Chương VII: Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)

21 Tháng Chín 201610:11 CH(Xem: 3589)
Chương VII: Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)

Lược Sử Văn Học Sanskrit

& Hán Tạng Phật Giáo

 

Thích Kiên Định

 

Chương VII:

Suvarṇaprabhāsa Sūtra (Kinh Kim Quang Minh)

 

  1. Khái lược về Nguồn gốc và sự Phiên dịch:

 

Kinh văn thuộc hệ Saṅskrit Phật giáo có tầm quan trọng nhất với sự xuất hiện giáo lý Tantra (Mật giáo) trong các kinh điển Đại thừa là Suvarṇa-prabhāsa Sūtra (Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh). Sự xuất hiện của nó chừng khoảng thế kỷ thứ 5 sau CN. Nguồn gốc của kinh này, theo J.K. Nariman[110] và A.B. Keit,[111] đã xuất hiện vào khoảng thứ 6 sau CN. Tuy nhiên, theo sự nghiên cứu và phát hiện của M. Winternitz[112] cho biết, kinh này đã được Kāśyapa Mataṅga (Ca-diếp Ma-đằng) dịch ở Trung Hoa rất sớm từ thế kỷ thứ 1 sau CN suốt triều đại của Hán Minh Đế (58-75), nhưng không đề cập gì đến bản gốc Saṅskrit; do đó cứ liệu này chắng mấy khả quan. Nhưng mặt khác M. Winternitz lại cho rằng Kinh này được Dharmakṣema (Đàm Vô Sấm) dịch có lẽ chừng khoảng trong những năm (414-433)[113].

 

Suvarṇa-prabhāsa-sūtra, khi được dịch từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ, gồm có ba bản. Bản thứ nhất được Dharmakṣema dịch với tựa đề là Kim Quang Minh Kinh, 4 quyển, 16 Phẩm, đời Bắc Lương, ĐC 16-663. Bản thứ hai cũng do Dharmakṣema dịch với tựa đề là Hiệp Bộ Kim Quang Minh Kinh, 8 quyển, 24 Phẩm, đời Tuỳ, ĐC 16-664. Bản thứ ba do ngài Nghĩa Tịnh dịch với tựa đề là Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh, 10 quyển, 31 Phẩm, đời Đường, ĐC 16-665.

Đối với bản dịch thứ nhất, nếu dựa vào niên đại của nhà Lương (502-557) ở Trung Hoa, chúng ta có thể ngầm biết rằng nó có lẽ đã xuất hiện trước đó gần một thế kỷ. Vì ngài Dharmakṣema, theo Kenneth K.S. Ch’en, đã dịch Mahāparinirvāṇa-sūtra (Kinh Đại-bát Niết-bàn) hoàn tất vào năm 421,[114] và có lẽ đã dịch kinh Suvarṇa-prabhāsa vào những năm đầu của thế kỷ thứ 5, nhưng mãi đến đời Lương nó mới được cho phổ cập. Việc xuất hiện của bản dịch này có thể do vì tình huống chính trị loạn lạc, hoặc vì chiến tranh bấy giờ đã đang xảy ra tại An-Lộc-Sơn, hoặc đã thất lạc và đã được tìm thấy trong thời Lương, v.v.... Bản thứ 2 cũng do Dharmakṣema dịch có lẽ do nhiều nguyên nhân tương tự vừa nêu, hoặc vì bị thất lạc và đã được tìm thấy vào thời nhà Tuỳ (581-618).

Như vậy, điều đáng khả tín rằng cả hai bản kinh này đã được dịch và hoàn tất vào thế kỷ thứ 5. Thế nhưng gần một thế kỷ sau, cả 2 bản kinh này mới được phổ biến. Do đó, nếu cứ vào thời sinh tiền của Dharmakṣema, thì Suvarṇa-prabhāsa sūtra có thế đã được phiên dich từ Phạn ngữ sang Hoa ngữ vào đầu thế kỷ thứ 5. Nếu cho rằng cả 2 bản dịch này có mặt vào thế kỷ thứ 6 như cứ liệu của J.K. Nariman và A.B. Keit vừa nêu trên, hoặc Mục lục kinh điển của ĐC sau khi đã được xếp loại, thì bản dịch này có lẽ đã đánh mất đi khoảng thời gian gần một thế kỷ.

Về bản dịch thứ 3 của ngài Nghĩa Tịnh (635-713), nó có lẽ được hoàn tất vào đầu thế kỷ thứ 8 trong thời nhà Đường (618-907) ở Trung Hoa. Vì năm 671 ngài rời Trung Hoa đến Ấn Độ bằng đường biển, và hơn 20 lưu trú tại hải ngoại đã gần một nữa thời gian ở tại Đại Học Nalanda; năm 695 khi hồi quy bản quốc ngài Nghĩa Tịnh đã đem về 400 tác phẩm khác nhau. Nếu tính thời gian phiên dịch tại Trung Hoa, thì bản này có lẽ được hoàn tất chừng khoảng cuối thế kỷ thứ 7 và đầu thế kỷ thứ 8.

Có thể nói rằng trong ba vị Tăng sĩ nổi tiếng của Trung Hoa sang Thiên Trúc cầu pháp, trừ Pháp Hiền ra, cả ngài Huyền Trang và Nghĩa Tịnh đều biết Phạn ngữ. Do đó, việc phiên dịch của hai ngài này đã làm chói sáng trong vấn đề dịch thuật trong thời nhà Đường ỏ Trung Hoa. Đặc biệt trong Tam tạng giáo điển được phiên dịch từ khi Phật giáo đươc du nhập vào đất nước này, cho đến thời Đường thì những bản dịch đã được hoàn thiện và hầu hết tất cả Tam tạng giáo điển quan trọng đều được xuất hiện từ thời nhà Đường; còn những bản dịch sau này của thời nhà Tống cũng có nhưng rõ ràng không mấy quan trọng và thậm chí không thêm vào những gì mới cả.[115] Duyên may cho chúng ta là nhờ ngài Nghĩa Tịnh rành Phạn ngữ, cho nên văn phong trong bản dịch của ngài có gieo âm vận, tuy nghĩa lý thâm áo, nhưng minh giải rõ ràng, giúp người đọc dễ nắm bắt và lãnh hội được pháp yếu bí tạng của Như Lai. Chính vì lý do này, nghĩa lý trong bản 3 có nhiều nét nổi bật hơn bản 2 của ngài Dharmakṣema. Điều này tuy có phần chủ quan, song khi đối chiếu với bản dịch của Dharmakṣema với bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh, thì thực tế bản sau khá chỉnh đốn và rõ nghĩa hơn; vì thông thạo Phạn ngữ và với Hoa ngữ là phương ngữ bản địa, đã giúp chúng ta dễ dàng trong việc nghiên cứu hơn. Tuy không phải là sở trường về Duy thức như ngài Huyền Trang, song việc chọn bản dịch 3 của ngài Nghĩa Tịnh có lẽ thích hợp hơn.

 

  1. Phân loại:

 

Nếu so sánh giữa bản dịch thứ 2 (Bản 2) của Dharmakṣema với bản thứ 3 (Bản 3) của ngài Nghĩa Tịnh, thì bản sau đầy đủ hơn. Song nội dung cả hai bản đều tương tợ nhau. Chỉ khác như sự phân Phẩm dưới đây:

  • Phẩm 13 Công đức Thiên (Bản 2) chia ra thành 2 Phẩm;

  • Phẩm 16 Đại Cát Tường Thiên Nữ (Srī-mahādevī)_(Bản 3);

  • Phẩm 17 Đại Cát Tương Thiên Nữ tăng trưởng tài vật (Sarvabuddha-Bodhisattvasaṃdhāraṇi)_(Bản 3).

  • Phẩm 23 Thán Phật (Bản 2) chia ra thành 3 Phẩm:

  • Phẩm 27 Thập Phương Bồ-tát (Sarva-tathāgata-stava) tán thán_(Bản 3);

  • Phẩm 28 Diệu Tràng Bồ-tát (Ruciraketu Bodhisattva) tán thán_(Bản 3);

  • Phẩm 29 Bồ-đề (Bodhi) thọ thần tán thán_(Bản 3).

 

Trong 8 Quyển (của Bản 2) được chia thành 10 Quyển (của Bản 3), như sau:

- Quyển 1 (Bản 2) gồm 3 Phẩm: Phẩm thứ I_Tựa, Phẩm 2_Thọ Lượng và Phẩm  3_Tam Thân Phân Biệt. 

