Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

X

11 Tháng Tám 20167:22 SA(Xem: 2454)
X
TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

X

Xà Na Quật Đa (Jnanagupta, 523-600): dịch nghĩa là Chí Đức, là vị sa môn nước Kiền-đà-la ở Bắc Ấn-độ. Ngài xuất gia từ thuở nhỏ, về sau đi du lãm các nơi để chiêm bái thánh tích và hoằng pháp. Khoảng năm 560 (cuối đời vua Minh đế nhà Bắc-Chu) ngài đã cùng với bạn đồng môn là Da Xá Quật Đa, đi theo hai vị sư phụ là Xà Na Da Xá và Xà Nhã Na Bạt Đạt Ra, đến Trường-an cư trú tại chùa Thảo-đường. Ở đó chỉ một thời gian ngắn, rồi ngài dời sang chùa Tứ-thiên-vương, và bắt đầu công tác dịch kinh. Sau đó ngài lại dời sang chùa Long-uyên ở Ích-châu, được bổ nhiệm chức tăng chủ, vẫn tiếp tục dịch kinh. Bấy giờ vua Vũ đế (561-578) nhà Bắc-Chu phá trừ Phật giáo, đốt phá chùa chiền, ra lệnh cho tăng chúng phải hoàn tục. Nhà vua triệu ngài vào kinh, đem tước lộc dụ dỗ, bắt phải bỏ đạo Phật để theo đạo Nho. Ngài thề chết không theo, bèn bị trục xuất ra khỏi Trung-quốc. Khi đến lãnh thổ của tộc Đột-quyết, ngài gặp phái đoàn chư tăng Bắc-Tề như Huệ Lâm, Bảo Xiêm v.v... cả thảy 10 vị, bèn ở lại đó cùng nhau dịch kinh và tu tập thiền định. Nguyên phái đoàn chư tăng này cùng đi Tây-vức thỉnh kinh, trải qua 7 năm, đã thỉnh được 260 bộ kinh Phạn bản. Trên đường trở về Trung-quốc, nghe tin vua Vũ đế nhà Bắc-Chu (559-581) đã diệt nhà Bắc-Tề (550-577), đang hủy diệt Phật pháp, quí ngài bèn ở lại đất Đột-quyết, nhân đó mà được gặp ngài Xà Na Quật Đa. Sau đó không lâu, vua Vũ đế nhà Chu chết, rồi 3 năm sau, nhà Bắc-Chu bị vua Văn đế (581-604) nhà Tùy tiêu diệt. Vua Tùy Văn đế nhiệt tâm ủng hộ Phật giáo, làm cho Phật pháp được trùng hưng, phái đoàn ngài Bảo Xiêm chở kinh về Trung-quốc trước, và trình mọi việc lên vua Văn đế biết. Nhà vua liền sai sứ giả sang Đột-quyết thỉnh ngài Xà Na Quật Đa trở lại Trung-quốc, ngụ tại chùa Đại-hưng-thiện ở ngay kinh đô để chủ trì công tác dịch kinh. Ngài đã dịch được cả thảy 37 bộ kinh, gồm 176 quyển, đủ cả hiển giáo lẫn mật giáo, trong đó, bộ Kinh Phật Bản Hạnh (60 quyển) là lớn nhất. Về sau, vì có chuyện bất trắc, ngài phải sang ẩn ở xứ Đông-Việt (nay là hai tỉnh Triết-giang và Phúc-kiến), rất nhiều người ở đây đã được ngài giáo hóa. Năm 600 ngài viên tịch, thế thọ 78 tuổi.

Xá-lợi. Chư Phật, Bồ-tát, La-hán, cao tăng, sau khi viên tịch và hỏa thiêu, nhục thân thường ngưng kết thành xá-lợi, giống như hạt ngọc, hoặc giống như hoa; màu trắng là xá-lợi xương, màu đỏ là xá- lợi máu thịt, màu đen là xá-lợi tóc – hoặc cũng có loại xá-lợi xen lẫn nhiều màu, là do các thứ tổng hợp mà thành. Đó là do sự huân tu giới định tuệ trong lúc sinh tiền mà được, là sự kết tụ của vô lượng công đức. Nếu đó là xá-lợi của Phật thì không có bất cứ vật gì ở thế gian phá hủy được; từ Bồ-tát trở xuống, sức cứng rắn của xá-lợi giảm bớt dần.

