Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 4

15 Tháng Bảy 201612:20 SA(Xem: 2417)
Phần 4
BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM X
(Phần Bốn)

 

   Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

    Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Bốn của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California. Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 7, Mùa Hạ 2010. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

 

Phần Bốn

Hôm nay, Sư sẽ nói về những điều quan trọng trong sự thực tập thiền Minh Sát. Thực ra, quí vị đã quen thuộc với tất cả các điều quan trọng này vì Sư thường nói những điều này trong sự hướng dẫn hằng ngày. Tuy nhiên Sư muốn nhắc lại những điều này cùng một lần và đồng thời cũng muốn giảng rõ hơn.

 

Chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại:

Điều quan trọng thứ nhất là phải chánh niệm trên đối tượng trong thời khắc hiện tại. Mục đích của thiền Minh Sát là để tránh bám víu vào những đối tượng. Để khỏi bám víu vào đối tượng, chúng ta cần phải quan sát nó, chánh niệm trên nó hay chú ý đến nó khi nó đang có mặt. Cũng thế, thiền Minh Sát giúp ta thấy đối tượng như chính thực là nó hay thấy bản chất thực sự của đối tượng. Nếu chúng ta muốn thấy bản chất thực sự của một đối tượng, chúng ta phải quan sát nó khi nó đang có mặt, bởi vì khi nó đã qua đi, chúng ta không thể quan sát nó và không thể thấy bản chất thực sự của nó, và khi mà nó chưa có mặt với chúng ta thì chúng ta không thể thấy nó và chúng ta không thể hiểu bản chất thực sự của nó. Vì vậy, đối với những người hành thiền Minh Sát, đối tượng trong hiện tại là quan trọng nhất. Đối tượng đó có thể là bất cứ cái gì: chuyển động của bụng, hơi thở vào và hơi thở ra, hay sự suy nghĩ hay cảm thọ, hoặc là sự đau nhức và những cảm xúc khác trong thân, hoặc là tiếng động. Tất cả mọi thứ này có thể tóm lại chỉ trong hai chữ “tâmvật chất”: đối tượng ở thời khắc hiện tại có thể là tâm ở một lúc nào đó và có thể là vật chất ở một lúc khác. Dù đối tượng là tâm hay vật chất, chúng ta phải quan sát đối tượng khi nó đang có mặt thì ta mới hiểu được bản chất thực sự của nó và chúng ta không bám víu vào đối tượng đó.

 

Chú ý đơn thuần:

