- 03 - E. Từ Rajagaha (Vương-Xá) sang Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ)

21 Tháng Chín 201611:18 CH(Xem: 2441)
- 03 - E. Từ Rajagaha (Vương-Xá) sang Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ)

Trên đường hoằng pháp của Phật tổ Gotama

Tóm lược sự tích và những cuộc du hành của Phật tổ Thích-Ca

Trùng-Quang Nguyễn Văn Hiểu

 --- o0o --- 

 

- 03 -

 E. Từ Rajagaha (Vương-Xá) 
sang Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ)

 

84- Đến bao lâu Đức-Phật mới chịu về Kapilavastu?

Một ngày nọ, do sự thúc-giục của ông Udayi, Đức-Phật trước khi lên đường, xây mặt về quê-hương, rãi tư-tưởng lành, cầu chúc yên vui hạnh-phúc cho Vua cha và đồng bào quyến thuộc. Xong, Ngài cùng đoàn Tăng-chúng khởi hành, nhắm hướng Kapilavastu tiến bước. Nhằm mùa thu, khí trời mát-mẻ, cuộc hành trình từ thành Rajagaha đến Kapilavastu, trải qua 60 ngày ròng-rã, ngày đi đêm nghỉ.

Đến nơi Đức-Phật và Chư-Tăng dừng bước tại vườn thượng-uyễn của Vua cha, tên vường Nigrodha (Cây da), thuộc ngoại ô hoàng thành.

85- Vua cha có vui mừng tiếp rước Đức-Phật chăng?

Vua Suddhodana (Tịnh-Phạn) vẫn chưa tha-thứ con Ngài vì thất vọng đau đớn, không thể nguôi lòng: Hoàng-tử đã xuất-gia thì còn ai xứng đáng nối nghiệp cho dòng Sakya (Thích Ca).

Hay Đức-Phật về tới, Suddhodana (Tịnh-Phạn) vương cũng gắng tượng thân hành ra đón với tư-cách của một nhà vua và một người cha trên long-xa bốn ngựa. Dọc đường Đức Vua gặp các vị Tỳ-Khưu mang bát đi khất-thực trong thành, Ngài nghĩ tới con của Ngài là một vị Hoàng-tử, mà ngày nay cũng phải đi xin ăn theo phố-phường, như thế ấy thật là nhục-nhã vô cùng. Ngài liền truyền lệnh xua đuổi các thầy Tỳ-Khưu cho khỏi chướng mắt; rồi quay long-xa trở vào hoàng-cung, ôm-ấp mối lo sợ cho rằng sự hồi loan của con Ngài là một điều bất-thường, sắp đem lại một trận bảo-tố, lôi cuốn dòng giống Sakya theo triều-lưu thoát tục.

86- Đức-Phật đối xử cách nào?

Đức-Phật liền phái ông Udayi vào đền an-ủi Vua cha và giải-thích cho Ngài hiểu rằng trong đời rất khó mà được cái vinh-hạnh là Cha của một Đấng Cứu-thế, vẻ-vang hơn làm Thượng-Hoàng của một vị Chuyển-Luân vương.

Vua Suddhodana nghe được, bớt sầu truyền lệnh tổ chức một cuộc nghinh tiếp Đức-Phật rất trọng thể.

87- Tại sao Đức-Phật không thủ-phận làm con để chờ Vua cha ra nghinh tiếp?

Đức-Phật đã tiên đoán sẽ gặp nhiều sự khó khăn trong buổi tái-ngộ hôm nay:

1. Dòng Sakya từ cổ chí kim đã nổi tiếng là một dòng tự cao, tự trọng, chẳng bao giờ chịu khuất-phục một ai.

2. Dầu Ngài là Phật nhưng Ngài biết không dễ gì làm thần-Thánh ở quê mình được, nhất là trước mặt Vua cha và những bậc trưởng-lão trong dòng họ là những người đã từng biết Ngài lúc còn nhỏ bé.

