Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Bảy

30 Tháng Tám 20164:06 CH(Xem: 2384)
Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Bảy

PHẦN NĂM
PHẠM VI LỚN

NGÀY MƯỜI BẢY

Kyabje Pabongka Rinpoche nói về một số lợi ích của tâm bồ đề.

Shàntideva, một vị pháp vương tử nói:

Kính lễ những vị bồ tát 
Đã phát tâm bồ đề tôn quý 
Dù có gặp những sự tệ hại nào. 
Họ vẫn không bỏ chúng ta. 
Suối nguồn của hạnh phúc ấy 
Là chỗ nương của tôi.

Nói cách khác, người nào đã phát tâm bồ đề trong dòng tâm thức có thể bị lăng nhục vân vân, nhưng họ vẫn làm việc vì lợi ích của kẻ lăng nhục họ, và dẫn người ấy đến hạnh phúc vĩnh cữu:

(Khi ấy ngài kể một chuyện ngắn để chúng tôi khởi động lực chính đáng)

Tóm lại, bất cứ hành vi nào bạn làm có kèm theo bồ đề tâm đều là pháp Đại thừa, và đều làm nhân cho quả Phật. Như vậy, chỉ thiền quán về chư thần hay tụng chú thì không phải là cách tu có hiệu quả, và bạn không nên làm việc cách ấy. Pháp Lam-rim là căn bản của một pháp tu hiệu nghiệm; trong đó sự thực hành bồ đề tâm là điều cần thiết. Nếu thiếu bồ đề tâm thì dù bạn trải qua suốt đời trên một ngọn núi, sự thiền định của bạn cũng chỉ là nông cạn và bạn không tiến gần hơn đến Phật quả chút nào.

“Kyabje Pabongka Rinpoche nói làm thế nào chúng tôi cần phải lấy bồ đề tâm làm pháp tu chính, và chỉ giáo sự luyện tâm là thiết yếu cho sự phát tâm bồ đề, vân vân. Sau khi kể câu chuyện ngắn để giúp chúng tôi khởi động lực, ngài ôn lại những tiêu đề đã bàn, nhắc lại lợi lạc của bồ đề tâm và thiền quán về tâm xả.

a-1.2. Luyện tâm gồm bảy điểm

Phần đầu về chỉ giáo gồm bảy giai đoạn luyện tâm bồ đề gọi là “Hiểu Tất Cả Hữu Tình đã là Mẹ Ta.” Điều này quả rất khó triển khai, nhưng nếu không có nó, thì nhân và quả đưa đến chuyện “Đền Đáp Sự Tử Tế Của Hữu Tình” sẽ không tiếp theo sau đó. Bởi thế hãy xem việc này rất quan trọng.

a-1.2.1. Nguyên nhân thứ nhất: mọi hữu tình đã là mẹ ta.

Bạn phải hiểu rằng tất cả hữu tình đã từng là hình ảnh của một người bạn hay bà con thân thiết nhất - ví dụ bà mẹ của bạn. Bạn không có dịp nào có được bồ đề tâm nếu bạn không triển khai được một sự hiểu biết như vậy. Bạn có thể dùng nhiều lý luận để nghĩ về những đề tài sâu xa như tánh không, v.v… nên chúng không khó hiểu. Nhưng nếu chỉ suy tư sâu xa mà thôi thì rất khó hiểu được dù chỉ một câu đơn giản trong kinh. Tuy thế đối với những người lợi tuệ, thì mọi sự phải được chứng minh bằng lý lẽ. Thật khó mà đạt thực chứng trong phần này vì nó chỉ có một dòng lý luận độc nhất. Lý luận ấy được nói trong tác phẩm của Pháp Xứng (Dharmakìti) Luận Về Những Pháp Có Giá Trị:

Khi một người đã được tái sinh,

Thì thật phi lý nếu hơi thở,

Các cơ quan, tâm ý của nó

Chỉ phát triển từ thân thể mà thôi,

Không phụ thuộc vào

Những vật đồng loại với nó…

Điều cần chứng minh ở đây là bản chất vô thủy của tâm ta. Tâm hôm nay là tiếp nối tâm hôm qua, và cái tâm hôm qua là cái tâm tiếp nối trước đấy. Chừng ấy là dễ hiểu. Cái tâm ngay sau khi sinh ra là tiếp tục của tâm nằm trong bào thai. Cái tâm ngay sau khi nhập thai là tiếp tục của một cái gì đi vào đấy. Khi sinh tử trở lui về thời gian cho đến vô tận, thì bạn không thể tìm một khởi điểm nào cho tâm này. Điều này chứng tỏ rằng những tái sinh của bạn cũng phải trở lui về thời gian vô tận. Do vậy, số lượng những tái sinh của bạn cũng vô cùng. Nghĩa là bạn đã tái sinh vô số lần. Cũng như trong đời này bạn có mẹ, thì mỗi lần tái sinh trong quá khứ bạn cũng có mẹ, dù bạn sinh từ trứng hay sinh từ thai. Mỗi lần sinh ra như thế, bạn phải có một bà mẹ, một trăm lần sinh ra có trăm bà mẹ, ngàn lần sinh ra có ngàn bà mẹ, v.v… Bạn phải đã có vô số bà mẹ, nên thật không thể nào hữu tình không từng là mẹ bạn.

Bạn có thể cãi: “Đã đành tôi phải từng có nhiều mẹ, nhưng thật phi lý nếu bảo tất cả hữu tình đều là mẹ tôi, vì hữu tình thì vô số kể.” Nói chung, bạn đã có rất nhiều tái sinh; hơn thế nữa, bạn đã sinh ra vô số lần trong hình hài của mỗi loài hữu tình. Có thể bạn đã tái sinh nhiều lần hơn số lượng hữu tình hiện tại; và trong mỗi loại tái sinh này, bạn cần số lượng tương đương những bà mẹ. Bởi thế không những tất cả hữu tình để chỉ làm mẹ bạn một lần mà thôi. Long Thụ nói:

“Nếu bạn đếm tất cả những bà mẹ

Bằng những viên đất vo tròn nhỏ,

Thì quả đất cũng không đủ để tính…”

Đoạn này nói đến dọc trực tiếp những bà mẹ, nghĩa là bà ngoại, bà cố, vân vân. Tuy nhiên, ở đây tôi sẽ giải thích lại theo tuyền thống khẩu quyết của bậc thầy. Hãy đem tất cả đại địa mà vo tròn thành từng hạt đất bằng hột anh đào; mỗi hột kể là một bà mẹ trong mỗi đời tái sinh. Khi bạn vo hết cả quả đất lại thành từng viên nhỏ như thế, bạn vẫn chưa đếm hết số lượng những bà mẹ mà bạn đã từng có. Nếu tất cả hữu tình không phải đã làm mẹ bạn, thì sẽ có sự chênh lệch.

Hơn nữa, vì tất cả hữu tình chắc chắn sẽ đạt giác ngộ thì sẽ đến lúc không còn một hữu tình nào. Nhưng, vì vòng luân hồi đối với bạn không có khởi thủy, nên bạn đã có nhiều lần tái sinh hơn số lượng các hữu tình hiện có. Vậy, nếu tất cả chúng sinh đã không từng là mẹ bạn vô số lần, thì sẽ có sự so le. Bởi thế tất cả chúng sinh đã từng là mẹ bạn nhiều lần.

Không có một hình thức hữu tình nào mà bạn chưa từng tái sinh trong đó; hãy nghĩ bạn đã từng tái sinh vô số lần trong những hình thức ấy. Lấy ví dụ sinh làm người. Không một nơi nào trong lục địa này mà ở đấy bạn chưa từng sinh làm người, và đã làm vô số lần. Cũng cách ấy, bạn đã tái sinh trong mỗi thế giới hệ ở phương đông, tây, nam, bắc v.v… Vì bạn đã có nhiều tái sinh hơn số lượng hữu tình, nên không những họ đã từng làm mẹ bạn, mà còn mỗi một loài trong số ấy cũng đã từng làm mẹ bạn trong những kiếp tái sinh thân người, bởi thế, có thể kết luận rằng tất cả hữu tình đều là mẹ bạn.

Nếu sau khi quán như trên mà bạn không phát triển được tri kiến, thì hãy tự hỏi: “Trong đời đã qua ta có mẹ không?” Rồi bạn nghĩ, rõ ràng trong đời này ta có mẹ, vậy thì đời trước cũng có. Rồi bạn tiếp tục quán đời trước nữa, vân vân.

