Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Sáu

30 Tháng Tám 20164:05 CH(Xem: 2569)
Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Sáu

PHẦN NĂM
PHẠM VI LỚN

NGÀY MƯỜI SÁU

Sau phần đọc truyền thống bản kinh văn cho ngày hôm nay, Kyabje Pabongka Rinpoche bảo làm thế nào ta nên điều chỉnh động lực tu tập của mình. Ngài nhấn mạnh ta nên thêm sự phát tâm bồ đề ngoài sự phát nguyện từ bỏ, trích dẫn lời Tsongkapa vua Pháp của ba cõi: “Khi bạn đã phát triển tâm bồ đề thuần tịnh cũng như tâm từ bỏ…” Ngài duyệt qua những đề tài đã bàn, và ôn lại phần tài liệu dưới tiêu đề “Xác Định Bản Chất Con Đường Đến Giải Thoát.”

Cái gì làm bạn xoay vần mãi trong bánh xe sinh tử? Đây là nghiệp, và nghiệp ấy được phát triển nhờ vọng tưởng. Vô minh là vọng tưởng căn bản, nên chính vô minh sản xuất nghiệp. Muốn nhổ gốc vô minh bạn phải thực hành tăng thượng tuệ học. Bạn phải chuẩn bị cho việc này bằng sự học tăng thượng định và tăng thượng giới; đấy là lý do nói rằng giới là can bản của tất cả mọi đức tính.

Khi bạn đang còn phải đối trị vọng tưởng thì phải để cho vọng tưởng phát sinh rồi đối trị nó sau khi nhận diện ra nó. Việc này cốt yếu là làm sao cho cuối cùng bạn có thể nhận diện được vọng tưởng ngay cả lúc bạn đang tán tâm.

2.3. LUYỆN TÂM TRONG PHẠM VI LỚN CỦA ĐẠO LỘ

Có ba tiêu đề (1) dạy rằng bồ đề tâm là cửa ngõ duy nhất vào Đại thừa, cũng như dạy những lợi ích của bồ đề tâm; (2) làm thế nào để phát tâm bồ đề; (3) làm thế nào để khởi sự tu hành sau khi phát tâm bồ đề.

2.3.1. BỒ ĐỀ TÂM CỬA NGÕ DUY NHẤT CỦA ĐẠO LỘ; NHỮNG LỢI ÍCH CỦA BỒ ĐỀ TÂM

Trong những chương trên nói về Phạm Vi Nhỏ và Trung Bình, bạn đã được kích động để từ bỏ. Khi bạn đặt nỗ lực chính của mình vào ba môn học tăng thượng thì bạn chỉ có thành tựu được trạng thái giải thoát cho riêng mình, và chỉ chấm dứt được sinh tử riêng mình. Điều này chưa đủ tốt lành: bạn mới chỉ được một phần tự lợi và lợi tha, vì bạn chưa từ bỏ tất cả những gì cần phải từ bỏ và cũng chưa đạt đến tất cả những đức tính cần đạt. Về sau, bạn còn phải vào Đại thừa ở mức căn bản nhất. Kinh Tiểu Phẩm Bát Nhã nói:

Luôn luôn từ bỏ nhị thừa

Không thể làm lợi ích cho thế gian

Và đi vào Cỗ xe Thiến thắng

Giáo lý đầy từ mẫn

Mà bản chất chính là lợi tha.

Geshe Potowa nói:

Đừng quay về lối cũ trên đường dài!

Hãy đi ngay từ đầu vào Đại thừa đạo.

Điều ấy cũng như phải qua sông hai lần. Nhưng còn hơn thế nữa. Những bậc la hán kinh quá một hỉ lạc bất khả tư nghì khi họ nhập vào cõi thanh tịnh đến nỗi họ ở mãi trong định an chỉ ấy trong nhiều kiếp không bao giờ muốn từ bỏ nó. Trong lúc ấy, có người đã từng sống ở địa ngục có thể đạt được thân người thuận lợi, đi vào đạo lộ đại thừa và dùng cùng một số lượng thời gian ấy để giác ngộ. Như vậy những vị La hán tự đặt mình cách xa một khoảng rất lớn với quả vị Phật. Giả sử có người đã học đại thừa, phát sinh tâm ưa thích, nhưng lại bị tái sinh vào địa ngục vì có tà kiến. Một người như vậy sẽ thành Phật mau lẹ hơn một người lúc đầu có khuynh hướng đại thừa, nhưng về sau lại đi vào đạo lộ tiểu thừa rồi chứng A la hán quả. Vậy tốt hơn nên làm hạng người thứ nhất.

Ví dụ, khi bậc thanh văn Ca Diếp đang giảng dạy về Pháp Tiểu thừa, có sáu mươi tỷ kheo đáng lẽ sẽ đắc quả A la hán, nhưng Đức Văn Thù liền đi đến nơi họ và dạy cho họ pháp Đại thừa. Giáo lý này quá sức họ, họ phát sinh tà kiến và rơi vào địa ngục. Ca Diếp hỏi đấng Đạo sư chúng ta về việc ấy, và Phật trả lời: “Đấy là phương tiện khéo của Văn Thù! Thật là một giáo lý tuyệt hảo.”

Cũng thế, khi chư Phật lạy các vị A la hán thuộc các đạo lộ Thanh văn và Duyên giác ra khỏi định an chỉ đầy hỉ lạc của họ, họ không nỗ lực phát triển những đức như bồ đề tâm trong dòng tâm thức vì họ đã quen thuộc với hỷ lạc của trạng thái an chỉ. Dù nổ lực, họ cũng khó thấy lòng bi mẫn, vân vân, vì họ đã thoát khỏi nỗi khổ riêng của họ. Hai đại đệ tử của Phật là Xá Lợi Phất và Mục Kiền Liên nói: “Đấng đạo sư đã dạy về đạo lộ Đại thừa và quả báo Đại thừa. Những điều này thực kỳ diệu, nhưng chúng ta giống như những khúc gỗ đang cháy: chúng ta đã không thể làm nhiều hơn. “Nhưng hãy để ý: điều này không thực áp dụng cho những người như bậc thánh Xá Lợi Phất, vì đấy là những hóa thân của chư Phật dưới dạng Thanh văn. Lời nói này ám chỉ những hạng Thanh văn thực thụ. Những người quả có chướng ngại lớn cho sự đắc quảvô thượng bồ đề.

Bởi thế, khi ta đã đạt vài tuệ giác đi sâu vào sự từ bỏ, thì phải mau mau quyết định bước vào đạo lộ đại thừa. Chúng ta luyện tâm theo một phần của đạo lộ chung với Phạm Vi Trung Bình cố để phát triển sự từ bỏ trong dòng tâm thức, nhưng không thực sự để đi con đường của Phạm Vi Trung Bình. Luyện tâm bồ đề phù hợp với chương nói về Phạm Vi Lớn mới là phần chính của con đường tu tập; các Phạm Vi Nhỏ và Trung bình chỉ là một phần dẫn nhập, một bổ túc cho phận sự tổng quát của một bồ tát.

