỉnh đốn lại nội dung của tông nghĩa mình. Như ngài Thi Đà Bàn Ni (Stapàni) soạn thuật bộ Đề Bà Sa Luận; ngài Pháp Thắng (Dharmasri) soạn thuật bộ A Tỳ Đàm Luận. Sau đó, ngài Ưu Ba Phiên Đà (Upasantà) sáng tác bộ A Tỳ Đàm Tâm Luận Kinh; ngài Đạt Ma Đà La (Dharmatràta) sáng tác bộ Tạp A Tỳ Đàm Tâm Luận. Tất cả những bộ luận trên đều cùng chung mục đích phát huy chân giáo nghĩa của Hữu Bộ. Niên đại xuất thế của các vị luận sư kể trên, thuộc vào khoảng đầu thế kỷ thứ II đến cuối thế kỷ thứ IV Tây lịch. Đến đầu thế kỷ thứ V, có ngài Tắc Kiền Địa La (Skandila), trứ thuật bộ Nhập A Tỳ Đạt Ma Luận. Giáo nghĩa của Hữu Bộ nhờ đó thêm phần đặc sắc.

Từ trước Hữu Bộ đã có bốn vị học giả trứ danh, mà cổ lai thường gọi là Hữu tông tứ đại luận sư. Bốn ngài đó là: Pháp Cứu (Dharmatràta), Diệu Âm (Ghosa), Thế Hữu (Vasumitra), và Giác Thiên (buđhadeva). Đến cuối thế kỷ thứ IV, có hai đại học giả Phật giáo là Vô Trước (Asanga) và Thế Thân (Vasubandhu) ra đời. Hai ngài sinh quán ở thành Phú Lâu Sa Bổ La (Purusapura - Bá Lộ Sa), thuộc nước Kiền Đà La. Trước tiên hai ngài tin theo Bà la môn giáo, sau thấy đạo này chưa được cứu cánh, nên đồng xuất gia học tập giáo lý Tiểu thừa trong Hữu Bộ. Nhưng vì không mãn nguyện với học thuyết Tiểu thừa, về sau hai vị lại chuyển sang nghiên cứu kinh điển của Đại thừa Phật giáo.

Riêng về ngài Thế Thân, khi còn ở Hữu Bộ, nhân nghiên cứu học thuyết của Kinh Bộ thấy có nhiều ý tứ cao siêu, muốn đem học thuyết này chiết trung với Hữu Bộ để bổ khuyết cho giáo nghĩa của tông mình. Nhưng vì tông lý uyên nguyên khó bề tường tận, ngài sang xứ Ca Thấp Di La tham phỏng với một vị đại đức của Hữu Bộ là A la hán Ngộ Nhập (biệt danh Chúng Hiền, Tăng Già Bạt Đà La - Sam - ghabhadra). Sau khi nắm hết được các yếu nghĩa, tôn giả Thế Thân trở về bản quốc giảng Đại Tỳ Bà Sa Luận, nạn phá những chỗ ý tứ chưa được ổn, cải thiện lại học thuyết của Hữu Bộ. Và, thuận theo lòng ngưỡng mộ cùng sự yêu thỉnh của các học giả ở Ca Thấp Di La, ngài biên tập lại những bài giảng của mình thành bộ A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (Abhidharma Kosasàstra). Chúng Hiền luận sư là một học giả chính thống của Hữu Bộ nghe ngài Thế Thân sau khi phỏng đạo với mình, trở về làm luận Câu Xá, bác phá nhiều điểm cổ truyền của bản tông, có ý không bằng lòng. Do đó luận sư viết ra hai bộ: A Tỳ Đạt Ma Bảo Luận cũng gọi là Thuận Chánh Lý Luận và A Tỳ Đạt Ma Hiển Tông Luận; bộ trước dụng ý phá tà, bộ sau dụng ý hiển chánh. Nhưng hai bộ luận này vì chấp theo cựu thuyết, nên nội dung còn lủng củng, có nhiều chỗ phải viết trái với cổ nghĩa, ý tứ mới được thông. Vì vậy, bộ Câu Xá Luận được chiếm phần ưu thế hơn; các học giả trong Hữu Bộ khi tham tầm giáo lý của bản tông, chỉ nghiên cứu Câu Xá Luận là đầy đủ. Còn hai bộ luận của ngài Chúng Hiền soạn, với chủ trương kháng đối Câu Xá Luận, ngược lại, bị họ coi là phản bội với giáo nghĩa của Hữu Bộ. Do đó, người đời sau gọi Câu Xá Luận là Tân Tỳ Bà Sa Luận, tôn giả Thế Thân là tân giáo chủ của phái Tát Bà Đa (Hữu Bộ).