Các Lam-rim Con Đường Dễ và Con Đường Nhanh chỉ đề cập ngắn gọn làm thế nào bạn nên thiền quán về tri kiến “tất cả chúng sinh này đều là mẹ ta.” Nhưng tôi muốn giải rộng tiêu đề này, dùng những chỉ giáo tôi đã hấp thụ với tôn sư tôi. Muốn cho sự tu tập không thối giảm, thì điều cốt yếu là những người thực hành đều đặn pháp này, hoặc những người nhận trách nhiệm giảng dạy, phải quán như sau, để dễ làm cho người triển khai thực chứng trong Lam-rim này.

Trước hết hãy quán mẹ trong đời này đã từng là mẹ nhiều kiếp. Rồi quán cha mình cũng đã từng làm mẹ mình. Sau đó quán tất cả bạn bè, người thân, rồi người xa lạ đều là mẹ mình. Nếu bạn đã đạt được vài tuệ giác từ tất cả điều này, thì kế tiếp hãy quán sát những kẻ thù cũng đã từng là mẹ mình. Chỉ khi ấy bạn mới thực hành pháp này đối với tất cả hữu tình. Mặc dù vậy, bạn vẫn có thể nghĩ, “Nếu tất cả hữu tình đã là mẹ, thì tôi sẽ nhận ra ngay. Nhưng tôi không nhận ra, bởi thế họ không thể là mẹ tôi được.” Nhưng chính chư Phật cũng đã bảo rằng không một hữu tình nào chưa từng làm mẹ của ta. Thực sự tất cả đều đã từng làm mẹ bạn, chỉ có điều bạn không nhận ra được mà thôi. Bà mẹ hiện đời này của ta về sau có thể tái sinh làm một con chó, nhưng ta sẽ không thể nói ra điều này; ta cũng sẽ không nhận ra bà thực đã là mẹ của ta. Điều này được chứng minh bằng câu chuyện về Utalavarnà (Liên Hoa Sắc) và trong lời trích dẫn:

Ăn thịt cha, đánh mẹ

Kẻ thù đã bị giết ngồi trên gối.

Vợ nhai xương chồng,

Sinh tử có thể là một trò hề như vậy.

Bởi thế, không vì bạn không nhận ra mà hữu tình không phải mẹ bạn, cũng không phải vì bây giờ họ không còn là mẹ mà bảo rằng trong quá khứ họ không phải là mẹ; nếu thế thì bà mẹ trong giai đoạn đầu đời bạn không phải mẹ trong giai đoạn sau; mẹ hôm qua cũng sẽ là không còn là mẹ hôm nay, vì mẹ hôm qua thuộc về quá khứ. Đây là một khía cạnh vi tế của vô thường và thật khó nhận chân, nếu bạn chưa từng khảo sát. Lấy ví dụ cái khăn quàng này. Một năm trước khi còn mới nó không có vết dơ, không có lỗ thủng. Nhưng cái tương tục của nó, nghĩa là khăn quàng hôm nay, thì đã hôi hám và bị mối ăn. Đây là sự khác nhau giữa hai cái. Bởi thế, bạn cần phải suy nghĩ về sự kiện rằng không có gì khác nhau những bà mẹ trong đời quá khứ và vị lai. Cũng thế, nếu có người nào đã từng cứu sống bạn năm ngoái thì đương nhiên năm nay bạn cũng còn nhớ ơn họ.

Tiêu chuẩn để xác định bạn đã tu tập để triển khai được tri kiến này là, khi trông thấy một con kiến, bạn cũng nhớ ngay rằng mình đã từng con của chúng sinh ấy, đã hoàn toàn lệ thuộc vào nó trong mọi nhu cầu để sống.

a-1.2.2. Nguyên nhân thứ hai: nhớ lại sự tử tế của họ

Khi bạn có được tuệ quán đi sâu vào sự kiện tất cả hữu tình đã là mẹ mình, thì phải nghĩ đến lòng thương mà họ đã chan chứa cho bạn. Hãy lấy trường hợp điển hình là bà mẹ hiện tại của bạn: bà thương yêu bạn từ lúc đầu đời, giữa đời và cuối đời. Lúc đầu bà cưu mang trong thân bà trong chín tháng, thương yêu che chở. Bà thận trọng từng miếng ăn thức uống vì sợ hại cho đứa con trong bụng. Nếu mẹ ta không biết cách săn sóc ta chu đáo đến thế, thì bây giờ ta đã không gặp nền Diệu pháp để tu học. Việc này không xảy đến do tự chúng ta xoay sở, mà phải nhờ lòng tử tế của mẹ ta.

Sau khi bạn ra đời, mẹ nâng niu bạn trong đôi tay, mặc dù khi ấy bạn không biết tí gì và trông gớm ghiếc như một con ốc sên. Bà giữ cho bạn ấm bằng thân thể bà, đặt bạn nằm trên giường êm dịu, mĩm cười với bạn đầy trìu mến, và còn dùng miệng mà hút nước mũi bạn chảy ra, vì sợ nếu dùng tay thì sẽ làm cho bạn đau đớn. Bà dùng tay để lau phân cho bạn, vì sợ dùng một miếng gỗ hay vật gì khác thì bạn sẽ đau. Bà không thể rời bạn một ngày, hay chỉ một giờ. Mỗi ngày bà cứu bạn khỏi hàng trăm tai nạn có thể giết bạn: chó có thể ăn bạn, chim có thể tha bạn đi, hoặc bạn có thể rớt xuống hố. Con đau đớn khổ sở như là chính mẹ đau đớn khổ sở. Tâm tưởng của mẹ hoàn toàn chỉ nghĩ về đứa con của mình, dù khi đi nghỉ, bà lại dần dần tập cho con đứng, nói, ăn uống. Nhờ thế mà bây giờ ta có thể di chuyển, nói năng không khó nhọc gì.

Mẹ cũng bất cần khi bạn phải phạm tội, mất danh tiếng, hay dù phải chịu khổ nhọc vì kiếm tiền để nuôi con. Mẹ thương con còn hơn da thịt bà, nên bao nhiêu tiền dành dụm được bà chỉ tiêu xài cho con mà không một đồng xài cho chính bà. Dù bạn là ai - nam hay nữ, đã có vợ có chồng hoặc đã xuất gia - thì mức sống của bạn đều nhờ lòng tử tế của mẹ bạn. Tóm lại là bà làm hết sức mình trong giới hạn khả năng và kiến thức của bà, để lo cho bạn được sung sướng. Không có sự cùng tận cho lòng thương của mẹ đối với bạn để bảo vệ khỏi mọi đau khổ hiểm nguy.

Tất cả những hữu tình khác, như người cha của bạn, cũng đã thương yêu bạn không kém. Vì tất cả hữu tình đều đã làm mẹ bạn trong những tái sinh thân người - không chỉ một lần mà vô số lần - nên họ cũng đã cho bạn tình thương như người mẹ trong đời này của bạn đã cho bạn. Khi những hữu tình khác làm mẹ bạn trong những kiếp tái sinh làm dã thú chẳng hạn, những bà mẹ ấy cũng đã săn sóc bạn và đối xử với bạn một cách đầy thương yêu; dùng lưỡi mà liếm thân thể bạn. Chẳng hạn khi bạn làm chim, thì đôi cánh của bà mẹ ấp ủ và che chở bạn trong một tháng trời. Khi bạn gặp kẻ thù đe dọa, như một người cầm gậy chẳng hạn, bà sẽ che chỡ chim con bằng cách hy sinh cả thân mạng, mặc dù bà có thể bay xa. Bà thường mớm cho bạn ăn, dù khi bắt được một con sâu bà cũng để dành cho bạn.

Bởi thế hữu tình đã tử tế với bạn, không phải chỉ một hai lần, mà họ tử tế trong mọi tình huống. Sự thương yêu của họ không thể suy lường. Có lần một tên cướp ở Golog đâm vào bụng một con ngựa cái; bà mẹ có bầu đang hấp hối ấy sinh ra một ngựa con ngay trên đất và liếm nó để tỏ dấu yêu thương. Nhìn cảnh tượng ấy, kẻ cướp được cải hóa. Làm sao bạn chắc được bạn đã không từng là con ngựa con ấy? Và như con ngựa cái có thể đã tỏ lòng yêu thương với bạn vào kiếp tái sinh ấy, thì tất cả hữu tình đều cũng đã tỏ một lòng thương như vậy đối với bạn không gì khác.

a-1.2.3. Nguyên nhân thứ ba: đền đáp sự tử tế của họ

Shantideva nói:

Bạn và hữu tình luôn luôn có lý do để đau khổ;

Hữu tình đều bình đẳng trong đau khổ

Điên cuồng bởi vọng tưởng và mù quáng vì vô minh

Mỗi bước đi của chúng đều đưa đến vực thẳm.

