- Dẫn Nhập Của Người Biên Dịch
- Chương I: Giai Đoạn Thiền Hình Thành
- Chương 2: Giai Đoạn Thiền Phát Triển Và Phân Chia Tông Phái
- Chương 3: Tư Tưởng Thiền Hoàn Thành. Trăm Nhà Đua Tiếng
- Chương 4: Thiền Phổ Cập Và Biến Thái (Thiền Thời Bắc Tống)
- Chương 5: Thiền Được Kế Thừa Và Duy Trì (Thiền Thời Nam Tống, Kim, Nguyên)
- Chương 6: Suy Vong Của Thiền Trung Quốc
LỊCH SỬ THIỀN TÔNG TRUNG QUỐC
Biên dịch: Nguyễn Nam Trân
Chương 4
Thiền phổ cập và biến dạng
(Thiền thời Bắc Tống)
Tiết 1: Thiền đầu đời Tống
Đặc tính của triều đình nhà Tống
Vua Thế Tông (tại vị 954-959) nhà Hậu Chu tuy mang tiếng ác là người "phá Phật" trong lịch sử Phật giáo nhưng đối với Trung Quốc, đó là ông vua anh hùng nhất của thời Ngũ Đại, có công thống nhất đất nước. Ông đã củng cố cấm quân thành một lực lượng tinh nhuệ, kể từ năm 955 trở đi, lần lượt thảo phạt Hậu Thục, Nam Đường, Liêu để mở rộng lãnh thổ...Thế nhưng trước khi ông chinh phạt Liêu thì mắc bệnh mà chết nên không thực hiện được chí lớn. Người kế nghiệp là Cung Đế, hãy còn quá nhỏ cho nên năm 960, các tướng bèn lập chức Đô chỉ huy sứ là Triệu Khuông Dận (927-976) lên ngôi . Ấy là vua Thái Tổ nhà Tống (trị vì 960-976).
Tống Thái Tổ nối nghiệp nhà Hậu Chu, định Khai Phong làm kinh đô. Tống bắt đầu chinh phục các nước phương Nam: năm 963 diệt Kinh Nam, năm 965 diệt Hậu Thục, năm 971 diệt Nam Hán và rốt cuộc đến năm 979 thì bình định Nam Đường. Những nước còn lại như Ngô Việt (978) và Bắc Hán (979) đều hàng. Đến đời Thái Tông (tại vị 976-997), các khu vực chủ yếu coi như đã được thống nhất.
Cùng vào thời điểm nhà Tống dấy nghiệp, ở phương bắc, nước Liêu của tộc Khiết Đan dưới sự lãnh đạo của Da Luật Bảo Cơ (Thái Tổ, tại vị 916-926) đã hưng thịnh. Người kế vị, Da Luật Đức Quang (Thái Tông, tại vị 926-947) tranh đoạt với nhà Hậu Tấn và chiếm lấy 16 châu Yên Vân, đất phía nam trường thành (năm 936). Sau đó Liêu diệt Hậu Tấn và trở thành một thế lực to lớn, một thời kỳ đã cai quản toàn cõi Hoa Bắc (946). Mặt khác, ở vùng tây bắc của Tống, tộc Tăng Gút [1] do Lý Kế Thiên (Thái Tổ, 982-1004) dòng dõi các Tiết Độ Sứ đời Đường, cầm đầu cũng giành lấy độc lập. Đến thời Lý Nguyên Hạo (Cảnh Tông, tại vị 1038-48) thì xưng đế, đổi quốc hiệu thành Đại Hạ, sử gọi là nước Tây Hạ. Như vậy, thế chân vạc của bộ ba Liêu - Tống - Tây Hạ đã được thành lập.
Thừa thế bình định được trung nguyên, năm 979 Tống Thái Tông tiến đánh luôn Liêu nhưng bao lần đều thất bại, không đoạt lại được 16 châu Yên Vân. Cuộc tranh chấp biên giới về sau cứ tiếp diễn mãi. Năm 1004, Thánh Tông nước Liêu (tại vị 982-1031) dàn quân đến bờ bắc sông Hoàng Hà những muốn cho cuộc chiến ngã ngũ nên Tống phải chấp nhận "Minh ước ở Thiền Châu" với những điều kiện bất lợi để giảng hòa. Từ có hai bên mới có một giai đoạn hòa bình. Ngoài ra, năm 1038, Lý Nguyên Hạo lại đánh Tống và đến năm 1044 cũng giảng hòa. Hòa bình không mấy khi lâu bền và những cuộc chiến đấu cứ thế tiếp tục diễn ra.
Không thể nói Tống thành công trong việc đối ngoại nhưng trong bên trong, Thái Tổ và Thái Tông đã dần dần chấn chỉnh được nội tình. Trước tiên, hai ông bổ nhiệm các tướng trong đội cấm quân ra làm tiết độ sứ để đoạt quyền các tiết độ sứ sở tại. Như thế, hai ông không những bành trướng thế lực quân đội mình trực tiếp cai quản mà còn đặt tài chánh địa phương dưới sự kiểm soát của trung ương. Cùng lúc, họ hình thành cơ cấu hành chính với các văn thần để cai trị. Quyền lực trung ương trở lại an định sau mấy thế kỷ bị các tiết độ sứ địa phương làm mưa làm gió kể từ loạn An-Sử.
Chủ nghĩa văn trị của Tống lấy các văn quan xuất thân từ khoa cử làm trung tâm. Tuy hoàng đế là người định đoạt quốc chính nhưng các văn quan có khá nhiều tự do trong việc thi hành chính sách. Do đó, tùy trường hợp, khả năng, kiến thức của cá nhân của họ được phát huy. Dần dần, nhóm quan liêu xuất thân từ khoa cử trở thành giai cấp sĩ đại phu (trí thức) cai trị, nắm lấy guồng máy nhà nước. Họ tinh thông sách vở cổ điển, giỏi thi văn, hội họa... được coi như là những kẻ có nhân cách, đáng làm mẫu mực cho quần chúng.
Tuy mục đích chính của những người theo đường khoa cử là ra làm quan nhưng dầu có đỗ đạt hay không, giới sĩ đại phu đều có chung một bậc thang giá trị. Vào đời hoàng đế thứ tư là Nhân Tông (tại vị 1022-63), một giai đoạn thịnh trị 40 năm, thì trong thời gian dài, hòa ước ký kết với Tây Hạ được duy trì tốt đẹp. Đối với giai cấp sĩ đại phu, đó là một thời đại lý tưởng, hậu thế gọi là "đời trị năm Khánh Lịch".
Thế nhưng chế độ quan liêu cũng đẻ ra nhiều vấn đề. Một mình hoàng đế không thể nào xem hết nối các tờ biểu, tờ tấu. Vai trò, thế rồi quyền lực của Tể Tướng, người phụ tá của ông trở thành vô cùng quan trọng. Một tể tướng được hoàng đế tín nhiệm thường dựa vào cái bóng của hoàng đế, trở thành chuyên quyền. Từ đó sẽ xảy ra những tranh cãi và sự hình thành các phe phái xung đột lẫn nhau. Chính đảng nào có người ra nắm chính quyền sẽ đàn áp những phe phái khác. Ngoài ra, một tệ hại nữa của chế độ quan liêu là làm cho lớp võ thần suy yếu, quân đội không đủ sức mạnh, trong việc đối ngoại, thường bị lui về thế thủ.
Dù tạo ra nhiều vấn đề như thế, chế độ quan liêu nhà Tống vốn được xây dựng để làm điểm tựa cho chế độ quân chủ độc tài cứ thế mà tiếp tục duy trì ở Trung Quốc. Có thể xem như Tống là thời điểm có một bước ngoặc trong việc xây dựng thể chế quốc gia ở nước này.
Đường hướng và hoạt động của các phái Thiền:
Khoa cử là công cụ chính để tuyển chọn nhân tài cho chế độ cho nên Tống phải chú trọng Nho học. Tuy nhiên họ cũng che chở Phật và Lão. Họ có nhiều hoạt động đáng nhắc nhở như việc Thái Tổ cho khắc Sắc Bản Đại Tạng Kinh (năm 971) và Thái Tông mở Dịch Kinh Viện (982), dịch các bản kinh tiếng Phạn mới mang về. Thái Tông còn thiết lập Ấn Kinh Viện, ấn hành Đại Tạng Kinh. Nhờ nhà nước có chính sách bảo vệ Phật giáo như thế nên đạo Phật ngày được hưng thịnh. Tông Thiên Thai cũng phục hưng. Thế nhưng trung tâm của Phật giáo đời Tống vẫn là Thiền Tông.
Nhiều danh tăng lần lượt xuất hiện từ cửa Thiền Tông. Riêng tông Quy Ngưỡng thì vào cuối đời Ngũ Đại Thập Quốc đã suy vi cho nên trong "ngũ gia", đến đời Tống còn lại mỗi "tứ tông" có hoạt động đáng kể. Thực ra, đầu đời Tống chỉ có "tam tông" tức Lâm Tế, Vân Môn và Pháp Nhãn là hùng mạnh mà thôi.
Vào thời Ngũ Đại, Lâm Tế Tông không mấy khởi sắc nhưng từ khi Phong Huyệt Diên Chiểu (896-973) ra đời, họ đã dấy lên thanh thế. Từ cửa đệ tử của ông là Thủ Sơn Tỉnh Niệm (926-993), một người hoạt động mạnh vào đầu đời Tống, có các nhân vật như Phần Dương Thiện Chiếu (947-1024), Quảng Huệ Nguyên Liên (951-1036), Thạch Môn Uẩn Thông (hay Cốc Ẩn Uẩn Thông, 965-1032), xuất hiện và chấn hưng môn phái.
Sau đó trong vòng môn hạ của Thiện Chiếu lại có Thạch Sương Sở Viên (986-1039), Lang Da Huệ Giác (năm sinh và mất không rõ), từ cửa Thạch Môn có Đạt Quan Đàm Dĩnh (985-1060), rồi đến đời Thạch Sương Sở Viên thì lại thấy xuất hiện hai người rất quan trọng là Dương Kỳ Phương Hội (992-1049) và Hoàng Long Huệ Nam (1002-1069). Học trò của họ sẽ bao trùm cả làng Thiền.
Dương Kỳ Phương Hội và Hoàng Long Huệ Nam:
Dương Kỳ Phương Hội quê ở Nghi Xuân, Viên Châu (tỉnh Giang Tây), họ Lãnh. Xuất gia từ nhỏ, đi nhiều nơi rồi đến học với Thạch Sương Sở Viên và nhận pháp tự của ông. Sau đó về núi Dương Kỳ ở quê nhà dạy Thiền. Trong đám môn hạ có Bảo Ninh Nhân Dũng (sống giữa thế kỷ 11), Bạch Vân Thủ Đoan (1025-1072)...Môn lưu của ông sau này sẽ được gọi là phái Dương Kỳ. Hai đệ tử Nhân Dũng và Bảo Ninh đã biên tập được Viên Châu Dương Kỳ Hội Hòa Thượng Ngữ Lục (thu thập lại trong Cổ Tôn Túc Ngữ Lục).
Đằng khác, Hoàng Long Huệ Nam vốn là người Ngọc Sơn, Tín Châu (tỉnh Giang Tây), họ Chương. Năm 11 tuổi vào chùa tu, thụ giới xong thì đi tứ phương để học Thiền. Tuyết Phong Văn Duyệt (1025-1102) hướng dẫn ông đến học Thạch Sương Sở Viên, được thầy truyền pháp tự. Sau khi trụ trì nhiều nơi, ông về ngụ tại Hoàng Long Sơn (Long Phúc Tự, tỉnh Giang Tây) và giảng đạo. Đồ đệ của ông có những người như Đông Lâm Thường Thông (1025-1091), Chân Tịnh Khắc Văn (1025-1102), Hối Đường Tổ Tâm (1025-1100). Đời sau, môn lưu của ông được biết với cái tên phái Hoàng Long. Có Hoàng Long Nam Thiền Sư Ngữ Lục (chép lại trong Hoàng Long Tứ Gia Lục). Bản thân ông đã ngộ đạo nhờ công án Triệu Châu khám bà (Hòa thượng Triệu Châu hiểu ra ý của bà lão) nên trong khi dạy học, thích sử dụng công án làm giáo khoa.
Nói về Vân Môn Tông thì trong đám môn đệ có Đức Sơn Duyên Mật (sống giữa thế kỷ thứ 10), Hương Lâm Trừng Viễn (908-987), Song Tuyền Sư Khoan (hậu bán thế kỷ thứ 10), Động Sơn Thủ Sơ (910-990) hoạt động mạnh nhất vào đầu đời Tống. Đệ tử của Đức Sơn Duyên Mật là Văn Thù Ứng Chân (khoảng thế kỷ 10-11), đệ tử Song Tuyền Sư Khoan là Ngũ Tổ Sư Giới (năm sinh năm mất không rõ) là những người nối tiếp được truyền thống ấy. Thế nhưng nhân vật đáng lưu ý nhất của tông Vân Môn trong giai đoạn này chính là Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển (980-1053), xuất thân từ hệ phái của Hương Lâm Trừng Viễn, và một người khác nữa là Phật Nhật Khế Tung (1007-1072), từ phái Văn Thù Ứng Chân.