Điều quan trọng kế đến là phải chú ý đến đối tượng một cách đơn thuần. Khi ta chú ý đến đối tượng trong hiện tại hay là cố gắng chánh niệm trên đối tượng đó thì sự chú ý phải là đơn thuần. Điều này có nghĩa là chỉ có một sự nhận biết đơn giản cho dù sự nhận biết phải là mạnh và thấu đáo: chỉ là một sự nhận biết đối tượng mà không kèm theo sự thêm thắt chủ quan của riêng mình. Như thế, khi quan sát một đối tượng, chúng ta phải quan sát nó như chỉ là một đối tượng và không được cộng thêm điều gì như là “Điều này đẹp đẽ; điều này xấu xí” hay là “Điều này tôi thích” hay “Điều này tôi không thích” và tương tự như thế - bởi vì nếu chúng ta thêm những điều này vào đối tượng, rồi từ những điều thêm thắt này, chúng ta sẽ bám víu vào đối tượng. Như thế, điều quan trọng là khi chú ý đến những đối tượng, chúng ta chỉ đơn thuần chú ý mà không có bất cứ sự phán đoán nào. Sự quan trọng và giá trị của sự chú ý đơn thuần được ngài Hòa Thượng Nyanaponika giảng nghĩa đầy đủ trong cuốn sách của ngài, “The Heart of Buddhist Meditation”. Vì vậy Sư xin giới thiệu sách này để quí vị hiểu rõ về sự chú ý đơn thuần. Ngài mô tả sự chú ý đơn thuần như sau: “Sự chú ý đơn thuần là sự nhận biết rõ rệt và chuyên nhất cái gì thực sự xảy ra cho ta và trong ta, ở những thời khắc liên tiếp của sự nhận thức”. Đối tượng được trình diện với chúng ta qua các cửa giác quan, và như thế đối tượng là những gì xảy đến cho ta, và rồi chúng ta có ý tưởng, cảm thọ và các thứ khác nữa trong ta, và như thế những thứ này là cái đang xảy ra trong ta. Thực là quan trọng phải hiểu rằng sự chú ý đơn thuần là một sự nhận biết rõ rệt và chuyên nhất của những gì đang xảy ra cho ta và trong ta. Ngài Nyanaponika nói rằng sở dĩ phải gọi là sự chú ý “đơn thuần” tại vì đây quả thật chỉ liên quan tới sự nhận thức đơn thuần qua các cửa giác quan. Khi chú ý tới ấn tượng của lục căn đó, sự chú ý chánh niệm chỉ thuần là ghi nhận những dữ kiện được quan sát mà không có phản ứng nào bằng thân, khẩu, ý; chẳng hạn như một ý tưởng tự nhủ, giống như “thích”, “không thích”, hoặc những thứ khác như sự phán đoán hay suy tư. Ngài mô tả điều này như “sự ghi nhận đơn thuần những dữ kiện được quan sát”. Như vậy, khi quí vị thấy vật gì, tâm của quí vị chỉ ghi nhận sự thấy của đối tượng thấy được. Tâm của quí vị không ghi nhận đó là một người đàn ông hoặc đó là một người đàn bà, hay vật đó đẹp hoặc vật đó xấu… Và “ghi nhận đơn thuần dữ kiện” có nghĩa là không phản ứng bằng thân, khẩu, ý. Khi phản ứng bằng ý, đôi khi chúng ta dán nhãn hiệu như là “Tôi thích” hoặc “Tôi không thích”; khi khác thì xếp loại như là “Nó đẹp” hoặc “Nó xấu”, “Nó tốt” hoặc “Nó tệ”; những lúc khác thì chúng ta suy nghĩ về đối tượng, suy tư về nó. Khi có một trong những phản ứng như vậy thì theo sau đó là lobha – sự dính mắc, hay thất vọng hay thù nghịch. Khi có các tâm bất thiện đó thì thế nào chúng cũng tạo đau khổ trong tương lai. Như thế, để tránh đau khổ, chúng ta phải tránh bám víu vào đối tượng, và để tránh bám víu vào đối tượng, ta phải đơn thuần chú ý vào đối tượng mà không thêm phần bình luận hoặc không đi vào chi tiết gì cả. Trong trường hợp chúng ta có những phản ứng như trên thì theo ngài Nyanaponika, “Nếu những ý tưởng bình luận như trên khởi sinh trong tâm ta thì chúng ta xem chúng như là đối tượng của sự chú ý đơn thuần, và không khước từ và cũng không đi theo chúng mà sau một niệm ngắn về chúng, chúng ta để cho chúng ra đi.” Như vậy, chúng ta phải cố gắng tránh bình luận hay phản ứng bằng hành động hoặc lời nói, nhưng nếu chúng ta đã có lỡ làm như thế thì rồi chúng ta phải chánh niệm trên những việc làm như thế, hay là phải có một sự chú ý đơn thuần khác trên những phản ứng đó, và tiếp tục tương tự. Như thế, chúng ta phải niệm, như là nói thầm “phán đoán, phán đoán” hoặc “suy đoán, suy đoán” hoặc “suy tư, suy tư”, và tương tự như vậy. Ngài Nyanaponika nói “Chúng ta không khước từ mà cũng không đi theo những phản ứng”; điều này có nghĩa khi những bình luận và phản ứng như thế khởi sinh, chúng ta không xua đuổi chúng mạnh mẽ, cũng không thích thú chúng mà chúng ta để chúng ra đi sau một niệm ngắn, như là “phán đoán, phán đoán” hoặc “suy tư, suy tư”, và tương tự như thế.

