TINH TẤN SIÊU VIỆT – THỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT

30 Tháng Tám 20166:28 CH(Xem: 2939)
TINH TẤN SIÊU VIỆT – THỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT
TINH TẤN SIÊU VIỆT – THỰC HÀNH CỦA MỘT BỒ TÁT
Dilgo Khyentse Rinpoche

the-hearth-of-compassionChỉ để làm lợi ích cho riêng mình, ngay cả các Thanh Văn và Phật Độc Giác
Cũng phải nỗ lực như người cứu đầu mình đang bốc cháy:
Nhìn thấy điều này, để làm lợi lạc tất cả chúng sinh,
Thực hành hạnh tinh tấn, cội nguồn của những phẩm hạnh tuyệt vời, là thực hành của một Bồ Tát.

Để đánh thức và phát triển tất cả các phẩm hạnh siêu việt (ba la mật), tinh tấn là một hạnh trọng yếu. Tinh tấn là sự nỗ lực đầy hoan hỉ và quyết tâm tích cực để thực hiện những hành động tốt đẹp mà không có chút mong cầu hay tự mãn nào.

Tinh tấn có ba phương diện. Phương diện thứ nhất được gọi là “tinh tấn giống như áo giáp,” là để phát triển một dũng khí và chịu đựng đầy hoan hỉ mà bạn mặc nó như áo giáp chống lại sự ngã lòng. Thứ hai là “tinh tấn trong hành động,” là loại tinh tấn để bắt đầu tích tập công đức qua thực hành sáu ba la mật mà không chậm trễ hay trì hoãn. Thứ ba là “tinh tấn không thể ngừng dứt,” một năng lực vô bờ và liên tục để làm việc cho chúng sinh. Sự tinh tấn nên làm thấm đẫm việc thực hành các ba la mật khác và gia thêm sinh lực cho tất cả những ba la mật đó.

Loại tinh tấn thứ nhất, tinh tấn như áo giáp, là mặc áo giáp của sự quyết tâm mạnh mẽ và can trường khiến bạn chẳng bao giờ là nạn nhân của những chướng ngại do bốn quỷ ma tạo ra (những cảm xúc tiêu cực, tham luyến tiện nghi, bệnh tật vật lý, và cái chết), mà dù có thế nào chăng nữa, bạn cũng sẽ kiên trì trong những nỗ lực của bạn để hoàn thành các hoạt động phi thường của một Bồ Tát cho tới khi bạn an lập tất cả chúng sinh trong sự giác ngộ.

Loại thứ hai, tinh tấn trong hành động, là sự kiên trì quả quyết trong việc thực sự áp dụng ước nguyện đó. Khi cảm nhận một niềm hoan hỉ lớn lao về việc bạn có thể thực hành, đi trên năm con đường và đạt được mười cấp bậc,1bạn thực hiện một cách nhiệt tâm vô vàn hoạt động đáng ca ngợi, đặc biệt là việc nghiên cứu, quán chiếu và thiền định. Khi dấn mình vào tất cả những hoạt động này, hãy duy trì một dũng khí bất khuất và không bao giờ chịu làm nạn nhân của sự ngã lòng, lười biếng hay trì hoãn.

Loại thứ ba, tinh tấn không thể ngừng dứt, là năng lực không gì có thể thỏa mãn để làm việc liên tục cho chúng sinh. Ngày và đêm, hãy dấn mình vào mọi phương cách có thể, một cách trực tiếp hay gián tiếp, trong những tư tưởng, lời nói, và hành động của bạn để làm lợi lạc chúng sinh. Nếu bạn không thể trực tiếp giúp đỡ họ, bạn không nên lưu giữ điều gì trong tâm ngoài việc làm lợi lạc cho người khác, và hồi hướng mọi sự bạn làm cho việc thành tựu Phật quả của họ. Đừng bao giờ cảm thấy tự mãn bởi một vài phẩm hạnh tốt lành mà bạn có thể đạt được, và đừng bao giờ để sự sỉ nhục của người nào đó hay những nghịch cảnh làm bạn trệch khỏi những mục đích của bạn. Hãy luôn luôn kiên quyết tiếp tục cho tới khi bạn đạt được mục đích.

Đối nghịch với mỗi loại tinh tấn này là một loại lười biếng tương ứng.