Vì việc đầu tiên phải làm trong sự khảo cứu đạo lộ thuộc Phạm Vi Lớn là hoan hỉ, nên truyền thống khẩu quyết trước hết bàn những lợi lạc của bồ đề tâm. Sau đó là cách những lợi lạc ấy được đề cập trong tác phẩm Lời Đức Văn Thù. Tôi sẽ nói về những lợi lạc ấy dưới mười đề mục: (1) cách duy nhất để vào Đại thừa là phát tâm bồ đề; (2) bạn được cái tên là “con của chư Phật,” (3) bạn sáng hơn cả Thanh văn và Độc giác; (4) bạn trở thành đối tượng cúng dường tối thượng; (5) bạn dễ dàng tích lũy một số lượng công đức khổng lồ; (6) bạn nhanh chóng tịnh hóa được tội lỗi và chướng ngại; (7) bạn thành tựu được bất cứ gì bạn muốn; (8) bạn không ngán vì những điều hại và chướng ngại; (9) không bao lâu bạn sẽ hoàn tất trọn vẹn con đường và những địa vị; (10) bạn trở thành một suối nguồn bất tận của mọi hạnh phúc cho các hữu tình.

a. Con đường duy nhất để vào Đại thừa là Phát Bồ Đề tâm

Điều quyết định bạn đã vào hàng ngũ Đại thừa hay chưa, là bạn đã phát tâm bồ đề rong dòng tâm thức bạn hay chưa. Tsongkapa nói:

“Pháp Đại thừa không mà thôi chưa đủ - con người phải thuộc vào Đại thừa. Bạn trở thành nột người đại thừa bằng cách có tâm bồ đề. Nếu bạn chỉ có hiểu về bồ đề tâm, thì bạn chưa phải là một người đại thừa cho lắm.”

Nếu bạn không có bồ đề tâm trong dòng tâm thức mà bạn lại tu tập chẳng hạn, các giai đoạn phát sinh và thành tựu trong mật điển Guhyasamàja, vua các mật điển, thì - ngoài cái sự nó không phải là nhân cho sự đạt giác ngộ - bạn còn không thể khởi tu con đường tích lũy công đức của Đại thừa. Và ngoài ra, một sự tu tập như thế lại còn không phải là một pháp Đại thừa nữa. Nhưng nếu bạn có tâm bồ đề, thì ngay cả việc tụng câu thần chú Om mani padme hum cũng là pháp đại thưa và là nhân cho sự giác ngộ của bạn. Long Thụ nói:

Nếu bạn ham thích vô thượng bồ đề

Cho bản thân và cho thế gian,

Thì hãy biết gốc rễ nó là một tâm bồ đề 

Kiên cố như núi Tu di, vua các ngọn núi.

Nếu bạn không có tâm ấy, thì thiền định của bạn về giai đoạn phát sinh trong các mật điển cũng giống như nhìn vào một ngôi nhà của chư thiên trong đồ hình; còn về những thiền định của bạn về giai đoạn hoàn tất, thì có câu: “Thở vào, giữ nó, đuổi nó ra…” Nói cách khác, những thực tập về luồng khí lực, v.v.. như thế cũng không tốt gì hơn thụt ống bệ!

Tính nhanh chóng độc nhất của các mật điển là ở sự kiện nó làm tăng trưởng tâm bồ đề nhiều. Jangkya Roelpai Dorje nói:

“Tôi đã học Pháp với Purchog Ngagwang Jampa. Ngay cả khi Lama Jampa cho một pháp quán đảnh chính yếu, ngài cũng chỉ nói về Lam-rim trong phần giải thích pháp quán đảnh. Nếu người nào khác thấy việc này, họ sẽ cho rằng Lama Jampa không thể nói về các mật điển, nhưng kỳ thật lời ngài nói xuất phát từ sự liễu tri của ngài về toàn bộ yếu điểm của con đường.”

Một hành giả mật điển Hevajra không có tâm bồ đề đã đạt quả Dự lưu. Atìsha rất ngạc nhiên khi nghe điều này và nói: “Điều ấy chứng tỏ ông ta đã không có tâm bồ đề. Càng có nhiều người hơn đã thiền quán về Hevajra sẽ xuống địa ngục!” Tuy nhiên hành giả ấy đã làm khá tốt vì có nhiều người hơn thực hành phép tụng chú của nhiều vị thần phẫn nộ trong khi họ thiếu tâm bồ đề; họ đã tái sinh làm những ác ma hoặc vào địa ngục. Có câu chuyện về vị thần địa phương Chushur. Trước kia ông là một người làm những kỳ nhập thất lớn, nhưng về sau tái sinh làm một vị thổ thần. Nếu vị hành giả Hevajra đã đắc quả Dự lưu mà có tâm bồ đề, thì ông ta đã đạt giác ngộ ngay trong đời này. Thay vì thế, ông chỉ đắc một quả báo Tiểu thừa và không có một chút nhân nào để giác ngộ; giai do chỉ vì ông thiếu bồ đề tâm. Bởi thế bồ đề tâm là điều mà ta có thể gọi là “Pháp sâu xa.”

Tôi đã kể cho các bạn nghe những chuyện tương tự, như câu chuyện Bà la môn Chanakya, hoặc chuyện về hành giả Ấn Độ người thực hành mật điển Yamàntaka mà sau tái sinh làm một ác quỷ đi đến Tây Tạng chỉ để bị Atìsha cho ăn bánh lễ rồi đuổi đi. Chúng ta cũng có câu chuyện về hành giả mật điển Yamàntaka ở Paenpo tái sinh làm ngạ quỷ có hình thù giống vị thần ấy và lai vãng một lễ cúng đốt đồ ăn cho người chết tại nhà của thí chủ ông ta trước kia.

Ngày nay, nhiều người xem trọng những chuyện như trông thấy được chư thiên, có thiên nhãn hoặc những thần thông khác; nhưng nếu không có tâm bồ đề thì bạn vẫn có thể đi xuống các đọa xứ như chơi, và việc có thiên nhãn hay thần thông cũng không có ích gì lúc ấy. Khi bạn có tâm bồ đề thì có thể bạn không làm nhiều nỗ lực trong các việc khác, nhưng bạn vẫn có được gốc rễ của Pháp Đại thừa. Bất kể đề tài nào, dù thuộc kinh điển hay mật điển, là đại thừa hay không phải đại thừa, đều tùy thuộc vào sự kiện bạn có tâm bồ đề hay không. Nếu bạn đã có tâm bồ đề, thì dù chỉ cho con vật một nạm bột lúa mạch cũng sẽ là một cái nhân góp phần vào sự đạt toàn giác của bạn. Điều này cũng áp dụng cho mọi hoạt động hàng ngày mà bình thường chỉ có tính chất vô thưởng vô phạt. Những đại bồ tát còn có thể chuyển điều phi phước hành thành ra phước hành vì họ làm mọi sự kèm với tâm bồ đề.

Khi bạn không có tâm bồ đề mà gặp hoàn cảnh thuận tiện để tu tập trí tuệ liễu tri tánh không, thì hoàn cảnh ấy chỉ tác động như một cái nhân cho một trong ba loại giác ngộ của Thanh văn, Duyên giác hoặc Bồ tát; vì trí tuệ ấy như một bà mẹ. Nhưng khi bạn có tâm bồ đề, thì hoàn cảnh ấy sẽ tác động như cái nhân cho bạn đạt vô thượng bồ đề, thì hoàn cảnh ấy sẽ tác động như cái nhân cho bạn đạt vô thượng bồ đề mà thôi. Bởi thế bồ đề tâm như một người cha. Đấy là lý do gọi trí tuệ là “mẹ.”