3. Một bậc Chánh-Đẳng Chánh-Giác không thể đứng dậy, cũng không thể nghiêng mình trước một người phàm-tục nào, vì ngại rằng đầu người ấy sẽ bị bể ra làm bảy miếng, nếu họ chịu thọ-lãnh cái vinh-hạnh tối cao ấy. Như thế phải làm sao đề giải-quyết vấn-đề nghi lễ, đầy hậu-quả nguy-khốn cho gia-đình quyến-thuộc của Ngài.

Đức-Phật nhất-định phải dùng một pháp thần-thông để cảm-phục dòng Sakya, trước giờ hội-ngộ với Vua cha và hoàng-thân trong triều. Ngài hóa ra một con đường trên hư-không; trên ấy Ngài đi kinh-hành như đi trên mặt đất, giữa lúc VuaSuddhodana (Tịnh-Phạn), bá-quan văn-võ và dân chúng rần-rộ ra nghinh đón Ngài. Trước sư mầu-nhiệm hy-hữu ấy, mọi người ngưởng mặt lên dòm một cách sung-sướng, rồi chấp tay quì lạy, tỏ lòng tôn-kính Đức-Phật. Chính Vua chaSuddhodana (Tịnh-Phạn) cũng quì lạy con của Ngài, thân-tâm rất khoăn-khoái nhẹ-nhàng và đắc chí được làm Cha của một Đấng Cứu-Thế. Hoàng-hậu Gotami vì thương nhớ Hoàng-tử Siddhattha, ngày đêm rơi lụy đầm-đề cho đến đui cả hai con mắt, nay hay tin Đức-Phật trở về, lòng vui phấn khởi đến cực-độ, khiến cho đôi mắt của Bà bật sáng trở lại như xưa.

88- Rước Đức-Phật vào đền, Vua Suddhodana nói chi với con của Ngài?

Mối tình lạnh nhạt giữa cha con đã chấm dứt trong giờ phút phụ-tử đoàn viên, nên hai bên thân-mật trò chuyện. Đức Vua vẫn chưa hài lòng trước hoàn cảnh tương phản xốn-xang giữa đời sống của con Ngài: đi chân không, ăn nằm vất-vả, không tắm nước thơm, không mặc y-phục thanh-nhã, không đeo đồ hộ-vệ, không âm-nhạc ca-vũ, cũng không có phi-tần cung-nữ hầu-hạ.

Đức-Phật vạch ra từ điểm, dùng lời ôn-tồn lễ-phép giải-thích cho Vua cha thấy rõ rằng đời sống an-vui của bậc Thánh-nhân không còn dính líu đến các điều hoan-hỷ của thế-tục và bậc xuất-gia đã sẵn có nhiều sự bồi-đấp, nhiều đặt ân cao quí hơn.

Nghe vậy Đức Vua cũng tạm gọi là an-tâm, xong Ngài vẫn cố-chấp địa vị Đế-Vương.

89- Vua Suddhodana cố-chấp địa vị đế-vương của Ngài bằng cách nào?

Vua Suddhodana không muốn cho con Ngài mỗi bữa mang bát đi xin ăn nơi dân chúng. Để tránh sự nhục-nhã ấy, Vua cha thỉnh Đức-Phật và Chư-Tăng mỗi ngày vào thọ-thực trong hoàng-cung.

90- Ý muốn của Vua Suddhodana có đem lại sự vừa lòng cho Ngài chăng?