+ Quyển 1 (Bản 3) gồm 2 Phẩm: Phẩm thứ I_Tựa và Phẩm 2_Như Lai Thọ Lượng.

- Quyển 2 (Bản 2) gồm 2 Phẩm: Phẩm 4_Sám Hối và Phẩm 5_Nghiệp Chướng Diệt.

+ Quyển 2 (Bản 3) gồm 2 Phẩm: Phẩm 3_Tam Thân và Phẩm 4_Sám Hối.

- Quyển 3 (Bản 2) Phẩm 6_Đà-la-ni Tối Tịnh Địa.

+ Quyển 3 (Bản 3) Phẩm thứ 5_Diệt Nghiệp Chướng.

- Quyển 4 (Bản 2) gồm 3 Phẩm: Phẩm 7_Tán Thán, Phẩm 8_Không và Phẩm 9_Y Không Mãn Nguyện.

+ Quyển 4 (Bản 3) Phẩm thứ 6_Tối Tịnh Địa Đà-la-ni.

- Quyển 5 (Bản 2) Phẩm thứ 10_Tứ Thiên Vương.

+ Quyển 5 (Bản 3) gồm 5 Phẩm: Phẩm 7_Liên Hoa Dụ Tán, Phẩm 8_Kim Thắng Đà-la-ni, Phẩm 9_Trùng Hiển Không Tánh, Phẩm 10_Y Không Mãn Nguyện và Phẩm 11_Tứ Thiên Vương Quán Sát Nhân Thiên.

- Quyển 6 (Bản 2) gồm 6 Phẩm: Phẩm 11_Ngân Chủ Đà-la-ni, Phẩm 12_Đại Biện Thiên, Phẩm 13_Công Đức Thiên, Phẩm 14_Kiên Lao Đại Thần, Phẩm 15_Tán Chỉ Quỉ Thần và Phẩm 16_Chánh Luận.

+ Quyển 6 (Bản 3), Phẩm thứ 12_Tứ Thiên Vương Hộ Quốc.

- Quyển 7 (Bản 2) gồm 5 Phẩm: Phẩm 17_Thiện Tập, Phẩm 18_Quỉ Thần, Phẩm 19_Thọ Ký, Phẩm 20_Trừ Bịnh và Phẩm 21_Lưu Thuỷ Trưởng Giả.

+ Quyển 7 (Bản 3) gồm 3 Phẩm: Phẩm 13_Vô Nhiễm Trước Đà-la-ni, Phẩm 14_Như Ý Bảo Châu và Phẩm 15 (a)_Đại Biện Tài Thiên Nữ (phần 1).

- Quyển 8 (Bản 2) gồm 3 Phẩm: Phẩm 22_Xả Thân, Phẩm 23_Tán Phật và Phẩm 24_Phó Chúc.

+ Quyển 8 (Bản 3) gồm 5 Phẩm: 15 (b)_Đại Biện Tài Thiên Nữ (phần 2), Phẩm 16_Đại Cát Tường Thiên Nữ, Phẩm 17_Đại Cát Tường Thiên Nữ Tăng Trưởng Tài Vật, Phẩm 18_Kiên Lao Địa Thần, Phẩm 19_Tăng-thận-nhĩ-gia Dược-xoa Đại Tướng và Phẩm 20_Vương Pháp Chánh Luận.

+ Quyển 9 (Bản 3) gồm 5 Phẩm: Phẩm 21_Thiện Sanh Vương, Phẩm 22_Chư Thiên Dược-xoa Hộ Trì, Phẩm 23_Thọ Ký, Phẩm 24_Trừ Bịnh và Phẩm 25_Trưởng Giả Tử Lưu Thuỷ.

+ Quyển 10 (Bản 3) gồm 6 Phẩm: Phẩm 26_Xả Thân, Phẩm 27_Thập Phương Bồ-tát Tán Thán, Phẩm 28_Diệu Tràng Bồ-tát Tán Thán, Phẩm 29_Bồ-đề Thọ Thần Tán Thán, Phẩm 30_Đại Biện Tài Thiên Nữ Tán Thán và Phẩm 31_Phó Chúc.

Nhìn chung, theo sự phân chia vừa nêu, có thể giúp cho chúng ta nắm bắt được bố cục và cấu trúc của toàn bộ kinh. Nhưng công việc trên chỉ là tạm thời, muốn nắm bắt nghĩa lý của kinh đòi hỏi chúng ta phải đi thắng vào nội dung của mỗi phẩm, âu đó mới có thế nắm bắt được phần nào tinh yếu và cốt lõi của kinh.

 

  1. Khái lược về Nội dung:

 

Toàn bộ nội dung của Kinh này đã hiển bày những nét đặc thù mà chúng ta chưa thấy xuất hiện trong những Kinh văn đã trình bày thuộc văn hệ Saṅskrit trước đây về những giáo nghĩa tiêu biểu cho nền tảng của Phật giáo Đại thừa. Chẳng hạn, ngoài nghĩa lý “Không” (Śūnya), và biểu hiện tính diệu dụng của chơn không diệu hữu, tuỳ duyên bất biến, bất biến tuỳ duyên xuyên qua nghĩa lý siêu việt về “Không tánh” (Śūnyatā) như đã đề cập trong Aṣṭasāhasrikā Prajñāpāramitā (Tiều Phẩm Bát-nhã) và trong Laṅkāvatāra-sūtra (Kinh Lăng-già) trước đây, chúng ta có thể tìm thấy trong kinh này, mà đặc biệt được trình bày bằng bút pháp của ngài Nghĩa Tịnh. “Tam Thân” (Trikāya), như đã có đề cập rất khái quát trong Laṅkāvatāra sūtra, là giáo nghĩa đặc thù thứ hai của Phật giáo Mahāyāna (Đại thừa), mà chúng ta không thể tìm thấy trong các kinh điển của Hīnayāna (Tiều thừa). Giáo nghĩa “Tam Thân” đã trở thành một chủ đề phổ biến, không những các học giả thế giới công nhận sự thâm áo bởi nó mang tính triết học siêu hình mà những vị Đại Luận sư Phật giáo đã không ngừng cứ vào nó để làm nền tảng trong vấn đề luận bàn và viết lách cũng như minh chứng cho tư tưởng thù thắng về Phật tánh thường trụ. Không phải pháp Lục-độ Ba-la-mật mà là Thập độ Ba-la-mật cũng đã được đề cập trong kinh này; đây là pháp khá phổ biến trong vấn đề tu tập và đại nguyện lợi sanh: “thượng cầu Phật đạo, hạ hoá chúng sanh” của hàng Bồ-tát; Pháp Lục độ trong Thập độ có thể tìm thấy rải rác trong kinh điển Đại thừa. Kế đó, giáo nghĩa “Thập địa”_ không có trong giáo lý Tiểu thừa, có thể thấy trong Laṅkāvatāra-sūtra (Kinh Lăng-già)_đã được đề cập trong Kinh này là sự nổi bật về công phu tu tập của một vị Bồ-tát, những vị thật sự có chủng tánh Đại thừa. Giáo lý này chúng ta có thể tìm thấy trong Daśabhūmi-sūtra (Kinh Thập Địa) và Avataṁsaka-sūtra (Kinh Hoa-nghiêm) như sẽ được trình bày trong những kinh kế tiếp.

Thần chú Dhāraṇi (Đà-la-ni) là giáo lý đặc thù của Mật giáo đã hoàn toàn thịnh hành trong thời Đường. Nó gợi nhắc chúng ta về linh nghiệm và sự vi diệu với công năng thù thắng trong Sūraṁgama-sūtra (Kinh Lăng-nghiêm); Tôn giả Anan đã nhờ sự linh nghiệm của thần chú này mà thoát khỏi tà thuật của ma nữ, kẻ đã dùng tà chú Ta-tỳ-ca-la để làm mê hoặc Anan. Cũng vậy Dhāraṇi này, công năng của nó giúp cho người hành trì được thanh tịnh, tâm hành bất nhiễm, tự lực nghiệm chứng và được sự công năng của tha lực gia bị và hỗ trợ. Ngoài ra, trong nội dung của kinh này nó cũng kể lại tấm gương cao cả, xả thân cứu vật (bầy cọp đói); đây là sự thể hiện lòng đại bi và đại nguyện của Bồ-tát hạnh, mà có thể tìm thấy trong Jātakas (Những Chuyện Tiền Thân) hoặc Avadānas (Những Chuyện Ví Dụ).

