Đạt Đến Các Tầng Thiền Minh Sát Cao Hơn
Ở tầng Thiền Minh Sát đầu tiên, thiền sinh có được tuệ giác thấy rõ sự sinh diệt mau lẹ của các hiện tượng. Sau khi đạt được tuệ giác này, thiền sinh sẽ tiếp tục vượt lên trên để đạt đến các tầng Thiền Minh Sát kế tiếp.
Tầng Thiền Minh Sát thứ hai
Nếu tiếp tục tinh tấn hành thiền, thiền sinh sẽ không còn suy tư và phản ánh như trước nữa, mà tâm trở nên thuần thục hơn để nhìn các hiện tượng một cách đơn giản và khách quan hơn.
Đến giai đoạn này, thiền sinh chỉ thuần quán sát mà không còn có sự suy tư hay phản ánh như trước nữa. Giờ đây tâm thiền sinh trở nên minh mẫn, sáng suốt. Thiền sinh có thể theo dõi một cách nhanh chóng sự sinh và diệt của các hiện tượng từng thời điểm một. Nhờ tâm chánh niệm liên tục và sắc bén nên sự suy nghĩ tản mạn ít hơn, và cũng không có hoài nghi về sự vô thường, bản chất tạm bợ của thân và tâm. Việc hành thiền lúc bấy giờ trở nên dễ dàng, trôi chảy mà không cần có nhiều cố gắng. Nhờ không cần nhiều cố gắng và không suy nghĩ nên tâm thiền sinh tràn đầy hỉ lạc. Sự thuần chú tâm quán sát và không suy tư nghĩ ngợi này được gọi là tầng tuệ minh sát thứ hai.
Ở tuệ minh sát thứ nhất, thiền sinh còn cần phải có nỗ lực cố gắng và bị nhiều suy nghĩ, trong khi ở tầng thiền thứ hai, thì thiền sinh thấy các hiện tượng sinh diệt một cách rõ ràng. Tâm tràn đầy hỉ lạc. Đức tin và sự an lạc trở nên mạnh mẽ.
Những Nguy Hiểm Của Đức Tin, Tĩnh Lặng, Hỉ và Lạc
Tâm có thể trở nên rất tinh tế và định tâm sâu xa. Sự định tâm sâu xa này dẫn đến một đức tin trong sáng, rõ ràng. Đức tin này phát sinh từ kinh nghiệm cá nhân. Đức tin này cũng đưa đến một sự tin tưởng vững chắc rằng nếu tiếp tục hành thiền thì sẽ đạt được những lợi ích mà Đức Phật đã nói đến và thiền sư đã dạy.
Hỉ và lạc (cả thân lẫn tâm) cũng trở nên mạnh mẽ trong giai đoạn này. Khi thiền sinh đạt được tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thông thường, thiền sinh thường bị dính mắc vào những sự an lạc kỳ diệu của tâm. Thiền sinh sẽ cảm nhận được sự yên lặng, tịch tịnh vô biên cao tột chưa từng có. Nhiều thiền sinh cho rằng mình đã đắc đạo. Gặp trường hợp như vậy thì kỳ vọng tiến bộ sẽ ra khỏi tầm tay. Thiền sinh sẽ gặp nhiều trường hợp mà Đức Phật đã đề cập đến là tâm cô đọng bên trong.
Khi bạn có những cảm nhận hay kinh nghiệm đặc biệt, thì hãy lấy đó làm đề mục để niệm thầm hay ghi nhận. Hãy tỉnh thức chánh niệm sự hỉ lạc, đức tin, sự thanh tịnh và những trạng thái khác. Tất cả các trạng thái đó đều chỉ là những tâm sở, mà các tâm sở cũng bị luật vô thường chi phối. Nếu trong khi ghi nhận chúng mà bạn thấy rằng mình đã dính mắc vào chúng thì hãy tức thời cắt đứt sự dính mắc này bằng cách quay về đề mục chính của mình, đó là chuyển động của bụng. Chỉ như thế thì sự tiến bộ của bạn mới liên tục, vững chắc, và bạn mới có thể nếm được hương vị ngọt ngào của đạo quả giải thoát.
