- Mục Lục
- Lời Nói Đầu
- Quyển Thứ Nhất-Hai Mươi
- Quyển Thứ Nhất
- Quyển Thứ Hai
- Quyển Thứ Ba
- Quyển Thứ Tư
- Quyển Thứ Năm
- Quyển Thứ Sáu
- Quyển Thứ Bảy
- Quyển Thứ Tám
- Quyển Thứ Chín
- Quyển Thứ Mười
- Quyển Thứ Mười Một
- Quyển Thứ Mười Hai
- Quyển Thứ Mười Ba
- Quyển Thứ Mười Bốn
- Quyển Thứ Mười Lăm
- Quyển Thứ Mười Sáu
- Quyển Thứ Mười Bảy
- Quyển Thứ Mười Tám
- Quyển Thứ Mười Chín
- Quyển Thứ Hai Mươi
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt-Bốn Mươi
- Quyển Thứ Hai Mươi Mốt
- Quyển Thứ Hai Mươi Hai
- Quyển Thứ Hai Mươi Ba
- Quyển Thứ Hai Mươi Bốn
- Quyển Thứ Hai Mươi Lăm
- Quyển Thứ Hai Mươi Sáu
- Quyển Thứ Hai Mươi Bảy
- Quyển Thứ Hai Mươi Tám
- Quyển Thứ Hai Mươi Chín
- Quyển Thứ Ba Mươi
- Quyển Thứ Ba Mươi Mốt
- Quyển Thứ Ba Mươi Hai
- Quyển Thứ Ba Mươi Ba
- Quyển Thứ Ba Mươi Bốn
- Quyển Thứ Ba Mươi Lăm
- Quyển Thứ Ba Mươi Sáu
- Quyển Thứ Ba Mươi Bảy
- Quyển Thứ Ba Mươi Tám
- Quyển Thứ Ba Mươi Chín
- Quyển Thứ Bốn Mươi
Đại Tạng Số 1425
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hán dịch: Tam Tạng Phật Đà La người Thiên Trúc cùng
Sa môn Pháp Hiển, đời Đông Tấn, Trung Quốc
Việt dịch: Thích Phước Sơn - Chứng nghĩa: Thích Đỗng Minh
Sài Gòn, Việt
Quyển Thứ Ba Mươi
NÓI RÕ PHẨM TẠP TỤNG THỨ TÁM
Lại nữa, khi Phật an trú tại thành Vương Xá. Lúc ấy, tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha đang sống trong thôn, hằng ngày đi qua bên kia sông Hằng khất thực. Khi đến bờ sông Hằng, thầy liền nói như sau:
- Thủ đà la, ngừng lại. Ta muốn đi qua.
Nước liền ngừng chảy. Khi qua rồi, thầy lại nói:
- Thủ đà la, ngươi cứ chảy.
Thế là nước chảy lại như cũ. Thủy thần không vui liền đi đến chỗ Phật, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên, bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha nói những lời quá cộc cằn như: "Ngừng lại thủ đà la, chảy đi thủ đà la".
- Hãy gọi Tất Lăng Già Bà Tha đến đây.
Khi thầy đến rồi, Phật liền hỏi:
- Ông có việc đó thật không?
- Có thật như vậy bạch Thế Tôn!
- Thần sông Hằng đã trách móc ông như trên, vậy ông hãy đến sám hối ông ta.
Tất Lăng Già Bà Tha bèn đến đó, nói:
- Tôi xin lỗi, thủ đà la.
- Trước cũng gọi thủ đà la, giờ cũng gọi thủ đà la, có khác gì đâu mà nói là xin lỗi.
Tất Lăng Già Bà Tha, chỉ trừ tám vị Đại Thanh Văn của Phật, ngoài ra tất cả thầy đều gọi là thủ đà la. (468a) Kể cả các Hòa Thượng, A xà lê, các Thượng Tọa thầy đều gọi là thủ đà la tất. Các Tỉ kheo bàn nhau:
- Tôn giả Tất Lăng Già Bà Tha, thậm chí đối với Hòa Thượng, A xà lê cũng đều gọi là thủ đà la. Nhưng đâu có phải chỉ một người này là Bà la môn xuất gia ; tôn giả Đại Ca Diếp, Xá-lợi-phất, Mục Liên. v.v... , cũng đều là Bà la môn xuất gia mà đâu có gọi như thế. Vậy, chúng ta phải làm yết ma cử tội.
Thế rồi Tỉ kheo Tăng bèn tập hợp. Khi ấy, Tất Lăng Già Bà Tha đang ngồi thiền, không đến. Tăng bèn sai sứ đến gọi. Sứ giả đến đó đập cửa, nói:
- Chúng Tăng đang tập họp, cho gọi trưởng lão.
Khi ấy, Tất Lăng Già Bà Tha quán sát, thấy Tỉ kheo Tăng tập họp định làm yết ma cử tội mình, liền dùng thần lực kềm chế Tỉ kheo sứ giả đứng yên tại cửa, không thể đi được. Chúng Tăng thấy sứ giả đi lâu không trở về, lấy làm lạ, bèn sai Tỉ kheo khác đến gọi. Vị Tỉ kheo sau đến, liền cầm tay Tỉ kheo sứ giả trước kéo đi, thì trưởng lão Tất Lăng Già Bà Tha cũng lại làm phép cho dính vào nhau, không thể đi được. Như vậy hết sứ giả này đến sứ giả khác đều dính vào nhau, không thể đi được. Các Tỉ kheo bèn trách cứ:
- Trong chúng đâu phải chỉ có một người này có đại thần túc? Tôn giả Đại Mục Liên há không có năng lực này sao? Vậy hãy làm yết ma phúc phạt tề thủy tế (xử vắng mặt).
Phật dùng thần túc từ hư không đi đến, tuy biết ngài vẫn hỏi các Tỉ kheo:
- Các ông đang làm gì đó?
- Bạch Thế Tôn! Tất Lăng Già Bà Tha chỉ trừ tám vị đại Thanh Văn của Như Lai, ngoài ra kể cả Hòa Thượng, A Xà Lê ông đều gọi là thủ đà la. Khi Tăng muốn làm yết ma cử tội, tập họp thì ông không đến. Khi sai sứ đến gọi, thì ông lại dùng thần túc kềm chế, khiến sứ giả dính chùm vào nhau, mà ông vẫn không đến. Do đó, Tăng định làm yết ma tề thủy tế (xử vắng mặt) phúc phạt.
Thế rồi, Phật nói:
- Ông ấy sẽ đến.
Tất Lăng Già Bà Tha tâm liền khai thông, bỗng chốc đến đứng trước Phật. Phật liền nói với Tất Lăng Già Bà Tha:
- Ông có lỗi khi nói thủ đà la, nên các vị phạm hạnh chê trách ông.
- Bạch Thế Tôn! Vậy con phải làm sao? Con không kiêu mạn, cũng không tự đại khinh miệt người khác. Nhưng khi con gọi Hòa Thượng, A xà lê, các trưởng lão Tỉ kheo thì tiếng nói phát ra liền thành thủ đà la.
Phật liền nói với các Tỉ kheo:
- Ông Tất Lăng Già Bà Tha này không phải kiêu mạn cũng không phải tự đại khinh miệt người khác. Từ 500 đời trở lại đây thường sinh trong nhà Bà la môn nên cái tập khí nói thủ đà la chưa bỏ được.
Đoạn, Phật quay lại nói với Tất Lăng Già Bà Tha:
- Ông từ vô thỉ sinh tử đến nay, tham dục, sân hận, ngu si còn có thể nhổ hết vĩnh viễn, mà tập khí của 500 đời lại không thể trừ được. Từ nay về sau, đừng nói tiếng thủ đà la.
Nghe Thế Tôn dạy, vì lòng cung kính nên vĩnh viễn ông không nói như thế nữa.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là Tam bà tha.
19- Một thố dầu:
(468b) Sau khi đức Thế Tôn Niết-bàn, các trưởng lão Tỉ kheo ở Tì-xá-li, lúc ấy có một khách buôn nhân dịp Tự tứ mời Tỉ-kheo-ni Pháp Dự. Tỉ-kheo-ni này thường sai một đệ tử y chỉ đến nhà ấy lấy những vật cần dùng. Khi ấy, đệ tử y chỉ không xưng tên thầy, không tự xưng tên mình mà chỉ nói trổng:
- Tôi cần dầu.
Đàn việt bèn đưa dầu. Thế rồi, cô ta tự sử dụng. Sau đó, đàn việt kiểm tra lại thì số dầu ấy không đến tay Ni sư. Đệ tử y chỉ lòng sinh nghi ngờ hối hận, bèn nói với các Tỉ-kheo-ni. Các Tỉ-kheo-ni bảo rằng cô phạm tội Ba la di nhưng cũng không chắc lắm, liền đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Tuy lấy một cách mờ ám, nhưng có đàn việt cho nên chỉ phạm tội Thâu lan.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là một thố dầu.
20- Lấy thức ăn.
Bấy giờ, có đàn việt đến một tinh xá tại thành Xá-vệ cúng dường trai phạn cho chúng Tăng. Khi ấy, có một Tỉ kheo ăn phần mình xong lại lấy thêm một phần nữa. Người phụ trách dọn cơm hỏi:
- Trưởng lão lấy phần cho ai thế?
- Lấy phần cho tôi.
- Thế thì phần ăn rồi là của ai?
- Cũng của tôi.
Lúc ấy, Tỉ kheo nói:
- Thầy phạm tội Ba la di.
Nhưng các Tỉ kheo không chắc lắm, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Cái mình không được mà lấy, nhưng có chủ cho nên chỉ phạm tội Thâu lan.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là lấy thức ăn.
21- Nuôi bệnh.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ. Lúc ấy, tại tinh xá Kỳ Hoàn có một Tỉ kheo bệnh tranh cãi với Tỉ kheo nuôi bệnh. Hôm ấy có đàn việt đến tinh xá cúng dường trai phạn cho chúng Tăng. Tỉ kheo bệnh suy nghĩ: "Hôm nay ông ấy chắc gì lấy cơm cho ta?", bèn nhờ một Tỉ kheo khác lấy cơm. Cùng lúc ấy, Tỉ kheo nuôi bệnh suy nghĩ: "Hôm nay ai sẽ lấy cơm cho người ấy đây?" Thế là rốt cuộc tới hai người đi lấy cơm. Bấy giờ, người dọn cơm hỏi Tỉ kheo nuôi bệnh:
- Thầy lấy cơm cho ai vậy?
- Lấy cơm cho Tỉ kheo mỗ bị bệnh.
Lại hỏi người lấy cơm giúp:
- Thầy lấy cơm cho ai?
- Lấy cơm cho Tỉ kheo mỗ bị bệnh.
Các Tỉ kheo liền nói:
- Thầy phạm tội Ba la di.
Nhưng họ cũng không chắc lắm, bèn đến hỏi Tỉ kheo trưởng lão. Tỉ kheo trưởng lão đáp:
- Người được nhờ lấy cơm này không có tội. Nhưng Tỉ kheo bệnh tranh cãi với Tỉ kheo nuôi bệnh, rồi không nói với Tỉ kheo nuôi bệnh mà nhờ người khác lấy cơm thì phạm tội Việt tỳ ni. Còn người nuôi bệnh tranh cãi với Tỉ kheo bệnh, rồi không hỏi mà đi lấy cơm giúp cũng phạm tội Việt tỳ ni.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là nuôi bệnh.
22- Miếng thịt của chim.
Khi Phật an trú tại tinh xá Kỳ Hoàn thuộc thành Xá Ve, lúc ấy, có Tỉ kheo đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành khất thực thì bỗng dưng có con chim ngậm cục thịt chợt rơi vào (468c) trong bát của Tỉ kheo. Tỉ kheo bèn đem về tinh xá luộc chín để ăn, rồi chia cho các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo hỏi:
- Trưởng lão! Thầy nhặt được miếng thịt này ở đâu vậy?
Thầy bèn trình bày lại đầy đủ sự việc kể trên. Các Tỉ kheo nói:
- Thầy phạm tội Ba la di.
