Lời khai thị cho Trisong Deutsen

16 Tháng Tám 20161:20 CH(Xem: 2303)
Lời khai thị cho Trisong Deutsen
Lời khai thị cho Trisong Deutsen

Emaho ! Đạo sư Padmasambhava được vua Trisong Deutsen mời để thuần hóa địa điểm và xây dựng chùa Samye, có tên là Sự Thành Tựu Toàn Thiện Tự Nhiên Rạng Rỡ của Những Nguyện Vọng Vô Biên. Về sau, khi xong lễ tôn phong, vua mời đạo sư, người mặc một áo choàng thêu màu nâu đậm, ngồi trên một ngai trải đệm lụa trong một căn phòng trung tâm trên lầu. Vua dâng cho đạo sư rượu vang làm từ gạo, và đặt những cốc đầy vàng và bạc ở hai bên tay ngài. Nhà vua dâng cúng một số đồ vật và đặt trên một dĩa mạn đà la bằng vàng một số hoa bằng bảy báu. Vua cởi ra từ cổ mình một món đồ trang sức lam ngọc tên là Maru Rực Rỡ và đặt lên như là tượng trưng cho mặt trời, và một món đồ khác có tên là Kenru Kongchok như là tượng trưng của mặt trăng. Vua gom các thứ quý báu khác thêm vào trên dĩa vàng để tượng trưng cho núi Tu Di và bốn châu lục, và dâng cho bậc đạo sư với lời tán thán :

Không dựa vào cha mẹ, hóa thân của ngài xuất hiện trong một hoa sen,
Nó hiện hữu để ảnh hưởng lên chúng sanh như là thân Kim Cang cắt đứt dòng sanh tử.
Từ sự vô hạn của chứng ngộ, ngài phát lộ Tâm Phật cho người xứng đáng.
Thiện xảo hóa độ với nhiều phương tiện, ngài trói buộc các vị thần kiêu căng và quỷ dữ dưới lời tuyên thệ.
Với hoạt động toàn hảo của ba thân, hóa thân ngài vượt quá hóa thân của tất cả Phật.
Tôi xin đảnh lễ hình tướng hoa sen của Kim Cương Toštreng và ngợi ca ngài với lòng sùng mộ.

Dù ngài không đắm trước khi hưởng thọ năm dục
Ngài từ bi chấp nhận chúng để cho mọi chúng sanh có thể tạo ra phước đức.
Xin hãy đoái tưởng đến con khi con cầu xin ngài ban cho ý nghĩa sâu xa tối thượng !

Đạo sư trả lời : “Thưa ngài, ngài yêu thích hình tướng hiện thời của tôi ?” Nhà vua trả lời : “Vâng, thưa thầy.” Và tiếp tục :

Giải thoát khỏi bệnh hoạn của bốn đại, siêu việt cả sanh và tử
Ngài sở hữu đại bi siêu xuất để làm việc vì lợi lạc của chúng sanh
Tâm ngài thường trụ như tự tánh của pháp giới tánh ;
Vâng, tôi yêu thích hình tướng của ngài, bậc bảo hộ cho chúng sanh !

Thế rồi đạo sư nói :

Ngài hãy biết rằng vị Thầy thì quan trọng hơn
Cả ngàn vị Phật của kiếp này.
Tại sao thế ? Bởi vì tất cả Phật của kiếp này
Đều xuất hiện sau khi đã theo một vị Thầy.
Trước khi có một vị Thầy
Thì danh từ “chư Phật” chưa hiện hữu.

Cũng có nói rằng :

Vị Thầy là Phật, vị Thầy là Pháp
Cũng thế vị Thầy là Tăng ;
Như thế vị Thầy là gốc của Tam Bảo.
Hãy bỏ qua một bên mọi phụng thờ khác,
Mà chuyên cần phụng sự Thầy của ngài.
Tùy hỷ Người, ngài sẽ nhận được mọi chứng đắc ngài mong muốn.

