Chương 3: Tôn Giáo Đã Tạo Nên Một Đất Nước Sri Lanka

05 Tháng Tám 20161:12 CH(Xem: 3372)
Chương 3: Tôn Giáo Đã Tạo Nên Một Đất Nước Sri Lanka
Nguyên cứu Phê bình
LỊCH SỬ PHẬT GIÁO SRI LANKA THỜI KỲ ĐẦU
Chủ biên: Giáo Sư Dhammavihari Thera
Thích Huệ Pháp dịch
Nhà xuất bản Phương Đông

CHƯƠNG 3
TÔN GIÁO ĐÃ TẠO NÊN MỘT ĐẤT NƯỚC SRI LANKA

kinh nghiệm quá khứ tạo ra hướng dẫn cho tương lai

Qua bài viết này, tôi muốn nó trở thành một bài nghiên cứu đánh giá về lịch sử, liên quan tới một vùng đất đặc biệt Sri Lanka, truy nguyên về quá khứ xa nhất có thể để có thể thấy rõ điểm bắt đầu của hơn 23 thế kỷ trước.


Giới thiệu về những quan điểm và cách tiếp cận của Phật giáo

Theo gót Phật giáo, vừa là một tôn giáo, vừa là một triết học, chúng ta càng bị thuyết phục hơn rằng tôn giáo phải thực sự điều chỉnh và tổ chức cuộc sống của người thế tục tốt hơn, liên quan đến những gì mà họ làm ngay trong hiện tại, và cũng liên quan đến những gì họ tạo ra và quyết định cuộc sống của họ ở kiếp sau. Đối với chúng ta, đây là nhân tố tuyệt đối cần thiết của tôn giáo. Đối với người Phật tử, khái niệm về thần thánh không phải là một khái niệm chính. Điều quan trọng nhất chính là sự thoát khỏi trần tục, thoát khỏi khổ đau ở thế giới ngay đây và mãi mãi. Đó chính là một thứ tôn giáo mà tôi giới thiệu đến các bạn trong bài viết này.

Điều này tính đến cả niềm tin về tôn giáo và triết học của con người ở một cuộc sống xa hơn. Phân tích những giá trị để đánh giá cuộc sống của con người phải được mở rộng hơn bao gồm cuộc sống hằng ngày của họ. Những gì con người làm trong cuộc sống hằng ngày và cách con người đạt được điều đó, cách con người chăm sóc và nuôi dưỡng con cái thậm chí chúng được sinh ra từ ống nghiệm; các mối quan hệ gia đình, xã hội của một cá nhân đối với một cá nhân khác; mô hình và phương thức hoạt động của chính phủ; thái độ của chính phủ đặc biệt đối với trẻ em và phụ nữ, không quên quan tâm đến người già và tu sĩ tôn giáo trong cộng đồng.

Tựa đề: Tôn giáo tạo nên một đất nước Sri Lanka, đó là một sự thật không thể chối cãi, ngay khi Phật giáo được truyền bá đến đất nước Sri Lanka trong thời kỳ vua Devānampiya Tissa (vào khoảng năm 247 – 207 trước Tây lịch), nghĩa là hơn 23 thế kỷ trước đây. Trong số các tài liệu mà chúng tôi dùng để nghiên cứu bài viết này, có hai quyển lịch sử nổi tiếng của Sri Lanka đó là Đại sử và Đảo sử được ghi chép vào khoảng thế kỷ thứ 5 sau Tây lịch, chiếm một vị trí rất quan trọng. Những điều ghi chép trong hai bộ này không quá khác biệt về mặt hư cấu huyền thoại với hai bộ sách nghiên cứu của Nhật bản là Kojiki và Nihongi. Hai bộ này pha trộn đáng kể sự thật lịch sử với truyền thuyết huyền thoại ly kỳ hấp dẫn, khiến nó đôi khi bị méo mó sai với sự thật. Lấy một đoạn về truyền thuyết có trong bộ Đại sử, nói rằng đức Phật đã thân chinh lần đầu tiên tới đảo quốc Sri Lanka trong chín tháng sau khi Ngài giác ngộ[1]. Trong khi đó theo Đảo sử[2], thời gian này ở Sri Lanka là thời kỳ đồ đá săn bắn, con người sống chủ yếu hoang dã. Người ở đây được gọi là Dạ xoa - Yakkhas, một loại phi nhân thậm chí không biết tạo ra lửa và vì thế, họ ăn thịt sống, đầy máu. Chứng tích này hiện vẫn còn lưu giữ trong những hang động cổ ở Sri Lanka, như ở vùng Balangoda, có di tích về việc dân cư trước đây sinh sống.

Lúc này xứ sở Laṅkā có rừng bao la, rất kinh khiếp, có nhiều loại dạ-xoa vô cùng ghê rợn, tàn bạo, khát máu[3].


Nó dành cho các nhà sử học, đặc biệt là các nhà sử học của ngày hôm nay, những người muốn can thiệp vào lịch sử trong khi vẫn duy trì quyền lợi của sử học trong lĩnh vực nghiên cứu riêng của họ như nhân chủng học và xã hội học, xử lý những ám chỉ với sự khéo léo chuyên nghiệp, cũng như những khách quan cao quý và vững mạnh, sự hiểu biết hợp lý tiến độ của một dân tộc. Tác giả Đại sử nhiều lần nói rằng ông đã biên dịch tác phẩm này vì lợi ích tạo ra niềm vui thanh thảnh và cảm xúc rung động trong tâm trí của những người tốt, tức là người dự định đọc nó. Điệp khúc này được ghi tại mỗi cuối chương. Học cách đọc sách lịch sử của chúng tôi, đánh giá cao tinh thần trong đó họ dự định để đọc. Đừng đọc như kiểu sơn phết lên xác động vật chết của các tay lái thịt.


Những nhà viết sử đều công nhận và đoan chắc rằng nhiệm vụ chính của Phật giáo là người chuyên chở văn hóa. Họ ghi chép, như là những nhân chứng, những tác động của Phật giáo trong khía cạnh đạo đức – xã hội của đời sống người Sri Lanka. Phật giáo thiết lập một mô hình chính phủ nhân từ và đức hạnh cả trong hai hình thức chính phủ dân chủ và chính phủ xã hội (của chế độ quân chủ hay chế độ cộng hòa). Chính phủ đó sẽ đưa ra những luật lệ mang tính đạo đức để bảo vệ dân chúng, còn dân chúng ngược lại được sự bảo vệ của luật pháp đạo đức đó, học tập theo đạo đức đó. Các nhà ghi chép lịch sử tin rằng, nông nghiệp là nền kinh tế chủ đạo của đảo quốc này, bởi nó phù hợp với chánh nghiệp, một trong tám con đường chánh mà đức Phật đã thuyết.


Họ xa lánh những nghề nghiệp có liên quan đến việc tàn phá các hình thức sống, làm thương tổn đến sức khỏe con người và tổn hại đến môi trường như: săn bắn, giết mổ; những sản phẩm thuộc về rượu, ma túy; sản xuất thuốc nổ, súng ống, và những ngành nghề hạ thấp phẩm giá của con người như nô lệ và mại dâm. Phật giáo đặc biệt ngăn cấm điều này (hạ thấp phẩm giá con người – ND). Các nhà làm chính sách ở vị trí cao nhất phải chú ý đến những gì họ có thể ban hành và những gì không được ban hành, trong phạm vi văn hóa mà họ đang thừa kế. Phải lưu tâm và chịu trách nhiệm những hậu quả phát sinh do chính sách mà họ ban hành. Trong bài viết này, chúng ta tự hào xem xét rằng, Phật giáo chính là một tôn giáo đã, đang và sẽ là nhân tố thiết yếu cho nghệ thuật lãnh đạo đất nước.


