Chương I (tt) KINH THÀNH KAPILAVATTHU VÀ VỊ QUỐC VƯƠNG

21 Tháng Chín 201610:43 CH(Xem: 3003)
Chương I (tt) KINH THÀNH KAPILAVATTHU VÀ VỊ QUỐC VƯƠNG

Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam

Đức Phật Lịch Sử
(The Historical Buddha)

H.W. Schumann (1982)
M. O'C. Walshe dịch sang Anh ngữ (1989)
Nguyên Tâm Trần Phương Lan dịch Việt (1997)

--- o0o ---

Chương I (tt)

KINH THÀNH KAPILAVATTHU VÀ VỊ QUỐC VƯƠNG

Nếu thời niên thiếu, hoàng tử Siddhattha nhìn ra phương bắc, chàng thường thấy rặng núi trùng điệp nhấp nhô đến tận chân trời. Theo chàng biết, nơi này chỉ xa khoảng tám yojana: do-tuần (80km) nhưng rất khó đến, vì thành Kapilavatthu bị ngăn cách rặng núi bằng một dãi lau sậy và rừng rậm đầy hổ báo, voi, tê giác lai vãng và nhiều người liều lĩnh băng qua rừng rậm này đều chết vì sốt rét. Song nếu ta vượt qua chướng ngại này thì mặt đất lại bằng phẳng lên cao dần và ta đến vùng đồi cỏ cây thưa thớt. Phía sau các chân đồi (nay là Sivalik hay Churia) là một thung lũng xanh tươi và tiếp đó nữa lại là rặng núi Mahàbhàrata, từ thành Kapilavatthu ta có thể thấy được vài đỉnh núi này. Sau rạng núi tục truyền còn nhiều núi cao hơn nữa, đó là dãy Himavat hay Himàlayas (Tuyết Sơn) với các đỉnh tuyết hùng vĩ cao ngất tận trời xanh, đó là nơi tận cùng xứ Jambudìpa (Diêm-phù-đề) hay lục địa Hồng Đào này vậy.

Quang cảnh hướng về đông ít trở ngại hơn. Phía ấy có thôn làng Lumbini là nơi chính thái tử Siddhattha đã ra đời dưới một gốc cây và xa hơn nữa là Devadaha, nơi mẫu hậu Màyà mà chàng chưa từng biết và kế mẫu Pajàpati đã sinh trưởng, và đó cũng là nơi ngoại tổ Anjana đã sống. Từ Devadaha ta có thể đi vài ngày đường về hướng mặt trời mọc, song rồi lại gặp rừng rậm và hoàn cảnh trở nên nguy hiểm. Tại đó các thổ dân da đen lai vãng săn bắn và nói thứ ngôn ngữ không ai hiểu được.

Cảnh về phía tây lại hoàn toàn khác. Phía ấy có con đường cái đưa đến các thành Setavyà và Sàvatthi và miền xa hơn nữa, tại Sàvatthi có vị đại vương mà phụ vương Suddhodana thường nói đến, khi yết kiến vị đại vương này, ta phải chấp hai tay lại, cúi đầu đảnh lễ (añjali) thật cung kính. Đại vương ấy có quân hùng tướng mạnh, đôi khi vài đội binh chủng của họ kéo đến thành Kapilavatthu đều được tiếp đón trọng thể.

Ta có thể du hành bình an đến thành Sàvatthi: quân đội nhà vua canh phòng cẩn mật để các đoàn lữ hành bằng xe bò mang đủ loại hàng hóa qua lại không bị bọn đạo tặc quấy phá. Thường các đoàn xe từ Sàvatthi đi qua ít khi dừng lại ở Kapilavatthu, mà tiếp tục đi về hướng đông nam đến Kusinàrà và Vesàli, cuối cùng vượt qua sông Hằng đến Pataligàma và tiếp tục đi đến Ràjagaha, nơi đó lại có một đại vương khác ngự trị.

Thái tử từng nghe nói nếu ai muốn, có thể lên thuyền ở Pàtaligàma và dong buồm đi vài ngày nữa lên thượng lưu sông Hằng đến Vàrànasi (Benares) và Payàga (Allàhabad). Khi lớn khôn, chàng sẽ du ngoạn các nơi ấy và nhiều thành phố khác nữa để về kể chuyện cho dân chúng nghe. Nhưng hễ khi nào chàng phát họa các chương trình nầy với Phụ vương, vua Suddhodana đều cười xoà và lắc đầu, bảo rằng một vị Thích-ca không được phép phiêu bạt giang hồ như một khất sĩ xuất gia (paribbàjaka), một kẻ chăn bò hoặc thương nhân, mà ở vị trí một nông gia Sát-đế-lỵ, chàng phải canh tác ruộng đất, luyện tập nghề binh khíù, để một ngày kia được bầu lên làm vua cai trị như chính phụ vương vậy.

Rồi Phụ vương chàng thường chỉ ra các đồng ruộng chung quanh với các bụi cây Sàla sừng sững, và phía kinh thành Kapilavatthu vươn lên dưới ánh mặt trời với “hoàng cung” cùng các ngôi nhà tranh vách đất hay các chòi tre nứa trong làn không khí lung linh nắng nhạt.

-Khung cảnh ngày nay tương ứng với thành Kapilavatthu ngày xưa ra sao vẫn còn là vấn đề được các nhà khảo cổ học bàn luận. Nhà chiêm bái Trung hoa Fa-hsien (Pháp Hiển) đến hành hương các Phật tích Ấn Độ khoảng giữa năm 399 và 414 CN, đã phát biểu những lời dường như muốn chỉ rõ các di tích ở cạnh vùng Pipràvà ngày nay trên đất Ấn, cách phía nam Lumbini 12 km. Vị đồng hương của ngài là Hsuan-tsang (Huyền Trang) đi chiêm bái Phật quốc vài thế kỷ sau (629 - 645) để tìm hiểu Thánh điển, cũng cho biết các khoảng cách và lời hướng dẫn chỉ đường đến di tích ở Tilaurakot trong vương quốc Nepal, cách tây bắc Lumbini 24 km. Biên giới Ấn Độ -- Nepal nằm giữa hai địa điểm này, chúng cách nhau 16km nhưng phong cảnh giống nhau.