Tóm lại: trừ phi bạn tuyệt đối không khát khao giác ngộ thì thôi, ngoài ra tất cả mọi người tu hành đều nên bấy bồ đề tâm làm pháp tu căn bản. Tất cả cái gì có giá trị - như những đức tính trong bất cứ thừa nào trong ba thừa - cuối cùng đều phát xuất từ bồ đề tâm. Nếu có ai hỏi pháp tu căn bản chư thiên ta là gì, ta có thể đáp, tôi tụng thần chú Hayagrìva, Yamàntaka, hoặc Kim cương thủ, nhưng kỳ thật phần đông chúng ta thường đã lấy ba độc làm pháp tu căn bản. Atìsha là một học giả về tất cả pháp ấy, mà ngài vẫn chưa thỏa mãn. Ngài vượt biển chịu nhiều gian nan trong mười ba tháng rồng để thụ giáo toàn triệt về bồ đề tâm với bậc thầy Suvarnadvìpi, và lấy bồ đề tâm làm pháp tu căn bản của ngài. Ngài kính trọng bậc thầy đã chỉ giáo cho ngài về bồ đề tâm hơn bất cứ thầy nào khác. Như Suvarnadvìpi là một người thuộc phái Duy thức (chittamatrin) nên tri kiến của ông về Tánh không không bằng Atìsha.

Vì lý do đó ta phải xem coi ta có thể phát triển tâm bồ đề trong dòng tâm thức ta không. Không có một đời tái sinh nào tốt để phát tâm bồ đề hơn là trong đời hiện tại này. Không có chỉ giáo về Pháp nào tốt hơn để cho ta đào luyện tâm bồ đề hơn pháp này. Tức Lam-rim. Khi xét những điều ấy, thì ta thấy thật vô cùng đáng tiếc nêu không làm gì để phát triển tâm bồ đề trong dòng tâm thức chúng ta. Khắp nơi có những người dùng suốt đời để tu tập những chuyện khó khăn như là ăn sỏi đá. Họ có thể tự hào là những hành giả chọn lọc, nhưng họ đã đi lạc ra khỏi con đường đưa đến toàn giác, vì họ không xem bồ đề tâm ra cái gì. Chuyện này thật quá thông thường.

Chúng ta phải xem ta có nghĩ rằng mình có thể thực thụ phát triển tâm bồ đề trong dòng tâm thức của mình hay không. Nếu không được như vậy thì chúng ta phải xem ta có thể được một vài kinh nghiệm gượng ép về tâm bồ đề, hoặc là xem chúng ta có được một chút tri kiến ở mức độ thấp về tâm bồ đề không. Đây là lý do người ta bảo rằng nếu ta không theo đuổi điều này như một đề tài thiền quán đặc biệt thì bao nhiều việc thiền định hay tụng đọc thần chú mà ta cố thực hiện sẽ chỉ là nỗ lực vô bổ. Thật đáng tiếc làm sao.

b. Bạn được danh hiệu là con của chư Phật.

Trong quyển Hành Bồ Tát Hạnh có nói:

Từ lúc những chúng sinh đáng thương

Bị vướng vào ngục tù sinh tử

Biết phát tâm bồ đề,

Là họ được gán danh hiệu

“Con của chư Phật.”

Và:

Ngày nay tôi đã được sinh vào dòng họ của Phật

Tôi đã trở thành người con Phật.

Như vậy, bạn có thể trở thành con Phật hay không chỉ tùy thuộc vào một điều này. Nếu bạn chưa phát tâm bồ đề thì bạn không phải là một bồ tát, hay một người con của Phật, mặc dù bạn có thể là người có thần thông, có được ngũ minh, đạt được tri kiến trực tiếp về tánh không, hoặc đã hoàn toàn dứt trừ vọng tưởng. Bạn sẽ không được vào hàng ngũ của Đại thừa. Nhưng bạn đã phát tâm bồ đề trong dòng tâm thức là bạn đã đã vào hàng ngũ đại thừa, mặc dù bạn là một con thú, chẳng hạn như con chó hay con heo, hay cả đến một người kko được cái gì và ngu ngốc như một con lừa.

Khi bạn phát tâm bồ đề, quả đất rung động và tất cả pháp tòa của chư Phật rung động, vì đại địa được sinh ra do cọng nghiệp của hữu tình, khi một người nào phát bồ đề tâm thì điều ấy quả đất không thể chịu đựng, nó rung lên vì người có bồ đề tâm ấy sẽ dẫn đạo nhiều hữu tình và gây nên một chấn động trong cõi sinh tử.

Chư Bồ tát muốn xem bất cứ người nào phát tâm bồ đề như là anh chị em của họ. Chư Phật mười phương hoan hỷ như làm một vị vua chuyển luân khi có con kế nghiệp do đó người ấy trở thành người con của chư Phật. Nếu khi nào họ thối thất tâm bồ đề, tức là họ dã tự đóng cửa mình ra ngoài đại thừa. Trong quá khứ chúng ta đạt nhiều loại thần thông nhưng rốt cuộc chúng chẳng làm lợi ích gì cho ta cả; tốt hơn nên học hiểu Lam-rim. Có thần thông, thấu thị thật không phải là chuyện phi thường hay lợi lạc gì: Người ta bảo chúng ta nhận được những năng lực này trong cõi trung ấm sau khi ta giã từ mỗi kiếp tái sinh.

c. Bạn sáng chói hơn cả Thanh văn và Duyên giác 

Một quyển kinh nói:

“Như châu ngọc trong biển cả sáng hơn tất cả những đá sỏi của lục địa phương Nam, những người phát tâm bồ đề trong dòng thức của họ sáng chói hơn tất cả Thanh văn và Duyên giác.

Kinh về cuộc đời đức Di Lặc nói rằng cũng như một vị hoàng tử dù còn bé cũng hơn hẳn một toán đình thần lớn tuổi, hoặc như một con Kim sí điểu (Garuda) cũng hơn một bầy chim khác, một vị bồ tát đã phát tâm bồ đề trong dòng tâm thức sáng chói hơn toàn thể Thanh văn và Duyên giác. Đấy là nhờ năng lực lòng vị tha. Hơn nữa dù một viên kim cương có vết cũng vẫn được gọi là kim cương, vẫn sáng chói hơn những thứ ngọc khác và vẫn là một tài sản cho bạn. Cũng tương tự, những người đã phát tâm bồ đề có thể chưa tu tập những việc làm của người con Phật, nhưng họ vẫn được gọi là con của đấng Chiến thắng do tâm bồ đề trong dòng tâm thức của họ. Trong tất cả sự tích lũy đức hạnh, sự tích lũy của họ tốt nhất, sáng chói hơn tích lũy công đức và trí tuệ của Thanh văn, Duyên giác. Và người ta bảo rằng sự nghèo khó trong sinh tử đều được xua tan bởi tâm bồ đề.

Một mình tâm bồ đề nên được xem như là tinh túy của tám muôn bốn ngàn pháp tụ. Atìsha nói: “Hãy từ bỏ đời này! Hãy chỉ quen thuộc với từ, bi và tâm bồ đề.”

d. bạn trở thành mục tiêu tối thượng của sự cúng dường

Khi bạn phát triển bồ đề tâm trong dòng tâm thức, “thì nhân loại và chư thiên đều chắp tay cung kính.” Nói cách khác, bạn trở thành một mục tiêu tối thượng cho sự cúng dường của chư thiên và loài người. Tuy nhiên bạn không phát tâm bồ đề càng luyện tâm ấy trong một thời gian ngắn. Ngay cả Atìsha vĩ đại cũng đã luyện tâm ấy trong 12 năm. Hãy nhìn những người chỉ thiền quán về chư thiên và tụng chú, mà cũng kiên trì vào những việc ấy trong nhiều năm, thế thì chúng ta lại càng nên cố gắng nhiều hơn để phát tâm bồ đề. Những người phái Kadampas ngày xưa nói rằng mọi người đều có những hình ảnh chư thiên để quán tưởng, mỗi người đều có thần chú để tụng; nhưng điều đáng buồn là không ai có một pháp nào để tu.