Nếu chúng ta xem xét kỹ sự chú ý đơn thuần, chúng ta sẽ thấy được rằng sự chú ý đơn thuần thực sự là chìa khóa để giải thoát khổ đau. Qua sự chú ý đơn thuần, chúng ta sẽ thấy sự vật như thực tướng của nó mà không thêm thắt cái gì của ta vào đó. Chỉ khi nào chúng ta thấy sự vật như chính nó, chỉ khi nào chúng ta thấy bản chất thực sự của sự vật, thì chúng ta mới có thể tránh khỏi sự bám víu vào chúng, và chỉ khi nào chúng ta có thể tránh được bám víu vào sự vật thì chúng ta mới có thể chấm dứt khổ đau. Như vậy, sự chú ý đơn thuần là một yếu tố thật quan trọng trong việc hành thiền với ý định dứt bỏ khổ đau. Khi một tu sĩ khổ hạnh đến gần Đức Phật để hỏi về cách thức hành thiền, Đức Phật khuyên bảo “Hãy để cho sự thấy liên quan tới cái được thấy; hãy để cho sự nghe liên quan tới cái được nghe”, và tương tự như thế; Đức Phật chỉ nói về sự chú ý đơn thuần trong lời khuyên này. Ngài dạy chỉ đơn thuần chú ý những sự vật mà ta kinh nghiệm. Hãy ngừng lại ở sự thấy liên quan tới vật được thấy và đừng đi quá với những sự phán đoán, hay là đừng đi quá sự chú ý đơn thuần mà đi vào chuyện thích và không thích đối tượng. Một lần nữa, sự chú ý đơn thuần rất là quan trọng trong sự thực tập thiền Minh Sát. Sự chú ý đơn thuần có nghĩa là chỉ coi đối tượng như chính thực tướng của chúng và không thêm thắt bất cứ phán đoán nào của riêng mình.

 

Sự mong cầu

Điều quan trọng kế nữa là đừng có sự mong cầu. Thực sự, chúng ta có cầu mong cái gì đó từ sự thiền tập. Nếu chúng ta không mong cầu gì cả từ việc hành thiền thì có lẽ chúng ta không thực tập gì cả. Như thế, sự mong cầu thực ra là điều tốt vì nó là động cơ thúc đẩy chúng ta thực tập, một điều tốt nên có. Tuy nhiên khi chúng ta đến để hành thiền - ngay trong lúc thực tập – thì sự mong cầu trở nên chướng ngại cho thiền tập và chướng ngại cho Samadhi (sự định tâm). Chúng ta không thể có định tâm đồng thời với khi mà tâm đầy sự mong cầu. Nhiều thiền sinh đã có kinh nghiệm về điều này: họ muốn hoàn tất một chuyện gì đó và sự ham muốn đó làm họ kích động, bồn chồn, và rồi họ hiểu ra rằng họ không thể định tâm. Đôi khi một thiền sinh có kinh nghiệm được cảm thấy an bình, an hưởng sung sướng tĩnh lặng đó, và lần sau cũng muốn đạt được trạng thái đó nữa. Nhưng rồi trạng thái đó không đạt được nữa, thiền sinh trở nên nản lòng hoặc không còn hăng hái. Như vậy lòng mong cầu là một trở ngại làm hại cho việc hành thiền. Nhiều thiền sinh đã phí mất nhiều thì giờ chỉ vì họ không tránh được những sự mong cầu và không biết hành xử làm sao với những sự mong cầu sinh khởi lên trong khi thực tập. Như thế, điều quan trọng là chúng ta không nên có lòng mong cầu, và trong trường hợp có những sự mong cầu thì chúng ta phải để cho chúng ra đi chỉ bằng cách niệm về chúng. Khi biết ta đang có sự mong cầu, chỉ chánh niệm về nó và niệm “mong cầu, mong cầu” cho đến khi nó đi mất. Ở đây cũng vậy, khi sự mong cầu khởi sinh, quí vị không xua đuổi mạnh mẽ quá mà chỉ chú ý qua một chút rồi để tự nó ra đi. Không phải lúc nào sự mong cầu cũng đều không tốt. Trước khi ta hành thiền, sự mong cầu là tốt. Sự mong cầu chỉ trở thành trở ngại khi chúng ta đang hành thiền. Sự mong cầu hay ham muốn trở thành arahant, sự ham muốn được giác ngộ được mô ta trong Chú Giải như là những gì nên được theo đuổi. Sự mong cầu là một hình thức nhẹ của tham ái hoặc dính mắc, vì thế khi ta mong cầu sự vật gì, ta muốn chiếm giữ nó, ta ham muốn nó. Vì thế, khi câu hỏi được đặt ra là sự mong cầu hay tham muốn phải chăng là thiện hay bất thiện, theo kinh Abhidhamma (Vi Diệu Pháp, A-tỳ đàm) thì sự mong cầu là bất thiện. Tuy rằng đây là sự ham muốn một điều tốt, sự ham muốn được giác ngộ, được trở thành vị A-la-hán, cũng vẫn là một trạng thái tâm bất thiện. Tuy nhiên sự mong cầu này không tệ hại như những trạng thái tâm bất thiện khác. Trong Chú Giải có câu hỏi: “Có nên theo đuổi sự mong cầu như thế không?” Câu trả lời là “nên”, chúng ta cần có loại mong cầu, ham muốn như vậy. Rồi “Loại mong cầu này có làm ta tái sinh hay không?” - Câu hỏi này thực ra hỏi rằng sự mong cầu này có làm ta sẽ tái sinh vào một trong bốn cõi đau khổ hay không (A-tu-la, Ngạ Quỷ, Súc Sinh, Địa Ngục)? - Chú Giải trả lời: “Nó không dẫn ta vào sự tái sinh”.  Như vậy sự ham muốn đạt được quả A-la-hán, được giác ngộ, được sinh vào cõi thiện, mặc dầu rằng tự nó là bất thiện, nhưng nó không dẫn ta đến một trong bốn cõi đau khổ. Nhờ vào sự ham muốn này, ta hành thiền và đạt được kết quả, đó là một trạng thái tâm đáng được theo đuổi hay là loại ham muốn hoặc tham ái này có thể chấp nhận được. Chỉ khi nào chúng ta có loại ham muốn này thì chúng ta mới thiền tập và đạt được kết quả hành thiền. Nhờ sự ham muốn trở thành A-la-hán mà một người thực tập thiền quán và hoàn tất được việc dứt bỏ tham ái: bằng một loại tham ái, người đó bỏ được một tham ái khác. Như thế, có loại mong cầu này là tốt trước thiền tập, nhưng ngay đang khi thiền tập thì khác, bởi vì đó là một trạng thái tâm bất thiện nên nó không thể hiện hữu cùng lúc với chánh niệm và định tâm là những trạng thái tâm thiện. Khi có một trạng thái tâm bất thiện thì không có một trạng thái tâm thiện cùng lúc được; như thế, trạng thái tâm bất thiện là một trở ngại cho sự định tâm hay cho sự hành thiền. Như vậy, chúng ta cố gắng không cho những sự mong cầu khởi sinh trong khi hành thiền, và khi mà chúng khởi sinh thì chúng ta phải chánh niệm, chú ý vào chúng, niệm chúng và để chúng tự mình ra đi.