Xá Lợi Phất (Sariputra): là một trong mười vị đệ tử lớn của Phật. Tôn giả là người nước Ma-kiệt-đà (Magadha), ở trong một làng thuộc vùng ngoại ô kinh thành Vương-xá (Rajagrha). Thân mẫu của tôn giả vốn là con gái của một nhà luận sư Bà-la-môn nổi tiếng ở thành Vương-xá; vì vậy mà tôn giả bẩm tính thông minh khác thường. Từ lúc 8 tuổi, tôn giả đã thông hiểu cả bốn kinh Phệ Đà; 16 tuổi đã có thể dùng nghị luận để khuất phục người khác, khiến cho người cậu (vốn là một vị luận sư được mọi người kính nể) cũng phải nể vì. Tôn giả có người bạn thân ở làng kế cận, tên là Mục Kiền Liên (Maudgalyayana). Cả hai người có cùng chí hướng, cùng nhận thức được sự vô thường, tạm bợ của cuộc đời, nên vừa trưởng thành, cả hai cùng có ý đi tìm thầy học đạo giải thoát. Hai người bèn rủ nhau đến xin tu học với đạo sĩ San Xà Da (San-jaya), rất nổi tiếng ở thành Vương-xá. Vốn thông minh tài trí hơn người, chỉ bảy ngày bảy đêm sau, hai người đều đạt được trình độ tương đương với thầy; được cả 250 người bạn cùng tu học tôn làm thượng thủ. Tuy vậy, hai người vẫn không bằng lòng với sở đắc của mình, vì vẫn chưa thấy được con đường giải thoát. Bởi vậy, hai người đã giao hẹn cùng nhau rằng, hễ ai chứng đạt được đạo lớn trước thì phải chỉ bảo ngay cho người kia; hoặc giả ai tìm được minh sư trước thì phải dìu dắt người kia đi theo. Vào năm thứ hai sau ngày thành đạo, đức Phật dẫn giáo đoàn hành hóa tại thành Vương-xá. Một hôm, đại đức A Thị Thuyết (Asvajit) ôm bình bát vào thành khất thực. Xá Lợi Phất trông thấy đại đức oai nghi đoan chánh, bước đi cẩn trọng, trong tâm bỗng nẩy sinh niềm cảm kính; bèn hỏi thăm đại đức là ai, tu tập pháp gì, thờ ai làm thầy. Đại đức bèn đem pháp nhân duyên do Phật dạy để khai thị, rồi chỉ chỗ Phật đang ngự cho Xá Lợi Phất biết. Như được cơ duyên lớn, Xá Lợi Phất vui mừng khôn xiết, lập tức trở về thông báo cho Mục Kiền Liên biết. Hôm sau hai người cùng xin từ biệt đạo sĩ San Xà Da để đi đến chỗ Phật ngự; cả 250 đồ chúng ở đó cũng đồng lòng xin theo hai vị cùng đến chỗ Phật. Tất cả đều được đức Phật hoan hỉ thu nhận vào giáo đoàn, và chẳng bao lâu hai vị đều chứng quả A-la-hán. Từ đó tôn giả Xá Lợi Phất luôn luôn kề cận bên Phật để phụ giúp Ngài trong việc hoằng hóa, và trở thành vị thượng thủ của giáo đoàn. Với trí tuệ vượt trội mọi người, tôn giả lại được mọi người tôn xưng là vị có “trí tuệ bậc nhất” trong giáo đoàn. Chính tôn giả là người đã được đức Phật ủy thác trông coi công trình xây cất tu viện Kì-viên (Jetavana) ở kinh đô Xá-vệ (Sravasti) của vương quốc Kiều-tát-la (Kau-sala). Lúc đó bước chân hoằng hóa của Phật chưa đặt đến nơi này, nhưng nhờ vào trí tuệ siêu việt và biện tài vô ngại của chính mình, tôn giả đã thu phục biết bao nhiêu đạo sĩ ngoại đạo lỗi lạc, đem họ về với chánh pháp – trước khi Phật và giáo đoàn đến đây mở đạo tràng tại tu viện Kì-viên. Khi đức Phật về già, đại đức Đề Bà Đạt Đa (Devadatta) đã phân rẽ tăng đoàn của Phật, dụ dỗ năm trăm tì kheo theo ông vào núi Tượng-đầu (Già-da - Gaya) để lập giáo đoàn riêng do ông làm giáo chủ; nhưng sau đó, chính tôn giả Xá Lợi Phất đã cùng tôn giả Mục Kiền Liên vào núi thuyết phục và khuyên nhủ năm trăm tì kheo ấy hồi tâm, quay về với đức Phật. Tôn giả đã viên tịch trước Phật ba tháng.

Xe dê - Xe hươu - Xe trâu - Xe trâu trắng lớn. Tong Kinh Pháp Hoa, đức Phật lấy xe dê dụ cho thừa Thanh-văn, xe hươu dụ cho thừa Duyên-giác, xe trâu dụ cho thừa Bồ-tát, đó là 3 thừa phương tiện; xe trâu trắng lớn dụ cho Phật thừa, đây mới là thừa chân thật.

Xúc 1: là chi thứ sáu trong “mười hai nhân duyên”, đó là tâm sở “xúc”, là điểm giao tiếp của ba yếu tố căn, cảnh và thức, là một loại tác động làm cho tâm biết vật.

Xúc 2: là một trong năm cảnh (sắc, thanh hương vị, xúc). Xúc cảnh (hay xúc trần) là đối tượng của thân căn, tức là những tính chất cứng, mềm, trơn, nhám, nóng, lạnh v.v... của vật chất mà khi thân thể đụng chạm tới thì biết được.