Điều cốt yếu là bạn cần phải gieo vào tâm thức càng nhiều bản năng về bồ đề tâm càng tốt. Ngày xưa có 500 con ngỗng chỉ nhờ nghe tiếng nói của Phật mà được tái sinh làm chư thiên. Vua A xà thế có được bản năng mạnh mẽ về tánh không. Một ngày kia vào buổi trưa ông cố dâng cúng Đức Văn Thù những tấm y trị giá một ngàn lượng vàng, nhưng ông không cúng được, bởi vì ngài biến mất. Chính vua khi mặc những tấm y và ông cũng tan biến. Điều này khiến ông thực chứng được tánh không. Điều này xảy ra là do một bản năng về tánh không đã gieo vào ông trong đời quá khứ.

Phạm vương, Đế thích… đều đến cúng dường khi một người phát tâm bồ đề; đem lại cho họ vẻ sáng chói của chư thiên và giúp họ thỏa mãn những ước nguyện. Người ta cũng bảo rằng ngay cả chư Phật cũng tôn trọng những vị Bồ tát bởi vì các ngài cũng đã từng là bồ tát và đã từng đào luyện tâm bồ đề. Trong kinh cũng nói:

“Nên tôn trọng vừng trăng mới mọc hơn là vừng trăng tròn. Cũng thế, người nào tôn trọng ta hãy nên kính lễ các vị bồ tát thay vì kính lễ các đức Như Lai… Khi một vị bồ tát bước lên một chiếc xe, thì chư Phật sẽ cung cấp cho họ các khoái lạc năm giác quan, và làm cho họ vui thích. Nếu không có ai đẩy xe thì chính chư Phật sẽ kéo xe ấy với một sợi dây cột quanh cổ của các Ngài.”

Người ta bảo rằng những bậc thánh như Xá Lợi Phất dù nhập vào định tịnh chỉ hoàn toàn trong nhiều kiếp mà chư Phật cũng không kính trọng nhiều đến thế.

Ngay cả những chuyện như sau đã được kể. Có lần đức Phật không cúng cho Đức Văn Thù miếng đầu tiên của phần ăn khất thực trong bình bát của ngài, nên cái bát bị đất nuốt mất tiêu.

e. Bạn dễ dàng tích lũy một số lượng công đức khổng lồ.

Nyugrumpa nói:

“Khi một người tìm cách phát triển được một ít bồ đề tâm thì điều ấy đã xây dựng được sự tích lũy công đức đầu tiên, tịnh trừ được những chướng ngại của họ.”

Tsongkapa nói:

Như hòn đá của một bậc hiền trí

Cho hai sự tích lũy:

Bồ đề tâm đem lại cho bạn công đức

Để tập hợp một kho lớn đức hạnh.

Và muốn thâu nhặt một kho công đức lớn bằng cách dễ dàng, Shantideva giải thích:

“Nó giống như viên đá của bậc hiền trí tối thượng:

Vì nó biến thân thể bất tịnh của bạn

Thành một cái gì vô giá -

Đó là thân của một đức Phật.

Bởi thế hãy luôn luôn duy trì điều này

Mà chúng ta gọi là Bồ đề tâm…

Những đức hạnh khác giống như cây chuối

Một khi đã có quả thì không còn sanh thêm quả

Bồ đề tâm giống như một cây sống

Tiếp tục tăng trưởng và kết trái.

Nói cách khác, không có gì tốt hơn bồ đề tâm để hoàn tất sự tích lũy công đức. Nếu bạn bố thí cho hàng trăm ngàn chúng sinh trong hàng trăm ngàn kiếp và làm đầy hàng tỷ thế giới với ngọc ngà châu báu để bố thí mà không có tâm bồ đề, thì nghiệp báo của việc này cuối cùng cũng sẽ đi đến chấm dứt. Nó cũng không phải là việc của bồ tát và sẽ không làm nhân cho bạn thành Phật quả. Nhưng với tâm bồ đề mà bạn cho con chó một miếng ăn, thì quả báo của hành vi ấy sẽ không bao giờ cùng tận. Đấy sẽ là việc của người con Phật và sẽ là một cái nhân cho bạn thành Phật. Nếu với tâm bồ đề bạn đốt dù chỉ một cây hương để dâng cúng, người ta bảo công đức cũng bằng như cúng cho tất cả hữu tình mỗi người một cây. Nếu bạn có tâm bồ đề mà chỉ tụng đọc một câu Om Mani Padme hum thì lợi lạc ấy bằng sự lợi lạc của thần chú ấy một số lần bằng số lượng của tất cả hữu tình.

Vào thời Phật có lần một người ăn mày đã cúng Phật một cây đèn dầu nhỏ kèm với tâm bồ đề. Đức Anan đã không dập tắt được cây đèn ấy. Như Lai đã nói rằng ngay cả ngọn cuồng phong thời kiếp tận cũng không thể thổi tắt được nó do sự tăng trưởng liên tục của công đức.

Hành Bồ Tát Hạnh nói:

Bất cứ ai giữ giới này

Để hoàn toàn giải thoát 

Vô lượng hữu tình đủ hạng

Sẽ không còn lui sụt

Vì có tâm bồ đề.

Họ dã phát bồ đề tâm thuần tịnh

Sau đó, dù ở trong giấc ngủ

Vào lúc không canh chừng.

Công đức của bạn sẽ có năng lực,

Phước đức đến với họ luôn luôn

Và trở thành to lớn như hư không.

Nói cách khác một khi bạn đã phát tâm bồ đề hoặc trong tâm nguyện, hoặc là dưới hình thức dấn thân, bạn sẽ được nhận một dòng thiện đức liên tục, ngay cả trong lúc ngủ hoặc khi không để ý. Nếu muốn làm cho một hữu tình hết cơn đau đầu đã là một điều lợi lớn, thì làm sao ước nguyện giải thoát tất cả hữu ình ra khỏi vô lượng khổ đau và bệnh tật lại không công đức? Quyển Hành Bồ Tát Hạnh cũng nói tương tự.

Nếu tư tưởng giải thoát chúng sinh

Thoát khỏi cơn đau đầu

Là một tư tưởng lành

Khiến người ta có vô lượng công đức,

Thế thì cần gì nói đến

Ước nguyện giải cứu tất cả hữu tình

Thoát khỏi vô lượng đau khổ,

Bằng cách dạy họ phát triển mọi điều lành?

Đem thực phẩm cho một ít chúng sinh,

Hành vi bố thí thức ăn

Chỉ kéo dài chốc lát,

Vậy mà người làm đầy những cái bụng trong nửa ngày

Cũng được ca tụng là người có đức hạnh,

Huống gì một người

Trải qua một thời gian dài nỗ lực,

Làm thỏa mãn tất cả ước vọng

Của vô lượng hữu tình

Bằng phúc lạc vô song của các đấng Thiện Thệ?