Bạn nên nghĩ như sau:

Giả sử mẹ bạn trong đời này bị mù không ai dắt dẫn, và bị điên. Bà sắp rơi xuống vực, trong khi người con đang ở gần. Nếu bà không nhờ con giúp đỡ thì bà có thể nhờ ai? Nếu con không cứu mẹ thì ai cứu? Tất cả hữu tình cũng thế, thiếu con mắt tuệ để phân biệt pháp và phi pháp, để thay đổi lối hành xử của mình. Mỗi bước đi của họ đều được dẫn dắt bởi thói xấu - những dục vọng và ác hành. Họ không có hướng đạo tâm linh, không ai chỉ dẫn cho họ nên làm điều này tránh điều nọ. Tâm họ bị giao động và ô nhiễm vì ba độc tố vọng tưởng; họ không thể kiểm soát tư tưởng mình nên như điên. Họ sẽ rơi xuống vực thẳm đưa đến những đọa xứ, trong nhiều kiếp thân thể họ không khác gì với ngọn lửa địa ngục. Chúng ta trái lại đã gặp được hướng đạo tâm linh, gặp pháp đại thừa. Chúng ta biết ít nhiều về cách thay đổi lối hành xử của mình. Bởi thế chúng ta ở trong hoàn cảnh khá hơn họ và có trách nhiệm phải làm gì để cứu họ.

Bức thư gởi môn đệ của Chandragomin nói:

Họ như những người bà con bị kẹt trong biển sinh tử,

Bị rơi vào luồng nước xoáy đại dương;

Do vì trải qua nhiều lần sống, chết và tái sinh,

Bạn không nhận ra họ và bạn làm ngơ;

Thật đáng khinh bỉ

Nếu bạn chỉ lo tự cứu lấy mình.

Nghĩa là muốn thiền quán về sự trả ơn chúng ta phải nghĩ rằng, ta có cách để giải thoát hữu tình đang bị kẹt trong biển khổ. Trách nhiệm cứu vớt họ là ở trên vai chúng ta, chúng ta thực đáng khinh nếu không làm việc ấy.

Tác phẩm Trái Tim Của Trung Đạo đã nói như sau về sự trả ơn:

Từ trước tới nay tôi đã bị ám bởi con ma vọng tưởng;

Cũng như một vết thương bị kích thích,

Hoặc như bị đánh đập.

Cái gì đem lại đau khổ như thế

Cho một người bệnh?

Có cách nào khác

Để trạ ơn những người đã thương tôi

Kính trọng và giúp đỡ tôi

Trong những đời tái sinh trước -

Một cách giúp đỡ mà không đem lại cho chúng khổ đau.

Bạn nên nghĩ như sau: “Nếu chỉ cho họ thực phẩm y phục v.v.. thì tôi chỉ giải thoát họ khỏi cơn đói khát tạm thời. Việc ấy không đem lại cho họ lợi ích lâu dài nào cả. Tuy nhiên họ sẽ được lợi ích lớn và dài lâu nếu họ có tất cả hạnh phúc và dứt tất cả đau khổ. Nếu tôi có thể dẫn họ đến Phật quả, thì họ sẽ có được mọi hạnh phúc, và thoát khỏi mọi khổ đau. Vậy tôi sẽ dẫn họ đến Phật quả.”

Giả sử mẹ của bạn bị điên, đang cầm con dao cố giết bạn, con của bà. Bạn sẽ không giận bà mà sẽ cố làm cho bà hết cơn điên. Đây là cách mà bạn phải đền đáp sự tử tế đối với những kẻ thù của bạn.

a-1.2.4. Nguyên nhân thứ tư: Thiền định về tâm từ phát sinh từ năng lực của sự lôi cuốn

Tâm từ này xuất hiện dưới dạng một sự yêu mến phát xuất từ tim đối với tất cả hữu tình. Geshe Potowa đã nói với một bà già: “Tình thương do năng lực của sự lôi cuốn là giống như bà thương con trai bà.” Nói cách khác tình yêu do năng lực của sự lôi cuốn có nghĩa là thương tất cả hữu tình như mẹ thương con. Tình yêu này không phải là một đề mục thiền riêng biệt: Bạn sẽ triển khai nó một cách tự nhiên, khi bạn đã triển khai phần nào ba đề mục trước đó là “Hiểu rằng tất cả hữu tình đã là mẹ ta,” “Nhớ lại sự tử tế của họ” và “Mong mỏi đền đáp lòng tử tế ấy.” Bởi vậy hãy quán tưởng như sau:

“Đừng kể đến hạnh phúc không ô nhiễm trong dòng tâm thức của hữu tình: họ chỉ có toàn những hạnh phúc ô nhiễm. Ngay cả điều mà họ cho là hạnh phúc cũng chưa thoát khỏi bản chất khổ đau. Thật kỳ diệu thay nếu tất cả hữu tình có được hạnh phúc! Mong sao họ sẽ có được! Tôi sẽ làm cho họ có được hạnh phúc như thế!”

Tác phẩm Tràng Hoa Quý Báu của Long Thụ nói đến những lợi lạc sau đây của phép quán tâm từ:

Mặc dù một người như thế chưa được giải thoát,

Họ sẽ đạt được 8 đức chính yếu của tâm từ.

Công đức bố thí 300 thứ đồ ăn

Mỗi ngày vào cả 3 thời

Cũng không thể sánh với công đức đạt được

Do quán tâm từ trong chốc lát.

Chư thiên và loài người sẽ yêu mến họ

Và che chở họ;

Họ sẽ có sự thoải mái tâm hồn;

Và có nhiều hạnh phúc;

Khí giới và độc dược không hại được họ;

Họ sẽ thành đạt mục đích không khó khăn,

Và sẽ được sinh lên Phạm thiên giới.

Những lợi lạc có được tám công đức do thực hành quán tâm từ thật lớn lao. Bạn sẽ được tái sinh làm Chuyển luân vương hay làm Phạm thiên một thời gian bằng số lượng của chúng sinh mà bạn dùng làm đối tượng quán là tất cả hữu tình cùng tận giới hạn của không gian thì bạn sẽ thành tựu hình thức Niết bàn vô trú hay năng động, Niết bàn Đại phạm - nghĩa là Niết bàn đại thừa hay Phật quả.

a-1.2.5. Nguyên nhân thứ năm: Tâm đại bi

Đây là một nguyên nhân quyết định cho Phật quả. Đức Tsongkapa đặc biệt chú ý đến tâm đại bi trong chương “Những giai đoạn trong sự luyện tâm bồ đề” thuộc tác phẩm “Những giai đoạnlớn của đạo lộ. Ngài cho những tiêu đề sau đây: “Chứng minh rằng đại bi là gốc rễ của con đường Đại thừa”, “Những nhân quả khác đều hoặc làm nhân hoặc làm quả cho tâm đại bi.” Lại nữa trong một kinh có nói rằng toàn thể con đường đại thừa và hậu quả của nó tùy thuộc vào tâm đại bi, cũng như vua Chuyển luân tùy thuộc vào bánh xe của ngài hay một người tùy thuộc vào sinh lực của y. Chandrakirti nói trong phần mở đầu tác phẩm Thực Hành Trung Đạo:

Tình yêu là một hạt giống cho một mùa gặt lớn lao -

Quả vị của một Đấng Chiến thắng.

Cũng như nước, tình yêu làm cho mùa màng tăng trưởng,

Và về sau nó chín thành kết quả được ước ao,

Như thể nó đã chín mùi sẵn sàng để sử dụng

Chính vì thế mà ngay từ đầu

Tôi ca tụng tâm đại bi.

Tâm đại bi cũng quan trọng như một hạt giống vì nó bảo đảm đạo lộ ấy là đại thừa ngay từ khởi thủy. Đại bi cũng thiết yếu như nước và phân vì nó phát sinh một sự kiên trì suốt con đường, như áo giáp chống lại sự thiếu thốn trong những phận sự trước mắt của một người con Phật. Cuối cùng tâm đại bi quan trọng ngang hàng với kết quả được thưởng thức, bởi vì nhờ có tâm đại bi mà bạn tiếp tục làm các thiện sự ích lợi cho hữu tình sau khi bạn đã thành Phật quả. Mức độ năng lực của tâm bồ đề nơi bạn cũng là một nhiệm vụ của tâm đại bi; và chư bồ tát đi qua con đường tu tập nhanh hay chậm cốt yếu tùy thuộc vào năng lực tâm đại bi của họ. Nhiều điều khác xảy ra do năng lực tâm đại bi: Chư bồ tất đi vào các mật điển để tìm một con đường nhanh, và họ hoàn tất con đường này một cách nhanh chóng nhờ mãnh lực của tâm bi nơi họ. Một ví dụ: khi một đứa trẻ rớt xuống một hố lửa thì cha mẹ nó sẽ cứu nó tức khắc, trong khi những quyến thuộc khác không có được cái ý chí cứu cấp nó một cách không ngần ngại.

