Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 6

15 Tháng Bảy 201612:22 SA(Xem: 2315)
Phần 6
BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
                (Phần Sáu)

          Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

             Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Sáu của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California. Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 9, Mùa Hạ 2011. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

 

Phần Sáu

 

Bắt đầu hôm nay, Sư sẽ hướng dẫn quí vị về sự thực tập Thiền Tứ Niệm Xứ như đã được giảng dạy trong kinh Đại Niệm Xứ (Maha-Satipatthana). Đức Phật đã khám phá giá trị của chánh niệm. Ngài đã khám phá rằng chánh niệm có thể được dùng để giải thoát khỏi đau khổ. Ngài khám phá ra điều đó và theo đó ngài thực tập, ngài đạt được kết quả cao nhất, ngài đã trở thành Phật. Sau khi thành Phật, Ngài đã giảng dạy chánh niệm trong 45 năm; ngài đã tiếp tục giảng dạy chánh niệm nhiều lần. Đặc biệt trong kinh Đại Niệm Xứ này, ngài giảng về chánh niệm rất chi tiết. Kinh này đã được ghi chép trong hai bộ kinh: Trường Bộ Kinh và Trung Bộ Kinh.

Chánh niệm như là một trạng thái tâm không phải do Đức Phật tạo dựng nên. Mỗi chúng sinh đều có sẳn chánh niệm, như thế chánh niệm là một đặc tính có sẳn từ khi sinh ra của mọi chúng sinh, nhưng trước khi có Đức Phật, chúng sinh không biết rằng mình có thể dùng chánh niệm để nâng cao đời sống của họ - cả hai đời sống thế tục cũng như tâm linh - và đạt được sự giải thoát khỏi khổ đau. Khi Đức Phật dạy về Tứ Niệm Xứ hay sự thực tập chánh niệm trong kinh này, trước tiên ngài nói về những lợi ích của sự thực tập Tứ Niệm Xứ.

Những lợi ích của sự thực tập chánh niệm

Lợi ích đầu tiên là sự thanh lọc - sự thanh lọc của mọi chúng sinh. Điều này có nghĩa là sự thanh lọc tâm của mọi chúng sinh. Theo kinh này, nếu chúng ta thực tập Tứ Niệm Xứ, chúng ta có thể đạt được mục đích thanh lọc tâm. Tâm của chúng ta luôn luôn liên kết với những thứ gọi là ô nhiễm hay phiền não. Chừng nào mà tâm còn có những ô nhiễm này, chúng ta không thể đạt được hạnh phúc thực sự, chúng ta không thể thoát khỏi mọi đau khổ, thoát khỏi mọi phiền não trong tâm; thanh lọc hết những phiền não trong tâm thực là một thành tựu lớn lao. Nếu một người đã thanh lọc được tâm thì sẽ hưởng được hạnh phúc giải thoát trọn vẹn. Khi chỉ rõ những lợi ích của sự thực hành Tứ Niệm Xứ, Đức Phật dạy: “Này các Tỳ Kheo (Bhikkhus), đây là con đường duy nhất để thanh lọc tâm…”. Điều này có nghĩa là không có con đường nào khác để thanh lọc tâm ngoài sự thực tập chánh niệm. Nếu chúng ta nhìn vào chánh niệm, chúng ta biết rằng điều này là thực có: chừng nào mà chánh niệm đang đứng canh gác ở các cửa giác quan thì các phiền não không thể đi vào tâm của chúng ta. Tuy nhiên, lúc mà chúng ta mất chánh niệm, các phiền não sẽ kéo đến, như thế sự thực tập chánh niệm là cách duy nhất ngăn ngừa phiền não đi vào tâm chúng ta. Nói cách khác, đó là cách duy nhất để thanh lọc tâm khỏi các phiền não.   

Thực tập chánh niệm có thể dưới nhiều hình thức khác nhau. Trong kinh này, Đức Phật dạy 21 cách thực tập chánh niệm. Điều mà ta thực tập phải là chánh niệm, có thể là một trong 21 cách đó: với phương pháp nào đi nữa thì cũng phải thực tập chánh niệm. Chừng nào mà ta thực tập chánh niệm thì sự thực tập mới có thể giúp ta loại bỏ được phiền não.