Tuyết Đậu giỏi về văn học, môn đệ ông có Thiên Y Nghĩa Hoài (993-1064), người đã có công đặt nền móng cho sự trung hưng của tông Vân Môn. Mặt khác, Phật Nhật cũng để lại nhiều trứ tác, qua đó, ảnh hưởng đến hậu thế. Phải kể thêm Tiến Phúc Thừa Cổ (?-1045), thuộc hệ phái của Đông Sơn Thủ Sơ, nhân nhờ hiểu lời dạy của Vân Môn mà ngộ đạo, đã mượn tiếng nối tiếp pháp tự của Vân Môn mà gây ra nhiều sóng gió về sau.
Còn Pháp Nhãn Tông thì sau thời Vĩnh Minh Diên Thọ (904-975), hệ phái truyền từ Thiên Thai Đức Thiều (891-972) đã suy vi đi, chỉ còn hai dòng của Thanh Lương Thái Khâm (?-974) và Quy Tông Nghĩa Nhu (giữa thế kỷ thứ 10) là chủ lưu.Tuy nối tiếp Thanh Khâm có Vân Cư Đạo Tế (929-997), nối tiếp Đạo Tế có Linh Ẩn Văn Thắng (?-1026) đấy nhưng về sau cũng suy vong nhanh chóng. Đến cuối đời Bắc Tống, sự truyền thừa coi như đã tuyệt. Nhân vật đáng chú ý của tông Pháp Nhãn có lẽ mỗi Thiên Đồng Tử Ngưng (thế kỷ 10-11), người có lần tranh luận với Tứ Minh Tri Lễ (960-1028) của tông Thiên Thai. Tử Ngưng là đệ tử của Sùng Thọ Khế Trù, người nhận pháp tự của Pháp Nhãn Văn Ích.
Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển và Nhật Phật Khế Tung:
Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển sinh trong nhà họ Lý ở Toại Châu (tỉnh Tứ Xuyên). Từ nhỏ đã xuất gia. Sau khi tham thiền với Thạch Môn Uẩn Thông, ông theo học và nhận pháp tự của Trí Môn Quang Tộ (thế kỷ 10-11), một đệ tử của Hương Lâm Trừng Viễn.Ông về Tuyết Đậu Sơn thuộc Minh Châu (tức Ninh Ba thuộc tỉnh Chiết Giang), dấy tông phong. Được xem như một người đã trung hưng tông Vân Môn. Nhân vì ông hoạt động cùng một thời với Lang Da Huệ Giác (tiền bán thế kỷ 11) nên dòng của hai ông được gọi là "Nhị Cam Lồ Môn". Năm 1020, vua Chân Tông tặng ông hiệu Minh Giác Thiền Sư. Ngữ Lục thì có Tuyết Đậu Minh Giác Thiền Sư Ngữ Lục, trong đó phần Tụng Cổ Bách Tắc là lời kệ về trăm mẩu truyện thiền đời xưa được nổi tiếng hơn cả. Sau đó có Viên Ngộ Khắc Cần (10630-1135) gia thêm phần đề xướng (thuyết minh về giáo nghĩa cơ bản) làm thành tác phẩm thường được biết với tên Bích Nham Lục (1125).
Riêng về Phật Nhật Khế Tung, ông vốn họ Lý, quê huyện Đàm Tân vùng Đằng Châu (thuộc tỉnh Giang Tây), 7 tuổi đã vào chùa, 13 tuổi đắc độ (xuống tóc đi tu), năm sau thì thụ giới, 19 tuổi lên đường tham học. Hỏi đạo Thần Đỉnh Hồng Nhân (?-901), Động Sơn Nghiêu Thông (?-1030) và nhận pháp tự của Nghiêu Thông. Sau đến Tiền Đường (tỉnh Chiết Giang), trụ trì ở các nơi như Vĩnh An Tịnh Xá dưới núi Vũ Lâm Sơn (Linh Ẩn Sơn), Phật Nhật Sơn và Long Sơn... chuyên chú vào việc trứ tác.
Tác phẩm có Truyền Pháp Chính Tông Ký (1061) và Truyền Pháp Chính Tông Luận (1064) chỉnh lý lại những cuốn lịch sử về Thiền có từ trước, Phụ Giáo Biên (1061) giải thích chủ trương Nho Phật Đạo Tam Giáo Nhất Trí của mình, thêm vào đó phần phản luận trước lập trường bài Phật của Âu Dương Tu (1007-1072) và Lý Cấu (1009-1059). Vua Nhân Tông tứ hiệu Minh Giáo Đại Sư cho ông và cho phép xem Chính Pháp Chính Tông Ký và Phụ Giáo Biên như kinh điển chính thức. Ông mất ở tịnh xá Vĩnh An. Ngoài các trước tác kể trên, có để lại tập di văn là Đàm Tân Văn Tập (1134). Còn được nhắc đến như người đã đảm đương việc ấn hành Lục Tổ Đàn Kinh (1056).
Sự xâm nhập của giới sĩ đại phu và sự liên hệ với các tông phái khác
Trong phần nói về đời Đường, đã có dịp nhắc đến vai trò quan trọng của các cư sĩ đối với Thiền Tông. Thế nhưng đến đời Tống, vai trò của những người này còn trội hơn một bậc. Trong số các cư sĩ đầu đời Tống, phải nhắc đến tên Vương Tùy (?-1035, người đã biên tập Truyền Đăng Ngọc Anh Tập), bạn đồng học của Phần Dương Thiện Chiếu và Quảng Huệ Nguyên Liên dưới trướng Thủ Sơn Tỉnh Niệm, Dương Ức (973-1020, người đã viết tựa Cảnh Đức Truyền Đăng Lục) từng theo học Phần Dương Thiện Chiếu và Quảng Huệ Nguyên Liên, Lý Tuân Húc (?-1038, người đã biên tập Thiên Thánh Quảng Đăng Lục), nguyên là đệ tử Thạch Môn Uẩn Thông. Về các cư sĩ ấy, đăng sử đều ghi lại truyện ký. Họ là quan lại cao cấp, rất tích cực trong việc biên tập và tàng trữ kinh sách, có nhiều nỗ lực để đưa địa vị của Thiền Tông lên cao trong xã hội. Do đó so với thời Đường thì Thiền Tông đã thẩm thấu và lan xa hơn nhiều.
Như đã trình bày, thời Ngũ Đại, vì cảnh tao loạn, giới quí tộc đã bị tiêu diệt, đến đời Tống, chỗ đứng của họ được dành cho một giai cấp mới hưng thịnh là giới sĩ đại phu. Cái học vấn mà họ chia sẻ với nhau dĩ nhiên là Nho giáo, thế nhưng, đương thời Nho giáo chỉ là một dụng cụ của chế độ khoa cử chứ không hấp dẫn được những trí thức có nhu cầu đi tìm một triết lý cho cuộc sống. Thiền Tông đã khéo léo lôi cuốn được họ vì có thể thỏa mãn nhu cầu ấy. Thiền Tông nhờ đó đã tìm ra những người ủng hộ mình và tỏ ra có sức lấn lướt trong cuộc chạy đua với các tôn giáo khác..
Nho gia bắt đầu chú ý đến cách thức tu hành của Thiền Tông. Vào thời này khắp các nơi thấy xuất hiện nhiều cơ sở gọi là thư viện, được dùng làm chỗ đọc sách và dạy học. Trong số đó có bốn thư viện lớn có tên "tứ đại thư viện", nằm ở Bạch Lộc Động (tỉnh Giang Tây), Tung Dương (tỉnh Hà Nam), Ứng Thiên Phủ (Hà Nam), Nhạc Lộc (tỉnh Hồ Nam). Các thư viện này cũng bắt chước những thanh qui của Thiền Tông mà định ra qui luật (học qui), tổ chức sinh hoạt ký túc, chú trọng việc đào tạo nhân cách làm mục đích chính giống như giáo dục ở các chùa thiền.
Còn về phần các tông Thiên Thai và Hoa Nghiêm, vì ảnh hưởng chủ trương "phá Phật" của vua Vũ Tông nhà Đường cũng như hoàn cảnh chiến tranh trong những năm kế tiếp đã bị trầm trệ trong sự phát triển. Thế nhưng từ khi những kinh sớ bị thất tán dưới thời Ngũ Đại Thập Quốc đã được mang trở về Trung Quốc thì nhân cơ hội đó, các tăng phái Thiên Thai như Tứ Minh Tri Lễ, Cô Sơn Trí Viên (976-1022) cũng như các tăng Hoa Nghiêm như Trường Thủy Tử Tuyền (?-1038) đã xuất hiện, chào đón thời kỳ phục hưng của tông phái mình.
Tuy sự hưng thịnh của Thiền Tông là một nhân tố kích thích chư tông, thế nhưng, thái độ của chư tông đối với Thiền Tông thì hoàn toàn ngược lại. Trong khi Trường Thủy Tử Tuyền tông Hoa Nghiêm đến tham thiền với Lang Da Huệ Giác thì giữa tông Thiên Thai và Thiền, mọi sự không được êm thắm cho lắm. Điều này có thể thấy qua những cuộc luận chiến kịch liệt giữa Tứ Minh Tri Lễ và Thiên Đồng Tử Ngưng, giữa Tử Phưởng (sống giữa thế kỷ 11) và Phật Nhật Khế Tung.
Tranh luận giữa Thiên Thai và Thiền:
Đương thời, giữa Thiên Thai với nhau cũng đã có sự phân liệt. Phụng Tiên Nguyên Thanh (?-997) và Phạm Thiên Khánh Chiếu (963-1017) thì thuộc Sơn Ngoại Phái trong khi Tứ Minh Trí Lễ và Từ Vân Tuấn Thức (960-1032) lại theo Sơn Gia Phái và hai bên tranh luận với nhau. Lý do là trong khi Sơn Ngoại dung nhận việc tiếp thu tư tưởng Hoa Nghiêm thì Sơn Gia đòi hỏi phải trở về với lập trường cố hữu của phái Thiên Thai. Giống như việc Nguyên Thanh đôi lúc nhắc đến Hà Trạch Thần Hội (684-758) và Khuê Phong Tông Mật (780-841), phái Sơn Ngoại giữ một thái độ dung hòa đối với Thiền, vốn có liên lạc mật thiết với Hoa Nghiêm.
Điều đó làm cho Trí Lễ của Sơn Gia trong quá trình phê phán Sơn Ngoại đã chỉa mũi dùi vào cả Thiền Tông. Cuộc tranh luận giữa Trí Lễ và Tử Ngưng (Thiền gia thuộc tông Pháp Nhãn), nếu căn cứ theo lời ghi lại trong tác phẩm của Tông Mật (có lẽ là Bùi Hưu Thập Di Vấn, 1023), là do ban đầu, Trí Lễ đã viết Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao (năm 1004) để chủ trương rằng tư tưởng của Thiên Thai Tông ưu việt hơn Thiền Tông và bị Tử Ngưng gửi thư đến hỏi vặn. Thư qua thư lại như thế làm cho ý thức đối kháng giữa Thiên Thai và Thiền càng ngày càng mạnh mẻ và nghe nói họ đã tranh cãi với nhau đến gần 20 lần. Thấy cảnh khó coi, Tứ Minh Thái Thú Trực Các Lâm Công đã bỏ công ra điều đình và rốt cuộc, Thập Bất Nhị Môn Chỉ Yếu Sao đã được sửa đổi để cho cuộc tranh cãi chấm dứt.
Sau đó, khi Truyền Pháp Chính Tông Ký (1061) của Phật Nhật Khế Tung (Thiền tăng tông Pháp Nhãn) ra đời thì học giả phái Thiên Thai người Ngô Hưng (Chiết Giang) là Tử Phưởng lại phản biện thuyết Tây Thiên Nhị Thập Bát Tổ chép trong đó. Lúc ấy, khi Khế Tung thấy phái Thiên Thai xem Phó Pháp Tạng Nhân Duyên Truyện (thuyết về Tây Thiên Nhị Thập Bát Tổ) là vật mê hoặc lòng người chỉ đáng đem đốt đi thì ông ta liền viết Tổ Thuyết (Giải thích về chư tổ) và Chỉ Ngoa (Ngừng việc nói nhảm nhí) để phản kích. Việc tông Thiên Thai phê bình thuyết Tây Thiên Thập Bát Tổ như thế, ngoài Tử Phưởng ra, còn có Thần Trí Tùng Nghĩa (?-1091) nữa.
Khuynh hướng phụ thuộc vào nhà nước và tư tưởng tam giáo nhất trí:
Như ta đã thấy, đến dời Tống, nhiều vị danh tăng đã xuất hiện và hoạt động của họ đã đưa địa vị Thiền Tông lên cao. Tuy vậy, trong một bối cảnh xã hội mới, khi chế độ độc tài quân chủ dựa trên giai cấp quan liêu đã có chỗ đứng vững vàng thì tính chất của Thiền Tông cũng không còn là như xưa nữa. Cuối đời Đường sở dĩ Thiền Tông mở rộng được phạm vi hoạt động ngay cả trong thời loạn lạc là vì xã hội tìm về cái tính năng động, độc lập tự tôn của nó. Đến lúc Tống thì lại khác. Do tình trạng chính trị lúc đó, tất cả những giai đoạn trong đời của người xuất gia như đắc độ, thụ giới, hành du, vong một...đều bị kiểm soát kỹ lưỡng. Do đó Thiền phải mò mẫm đi tìm một lý do tồn tại mới trong một xã hội đã an định và quyền lực đều tập trung vào trung ương.