Về tựa đề Kinh “Suvarṇa-prabhāsa”, Suvarṇa có nghĩa là vàng; và Prabhāsa, ánh sáng, sự chiếu sáng, sự toả sáng. Vậy Suvarṇa-prabhāsa Sūtra có nghĩa là Kim Quang Minh Kinh. Tựa đề đầy đủ của kinh này là  Suvarṇa-prabhāsottamarāja-sūtram. Prabhāsottamarāja là từ ghép, được kết hợp giữa prabhāsa + uttama, luật Sandhi trong Saṅskrit: a + u = o. Uttama nghĩa là cuối cùng, cùng tột, hoặc tối thắng; còn rāja, vương (vua). Vì lẽ đó Suvarṇa-prabhāsottamarāja-sūtram ngài Nghĩa Tịnh dịch là Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh.

Toàn bộ Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh gồm có 10 quyển, chia thành 31 Phẩm. Nội dung của nó được tóm lược khái quát như sau:

Ngay từ Phẩm Tựa thứ nhất (Nidāna-parivarta), nó giới thiệu toàn cảnh giới thanh tịnh của chư Phật cùng với sự có mặt vô số Bồ-tát, những vị A-la-hán, chư Thiên, Nhân, A-tu-la, những vị Thiện Thần Hộ Pháp, Long Thần, Địa Thần vô số. Trong hội chúng có đến 98.000 vị Tỳ-kheo đều là những vị đã chứng bậc A-la-hán, những bậc có khả năng điều phục tượng vương, đoạn tận các lậu, không còn phiền não, tâm khéo giải thoát, tuệ khéo giải thoát, sạch hết các kiết, được đại tự tại, trú giới thanh tịnh, phương tiện thiện xão, trí tuệ trang nghiêm, chứng bát giải thoát và đã thật sự giải thoát. Lại có trăm ngàn vạn ức Đại Bồ-tát, 58.000 Licchavi (Lê-xa-tỳ), 42.000 Devaputra (Thiên tử), 28.000 Long Vương, 36.000 Yakṣa (Dược-xoa), 49.000 Garuḍa (Yết-lộ-trà), cùng với vô số những vị Gandarva (Càn-thát-bà), Aṣura (A-tu-la), Kinnara (Khẩn-na-la).... đều tề tựu trong hội chúng trang nghiêm thanh tịnh. Cuối phẩm này, Bhagavān (Bạt-già-phạm, tức là đức Thế Tôn) đã thuyết kệ tụng tán thán giáo pháp vi diệu của Kim Quang Minh là tối thắng trong tất cả các kinh, sâu xa hiếm khi được nghe cũng như rất khó thấy được cảnh giới thanh tịnh của chư Phật.

 Phẩm thứ 2 của Quyển thứ nhất là Tathāgata-yuṣpramaṇānirdeśa (Như Lai Thọ Lượng). Nó trình bày về sự thọ mạng vô lượng của chư Như Lai và nêu lên 2 nhân duyên dẫn đến sự thọ mạng ấy: không hại sinh mạng và bố thí đồ ăn thức uống cho kẻ khác; cũng như chỉ ra việc Như Lai nhập Niết-bàn có lưu xá lợi là vì lợi ích cho tất cả loài hữu tình, và một mục đích duy nhất trong việc thị hiện Niết-bàn chính là phương tiện giáo hoá, khiến cho tất cả chúng sanh thức tỉnh nguồn tâm, sớm như thật thấy rõ nguyên lý sinh diệt vô thường để nỗ lực tu tập, chóng giải trừ khổ đau, liễu sanh thoát tử.

Phẩm thứ 3 là Phân biệt Tam Thân (Trikāya). Làm thế nào để phân biệt và như thật hiếu thấu được Nirmāṇakāya (Hoá Thân), Saṃbhogakāya (Ứng Thân) và Dharmakāya (Pháp Thân) của Như Lai. Muốn đạt đến Trikāya của Như Lai, cần phải phản quang tự kỷ hay quán chiếu tự thân, nỗ lực tu tập và sám hối để diệt trừ nghiệp chướng: Kleśāvaraṇa (phiền não chướng) và Jñeyāvaraṇa (sở tri chướng), không những sám hối cho chính mình mà còn sám hối và hồi hướng công đức sám hối ấy cho tất cả chúng sanh trong tứ sanh lục đạo; hai phương thức này được trình bày trong Phẩm 4 của Quyển 2,Mộng Kiến (Svapna hoặc Deṣana) Kim Cổ Sám Hối và thể hiện tâm thành sám hối mong tội chướng được tiêu trừ, điều này có thể thấy trong Phẩm thứ 5 của Quyển 3 _ Diệt Nghiệp Chướng.

Phẩm thứ 6 của Quyển 4 là Tối Thanh Tịnh Dhāraṇi. Phẩm này kể lại rằng bấy giờ có Sư Tử Tướng Vô Ngại Quang Diễm Bồ-tát cùng với vô lượng ức chúng từ tòa đứng dậy, trịch áo vai hữu, quỳ gối chắp tay, cung kính lễ Phật, rồi đem những thứ hương hoa tràng phan bảo cái cúng dường, xong liền bạch Phật và thưa hỏi rằng có mấy nhân duyên mới có thể chứng đắc bồ-đề tâm, và những gì là bồ-đề tâm. Dù họ vẫn biết rằng “bồ-đề hiện tại tâm là bất khả đắc, vị lai tâm cũng bất khả đắc, quá khứ tâm cũng bất khả đắc, xa lìa nơi bồ-đề thì bồ-đề tâm cũng bất khả đắc. Bồ-đề thì không thể dụng ngôn thuyết; còn tâm thì không sắc không tướng, không có sự nghiệp, không thể tạo tác. Chúng sanh cũng bất khả đắc, cũng không thể biết”. Đức Phật dạy:

Đúng vậy, đúng vậy! Bồ-đề là vi diệu, tạo tác sự nghiệp đều bất khả thuyết, tâm cũng bất khả thuyết; vì không sắc tướng cũng không sự nghiệp. Hết thảy chúng sanh cũng bất khả đắc. Vì sao? Vì bồ-đề và tâm đồng với chơn như; vì năng chứng sở chứng thảy đều bình đẳng, chẳng phải không có các pháp mà có thể liễu tri. Này Thiện nam tử, Bồ-tát ma-ha-tát phải biết như thế mới có thể gọi là thông đạt các pháp, khéo thuyết bồ-đề và bồ-đề tâm. Bồ-đề tâm chẳng phải là quá khứ, chẳng phải vị lai cũng chẳng phải hiện tại. Tâm cũng như vậy; chúng sanh cũng như vậy, đối với trong hai thật tướng này đều bất khả đắc. Vì sao? Bởi hết thảy các pháp đều là không sanh, do đó bồ-đề là bất khả đắc (thậm chí) cái tên bồ-đề cũng bất khả đắc, cái tên chúng sanh cũng bất khả đắc. Thanh văn bất khả đắc (thậm chí) cái tên Thanh văn cũng bất khả đắc. Độc giác, Bồ-tát, Phật bất khả đắc (thậm chí) cái tên Độc giác, Bồ-tát, Phật cũng bất khả đắc. Hành phi hành bất khả đắc, cái tên hành phi hành cũng bất khả đắc; vì bất khả đắc cho nên trong tất cả pháp đều tịch tĩnh, mà được an trụ. Đây là nhờ nương vào thiện căn công đức mà được sinh khởi”.[116]

Kế đó nhấn mạnh đến diệu dụng của bồ-đề tâm có thế làm lợi ích tất cả loài hữu tình; vì dụng bồ-đề tâm làm lợi ích chúng sanh phải được đặt trên nền tảng của Thập độ Ba-la-mật: đó là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền-định, trí tuệ, phương tiện thắng trí, nguyện, lực và trí Ba-la-mật.

Muốn thành tựu Bố thí Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp: 1) Tín; 2) Từ bi; 3) Vô cầu dục tâm; 4) Nhiếp thọ hết thảy chúng sanh; và 5) Nguyện cầu Trí nhất thiết trí.  

Muốn thành tựu Trì giới Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Tam nghiệp thanh tịnh;

2) Không vì hết thảy chúng sanh tạo tác nhân duyên phiền não;

3) Đóng các ác đạo, mở cửa thiện thú;

4) Vượt qua các địa của Thanh văn và Độc giác; và

5) Tất cả công đức đều sung mãn.  