TIỀN PHẬT GIÁO SRI LANKA – LỊCH SỬ VÀ MÔ HÌNH VĂN HÓA


Chúng ta có mọi lý do để tin rằng trước khi Phật giáo truyền bá chính thức tới đảo quốc Sri Lanka, người dân của quốc gia này hẳn đã biết chút ít về đức Phật và giáo pháp của Ngài. Những con thuyền từ cả hai hướng đông và tây của bắc Ấn Độ để làm ăn buôn bán chắc chắn đã đến một trong những hải cảng nằm ở phía tây Sri Lanka như hải cảng Māntoṭa hoặc Mannar ngày nay. Có những dữ liệu được hỗ trợ bởi các nguồn từ Trung Quốc, nói rằng, những chuyến tàu từ Sri Lanka với hải trình cả hai ba năm, đến những vùng đất như Trung Quốc để giao dịch hàng hóa và con người. Và dĩ nhiên điều này cũng sẽ xảy ra đối với đất nước láng giềng Ấn Độ và điều này tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn truyền giáo của Tôn giả Mahinda đến đất nước Sri Lanka này.


Biên niên sử không giới thiệu về phương diện văn hóa của Sri Lanka trước khi Phật giáo xuất hiện. Nó dường như đã có một chặng đường dài trải qua. Một số văn bản bán huyền thoại, bán chân thực mô tả vùng đất này, giai đoạn đầu là nơi sinh sống của người nguyên thủy. Tên thông dụng thường để gọi cho nhóm người này là Dạ xoa, thường được gọi quỷ Dạ xoa, từ này thường dùng để chỉ loại người thuộc nhóm văn hóa thấp kém. Sự hiện diện của họ như là mang đến bạo lực và kinh tởm. Các tên như Đạm tinh quỷ (Pisāca) và La sát (Rakkhasa) được dùng để chỉ cho cư dân thời kỳ đầu ở vùng đất này.


“Và có các hung thần hiểm ác tàn bạo quấy nhiễu với nhiều hình thức. Dầu có khuynh hướng khác nhau, tất cả đã hội tụ lại sống chung thành đoàn. Ta – Đức Phật - sẽ đi đến nơi ấy ở giữa chúng rồi gây khó khăn cho các hạng ác thần. Khi các hung thần này đã bị dời đi, loài người sẽ trở thành chủ nhân.[4]


Những tên riêng của các vị thần cùng nhóm của chúng như là thần săn bắn (Vyādha deva) thì rõ ràng không thể chối cãi vị trí văn hoá của họ, thấp hơn hẳn so với văn hoá đô thị phát triển. Ngay cả thiên vương Vessavaṇa[5]một vị vua của các vị thần cổ Ấn Độ (cũng xuất hiện trong thần thoại Phật giáo thời kỳ đầu của Ấn Độ, xem kinh Āṭānāṭiya trong Trường bộ kinh III. 194 ff.) được khắc hoạ như là một vị thần mà cư dân cổ của xứ Sri Lanka tôn thờ. Trong Đại Vương Thống Sử có đề cập nhiều về tính cách của các loài quỷ Dạ xoa, cả hai loại Dạ xoa nam và nữ, chúng dường như đã từng được dân chúng thời kỳ đó tôn thờ. Các loài quỷ Dạ xoa này không nghi ngờ gì đã xuất hiện và có mặt trong nhận thức của người dân Sri Lanka này. Chúng có nguồn gốc ở trong nước cũng như một số ở nơi khác đến.


“Đức vua làm một chỗ cư ngụ cho Dạ xoa Kāḷavela ở miền đông của thành phố, Dạ xoa Cittarāja ở chỗ dưới cùng của hồ Abhaya, người nữ nô lệ giúp đỡ vị ấy và đã tái sanh làm một nữ Dạ xoa, vị vua có lòng biết ơn ấy đã làm chỗ cư ngụ cho nàng ở cổng phía nam của thành phố. Trong khuôn viên của hoàng cung, vua sai làm nhà cho nữ Dạ xoa mang hình tướng con ngựa cái. Hàng năm đức vua sai dâng những lễ vật đến họ và những Dạ xoa khác”.[6]


“Cùng với Kāḷdeva và Cittarāja, là những Dạ xoa trong hình tướng có thể thấy được”.[7]


PHẬT GIÁO QUA NHỮNG ĐOÀN TRUYỀN GIÁO CỦA ĐỨC VUA ASOKA ĐỐI VỚI THỜI ĐẠI NGƯỜI DÂN SRI LANKA


Từ giai đoạn đầu của các khu định cư nông thôn, chứ không phải thời nguyên thuỷ, Sri Lanka dường như có những bước tiến lớn đối với sự phát triển của văn hoá đô thị vào thời Phật giáo đến đất nước này. Những thành phố lớn, nhỏ được xây dựng liên tiếp nhau phù hợp với thiên nhiên. Những kỹ năng về nghệ thuật và kiến trúc đã được sử dụng rộng rãi. Cuộc sống ở thành thị hoà nhập với cuộc sống ở nông thôn. Các nhà lãnh đạo đất nước và người dân dường như đã có được mối liên hệ gần gũi với nhau. Nhiều lễ hội mà ở đó người dân tự mình tham gia vui chơi đã trở thành nét thường xuyên của đời sống cư dân đảo quốc này.


Điểm đến của Tôn giả Mahinda ở Sri Lanka, lúc Ngài mang thông điệp Phật giáo của vua cha Asoka, được giới thiệu trong Đại vương Thống sử như sau:


“Vua Devānaṃpiya Tissa đã tổ chức lễ rảy nước cho cho dân chúng thành phố, rồi đi vào rừng thưởng thức thú vui săn bắn”.[8]


Điều này khá hợp lý chỉ ra rằng vào thời gian đó, người dân Sri Lanka đã xây dựng được đỉnh điểm của văn hoá đô thị và có cuộc sống thịnh vượng (ít nhất là vào thời điểm biên dịch Đại sử trong thế kỷ thứ 5 Dương lịch). Đức vua chính Ngài đã hiện diện để khai mạc những lễ hội này để dân chúng tham gia vui đùa múa hát. Người ta cũng nói rằng, một số người đáng kể đã theo chân đức vua đi săn bắn (chúng tôi cho rằng con số 40 ngàn người có lẽ là một con số phóng đại, hoang đường). Những lễ hội này được tổ chức thường xuyên. Nó cũng diễn ra vào thời điểm Tôn giả Mahida tới Sri Lanka và Tôn giả bất ngờ gặp đức vua vào giữa kỳ lễ hội, đặc biệt là ở hành động của vua về cuộc săn hươu, với điều này rõ ràng không tương thích với làn sóng văn hoá mới đang đến.