Cuộc tranh luận về quê hương đức Phật không hoàn toàn thoát khỏi những thành kiến của mỗi dân tộc. Các học giả Nepal bênh vực vùng Tilaurakot nhấn mạnh phạm vi của di tích này, và sự hiện diện của một bức thành cổ với hào lũy bao bọc Tilaurakot: đó là những đặc điểm mà chỉ kinh thành vua chúa ngày xưa mới có được. Họ nêu lên rằng Tilaurakot, cũng như Kapilavatthu trong Kinh Điển Phật giáo, nằm trên bờ sông mà lòng sông này đã chuyển đi 400m về phía tây bắc.

Để nhấn mạnh lời tuyên bố họ làm chủ vùng Kapilavatthu lịch sử này, năm 1961 chính phủ Nepal “đổi tên” Tilaurakot và toàn thể vùng lân cận thành Kapilavastu (tên chữ Sanskrit của Kapilavatthu), để cho vùng này mang tên ấy trên các bản đồ gần đây.

Mặt khác các nhà khảo cổ Ấn Độ chủ trương rằng Kapilavatthu giống hệt vùng Pipràvà của Ấn, đã đặt lời công bố chủ quyền dựa trên các khám phá sau đây.

-Năm 1898, trong một ngôi tháp bằng gạch gần Pipràvà, năm cái bình được phát hiện, một cái được miêu tả theo lời ghi bằng thứ chữ Bràhmì trong ngôn ngữ Màgadhì là chiếc bình đựng xá lợi đức Phật Thế Tôn của bộ tộc Sakiya. Chiếc bình này đựng tro và một số vật cúng dường rất nhỏ.  

-- Năm 1972, dưới tháp này, lại tìm thấy một ngôi tháp còn cổ hơn nữa, được đánh giá vào thế kỷ thứ năm trước CN, cùng với hai chiếc bình chứa khoảng mười hay mười hai khúc xương (của đức Phật?).

-- Năm 1973, tháng 4, trong một di tích tu viện xây khoảng thế kỷ 1 hoặc 2 CN, tại Pipràvà, lại tìm thấy nhiều tấm bia bằng gạch nung mang nhiều lời ghi chú khác nhau nói đến “ngôi tinh xá ở Kapilavatthu” hoặc ở “Đại Kapilavatthu “và một chiếc nắp bình tại đó cũng mang những lời tương tự.

-- Năm 1976, tháng 6, cuối cùng, ở cách tây nam Pipràvà khoảng một ki-lô-mét tại một nơi tên là Ganwaria, lại khám phá ra di tích của một quần thể kiến trúc thời xưa được suy diễn ra là “hoàng cung” của vua bộ tộc Sakiya.

Mặc dù chiếc bình có ghi chữ ở Pipràvà được tìm thấy năm 1898 là một chiếc bình bằng đá láng Steatite cao 153mm với chiếc nắp cũng được khắc chữ, quả thật ra vẻ đựng tro xá lợi Phật, các khám phá khác ở Pipràvà và Ganwaria lại rõ ràng không chứng minh được Pipràvà chính là quê hương đức Phật. Có lẽ chúng ta cần phân biệt cổ thành Kapilavatthu, bối cảnh thiếu thời của thái tử Siddhattha và tân thành Kapilavatthu. Vì xưa kia vua Vidùdabha nước Kosala chiến thắng bộ tộc Sakiya thời đức Phật tại thế và tiêu diệt cổ thành Kapilavatthu (tức Tilaurakot), nên có lẽ đám người Sakiya sống sót di tản từ cổ thành về sau lập nghiệp tại vùng Pipràvà ngày nay và xây dựng Tân thành Kapilavatthu (hay Đại Kapilavatthu), nơi đây họ đã tôn thờ xá lợi Phật sau khi ngài diệt độ.-

Địa điểm chính xác về quê hương thái tử Siddhattha chỉ còn cách phải chờ đợi từ các cuộc khai quật tương lai. Đặc biệt là vùng Tilaurakot cần được điều tra thấu đáo hơn nữa -- ngành khảo cổ bằng máy bay có thể sẽ cung cấp nhiều di chỉ quan trọng, song ngành này từ trước đến nay vẫn chưa thí nghiệm việc ấy.

Chúng ta đã biết rõ về cơ cấu chánh trị của -cộng hòa Sakiya được ban ra từ thành Kapilavatthu. Khi hai hoàng tử Siddhattha và Nanda ra đời, phụ vương Suddhodana như đã nói trên, là vị quốc trưởng được bầu lên đang cai trị lãnh thổ này. Ngài cầm quyền bao lâu thì không được biết, nhưng rõ ràng ngài đã giữ chức vụ ấy trong hàng chục năm. Khi thái tử Siddhattha trở về thăm quê hương vào tuổi ba mươi sáu, phụ vương ngài vẫn cầm quyền. Vì quốc trưởng được bầu lên từ giới quí tộc võ tướng hay triều thần, có thể những cuộc bầu cử ấy không diễn ra ở các khoảng thời gian cố định, mà do nhu cầu, hoặc là vì quốc vương già yếu không đảm trách nhiệm vụ đầy đủ, hoặc vì Đại vương Kosala, vị chúa tể của cộng hòa Sakiya muốn đưa người mới lên thay.

Hiển nhiên là vị quốc vương một khi được bầu cử rồi, chỉ có thể cầm quyền nếu được Đại vương Kosala chấp thuận. Như vậy quốc vương Sakiya bao giờ cũng là người thân tín của đại vương Kosala -- đó là một yếu tố mở ra nhiều cửa thuận lợi cho các hoàng tử và về sau còn giữ vị trí quan trọng trong sự nghiệp hoằng Pháp viên mãn của thái tử Siddhattha.

Khác với cộng hòa Licchavi có cả ba quốc vương cùng cai trị, vua Suddhodana cai trị chỉ một mình, nhưng không giữ độc quyền quyết định, vì mọi vấn đề quan trọng đều được bàn luận ở hội đồng của nước cộng hòa. Các kỳ họp trong phòng hội đồng vốn được mở ra mọi phía nên mọi tầng lớp xã hội đều có thể nghe được, mặc dù chỉ các nam nhân quý tộc được quyền phát biểu và giữ vai trò tích cực trong việc quyết định quốc sự. Do vậy các vị ấy được gọi là các nhà cai trị (ràjana).