Lợi ích thứ hai mà Đức Phật đã chỉ rõ là vượt qua được sầu khổ và thương xót. Khi tâm của chúng ta không có ô nhiễm, phiền não thì sẽ không có sầu khổ và không thể có than khóc do sầu khổ bởi vì sầu khổ chính nó là tâm phiền não. Lợi ích thứ hai này thực sự được bao gồm trong lợi ích thứ nhất: nếu chúng ta đã đạt được lợi ích thứ nhất thì lợi ích thứ hai - vượt qua sầu khổ và thương xót - cũng đã đạt được.

Lợi ích thứ ba Đức Phật chỉ rõ là làm biến mất đi đau đớn và buồn khổ. Sự đau đớn có nghĩa là đau về thân cũng như đau về tâm, và sự buồn khổ là đau về tâm. Tất cả quí vị có lẽ đã có kinh nghiệm đau đớn khi thiền tập. Đôi khi nhờ áp dụng chánh niệm, sự đau đớn biến đi mất, khi khác thì sự đau đớn vẫn còn đó. Đó là bởi vì chánh niệm của quí vị, sự định tâm và trí tuệ của quí vị chưa đủ vững mạnh. Khi những thứ này thực mạnh thì quí vị có thể chấm dứt sự đau đớn. Cho dù đau đớn về thân có thể không hoàn toàn mất hẳn đi nữa thì cũng không có đau đớn về tâm cho những ai mà tâm của họ được hoàn toàn trong sạch.  Khi một vị A-La-Hán có tên Anuruddha bị bệnh và đau đớn, bạn của ngài đến thăm và thấy ngài rất vui vẻ, họ hỏi ngài tại sao sự đau đớn thân xác không làm động đến tâm của ngài. Ngài trả lời “ta thực tập Tứ Niệm Xứ”. Ngài là một vị A-La-Hán: nhờ kết quả thực tập Tứ Niệm Xứ, ngài đã gột rữa mọi ô nhiễm, phiền não trong tâm. Vì không có ô nhiễm trong tâm, mặc dù có đau đớn về thân, ngài đã không đau đớn về tâm. Khi một người không đau đớn về tâm cho dù vẫn có đau đớn về thân, người đó được nói là đã khắc phục sự đau đớn về thân. Như thế sự thực tập chánh niệm có thể giúp giải quyết cả hai sự đau đớn về thân và tâm. Rồi thì có chữ ‘đau buồn’. Chữ này có nghĩa là những trạng thái tâm dưới nhiều hình thức như thù hận, giận dữ, ghét bỏ, chán nãn, thất vọng… Tất cả những thứ này có thể được vượt qua nhờ sự thực tập chánh niệm. Khi quí vị hành thiền Minh Sát (Vipassana), hay thiền chánh niệm, quí vị cố gắng áp dụng chánh niệm trên các trạng thái tâm này. Khi quí vị buồn, quí vị cố niệm sự buồn. Khi quí vị thất vọng, quí vị cố niệm sự thất vọng. Khi quí vị kiên trì niệm hay giữ chánh niệm hay toàn diện theo rõi các trạng thái tâm này thì chúng sẽ biến đi mất. Như thế, một lợi ích khác của thực tập chánh niệm là làm biến mất sự đau đớn và buồn khổ.  

Lợi ích thứ tư là đạt tới con đường chánh pháp. Đạt tới con đường chánh pháp có nghĩa là đạt tới giác ngộ. Chỉ hành thiền Tứ Niệm Xứ hoặc chỉ thực tập thiền Minh Sát có thể dẫn một người đạt tới sự giác ngộ: không thực tập Tứ Niệm Xứ hoặc thiền Minh Sát thì không thể có sự giác ngộ. Như thế đạt tới giác ngộ cũng là một lợi ích của sự thực tập chánh niệm.