Rồi nhà vua thưa hỏi Padmasambhava : Thưa đại sư, khi cố gắng thành tựu quả là Phật tánh, từ nhân là một chúng sanh hữu tình, trước hết cái thấy của sự chứng ngộ là cực kỳ quan trọng. Có được “cái thấy của sự chứng ngộ” có nghĩa là gì ?

Đức thầy trả lời : Tột đỉnh của mọi cái thấy (kiến) là tinh túy Bồ đề tâm của tâm giác ngộ. Tất cả hàng tỷ vũ trụ, tất cả Như Lai mười phương, và mọi chúng sanh trong ba cõi đều cùng một bản tính, bao hàm trong tinh túy Bồ đề tâm giác ngộ này. ‘Tâm’ ở đây nghĩa là sự đa dạng khởi từ cái vô sanh, vô tác.

Vâng, ngài có thể hỏi rằng ‘Đâu là sự khác biệt giữa chư Phật và các chúng sanh ?’ Đó không gì khác hơn là tâm giác ngộ hay không giác ngộ. Bản chất của trạng thái giác ngộ của một vị Phật thường hằng hiện diện trong ngài, nhưng ngài lại không nhận ra nó. Không nhận biết tự tâm, các chúng sanh luân lạc vào sáu đường sanh tử. Rồi ngài có thể hỏi : “Thế nào là con đường chứng ngộ tự tâm ?” Điều ấy đã được dạy rằng, ngài cần lời dạy miệng của một vị thầy.

Về mặt này, ‘tâm’ là cái suy nghĩ và nhận biết ; thật vậy, có cái gì đó đang kinh nghiệm. Chớ tìm tâm này ở bên ngoài, hãy nhìn vào trong ! Hãy để cho tâm tìm kiếm chính nó ! Hãy xác chứng bản tính của tâm là thế nào !

Trước tiên, từ đâu tâm sanh khởi ? Ngay giờ đây, nó dừng ở đâu ? Cuối cùng, hãy nhìn nó đi đâu ? Khi tâm ngài nhìn vào chính nó, nó thấy rằng không có chỗ nào từ đó nó khởi sanh, dừng trụ hay đi mất. Không có sự giải thích nào về ‘nó là như thế nào’. Tâm được khám phá là chẳng phải cái gì ở ngoài hay ở trong. Nó không có ai đang nhìn ; nó không phải là hành động nhìn. Nó được chứng nghiệm như là một trạng thái tỉnh giác bổn nguyên không có trung tâm cũng không có chu vi, một sự biến mãn bao la trống không và tự do một cách nguyên thủy. Sự tỉnh giác bổn nguyên này là vốn sẵn và tự hữu. Nó không phải được tạo ra lúc bây giờ, mà vốn sẵn hiện diện trong chính ngài từ vô thủy. Hãy xác quyết rằng cái thấy chính là nhận ra xác thực Cái Ấy ! ‘Có được niềm tin’ vào điều này có nghĩa là nhận biết rằng cũng giống như hư không, tâm vốn hiện hữu sẵn đủ từ vô thủy. Như mặt trời, nó giải thoát khỏi bất kỳ căn bản vô minh tối ám nào. Như hoa sen, nó chẳng nhiễm ô bởi nghiệp tội. Như vàng ròng, nó không biến hoại bản chất. Như đại dương, nó bất động. Như một dòng sông, nó không ngừng dứt. Như núi Tu Di, nó không đổi thay. Một khi ngài nhận biết (chứng ngộ) bản tánh chân thực của nó (và làm vững vàng nó), điều ấy gọi là ‘có được cái thấy của sự chứng ngộ’.

Nhà vua hỏi : ‘Có được kinh nghiệm về thiền định’ là thế nào ?