Điều đáng chú ý trước hết là sự tăng cường tính chất quốc gia nơi Phật giáo. Thiền Tông được đông đảo sĩ đại phu chấp nhận và vai trò của họ cũng ngang ngửa với vai trò của quí tộc đối với Phật giáo trước kia, thế nhưng địa vị của Thiền Tông không mấy vững chãi. Do đó, vai trò của Phật giáo nói chung trong xã hội tương đối thấp kém. Phật giáo lúc đó đã khác xưa, không còn là đối tượng để hoàng đế, quốc vương hay quí tộc tìm đến quy y. Để được quyền lực có tính áp đảo của quốc gia thừa nhận, họ cũng phải làm giống như tầng lớp sĩ đại phu, nghĩa là ra sức phục vụ quốc gia và hoàng đế.
Ví dụ chùa Tướng Quốc ở thủ đô Khai Phong là một ngôi chùa lớn mà tăng Huệ Lâm Tông Bản (1020-1099) nhận sắc chiếu trụ trì. Nơi đây là chỗ các bầy tôi đến để chúc mừng sinh nhật hoàng đế và cầu đảo xin cho hoàng đế sớm bình phục nếu gặp lúc ông ta đau ốm. Đây cũng là nới hoàng đế ngự đến để đảo vũ (cầu mưa) hoặc làm các Phật sự để báo đáp công ơn tổ tiên. Thế nhưng điều tỏ rõ vai trò quan trọng của nhà nước là đem nghi thức của chùa Thiền tên là Chúc Thánh Thượng Đường (gọi tắt là Chúc Thánh) ra áp dụng rộng rãi.
Được biết từ đời Chân Tông (trị vì 997-1022) nghi thức Chúc Thánh cầu nguyện cho nhà vua trường thọ và đất nước an thái đã được cử hành thì mới biết nghi thức này đã được áp dụng rộng rãi kể từ khi cơ sở của vương triều Tống đã chắc chắn. Trung tâm bàn thờ, nơi đặt tượng Phật (bản tôn) có khi thấy ba cái bia chép câu "Kim thượng hoàng đế thánh thọ vô cương". Cảnh Thiền Tông phải có thái độ săn đón như thế này cho ta thấy rằng trước những biến chuyển của thời đại mới, Thiền Tông đã phải chịu đựng nhiều khổ cực để duy trì được giá trị của mình.
Tư thế của tùng lâm như thế có liên quan mật thiết với cái gọi là "Nho Thiền nhất trí" hay "Tam giáo nhất trí", một chủ trương bắt đầu được các thiền tăng đề xướng. Tuy những người trong giới quan liêu khoa cử có khuynh hướng sùng Nho như Âu Dương Tu (1007-72) và Lý Cấu (1009-59) không phải ít nhưng Thiền Tông, lúc này đang được xem như một thế lực đại diện cho Phật giáo, cũng đã phải lên tiếng phản biện. Trước tình thế như vậy, bị ép vào cảnh phải chứng minh rằng sự tồn tại của Phật giáo cũng có ích cho quốc gia, các thiền gia phải đưa ra tư tưởng Nho Thiền nhất trí hay Tam giáo nhất trí.
Tư tưởng này có thể tìm thấy rõ ràng trong Phụ Giáo Biên (1061), tác phẩm lý luận của Phật Nhật Khế Tung để ứng đối với những lời Âu Dương Tu phê phán đạo Phật. Lý luận ấy cũng từng được chép trong Nhàn Cư Biên (1016) của Cô Sơn Trí Viên phái Thiên Thai. Trên thực tế, những lời này chẳng qua là vũ khí để thu phục tín đồ thuộc giai cấp sĩ đại phu. Bằng cớ là khi Âu Dương Tu và Lý Cấu đọc xong Phụ Bật Biên thì nhờ đó hai ông đã thay đổi lối nhìn.
Tính chất phụ thuộc vào nhà nước đã bắt đầu thấy ở nước Ngô Việt từ thời Ngũ Đại Thập Quốc rồi. Nhưng đến khi nhà Tống thống nhất cả, hiện tượng ấy mới thực sự phổ biến. Đối với Thiền, hệ tư trưởng vốn lấy sự độc lập tự chủ làm bản sắc, làm như vậy là một hành vi tự sát. Thế nhưng vấn đề không chỉ ngừng ở chỗ đó. Một khi mọi người đều chấp nhận vai trò trên trước của vương quyền rồi thì mọi nhân tài trước sau sẽ trở thành quan lại, duy những ai không đủ sức leo lên bằng đường sĩ hoạn mới bất đắc dĩ trở thành thiền sư. Hơn thế nữa, vào đời Thần Tông (trị vì 1067-85) vì thiếu ngân quĩ, lại sinh ra tệ nạn buôn bán "không danh độ điệp" (khoảng năm 1068) (giấy tờ chứng minh tự điền tên vào thành người đi tu) cũng như bán chức tước như tử y (áo màu tím vua ban cho cao tăng) và tứ hiệu (xưng hiệu do vua ban) cho ai cần (khoảng 1071), làm cho địa vị xã hội của giới tăng lữ càng ngày càng xuống thấp.
Phụ Giáo Biên:
Tác phẩm của Phật Nhật Khế Tung, cũng được thu thập lại trong Đàm (?) Tân Văn Tập, tập di văn của ông. Quyển thượng có ghi lại các chương Nguyên Giáo, Khuyên Thư, quyển trung có Quảng Nguyên Giáo, quyển hạ có Hiếu Luận, Đàn Kinh Tán, Chân Đế Vô Thánh Luận. Nội dung của nó khẳng định rằng ngũ giới thập thiện của nhà Phật và ngũ thường của nhà Nho xưa nay vốn chỉ là một, Nho trị thế còn Phật trị tâm, lại nhờ trị được tâm nên mới trị được thế. Ngoài ra, trong sách đó có chủ trương là Phật trội hơn cả Nho vì Phật có đối tượng là tam thế (quá khứ, hiện tại, vị lai) chứ không chỉ lo cho hiện tại. Mặt khác nó còn cho rằng Phật pháp nhờ vua và triều đình mới tồn tại được nên dạy người ta phải hết lòng hết sức ủng hộ quyền lực nhà nước.
Năm 1061, sách được Âu Dương Tu đệ trình lên Tống Nhân Tông kèm theo nhiều lời tán thưởng, năm sau, nó được triều đình chấp nhận vào loại kinh điển chính thức (nhập tạng) cùng với Chính Pháp Chính Tông Ký. Phật Nhật Khế Tung được vua ban thưởng danh hiệu Minh Giáo Đại Sư. Tác phẩm nói trên của ông được quảng bá ở Trung Quốc và Nhật Bản, in lại nhiều lần. Đặc biệt hai chương Nguyên Giáo và Hiếu Luận có ảnh hưởng rất lớn. Tục Nguyên Giáo Luận (1385) do Thẩm Sĩ Vinh đời Minh soạn, đúng như tên của nó tự nói lên, đã kế thừa tư tưởng trong Nguyên Giáo của Khế Tung. Còn Hiếu Luận thì ảnh hưởng đến Trung Phong Minh Bản (1263-1323) đời Nguyên và Hám Sơn Đức Thanh (1546-1623). Nó cũng như đã được lưu hành rộng rãi ở Nhật dưới dạng một bản khác.
Thế lực của Thiền được củng cố. Vai trò của các bộ đăng sử:
Sự hưng thịnh của Thiền Tông đời Tống đã đem tự tin đến cho các thiền tăng. Họ bắt đầu đưa ra những lý lẽ để chứng minh tính chính thống của quyền uy vừa mới đạt được. Khi tập đoàn nào đấy được xã hội nhìn nhận thì thường xảy ra hiện tượng đó, một điều không có chi lạ. Riêng ở nơi tập đoàn như Thiền Tông thì điều đó biểu lộ qua việc chính thống hóa bằng cách lập thuyết, ví dụ họ đã dựng một hệ phổ truyền pháp gọi là "tổ thống". Sự biên tập các cuốn lịch sử về thiền, gọi là "đăng sử" trở nên quan trọng. Các cuốn dăng sử như Lăng Già Sư Tư Ký và Truyền Pháp Bảo Ký của Bắc Tông đã xuất hiện trước đây nhân dịp Thần Tú được mời vào cung. Truyền thống ấy sau đó cũng được nối tiếp, riêng trong khoảng thời gian này thì cần phải nhắc đến các tác phẩm như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (do Vĩnh An Đạo Nguyên biên, 1004) và Truyền Pháp Chính Tông Ký (Phật Nhật Khế Tung biên, 1061).
Lý do phải nhắc đến chúng là vì hai quyển nói trên so các bộ đăng sử trước đây có một số điểm dị biệt có tính quyết định. Đó là việc chúng đã được đem đệ trình lên hoàng đế và nhận sắc chiếu cho "nhập tạng". Điều đó chứng minh thế lực của Thiền Tông đã bén rễ vào đầu đời Tống và có thể nói việc nhà nước giúp Thiền Tông tạo dựng cơ sở cũng là yếu tố tượng trưng định hướng cho sự phát triển của nó sau này.
Bộ Cảnh Đức Truyền Đăng Lục đặc biệt quan trọng. Sau nó các bộ khác như Thiên Thánh Quảng Đăng Lục (do Lý Tuân Húc biên, năm 1036), Kiến Trung Tịnh Quốc Tục Đăng Lục (Phật Quốc Duy Bạch biên, 1101), Tông Môn Liên Đăng Hội Yếu (Hối Ông Ngộ Minh biên, 1183), Gia Thái Phổ Đăng Lục (Lôi Am Chính Thụ biên, 1204)... lần lượt ra đời. Tất cả đều có cùng hình thức như Cảnh Đức Truyền Đăng Lục nghĩa là để được phép nhập tạng, tên sách phải bắt đầu bằng niên hiệu của hoàng đế đương thời. Chúng được gọi chung là Ngũ Đăng Lục, đến đời Nam Tống, chúng đã được biên tập lại thành Ngũ Đăng Hội Nguyên (do Đại Xuyên Phổ Tế, năm 1252). Cứ như thế việc biên tu các bộ đăng sử đã kéo dài đến tận đời Thanh.
Cảnh Đức Truyền Đăng Lục:
Học trò đàn cháu (3 đời) của Pháp Nhãn là Vĩnh An Đạo Nguyên (năm sinh năm mất không rõ) đã thừa hưởng các công trình đi trước như Bảo Lâm Truyện để biên tập bộ đăng sử 30 quyển tiêu biểu này. Sách hoàn thành năm 1004, sau khi Dương Ức hiệu đính, đã được phép nhập tạng. Đến năm 1080 thì cho in ra. Mào đầu có bài tựa của Dương Ức và mục Tây lai niên biểu, từ quyển 1 đến 29 nói về 7 vị Phật trong quá khứ và 28 tổ Tây thiên (Ấn Độ), 6 tổ Đông độ (Trung Quốc) cho đến các môn đệ của Pháp Nhãn Văn Ích, tổng cộng 52 đời, với truyện ký và cơ duyên của 1701 nhân vật (Ngày nay, người ta thường nhắc đến Thiên Thất Bách Tắc Công Án, có lẽ dựa theo tên tuổi của những người này).
Quyển thứ 30 liên quan đến các bài kệ và tụng của Thiền Tông. Cuối sách là một bài bạt. Ảnh hưởng của tác phẩm này rất lớn vì nhờ nó và Truyền Pháp Chính Tông Ký của Phật Nhật Kế Tung mà có hệ phổ ở Ấn Độ, truyện ký về Đạt Ma - Huệ Khả....những chi tiết chính yếu để tạo ra giáo điều (dogma) của Thiền Tông. Ở Nhật, nó cũng chiếm vị trí văn kiện cơ bản trong giáo lý Thiền Tông, được in đi in lại từ thời Muromachi (1392-1578). Đến thời Edo (1600-1867) lại thấy xuất hiện tác phẩm tên Diên Bảo Truyền Đăng Lục (1678) do Vạn Nguyên Sư Man (1626-1710) bắt chước cách trình bày của nó. Ngoài ra, có người tên Vương Tùy đã san định bản gốc thành Truyền Đăng Ngọc Anh Tập (1034) và cũng được nhập tạng.
Khái niệm Ngũ Gia và vai trò của nó:
Theo Đạt Quan Đàm Dĩnh trong Ngũ Gia Tông Phái, quyền uy của Thiền Tông được xác định vững vàng từ khi cái tên gọi Ngũ Gia, do Pháp Nhãn Văn Ích đề xướng, đã trở thành một khái niệm phổ biến. Ngũ gia (năm nhà) vừa ám chỉ toàn bộ Thiền Tông vừa cho thấy nội dung của nó phong phú biết là nhường nào. Do đó, việc mỗi nhà có gia phong (đường lối) và nội thực (sự tình bên trong) như thế nào là việc đáng tìm hiểu.