Khi mới thiền quán về tâm đại bi, hãy lấy đối tượng của bạn là một con cừu đang bị đồ tể làm thịt. Bạn sẽ khởi tâm thương xót một cách dễ dàng và nhanh chóng. Bạn phải quán cách con cừu chết, các cách nó bị giết rất tàn bạo và cách nó chết trong trạng thái đau đớn hãi hùng. Con cừu bị đặt lật ngửa. Tay chân nó bị trói bằng một sợi thừng. Nó cũng biết mạng sống nó đang bị đe dọa, nhưng bất lực không thể thoát khỏi, không có người che chở, không nơi nương tựa. Đôi mặt nó đẩm lệ nhìn trừng trừng vào mặt người đồ tể.

Tuy nhiên khi chúng ta thấy một con cừu bị giết như vậy, ta thường tự hỏi liệu nó có đủ thông minh để biết chuyện gì xảy đến hay không. Có lần một đồ tể đang giết nhiều cừu, sau khi đã giết một ít con, ông ta trói một con nữa để làm thịt. Một con cừu khác tình cờ đứng gần con dao của người đồ tể, nó bèn đá tung đất lên để lấp con dao. Câu chuyện này chứng tỏ loài vật cũng kinh quá những nỗi đau khổ và hãi sợ. Mặc dù bây giờ những con cừu đang gặm cỏ trên sườn núi, chưa bị dẫn đến chỗ làm thịt, song cuối cùng chúng sẽ phải bị một số phận giống hệt như thế. Khi bạn thiền quán tâm bi, hãy nghĩ chúng đã từng là những bà mẹ của bạn trong nhiều đời quá khứ. Một khi bạn đã khai triển quán tâm bi, hãy nghĩ chúng đã từng là những bà mẹ của bạn trong nhiều đời quá khứ. Một khi bạn đã khai triển được một vài tuệ quán đi sâu vào chuyện này, hãy nhớ lại những thiền quán của bạn về nỗi khổ ở các đọa xứ mà chính bạn có thể phải trải qua những khổ đau ấy. Một vài bà mẹ của bạn sẽ bị thiêu đốt bằng sắt nung đỏ và uống nước đồng sôi trong những địa ngục này. Một vài bà mẹ sẽ tái sinh làm ngạ quỷ, bị hành hạ bởi nỗi đói khát v.v… Hãy khai triển tâm thương xót đối với họ và nghĩ như sau:

“Sự khác nhau duy nhất giữa đàn cừu trên núi và con cừu đang bị giết chỉ là vấn đề thời gian. Những người phạm tội chắc chắn rơi xuống các đọa xứ theo cách ấy. Như vậy mặc dù bây giờ họ có thể đang tự do, họ cũng không khác gì những người đang hướng đến các đọa xứ.” Rồi hãy thiền quán về tâm bi đối với bà mẹ của bạn trong đời này bằng cách xét những nguyên nhân của khổ mà bà đã tạo, và nỗi khổ bà phải chịu. Hãy thiền quán như thế để triển khai tâm đại bi:

Những người khác làm việc cực nhọc để kiếm sống,

Nhưng chỉ có nghĩa là họ đang phạm tội và đang phá giới.

Hiện tại họ đang tạm thời được ở một tái sinh thù thắng, nhưng họ vẫn đang trải qua ba hình thái khổ (khổ khổ, hành khổ và hoại khổ - DG) và sẽ trải qua đau khổ lứon lao hơn nữa trong các đạo xứ vì họ đang gây những cái nhân cho việc này xãy đến mà họ không biết. Lại nữa tất cả hữu tình đều đang tạo khổ và nhân của khổ. Thật tốt biết bao nếu những hữu tình này - đã từng là mẹ của tôi - sẽ không bị đau khổ và không gây những nhân khổ! Đây là điều mà tôi sẽ làm để đạt tới.”

Rồi bạn hãy làm pháp thiền khó hơn, ấy là phát triển tâm bi đối với những người hay những đối tượng mà bạn thấy khó thương. Nếu bạn thấy khó phát triển tâm bi đối với những chúng sinh như Phạm vương, thì hãy quán theo Phạm Vi Trung Bình; rồi bạn hãy triển khai nó.

Những tiêu chuẩn chứng tỏ bạn đã phát triển tâm đại bi trong dòng tâm thức là như sau. Bạn đã khai triển được tâm đại bi nếu dù khi ăn khi uống bạn đều nghĩ đến tất cả hữu tình và muốn cho tất cả đều thoát khổ, như một bà mẹđang lo cho đứa con cưng đang bị quật ngã vì một cơn bệnh độc hại.

Tuy nhiên tâm bi - chỉ mong sao cho chúng sinh thoát khổ - thì Thanh văn và Duyên giác cũng có. Nhưng lòng bi mẫn muốn thực sự cứu vớt chúng sinh ra khỏi đau khổ chỉ có đại thừa mới có. Bạn nên triển khai tâm bi thuộc loại sau này. Nhưng đấy là những điều rất khó triển khai, và bạn phải làm việc rất nhiều với những kỹ thuật. Nếu trong quá khứ bạn đã bệnh nặng, thì khi thấy những người đồng bệnh, bạn sẽ thấy thương xót vì cái cầu đoạn trường ấy chính bạn cũng đã đi qua. Bởi thế sẽ dễ dàng để phát triển tâm bi sau khi thiền quán một cách thiện xảo về nỗi khổ của sinh tử và của đọa xứ mà chính bạn có thể trải qua như đã tả trong Phạm Vi Nhỏ và Trung Bình.

Tâm từ do mãnh lực của sự lôi cuốn đến với hữu tình, khiến bạn thương yêu tất cả, cũng là một hình thái của tâm từ mong muốn cho ai nấy đều được hạnh phúc. Tuy nhiên một đằng có tính cách tổng quát; một đằng có tính cách đặc biệt. Tình yêu do năng lực của sự lôi cuốn là tổng thể có ba điều: hiểu rằng tất cả hữu tình là mẹ, nhớ lại lòng tử tế của họ, và mong đền đáp lòng sự tử tế ấy. Việc này nhất thiết phải đi trước tâm bi, vì nó làm phát sinh tâm bi. Tâm bi và tâm từ mong muốn hạnh phúc không có một tương quan nhân quả cố định. Một chương của tác phẩm Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ đề cập sự đền đáp lòng từ - mong muốn hạnh phúc - và thật thích hợp cho bạn để thiền quán về tâm từ này trước khi tâm bi. Tuy nhiên thiền quán về tâm từ sau khi thiền quán về tâm bi thì lại phù hợp với những chỉ giáo truyền thống về tu tập.

Kế tiếp chúng ta sẽ bàn về tâm vị tha. Ở giai đoạn này chúng ta thiền định chính yếu về tâm từ, mong cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc. Nhưng theo những tiêu đề trong tác phẩm Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ thì ta nên quán tâm từ “mong muốn hạnh phúc” phối hợp với loại tâm từ “Năng lực lôi cuốn” trước khi quán tâm bi.

a-1.2.6. Nguyên nhân thứ sau: Tâm vị tha

Bạn có trách nhiệm đối với mẹ mình. Cũng thế, bạn nên gánh lấy trách nhiệm làm cho tất cả chúng sinh thoát khổ và được an vui. Bạn phải làm quyết định rằng “Chỉ mình ta sẽ đưa chúng đến Phật quả.” Điều này mới là hạnh vị tha khác hẳn Thanh văn, Duyên giác. Giả sử bạn thấy một người sắp tung mình nhảy xuống vực thẳm; cảnh tượng ấy sẽ khiến bạn nghĩ, “Không ai cứu họ sao?” Một phản ứng như thế là phản ứng tâm từ và tâm bi, nhưng thay vì để mọi sự như vậy, bạn phải quyết định chính bạn sẽ cứu người ấy. Lòng vị tha cũng tương tự như thế. Thanh văn Duyên giác nói chung cũng có từ bi, nhưng không có tâm vị tha.

