Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương IX: Lý Trí Và Thiền Định

20 Tháng Chín 201611:10 CH(Xem: 2670)
Chương IX: Lý Trí Và Thiền Định
ĐỐI THỌAI GIỮA KHOA HỌC VÀ PHẬT GIÁO
Matthieu Ricard – Trịnh Xuân Thuận - BS: Hồ Hữu Hưng dịch
Nhà xuất bản Phương Đông 2010

Chương IX: Lý Trí Và Thiền Định

Làm thế nào để nhận thức thế gian?

Việc tích trữ ý niệm và thông tin có cho phép đưa đến nhận thức tối hậu về thế gian? Đâu là giới hạn của luận lý và của lý trí thông thường mà khoa học thường đặt nền tảng? Khoa học có trả lời được tất cả các câu hỏi về thế gian và khám phá ra bản thể tối hậu? Phương pháp tiếp cận phân tích và hợp lý của khoa học khác nhau thế nào với những phương pháp thiền định của Phật giáo. Làm thế nào để kiểm chứng giá trị của khoa học thiền định đặt cơ sở trên việc quán xét nội tâm và thực nghiệm chủ quan?

Thuận: Trong khoa học, những phương pháp cơ bản dùng trong việc khám phá gồm có lý thuyết dựa trên phân tích và thực nghiệm. Nếu Phật giáo không quên lý luận và phân tích, thì dường như phương pháp chính mà Phật giáo sử dụng là Thiền định. Bạn có thể cho tôi biết chữ “nhận thức” có đồng nghĩa giữa khoa học và Phật giáo không? Nhận thức mà người ta có qua thiền định, có giống như nhận thức qua lý trí không? Thiền giả phải chăng nên từ bỏ việc phân tích để có nhận thức, và chỉ cần thuần khiết tâm trí, dứt bỏ mọi niệm tưởng, mọi suy nghĩ để nhận chân được thực tại.

Matthieu: Thể theo các quyển luận Phật giáo, chữ “hợp lý” (pramana) có nghĩa phương tiện để có nhận thức đúng đắn. Luận lý bắt buộc phải có trong mọi khía cạnh nhận thức, khoa học hay thiền định. Tuy nhiên, người ta có thể phân biệt một nhận thức quy định và một nhận thức tuyệt đối. Nhận thức quy ước cho ta biết về vạn vật hiện hữu, còn nhận thức tuyệt đối cho ta tiếp cận với bản thể tuyệt đối của các hiện tượng (như không tự tính, tánh không). Cả hai lối nhận thức đều có giá trị trong mỗi lãnh vực riêng biệt.

Luận lý và lý trí cũng đều được thiền định sử dụng khi quán sát sự vận hành của tư tưởng và thấy được khả năng chúng đem lại đau khổ hay hạnh phúc. Sự kiện tinh thần nào đem lại sự bình an nội tại và mở rộng lòng chúng ta với kẻ khác? Còn những gì là đem lại sự phá hoại tâm hồn chúng ta? Sự phân tích này cho phép chúng ta hiểu các tư tưởng kết nối với nhau như thế nào, và ràng buộc chúng ta ra sao?

Khi mà thiền định làm phát triển lòng nhân ái và từ bi của chúng ta, thì lý trí và thực nghiệm sẽ mở rộng mắt chúng ta về những kết quả tai hại của sự sân hận, cũng như lợi ích của sự kiên nhẫn trong đời sống hằng ngày. Tu tập để nuôi dưỡng những tình cảm và suy nghĩ đưa đến hạnh phúc thật sự, và chối bỏ những gì đưa đến đau khổ, thay đổi dần dần dòng tư tưởng của chúng ta, rồi đến tính tình của chúng ta.

Thuận: Giác ngộ có phải là nhận thức ở mức độ cao hơn không?

Matthieu: Có nhiều dị biệt giữa giác ngộ và nhận thức thông thường. Trước tiên giác ngộ không phải là nhận thức về sự đa dạng các hiện tượng và những sự kiện tinh thần, mà là về bản thể thật sự của chúng. Cách nhận thức cũng khác: Nhị nguyên chủ thể, khách thể biến mất, và lý trí thông thường nhường chỗ cho một sự nhận biết trực tiếp rõ ràng và tỉnh thức, có nghĩa là người thấy và vật được thấy chỉ là một. Tưởng chừng như là vô lý, nhưng giác ngộ phát xuất từ một luận lý tuyệt đối dựa trên sự hiểu biết về tánh không và vượt lên trên luận lý quy ước của một hệ tư tưởng thông thường.

Thuận: Có thể nói đây là một nhận thức trực giác hay thần bí chăng?

Matthieu: Những từ “trực giác”, “thần bí” có thể làm ta nhầm lẫn. Nếu dùng từ “trực giác” như một nhận thức trực tiếp, tức thì cũng gần đúng. Nhưng nếu ta đồng hóa cái trực giác ấy với một linh cảm mơ hồ không kiểm soát được, hoặc giả một cảm giác mơ hồ vọt ra từ tiềm thức, thì đó chỉ là phản ánh của những ước muốn hay những tư tưởng hỗn độn thường nhật của chúng ta. Trái lại, nếu ta dùng từ “thần bí” như một sự kết hợp mật thiết, không nhị nguyên với bản thể của tâm khi nào cũng trong sáng, chiếu diệu và vô niệm, thì đó là Thiền Phật giáo.