Thiền sư phải tinh ý để giúp đỡ các thiền sinh đang ở trong tình trạng này. Thiền sinh thường quá phấn khích bởi những kinh nghiệm tốt đẹp mà mình đã đạt được khiến cho họ có khuynh hướng chống lại hay bỏ qua những lời khuyên dạy của thiền sư nếu như những lời khuyên dạy này có vẻ đánh giá thấp những gì mà thiền sinh đã đạt được. Gặp những trường hợp như vậy, thiền sư đừng nói gì nhiều cả mà chỉ nói một cách nhẹ nhàng: "Việc hành thiền của bạn đang tiến triển, tuy nhiên, những gì bạn thấy được trong khi hành thiền chỉ là những điều tự nhiên. Hãy tiếp tục thì bạn sẽ kinh nghiệm được nhiều điều kỳ thú hơn bây giờ. Vậy thì hãy chánh niệm, ghi nhận mọi trạng thái mà bạn gặp phải để có thể đạt được những kinh nghiệm tốt đẹp hơn".
Nghe theo những lời chỉ dẫn này, thiền sinh tinh tấn ghi nhận những hiện tượng xảy ra như ánh sáng, đức tin, hỉ, lạc, an tịnh, thoải mái, v.v... Điều này khiến thiền sinh ý thức được rằng sự chánh niệm ghi nhận một cách đơn giản chính là lối thực hành đúng đắn.
Tầng Thiền Minh Sát thứ ba
Hỉ, lạc dần dần sẽ biến mất, nhưng chánh niệm và chánh định sẽ thâm sâu hơn, rồi trí tuệ thấy rõ bản chất thật sự của những gì đang xảy ra sẽ trở nên vô cùng mạnh mẽ. Tại thời điểm này, xả giác chi sẽ trội hẳn hơn cả. Tâm sẽ không lay động trước những đối tượng vừa ý cũng như những đối tượng không vừa ý, và một cảm giác dễ chịu tràn ngập thân tâm. Lúc bấy giờ thiền sinh có thể ngồi thật lâu mà chẳng thấy đau nhức chút nào. Cơ thể trở nên thanh tịnh trong sáng, nhẹ nhàng và khoan khoái. Đó là tầng Thiền Minh Sát thứ ba.
Trong tầng thiền này chỉ còn có hai thiền chi là lạc và nhất tâm. Tầng Thiền Minh Sát thứ ba sẽ phát sinh khi tuệ sinh diệt chín mùi. Việc chuyển từ tầng thiền thứ hai sang tầng thiền thứ ba là một bước ngoặc quyết định trong việc hành thiền. Con người thường hay dính mắc vào những gì thường gây ra kích thích, hồi hộp, say sưa. Đó là những cảm giác kích động tâm. Hỉ là một trong những lạc thú mang tính chất kích động. Nó tạo nên những gợn sóng hay chấn động trong tâm. Đây chỉ là giai đoạn trung gian chuyển tiếp, do đó, khi trải qua giai đoạn này thì nỗ lực chánh niệm một cách tinh tế, tỉ mỉ bởi vì bao lâu thiền sinh còn dính mắc vào hỉ thì thiền sinh không thể tiến tới giai đoạn trưởng thành, tức là không thể có được một hạnh phúc êm đềm đến từ sự bình an tĩnh lặng.
Hạnh phúc cao tột
Trong kinh điển có kể chuyện về con bò mẹ đang cho bê con bú, và so sánh chuyện này đến bước chuyển tiếp từ giai đoạn thứ ba sang giai đoạn này. Người nuôi bò phải biết cho bò con thôi bú sớm để có thể lấy sữa bò xử dụng vào những mục đích khác. Chú bê cũng như tầng thiền thứ hai được nuôi dưỡng bằng hỉ. Bò mẹ là tầng thiền thứ ba, và người uống sữa tươi ngon, ngọt ngào, bổ dưỡng giống như thiền sinh thoát qua khỏi giai đoạn dính mắc vào lạc.
Cái hạnh phúc và an lạc mà thiền sinh đã thưởng thức trong tầng Thiền Minh Sát thứ ba là hạnh phúc cao tột do việc hành thiền đem lại. Hạnh phúc này ngọt ngào tuyệt diệu, tuy nhiên thiền sinh vẫn có thể giữ vững tâm xả thọ, an nhiên, tự tại, quân bình khi ở giai đoạn này mà không bị dính mắc.
