Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Chuyên Đề
THƯ MỤC TÁC GIẢ

TÌNH MẸ BAO LA

30 Tháng Bảy 201612:20 SA(Xem: 4358)
TÌNH MẸ BAO LA
TÌNH MẸ BAO LA 
HT. Thích Trí Quảng

Hôm nay là mùa Vu lan báo hiếu, chúng ta dành thì giờ nghĩ đến Phật, Bồ-tát, Hiền Thánh Tăng và tất cả những người thân của chúng ta, ông bà, cha mẹ, anh em… Sanh ta ra là cha mẹ và chúng ta lớn lên, trưởng thành nhờ thầy bạn. Vì vậy, chúng ta tưởng niệm họ và gần chúng ta nhất, thân thương nhất là người mẹ. Thuở nhỏ, mới vào lớp vỡ lòng, tôi đã được dạy bài thơ:

Công cha như núi Thái sơn

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Một lòng thờ mẹ kính cha

Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con.

Bài ca dao này thể hiện tinh thần của người Việt Nam không bao giờ quên công cha nghĩa mẹ. Và đến khi vào chùa xuất gia, tôi thường đọc bài sám nói lên lòng hiếu của người con Phật:

Nghe tiếng dế ngâm sầu réo rắt nhớ cha lành ruột thắt từng cơn,

Nghe tiếng ve kêu thảnh thót tợ đờn thương mẹ khổ dường dao cắt ruột.

Bài hát tình mẹ bao la như biển Thái Bình. Biển Thái Bình là một trong bốn biển lớn diễn tả tình mẹ đối với con. Tình mẹ lớn như biển Thái Bình, hay lớn hơn nữa. Tôi nghĩ không có gì so sánh được với tình mẹ thương con, vì chính cái thân của ta có ngày hôm nay là một phần của cha mẹ, nhưng người mẹ là chính, chín tháng người mẹ cưu mang, chúng ta lớn lên trong thai mẹ. Chúng ta có cùng một nhịp thở, cùng một nhịp tim, cùng một nguồn dinh dưỡng với người mẹ. Nói rộng hơn, thân của chúng ta được nuôi từ người mẹ thì gồm có hai phần là vật chất và tinh thần. Phần vật chất không ai phủ nhận được là trong bào thai, từ hơi thở cho đến thức ăn của mẹ nuôi dưỡng chúng ta.

 longme

Với mẹ, con là tất cả

Toàn thân của chúng ta là từ thân của người mẹ truyền sang, nhưng phần tâm của người mẹ ban cho chúng ta quan trọng hơn. Nếu đứa bé sanh ra từ tình thương của người mẹ thì đứa bé cảm thấy an ổn; ngược lại, người mẹ không đầu tư phần tâm của mình cho đứa bé, nó sẽ cảm thấy thiếu thốn; cho nên những đứa trẻ mồ côi thiếu tình thương, dù vật chất có đầy đủ, nó cũng không thấy an lạc. Trong đạo Nho có thầy Tử Lộ nổi tiếng hiếu thảo. Khi còn đi học, thầy vừa học vừa đội gạo mướn để nuôi mẹ, nhưng khi thầy làm quan thì người mẹ đã khuất bóng. Thầy ước gì thời gian quay ngược lại để có mẹ còn hơn làm quan mà không có mẹ.

Tình thương của người mẹ san sẻ một phần cơ thể của mình và quan trọng là người mẹ nuôi chúng ta bằng tình thương, không nề hà bất cứ khổ cực nào, nguy hiểm nào để lo cho con được sung sướng. Có thể nói rằng tình mẹ lớn không gì sánh bằng. Có người sanh ra con, nhưng không có điều kiện nuôi con, họ quá thương con, nên họ tìm cách gởi con để con được sung sướng, như trường hợp Lý Công Uẩn. Mẹ sanh ra ngài trong hoàn cảnh kinh tế quá khó khăn, không nuôi được, mới bế ngài đến chùa. Gặp lúc trời mưa quá lớn khiến bà phải qua đời. Nhưng mạng của ngài lớn quá, nên ngài còn sống. Hòa thượng Lý Khánh Vân nuôi ngài bằng cháo mà vẫn giữ được mạng sống cho ngài.