Làm như thế chẳng khác nào lập đàn tràng nơi cung nội cho Đức-Phật tha hồ cảm-hóa thân-nhân. Mỗi ngày Đức-Phật có dịp hội kiến với quyến-thuộc, nào là cha, mẹ nuôi, vợ con, em út, chú bác, bạn xưa, là những người đã đau khổ từ lúc Ngài trốn đi tìm đạo và luôn luôn phiền trách Ngài ra đi không để một lời từ-biệt. Lần lần Đức-Phật cởi mở sự hiểu lầm của quyến thuộc: "Vì tình thương lai-láng đối với gia-đình chủng-tộc, Như-Lai chỉ tạm-biệt để tìm đường diệt khổ, hầu hướng dẫn mọi người tiến đến nơi an-vui tuyệt đối. Ngày nay đạo đầy quả đủ, cũng vì lòng từ-bi Vô-lượng đối với toàn thể chúng-sanh, mà Như-Lai về đây thuyết-minh chân-lý cứu-độ quyến-thuộc giống nòi, ra khỏi sông-mê biển-khổ. Trong đời, Như-Lai là người duy-nhất đã tận-tụy hy-sinh, để đem lại hạnh-phúc cho nhân quần xã-hội".

Bao nhiêu sầu khổ phiền-muộn chờ dịp tuôn ra để lên án người thất-hiếu, bạc-tình, lần lần bị tan rã dưới hiệu lực của lời biện-minh rất chân-chánh, càng lúc càng đem lại cho tâm hồn mọi người, những cảm xúc nhẹ-nhàng khoăn-khoái. Ngoại trừ Đức vua, tất cả thân-quyến của Đức-Phật đều quì lạy xin thọ qui-giới làm người cư-sĩ: Ba vị Hoàng-thúc, bà Dưỡng-mẫu Gotami, Công-chúa Yasadhara, Hoàng-tử Rahula, Hoàng-đệ Nanda, cùng anh em chú bác, tính ra trên ngàn người.

91- Có ai xin xuất-gia theo Phật chăng?

Có nhiều người nhưng họ chờ lệnh của Đức vua.

92- Lệnh ấy ra sao?

Vua hạ chỉ cho phép gia-đình nào có từ hai người con trai xấp lên, được cho xuất-gia một người, theo Đức-Phật. Ý Vua muốn có một nhóm người trong hàng vương-tôn theo bên cạnh Đức-Phật, để phô-trương phương-danh hoàng tộc. Mặt khác, Đức vua muốn bảo tồn dòng giống, trước nhất muốn giữ người con thứ của Ngài là Hoàng-tử Nanda (con của bà Gotami) và cháu nội là Rahula, để duy-trì cơ-nghiệp của dòng Sakya.

93- Trước quyết-định khôn khéo của Vua cha, Đức-Phật nghĩ sao?

Biết rằng Vua cha còn nặng nghiệp trần chưa cảm hóa được, nhưng không vì đó mà bỏ qua cơ-hội tế-độ những người hữu-duyên, trước nhất là em và con của Ngài. Sự xuất-gia của Thái-tử Rahula và Hoàng-đệ Nanda là hai biến-cố rất xúc-động cho Vua Suddhodana, Đức-Phật không vì tình thương chật hẹp của Cha mà không tuần tự đưa người hữu-duyên lên đường giác-ngộ.

94- Hoàng-tử Rahula được xuất-gia trong trường hợp nào?

Thế thường người đời, nhất là hàng phụ-nữ luôn luôn tin-tưởng nơi sự thành-công của mưu-chước mình. Công-chúa Yasodhara, thừa dịp ông chồng hồi-loan, dạy con của bà là Thái-tử Rahula một bài học tâm sự, rồi thừa lúc Đức-Phật vào đền thọ-thực xong xuôi, sấp trở ra về nơi tạm-trú, bà xúi giục con bà chạy theo, thỏ-thẻ xin cha truyền sự nghiệp lại. Ý của bà Công-chúa dạy con xin ngôi Vua, nhưng sự khôn lanh của bà đâu có hơn Trí-Tuệ của bậc siêu-phàm. Nghe con xin truyền sự-nghiệp Đức-Phật liền hoan-hỷ nhận lời và vỗ-về bảo: "Nầy con Rahula, con theo Như-Lai đến vườn Nigrodha (Cây da), Như-Lai sẽ truyền cho con cả một sự-nghiệp tinh-thần vĩ-đại mà Như-Lai đã dành sẵn cho con". Nghe lời hứa ngọt-ngào của người Cha hiền từ, chưa từng gần-gủi, ông Hoàng Rahula hớn-hở vui-mừng, núp dưới bóng từ-bi mát-mẻ của Đức cha lành, lúp-xúp chạy theo bên cạnh, quên cả những lời căn-dặn của mẹ. Về tới nơi tạm-trú, Đức-Phật liền giao-phó cho hai ông Sariputa và Moggalãna làm lễ xuất-gia cho Hoàng-tử Rahula vào hàng Samanera (Sa-Di). Ông tiểu Sa-Di nầy lại vui sống bên cạnh Đức-Phật, dường như có một năng-lực gì huyền-bí làm cho tâm-hồn ông nhẹ-nhàng, vui-sướng, trong sạch tinh-khiết, rất xứng đáng để tiếp-thụ sự-nghiệp tinh-thần của Đức cha lành.