 

Mỗi lúc chỉ quan sát một đối tượng

Điều quan trọng kế nữa là mỗi lúc chỉ quan sát một đối tượng. Ở một thời khắc có thể có nhiều đối tượng: quí vị đang chú ý tới chuyển động của bụng và đồng thời cũng có thể có một cảm thọ trong thân hoặc một tiếng động ở bên ngoài hoặc một ý tưởng chia trí, v.v… Như thế, thực sự ở cùng một thời khắc có nhiều đối tượng và tất cả đều là những đối tượng trong hiện tại. Mặc dù chúng ta đã được hướng dẫn rằng phải quan sát đối tượng trong hiện tại, nhưng chúng ta không quan sát hết tất cả các đối tượng đó và cũng không quan sát mỗi lần quá hơn một đối tượng. Đó là tại vì tâm không thể quan sát quá hơn một đối tượng mỗi lúc. Chúng ta tưởng rằng chúng ta thấy và nghe cùng một lúc: chúng ta thấy nhau bây giờ và quí vị nghe tiếng của tôi, như thế quí vị tưởng là đang thấy và đang nghe cùng một lúc. Quí vị suy nghĩ như vậy vì quí vị đã không thực sự chú ý tới đối tượng trong hiện tại, chúng ta thực sự thấy với một loại thức và nghe với một loại thức khác và thức thấy khác với thức nghe. Hai loại thức này không thể sinh khởi cùng một lúc; thức này phải sinh khởi sau khi thức kia sinh khởi. Tuy nhiên tâm làm việc rất nhanh. Trong kinh điển của chúng ta, có nói rằng hằng tỷ chập tư tưởng có thể sinh khởi và diệt đi trong một cái búng tay hay trong một nháy mắt. Như thế, sự thấy và sự nghe, hay nhãn thức và nhĩ thức sinh khởi liên tiếp nhau rất nhanh – “nghe, thấy, nghe, thấy, nghe thấy.” Chúng khởi sinh nhanh đến nỗi chúng ta nghĩ rằng mình nghe và mình thấy cùng một lúc. Nhưng, quả thực chúng ta thấy ở một lúc - một lúc rất ngắn – và rồi ở lúc kế tiếp chúng ta nghe. Như thế chuyện quan sát hai đối tượng cùng một lúc không thể có được, điều này trở nên hiển nhiên khi chánh niệm của quí vị thật sắc sảo và quí vị cố quan sát hai đối tượng cùng một lúc: quí vị sẽ tìm thấy là không thể quan sát hai đối tượng cùng lúc. Quí vị quan sát một đối tượng và đối tượng kia biến mất, và quí vị cố gắng quan sát một đối tượng khác thì đối tượng trước đó biến mất. Như vậy không thể quan sát hai đối tượng cùng một lần. Nếu chúng ta cố quan sát hai, ba hoặc bốn đối tượng cùng một lần, chúng ta sẽ bị kích động vì chúng ta cố làm một việc không thể làm được. Khi ta bị kích động thì sẽ dẫn đến sự bồn chồn và khi bồn chồn thì ta mất đối tượng. Chúng ta không còn nhận biết, nhận biết toàn diện đối tượng. Tâm của chúng ta như là dao động trên đối tượng; đó là, đôi khi bất chợt đối tượng lu mờ đi trong khi thiền tập. Như vậy, điều quan trọng là ta chỉ quan sát mỗi lúc một đối tượng. Vì thiền Minh Sát là quan sát cái gì nổi bật nhất trong hiện tại, chúng ta chọn đối tượng nổi bật nhất lúc đó và cố gắng chánh niệm trên đối tượng này. Chúng ta không để ý tới các đối tượng khác. Đôi khi chúng ta không biết cái nào nổi bật nhất hoặc không thể quyết định đối tượng nào là nổi bật nhất. Trong trường hợp này, hãy lấy bất cứ đối tượng nào rồi chánh niệm trên nó, bởi vì điều quan trọng là chỉ quan sát mỗi lúc một đối tượng.