Chắc chắn là ta có thể có, trong khi thiền định nhiều trải nghiệm thần bí, nhưng đó chỉ là những phóng ảnh của tâm, chỉ làm ta lạc lối, thay vì soi sáng chúng ta. Thay vì chờ đợi những giây phút xuất thần, hay trầm mình trong tịch lặng, tốt hơn là nên Thiền định quán sát đến tột cùng, sau đó để tâm yên nghỉ, vô niệm trong một trạng thái sáng suốt miên viễn. Và như vậy ta đã thành tựu việc ngộ lại bản thể của tâm sâu xa và bất biến như bầu trời. Ta đi ngược lại cội nguồn của tư tưởng, và khi tư tưởng đã chấm dứt, ta mới hiểu được điều không thể diễn tả bằng lời được. Dù không diễn tả được, nhưng với nhiều thiền giả thuần thục, thì trạng thái đó là một trải nghiệm trung thực.

Thuận: Có phải vì thế và vì giới hạn của ngôn ngữ, nên Phật giáo dùng ẩn dụ hay biểu tượng để mô tả sự Giác ngộ. Hoặc giả các Thiền sư hay dùng hình thức “Công án” để đập tan mọi luận lý, mọi lý lẽ, gạt bỏ mọi khái niệm. Công án là một bí mật trong Thiền học dùng để mở tâm cho người học đạo. Ví dụ như vị thầy, khi vỗ tay hỏi đệ tử: “Tiếng vỗ một bàn tay là gì?” Câu hỏi này là để phá tan trong một thoáng chốc mọi vọng tưởng của người đệ tử, để anh ta có thể nhận thấy khi cơ duyên đã chín mùi, bản lai diện mục của mình.

Matthieu: Khi cần phải diễn tả những mức độ khác nhau của việc thành tựu tâm linh và nhận ra tánh không của vạn pháp, ta thường bất lực vì thiếu vắng ngôn từ. Người ta không thể dùng luận lý thông thường được vì đơn giản là nó không đầy đủ. Cũng khó cho thiền giả diễn tả tâm giác ngộ của mình, giống như người câm không nói được vị mật như thế nào. Và cũng vì thế nên Phật giáo vẫn dùng những ẩn dụ như ngón tay chỉ mặt trăng: phải nhìn mặt trăng, chứ không nên nhìn ngón tay.

Trong khuôn khổ tiếp cận chân lý như vậy, các vị Thiền sư thỉnh thoảng hay dùng những phương tiện bất ngờ để giúp đệ tử giác ngộ. Trong một đêm trăng sáng mùa thu, trên những triền núi nhìn xuống tu viện Dzotchen ơ Tây Tạng, nơi tôi có duyên trú ngụ một thời gian, một ẩn sĩ Tây Tạng thế kỷ XIX tên là Patrul Rinpotché nằm ngủ bên cạnh người đệ tử. Thình lình ông gọi anh ta:

“Này, anh thường nói với ta là anh không hiểu “Bản lai diện mục” là gì phải không?

- Thưa Thầy, đúng vậy

- Thật ra, có gì là khó đâu

Ông bảo người đệ tử đến nằm bên cạnh ông. Người đệ tử tên là Loungtok đến bên cạnh thầy và nhìn ngắm bầu trời Patrul Rinpotché hỏi tiếp:

“Anh có nghe tiếng chó trong tu viện sủa không? Anh có thấy các ngôi sao chiếu sáng không?”

-Thưa, có

-Thế thì bản lai diện mục là vậy đó”.

Đúng vào thời điểm ấy, Loungtok ngộ ra bản thể của tâm. Công tu hành nhiều năm, với sự giúp đỡ của thầy vào đúng khoảnh khắc thích hợp, Loungtok bỗng thấy tâm mình bừng sáng và đạt đến giác ngộ. Bản chất của giác ngộ là ra ngoài mọi khái niệm. Các cách nhận thức khác đều thiếu sót. Một lý thuyết chỉ có thể nói lên một khía cạnh của thực tại, vì lẽ nó chỉ dùng những mệnh đề giới hạn bởi những khái niệm. Cái khái niệm này có nhắc bạn nhớ lại định lý bất toàn của nhà toán học người Áo Kurt Godel không?

Thuận: Định lý Godel quả thật bao hàm những giới hạn cho việc suy luận hợp lý. Định lý này thường được xem là khám phá hợp lý quan trọng nhất trong thế kỷ XX. Năm 1900, người Đức David Hilbert đã thách thức là đã đặt được các môn toán học trên một nền tảng hợp lý vững chắc. Kurt Godel đã chấp nhận lời thách thức đó nhưng không phải theo chiều hướng mà Hilbert hiểu. Ông ta đề nghị vào năm 1931, một định lý lạ lùng và bí hiểm nhất về toán học. Ông chỉ ra rằng một hệ thống số học mạch lạc, và không mâu thuẫn nhất định gồm có những định đề không quyết định được, có nghĩa là không thể dùng luận lý mà nói chúng đúng hay sai. Mặt khác không thể chứng minh rằng một hệ thống là mạch lạc và không mâu thuẫn chỉ trên căn bản các nguyên lý toán học (là những tiên đề đầu tiên được chấp nhận mà không cần chứng minh) nằm trong hệ thống đó. Muốn làm được việc chứng minh ấy, cần phải đi ra ngoài hệ thống và sử dụng những công lý phụ bên ngoài hệ thống. Và như vậy hệ thống đó là bất toàn. Và cũng vì thế mà định lý Godel thường được gọi là “Định lý bất toàn”.

Định lý này đã có tác dụng như một cú sét đánh trong giới toán học Godel đã chứng minh rằng luận lý có giới hạn và cái mộng của Hilbert muốn chứng minh sự mạch lạc của mọi môn toán học chỉ là một ảo tưởng. Định lý Godel lại còn có tác động lên nhiều lãnh vực tinh thần khác như triết học và tin học. Về triết học, thì nó cho thấy tư tưởng hợp lý không phải là không có giới hạn, và về tin học, nó hàm ý rằng có nhiều bài toán học không bao giờ được giải quyết bằng máy tính.