Nhưng họ cũng không chắc lắm, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Súc sinh không thuộc về ai cả.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là miếng thịt của chim.
23- Miếng thịt của bọn cướp.
Sau khi đức Thế Tôn Niết-bàn, các trưởng lão Tỉ kheo sống tại thành Vương xá. Vào lúc ban đêm có bọn cướp bắt trộm trâu rồi chúng đem vào rừng Thi Đà mổ thịt mà ăn nhưng ăn không hết. Chúng bèn hỏi Tỉ kheo đang ngồi thiền trong rừng:
- Tôn giả có cần thịt không?
- Cần.
Tức thì chúng cho Tỉ kheo đầy bát. Tỉ kheo bèn đem về tinh xá mà ăn rồi chia cho các Tỉ kheo khác. Các Tỉ kheo khác hỏi:
- Trưởng lão được thịt này ở đâu vậy?
Thầy bèn trình bày lại đầy đủ sự việc kể trên. Các Tỉ kheo nói:
- Trưởng lão! Thầy lấy vật của bọn cướp đủ 5 tiền phạm tội Ba la di.
Thế nhưng họ không chắc lắm, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Người xuất gia nhận vật có chủ bố thí dùng vật ấy như pháp hay không như pháp đều không có tội.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là miếng thịt của bọn cướp.
24- Thịt heo.
Lúc ấy ở thôn Đề Bà có bọn ăn trộm, bắt trộm heo mổ thịt mà ăn. Các đầu, chân còn thừa chúng bỏ lại, rồi ra đi. Bấy giờ, có Tỉ kheo thấy thế bèn đem về tinh xá nấu chín rồi ăn, đồng thời chia cho các Tỉ kheo khác. Các Tỉ kheo hỏi:
- Thầy được thịt này ở đâu vậy?
Thầy bèn trình bày lại đầy đủ sự việc kể trên. Các Tỉ kheo nói:
- Đáng giá 5 tiền phạm tội Ba la di.
Nhưng họ không chắc lắm, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo hỏi người lấy thịt:
- Thầy lấy với tâm gì?
- Tưởng vật không có chủ mà lấy.
- Tưởng vật không có chủ mà lấy thì không có tội.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là thịt heo.
25- Đạp phụ nữ.
Có một Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ Hoàn tại thành Xá-vệ, đến giờ khất thực thầy bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực, rồi đến một nhà kia. Lúc ấy, người đàn bà nói:
- Tỉ kheo hãy vào đây, chúng ta cũng làm việc như thế.
- Đức Thế Tôn chế giới không được hành dâm.
- Nếu thầy không làm theo ý tôi thì tôi sẽ nói là thầy cưỡng hiếp tôi như vậy, như vậy.
Tỉ kheo vì sợ nên phải vào nhà. Khi thầy vào nhà rồi, người đàn bà ấy bèn nói với đứa nô tì giữ cửa:
- Ta với Tỉ kheo hành lạc.
Người đàn bà ấy khi vào đến phòng, lòng dục khởi lên mãnh liệt bèn nằm xuống. Tỉ kheo liền đạp cho một đạp rồi bỏ đi. Đứa nô tì giữ cửa hỏi thầy:
- Tôn giả làm xong rồi sao?
- Xong rồi.
Lúc ấy tâm Tỉ kheo sinh nghi ngờ, hối hận, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Thầy dùng chân đạp người phụ nữ nên phạm tội Thâu lan. Không làm mà nói có làm, (469a) phạm tội Ba-dạ-đề.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là đạp phụ nữ.
26- Xay bột.
Lúc bấy giờ, có Tỉ kheo ở tinh xá Kỳ Hoàn tại thành Xá-vệ, đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành, tuần tự khất thực. Tới một nhà kia, bỗng thấy một người phụ nữ ngồi xay bột, y phục không che kín thân hình. Thấy thế, lòng dục sinh khởi, Tỉ kheo nói:
- Này chị em! Tôi muốn ăn bột.
Người phụ nữ ấy bèn cho bột. Tâm Tỉ kheo sinh nghi ngờ, hối hận đến hỏi Tỉ kheo trưởng lão. Tỉ kheo trưởng lão hỏi thầy:
- Ông dùng tâm gì nói điều đó?
- Tâm tham dục.
Thế rồi, họ sai sứ giả đến hỏi người phụ nữ ấy. Người ấy nói:
- Tôi đang ngồi chòm hổm dưới đất xay bột thì Tỉ kheo đến xin bột. Tôi liền cho thầy.
Sứ giả trở về trình bày lại như trên. Trưởng lão Tỉ kheo nói:
- Cô ấy hiểu nghĩa mà không hiểu ẩn ý nên phạm tội Thâu lan. Cho đến: Nếu không hiểu nghĩa cũng không hiểu ẩn ý thì phạm tội Việt tỳ ni.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là xay bột.
27- Trâu nghé.
Tại nước Bạt Kì có người thả trâu nghé ăn gần tinh xá. Trâu nghé đi vào tinh xá, ăn các hoa quả, húc đổ các hình tượng. Thầy tri sự nói với kẻ chăn trâu:
- Ông hãy coi chừng con trâu ông cẩn thận, chớ để nó phá phách.
Thầy nhắc nhở tới ba lần mà việc đó không chấm dứt. Thầy bèn nổi giận, dắt trâu vào nhốt trong phòng, rồi đóng cửa lại, đi vào thôn xóm khất thực. Nhưng khi đến giữa đường lại suy nghĩ: "Trong phòng có nhiều Dạ xoa, biết đâu nó sẽ giết chết con trâu nghé", bèn trở về lại tinh xá, mở cửa xem thì thấy con trâu nghé đã chết. Tỉ kheo hoảng sợ liền đem nó bỏ vào trong cầu tiêu của chúng Tăng, rồi bỏ đi. Người chăn trâu bèn đến hỏi thầy:
- Thầy có thấy con trâu nghé tôi đâu không?
- Không thấy.
Thế nhưng, tâm Tỉ kheo sinh nghi, liền hỏi các Tỉ kheo. Các Tỉ kheo không thể quyết định được bèn đến hỏi vị trưởng lão. Vị trưởng lão nói:
- Dắt trâu vào thả trong phòng rồi đóng cửa lại thì phạm tội Việt tỳ ni. Đem bỏ vào trong cầu tiêu của chúng Tăng thì phạm tội Thâu lan. Thấy mà nói không thấy thì phạm tội Ba-dạ-đề.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là thả trâu nghé.
28- Bỏ vợ.
Bấy giờ, tại ấp Ca Thi Kì Lợi có một ông già đoan chánh, bỏ vợ xuất gia. Bà vợ ông bèn đi theo, đến ở bên ngoài phòng ông, xe sợi. Ông bảo bà:
- Bà đi đi! Tôi là người xuất gia không cần đến bà nữa.
- Tôn giả! Tôi xe sợi ở đây đâu có phương hại gì? Vì muốn lúc nào cũng được trông thấy tôn giả, tôi không thể rời xa được.
Ông già ấy nhắc nhở nhiều lần nhưng bà kia vẫn không đi. Ông bèn đem y bát vứt bỏ, rồi ra đi. Khi ấy có người phụ nữ gặp ông ấy bèn nói với bà vợ:
- Ông chồng bà bỏ đi rồi.
Nghe thế, bà liền đuổi theo, đến khi bắt kịp bèn nắm y thầy đứng ở giữa đường, nói:
- Thầy (469b) hãy vì tôi đừng đi. Tôi sẽ cung cấp y bát và thuốc chữa bệnh cho thầy.
- Tôi là người xuất gia, theo phép tắc không nên như vậy.
Tuy vậy, bà vẫn không chịu buông ra. Ông tức giận cực độ, liền cầm y bát để một chỗ, đánh bà một trận nhừ tử, rồi bỏ đi. Thế rồi, lòng ông sinh nghi ngờ hối hận, bèn đem sự việc trên hỏi một vị Tỉ kheo trì luật là Da Xá. Da xá nói:
- Nổi sân đánh đàn bà thì phạm tội Ba la di.
Các Tỉ kheo nghe thế, liền nói với thầy:
- Sự phán xét như thế không đúng. Nếu thầy muốn hết nghi, nên đến núi Chi đề hỏi tôn giả trì luật là Thọ Đề Đà Bà chắc chắn sẽ được quyết đoán dứt khoát.
Nghe thế, thầy liền đi nhưng đến đoạn đường ngang qua Câu Diệm Di, bỗng gặp một cô gái bán sữa. Cô ta thấy ông già ấy đẹp trai, lòng dục phát sinh, bèn nói:
- Sa-môn! Có muốn cùng hành lạc thì hãy đến đây.
Ông già ấy bèn suy nghĩ: "Ta đã phạm tội Ba la di rồi, đâu còn gì nữa?", thế là cùng hành lạc với cô ta. Đoạn, thầy đến chỗ vị trì luật thuật lại đầy đủ sự việc kể trên. Vị trì luật bèn nói:
- Vì sao mà Da Xá chế ra đến 5 pháp Ba la di? Tức giận đánh phụ nữ thì phạm tội Thâu lan giá. Cùng hành dâm với cô gái bán sữa thì phạm tội Ba la di.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là bỏ vợ.
29- Cách vách.
Nước Phất Ca La có 2 tinh xá của Tỉ kheo, Tỉ-kheo-ni ở cách vách nhau. Khi ấy, Tỉ kheo khởi dục tâm bèn đứng cách vách nói chuyện với Tỉ-kheo-ni suốt đêm. Thế rồi, Tỉ kheo sinh tâm hoài nghi hối hận, bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo hỏi:
- Thầy có tâm gì khi nói chuyện?
- Tâm tham dục, thưa trưởng lão.
- Nếu với tâm tham dục như vậy thì cứ mỗi lời nói phạm mỗi tội Việt tỳ ni.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là cách vách.
30- Bố tát.
Khi ấy, Tỉ kheo ở thôn Phất Ca La cùng với Tỉ kheo ở A-luyện-nhã bố tát tại một chỗ. Tỉ kheo ở A-luyện-nhã tên là Phất Hi Lỗ, vốn có đức hạnh và danh tiếng nên được nhiều lợi dưỡng. Tỉ kheo ở thôn xóm thấy thế bèn sinh tâm tật đố. Lúc ấy, trưởng lão Phất Hi Lỗ đến ngày 14 bố tát bèn vào thôn xóm nói với Tỉ kheo ở thôn xóm:
- Trưởng lão! Chúng ta cùng bố tát.
- Ngày 15 tôi mới bố tát.
- Tôi biết tính số ngày, kỳ này phải bố tát vào ngày 14.
- Tôi không làm, ngày 15 tôi mới bố tát.
Phất Hi Lỗ thuyết phục như vậy đến ba lần mà vị kia vẫn không nghe theo nên thầy ra về. Khi thầy đi rồi, Tỉ kheo ở trong thôn bèn bố tát. Sáng hôm sau, Phất Hi Lỗ đến trở lại nói với Tỉ kheo ở thôn xóm:
- Trưởng lão! Chúng ta hãy cùng bố tát.
- Tôi đã bố tát xong rồi. Thầy đã làm trái việc bố tát. Tôi không cùng hưởng chung pháp thực, vị thực với thầy nữa.
Khi ấy, Phất Hi Lỗ hễ bố tát ngày 14 thì ngày 14 đến, (469c) bố tát ngày 15 thì ngày 15 đến. Thế nhưng, cả 20 năm đầu đều không được bố tát. Lúc ấy, có một thiện quỉ thần vốn kính trọng Phất Hi Lỗ bèn đến trong núi Chi Đề, nói với tôn giả Thọ Đề Đà Bà như sau:
- Thưa tôn giả! Hiện nay ở tại xóm làng kia có tôn giả Tỉ kheo bất thiện, không tùy thuận, làm điều phi pháp, thường não loạn Phất Hi Lỗ, kính mong tôn giả đến giải quyết việc ấy.
Tôn giả Thọ Đề nghe thế bèn suy nghĩ: "Nếu ta đến nơi A-luyện-nhã trước thì Tỉ kheo hung ác ở thôn xóm nghe được sẽ không chia xẻ pháp thực, vị thực cùng ta.