 

Chánh niệm phải chính xác   

Điều quan trọng kế tiếp là chánh niệm phải chính xác. Điều này có nghĩa là chánh niệm phải đồng thời với đối tượng. Nói với quí vị điều này dường như không cần thiết, tuy nhiên khi quí vị đã đạt kinh nghiệm trong việc niệm “phồng, xẹp, phồng, xẹp, phồng, xẹp” và đôi khi nó trở nên máy móc. Quí vị có thể niệm “phồng, xẹp, phồng, xẹp” mà không có thực sự chánh niệm trên những chuyển động phồng và xẹp. Như thế, đôi khi xảy ra trường hợp quí vị tự nhủ “phồng” khi mà bụng đang xẹp, và khi nói xẹp mà bụng đang phồng. Điều này xảy ra cho nhiều thiền sinh. Chánh niệm mà không chính xác thì chẳng là chánh niệm gì cả. Chánh niệm không ở trên đối tượng thực sự có đó mà là trên một đối tượng tưởng tượng. Thật là quan trọng phải chánh niệm thực sự trên đối tượng trong hiện tại. Vì thế, quí vị phải chú ý - chú ý thật kỹ - để mà không chánh niệm trên một đối tượng không ở trong hiện tại. Chánh niệm thiết yếu là phải chính xác, nghĩa là phải đi cùng lúc với đối tượng. Cũng như vậy, thật quan trọng khi quí vị chú ý hay cố chánh niệm trên phồng xẹp của bụng hoặc trên hơi thở vào và hơi thở ra, quí vị đừng đào sâu trên những ý niệm. Điều này có nghĩa là quí vị đừng có chú ý vào hình dáng của bụng, hay của hơi thở, bởi vì đối tượng mà thiền Minh Sát quan sát là cái được gọi là thực tại tối hậu. Ý niệm không phải là đối tượng của thiền Minh Sát bởi vì ý niệm không có một thực tại riêng, không thể nói chúng thuộc vào hiện tại hay quá khứ, cũng không thể nói ý niệm sinh khởi ở thời điểm này và diệt đi ở một thời điểm khác. Ý niệm là phi thời gian. Do đó, chúng ta không thể thấy vô thường, khổ và vô ngã trong những ý niệm. Điều này cắt nghĩa tại sao ý niệm không phải là đối tượng của thiền Minh Sát. Khi hành thiền Minh Sát, chúng ta cố gắng định tâm trên thực tại tối hậu, như thế khi định tâm trên bụng, ta thực sự định tâm trên chuyển động của bụng, không phải hình dáng của bụng. Chuyển động của bụng là do yếu tố gió và chuyển động là biểu hiện của yếu tố gió, và chúng ta muốn chánh niệm trên chuyển động thay vì thấy hình dáng của bụng đang phồng, xẹp. Với hơi thở, cũng tương tự như thế: hơi thở là yếu tố gió – chính là gió – và chúng ta muốn chánh niệm trên yếu tố gió đó đang đi vào và đi ra ở cửa lỗ mũi. Chúng ta không muốn chánh niệm trên hơi thở như là một cột không khí hay cái gì đó đi vào và đi ra. Tuy nhiên, khi mới thiền tập, khi tâm định còn chưa mạnh, chúng ta không tránh khỏi thấy trong tâm ta hình dáng của bụng và của hơi thở. Mặc dầu không thể tránh khỏi thấy như vậy, phải nhấn mạnh rằng nên cố thấy bản chất thực sự của chuyển động bụng hay yếu tố gió ở cửa lỗ mũi. Khi tâm định mạnh hơn, những ý niệm sẽ phai lạt dần đi và quí vị chỉ sẽ thấy thực tại tối hậu. Như vậy, chánh niệm cần được chính xác và chúng ta cũng cần phải chú ý đến thực tại tối hậu, không phải ý niệm. Trong khi khởi đầu, chúng ta sẽ nhận ý niệm là đối tượng vì chúng ta không tránh làm việc đó được, nhưng với sự tiến triễn của tâm định, chúng ta sẽ có thể tách rời hai thứ này và chỉ còn ở với thực tại tối hậu.