Matthieu: Phật giáo đã từ lâu xác định rằng vọng tưởng có nhiều giới hạn trong tự thân. Con đường giác ngộ không chối bỏ lý trí, nhưng siêu vượt lên lý trí. Lý trí không đủ để diễn tả chân lý tối hậu vì lẽ những giới hạn nối liền với cấu trúc của lý trí không cho phép một nhận thức trực tiếp của tuyệt đối. Muốn hiểu bản thể của “Tâm”, cần phải chấm dứt vọng tưởng để vượt qua nhị nguyên chủ thể-khách thể.

Thuận: Kết quả đáng ngạc nhiên của định lý Godel đã chỉ ra rằng có một giới hạn tự nhiên cho nhận thức khoa học. Muốn vượt qua giới hạn đó, phải cần đến những cách nhận thức khác mà bạn vừa đề cập.

Matthieu: Đây là một điểm quan trọng vì những con người ở thời đại chúng ta đã tạo ra một hình ảnh gần như huyền bí cho khoa học. Họ quan niệm như thể khoa học, một ngày nào đó, sẽ có thể trả lời mọi câu hỏi. Nhưng thật ra còn rất xa để có thể đến được đó, chưa nói đến việc giác ngộ hay nhận thức tâm linh ngay trong đời sống hiện tại, nhiều vấn đề vẫn còn ngoài tầm hiểu biết của khoa học.

Thuận: Khoa học cũng chưa hẳn là đã khách quan như các phương pháp khoa học thường giải thích. Nhà khoa học làm việc giữa một xã hội với một nền văn hóa. Dù muốn hay không muốn, ông ta cũng bị chi phối bởi những khái niệm siêu hình. Còn trong việc trình bày kết quả của các cuộc nghiên cứu, ông ta cũng bị ảnh hưởng bởi sự huấn luyện nghề nghiệp, sự theo học các bậc thầy, tác động của các đồng nghiệp và công trình của họ. Vì thế một khi đi vào công cuộc nghiên cứu, thì cần về sự quan sát thế giới bên ngoài cộng với những thực nghiệm được phân tích và giải thích ở nội tâm cùng với sự soi sáng của các khái niệm và lý thuyết của mỗi nhà khoa học. Ví dụ với nhà Vật lý thiên văn thì ông ta viện dẫn đến sự hình thành các thiên hà, còn nhà vật lý thì nghĩ đến lý thuyết về các lực nguyên tử. Sự chấp nhận một thuyết này thay vì một thuyết khác, cũng không phải là không có định kiến. Nhà khoa học sẽ bị ảnh hưởng bởi quan điểm của các vị thầy hoặc của các đồng sự gần gũi (điều mà người ta hay gọi là một trường phái), hay tệ hơn bởi những sự kiện có tính cách thời lượng. Tuy nhiên, trong khoa học cũng như trong các lãnh vực khác, phải dè chừng những thể cách thời lượng. Một lý thuyết được nhiều người ưa thích chưa hẳn là một lý thuyết hay. Đa số những người chấp nhận lý thuyết ấy, không phải là vì sau khi cứu xét kỹ lưỡng, mà là vì xu thời hay vì muốn theo gót những con chim đầu đàn nhiều uy tín.

Với tư cách là một sinh vật biết suy nghĩ, nhà khoa học không thể quan sát thiên nhiên một cách hoàn toàn khách quan. Einstein đã viết: “Những khái niệm vật lý là những sáng tạo tự do của tâm trí con người, dù rằng chúng có vẻ như bị chi phối bởi thế giới bên ngoài. Những cố gắng của chúng ta để nắm bắt thực tại giống như một con người cố tìm hiểu cơ chế của cái đồng hồ đóng kín. Nó nhìn thấy mặt kính đồng hồ cùng những cây kim đang di chuyển, nó nghe cả tiếng kêu tích tắc, nhưng nó không có phương tiện nào để mở nắp đồng hồ. Nếu nó khéo tay, nó có thể nghĩ ra hình ảnh một cơ chế hoạt động của vật thể mà nó quan sát, nhưng không bao giờ nó có thể chắc chắn rằng hình ảnh mà nó tạo ra là duy nhất có thể giải thích được những gì mà nó quan sát. Nó không bao giờ có thể so sánh cái kiểu mẫu do nó sáng tạo với cơ chế thực sự, và cũng không thể tưởng tượng nổi cái khả năng mà sự so sánh đó có thể đem lại một ý nghĩa nào”.

Khi mà nhiều lý thuyết đều khả thi, những lại không cùng phù hợp, được đưa ra nhân cùng một hiện tượng, sự chọn lựa giữa các lý thuyết đó thường là dựa vào những nhận xét siêu hình. Vì vậy, Einstein vì chuộng thực tế, nên không bao giờ chấp nhận sự giải thích cách nhiên về thực tại nguyên tử và thực tại vi mô của cơ học lượng tử. Ông đã để ra nhiều năm cố tìm một kẽ hở trong thuyết lượng tử mà không bao giờ thành công. Vì thế nên ông rời bỏ khoa vật lý vi mô, để chú tâm vào những khám phá lớn làm đảo lộn lãnh vực này trong thập niên 50.

Matthieu: Những lý thuyết khoa học chịu ảnh hưởng siêu hình hơn người ta thường tưởng. Nhà khoa học Tây phương có khuynh hướng cho rằng có một thực tại rõ ràng và chắc thật đằng sau mọi hiện tượng, và vì vậy cố tìm ra một nguyên nhân đầu tiên cho vũ trụ. Trái lại nhà khoa học Đông phương thường đặt lại vấn đề thực tại. Ông ta dễ dàng chấp nhận một sự tương thuộc các hiện tượng trong một thế giới không có khởi đầu. Vì thế ông ta dễ dàng chấp nhận hơn những tư tưởng siêu hình và dựa vào đó ông ta hình dung ra những lý thuyết mới.