Từ khi đứa trẻ ở trong bào thai, người mẹ đã dồn hết tình thương cho đứa con, cho nên nó ra đời luôn quấn quít bên mẹ, coi mẹ là chỗ dựa an lành nhất, nó không biết gì khác ngoài mẹ. Bất cứ nguy hiểm gì xảy ra, như nghe tiếng sét đánh, được mẹ ôm trong lòng là đứa con không sợ gì cả. Tình thương của người mẹ vô cùng quan trọng là vậy.

Tâm người mẹ, tình người mẹ thế nào sẽ đầu tư tất cả cho đứa con. Ai làm con cũng cảm nhận được tình thương bao la này. Vì vậy, khi mang thai, tâm người mẹ và bào thai là một, thân của người mẹ và bào thai là một, nếu lúc đó người mẹ gặp chuyện buồn thì sẽ truyền tất cả tâm tư đau buồn này cho thai nhi, nên đứa con sanh ra có nét mặt buồn và dễ nổi cáu. Hoặc khi cha của đứa bé ở ngoài chiến trận, hoặc bị chết thì nỗi nhớ của người mẹ về cha đứa bé rất mãnh liệt khiến cho thai nhi sanh ra có gương mặt giống hệt người cha. Nói chung, đứa trẻ được nuôi dưỡng bằng tình thương của mẹ và cha, nên hình hài và dáng dấp của đứa con thường có những điểm giống cha mẹ.

Vì sự ảnh hưởng mật thiết của người mẹ đối với thai nhi, nên đạo Nho và đạo Phật đều khuyên phụ nữ mang thai nên đầu tư tình thương cho bào thai. Theo đạo Nho, người mang thai được ưu tiên nhất, mẹ chồng không dám rầy mắng nàng dâu vì sợ họ sẽ buồn giận mà trút sự bực tức lên đứa cháu nội và sau này nó sẽ trả thù bà nội. Ngoài ra, phụ nữ mang thai không được đọc sách tà, tiểu thuyết nhảm nhí, bạo lực, vì sợ đầu tư những thứ xấu ác này vào thai nhi. Thậm chí chiếc chiếu trải không ngay thẳng, phụ nữ mang thai cũng không được ngồi.

Phụ nữ mang thai chỉ đọc sách thánh hiền, kinh Phật để thai nhi được ảnh hưởng những điều tốt lành và người mẹ thường xuyên nhìn tượng Phật, Bồ-tát thì những hình ảnh thánh thiện đó sẽ đưa vào tâm người mẹ và truyền sang cho con, đứa con sẽ thấm nhuần đạo thánh hiền; đó là điều quan trọng của việc nuôi con từ trong bào thai. Những đứa trẻ may mắn được giáo dục đúng theo đạo Phật thì sanh ra sẽ là đứa con tốt hiền. Điển hình như mẹ tôi khi mang thai đi với thân phụ lên chùa Bà Tây Ninh được Hòa thượng tặng hình Đức Quan Âm do Hòa thượng vẽ và cuốn kinh Phổ môn. Hòa thượng dạy rằng mỗi ngày cụ thân sinh tôi phải tụng kinh này và mẹ tôi phải lạy Bồ-tát Quan Âm, nhờ đó sanh ra tôi là Hòa thượng.

