(TÂM LÝ HỌC SIÊU HÌNH CỦA PHẬT GIÁO)
Thích Kiên Định
“Vay trả, trả vay” là công năng, hoạt dụng và địa vị của thức (năng-hoạt-vị thức) biến chuyển khiến vòng saṃsāra (luân hồi) luôn tiếp diễn. Có lẽ chúng ta chẳng ngỡ ngàng gì với nghi vấn: “Sau khi chết là hết?” hay “sau khi chết, con người sẽ đi về đâu?”, mà nó đã quá xa xưa và cổ hủ đối với người phương Đông nói chung và người Việt-nam xưa và nay nói riêng.
Vẫn biết: “Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi mà nó chỉ biến từ dạng này sang dạng khác”; rõ ràng Định luật Bảo toàn năng lượng này giúp chúng ta hiểu một cách nom na về qui luật Hetuphalam (Nhân Quả, Causes and Effects). Xét mệnh đề đầu “Năng lượng không tự nhiên sinh ra, cũng không tự nhiên mất đi”, tuy nó không nói đến sự có mặt của các pháp là do “chúng tập họp duyên” như chủ trương của Phật giáo, nhưng nó nhấn mạnh đến qui luật Hetuphalam, chứ không phải do ‘tự nhiên’ sanh. Trong cụm từ kế tiếp “chỉ biến từ dạng này sang dạng khác”, chữ “dạng” ở đây tức là hình dạng, vóc dáng hoặc tướng trạng của saṃskṛta (pháp hữu vi). Đối với các pháp hữu vi, sự biến thái và tuần hoàn của loài vô tình, như: nước (biển) gặp nóng bốc hơi thành mây, mây gặp lạnh tụ lại thành mưa, rồi mưa xuống thành nước; hoặc của loài hữu tình, như: ếch/nhái đẻ ra trứng, trứng nở thành nòng nọc (có đuôi), nòng nọc lớn dần rụng đuôi, rồi biến thành ếch/nhái. Đặc biệt, cả cụm từ “chỉ biến từ dạng này sang dạng khác” có thể được hiểu theo nghĩa lý của Saddharmpuṇḍarīka-sūtra (kinh Pháp Hoa), như đức Phật dạy: “Như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh bình đẳng“. Vì sao? Vì đó là “Thị pháp trụ pháp vị, thế gian tướng thường trụ”. Như vậy, cả Định luật ấy và Saddharmpuṇḍarīka-sūtra cho thấy các pháp diệt rồi nhưng không phải là mất hẳn, mà chỉ biến đổi hoặc thay hình đổi dạng khác, ở một nơi khác, tức là từ dạng tướng, đến tánh, đến thể, lực, ... quả, báo của các pháp đều bình đẳng như thế. Sự giải thích này cho thấy ‘diệt mất nhưng không phải là hết’, hoặc ‘sau khi chết không phải là hết’, mà vẫn còn lưu chuyển trong vòng saṁsāra (luân-hồi), hoặc tridhātu, triloka (tam giới, ba cõi): karmadhātu/karmaloka (Dục giới-Desire-world/element/realm, Existence world), rūpadhātu/rūpaloka (Sắc giới-Form-element/realm) và arūpadhātu (Vô sắc giới - Formlessness-element). Sau khi chết, theo Jünjiro Takakusu, không phải là hết, mà nó là sự bắt đầu đi xuyên qua một quá trình sinh-diệt tương tự ở một cảnh giới khác và vòng sống cứ lập đi lập lại mãi như thế (1). Lại nữa, cụm từ “biến từ dạng này sang dạng khác”, theo Tâm lý học Phật giáo, có thể hiểu qua câu: “Khứ thệ lai tiên tác chủ ông” (đi sau, đến trước, làm ông chủ) trong Bát Thức Qui Củ Tụng. Nếu phi “thức”, vậy cái gì đi sau và cái gì đến trước để trở thành ông chủ (?). ‘Thức’ (vijñāna, Consciousness) thuật ngữ này đã được giải thích rất nhiều trong các Kinh và Luận của Phật giáo Đại thừa (2).