Nhân đó những cách thức trình bày về nguồn gốc cũng như đặc tính (có khi gọi là "cơ quan") các tông phái như "Lâm Tế tứ liệu giản" (Bốn chọn lựa của phái Lâm Tế), "Lâm Tế tam cú" (Ba câu nói cơ bản của phái Lâm Tế), "Vân Môn tam cú" (Ba câu nói cơ bản của tông Vân Môn), "Pháp Nhãn tứ cơ" (Bốn thiền cơ của tông Pháp Nhãn), "Động Sơn ngũ vị" (Năm ngôi vị theo phái Động Sơn)... được xem là rất quan trọng. Nhờ chúng người ta có thể hiểu rõ ràng hơn những phạm trù tư tưởng đặc biệt của từng hệ phái và theo đó, hình thành được một phương pháp độc đáo để giảng dạy về giáo nghĩa của Thiền. Những cách thức trình bày này rất hữu ích để dẫn dắt cho người tu học thể nghiệm trực tiếp về thiền nên có ý nghĩa giáo dục to lớn, về sau sẽ là nguồn gốc cho những bài tập gọi là "công án".
Nhân vật Đạt Quan Đàm Dĩnh không những đã gây nên sự quan tâm đối với khái niệm "ngũ gia" qua Ngũ Gia Tông Phái mà ông còn đề cập đến một vấn đề rất quan trọng trong tác phẩm này. Đó là chủ trương rằng trong ngũ gia, ngoài Tào Động thì bốn nhà còn lại đều bắt nguồn từ hệ phái của Mã Tổ Đạo Nhất. Điều này thực ra không phản ánh sự thật nhưng Đàm Dĩnh đã đi đến mức ngụy tạo ra một văn bia để ép mọi người phải đồng ý với mình. Tuy ý đồ của ông không rõ rệt lắm nhưng có thể nói việc xác định hai phái Thiền mạnh nhất vào thời đó là Lâm Tế và Vân Môn vốn chung nguồn gốc, dường như do ý hướng muốn dung hợp hai nhà làm một. Tuy thế, về sau khi Tào Động mạnh mẻ trở lại và thay thế được vai trò của tông Vân Môn, thì việc này đã châm ngòi pháo làm nổ ra cuộc tranh luận lớn giữa hai tông Lâm Tế và Tào Động.
Ngũ gia và gia phong:
Pháp Nhãn Văn Ích bàn đến ngũ gia lần đầu tiên trong Tông Môn Thập Qui Luận. Sau đó khái niệm này đã được triển khai trong Ngũ Gia Tông Phái (đã thất lạc, nhưng được dẫn ra trong Lâm Gian Lục của Giác Phạm Huệ Hồng) của Đạt Quan Đàm Dĩnh, sau đó với Nhân Thiên Nhãn Mục (1188) của Hối Nham Trí Chiêu (hậu bán thế kỷ 12) cũng như Ngũ Gia Chính Tông Tán (1125) của Hy Tẩu Chiêu Đàm, nên coi như nó đã trở thành một định thuyết kể từ đời Tống.
Ta cũng có thể xem việc biên tập Ngũ Gia Ngữ Lục (1630) của hai người đời Minh là Ngữ Phong Viên Tín (1571-1647) và Quách Ngưng Chi (năm sinh năm mất không rõ) có nguồn gốc từ đó. Sự cố định hóa quan niệm ngũ gia đã thôi thúc các tông phái phải cố định hóa gia phong của mình. Ta có thể đọc Nhân Thiên Nhãn Mục để hiểu tường tận các gia phong nhưng việc thuyết minh về nó một cách giản dị, đơn sơ có lẽ đã bắt đầu với người đời Nguyên là Cao Phong Nguyên Diệu (1238-1295) như sau:
Lâm Tế Tông: thống khoái. - Quy Ngưỡng Tông: nghiêm cẩn. - Vân Môn Tông: cao sang cổ kính. -Tào Động Tông: chi li nghiêm nhặt. -Pháp Nhãn Tông: rõ ràng trong sáng.
Ở Nhật, có Tôrei Enji (Đông Lĩnh Viên Từ, 1721-91) cũng đã thử luận về gia phong trong Ngũ Gia Tham Tường Yếu Lược Môn (1788). Từ thời Edo trở đi, có khuynh hướng dùng những ví dụ ngành nghề để nói về họ: Lâm Tế tướng quân, Quy Ngưỡng công khanh, Vân Môn thiên tử, Tào Động thổ dân, Pháp Nhãn thương nhân. Thiền sư Dogen (Đạo Nguyên) cũng đứng trên lập trường Phật Giáo như một toàn thể bất khả phân để phê phán kịch liệt cách phân chia thành năm nhà của Nhân Thiên Nhãn Mục.
Lâm Tế tứ liệu giản và Động Sơn ngũ vị là gì?
"Tứ liệu giản" được thấy trong lời thị chúng của thiền sư Lâm Tế Nghĩa Huyền (? - 867) chép ở Lâm Tế Lục. Học trò của ông là Nam Viện Huệ Ngung (860- ? ) đã đưa ra và đặt cho nó cái tên "tứ liệu giản". Nó xảy ra trong khi một vị thầy tiếp xúc với học trò học trò mà ông chỉ đạo. Trong trường hợp đó, tùy người thầy đứng trên quan điểm phủ định (đoạt) cái chủ quan của đệ tử (nhân) và cái khách quan (cảnh) của anh ta, hay là khẳng định (bất đoạt) chúng mà sinh ra bốn loại hình khác nhau. Nói cụ thể, ấy là 4 khả năng như sau: 1) đoạt nhân bất đoạt cảnh, 2) đoạt cảnh bất đoạt nhân, 3) nhân cảnh câu đoạt, 4) nhân cảnh câu bất đoạt. Trong Lâm Tế Lục mỗi cảnh ngộ đều được diễn tả kèm theo những câu thơ với dụng ý giải thích. Vì đó là lý luận phát xuất từ ông tổ của họ là Lâm Tế Nghĩa Huyền nên "tứ liệu giản" hay "bốn cách chọn lựa" được người tông Lâm Tế coi là vô cùng quan trọng.
Mặt khác, đối lại với lý luận này là thuyết "ngũ vị" mà tông Tào Động thường đề cập đến. Trước tiên, thiền sư Động Sơn Lương Giới (807-869) đã đưa ra "ngũ vị hiển quyết" (quyết có nghĩa là phép, phương pháp): trước tiên "bình đẳng" vừa là không phân biệt (chính) và phân biệt (thiên), hai cái đó có thể đi bên cạnh nhau (kiêm) để giải thích được cái thế giới của "ngộ". Học trò Động Sơn là Tào Sơn Bản Tịch (840-901) có sửa đổi và thuyết minh thêm trong Chính Thiên Ngũ Vị Tụng. Nội dung của ngũ vị được cấu thành bằng: 1) Chính trung thiên, 2) Thiên trung chính, 3) Chính trung lai, 4) Thiên trung chí, 5) Kiêm trung đáo. Mỗi một loại đều có thơ để giải thích.
Đệ tử của Bản Tịch là Tào Sơn Huệ Hà (năm sinh năm mất không rõ) đã nỗ lực truyền bá các phương pháp này. Ảnh hưởng của nó rất lớn. Sau khi có những sửa đổi như biến Thiên trung chí thành Kiêm trung chí thì thuyết ngũ vị này được ngay cả các tăng Lâm Tế như Phần Dương Thiện Chiêu, Thạch Sương Sở Viên và Đại Huệ Tông Cảo đem ra ứng dụng. Điều này đã đi ngược dòng và gây nhiều sự hỗn loạn rối rắm trong tông Tào Động. Trong các thuyết ngũ vị được đề xướng, nổi tiếng hơn cả là thuyết Thiên chính ngũ vị, chứ thực ra hãy còn đến 3 thuyết ngũ vị khác là Công huân ngũ vị, Quân thần ngũ vị, Vương tử ngũ vị nữa.
Đạt Quan Đàm Dĩnh và Thiên Vương Đạo Ngộ:
Đạt Quan Đàm Dĩnh người Hàng Châu (Chiết Giang), nguyên họ Khâu. Mười ba tuổi đã xuất gia, sau lên kinh đô, có chơi với Âu Dương Tu. Ông tham học Đại Dương Cảnh Huyền (943-1027) và Thạch Môn Uẩn Thông, sau nhận pháp tự của Uẩn Thông. Ông trụ trì ở Tuyết Đậu Sơn (Minh Châu, thuộc Chiết Giang) cũng như ở núi Kim Sơn (Trấn Giang, thuộc Giang Tô) ra sức truyền giáo. Trước tác của ông có Ngũ Gia Tông Phái, trong đó dẫn chứng từ Thiên Vương Đạo Ngộ Thiền Sư Bi do Khâu Huyền Tố soạn (thực ra bia này được xem là ngụy soạn) rằng ngoài Thiên Hoàng Đạo Ngộ (748-807) học trò của Thạch Đầu Hy Thiên (700-790) còn có một người khác tên Thiên Vương Đạo Ngộ nhưng là học trò của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) nữa.
Về sau, vẫn theo Đàm Dĩnh, từ hệ thống của Thiên Vương Đạo Ngộ đã nẩy ra hai tông Vân Môn và Pháp Nhãn vì Long Đàm Sùng Tín (thế kỷ 9-10) người khởi đầu của hai tông ấy không phải là học trò của Thiên Hoàng Đạo Ngộ mà là học trò của Thiên Vương Đạo Ngộ cơ! Tuy thuyết này hoang đường vô căn cứ nhưng người ta nghe theo rất đông. Giác Phạm Huệ Hồng (1071-1128) đời Tống, Nghiệp Hải Tử Thanh đời Nguyên (tiền bán thế kỷ 14) cũng như Phí Ẩn Thông Dung (1593-1661) đời Minh đều tiếp tục giảng dạy như thế.
Vì ảnh hưởng đó mà ở Kinh Châu người ta đã dựng Thiên Vương Tự và dựng lên một Thiên Vương Bi thực sự! Trong văn bia của thiền sư tông Vân Môn là Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển, có chép Tuyết Đậu là học trò đàn cháu của Mã Tổ cũng vì cớ ấy. Ngoài ra, Hải Tàng Hòa Thượng tức thiền tăng Nhật Bản dòng Lâm Tế là Kokan Shiren (Hổ Quan Sư Luyện, 1278-1346) trong Gokeben (Ngũ Gia Biện hay Luận về năm tông) cũng cho ta thấy thuyết ấy cũng đã được truyền cả đến đất Nhật. Gokeben còn đi xa hơn khi cho rằng Dược Sơn Duy Nghiễm cũng là học trò của Mã Tổ, và năm tông phái (ngũ gia) kể cả Tào Động đều trực thuộc vào hệ Mã Tổ.
Tiết 2: Phát triển của Thiền
vào giai đoạn nửa sau đời Tống.
Hỗn loạn chính trị và sự diệt vong của nhà Tống
Trong giai đoạn sau của thời Nhân Tông trị vì, tình hình tài chánh quốc gia lâm vào chỗ quẫn bách, hậu quả cuộc chiến tranh liên tục với Tây Hạ. Hoàng đế thứ 6 của Bắc Tống là Thần Tông dùng Vương An Thạch (1021-86) để thực hiện cải cách chính trị kinh tế hầu vượt qua cảnh khó khăn. Được sự ủng hộ của nhà vua, họ Vương đề ra tân pháp gồm một loạt luật lệ mới: phép thanh miêu và mộ dịch để kéo nông thôn ra khỏi sự trì trệ, phép thị dịch để nắm giữ thương mại, phép bảo giáp để cải tổ quân đội.
Nhờ đó mà Vương chấn chỉnh được tình trạng tài chánh, mối lo trước mắt của nhà nước. Tuy nhiên, tân pháp ông đề xướng đã hạn chế quyền lợi của giới quan lại, địa chủ và đại thương nhân cho nên bị họ hết sức chống đối. Đến khi Thần Tông băng thì phái chống đối lên nắm chính quyền và bải bỏ hầu như toàn bộ chính sách của Vương. Sau đó hai phái tân pháp và cựu pháp tiếp tục tranh chấp làm cho nền hành chánh địa phương rơi vào cảnh hỗn loạn và xã hội quan liêu mất hết kỷ cương.
Đến đời Huy Tông (tại vị 1100-1125), nhân vì vị hoàng đế này tính tình cực kỳ nghệ sĩ, không mảy may quan tâm đến chính vụ, đại thần Sái Kinh (1047-1126) lợi dụng nhược điểm của nhà vua để leo lên đến địa vị tể tướng, đuổi tất cả những ai chống đối mình để chuyên quyền. (Phái chống đối ông ta gồm cả những nhân vật như Tô Thức, Tô Triệt, Hoàng Đình Kiên). Huy Tông quá mềm yếu, để cho Sái Kinh và đạo sĩ Lâm Linh Tố (?-1119) dụ dỗ, hoang phí của công. Do đó, cuối đời Bắc Tống, loạn lạc nổi lên khắp nơi, bắt đầu bằng cuộc khởi nghĩa của Phương Lạp (1120-21) ở vùng Giang Nam.
Lúc đó ở phía bắc, tộc Nữ Chân trở nên hùng mạnh. Dưới sự lãnh đạo của Hoàn Nhan A Cốt Đả (1068-1123), họ chống lại triều đình Liêu. A Cốt Đả xưng đế vào năm 1115. Đó là vua Thái Tổ (tại vị 1115-23) nước Đại Kim. Sau khi ông chết, em là Hoàn Nhan Ngô Khất Mại (Thái Tông, 1123-35) kế vị , hợp sức với Tống làm hai gọng kìm, tiến đánh và cuối cùng tiêu diệt được nước Liêu.