Bậc tôn sư tôi đã dạy rằng sự khác nhau giữa tâm vị tha này với cách bạn lãnh lấy trách nhiệm trong chương nói về “Đền đáp sự tử tế” được ví như một thương gia định mua vài món hàng hay đã kết thúc việc kinh doanh. Một đằng đã làm quyết định, một đằng chưa quyết.

a-1.2.7. Phát tâm bồ đề

Sau khi gánh trách nhiệm, hãy xem bạn có thể thi hành công việc được chưa. Dù chỉ một chúng sinh duy nhất bạn còn không thể giúp được nữa là. Bạn buộc lòng tìm một người có khả năng làm việc ấy một cách hiệu nghiệm, và xem bạn có thẻ đạt đến một địa vị như thế không. Một vài chúng sinh lớn lao ở thế gian như Phạm vương, Đế thích chẳng hạn, không ích gì cho hữu tình. Còn Thanh văn, Duyên giác, A la hán cũng không làm được gì nhiều hơn, vì họ chưa trừ hết các trói buộc. Các Bồ tất ở địa vị thứ nhất có thể giúp ích hữu tình hơn nhiều, song Bồ tát sơ địa này cũng chỉ làm được một phần nhỏ những gì mà Bồ tát còn một đời nữa thành Phật (Nhất sinh bổ xứ - DG) có thể hoàn thành. Ngay cả những việc những việc chư Bồ tát ở địa vị cuối cùng đem lại cho hữu tình khi các ngài ngồi dưới cội bồ đề. Và việc làm của bồ tát ở địa vị cuối cùng (Đẳng giác, Diệu giác- DG) cũng không bì được với những gì mà chư Phật thành tựu được. Nó như sự khác nhau giữa lòng tay bạn với toàn thể hư không. Chư Phật là vô tỉ trong cách “không cần dụng công nỗ lực” của các ngài (vô công dụng hạnh - DG) để lợi lạc hữu tình tùy theo tính tình, ước nguyện và khả năng của chúng. Nếu bạn đạt đến địa vị như Phật, thì bạn cũng sẽ có được những đức như thế. (xem chương nói về quy y, Ngày Mười Hai)

Bởi thế, bạn sẽ triển khai niềm xác tín rằng không thể nào làm lợi ích cho hữu tình nếu chính bạn chưa đạt đến trí biết cùng khắp (chánh biến tri). Bạn phải phát tâm mong cầu vô thượng bồ đề để lợi lạc hữu tình. “Xả,” “Hiểu rằng mọi Hữu tình đã từng là mẹ mình,” “Nhớ lại lòng tử tế của họ,” và “Mong đến đáp sự tử tế ấy,” tất cả làm thành căn bản cần thiết để khai triển một lòng khát khao làm lợi lạc kẻ khác, trong khi “Từ,” “Bi,” và “Tâm vị tha” thực sự phát sinh lòng khát khao ấy và ước mong đạt đến vô thượng bồ đề. Như có câu nói:

Phát tâm bồ đề

Là mong cầu hoàn toàn giác ngộ

Để lợi lạc hữu tình.

Nói cách khác, muốn thành Phật quả bằng cách chỉ thấy cần phải lợi ích hữu tình thì chưa đủ để phát tâm bồ đề một cách chân xác và toàn vẹn. Bạn phải muốn đạt đến địa vị ấy vì thấy rằng mình chưa thành Phật để lợi lạc cho chính mình nhờ những thực chứng vĩ đại và những từ bỏ lớn lao; tuy nhiên, bạn không chỉ muốn điều này cho lợi ích riêng mình. Cũng như bạn phát khởi một khát khao lợi lạc kẻ khác trong phần nói về tâm “Từ” “Bi” và “Vị tha,” bạn phải phát tâm mong cầu vô thượng bồ đề chỉ vì lợi lạc cho người khác.

Nhưng bạn có thể hỏi: Tôi có thể thành công không nếu thiền định như thế? Chắc chắn bạn có thể thành công chứ. Không có thời gian nào tốt cho bạn phát tâm bồ đề hơn là hiện tại, vì cái thân vật lý mà bạn có được này đã đủ cho bạn đạt thành Phật quả. Pháp mà bạn theo là lời dạy của Phật. Trong những giáo lý ấy bạn đã gặp được pháp Đại thừa, và quan trọng hơn nữa là mật giáo có thể giúp bạn giác ngộ ngay trong một đời duy nhất. Đấy là diều đúng cho tất cả các tông phái Phật giáo Tây Tạng. Hệ phái mật giáo của đức Tsongkapa có thể đưa bạn đến giác ngộ chỉ trong vòng 12 năm, và nhiều người đã đạt trạng thái hợp nhất còn nhanh hơn nhiều - chỉ trong ba năm ba tháng. Điều này có thể thấy trong các tiểu sử những bậc thánh như Tsongkapa và các đệ tử ngài. Chư thiên gọi thời hiện tại là “mạt thế” nhưng kỳ thực, chưa bao giờ ta có được một cơ hội tốt hơn bây giờ. Thân thể của Milarepa và Ensapa không hơn gì thân thể chúng ta có. Chúng ta giống như đứa trẻ bị què cỡi con lừa hoang: bây giờ là lúc cần nỗ lực!

(CT- Một đứa trẻ què trượt té lăn xuống đồi, và do một sự ngẫu nhiên kỳ diệu, nó rớt ngồi trên lưng một con lừa hoang. Con lừa chạy thục mạng, đứa bé bám riết nó. Mọi người trông thấy đều la lớn bảo nó dừng, nhưng đứa bé lại la lên đáp lại: “Một thằng què như tôi chỉ được một dịp cỡi lừa duy nhất trong đời. Dại gì không hưởng cái thú vui này!”)

Chúng ta thà chết còn hơn thiền quán Lam-rim! Người ta phí thì giờ xem sách, làm học giả, đọc tụng. Họ đều hụt mất cái cốt tủy! Nói chung ta không biết được mình có được một tái sinh như thế này nữa hay không: và dù có được, cũng sẽ rất khó mà gặp nền giáo lý này, nhất là nền giáo lý tuyệt đối không lỗi lầm như giáo lý của Đấng Chiến thắng thứ hai (sau Phật).

Bởi thế bạn phải thấy mình có thể phát tâm bồ đề, cái nhân để đạt toàn giác, trong khi đang ở trong tái sinh này. Khi bạn đã phát tâm thì điều ấy sẽ lợi cho cả bạn lẫn người khác. Một lần gặp thời đói kém, có người đàn ông và cả nhà ông ta sắp chết đói. Một ngày anh tìm được một miếng thịt. Anh nghĩ, nếu ta chia thịt này cho cả nhà ăn thì không thấm vào đâu, tất cả vẫn đói, ta biết đấy chỉ là giải pháp tạm thời. Chi bằng ta ăn hết phần thịt này để có sức mà đi kiếm thức ăn cho tất cả. Bởi thế người cha ăn hết miếng thịt và đi tìm thực phẩm cho tất cả mọi người. Như vậy, khi bạn thực hành mật điển, hay chỉ nhẩm thần chú “om mani padme hum” - hay khi tham dự một cuộc tranh luận hoặc lễ cúng dường - hãy làm việc ấy kèm với tâm bồ đề.

Khi bạn cảm thấy ước muốn hữu thức mong thành đạt Phật quả vì lợi ích hữu tình, thì tức là bạn phát tâm bồ đề giống như vỏ ngoài một cây mía. Nhưng nếu thêm vào đấy, bạn còn cảm thấy một ước muốn vô thức đạt giác ngộ để lợi lạc bất cứ hữu tình nào bạn gặp, thế là bạn đã phát tâm bồ đề chân thật trong dòng tâm thức của bạn. Bạn đã đi vào đạo lộ Đại thừa về tích lũy và khởi sự ba a tăng kỳ kiếp tích tập hai kho công đức. Bạn sẽ có được vô lượng thiện tính và được cái tên là “Pháp vương tử” và “Bồ tát.”Nếu bạn tu tập sau khi thành tựu tuệ quán này, thì chắc chắn bạn sẽ giác ngộ nhanh chóng dù bạn không qua con đường mật tông.

Sự phát tâm bồ đề có hai loại tùy theo bản chất của nó - loại ước nguyện (phát bồ đề nguyện - DG) và loại dấn thân (phát bồ đề hạnh); có bốn loại tùy theo vị trí của hành giả trên đạo lộ - loại bồ đề tâm thuộc về tin tưởng và loại thuộc phân tích (bốn loại là: thập tín, thập trụ, thập hạnh, và thập hồi hướng - DG); ba loại tùy theo sắc thái phát tâm bồ đề - loại của vua, vân vân; và có 22 loại phát tâm bồ đề. Điều quan trọng là phải biết những trình bày sai khác này (xem Trang hoàng cho Thực Chứng của đức Di Lặc.)