Thuật ngữ “thức”, theo Prakaraṇarayavācā-śāstra (luận Hiển Dương Thánh Giáo), gồm có tám loại: A-lại-gia thức, nhãn thức, nhĩ thức, tỉ thức, thiệt thức, thân thức, ý và ý thức. Thức A-lại-gia, theo Luận này, tức là nghiệp phiền não do đời trước tạo tác tăng trưởng làm duyên, do sự huân tập hý luận làm nhân, và từ nhân duyên ấy sanh ra tất cả chủng tử (hạt giống) dị thục khác nhau làm thể. Thức này có khả năng làm nơi nương tựa và chấp thọ của hết thảy các căn, sắc căn và sự huân tập hý luận. Trong tất cả thời, tuy mỗi chủng tử lúc sanh hay diệt đều không thể rõ biết, nhưng nó lại có khả năng giữ gìn hết thảy cảnh giới bên ngoài và cùng tương ưng với bất khổ bất lạc thọ. Thức A-lại-gia thuần một hướng vô phú vô ký cùng với thức chuyển, v. v... tác thành nghiệp; vì sự chuyển biến của Thức A-lại-gia có thể gây tổn giảm đến sự thanh tịnh, cho nên tác thành nghiệp. Làm thế nào để biết rằng có thức A-lại-gia này?(3) Đức Phật dạy: “Do vô minh che lấp cùng với kiết sử tham ái trói buộc, cho nên hàng phàm phu chiêu cảm mà thành thân của nghiệp thức” (4). Lời dạy này cho thấy rằng có thức A-lại-gia của nghiệp dị thục. Lại nói rằng có năm loại chủng tử, mà chúng là những chủng tử của thức có chấp thủ. Điều này cho thấy rằng thức A-lại-gia có tất cả các chủng tử; vì trong Sandhinirmocara sūtra (kinh Giải Thâm Mật), đức Phật dạy: “A-đà-na thức thậm thâm tế, nhất thiết chủng tử như bộc lưu, Ngã ư phàm ngu bất khai diễn, khủng bỉ phân biệt chấp vi ngã” (5). (Nghĩa là: Thức A-đà-na rất cực nhỏ, hết thảy hạt giống như thác dốc; đối với người ngu, Ta không nói; ngại họ phân biệt, chấp làm ngã). Lại nữa, “thức” thường gọi chung của một trong ba danh xưng: tâm, ý và thức (6).
Nhãn thức, theo Luận này, là từ nơi chủng tử của thức A-lại-gia sanh, lại nương vào nhãn căn cùng với chủng tử của thức A-lại-gia kia đồng thời chuyển biến và duyên vào cảnh giới liễu biệt của sắc làm tánh. Đức Phật dạy: “Cõi bên trong của mắt không làm hoại cảnh giới của các sắc bên ngoài; đối cảnh trước mắt do sự tác ý kia sanh khởi như thế, cho nên nhãn thức sanh”. Ngài lại dạy: “Do mắt và sắc làm duyên, cho nên nhãn thức sanh khởi. Nhãn thức cho đến thân thức cũng nên biết như vậy”. Trong những thức (nhĩ, tỷ, thiệt, thân) ấy, sự khác nhau ở chỗ: mỗi thức nương tựa nơi căn và cảnh của nó và phân biệt rõ biết tất cả sự dẫn dắt đều tương hợp (7). Ngoài ra, nhãn thức sanh khởi là do sự giao thoa của ba yếu tố: căn, trần và chủng tử của thức A-lại-gia. Như trong Sandhinirmocara sūtra, đức Thế Tôn dạy: “Vì thức A-đà-na là nơi nương tựa, là chỗ kiến lập. Sự chuyển biến của sáu thức thân có nghĩa là nhãn thức, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, và ý thức; trong sự chuyển biến này có thức. Mắt và sắc làm duyên, sanh ra nhãn thức. Nhãn thức đều tuỳ vào cảnh giới và thời điểm để hoạt động, có sự chuyển biến của ý thức phân biệt” (8). Đối với nhãn thức, nếu cứ vào ý nghĩa: “Cõi bên trong của mắt không làm hoại cảnh giới của các sắc bên ngoài; đối cảnh trước mắt do sự tác ý kia sanh khởi như thế, cho nên nhãn thức sanh”, thì về lãnh vực tâm lý có vẻ dễ hiểu hơn; vì “nội nhãn xứ” tức “cõi bên trong của mắt” đang duy trì các chủng tử trong thức A-lại-gia, hoặc trong tathāgata-gārbha (Như Lai tạng). Trong tám thức, như Prakaraṇarayavācā-śāstra đã vừa nói, trừ thức A-lại-gia, ý và ý thức, năm thức khác còn lại cũng nên hiểu tương tợ như nhãn thức vậy. Thế nhưng, ngoài mắt và sắc làm duyên sanh ra nhãn thức; sự sanh khởi của nhãn thức cần phải hội đủ 9 duyên: căn (sense-organ), cảnh (object), không gian (space), ánh sáng (light), chủng tử (seed), nhiễm tịnh căn (Manas, thức thứ 7, Mạt-na thức), căn bản y (ālayavijñāna, thức thứ 8, A-lại-gia thức), phân biệt y (Manovijñāna, thức thứ 6) và sự tác ý (attention). Sự sanh khởi của nhĩ thức, trừ ánh sáng trong 9 duyên; còn sự sanh khởi của tỉ, thiệt và thân thức chỉ lệ thuộc 7 duyên, tức là trong 9 duyên ấy, trừ ánh sáng và không gian. Chín duyên này, cho thấy “nhãn thức” đóng vai trò rất quan trọng trong tiền ngũ thức.