Loại lười biếng thứ nhất là không ước muốn gì ngoài sự tiện nghi của riêng bạn. Điều đó biểu lộ như một khuynh hướng mê ngủ và lười nhác, khao khát sự thỏa mãn và tiện nghi tức thì cũng như trong việc không để ý tới Giáo Pháp. Cách đối trị cho loại lười biếng này là thiền định về cái chết và sự vô thường.

Loại lười biếng thứ hai là tánh nhút nhát. Thậm chí bạn cảm thấy ngã lòng trước khi bạn bắt đầu cố gắng làm điều gì đó, bởi bạn nghĩ rằng một người như bạn sẽ chẳng bao giờ đạt được giác ngộ cho dù bạn hết sức cố gắng tới đâu chăng nữa. Cách đối trị là củng cố sự kiên cường của bạn bằng cách quán chiếu về những lợi lạc của sự giải thoát và giác ngộ.

Loại lười biếng thứ ba là việc không biết tới những ưu thế chân thực của bạn. Bạn trở nên vướng kẹt trong những tập quán tiêu cực và vô ích. Quên lãng hay phớt lờ những mục đích sâu xa, bạn hoàn toàn bận tâm về những vấn đề hạn hẹp của cuộc đời này. Cách đối trị là hãy nhận ra rằng tất cả những mối bận tâm tầm thường như thế sẽ chỉ luôn luôn là nguyên nhân của sự đau khổ, và hãy ném chúng đi thật xa.

Người ta làm việc với nỗ lực to lớn cả ngày lẫn đêm để hoàn thành những điều chỉ nhắm đến sự tiện nghi, danh tiếng, và quyền lực của riêng họ - nói cách khác, đó là những điều mà về lâu về dài thì hoàn toàn vô nghĩa. Tuy nhiên, trong những gian khó mà bạn có thể phải trải qua vì Giáo Pháp, sẽ chẳng gian khó nào mà không có ý nghĩa. Những hoàn cảnh khó khăn bạn trải nghiệm sẽ giúp bạn tịnh hóa những tiêu cực được tích tập trong nhiều đời quá khứ và thâu thập công đức như một sự dự phòng cho những đời sau. Những đời sau ấy bảo đảm là sẽ tràn đầy ý nghĩa.

Không có tinh tấn, Bồ đề tâm và các hoạt động của một Bồ Tát sẽ không có phương tiện để bắt rễ và phát triển trong tâm bạn. Như Padampa Sangye đã nói:

Nếu lòng kiên trì của quý vị không có sức mạnh, quý vị sẽ không đạt được Phật quả;
Dân chúng Tingri, hãy bảo đảm là quý vị khoác lên người áo giáp (tinh tấn).

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni nổi danh về việc đưa tinh tấn siêu việt tới sự toàn thiện tối thượng của nó. Năng lực và công đức được phát triển bởi nỗ lực của ngài trải qua vô lượng cuộc đời đã có thể khiến cho ngài tái sanh làm một Đại Đế một ngàn lần, nhưng thay vào đó ngài đã quyết định hướng toàn bộ nỗ lực của ngài vào việc thành tựu Giác ngộ. Là những môn đồ của Đức Phật, chúng ta nên sử dụng câu chuyện cuộc đời ngài và những tiểu sử của các vị thánh vĩ đại trong quá khứ như những gương mẫu đầy cảm hứng. Chẳng hạn như Đức Jetsun Milarepa đã phô diễn nỗ lực không thể tin nổi, trải qua nhiều gian khổ để đạt được những mục đích sâu xa của ngài. Vairochana2 đã tới Ấn Độ để cầu Pháp khi còn rất trẻ, trải qua năm mươi bảy khó khăn không thể chịu đựng nổi để có được các giáo lý và nhiều lần ngài suýt mất mạng. Ngài và các dịch giả vĩ đại khác của Tây Tạng đã gặp những gian khổ ghê gớm trên bước đường du hành – sức nóng thiêu đốt và những cơn sốt, kế đó là chứng bệnh địa phương trong những đồng bằng Ấn Độ, sự hận thù khắc nghiệt của những nhà cai trị địa phương v.v.. Tuy nhiên các ngài đã kiên trì và thành công trong việc đưa Giáo Pháp đích thực trở về Tây Tạng.