Mặc dù đang ở trong giai đoạn tốt đẹp như vậy, thiền sinh cũng phải kiên trì giữ tâm chánh niệm quán sát đề mục làm sao để cho sự an lạc của thân và tâm cũng như sự bén nhạy và trong sáng của tuệ giác nội quán không biến thành những luyến ái và dính mắc vi tế. Bởi thế, khi nhận thấy rằng trí tuệ nội quán của mình trở nên bén nhạy, rõ ràng, kỳ diệu, thì phải ghi nhận. Khi bạn ghi nhận một cách hoàn toàn chánh niệm trên các đối tượng xảy ra và không để chúng vượt khỏi màn bạc tâm giới, nghĩa là không để thoát khỏi sự kiểm soát của tâm, thì sự luyến ái sẽ ít khởi sinh.
Sự diệt của các hiện tượng: An lạc biến mất
Tuệ thứ ba được gọi là hạnh phúc tối đa bởi vì các tuệ kế tiếp không còn hạnh phúc nữa vì mỗi khi bạn ghi nhận hiện tượng một cách chánh niệm liên tục, bạn sẽ vượt qua tình trạng thấy được sự sinh diệt để chỉ còn thấy mỗi sự diệt mà thôi. Vào lúc này thì giai đoạn đầu và giai đoạn giữa của đối tượng không còn rõ ràng nữa. Thiền sinh chỉ thấy một sự biến mất liên tục của các hiện tượng. Vừa mới ghi nhận thì hiện tượng lại biến mất.
Thường thường dường như bạn không thấy thân thể nữa, mà chỉ thấy thuần hiện tượng, hiện tượng biến mất liên tục. Thiền sinh sẽ có khuynh hướng u sầu buồn bã, ưu tư, thân tâm bất an, cuồng loạn, không những do thiền sinh thấy mình thiếu hẳn sự an lạc mà còn do sự biến mất một cách nhanh chóng của mọi hiện tượng. Hiện tượng xảy ra chưa kịp ghi nhận đã biến mất, để lại một khoảng trống không khiến thiền sinh bàng hoàng sửng sốt, rồi những hiện tượng kế tiếp cũng diễn ra như vậy.
Giờ đây, các khái niệm về sự chế định hay còn gọi là tục đế không còn gọi là rõ ràng nữa. Thiền sinh có thể vừa ghi nhận được chân đế là những thực tế phi khái niệm của đối tượng, thấy rõ bản chất của đối tượng, đồng thời thiền sinh cũng thấy được khái niệm chế định về hình thể như tay, chân, mặt, mũi, đầu, bụng, v.v... Khi tuệ giác này trở nên mạnh mẽ, thiền sinh thấy sự diệt một cách cực kỳ nhanh chóng hơn nữa. Lúc bấy giờ khái niệm về sự chế định biến mất. Khi một hiện tượng phát sinh, thiền sinh không còn biết nó nằm ở chỗ nào trên cơ thể mà chỉ thấy một sự tan biến liên tục.
Trước tình huống này, thiền sinh có thể khóc tức tưởi và băn khoăn tự hỏi, "Trời đất ơi, chuyện gì xảy ra thế này? Việc hành thiền của ta đang tốt đẹp biết chừng nào, giờ đây tiêu tan hết tất cả. Phí biết bao là công sức, nỗ lực, để cuối cùng là thế này đây. Ta chẳng thể kiểm soát được gì cả, cũng chẳng thể ghi nhận được tí gì". Lúc bấy giờ, sự tự trách, bất mãn, buồn bã đầy ắp tâm bạn. Rõ ràng là chẳng có gì an lạc thoải mái cả.
Nhưng bạn cứ yên tâm, vì cuối cùng, tình trạng này rồi cũng biến mất, và bạn sẽ cảm thấy yên bình, thoải mái ở bước tiến bộ mới. Bạn hãy bình tĩnh, tự nhiên tiếp tục xem xét mọi hiện tượng xảy ra. Giai đoạn tiến bộ này gọi là sự thấy được sự diệt của các hiện tượng hay tuệ diệt. Tuệ này có một đặc tính thú vị là chẳng có sự an lạc của thân và tâm, cũng chẳng thấy đau nhức khó chịu xảy ra. Tâm ở vào trạng thái trung trung, chẳng buồn mà chẳng vui.