Ở Ấn Độ cổ đại không có việc bầu phiếu vì dân chúng chưa hề nghĩ đến việc một nhóm đa số với quyền ưu tiên do đông người có thể bắt buộc một nhóm thiểu số gồm nhiều ý kiến khác nhau phải tuân theo một quyết định nào đó. Cuộc họp chỉ kéo dài cho đến khi nào phe đối lập được thuyết phục hoặc do quá mệt mỏi nên đã nhượng bộ và đi đến thỏa hiệp. Để đạt được sự thống nhất ý kiến như vậy, vị quốc vương chủ tọa hội đồng phải có khả năng đàm luận và tài thuyết phục hùng -hồn. Đó là các đặc tính mà chắc hẳn vua -Suddhodana đã đạt đến cao độ và thái tử Siddhattha thừa hưởng về sau.

Ta có thể hình dung được vùng đất do vua Suddhodana cai trị theo lời nhà chiêm bái Trung Hoa Huyền Trang. Ngài cho ta biết vùng lãnh thổ Sakiya có chu vi 4.000 lý (khoảng 1880 km) và gồm mười thành phố mà nhà du hành ở thế kỷ thứ bảy này thấy đã đổ nát hoang tàn. Ngài bảo kinh thành Kapilavatthu được một bức thành bảo vệ, vẫn còn thấy rõ các nền bằng gạch của nó dài khoảng 15 lý ( bảy ki-lô-mét). Rõ ràng mười thành phố này phần lớn trùng hợp với chín thành phố được mô tả trong Kinh Điển Phật giáo như các đô thị bộ tộc Sakiya: Ngoài kinh thành Kapilavatthu, là Devadaha, Càtumà, Sàmagàma, Khomadussa, Silàvati, Medatalumpa, Ulumpa và Sakkàra. Có lẽ đó là các thủ phủ địa phương, mỗi nơi là một thị trấn, trung tâm thương mại của nhiều làng xã.

Những lời xác nhận của ngài Huyền Trang ít ra cũng khiến ta có thể kết luận một cách khái quát về lãnh thổ và dân chúng của cộng hòa Sakiya. Vùng đất này có lẽ rộng khoảng 2000km2, phần lớn gồm rừng rậm và không được canh tác. Nếu ta giả thiết đối với vùng đất phì nhiêu ở trung ương bình nguyên Tarai và tính thấp hơn so với con số khá cao hiện nay, mật độ trung bình 90 người trên 1km2, ta sẽ có tổng số 180.000 dân trong đó 8000 người sống ở thành Kapilavatthu và 4000 người sống ở một trong tám hay chín thị trấn kia. Như vậy, khoảng 40.000 cư dân cộng hòa Sakiya là dân thành- thị, và phần còn lại 140.000 là dân thôn quê. Giới quý tộc- võ tướng có lẽ khoảng 10.000 người hầu hết sống ở đô thị, nhưng cũng như đa số dân chúng, họ đều làm nghề nông.

Trong các phận sự của quốc vương thì việc thu thuế là việc không được dân chúng ưa thích chút nào và mức độ thâu thuế cũng không được biết rõ. Dân quê thường trao đổi hàng hóa lẫn nhau, hầu như không biết đến tiền, nên phải đóng góp bằng sản phẩm, phần lớn là lúa, cho những người thu thuế đặc biệt phải có sẵn kho chứa và đem lên thành thị bán lại. Thuế đánh vào nông dân tùy thuộc kết quả thu hoạch, việc ấy do người đánh thuế qui định. Thời ấy chưa có nguyên tắc thâu thuế như ở Ấn Độ sau này, theo đó mọi đất đai đều thuộc vào nhà vua, vua thâu tiền thuê ruộng đất từ người sử dụng chúng.

Khi hoàn cảnh cho phép, thuế được thâu bằng tiền chứ không phải nông sản. Vì thời ấy chưa có thứ đồng tiền đánh dấu nhà nước nên hệ -thống tiền tệ gồm các thỏi đồng hay bạc hình vuông trị giá theo cách chia nhỏ đồng tiền Kahàpana. Một con bò sữa giá từ 8 đến 12 đồng Kahàpana.

Đồng tiền Kahàpana được chia ra 4 pàda = 20 màssakas. Các số tiền nhỏ hơn được tính bằng vỏ ốc đánh bóng rực rỡ. Những đồng tiền này mang dấu hiệu của một vị chủ ngân khố tư nhân phát hành, bảo đảm đúng cân nặng và cam kết trả lại theo giá trị thật bằng hàng hóa. Vị này cũng làm thêm việc của người cho vay. Nên không lạ gì các nhà tài phú tích trữ tiền bạc trở thành những người thế lực nhất trong xã hội.

Ta không biết rõ vua Suddhodana phải trả phần thuế bao nhiêu cho vị chúa tể ở Sàvatthi là Đại vương Kosala. Vì thuế lợi tức thay đổi theo mùa gặt, nên có lẽ đó không phải là số tiền cố định. Cũng có thể Đại vương Kosala đã hài lòng với những món cống vật mà thỉnh thoảng cộng hòa Sakiya gửi tặng như một dấu hiệu phục tùng.

Các phận sự khác của quốc vương gồm các việc công cọng như xây đường sá, trạm xe, làm thùng đựng nước đắp đập và đào giếng. Vì không ai xung phong làm những công tác này, nên những người có thể lực cường tráng, nhất là các tay thợ lành nghề đầy đủ kỹ năng bị buộc phải cống hiến sức lao động cho vua (Ràjakariya). Những công tác này được các kỹ sư đặt kế hoạch và điều khiển, họ được vua trả lương lấy từ tiền thuế. Những công việc xây dựng công viên, đắp đập, làm thùng đựng nước... được đức Phật liệt kê- vào danh sách các công đức thiện sự đưa đến tái sanh vào cõi lành. (SN1. 5. 7)*

-Ngoài các công việc nội bộ, vua Suddhodana còn bận rộn trong lãnh vực ngoại giao ở hai mặt. Đặc biệt ngài phải duy trì mối quan hệ với Đại vương nước Kosala ở Sàvatthi, vị chúa tể của toàn cộng hòa Sakiya. Ngài cần phải giữ gìn thiện ý và sự tín nhiệm của vị đại vương này đối với một tiểu quốc cộng hòa, đồng thời phải giữ một khoảng cách vừa đủ để bảo tồn một phần độc lập cho nước cộng hòa an hưởng. Vua Suddhodana hẳn thường đi công du đến Sàvatthi để dự các phiên họp giữa các quốc vương.