Ngày nay bạn đang sống trong những quốc gia ở đó Giáo Pháp chỉ mới bắt đầu bén rễ, giống như một chồi non yếu ớt trên mặt đất. Chỉ có sự tinh tấn kiên trì liên tục của bạn mới làm cho nó có được trái quả. Tùy thuộc vào nỗ lực mà bạn đặt vào việc nghiên cứu, quán chiếu và thiền định, và việc kết hợp những gì bạn hiểu vào thực hành tâm linh, sự thành tựu có thể xảy đến trong nhiều ngày, nhiều tháng hay nhiều năm. Điều thiết yếu là hãy nhớ tưởng rằng mọi cố gắng của bạn trên con đường là vì chúng sinh. Hãy khiêm tốn và nhận thức rằng những nỗ lực của bạn chỉ như trò chơi của đứa trẻ nếu so sánh với hoạt động như đại dương của các đại Bồ Tát. Hãy giống như một bậc cha mẹ cung cấp cho những đứa con hết sức yêu quý, đừng bao giờ nghĩ rằng bạn đã làm quá nhiều cho người khác – hay ngay cả bạn đã làm đầy đủ. Nếu cuối cùng bạn đã ráng sức, chỉ bằng những nỗ lực của chính bạn, để an lập tất cả chúng sinh trong Phật quả, bạn hãy nghĩ tưởng một cách giản dị rằng mọi ước nguyện của bạn đã được hoàn thành. Đừng bao giờ có mảy may hy vọng nào là bạn sẽ được đền đáp.

So với một vị Thanh Văn hay Phật Độc Giác thì một Bồ Tát phải có sự tinh tấn lớn lao hơn rất nhiều, bởi Bồ Tát đã nhận trách nhiệm hoàn thành hạnh phúc tối thượng của Phật quả không chỉ cho bản thân mình mà còn cho vô lượng chúng sinh. Như có câu nói:

Vị anh hùng mang gánh nặng của tất cả chúng sinh trên đầu không có thời gian rảnh rỗi để bước đi chậm rãi.

Và:

Bởi tôi và tất cả chúng sinh bị trói buộc bằng một trăm xiềng xích,
Tôi phải nhân sự tinh tấn của mình lên một trăm lần.

Để tăng trưởng sự tinh tấn của bạn, hãy quán chiếu về mọi sự thật là vô thường. Cái chết là điều không thể tránh khỏi, có thể xảy ra bất thình lình và vô cùng nhanh chóng. Trong sự soi rọi đó hãy nghĩ rằng những mối bận tâm thế tục của cuộc đời này thì thực sự cạn cợt và thiển cận biết bao, và bạn có thể tự do ra sao nếu bạn có thể xoay chuyển tâm bạn khỏi những bận tâm đó. Nếu bạn thình lình nhận ra rằng một con rắn độc đang ẩn nấp trong lòng bạn, trong nếp gấp y phục của bạn, bạn có chờ đợi để làm một hành động, ngay cả trong một giây?

Chú thích:

1. Bồ Tát là những bậc đã chứng ngộ bản tánh trống không của các hiện tượng và sự không hiện hữu của tự ngã. Các ngài thoát khỏi các klesha, hay những cảm xúc thông thường (các phiền não). Có mười cấp bậc Bồ Tát, hay mười bhumi (thập địa). Bhumi thứ mười một là địa của Phật quả viên mãn, là quả vị được chứng ngộ khi cả hai che chướng – che chướng của các klesha (phiền não chướng) và che chướng ngăn che trí tuệ tuyệt đối (sở tri chướng) – đã hoàn toàn được quét sạch theo một cách thức không thể thay đổi được. Theo một ý nghĩa rộng lớn hơn, Bồ Tát được mô tả như một người dấn mình vào việc thực hành giáo lý Đại Thừa.

2. Lochen Vairochana (lo chen bai ro tsa na): vị lỗi lạc nhất trong các dịch giả (hay lotsawa) Tây Tạng vĩ đại, của thời kỳ Cựu Dịch (snga ‘sgyur) và là một trong tám đệ tử thân thiết nhất của Guru Padmasambhava.

Thanh Liên trích dịch từ nguyên tác: 
“The Heart of Compassion – The Thirty-Seven Verses on The Practice of a Bodhisattva” by Dilgo Khyentse Rinpoche