Nói về làn sóng văn hóa mới và những ảnh hưởng của làn sóng này đối với thế giới, chúng ta hãy đọc tác phẩm kinh điển của cựu thủ tướng Ấn Độ Sri Jawaharlal Nehru, tác phẩm ‘Khám phá Ấn Độ’ đáng chú ý như sau:


“Phật giáo truyền bá một cách nhanh chóng trong toàn cõi Ấn Độ, từ Kashmir (phía bắc Ấn Độ đến Ceylon (Sri Lanka ngày nay). Phật giáo thâm nhập vào Nepal, sau đó tiếp cận Tây Tạng, Trung Quốc và Mông Cổ. Ở Ấn Độ, một trong những kết quả mà tôn giáo này mang lại là số người ăn chay tăng lên, số người uống rượu bia đã giảm đáng kể”.[9]


BÌNH MINH CỦA MỘT NGÀY MỚI TRÊN ĐẤT NƯỚC SRI LANKA


Tôn giả Mahinda trong một đoạn đối thoại rất ngắn gọn với đức vua, được ghi chép, đã nhận ra rằng, đức vua là một người có năng lực trí tuệ sắc bén. Không khó khăn lắm, Tôn giả đã chuyển tải một bài pháp cho đức vua và đoàn tuỳ tùng một trong những bài pháp rất thâm thuý của đức Phật. Bài pháp tên là Cullahatthipadopama Sutta[10](Tượng tích dụ tiểu kinh). Thông qua bài kinh này, dường như với sự giải thích của Tôn giả đã giúp cho đức vua thông hiểu trọn vẹn nghĩa lý và sau đó đức vua đã trở thành người Phật tử kiên trung của Phật giáo.


Tư chất thông minh của người Sri Lanka, đặc biệt là nữ giới trong hoàng gia, đã lĩnh hội được nghĩa lý cơ bản của một tôn giáo mới. Điều đó cho thấy văn hóa của người Sri Lanka trong thời gian đó thật là đáng nể, đáng kinh ngạc. Công nương Anulā, là vợ của người em đức vua, cùng với 500 cung phi đến đảnh lễ Tôn giả Mahinda, lắng nghe Tôn giả thuyết về Petavatthu (Ngạ quỉ sự), Vimānavatthu (Thiên cung sự) và Saccasamyutta (Đế tương ưng) và các nữ nhân này đã chứng tầng thánh thứ nhất[11].


Sử sách cũng ghi lại rằng, sau đó công nương đã cùng với 500 cung phi xin phép đức vua xuất gia làm tỳ kheo ni trong giáo đoàn của Tôn giả Mahinda.


“Và hoàng hậu Anulā cùng với năm trăm nữ tỳ của bà tâu với vua rằng: "Chúng tôi muốn thọ phép xuất gia, tâu bệ hạ”.[12]


Vào đúng thời cơ này, đức vua chấp nhận cầu xin của Công nương Anulā và nhanh chóng xúc tiến việc thành lập Ni đoàn ở Sri Lanka. Theo lời hướng dẫn của Tôn giả Mahinda, đức vua đã gởi lá thư cho hoàng đế Asoka đề nghị được mời Trưởng lão ni Saṅghamittā, em gái của Tôn giả Mahinda, đến Sri Lanka để làm lễ thọ giới cho Công nương Anulā và các cung phi theo đúng với truyền thống giới luật Phật giáo. Trưởng lão ni Saṅghamittā cùng đi với chư vị tỳ kheo ni và đã mang một nhánh cây Bồ đề thiêng liêng từ Ấn Độ đến Sri Lanka.

“Tỳ kheo ni Rucinandā, tỳ kheo ni Kaṇakadattā và tỳ kheo ni Sudhammā có đại thần lực, và vị đa văn trưởng lão ni Saṅghamittā có sáu thắng trí và sự sáng suốt, tất cả bốn vị tỳ kheo ni ấy đều đã mang lại cây Bồ đề”.[13]


ĐẤT NƯỚC SRI LANKA - SỰ BIẾN ĐỔI VỀ CẤU TRÚC

Đây là một sự trùng hợp vô cùng quan trọng trong lịch sử đất nước Sri Lanka: Sự viếng thăm của sứ giả hoà bình đến đất nước này, bắt người nhận thông điệp hoà bình đó chấm dứt ngay hành động phá hoại cuộc sống (ý nói Ngài Mahinda đến Sri Lanka đúng lúc đức vua đi săn, và giảng giải cho đức vua về giáo lý từ bi của đức Phật - ND). Điều này đã làm nên một lịch sử của đất nước Sri Lanka. Tôn giả Mahinda, theo đề nghị của vua cha Asoka, mang đến thông điệp từ bi của đức Phật. Chính đức vua Asoka, từ khi hiểu đạo, đã hạn chế ăn thịt. Giới cấm sát sanh là giới luật đầu tiên phải giữ của người Phật tử vậy.

Điều này nói lên việc quan tâm và tôn trọng sự sống của đức Phật và là thái độ tất yếu của tình bạn và tình yêu thương hướng đến mọi loài. Vì thế nó đã trở thành căn bản của đạo đức hầu như cho mọi người, bất kỳ sự thách thức nào đối với điều căn bản đạo đức này, dù là thông qua thần học hay sự thực hành tôn giáo; ý thức hệ chính trị hay lý thuyết về sự phát triển kinh tế, đặc biệt là người Phật tử phải bị xem là sự vi phạm công lý trong thế giới nhân sinh này. Bất kỳ sự phá huỷ cuộc sống dù không cố tình, bất cứ nơi đâu, vì bất cứ lý do này, sẽ khiến cho chính mình trở thành người vô pháp luật.

Phật giáo, hơn 23 thế kỷ trước đã chia sẻ đạo đức về sự tôn trọng cuộc sống của mọi loài mà ngày nay, đạo Kỳ Na giáo (Jains) trong một quyển sách của họ có nhan đề rằng: Bất bạo động là chân lý cao tột (Ahimsā paramodharmad). Làm nổi bật chủ đề này, một nữ văn sĩ người Mỹ đã xuất bản cuốn sách mang tựa đề: Lòng từ là đạo đức tối thượng (Compassion The Ultimate Ethic), nhấn mạnh đến vai trò của đạo Kỳ Na Giáo và Phật giáo trong việc phổ biến lòng từ bi. Quyển sách xuất bản năm 1981, đến năm 1997, đã tái bản đến lần thứ năm.

TRIẾT LÝ VỀ BẢN NGÃ

Sự coi thường chuẩn mực đạo đức này (ý nói lòng từ) xuất hiện, được thực hiện bằng nhiều cách. Trong những giai đoạn lịch sử khác nhau của các tôn giáo, một số tôn giáo đã cho rằng, thậm chí ngày nay, những người theo một tín ngưỡng khác với tín ngưỡng mà họ đang thờ, thì hầu như không có lý do gì để tồn tại trên hành tinh này. Đây là cơ sở cho các cuộc thánh chiến, với quan niệm huỷ diệt tất cả những ai không có tín ngưỡng giống mình, hay những người không có tôn giáo. Với những cuộc tàn phá các đài kỷ niệm, các công trình tôn giáo trên thế giới đã làm nên những vết sẹo của lịch sử loài người. Cầu nguyện cho thế giới của chúng ta thoát khỏi những vị thần hiểm ác đó để chấm dứt tai ương này.