Muốn thành tựu Nhẫn nhục Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Luôn hàng phục tham, sân và phiền não;

2) Không thương tiếc thân mạng;

3) Tư duy vãng nghiệp, gặp khổ gắng nhẫn;

4) Phát tâm từ bi, vì thành tựu hết thảy thiện căn cho tất cả chúng sanh; và

5) Chứng đắc được Vô sanh pháp nhẫn sâu xa.  

Muốn thành tựu Tinh tấn (Cần sách) Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Cùng các phiền não, bất lạc cọng trú;

2) Phước đức chưa đủ, không thọ nhận sự an lạc;

3) Hành khổ hạnh đối với những việc khó làm, không sanh tâm nhàm chán;

4) Dùng tâm đại bi nhiếp thọ để lợi ích chúng sanh; và 5) Nguyện thể nhập các địa, tâm không thối chuyển.  

Muốn thành tựu Thiền-định (Tĩnh lự) Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Đối với các thiện pháp phải nhiếp thọ không để tản mất;

2) Thường nguyện giải thoát, không chấp trước vào nhị biên;

3) Nguyện chứng đắc thần thông để thành tựu các thiện căn cho chúng sanh;

4) Vì pháp giới thanh tịnh phải trừ tâm cấu uế; và

5) Vì đoạn trừ căn bản phiền não cho tất cả chúng sanh.

Muốn thành tựu Trí tuệ Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Thường cúng dường và thân cận, không sanh tâm mỏi mệt đối với tất cả chư Phật, Bồ-tát và những bậc minh trí;

2) Chư Phật Như Lai thuyết pháp sâu xa, tâm phải thường an lạc lắng nghe, chứ không sanh tâm nhàm chán tự mãn;

3) Phải phân biệt rành rọt những pháp thiện lạc và thắng trí, chơn và tục;

4) Phải thấy và tu tập để nhanh chóng đoạn trừ các phiền não; và

5) Phải thông thạo Ngũ minh và kỹ thuật của thế gian.  

Muốn thành tựu Phương tiện Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Hết thảy chúng sanh ý lạc hay phiền não, tâm hành sai biệt, thảy đều thông đạt;

2) Vô lượng pháp môn đối trị, tâm đều hiểu biết rốt ráo;

3) Tâm thường trú định với dụng đại từ bi để xuất nhập tự tại;

4) Đối với các Ba-la-mật thường nguyện tu hành, thành tựu đầy đủ; và

5) Hết thảy pháp Phật đều nguyện được thông đạt rốt ráo, dung nhiếp lãnh thọ không bỏ sót. 

Muốn thành tựu Nguyện Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Tất cả các pháp từ xưa đến nay không sanh không diệt, chẳng phải có cũng chẳng phải không, tâm được an trú;

2) Quán tất cả các pháp nghĩa lý tối thắng vi diệu, xa lìa cấu uế, giữ tâm an trụ thanh tịnh;

3) Vượt qua các tưởng là nguồn gốc của Như Lai, vô tác vô hành, không khác không động, tâm được an trụ;

4) Ở trong tục đế nhưng vì muốn lợi ích hết thảy chúng sanh, mà tâm được an trụ; và

5) Tâm phải thưòng dõi theo hơi thở (Vipāśyanā_Tỳ-bát-xá-na), luôn ở trong định (Śamatha_Đồ-ma-tha), để được an trú. 

Muốn thành tựu Lực Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Dụng năng lực chánh trí để hiểu biết (hết thảy) tâm hành thiện hay ác của tất cả chúng sanh;

2) Dụng công năng thù thắng để khiến cho tất cả chúng sanh thể nhập vào giáo pháp sâu xa vi diệu;

3) Sự luân hồi sanh tử của tất cả chúng sanh phải tuỳ theo duyên nghiệp của họ mà như thật liễu tri;

4) Đối với ba loại thiện căn của tất cả chúng sanh, phải dụng năng lực chánh trí để liễu tri; và

5) Đối với chúng sanh phải đúng như lý vì họ diễn thuyết, khiến cho các thiện căn của họ được thành tựu độ thoát; vì họ đều có trí lực. 

Muốn thành tựu Trí Ba-la-mật phải nương vào 5 pháp:

1) Đối với các pháp, phải có khả năng phân biệt thiện hay ác rõ ràng;

2) Đối với pháp trắng hay đen, sự nhiếp thọ phải vĩnh viễn xa lìa;

3) Đối với sanh tử hay Niết-bàn, không nên nhàm chán hay hoan hỷ;

4) Công hạnh phải đầy đủ phước đức và trí tuệ, mới có thể đến chỗ cứu cánh; và

5) Nhiếp thọ sự quán đảnh một cách thù thắng thì mới có khả năng đắc được Thập lực[117], Tứ vô sở uý[118], Thập bát bất cọng[119] của chư Phật và Trí nhất thiết trí.[120]

Ngoài ra, Phẩm này còn giải thích rất chi tiết về Thập địa. Chẳng hạn, nó giải thích thế nào là Pramuditā-bhūmi (Sơ hoan hỷ địa), Vimalā-bhūmi (Ly cấu địa), Prabhākarī-bhūmi (Phát quang địa), Arciṣmatī-bhūmi (Diệm huệ địa), Sudurjayā-bhūmi (Nan thắng địa), Abhimuktī-bhūmi (Hiện tiền địa), Dūraṃgamā-bhūmi (Viễn hành địa), Acalā-bhūmi (Bất động địa), Sādhumatī-bhūmi (Thiện Huệ địa) và Dharmameghā-bhūmi (Pháp vân địa):

1. Pramuditā-bhūmi (Sơ hoan hỷ địa) tức là tâm xuất thế chứng đắc ban đầu, trước kia chưa chứng nay mới chứng đắc, do đó tâm rất hoan hỷ; vì thế cho nên Sơ địa được gọi là Hoan hỷ.

2. Vimalā-bhūmi (Ly cấu địa) tức là những lỗi lầm phạm phải giới điều cấu nhiễm vi tế, đều được thanh tịnh; vì thế cho nên Nhị địa được gọi là Vô cấu.

3. Prabhākarī-bhūmi (Phát quang địa), tức là trí tuệ tam muội quang minh vô lượng, không hề khuynh động, không một pháp nào có thể tồi phục, nghe và hàn trì Đà-la-ni dùng làm căn bổn; vì thế cho nên Tam địa được gọi là Minh địa.

4. Arciṣmatī-bhūmi (Diệm huệ địa) tức là vận dụng lửa trí tuệ để thiêu đốt sạch mọi phiền não, làm tăng trưởng quang minh, tu hành hiểu rõ phẩm vị; vì thế cho nên Tứ địa được gọi là Diệm địa.

5. Sudurjayā-bhūmi (Nan thắng địa) tức là nhờ công phu tu hành mà có được thắng trí tự tại, vì thắng trí rất khó chứng đắc. Nhờ tu tập thấy phiền não là rất khó điều phục mà có khả năng nhiếp phục, vì thế cho nên Ngũ địa được gọi là Nan thắng.

6. Abhimuktī-bhūmi (Hiện tiền địa) tức là hành pháp luôn tương tục, hiển hiện được rốt ráo, dụng tư duy vô tướng, khiến nó luôn hiện tiền; vì thế cho nên Lục địa được gọi là Hiện tiền.

7. Dūraṃgamā-bhūmi (Viễn hành địa) tức là dụng tư duy vô tướng (tâm) vô lậu không hề gián đoạn, được giải thoát tam muội, lìa xa công hành tu tập (của thế gian); vì thế cho nên Thất địa được gọi là Viễn hành.

8. Acalā-bhūmi (Bất động địa) tức là dụng tư duy vô tướng, nhờ hạnh tu tập nên được tự tại, hành tướng các phiền não không còn khả năng khiến tâm dao động, vì thế cho nên Bát địa được gọi là Bất động.

9. Sādhumatī-bhūmi (Thiện Huệ địa) tức là diễn thuyết những thứ sai biệt của tất cả các pháp một cách tự tại, không chướng ngại cũng không vướng luỵ, trí tuệ tăng trưởng, tự tại vô ngại; vì thế nên Cửu địa được gọi là Thiện huệ.