Nói nhãn thức chứ không phải là Thiên nhãn, như ngài A-na-luật đã chứng (9), và như trong bốn Thầy trò của Đường Tăng trong Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân, phi Tôn Ngộ Không, người có Thiên nhãn, thì không ai có thể thấy được yêu quái. Đặc biệt, Tôn Ngộ Không là sự biểu hiện của “thức”, thoạt hiện, thoạt biến; như trong khoảnh khắc Ngộ Không đã có mặt ở Thiên cung, rồi thoáng chốc cũng có thể xuất hiện ở Long cung. Lại nữa, vì danh xưng là “Ngộ Không” biểu hiện cho vô tướng; vì vô tướng cho nên Ngộ Không có thể hiện bất kỳ tướng nào. Cũng vậy, khi chưa chứng được Thiên nhãn, thì không thể thấy được năng-dụng-vị thức vi tế hoặc các cảnh giới siêu hình, mà nhất là lãnh vực “khứ thệ, lai tiên tác chủ ông”, cũng không thể thấy được “thần thức” đi đâu và về đâu sau khi chết. Nhưng tính hiếu kỳ của phàm phu là muốn tìm hiểu con người sau khi chết sẽ đi về đâu, hay sau khi chết là mất hẳn? Vậy “thần thức” sẽ đi đâu, hoặc đến chốn nào? Tựu trung, nghi vấn này liên quan đến vấn đề nhân quả. Nếu tu nhơn tích đức bằng cách hành thiện và trì tịnh giới, thì sau khi chết sẽ được sanh Thiên giới; trái lại, nếu tạo ác sẽ theo nghiệp dẫn dắt, hoặc tái sanh làm người, hoặc trong tam đồ (địa ngục, ngạ quỷ và súc sanh). Đối với qui luật nhân quả, không ai có thể tránh được; vì tạo thiện hay ác suốt thời sinh tiền đều do nghiệp dẫn dắt tái sanh.
Như đối với người sắp lâm chung, nếu ai để ý thì sẽ thấy trước khi trút hơi thở cuối cùng người sắp chết thường biểu hiện bằng thao tác ‘hạ thổ’ (10). Nếu lúc ấy mắt còn mở, thì người thân nhẹ tay vuốt cho mắt của người chết nhắm nghiền. Kế đó người thân nhẹ tay sờ vào trán hoặc chân, cốt xem thử chỗ nào ấm hay lạnh. Nếu có cảm giác ở trán người chết còn ấm tức là được sanh thiên hoặc làm người; còn nếu sờ thấy chân ấm thì ngầm biết sẽ thác sanh vào cõi dữ, ác thú. Thoáng nghe qua, có vẻ như mê tín, nhưng điều này ngài Vô Trước (Āsaṅga) cũng đã đề cập trong Nhiếp Luận như vầy: “Hựu tương một thời tạo thiện tạo ác, hoặc hạ, hoặc thượng, sở y tiệm lãnh” (11). Đến khi hơi ấm không còn, toàn thân lạnh cứng, tức là lúc thần thức đã lìa khỏi thân, và ngay lúc ấy gọi là “khứ thệ” (thần thức lìa thân cũ ở những giây khắc sau cùng). Nhưng cũng có vài trường hợp đặc biệt là khi toàn thân lạnh cứng không còn hơi ấm nữa, mà thần thức dường như vẫn không rời bỏ hẳn thân ấy. Lắm khi thân đã được an táng, hoặc đã được thiêu rồi, nhưng có lúc thần thức vẫn còn lai vãng; vì có lẽ thần thức chưa tìm được nơi để đầu thai (thọ thân mới); hoặc sự cách ly giữa thần thức và xác thân vô hồnấy, nơi vô hình trung vẫn còn một sự liên đới thiêng liêng không rời. Khi hơi/hương ấm (thần thức) rời thân, thì được gọi là ‘khứ thệ’; còn nếu tìm được nơi và đến để thọ thân mới, thì được gọi là ‘lai tiên’. Khi đã đủ duyên để tác thành một thân mới mà có đầy đủ cả danh và sắc đang còn trong thai mẹ thì vẫn được gọi là ‘tác chủ ông’. Nói ‘tác chủ ông’ ở đây, tức là khi hài nhi ra khỏi thai mẹ, đủ duyên cho một cuộc sống mới. Chính vì những yếu tố này, cho nên Bát Thức Quy Củ gọi là “khứ thệ lai tiên tác chủ ông”.