Nghĩ thế, thầy liền đi đến chỗ Tỉ kheo ở thôn xóm. Lúc ấy, thiện quỉ thần lại nói với tôn giả Phất Hi Lỗ:
- Thưa tôn giả! Tôn giả Thọ Đề Đà Bà hiện giờ đang ở tại thôn xóm. Tôn giả nên đến đó thăm hỏi.
Nghe thế, thầy liền đến đó thăm hỏi. Thăm hỏi xong, ngồi sang một bên. Tôn giả Thọ Đề Đà Bà bèn hỏi thầy:
- Thầy là Phất Hi Lỗ phải không?
- Thưa vâng.
- Này Tuệ mạng! Thầy làm trái việc bố tát phải không?
- Trái việc bố tát hay không trái bố tát hôm nay sẽ biết. Từ 20 năm nay, hễ bố tát ngày 14 thì tôi đến ngày 14, bố tát ngày 15 thì tôi đến ngày 15. Như vậy là trái bố tát hay không trái bố tát, tôn giả tự biết.
- Này Tuệ mạng! Đó là thuận với Phật pháp. Nhưng Tỉ kheo ở thôn xóm không tùy thuận. Thọ cụ túc trong 20 năm mà không thể gọi là thọ cụ túc, yết ma mà không được gọi là yết ma.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là bố tát.
31- Hai trường hợp nước trái cây.
Lúc ấy, tại nước Ưu Xà Ni có kẻ phạm vương pháp, nên bị chặt cả chân tay, rồi đem bỏ vào rừng Thi Đà gần chỗ của Tỉ kheo ở A luyện nhã. Thế rồi, ông ta lần hồi đến chỗ Tỉ kheo, nói:
- Thưa thầy! Tôi rất đói khát, thầy cho tôi xin một ít thức ăn.
- Không có thức ăn.
- Thưa thầy! Xin thầy hãy thương tôi. Tôi bị cả hai nỗi thống khổ: một là nỗi khổ bị chặt cả tay chân ; hai là nỗi khổ bị đói khát.
- Không có thức ăn, chỉ có nước tô tì la, ông có cần không?
- Cần.
Thầy liền cho nước ấy. Vì ông ta không được ăn đã lâu ngày nên uống vào liền chết. Tỉ kheo tâm sinh nghi, bèn hỏi các Tỉ kheo khác, nhưng họ cũng không quyết đoán được. Thầy liền đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo hỏi:
- Thầy dùng tâm gì khi đem cho?
- Tâm vì lợi ích.
- Nếu với tâm vì lợi ích thì không có tội.
Như vậy là hết phần Tì ni.
Lại nữa, tại nước Ưu Xà Ni có kẻ phạm vương pháp nên bị chặt cả chân tay, rồi bị đem bỏ vào trong rừng Thi Đà, gần chỗ của Tỉ kheo ở A luyện nhã. Lúc ấy, có một người già đi xuất gia, đến phiên thầy giữ phòng ốc. Người không có tay chân kia lần hồi lết đến chỗ thầy, nói (470a) như sau:
- Thưa thầy! Tôi rất thống khổ không thể chịu nổi, thầy có thuốc gì không, cho tôi một chút, tôi muốn chết cho nhanh?
- Ta không phải là Chiên đà la, là kẻ sát nhân, vì sao lại theo ta xin thuốc?
- Thưa thầy! Không phải vậy ; vì tôi đau đớn quá không thể chịu nổi.
Lúc ấy, ông già kia khởi từ tâm, suy nghĩ: "Có trường hợp tương tự như thế, do uống nước tô tì la mà chết", liền hỏi:
- Ông muốn uống nước tô tì la không?
- Muốn uống!
Thầy bèn đưa nước ấy cho uống. Uống xong, người kia chết liền. Ông già tâm sinh nghi liền đến hỏi Tỉ kheo trưởng lão. Tỉ kheo trưởng lão hỏi:
- Ông dùng tâm gì khi đem cho?
- Tâm từ bi, để cho ông ta toại ý!
- Tuy ông có tâm từ bi, nhưng không có trí tuệ, làm chết người, nên phạm tội Ba la di.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là hai trường hợp nước trái cây.
32- Gạch.
Lúc bấy giờ, tại tinh xá Kỳ Hoàn, thành Xá-vệ, có Tỉ kheo làm phòng, người làm vườn đưa gạch cho thầy. Thầy cầm không chắc bị sút tay rơi nhằm trên đầu người làm vườn, khiến người ấy bị vỡ đầu chết liền tức khắc. Tỉ kheo tâm sinh nghi bèn đến hỏi Tỉ kheo trưởng lão. Tỉ kheo trưởng lão liền hỏi thầy:
- Thầy dùng cái tâm gì khi làm rơi gạch?
- Vì tôi cầm không chắc nên bị rơi.
- Nên cầm cho chắc.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là gạch.
33- Phân rác.
Tại tinh xá Kỳ Hoàn nơi thành Xá-vệ, cứ 5 hôm được quét dọn phân rác một lần. Lúc ấy, có Tỉ kheo trẻ tuổi bưng phân đổ ngoài tường, rủi thay đổ nhằm trên mình một ông già bệnh xuất gia đang đại tiểu tiện tại chỗ ấy, khiến ông không thể đứng dậy nổi. Thầy kia lại tiếp tục đổ phân rác làm cho ông bị chết. Tỉ kheo ấy đổ phân rác bên chân tường chất cao lên, rồi sợ e bọn trộm nương nơi đó leo vào, bèn ra hốt đổ chỗ khác, thì thấy Tỉ kheo kia bị chết, tâm sinh nghi. Thầy bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Tỉ kheo trưởng lão hỏi lại thầy:
- Thầy dùng tâm gì khi đổ phân rác?
- Không xem cẩn thận.
- Nếu không xem cẩn thận mà đổ phân rác thì phạm tội Việt tỳ ni.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là phân rác.
34- Tỉ kheo khất thực.
Sau khi Phật bát Niết-bàn, các Tỉ kheo sống tại tinh xá của dòng họ Thích, nước Ca Duy La Vệ. Bấy giờ, có Tỉ kheo đến giờ khất thực bèn khoác y, cầm bát vào thành tuần tự khất thực. Khi ấy có một cô gái họ Thích đoan chánh, sau khi tắm xong, cô mặc y phục mới, đem thức ăn cúng dường cho Tỉ kheo rồi cúi đầu đảnh lễ dưới chân. Tỉ kheo thấy thế, dục tâm sinh khởi, không kiềm chế được liền bị xuất tinh rơi nhằm trên đầu cô ấy. Nhưng cô không oán trách bèn lấy vạt y chùi đi, rồi nói như sau:
- Thầy (470b) được lợi ích rất lớn, lòng dục mạnh như vậy mà vẫn có thể tu phạm hạnh trong giáo pháp của đức Thế Tôn.
Khi ấy, Tỉ kheo tâm sinh nghi bèn đến hỏi trưởng lão Tỉ kheo. Trưởng lão Tỉ kheo hỏi thầy:
- Khi ấy ông dùng tâm gì?
- Tôi thấy thân hình cô ta trước mặt không thể kiềm chế được.
- Nên khéo quán sát sắc tướng mà chế ngự tâm mình.
Như thế là hết phần Tì ni. Đó gọi là khất thực.
35- Uất trù.
Sau khi Phật ban Niết-bàn, các trưởng lão Tỉ kheo ở tinh xá của dòng họ Thích dưới cây Ni Câu Luật, nước Ca Duy La Vệ. Bấy giờ, tôn giả Uất Trù có một người bạn cũ, ông ta có hai đứa con đều khác mẹ. Một đứa, con của bà họ Thích, một đứa con của bà họ khác. Khi ông ta đau nặng sắp từ trần, bèn di chúc tôn giả Uất Trù như sau:
- Thưa thầy! Sau khi tôi qua đời, trong hai đứa con đứa nào hâm mộ Phật pháp, làm hài lòng thầy, xin thầy hãy chỉ kho báu dưới đất cho nó.
Sau khi ông qua đời, đứa con của bà họ Thích rong chơi theo bạn bè xấu ác, không thích Phật pháp, không đến nghe Kinh, không thích tụng đọc. Còn đứa con của bà họ khác thì đi theo bạn lành, ưa thích Phật pháp, đến chỗ Uất Trù tụng đọc Kinh giới, được lòng trưởng lão nên trưởng lão nói:
- Khi cha ngươi từ trần có di chúc ta rằng: "Trong hai đứa con, đứa nào ưa thích Phật pháp thì nên chỉ cái kho báu này".
Rồi chỉ chỗ kho cho nó. Nhờ vậy, nó được vàng bạc châu báu rất nhiều, gia nghiệp trở nên giàu có sung sướng. Đứa con của bà họ Thích nghe thế bèn thưa với tôn giả A-nan:
- Thưa thầy! Đây là điều bất thiện, không phải tùy thuận. Tôn giả Uất Trù đem tài sản của cha tôi cho đứa con của bà họ khác. Theo gia pháp nhà họ Thích của tôi thì đứa con của bà họ Thích đương nhiên kế thừa sự nghiệp của cha. Những tài vật sở hữu đều phải thuộc về tôi.
A-nan nói:
- Đó là cách phân xử phi pháp. Ta không cùng hưởng chung pháp thực và vị thực với người ấy.
Lúc ấy, La Hầu La đến chỗ Uất Trù, vì hai người này cùng một Hòa Thượng, nên Uất Trù nói với La Hầu La:
- Đừng hưởng chung pháp thực, vị thực với tôn giả A Nan.
- Vì sao vậy?
Uất Trù thuật lại đầy đủ sự việc kể trên, rồi tiếp:
- Tôi không có việc gì mà A-nan không hưởng chung pháp thực vị thực cùng tôi. La Hầu La! Tôi cùng với ông hưởng chung pháp thực, vị thực.
A-nan nghe La Hầu La với Uất Trù cùng hưởng chung pháp thực, vị thực, do đó thầy cũng không hưởng chung pháp thực, vị thực với La Hầu La. Khi có người đưa thức ăn đến cho tôn giả A Nan, A-nan nói:
- Hãy đem đưa cho La Hầu La, con của Thế Tôn.
Cũng thế, khi có người đưa thức ăn đến cho tôn giả La Hầu La, La Hầu La bèn nói:
- Hãy mang đến cho thị giả của Thế Tôn.
Vì vậy, tại nước Ca Duy La Vệ trong bảy năm chư Tăng không bố tát tự tứ.
Bấy giờ tôn giả Ưu-ba-li đang ở trong núi Chi Đề, (470c) những người họ Thích bèn đến chỗ tôn giả Ưu-ba-li nói như sau:
- Thưa thầy! Những ông thầy bất thiện, không tùy thuận của tôi đang sống ở đời. Ca Duy La Vệ là sinh quán của đức Thế Tôn, vì sao trong 7 năm mà không bố tát tự tứ? Kính xin tôn giả đến đó hòa giải giúp cho!
Ưu-ba-li liền đến đó, bảo những người họ Thích:
- Hãy trang trí giảng đường, trải tọa cụ đẹp, rải hoa, đốt hương, chuẩn bị cơm đãi Tỉ kheo khách. Trước hết gọi La Hầu La đến, rồi giấu thầy ở một chỗ kín, đồng thời mời tôn giả A-nan tới. Thế rồi, bồng một đứa trẻ con thả ngồi trên đất. Khi tôn giả A-nan ngồi xong, thấy đứa bé dưới đất, nếu thầy bảo "bồng" thì nên nói "không bồng", mong tôn giả cùng với La Hầu La hòa hợp, thì tôi mới bồng.
Bảo như vậy xong, tôn giả Ưu-ba-li bèn ngồi, đến tôn giả A-nan ngồi, rồi đến các Tỉ kheo theo thứ lớp cùng ngồi. Khi ấy, một người phụ nữ họ Thích bồng một hài nhi tay đang cầm bình sữa uống thả ngồi dưới đất. Đứa bé liền kêu khóc. A-nan thấy thế, lòng sinh thương xót, liền bảo người phụ nữ ấy:
- Hãy bồng đứa bé này lên.