Công-chúa Yasodhara, dĩ-nhiên phải mang lấy hậu quả của mưu-chước sắp đặt mà bà không tiện nói ra. Nhưng sau khi suy-cùng nghĩ-cạn, bà cho rằng việc xuất-gia của con bà là phải, vì con phải theo cha, một người cha xứng đáng để bảo-đảm tương-lai cho con bà.

95- Còn số-phận của Hoàng-đệ Nanda ra sao?

Nói qua ông Hoàng-tử trẻ-trung tuấn-tú Nanda, người duy-nhất còn lại để nối-nghiệp cho hoàng-triều; ngày nọ nhằm ngày Hoàng-tử sánh-duyên cùng nàng Janapadakalyãnã, một vị công-nương mỹ-miều tại thành Kapilavastu, luôn dịp Vua Suddhodana định phong con Ngài làm Đông-cung Thái-tử và cũng là ngày khánh thành cung-điện để làm nơi động-phòng hoa-chúc, Đức-Phật dùng mưu cảm-hóa em Ngài một cách lý-thú. Giữa lúc trong hoàng-cung đương rộn-rịp, cử-hành ba đại lễ: Kết-hôn, Phong-tước và Khánh-thành, Đức-Phật từ-khước không vào đền thọ-thực, để cho em mình rảnh-rang lo bề hạnh-phúc tương-lai.

Đúng giờ rước dâu, Đức-Phật mang bát đi ngang trước hoàng-thành. Hoàng-tử Nanda, từ bên họ nhà gái vừa về tới cửa Ngọ-môn với vị Tân-nhân, chợt thấy Đức-Phật, liền bỏ nàng chạy đến rước bát, đem vào sắp đủ thức ăn mặn ngọt, trở ra dâng bát lại cho Đức-Phật.

Đức-Phật không thâu-bát, chẩm-rải quay bước trở về nơi vườn cây da. Vị lễ phép đối với bậc trưởng-thượng, Hoàng-tử Nanda lủi-thủi ôm bát theo sau. Đến nơi, Đức-Phật đem những lợi-ích tối cao của đời sống xuất-gia giải-thích cho Hoàng-đệ nghe, so-sánh hạnh-phúc chắc thật của bậc thoát-ly trần-tục với hạnh-phúc giả-tạm của kẻ bị cột trói trong gia-đình và khuyên em nên noi gương của mình để tìm đạo quả Niết-Bàn. Ông Nanda, mặc dầu còn nặng mang khối-tình, nhưng xét ra lời nói của bậc Chí-tôn thật là đúng lý, ông liền chịu xuất-gia.

Khổ cho ông Nanda, khi mang cái lốt của vị thầy tu rồi, ông ăn-năn hối-hận; không biết làm sao để trở về với vợ đẹp mới cưới?

Xa cách người yêu ông Nanda không thể nguôi được lòng thương nhớ, nhiều phen ông trốn ra khỏi chổ cô-tịch để trở về nhưng mấy lần đều bị bắt gặp.