Chú thích
1. Xem Takakusu, Jünjiro, The Essentials of Buddhist Philosophy, Motilal Banarsidass, 1998, Delhi, tr. 24.
2. Vì không gian có hạn, ở đây sẽ không bàn đến “Ba thức năng biến”. Ba thức này là: Đệ nhất năng biến-ālayavijñāna (Store-consciousness), biểu tượng bản thể, tức thế giới quan (World outlook); Đệ nhị năng biến-manasvijñāna, the Seventh Consciousness, biểu tượng hành tướng, tức nhân sinh quan (Outlook on life); và Đệ tam năng biến-Pravṛttivijñāna, biểu tượng hoạt dụng, tức tri thức luận (logical knowledge), mà ngài Vasubandhu (Thế Thân) đã trình bày trong Triṁsikā vijñaptikārikā (luận Tam Thập Tụng).
3. Xem thêm chi tiết, HT. Thích Thiện Siêu, Luận Thành Duy Thức, VNCPHVN, 1996, tr. 128-138.
4. Đại Chính 1602, tr. 480c3.
5. Kệ này trong Sandhinirmocara sūtra (kinh Giải Thâm Mật_Đại Chính 676, tr. 692c22), đã được ngài Āsaṅga (Vô-trước) viện dẫn để minh hoạ cho quan điểm của mình. Tương tự ý này, chúng ta cũng có thể tìm thấy trong Sūraṁgama sūtra (kinh Lăng-nghiêm), đức Phật dạy: “Đà-na vi tế thức, tập khí thành bộc lưu, chơn phi chơn khủng mê, Ngã thường bất khai diễn”. (Nghĩa là: Thức Đà-na cực nhỏ, tập khí thành thác dốc; chơn, chẳng chơn, sợ mê, Ta thường chẳng khai diễn) Đại Chính 945, tr. 124c22.
6. Nhưng “thức” ở đây là chỉ cho thức A-lại-gia, còn được gọi là A-đà-na, như đã đề cập trong Sandhinirmocara sūtra (kinh Giải Thâm Mật) và Mahāyāna-saṃparigraha-śāstra (luận Nhiếp Đại thừa); có khi thức A-lại-gia còn được gọi là “tâm”, một trong ba danh xưng: tâm, ý và thức, như đã nêu trong Prakaraṇarayavācā-śāstra (luận Hiển Dương Thánh Giáo). Xem Đại Chính 676, tr. 692a27 & b; và xem Đại Chính 1602, tr. 480b26; cũng xem chi tiết trong Đại Chính 1594, tr. 133c5.
7. Đại Chính 1602, tr. 480c16.
8. Đại Chính 676, tr. 692b19.
9. Đại Chính 475, tr. 541a23.
10. Tức là người sắp chết như thể dồn hết sức mình bằng trạng thái có vẻ đau đớn hay quằn quại; hoặc giật nẩy mạnh người lên, hoặc ưởn người lên, rồi tay với xuống phía dưới đất, trông rất mệt mỏi và khổ đau trước lúc vĩnh biệt. Trái lại, người xuất gia trước lúc lâm chung thì thao tác nhẹ nhàng hơn, hoặc vị ấy hít một hơi vừa để lấy trớn, rồi hít tiếp một hơi thật sâu vào rồi thở thật mạnh ra cho đến khi hơi thở yếu dần và từ bỏ báo thân.
11. Đại Chính 1594, tr. 136b3. “Lại nữa, khi chết thì tuỳ điều thiện hay điều ác đã làm mà cái thân sở y, hoặc bắt đầu từ dưới trở lên, hoặc bắt đầu từ trên sắp xuống, dần dần phát lạnh”. HT. Trí Quang dịch, Nhiếp Luận, 1994, tr. 114.
Thực tế, chết không phải là hết, mà nó khởi đầu cho một cuộc sống khác; đó là lúc sau khi thần thức rời thân cũ, để mượn thân khác cho cuộc sống mới. Tuỳ vào nghiệp lực dẫn dắt để đi tìm, vay hay nhận một thân mới, trong suốt thời gian ấy nó được gọi là Thân trung ấm.