Thuyết Sáng tạo, thậm chí đến ngày nay, có khuynh hướng tin rằng, các loài vật là một loại sản phẩm của đấng Tạo Hóa, tạo ra để làm thức ăn cho con người. Vì thế, những người tin theo thuyết này đã chộp lấy, mặc cho sự mặc khải mang tính tôn giáo phi nghĩa này. Họ nhất mực tin rằng, các loài động vật trong thế giới này là tặng phẩm của đức Cha trên trời ban tặng.

Đi xa hơn khỏi lĩnh vực thực phẩm và quần áo (quần áo được làm bằng da và lông thú v.v..) được cung cấp bởi thú vật, thì những người này (ý nói Bà La Môn và Sát Đế Lợi) với bản tính cố chấp, bảo thủ đã khai thác thú vật cho những trò tiêu khiển cá nhân của mình như săn cáo, săn hươu, đấu bò, đó là một trong những trò giải trí bất thiện của con người. May mắn thay, hầu hết những trò thể thao man rợ này đã bị loại bỏ vào thời buổi hiện nay. Tuy nhiên, dường như ngày nay những lĩnh vực thể thao liên quan đến động vật đã xuất hiện trở lại như đấu bò…nhiều bạo lực ít được công chúng đón nhận. Tất cả những điều bất thiện này là minh chứng cho việc mất cân bằng giữa con người và môi trường sống, thái độ của con người đối với các hình thức sống khác trong thế giới xung quanh, bị biến dạng qua niềm tin tôn giáo.

Đây là lý do tại sao chúng ta tin tưởng một cách chắc chắn rằng, người Sri Lanka gặp gỡ Phật giáo cách đây hơn 23 thế kỷ đã mở ra một kỷ nguyên mới, và đã tạo ra một con người vĩ đại. Vua Devānaṃpiya Tissa của Sri Lanka, thừa hưởng cuộc sống hoàng gia từ đâu không rõ, có phải từ Sri Lanka hay từ Ấn Độ, chúng ta không biết; nhưng một sự kiện quan trọng là ngày mà Tôn giả Mahinda đến đảo quốc này, chính lúc ấy đức vua Devānaṃpiya Tissa lên đường dự lễ săn hươu hoàng gia hằng năm của mình. Hành động này của đức vua đã bị Tôn giả Mahinda bắt quả tang. Tuy nhiên, chắc phải nên biết ở đây rằng, vị vua quang minh chính đại đó có tính lương thiện được ghi trong Đại vương Thống sử[14]. Trong đó viết rằng, đức vua không chọn bắn những con vật không có đề phòng.


NGHIÊN CỨU VÀ TRUYỀN BÁ CHÁNH PHÁP Ở SRI LANKA – NỮ GIỚI ĐI ĐẦU


Nhờ vào tầm nhìn và sự khôn ngoan của người lãnh đạo đất nước, trong thời gian rất ngắn sau khi Phật giáo được truyền bá tại vùng đất này, Sri Lanka đã sở hữu được một Tăng đoàn Phật giáo ở cả hai giới Tăng và Ni đầy nghị lực và dấn thân phụng sự. Việc nghiên cứu học hỏi và thực hành giáo lý đạo Phật bắt đầu đi đôi với nhau. Các vị trưởng lão ni đến từ Ấn Độ là những vị uyên thâm về kinh, luật, và luận tạng và họ đã giảng dạy giáo lý ấy cho mọi người ở thành Anurādhapura.

“Mong mỏi sự tồn tại của Chánh pháp, các vị ni ấy đã giảng dạy Luật, năm bộ (Kinh) và bảy bộ (Diệu Pháp) tại thành Anurādhapura”.[15]

Rõ ràng rằng, các vị trưởng lão ni thông tuệ ấy đã truyền bá và làm phổ biến việc học Tam tạng kinh điển Phật giáo ở cả thành Anurādhapura ở phía bắc và Rohana ở phía Nam.

Như trong Đảo sử ghi lại nhiều lần, kiến thức của các trưởng lão ni về Tam tạng kinh điển dường như đã thông suốt. Họ đã nắm vững giới luật, tinh thông 5 bộ kinh, và bảy bộ Diệu Pháp.

“Lúc bấy giờ, các vị tỳ kheo ni ấy là khó thể sánh kịp trong mọi vấn đề thuộc về Chánh Tạng, có tâm tư tinh khiết, được thoả thích trong Chánh pháp và luật”.[16]

TÔN GIÁO HƯỚNG DẪN CÁCH QUẢN LÝ ĐẤT NƯỚC

Một dịp nọ, Tôn giả Mahinda hỏi đức vua về việc thiết lập ranh giới hợp lệ của giáo hội hoặc Giới trường, đức vua lập tức khăng khăng nói rằng, chính mình nên sống trong ranh giới của giáo hội như đức Phật đã ban hành. Trong một trường hợp khác, đức vua nhấn mạnh việc muốn sống dưới quyền lãnh đạo tôn giáo của đức Phật.

Những gì mà chúng ta cố gắng đưa ra cho đến nay đã chỉ ra một điều rằng, mức độ ảnh hưởng của đạo Phật đã lan toả hầu hết trong mọi lĩnh vực của đất nước Sri Lanka, gần như từ khi nó có mặt trên đất nước này. Sự quy phục của đức vua, người lãnh đạo của đất nước, dưới thẩm quyền của tôn giáo, đã được xác định ở trên khi ông bày tỏ ước muốn sống và thực hành trong ranh giới của giáo hội.

Ở cấp độ toà án, tôn giáo mới này rõ ràng đã nhận được sự hưởng ứng nhiệt tình. Chúng ta lưu ý về sự tiếp nhận tôn giáo này của quý bà đứng đầu ngành toà án đó là công nương Anulā. Trong một lần nghe pháp, tất cả họ đã đến cầu xin Tôn giả Mahinda cho gia nhập Tăng đoàn. Đây là một bước tiến đáng kể trong văn hoá tâm linh của lịch sử nhân loại, mọi nơi trong thế giới này. Quyết định và cam kết để đạt được điều đó (tức muốn trở thành tỳ kheo ni), họ đã thay đổi tình trạng xã hội của họ, sống trong khu vực riêng biệt được xây dựng đặc biệt, chờ trưởng lão ni Saṅghamittā đến để làm lễ xuất gia.

Sứ mệnh truyền bá chánh pháp của Tôn giả Mahinda dường như bắt đầu thành công vang dội. Mọi người khi nghe tin Tôn giả đến, thuyết pháp cho nhà vua nghe, họ đổ xô tới cổng cung điện để chiêm ngưỡng và nghe Ngài thuyết pháp.

Nhiều người trong thành phố nghe danh tiếng về giới đức của các Tôn giả từ vài ngày trước, họ cũng kéo đến để xem, và bàn tán với nhau ồn ào trước cổng cung điện nhà vua. Đức vua nghe được, là người quan tâm đời sống và tinh thần của người dân, đã ra lệnh dọn sạch chuồng voi hoàng gia để dân chúng có thể tụ tập để nghe và nhìn thấy các Tôn giả giới đức tròn đầy.[17]

Không nghi ngờ gì về việc chấp nhận đường hướng hoạt động Phật giáo của đức vua Devānampiya Tissa trong việc quản lý đất nước. Trong lời phát ngôn của mình, đức vua đã mong muốn được sống trong giới luật mà đức Phật đã chế. Sự phát nguyện này của đức vua đối với Tôn giả Mahinda đã khiến cho Tôn giả trở thành người cố vấn tối cao cho đức vua về mọi vấn đề cả về tôn giáo lẫn thế sự. Phật giáo là một chủ đề thường xuyên mà tất cả các việc liên quan đến quản lý đất nước trước tiên nên dựa vào và lấy cảm hứng bắt nguồn từ tư tưởng của Pháp Phật.