10. Dharmameghā-bhūmi (Pháp vân địa) tức là pháp thân như hư không, trí tuệ như mây lớn, có công năng biến hoá sung mãn, (như mây đại pháp) che phủ tất cả; vì thế cho nên Thập địa được gọi là Pháp vân.[121]  

Ngoài ra, Phẩm này còn đề cập đến vô minh mà chính vô minh là những nghiệp chướng làm chướng ngại công hạnh thể nhập ở mỗi một trong Thập địa. Lại nữa, đối với công hạnh tu tập trong Thập địa còn liên quan mật thiết đến Thập độ. Điều này có nghĩa là trong Sơ địa đòi hỏi phải hành Bố thí Ba-la-mật; trong Nhị địa phải trì Giới Ba-la-mật; trong Tam địa, Nhẫn nhục Ba-la-mật; trong Tứ địa, Tinh tấn Ba-la-mật; trong Ngũ địa, Thiền-định Ba-la-mật; trong Lục địa, Trí tuệ Ba-la-mật; trong Thất địa, Phương tiện Ba-la-mật; trong Bát địa, Nguyện Ba-la-mật; trong Cửu địa, Lực Ba-la-mật; và trong Thập địa đòi hỏi phải hành Trí Ba-la-mật.[122] Khi một Bồ-tát đăng Thập địa phải hành Thập Ba-la-mật, thì vị ấy có đủ công năng chứng đắc Đà-la-ni; đây cũng chính là nội dung cốt lõi của Phẩm Tối Thanh Tịnh Dhāraṇi này. Những vị nào thành tựu viên mãn các pháp vừa nêu, thì những vị ấy luôn được thần lực của mười phương chư Phật hộ niệm và gia bị.

Phẩm thứ 7 của Quyển 5 là Kamalākara (Liên Hoa Dụ Tán). Phẩm này kể lại chuyện Bồ-đề Thọ thần rằng Diệu Tràng nằm mộng thấy trống vàng vi diệu phát âm thanh lớn, tán thán công đức chư Phật cùng với pháp sám hối. Do nhân duyên này cho nên đức Phật mới kể lại rằng quá khứ có vua tên là Suvarṇabhūjendra (Kim Long Chúa) thường dùng hoa sen làm dụ để tán thán xưng dương công đức của ba đời mười phương chư Phật. Nhờ nhân duyên đó cho nên đức Phật vì đại chúng kể lại chuyện ấy, Diệu Tràng cũng đã tác kệ ca ngợi công đức vô lượng của thập phương tam thế Phật.

Phẩm thứ 8 của Quyển 5 là Hiraṇyavatī-dhāraṇī (Kim Thắng Đà-la-ni). Chuyện mô tả rằng khi đức Phật ở trong hội chúng lớn, Ngài đã kể cho Bồ-tát Thiện Trụ rằng có Dhāraṇī được mệnh danh là Kim thắng, nếu có vị nào khát khao thân cận và thấy được chư Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai, hết lòng cung kính cúng dường thì phải thọ trì Dhāraṇī này. Vì nó chính là mẹ của chư Phật trong ba đời, do đó cần phải thọ trì Dhāraṇī. Nếu thọ trì, thì giới pháp được thanh tịnh, không huỷ phạm, không khiếm khuyết, cũng không hề bị chướng ngại, có công năng quyết định thể nhập vào pháp môn mầu nhiệm, sâu xa và vi diệu. Nếu vị nào thọ trì Dhāraṇī sẽ đạt được vô lượng vô biên công đức, tuỳ sự mong muốn của mình mà có đầy đủ y phục, tài bảo, đa văn, thông tuệ, thân không tật bịnh, luôn được trường thọ, phước đức vô biên, tuỳ theo nguyện cầu, không một nguyện nào không được toại ý, không bị các loài tà độc nguy hiếm gây hại. Phương thức thọ trì Dhāraṇī cũng được chỉ bày cặn kẽ chi tiết trong phẩm này.

Phẩm 9 của Quyển 5  Trùng Hiển Không Tánh (Śūnyatā). Phẩm này mô tả lại việc đức Thế Tôn sau khi thuyết thần chú Dhāraṇī, và muốn lợi ích cho hết thảy Bồ-tát ma-ha-tát cùng với đại chúng nhân thiên, khiến cho họ được chứng đắc và ngộ giải Đệ nhất nghĩa sâu xa chơn thật, cho nên đã tuyên thuyết nghĩa lý không tánh này bằng những kệ tụng:  

“Ở những kinh văn sâu xa khác,

Ta giảng chơn không vi diệu pháp,

Nay Kim Quang Minh Tối Thắng Vương,

Lược thuyết pháp ‘không’ bất tư nghì.

Các pháp quảng đại nghĩa sâu xa,

Khai thị pháp không khiến chứng ngộ,

Đại bi thương xót các hữu tình,

Phương tiện xương minh duyên thù thắng.

Ta nay đối trước đại chúng này,

Diễn thuyết khiến họ rõ nghĩa không.

Nên biết thân người như không tụ,

Lục tặc nương goá nào liễu tri.

Sáu trần cùng giặc dựa căn riêng,

Cũng vậy mỗi một nào hay biết.

Nhãn căn thường quán nơi sắc xứ;

Nhĩ căn nghe thanh nào đoạn tuyệt;

Tỉ căn luôn ngửi mùi hương cảnh;

Thiệt căn ưa nếm từng mỹ vị;

Thân căn thường thích nhiều cảm xúc;

Ý căn liễu pháp nào chán dừng.

Những căn như thế tuỳ niệm khởi,

Mỗi căn đối cảnh sanh phân biệt,

Thức như huyễn hoá nào chơn thật,

Nương tựa căn xứ vọng tham cầu.

Như người rong đuối trong làng trống,

Sáu thức nương căn cũng thế thôi,

Tâm biến rong cầu tuỳ xứ chuyển,

Mặc tình (phó thác) ngoại cảnh để căn duyên.

Thường thích sắc thanh hương vị xúc,

Đối pháp tầm tư chẳng tạm dừng,

Sáu căn tuỳ duyên hành biến hiện,

Như chim nào ngại giữa từng không,

Vay mượn các căn làm chỗ tựa,

Mới mong liễu biệt cảnh duyên ngoài,

Thân này nào biết nào tạo tác,

Thể nó mong manh nương goá thành,

Đều từ hư vọng sanh phân biệt,

Ví tợ cơ quan do nghiệp chuyển.

Địa thuỷ hoả phong kết thành thân,

Tuỳ nhân duyên kia chiêu dị báo,

Đồng ở một nơi, mà hại, trái.

Như bốn độc xà ở một rương,

Tánh bốn độc xà đều khác biệt,

Tuy đồng một chỗ lại thấp cao,

Gió lửa nhị xà tánh khí độc.

Do đây chống trái chúng bịnh sanh,

Tâm thức nương nhờ vào thân nọ,

Tạo tác vô vàn nghiệp thiện ác,

Nhân thiên ba cõi ác trôi lăn.

Tuỳ vào nghiệp lực thọ thân sắc,

Mang nhiều tật bịnh sau thân chết,

Nước tiểu đại tiện mặc giao lưu (chảy tràn lan);

Trùng, dòi, sâu đục ôi nhờm gớm,

Thây phơi rừng vắng tợ cây khô,

Các ngươi nên quán pháp như vậy,

Sao chấp chúng sanh có bản ngã?

Cùng tột các pháp thảy vô thường,

Đều từ vô minh duyên lực khởi,

Các đại chủng nọ luôn hư vọng,

Gốc chẳng thật có, thể không sanh;

Nên nói đại chủng, tánh đều không,

Biết vọng nổi trôi chẳng thật có.

Tự tánh vô minh, gốc vốn không,

Nhờ lực các duyên hoà hợp có,

Đối tất cả thời mất chánh tuệ,

Nên Ta quở họ, kẻ vô minh.

Hành thức làm duyên sanh danh sắc;

Sáu xứ, xúc, thọ theo đó sanh;

Ái, thủ duyên nhau sanh lão tử,

Ưu bi khổ não mãi đoanh vây,

Chúng khổ ác nghiệp thường bức bách,

Sanh tử luân hồi chẳng hề nguôi.

Xưa nay chẳng có, thể là không;

Do không như lý, sanh phân biệt.

Ta đoạn tuyệt sạch mọi phiền não,

Thường dụng chánh trí, quán hiền tiền;

Thấy rõ năm uẩn thảy đều không,

Cầu chứng bồ-đề chơn thật xứ.