Để trừ tận gốc cái bệnh tương-tư của ông Nanda, Đức-Phật đề nghị đưa ông ấy lên viếng các vị Thiên-nữ tận cõi trời Đế-thích. Nghe nói các vị Thiên-nữ sắc-đẹp tuyệt-trần, ông Tỳ-Khưu Nanda, sẵn tính háo sắc, vui-vẽ chịu đi ngay. Đức-Phật bảo ông nắm lấy chéo y ca-sa của Ngài, rồi Ngài bay-bổng lên hư-không. Bay ngang qua một đám rừng, vừa bị một trận hỏa-tai thiêu-rụi. Đức-Phật chỉ cho ông Nanda xem một con khỉ cái đương ngồi cú-rủ trên cành cây cháy đen, đã may-mắn thoát chết, nhưng mình mẫy bị lửa táp trụi lông, lở-lói xem rất thảm-thương. Kể trong nháy mắt, ông Nanda được đưa đến thế-giới tự-tại của Vua trời Đế-thích (Indra) để cho ông mặc tình thưởng-thức vẻ-đẹp vô-song kiều-diễm và cốt-cách thần-tiên của các vị Thiên-nữ. Khi trở về ông Nanda thú nhận với Đức-Phật rằng những phi-tần mỹ-lệ của Vua trời Đế-thích, sánh với vợ ông thì vợ ông chẳng khác nào con khỉ cái lúc nảy. Tư-tưởng của ông từ đó hướng về các vị Hằng-nga tiên-nữ; ông nhẫn-nại nương theo Đức-Phật để tu-hành, mong ngày kia được sanh về thiên-cung làm bạn với các vị Thiên-nữ duyên-dáng đậm-đà ấy. Trong giới xuất-gia, lần lần ai ai cũng biết mục-đích bí-mật của ôngNanda, nên người ta gọi ông là "Vị tình lang của Thiên-nữ " cho đến ngày ông cố-gắng diệt được căn-bệnh say-đắm sắc-đẹp hảo-huyền và nhất thời của phụ-nữ.

96- Sau sự xuất-gia của hai ông Rahula và Nanda, Vua Suddhodana có phiền trách Đức-Phật chăng?

Có phiền trách cũng việc đã rồi. Vã lại Đức-Phật chỉ nhắm mục-đích cứu-khổ, cũng khó mà đổ lỗi cho Ngài được:

1. Thái-tử Rahula chạy theo xin Cha truyền sự-nghiệp và khi được thỏa-mãn, lại vui thích theo Cha.

2. Ông Hoàng-đệ Nanda đã hóa ra người "Vị tình lang của Thiên-nữ " thì mong gì cho ông trở lại với người vợ mà ông đã sánh như con khỉ cái.

Lúc Đức-Phật vừa về tới Kapilavastu, Vua Suddhodana đã có cảm-tưởng (85) rằng con Ngài sắp gây ra một phong trào xuất-gia mãnh-liệt cho dòng Sakya, nên ban đầu Ngài tỏ ra bất-mãn, nhưng sau lại nhờ nghe được liên-tiếp hai thời pháp của Đức-Phật, Vua Saddhodana đã đắc được đạo quả Tu-Đà-Hườn và Tu-Đà-Hàm, Ngài thỏa thích dâng vườn Nigrodha (Cây da) cho Đức-Phật và Chư-Tăng làm nơi Hoằng-pháp độ-sanh [*].

[*] Khi Vua Suddhodana sắp thăng-hà Đức-Phật trở về độ Vua cha đắc quả A-La-Hán. Chính Đức-Phật tắm rửa, tẩn-liệm và lo việc hỏa-táng cho Vua cha.

97- Còn ai trong dòng Sakya xin xuất-gia theo Đức-Phật nữa?