Tuy Tống lập minh ước với Kim nhưng Tống thường có những hành vi bội tín, Ngô Khất Mại mới xua quân tận phía bắc Hoàng Hà để uy hiếp. Huy Tông lo sợ nhường ngôi cho Khâm Tông (tại vị 1125-27) rồi trốn ra khỏi thủ đô Khai Phong. Sái Kinh cũng bôn đào theo. Ngô Khất Mại tiến xuống miền nam, bao vây Khai Phong, nhưng sau khi ký kết hòa ước bèn rút quân về và Huy Tông lại hồi kinh. Tuy nhiên, Tống vẫn tiếp tục vi phạm điều ước nên quân Kim lại vây hãm Khai Phong, lần này bắt cả Huy Tông, Khâm Tông lẫn mấy nghìn quan lại đưa về bắc. Vương triều Bắc Tống bị diệt vong. Sử gọi là cái biến năm Tĩnh Khang (1127).
Nửa sau thời Bắc Tống tuy có những hỗn loạn liên tiếp về mặt chính trị nhưng đó là một thời kỳ kinh tế phát triển mạnh. Kỹ thuật nông nghiệp tiến bộ nên nông sản dư thừa. Nhân khẩu tăng gia, đến thế kỷ 12 thì dân số Trung Quốc đã vượt khỏi con số 100 triệu. Đây là một con số quan trọng vì ngay cả dưới hai triều Hán Đường, tuy Trung Quốc cường thịnh nhưng dân số chỉ độ 60 triệu. Thủ đô Khai Phong có khoảng trên 1 triệu dân. Để cung cấp mọi nhu yếu cho nó, phải huy động cả sản vật từ các địa phương xa vì vùng phụ cận không đủ năng lực.
Nhờ sự giao dịch rộng rãi như thế mà mạng lưới giao thông phát triển và thương nghiệp phồn thịnh. Các khu vực thương mại được thành hình khắp nơi, kinh tế hóa tệ thẩm thấu trong các tầng lớp dân chúng, các hình thức thương phiếu (giấy nợ trong thương mãi) bắt đầu lưu hành có thể nói lần đầu tiên trên thế giới tiền giấy (chỉ tệ) được sử dụng. Vùng đô thị, các nhà buôn và thợ thủ công nghiệp tập hợp thành tổ chức gọi là "hãng", và nhà nước điều khiển guồng máy kinh tế qua trung gian của họ.
Khi giai cấp bình dân, thành phần cơ sở của các đô thị hưng thịnh thì các hình thức văn nghệ đại chúng như diễn kịch và kể truyện (giảng đàm) và mỹ nghệ thủ công cũng phát triển. Tuy vậy những người đảm đương về mặt văn hóa dưới triều Tống vẫn là giai cấp sĩ đại phu. Nhân vì hoàn cảnh xã hội cho phép giới sĩ đại phu qua hệ thống quan lại tích cực góp mặt vào việc trị nước cho nên khuynh hướng tái xác định giá trị của các kinh điển Nho giáo dần dần lớn mạnh. Những Chu Đôn Di (Liêm Khê, 1017-73), Trương Tái (Hoành Cừ, 1020-77), Trình Hiệu (Minh Đạo, 1032-85), Trình Di (Y Xuyên, 1033-1107) cũng như Chu Hy (Chu Tử, 1130-1200) thời Nam Tống là những người tiên phong trên con đường này.
Hoạt động của các phái Thiền:
Từ giữa thời Tống về sau, thế lực của hai phái thuộc tông Lâm Tế là Hoàng Long (của Hoàng Long Huệ Nam) và Dương Kỳ (của Dương Kỳ Phương Hội) bành trướng rất mạnh. Cách nói "ngũ gia thất tông" đủ làm cho ta hình dung được việc hai phái này đã trưởng thành và có sức đối đầu được với "ngũ gia". Có điều hai phái này lúc thì hưng thịnh lúc lại suy vi. Nhờ sự đóng góp của những nhân vật như đệ tử của Huệ Nam là Hối Đường Tổ Tâm (1025-1100), Đông Lâm Thường Thông (1025-1091) và Chân Tịnh Khắc Văn (1025-1102), đệ tử Hối Đường Tổ Tâm là Tử Tâm Ngộ Tân (1043-1114) và Linh Nguyên Duy Thanh (? - 1117), đệ tử của Chân Tịnh Khắc Văn là Đâu Suất Tùng Duyệt (1044-91) và Giác Phạm Huệ Hồng (tức Đức Hồng, 1071-1128) mà phái Hoàng Long được nổi đình nổi đám một thời. Thế nhưng sau đó phái này suy vi và phải nhường chỗ cho Dương Kỳ.
Về phần phái Dương Kỳ, họ cũng có một thời hưng thịnh khi đệ tử của Bạch Vân Thủ Đoan (1025-72) là Ngũ Tổ Pháp Diễn (? - 1104) xuất hiện. Dưới trướng ông có 3 môn đồ xuất sắc nối tiếp thiền phong của thầy, được đời xưng tụng là "Tam Phật". Đó là Viên Ngộ Khắc Cần (tức Phật Quả Thiền Sư, 1063-1135), Phật Giám Huệ Cần (1059-1117) và Phật Nhãn Huệ Viễn (1067-1120).
Riêng về Vân Môn Tông, hệ phái từ cửa Thiên Y Nghĩa Hoài cũng đã có nhiều đại sư thiền. Trong đám đệ tử của Nghĩa Hoài, ta nhận ra Huệ Lâm Tông Bản (1020-1099), Văn Huệ Trọng (Trùng) Nguyên (? - 1063), Viên Thông Pháp Tú (1027-90), Thiết Cước Ứng Phu (năm sinh năm mất không rõ) vv...Từ những nhánh này đã sinh ra những anh tài như Từ Thụ Hoài Thâm (? - 1131), Viên Giác Tông Diễn (năm sinh năm mất không rõ), Phật Quốc Duy Bạch (cũng vậy), Huệ Nghiêm Tông Vĩnh (cũng vậy) và Trường Lô Tông Trách (cũng vậy). Từ Thụ Hoài Thâm viết Tâm Kinh Chú, còn Phật Quốc Duy Bạch, Huệ Nghiêm Tông Vĩnh, Trường Lô Tông Trách đã biên tập theo thứ tự Kiến Quốc Tịnh Quốc Tục Đăng Lục (1101), Tông Môn Thống Yếu (hay Tông Môn Thống Yếu Tập, 1135), Thiền Uyển Thanh Quy (1103) là những tác phẩm có tiếng.
Ngoài ra, những người khác thuộc Vân Môn Tông đáng cho ta lưu ý là Phật Ấn Liễu Nguyên (1033-98) nổi tiếng vì giao lưu rộng rãi trong giới sĩ đại phu, Đại Mai Pháp Anh ( ? - 1131), người đã dấy lên phong trào chống đối khi Linh Chi Nguyên Chiếu (1048-1116) của Luật Tông cho san hành Tịnh Độ Từ Bi Tập của Từ Mẫn Tam Tạng Huệ Nhật. Đó là chưa kể đến Mục Am Thiện Khanh (thế kỷ 11-12), người đã trước tác Tổ Đình Sự Uyển (1108), hình như cũng là một nhân vật thuộc tông Vân Môn. Trong Kiến Trung Tịnh Quốc Tục Đăng Lục (1101) có bài tựa, ngự chế của Huy Tông. Nhà vua cho rằng: "Chỉ cần hai tông Lâm Tế và Vân Môn là đã bao gồm hết thiên hạ". Như vậy, vào thời Bắc Tống, Vân Môn cũng hưng thịnh không thua kém gì Lâm Tế và nó chỉ suy thoái dần dần vào cuối thời kỳ này.
Giữa những đổi thay như vậy, có một tông phái bắt đầu hưng thịnh. Ấy là tông Tào Động. Đầu đời Tống, Tào Động không ngoi lên nổi, mãi đến giữa thời Tống mới phục hưng được khi Đầu Tử Nghĩa Thanh (1032-1083) xuất hiện. Rồi từ đó, nó sẽ tiến lên thêm với Phù Dung Đạo Khải (1043-1118) và Đan Hà Tử Thuần (1064-1117)., hai người thừa kế ông.
Phù Dung Đạo Khải là người dám từ chối tử y do Huy Tông ban. Vì tội khi quân phạm thượng đó, ông bị đày đi Truy Châu (Sơn Đông). Thế nhưng chính nhờ vậy mà Tào Động mới bành trướng ở vùng bắc Hoàng Hà. Trên thực tế, đệ tử của Phù Dung là Lộc Môn Tự Giác (? -1117) đã có dịp nới được khu vực truyền giáo qua bên bờ bắc sông và đến dưới triều Kim, khi Vạn Tùng Hành Tú (1166-1246) xuất hiện thì việc giáo hóa lại càng bành trướng thêm lên nữa.
Nói về Đầu Tử Nghĩa Thanh:
Ông vốn người Thanh Châu (tỉnh Sơn Đông), nguyên họ Lý. Bảy tuổi đã xuất gia, sau khi thụ giới cụ, du hành nhiều nơi. Thờ Phù Sơn Pháp Viễn làm thầy. Tuy Pháp Viễn nhận pháp tự của người tông Lâm Tế là Diệp Huyện Quy Tỉnh (thế kỷ 10-11) nhưng sau khi đã nối pháp tự, ông lại được ghép vào pháp hệ của Đại Dương Cảnh Huyền (943-1027) phái Tào Động. Pháp Viễn hiểu được nhân cách của Nghĩa Thanh, mới đem bức họa vẽ chân dung Cảnh Huyền mình được ủy thác mà truyền cho (như chứng cớ của pháp tự. Do đó, Nghĩa Thanh nhận pháp tự của Cảnh Huyền dưới hình thức "đại phó" (qua trung gian Pháp Viễn).
Ông về Đầu Tử Sơn (thuộc Thư Châu tỉnh An Huy) mở đạo tràng, đào tạo được các đệ tử như Phù Dung Đạo Giai và Đại Hồng Báo Ân (1058-1111). Đặc biệt từ cửa của Đạo Giai có đến 29 học trò giỏi ra đời. Họ đóng một vai trò rất quan trọng trong việc truyền bá tông phong cho đời sau. Việc Nghĩa Thanh nhờ "đại phó" mà có được pháp tự đã trở thành vấn đề tranh luận đối với nhóm người đi theo Menzan Zuihô (Diện Sơn Thụy Phương,1683-1769), một thiền tăng Nhật Bản sống dưới thời Edo và có chủ trương phục hồi tông thống (nghĩa là có lập trường phục cổ) cho tông Tào Động. Đối với họ, chỉ có việc truyền pháp tự theo kiểu "diện thụ" (nhận pháp trực tiếp) để có "nhất sư chứng khả" (quyền hành đạo do một ông thầy cho phép) mới tránh được sự rối loạn trong pháp hệ của cách truyền thụ gián tiếp (đại phó).
Trong bối cảnh của một thời kỳ có nhiều danh tăng xuất hiện như thế, một hiện tượng xã hội đáng cho ta chú ý là sự giao lưu của giới sĩ đại phu với các vị này đã trở thành phong trào. Nhiều cư sĩ tiếng tăm còn để lại tên tuổi. Ví dụ Tô Thức (Đông Pha, 1039-1112) từng tham học Đông Lâm Thường Thông và Phật Ấn Liễu Nguyên, Dương Quy Sơn (1053-1135) cũng là học trò Đông Lâm Thường Thông. Em Tô Thức là Tô Triệt (1039-1112) theo học Phật Ấn Liễu Nguyên, nhà văn thuộc hàng đệ tử của Tô Thức là Hoàng Đình Kiên (Sơn Cốc, 1045-1105) đã hỏi đạo Hối Đường Tố Tâm, cư sĩ Vô Am tức Trương Thương Anh (1043-1121) cũng đã theo học Đông Lâm Thường Thông và Đâu Suất Tùng Duyệt, lại giao du với Viên Ngộ Khắc Cần.
Ngoài ra có thể kể đến danh thần nhà Tống là Phú Bật (1004-83), học trò Huệ Lâm Tông Bản, Hứa Thức (tiền bán thế kỷ 11) đã tham học nơi Quảng Huệ Nguyên Liên (951-1036) và Động Sơn Hiểu Thông (? - 1030), Dương Kiệt (hậu bán thế kỷ 11) từng hỏi đạo Bạch Vân Thủ Đoan và Thiên Y Nghĩa Hoài. Danh thần Triệu Biện (người sống giữa thế kỷ 11) cũng học Thiền với Văn Huệ Trọng (Trùng) Nguyên (? -1063) và Tưởng Sơn Pháp Tuyền (giữa thế kỷ 11), Quách Tường Chính (hậu bán thế kỷ 11) là đồ đệ Bạch Vân Thủ Đoan cũng như Triệu Linh Khâm (người đầu thế kỷ 12), trong đám môn hạ Viên Ngộ Khắc Cần.
Những nhân vật kể trên vừa đeo đuổi sự nghiệp chính trị vừa tham thiền. Nhưng nhờ sự tu học đó nên không lạ gì khi thấy nhiều cư sĩ đã có trình độ chứng ngộ chẳng thua kém các thiền tăng. Tên tuổi của Tô Thức, Hoàng Đình Kiên, Dương Kiệt, Hứa Thức và Triệu Lệnh Khâm hãy còn được ghi lại trong nhiều bộ sử về Thiền Tông.