“Thân trung ấm” là một trong những danh xưng để trỏ cho năng-hoạt-vị của thức A-lại-gia. Việc đi thọ thân, dĩ nhiên tuỳ vào nghiệp đã tạo trong suốt thời sinh tiền, nặng hay nhẹ mà được thọ sanh trong tứ sanh, lục đạo; và do nghiệp khác nhau, cho nên việc thọ thân cũng khác nhau, mà kết quả thọ thân cho thấy rằng người đẹp đẻ, kẻ thô xấu, người giàu sang, kẻ bất hạnh, người đầy đủ căn cơ, kẻ đui điếc câm ngọng. v, v...(1) Đây là trỏ những loài hữu tình còn bị lưu chuyển trong vòng sinh-diệt-và-tái-sanh. “Thân trung ấm” là bước đầu lìa thân cũ tìm thân mới; hay trả thân cũ, để vay thân mới. Trong mối tương hệ thiêng liêng giữa người còn và kẻ mất, người còn (tạng chủ) vì muốn cho kẻ mất (hương linh) của mình sớm siêu thoát, cho nên đã thỉnh chư Tăng Ni làm lễ “Kỳ siêu”, rồi kế đó cúng tuần; do đó, có thông lệ ‘cúng thất’; từ tuần thứ nhất đến cuối tuần thứ bảy được gọi là ‘lễ chung thất’, mà nó thường được tổ chức lớn và trọng thể hơn. Trải qua 49 ngày, thần thức kia tuỳ vào nghiệp dẫn hoặc nhanh hay chậm, sớm hay muộn, phải đi đầu thai hoặc thọ thân khác ở cõi khác; và cũng tuỳ thuộc vào một phần công đức hồi hướng của người còn đối với kẻ mất, mà nghiệp của hương linh giảm và được sanh Thiên, như ngài Mục-kiền-liên cứu mẹ. Nếu trong 49 ngày mà thần thức chưa được siêu thoát; vì chưa đủ duyên để đi thọ thân mới khác, thì nó vẫn tiếp tục lai vãng để tìm nơi đầu thai. Như Nhiếp Luận nói: “Khô tang do năng dẫn, nhậm vận hậu diệt cố” (2). Thế nhưng, sau 49 ngày, mà thần thức vẫn chưa đầu thai thì sự kiện này rất hiếm xảy ra. Tựu trung, “thân trung ấm” cũng là một trong những tên gọi của thức A-lại-gia.
Nói “lai tiên” có nghĩa là đến trước nhất, đi trước/đầu tiên. Giai đoạn này là chỉ cho “thân trung ấm” sau khi đã bỏ thân cũ và nhận thân mới, mà tuỳ vào nghiệp cũ dẫn dắt hoặc tái sinh trong tứ sanh lục đạo. “Thân trung ấm” ngay khi lìa thân, nó được gọi là “thức” hoặc “thần thức”, mà thế gian gọi là ‘thần hồn’ (3), hay ‘hương hồn’, Phật giáo gọi là ‘hương linh’, ‘chơn linh’, hay ‘giác linh’, chứ không gọi là ‘linh hồn’. Những giây phút ban đầu khi thần thức tìm được nơi để thọ thân mới thì ngay thời gian ấy là “lai tiên”, đi đến trước; còn thần thức bấy giờ hoà nhập vào mẫu thai, tuỳ vào nghiệp mà thọ thân khác với hình dáng mới và tái sanh vào một cõi khác.
Tuỳ nghiệp dẫn cho đến khi nào thần thức tìm được nơi để đầu thai, thì bấy giờ phải hội đủ ba yếu tố: tinh cha, huyết mẹ và thần thức. Cả ba đều có mặt và cùng hoà hợp, tức có khả năng phát triển thành thân người; trong thời gian này nó được gọi là ‘hoà hợp thức’ (hay Kalala thức). “Hoà hợp thức” có nguồn gốc từ chữ Kalala và được phiên âm là ‘Yết-la-lam’. Nhiếp Đại thừa luận cũng gọi là ‘Yết-la-lam’; còn śūraṅgama-sūtra (kinh Lăng Nghiêm) gọi nó là Yết-la-lam xu-bồ-đàm (4). Nhiếp Luận cho rằng “Khi ý thức ô nhiễm trong thân trung hữu diệt, thì tướng của thức Yết-la-lam ở trong thai mẹ mới hoà hợp” (5). ‘Yết-la-lam’ là sự tạp nhiễm, tức là trỏ sự hoà hợp của tinh cha (bach) và huyết mẹ (xích), trạng thái như ‘ngưng tô’ (sự hoà hợp và đông đặc), là tên gọi của nó suốt 7 ngày đầu trong thai (6) . “Kalala” cũng còn được gọi là Ca-la-la, Yết-thích-lam, v. v... đều có nghĩa là phôi thai. Yết-la-lam, Tàu dịch ý, là si ngại, hoà hơp, tạp uế, bào thai. Có lẽ vì những thuật ngữ này mà chúng ta có thể thấy trong Kīrtigarbha sūtra (kinh Địa Tạng) có đoạn đã mô tả về các địa ngục, như: địa ngục Kalala, địa ngục Ababa, địa ngục Atratra, địa ngục Abàbà... Phải chăng do ba duyên tố hoà hợp này mà hình dạng của nó như ‘huyết đọng’, như đã nói kinh Báo Ân, “tháng thứ nhất như huyết đọng” (?). “Hoà hợp thức” là một trong những danh xưng của thức A-lại-gia và cũng là thời kỳ đầu của phôi thai.