Và, học thuyết của Hữu Bộ phát triển đến đây là cùng cực.

Tiết III: Sự Phát Triển Của Kinh Lượng Bộ

Theo Bắc truyền, Kinh Lượng Bộ tức là Thuyết Chuyển Bộ. Nhưng theo Nam truyền thì hai bộ ấy khác nhau, Kinh Lượng Bộ phát xuất là Thuyết Chuyển Bộ. Nếu căn cứ thuyết sau này, giáo nghĩa của hai phái tất phải có chỗ sai biệt. Nhưng thuyết của Nam truyền không tìm thấy kinh sách để tham khảo, nên nay chỉ theo Bắc truyền mà lược thuật tông nghĩa của Kinh Lượng Bộ.

Sở dĩ được gọi Kinh Lượng, vì bộ này lấy kinh làm Chánh Lượng, mà không y theo Luật, Luận. Trong thời kỳ Kiết tập thứ nhất, vị tôn giả trùng tuyên tạng Kinh là ngài A Nan, nên phái này suy tôn ngài làm sơ tổ của bản bộ. Kinh Lượng lại có tên là Thuyết Chuyển với hàm ý: học thuyết của bộ này lưu chuyển về sau không cùng. Theo Kinh Lượng Bộ, giáo nghĩa của tạng Kinh có công năng gây thành hạt giống trong tâm thức, hạt giống đó họ gọi là Nhất vị uẩn. Nhất vị uẩn lại có công năng sinh ra tự quả là danh và sắc. Danh sắc chủng tử cùng tâm chủng tử hai bên duy trì nhau, nên dù cho ở địa vị hữu tâm hay vô tâm, Nhất vị uẩn vẫn hằng tương tục không tiêu diệt này gọi là Tế ngũ uẩn, tương đối với Thô ngũ uẩn sinh diệt biến hóa. Tế ngũ uẩn tức là Nhất vị uẩn, Thô ngũ uẩn gọi là Căn biên uẩn.

Trước tiên, Kinh Lượng bộ chấp ngoài tâm có pháp, sau dần dần có khuynh hướng về Duy tâm luận. Phái này có hai học giả trứ danh: vị trước là Cưu Ma Ra La Đa (Đồng Thọ), chủ trương thuyết Sắc tâm hỗ trì. Vị sau là Thất Lỵ La Đa (Thắng Thọ), chủ trương thuyết Tế ý thức. Tế ý thức là bốn uẩn vi tế làm căn bản cho Thô ngũ uẩn. Theo Kinh Lượng Bộ, các loài dị sanh tự nhiên có chúng tử vô lậu. Do đó, dù Phật ra đời hay không ra đời, được nghe pháp hay không nghe pháp, những loài này đều có năng lực tự giải thoát. Bản phái lại lập ra thuyết Thắng Nghĩa Bổ Đặc Già La, cho đây là cái thật ngã vi tế. Bổ Đặc Già La này không có biệt thể khác năm uẩn như phái Độc Tử và Chánh Lượng, mà rất vi tế không thể nghĩ bàn, nên mới gọi là Thắng nghĩa. Tế ý thức là ngã thể trong nhân vị khi chưa thành Phật. Thắng Nghĩa Bổ Đặc Già La là bản thể vô thủy vô chung, thông cả phàm phu và Phật vị.