Nói tóm lại, khi bạn được điều động bởi tâm bồ đề, người ta bảo rằng công đức nào bạn làm sẽ đem lại cho bạn một số lợi lạc bằng số lượng của hữu tình.

f. Bạn nhanh chóng tịnh hóa các tội lỗi và chướng ngại

Không gì hơn tâm bồ đề để tịnh hóa tội lỗi.

Hành Bồ Tát Hạnh nói:

Bất cứ tội lỗi có năng lực lớn lao khó dung tha nào

Cũng sẽ mạnh hơn bất cứ đức hạnh nào

Ngoài trừ bồ đề tâm tối thượng.

Nếu là bạn có thể phạm một tội lỗi to lớn không cách nào sám hối, nhưng tội ấy sẽ tiêu tan nếu bạn phát tâm bồ đề. Điều này được chứng minh bằng câu chuyện của bậc thánh Vô Trước. Trong một sát na khởi tâm đại bi ngài đã tịnh hóa nhiều tội lỗi nghiệp chướng hơn cả mười hai năm tu tập các thiện hành. Hơn nữa:

Bạn có thể có vài tội khó dung tha,

Nhưng khi bạn nương vào tâm bồ đề

Bạn sẽ giải thoát ngay khỏi tội lỗi,

Cũng như bạn thoát khỏi nguy hiểm lớn lao

Khi nương tựa một vị anh hùng.

Ai là người phòng xa

Lại không nương tựa tâm bồ đề?

Nói cách khác, cũng như bạn không cần sợ một cuộc phục kích khi đi ngang qua đường hiểm nếu bạn đi chung với một người rất dũng cảm, bạn cũng không sợ hậu quả của tội lỗi và chướng ngại nếu có bồ đề tâm.

Tội lỗi lớn chắc chắn tiêu tan trong một chốc

Như bị đốt trong ngọn lửa thời kiếp tận.

Nghĩa là, dù bạn có một đống tội lỗi cao ngất, nó cũng được tịnh hóa như thể đốt cháy trong đống lửa ở cuối thời kiếp.

Vì những lý do ấy, muốn phá hũy tội lỗi của bạn, tốt hơn nên thiền quán về tâm bồ đề một thời gian hơn là cố gắng trăm năm để tịnh hóa những tội lỗi ấybằng phương tiện khác không có tâm bồ đề.

 g. Bạn thành tựu được bất cứ gì bạn muốn

Khi phát tâm bồ đề, bạn thành tựu được môt cách không khó nhọc tất cả mọi ước muốn tạm thời và tối hậu. Điều tốt nhất nên mong muốn sẽ là mong tất cả hữu tình từ bỏ những khổ đau họ không muốn va hành tựu được hạnh phúc mà họ mong muốn. Hành Bồ Tát Hạnh nói:

“Với bồ đề tâm, vô biên hữu tình sẽ dễ dàng đạt đến hạnh phúc tối thượng.”

Nếu bạn đã phát triển tâm bồ đề trong dòng tâm thức thì bạn dễ dàng thành công trong những việc mà người thường sẽ thất bại, như là biết thần chú hay mật chú để làm mưa, chấm dứt mưa đá, v.v… Người thường không làm được do thiếu bồ đề tâm. Như vậy nếu bạn muốn trừ bệnh cho mình và cho người khác và muốn có khả năng lớn hơn, bạn sẽ phát tâm bồ đề. Không nên nghĩ rằng chỉ giáo về lời chú là không linh nghiệm vì không có tác dụng đối với bạn.

Bạn không cần nhờ đến thần chú hay những đồ phụ tùng về mật tông. Bạn có thể làm những việc này bằng cách chỉ cần thốt lên một lời thề: Bồ tát Sadà Prarudita làm cho thân thể của ông lành lặn trở lại bằng một lời thề như vậy. Có lần ở Lhasa con sông Kichu sắp tràn bờ không ai ngăn nổi. Ngài Moenlam Paelwa viết những chữ này trên những tảng đá: “Nếu tôi thực sự là một bồ tát thì nước hãy rút xuống!” Ngài đem tảng đá ấy đến bờ sông và nước liền rút. Ngài đã ngăn được cơn lũ lụt nhờ thốt lên những lời thề ấy.

Như vậy với bồ đề tâm, bạn có thể thành tựu điều thù thắng nhất, ước muốn chính của bạn tức là trạng thái toàn tri; bạn cũng sẽ thành công trong những bùa chú lặt vặt.

h. Bạn không ngán vì những chướng ngại hay điều hại

Khi một vị vua chuyển luân đi ngủ, ông ta được canh gác bởi Kim cương Thủ, Pham vương, Đế Thích, Tứ Thiên vương. Nhưng những bồ tát có nhiều người che chở gấp hai lần vua chuyển luân, và bồ tát được che chở cả đêm lẫn ngày. Họ không bao giờ bị hại, không bao giờ bị ác ma quấy nhiễu. Nếu chúng ta không có tâm bồ đề mà hô triệu quần thần linh bằng trống kèn để che chở cho ta, chúng ta không chắc họ có đến thực không. Nhưng nếu chúng ta đã phát tâm bồ đề, thì dù không mời Tứ Thiên vương vẫn đến canh gác cho ta như những tôi tớ trung thành. Kinh Trái Rơm nói:

“Nếu bạn thoa vào thân thể thuốc trị bá bệnh thì không một bệnh gì có thể hại bạn. Nếu bạn dùng vua của các loại thuốc hoa, rắn sẽ tránh bạn. Nếu bạn dùng thứ dược vương làm cho kẻ khác trở thành vô năng, kẻ thù không thể làm gì bạn. Cũng thế khi bạn có tâm bồ đề, bạn không lây bệnh vọng tưởng, vân vân.”

Khi geshe Kamlungpa sống ở Yungwai Pur thuộc miền Paenpo, trải qua thời gian để thiền quán về bồ đề tâm, phi nhân ở vùng ấy muốn tấn công ngài nhưng một con ma nói: “Ổng thương ta còn hơn chính bản thân. Ổng khóc mãi. Làm sao ngươi có thể nghĩ đến chuyện làm hại ông ta?”

Bậc Đạo sư đầy từ mẫn của chúng ta đánh bại đạo quân ma nhờ năng lực của từ bi nơi Ngài. Năm Dạ xoa không thể giết những người chăn bò trong cung vua Maitrobala vì lòng đại bi của vua.

Vua Pehar cúng cho Butoen Rinpoche là Lama Dampa những cây bút sắt để viết trên đá bảng nhưng vua lại không thể cúng cho Ngulchu Togme Sangpo (xem Ngày Hai Mươi Mốt). Và có lần Butoen Rinpoche bị ốm, ông ta mời Ngulchu Togme Samgpo đến. Vị này thiền quán về tâm bồ đề làm cho ông ta đỡ đau.

Những chuyện như thế làm sáng tỏ vô số lợi lạc ngoài sự không bị quấy nhiễu bởi những hiểm nguy và chướng ngại. Chỉ cần nói rằng những người đã thiền quán về tâm bồ đề không bị phiền nhiễu về phi nhân cũng đủ.

i. Bạn nhanh chóng hoàn tất mọi giai đoạn của đạo lộ

Khi bạn theo đuổi thiền định về chính kiến mà không có tâm bồ đề, bạn chỉ có thể thành tựu sự tích lũy về căn bản trí mà không tích lũy công đức. Chính nhờ năng lực tâm bồ đề tương đối mà bạn hoàn tất được hai thứ tích lũy và trừ được hai thứ chướng ngại (là tri chướng và hoặc chướng hay sở tri chướng và phiền não chướng - DG), cùng với những bản năng (tùy miên) của chúng. Nếu bạn có tâm bồ đề, bạn có thể giác ngộ trong một đời nhờ các mật chú, nhưng nếu không tâm bồ đề, thì bạn còn không thể đạt được cả đến trình độ thấp nhất của đạo lộ Đại thừa về sự tích lũy, dù có sử dụng mật điển.