Đức thầy trả lời : Nghe đây, thưa Bệ hạ ! ‘Có được kinh nghiệm về thiền định’ nghĩa là buông thả cho tâm ngài không thi thiết, không suy bại và tươi mới. Hãy để tâm ngài an nghỉ trong trạng thái tự nhiên, không câu thúc và tự do. Bằng cách không trụ tâm vào cái gì bên ngoài cũng không tập trung bên trong, ngài ở nơi sự giải thoát khỏi mọi tiêu điểm. Trong trạng thái an định vĩ đại này của tự tánh, hãy để cho tâm ngài dừng nghỉ không động lay, cũng như ngọn lửa của một ngọn đèn sáp không chao động bởi gió.

Trong trạng thái này, các kinh nghiệm có thể xảy ra : tâm thức ngài có thể trở nên tràn trề, sáng tỏ hay dừng lại ; lạc phúc, sáng rỡ hay thoát khỏi tư tưởng ; nó có thể cảm thấy mờ tối, không có điểm quy chiếu, và không hòa hợp với các cách thế của thế giới này. Nếu các kinh nghiệm này xảy ra, chớ cho chúng một mối quan trọng đặc biệt nào, vì chúng chỉ là những kinh nghiệm thoáng qua, nhất thời. Chớ trụ trước gì vào chúng ! Đó gọi là ‘có được kinh nghiệm về thiền định’.

Nhà vua hỏi : Có được hạnh ‘vị bình đẳng’ là nghĩa thế nào ?

Đức thầy trả lời : ‘Hạnh’ ở đây nghĩa là không gián đoạn trong thiền định ; không tán thất tâm, dầu cho là không có cái gì để thiền định về cả. Như dòng chảy không ngừng của một con sông, ngài nhớ (niệm) luôn luôn qua mọi tình huống, đi, đứng, nằm, ngồi. ‘Vị bình đẳng’ nghĩa là ôm trùm lấy cái gì ngài thấy, hay cái gì cảm thọ của năm giác quan xảy đến, với sự nhận biết rõ ràng về tự tánh ngài, vốn giải thoát mọi kết dính hay bám níu. Chớ nhận hay bỏ bất cứ điều gì, giống như đến một hòn đảo toàn vàng quý. Đây gọi là “có được hạnh ‘vị bình đẳng’.”

Nhà vua lại hỏi : “Cái gì làm cho người ta vượt qua hẻm núi nguy hiểm của động niệm ?”

Đức thầy trả lời : Khi tư tưởng ý niệm xảy ra đang lúc thiền định, bất kỳ cái gì sanh khởi đều là từ tâm của chính mình. Bởi vì tâm không có tự tánh, nên tư tưởng chính nó cũng trống rỗng mọi thực thể. Giống như một đám mây nảy sanh giữa không gian và biến mất trở lại trong không gian, niệm khởi trong tâm và lại tan biến trong tâm. Trong bản chất, tư tưởng ý niệm là pháp tánh xưa nay.

‘Vượt qua hẻm núi nguy hiểm’ nghĩa là khi tâm động thành đủ thứ tư tưởng, ngài nên hướng sự chú ý vào chính tâm này. Như một tên trộm đi vào một căn nhà trống, những tư tưởng rỗng không không chướng ngại gì cho một tâm trống rỗng. Đó gọi là ‘vượt qua hẻm núi hiểm nguy của động niệm’.

Nhà vua hỏi đạo sư : Như thế nào người ta ‘có được sự tin chắc không đổi của Quả ?’

Đức thầy trả lời : Hãy nghe điều này, thưa Bệ hạ ! Tâm giác của Bồ đề tâm không sanh ra từ nguyên nhân nào cũng không tiêu diệt bởi hoàn cảnh nào. Nó không được tạo ra bởi chư Phật trí huệ cũng không được sản xuất ra bởi các chúng sanh thông thái. Nó vốn sẵn đủ, hiện diện nơi ngài như là sở hữu tự nhiên của ngài. Khi qua lời chỉ dạy của Thầy, ngài nhận ra nó, từ đó tâm là tổ tiên của chư Phật, cũng như sự nhận ra một người mà ngài đã từng biết.