- Không bồng! Nếu tôn giả cùng với La Hầu La hòa hợp thì tôi mới bồng. Nếu không hòa hợp thì tôi không bồng.
- Đây là phép tắc của Sa-môn, không phải việc thế tục của các người, nhưng hãy bồng đứa bé đi đã.
- Không phải như vậy.
Bảo như vậy đến ba lần, họ đều từ khước. A-nan liền bảo gọi La Hầu La đến. Khi thầy đến rồi, tôn giả Ưu-ba-li nói với A-nan:
- Ví như A-nan có đàn việt di chúc như thế này: "Thưa trưởng lão! Sau khi tôi mệnh chung, trưởng lão hãy cho như vậy", thì có gì là sai lầm. Tôn giả Uất Trù cũng như vậy. Này A-nan! Tại sao vì việc đó mà thầy bất hòa với La Hầu La con của Thế Tôn.
Như vậy là hết phần Tì ni. Đó gọi là Uất Trù.
Tóm lại, trên đây là nguyên tắc giới luật.
Khi Phật an trú tại thành Xá-vệ, nói rộng như trên. Bấy giờ tôn giả Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà du hành các nước, rồi trở về tinh xá Kỳ Hoàn. Đến giờ khất thực, bèn khoác y vào thành Xá-vệ đến nhà Ưu bà di Hỉ Duyệt. Ưu bà di trông thấy, liền nói:
- Lành thay sư phụ! Vì sao mà ít xuất hiện quá thế?!
Rồi mời ngồi, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng qua một bên, cùng trò chuyện thăm hỏi. Tỉ kheo nói:
- Ưu bà di! Tôi ít khi đến, bà định đãi tôi món ngon gì đấy?
- Tùy theo thầy dạy, thức ăn trước hay thức ăn sau, hoặc bánh, hoặc thịt, tùy theo thầy cần gì con sẽ dọn nấy. Vậy xin mời tôn giả ngày mai đến nhà con thọ trai, xin đến sớm sớm.
Thế rồi, Tỉ kheo nhận lời mời. Ngày hôm sau, nhà ấy sửa soạn các món ẩm thực, (471a) dọn bàn ghế chờ đợi. Song, Tỉ kheo vì bận nhiều việc, quên không đến. Khi đã hết ngày, những thức ăn nào để dành được thì chủ nhà đem cất, còn những thứ không để dành được bèn đem ăn. Đợi như vậy hai ngày, ba ngày vẫn không đến, chủ nhà bèn đem ăn hết. Tới ngày thứ tư, Tỉ kheo mới đến ; Ưu bà di thấy thế lòng không vui, liền trách:
- Này sư phụ! Vì sao đã nhận lời mời của con mà không đến?
Các Tỉ kheo nghe thế, bèn đem sự việc ấy đến bạch đầy đủ lên Thế Tôn. Phật bảo gọi Nan-đà, Ưu-ba-nan-đà đến. Khi họ đến rồi, Phật liền khiển trách:
- Ưu bà di Hỉ Duyệt này đối với Phật và Tỉ kheo Tăng đều không tiếc rẻ một thứ gì, vì sao lại nhiễu loạn bà ấy? Vì sao ông nhận lời mời một chiều mà không nêu nhân duyên chướng ngại? Những nhân duyên chướng ngại như sau: Nếu có người mời: "Xin tôn giả nhận lời con mời ngày mai ăn bữa ăn trước", mà mình thấy cần thì nên đáp: "Vâng!".
Nếu họ nói tiếp: "Xin tôn giả chắc chắn phải đến nhé!", thì nên nói: "Nếu trong thời gian đó không gặp chướng ngại thì tôi sẽ đến". Cũng vậy, mời các bữa ăn sau cũng nói như thế.
Nếu Tỉ kheo an cư xong ra đi rồi đàn việt mời: "Mong tôn giả sau này sẽ đến nữa", mà mình muốn đến nữa, thì nên đáp: "Vâng".
Nếu đàn việt dặn thêm: "Xin tôn giả phải đến chắc chắn đấy nhé", thì nên đáp: "Nếu trong thời gian ấy không gặp trở ngại gì thì tôi sẽ đến".
Nếu họ nói: "Xin thầy hãy lễ tháp", thì không được đáp: "Nếu trong thời gian ấy không có gì trở ngại.", mà nên đáp: "Vâng! Tôi sẽ lễ". Nếu họ nói: "Xin tôn giả hãy vì tôi mà lễ tháp", thì nên đáp: "Nếu nhớ thì tôi sẽ lễ".
Nếu họ nói: "Xin tôn giả hãy đảnh lễ trưởng lão Tỉ kheo", thì không được đáp: "Nếu không có gì trở ngại", mà nên đáp: "Vâng! Tôi sẽ đảnh lễ".
Nếu họ nói: "Xin tôn giả hãy vì tôi mà đảnh lễ trưởng lão Tỉ kheo", thì nên đáp: "Nếu nhớ thì tôi sẽ đảnh lễ".
Nếu họ nói: "Tôn giả hãy nghe kinh, tụng kinh, trì giới, ngồi thiền", thì không được đáp: "Nếu trong thời gian ấy không có gì trở ngại thì tôi sẽ tụng kinh", mà nên nói: "Tôi vì mục đích đó mà xuất gia".
Nếu họ nói: "Tôn giả hãy học đạo quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán", thì không được đáp: "Nếu trong thời gian ấy không có gì chướng ngại thì tôi sẽ học", mà nên nói: "Tôi vì mục đích đó mà xuất gia".
Trên đây, có việc nên làm mà vì chướng ngại nên không làm, có việc không nên làm mà làm đều phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là vấn đề chướng ngại, không chướng ngại.
Khi Phật an trú tại tinh xá của dòng họ Thích, nước Ca Duy La Vệ. Lúc ấy, Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di cùng với 500 cô gái họ Thích xin Phật xuất gia, như trong Tuyến Kinh đã nói rõ. Thế rồi, Phật nói với các Tỉ-kheo-ni:
- Từ nay Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di là bậc Thượng Tọa của các Tỉ-kheo-ni, nên ghi nhớ như vậy.
Khi ấy, Đại Ái Đạo Kiều Đàm Di bạch với Phật:
- Bạch Thế Tôn! Thế Tôn chế ra 8 pháp tôn kính cho Tỉ-kheo-ni, (471b) chúng con có được phép nghe đầy đủ không?
Phật dạy:
- Được. Tám kỉnh pháp đó là:
1- Kính lễ Tỉ kheo.
- Dù Tỉ-kheo-ni đã 100 tuổi, khi gặp Tỉ kheo mới thọ giới cũng phải đứng dậy đón tiếp cung kính và đảnh lễ. Không được nói: "Đợi tôi đủ 100 tuổi rồi mới hướng đến Tỉ kheo mới thọ giới đảnh lễ", mà tất cả Tỉ-kheo-ni đều phải hướng đến Tỉ kheo trưởng lão trung niên, niên thiếu, đứng dậy đón tiếp cung kính và đảnh lễ. Khi Tỉ-kheo-ni đến tinh xá của Tỉ kheo thì phải cúi đầu đảnh lễ dưới chân của tất cả Tỉ kheo. Nếu vì già bệnh không thể lễ hết, thì tùy sức mà lễ nhiều ít, những người còn lại thì được lễ tổng quát, nói như sau: "Con là Tỉ-kheo-ni mổ giáp xin cúi đầu đảnh lễ dưới chân của tất cả chúng Tăng".
Khi Tỉ kheo đến tinh xá của Tỉ-kheo-ni thì tất cả Tỉ-kheo-ni phải đứng dậy đón tiếp, đảnh lễ dưới chân, cũng như trên đã nói. Nếu Tỉ-kheo-ni phân biệt như sau: Đó là kẻ phạm giới, đó là thầy thuốc, đó là kẻ ngớ ngẩn không biết, với tâm kiêu mạn không cung kính đứng dậy đón tiếp, đảnh lễ thì đó là coi thường pháp cung kính. (Đây là pháp cung kính thứ nhất).
2- Hai năm học giới (Thức xoa ma ni ).
- Nếu người nữ đủ 18 tuổi muốn thọ cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai thì Hòa Thượng ni nên cung cấp những thứ cần thiết xin Ni Tăng giúp đỡ. Trong Ni chúng, người có khả năng làm yết ma nên bạch như sau:
- Xin thánh giả Tăng lắng nghe! Người nữ mổ giáp kia 18 tuổi, muốn thọ cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho mỗ giáp vào Tăng xin hai năm học giới.
Các thánh giả đã bằng lòng cho mỗ giáp vào Tăng xin hai năm học giới vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Bấy giờ, người nữ này vào trong Tăng cúi đầu đảnh lễ dưới chân của từng vị, rồi quì gối chắp tay nói như sau:
- Xin thánh giả Tăng ghi nhớ cho! Con là người nữ mổ giáp đủ 18 tuổi, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai. Nay con theo Tăng xin hai năm học giới. Mong thánh giả Tăng thương xót cho con hai năm học giới.
(nói như vậy ba lần)
Vị yết ma của Ni nên nói như sau:
- Xin thánh giả Tăng lắng nghe! Người nữ mỗ giáp kia đã đủ 18 tuổi, theo Tăng xin hai năm học giới. Tăng nay cho mỗ giáp hai năm học giới. Thánh giả nào bằng lòng cho mỗ giáp hai năm học giới với Hòa Thượng ni mỗ giáp thì im lặng ; ai không bằng lòng hãy nói. Đây là lần yết ma thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế)
Tăng đã bằng lòng cho mỗ giáp hai năm học giới xong (471c) vì Tăng im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thức xoa ma ni này sau khi xin được hai năm học giới phải tùy thuận làm 18 việc sau đây:
1- Ở dưới tất cả đại Tỉ-kheo-ni.
2- Ở trên tất cả Sa di ni.
3- Việc gì đối với Thức xoa ma ni không thanh tịnh thì đối với đại ni thanh tịnh.
4- Việc gì đối với đại Ni không thanh tịnh, thì đối với Thức xoa ma ni cũng không thanh tịnh.
5- Đại Ni được ngủ ba đêm với Thức xoa ma ni.
6- Thức xoa ma ni được ngủ ba đêm với Sa di ni.
7- Thức xoa ma ni được trao thức ăn cho Đại Ni, ngoại trừ 5 món thực vật được hỏa tịnh, vàng bạc và tiền mặt.
8- Tự bản thân theo Sa di ni nhận thức ăn.
9- Ni không được nói với Thức xoa về tội Ba la di cho đến Việt tỳ ni.
10- Chỉ được nói: không dâm dục ; không trộm cắp, không sát sinh, không nói dối. v.v...
11- Thức xoa ma ni đến ngày Bố tát Tự tứ phải vào giữa Tăng quì gối chắp tay, nói như sau:
- Thưa Thánh giả Tăng! Con là mỗ giáp thanh tịnh, xin Tăng ghi nhớ cho.
Nói như vậy ba lần rồi ra đi.
12- Nếu phạm bốn giới Ba la di sau cùng thì phải học lại từ đầu.
13- Nếu phạm 19 giới Tăng già bà thi sa trở về sau thì tùy phạm giới nào sám hối Đột cát la giới đó ; Nếu phá năm giới thì tùy theo số ngày vi phạm phải học lại. Năm giới đó là:
14- Ăn phi thời.
15- Cất thức ăn mà ăn.
16- Cầm tiền mặt, vàng bạc.
17- Uống rượu.
18- Mang hương hoa.
Đó gọi là 18 việc.
Thức xoa ma ni này sau hai năm học giới xong, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai thì Hòa Thượng Ni phải bạch Tăng xin pháp yết ma nuôi đệ tử. Vị yết ma của Ni nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe. Thức xoa ma ni mỗ giáp đã học giới hai năm, tuổi đủ 20, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho phép Hòa Thượng Ni mỗ giáp vào giữa Tăng xin pháp yết ma nuôi đệ tử.
Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp muốn vào giữa Tăng xin pháp yết ma nuôi chúng, Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi, Hòa Thượng Ni nên quì gối chắp tay nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng ghi nhớ cho. Thức xoa ma ni này học giới hai năm đã xong, tuổi đủ 20, muốn thọ Cụ túc. Tôi là mỗ giáp, nay theo Tăng xin pháp yết ma nuôi đệ tử. Kính xin Tăng cho tôi pháp yết ma nuôi đệ tử (nói như vậy ba lần).
Người làm yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Thức xoa ma ni mỗ giáp học giới hai năm đã xong, tuổi đủ 20, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai. Ni mỗ giáp đã theo Tăng xin pháp yết ma nuôi đệ tử. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho Ni mỗ giáp pháp yết ma nuôi đệ tử. Đây là lời tác bạch.
Thánh giả (472a) Tăng xin lắng nghe! Thức xoa ma ni mỗ giáp học giới hai năm đã xong, tuổi đủ 20, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai. Ni mỗ giáp đã theo Tăng xin pháp yết ma nuôi đệ tử. Tăng nay cho Ni mỗ giáp pháp yết ma nuôi đệ tử. Các Thánh giả nào bằng lòng cho pháp yết ma nuôi đệ tử thì im lặng ; ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, lần thứ ba cũng nói như thế).
Tăng đã bằng lòng cho Ni mỗ giáp pháp yết ma nuôi đệ tử xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thức xoa ma ni này sau hai năm học giới, tuổi đủ 20, muốn thọ Cụ túc trong pháp luật của đức Như Lai, phải vào giữa Tăng cúi đầu đảnh lễ dưới chân chúng Tăng. Lễ Tăng xong, trước hết quì gối chắp tay thỉnh Hòa Thượng Ni như sau:
- Xin tôn sư ghi nhớ cho. Con là mỗ giáp cầu xin tôn sư làm Hòa Thượng. Mong tôn sư vì con làm Hòa Thượng cho con thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần).
Thế rồi, Hòa Thượng Ni nên khích lệ để đệ tử sinh tâm hoan hỷ, và đệ tử đáp:
- Con xin cúi đầu thọ lãnh.
Đoạn, Hòa Thượng Ni dạy cách cầu xin y bát, cầu xin chúng Tăng, cầu xin hai vị giới sư, cầu xin vị thầy dạy bảo ở chỗ vắng, rồi giới thiệu với chúng Tăng. Bấy giờ, vị sư yết ma nên hỏi như sau:
- Ở trong đây ai có thể dạy bảo mỗ giáp ở chỗ vắng không?
Người có thể dạy liền đáp:
- Tôi có thể dạy.
Thế rồi sư yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng bằng lòng để mỗ giáp làm Hòa Thượng Ni cho mỗ giáp, mỗ giáp có thể làm người dạy bảo ở chỗ vắng.
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp làm Hòa Thượng Ni cho mỗ giáp, mỗ giáp làm người dạy bảo ở chỗ vắng, vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Vị thầy dạy bảo nên đem người muốn thọ Cụ túc để cách chúng Tăng không gần, không xa, rồi dạy bằng hai cách: hoặc sơ lược, hoặc đầy đủ. Thế nào là dạy sơ lược? Đó là nên hỏi ở giữa chúng Tăng rằng: "Điều gì có thì ngươi phải nói có, điều gì không thì phải nói không".
Thế nào là dạy đầy đủ? Đó là nên nói: "Thiện nữ hãy lắng nghe! Bây giờ là lúc chí thành, là lúc nói thật. Đối với chư thiên, thế gian, thiên ma, các phạm thiên, Sa-môn, Bà la môn, các vị trời, người đời, A tu la, nếu không nói thật tức là lừa dối họ ; đồng thời cũng lừa dối đối với Ni chúng Thanh Văn đệ tử của đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Đó là tội rất nặng. Giờ đây, ta sẽ hỏi ngươi, điều gì có thì nói có, điều gì không thì nói không:
- Cha mẹ, chồng có còn không?
Nếu nói "Còn" thì nên hỏi:
- Cha mẹ và chồng có cho phép không?
- Đã thỉnh cầu Hòa Thượng Ni chưa?
- Năm y và bát có đủ không?
- Học giới hai năm xong chưa?
- Đã làm pháp yết ma nuôi chúng chưa?
- Tên của ngươi là gì?
Đáp:
- Tên là mỗ.
- (472b) Hòa Thượng Ni tên là gì?
Đáp:
- Tên mỗ.
- Ngươi không giết cha mẹ đấy chứ?
- Ngươi không giết A la hán đấy chứ?
- Ngươi không phá Tăng đấy chứ?
- Ngươi không có ác tâm làm cho thân Phật ra máu đấy chứ? (Tuy Phật Niết-bàn đã lâu, nhưng đây vẫn giữ theo văn cũ)
- Ngươi không hủy hoại tịnh giới của Tỉ kheo đấy chứ?
- Ngươi không phải là kẻ núp trong chúng để trộm pháp đấy chứ?
- Ngươi không phải là kẻ gian phi đấy chứ?
- Ngươi không tự ý xuất gia đấy chứ?
- Trước đây đã từng thọ Cụ túc chưa?
Nếu nói: "Đã từng thọ" thì nên bảo: "Đi đi! Không được thọ Cụ túc". Nếu nói chưa thọ thì nên hỏi tiếp:
- Ngươi không phải là nô tì đấy chứ?
- Ngươi không phải là con nuôi đấy chứ?
- Ngươi không mắc nợ người ta đấy chứ?
- Ngươi không phải là vợ của lính đấy chứ?
- Ngươi không phải là kẻ do thám cho nhà vua đấy chứ?
- Ngươi có phải là người nữ không?
- Ngươi không phải là gái đá đấy chứ?
- Ngươi không phải là kẻ lạn đọa (?) đấy chứ?
- Hai đường tiểu và đại không thông nhau đấy chứ?
- Hai đường đó không bị thương tích đấy chứ?
- Ngươi vẫn có nhũ hoa đấy chứ?
- Ngươi không phải chỉ có một nhũ hoa đấy chứ?
- Ngươi không bị bệnh thường ra huyết đấy chứ?
- Ngươi không phải không có máu đấy chứ?
- Ngươi không phải thường ra máu trong một tháng đấy chứ?
- Ngươi chính là người nữ phải không?
- Ngươi có mắc các chứng bệnh sau đây không: ghẻ lở ; da vàng ; bệnh hủi, ung thư ; bệnh trĩ ; đái tháo ; bệnh hoàng đản ; bệnh sốt rét ; bệnh suyễn ; bệnh gầy ốm ; điên cuồng ; bệnh nhiệt ; bệnh phong thũng ; bệnh phù thũng ; bệnh cổ trướng ; đại loại các chứng bệnh như thế. Ngoài ra trên thân ngươi còn mắc các bệnh khác nữa không?
Đáp: - Không.
Lúc này, giáo thọ sư vào giữa Tăng bạch:
- Tôi đã hỏi mỗ giáp xong, mỗ giáp tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn.
Sư yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han, dạy bảo ở chỗ vắng xong. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho mỗ giáp theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp vào giữa Tăng.
Các Thánh giả Tăng đã bằng lòng cho mỗ giáp theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp vào giữa Tăng vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi, người này vào giữa Tăng cúi đầu đảnh lễ dưới chân của từng vị Tăng, rồi quì gối chắp tay trước giới sư nhận lấy y bát và nói:
- Đây là bát dùng để khất thực, con xin gìn giữ. (nói như vậy ba lần). Đây là Tăng già lê, đây là Uất đa la tăng, đây là An đà hội, đây là y che vai, đây là áo mưa. Đó là 5 y của con. Với 5 y này con sẽ gìn giữ suốt đời không xa lìa. (nói như vậy ba lần).
Bấy giờ, sư yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ vắng xong. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho phép giới tử Ni mỗ giáp - theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp - vào giữa Tăng xin thọ Cụ túc.
Các Thánh giả đã bằng lòng cho giới tử Ni mỗ giáp - theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp - vào giữa Tăng xin thọ Cụ túc, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi sư yết ma nên dạy giới tử cách xin như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! (472c) Con là mỗ giáp, theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp thọ Cụ túc. Giáo thọ sư đã hỏi han dạy bảo con ở chỗ vắng xong. Con là mỗ giáp - theo Hòa Thượng Ni mỗ giáp - nay theo Tăng xin thọ Cụ túc. Nguyện xin Tăng thương xót cho con thọ Cụ túc. (xin như vậy ba lần).
Sư yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ vắng xong. Giờ theo Tăng xin thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Hòa Thượng Ni mỗ giáp vào giữa Tăng hỏi giới tử về già nạn.
Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp Hòa Thượng Ni - làm Hòa Thượng cho mỗ giáp - muốn vào giữa Tăng hỏi già nạn ; vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi Hòa Thượng Ni hỏi giới tử:
- Bây giờ là lúc phải chí thành, là lúc nói thật, (cho đến) có các chứng bệnh như vậy và các chứng bệnh khác nữa trên thân ngươi hay không?
Đáp: - Không có.
Sư yết ma nên nói như sau:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ vắng xong. Đồng thời đã theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ và chồng đã cho phép ; đã cầu Hòa Thượng, năm y và bát có đủ. Người nữ này đã học giới hai năm hoàn thành ; đã thực hiện pháp yết ma nuôi chúng ; tự nói mình thanh tịnh không có các già nạn. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho Hòa Thượng Ni mỗ giáp - làm Hòa Thượng cho mỗ giáp - vào giữa Tăng nói về ba pháp nương tựa.
Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Hòa Thượng Ni mỗ giáp - làm Hòa Thượng cho mỗ giáp - muốn vào giữa Tăng nói về ba pháp nương tựa, vì Tăng đã bằng lòng nên im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Hòa Thượng Ni nói với giới tử:
- Thiện nữ hãy lắng nghe. Vì đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri muốn lợi ích cho chúng Thanh Văn ni nên chính thức chế ra ba pháp nương tựa này. Nếu người nữ thực lòng thiện chí kham nhẫn được thì cho thọ Cụ túc. Nếu không kham nhẫn được thì không cho thọ Cụ túc. Thế nào là ba pháp nương tựa? Đó là:
1- Nương tựa vào y phấn tảo ít việc, dễ được, hợp với thanh tịnh, không có các lỗi. Tỉ-kheo-ni tùy thuận, nhờ vào đó mà xuất gia thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo-ni. Thế thì ngươi có thể kham nhẫn thọ trì y phấn tảo này suốt đời được không?
Đáp: - Được.
- Nếu được y Khâm bà la, y điệp, y sô ma, y câu xá da, y xá na, y ma, y khu mâu đề (thì hãy thọ trì).
2- Nương vào việc khất thực, ít việc, dễ được, hợp với thanh tịnh, không có các lỗi. Tỉ-kheo-ni tùy thuận, nhờ vào đó mà xuất gia, thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo-ni. Thế thì ngươi có thể kham nhẫn dùng nó để đi khất thực suốt đời được không?
Đáp: - Được.
- Nếu được bữa ăn nữa tháng, bữa ăn ngày mồng 8, ngày 14, ngày 15, khi tụng giới, khi điểm diện, khi được mời (thì hãy dùng).
3- Nương nhờ thuốc trần khí, ít việc, dễ được (473a) hợp với thanh tịnh, không có các lỗi, Tỉ-kheo-ni tùy thuận, nhờ vào đó mà xuất gia thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo-ni. Thế thì ngươi có thể kham nhẫn suốt đời uống thuốc trần khí được không?
Đáp: - Được.
- Nếu được sữa chua, dầu, mật, đường phèn, sữa tươi và mỡ (thì ngươi hãy dùng).
Vậy nương vào ba thánh chủng trên (ba pháp nương tựa) ngươi hãy tùy thuận mà học.
Thế rồi sư yết ma bạch với Tăng:
- Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han, dạy bảo ở chỗ vắng xong. Nay theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ và chồng đã cho phép. Đã cầu Hòa Thượng Ni. Năm y và bát có đủ. Người nữ này đã hoàn thành hai năm học giới. Đã làm phép yết ma nuôi đệ tử. Tự nói mình thanh tịnh, không bị các già nạn. Đã chấp nhận ba sự nương tựa. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho mỗ giáp thọ Cụ túc với Hòa Thượng Ni là mỗ giáp. Đây là lời tác bạch.