Nói tóm lại, khi bạn có bồ đề tâm, gốc rễ của sự tu tập tất cả thiện pháp; thì mọi đức hạnh bạn làm, ngay cả việc cho con quạ một miếng ăn, cũng làm nhân cho sự thành Phật của bạn; bởi thế mà nói, bạn sẽ nhanh chóng hoàn tất con đường tu tập.

k. Bạn trở thành một nguồn suối dồi dào hạnh phúc cho kẻ khác.

Tác phẩm Hành Trung đạo nói:

Chư Phật nhiều năng lực

Đã sản xuất được Thanh văn, Độc giác

Nhưng chính chư Phật

Lại từ Bồ tát mà phát sinh ra…

Nói cách khác, tất cả hạnh phúc trên thế gian, tất cả Thanh văn, Độc giác, Chuyển luân Thánh vương, vân vân đều do năng lực của chư Phật mà có. Chư Phật thì phát xuất từ bồ tát. Bồ tát phát xuất từ bồ đề tâm. Không những bồ đề tâm là gốc rễ duy nhất của tất cả hạnh phúc hữu tình, mà nó còn là tinh chất của tám muôn bốn ngàn pháp. Đấy là pháp tu chính yếu mà những người con Phật tập trung vào. Sự thù thắng của các mật điển phát sinh từ năng lực của tâm này.

Geshe Dromtoenpa hỏi thăm một người về tin tức ba anh em Kamdampa; người ấy nói với Drom về từng người một và những hoạt động về Pháp của họ. Drom nói: “Thật tuyệt! Thật cả ba đều tuyệt vời!” Rồi người kia nói về Geshe Kamlungpa: “Ông ta sống trên đầu một cái vực. Đôi khi mắt ông hơi nhắm; đôi khi ông khóc. Đấy, ông ta chỉ làm chừng ấy việc.” Drom chắp hai tay và nói: “Ngài chính thực đang tu tập diệu pháp!”

Hành Bồ Tát Hạnh nói: “Đó là chất đề hồ (bơ) rút được nhờ nhào nặn sữa Diệu Pháp.” Nghĩa là, bồ đề tâm là tính chất của các pháp. Bởi thế tôi xin mọi người hãy bất cứ phương pháp nào có thể, để phát sinh được tâm bồ đề.

Một giáo lý phải là đại thừa hay không là do trong đó có bồ đề tâm hay không. Hãy gạt sang một bên tất cả những pháp khác mà mọi người cho là sâu xa vi diệu, và chi thực hành tâm bồ đề một cách nghiêm chỉnh. Nhưng có nhiều hành giả thuộc mọi phái Sakya, Gelug, Kagyu, và Nyingma không hiểu được điểm này, mà vẫn mong muốn Phật quả. Họ thiền quán về hai giai đoạn của mật điển, bất cần bồ đề tâm, mà vẫn muốn tiến nhanh trên đạo lộ. Họ hành động như một người “có cục bướu dư thừa trên cần cổ quý báu” như câu tục ngữ nói. Chư Phật trong ba đời không vị nào thành Phật mà không cần tâm bồ đề là chuyện chưa ai từng nghe tới. Bởi thế, ai không có tâm bồ đề thì sẽ không đạt thành Phật quả mong cầu; và nếu họ thiếu bồ đề tâm tức là họ không có mong cầu đạt thành Phật quả. Bởi thế bạn phải xét điều này một cách nghiêm túc.

Giáo thọ Rego nói với Drubkang Geleg Gyatso: “Mỗi khi ông đến, chúng ta sẽ nói chuyện về tâm bồ đề. Chắc chắn tôi sẽ được một ngày vui. Những câu chuyện như thế đối với người bây giờ thực hoàn toàn xa lạ.”

Trong chúng ta rất ít người thực hành bồ đề tâm. Một vài người nói: “Bồ đề tâm thật khó phát” và bởi thế gạt qua bên một chuyện phát tâm bồ đề. Những người khác lại nói: “Đấy là phần thông thường của Đại thừa; chúng tôi thiền quán về những đề tài sâu xa hơn như hai giai đoạn của mật điển Du già tối thượng: và cũng dẹp tâm bồ đề qua một bên. Chuyện này cũng giống như một người đi tìm viên ngọc ước trong một vũng bùn do dấu chân trâu để lại thay vì đi tìm trong biển cả. Đức Tsongkapa nói:

“Vì hiểu như vậy nên những người con anh dũng của chư Phật đã lấy tâm bồ đề quý vô thượng này làm pháp tu chính yếu của họ.”

Như vậy, chỉ có bồ đề tâm được ca tụng như là pháp thực hành căn bản. Ngày nay một số người thường bảo rằng pháp tu căn bản của họ là quán một vị thần nào đó. Những người khác lại bảo họ chuyên môn về sách thiên văn của Trung Quốc. Những người khác thì tụng chú v.v… để giải quyết những vấn đề riêng tư. Nhưng bạn sẽ không bao giờ thành tựu Phật quả nếu bạn không có bồ đề tâm.

Atìsha nghĩ rằng Suvarnadvìpi là bậc thầy tốt nhất trong những bậc thầy của ngài. Và khi ngài ốm, ngài đã bảo đệ tử Dromtoenpa: “Tâm của ông hiền thiện; ông hãy gia trì cho tôi.” Atìsha muốn nói đến tâm bồ đề.

(Kyabje Pabongka Rinpoche kể câu chuyện về bậc thầy Pháp Hộ lúc trước là một người theo phái Tỳ Bà Sa, về sau trở thành một người theo Trung quán nhờ tâm bồ đề của ngài.)

Những thiện sự của Atìsha lan xa và rộng ở Ấn cũng như ở Tây Tạng đều là nhờ năng lực tận tụy của ngài đối với những bậc thầy và tâm bồ đề của ngài. Như những người phái Kadampas ngày xưa nói:

“Bạn có thể đạt đến mức tịnh chỉ sâu xa đến đạo lộ trống đánh bên tai cũng không nghe, những điều ấy vô ích nếu bạn không có tâm bồ đề.”

Bậc thày Rahulagupta cũng nói:

“Dù có thấy được hình ảnh các vị thần bảo hộ, dù đạt được các thần thông và thiên nhãn, hoặc có được định lực vững như núi cũng không ăn thua gì. Hãy thiền quán về tâm từ và tâm bi!”

Trong các kinh điển, bồ đề tâm được xem như xe báu của Chuyển luân hay sinh lực của một người nào đó, hay như những bàn tay.

Trong quyển Dòng Tương Tục Vi Diệu của Đại thừa nói:

“Sự quý mến Tối thượng thừa là hột giống của trí tuệ, đó là bà mẹ sinh ra chư Phật.”