Khi đủ duyên để thức Yết-la-lam (Hoà hợp thức) này tiếp tục phát triển, thì bấy giờ nó được gọi là ‘tương tục thức’. Giai đoạn này là từ khi thức vào thai, hoà với tinh huyết cha mẹ, trải qua chừng hai tháng, thì nó có hình dạng như ván sữa; như kinh Báo Ân nói: “tháng thứ hai như ván sữa”. “Tương tục thức” cũng được gọi là Yết-la-lam (Kalala). Khi nó có đủ khả năng phát triển thành danh sắc, thì bấy giờ nó được gọi là “thân trung hữu”. “Tương tục thức” là một trong những danh xưng của A-lại-gia, thời kỳ đầu của phôi thai; còn “thân trung hữu” có khả năng trở thành thai nhi. Thế nhưng, không phải lúc nào ‘thức’, hoặc ‘thần thức’ vào thai mẹ cũng thành thai nhi, mà nó còn đòi hỏi các yếu tố khác. Như đoạn vấn đáp giữa đức Thế Tôn và tôn giả A-nan mô tả:
- Này A-nan, nhơn thức có danh sắc là nghĩa thế nào? Là giả sử thức không nhập vào thai mẹ thì có danh sắc không? A-nan đáp:
+ Dạ không. Bạch Thế Tôn.
- Nếu thức nhập vào thai mẹ nhưng không xuất thai thì liệu có danh sắc không?
+ Dạ thưa, không.
- Nếu thức ra khỏi thai mà đứa hài nhi hư hỏng (bị sẩy thai) thì liệu danh sắc có tăng trưởng không?
+ Dạ thưa, không.
- Này A-nan, nếu không có thức thì có danh sắc không?
+ Dạ không. Bạch Thế Tôn.
- Thế nên, này A-nan, vì lẽ đó mà Ta biết danh sắc do thức, nhân nơi thức mà có danh sắc. Nghĩa Ta nói là ở đó”. (7)
Đoạn văn này cho thấy rằng chỉ khi nào thức vào thai mẹ và ra khỏi thai mẹ mà hội đủ các duyên khác thì mới thành thai nhi; trái lại, thì không thể.
Sở dĩ nhấn mạnh đến ‘thức’ và ‘danh sắc’ ở đây là cứ vào 12 nhân duyên để nói, chứ riêng ‘danh sắc’ đã đủ hai yếu tố quan trọng: danh/tâm (tinh thần) và sắc/vật (vật chất); vì con người gồm có hai phần: vật chất và tinh thần. Vả lại, cả danh và sắc hàm tàng năm uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn và thức uẩn; trong đó, sắc uẩn thuộc về vật chất, bốn uẩn còn lại thuộc về danh/tâm (tinh thần). Năm uẩn này là năm sự chứa nhóm, tích tụ, tổng hợp tất cả các pháp (8). Bởi vì năm uẩn này là nền tảng, là cơ sở có thể phát sanh ra 12 xứ (6 căn và 6 trần) và 18 giới (6 căn, 6 trần và 6 thức); vì năm uẩn đầy đủ cả nội năm uẩn và ngoại năm uẩn, tức là sự bao quát cả con người và thế giới. Nếu A-lại-gia dung chứa toàn thể nhân sinh và vũ trụ, thế và xuất thế gian, thì năm uẩn này cũng là hình ảnh thu nhỏ của con người và toàn thể vũ trụ. Ở đây thông qua phần giải thích chi tiết năm uẩn và tiếp tục tìm hiểu đến ‘năng-hoạt-vị’ của thức chuyển.