Lợi ích cuối cùng là chứng ngộ nibbana (Niết Bàn). Chứng ngộ Niết Bàn và đạt tới con đường chánh pháp cùng có một ý nghĩa giống nhau. Khi một người đạt tới giác ngộ, người đó chứng ngộ Niết Bàn, và khi một người chứng ngộ Niết Bàn, người đó đạt tới giác ngộ. Như vậy hai lợi ích này thực sự giống nhau. Tuy nhiên trong Chú Giải, có sự phân biệt rất nhỏ giữa hai lợi ích này. Sư không nghĩ rằng chúng ta nên bận tâm về điều này vì sự phân biệt quá vi tế.

Khi Đức Phật giảng dạy về chánh niệm, ngài chia chánh niệm ra làm bốn nền tảng quán niệm và khi chia ra như vậy, ngài gọi chánh niệm là “quán”. Bốn loại chánh niệm hay bốn loại quán là Quán Thân, Quán Thọ, Quán Tâm và Quán Pháp. Khi Đức Phật mô tả bốn nền tảng này một cách ngắn gọn ở phần đầu của kinh, cũng như khi ngài nhắc lại về sau, ngài đã lập lại những chữ này hai lần: Quán Thân trong Thân, Quán Thọ trong Thọ, Quán Tâm trong Tâm và Quán Pháp trong Pháp. Từ ngữ Pali của những chữ này là: kaya (thân), vedana (thọ), citta (tâm), dhamma (pháp). Những chữ này được lập lại vì Đức Phật muốn định rõ đối tượng cho khỏi lẫn lộn với những đối tượng khác. Khi kinh nói “Quán Thân trong Thân” có nghĩa là vị tỳ kheo quán thân trong thân, không quán thọ trong thân, không quán tâm trong thân, không quán pháp trong thân: đối tượng mà vị tỳ kheo quán là thân trong thân. Để chỉ rõ, định nghĩa thật rõ đối tượng, Đức Phật lập lại những chữ “thân”, “thọ”, “tâm” và “pháp”.

Đức Phật lập lại những chữ đó cũng có một lý do nữa là ngài muốn chỉ dẫn cho các vị tỳ kheo, khi hành thiền chánh niệm, phải cố phá vỡ cái ảo tưởng về sự thu gọn. Điều này có nghĩa là khi quán thân trong thân, vị tỳ kheo không quán cái thân thể thu gọn trong thân mà quán tập thể các phần của thân thể. Khi nhìn thân như một tập thể của nhiều phần - tóc, lông, v.v…- vị tỳ kheo được cho là đã phá vở sự thu gọn. Điều này rất quan trọng bởi vì chỉ do sự phá vỡ ảo tưởng về cái thân thu gọn, hạn hẹp này thì người ta mới có thể thấy được bản chất anatta (vô ngã) – cái tánh không – của mọi sự vật. Như thế, khi Đức Phật dạy “Vị đó quán Thân trong Thân”, có nghĩa là vị đó quán hết tập thể các phần khác nhau của thân thể. Khi quán các phần khác nhau đó, vị đó quán chúng không như là một phần, không phải quán như một phần riêng rẽ nào đó, nhưng quán chúng như là một tập thể gồm các cơ phận nhỏ hơn. Ví dụ khi quán về tóc thì vị đó quán tóc như là một tập thể của những yếu tố tứ đại của vật chất và cũng như là tập thể của những đặc tính vật chất tùy thuộc vào các yếu tố tứ đại. Như thế, khi vị tỳ kheo quán trên thân hoặc quán trong thân, vị này quán những phần khác nhau của thân thể, và khi quán trên mỗi phần khác nhau của thân, vị tỳ kheo quán chúng như là tập thể những đặc tính vật chất khác nhau, như đất, nước, gió, lửa. Như vậy, để chỉ rõ rằng vị tỳ kheo quán mà thấy rõ đối tượng và phá vỡ ảo tưởng về sự thu gọn, Đức Phật lập lại các chữ “thân”, “thọ”, “tâm” và “pháp”.     