Đến đây chấm dứt chương nói về phát tâm bồ đề nhờ chỉ giáo bảy lớp nhân quả. Bây giờ tôi sẽ bàn về hệ thống luyện tâm theo cách đổi địa vị mình với người. Đây là thuyết của Shàntideva, một vị Pháp vương tử vĩ đại. Mặc dù bạn sẽ phát tâm bồ đề nếu bạn luyện theo cách bảy lớp nhân quả nói trên, chúng ta vẫn bao hàm phương pháp trao đổi mình và người, vì phương pháp này rất hiệu lực. Phái Kadampas tiền kỳ đã sử dụng kỹ thuật này.

Điều mà ta gọi là “luyện tâm” đặc biệt ám chỉ sự đổi địa vị mình với người, cho và nhận.

a-2. Luyện tâm bằng cách đổi địa vị mình với người.

Pháp này rút từ tác phẩm Hành Bồ Tất Hạnh:

Bất cứ ai mong che chở bản thân và người khác,

Hãy đổi địa vị mình với người.

Hãy làm hạnh thánh này trong vòng bí mật!

Nói cách khác, pháp hành này sẽ không làm cho một pháp khí không xứng đáng ưa thích. Từ thời Atìsha cho đến thời Geshe Chaekawa giáo lý này được bảo tồn dưới một mật ấn. Có nhiều bản văn về luyện tâm, như Pháp luyện tâm như chim công chinh phục phục được độc tố; nhưng pháp tốt nhất thuộc loại này là Luyện Tâm Bảy Điểm. Nếu bạn thực tập pháp này, thì còn lợi lạc hơn pháp đã bàn. Bây giờ tôi sẽ dạy pháp này theo một bản sao xưa cũ của bản văn gốc (xem Phụ lục)

Có nhiều cách trình bày bản văn này; tôi sẽ theo hệt phái giảng dạy phát xuất từ Ngulchu Dharmavajra và môn đệ.

Trước hết, tính vĩ dại của các tác giả giáo lý này. Hệ truyền thừa bắt nguồn từ Phật Thích Ca xuống đến Atìsha; Atìsha truyền cho cho Dromtoenpa dưới một mật ấn. Drom giảng dạy Lam-rim cho môn đệ giữa công chúng, nhưng truyền pháp luyện tâm cho Potowa và những người khác trong vòng bí mật. Potowa truyền cho Langri Tangpa và Geshe Sharawa, Sharawa truyền cho đệ tử là geshe Chaekawa tất cả giáo lý về tâm bồ đề. Những giáo lý này được giảng công khai suốt thời đại Chaekawa.

Geshe Chekawa sinh vào một gia đình theo mật phái Nyingma và trở nên một người tinh thông năm minh, vân vân, nhưng ngài vẫn chưa thỏa mãn. Ngài tình cờ gặp tác phẩm của Langri Tangpa nhân đề Luyện Tâm Trong tám câu kệ, đại ý:

Hãy đem lợi lộc và vinh quang cho kẻ khác;

Hãy nhận sự thua thiệt và thất bại về phần mình.

Chaekawa tìm kiếm ý nghĩa câu này, nhưng lúc ấy Langri đã chết. Ngài gặp người kế vị của Langri là Sharawa và yêu cầu vị này chỉ giáo về cách luyện tâm. Nhờ thiền quán ngài dã phát tâm bồ đề trong dòng tâm thức. Chaekawa chi giáo nhiều người bệnh cùi, nhờ pháp thiền quán này mà nhiều người khỏi bệnh. Bởi vậy giáo lý này còn gọi là “Pháp của người cùi.” Chaekawa nghĩ thật rất uổng nếu một nền giáo lý như thế này phải giữ bí mật, nên ngài dạy pháp này giữa công chúng. Ngài viết thành sách nhan đề là Luyện Tâm trong bảy điểm. Tác phẩm này chia giáo lý thành bảy phần. Giáo lý này còn gọi là Tinh Chất Cam Lồ vì nó là giai đoạn cuối của việc luyện tâm, sẽ giúp bạn đạt đến trạng thái bất tử là Phật quả.

Tính vĩ đại của Pháp này có thể thấy được bằng cách tham chiếu lại phần nói về lợi lạc của tâm bồ đề, thế nào là bồ đề tâm như kim cương. Nó cũng có thể xua tan bóng tối của ngã ái, như chỉ một chút tia sáng mặt trời có thể xua tan bóng đêm. Nó có thể xua tan cơn bệnh ngã ái cũng như một chút dược thảo cũng đủ xua tan cơn bệnh. Trong thời đại có đủ năm thứ suy đồi này, khi mà pháp khác không còn hiệu lực, thì cách luyện tâm này sẽ giúp bạn, bạn sẽ không bị phiền hà vì những hoàn cảnh không may. Pháp này có nhiều lợi lạc như thế.

Nó khởi đầu bằng “Đảnh lễ Tâm Đại Bi.” Sự kính lễ này không phải làm đối với đức Thánh Quan Tự Tại, đức Phật đầy bi mẫn: như bậc thầy Chandrakirti kính lễ tâm đại bị mở đầu tác phẩm Thực Hành Trung Đạo, ở đây cũng thế. Bây giờ ta hãy theo dõi bảy phần của thân bài chính về pháp luyện tâm này.

a-2.1. Dạy về những chuẩn bị cho pháp này

Chương này là luyện tâm trong phần đường chung với những Phạm Vi Nhỏ và Trung Bình. Tôi không phải dạy lại phần này ở đây, vì không có gì khác nhau giữa cách đề cặp ở đây với cách trong Lam-rim.

a-2.2. Luyện tập hai loại tâm bồ đề

Luyện tập (1) tâm bồ đề tuyệt đối, và (2) tâm bồ đề tương đối.

a-2.2.1. Tâm bồ đề tuyệt đối.

Giáo lý được truyền thừa từ quá khứ nói rằng hạng người Đại thừa lợi căn nên luyện tâm bồ đề tuyệt đối trước hết. Tuy nhiên, câu chuyện về ngài Hastikopava có thể tái diễn nếu bạn làm việc luyện tâm bồ đề tuyệt đối trước khi giảng dạy phần kia nói về phương pháp.

(CT. Hastikopava đã làm một lỗi lầm khi dạy tâm bồ đề tuyệt đối trước - nghĩa là dạy trí tuệ về tánh không - cho một ông vua; ông này đã sai giết ngài trước khi ngài có cơ hội tiếp tục giảng phần còn lại của giáo lý, nói về bồ đề tâm tương đối hay tâm đại bi)

Bởi thế bây giờ tôi sẽ giảng về luyện tâm bồ đề tuyệt đối trước. Đây là theo pháp hành trì của thầy giáo đạo Tsecholing. Tôi sẽ bàn về nó sau, vì nó được đề cập trong chương nói về sáu ba la mật.

a-2.2.2. Luyện tâm bồ đề tương đối

Nguồn gốc chỉ giáo này là câu chuyện Maitrakanyaka và những chuyện khác, nói về một tiền kiếp của đức Đạo sư đầy từ mẫn của chúng ta khi Ngài còn là một bậc Dư lưu trên đạo lộ. Mặc dù lúc ấy, ngài bị tái sinh vào địa ngục làm một lực sĩ bị bắt kéo xe, ngài đã phát tâm bồ đề, vân vân.

Có năm tiêu đề phụ.

(i) Quán mình người bình đẳng

Điều này được đi trước bởi những phần ta đã bàn trước đây, nghĩa là từ “Xả” cho đến “Tâm từ do mãnh lực lôi cuốn.”

Khi ấy bạn nên quán như sau. Cúng dường Đạo sư nói:

Giữa tôi và người không có gì khác:

Chúng ta đều không muốn một chút khổ nào,

Còn hạnh phúc thì không bao giờ biết chán đủ.

Xin cho tôi vui mừng trước niềm vui của người.

Nói cách khác, hiện tại chúng ta yêu mến và đánh giá cao cái vật ta gọi là “tôi,” nhưng lại không nghĩ người khác cũng như thế, vậy tôi và người không bình đẳng. Thật là điều không hợp lý nếu làm một phân biệt to lớn như thế giữa hai bên. Đáng lẽ ta phải nghĩ, “Tôi và người khác đều bình đẳng, vì ai cũng muốn hạnh phúc và không muốn khổ đau.”