Thuận: Nhưng những định kiến khoa học không phải tất cả đều xấu, và còn có thể là một nguồn cảm hứng cho nhà khoa học nữa. Thật vậy nếu không có tiên kiến, không có ảnh hưởng tôn giáo trước vô số thông tin mà thiên nhiên đem đến cho nhà khoa học, làm sao ông ta có thể lựa chọn thông tin nào khả dĩ giúp ông tìm ra những định luật, những nguyên lý mới? Sự lựa ra thực tại là một giai đoạn thiết yếu trong việc nghiên cứu khoa học. Vì vậy thực tại không thể không bị chuyển đổi trong nội tâm. Và nhà khoa học chỉ thấy điều gì ông có thể thấy, hay chỉ muốn thấy mà thôi.

Matthieu: Einstein còn nói: “Trên nguyên tắc, thật là sai lầm khi đặt một lý thuyết chỉ duy nhất trên những tinh độ có thể quan sát được. Thật ra, cái gì đến lại hoàn toàn trái ngược. Vậy là chỉ lý thuyết mới quyết định được cái gì chúng ta có thể quan sát”.

Thuận: Cha đẻ của thuyết tiến hóa Charles Darwin đã kể một câu chuyện thú vị về vấn đề này. Trong một chuyến đi ông đã để ra cả một ngày bên cạnh một con rạch và chỉ thấy sỏi và nước. Mười một năm sau, ông trở lại nơi đó để tìm dấu vết một băng hà, và dĩ nhiên ông thấy dấu vết băng hà. Có thể ông đã tìm thấy nó trước đây, nếu ông biết tìm đúng chỗ. Có nhiều ví dụ tương tự như thế.

Matthieu: Các nhà khoa học thường có khuynh hướng đặt những sự kiện mới trong khuôn khổ những khái niệm sẵn có, và không thích đi ra ngoài những khuôn khổ đó.

Thuận: Đúng thế, tuy nhiên những cuộc cách mạng khoa học được hình thành do sự góp nhặt các sự kiện mới không đi vào các khuôn khổ cũ như đã nói, mà bắt buộc chúng ta phải thay đổi quan niệm. Điều này cũng xảy ra khi các thiên tài nhìn thấy những liên kết mới giữa các hiện tượng có vẻ như tách biệt. Theo nhà viết sử về khoa học Norwood Russell Hanson thì: “Người quan sát gương mẫu không phải là kẻ xem và kể lại những gì người khác cũng đã xem và kể lại, nhưng là người đã nhìn thấy qua những vật thể quen thuộc điều mà không một ai khác nhìn thấy được”. Newton đã khám phá ra luật hấp dẫn khi ông hiểu ra sự liên hệ giữa một trái táo rơi với sự vận chuyển của mặt trăng xung quanh mặt trời. Einstein khám phá ra luật tương đối khi ông nhận thức được sự liên kết giữa thời gian và không gian.

Những thành tựu về sáng tạo và tưởng tượng đó không phải là do tình cờ, mà là kết quả của nhiều năm dài nghiền ngẫm, sàng lọc, phân tích, tổng hợp những yếu tố phân tán của thế giới bên ngoài. Tôi không nghĩ rằng sự thiếu khách quan trong phương pháp khoa học có nghĩa là cơ bản, khoa học nói chung còn nhiều thiếu sót. Khoa học được bao che bởi một hành lang an toàn. Nhờ đó, nó luôn luôn trở lại đúng hướng mỗi khi lạc lối hay đi vào ngõ cụt. Hành lang an toàn ấy là tác động hỗ tương giữa lý thuyết và quan sát. Có hai khả năng:

Một là những quan sát mới, hay kết quả những cuộc thí nghiệm gần đấy phù hợp với lý thuyết đương thời và như vậy lý thuyết này được củng cố.

Hoặc là nếu không phù hợp thì lý thuyết trên có thể bị sửa đổi hay gạt bỏ, dành chỗ cho một lý thuyết khác có thể tiên đoán được các hiện tượng có thể kiểm chứng bằng thực nghiệm. Nhà khoa học trở lại với kính viễn vọng hay với chiếc máy gia tốc các nguyên tử. Thuyết mới chỉ có thể được chấp nhận nếu những tiên đoán của ông ta được xác nhận. Quan sát và đo đạc của nhà khoa học cần phải được tái lập và xác nhận bởi những nhà nghiên cứu khác và những kỹ thuật khác.

Khoa học tiến bộ không phải theo một con đường thẳng như người ta vẫn tưởng, mà theo một con đường quanh co khúc khuỷu.

Matthieu: Sự qua lại giữa lý thuyết và thực nghiệm cho phép ta kiểm chứng một lý thuyết giải thích và tiên đoán đúng một vài sự kiện. Tuy nhiên điều đó cũng không ảnh hưởng gì đến định kiến siêu hình của các nhà nghiên cứu. Một nhà khoa học có thể chứng minh cho một bạn đồng nghiệp rằng ông này sai về thời gian tồn tại, hay về khối lượng của một hạt cơ bản. Tuy nhiên cả hai đều biết chắc rằng sự hiện hữu của hạt cơ bản là có thật. Mỗi khi có một cuộc cách mạng khoa học quan trọng, các khoa học gia luôn tin tưởng rằng mình đã đạt đến chân lý. Đó chẳng qua cũng chỉ là một ảo tưởng, một định kiến triết học.