Xin Thánh giả Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Mỗ giáp đã hỏi han dạy bảo ở chỗ vắng xong. Nay theo Tăng xin thọ Cụ túc. Cha mẹ và chồng đã cho phép. Đã cầu Hòa Thượng. Năm y và bát đầy đủ. Người nữ này đã hoàn thành hai năm học giới ; đã làm pháp yết ma nuôi đệ tử ; tự nói mình thanh tịnh không có các già nạn ; đã chấp nhận ba sự nương tựa. Tăng nay cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng ni là mỗ giáp. Các Thánh giả nào bằng lòng cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng ni là mỗ giáp thì im lặng ; ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Tăng đã bằng lòng cho mỗ giáp thọ Cụ túc với Hòa Thượng ni là mỗ giáp xong, vì im lặng. Việc này tôi ghi nhận như vậy.
Đoạn, quay lại nói với giới tử:
- Thiện nữ hãy lắng nghe! Ngươi đã thọ Cụ túc, một lần bạch, ba lần yết ma, không có các già nạn, trước 10 vị Tăng hòa hợp. Nay ngươi phải kính trọng Phật, kính trọng Pháp, kính trọng Tăng, kính trọng Hòa Thượng, kính trọng A xà lê. Nay ngươi đã gặp cơ hội tốt, thân người khó được, gặp Phật ra đời thật khó, được nghe pháp cũng khó, chúng Tăng hòa hợp, ý nguyện thành tựu cũng khó. Ngươi đã được giới Cụ túc, vậy hãy tùy thuận mà học, giống như hoa vô ưu xa lìa bụi và nước. Ngươi phải nương tựa vào giới pháp mà tu tập thiện pháp Nê hoàn cho được đầy đủ. Đây là bài tựa giới Kinh, 8 Ba la di, 19 Tăng già bà thi sa, 30 Ni tát kỳ Ba-dạ-đề, 141 Ba-dạ-đề, 8 Ba la đề đề xá ni, pháp chúng học, 7 pháp Diệt tránh, pháp tùy thuận. Nay ta chỉ nói tóm lược để dạy bảo ngươi. Sau này Hòa Thượng, A xà lê sẽ dạy ngươi đầy đủ.
Sau khi thọ Cụ túc xong, ngay hôm ấy Hòa Thượng ni phải dẫn giới tử đến chỗ Tỉ kheo Tăng. Rồi, Hòa Thượng ni quì gối chắp tay xin cho giới tử như sau:
- Xin đại đức Tăng (473b) ghi nhớ cho! Con đã cho mỗ giáp thọ cụ túc. Nay theo Tăng xin cho mỗ giáp được thọ Cụ túc. Xin Tăng thương xót cho mỗ giáp thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần)
Bấy giờ thầy yết ma nên hỏi (Hòa Thượng ni):
- Trong chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản phải không?
Nếu không hỏi như vậy thì phạm tội Việt tỳ ni. Thế rồi thầy yết ma phải bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp ni thọ Cụ túc. Trong chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản. Ni mỗ giáp đã theo Tăng xin thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cho mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - vào giữa Tăng xin thọ Cụ túc.
Các đại đức đã bằng lòng cho mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - vào giữa Tăng xin họ Cụ túc, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Bấy giờ thầy yết ma nên dạy giới tử quì gối chắp tay, xin như sau:
- Xin đại đức Tăng ghi nhớ cho! Con là mỗ giáp theo Hòa Thượng ni mỗ giáp thọ Cụ túc. Trong chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh, không có ai ngăn cản. Con là mỗ giáp, Hòa Thượng ni là mỗ giáp. Nay con theo Tăng xin thọ Cụ túc. Kính mong Tăng thương xót cho con thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần).
Thế rồi, thầy yết ma phải tác bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Trong chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản, đã theo Tăng xin thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng bằng lòng cho mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - thọ Cụ túc, thì tôi sẽ hỏi các già nạn ở giữa chúng Tăng.
Các đại đức đã bằng lòng cho tôi hỏi các già nạn của mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - ở giữa chúng Tăng vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thầy yết ma quay sang hỏi giới tử:
- Giờ đây là lúc chí thành, là lúc nói thật, đối với chư thiên, thế gian, thiên ma, phạm thiên, Sa-môn, Bà la môn, các vị trời, người đời, A tu la, nếu không nói thật tức là lừa dối các ngài đồng thời cũng lừa dối hai bộ Tăng của đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri. Đó là tội lỗi rất nặng. Giờ đây ta sẽ hỏi ngươi ở giữa Tăng, điều gì có thì nói có, điều gì không thì nói không.
- Cha mẹ và chồng có còn không?
(cho đến...) trừ chỗ kín của người nữ, ngoài ra phải hỏi hết như trên. Thế rồi thầy yết ma nên bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Trong chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản ; đã theo Tăng xin thọ Cụ túc ; cha mẹ và chồng đã cho phép ; đã cầu Hòa Thượng ; năm y và bát đầy đủ, đã hoàn thành hai năm học giới ; đã làm pháp yết ma nuôi chúng ; tự nói mình thanh tịnh không có các già nạn. Nếu thời gian của Tăng đã đến, (473c) Tăng cho phép tôi nói về ba pháp nương tựa cho giới tử mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - ở giữa chúng Tăng.
Các đại đức Tăng đã bằng lòng để tôi nói về ba pháp nương tựa cho giới tử mỗ giáp - đệ tử của Hòa Thượng ni mỗ giáp - ở giữa chúng Tăng vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Đoạn, quay lại nói với giới tử:
- Đức Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri vì muốn lợi ích cho Ni chúng Thanh Văn nên chính thức chế ra ba pháp nương tựa này. Nếu người nữ có tâm ngay thẳng thuần thiện, kham nhẫn thì cho thọ Cụ túc ; nếu không kham nhẫn thì không cho thọ Cụ túc. Y phấn tảo ít việc, dễ được, phù hợp thanh tịnh, không có các lỗi, tùy thuận phép tắc của Tỉ-kheo-ni, nhờ vào đó mà xuất gia, thọ Cụ túc, được làm Tỉ-kheo-ni. Thế thì ngươi có thể kham nhẫn thọ trì y phấn tảo suốt đời được không?
Đáp: - Được.
- Nếu được các loại y như: y khâm bà la ; y điệp, y sô ma, y câu xá da, y xá na, y ma, y khu mâu đề thì hãy mặc chúng để đi khất thực. Đồng thời nương vào thuốc trần khí như trên đã nói rõ.
Thế rồi, quay lại bạch với Tăng:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc. Đã ở trước chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản, xin thọ Cụ túc. Cha mẹ và chồng đã cho phép ; đã cầu Hòa Thượng ; năm y và bát đầy đủ, đã hoàn thành hai năm học giới ; đã làm pháp yết ma nuôi chúng, tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn ; chấp nhận nương theo ba Thánh chủng. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho mỗ giáp thọ Cụ túc. Hòa Thượng ni là mỗ giáp. Đây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc ; đã ở trước chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh không có ai ngăn cản, xin thọ Cụ túc ; cha mẹ và chồng đã cho phép ; đã cầu Hòa Thượng ; năm y và bát đầy đủ ; đã hoàn thành hai năm học giới ; đã làm pháp yết ma nuôi chúng ; tự nói mình thanh tịnh, không có các già nạn ; đã chấp nhận nương tựa theo ba Thánh chủng. Tăng nay cho mỗ giáp thọ Cụ túc, Hòa Thượng ni là mỗ giáp. Đại đức nào bằng lòng cho mỗ giáp thọ Cụ túc với Hòa Thượng ni mỗ giáp thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Tăng đã bằng lòng cho mỗ giáp thọ Cụ túc với Hòa Thượng ni mỗ giáp, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Bấy giờ quay lại nói với giới tử:
- Ngươi đã thọ Cụ túc, thọ Cụ túc một cách tốt đẹp, một lần bạch ba lần yết ma, không có ai cản trở, Tăng hòa hợp, hai bộ chúng đều 10 vị trở lên. Nay ngươi phải kính trọng Phật, kính trọng Pháp, kính trọng Tăng, kính trọng Hòa Thượng, kính trọng A xà lê. Ngươi đã gặp được dịp tốt, thân người khó được, Phật ra đời khó gặp, nghe pháp cũng khó, chúng Tăng hòa hợp ý nguyện thành tựu cũng khó. Ngươi hãy đảnh lễ đức Thích Ca Bổn Sư và (474a) chúng Thanh Văn. Khi đã được giới cụ túc giống như hoa vô ưu đã xa lìa bụi và nước. Ngươi phải nương vào Giới Luật để tu tập thiện pháp Nê hoàn cho viên mãn.
Khi Phật an trú tại tinh xá có lầu gác ở trong rừng, nơi thành Tì-xá-li ; bấy giờ, đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự muốn thọ Cụ túc. Đồng tử Li Xa Am Bà La nghe đệ tử của Pháp Dự muốn thọ Cụ túc bèn suy nghĩ: "Nếu cô gái này làm như thế thì đối với ta không có lợi ích. Hôm nay nếu cô ra khỏi cửa tinh xá thì ta sẽ bắt rồi hủy hoại phạm hạnh, để cô không được thọ Cụ túc". Tỉ-kheo-ni Pháp Dự nghe thế, bèn đến chỗ Thế Tôn, cúi đầu đảnh lễ dưới chân, đứng sang một bên, rồi bạch Phật như sau:
- Bạch Thế Tôn! Con có đệ tử muốn thọ Cụ túc, nhưng nếu ra khỏi tinh xá thì sợ bị hủy hoại phạm hạnh, không hiểu nó ở đó còn Tăng ở đây cho nó thọ Cụ túc được không?
Phật dạy:
- Được! Trước hết, chúng Tỉ-kheo-ni cho thọ Cụ túc rồi, đi đến giữa Tỉ kheo Tăng cho xin sứ giả thọ Cụ túc.
Thế là, Ni tăng cho thọ Cụ túc xong, Pháp Dự liền đến bạch Tỉ kheo Tăng xin cho sứ giả thọ Cụ túc. Bấy giờ, người làm yết ma nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp muốn thọ Cụ túc, nhưng nếu đến đây thì sợ bị tổn thương phạm hạnh. Nếu thời gian của Tăng đã đến, đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp muốn theo Tăng xin cho sứ giả thọ Cụ túc.
Các đại đức đã bằng lòng cho đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp xin sứ giả thọ Cụ túc, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Thế rồi, Hòa Thượng ni phải vào giữa Tăng quỳ gối chắp tay bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng ghi nhớ cho! Con là Tỉ-kheo-ni Pháp Dự có đệ tử là mỗ giáp muốn thọ Cụ túc, nhưng nếu đến đây thì sợ tổn thương phạm hạnh. Y thị đã thọ Cụ túc giữa chúng Tỉ-kheo-ni, không có ai ngăn cản. Con là mỗ giáp vì đệ tử mỗ giáp xin sứ giả thọ Cụ túc. Kính mong đại đức Tăng thương tưởng cho sứ giả đệ tử mỗ giáp của con thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần).