Giữa ta và cha mẹ có sự gắn liền mật thiết, cho nên tôi đi tu vẫn cảm nhận được cha mẹ nghĩ gì từ trong sâu thẳm tâm hồn. Giữa cha mẹ và ta gần nhau nhất, vì dáng dấp hình hài này của ta là của cha mẹ và trong thế giới tâm linh cũng có sự nối kết với cha mẹ. Vì vậy, chúng ta dễ cảm nhận được cha mẹ mình hiện ở đâu, khổ hay vui, nếu ta lắng lòng, bớt bận rộn bên ngoài; vì cha mẹ thương chúng ta nhất, nên qua đường dây tình thương, chúng ta nhận được tình thương của cha mẹ dù cha mẹ còn hay vắng bóng. Người còn sống trên cuộc đời mà thương ta, nhớ nghĩ đến ta thì tự sâu thẳm trong lòng ta cũng nhận được sự thương nhớ này, dù cho hai người ở cách xa nhau. Thật vậy, có một bà cụ thưa với tôi rằng tự nhiên chiêm bao mơ thấy người con của bà đầy máu trên người. Tôi hỏi con bà làm gì. Bà nói nó đi lính. Tôi cảm giác anh này chết trận và bảo bà phải để tâm cầu nguyện thì một ngày sau, bà nhận được giấy báo tử của người con. Con chết về với mẹ và mẹ chết cũng về với con.

Mối tương quan giữa cha mẹ rất rõ ràng. Cha mẹ vì quá thương ta, phải kiếm tiền để nuôi ta, nên đã tạo tội lỗi và chết phải thọ quả báo. Đọc kinh Địa Tạng thấy mẹ của ngài Địa Tạng lúc sanh tiền bà thương con, nên đã tạo nghiệp ác, bị đọa địa ngục. Ngài Địa Tạng bằng linh cảm nhận biết mẹ mình ở trong cảnh khổ mới cứu mẹ bằng cách cúng dường Đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại Vương. Nhờ công đức đó, mẹ của ngài nhận được một phần công đức là 40% đủ để bà sanh lên Trời Đao Lợi hưởng phước. Nếu người thân chúng ta ở thế giới khổ thì chúng ta cũng khổ. Ngược lại, họ được sanh vào thế giới lành thì lòng chúng ta cảm thấy an lạc, không ray rứt, không còn khổ nữa. Đó là sự giao cảm giữa ta và mẹ qua sợi dây vô hình.

Việc tu của chúng ta là làm cho người thân hết khổ, vì chỉ có ta mang hình hài của cha mẹ và được truyền tâm thức từ cha mẹ, nên chỉ có ta truyền đạt tâm được cho cha mẹ. Vì vậy, chúng ta nghe kinh và lạy Phật thì truyền vào tâm thức chúng ta điều đó và tâm thức này của chúng ta truyền sang tâm thức của cha mẹ, nên họ cũng đồng nghe kinh được như chúng ta; đó là sự kỳ diệu của thế giới tâm linh mà Phật dạy rằng lớn không gì bằng và nhỏ không có vật nào nhỏ hơn. Trong kinh Hoa nghiêm, Phật nói trong cực vi đầu sợi lông, tức trong một hạt bụi nhỏ nhất có thể xuất hiện ba đời mười phương Phật, hay trong thân này của chúng ta liên hệ được với ba đời mười phương Phật là đứng về mặt thiện như vậy và nếu nhìn xuống, trong thân tứ đại của chúng ta cũng có đủ tứ sanh lục đạo; đó chính là thế giới tâm thức. Vì vậy, một người tu đắc đạo có thể đánh thức tất cả người thân phát tâm, gọi là nhứt nhơn thành đạo, cửu huyền thăng. Bằng chứng là tôi tu, mẹ tôi và anh chị, các cháu trong dòng họ cũng quy y, hướng về Tam bảo. Một người tu có kết quả ảnh hưởng đến người thân xung quanh và xa hơn, ảnh hưởng đến người đã qua đời.