Trong khi chính sách quốc gia của nước Kosala, việc chấm dứt các liên minh và gây chiến đều ở trong tay vị đại vương này, các quốc vương cộng hòa và bộ tộc chỉ còn trông cậy vào “chính sách láng giềng tốt”. Đây là ngành hoạt động ngoại giao thứ hai của vua Suddhodana. Mục đích là đi đến các thỏa hiệp với các lân bang kế cận mà không phải hy sinh các quyền lợi căn bản quốc gia. Các vấn đề thông thường nhất là việc điều hành cánh đồng chăn nuôi và dẫn thủy nhập điền dọc theo các biên giới. Tài nghệ của vị quốc vương được thi thố qua khả năng đem lại những giải pháp thỏa đáng cho cả đôi bên.

Chiến sự không phải là phận sự của quốc vương. Ngài phải duy trì hòa bình, nhưng nếu ngài thất bại trong việc này, và chiến tranh bùng nổ thì việc binh đao sẽ do vị đại tướng quân sự (senàpati) điều khiển, vị này giữ chức vụ độc lập đối với quốc vương. Trong quốc độ Kosala, tất cả tướng lãnh điều khiển các lực lượng trọng tâm cũng như các tướng lãnh của các cộng hòa và bộ tộc đều đặt dưới quyền điều khiển trực tiếp của đại vương.

Nhờ cách này, đại vương ngăn cản các vua chư hầu phối hợp với các đại tướng của họ để cầm quyền chính trị bằng vũ lực trong nước mình.

Đối với các quốc vương, sự phân quyền chính trị và quân sự có hai mặt. Về một mặt, họ biết rằng vị đại vương, qua cá nhân vị đại tướng, có sẵn sàng phương tiện khống chế họ để buộc họ tuân theo lệnh trên. Mặt khác, họ cũng được bảo vệ khỏi bị âm mưu nổi loạn từ phía vị đại tướng, bởi vì đại vương không bao giờ dung thứ sự phế truất quốc vương mà ngài đã bổ nhiệm và sự tiếm quyền chính trị của đại tướng.

Một lãnh vực hoạt động khác của vua Suddhodana là lãnh vực công lý, bao gồm các hành vi dân sự quan trọng và các tội phạm. Chúng ta không biết chính xác bao nhiêu phạm nhân bị bắt giữ và tòa án diễn ra theo hình thức gì ở bộ tộc Sakiya, nhưng có thể rút ra kết luận từ các cộng hòa Koliya, Malla tiếp giáp cộng hòa Sakiya ở phía đông nam. Các xứ này có lực lượng trị an với các nhân viên canh phòng vừa nổi bật qua cách để râu tóc đặt biệt vừa khét tiếng tàn bạo độc tài và tham nhũng.

Tiến trình pháp luật giữa bộ tộc Sakiya có lẽ hơi khác thủ tục của liên bang Vajji. Tại đây, căn bản quyền phán xét là một bộ luật (thành văn?), có lẽ bao gồm các phương châm hoặc quyết định về các vụ tố tụng điển hình. Các chuyên gia luật pháp tham dự mọi phiên xử và bảo đảm việc xét xử theo đúng bộ luật này. Quyền lợi của hai phe hoặc của bị cáo được các luật sư biện hộ hoặc hội đồng bảo vệ chăm lo, và vụ án được một hay nhiều phán quan quyết định. Đơn kháng án được giao cho quốc hội, đại tướng, phó vương (vị này hình như không có mặt trong bộ tộc Sakiya) và quốc vương. Ta có thể phỏng đoán là mọi việc diễn tiến trong một kỳ họp duy nhất, và quốc vương với vị trí lãnh đạo tối cao ở quốc nội, tuyên bố phán quyết tối hậu. Song quốc vương không có quyền tuyên án tử hình: việc này chỉ dành riêng cho đại vương ở thành Savatthi mà thôi.

 

THÁI TỬ SIDDHATTHA, VỊ HOÀNG NAM

Chuyện các vương tử của vua Suddhodana thừa hưởng địa vị đặc biệt trong thành Kapilavatthu nhờ vương quyền thân phụ là điều hiển nhiên không cần bàn đến. Trong khi đa số quần chúng sống trong nhà tranh vách đất hay lều tre nứa lau sậy, còn ở các vùng thấp của kinh thành, nhà dựng trên cọc tre để tránh nạn lũ lụt theo gió mùa và chuột rắn bò cạp xâm nhập, thì các vương tử sống trong nhà của vua cha, mà vì nhà gồm có nhiều tầng nên gọi là “Hoàng cung”. -Cung vua hẳn được xây bằng gạch trên một khoảng đất hơi cao và có tường đất bao quanh chứng tỏ đấy là vùng cấm địa được phòng vệ của riêng quốc vương. Gần đó là ao sen đủ màu xanh đỏ trắng.

-Trong tư thất của vua Suddhodana, sự thay đổi thời tiết theo ba mùa đông, hạ, mưa ở Ấn Độ đều được đáp ứng bằng cách đổi chỗ ngủ: mùa hạ thường ngủ trên sân thượng có mái che. Ngay cả số cung nhân thị nữ cũng sống khá sung túc. Thay vì ăn cơm tấm hay cháo gạo như gia nhân thông thường, họ được dùng gạo nguyên và cả thịt nữa (A.N. 3.38)* .

Giữa đám thanh thiếu niên thành Kapilavatthu, hoàng tử Siddhattha trông nổi bật vì chàng được chăm sóc chu đáo hơn và ăn mặc sang trọng chỉnh tề hơn các trẻ khác. Y phục của thái tử toàn bằng tơ lụa Ba-la-nại và ít ra là trong thuở thơ ấu lúc nào chàng cũng được một nhũ mẫu và đám cung nhân vây quanh hầu hạ. Theo lời thái tử, chàng “rất mực được nuông chìu, hết sức được nuông chìu”.