Thuận: Vài nhà khoa học lại còn long trọng tuyên bố “Chúng ta đã hiểu tất cả, không còn gì để khám phá nữa”. Lịch sử khoa học đã chứng minh rằng cho đến bây giờ họ đã lầm. Vào cuối thế kỷ XIX, Lord Kelvin, một chuyên gia về nhiệt động học đã tuyên bố rầm rộ là việc nghiên cứu về vật lý đã chấm dứt, các thế hệ mai sau chỉ còn việc làm cho công việc đo đạc tinh vi hơn, và bổ sung các số lẻ. Ông đã nhầm to: vài năm sau, thuyết tương đối và cơ học lượng tử đã làm đảo lộn ngành vật lý. Theo ý tôi, tôi nghĩ rằng chúng ta không bao giờ biết được tất cả sự thật nếu chỉ dựa vào khoa học. chúng ta luôn tiến gần đến đích, nhưng không bao giờ đến được đó. Định lý Godel đã chỉ ra những hạn chế của lý trí.

Matthieu: Điều này không hàm ý rằng Thiền định trong Phật giáo là không khoa học. Nếu ta xác định rằng môn Khoa học tự nhiên là lãnh vực có thể nghiên cứu theo hướng vật chất, ta đã loại ra ngay từ đầu cái “Tôi” (tức ngôi thứ nhất) và mọi hiện tượng phi vật chất. Nếu ta quên điều đó, ta sẽ mau chóng khẳng định rằng vũ trụ là tất cả, mọi vật đều thuộc dạng khách thể (ngôi thứ ba) và duy nhất là vật chất. Và như vậy, dù biết hay không ta đã có một lập trường siêu hình.

Thuận: Thật là đáng tiếc, vì như vậy ta có thể bỏ qua những khám phá quan trọng. Nhưng sự loại ra mọi cái phi vật chất có vẻ là cần thiết trong việc phát triển môn khoa học tự nhiên. Nếu Thiền định trong Phật giáo thật sự là một khoa học thì những giả thiết của nhà nghiên cứu Phật giáo sẽ như thế nào.

Matthieu: Mục tiêu căn bản của Phật giáo là chấm dứt đau khổ. Ta bắt đầu bằng việc quán xét nội tâm để xem cái gì có thể đem lại một sự an lạc, và cái gì phá hoại sự bình an của thiền giả. Ta nhận thấy rằng những tình cảm như ác ý, đố kỵ, ham muốn không thể đem lại an vui lâu dài, vì lẽ đó là những tình cảm vị kỷ chỉ kích thích lòng tham dục. Hiểu được điều này, ta thấy rằng cần phải chuyển hóa những tình cảm tiêu cực gắn liền vào tự ngã. Nếu dứt bỏ được sự lừa dối của tự ngã, dần dần chúng ta sẽ chấm dứt đau khổ.

Thuận: Bây giờ hãy đi vào giai đoạn thực nghiệm.

Matthieu: Trong giai đoạn thực nghiệm, ta phân tích những đặc điểm của cái “tôi”, đến khi nào ta biết rằng “cái tôi” chỉ là một nhãn hiệu tinh thần. Và khi “cái tôi” tan biến thì ta mới biết điều gì sẽ xảy ra. Ta nhận thấy lợi lạc của lòng bao dung, tính kiên nhẫn, tình yêu muôn loài cũng như sự độc hại của lòng ích kỷ, sự sân hận và tính đố kỵ v.v... Dần dần ta hiểu ra cơ chế của những tình cảm ấy, và ta tìm cách thanh lọc tâm với nhiều phương pháp khác nhau.

Thuận: Những điều vừa nói, phải chăng đã nêu lên những liên hệ cần thiết và không thay đổi giữa các hiện tượng?

Matthieu: Các cơ chế tình cảm vận hành rất mạch lạc ví dụ lòng sân hận không bao giờ đem đến hạnh phúc thật sự. Vài người cảm thấy hài lòng một cách điên rồ, khi lên cơn giận dữ, nhưng ai cũng biết rằng ta không thể sống an vui với tâm trạng đó. Sân hận đố kỵ làm mất đi mọi niềm vui, trong khi tình yêu và lòng bi mẫn đem lại cho ta sự bình an thoải mái trong tâm hồn.

Thiền định không phải là công việc trừu tượng, mà là một cuộc khám phá đòi hỏi một sự quán sát nội tâm sâu xa, lâu dài có hệ thống giống như một nhà bác học phân tích những chủ đề vật lý và toán học. Công việc quán xét nội tâm đó không đưa tới một phương trình nào, nhưng những tháng năm dài để suy gẫm về sự vận hành của tâm trí, cuối cùng cũng làm cho tâm trở nên ổn định, sáng suốt và tươi mát.

Thuận: Có phải lúc khởi đầu ta quan sát người khác, rồi sau đó mới quay lại quan sát chính ta?

Matthieu: Cả hai việc đều phải song hành. Nếu sự quan sát người khác có thể mở mắt cho ta, thì điều quan trọng là quay về với nội tâm của chính chúng ta.

Nếu chúng ta phạm sai lầm với người khác, chúng ta lại không thể che dấu sự thật của chính mình. Do vậy, chúng ta cần phải luôn nhìn trong tấm gương tâm của chúng ta. Thiền định sẽ giúp chúng ta phá tan những định kiến về thế giới bên ngoài, cũng như những định kiến về cả chúng ta và nhờ thế dần dần chúng ta sẽ khám phá ra bản thể của vạn vật.

Thiền định còn chỉ rõ cái “tôi” chỉ là một sản phẩm của tưởng tượng và điều này nếu ta hiểu thật thấu đáo sẽ ảnh hưởng đến cái nhìn thế gian cũng như cách xử thế của chúng ta.