Điều này được ví dụ như sau. Một người cha có tác dụng như nguyên nhân quyết định của một dòng họ, còn bà mẹ giống như một nguyên nhân không thể quyết định. Bồ đề tâm quý báu như thế, như nguyên nhân quyết định để thành Phật; còn trí tuệ đạt được tánh không là nguyên nhân bất định cho bất cứ loại giác ngộ nào trong ba loại (Thanh văn, Duyên giác, Bồ tát) bởi thế trí tuệ về tánh không là nhân cho sự Giác ngộ trong bất cứ cỗ xe nào tình cờ bạn gặp, như Đại thừa và Tiểu thừa. Như vậy, người nào chỉ có hiểu biết về bồ đề tâm cũng được giác ngộ sớm hơn một người thiếu tâm bồ đề mà thiền quán về các pháp Đại thủ ấn, Dzogchen (thiền đốn ngộ), hay quán về một bộ loại chư thần. Tâm bồ đề là cốt tủy, và đây là thông điệp của đức Atìsha vĩ đại, một người thấu triệt tất cả nền diệu pháp và đã tu tập bồ đề tâm. Ngài nói: “Hãy thiền quán về từ, bi, và tâm bồ đề.”

Vì lý do ấy, đừng đặt hết hy vọng của bạn vào việc thiền quán về chư thần và tụng chú mà thôi. Bạn phải nỗ lực về bồ đề tâm. Phát triển tinh túy này của Phật pháp trong dòng tâm thức bạn đã là chuyện đáng nỗ lực để làm và bạn chắc chắn sẽ phát tâm bồ đề nếu bạn thiền quán về tâm ấy, vì các pháp hữu vi không luôn luôn cố định; nguyên nhân chính sẽ phát sinh hiệu quả mong muốn. Tuy nhiên trước khi Atìsha đến Tây Tạng, thì ở Tây Tạng đã hiện hữu một nghi lễ để truyền trao sự phát bồ đề tâm. Khởi đầu buổi lễ, mọi người sẽ tụng: “Tôi sẽ đạt thành Phật quả vì lợi ích của tất cả hữu tình đã từng là mẹ của tôi.” Họ đã thay thế bồ đề tâm bằng công đức suông. Muốn phát tâm bồ đề trong dòng tâm thức của bạn, bạn phải luyện tâm: Nếu không có sự luyện tâm thì thật khó để làm ngay cả cái việc làm quen với tâm bồ đề, chứ đừng nói đến sự phát sinh trong tâm bồ đề một cách tự nhiên như kiểu bạn được trao truyền giới Biệt giải thoát. Một lần Atìsha đã nói với những người Tây Tạng một cách mỉa mai rằng “Những người mà người người Tây Tạng các ông xem là bồ tát thật chưa từng biết đến từ hay bi gì!” Những người Tây Tạng hỏi lại: “Thế thì chúng tôi phải làm sao?” Ngài trả lời: “Hãy tu tập theo từng giai đoạn.”

Phát bồ đề tâm mà không phải trải qua lòng thương xót rộng lớn thật là điều hoàn toàn bất khả, nên bạn cần phải luyện tập tâm qua từng giai đoạn.

2.3.2. CÁCH PHÁT TÂM BỒ ĐỀ.

Có hai tiêu đề phụ: (1) Luyện tâm nhờ chỉ giáo về nhân quả gồm bảy phần; (2) Luyện tâm nhờ đổi địa vị mình với kẻ khác.

“Chỉ giáo về nhân quả gồm 7 phần” khởi đầu bằng cách nhìn hữu tình đều đáng mến. Đây là phương pháp được sử dụng bởi Atìsha, Chandrakirti, Chandragomin, Shantarakshita, và những người khác. Hệ thống của Shantideva là luyện tâm bằng sự đổi địa vị mình với người khác. Bạn có thể phát tâm bồ đề bằng luyện tập theo một trong hai cách chỉ giáo này, vì đấy là những hệ phái bắt nguồn từ đấng đạo sư được truyền xuống qua Di lặc và Văn Thù.

Tác phẩm Ngọn đèn soi đường của Atìsha và những tác phẩm của ngài đưa ra những chỉ giáo của Suvarnadvipi, bậc thầy đã gìn giữ cả hai dòng chỉ giáo nói trên. Hệ thống 7 phần nhân quả rất thịnh hành vào thời các phái Nyingma và Kadampa, nhưng những chỉ giáo về sự đổi địa vị mình với người thì được truyền trong vòng bí mật. Bằng cách ấy, sự truyền thừa của nó xuống đến Tsongkapa. Giáo lý của Ngài dạy cách luyện tâm trong cả hai loại chỉ giáo; bạn phải thực hành phối hợp cả hai cách. Tuy nhiên mặc dù hai cách này phải được phối hợp trong sự thiền quán của bạn, khi bạn luyện để có tâm bồ đề thì hai phương pháp này lại được thảo luận riêng rẽ.

Có tám đoạn trong.

a-1. Sự Luyện Tâm nhờ những chỉ giáo nhân quả 7 phần.

(1) Xả vô lượng; (2) Hiểu rằng tất cả hữu tình là mẹ của mình; (3) Nhớ lại sự tử tế của họ; (4) Trả ơn họ; (5) Tâm từ để nhận thấy sự dễ thương của họ; (6) Tâm bi; (7) Tâm vị tha; (8) Tâm bồ đề.

Sáu điều từ (2) đến (7) là nhân; đưa đến quả bồ đề tâm. Đấy là cách tất cả những điều ấy tác động như nhân và quả; nhưng trước khi bạn có thể phát sinh ước muốn thành Phật để lợi lạc tất cả hữu tình, bạn phải có tâm vị tha để đảm nhận trách nhiệm đem lại an vui cho mọi người. Hơn nữa, bạn không thể phát triển tâm vị tha nếu bạn không có lòng bi mẫn đến độ không thể chịu nổi thấy mọi hữu tình đang bị nỗi thống khổ dày xéo. Muốn phát sinh tâm bi thì bạn phải phát sinh tâm từ nhờ năng lực lôi cuốn bạn đến với hữu tình như là con cái ruột thịt của mình. Trước khi có được tâm ấy bạn phải xem tát cả hữu tình như người thân, đối với họ bạn có sự lôi cuốn mà bạn không có đối với kẻ thù. Vì hình ảnh thân thiết nhất của bà mẹ, nên bạn sẽ thương yêu tất cả hữu tình nếu bạn có thể chứng minh họ quả thực là những người mẹ, nhờ lại sự tử tế của họ, và mong muốn đền đáp.

Đó là lý do chỉ giáo này được gọi là chỉ giáo về “nhân quả,” vì mỗi bước là điều kiện tiên quyết cho bước kế. Không nên thiển cận nghĩ rằng tiến trình này quá dài: bạn chắc chắn có thể phát tâm bồ đề nếu luyện tập theo những bước ấy. Những chỉ giáo của phái Kadampas thường rất sâu sắc, nhất là đối với giáo lý của Tsongkapa: ngài đã thụ giáo trực tiếp từ Đức Văn Thù, những giáo lý này đề cập toàn bộ kinh giáo và mật giáo một cách hoàn toàn vô cấu. Họ còn sâu sắc hơn cả những tiền bối của họ. Bậc tôn sư tôi, nơi nương tựa, người che chở tôi, nói:

“Dường như những giáo lý ở Tây Tạng trong quá khứ đã sửa soạn mảnh đất cho giáo lý của Tsongkapa tiếp theo như vàng ròng.”

Tagtsang Lotsawa nói:

Con ca tụng kho tàng hùng biện chưa từng có của thầy

Về tất cả kinh giáo và mật giáo

Nhưng nhất là về Kim cang thừa;

Về tất cả loại mật điển

Nhưng nhất là mật điển tối thượng;

Về tất cả mọi phần của hai giai đoạn.