Kinh Điển Pàli (D.N. 1.14)* liệt kê cả loạt trò chơi của trẻ con cổ Ấn Độ. Chúng ta có thể hình dung được thái tử thiếu niên Siddhattha cùng chơi với hoàng đệ Nanda trò đấu trên tấm ván chia tám hay mười ô vuông (cờ tướng? cờ vua?) hoặc cùng đám trẻ khác nhảy qua các ô vuông vẽ trên mặt đất. Các trò chơi khác thường được ưa chuộng là: người bù nhìn, đấu gậy, và chơi các loại cày cuốc, xe ngựa, cung tên tí hon. Đám trẻ lớn hơn có thể thích thú đoán ý tưởng người khác và nhận ra các chữ viết tay quơ cào trên không hoặc ngay trên lưng người phỏng đoán: dĩ nhiên điều này có nghĩa là người chơi trò này phải biết đọc.

Thái tử Siddhattha có biết đọc hay không, điều này không được chắc chắn. Một truyền thuyết về sau quả có kể chuyện thái tử làm kinh ngạc thầy giáo của mình vì cách thái tử học thông thạo các mẫu tự Ấn Độ rất dễ dàng, nhưng thực ra trong Kinh Điển Pàli không có dấu hiệu nào cho thấy đức Phật đã từng biết đọc biết viết cả. Vào thời ngài, biết đọc được xem là một kỹ năng hữu ích, nhưng đó không phải là một thành phần của nền giáo dục sơ đẳng. Đặc biệt điều ấy chính là trường hợp này vì lẽ ngày xưa thiếu vật liệu để viết và cũng không có sách được viết sẵn, các tài liệu được viết duy nhất là các cáo thị hay bản thỏa hiệp khắc lên gỗ, đá. Viết chữ, hay đúng hơn là khắc hay vẽ chữ (lekhà) được xem là một nghệ thuật hầu như bao giờ cũng phải thực hành với tính cách chuyên nghiệp. Thái độ của thái tử Siddhattha lúc trưởng thành biểu lộ rõ ràng qua lời tuyên bố (Ud 3.9) rằng thành đạt các kỹ năng như viết chữ không phù hợp với một kẻ xuất gia phải hoàn toàn chuyên tâm vào việc giải thoát.

Dựa trên căn bản thái tử Siddhattha suốt đời quan tâm đến các vấn đề trí tuệ tinh thần, chúng ta có thể phỏng đoán rằng việc thu thập kiến thức cần thiết cho một thiếu niên quý tộc đối với chàng thực dễ dàng. Việc giáo dục của chàng được hỗ trợ phần lớn nhờ chàng thường xuyên tham dự các buổi họp hội đồng và phiên tòa xử án, do phụ vương chàng chủ tọa. Phòng hội đồng đã giúp rèn luyện trí thông minh của chàng cùng dạy chàng tài năng phát biểu chính xác.

Tuy nhiên, trí thông minh của chàng lại phát triển kèm theo một số đặc tính có lẽ đã làm lo ngại vị phụ vương “có óc thực tiễn” vì ngài xem đó là các dấu hiệu biểu lộ nhược điểm. Những đặc tính này bao gồm sự nhạy cảm và khuynh hướng thiên về suy tưởng có lẽ là cả trầm tư nữa.

Nhận thức rằng cuộc đời không phải lúc nào cũng đem đến lạc thú và đằng sau mọi hạnh phúc (Sukha) đều sẵn có khổ đau vô thường (dukkha) rình rập không phải chỉ đập mạnh vào trí thái tử Siddhattha lần đầu tiên ngay trước khi ngài xuất gia như truyền thuyết vẫn thường kể lại, mà nhận thức ấy đã đến với thái tử từ thời thiếu niên khi chàng còn ở giữa lòng gia đình ấm cúng xa hẳn mọi khổ đau bên ngoài:

“Này các Tỳ-kheo, ta đã sống cuộc đời rất được nuông chìu trong cung phụ vương. và này các Tỳ-kheo, giữa cuộc đời đầy hạnh phúc ấy tư tưởng này thường nảy lên trong trí ta: “ Quả thật một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy bị tuổi già chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một người già nua. Song phần ta cũng bị tuổi già chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về tuổi trẻ đều rời bỏ ta”.

Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy phải bị bệnh tật chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một người bệnh hoạn. Song phần ta cũng phải bị bệnh tật chi phối và không thể thoát khỏi chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về thể lực đều rời bỏ ta”.

Quả thật, một kẻ chỉ biết sống đời thế tục hoàn toàn, chính kẻ ấy phải chịu cái chết chi phối, lại rất chán ngán khi thấy một tử thi. Song ta cũng phải bị cái chết chi phối và không thể thoát được chuyện ấy. Nghĩ như thế, này các Tỳ-kheo, mọi lạc thú về đời sống đều rời bỏ ta”. (AN 3.38)*

Ngay trong ngôn ngữ trịnh trọng của Kinh Điển, ta cũng nhận thấy tác động của kinh nghiệm đầu đời ngài rất chân thật sâu sắc. Trong một xứ cận nhiệt đới, người bạn thân ta vừa vui vẻ chuyện trò hôm nào bỗng thình lình bị cơn sốt rét cướp mất mạng hay bị rắn độc cắn chết, hoặc bị hổ dữ vồ tan xác, các tư tưởng như thế của thái tử Siddhattha không phải là xa lạ chút nào. Trên nguyên tắc chúng bao giờ cũng hợp lý và rất phổ biến.

Một đặc tính khác của thái tử được ghi lại trong sử sách là thiếu quan tâm đến lãnh vực quân sự -- mọi thiếu niên Sát-đế-lỵ đều được mong là phải tinh nhanh về tài cỡi ngựa, lái xe, bắn cung, đấu kiếm, đấu vật và điều khiển voi, vậy chắc chắn thái tử cũng phải được tập luyện nhiều về các môn này. Song trước sự thất vọng của cả gia tộc Gotama, hình như thái tử chỉ kha khá các hoạt động ấy, đó là điều đáng hổ thẹn đối với một vương tử. Phụ vương Suddhodana chắc hẳn phải rất lo âu trước thái độ không màng đến đời thế tục và việc quân sự của con ngài.