Khi phôi thai theo thời gian biến thành danh sắc và thành thai nhi, thì bản năng của thức có mặt. Bản năng này cũng như khi thai nhi ra khỏi bào thai. Đứa trẻ từ khi lọt lòng cho đến lúc bắt đầu biết bò lết; dù chưa tự đi được, mà hệ thống thức đã có mặt, dù chưa có sự phân biệt; vì hệ thống thức đang còn trong tình trạng tiềm ẩn. Mọi thao tác của đứa hài nhi ấy đều là những phản xạ vô điều kiện, vô phân biệt, hệ thống thức đang ngủ ngầm bên trong, những hạt giống thức đang tiềm ẩn nơi tạng thức A-lại-gia.
Lúc đứa trẻ biết phân biệt tức là lúc hệ thống thức đang đi vào hoạt động. Hệ thống thức của đứa trẻ này biết phân biệt mẹ, vú nuôi, người đỡ đầu bồng bế. Từ lúc nhỏ cho đến lúc khoảng 5 hoặc 6 tuổi thì hệ thống thức trong thời kỳ thuần hoá, vô tư, thơ ngây. Trước kia, Thái Tử Tất-đạt-đa vừa mới 6, 7 tuổi đã được vua cha Suddhodhana (vua Tịnh-phạn) cho đi dự “Lễ Cày”, mà lúc ấy Ngài ngồi dưới bóng cây Tất-bát-la để xem quang cảnh trong buổi lễ ấy. Đây cũng là chìa khoá chính thức cho Ngài đi vào Sơ thiền, sau sự thất vọng của 6 năm tu khổ hạnh, mà chính Ngài đã từng tuyên bố rằng ‘trong quá khứ, nếu có chư Phật tu khổ hạnh, thì cũng không vượt quá sự khổ hạnh mà Ngài đã hành’; do đó, Ngài tu tập quán chiếu, rồi nhớ lại tuổi thơ thủa xưa ngồi dưới cây Tất-bát-la.... Cũng từ đây, Ngài đi vào Nhị, Tam, Tứ thiền nơi cội Bồ-đề ở Bodhgaya (Bồ-đề Đạo Tràng) thuộc bang Bihar của Ấn độ hiện nay.
Nhìn chung, A-lại-gia thức thường được gọi là: “tâm, ý và thức”; Nhiếp Luận cũng gọi như vậy. Cả ba thuật ngữ này dị danh nhưng đồng nghĩa, chỉ có khác nhau ở địa vị và chức năng cũng như sự hoạt dụng xuyên qua tính chất và cường độ, thô hay tế, liệt hay thắng của nó mà thôi. Nhưng những danh xưng trên chỉ hạn cuộc từ lúc thần thức từ bỏ thân cũ và thọ thân mới cho đến lúc 5 hoặc 6 tuổi. Ngoài ra, A-lại-gia thức còn được gọi nhiều tên khác nhau (9), đó là lúc đứa trẻ trở thành tuổi thanh thiếu niên, với những sự huân tập hý luận hay tập khí khác nhau, như biết phân biệt tình cảm, thân sơ.... A-lại-gia thức ở phàm phu được gọi là “kiết sanh thức”, hay saṃsāra-koṭinisthaskandha (cùng sanh tử uẩn). Sự đam mê A-lại-gia và ý niệm luân hồi của hàng phàm phu được đức Phật mô tả trong kinh Tăng Nhất A-hàm như sau: “Chúng sanh ở đời đam mê A-lại-gia, ưa thích A-lại-gia, hân hoan A-lại-gia, vui vẻ A-lại-gia. Vì để đoạn trừ A-lại-gia như thế, cho nên khi đức Thế Tôn thuyết chánh pháp, phải tỏ lòng cung kính nhiếp niệm, an trú, tìm hiểu, tâm tuỳ thuận pháp và tuỳ pháp hành”. Vì lý do đó, Saddharmapuṇḍrīkasūtra (kinh Pháp Hoa) dạy: “Như Lai xuất hiện ở đời chỉ vì một nhân duyên duy nhất là khai thị cho chúng sanh chứng ngộ và thể nhập tri kiến của Phật”.