Kinh Lượng Bộ lại lập ra ba định tụ: chánh định tụ, tà định tụ và bất định tụ. Chánh định tụ là pháp vào niết bàn. Tà định tụ là pháp không thể vào niết bàn. Bất định tụ là pháp không nhất định được niết bàn. Phái này cũng lập ra thuyết Vô vi vô tác dụng như Hữu Bộ. Vô vi vô tác dụng đại khái giống như thuyết Chân như bất động của Duy Thức. Vì thế, có kẻ cho Kinh Lượng Bộ là tiền khu của Duy Thức tông.

Đến giữa thế kỷ thứ IV Tây lịch, có ngài Ha Lê Bạt Ma (harivarman - Sư Tử Khải) ra đời, chỉnh đốn lại giáo nghĩa của Kinh Lượng Bộ. Ha Lê Bạt Ma gốc người Trung Ấn, thuộc dòng Bà la môn, đã từng tu học theo phái Số luận, sau mới quy y Phật giáo. Khi nương về chánh pháp, đầu tiên ngài theo đại đức Cưu Ma La Đa, một học giả của Hữu Bộ, tham cứu về Phát Trí Luận. Sau ngài thấy học thuyết của Hữu Bộ còn nông cạn mà lối biện luận dần dần đi vào chỗ phiền toái, nên chuyển sang nghiên tầm giáo nghĩa của Đại Chúng Bộ. Khi nương về Kinh Lượng bộ, ngài có mục đích thống nhất giáo nghĩa của các phái, nên mới chiết trung các học thuyết Đại, Tiểu thừa, mà soạn ra bộ Thành Thật Luận (Satyasiđhi Sàstra).

Nội dung của Thành Thật Luận là căn cứ vào thuyết Tứ thánh đế, để chỉnh đốn lại đạo lý của Phật giáo. Trong đây chia thành năm tụ, gồm 202 phẩm. Năm tụ là: Phát tụ, Khổ đế tụ, Tập đế tụ, Diệt đế tụ và Đạo đế tụ. Phát tụ giải thích ý nghĩa Tam bảo và mục đích tạo luận. Khổ đế tụ nói về sự khổ nung nấu của ngũ ấm. Tập đế tụ bàn vấn đề nghiệp và phiền não. Diệt đế tụ giải thích vấn đề Niết Bàn. Còn Đạo đế tụ thuyết minh về Định và Trí. Điểm đặc sắc trong luận, là nơi phẩm Diệt Pháp Tâm có đề cập đến thuyết Nhân pháp câu không, giống như giáo nghĩa của Đại thừa, còn các phẩm khác đều bàn về Tiểu thừa pháp. Ngoài ra, ngài Ha Lê Bạt Ma còn kế thừa thuyết "Hiện tại thật hữu, quá vị vô thể" của Kinh Lượng Bộ.

Đại khái, Kinh Lượng Bộ được phát triển rực rỡ nhất, nhờ khoảng thời gian bộ Thành Thật Luận ra đời.

Tiết IV: Sự Phát Triển Của Đồng Diệp Bộ

Đồng Diệp Bộ cũng gọi là Nam phương Thượng Tọa Bộ. Sở dĩ có danh từ Nam phương Thượng Tọa Bộ là để phân biệt với Thượng Tọa Bộ tại miền Bắc Ấn. Đồng Diệp quốc hay Sư Tử quốc đều là biệt danh của người Trung Hoa gọi đảo Tích Lan; Nam phương Thượng Tọa Bộ thịnh hành trước tiên ở đảo này, nên gọi là Đồng Diệp Bộ. Về sau Phật giáo các nước: Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên, từ hình thức cho đến giáo nghĩa đều giống như Nam phương Thượng Tọa Bộ đã phát triển nơi xứ này, còn Phật giáo ở các nước kia, vì đồng một hệ thống có thể suy ra để hiểu, vả lại phạm vi cũng quá rộng, nên xin ngừng lại cho phần lịch sử.