NGHỆ THUẬT QUẢN LÝ ĐẤT NƯỚC VÀ LĨNH VỰC TINH THẦN PHẬT GIÁO

Kinh Chuyển Luân Thánh Vương Sư Tử Hống (Cakkavattisīhanāda) trong Trường Bộ kinh ghi rằng, tất cả các việc quan tâm và bảo vệ mọi tầng lớp trong xã hội như quân đội, công dân hay các tu sĩ, thậm chí đến các loài chim muông, thú vật nên dựa trên giáo Pháp đức Phật. Giáo lý nên cung cấp cơ sở hạ tầng cần thiết để quản lý đất nước tốt. Trong bài kinh này cũng nhắc tới việc nhà vua thỉnh thoảng phải tới tham vấn những nhà tu sĩ có giới đức và liêm chính để có lời khuyên hữu ích trong việc làm cho cuộc sống người dân hạnh phúc và thịnh vượng. Điều này ngay lập tức chỉ cho chúng ta thấy rằng, văn hoá Phật giáo đã coi tôn giáo như là nơi cung cấp một nhân tố thích hợp trong nghệ thuật quản lý đất nước.


Rõ ràng rằng, từ những năm rất sớm khi Phật giáo du nhập vào đảo quốc này, đức vua Devānampiya Tissa đã quản lý đất nước dựa trên giáo lý của Phật giáo. Học bài học rất thực tế từ cái sai lầm đầu tiên của đức vua về việc săn hươu, đức vua đã thay đổi, học theo hạnh của người bạn lớn của mình Asoka, đã tôn trọng sinh mạng của các loài hữu tình. Các vị vua kế tục sau này, trong một thời gian ngắn hơn 200 năm, bắt đầu lưu tâm đến cuộc sống của các loài thú vật. Thỉnh thoảng họ ra lệnh cấm săn bắn chim muông thú vật.

Các vị vua Sri Lanka như vua Āmaṇḍagāmaṇī (79-89 A.D), vua Silākāla (524-537), vua Aggabhodi đệ Tứ (658-674) và vua Mahinda đệ Tam (797-801) theo truyền thống này đã ra lệnh không được săn bắn chim muông thú vật trên quốc đảo[18]. Họ cũng thành lập các bệnh viện thú y dành để chữa trị cho các con vật bị thương. Điều này rõ ràng không thể tranh cãi rằng, do ảnh hưởng lòng từ bi nhân ái của đạo Phật mà thậm chí đến cả các loài như cá, chim, muông thú, rồi các tu sĩ tôn giáo, nhân dân, thân bằng quyến thuộc, lính tráng đều được đức vua Sena đệ Nhất (831-851) quan tâm chăm sóc bằng tất cả lòng từ bi của mình.

Khu bảo tồn động vật bao gồm các khu bảo vệ cấm đánh bắt cá trên các dòng sông và các hồ đã trở thành những nơi phổ biến ở đảo quốc này. Điều này đã cho thấy rằng, sự thay đổi cao thượng của con tim, và sự thay đổi thích hợp của các hệ thống giá trị của người dân Sri Lanka xảy ra là kết quả du nhập của một tôn giáo mới.

Những thứ mà chúng ta đã trình bày sơ qua, trong chừng mực nào đó có sự quan hệ ảnh hưởng của tôn giáo mới này lên đời sống và tư tưởng của người dân Sri Lanka, cả giới cầm quyền và dân chúng. Đã có một sự thay đổi rõ ràng trong văn hoá của người dân. Niềm tin tôn giáo, cùng với sự thực hành những điều Phật dạy, đã tăng lên một cách hợp lý và trình độ tiếp nhận cao đáng biểu dương. Các đối tượng trong xã hội dường như đã cố gắng một cách trung thành và trung kiên đi theo đường lối đã được vạch ra bởi hoàng gia và triều đình.

Để lãnh đạo đất nước thành công và tốt đẹp, nhà vua phải là người bảo vệ đức tin và là người hướng dẫn tôn giáo này trên đất nước mình. Phật giáo là món quà chính thức được tặng cho nhà vua xứ Sri Lanka từ vương quốc láng giềng thân thiện Ấn Độ. Cho nên nhà vua có bổn phận và trách nhiệm xiển dương và bảo vệ tôn giáo này. Nhiều năm sau trong lịch sử, Phật giáo cũng đã có một vụ việc tương tự, đó là các cách mà Phật giáo được giới thiệu sang đất nước Nhật Bản từ Hàn Quốc.


SỰ CÔNG KÍCH TÔN GIÁO MỚI KỊCH LIỆT - VỀ SẮC TỘC VÀ CHÍNH TRỊ

Trong nửa phần thứ hai của bài viết này, tôi ước mong làm một cuộc nghiên cứu đặc biệt về lịch sử bất hạnh của Phật giáo ở Sri Lanka sau một thế kỷ thành lập. Quá trình tiếp nhận văn hoá của Sri Lanka diễn ra nhanh chóng và không ngừng nghỉ trong thời kỳ Phật giáo du nhập vào đảo quốc này, dưới triều đại vua Devānampiya Tissa (247-207 trước Tây lịch), chúng ta có thể nói rằng, đó là một kỷ lục trong lịch sử các tôn giáo trên thế giới.

Chúng ta tin rằng, quá trình tiếp nhận văn hoá Phật giáo trong một phạm vi rộng lớn của đất nước do sự liên kết và mối quan hệ của đa số người dân ở Sri Lanka. Cộng đồng đa số này chiếm tới gần 70 phần trăm tổng dân số Sri Lanka ngày nay, là những người Arian đến từ phía bắc Ấn Độ. Họ đánh giá cao về món quà được tặng từ đất nước mẹ (ý nói Phật giáo được vua Asoka, Ấn Độ truyền qua Sri Lanka - ND). Và cũng có một sự thật rằng, trong suốt triều đại hoàng đế Asoka, một phần lớn đất nước đã nếm vị ngọt của Phật giáo, như là một tổ chức quốc tế về quảng bá hoà bình.

Chúng ta cũng đã phát hiện và có đầy đủ bằng chứng để chấp nhận và tin rằng: thắng lợi to lớn về phát triển văn hoá của đất nước Sri Lanka, một khu vực độc lập về địa lý, và có ít nhiều sắc dân cùng chung sống, có nhiều nhóm dân khác nhau đến từ lục địa Ấn Độ, ở vùng Deccan[19], là một cái gai bằng xương bằng thịt (ý nói một sự khó khăn lớn - ND). Người dân vùng Deccan, Nam Ấn, coi đây là mối đe dọa tới sự sống còn của họ vì hai lý do. Thứ nhất, là sự nổi lên của một đế chế văn hoá Phật giáo rộng lớn ở cả hai vùng: đất mẹ của họ - Deccan - ở phía nam lục địa Ấn Độ, và đất nước Sri Lanka – nơi họ sinh sống. Và thứ hai là đặc biệt sau cuộc chiến tranh xâm lược Kalinga của hoàng đế Asoka, đất nước Sri Lanka nổi lên như là một quyền lực chính trị, ở phía nam giáp với biên giới đất nước họ.