Nhưng nhất là về thân huyễn.

Hoặc, như Dzogchen Paelge nói: “Ôi hỡi Tsongkapa, ngài là nguồn suối hùng hồn của kinh điển và mật điển…” Những lời ca tụng này xuất phát từ những vị tu chứng rất cao.

“Trao truyền Phật quả” dường như là hơi nhiều, dù là trao truyền địa vị thấp nhất trong đạo lộ tích lũy đã là chuyện khá khó khăn. Nhưng bạn lại được truyền trao quả Phật nếu bạn nương vào Lam-rim. Tuy nhiên bạn sẽ không triển khai được Phật quả nếu không tu tập theo thứ tự của đạo lộ. Vậy trước hết cần phải luyện để thấy tất cả hữu tình đều đã từng là mẹ mình. Nếu bạn không luyện tập bằng sự nghĩ tưởng như thế một cách nghiêm túc, nếu bạn không đặt nỗ lực vào đấy, thì dù bạn muốn thành Phật, việc tu hành của bạn cũng hóa ra điên đảo từ sau ra trước. Bạn cũng sẽ như những người mong muốn sung sướng mà lại làm quấy. Bạn có thể nỗ lực tu hành các mật điển, con đường rất nhanh, nhưng bạn phải chịu khó trong những kỹ thuật luyện tâm bồ đề. Nếu không, bạn sẽ như một người muốn đến tỉnh Tsang, mà cứ việc leo lên một con ngựa hay bất cứ con gì khác, rồi nhắm mắt phi nước đại, với cảm tưởng rằng mình đang đi đến tỉnh Tsang. Rốt cuộc anh ta lại không đến Tsang, mà có thể đến Kongpo hay Rong!

Làm sao bạn khởi sự phát sinh tri kiến xem tất cả hữu tình như mẹ, có thể xác minh bằng hình ảnh sau. Nếu bạn không chuẩn bị cái nền cho bức họa, thì bức họa sẽ không xuất hiện. Nếu bạn không phát tâm xả đối với tất cả hữu tình, thì cho dù bạn thiền quán về từ, bi, hay bất cứ gì khác, thì bạn chỉ có phát sinh một hình thức méo mó về những tâm này. Bởi thế trước hết bạn cần phát sinh tâm xả vô lượng.

Pháp luyện tâm bằng chỉ giáo bảy lớp nhân quả không bao gồm mọi sự chứa đựng trong pháp luyện đổi địa vị mình với người, trong khi pháp sau này có bao gồm cả pháp trước.

a-1.1. Xả vô lượng

Xả vô lượng là điều đầu tiên cần thiền quán trong chỉ giáo về bảy lớp nhân quả. Chúng ta cần có tâm xả đối với tất cả hữu tình, nhưng hiện tại dòng tâm thức ta không có thái độ bình đẳng trước tất cả: chúng ta giận ghét một số người và ưa thích một số khác. Chúng ta có thể dùng những người xa lạ làm đối tượng đầu tiên để luyện tâm, rồi tiến đến những người bạn, và đến kẻ thù. Hoặc ta có thể lấy cả ba hạng làm đối tượng cho chúng ta. Tôi nghĩ cách sau này được áp dụng rộng rãi hơn.

Chúng ta nên thiền quán về kẻ thù, bạn và người xa lạ, tưởng tượng họ trước mặt. Chúng ta có ba phản ứng khác nhau đối với họ:ghét, ưa và dửng dưng. Trước hết ta tức giận những người mà hiện tại ta cho là kẻ thù của ta. Khi ấy ta nhìn sâu vào bản chất những sự bực bội của mình, và nghĩ về nguyên nhân của chúng - rằng những người ấy đã làm hại ta. Kế tiếp, ta thiền quán về tính chất những sự bực bội của mình, và nghĩ về nguyên nhân của chúng - rằng những người ấy đã làm hại ta. Kế tiếp, ta thiền quán về tính bất trắc của mọi sự, như đã bàn trong phần “Nghĩ Về Những Thống Khổ Chung Trong Sinh Tử.” Chúng ta quán tưởng những kẻ thù ấy có thể đã thân thiết với ta nhiều đời trong quá khứ. Hơn nữa, mọi người mà hiện tại ta cho là bạn hay thù thì chỉ “có vẻ” như vậy mà thôi. Ta không chắc họ sẽ luôn luôn như vậy.

Có hai quan điểm: quan điểm cho ta và quan điểm cho người. Về phần ta, thật vô lý nếu ta thương hay ghét người nào. không những tất cả hữu tình đều bình đẳng trên phương diện này, mà về phần họ, tự bản chất họ cũng bình đẳng. Tất cả họ đều đáng thương như nhau. Tất cả đều muốn hạnh phúc, không muốn khổ đau. Bởi thế, từ quan điểm của người, tất cả hữu tình cũng đều bình đẳng và đáng được đối xử một cách không thiên vị.

Trên một khía cạnh khác, bạn có thể nghĩ rằng giữa họ có sự khác nhau vì một vài người trong đó làm lợi ích cho bạn trong đời này, trong khi những người khác đã làm hại bạn. Không phải thế. Lợi ích trong quá khứ với lợi ích ở hiện tại không khác gì nhau. Hại gây ra trong quá khứ với hại gây ra trong hiện tại cũng đều giống nhau cả. Ví dụ, nếu một người nào đánh vào đầu bạn năm ngoái với đánh đầu bạn năm nay thì sự hại vẫn là một. Năm ngoái cho bạn một hộp trà với năm nay cho bạn một hộp trà thì cũng chẳng khác gì. Hãy lấy ví dụ mười người ăn xin. Khi họ đến nhà bạn xin ăn, về phần họ, họ đều đáng thương ngang nhau vì đều đói khát và đang xin một thứ giống nhau. Về phần bạn, tất cả đều giống nhau ở chỗ trong số họ, không ai làm hại bạn.

Nếu bạn có được tâm xả đối với kẻ thù, bạn, và người dưng nhờ quán như trên, thì bạn có thể trải tâm ấy đến tất cả hữu tình. Khi bạn có tâm xả đối với hữu tình, thì bạn không phân loại chúng thành thù hay bạn. Điều này sẽ vĩnh viễn ngăn bạn làm những hành động tà ác thuộc thế gian như hàng phục kẻ thù, nâng đỡ người thân. Nếu không có tâm xả, thì bạn sẽ tách riêng từng người mà cho rằng người nọ người kia cần đặt ngoài câu “tất cả hữu tình.” Người nào phân biệt như thế sẽ không bao giờ phát tâm bồ đề được. Bạn phải nỗ lực làm việc với tâm xả này hết năm này qua tháng khác mới được, vì nếu bạn chỉ có thiền quán vài thời mà thôi thì bạn sẽ không tiến bộ chút nào; những hi vọng đặt nền tảng cho giác ngộ của bạn khi ấy vẫn chỉ là một mong mỏi trong ý tưởng. Nếu bạn nỗ lực luyện tâm bồ đề, thì tôi có thể đoán chắc với bạn là nó lợi ích hơn là nỗ lực vào các thứ ích lợi cho hao mòn đời người của bạn, như thiền quán về chư thần, tụng chú, hoặc cố cải thiện khả năng thiền định của bạn.

(Khi ấy Kyabje Pabongka Rinpoche ôn lại tài liệu trên)