Khi thái tử được mười sáu tuổi (547 trước CN), phụ vương quyết định ràng buộc vị vương tử hay trầm ngâm này vào đời thế tục bằng cách kết duyên cho chàng. Dĩ nhiên đó là một cuộc hôn nhân được sắp đặt mà đôi bên nam nữ không được hỏi ý kiến, song các Kinh Điển vẫn cho ta thấy không phải hai vị không quyến luyến nhau.

Theo các tập quán hôn nhân nội tộc và ngoại tộc, một thiếu nữ trong gia tộc lớn hơn được tuyển chọn, đó là cháu gái của thân mẫu và di mẫu chàng, con gái vua Suppabuddha (hay theo các nguồn tài liệu về sau, vua này tên Dandapàni), cậu của thái tử, nói cách khác, đó là cô em họ của chàng. Nàng tên là Bhaddakaccànà, nhưng trong Kinh Điển Pàli, nàng còn có tên Bimbadevì, Yasodharà, (giống như tên bà ngoại của thái tử) và Gopà. Một số kinh chỉ gọi nàng là Ràhulamàtà (mẫu thân Ràhula), nàng cùng tuổi với thái tử.

Nhạc phụ tương lai của chàng đã làm khó dễ, vì không muốn con gái yêu của mình kết duyên với một thanh niên hay suy tư lại không ham việc quân sự như chàng. Vậy thái tử phải làm sao chứng tỏ chàng có đầy đủ tài năng cung kiếm thao lược trước khi chàng được ủy thác việc cấp dưỡng gia đình. Truyền thuyết kể lại một cuộc so tài được tổ chức để thái tử Siddhattha chứng minh tài quân sự của mình. Chàng đã thắng cuộc và được xem là vượt xa các đối thủ của chàng. Do đó vua Suppabuddha hay Danapàni dẹp tan mọi nghi kỵ và chấp thuận cuộc hôn nhân này.

Ta không nên nghĩ rằng đức tân lang trẻ tuổi này không xúc động trước vẻ kiều diễm hấp dẫn của tân giai nhân này: thái tử nói một cách rất thành thạo khi cho rằng trên đời không có gì trói buộc tâm hồn người đàn ông bằng người đàn bà! (AN 1.1)* . Song sau đó thái tử không cho phép dục lạc lôi kéo đi quá xa khỏi nếp suy tư của chàng. Dẫu sao đi nữa, cuộc hôn nhân ấy cũng không sinh sản con cái gì trong suốt mười ba năm.

Theo phong tục Ấn Độ, đội vợ chồng trẻ ấy -hẳn đã sống trong “cung điện” vua cha Suddhodana. Các nguồn kinh sách không cho ta biết thái tử dùng thời giờ như thế nào trong thời kỳ này. Có lẽ thái tử phụ tá vua cha trong việc trị nước và thay phiên với hoàng đệ Nanda trông nom việc canh tác ruộng đất của hoàng gia hay có lẽ cả ruộng đất của riêng mình và sai khiến gia nhân làm việc. Ở Ấn Độ cổ đại 75% dân số sống về nghề nông bao gồm cả giới quý tộc và đa số Bà-la-môn nữa.

 

MỘT KINH THÀNH ẤN ĐỘ CỔ ĐẠI

Có lẽ thái tử Siddhattha không ham thích công việc đồng áng vì bản chất thiên về suy tư. Đời thái tử có nhiều thời kỳ ẩn cư xen lẫn những thời kỳ tiếp xúc với quần chúng. Vị thái tử trẻ tuổi này ắt hẳn đã nhiều phen đi quanh quẩn khắp kinh thành Kapilavatthu với đôi mắt mở to để quan sát việc đời: hoặc trao đổi vài câu chuyện với người thợ nhuộm, hoặc nêu vài nhận xét với người luyện voi, hoặc chào hỏi người cho vay nào đó. Các chuyện ngụ ngôn tỷ dụ về đủ ngành nghề mà ta thấy trong kinh ngài thuyết giảng chứng tỏ ngài hẳn đã quan sát mọi hoạt động khác nhau trong kinh thành một cách tinh tế và đầy hiểu biết.

Dù ta biết rất ít về thành Kapilavatthu, ta vẫn có thể dựng nên phần nào hình ảnh kinh thành ấy. Các nguồn văn học, các tác phẩm nghệ thuật, nhất là tranh tượng của tháp Bharahat (hay Bhàrhut) đem lại cho ta một ấn tượng rõ rệt về các cổ thành Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu trước CN.

Các thành phố thời ấy thường nằm ven sông và nếu vùng đất ấy cho phép, chúng được xây hình chữ nhật, còn cách thiết kế đô thị hình tròn là điều bất thường ở cổ Ấn Độ. Đô thị được hào vây quanh thường rất sâu và rộng do dẫn nước sông vào để đám thanh niên vui đùa bơi lội. Bên trong hào, đất được đào lên để xây dựng thành lũy, phía trên rào cọc nhọn hay tường đá có lối đi bộ. Mỗi pháo đài đứng cách khoảng 50 m hay một tầm cung bắn tên của pháo đài kế tiếp, vì vậy một pháo đài lân cận có thể di tản khi bị xạ thủ của đám quân thù leo thang lên bắn phá. Ở bốn góc thành được đục thông có cổng xây kiên cố.

Ở trung tâm của khu vực có tường bao bọc ấy, trên nguyên tắc, được phân chia thành mạng lưới đường sá thẳng góc, là “cung điện” của vua. Cung điện của một số quốc vương -- mặc dù hình như không phải là cung vua Suddhodana -- thường gồm năm ngôi nhà riêng biệt, ba ngôi đứng song song với nhau và hai dãy nhà công cọng ở các góc phải, đóng kín phía cuối vì thế cả khối nhà tạo thành hình chữ nhật hở.

Về hai sân bên trong, một sân để làm đình hội họp, một sân để vui chơi giải trí. Sân này thường trồng nhiều cây có một cái đu với chỗ ngồi rộng rãi treo vào bốn sợi dây xích bằng đồng, vì đánh đu là một thú tiêu khiển được các bà quý phái Ấn Độ ưa chuộng.