Tầng Thiền Minh Sát thứ tư
Trong quá trình trưởng thành, thuần thục của tuệ giác thấy sinh diệt, thì hỉ của tầng thiền thứ hai đem đến sự an lạc thoải mái cho tầng thiền thứ ba. Hỉ đầy phấn khích lúc ban đầu được thay thế bằng một cảm giác bình an nhẹ nhàng. Khi sự an lạc biến mất ở tầng tuệ thấy được sự diệt, tâm cũng vẫn an lạc thoải mái, không có gì khó chịu cả. Tiếp theo từ tầng thiền thứ ba dẫn đến tầng thiền thứ tư. Đặc tính của tầng thiền thứ tư này là tâm đạt trạng thái xả, và có sự nhất tâm, chuyên chú vào đề mục.
Thái độ xả đối với mọi pháp trần
Khi tâm không vui, không buồn, không thoải mái và cũng không khó chịu, thì lúc đó, tâm xả phát sanh. Tâm xả có một sức mạnh kỳ diệu phi thường để quân bình tâm. Trong trường hợp này, tâm xả được gọi là tatra majjhattatta. Trong sự quân bình này, tâm trở nên hoàn toàn thanh tịnh, vắng lặng, chính xác và sắc bén. Tâm có thể thấy rõ những khía cạnh rất vi tế của các hiện tượng. Đây là chuyện khó tin nhưng hoàn toàn có thật. Tâm len lỏi đi vào từng ngóc ngách hết sức vi tế của chuyển động. Thật ra thì đặc tính tatra majjhattatta, hay trung tánh hoặc là xả này ở các tầng thiền trước cũng có, nhưng ở trong tầng thiền thứ nhất, thứ nhì và thứ ba nó bị che khuất bởi các tâm sở vượt trội khác, giống như mặt trăng giữa ban ngày thì không thể sánh với ánh sáng mặt trời được.
Tóm Lược Bốn Tầng Thiền Minh Sát
Ở tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, khi thiền sinh thấy được vô thường, khổ não, vô ngã, sự quân bình chưa được hoàn toàn phát triển. ở tầng thiền này, tầm và tứ mạnh mẽ. Tuy nhiên, sự hướng tâm và áp đặt tâm trên đề mục vẫn chưa hoàn hảo mà còn nhiều sự suy nghĩ.
Trong tầng Thiền Minh Sát thứ hai, khi thiền sinh thấy được sự sinh diệt của các hiện tượng, sự kích thích, phấn chấn, say mê vẫn còn che lấp tâm xả (tầm, tứ được loại bỏ chỉ còn lại hỉ, lạc và nhất tâm).
Ở tầng Thiền Minh Sát thứ ba, thiền sinh vẫn ở trong tuệ sinh diệt nhưng tuệ giác này mạnh mẽ hơn, có một sự an lạc, thoải mái, hạnh phúc ngọt ngào tuyệt diệu vô biên, nên tâm xả cũng chưa có điều kiện để hé lộ (tầm, tứ, hỉ được loại bỏ chỉ còn lạc và nhất tâm).
Trong tầng Thiền Minh Sát thứ tư, khi mà sự an lạc thoải mái dễ chịu dần dần tan biến và nhường chỗ cho cảm giác vô ký, không vui, không buồn, không yêu, không ghét, thì sự quân bình có cơ hội hiển bày. Đây là lúc thiền sinh thấy rõ sự diệt của các hiện tượng (tầm, tứ, hỉ, lạc biến mất chỉ còn nhất tâm và xả). Lúc bấy giờ, cũng như ánh sáng ban ngày đã lịm dần, bóng đêm bắt đầu bao phủ vạn vật. Nhưng trăng rằm xuất hiện, chiếu rạng cả bầu trời.
Kế tiếp sau tuệ diệt là những dấu hiệu của tâm sợ hãi, chán ghét, có ý muốn thoát ly. Mặc dù lúc này tâm ở trạng thái xả, nhưng sự xả chưa đủ mạnh. Tâm xả chỉ thật sự mạnh mẽ khi đạt được tuệ xả thọ đối với các pháp trần.
Đến giai đoạn này, việc hành thiền đã lên đến mức độ thâm sâu. Lúc bấy giờ, thiền sinh sẽ thấy rõ mọi diễn biến của các hiện tượng diễn ra một cách nhẹ nhàng, êm ái. Tâm bây giờ rất tinh nhạy. Nó có thể di động một cách nhanh chóng và dễ dàng để chụp lấy đối tượng trước khi tâm bị quấy nhiễu bởi sự vui, buồn, yêu, ghét. Bởi thế, ái dục và sân hận không có cơ hội đầu độc tâm. Những đối tượng thông thường rất khó chịu, hay những đối tượng gây cảm giác kích thích, say sưa, hồi hộp cũng chẳng ảnh hưởng gì đến tâm bởi vì cả sáu căn đều có sự quân bình xả thọ tốt đẹp, nên được gọi là lục căn xả thọ.