Ở giai đoạn đầu này (về kỹ thuật) không cần sử dụng một lý lẽ nào. Giai đoạn luyện tâm này không khác gì với các phần “Hiểu rằng mọi Hữu tình đã là mẹ ta,” “Nhớ lại sự tử tế của họ,” và “Đền đáp sự tự tế của họ” trong kỹ thuật luyện tâm gồm bảy lớp nhân quả nói trên. Cũng vậy với hai phần cuối “Tâm Vị Tha” và “Tâm Bồ đề.” Tuy nhiên có khác nhau về mãnh lực của tâm Bi và tâm Từ qua năng lực của sự lôi cuốn. Hai khía cạnh này được đặc biệt đề cập ở đây. Chương trên về “Nhớ lại sự tư tế của họ” chỉ cho một phương pháp để nhớ lại sự tử tế của hữu tình đối với bạn khi họ khi làm mẹ của bạn. Kỹ thuật mới này có một cách nhớ lại sự tử tế của họ khi họ không phải là mẹ của bạn. Trước khi đi đến giai đoạn “trao đổi địa vị mình với người”, bạn phải nghĩ rằng hành ngã ái là một lỗi lầm, một điều kiện bất lợi, và thương người là một đức tính, một điều kiện thuận lợi.

(ii) Quán nhiều lỗi lầm phát sinh từ ngã ái

Cúng dường Đạo sư nói:

Tôi thấy căn bệnh ngã ái kinh niên này,

Là nguyên nhân sản sinh ra khổ đau không ai muốn…

Trong tác phẩm Hành Bồ Tất Hạnh nói:

Mọi khổ đau trên thế gian đã xảy đến

Bắt nguồn từ sự mong muốn hạnh phúc cho bản thân…

Bất cứ nỗi sợ hãi đau khổ nào

Trút xuống phàm phu

Đều bắt nguồn từ ngã ái

Sao tôi còn giữ con ma lớn này?

Bản văn gốc của chúng ta nói:

“Chỉ nên trách một điều mà thôi.”

Nghĩa là mọi khổ đau mà bạn không muốn đều phát sinhh từ ngã ái của chính bạn. Bị đau khổ vì khí giới, vì độc dược, trời rồng; vì tái sinh vào địa ngục làm quỷ đói súc sinh v.v…- tất cả điều này đã giết chúng sinh khác với hy vọng được lợi lộc hạnh phúc cho riêng mình, hoặc do vì đã keo kiệt, khinh bỉ người khác. Cũng vậy, bị ngã quỵ vì những chứng bệnh khí huyết như phong mật đàm v.v…, sợ hãi kẻ thù, vướng vào tranh chấp; hay sợ chính quyền theo dõi - tất cả điều này chỉ là do bạn thiếu tự chế, ham ăn, hoặc bị ám ảnh bởi thực phẩm, thời trang và danh tiếng. Trên đỉnh nấc thang xã hội những vị vua, thủ tướng, toàn quốc vướng vào chiến tranh, hoặc ở cuối nấc thang là dân chúng gia đình tranh chấp nhau, cả đến những tu sĩ cũng tranh giành nhau - tất cả điều ấy đều do một nguyên nhân duy nhất là ngã ái. Nếu không có ngã ái thì không có vấn đề. Ngã ái của bạn đã tạo ra tất cả rắc rối như trộm cướp, bao lúa mạch của bạn bị chuột khoét lỗ cũng là do ngã ái. Khi bạn chết vì độc dược hay vì ăn không tiêu, thì không thực sự là vì độc dược mà vì ngã ái. Bạn đã ăn quá nhiều. Ngã ái của bạn đã giết bạn. Khi bạn vô tội mà bị buộc là kẻ trộm, đấy là quả báo trực tiếp vì đã hại người khác do ngã ái.

Ngã ái là tên đồ tể đã giết những cơ hội cho bạn có tái sinh thù thắng hoặc giải thoát. Nói giống như tên cướp mang trên lưng một bao đầy 3 chất độc và trộm hết mùa gặt công đức của bạn. Nó giống như một người gieo giống đã gieo những hạt giống ác nghiệp trong thửa ruộng vô minh để gặt lấy mùa gặt sinh tử. Nó như người tìm vinh quang không màng tên nhọn, gươm giáo giữa trận mạc với hy vọng được vài lợi lộc cá nhân. Nó là một tên liều lĩnh trong cơn khủng hoảng đã bỏ trốn cả thầy, tu viện trưởng hoặc cha mẹ. Nó là tên khốn nạn tay không ngay từ đầu đã không làm được một đức hạnh nào. Nó làm cho bạn hy vọng, sợ hãi những điều không chính đáng. Nó làm cho bạn ganh ghét với những người trên bạn, cạnh tranh với những người ngang hàng, khinh bỉ người dưới, nó làm bạn kiêu căng khi được ca tụng và tức giận khi bị chỉ trích. Nó làm cho mọi sự trong thế gian đều xuống cấp. Nó là nguồn gốc của điều bất thiện, cái đem lại cho bạn đau khổ, một tên báo điềm xấu với gương mặt cú già. Nó là một con hình nhân bị ếm chôn ở giữa tim bạn. Nếu bạn cần phải hăm dọa một cái gì và ném cho nó đồ cúng, bạn hãy ném đồ cúng để xua đuổi con hình nhân ấy. Khi chúng ta ném ra những chiếc bánh lễ, chúng ta thường ném cho những hữu tình đã từng là cha mẹ ta trong nhiều kiếp trước, vừa khấn: “Cái này là dành cho kẻ thù tôi!” Thật là sai lầm biết bao! Đây là ý nghĩa lời trích dẫn. “Ngã ái là con chim báo điềm xấu có cái đầu màu xanh; sự tu luyện tâm là quà hối lộ để làm cho con vật quấy rầy ấy đi chỗ khác.”

Có lần một người thực hành lẽ Chod chiếm đoạt chỗ ở của phi nhân.

(CT: Lễ Chod hay “cắt đứt” là một phương pháp phát bồ đề tâm có tính cách phẫn nỗ và mãnh liệt, được truyền cho cô gái Tây Tạng tên Machig Labdroen trong khi quán tưởng Padampa Sangyae. Một điểm quan trọng của lễ này là, hành giả quán thân thể của mình bị chặt ra từng mãnh, đặt trong một cái tách bằng sọ người, được chuyển thành cam lồ cúng cho tất cả hữu tình, đặc biệt là cho những kẻ thù và người bất lương. Những hành giả về pháp tu này rất dễ nhận ra ở Tây Tạng với cái trống lớn của họ và một cái kèn làm bằng xương ống chân người. Sự thành công trong pháp này tùy thuộc vào chiều sâu của sự thực chứng của hành giả về 3 nòng cốt là sự từ bỏ, tâm đại bi và bản chất như huyễn của thân xác và mọi hiện tượng. Khi hội đủ những điều kiện ấy, người ta có thể vui vẻ đi đến nghĩa địa hoặc một nơi bị ác ma thường lui tới, hô triệu chúng lên để cúng thân xác mình.)

Phi nhân này bèn sử dụng yêu thuật để sống ở đấy. Một ngày kia 2 thí chủ của hành giả nói trên gây nhau, hành giả liền đến giảng hòa nhưng bị một trong hai người vớ lấy một khí giới để giết ông ta. Tôi nghe câu chuyện này từ bậc tôn sư của tôi. Căn nguyên cuối cùng của những cái chết bạo động như thế chỉ là do ngã ái. Hành Bồ Tất Hạnh nói:

Khi những tư tưởng của bạn

Chỉ mong lợi lạc cho mình,

Thì bao nhiêu công trình khó nhọc của bạn

Thực hiện qua vô số kiếp

Chỉ đem lại cho bạn khổ đau.

Nghĩa là, cái điều đem lại khổ đau cho ta từ vô thủy sinh từ đến nay là ngã ái của chính ta. Ngã ái và chấp thủ bản ngã là 2 chuyện hoàn toàn khác nhau, nhưng trong việc luyện tâm này chúng được bàn đến như thể cả hai chỉ là một, vì có vài điểm tương đồng. Nói vắn tắt, ngã ái và ngã chấp đều là gốc rễ của mọi vấn đề. Ngã ái thì vận hành bằng cách thiết lập cái tôi - cảm tưởng của bạn về bản ngã - cho là thực có. Ngã chấp thì vận hành bằng cách không từ bỏ những ý tưởng về tôi, và yêu mến những ý tưởng ấy.

Nói tóm lại, mọi vấn đề phát xuất từ một ý tưởng thâm căn cố đế “tôi muốn hạnh phúc,” nhưng nếu bạn không hàng phục được ngã ái này, thì bạn không có hạnh phúc. Bạn chưa từng kiểm lại để xem cái gì là gốc rễ đáng trách đã gây ra đau khổ cho bạn, nhưng đó chính là ngã ái. Từ này trở đi, bạn hãy kiểm lại xem cái gì đáng trách, hãy xem ngã ái của bạn như một kẻ thù, hãy thực hành những kỹ thuật để từ bỏ.