Trong Tăng nên làm yết ma cử người có khả năng hoặc hai, hoặc ba người nhưng không được làm yết ma cử nhiều người. Thế rồi, người làm yết ma nên bạch:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp muốn thọ Cụ túc, đã thọ Cụ túc ở giữa chúng Tỉ-kheo-ni, không có ai ngăn cản ; nếu đến đây sợ tổn thương đến phạm hạnh. Tỉ-kheo-ni Pháp Dự đã vì đệ tử mỗ giáp theo Tăng xin sứ giả thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay làm yết ma cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp vì đệ tử của Pháp Dự là mỗ giáp thọ Cụ túc. Đây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe! Đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự (474b) là mỗ giáp muốn thọ Cụ túc, đã ở trước chúng Tỉ-kheo-ni thọ Cụ túc, không có ai ngăn cản. Nhưng nếu đến đây sợ tổn thương tới phạm hạnh. Tỉ-kheo-ni Pháp Dự đã vì đệ tử mỗ giáp, theo Tăng xin sứ giả thọ Cụ túc. Tăng nay làm yết ma cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp làm sứ giả vì đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp thọ Cụ túc. Các đại đức nào bằng lòng làm yết ma cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp làm sứ giả vì đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp thọ Cụ túc thì im lặng ; ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Tăng đã bằng lòng làm yết ma cử Tỉ kheo mỗ giáp, mỗ giáp làm sứ giả, vì đệ tử của Tỉ-kheo-ni Pháp Dự là mỗ giáp thọ Cụ túc xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Sau khi thọ pháp yết ma xong, Tỉ kheo này phải đi đến tinh xá của Tỉ-kheo-ni ngay hôm đó. Thế rồi, người thọ Cụ túc phải hướng đến sứ giả quì gối chắp tay tác bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng ghi nhớ cho! Con là mỗ giáp theo Hòa Thượng ni mỗ giáp thọ Cụ túc, đã thọ Cụ túc ở giữa chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh, không có ai ngăn cản. Nếu rời khỏi đây sợ tổn thương phạm hạnh, nên con phải ở tại đây. Con là mỗ giáp theo Hòa Thượng ni là mỗ giáp, nay theo Tăng xin thọ Cụ túc. Kính mong Tăng thương tưởng cho con thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần).
Thế rồi, Hòa Thượng ni cùng với sứ giả trở lại trong Tăng. Hòa Thượng ni phải quì gối chắp tay bạch như sau:
- Xin đại đức Tăng ghi nhớ cho! Con là Tỉ-kheo-ni Pháp Dự có đệ tử là mỗ giáp muốn thọ Cụ túc, đã thọ Cụ túc ở giữa chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh, không có ai ngăn cản. Nếu đến đây sợ tổn thương phạm hạnh nên phải ở tại đó. Con là Pháp Dự có đệ tử là mỗ giáp, nay theo Tăng xin thọ Cụ túc. Kính mong Tăng thương tưởng cho thọ Cụ túc. (nói như vậy ba lần)
Người làm yết ma nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Mỗ giáp theo mỗ giáp thọ Cụ túc, đã thọ Cụ túc ở giữa chúng Tỉ-kheo-ni thanh tịnh, không có ai ngăn cản. Nếu đến đây sợ tổn thương phạm hạnh, nên phải ở tại đó. Hòa Thượng ni mỗ giáp đã theo Tăng xin thọ Cụ túc. Nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng cho mỗ giáp thọ Cụ túc với Hòa Thượng ni mỗ giáp. Đây là lời tác bạch.
Sau khi xong một lần bạch, ba lần yết ma, Hòa Thượng ni cùng sứ giả trở lại tinh xá của Tỉ-kheo-ni, nói như sau:
- Thiện nữ hãy lắng nghe! Con đã thọ Cụ túc, một lần bạch, ba lần yết ma, không có ai ngăn cản, hai bộ chúng mỗi bộ từ 10 người trở lên đều hòa hợp, thọ Cụ túc xong con phải tôn kính Tam Bảo. Con đã gặp dịp tốt ; thân người khó được ; Phật ra đời khó gặp ; được nghe pháp cũng khó.
(474c) Đó gọi là hai năm học giới, thọ Cụ túc ở trước hai bộ chúng. Đây thuộc về pháp cung kính thứ hai.
3- Nêu tội.
Tỉ-kheo-ni không được nói Tỉ kheo thật có tội hay không thật có tội. Nhưng Tỉ kheo được nói Ni khi thật có tội, song không được nói khi không thật có tội. Ni không được nói:
- Tỉ kheo thầy thuốc, Tỉ kheo phạm giới, Tỉ kheo lẩm cẩm.
Nếu là thân quyến thì được khuyên bảo nhỏ nhẹ nhưng không được trách cứ. Nếu người đó còn nhỏ tuổi thì nên khuyên:
- Nay ông không học đợi đến già mới học sao? Sau này ông sẽ dạy bảo đệ tử, nếu ông không học thì sau này đệ tử sẽ học theo thói xấu của ông. Thế nên, ông phải tùy thuận học Kinh, đọc Kinh.
Nếu Tỉ-kheo-ni nói lỗi của Tỉ kheo rằng: "Tỉ kheo thầy thuốc, Tỉ kheo phạm giới, Tỉ kheo lẩm cẩm", thì phạm pháp bất kính. Tỉ kheo được nói về lỗi có thật của Tỉ-kheo-ni, nhưng không được khiển trách, nói:
- Mụ già trọc đầu, mụ già dâm đãng, mụ già lẩm cẩm.
Nếu là thân quyến làm điều phi pháp, thì được khuyên bảo:
- Đừng làm việc đó.
Nhưng không được mắng mỏ mà phải khuyên bảo nhỏ nhẹ. Nếu người đó còn nhỏ tuổi, thì nên khuyên:
- Nay cô không học, đợi đến già mới học sao? Sau này cô sẽ dạy bảo đệ tử, nếu cô không học thì sau này đệ tử sẽ noi theo thói xấu của cô. Thế nên, cần phải học Kinh, tụng Kinh.
Nếu Tỉ kheo mắng mỏ Tỉ-kheo-ni rằng: "Mụ già trọc đầu, mụ già dâm đãng, mụ già bất thiện không biết ân nghĩa" thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó là Tỉ-kheo-ni không được nói lỗi có thật hay không có thật của Tỉ kheo, nhưng Tỉ kheo được nói lỗi có thật của Tỉ-kheo-ni. Đây là pháp tôn kính thứ ba.
4- Không được nhận phẩm vật trước.
Tỉ-kheo-ni không được nhận thức ăn, phòng xá giường nệm trước Tỉ kheo. Nếu có người mời Tỉ-kheo-ni thọ trai thì nên bảo họ mời các vị tôn túc Tỉ kheo trước. Nếu họ nói: "Đối với họ, con không có lòng tôn kính, con chỉ muốn mời quí Tỉ-kheo-ni mà thôi", thì nên đáp: "Tôi cũng không nhận".
Nếu họ nói: "Trước đây con đã từng mời chư Tăng dùng bữa ăn trước, bữa ăn sau rồi, nhưng chưa từng mời quí Ni sư", thì nên nhận. Chí ít là họ đã cúng cho Tăng một chén cơm, rồi sau đó, Tỉ-kheo-ni nhận các món ăn ngon thì không có tội.
Nếu có người đến nói: "Con muốn làm phòng cho quí Ni sư", thì nên bảo họ làm cho các bậc tôn túc Tỉ kheo trước.
Nếu họ nói: "Con không có lòng tôn kính đối với họ mà chỉ muốn làm cho Ni sư thôi", thì nên đáp: "Tôi cũng không nhận". Nếu họ nói: "Trước đây con đã từng làm phòng xá, giảng đường, nhà tắm, trai đường, nhà ngõ, mái che giếng, cầu tiêu, nhà để rửa chân cho chúng Tăng rồi, nhưng chưa làm cho quí Ni sư", thì nên nhận. Thậm chí nếu trước đó họ đã làm cho Tăng (475a) một cái nhà bếp, thì sau đó Tỉ-kheo-ni nhận phòng lớn không có tội.
Nếu có người đem giường nệm đến cúng dường cho Tỉ-kheo-ni, thì nên bảo họ cúng dường cho các bậc tôn túc Tỉ kheo trước.
Nếu họ nói: "Con không có lòng tôn kính đối với các vị ấy" thì nên nói: "Tôi cũng không nhận".
Nếu họ nói: "Trước đây con đã từng cúng cho Tỉ kheo Tăng giường nệm, gối chăn, ngọa cụ, mà chưa từng cúng cho chư Ni", thì được nhận. Thậm chí nếu trước đó họ đã cúng cho Tỉ kheo Tăng một chiếc giường nhỏ, Tỉ-kheo-ni sau đó nhận giường nệm không có tội.
Nếu đàn việt chưa từng cúng trai phạn cho chư Tăng lại cúng giường nệm cho Tỉ-kheo-ni trước mà Ni nhận thì phạm tội bất kính. Đó gọi là Tỉ-kheo-ni không được nhận thức ăn, giường nệm trước chư Tăng. Đến đây hết pháp tôn kính thứ tư.
5- Nửa tháng Ma na đỏa.
Nếu Tỉ-kheo-ni phạm tội bất kính thì phải thực hành Ma na đỏa nửa tháng ở trước hai bộ Tăng. Nếu phạm 19 tội Tăng già bà thi sa thì phải hành Ma na đỏa nửa tháng ở trước hai bộ Tăng. Khi Tỉ-kheo-ni ở trong chúng hành pháp tùy thuận, thì hằng ngày phải bạch hai bộ tăng. Đó gọi là Tỉ-kheo-ni hành pháp Ma na đỏa nửa tháng ở giữa hai bộ Tăng. Pháp tôn kính thứ năm đến đây là hết.
6- Cầu giáo thọ trong dịp Bố tát nửa tháng.
Vào ngày Bố tát, hoặc tất cả Tỉ-kheo-ni, hoặc sai sứ giả đến tinh xá của Tỉ kheo lễ tháp, rồi đến chỗ Tỉ kheo quen biết gởi dục thanh tịnh, nói như sau:
- Tất cả Tỉ-kheo-ni Tăng hòa hợp, đảnh lễ dưới chân Tỉ kheo, xin hỏi về việc Bố tát, thỉnh cầu dạy bảo. (nói như vậy ba lần).
Khi Bố tát, thầy Tỉ kheo tụng giới nên nói như sau:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Hôm nay Bố tát, đã qua chừng ấy ngày, còn lại chừng ấy ngày. Đây là việc thường làm của chúng Thanh Văn đệ tử Phật. Các Tỉ kheo hãy thuyết dục thanh tịnh của các đại đức không đến. Thế còn ai nhận dục của Tỉ-kheo-ni?
Người nhận dục của Ni nên đến trước Thượng tọa, trật vai áo bên phải, chắp tay nói như sau:
- Tỉ-kheo-ni Tăng hòa hợp, đảnh lễ dưới chân Tỉ kheo Tăng, gởi dục thanh tịnh, hỏi về việc Bố tát, thỉnh cầu dạy bảo. (nói như vậy ba lần)
Người tụng giới nên hỏi ;
- Ai dạy bảo Tỉ-kheo-ni?
Nếu có người đã dạy bảo trước thì người sau nên hỏi:
- Ngày nào đến chỗ Ni? Dạy bảo tại đâu?
Người đã dạy bảo trước nên nói:
- Ngày mỗ đến tại chỗ mỗ.
Nếu không có người dạy bảo, thì khi nhận dục thanh tịnh của Ni, Tỉ kheo nên nói:
- Này chị em! Không có người dạy bảo, phải cẩn thận, chớ buông lung.
Nếu Tỉ kheo nào thành tựu 12 đức tính sau đây thì Tăng nên làm yết ma cử làm người dạy bảo. Đó là:
1- Trì giới.
2- Nghe nhiều không quên.
3- Trì luật rộng hoặc hẹp.
4- Có biện tài khéo nói.
5- Học giới ;
6-(475b) Học định.
7- Học tuệ.
8- Có thể đoạn trừ ác tà.
9- Phạm hạnh thanh tịnh.
10- Không làm hoen ố tịnh hạnh của Tỉ-kheo-ni.
11- Nhẫn nhục.
12- Đủ 20 tuổi hạ, hoặc nhiều hơn.
Đó gọi là người thành tựu 12 yếu tố, Tăng nên cử làm người dạy bảo Tỉ-kheo-ni. Người làm yết ma nên bạch:
- Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỉ kheo mỗ giáp thành tựu 12 yếu tố, nếu thời gian của Tăng đã đến, Tăng nay cử Tỉ kheo mỗ giáp đi dạy bảo Tỉ-kheo-ni. Đây là lời tác bạch.