Ngôi nhà chính là kiến trúc quan trọng nằm giữa hai sân. Nhà này thường có hai ba tầng, mỗi tầng trên thường nhỏ hơn tầng dưới để có các sân thượng lộ thiên. Mái thường có hình ống tròn.

Đối diện cung vua là hội trường mở thông ra mọi phía, thực ra chỉ là một mái đình dựa trên các cột trụ và nhà của vị thị trưởng. Kế đó là nhà các quan chức tức giới quý tộc phục vụ triều đình, hầu như gồm có bốn tòa hình vuông ở sân trong. Phía trước dùng làm phòng khách và phòng ngủ, còn các phần kia là nhà bếp, khu vực gia nhân và chuồng trại. Mỗi nhà này trông thật giống nhà ở nông trang được ngăn cách với nhà lân cận bằng một lối đi. Do cách sắp đặt này các quan chức hầu hết thuộc giai cấp võ tướng sống gần nhau, tạo nên một khu vực Sát-đế-lỵ dĩ nhiên là có cả đám gia nhân từ các giai cấp khác đưa vào.

Khu vực tế lễ -- một đồng cỏ cạnh hồ nước của kinh thành với một đàn dựng cao để làm nơi dâng lễ tế thần và ba lò lửa -- nằm bên trong bức tường thành, cũng như nhà của các vị Bà-la-môn sống một phần nhờ lễ tế đàn, nhưng phần lớn nhờ nông nghiệp. Ở vùng Trung Nguyên này, họ chưa được hưởng uy quyền thái quá nào như ở các thời đại về sau, vì họ là giai cấp xếp hàng thứ hai dưới các võ tướng quý tộc. Điều này khác với miền Tây xa xôi, có lẽ đến tận- miền tây xứ Payàga (Allàhabàd), nơi ấy các Bà-la-môn đạt được uy thế của giai cấp đệ nhất.

Quanh khu vực tạp hóa, không xa khu vực cư ngụ khá giả, là các cửa tiệm và xưởng chế tạo của các nghiệp đoàn thương mãi sang trọng và phồn thịnh hơn, mỗi nghiệp đoàn có một khu phố riêng: khu vực chủ ngân khố và tiệm vàng, tiệm khắc ngà voi, áo quần, hương liệu, nhà buôn đồng sắt, buôn lúa gạo, gia vị và bánh kẹo. Mỗi ngành kỹ nghệ hay thương mại họp thành một nghiệp đoàn (Seni) làm những chức vụ điều hành bao quát. Nghiệp đoàn quyết định vấn đề sản xuất và bán sĩ, quy định giá cả mà ngay các quốc vương cũng đều chấp nhận; họ cũng tham gia việc huấn luyện thợ thủ công và can thiệp vào nhiều việc gia đình của các thành viên, nếu cần nghiệp đoàn còn chăm sóc các quả phụ của các thành viên quá cố nữa.

Niềm tự hào của họ biểu lộ qua tấm huy hiệu nghiệp đoàn mang trên mình vào các lễ hội công cọng và cũng do việc nghiệp đoàn cấm những thành viên không xứng đáng hành nghề -- điều đó cũng tương đương với bản án làm sạt nghiệp khánh tận. Mọi quyết định đều do hội đồng của nghiệp đoàn thông qua, đứng đầu là vị chủ tọa nghiệp đoàn- (Jetthaka hay pamukha). Trên nữa là vị thống đốc nghiệp đoàn (setthi) đại điện ngoại giao cho các quyền lợi của một ngành thương mại riêng biệt. Vị này cung cấp hàng hóa cho triều đình và thường lui tới cung vua.

Nghiệp đoàn chủ ngân khố là đám người giàu nhất. Nguồn lợi chính của họ phát xuất từ sự cho vay tiền với số lời cố định. Một món cho vay có bảo đảm hoàn toàn như vay để làm đám cưới hay hồi môn cho con gái, tính lời 15%, còn một món nợ chỉ bảo đảm một phần tính lời 60% mỗi năm. Những món cho vay thương mãi cũng hết sức cao giá do tính cách bấp bênh liều lĩnh trong đó. Tiền lời phải trả để làm một vụ đi buôn đường trường lên đến 120% mỗi năm, và đi buôn đường biển là 240%. Người chủ nợ hầu hết thuộc giai cấp thương nhân (VessaVệ-xá) không có địa vị cao quý trong xã hội, nhưng về phương diện thế lực họ là giới cầm đầu. Vị thống đốc của họ thường đóng vai trò thủ trưởng (mahàsetthi) các chủ nghiệp đoàn địa phương, như vậy đó là người quan trọng nhất trong giới thương mại địa phương ấy.

Mỗi kinh thành thường có một phụ nữ sang trọng ngụ trong một ngôi nhà rộng lớn, người này vẫn được kinh điển nhắc đến tên tuổi. Các cô gái đứng đường rất thường thấy ở cổ Ấn Độ nên cũng được mọi người rẻ rúng buông tha. Nhưng một kỹ nữ thượng lưu có tài năng ở kinh thành (ganikà) lại được xem là đáng tự hào. Nàng kiều quí phái ấy không chỉ có dung sắc mỹ miều, thanh lịch, sang trọng mà còn là một phụ nữ thông minh với tài ứng đối linh lợi, đa mưu túc kế để quyến rũ bọn mày râu phần lớn nhờ kiến thức văn chương mỹ thuật của nàng.

Thường một nàng kiều như vậy được một tay hào hoa phong nhã bảo trợ, đôi khi người này trở nên sa sút và hết giàu sang thì nàng lại đón mời các vương tôn công tử khác đến dự các hội ca vũ của nàng, nơi ấy có đủ cả một ban nhạc chuyên tấu đàn đệm, hay các buổi tọa đàm và thi tài văn thơ. Giới thanh niên giàu tiền thường học tập mọi phong cách hào hoa lịch sự và lối sống sang trọng tại ngôi nhà này. Không một phụ nữ có học vấn theo kiểu thông thường nào thời ấy am hiểu nhiều thể loại âm nhạc như nàng, cũng không ai có thể đàm luận bằng ngôn ngữ lịch sự như nàng cả. Sự xuất hiện của nàng tại các đám cưới và lễ hội thường làm cho kinh thành mang một dáng dấp văn hóa cao. Các điệu vũ Ấn Độ cổ điển danh tiếng ngày nay một phần được phát triển từ đám kỹ nữ sang trọng ở kinh thành này.