Thành lớn, cam lồ, Ta mở cửa;

Chỉ bày suối pháp, khí vi diệu;

Đã chứng pháp mầu chơn thật vị,

Thường dụng suối pháp (cam lồ) thí quần sanh.

Ta đánh vang lừng trống pháp lớn;

Ta thổi dọc ngang đại pháp loa;

Ta thắp sáng mãi đèn xuất thế (đại minh);

Ta rưới khắp nơi mưa pháp (mầu).

Hàng phục phiền não cùng oán kết,

Dương lên cao ngất cờ đại pháp;

Vào biển sanh tử cứu quần mê,

Bít lối đóng chặt ba cõi ác;

Lửa phiền não đốt thiêu chúng sanh,

Không nơi nương tựa, không người giúp;

Ban cho kẻ ấy cam lồ vị,

Thân tâm nhiệt não thảy tiêu trừ,

Bởi ta thường hành vô lượng kiếp,

Cung kính cúng dường chư Như Lai,

Kiên trì cấm giới đến bồ-đề,

Cầu chứng pháp thân cõi an lạc,

Thí cả chân tay và tai mắt,

Vợ con tôi tớ, cũng cam lòng;

Trân bảo thất tài trang nghiêm đủ,

Cung cấp hết thảy tuỳ người ưa;

Thí, nhẫn... các độ, tâm thường hành,

Viên mãn thập địa thành Chánh giác,

Nên Ta được xưng Nhất thiết trí...”

Tóm lại, cốt lõi về thuyết không tánh sâu xa, phải thấy rõ như thật thể tánh của bốn đại và năm uẩn đều không, chỉ do sáu căn sáu trần vọng sanh trói buộc. Biết rõ không tánh, cần tu chánh hạnh, nguyện thoát luân hồi, xuất ly tam giới....

 

Phẩm thứ 10 cuả Quyển thứ 5  Y Không Mãn Nguyện. Nội dung Phẩm này nêu lên phương hướng tu hành, nếu cậy vào pháp giới để hành pháp bồ-đề, thì tâm hành phải bình đẳng. Nếu như thật thấy biết:

Năm uẩn có công năng hiển hiện pháp giới. Pháp giới chính là năm uẩnnhưng năm uẩn là bất khả thuyếtchẳng phải năm uẩn cũng bất khả thuyếtVì nếu pháp giới là năm uẩn, tức rơi vào đoạn kiến; nếu lìa xa năm uẩn, tức rơi vào thường kiến, lìa xa hai tướng uẩn và giới, không đắm trước nhị biên, không chấp trước vào cái thấy, vượt khỏi cái được thấy, không danh, không tướng; như vậy tức là thoát khỏi pháp giới. Vì sao năm uẩn có công năng hiển hiện pháp giới? Vì năm uẩn không từ nhân duyên sanh. Vì sao? Nếu từ nhân duyên sanh tức là vì đã sanh rồi cho nên sanh, hoặc vì chưa sanh cho nên sanh. Nếu sự sanh đã sanh, thì dụng những nhân duyên gì? Nếu sự sanh chưa sanh, thời không thể được sanh. Vì sao? Vì các pháp chưa sanh tức là chưa có, không danh, không tướng, chẳng có thể dùng để so sánh tỉ giảo hay đề cập; vì chắng phải là do nhân duyên được sanh. Thí như tiếng trống, phải dựa vào đùi trống, nương vào da trống và lực tạo tác thì mới có tiếng trống phát ra. Như vậy, tiếng trống quá khứ không có, vị lai không có và hiện tại cũng không có. Vì sao? Vì chính âm thanh của cái trống không phải từ đùi trống phát sanh, không phải từ da trống phát sanh và cũng không phải từ tay đánh hay lực tạo tác phát sanh, cũng không phải từ ba cõi sanh, tức là không sanh. Nếu không thế sanh, thời không thể diệt. Nếu không thể diệt, thời nó không từ đâu đến. Nếu không từ đâu đến, thì cũng không đi về đâu. Nếu không đi về đâu, thì chằng phải thường, chẳng phải đoạn. Nếu chẳng phải thường, chẳng phải đoạn, tức là bất nhất, bất dị. Vì sao? Vì nếu là nhất, tức là không khác với pháp giới. Nếu như vậy, thì người phàm phu lý đáng phải thấy được chơn đế, chứng đắc Niết-bàn vô thượng an lạc. Đã không phải như vậy, cho nên biết là không phải nhất; còn nếu nói “dị”, thì hành tướng của tất cả chư Phật, Bồ-tát tức là chấp trước, chưa được giải thoát khỏi phiền não trói buộc, tức là không chứng Vô thượng Bồ-đề. Vì sao? Vì tất cả Thánh nhân, nơi hành mà chẳng (chấp trước) hành, đồng chơn thật tánh; vì thế cho nên không phải “dị”; do đó biết năm uẩn chẳng phải có cũng chẳng phải không, chẳng phải từ nhân duyên sanh, cũng chẳng phải là không do nhân duyên sanh; vì cái được biết của bậc Thánh không phải từ cảnh giới khác, cũng chẳng phải nói là năng thuyết hay sở thuyết, không danh, không tướng, không nhân không duyên, cũng không thí dụ, trước sau tịch tĩnh, xưa nay đều không; vì thế cho nên nói năm uẩn có công năng hiển hiện pháp giới”.[123]

Nếu rốt ráo liễu tri năm uẩn có công năng hiển hiện pháp giới, thì chính là ý ở đây vậy.

Ở đoạn kế, chúng ta đọc:

Muốn cầu Vô thượng Bồ-đề, khác chơn khác tục, khó thế tư lường, nơi phàm là cảnh Thánh, thể chẳng phải nhất chẳng phải dị, không bỏ nơi tục, không lìa nơi chơn, cậy vào pháp giới, hành hạnh bồ đề.[124]

Ở một đoạn khác Đại Phạm Vương hỏi Như Ý Bảo Quang Diệu Bồ-tát: “Như thế nào là hành bồ-đề hạnh?”.

Đáp: “Phạm Vương, nếu trăng trong nước hành bồ-đề hạnh, thì ta cũng hành bồ-đề hạnh. Nếu trong mộng hành bồ-đề hạnh, thì ta cũng hành bồ-đề hạnh. Nếu tiếng vang trong hang hành bồ-đề hạnh, thì ta cũng hành bồ-đề hạnh.

Bấy giờ Đại Phạm Vương nghe nói như thế rồi, liền thưa: “Ngài nương vào nghĩa nào mà nói như thế?”.

Đáp: “Thưa Phạm Vương, không có một pháp nào là thật tướng cả, chỉ do nhân duyên mà được hình thành”.

Phạm Vương nói: “Nếu như vậy, hết thảy những người phàm phu đều đắc Vô thượng Bồ-đề hết cả hay sao?”.

Đáp: “Ngài nhân ý gì mà nói như thế, dị nhân ngu si hay dị nhân trí tuệ, dị nhân bồ-đề hay dị nhân phi bồ-đề, dị nhân giải thoát hay dị nhân phi giải thoát!

“Thưa Phạm Vương! Như vậy các pháp đều bình đẳng không khác, nơi pháp giới này, chơn như, bất nhất bất dị, không có khoảng trung gian nào có thể chấp trước, không tăng không giảm”.