Tất cả chư Phật ba đời đạt đến giác ngộ trong sự tương tục thể hiện Cái Này sau khi đạt đến sự vững chắc an định, giống như một hoàng tử lên ngôi vua. Tỉnh giác với cái vốn hiện diện từ vô thủy, thoát khỏi mọi sợ hãi và đe dọa, gọi là ‘có được sự tin chắc bất biến của Quả’.

Nhà vua hỏi đạo sư : Cái gì làm ngài ‘cắt đứt những giới hạn của lầm lạc và lỗi lầm ?’

Đức Thầy trả lời : Thưa ngài, có hy vọng hay lo sợ là do lỗi không thấu hiểu, hiện thực được cái thấy. Tâm Bồ đề tánh Giác không hy vọng có được giác ngộ cũng không lo sợ rơi vào trạng thái chúng sanh.

Bám nắm ý niệm có người tham thiền và có đối tượng tham thiền là do lỗi không cắt đứt các phóng tưởng của tâm nhân ngã. Tự tánh pháp tánh của ngài, tự do khỏi mọi tạo tác, không có đối tượng nào để thiền định về, không có một ai đang thiền định, hay bất kỳ loại thiền định nào để trau dồi.

Nhận lấy hay chối bỏ là do lỗi không cắt đứt sự dính gắn và trụ trước. Bản tánh trống không và tự do của tâm không có cái gì để thành tựu cho ngài bám nắm, cũng không có cái gì phải chối bỏ cho ngài có thể hiềm ghét. Nó không có tốt cần phải nhận lấy cũng không có xấu để phải khước từ.

Bị bám dính vào các sở hữu là do lỗi không hiểu thực hành là thế nào. Thực hành đối với mọi sự vật là tự do khỏi mọi tiêu điểm và trụ định, và hiểu rằng sự bám níu và chấp trước đều không có nền tảng và gốc rễ.

Cô đọng mọi điều trên vào trong một câu : cái thấy là thoát khỏi quan niệm phân biệt,(2) thiền định là không trụ vào cái gì cả, kinh nghiệm là giải thoát khỏi sự hưởng nếm mùi vị, và quả là vượt ngoài chứng đắc. Chư Phật ba đời đã không dạy, đang không dạy và sẽ không dạy điều gì khác hơn cái này. Đó gọi là ‘cắt đứt những giới hạn của lầm lạc và lỗi lầm’.

Nhà vua hỏi đạo sư : ‘Xóa đi lỗi lầm của tà kiến’ nghĩa là thế nào ?

Đức thầy trả lời : Dầu cho ngài đã rõ biết tâm mình là Phật, chớ có từ bỏ thầy mình ! Dầu cho ngài đã chứng ngộ các hình tướng đều là tâm, chớ ngưng nghỉ công đức dầu hữu hạn và bị lệ thuộc nhân duyên ! Dầu cho ngài không mong cầu Phật tánh, hãy tôn vinh Tam Bảo cao cả ! Dầu cho ngài không sợ sanh tử, hãy không có ngay cả một hạnh xấu nhỏ nhất ! Dầu cho ngài đạt được niềm tin bất biến vào tự tánh mình, chớ xem nhẹ bất kỳ lời dạy tâm linh nào ! Dầu cho ngài kinh nghiệm những tính chất của đại định, những tri giác cấp cao các thứ, hãy vất bỏ kiêu căng và tự phụ. Dầu cho ngài đã chứng nghiệm thấu suốt rằng sanh tử và Niết bàn là bất nhị, chớ ngừng hưng vận từ bi đối với mọi chúng sanh !

Rồi nhà vua lại hỏi : ‘Đạt được sự xác tín’ có nghĩa là gì ?