Những sách về lịch sử và văn học tu viện thời kỳ đầu như sách chú giải Pali - Aṭṭhakathā, Đại sử - Mahāvaṃsa, hay những quyển truyện nổi tiếng Rasavāhinī và Sahassavatthu, được viết bằng ngôn ngữ Pali, đều viết về các giai đoạn đau buồn của lịch sử Phật giáo khi dân nhập cư từ lục địa láng giềng Ấn Độ tràn sang.

Họ (ý nói người bên Ấn Độ - ND) chắc hẳn đã có những ý tưởng chính trị chủ nghĩa bành trướng cho việc tìm kiếm đất đai ở Sri Lanka, một đơn vị chính trị mới đang lên; tìm kiếm những khu vực mới cho dân số đang phát triển ồ ạt ở đất mẹ của họ. Ở Sri Lanka, những kẻ nhập cư trái phép có lẽ đã tin rằng, có thể cung cấp cho họ đất đai để dân họ định cư sinh sống, nhiều cơ hội về việc làm, nhiều cơ hội để làm giàu, bất kể thứ gì như tiền bạc, công bằng thậm chí là gian lận, phạm pháp luật. Ở phía bắc đảo quốc ngày nay, chúng ta thấy tập trung nhiều nhóm dân không phải gốc người Sinhala, là bằng chứng cho việc này.

Ý tưởng chủ nghĩa bành trướng xuất phát từ cái nhìn vô lý và vị kỷ. Họ nhập cư một cách trái phép, thậm chí dùng vũ lực để được đặt chân lên mảnh đất này. Họ đến theo từng nhóm, nhỏ có, lớn có. Một khi đã đặt chân lên đây, kẻ xâm lược dùng bạo lực, cướp bóc, thậm chí giết người để đạt được mục đích riêng họ. Tuỳ thuộc vào mức độ thành công của mình, họ thậm chí thành lập nhóm tiểu quyền lực vùng và tuyên bố cai trị nơi mà họ đã kiểm soát. Số khác thì bí mật xâm nhập vào Sri Lanka, tại thời điểm mà ý tưởng về rào cản hàng hoá và yêu cầu thị thực (visa) không tồn tại như hiện nay; và chẳng bao lâu sau, họ trở thành cư dân truyền thống của xứ này. Trong vòng một trăm năm sau khi Phật giáo được truyền bá ở đây, thành Anurādhapura đã thuộc quyền cai trị của vua Tamil tên là Eḷāra.

Tình trạng chia rẽ chính trị này rất phức tạp, đe dọa trực tiếp đến sự thống nhất văn hoá Phật giáo mới được thành lập ở Sri Lanka. Những kẻ xâm lược đến từ lục địa láng giềng, lúc đầu dường như sắc xảo và quyết liệt hơn trong việc phá hoại và loại trừ tất cả những cơ sở vật chất của tôn giáo mới này, tất cả những gì thuộc về bề ngoài.

Những kẻ xâm lược dường như đã thực hiện việc phá huỷ với tài khéo léo xảo quyệt. Nói về những cuộc tấn công Phật giáo ở vùng Anurādhapura, người ta nói rằng, mục tiêu chính của họ là tu sĩ Phật giáo. Họ xé y, cướp và làm hỏng bình bát. Đời sống của các tu sĩ Phật giáo bị đe dọa khi sống cùng với những kẻ xâm lược.

Những kẻ xâm lược cũng tấn công một cách tàn nhẫn những thánh địa của Phật giáo như cây Bồ đề. Chúng đã nhẫn tâm chặt phá cây Bồ đề thiêng liêng, và đào phá các bảo tháp Phật giáo để tìm kho báu. Điều này đe dọa Phật giáo không phải là ít đáng sợ hơn thanh gươm của Damocles[20] trong thần thoại Hi Lạp cổ đại.

Những xung đột về tôn giáo và sắc tộc này do những kẻ xâm lược ở nuớc láng giềng gây ra cho cộng đồng Phật giáo nhỏ Sinhala ở những vùng xa, biên giới trong giai đoạn đầu, đã không được quan tâm đúng mức. Tuy nhiên, những cộng đồng Phật giáo Sinhala nhỏ bị quấy nhiễu này đã không có bất cứ hành động trả đũa nào, và hình như bị đánh giá là quá yếu kém. Và điều đó đã khiến cho thành Anurādhapura rơi vào tay của kẻ xâm lược Eḷāra.
Vua Kākavaṇṇa Tissa của thành Rohana phía nam, cha của Duṭṭhagāmaṇi đã ý thức được mối nguy hiểm của việc xâm nhập trái phép này. Ông là người không khờ dại về chính trị. Ông đã nhận ra sự cần thiết để bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ của quốc gia. Đây là sự đe dọa mà đất nước Sri Lanka lúc đó phải giải quyết cả một thế hệ trước cái thời của Duṭṭhagāmaṇi (101-77 trước Tây lịch).


Khoảng thời gian này, một thành phần văn hoá có nguồn gốc từ bắc Ấn Độ tức Phật giáo đã được hình thành vững chắc ở đảo quốc này thông qua sự bảo trợ của hoàng gia. Tương tự như vậy, ở Ấn Độ thông qua sự bảo trợ của vua Asoka, Phật giáo đã lan truyền xuống phía nam của lục địa Ấn Độ. Chúng ta được biết rằng, có các kênh Phật giáo được Tôn giả Mahinda thiết lập giữa Sri Lanka và Nam Ấn Độ.

Lịch sử đã chỉ cho chúng ta thấy rằng, sự lớn mạnh của quyền lực tôn giáo gây ra nhiều đố kỵ và hiềm thù giống như thắng lợi của quyền lực chính trị. Thông qua nghiên cứu lịch sử, chúng ta khám phá sự thăng trầm của Phật giáo ở miền Nam Ấn Độ trong nhiều thế kỷ mà sau đó, hầu như đến một điểm bị trục xuất hoàn toàn khỏi khu vực. Trong cùng hoàn cảnh bị tấn công và xâm lược, kẻ xâm lăng đã phá huỷ các thành tựu văn hoá của Phật giáo ở Sri Lanka. Xem chương 23, phẩm 9 về sự tấn công các chùa tháp, và phá huỷ cây Bồ đề thiêng liêng.

Giáo sư Senarat Paranavitana viết trong quyển sách: Lịch sử trường đại học của Ceylon, quyển 1, phần hai trang 563 nhắc tới kiểu tấn công và phá huỷ dai dẳng qua nhiều thế kỷ như sau: “Đại hoạ đối với Phật giáo trong thời chiếm cứ của người Chola, những tu viện rộng lớn ở Anurādhapura và những nơi khác được xây dựng và phát triển trong thế kỷ thứ 10 bị bỏ hoang phế. Các điện thờ hình vòm nơi lưu giữ xá lợi của các vị cao tăng Sri Lanka bị sụp đổ, xá lợi thì bị đánh cắp”.