 

Tinh tấn   

Kế đến là sự tinh tấn. Các vị thầy thường nói: “Cố gắng, cố gắng, cố gắng”. Điều đó có nghĩa là “Hãy tinh tấn, hãy tinh tấn”. Đó là tại vì họ không muốn  thiền sinh thiếu hay có ít năng lực trong việc hành thiền. Mặc dù tinh tấn mạnh mẽ và bền bĩ là tốt - vì không có tinh tấn thì sẽ không có chánh niệm và tâm định – tuy nhiên đồng thời chúng ta phải thận trọng để không tinh tấn quá nhiều vì tinh tấn quá nhiều cũng tệ hại như là tinh tấn quá ít. Nếu quí vị tinh tấn quá ít, quí vị sẽ trở nên buồn ngủ hay lười nhác và quí vị không hành thiền được. Trong kinh điển có nói tinh tấn phải được cân bằng với định tâm. Nếu một trong hai thứ đi quá mức thì sự thiền tập mất cân bằng, và như thế thiền tập bị tan rã, ta không hành thiền được. Như vậy chúng ta phải cẩn thận không tinh tấn quá nhiều hay quá ít; chúng ta phải cân bằng sự tinh tấn với sự định tâm. Đôi khi chúng ta đang niệm và có định tâm, rồi bỗng nhiên ta mất đối tượng. Đó là tại vì chúng ta tham lam, muốn sự hành thiền tăng tiến hơn và ta cố gắng hơn. Khi tăng thêm sự tinh tấn, ta trở nên kích động và bồn chồn và vì vậy mất đi đối tượng. Trong trường hợp như thế, ta phải chậm lại và thong thả. Đôi khi sự định tâm rất mạnh - mạnh hơn mức thường – và ta cảm thấy như buồn ngủ hoặc như là bị thoáng ngất đi. Mặc dù chúng ta không cảm thấy buồn ngủ, chúng ta có thể bị gà gật và chuyện khác nữa. Trong trường hợp như thế, chúng ta phải hiểu rằng đã có nhiều định tâm quá và ít tinh tấn. Chúng ta cần phải tinh tấn hơn. Làm thế nào để tinh tấn hơn? Phải chú ý hơn nữa – hay cùng lúc phải tăng thêm vài điểm để niệm. Điều đó có nghĩa là nếu quí vị đang niệm phồng, xẹp, quí vị có thể thêm vào đối tượng những điểm  “đụng, đụng, đụng, ngồi”. Khi quí vị tăng thêm đối tượng để niệm, quí vị bắt tâm làm việc nhiều hơn, và như thế sự tinh tấn hay mức năng lực sẽ tăng lên để được cân bằng với sự định tâm. Như vậy, quí vị phải có sự tinh tấn mạnh mẽ vì thiền không thể thực tập được nếu không có sự tinh tấn mạnh mẽ; tuy nhiên sự tinh tấn phải không được nhiều quá hoặc quá ít vì quá nhiều hoặc quá ít tinh tấn không đem lại tâm định.    