“Thưa Phạm Vương! Thí như nhà ảo thuật và học trò của ông ta, khéo bày trò ảo thuật nơi ngã tư đường, lấy những thứ: cát, đất, cỏ , cây, lá, v.v... tụ lại một chỗ làm các ảo thuật, khiến người nhìn thấy hình tượng voi, ngựa, xe binh, v.v..., tập hợp bảy báu và những kho lúa. Nếu người ngu si vô trí, không chịu suy nghĩ, thì chẳng biết đó là gốc của ảo thuật. Hoặc thấy, hoặc nghe, liền suy nghĩ rằng những thứ voi ngựa xe mà ta thấy đây là không thật có, đều là luống dối, về sau lại chẳng tư duy quán sát. Người có trí thời không phải thế, rõ gốc ảo thuật, hoặc thấy, hoặc nghe, liền nhớ lại rằng, những thứ voi, ngựa như ta thấy đây, chẳng phải chơn thật, chỉ do ảo thuật; hoặc người có mắt, lại vọng cho rằng voi, ngựa, v.v... và những kho lúa, có tên nhưng không thật, như ta đã thấy nghe, không chấp là thật. Sau khi suy nghĩ, rõ biết những thứ đó là hư vọng; vì thế cho nên người trí biết rõ các pháp đều là không thật thể, chỉ tuỳ thế tục thấy nghe như thế; biểu diễn những thứ ảo thuật, suy nghĩ chín chắn, thời không phải vậy, lại do giả thuyết, hiển nghĩa chơn thật. Dị sanh ngu si, chưa được xuất thế, không mắt Thánh tuệ, chưa biết tất cả các pháp, vì chơn như bất khả thuyết. Những kẻ phàm phu hoặc thấy hoặc nghe, nhưng hành chẳng phải pháp hành, cứ thế suy nghĩ, liền sanh chấp trước, cho đó là thật. Đối nơi Đệ nhất nghĩa không có khả năng liễu tri các pháp chơn như là bất khả thuyết. Những bậc Thánh nhân, hoặc thấy hoặc nghe, hành mà chẳng chấp vào pháp hành, tuỳ vào năng lực của mình mà không sanh chấp trước, cho là thật có, liễu tri hết thảy pháp hành không thật, không thật chẳng phải là pháp hành, chỉ vọng tư lường, hành chẳng phải hành tướng, chỉ có danh tự, không có thật thể. Những vị Thánh nhân tuỳ thế tục thuyết, vì muốn khiến họ, biết nghĩa chơn thật như vậy.

“Thưa Đại Vương! Những vị Thánh nhân dụng cái thấy Thánh trí, rõ pháp chơn như là bất khả thuyết, hành chẳng phải pháp hành cũng lại như vậy; vì muốn khiến cho kẻ khác rõ biết, cho nên nói ra vô số danh ngôn thế tục”.[125]

Phẩm 12 Quyển 6, Tứ Thiên Vương Hộ Quốc, nêu lên tâm huyết hộ trì Phật pháp, hộ trì chân lý của Tứ Đại Thiên Vương bằng công tâm hộ quốc. Họ luôn cung kính cúng dường kinh này và hết lòng ủng hộ những người thọ trì kinh này. Ngoài ra, Đa Văn Thiên Vương còn có pháp “Như ý bảo châu Đà-la-ni”, nếu người nào thọ trì, thì công đức vô lượng. Đa Văn Thiên Vương thường ủng hộ, khiến cho chúng sanh kia ly khổ đắc lạc, có khả năng thành tựu hai loại phước và trí. Tựu trung, Phẩm này ca ngợi tinh thần hộ trì Phật pháp, hộ trì chân lý của Tứ Đại Thiên Vương bằng công tâm hộ quốc, bằng cách quán xem sự hưng thạnh của nhân thiên để gia tâm cứu giúp và phụng đạo cũng như sự biểu hiện công năng linh nghiệm của thần chú Dhāraṇi trong việc ứng dụng tồi tà phụ chánh, gia tâm giúp cho chánh pháp được cửu trụ, chúng sanh được an lạc, và sự bất nhiễm tà thuật bởi diệu dụng của Dhāraṇi, là viên ngọc như ý vô giá rất mầu nhiệm để giữ vững chủng tánh của Tam bảo, hưng thịnh Đại thừa.

Trong Phẩm 13 của Quyển 6Vô Nhiễm Trước Đà-la-ni, mô tả lại lời dạy của đức Phật cho tôn giả Xá-lợi-phất và những vị Bồ-tát về pháp môn bất nhiễm Đà-la-ni này. Nó là hiện thân của mọi công đức, là mẹ của chư vị Bồ-tát, được chư Bồ-tát trong quá khứ hết lòng thọ trì, công đức vô lượng. Đáng lưu ý rằng Đà-la-ni này chẳng phải là nơi chốn, chẳng phải không nơi chốn, chẳng phải pháp cũng chẳng phải phi pháp, chẳng phải quá khứ, hiện tại hay vị lai, chẳng phải sự cũng chẳng phải phi sự, chẳng phải duyên cũng chẳng phải phi duyên, chẳng phải hành cũng chẳng phải phi hành, không có sanh, không có diệt, cũng không có pháp diệt. Nên biết rằng công dụng của Đà-la-ni này đều đầy đủ thế lực an lập, lý thú của chánh đạo. Đà-la-ni tức là công đức của chư Phật, là cấm giới của chư Phật, là sở học của chư Phật, là bí mật của chư Phật, và cũng là sanh xứ của chư Phật; cho nên gọi là Vô Nhiễm Trước Đà-la-ni.

Phẩm 14 của Quyển 6 là Như Ý Bảo Châu Đà-la-ni. Phẩm này trình bày về công năng linh nghiệm và diệu dụng của Đà-la-ni. Nếu vị nào thọ trì đọc tụng như ý bảo châu Đà-la-ni này sẽ viễn ly tất cả tai ách, cũng có khả năng chấm dứt những điều xấu ác điện lôi. Thuyết Đà-la-ni này là vì thương xót thế gian, ủng hộ cho tất cả, khiến cho chúng sanh được an lạc, có đại oai lực, sở cầu như ý.  

Phẩm 15 thứ nhất của Quyển 7  Phẩm 15 thứ hai của Quyển 8 cho đến Phẩm 17 đều đề cập đến pháp môn tổng trì Đà-la-ni vô ngại mà Thiên Nữ Đại Biện Tài đã nhờ thọ trì thần chú ấy, cho nên đạt được những phước đức vô lượng. Nó cũng mô tả về phước báo vô lượng của Thiên Nữ Đại Cát Tường đã tăng trưởng thêm nhiều tài vật để cúng dường chư Phật cùng với những ai thọ trì thần chú Đà-la-ni cũng như những ai tôn kính và lưu hành thần chú này.  

Phẩm 18 đến Phẩm 20 của Quyển 8 kể lại sự hộ trì Tam bảo, hộ trì chánh pháp, hộ trì chân lý và hộ trì kinh này cũng như những ai thọ trì kinh này đều được những vị Hộ Pháp thường theo hộ vệ. Những Hộ Pháp này là những vị Thần, như Kiên Lao Địa Thần, Đại Tướng Dược-xoa, Vương Pháp Chánh Luận...

Phẩm 21 của Quyển 9 mô tả lại chuyện vua Susaṃbhava (Thiện Sanh) trong thời quá khứ đã từng làm một vị Chuyển luân Thánh vương. Ngài đã đem cả đại địa, đại hải và tứ châu cúng dường chư Như Lai. Nó cũng kể lại sự hộ trì chánh pháp, hộ trì chân lý và hộ trì những người trì tụng kinh này của chư Thiên, Dược-xoa (Yakṣa).

Phẩm 22 và 23 đề cập đến vấn đề thọ ký của đức Thế Tôn. Nó cũng kể lại nhân duyên sau khi Như Lai diệt độ, giáo pháp cũng đều bị diệt tận, thời bấy giờ có trưởng giả được thọ ký hiệu là Kim Quang Minh Như Lai, Ứng cúng, Chánh biến tri, Minh hạnh túc, Thiện thệ, Thế gian giải, Vô thượng sĩ, Điều ngự trượng phu, Thiên nhân sư, Phật Thế Tôn. 

Phẩm thứ 24 của Quyển 9 nêu lên phương pháp làm thế nào để diệt trừ tật bịnh. Tật bịnh cũng có nguồn gốc từ tập khí phiền não và nghiệp chướng đã tích luỹ sâu dày từ thời vô thỉ; vì thế cho nên, muốn diệt trừ tật bịnh phải nghiêm trì tịnh giới, tinh tấn hành Lục độ, tích luỹ những công đức và đặc biệt là phải sám hối nghiệp chướng, khiến tâm được tịnh, tâm tịnh thời thân an, nghiệp chướng theo đó tự tiêu diệt.  

Phẩm 25 mô tả lại chuyện trưởng giả Lưu Thuỷ (Jalavāhanasya -matsya-vaineya). Xưa ông ta làm vua trị vì cõi Trời Tự Tại Quang, cũng là một vị đại lương y đã cứu chữa vô số tật bịnh cho nhân dân trong nước, khiến cho những ai có tật bịnh đều chóng bình phục và được an lạc. Vô số nhân dân ở trong cõi nước của Ông khi được cứu chữa bịnh tật như thế đều tôn kính Ông ta bằng cách phát tâm tu tập phước đức, hành thiện bố thí và lần lượt những người ấy đều đến chỗ của Ông_vi Đại lương y đó_thi thiết và lễ bái, cung kính và cúng dường đồng thời cầu nguyện cho ngài luôn được trường thọ.