Tô Thức và Hoàng Đình Kiên đều là văn nhân tiêu biểu đương thời. Tác phẩm của Tô Thức cho thấy ông chịu rõ ràng ảnh hưởng của Thiền. Đến nổi đời Minh đã có người cho thu thập nó thành Đông Pha Thiền Hỷ Tập. Bên cạnh, quan điểm văn học của Hoàng Đình Kiêm cũng đậm màu Thiền, lý luận của ông còn để lại ảnh hưởng to lớn cho hậu thế thông qua thi phái Giang Tây. Cũng cần nhắc tới thái độ vẽ tranh gọi là "văn nhân họa" của Văn Đồng (Dử Khả, 1018-79) và của cả Tô Thức, xem thường việc vẽ thật giống (hình tự) mà đặt trọng tâm vào tinh thần của sự vật (tả ý), đã thu nhận ảnh hưởng sâu sắc của Thiền Tông.
Tư tưởng Thiền Tông cũng đã ảnh hưởng tới Nho gia. Chu Đôn Di (Liêm Khê, 1017-73) đã nhiều lần tham học các thiền sư Hoàng Long Huệ Nam, Hối Đường Tổ Tâm, Phật Ấn Liễu Nguyên, Đông Lâm Thường Thông. Trình Hiệu (Minh Đạo, 1032-85) viết lời thuật hoài, tâm sự rằng mình đã ra vào cửa Phật suốt mấy chục năm (Lão Thích xuất nhập kỷ thập niên). Tể tướng Vương An Thạch (1021-73) cũng có mối giao tình với Phật Ấn Liễu Nguyên và Chân Tịnh Khắc Văn. Tư tưởng của Chu Đôn Di và Trình Hiệu đều in đậm dấu vết Thiền Tông nữa là khác, nó sẽ trở thành cơ sở trọng yếu Chu tử học của Chu Hy thời Nam Tống về sau.
Tô Thức và Hoàng Đình Kiên
Tô Thức người My Sơn (Tứ Xuyên), hiệu Đông Pha. Ông là nhà chính trị, đồng thời là nhà thơ, người viết cổ văn nổi tiếng. Cùng với cha, Tô Tuân (1009-66), em trai, Tô Triệt, ông là một trong Đường Tống Bát Gia Văn [2]. Ông thường vẽ "mặc trúc" (tranh trúc bằng thủy mặc), cùng với Văn Đồng là hai người tiên phong trong lối vẽ "văn nhân họa". Tuy nhiên, số phận hẩm hiu trên trường chính trị vì xung đột tư tưởng với Vương An Thạch, nhiều lần bị tá thiên rồi phục hồi địa vị nhưng lần chót trên đường tá thiên đi chưa tới nơi phó nhậm thì mất. Ông nhờ theo học Đông Lâm Thường Thông mà ngộ đạo, nhận pháp tự của thầy, thường giao du với Phật Ấn Liễu Nguyên và Ngọc Tuyền Thừa Hạo (? - 1091). Nhờ có sinh hoạt với thiền môn mà tác phẩm của ông dù là thơ văn hay hội họa, lúc nào cũng đậm đà màu sắc nhà Thiền. Đến nổi có truyền thuyết cho rằng Ngũ Tổ Sư Giới (thế kỷ 10-11) chính là Tô Đông Pha đầu thai.
Còn Hoàng Đình Kiên vốn người Hồng Châu (Giang Tây), hiệu Sơn Cốc là nhà thơ và thư pháp gia lừng danh. Ông thuộc hàng đệ tử của Tô Thức về mặt văn học và có cùng chính kiến với họ Tô. Cũng như thầy, ông chịu ảnh hưởng của Thiền Tông, tham học với Hối Đường Tổ Tâm và nhận pháp tự. Thi luận của ông cũng dựa vào tư tưởng Thiền và rất độc đáo.Về sau, những người như Lữ Bản Trung (1084-1145) và Hàn Câu (? -1136) ngưỡng mộ ông như bậc thầy , chủ trương hợp nhất thơ với Thiền và thành lập thi phái Giang Tây, có ảnh hưởng lớn với thi đàn Nam Tống. Trong Thương Lãng Thi Thoại của Nghiêm Vũ (1187-?) thời Nam Tống có nói "Luận về thơ cũng giống như luận về thiền", chứng tỏ đã đào sâu ý hướng đem thiền để giải thích thi ca.
Sinh hoạt chốn tùng lâm và qui củ của nó:
Xã hội dần dà trở lại an định thì những qui phạm sinh hoạt của chốn tùng lâm có tên là "Thiền uyển thanh quy" dần dần được chỉnh đốn để sự tu hành được đồng bộ. Sự tổ chức và điều hành các chùa thiền từ việc trụ trì đến việc sắp xếp công việc cho các chức sắc chia theo đông ban (hay đông tự), tây ban (tây tự) (tự có nghĩa là trật tự, thứ tự chứ không phải là chùa). Hai "ban" hay "tự"này họp lại thành lưỡng ban nhưng ngoài ra có một số chức sắc trực thuộc vào trụ trì, chăm sóc riêng cho người ấy. Họ là những thị giả thuộc thị giả cục. Thường các chức sắc đổi phiên nhau mỗi năm một lần nhưng kể từ đời Nguyên thì trở thành cố định.
Đông ban gồm những người quản lý kinh tế nhà chùa, gồm bốn chức gọi là "tứ tri sự": giám viện (còn gọi là giám tự, người cai quản tất cả), duy na (đảm đương việc xướng kinh, giữ gìn kỷ cương lễ nghi), điển tọa (tòa) (lo việc bếp nước), trực tuế (lo việc chỗ ở, tu sửa và cung cấp thiết bị). Mặt khác, tây ban gồm những chức sắc phụ trách việc giáo dục và tu hành của tăng lữ. Họ có 6 người, gọi chung là "lục đầu thủ". Đó là thủ tọa (tòa) (trông coi chỉ dẫn việc tham thiền), thư ký (lo việc từ hàn công văn như bảng (lập danh sách) và sớ (kê khai)), tạng chủ (phụ trách việc gìn giữ kinh tạng trong tạng điện), tri khách (thù tiếp khách khứa), dục chủ (còn gọi là tri dục, lo quản lý phòng tắm), khố đầu (trông coi thu nạp và chi xuất nhà kho).
Đến đời Tống, khố đầu được đổi tên thành phó ty (hay phó tư) và nhập vào đông ban. Thay vào đó, họ lập thêm chức tri điện (hay điện chủ). Lý do là việc lễ nghi đã trở thành quan trọng nên cần có người đặc biệt phụ trách những nơi tụ họp hành lễ như điện thờ Phật. Hơn nữa, trong chùa còn đặt thêm một chức mới, gọi là đô tự, đứng trên cả giám tự của đông ban. Như vậy thể chế "lục tri sự" gồm đô tự, giám tự, phó ty, trực tuế, duy na, điển tọa,và "lục đầu thủ" với thủ tọa, thư ký, tạng chủ, tri khách, tri điện, tri dục đã hoàn thành.
Ngoài những chức danh như thế, trong Thiền Uyển Thanh Quy còn nhắc đến những danh hiệu khác như "diên thọ đường chủ" vv...thế nhưng có hai danh hiệu đáng chú ý hơn hết là trang chủ và hóa chủ (nhai phường). Trang chủ là người trông coi trang viên và thu tô thuế (kể từ đời Đường, tự điền (ruộng đất nhà chùa) không được hưởng qui chế thuế khóa gì đặc biệt, chỉ được đối đãi bình thường như mọi địa chủ khác. Sang thời Nam Tống, chùa đặt thêm chức giám thu chuyên môn thu thuế để phụ tá trang chủ. Hóa chủ là người đi vào phường phố để cổ động, khuyến hóa các đàn việt. Việc thiết lập những chức vụ như vật chỉ có từ khi các tự viện Thiền Tông đã bước từ kinh tế tự cấp tự túc sang kinh doanh trang viên và một nền kinh tế tùy thuộc vào sự cống hiến của tín đồ.
Cùng với sự sắp xếp phần việc các chức sắc, cửa Thiền cũng đặt ra qui luật cố định cho sinh hoạt hằng ngày ví dụ về việc giảng pháp ví dụ cứ cách 5 hôm lại có buổi thượng đường để giảng pháp (gọi là ngũ tham thượng đường), ngày mồng 3 và mồng 8 thì có tổ chức vãn tham (hay tiểu tham) tức việc khai thị pháp yếu, tham thiền vào buổi chiều. Đời sau, thượng đường được tổ chức vào mồng một hoặc ngày rằm gọi là "đán vọng", các dịp gặp gỡ khác gọi là "tứ tiết" gồm kết hạ, giải hạ, đông chí, niên triêu. Ngoài ra các lễ lạc trong năm như "chúc thánh" và "tam Phật kỵ" (Phật giáng đản hội, Phật thành đạo hội, Phật Niết Bàn Hội = Phật ra đời, giác ngộ và mất) cũng dần dần được cố định hóa. Không những thế, các nghi thức thụ phong (nhập viện) và tang lễ của các sư trụ trì cũng được qui định chi ly.
Việc hình thức hóa tùng lâm dĩ nhiên có ảnh hưởng đến cuộc sống tu hành của tăng lữ. Ngày xưa, những buổi vấn đáp với trụ trì tổ chức lúc nào cũng được, thế nhưng sau này đã gắn liền với các dịp thuyết pháp của trụ trì như thượng đường, tiểu tham hay phổ thuyết (tức thuyết pháp cho tất cả mọi người nghe). Chúng trở thành một nghi thức tôn giáo, và chỉ là dịp để đại chúng hỏi về những vấn đề có sẳn. Các đệ tử muốn hỏi riêng phải đến gặp thầy ở trong thất (nhập thất tham thỉnh). Trong bối cảnh đó dưới thời Nam Tống, hình thức gọi là công án đã thành hình. Nó thay đổi toàn thể cách tu học của tùng lâm.
Trong thời kỳ này, điều chính yếu là các chùa thiền dần dần trở nên đồng bộ, người ta mời những tăng sĩ ưu tú, không câu nệ thuộc hệ phái nào, đến coi sóc chùa. Đó là chế độ "thập phương trụ trì". Khi chế độ này được áp dụng thì các nơi lần lượt có những "danh sát " (chùa tiếng tăm) xuất hiện . Khi các danh sát đã cố định rồi thì đường lối kinh doanh của tự viện và con đường thăng tiến trong chốn tùng lâm cũng được cố định hóa nốt. Điều đó có nghĩa là đương thời, đem thân đi gửi ở một chùa nào, trước tiên trở thành "đồng hành", chịu làm tạp vụ để học hỏi tri thức căn bản, đến lúc nào đó, sẽ thăng lên chức "sa di" rồi sau khi thụ giới mới trở thành "tăng".
Trường hợp thiền tăng thì sau khi thụ giới, phải làm thân "vân thủy" đi khắp các danh sát nơi có thầy hay để học hỏi và tu hành. Bước đầu làm "thị giả" sau đến "tạng chủ" hay "thư ký" rồi leo lên vị trí "thủ tọa". Từ đó mới có hy vọng để được cử làm trụ trì hay không. Hết làm trụ trì một ngôi chùa qui mô nhỏ, sẽ có cơ hội tu ở một chùa tiếng tăm hơn, cuối cùng là dừng chân trụ trì ở một "danh sát". Đó là con đường thăng tiến chức nghiệp của người tu thiền.
Những ai đã từng có kinh nghiệm trụ trì (tiền trụ) sẽ được sắp đặt chỗ ở tại đông đường và tây đường, thế nhưng, chỉ có tiền trụ của bổn tự là ở đông đường trong khi những vị trụ trì đến từ các chùa khác phải ở tây đường. Các thiền tăng có đạo lực cao có thể ra riêng, cất am bên chùa để ở (gọi là am cư). Ví dụ thiền sư Hoàng Long Huệ Nam lúc ở núi Hoàng Bá (Bích) đã dựng am riêng là Tích Thúy Am. Lại nữa, các cao tăng khi chết sẽ được xây mộ tháp riêng trong khi xương cốt của các tăng bình thường thì cùng chôn cất trong mộ tháp chung gọi là "hải hội tháp". Vì chung quanh chúng sẽ có những ngôi chùa con (tháp viện) được xây lên cho nên ở những ngôi chùa nổi tiếng (danh sát) thường có nhiều am nhỏ (tiểu am) và chùa con (tháp viện) phụ thuộc vào.
Khi một vị được phong làm trụ trì, ông ta phải cho biết thầy mình là ai, người nào đã truyền đạo pháp cho mình. Do đó ý thức về "tự pháp" (thừa tự đạo pháp, kế thừa pháp thống) rất rõ ràng trong chốn thiền lâm. Vào thời này, vì Thiền Tông đã bắt rễ chắc chắn nên giấy tờ chứng nhận ấn khả gọi là "tự thư" trở thành vật cần thiết trong mọi trường hợp. Phong tục đệ tử nối nghiệp thầy phải trưng "tự thư" ra làm bằng cớ đã được phổ biến rộng rãi. Tông Lâm Tế soạn Mã Tổ Tứ Gia Lục (1085), tông Vân Môn soạn Đức Sơn Tứ Gia Lục (đã thất lạc) chứng tỏ ý thức về pháp hệ của các tông phái hết sức mạnh. Khuynh hướng này sẽ còn được kế tục đến thời Nam Tống (1127-1279), các tông phái trong thiền môn đều có "tông phái đồ" để truyền lại cho đệ tử nhận pháp tự. Các phái Hoàng Long và Dương Kỳ cũng biên soạn Hoàng Long Tứ Gia Lục (1141) và Từ Minh Tứ Gia Lục (1153).