Đức thầy trả lời : Đạt được xác tín rằng từ vô thủy tự tâm ngài chính là tánh giác của Phật tánh. Đạt được xác tín rằng mọi hiện tượng đều là trò tự bày hiện huyễn hóa của tâm ngài. Đạt được xác tín rằng Quả là đang hiện diện trong ngài và không phải tìm ở đâu khác. Đạt được xác tín rằng Thầy ngài là vị Phật trong hình tướng con người. Đạt được xác tín rằng bản tánh của cái thấy (kiến) và thiền định (thiền) là sự chứng ngộ của chư Phật. Để đạt được niềm tin như thế ngài phải thực hành !(3)

Nhà vua lại hỏi : ‘Có được sự truyền dạy bằng miệng’ là như thế nào ?

Đức thầy trả lời : Nhờ sự ban ơn, Phổ Hiền bày tỏ các lời bí mật này vào tai của Vajrasattva. Vajrasattva rót chúng vào tai của Garab Dorje. Garab Dorje giao phó chúng vào trong tâm của Shri Singha. Shri Singha ban chúng cho tôi, Padma-sambhava. Trisong Deutsen, hãy giữ chúng trong lõi của tâm ngài !(4)

Đạo sư dạy cho nhà vua : Thưa bệ hạ, trừ phi ngài chứng ngộ bản tánh vô sanh của Pháp tánh, dù cho ngài được sanh ra trong thân thể của một quân vương, thì cuộc đời cũng qua đi như một cái bọt trong nước.

Trừ phi ngài kinh nghiệm tự tánh bẩm sinh của Pháp tánh vốn siêu việt khỏi tư tưởng, động niệm, ngài sẽ khổ đau khi vương quốc và quyền lực thế gian của ngài, chúng cũng vô chất, vô tự tánh như một cái cầu vồng, nhạt nhòa và tan biến.

Trừ phi ngài kết bạn với người ấy, tánh Giác tự tại, khi ngài bỏ đời này ngài sẽ không thể cắt đứt sự bám níu vào các hoàng hậu, người hầu và tôi tớ của mình, họ chỉ là những mối quen biết phải bỏ lại trên cuộc hành trình.

Trừ phi ngài quen dần với trạng thái bản nhiên của cái thấy và thiền định, ngài sẽ chạy vòng từ đời này sang đời khác, như trên vành của một bánh xe quay nước, đi vào khi sanh và rời bỏ khi chết.

Trừ phi ngài điều hành vương quốc ngài với chân lý của hòa bình, các luật lệ chặt chẽ cũng giống như một cây có nhựa độc sẽ hủy hoại chính nó. Đại vương, tôi xin ngài hãy cai trị tùy thuận với chánh pháp !

Đạo sư lại dạy cho nhà vua : Thưa Bệ hạ, vào lúc chấm dứt của thời kỳ này, con người khao khát các giáo huấn tuyệt diệu, nhưng sẽ không thực hiện chúng. Không theo lời dạy của Pháp, nhiều người sẽ truyền bá rằng họ là những hành giả. Vào thời ấy có nhiều kẻ khoe khoang mà ít người thành tựu. Khi Phật pháp ngừng dứt ở Trung Hoa, Tây Tạng và Mông Cổ, giống như một áo giáp ghép bằng các mảnh kim loại bị vỡ ra, con người rất khó thuần phục. Vào thời ấy, các lời dạy này phải giữ gìn cho Phật pháp, nên ngài hãy niêm cất chúng như là một kho tàng Terma.

Thưa Bệ hạ, trong đời chót của ngài, ngài sẽ gặp các lời dạy này và những người bảo vệ Phật pháp. Rồi ngài sẽ ngưng dòng tái sanh và đi đến cấp bậc của một vị vidyadhara, thế nên chớ phổ biến chúng trong lúc này.

Hoan hỷ vô cùng, vua thiết lập một lễ dâng cúng mạn đà la bằng vàng và lễ lạy đi nhiễu quanh vô số lần.

Dấu ấn niêm kho tàng.
Dấu ấn niêm che dấu.
Dấu ấn niêm giao phó.