Đức Phật mô tả Quán Thân trong 14 cách khác nhau, và do đó cho chúng ta 14 loại quán thân. Loại thứ nhất là Chánh Niệm Hơi Thở. Trong cách thực tập này, hơi thở vào và hơi thở ra là đối tượng của thiền tập. Hành giả chú tâm trên hơi thở và cố gắng chánh niệm trên hơi thở. Sự chỉ dẫn trong Chú Giải là chúng ta nên giữ tâm mình ở lỗ mũi hay tại cửa vào của lỗ mũi và chánh niệm trên những hơi thở vào và những hơi thở ra trong khi chúng đi vào và đi ra.  Trong khi chỉ chú ý tới “vào, ra; vào, ra”, nếu sự thực tập đã đi sâu thì chúng ta có thể nhận thấy được khi nào hơi thở là dài hoặc ngắn, như là (niệm thầm) “dài” hoặc “ngắn”, và chúng ta có thể thấy toàn thể thời gian trôi qua của hơi thở từ khi khởi đầu cho đến khi chấm dứt. Khi sự thực tập trở nên sâu hơn, chúng ta sẽ thấy hơi thở càng vi tế hơn nữa. Đôi khi ta còn nghĩ rằng hơi thở biến đi mất. Thực sự thì hơi thở chẳng biến đi đâu cả, tuy nhiên hơi thở trở nên vi tế đến độ mà ta không nhận thấy nó được khi mà chánh niệm, định và huệ của ta chưa đủ mạnh. Trong cách như thế đó, ta tập chánh niệm hơi thở.

 

Sự khác biệt giữa thực tập Thiền Chỉ Thiền Minh Sát

Chánh niệm hơi thở này có thể thực tập theo samatha (Thiền Chỉ) hoặc theo vipassana (Thiền Minh Sát). Trong Chú Giải, sự thực tập chánh niệm hơi thở theo Thiền Chỉ được mô tả rất là chi tiết. Khi thực tập chánh niệm hơi thở theo Thiền Chỉ, hành giả chỉ định tâm vào hơi thở mà thôi. Hành giả không để ý tới đối tượng nào khác, như là sự phóng tâm, đau đớn hay tiếng động bên ngoài. Hành giả chỉ cố gắng chánh niệm trên “vào và ra, vào và ra”. Để tăng thêm mức định tâm của mình, hành giả được hướng dẫn đếm hơi thở: hành giả có thể đếm hơi thở từ một tới năm, một tới sáu, một tới bảy, một tới tám, một tới chín hoặc một tới mười. Chú Giải có nói rằng không nên đếm dưới năm hoặc quá mười. Đếm dưới năm thì bị gò bó, làm tâm không thư thả trong khi đếm. Đếm trên mười thì chính sự đếm sẽ trở nên đối tượng của thiền chứ không còn là hơi thở nữa bởi vì khi đếm trên mười thì phải cẩn thận trong khi đếm, ví dụ khi đếm “hai mươi, hai mươi mốt, hai mươi hai”…, sự đếm, chứ không phải là hơi thở, trở nên mối bận tâm cho hành giả. Như thế, chúng ta được khuyên là nên đếm từ một tới năm, hay từ một tới sáu, bảy, tám, chín hay từ một tới mười.               

Tuy nhiên khi quí vị thực tập chánh niệm hơi thở theo Thiền Minh Sát Niệm Xứ, quí vị không đếm. Quí vị lấy hơi thở làm đối tượng chính của thiền tập và quí vị cũng chú ý đến các đối tượng khác khi chúng trở nên nổi bật trong thời khắc hiện tại. Nếu trong khi giữ tâm trên hơi thở mà có sự phóng tâm thì quí vị sẽ chánh niệm trên sự phóng tâm đó. Khi có sự đau đớn, quí vị hãy chánh niệm trên sự đau đớn. Khi quí vị nghe tiếng động, hãy niệm “nghe, nghe”, v.v… Khi thực tập thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, quí vị cố gắng để thấy được bản chất của hơi thở, không phải để thấy hình tướng của hơi thở.