Để bắt đầu chiến tranh với kẻ cai trị vùng Anurādhapura là vua Eḷāra, Duṭṭhagāmaṇi đã dùng mưu kế để thu phục các vị vương giáp ranh với vùng này. Với sự hỗ trợ của gia đình, cha và mẹ, Duṭṭhagāmaṇi đã giáng một đòn chí mạng tiêu diệt Eḷāra. Xin nhắc bạn rằng, đây không phải là chiến tranh nâng cao địa vị chính trị như cuộc chiến xâm lược Kalinga của hoàng đế Asoka - Ấn Độ. Thông qua cuộc chiến bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ này, Gāmani đã giành lại và khôi phục được vị trí và thanh thế của người Sinhala cũng như cho Phật giáo ngày đó. Ý nghĩa thực sự của cuộc chiến này chính là giải phóng đất nước thoát khỏi những mối nguy của kẻ thù, những người đã phá vỡ và tàn phá sự phát triển của một nền văn hoá và xã hội đồng nhất của đất nước Sri Lanka.

BẢO VỆ VÀ CỦNG CỐ DI SẢN CỦA NGƯỜI SRI LANKA.

Xuất hiện từ tình huống lịch sử như vậy, chúng ta không ngạc nhiên khi Duṭṭhagāmaṇi đã phải hạ quyết tâm để hành động. Không có chút nghi ngờ nào về việc ông đã nghiên cứu rất kỹ lưỡng về quân binh của mình và tự tin hành động. Nhờ cha mình, Duṭṭhagāmaṇi mới biết về chiến lược hành quân. Những người không theo đạo Phật, không phải dân Sinhala, đến từ lục địa láng giềng Ấn Độ, đã tuyên bố chiến tranh với người Sri Lanka, và văn hoá yêu mến của người Sri Lanka là Phật giáo.


Hoàng đế Asoka đã gởi nhiều phái đoàn truyền giáo cùng một thời điểm đến nhiều nước Châu Á xung quanh Ấn Độ như Sri Lanka, Miến Điện, Afghanistan, Iran, vùng lãnh thổ Gandhara v.v.. Sự tàn phá các công trình kỷ niệm của Phật giáo này đã bị đập tan ngay lập tức. Duṭṭhagāmaṇi đã dấn thân làm việc đó, không chút sợ hãi, với một lương tâm rất rõ ràng. Không chút nghi ngờ rằng, nhà vua chính là người bảo trợ cho Phật giáo.

TRUYỀN THỐNG LỊCH SỬ BỊ MÉO MÓ VÀ BIẾN DẠNG

Về những gì các nhà nghiên cứu về lịch sử và xã hội học như Walpola Rahula, Gananath Obeysekera, Bardwell Smith và một số khác phải nói rằng họ nói rất sai về vua Duṭṭhagāmaṇi, chúng tôi đã bày tỏ ý kiến của mình về vấn đề này ở nhiều nơi rồi. Hai nghiên cứu phê phán đậm nét về chủ đề này được các tác giả viết trong các bài có trong tập sách này gồm: (1) bài Các văn bản và truyền thống bị bóp méo và xuyên tạc được xuất bản bởi nhà xuất bản xã hội Phật giáo năm 1979 và (2) bài Xem xét lại sự kiện Duṭugemuṇu do tạp chí của Hội Hoàng Gia Á Châu Sri Lanka xuất bản năm 1989.


HOÀ HỢP VÀ PHỤC HỒI


Duṭṭhagāmaṇi đã đánh bại và giành chiến thắng với những kẻ xâm lăng hung bạo, những kẻ đã phá vỡ sự ổn định văn hoá và hoà bình của đất nước. Nhà vua được cho là đã cho kẻ thù cơ hội và họ đã đóng góp rất nhiều cho việc xây dựng lại sự thống nhất của Sri Lanka trên đảo quốc này. Hai nhóm dân tộc Sinhala và Damiḷā dường như đã trở lại quá trình chung sống hoà bình trên đảo và tôn trọng sự khác biệt về văn hoá và tôn giáo của nhau.


Cộng đồng đa số người Sinhala tiếp tục thờ phượng vào các vị thần của họ với sự thành kính và tôn trọng. Đối với người Sinhala, các vị thần Hindu như Skanda, Ganesha và Pattine là những vị thần hộ mạng gia đình. Thần Gaṇesha thiên về trí tuệ, thần Skanda có triển vọng trở thành một vị Bồ tát, một vị Phật tương lai. Các vị vua sau thời của vương triều Polonnaruwa, thậm chí còn xây dựng các đền thờ Hindu cho các vị hoàng hậu của họ xuất thân từ Nam Ấn. Di chỉ khảo cổ học của thời kỳ Polonnaruwa cung cấp những chứng cứ phong phú cho việc này.


SỰ VĨ ĐẠI CỦA PHẬT GIÁO Ở TÂY Á


Sự thành công của vua Duṭṭhagāmaṇi trong việc phục hồi đạo Phật vào vị trí hàng đầu của người khởi xướng văn hoá ở đảo quốc này (hàng đầu về tôn giáo, trách nhiệm dân sự, phát triển kinh tế, nghệ thuật và nghề thủ công) dường như đã đưa hình ảnh Sri Lanka lên cấp độ thế giới. Cộng đồng Phật giáo ở vùng Trung Đông của Tây Á, ở Afghanistan, Iran v.v.. đã đánh giá cao những thành tựu này của Phật giáo Sri Lanka. Người ta nói rằng, sau thắng lợi vẻ vang tại quê nhà trong việc khôi phục vị trí cầm quyền không thể tranh cãi của Phật giáo tại đảo quốc này, nhà vua Gāmaṇī mong muốn xây dựng một công trình để kỷ niệm nên đã xây dựng công trình đẳng cấp thế giới như Đồng Thanh Điện (Lohaprāsāda) và Đại Bảo Tháp Sappamālī ở thành Anurādhapura. Khách quý đến làm lễ đặt đá xây dựng Đại Bảo Tháp Sappamālī bao gồm các vị sư nổi tiếng như Yona Mahā Dhammarakkhita từ thành phố Alexandria, Hi Lạp[21].

“Từ Alasanda, kinh đô của những người Yona, có trưởng lão Yona Mahādhammarakkhita đi đến cùng với ba chục ngàn vị tỳ khưu”.[22]

Trước kỷ nguyên Ky Tô giáo ra đời, thì Phật giáo đã có những thành tựu quốc tế ở khu vực Trung Đông tại Tây Á. Người nghiên cứu Phật giáo ở những nước này đã đạt đến đỉnh cao. Bằng chứng rõ ràng là từ những công trình nghệ thuật Phật giáo ở cấp độ cao được tìm thấy ở những nơi như Bamiyan và Hadda ở Afghanistan thậm chí đến ngày nay.