Về Phật giáo Tích lan, nơi mục "Kinh Phật tiếng Ba ly" trong chương thứ bảy của bản thiên đă có nói lược qua, nên nay chỉ đề cập những điểm cần yếu.

Đạo lý của Phật giáo Tích Lan, lúc đầu thuộc về hệ thống Thượng tọa Bộ. Giáo đoàn trước tiên là Đại Tịnh Xá Tự Phái, gọi tắt là Đại Tự Phái (Mahàvihàra). Phái này được thành lập từ đời vua Thiên Ái Đế Tu thứ bảy, thuộc Thượng Tọa Bộ (Theriyanikàya). Đến thời kỳ Vô Úy Vương tức vị, lại xuất sanh phái Vô Úy Sơn Tự (Abhyagiri) thuộc về Pháp Hỉ Bộ (Dhammaruci nikàya). Sang triều vua Cù Đàm Bà Gia (Gotabhaya) lại phát xuất thêm một phái mới nữa, gọi là Kỳ Đà Lâm Tự (Tetavana). Như vậy, từ thế kỷ thứ III trước kỷ nguyên đến đầu thế kỷ thứ II sau tây lịch, Phật giáo Tích Lan có tất cả ba phái khác nhau.

Đến đầu thế kỷ thứ XI, xứ Tích Lan bị dân tộc Tamil ở Nam Ấn Độ tràn tới đánh phá đô thành, thiêu hủy chùa tháp, tàn sát chư Tăng, nên Phật giáo ở nơi đây bị suy vi trong một thời gian. Sau đó vài mươi năm, có vua Tỳ Dà Gia Bà Hầu (Vijaya bhàhu) nổi lên đánh đuổi quân thù, khôi phục lại bờ cõi, sai sứ sang Miến Điện nghinh thỉnh tam tạng kinh điển đem về. Phật giáo ở bản xứ nhờ đó mới trở lại hưng thịnh.

Cuối thế kỷ thứ XII, vua Ba Ra Ca Ma Bà Hầu (Parakhama bhàhu), một vị anh quân của Tích Lan, lên ngôi thống trị. Vua là người hết sức lưu tâm đến việc chấn hưng và thống nhất Phật giáo. Từ trước ở bản xứ, ba phái Phật giáo vẫn đối lập nhau, nhưng sau khi lên ngôi, vua dung hòa và thống nhất ba phái thành một, lấy tông nghĩa của Đại Tự Phái thuộc Thượng Tọa Bộ làm giáo học chính thống.

Từ thế kỷ thứ XVI trở đi, nước Tích Lan tuy bị người Bồ Đào Nha và Hòa Lan dùng đủ mọi cách đem tư tưởng Thiên Chúa giáo truyền vào, nhưng dân chúng phần đông vẫn là tín đồ của Phật giáo. Đến tháng hai năm 1948, xứ Tích Lan thoát khỏi vòng cai trị của người Anh và tuyên ngôn độc lập. Sang tháng 5 năm 1950, hội nghị Phật giáo thế giới gồm đại biểu của 29 nước được chiêu tập tại nơi đây. Hội nghị này đã quyết định từ nay về sau, Phật giáo của các nước thuộc hệ thống Tiểu thừa đều gọi là Theravada (Thượng Tọa Bộ phật giáo). Và từ đó, giữa Tiểu thừa và Đại thừa Phật giáo đã có sự thông cảm.

Tóm lại, sự tiến triển của Nam phương Thượng Tọa Bộ ở Tích Lan nói riêng, cũng như các nước: Miến Điện, Thái Lan, Ai Lao, Cao Miên nói chung, đều đồng những điểm đặc sắc then chốt là:

Chỉ tôn thờ Phật Thích Ca là đấng Bổn Sư duy nhất.

Đều thông dụng thứ kinh điển chép bằng tiếng Ba Ly.

Chỉ có chư Tăng, không có Ni chúng.

Chư Tăng đều vấn y vàng, ôm bát.

Phái xuất gia cố gắng giữ giới, tham thiền, phái tại gia ưu thích sự cúng dường, bố thí.