Cốt Tủy Tinh Hoa Của Những Giáo Huấn Khẩu Truyền

16 Tháng Tám 201612:28 CH(Xem: 2676)
Cốt Tủy Tinh Hoa Của Những Giáo Huấn Khẩu Truyền

CỐT TỦY TINH HOA CỦA 
NHỮNG GIÁO HUẤN KHẨU TRUYỀN.

KÍNH LỄ ĐẠO SƯ

Công Chúa Tsogyal xứ Kharchen đã phục vụ Hóa Thân Orgyen Padmakara từ lúc tám tuổi, đã đi theo Ngài như hình với bóng.

Khi vị Thầy sắp rời Tây Tạng đến xứ sở La Sát, công nương xứ Kharchen đã dâng một mandala bằng vàng và ngọc bích, dâng một bữa tiệc cúng dường[37] và khẩn nài: Ôi! Đại Sư ! Ngài rời đi để điều phục loài La Sát, con bị bỏ lại Tây Tạng này. Dù con đã phục vụ Ngài trong một thời gian dài, Thầy ơi, người phụ nữ già này chưa xác tín vào lúc chết. Do vậy,con khẩn cầu Ngài từ bi ban cho một giáo huấn cô đọng lại mọi giáo lý thành một, ngắn gọn và dễ thực hành.

Vị Thầy vĩ đại đáp: Hỡi người sùng kính với một tâm chân thật và đức hạnh, hãy lắng nghe Ta.

Dù có nhiều điểm trọng yếu sâu xa về thân, hãy nghỉ ngơi tự do và thư thả khi cảm thấy thích hợp. Mọi việc chỉ đều bao gồm trong đó.

Dù có nhiều điểm trọng yếu về khẩu, như kiểm soát hơi thở và tụng niệm mantra, hãy ngưng nói và nghỉ ngơi như một người câm. Mọi việc chỉ đều bao gồm trong đó.

Dù có nhiều điểm trọng yếu về ý như thiền định, buông xả, phóng chiếu, tan hòa, và chú tâm vào bên trong, mọi sự chỉ đều bao gồm trong việc hãy để tâm nghỉ ngơi trong trạng thái tự nhiên của nó, tự do và thanh thản, không tạo tác.

Tâm không tịch lặng mãi trong trạng thái đó. Nếu người ta hỏi; nó không là gì sao? thì như hơi nóng trong ánh sáng mặt trời, nó vẫn sáng lung linh và chiếu soi. Nhưng nếu có người hỏi; nó là cái gì? Thì nó không có màu sắc hay hình dạng để nhận ra, mà tuyệt đối trống không và hoàn toàn tỉnh giác – đó là bản tâm con.

Nhận ra nó như vậy, trở nên xác quyết về nó, đó là kiến. An trụ không xao lãng trong trạng thái an tĩnh, không tạo tác hay trụ bám, đó là thiền. Trong trạng thái đó, thoát khỏi chấp giữ hay bám luyến, lấy hay bỏ, hy vọng hay sợ hãi đối với bất kỳ kinh nghiệm nào của sáu căn, đó là hành.

Bất cứ nghi ngờ hay lưỡng lự nào xảy ra, hãy cầu nguyện Thầy con. Đừng ở nơi của người thường; hãy thực hành nơi hẻo lánh. Hãy từ bỏ bám chấp bất kỳ thứ gì con bám luyến nhất cũng như với bất cứ người nào có liên hệ mạnh nhất trong đời này, và hãy thực hành. Như vậy, dù con trụ trong thân người, tâm con bình đẳng với chư Phật.

Vào lúc cận tử, con nên thực hành như sau.

Vì đất tan vào nước nên thân thể trở nên nặng nề và không thể tự nó chống đỡ. Vì nước tan vào lửa, nên miệng và mũi bị khô. Vì lửa tan vào gió, thân nhiệt bị biến mất. Vì gió tan vào ý thức nên thở hổn hển và nấc hấp hối.

Vào lúc đó, sẽ cảm thấy như bị quả núi to lớn đè, bị giam trong bóng tối, hay bị rơi vào không gian đi kèm với sấm chớp và âm thanh vang vọng. Toàn thể bầu trời chói lọi như một tấm vải gấm trải rộng.

Ngoài ra, những hình tướng tự nhiên của tâm con, những Bổn Tôn phẫn nộ, hiền minh và bán phẫn nộ và những vị có nhiều đầu lấp đầy bầu trời trong một vòm có ánh sáng cầu vồng. Khua động vũ khí, họ sẽ la “Đánh! đánh!” “Giết! giết”, “Hung! Hung!” “Phat! Phat” và những âm thanh dữ dội khác. Thêm vào đó sẽ có ánh sáng chói lọi như một trăm ngàn mặt trời chiếu cùng lúc.

Vào lúc đó, vị Bổn Tôn bẩm sinh của con sẽ nhắc con nhớ lại tánh giác, Đừng phân tâm! Đừng phân tâm! Ma quỷ bẩm sinh của con sẽ khuấy động mọi kinh nghiệm của con và kêu những âm thanh chói tai, mãnh liệt và làm rối loạn con.

Vào lúc này, nên biết: cảm giác bị đè không phải do núi đè. Nó là những nguyên tố của con tan rã. Đừng sợ điều đó! Cảm giác bị giam cầm trong bóng tối không phải là bóng tối. Nó là sự hòa tan năm căn giác quan của con. Cảm thấy bị rơi vào hư không mở rộng không phải là bị rơi. Đó là tâm con không được nậng đỡ vì thân và tâm con đã tách rời và hơi thở con đã dừng.