Đã có lần Đức Phật dùng cây đàn luýt để dạy bảo một vị sư về sự tinh tấn quá mức. Vị sư này là con của một phú gia và có một thân thể mềm mại khác thường – người đó có lông ở lòng bàn chân. Sau khi gia nhập tăng đoàn, vị này tự nhủ “Vì nay ta đã là đệ tử của Đức Phật, ta không thể tiêu cực, không thể lười biếng, ta phải tinh tấn.” Vị đó thiền tập, đi lên, đi xuống và vì thân thể mềm yếu và nghe nói rằng chân của vị này bị sưng phồng lên và máu rỉ ra dưới bước chân đi. Khi không có tiến bộ gì vì quá nóng lòng muốn thành đạt, vị sư thấy nãn lòng và có ý muốn hoàn tục, vị đó nghĩ rằng “Ta là con một phú gia, có thể trở lại đời sống cư sĩ và làm việc phước đức và sẽ có nghiệp quả tốt.” Đức Phật biết được ý nghĩ của vị sư, đến gặp và khuyên bảo ông ta dùng sự ví von với cây đàn luýt. Đức Phật hỏi ông: “Nói cho ta biết, những ngày trước đây khi còn sống ở nhà phải chăng sư là người chơi đàn luýt rất giỏi?” Vị sư trả lời: “Thưa vâng”. Rồi Đức Phật nói: “Khi dây đàn trên cây đàn luýt của sư quá căng, phải chăng khi đó cây đàn của sư hòa điệu tốt và dễ chơi?” Vị sư trả lời: “Thưa Thế Tôn, chắc chắn là không.” Rồi Đức Phật lại hỏi: “Khi dây đàn trên cây đàn luýt quá chùng, phải chăng cây đàn hòa điệu tốt và dễ chơi?” Vị sư trả lời: “Bạch Ngài, chắc chắn là không.” Rồi Đức Phật hỏi: “Khi dây đàn không căng quá mà cũng không chùng quá, được điều chỉnh ở một độ cân bằng, phải chăng cây đàn hòa điệu tốt và dễ chơi?” Vị sư đáp: “Dạ thưa vâng.” Rồi thì Đức Phật dạy: “Cũng tương tự như thế, nếu năng lực áp dụng quá mạnh, nó sẽ đưa đến sự bồn chồn; nếu năng lực quá lỏng lẽo thì đem lại sự chán chường. Vì thế cho nên hãy giữ năng lực cho cân bằng. Hãy xuyên thấu cho đến độ cân bằng của các khả năng tâm linh và trong đó bắt giữ đối tượng” – có nghĩa là bắt giữ đối tượng của thiền. Ở đây Đức Phật nói rằng tinh tấn quá nhiều sẽ dẫn đến sự bồn chồn và tinh tấn quá ít sẽ đưa đến sự chán chường hay lười biếng; như vậy chúng ta nên tránh cả hai thứ tinh tấn quá nhiều và tinh tấn quá ít và giữ tinh tấn cân bằng với tâm định. 