Thuận: Bây giờ chúng ta đi đến giai đoạn chót của việc kiểm chứng. Trong khoa học, sự quan sát cũng như thực nghiệm đều có tính cách khách quan, có nghĩa là kết quả không tùy thuộc vào nhà nghiên cứu. Một nhà vật lý người Việt hay người Mỹ sẽ đạt được những kết quả tương tự với kết quả của một đồng nghiệp người Pháp, nếu công việc đo đạc được thực hiện chính xác. Cái tính khách quan đó là nền tảng của phương pháp thực nghiệm. Một khám phá khoa học khác thường chỉ có thể được cộng đồng khoa học chấp nhận, nếu nó được kiểm chứng một cách độc lập bởi những nhóm khoa học gia sử dụng dụng cụ và phương pháp khác nhau.

Trái lại, trí tuệ của Phật giáo lại dựa vào thiền định và quán sát nội tâm hoàn toàn cá nhân và chủ quan. Một quan niệm về trí tuệ như thế có tính cách phổ biến hay không?

Matthieu: Khảo sát nội tâm từ lâu đã tạo nên một thành kiến không tốt ở phương Tây, vì lẽ người ta chưa biết phải làm sao để tiếp cận nó. Người ta cho rằng tinh thần là một cái gì không ổn định và những cuộc thí nghiệm về chính nó không thể tái lập được. Thái độ đó xuất phát từ những người quan tâm đến Thiền, một mặt đã không trải nghiệm được trạng thái tâm linh, mặt khác họ đã không rút tỉa được gì từ những kinh nghiệm của các Thiền giả phương Đông.

Kinh nghiệm nội tâm có một giá trị không chối cãi được đối với các thiền giả qua nhân cách, lòng vị tha, sự thanh thản, bao dung, cao thượng tâm hồn mà Thiền mang đến cho họ. Ngoài ra, nếu từ bên ngoài ta không thể đánh giá được giá trị của Thiền thì tốt hơn là ta nên tự trải nghiệm để nhận thức lấy kết quả.

Thuận: Vậy phải thực hành như thế nào?

Matthieu: Bạn có nói đến trong vật lý và trong thiên văn vật lý việc sử dụng những thiết bị càng ngày càng mạnh hơn. Trong Thiền định, dụng cụ chỉ là tinh thần. Ban đầu nó chưa thích nghi được nên thất thường, không ổn định và mất phương hướng. Nó cũng khó bị chế ngự như một con thú rừng bị sập bẫy. Vậy là phải điều chỉnh và mở rộng ống kính của kính viễn vọng. Và nhờ vào một cố gắng liên tục, cái tâm trở nên ổn định hơn, yên lặng và dễ điều khiển hơn. Ta loại trừ dần những tình cảm thô thiển như sân hận, đố kỵ, tham lam, rồi tiến đến ta cố dứt trừ những vọng niệm, và những chao động của tâm. Ta sẽ nhận ra được những cơ chế căn bản của thương, ghét, của sự mê muội cũng như trong sáng của tâm, của sự trói buộc và sự giải thoát.

Thuận: Tôi muốn biết có cần phải vượt lên việc suy gẫm có tính phân tích ấy và phải làm thế nào? Mặt khác nhận diện các vọng niệm phải chăng là vô hiệu hóa chúng?

Matthieu: Ta không nên gạt bỏ chúng ngay, mà phải truy tìm nguồn gốc của chúng. Khi ta quan sát chúng, ta nhận thấy chúng không có tính cách chắc thật, không hình dáng, màu sắc, vị trí nhất định và chúng tự tan biến khi ta theo dõi chúng. Chúng không đến từ đâu và cũng không đi về đâu. Chúng tan đi như sương sớm dưới mặt trời. Và khi vọng tưởng đã dứt bặt, tâm sẽ ở trong trạng thái nguyên sơ, trong sáng, thanh thản không còn nghĩ gì đến quá khứ. Không còn hướng đến tương lai, không còn sợ hãi cũng như không còn hoài vọng điều gì khác. Sự tập luyện tâm này nếu tiến hành liên tục sẽ giúp ta thấy được tính cách không nắm bắt được của các tư tưởng. Và khi nhận ra tính không của chúng, ta sẽ thoát ra được sự ràng buộc của chúng. Những tư tưởng nhiễu loạn mất dần khả năng gây ra những xáo trộn tâm hồn có thể biến chúng ta thành tiêu cực đối với người khác. Với thời gian, ta trở thành chuyên gia trong việc nhận diện các tư tưởng và mỗi khi chúng khởi lên ta nhìn chúng thì chúng tan đi giống như một cụ già nhìn bọn trẻ chơi đùa vậy.

Thuận: Với một con người bình thường, phải mất bao lâu để đi đến giai đoạn ấy? Cả một đời người chăng?

Matthieu: Không nhất thiết phải thế. Tùy theo năng lực và sự kiên trì của mỗi người. Trong giai đoạn đầu, tập nhận ra tư tưởng khi chúng xuất hiện, giống như ta nhận ra người quen trong đám đông. Đến một giai đoạn cao hơn, tư tưởng tự nó tháo gỡ như con rắn tự mình tháo ra sau khi đã khoanh tròn. Và sau cùng ta tự mình làm chủ lấy tâm và tư tưởng không còn làm hại ta được nữa. Ta có thể ví von như tư tưởng là một kẻ trộm đi vào một căn nhà trống, không lấy được gì và chủ nhà cũng không mất gì. Tư tưởng đến rồi đi, không để lại dấu vết, giống như ta dùng ngón tay vẽ trên mặt nước.

Thuận: Nhưng kinh nghiệm đó thay đổi rất nhiều ở những con người khác nhau, trong khi thực nghiệm khoa học lại có thể tái lập được.