Ta không biết rõ thành Kapilavatthu có kỹ nữ sang trọng nào không, nhưng rất có thể có. Danh tiếng một số kỹ nữ sang trọng các kinh thành Bắc Ấn đều được biết đến cùng với truyền thuyết về các cuộc phiêu lưu tình ái cũng như các cơ sở hoạt động tôn giáo của họ. Một kỹ nữ sang trọng bao giờ cũng có thể sống đời phú quý nhờ gặp mối lương duyên.

Nhà cửa ở vùng trung tâm thành phố thường xây vững chắc và được chăm sóc chu đáo với nhiều tranh vẽ và đồ vật trang hoàng, nhưng càng xa trung tâm cảnh tượng càng đổi khác. Ở vùng phụ cận, giới thợ thuyền và nô lệ sống trong nhà tranh vách đất hoặc lều tre dựng trên cọc chống kiểu nhà sàn. Họ cũng quy tụ thành nhóm theo từng nghề. Có những dãy phố thợ mộc, ráp cửa, đóng xe, khắc gỗ, làm dụng cụ, đúc kim khí, thợ nề, thợ dệt, thợ nhuộm, thợ may, thợ gốm, thuộc da, thợ vẽ, bán hoa, làm vòng hoa, bán gia súc, đồ tể, đánh cá, đầu bếp, thợ cắt tóc, tắm rửa, giặt giũ và gia nhân đi hầu hạ ở thành phố.

Mỗi nghề trong số các nghề được quý trọng hơn họp thành một tiểu giai cấp (jàti) trong hệ thống bốn giai cấp (vanna). Ngoài hệ thống giai cấp là bọn vô loại mà các giai cấp trên không có liên hệ gì trong xã hội. Nhưng ý tưởng- “không được tiếp xúc” với bọn người ấy chưa phát sinh. Chuyện này chỉ mới được nói đến vài thế kỷ sau trong Bộ Chuyện Tiền Thân Đức Phật (Jàtaka) ví dụ Tiền Thân số 377)*Ta sẽ phạm một sai lầm về phương diện lịch sử nếu ta giải thích hệ thống đẳng cấp vào thế kỷ thứ sáu trước CN theo những cách khắc nghiệt của “Ấn Độ giáo” về sau. Những người đồng thời với đức Phật, nhất là ở vùng Trung Nguyên, nơi mà tiến trình Bà-la-môn hóa không nhanh bằng miền Tây, thường xem hệ thống giai cấp như một tôn ti trật tự trong đời sống giữa các nghề nghiệp, chức vụ, ngành chuyên môn, và về trình độ học vấn, mà trật tự này có thể phá bỏ được. Như việc đổi nghề chuyên môn, bao gồm cả việc chuyển từ một tiểu giai cấp này sang một tiểu giai cấp khác là chuyện khó nhưng cũng có thể làm được, và ngay cả việc leo lên một giai cấp cao hơn cũng không phải là nan giải, ví dụ nếu quốc vương chọn một người có tài thuộc nguồn gốc hạ đẳng vào phụng sự nhà vua hay tuyển một chủ ngân khố đại phú lên làm đại thần lo việc tài chánh cho triều đình.

Nếu ta rời kinh thành bằng một cổng thường được đóng kín và canh giữ ban đêm, ta vượt qua bên kia bờ hào đến các dãy hang hốc che lá là nơi cư trú dành cho hạng cùng đinh có lẽ chỉ kiếm được vài đồng xu không đến 1 masaka mỗi ngày, là đám người kiếm củi hay làm thùng đựng phân, hoặc đôi khi tìm được việc cắt cỏ trong các hoa viên nhà giàu. Hoa viên loại này thường thấy ở vùng lân cận mọi thành phố Ấn Độ, và một trong các thú giải trí của người giàu là đi du ngoạn hoa viên cùng hưởng làn khí mát buổi chiều về mùa hạ.

Đối với thái tử Siddhattha trẻ tuổi, các hoa viên này có sức thu hút đặc biệt vì chính nơi đây dưới bóng mát của các cây đa, đám du sĩ hành khất thường đến trú ngụ với dáng điệu xốc xếch dơ bẩn và tóc bện lại từng cuộn, đám người này là các tay phiêu bạt giang hồ thường có trí thông minh tinh tế mạo hiểm đi tìm giá trị tinh thần, lại khinh chê các thánh ca Vệ-đà và cách thờ cúng tế lễ của Bà-la-môn, nên đã chấp nhận đời sống không nhà cửa để tầm cầu ánh sáng giác ngộ. Chính vì vậy thái tử Siddhattha thích nghe đám người này bàn luận triết lý, đám Sa-môn, khất sĩ xuất gia (paribbàjakas), không tin theo đạo giáo nào cả, mà lại đi tìm kiếm kinh nghiệm tâm linh ngoài khuôn khổ truyền thống. Nhưng gia tộc Gotama lo ngại khi thấy thái độ không màng đến đời sống thế tục cùng sự hiếu kỳ mong tìm hiểu vấn đề siêu thế của chàng, nên cố tìm mọi cách ngăn cản việc này.

Truyền thuyết kể rằng vua Suddhodana canh giữ thái tử cho khỏi tiếp xúc với thế giới bên ngoài để chàng không thấy cảnh khổ, song lý do chính có thể là cố giữ cho thái tử khỏi có ý định rời bỏ thế tục.


* Tương Ưng Bộ I, Chương I Phẩm V, 7 - Trồng Rừng (tác giả ghi nhầm 47) (dg)

* Tăng Chi Bộ, Chương Ba Pháp, 38, Được Nuôi Dưỡng Tế Nhị (tác giả ghi nhầm: 39)

* Trường Bộ I Kinh Phạm Võng (dg)

* (xem trước)

* Tăng Chi Bộ I, Chương Một Pháp 1. Sắc (dg)

* Jàtaka III, số 377: Setaketu (dg)

--- o0o ---