Giữa lúc ấy xảy ra vụ tranh chấp chung quanh Tiến Phúc Thừa Cổ (? - 1045) về việc thừa kế pháp tự của thầy mình. Thừa Cổ được gọi là Cổ tháp chủ, trụ trì ở tháp viện của Vân Cư Đạo Ưng (835-902?) và truyền bá tông phong. Sau khi tham thiền với nhiều vị thầy danh tiếng nhưng tốn công vô ích, ông nhân nghe lời giảng của Vân Môn Văn Yển mà kiến ngộ, mới đi nói với mọi người là mình là pháp tự của Văn Yển.
Thái độ này của Thừa Cổ làm cho những người như Giác Phạm Huệ Hồng trong Lâm Gian Lục (1107) lên tiếng chỉ trích vì đã làm loạn pháp hệ. (Đến đời Minh mạt, hãy còn có Phí Ẩn Thông Dung trong Ngũ Đăng Nghiêm Thống đến "việc làm không hay của Sư Cổ" (Sư Cổ bất tường)). Nói tóm lại, đối với người thời đó, điều quan trọng không phải sự thực mình đã ngộ đạo nhờ ai mà là, trên mặt hình thức, đã nhận ấn khả trực tiếp (diện thụ) từ người thầy nào. Tính chính thống của thiền môn phải được bảo chứng bằng sự "tự pháp" cho nên để duy trì quyền uy của tùng lâm, họ không chấp nhận sự tồn tại của những người như Sư Cổ.
Bình luận công án và sự lưu hành các công án:
Cùng với sự xác lập quyền uy và làm cho đời sống ở các chùa thiền được yên ổn, Thiền Tông có khuynh hướng cố định hóa, nghi thức hóa mọi việc khiến cho lối tu học bằng cách trao đổi ý kiến (tiếng chuyên môn là "vấn đáp thương lượng") đã bị mất đi cá tính và bị phân ra thành loại hình. Giữa lúc đó, một khuynh hướng dần dần lớn mạnh đó là khuynh hướng "bình luận các công án".
Vào đời Đường, các nhà tu hành thường xuyên đi lại, họ có rất nhiều cơ hội phê bình lẫn nhau. Khởi thủy đó là những lời bình luận về người sống cùng thời (gọi là "thế bình"). Thế rồi, từ đời Ngũ Đại Thập Quốc cho đến đời Tống, khi mà thể chế xã hội tùng lâm đã kết nối chặt chẽ rồi thì lòng ngưỡng mộ lối hành thiền tràn đầy sinh khí của thời đã qua mỗi lúc càng mạnh cho nên lần này đối tượng trung tâm của những lời bình luận của họ là cổ nhân.
Dầu vậy, trong một chừng mục nào đó, những đối tượng được đưa ra cũng bị cố định hóa. Những vấn đáp về thiền ấy nếu được nhiều người đánh giá cao ắt phải là qui phạm, nguyên tắc (tắc) cho mọi hành động trong cuộc sống (hành lý) của người xưa (cổ nhân) cho nên họ gọi chúng là các "cổ tắc". Họ lại coi nó như những mẫu mực, án lệ để suy xét nên đặt cho nó cái tên là "công án" (vốn có nghĩa văn thư điều tra của chính phủ hay án lệ tố tụng ở pháp đình).
Lúc đó, các thiền tăng không sử dụng các vấn đáp cá nhân về Thiền nữa mà chỉ đóng góp những lời bình luận có tính cách độc sáng của mình về các công án để cho người ta biết thực lực. Như thế, ngoài những lối phê bình với lời lẽ thông thường (gọi là "niêm cổ" [3]), còn có rất nhiều lối khác như "tụng cổ" (bình luận bằng thơ), "trứ (trước) ngữ" (lời bình, nhận xét ngắn), "bình xướng" (bình giảng). Một lời phê bình lại gợi ra một lời phê bình khác, chúng triển khai và chồng chất lên nhau, trở nên một yếu tố quan trọng cho việc hình thành các ngữ lục.
Con số các ngữ lục cũng tăng lên dần. Không những thế, trong Kiến Trung Tịnh Quốc Tục Đăng Lục, ta thấy tất cả có đến 5 loại phê bình: chính tông, đối cơ, niêm cổ, tụng cổ và kệ tụng. Riêng niệm cổ và tụng cổ đã trở thành bộ môn rất quan trọng đối với đăng sử. Hai loại hình này sẽ còn được phát triển và tiếp nối dưới thời Nam Tống mà Gia Thái Phổ Đăng Lục (1204) là một ví dụ.
Trong các hình thức bình luận công án thì hình như tụng cổ đã xuất hiện vào đời Đường. Nhân vì đọc các tụng cổ sẽ mở mang kiến thức văn học, loại hình này đáp ứng được đòi hỏi của người đương thời. Nó sinh sôi nẩy nở rất nhiều nhưng nội dung thường ngừng lại ở một con số nào đó, ví dụ Tụng Cổ Nhất Bách Tắc (100), Tụng Cổ Bách Thập Tắc (110) vv...
Người đi tiên phong trong phong trào tụng cổ có lẽ là Phần Dương Thiện Chiếu, đã soạn Tụng Cổ Bách Tắc trong khoảng niên hiệu Thiên Hỉ (1017-21). Sau đó đến Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển, cũng có Tụng Cổ Bách Tắc, Bạch Vân Thủ Đoan soạn Tụng Cổ Bách Thập Tắc, Đầu Tử Nghĩa Thanh và Đan Hà Tử Thuần cũng viết Tụng Cổ Bách Tắc. Đặc biệt Tụng Cổ Bách Tắc của Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển có ý nghĩa văn học phong phú, được đánh giá cao. Nhân đó Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) mới dùng nó vào việc giảng dạy. Đệ tử của ông về sau đã thu thập và kết hợp lại các tắc và lời bình để làm thành tác phẩm nổi tiếng Bích Nham Lục (còn gọi là Bích Nham Tập, 1125).
Riêng về loại hình "niêm cổ" thì trong giai đoạn này có cuốn "niêm cổ tập" nhan đề Tông Môn Thống Yếu (1135) của Huệ Nghiêm Tông Vĩnh (năm sinh năm mất không rõ). Cuốn đăng sử thời Nam Tống là Tông Môn Liên Đăng Hội Yếu (Hối Ông Ngộ Minh biên, 1189) đã lấy tài liệu từ nó, cuốn tục biên nhan đề Tông Môn Chính Yếu Tục Tập (Cổ Lâm Thanh Mậu biên, 1320) đời Nguyên cũng thế. Chúng đều để lại ảnh hưởng to lớn đối với hậu thế.
Bích Nham Lục:
Thiền tăng đời Tống là Viên Ngộ Khắc Cần đã thu thập những lời giảng nghĩa của Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển về Tụng Cổ Bách Tắc trong lúc Tuyết Đậu du hành bố giáo. Tên sách lấy từ mấy chữ khắc trên ngạch cửa trước Giáp Sơn Linh Tuyền Thiền Viện, nơi Viên Ngộ trụ trì. Các tắc đều có các phần thùy thị (tự ngôn hay lời tựa), bản tắc (công án), các phần bình xướng đối với công án, tụng cổ, và bình xướng đối với tụng cổ. Bản tắc và tụng cổ do chính tay Tuyết Đậu (980-1052) soạn ra. Những lời tụng cổ của Tuyết Đậu, người được coi như vị tổ thứ ba của trông Vân Môn đã có công trung hưng tông phái, rất đậm đà tính văn học, được đông đảo người ái mộ. Nếu Viên Ngộ có dùng nó để làm sách giáo khoa thì chẳng qua ông cũng làm theo đòi hỏi cua người đương thời.
Tụng Cổ Bách Tắc của Tuyết Đậu tuy có giọng mĩa mai cay chua nhưng dạt dào tình yêu thương có nơi một thiền gia đời xưa. Viên Ngộ đã bổ túc vào các giai thoại có tính răn dạy đệ tử và hàm dưỡng đạo đức cho người tu hành cũng như những lời thùy thị và bình xướng, lại dùng những trước ngữ có tính châm biếm để phê bình thêm phần bản tắc và tụng cổ.
Những thiền gia xuất hiện trong bản tắc, cũng như cá nhân Tuyết Đậu và Viên Ngộ, mỗi người đều có cá tính riêng giống như những lớp địa tằng khác nhau. Thế nhưng quyển sách đã nối kết họ lại một cách chặt chẽ để cho đời có được một tác phẩm hy hữu. Vì lý do đó, sau khi Bích Nham Lục ra đời, danh tiếng nó đã vang lừng.Ngược ngạo là Đại Huệ Tông Quả, đệ tử của Viên Ngộ, lại e rằng nó gây cản trở cho việc tu hành nên đã thu thập những bản đã ấn hành và đem đi...đốt! Tuy nhiên, ảnh hưởng của nó vẫn quá lớn, đã kéo thêm ra một loạt sách bình luận về công án khác. Lục tục đến sau là Thung Dung Lục (1224, Hoằng Trí chính Giác tụng cổ, Vạn Tùng Hành Tú bình xướng), Không Cốc Tập (1285, Đầu Tử Nghĩa Thanh tụng cổ, Đan Hà Tử Thuần trước ngữ, Lâm Tuyền Tùng Luân bình xướng), Hư Đường Tập (1295, Đan Hà Tử Thuần tụng cổ, Lâm Tuyền Tùng Luân bình xướng)...
Nhân vì Thiền Tông Nhật Bản phát xuất từ Thiền đời Tống cho nên Bích Nham Lục được coi như "tông môn đệ nhất thư" ở Nhật. Nó được nghiên cứu, bình luận rộng rãi và từ thời Nam Bắc Triều (của Nhật Bản, 1336-92) được san hành nhiều lần. Mặt khác, sách liên quan đến Niêm Cổ Bách Tắc của Tuyết Đậu và Viên Ngộ có Phật Quả Viên Ngộ Kích Tiết Lục (Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển niêm cổ, Viên Ngộ Khắc Cần trước ngữ, bình xướng). Sách này được truyện bá khá rộng rãi. Thỉnh Ích Lục (1230, Hoằng Trí Chính Giác niêm cổ, Vạn Tùng Hành Tú trước ngữ, bình xướng) cũng mô phỏng theo hình thức đó.
Thiền thế tục hóa và dung hợp với chư tông:
Đặc điểm của Thiền trong thời kỳ này là ảnh hưởng của nó đến tầng lớp sĩ đại phu nhưng cũng không nên quên rằng, trong bối cảnh đó, sĩ đại phu đã là nguyên động lực để biến hóa tính chất của Thiền. Nói gọn trong một câu, Thiền đã thế tục hóa, quay sang chú trọng đến các ngành nghệ thuật như văn chương và hội họa. Về mặt lập trường, Thiền đã tỏ ra có thái độ thỏa hiệp với Tịnh Độ Tông, xưa nay vốn có chủ trương khác với họ.
Trong lúc truyền giáo, để có phương tiện trình bày tư tưởng của mình, Thiền phải vận dụng nhiều đến yếu tố văn học, cho nên xưa nay văn học đã tiềm ẩn bên trong nó. Nay vì thi văn lại là một phương tiện để giao lưu mật thiết với tầng lớp sĩ đại phu cho nên càng ngày các thiền gia càng bước sâu vào lãnh vực này. Đặc biệt thiền sư Giác Phạm Huệ Hồng, một nhà tu hành văn tài lỗi lạc, đã để lại nhiều tác phẩm, trong đó có tập thơ nhan đề Thạch Môn Văn Tự Thiền được lắm người yêu chuộng. Ngoài ra ông còn viết Lãnh Trai Dạ Thoại nhưng hầu như trong đó chỉ ghi chép thi thoại (phê bình thơ), đặc biệt thu thập thơ của hai kỳ tăng đời Đường là Hàn Sơn và Thập Đắc. Hàn Sơn Thi Tập dưới dạng còn truyền đến ngày nay cũng đã được biên tập vào thời kỳ này.
Cũng trong giai đoạn đó, nhiều thiền tăng hướng về cái thú vẽ tranh. Trọng Nhân (Hoa Quang, thế kỷ 11-12) , một nhà sư chơi thân với Hoàng Đình Kiên, nổi tiếng về "mặc mai" (vẽ mai bằng mực nước), ảnh hướng nhiều đến các "văn nhân họa" gia. Giác Phạm Huệ Hồng cũng theo bước ông vẽ mai. Mặt khác, nếu nói tới các văn nhân họa gia chịu ảnh hưởng của Thiền, phải kể đến Lý Công Lân (? - 1106), người chơi thân với Tô Thức và Hoàng Đình Kiên với nhiều "thiền hội đồ" (tranh thiền). Những bức Đạo Thích Nhân Vật Đồ của ông đã được giới sĩ đại phu khen ngợi không tiếc lời.
Tuy khuynh hướng tiếp cận văn học nghệ thuật của các thiền gia đã thoáng hiện từ cuối đời Đường bước qua Ngũ Đại nhưng không ai có thể khẳng định hoàn toàn điều đó. Chỉ khi xã hội tìm lại sự yên ổn với triều Tống, khi mà chủ nghĩa văn trị đã hoàn toàn xác định vị thế của nó, các môn thi, thư, họa được tôn kính như cơ sở trí thức của lớp sĩ đại phu, thì những tăng lữ có tài năng về những lãnh vực ấy mới thật sự được đời trọng vọng.