Phẩm 26 của Quyển 10 là mô tả lại việc xả thân cứu bầy cọp (1 cọp mẹ và 7 cọp con) đang đói khát. Chuyện kể rằng thủa xưa trong thời quá khứ, đức Thế Tôn hành Bồ-tát đạo, không những thí nước và thức ăn để cứu bầy cá, mà còn hiến cả thân mình. Nhờ nhân duyên như thế, phải nên quán sát. Rồi đức Phật kể lại chuyện tiền thân, Ngài là một vị Bồ-tát, hành Lục độ Ba-la-mật, lưu lại xá-lợi, những ai đảnh lễ cung kính cúng dường xá-lợi đều được phước lạc vô biên. Trước hội chúng Tỳ-kheo, Ngài dùng kim thủ tướng hảo trăm phước trang nghiêm ấn xuống đại địa, tức thời lục chủng đại địa chấn động, đại địa liền nứt nẻ ra, bảy báu từ đất bỗng dưng vọt lên, những lưới báu trang nghiêm, đại chúng thấy vậy, hết lòng kính phục, bởi việc hy hữu xưa nay chưa có. Trong lưới báu ấy có xá-lợi, màu sắc vi diệu khác thường. Nhân đó đức Thế Tôn bảo chư Tỳ-kheo rằng các Ông nên quán công hạnh của Bồ-tát, thân lưu xá-lợi. Nếu các Ông lễ kính xá-lợi ấy cũng chính là nhen nhúm xông lên hương giới định tuệ, là phước điền tối thượng, rất hiếm gặp được. Bấy giờ đại chúng cung kính đảnh lễ xá-lợi, tâm sanh hoan hỷ chưa từng có. Bấy giờ đức Thế Tôn bảo rằng, Ngài nhờ thân cốt xá-lợi ấy mà thành quả Vô thượng Bồ-đề, Tiếp đó Ngài kể về nhân duyên Xá-lợi bằng sự tích như vầy: Thủa xưa có một quốc vương tên là Đại Xa, giàu có đa tài, kho tàng đầy đủ, binh xa võ dũng, chúng đều khâm phục, thường dùng chánh pháp giáo hoá nhân dân, ai nấy cảm phục không hề oán hận. Trong nước lớn này có đại phu nhân thọ mạng. Phu nhân có 3 thái tử, nhan sắc đoan chánh, ai thấy cũng vui. Thái tử trưởng tên là Mahābala, vị kế tiếp tên Mahādeva và vị sau cuối tên Mahāsatiya.

Chuyện kể lại rằng khi cả ba Thái tử vào rừng tìm hoa quả về dâng cúng, đi vào rừng trúc. Đang đi trong rừng trúc ấy, Thái tử trưởng mô tả trạng thái kinh hoàng khi ở rừng vắng, sợ các thú dữ đến gây nguy hại. Vị Thái tử kế lại nói rằng ta không tiếc thân mạng, chỉ sợ người thân, có biệt ly khổ. Vị Thái tử cuối làm kệ nói rằng ta không tiếc thân cũng chẳng kinh sợ ái biệt ly khổ; vì thân tâm đầy hoan hỷ, thường được công đức thù thắng. Trong rừng, cả ba Thái tử thấy bầy cọp sắp chết đói, thấy rồi sợ hãi bỏ chạy. Vị Thái tử út liền nghĩ rằng bầy cọp đang sắp chết, không có gì cứu được, nghĩ rồi bèn trở lại chỗ bầy cọp ấy; đến nơi cởi áo ngồi trước bầy cọp, nhưng vì đức dày của Thái tử bầy cọp không dám hành thích. Biết vậy, Thái tử trèo lên cây, xả thân rơi xuống đất nhưng vô hiệu, vì những Thọ thần và Thổ thần dang tay đỡ lấy, thân không sây sát; sau cùng Thái tử phải bẽ cành trúc đâm vào thân mình, lúc máu huyết chảy, tiến gần bầy cọp, giúp cơn đói khát. Nhờ vậy mà bầy cọp thoát chết. Bấy giờ bỗng dưng đất trời rung chuyển, mây đen phủ kín, báo điềm chẳng lành. Hai vị Thái tử chợt thấy chuyện lạ, liền đi tìm em, đến chỗ bầy cọp, chỉ thấy xương trắng. Trở về vương cung, lòng rất lo buồn, hai Thái tử dẫn Phụ vương đến hiện trường, vua cha tiếc thương, than khóc khôn nguôi, cúi nhặt xương trắng về xây bảo tháp hết lòng thờ cúng. Phu nhân hay tin, Thái tứ đáng yêu xả thân cứu cọp, lòng đau quặn thắt, ngất xỉu hồi lâu, làm kệ tiếc thương, tán thán thờ phụng. Nhân dân trong nước hay tin như thế, ai nấy tiếc thương, đều đến chia buồn, lễ bái bảo tháp. Đây chính là chuyện tiền thân của đức Thế Tôn.[126]

Phẩm 28, 29 và 30 trình bày về công đức vô lượng của những vị Bồ-tát trong mười phưong, những vị Thiên thần, Thọ thần cũng như Đại Biện Tài Thiên nữ hết lòng tán thán, hoan hỷ cung kính, cúng dường đức Phật. Phẩm cuối cùng mô tả lại việc phó chúc của đức Thế Tôn cho những vị Bồ-tát, thiên nhân và tất cả đại chúng.

--------------------

[110] Nariman, J. K., Literary History of Sanskrit Buddhism, ...tr. 83.  

[111] Keith, A.B., A History of Sanskrit Literature, ... tr. 495.

[112] Có cứ liệu dẫn chứng ở phần Footnote, xem Winternitz, M., History of Indian Literature, ... tr. 341.

[113] Sđd.

[114] Ch’en, Kenneth K.S., Buddhism in China _A Historical Survey, Princeton Univ., 1964, tr. 88-9.

[115] Sđd., tr. 365.

[116] ĐC 16_665, tr. 417c & 418a.

[117] 1) Biết rõ chánh tà trong mỗi duyên; 2) Biết rõ nghiệp của chúng sanh trong ba đời; 3) Biết rõ những giai đoạn Thiền định giải thoát và Tam muội; 4) Biết rõ căn tánh cao thấp của chúng sanh; 5) Biết rõ sự tham muốn khác nhau của chúng sanh; 6) Biết rõ cảnh giới sai khác của mỗi chúng sanh; 7) Biết rõ chỗ đi và đến của phàm và Thánh, thế gian và xuất thế gian; 8) Biết rõ những nguyên nhân tốt xấu và thọ mạng dài hay ngắn của chúng sanh; 9) Biết rõ sự sinh diệt trong kiếp trước của chúng sanh và cảnh giới Niết-bàn của bậc Thánh; và 10) Tự biết rõ mình đã đoạn tận các lậu hoặc. 

[118] 1) Nhất thiết trí (trí biết rõ các pháp thế và xuất thế gian); 2) Lậu tận; 3) Thuyết chướng đạo (thuyết tà vạy làm chướng ngại Thánh đạo); và 4) Thuyết tận khổ đạo (thuyết những pháp có công năng diệt khổ).

[119] 1) Thân không lỗi; 2) Miệng không lỗi; 3) Niệm không lỗi; 4) Không có tâm tưởng khác; 5) Không có tâm bất định; 6) Không có tâm vô tri; 7) Sự mong muốn cứu vớt chúng sanh không giảm; 8) Tinh tấn không giảm; 9) Niệm không giảm; 10) Huệ không giảm; 11) Giải thoát không giảm; 12) Giải thoát tri kiến không giảm; 13) Thân nghiệp hành theo trí tuệ; 14) Khẩu nghiệp hành theo trí tuệ; 15) Ý nghiệp hành theo trí tuệ; 16) Trí biết rõ đời vị lai; 17) Trí biết rõ đời quá khứ; và 18) Trí biết rõ đời hiện tại.

[120] Sđd., tr. 614bc & 615ab.

[121] Sđd., tr. 419c.

[122] Sđd., tr. 420a.

[123] ĐC 16-665, tr. 425ab.

[124] Sđd., 425b.

[125] Sđd., 425c & 426a.

[126] Xem Sđd., tr. 450c, 451abc.

 

 ----o0o---