Trên tất cả, ngoài những danh xưng như tâm, ý, thức và A-đà-na, chúng ta có thể ngầm mường tượng một tiến trình phát triển kể từ lúc “khứ thệ” với thân trung ấm, thần thức, cho đến khi “lai tiên”, tức thức chuyển và hợp thành hoà hợp thức, tương tục thức, thân trung hữu, cũng là lúc nó trở thành danh sắc, thành thai nhi, hoặc lúc thân năm uẩn ra khỏi mẫu thai; đây là một tiến trình xảy ra liên tục. Nhưng vì hàng phàm phu và Nhị thừa không thể thấy được, ngoại trừ hàng Bồ-tát thượng căn thượng trí mới có thể thấy và am tường. Vậy, sự chuyển biến của thức từ lúc “khứ thệ” tiếp tục khả năng tác thành theo từng địa vị và danh xưng của nó, cho đến khi “lai tiên” và sau khi ra khỏi mẫu thai, thai nhi vẫn duy trì và phát triển như một con người, tức là “tác chủ ông”, là một tiến trình năng-dụng-vị thức thuộc lãnh vực tâm lý mang tính siêu hình. Còn đối với những tên gọi “tâm, ý và thức” của thức A-lại-gia, đôi khi nó được gọi là “tâm”, có khi nó được gọi là “ý”, như hai bài kệ đầu của Dharmapadasūtra (kinh Pháp Cú) nói: “Tâm/ý dẫn đầu các pháp, tâm/ý làm chủ tâm/ý tạo. Nếu với tâm/ý ô nhiễm, nói lên hay hành động, khổ não bước theo sau, như xe chân vật kéo”. Ngược lại, “Tâm/ý dẫn đầu các pháp, tâm/ý làm chủ tâm/ý tạo. Nếu với ý thanh tịnh, nói lên hay hành động, an lạc bước theo sau, như bóng không rời hình”. Tâm hoặc ý nếu bất như lý tác ý, thì trong từng niệm trú, trong từng sát-na đều có chuyên tải chủng tử ác, mà nó là mầm móng của sự luân hồi; còn chủng tử thiện là nền tảng dẫn đến sự giải thoát. Khi đã am tường năng-dụng-vị thức thuộc phạm trù tâm lý học mang tính siêu hình của Phật giáo, thì mỗi chúng ta phải tự sách tấn, trong từng niệm phải đúng như lý tác ý, nhằm triệt tiêu mầm móng và gốc rễ của nhân sanh tử luân hồi, vậy lo gì phải đi tìm Niết-bàn ở đâu; vì śūraṅgama-sūtra (kinh Lăng Nghiêm) dạy: “thập phương Bạc-già-phạm, nhất lộ Niết-bàn môn”(10).
T. K. Đ
Chú Thích
1. Tất cả đều tuỳ vào hạnh nghiệp của con người, mà đức Thế Tôn đã kể lại, chúng ta có thể thấy rải rác trong các kinh; sau khi Ngài chứng Thiên nhãn, một trong Tam minh (Thiên nhãn, Túc mạng và Lậu tận minh).
2. Sđd. , tr. 135b3. Tạm dịch: “Thân khô chết, vẫn còn năng dẫn, đợi hợp thời, sau mới diệt vong”. Thân đã khô cằn mà thần thức vẫn còn vãng lai. Khi thần thức đã thật sự đi đầu thai và thọ thân khác; hoặc vay mượn hình hài mới khác, thì đó là lúc hợp thời, tức là lúc thân dần dần tan rã, tứ đại trở về với nguồn gốc của tứ đại.
3. Thần thức/hồn cũng là một trong những tên gọi của thức A-lại-gia. Phật giáo ít khi gọi thần thức là ‘linh hồn; như là Suzuki; vì ông ta mượn thuật ngữ ‘linh hồn’ (soul) để giảng cho những sinh viên theo đạo: Thiên chúa, Cơ Đốc, hoặc Tin Lành, cốt để giúp họ dễ hiểu giáo pháp Phật đà. 'Linh hồn’ là thuật ngữ phổ biến của Thiên chúa giáo.
4. Đại Chính 945, tr. 120b1.
5. Đại Chính 1594, tr. 135c28-9.
6. Thái Hư Đại Sư (Sách mới), Tập 8, tr. 563.
7. Kinh Trường A-hàm, quyển 1, Nxb Tôn Giáo, Đại Tạng Kinh VN, 2. 000, tr. 482-3; cũng xem Kinh Trường Bộ, quyển 1, Viện Nghiên Cứu Phật Học VN, Đại Tạng Kinh VN, 1991, tr. 523-4.
8. Xem chi tiết HT. Thích Thiện Siêu, Ngũ Uẩn Vô Ngã, Nxb Tôn giáo, Hà-nội, 1999, tr. 51-152.
9. Ngoài những tên gọi vừa nêu, A-lại-gia còn rất nhiều danh xưng khác, như: Căn bản thức, Cùng sanh tử uẩn, Hữu phần thức, Chủng tử thức, Sở tri y, Dị thục thức, Vô cấu thức, Chơn Như, Phật tánh và Như Lai tạng, nhưng ở đây xin khỏi giải thích chi tiết rườm rà.
10. Đại Chính 945, tr. 124c29. 글