Matthieu: Kinh nghiệm thiền định của mỗi cá nhân không thể quan sát được bởi một cá nhân khác như những thử nghiệm khoa học, và cũng không chỉ ra được một sự thật hiển nhiên khách quan nào. Đôi khi thiền giả lại đánh giá không đúng kinh nghiệm của mình. Tuy nhiên, như tôi đã trình bày, kết quả là một sự chuyển hóa lâu dài của một con người, và điều này rõ ràng là có tính cách khách quan. Hơn nữa, trong lãnh vực nội quán, những mục tiêu đạt đến rất mạch lạc: sự bình an, sự không còn luyến ái, lòng bi mẫn, tính cao thượng. Những kết quả này không tùy thuộc vào bất cứ loại người nào. Những phương tiện, những kỹ thuận mà thiền giả sử dụng rất giống nhau. Những văn bản Phật giáo mô tả rất chi tiết các giai đoạn của tiến trình ấy. Thật ra tùy theo căn cơ của mỗi người, chúng ta tiến đến việc làm chủ bản tâm của chúng ta mau chóng hay trì trệ, nhưng kết quả nói chung thì cũng gần giống như nhau.

Thuận: Những sự mô tả các tác giả khác nhau có phù hợp với nhau chăng?

Matthieu: Những sự mô tả không nhất thiết phải sử dụng cùng một loại hình ảnh, nhưng các giai đoạn trong cuộc hành trình đến giác ngộ và kết quả thì phù hợp với nhau. Ví dụ một vài tác giả nói rằng ban đầu tư tưởng giống như một dòng sôi sục rồi sau đó trở thành một con sông nhỏ thỉnh thoảng có vài dợn sóng lăn tăn, sau cùng biến thành một đại dương mà bên dưới hoàn toàn yên lặng. Có rất nhiều tác phẩm mô tả nhiều chi tiết, nhiều kỹ thuận chỉ dẫn các giai đoạn thiền định để cuối cùng đi đến Giác ngộ.

Thuận: Giống như Đức Phật?

Matthieu: Giống như Đức Phật và những vị Tổ đã đi theo con đường của Ngài. Thật ra, có nhiều mức độ trong việc thành tựu tâm linh, tuy nhiên mức độ nào cũng đem đến một sự an lạc đáng kể. Sự giác ngộ của Đức Phật dĩ nhiên là vô thượng so với thành tựu của một hành giả sơ cơ, cũng giống như bầu trời xanh bao la so với bầu trời nhìn qua một lỗ kim. Trong cả hai trường hợp, ta cùng thấy một bầu trời. Dù chưa đi đến giác ngộ, người ta cũng đã nếm được mùi vị của sự giải thoát. Nói chung, có thể xem thiền định nghiêng về chất lượng, trong khi vật lý học nghiêng về số lượng.

Thuận: Trở lại vấn đề giác ngộ, Đức Phật phải chăng là người duy nhất đạt đến đó? Mỗi người chúng ta có khả năng đến được đó không?

Matthieu: Với kinh nghiệm bản thân, Đức Phật cho rằng những ai thành tâm và quyết chí đi theo con đường của Ngài thì sẽ đạt được kết quả giống như Ngài. Người há đã chẳng nói: “Ta đã chỉ ra con đường. Các con chỉ còn đi theo con đường ấy”. Mỗi chúng sinh đều có sẵn năng lực để đạt đến nhận thức về bản thể tối hậu của tâm. Bản thể này gần giống như tình yêu bao trùm muôn loài trên thế gian. Kẻ nào thoát khỏi những ràng buộc tinh thần tiêu cực, sẽ nhận thức được một sự bình yên và một lòng từ ái không gì lay chuyển được.

Thuận: Nhưng làm sao biết được là ta nhầm lẫn? Trong các khoa học tự nhiên, người ta đối chiếu những tiên đoán của một lý thuyết với sự quan sát khách quan, ví dụ như quỹ đạo một hành tinh chẳng hạn. Nếu phù hợp thì lý thuyết được chấp nhận. Nếu không, sẽ bị bác bỏ hay sửa đổi.

Matthieu: Nếu những thông tin khoa học giống như một bản đồ địa lý, thì giáo lý của Đức Phật giống như một cuốn sách chỉ dẫn du lịch. Càng tiến lên, con đường càng trở nên sáng sủa hơn. Người ta sẽ nhận thức được rằng càng rời xa con đường, sự tiến bộ càng chậm lại. Những trở ngại đó có thể làm ta thất vọng, nghi ngờ, rối loạn đôi khi căm ghét, nhưng nếu hiểu được chúng thì đó sẽ là cơ hội để ta tinh tấn hơn. Tất cả những trạng thái tâm linh đó đều được mô tả chính xác trong các bản văn Phật giáo.

Thuận: Điều này bắt đầu giống như lý thuyết và thực nghiệm của các môn khoa học tự nhiên.

Lý thuyết là giả định rằng sự luyến ái về cái “tôi” là đầu mối của mọi đau khổ, phiền não.

Phương pháp là phân tích cái tôi đó và hậu quả do nó gây ra.

Thực nghiệm là quán sát nội tâm và thiền định. Và kết quả là loại trừ tham ái và vô minh. Nếu ta vấp phải những trở ngại, ta lại sử dụng những phương tiện thiền định khác để vượt qua, và mục tiêu cuối cùng vẫn là dẹp bỏ cái “Ngã”.

Tôi bắt đầu hiểu rõ hơn vì sao bạn lại dùng từ “Khoa học Thiền định”. Theo tinh thần của các phương pháp thiền định để đi đến giác ngộ, thì chúng rất gần với phương pháp khoa học. Điều làm tôi ngạc nhiên nhất là việc quán sát nội tâm có thể tái lập được.

Matthieu: Những cuộc nghiên cứu tâm lý về quán sát nội tâm thường không đem lại kết quả vì thiếu kiên nhẫn, và vì không chú ý đến kinh nghiệm của truyền thống đã có từ hàng nghìn năm nay. Quán sát nội tâm đòi hỏi một sự kiên trì để đi đến cùng sự phân tích, nếu không sẽ dễ thối chí, ngã lòng. Dưới cái nhìn của khoa học tự nhiên sự quán sát nội tâm cũng bị nghi ngờ bởi vì nó có tính cách chủ quan.