Xin đại đức Tăng lắng nghe! Tỉ kheo mỗ giáp thành tựu 12 yếu tố, Tăng nay cử Tỉ kheo mỗ giáp đi dạy bảo Tỉ-kheo-ni. Các đại đức nào bằng lòng cử Tỉ kheo mỗ giáp đi dạy bảo Tỉ-kheo-ni thì im lặng, ai không bằng lòng hãy nói. Đây là yết ma lần thứ nhất. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế)
Tăng đã bằng lòng cử Tỉ kheo mỗ giáp đi dạy bảo Tỉ-kheo-ni xong vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Vị Tỉ kheo nhận pháp yết ma rồi nên đến dạy bảo Tỉ-kheo-ni. Pháp dạyï bảo có 8 trường hợp như sau:
1- Phi thời.
2- Phi xứ.
3- Quá thời.
4- Chưa đến lúc.
5- Không hòa hợp.
6- Quyến thuộc.
7- Thuyết pháp bằng những câu dài.
8- Nghênh đón dạy dỗ.
(1) Phi thời: Dạy dỗ từ lúc mặt trời lặn đến khi mặt trời chưa mọc, đó gọi là phi thời. Nếu Tỉ kheo dạy bảo Tỉ-kheo-ni lúc phi thời thì phạm tội Ba-dạ-đề.
(2) Phi xứ.: Không được giáo hóa ở chỗ kín đáo, chỗ trống trải mà phải giáo hóa ở chỗ không kín, không trống, như ở giảng đường, dưới gốc cây. Nếu Tỉ kheo giáo hóa Tỉ-kheo-ni ở chỗ không thích hợp thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là phi xứ.
(3) Quá thời. Nếu đến ngày 14, ngày 15 mới giáo hóa, đó gọi là quá thời.
(4) Chưa đến lúc: Giáo hóa vào ngày mồng một, mồng hai, mồng ba trong tháng, đó gọi là chưa đến lúc. Nên đến giáo hóa từ ngày mồng bốn đến ngày 13. Nếu chưa đến lúc mà đến giáo hóa Tỉ-kheo-ni thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là chưa đến lúc.
(5) Không hòa hợp: Khi Tỉ-kheo-ni Tăng không hòa hợp thì không nên giáo hóa, đợi khi họ hòa hợp mới giáo hóa. Người giáo hóa khi đến, nên hỏi:
- Ni Tăng đã hòa hợp chưa?
Nếu họ đáp: "Hòa hợp", thì nên sai sứ giả gọi Tỉ-kheo-ni đến nghe giáo hóa. Nếu người nào già bệnh đang uống thuốc, hoặc đang lo việc y bát không đến được thì phải gởi dục, nói như sau:
- Tôi là mỗ giáp, gởi dục về việc giáo hóa (nói như vậy ba lần). Nếu Tỉ-kheo-ni Tăng không hòa hợp mà giáo hóa thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là không hòa hợp.
(6) Quyến thuộc: Không nên giáo hóa thiên vị mà nên giáo hóa tất cả Ni Tăng khi đã hòa hợp. Đó gọi là quyến thuộc.
(7) Nói dài dòng: Như tôn giả (475c) Nan-đà giáo hóa Ni dài dòng ; chỉ nên nói như sau:
- Chớ làm các việc ác,
Vâng làm các hạnh lành,
Giữ tâm ý trong sạch,
Chư Phật dạy như vậy.
Này các chị em! Đây là những lời dạy bảo ai muốn nghe thì nghe, không muốn nghe thì tùy ý ra đi.
Nếu Tỉ kheo giáo hóa Tỉ-kheo-ni dài dòng thì phạm tội Việt tỳ ni. Đó gọi là thuyết pháp dài dòng.
(8) Cách đón rước người giáo hóa: Nếu Tỉ-kheo-ni trú tại thành ấp xóm làng nghe Tỉ kheo đến ngày mỗ tới giáo hóa, nếu không có người cung cấp, thì nên nhờ các Tỉ kheo nhỏ tuổi cầm hương hoa, tràng phan, bảo cái đến đón rước. Nếu như không có thì tùy theo ít nhiều, tối thiểu là chắp tay bày tỏ lòng tôn kính, mang giúp y bát. Đi đón từ một do diên, nửa do diên, hoặc một câu lô xá, nửa câu lô xá, ít nhất là ra ngoài thành ấp xóm làng đón tiếp. Nếu không đón rước thì phạm tội Việt tỳ ni.
Khi đến rồi, nên vận động đàn việt cúng dường bữa ăn trước, bữa ăn sau, nước giải khát phi thời một cách tận tâm, hợp cùng đệ tử chu cấp trong bảy ngày đừng để thiếu thốn.
Nếu không có gì thì lấy bớt y bát thừa của mình đem cúng dường.
Nếu cũng không có nữa thì ít nhất chắp tay biểu lộ sự cung kính.
Khi giáo hóa Ni, hoặc dùng A tì đàm, hoặc Tì ni. A tì đàm là chỉ cho 9 bộ Kinh ; Tì ni là chỉ cho Ba la đề mộc xoa (giới bổn) hoặc nói rộng, hoặc nói hẹp. Người giáo hóa khi thấy Ni đến không được cúi đầu đứng im mà nên xem tướng mạo, oai nghi của họ. Nếu thấy họ xức dầu ướt trên đầu, vẽ chân mày, mang y đậm màu chói lọi rực rỡ, buộc dây lưng trắng. v.v... , thì phải khiển trách. Nếu người đó còn trẻ tuổi thì nên nói:
- Này chị em! Nay cô còn trẻ mà không học, đợi đến già mới học sao? Sau này cô sẽ dạy bảo đệ tử, nếu cô không học thì đệ tử sẽ bắt chước thói xấu của cô. Vì thế, cô phải tùy thuận học Kinh, tụng Kinh.
Nếu khi đó có người thế tục thì không được dạy như thế, sợ họ sinh tâm bất thiện, nói rằng:
- Sa-môn dạy bảo vợ.
Nếu trường hợp như thế thì không nên dạy mà nên hỏi các Ni khác:
- Người này là đệ tử đồng hành của ai? Đệ tử y chỉ của ai?
Hỏi xong, nên bảo Hòa Thượng, A xà lê của người ấy dạy bảo khiển trách khiến cho họ tùy thuận tuân hành, đừng làm những việc trái oai nghi.
Khi Tỉ kheo giáo hóa Tỉ-kheo-ni phải xem họ như nữ giới ; còn Tỉ-kheo-ni đối với người giáo hóa phải xem như đức Phật. Đó là nửa tháng hỏi thăm việc Bố tát và cầu thỉnh dạy bảo.
Đến đây hết pháp tôn kính thứ sáu.
7- Không nương tựa Tỉ kheo không được an cư.
Nếu thân nhân muốn mời Tỉ-kheo-ni an cư, thì Ni nên bảo đàn việt mời các bậc tôn túc Tỉ kheo trước. Nếu họ nói: "Tôi không có lòng tôn kính các vị ấy mà chỉ muốn mời các Ni", thì Ni nên nói:
- Tôi cũng không đi.
Nếu vì thân nhân muốn đi, thì nên (476a) đích thân mời Tỉ kheo. Đến nơi đó rồi, nên sắp xếp bữa ăn trước, bữa ăn sau, nước giải khát phi thời, y an cư, chớ để thiếu thốn. Nếu thân nhân không cung cấp thì nên lấy những y bát dư của mình ra cung cấp.
Nếu trong lúc an cư mà Tỉ kheo chết, hoặc bỏ tu, hoặc đi nơi khác thì Ni không được bỏ đi.
Nếu trong ba do diên có Tăng già lam thì nên kết giới thông thương rồi mỗi nửa tháng đến hỏi việc Bố tát.
Nếu có các nạn như trên đường đi có bọn giặc cướp khủng bố, sợ mất mạng, thương tổn phạm hạnh thì đến hết ngày an cư nên đến đó Tự tứ. Nếu vẫn còn các hiểm nạn thì nên bảo thân nhân mời các Tỉ kheo đến.
Khi họ đến rồi thì phải cung cấp những nhu yếu như bữa ăn trước, bữa ăn sau và thức uống phi thời, đừng để thiếu thốn. Sau khi Tự tứ xong nên trở về chỗ cũ.
Nếu Tỉ-kheo-ni muốn an cư tại chỗ nào mà nơi đó không có Tỉ kheo thì không được an cư. Nếu cứ ở đó an cư thì phạm pháp bất kính.
Đó gọi là nơi không có Tỉ kheo thì Tỉ-kheo-ni không được an cư.
Đến đây hết pháp tôn kính thứ bảy.
8- Tỉ-kheo-ni an cư xong phải thọ Tự tứ trước hai bộ Tăng.
Tỉ-kheo-ni đến ngày Tự tứ thọ Tự tứ xong, sáng sớm hôm sau, tất cả phải đi đến chỗ Tăng thọ Tự tứ. Trong Ni Tăng nên làm pháp yết ma cử một người có thể thọ Tự tứ. Người làm yết ma nên nói như sau:
- Xin Ni tăng lắng nghe! Tỉ-kheo-ni mỗ giáp có thể vì Ni tăng làm người Tự tứ. Nếu thời giờ của Tăng đã đến, Tăng làm yết ma cử Tỉ-kheo-ni mỗ giáp vì Ni tăng làm người Tự tứ.
Các Ni tăng đã bằng lòng cử Tỉ-kheo-ni mỗ giáp vì Ni tăng làm người Tự tứ xong, vì im lặng. Tôi ghi nhận việc này như vậy.
Khi hai bộ chúng Tỉ-kheo-ni, Tăng đều hòa hợp, thì nên nói như sau:
- Tỉ-kheo-ni hòa hợp với Tỉ kheo Tăng hòa hợp nói Tự tứ: Nếu thấy, nghe, nghi có tội, xin Tăng thương xót nói cho biết. Nếu thấy, nghe, nghi đúng tội, sẽ như pháp trừ diệt. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế). Nếu Tỉ kheo Tăng hòa hợp với nhiều Tỉ-kheo-ni thì nên nói như sau:
- Nhiều Tỉ-kheo-ni và Tỉ kheo Tăng hòa hợp nói việc Tư tứ: Nếu thấy, nghe, nghi có tội, xin Tăng thương xót nói cho tôi biết. Nếu tự biết, thấy (mình có tội) sẽ như pháp diệt trừ (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Nếu Tỉ kheo hòa hợp, một Tỉ-kheo-ni nên nói như sau:
- Con Tỉ-kheo-ni xin nói Tự tứ với Tỉ kheo Tăng hòa hợp: Nếu thấy, nghe, nghi có tội, xin Tăng thương xót nói cho con biết. Nếu tự biết, thấy (mình có tội) con sẽ như pháp diệt trừ (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Nếu nhiều Tỉ kheo, Tỉ-kheo-ni tăng (476b) hòa hợp, nên nói như sau:
- Tỉ-kheo-ni tăng hòa hợp, các đại đức nói Tự tứ: Nếu thấy, nghe, nghi có tội, xin các đại đức thương xót nói cho con biết. Nếu biết, thấy, (mình có tội) sẽ như pháp diệt trừ. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế)
Nếu nhiều Tỉ kheo cùng với nhiều Tỉ-kheo-ni thì nên nói như sau:
- Nhiều Tỉ-kheo-ni với các đại đức nói Tự tứ... (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế).
Nếu một Tỉ kheo với một Tỉ-kheo-ni thì nên nói như sau:
- Con Tỉ-kheo-ni trước đại đức xin nói Tự tứ: Nếu thấy, nghe, nghi có tội, xin đại đức thương xót nói cho con biết. Nếu biết, thấy (mình có tội) con sẽ như pháp diệt trừ. (lần thứ hai, thứ ba cũng nói như thế)
Tỉ-kheo-ni sau khi an cư xong phải thọ Tự tứ ở giữa hai bộ chúng như vậy. Nếu Tỉ-kheo-ni ngày 16 không đến chỗ Tỉ kheo Tăng thọ Tự tứ, đến ngày 17 mới tới thọ Tự tứ thì phạm tội bất kính.
Đó gọi là pháp tôn kính thứ 8 của Tỉ-kheo-ni.
LUẬT MA HA TĂNG KỲ
Hết quyển thứ ba mươi.