Khi chúng ta mới phát tâm Bồ-đề, trong gia đình người thân không ai bằng lòng là vì ta tu chưa có kết quả nên tất yếu phải như vậy. Riêng tôi lúc mới xuất gia, có một người bác là thầy đồ Nho, bố tôi muốn ông này dạy tôi chữ Nho, nhưng tôi bỏ đi tu, ông này ức lắm. Nhưng về sau, ông nghe tôi tu được, trước khi chết, ông nói rằng: “Nếu nó không bỏ tôi đi thì bây giờ không được gì”. Nhiều người tu bị người thân phản đối vì họ nghĩ mình làm việc vô ích, phải làm ăn tranh giành, còn tu thì được gì. Chúng ta phải tu cho có kết quả tốt, người thấy quả này mới phát tâm. Kết quả phải có là tu phải cải tạo được cơ thể, ăn chay, thức khuya, dậy sớm vẫn khỏe mạnh thì người thấy ta được như vậy mới phát tâm. Điều thứ hai là họ sợ chúng ta tu bị khổ, nhưng thấy chúng ta sống trong pháp Phật, lúc nào cũng ung dung tự tại, thanh thản thì họ phát tâm. Còn chúng ta tu sai, bị bệnh, buồn khổ, làm ăn thất bại thì họ nói họ đúng và khuyên chúng ta bỏ tu.

Nhứt nhơn thành đạo là tu cho được kết quả nào đó, người sẽ bắt chước theo ta. Đức Phật cũng vậy, lúc Ngài đi tu, vua Tịnh Phạn và tất cả triều đình phản đối, vì đang sống giàu sang quyền quý mà bỏ đi ăn xin thì ai chấp nhận. Nhưng Ngài thành Phật trở về hoàng cung, vua Tịnh Phạn thấy uy đức của Ngài, liền phát tâm và vua chứng được quả Tu-đà-hoàn. Như vậy, Phật tu trả ơn cho cha là làm cho cha được an lạc và sanh về thế giới lành. Và lúc đó, Phật hướng tâm cầu nguyện cho người mẹ, khiến bà cũng được tái sanh về cung trời Đao Lợi. Tất cả những người liên hệ với Phật còn sống thì đã phát tâm Bồ-đề và người qua đời được về thế giới an lành. Rõ ràng tu hành đạt kết quả là cách trả ơn cao nhất mà Phật đã làm và chúng ta đi đúng theo con đường của Phật cũng được kết quả như vậy.

Còn nghĩ tình mẹ bao la, thương mẹ và nhớ mẹ bị khổ thì ta được gì, mẹ được gì. Như vậy phải biết ơn cha mẹ và trả được ơn cha mẹ, còn chỉ ca ngợi tình mẹ, hoặc chúng ta rầu buồn khóc than thì mẹ chẳng được gì. Có trí tuệ Phật rọi vào, phải biết chúng ta nên làm gì cho cha mẹ. Nếu cha mẹ đã khuất, chỉ còn thần thức thì không còn có khổ thân, chỉ còn khổ tâm, mà cha mẹ thấy chúng ta cũng khổ tâm nữa, tất nhiên làm cho cha mẹ chúng ta càng khổ thêm. Vì vậy, các thầy khuyên Phật tử khi cha mẹ qua đời, đừng khóc thương, làm như vậy không trả ơn được mà còn hại cha mẹ. Lúc đó giữ cho tâm chúng ta thật thanh tịnh thì chính sự thanh tịnh của chúng ta sẽ truyền đạt đến tâm đau khổ của cha mẹ. Cha mẹ nhận được tín hiệu an lạc của chúng ta truyền sang thì cha mẹ sẽ nhẹ đi. Thật vậy, cha mẹ thương con, thấy chúng ta thành đạt, sung sướng sẽ làm cha mẹ vui, lìa khổ. Khổ vui trong tâm thức thuộc vô hình, không thực, nên thay đổi rất nhanh và rất dễ. Tâm thức của chúng ta ngày nay có thể ví như màn hình ảo, chúng ta điều chỉnh tâm thức của mình được an lạc giải thoát thì tâm thức của cha mẹ nối kết với tâm thức ta cũng được an lạc giải thoát theo.

Trong mùa Vu lan, trả hiếu theo Phật, theo Bồ-tát Thánh Tăng, bằng cách chúng ta lắng lòng thanh tịnh để truyền đạt tâm thanh tịnh đó đến người thân khuất bóng đang hướng về ta, thì họ liền nhận được sự an lạc thanh thản. Đó chính là cảnh giới Niết-bàn cho ta và cho người thân thương cùng chung hưởng.

HT.Thích Trí Quảng

(Số Vu Lan 2012 – NSGN)