Tập chánh niệm liên tục

Điều quan trọng kế nữa là sự thực tập liên tục. Khi quí vị thiền tập tại một khóa thiền như thế này, quí vị được hướng dẫn phải giữ sự thực tập liên tục. Sự liên tục thực tập này được căn cứ trên câu nói rằng thiền tập cũng giống như cọ xát hai cây củi để tạo nên lửa. Khi quí vị cọ xát hai cây củi để tạo nên lửa, quí vị cọ xát cho đến khi có lửa. Quí vị không thể ngừng lại trước khi có lửa bởi vì, nếu ngừng lại trước khi có lửa rồi cọ xát lại thí quí vị sẽ không có đủ sức nóng và sẽ không có lửa. Như vậy, quí vị phải tiếp tục cọ xát cho đến khi có lửa. Cũng giống cách như thế, quí vị phải luôn luôn thiền tập liên tục để có được đà tiến triễn. Nếu không quí vị sẽ buông lung - nếu có những khoảng hở giữa những thời khắc chánh niệm – thì chánh niệm sẽ không đủ mạnh để giúp định và huệ. Như vậy, sự thực tập liên tục trong khóa thiền như thế này được cho là quan trọng và được nhấn mạnh trong mọi khóa thiền ở các thiền viện theo truyền thống của ngài Mahasi Sayadaw. Vì chúng ta phải thực tập liên tục, chúng ta phải tránh làm những gì có thể làm phá rối hay chia trí sự thiền tập. Điều quan trọng là ta phải giữ sự thực tập liên tục một cách nghiêm chỉnh và không làm bất cứ việc gì có thể làm xao lãng sự thực tập. Sư vui mừng thấy quí vị giữ được kỹ luật ơ mức cao tại thiền viện này. Sư vui mừng thấy thiền sinh tuân theo chặt chẽ những sự hướng dẫn tại thiền viện và giữ được sự thực tập như đã được chỉ dẫn. Sự thực tập liên tục là điều quan trọng phải ghi nhớ trong khóa thiền như thế này.

 

Sư thư giãn

Điều quan trọng sau cùng là quí vị nên thư giãn. Có quá nhiều sự hướng dẫn – “làm cái này, làm cái kia”,v.v…- trở nên như một gánh nặng. Và nếu chẳng may quí vị làm sai một sự hướng dẫn nào đó, quí vị có thể cảm thấy như là phạm tội, như là mình đã làm cái gì sai lầm lắm. Khi tâm quí vị như thế, quí vị bị căng thẳng và không thực tập gì được cả. Quí vị không định tâm được, không chánh niệm được. Vì thế, điều quan trọng là tâm phải được thư giãn – đặc biệt là tâm của quí vị. Thông thường rất có thể là quí vị sẽ không làm theo đúng sự hướng dẫn chỗ này hay chỗ kia. Nếu có xảy ra như vậy thì chẳng sao cả, hãy thong thả thoải mái. Đừng cho đó là một lỗi lầm lớn bởi vì bản chất con người là một lúc nào đó sẽ quên cái này, thiếu sót cái kia. Vì thế, xin quí vị hãy thư giãn và thong thả thoải mái. Thêm nữa, liên quan tới sự mong cầu, hãy nên có một thái độ “bất cần” khi thiền tập. Đừng có muốn hoàn tất nhiều quá. Đừng có muốn đạt được giác ngộ. Đừng có mong muốn thấy được bản chất của sự vật, v.v… Hãy thư giãn và tự nhủ: “Ta chẳng cần biết là mình sẽ không đạt được kết quả, ta bất cần là mình sẽ không được định tâm. Ta chỉ phải chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại, nếu ta chánh niệm trên đối tượng trong hiện tại, ta đã làm điều cần phải làm và tất cả chỉ có thế mà thôi.” Hãy có thái độ này khi thiền tập, bởi vì nếu ta muốn đạt được điều gì và nghĩ “Ta phải đạt được; nếu ta không đạt được điều này, ta sẽ thất vọng” hoặc nghĩ tương tự như thế thì tâm ta sẽ căng thẳng. Với một tâm căng thẳng, quí vị sẽ không có định tâm; tâm quí vị sẽ rất thư giãn khi có định tâm. Vì thế, xin hãy thư giãn khi thực tập. Sư không bảo quí vị lơ là sự tinh tấn, nhưng đồng thời đừng có căng thẳng trong tâm. Quí vị hãy thư giản và tự nhủ: “Ta bất cần, ta sẽ chỉ chánh niệm. Ta sẽ chỉ ở trong thời khắc hiện tại. Ta sẽ chỉ ở với đối tượng trong hiện tại, và nếu mà ta chánh niệm với đối tượng trong hiện tại thì ta đã làm tròn nhiệm vụ.” Với cách này, quí vị có thể thực tập với một tâm thư giãn và quí vị sẽ đạt được định tâm dễ dàng.

 Nếu quí vị nhớ các điểm quan trọng trên khi thiền tập, Sư tin tưởng rằng quí vị sẽ tiến bộ. Xin quí vị hãy ghi nhớ các điều này khi thực tập.

 

(Những tiêu đề và những chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơn là do dịch giả thêm vào cho dễ đọc)

 

                                                                                    Thiền Sư U Silananda

                                                                                     Liễu Pháp chuyển ngữ