Trong quyển sách của mình, giáo sư B. A. Litvinsky viết về những ảnh hưởng của Phật giáo đối với văn hóa thế giới ở một khu vực ít ai biết đến như sau:

Theo lời của Barthold, “Không phải quốc gia Sassanian[23] cũng không phải tôn giáo chính thức của nó là Zoroastrianism[24], thậm chí bao gồm cả thế giới người Iran. Trong giai đoạn sau, đời sống văn hoá của thế giới người Iran, Phật giáo Iran đã đóng góp không kém phần quan trọng hơn đạo Zoroastrian của người Iran”. Ông nói thêm rằng:

Những điều ghi trên cho chúng ta cơ sở để xem xét các khái niệm về vai trò của Phật giáo trong lịch sử văn minh Tây Á. Trong quá trình hơn 500 năm, từ thế kỷ 1 – 2 đến thế kỷ 7 – 8 sau Tây lịch, Phật giáo và các yếu tố liên quan về văn hoá thế tục là một thành phần quan trọng trong đời sống xã hội Tây Á. Sự ảnh hưởng của nó chấm dứt khi người Arab xâm lược và Hồi giáo truyền bá đến vùng này. Phật giáo cung cấp một đầu mối về nguồn gốc và bản chất nhiều hiện tượng của nền văn hoá vật chất và tinh thần [đạo Hồi giáo] thời trung cổ”.


Vấn đề Phật giáo Tây Á thật sự là một phần của vấn đề rộng lớn hơn của di sản văn hoá tiền Hồi giáo của cư dân vùng Tây Á ngày nay[25].

Hãy để những từ ngữ này đi sâu vào tâm trí của các sinh viên lịch sử Sri Lanka, bất cứ họ thuộc nguồn gốc thị tộc nào. Dân tộc Sri Lanka là người thừa kế văn hoá này, một nền văn hoá thậm chí có trước kỷ nguyên Ky Tô giáo, đã ít nhiều có ảnh hưởng trên thế giới, đã nâng cao chất lượng đời sống của nhiều quốc gia và cung cấp một nền tảng vững chắc cho giai đoạn kế tiếp của sự phát triển văn hoá các quốc gia đó.

SRI LANKA – NƠI THUẬN LỢI CHO PHẬT GIÁO PHỤC HƯNG

Sri Lanka, tên thích hợp hơn là Sinhalas (tên này được vị Đại sư nổi tiếng Trung Quốc Fa Hsien (Pháp Hiển) gọi khi tới thăm đất nước này vào khoảng thế kỷ thứ 5. Ngài viết tên này theo tiếng Trung Quốc là Seng-chia-lo = Sin-ha-la. Tên này một lần nữa được dịch sang tiếng Trung là Shih-tse-Kuo, có nghĩa là Đất nước Sư Tử - the Land of the Lion Offspring) tức người canh giữ hợp pháp của Phật giáo. Ngày nay, đất nước Sinhala này đã bảo vệ tốt những gì có trong tay họ. Điều này không có nghĩa hàm ý rằng, Phật giáo là độc quyền của người Sinhalas hoặc rằng, Phật giáo không tồn tại bên ngoài đất nước Sri Lanka. Tất cả điều mà họ đã thích làm là bảo vệ những gì họ sở hữu hợp pháp và ngăn không cho lọt vào tay những kẻ cố ý phá hoại. Như đã nói ở trên, họ đã có cái nhìn thoáng qua những giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Một lần bị rắn cắn là hai lần sợ hãi.

Người Sri Lanka, trên tất cả các điểm bao gồm cả nhân khẩu học, đã phải bảo vệ một cách kỹ lưỡng tôn giáo và văn hoá của họ. Quan trọng là, người cai trị đất nước cũng phải là người bảo vệ niềm tin của dân chúng. Vì thế, nhà lãnh đạo đất nước phải là một người Phật tử, đó là sắc lệnh đã được ban hành. Khái niệm này đã phát triển một cách tự nhiên ở Sri Lanka từ ngay khi Phật giáo đến đảo quốc này vào thế kỷ thứ 3 trước Tây lịch. Khoảng thế kỷ thứ 10, họ còn đi xa hơn và yêu cầu rằng người lãnh đạo quốc gia phải là một vị Bồ tát. Câu khắc trên phiến đá của vua Mahinda đệ Tứ (956-972 AD) ở Jetavana (Kỳ Viên Tịnh Xá) tuyên bố rằng “Chỉ có Bồ tát mới trở thành vua xứ Sri Lanka” và rằng họ “Nhận sự đảm bảo này từ đức Phật toàn năng[26]. Điều này không là cái gì ngoài tổng thể kinh nghiệm văn hoá đã hình thành một xã hội rất riêng của một quốc gia.


[1] Mhv. Ch. I. v. 19 = Bodhito navame māse… Laṅkādīpaṃ upāgami

[2] Dvp. Ch. I. v. 46

[3] Dvp. Ch. I. v.46

[4] Dpv. Ch. I vv.47-48

[5] Thiên vương Vessavana là một tên khác của thiên vương Kuvera, tên này được đặt cho Ngài bởi vương quốc của Ngài được gọi là Visānā. Ngài là một trong Tứ Đại Thiên Vương, cai trị chúng Dạ xoa. Ngài là một bậc Tu Đà Huờn, tuổi thọ là chín mươi ngàn năm (ND)

[6] Mhv. Ch. X. v 80

[7] Ibid. v 84

[8] Mhv. Ch. XIV. V.1

[9] The Discovery of India, p 105

[10] Majjjima Nikāya I.175 -184

[11] Mhv. Ch. xiv. vv.57-58

[12] Mhv. Ch. xv.vv. 18-19

[13] Dpv. Ch. Xvii. v. 22

[14] Mhv. Ch. xiv. v. 4

[15] Dpv. Ch. xviii. v. 13

[16] Ibid. v. 22

[17] Mhv. Ch. xiv. Vv. 59-61

[18] Mhv. Ch. xli. v. 30

[19] Deccan, là một địa danh, thuộc cao nguyên tam giác nằm giữa hai dãy núi Ghats, là một phần lớn lãnh thổ miền nam Ấn Độ (ND)

[20] “Thanh gươm Damocles” (Sword of Damocles) là một huyền thoại của người Hy Lạp, kể về vị vua Dionysius II, cai trị xứ Syracuse và tên nịnh thần Damocles. Damocles luôn miệng khen Dionysius gặp may vì được ngồi trên chiếc ghế quyền lực. Dionysius biết Damocles ghen tị với mình, liền đề nghị đổi vị trí cho Damocles trong một ngày. Damocles sung sướng chấp nhận, tên nịnh thần trải qua gần một ngày ăn chơi hưởng lạc ở hoàng cung nhưng rồi gã chợt nhận ra một lưỡi gươm sắc lẹm cột bằng lông đuôi ngựa treo lơ lửng ngay trên đầu mình. Từ đó, Damocles quên luôn ý định làm vua (ND),

[21] Xem bản dịch Mahavamsa của Geiger, trang 194, n3.

[22] Mhv. Ch. xxix. v. 39

[23] Vương triều Sassanid (hay Sassanian) được xem là một trong những thời đại quan trọng và có ảnh hưởng nhất trong lịch sử Iran. Thời đại này chứng kiến đỉnh cao của nền văn minh Ba Tư và là đế quốc hùng mạnh cuối cùng của người Ba Tư trước cuộc càn quét của những người Muslim. (Từ điển Bách khoa toàn thư mở)

[24] Đạo do nhà tiên tri Ba Tư Zoroaster khởi xướng, chủ trương thờ phụng Ormazd trong cuộc chiến giữa bóng tối và ánh sáng, giữa cái thiện và các ác trên toàn vũ trụ. Gọi là Bái Hoả giáo. (Từ điển Bách khoa toàn thư mở)

[25] Encyclopaedia of Buddhism IV. P 151f

[26] History of Buddhism in Ceylon by Walpola Rahula, p.62