Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Y

11 Tháng Tám 20167:22 SA(Xem: 2647)
Y
TRÍCH LỤC TỪ NGỮ PHẬT HỌC
Cư sĩ Hạnh Cơ biên soạn,
đánh máy và trình bày trang sách
Cư sĩ Tịnh Kiên đọc và sửa chữa bản thảo

Y

Y (衣). Nghĩa thông thường của chữ “y” là áo, tức chiếc áo bình thường mọi người đều mặc. Nhưng trong truyền thống của Phật giáo Việt-nam, khi nói “y” thì không có nghĩa là chiếc áo bình thường, mà đó là chiếc “pháp y” của chư tăng ni mặc trong các pháp sự quan trọng như tụng kinh lễ Phật, thuyết pháp, nghe pháp v.v... Và khi dùng loại “y” này, cũng theo truyền thống Phật giáo Việt-nam, chư tăng ni Việt-nam không nói “mặc y”, mà nói là “đắp y”.
Nguyên thỉ , “y” là ba loại pháp y được chấp thuận là vật sở hữu nhu yếu của một vị tì kheo trong tăng đoàn thời Phật tại thế, do đức Phật chế định, luôn luôn cất giữ bên mình, đi đâu mang theo đó, không được xa rời; gồm có: 
1) Y an-đà-hội (antarvasa), Hán ngữ dịch là “nội y”, tức là loại y mặc sát người, mặc thường ngày; làm việc, ngủ nghỉ đều mặc. 
2) Y uất-đa-la-tăng (uttarasanga), Hán ngữ dịch là “thượng y”, tức là loại y mặc phủ ngoài y an-đà-hội, dùng khi lễ bái, tụng kinh, nghe pháp, bố-tát, thọ trai.
3) Y tăng-già-lê, Hán ngữ dịch là “đại y”, tức là loại y quan trọng, mặc trong những lúc thuyết pháp, chủ trì hay tham dự các đại lễ. 
Chư tăng thời Phật tại thế, mặc y thường để trần vai bên phải, nhưng chư ni thì phải mặc kín vai; bởi vậy, chư ni, ngoài ba y trên, còn phải mặc thêm chiếc y lót bên trong y an-đà-hội, để che kín vai và nách, gọi là y tăng-kì-chi (samkaksika), Hán ngữ dịch là “phú kiên y”. Ở phía dưới chiếc y phú kiên này, chư ni lại còn phải mặc thêm một chiếc quần, phủ từ thắt lưng trở xuống, gọi là y quyết-tu-la (kusula), Hán ngữ dịch là “hạ quần”. Như vậy, trong khi chư tăng có 3 y thì chư ni có 5 y, gọi là “tì-kheo-ni ngũ y”. Về sau, vì thấy sự ích lợi của chiếc áo và quần lót mặc bên trong, qui chế “năm y” cũng được áp dụng cho chư tăng.
Cả ba loại y an-đà-hội, uất-đa-la-tăng và tăng-già-lê trên, đều là một tấm vải lớn do nhiều mảnh vải nhỏ hình chữ nhật chắp vá lại làm thành. Cứ hai hay ba mảnh dài và một mảnh ngắn nối nhau thành một hàng dọc, gọi là một “điều”; tùy theo số điều nhiều ít mà phân loại ba y: 
1) Y an-đà-hội có 5 điều (cho nên cũng được gọi là “ngũ điều y”), mỗi điều gồm 1 mảnh dài và một mảnh ngắn chắp nối nhau. 
2) Y uất-đa-la-tăng có 7 điều (cũng được gọi là “thất điều y”), mỗi điều gồm 2 mảnh dài và một mảnh ngắn chắp nối nhau. 
3) Y tăng-già-lê có từ 9 đến 25 điều (cũng được gọi là “cửu điều y”, hay “nhị thập ngũ điều y”); loại y này lại phân ra có 3 phẩm: 
a) Phẩm Hạ có 3 loại y: y 9 điều, y 11 điều và y 13 điều, mỗi điều do hai mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại; 
b) Phẩm Trung có 3 loại y: y 15 điều, y 17 điều và y 19 điều, mỗi điều do ba mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại; 
c) Phẩm Thượng có 3 loại y: y 21 điều, y 23 điều và y 25 điều, mỗi điều do bốn mảnh dài và một mảnh ngắn chắp lại. 
Ngoài các loại y chính thức như trên, còn có một loại y dành cho các chúng sa-di, sa-di-ni, cư sĩ thọ trì năm giới, và Bồ-tát tại gia, đó là “mạn y” (patta), chỉ là một tấm vải trơn, không có các “điều” như các loại y trên.

Y (依) - Chánh. Thân tâm của một chúng sinh là “chánh báo”; còn thế giới, quốc độ mà chúng sinh đó đang ở, cùng những thứ khác mà chúng sinh đó có được như phòng xá, vật dụng v.v..., là “y báo”; nói ngắn gọn là “y chánh”.