(iii) Quán sát nhiều đức tính do sự thương người.

Shantideva nói:

Tất cả hạnh phúc trên đời

Đều do mong muốn hạnh phúc cho người khác.

Và Cúng dường Đạo sư nói:

Tôi thấy rằng thương mến những hữu tình này,

- Những bà mẹ của tôi -

Là một ý tưởng đưa đến hạnh phúc,

Là cánh cửa dãn đến vô lượng đức tính…

Bản văn về luyện tâm của chúng ta nói:

“Hãy thiền quán về sự tử tế lớn hơn tất cả.”

Nói cách khác, có thân thể và tài sản thuộc một tái sinh thù thắng hay có hoàn cảnh tráng lệ vây quanh là do thương người mà ra. Đức hạnh từ bỏ sát sinh vì yêu mạng sống của kẻ khác sẽ chín thành quả báo tái sinh ở thượng giới, sống lâu, vân vân. Sự thực hành bố thí, từ bỏ thói hà tiện do thương người, sẽ được quả báo là có tài sản lớn, vân vân. Tóm lại, như Shantideva nói:

Cần gì nói nữa?

Hãy nhìn sự khác nhau

Giữa kẻ ngu làm việc cho mục đích riêng mình,

Và đấng Thánh đã làm lợi lạc kẻ khác.

Và trong Cúng dường Đạo sư có câu:

Tóm lại: người ấu trĩ chỉ làm việc lợi mình;

Thích Ca Mâu Ni chỉ làm lợi kẻ khác.

Mong cho con nhận thức được

Cái gì là lỗi lầm cái gì là thiện đức.

Lúc đầu chúng ta đồng đẳng với đấng Đạo sư, và cũng như Ngài, chúng ta đã lang thang trong sinh tử. Nhưng vào một thời điểm trong quá khứ, đấng Mâu ni khởi sự thương người và tiến lên để hoàn tất cả mục tiêu của mình và của người nhờ tận trừ lầm lỗi và đạt đến tột đỉnh của mọi thiện đức. Còn chúng ta thì trái lại, từ vô thỉ sinh tử cho đến ngày nay chỉ yêu mến bản ngã mình. Chúng ta đã cần cù khó nhọc với tâm mong cầu hạnh phúc cho mình, nhưng ta đã không được cái gì bù lại. Mọi sự chúng ta hoàn tất được chỉ có làm phương tiện cho chúng ta đi xuống các đọa xứ; và ngay hiện tại ta cũng chỉ có độc một nỗi khổ đau. Nếu ngược lại, trong quá khứ ta đã làm như đấng Đạo sư từ mẫn của chúng ta, thì mọi nỗi khổ của ta bây giờ đã được nhổ tận gốc rễ; chắc chắn chúng ta đã được hạnh phúc tối thượng và có thể thỏa mãn nhu cầu hữu tình một cách tốt đẹp rồi. Tuy nhiên điều ấy đã không xảy ra, nên ta mới rơi vào nỗi khổ hiện tại.

Có lần trong một lễ cầu an tại một tu viện, một vị geshe ở Dagpo đã xen vào buổi lễ vài lời nguyền rủa được tìm thấy trong tác phẩm Bánh xe Khí giới Sắc bén. Một ví dụ:

Sự việc là như thế đấy: tôi đã biết được kẻ thù tôi!

Ta đã phục kích và tóm được ngươi, hỡi tên trộm láu cá! 

Kẻ giả dối! Ngươi đã chọc quê ta với những lời lừa bịp!

Hỡi ngã chấp! Ta không còn ngờ gì nữa bộ mặt của ngươi.

Điều này đã gây một chấn động. Nhưng mục đích được xác định, đó là hãy nhận ra kẻ thù đích thực của ta.

Có lần một hành giả mật tông thực hành bùa chú giết nhiều kẻ cướp. Đức Dalai Lama đệ nhất, Gyaelwa Gedun Drub, con trai của Lubdroen, cầu xin rằng người phù thủy sẽ bỏ bùa chú giết ngã ái nơi chính ngài. Nhưng ngài không có ngã ái, nên bùa chú của phù thủy không hại được.

Drugpa Kuenleg có lần làm những bánh lễ để cúng trừ những chướng ngại cho em trai ông ta. Khi săp sắp tung ra ngoài những bánh lễ ấy, Kuenleg nảy ra một ý nghĩ là, tại sao không ném chúng vào ngã ái? Bởi thế ông ném bánh vào đùi của em trai ông.

Đấng Đạo sư đầy từ mẫn của chúng ta cũng thương người trong các tiền kiếp của Ngài. Một lần Ngài tái sinh làm vua Padmaka, Ngài chết vì một bệnh dịch tái sinh làm con cá Rohita, thịt của Ngài đã chữa nhiều hữu tình khỏi bệnh dịch. Khi Ngài tái sinh làm một con rùa Ngài đã cứu năm trăm thương gia rớt xuống biển; rồi Ngài lại xả thân cho tám mươi ngàn con ruồi. Ngài bố thí một nữa thân thể Ngài khi làm vị vua tên Shrìsena. Khi làm Mahàratnachùda Ngài có một viên ngọc trên đỉnh đầu, và Ngài dã cắt thịt mình để lấy viên ngọc ấy cho người khác. Khi làm thái tử Prakrti Ngài đã bố thí thân xác Ngài cho một con hổ đói sắp ăn thịt con. Khi làm Chandreprabha Ngài bố thí đầu.

Sau khi kể chi tiết những chuyện trên, Pabongka Rinpoche tiếp tục:

Đây là những hành vi của đấng Đạo sự từ mẫn của chúng ta. Chúng ta thường chỉ nghĩ đến mình, nhưng dù những việc ấy khó làm, ta cũng phải chuẩn bị để sau này có thể làm được như thế, bằng những lời cầu nguyện.

Thương người khác là việc làm chính đáng. Vì chúng ta tùy thuộc vào hữu tình để có thực phẩm, họ giống như một thửa ruộng cho nhiều mùa gặt tốt, hay như những viên ngọc ước. Không những tất cả hữu tình đều đã tử tế với ta khi họ là mẹ ta trong quá khứ, mà cả khi họ không là mẹ ta, chúng ta cũng chỉ sống được nhờ sự tử tế của họ. Chẳng hạn chỉ một bao bột lúa mạch cũng là kết quả của nhiều công việc nặng nhọc. Một số hữu tình phải cày đất, một số khác phải tưới nước, đập lúa vân vân. Ngôi nhà chúng ta đang ở là hậu quả của sự tử tế của hữu tình: Nhiều súc vật và người phải mang đất, xây tường, làm nghề mộc, kiếm nước, vân vân. Chiếc khăn quàng này bây giờ sẵn sàng để dùng, nhưng một số lớn cừu đã phải sản xuất ra len; một số người phải dệt và một số phải may.

Nhờ sự tử tế của tất cả hữu tình mà hiện tại ta tạm thời có được thân người thuận lợi; và cuối cùng nhờ sự tử tế của họ mà ta sẽ phát tâm bồ đề, luyện tập hạnh bồ đề và lại còn đạt thành Phật quả. Chúng ta có được tất cả là nhờ lòng tử tế của họ, vì hữu tình là đối tượng cho ta phát tâm bồ đề và bố thí. Hữu tình là căn bản của giới chúng ta và là đối tượng cho ta thực hành nhẫn nhục.

Hành Bồ Tất Hạnh nói:

Chư Phật và chúng sinh đều cần thiết như nhau

Để cho ta thực hành Phật pháp.

Trong khi bạn tôn kính chư Phật

Thì sao lại không tôn trọng cả hữu tình?

Nói cách khác, bạn đã thành Phật được một phần là nhờ lòng từ bi của bậc thầy, và một phần nhờ lòng tử tế của chúng sinh. Langri Tangpa nói:

Khi quán sát rằng tôi sẽ đạt đến lợi ích tối thượng

Nhờ tất cả chúng sinh

- Hơn là nhờ bất cứ một viên bảo châu nào -

Mong cho tôi càng thương chúng sinh hơn nữa.

Nghĩa là, chúng sinh sẽ thành tựu giúp bạn tất cả mục tiêu của bạn, những mục tiêu tạm thời cũng như tối hậu. Bởi thế, họ cũng giống như viên ngọc ước, do đó điều dĩ nhiên là phải thương mến tất cả hữu tình.