Một đặc điểm khác của tư tưởng Thiền Tông trong thời đại này là sự chấp nhận rộng rãi một số giáo lý của Tịnh Độ Tông. Thật ra, Vĩnh Minh Diên Thọ đã chủ trương "Thiền Tịnh song tu" tự thời Đường mạt Ngũ Đại nhưng đến giai đoạn này, tư tưởng ấy thẩm thấu sâu hơn, chủ yếu nhờ các thiền gia thuộc tông Vân Môn như Thiên Y Nghĩa Hoài, Huệ Lâm Tông Bản, Từ Thụ Hoài Thâm và Trường Lô Tông Trách. Sau đó nó lại lan qua tông Lâm Tế với Tử Tâm Ngộ Tân, tông Tào Động với Chân Yết Thanh Liễu (tăng thời Nam Tống, 1089-1151). Riêng cá nhân Tông Trách là người ngưỡng mộ di phong của Lô Sơn Liên Xã (hay Bạch Liên Xã do Huệ Viễn 334-416 lập năm 402) ngày xưa, đã thành lập tổ chức (kết xã) Liên Hoa Thắng Hội. Cũng vì cớ ấy mà Tông Hiểu (1151-1214) trong tác phẩm Lạc Bang Văn Loại quyển 3 mới thu thập truyện ký về Tông Trách và gọi ông là Liên Tông Lục Tổ.
Trong các văn bản thời kỳ đầu của Thiền Tông, họ phê phán nghiêm khắc thuyết "Tây Phương vãng sinh". Nguyên lai, tư tưởng tha lực (dựa vào sức của Phật để được cứu độ của Tịnh Độ Tông) dễ dãi không thể nào sống chung với tư tưởng kiến tính thành Phật (dựa vào chính mình để tìm ra lẽ đạo của Thiền Tông), một việc khó khăn. Tuy nhiên, nhân vì tư tưởng Tịnh Độ của Phật giáo Trung Quốc thiên trọng tính duy tâm ("duy tâm Tịnh Độ" coi Tịnh Độ như một tâm thức giác ngộ) dễ dàng dung hợp với Thiền hơn là tư tưởng của Phật giáo Nhật Bản xem "chỉ phương lập tướng Tịnh Độ" (coi Tịnh Độ như một cõi có địa lý địa hình nhất định) như điều đương nhiên.
Thế nhưng, Thiền xưa nay đã là Thiền nghĩa là một hệ tư tưởng hoàn thành hẳn hoi, cớ sao lại đi kiếm giáo lý Tịnh Độ mà đưa vào làm chi? Chẳng hay các thiền gia có dụng ý gì? Ta có thể tìm thấy câu trả lời ở điểm họ muốn tránh sự phê phán về cái tính cách độc thiện của thiền gia, người đã tìm thấy cái ngộ (cho bản thân mình). Do đó việc thiền tăng niệm Phật (như người theo tông Tịnh Độ) cũng là bằng chứng họ dốc lòng tu hành.
Cũng không nên quên một điều khác là lúc đó Phật giáo Tịnh Độ thẩm thấu rất sâu trong lòng xã hội nữa. Vào thời ấy, nếu nhìn thái độ của Tứ Minh Tri Lễ, Từ Vân Tuân Thức, Tông Hiểu của tông Thiên Thai cũng như Linh Chi Nguyên Chiếu của Luật Tông đối với nó, ta thấy Tịnh Độ Tông đã được xã hội dung nạp rộng rãi, vượt lên sự cách biệt về tông phái. Thiền Tông, cho dù lúc đó có sự ủng hộ của tầng lớp sĩ đại phu và chiếm lấy địa vị cao cả nhất trong Phật giáo cũng không thể nào làm ngơ trước thực tế đó.
Giác Phạm Huệ Hồng:
Còn gọi là Đức Hồng, người huyện Tân Xương, Quân Châu (Giang Tây), vốn họ Chương (có nơi chép là Dụ). Cha mẹ mất sớm nên 14 tuổi đã xuất gia. Năm 19 tuổi đắc độ. Lúc đầu theo học Thành Duy Thức Luận nhưng sau chuyển qua Thiền. Tham học với Chân Tịnh Khắc Văn và các vị tôn túc khác, được Khắc Văn truyền pháp tự. Có một thời trụ trì ở Thạch Môn Cảnh Đức Tự phía bắc Phủ Châu (Giang Tây), sau du hành Kim Lăng (Giang Tô) rồi về trụ trì ở chùa Thanh Lương ở Thụy Châu (1105).
Vừa vào chùa được một tháng đã bị vu cáo và bắt bỏ ngục, nhờ đồng đạo và đại thần là Trương Thương Anh và các bạn xin mãi mới được tha. Tuy vậy vận hạn vẫn chưa hết, trước sau bị giam thêm ba lần nữa (1109, 1114, 1118). Do đó, ông chuyên chú vào con đường văn học nghệ thuật. Vãn niên về ở Nam Đài Tự ở Tương Tây (tỉnh Hồ Nam) soạn được Thiền Lâm Tăng Bảo Truyện. Về mặt văn học, ông để lại Lâm Gian Lục (1107), Lãnh Trai Dạ Thoại, Thạch Môn Văn Tự Thiền vv... Được tứ thụy hiệu là Bảo Giác Viên Minh Thiền Sư. Bài minh viết trên tháp của ông là do Hàn Câu soạn.
Hệ Phổ Thiền (4)
Phân nhánh của tông Lâm Tế:
Phái Hoàng Long:
1 Phong Huyệt Diên Chiểu -> 2 Thủ Sơn Tỉnh Niệm -> 3 Phần Dương Thiện Chiêu -> 4 Lang Da Huệ Giác, đồng 4 Thạch Sương Sở Viên -> 5 Hoàng Long Huệ Nam (phái Hoàng Long) -> 6 Hối Đường Tổ Tâm, 6 Hoàng Đình Kiên, 6 Linh Nguyên Duy Thanh.... -> Hư Am Hoài Sưởng -> Minh Am Vinh Tây (tăng Nhật Bản Eisai).
Đồng 6 Đông Lâm Thường Thông -> 7 Tô Thức, 7 Dương Tượng Sơn.
Đồng 6 Chân Tịnh Khắc Văn -> 7 Giác Phạm Huệ Hồng, đồng 7 Đâu Suất Tùng Duyệt -> 8 Trương Thương Anh.
Phái Dương Kỳ:
4 Thạch Sương Sở Viên -> Đồng 5 Dương Kỳ Phương Hội (phái Dương Kỳ) -> 6 Bạch Vân Thủ Đoanà 7 Quách Tường Chính, đồng 7 Ngũ Tổ Pháp Diễn -> 8 Nam Đường Nguyên Tĩnh ( -> 9 Khuếch Am Sư Viễn), đồng 8 Viên Ngộ Khắc Cần ( -> 9 Đại Huệ Tông Cảo, đồng 9 Hổ Khâu Thiệu Long, đồng 9 Hạt Đường Huệ Viễn -> 10 Duệ Sơn Giác A (tăng Nhật Bản Kakua)). Đồng 6 Bảo Ninh Nhân Dũng.
7 Ngũ Tổ Pháp Diễn -> Đồng 8 Phật Giám Huệ Cần, 8 Phật Nhãn Thanh Viễn (-> 9 Trúc Am Sĩ Khuê -> 10 Tăng Đĩnh Thủ Trách). Đồng 8 Khai Phúc Thủ Ninh...Vô Môn Huệ Khai -> Tâm Địa Giác Tâm (tăng Nhật Bản Kakushin). Đồng 8 Thiên Mục Tế ...Trung Hòa Chương -> Hải Vân Ấn Giản.
Các hệ phái khác:
1 Phong Huyệt Diên Chiểu -> 2 Thủ Sơn Tỉnh Niệm -> Đồng 3 Cốc Ẩn Uẩn Thông ( -> 4 Kim Sơn Đàm Dĩnh, 4 Lý Tuân Húc), đồng 3 Diệp Huyện Quy Tỉnh ( -> 4 Phù Sơn Pháp Viễn), đồng 3 Quảng Huệ Nguyên Liên).
Phân nhánh của tông Tào Động:
1 Đồng An Đạo Phi -> 2 Đồng An Quán Chí -> 3 Đại Dương Cảnh Huyền -> 4 Đầu Tử Nghĩa Thanh -> 5 Phù Dung Đạo Khải -> 6 Đan Hà Tử Thuần, 6 Lộc Môn Tự Giác.
Phân nhánh của tông Vân Môn:
1 Vân Môn Văn Yển -> 2 Song Tuyền Nhân Úc -> 3 Đức Sơn Huệ Viễn -> 4 Khai Tiên Thiện Tiêm -> 5 Phật Ấn Liễu Nguyên.
Đồng 2 Đức Sơn Duyên Mật -> 3 Văn Thù Ứng Chân -> 4 Động Sơn Hiểu Thông -> 5 Phật Nhật Khế Tung.
Đồng 2 Song Tuyền Sư Khoan -> 3 Ngũ Tổ Sư Giới -> 4 Lặc Đàm Hoài Trừng -> 5 Dục Vương Hoài Liễn, đồng 5 Cửu Phong Giám Thiều -> Đại Hải Pháp Anh.
Đồng 2 Động Sơn Thủ Sơ -> 3 Nam Nhạc Lương Nhã -> Tiến Phúc Thừa Cổ.
Đồng 2 Hương Lâm Trừng Viễn -> 3 Trí Môn Quang Tộ -> 4 Tuyết Đậu Trọng (Trùng) Hiển -> 5 Thiên Y Nghĩa Hoài.
Phân nhánh Vân Môn từ Nghĩa Hoài:
5 Thiên Y Nghĩa Hoài à 6 Huệ Lâm Tông Bản -> 7 Pháp Vân Thiện Bản ( -> 8 Diệu Trạm Tư Huệ -> 9 Nguyệt Đường Đạo Xương -> 10 Lôi Am Chính Thụ). Đồng 7 Trường Lô Sùng Tín -> 8 Từ Thụ Hoài Thâm.
Đồng 6 Văn Huệ Trọng Nguyên -> 7 Nguyên Phong Thanh Mãn -> 8 Viên Giác Tông Diễn.
Đồng 6 Viên Thông Pháp Tú -> 7 Phật Quốc Duy Bạch, 7 Huệ Nghiêm Tông Vĩnh.
Đồng 6 Trường Lô Ứng Phu -> 7 Trường Lô Tông Trách.
Địa lý Thiền Tông (4)
Phân bố các chùa thiền đời Tống:
Bắc Hoàng Hà:
Hiếu Nghĩa Thái Tử Tự (Thiện Chiếu trụ trì)
Bắc Trường Giang nam Hoàng Hà:
Khai Phong Tướng Quốc Tự (Tông Bản, Hoài Thâm), Trường Lô Tự (Pháp Tú, Ứng Phu), Tưởng Sơn tức Nhiếp Sơn (Huệ Cần), Phù Dung Sơn, Lang Da Sơn, Đan Hà Sơn, Thủ Sơn, Động Sơn, Bảo An Sơn Quảng Giáo Viện (Quy Tỉnh), Cốc Ẩn Sơn, Đại Hồng Sơn, Thạch Môn Sơn, Đại Dương Sơn, Đầu Tử Sơn, Bạch Vân Sơn, Long Cư Sơn Trí Môn Tự, Hương Lâm Sơn, Kim Lăng.
Nam Trường Giang:
Phật Nhật Sơn, Kim Sơn (Đàm Dĩnh), Giáp Sơn (Khắc Cần), Văn Thù Sơn, Đức Sơn, Tương Tây (Huệ Hồng), Thạch Sương Sơn, Dương Kỳ Sơn, Long An Sơn Đâu Suất Viện, Tiến Phúc Sơn, Thạch Môn Sơn (Khắc Văn), Tuyết Phong Sơn (Tông Diễn), Tuyết Đậu Sơn, Đại Mai Sơn, Pháp Hoa Sơn Thiên Y Tự, Hổ Khâu Sơn (Khế Tung), Kinh Sơn (Khắc Cần), Linh Ẩn Sơn Vĩnh An Tịnh Xá (Khế Tung), Vân Cư Sơn (Liễu Nguyên), Lô Sơn Đông Lâm Tự (Thường Thông), Hoàng Long Sơn (Tố Tâm, Ngộ Tân, Duy Thanh).
[1]- Tangqut, sắc dân vùng tây bắc Trung Quốc, thịnh vượng từ thế kỷ thứ 6 đến 14. Nguyên gốc Tibet (Tây Tạng), thuộc một dân tộc vào thế kỷ 11 đã lập nên nước Tây Hạ ở vùng Ordos, nơi có khúc ngoặc của sông Hoàng Hà (Hà sáo), nay thuộc Nội Mông.
[2] - Ngoài ba ông còn có 5 người khác là Hàn Dũ (Đường), Liễu Tôn Nguyên (Đường), Âu Dương Tu (Tống), Vương An Thạch (Tống) và Tăng Củng (Tống).
[3] - Niêm: vặn vẹo (twist), ở đây có nghĩa là tìm hiểu cặn kẽ, đưa ra mọi ý kiến. Còn có chữ "niêm đề" hay "niêm tắc".