Khi thực tập Thiền Chỉ, quí vị lấy khái niệm của hơi thở và có lẽ hình tướng của hơi thở, trụ trên đó và đếm, “một, hai, ba bốn”, v.v… Tuy nhiên khi thực tập Thiền Minh Sát Niệm Xứ, quí vị cố gắng thấy cái gì là thực có trong hơi thở. Hơi thở là gió, như thế cái gì thực trong hơi thở là gió hay là yếu tố gió; như vậy, quí vị cố gắng thấy yếu tố gió đó. Yếu tố gió có đặc tính bành trướng, có chức năng di chuyển, được thể hiện như là có thể chuyên chở, dời đổi một vật gì đến một nơi khác. Khi theo rõi thật sát hơi thở, quí vị sẽ thấy rõ một trong những phương diện này. Như thế quí vị có thể dùng hơi thở như là đối tượng trong cả hai loại Thiền Chỉ và Thiền Minh Sát, nhưng có sự khác biệt trong cách thực tập.

Tiếp tục mô tả vị tỳ kheo đang thực tập thiền chánh niệm, Đức Phật dạy “Như thế, vị tỳ kheo tiếp tục quán thân trong thân ở bên trong hoặc ở bên ngoài hoặc cả hai, ở bên trong và ở bên ngoài”. Hành thiền chánh niệm hơi thở ở bên trong có nghĩa là vị tỳ kheo lấy hơi thở của mình làm đối tượng hành thiền. Nhưng hành thiền chánh niệm hơi thở ở bên ngoài thì phải nhìn vào người khác thở và rồi chánh niệm trên hơi thở của người đó? Điều này không thể làm được. Vì vậy Đại Lão Hòa Thượng Mahasi Sayadaw (Thiền Sư nổi tiếng người Miến Điện, Sư phụ của U Silananda Sayadaw; đệ tử của ngài Mahasi đi giảng dạy Thiền Minh Sát nhiều nơi trên thế giới từ đầu thập niên 1950 đến đầu thập niên 1980) giải thích như sau: Trước hết, hành giả lấy hơi thở của mình làm đối tượng và trụ trong đó, rồi thấy hơi thở hiện ra và biến mất, hiện ra và biến mất. Sau khi thấy hơi thở hiện ra và biến mất, hiện ra và biến mất, hành giả nghĩ rằng cũng giống như hơi thở của mình hiện ra và biến mất, hiện ra và biến mất, thì hơi thở của những người khác cũng hiện ra, và biến mất như vậy. Một khi hành giả thấy điều này trong kinh nghiệm của mình, hành giả có thể quán trên hơi thở của những người khác bằng cách như vậy. Đó là ý nghĩa của sự “quán ở bên ngoài”. Còn “quán ở bên trong và quán ở bên ngoài” có nghĩa là đôi khi hành giả để tâm mình trên hơi thở của mình và thấy hơi thở sinh khởi rồi hoại diệt, và rồi trong một lúc khác, hành giả có thể nghĩ đến hơi thở của người khác cũng tương tự như vậy – sinh khởi và biến mất, sinh khởi và biến mất - và rồi hành giả trở lại với hơi thở của mình, và rồi dùng sự suy luận để quán trên hơi thở của người khác. Khi hành giả thực tập trở đi trở lại như vậy như vậy thì được nói là hành giả hành thiền hơi thở ở bên trong và cả ở bên ngoài. Tuy nhiên, vì mục đích hành thiền Minh Sát Niệm Xứ là để thấy bản chất thực sự của sự vật, nên thực tập với hơi thở của mình tốt hơn là nghĩ đến hơi thở của người khác. Hơi thở của người khác chúng ta không thể thấy, không thể kinh nghiệm, vì thế không phải là đối tượng tốt cho thiền Minh Sát Niệm Xứ. Chỉ có hơi thở của chúng ta là có thực đối với chúng ta, hơi thở của chúng ta luôn luôn ở với chúng ta, và chúng ta có thể nhìn hơi thở của mình bất cứ khi nào mình muốn; vì thế trụ ở bên trong hơn là ở bên ngoài.

 

(Những tiêu đề cũng như các chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơnlà do dịch giả thêm vào cho dễ đọc)