Thuận: Những nhà thần kinh học cũng cố gắng phát triển những phương pháp chủ quan để nghiên cứu về tâm.

Matthieu: Thật ra những kỹ thuận mới về ghi hình trong Tâm đã tiến triển vượt bực. Người ta có thể phân biệt những vùng não nào của não bộ khởi động khi ta làm một cử chỉ, và những vùng nào hoạt động khi ta chỉ nghĩ đến cử chỉ đó. Những vùng hoạt động cũng khác nhau khi nghe một từ trừu tượng hay một từ cụ thể. Gần đây Francisco Valera đã chỉ ra hiện tượng nối liền các phần của não, khi nhận ra một vật thể. Một chương trình nghiên cứu cũng đã bắt đầu phát triển với những nhân vật đã tu tập thiền định nhiều năm dài. Những kết quả sơ khởi rất đáng khích lệ và những công việc nghiên cứu sẽ được công bố.

Nhưng liệu việc quán sát nội tâm thuần túy, việc nhận ra bản thể tối hậu của sự vật, có thể được diễn tả một ngày nào đó trên bình diện thần kinh học?

Người ta có thể khám phá ra những khác biệt trong hoạt động của não bộ, nhưng những khác biệt này cần được bổ sung bởi kinh nghiệm của thiền giả. Nếu không, những kết quả không thể cho ta biết về chất lượng sống động của thiền định.

Thuận: Phải nói rằng còn rất lâu chúng ta mới hiểu được bộ não vận hành như thế nào khi chúng ta thương ghét, sáng tạo hay cảm thấy vui, buồn. Cần phải để ý đến việc bắt chước có hệ thống của khoa học tự nhiên, do các khoa học tâm linh sử dụng, thường đem lại nhiều điều quá đáng. Vào đầu thế kỷ XX, thuyết tâm lý phản ứng đã cố gắng đưa tâm lý học lên hàng khoa học khách quan bằng cách nghiên cứu cách phản ứng của các sinh vật với các kích động bên ngoài. Thuyết này loại bỏ mọi điều không thể quan sát trực tiếp được và những người chủ trương còn cho rằng không có sự tồn tại của tâm thức, một điều hết sức vô lý.

Matthieu: Dù người ta không phát hiện được một điều gì có thể đo đạc được ở các thiền giả, điều này cũng không làm giảm đi giá trị của kinh nghiệm nội tâm và sự chuyển hóa tâm hồn của thiền giả. Ngược lại, dù nhà nghiên cứu nó xấu hay tốt thế nào đi nữa, điều này cũng không làm thay đổi công trình của họ. Mục đích cơ bản của thiền định là trở nên một con người tốt hơn. Nhưng lối sống “thiền” đôi khi dễ làm người ta chán nản. Luôn luôn tìm kiếm năng lực để dẹp bỏ các tật xấu không phải là điều dễ dàng.

Thuận: Tâm lý học và khoa học tâm linh tây phương có cùng nghiên cứu các đề tài này không?

Matthieu: Tâm lý học nghiêng về tình cảm, về cách ứng xử, về kỷ niệm, còn các khoa tâm linh nghiên cứu các trạng thái tinh thần liên quan đến nhận thức, ký ức v.v... Nhưng dù cho những khoa học ấy càng ngày càng lớn mạnh, chúng cũng không đem đến một sự cải thiện tinh thần đáng kể nào cho con người.

Thuận: Vậy khoa tâm lý và tâm phân học có thể giúp ta được, nhưng có lẽ nó cần mở rộng tầm nhìn và áp dụng một vài phương pháp thiền định.

Matthieu: Trường hợp của Tâm phân học lại khác. Tâm phân học nhắm vào việc hòa giải, việc ổn định “tự ngã” để trở lại trạng thái bình thường. Vấn đề là tìm ra một phương trình thích nghi giữa những xung lực của tự ngã và nhu cầu xã hội. Thiền định thì lại nhằm dẹp tan tự ngã.

Trong trường hợp Tâm phân học, cái “tôi” là ưu tiên số một. Người ta củng cố nó, và nó bị kẹt trong ảo tưởng là nó thật sự hiện hữu để bị người ta nhào nặn như một mẩu giấy dính mà người ta không sao quẳng đi được.

Trong trường hợp Thiền định, người ta thiêu rụi “cái tôi” đó như thiêu lông chim không để lại chút tro nào, như vậy mục đích vượt xa một sự ổn định hay trở lại trạng thái quân bình.

Thiền định giải thoát ta khỏi mọi ràng buộc của tự ngã, và đem lại một sự an lạc tràn đầy mà Tâm phân học không có được. Nó còn giúp ta hiểu được bản thể không những của ta mà của cả thế giới bên ngoài nữa.

Thuận: Với nhà khoa học, niềm vui khi khám phá các bí mật thiên nhiên rất phấn khởi, tuy nhiên nó không đủ cho cả một đời người. Những giây phút khi thật sự được tìm thấy, rất mực sôi động nhưng ngắn ngủi.

Từ khi khoa học bắt đầu nảy sinh từ thế kỷ XVI, kiến thức của chúng ta đã phát triển mãnh liệt, nhưng không vì thế mà chúng ta trở nên đạo đức hơn. Và thiền định chính là phương pháp giúp ta lấy lại cái đạo đức đó.

Tình thế có vẻ cấp bách hơn nhiều khi con người có khả năng làm xáo trộn môi trường sinh thái của cả một hành tinh, và cũng có thể tự hủy diệt. Do vậy vấn đề đạo đức là cấp thiết hơn bao giờ hết, nhất là trong lãnh vực di truyền, trong khi khoảng cách giữa người nghèo và người giàu không ngừng gia tăng.