Mọi kinh nghiệm về ánh sáng cầu vồng là những biểu hiện tự nhiên của tâm con. Mọi tướng phẫn nộ và hiền minh là tướng tự nhiên của tâm con. Mọi âm thanh là âm thanh của chính con. Mọi ánh sáng là ánh sáng của chính con. Không nên nghi ngờ về điều đó. Nếu cảm thấy nghi ngờ, thực sự con sẽ bị ném vào sinh tử luân hồi. Biết chắc điều này là sự tự-phô diễn, nếu con tỉnh thức rộng mở trong tánh không quang minh, thì chính trong trạng thái đó con sẽ đạt ba thân và giác ngộ. Ngay cả dù bị ném vào sinh tử, con sẽ không đến đó.

Vị Bổn Tôn bẩm sinh là sự hộ trì trong hiện tại tâm con tỉnh giác không xao lãng. Từ lúc này, điều quan trọng là không hy vọng và sợ hãi, không bám víu và trụ bám đối với các đối tượng của sáu căn cũng như đối với những say mê, hạnh phúc, hay đau khổ. Từ giờ trở đi, nếu đạt ổn định con sẽ có thể đảm đương trạng thái tự nhiên của con trong trung ấm và được giác ngộ. Thế nên, điểm trọng yếu nhất là duy trì sự thực hành của con không xao lãng ngay chính lúc này.

Ma quỷ bẩm sinh là khuynh hướng vô minh, nghi ngờ và do dự của con trong hiện tại. Vào lúc đó, bất kỳ hiện tượng đáng sợ nào xuất hiện như âm thanh, màu sắc, ánh sáng, đừng tham đắm, đừng nghi ngại và đừng sợ hãi. Nếu rơi vào nghi ngờ chỉ trong một khoảnh khắc con sẽ lang thang trong sinh tử, vậy hãy hoàn toàn ổn định.

Vào lúc này, lối vào tử cung xuất hiện như những thiên cung. Đừng bị chúng lôi cuốn. Phải chắc chắn về điều đó! Hãy thoát khỏi hy vọng và sợ hãi! Ta thề rằng chắc chắn rồi con sẽ đạt giác ngộ không còn tái sanh nữa.

Vào lúc đó, người ta không phải được một vị Phật giúp đỡ. Giác tánh của con là sự giác ngộ bổn nguyên. Nó không phải là người bị hại bởi địa ngục. Sự trụ bám được tự nhiên tịnh hóa, nỗi sợ sinh tử và hy vọng niết bàn được cắt đứt tận gốc.

Trở nên giác ngộ có thể so sánh như nước được lắng cặn thành trong trẻo, vàng được tinh luyện thành vàng ròng, hay bầu trời không mây.

Khi đạt pháp thân như hư không vì lợi ích của chính mình, con sẽ hoàn thành lợi ích của chúng sanh khắp hư không. Đạt được báo thân và hóa thân vì ích lợi của người khác con sẽ lợi ích cho chúng sanh nhiều như tâm con tỏa khắp mọi hiện tượng. 

Nếu giáo huấn này được ban ba lần cho người dù có tội lớn như giết hại cha mẹ mình, người đó sẽ không rơi vào luân hồi ngay cả nếu bị ném vào đó. Chắc chắn họ sẽ đạt giác ngộ.

Dù con có nhiều giáo lý uyên thâm khác, mà không có giáo huấn nào giống như vầy, con vẫn còn ở xa lắm. Vì không biết kiếp tới con sẽ lang thang ở đâu, hãy thực hành giáo huấn này với sự kiên trì.

Con nên ban giáo huấn khẩu truyền này cho người dễ tiếp thu, có niềm tin lớn, tinh tấn mạnh mẽ và thông tuệ, người luôn nhớ đến vị Thầy của họ, người tin vào giáo huấn khẩu truyền, người tự nỗ lực trong thực hành, người với tâm kiên cố và có thể từ bỏ những mối quan tâm thế gian. Hãy ban cho họ giáo huấn này với dấu ấn giao phó của vị Thầy, dấu ấn bí mật của Bổn Tôn và dấu ấn giao phó của dakini.

Mặc dù, Ta, đã đi theo nhiều vị Thầy trong ba ngàn sáu trăm năm[38] đã khẩn cầu những giáo huấn, nhận được giáo lý, học hỏi và giảng dạy, thiền định và thực hành. Ta không thấy bất cứ giáo lý nào uyên thâm hơn giáo lý này.

Ta sắp đi điều phục loài La Sát. Con nên thực hành như vậy. Hỡi mẹ, người sẽ giác ngộ trong cõi trời. Thế nên, hãy kiên trì trong giáo huấn này.

Nói xong, Guru Rinpoche cưỡi lên tia sáng mặt trời và khởi hành đến xứ sở La Sát. Nghe theo lời, Công Chúa Tsogyal đã đạt giải thoát. Bà viết giáo lý này thành văn bản và cất giấu như một kho tàng uyên thâm. Bà đã tạo nguyện này: Trong tương lai, nguyện giáo lý này được giao cho Guru Dorje Lingpa. Nguyện giáo lý này làm lợi ích nhiều chúng sanh lúc đó.

Đến đây hoàn tất Cốt Tủy Tinh Hoa Của Giáo huấn Thiêng Liêng, sự vấn đáp về tự-giải thoát vào lúc chết và trong trung ấm.

SAMAYA, ẤN NIÊM, ẤN NIÊM, ẤN NIÊM.