Ở giai đoạn này, tâm chánh niệm nhận thức rất tinh tế. Tiến trình chuyển động qua sự ghi nhận của thiền sinh bấy giờ chỉ là những sự rung động. Tiến trình chuyển động vỡ ra từng mảnh và tan biến. Nếu thấy như vậy, bạn thử niệm ngồi, và trong khi niệm ngồi, chú ý đến toàn thể tư thế ngồi hoặc có thể niệm đụng và chú tâm đến một vài điểm đụng ở bàn tọa, đầu gối. Khi chú tâm vào sự ngồi hoặc các điểm đụng trên, bạn cũng không có những ý niệm gì về cơ thể. Cơ thể lúc ấy dường như biến mất. Bạn chỉ thấy toàn là sự diệt mà thôi.
Vì không còn ý niệm về thân và không nhận ra được các hiện tượng của cơ thể, nên bệnh hoạn và đau nhức cũng mất. Cả sự ngứa ngáy và nhột nhạt cũng không còn. Bấy giờ chỉ còn lại tâm ghi nhận sự biến mất của thân, và lúc bấy giờ, thiền sinh hãy lấy tâm ghi nhận này làm đề mục và niệm 'biết, biết, biết.' Trong khi đang ghi nhận như vậy, có lúc sự nhận biết bắt đầu lay động, dường như nhơm nhớm muốn biến mất nhưng lại thôi. Vào lúc đó, tâm rất sáng suốt và cực kỳ nhạy bén. Tâm ở trạng thái cực kỳ quân bình này được xem như tâm của một vị A La Hán, là tâm an nhiên tự tại không rung động khi tiếp xúc với các đối tượng hiện ra trên màn bạc tâm giới.
Tuy nhiên, dù bạn có đạt được trạng thái này trong khi hành thiền, bạn cũng chưa phải là một vị A La Hán đâu, bởi vì ở ngay trạng thái đó, và ngay giây phút chánh niệm đó, bạn mới có tâm giống như tâm của một vị A La Hán mà thôi.
Ở mỗi tầng Thiền Minh Sát đều có những loại an lạc hạnh phúc khác nhau. ở tầng Thiền Minh Sát thứ nhất, thiền sinh cảm nhận được hạnh phúc của sự ẩn cư. Thiền sinh xa lánh được phiền não. Tâm thiền sinh được an trú vào một nơi an toàn, khỏi mọi chướng ngại và phiền não. ở tầng Thiền Minh Sát thứ hai, thiền sinh cảm nhận được sự hạnh phúc của sự định tâm, sự tập trung tâm ý tốt đẹp đem lại hỉ và lạc. ở tầng thiền thứ ba thì hỉ bị loại bỏ, chỉ còn hạnh phúc của sự an lạc thoải mái. ở tầng thiền thứ tư, tầng thiền cuối cùng, thiền sinh sẽ cảm nhận được hạnh phúc của trí tuệ. Dĩ nhiên, tầng thiền thứ tư là tầng thiền có hạnh phúc tốt đẹp và cao tột nhất. Tuy nhiên, cũng như ba tầng thiền đầu, hạnh phúc vẫn còn nằm trong thế giới của nhân duyên, thế giới của điều kiện. Chỉ khi nào thiền sinh vượt qua thế giới điều kiện này, lúc ấy mới đạt được chân an bình, hạnh phúc. Hạnh phúc này, tiếng Pẻẩi gọi là santisukha, có nghĩa là hạnh phúc tịch tịnh. Hạnh phúc tịch tịnh chỉ đến khi đối tượng của thiền và các hiện tượng của danh sắc cũng như tâm ghi nhận đều hoàn toàn dừng lại.
Mong rằng các bạn có thể nếm được hương vị của bốn loại hạnh phúc khởi sanh trong bốn tầng Thiền Minh Sát . Đồng thời, cũng cầu mong các bạn tiếp tục theo đuổi chí hướng của mình để thưởng thức hương vị của hạnh phúc cao nhất, đó là hạnh phúc Niết Bàn.