Y cứ vào giáo pháp, không y cứ vào người nói pháp (y pháp bất y nhân). Giáo pháp là lời Phật dạy, là con đường dẫn đến sự chấm dứt khổ đau, đạt được tuệ giác siêu việt, giải thoát sinh tử luân hồi; cho nên đó là nơi y cứ, nương tựa đáng tin cậy của người tu học Phật. Còn người nói pháp chỉ là người có khả năng giảng nói, trao truyền giáo pháp ấy, có thể là một vị tu hành chân chính, giới hạnh thanh cao, mà cũng có thể là người chỉ có thông minh học giỏi, nói năng hoạt bát, mà giới hạnh không có, tư cách tầm thường, không xứng đáng làm bậc thầy gương mẫu. Cho nên, người tu học y cứ vào giáo pháp để tu hành là điều chắc chắn phải có; nhưng không nhất thiết là phải trông cậy vào người nói pháp.

Y cứ vào kinh liễu nghĩa, không y cứ vào kinh bất liễu nghĩa (y liễu nghĩa, bất y bất liễu nghĩa). Các loại kinh Phật hướng dẫn người tu học đi thẳng vào chân tướng của vạn hữu một cách mau lẹ, dứt khoát, trọn vẹn, gọi là kinh liễu nghĩa (kinh điển đại thừa). Các loại kinh điển khác không đề cập đến chân tướng của vạn hữu, hoặc có đề cập nhưng không trực tiếp chỉ thẳng một cách dứt khoát, trọn vẹn, mà chỉ là dùng phương tiện để hướng dẫn từ từ, chậm chạp, dành cho hạng người cơ trí chậm lụt, thấp kém, thì gọi là kinh bất liễu nghĩa (kinh điển tiểu thừa). Người tu học theo con đường đại thừa là “kiến tánh thành Phật”, cho nên chỉ lấy kinh liễu nghĩa làm chỗ y cứ, mà không nên trông cậy vào kinh bất liễu nghĩa; đó cũng là chủ ý của đức Phật trong các bộ kinh đại thừa như Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Niết Bàn v.v...

Y cứ vào trí, không y cứ vào thức (y trí bất y thức). “Trí” là trí tuệ, và “thức” là tác dụng nhận thức. Khi tâm còn ở trạng thái ô nhiễm, mê muội, sai lầm thì gọi là “thức”; và khi đã được rèn luyện, chuyển biến trở thành thanh tịnh, sáng suốt, không còn sai lầm thì gọi là “trí”. Tính chất của nhận thức luôn luôn là biến kế chấp, cho nên chỉ đạt được tự tính biến kế sở chấp của sự vật. Chỉ có dùng trí tuệ quán chiếu tự tính y tha khởi của sự vật thì mới thấy được tự tính viên thành thật của vạn pháp mà thôi. Vậy người tu học Phật không nên trông cậy vào cái biết của thức (chỉ là vọng tưởng phân biệt), mà chỉ y cứ vào cái thấy chứng ngộ của trí (tuệ giác) mà thôi.

Y cứ vào ý nghĩa, không y cứ vào lời nói (y nghĩa bất y ngữ). “Ý nghĩa” ở đây là nội dung đích thật của chân lí, là thật tánh của vạn pháp. Nó thoát ra ngoài sự diễn đạt của suy tư, khái niệm và ngôn ngữ. Lời nói dù có rõ ràng, chính xác đến mức độ nào đi nữa thì vẫn là cái khung hạn hẹp, gò bó, không đủ khả năng làm hiển lộ ý nghĩa của thực tại. Vì vậy, lời nói chỉ được xem là phương tiện cần thiết để đạt tới thật tánh của vạn pháp. Mục đích tối hậu của người tu học Phật là chứng nhập thật tánh của vạn pháp (tức ý nghĩa, nội dung đích thật của chân lí); cho nên, “ý nghĩa” mới là chỗ y cứ đích thực của người tu học. Ý nghĩa đã đạt được thì lời nói không cần thiết nữa.

Y tha khởi: là một trong 3 tự tánh của vạn pháp, do tông Duy Thức thành lập. Chữ “y” nghĩa là nương nhờ; chữ “tha” nghĩa là vật khác; chữ “khởi” nghĩa là sinh ra. Vạn pháp đều không có tự tánh, không thể tự mình sinh khởi, mà phải nhờ có đầy đủ các duyên khác mới sinh khởi được, gọi là tự tánh y tha khởi, cũng gọi là duyên khởi. Một vật không thể nào từ hư vô mà tự mình sinh ra một cách độc lập, mà phải do nhiều vật khác hợp lại mới sinh ra nó. Tất cả vạn pháp đều như vậy, đều nương vào nhau mà sinh thành, tồn tại và hoại diệt.