Năm trăm vị Vương-tôn công-tử, kẻ tâm-đạo nhiệt thành, người vì bè-bạn quyến-rũ, ăn-mặc sang trọng, kéo nhau đến ra mắt Đức-Phật, xin Ngài giảng pháp cho nghe. Sau thời pháp, mọi người đều tình nguyện xin xuất-gia. Sẵn có ôngUpali (Ưu-Bà-Li), người thợ cạo của hoàng-gia "Tháp tùng viếng Phật", họ liền cậy ông thế-phát cho họ và hứa cho tất cả y-phục trang-sức để đền ơn ông, bởi các vật ấy hết còn giá-trị đối với đời thoát-tục. Tình cờ ông Upali trở nên người giàu có nhưng duyên lành của ông đã đến, ông không thọ-nhận chỉ ước-ao được Đức-Phật thâu ông vào hàng đệ-tử của Ngài.

Trong lúc 500 vị Vương-tôn công-tử trở về từ-giả gia-đình, ông Upali vào lạy Đức-Phật xin xuất-gia, Đức-Phật liền thâu nhận ông làm Thiện-Lai Tỳ-Khưu (Èhi-Bhikku). Vào sau và được xuất-gia trước, nên các vị Vương-tôn công-tử phải kính-nhường ông là Bậc cao hạ đàn anh.

98- Trong hàng Vương-tôn công-tử nói trên có ai là thân bằng quyến thuộc của Đức-Phật không?

Có năm ông hoàng: hai người em chú-bác của Đức-Phật là ông Anuruddha (A-Nậu-Đa-La) và ông Ananda (A-Nan-Đà) và người bà con cô-cậu, anh ruột của Công-chúa Yasodhana, tên Devadatta (Đề-Bà-Đạt-Đa). Còn hai người nữa không biết tên chi.

(Theo nguồn lịch-sử của thời đại sau, năm vị Hoàng-thân nói trên và ông Upali đến xin xuất-gia, lúc Đức-Phật ngự tại làng Anupiya, trong xứ của vua Malla, thuộc về hướng Nam kinh-đô Kapilavastu).

99- Đạo-giáo của Đức-Phật đã đem lại ảnh-hưởng chi cho dòng Sakya?

Dòng Sakya toàn là những vỏ-tướng vô-địch, khi hấp-thụ được Giáo-Pháp của Đức-Phật, đều trở nên hiền-từ đạo đức, thà chịu chết hơn dùng bạo-lực, để tránh gây nghiệp báo.

 

F. Từ Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ) sang qua thành Savatthi (Xá-Vệ)

100- Đức-Phật ở Kapilavastu bao lâu rồi đi đâu nữa?

Sau 4 tháng ở quê nhà, Đức-Phật từ-giả Vua cha và quyến-thuộc sang qua kinh thành Savatthi (Xá-Vệ), xứ Kosala của Vua Pasénadi (Ba-Tư-Nặc), thuộc về hướng Tây thành Kapilavastu.

101- Tại thành Savatthi (Xá-Vệ) Đức-Phật được tiếp rước như thế nào?

Tại thành Savatthi, có một vị đại phú gia tên Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc): người nuôi kẻ nghèo khó cô-độc), sẵn chờ nghinh-tiếp Đức-Phật và dâng cho Ngài một ngôi chùa lộng-lẫy, vừa tạo lập xong.

102- Tại sao ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) biết Đức-Phật sắp đến mà lo tạo chỗ nghinh-tiếp?

Ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) đã có đến Rajagaha (Vương-Xá) nhiều lượt giao-thiệp buôn-bán và có dịp nghe Đức-Phật thuyết-pháp tại vườn Veluvana (Trúc-Lâm). Ông đắc được đạo quả Tu-Đà-Hườn thỏa-thích xin qui-y và thỉnh-cầu Đức-Phật đến Hoằng-đương Phật-pháp tại Savatthi (Xá-Vệ).

Đức-Phật nhận lời, nhưng bảo ông Anãthapindika về kiếm sẵn một nơi thanh-vắng, ngoài thành Savatthi, để khi Ngài và Chư-Tăng đến chỗ an-trú. Ông Anãthapindika về lựa được một hoa viên đẹp nhất, ở ngoại-ô thành Xá-Vệ. Hoa viên ấy thuộc về của ông Hoàng Jeta (Kỳ-Đà). Ông này không muốn bán, lại diễu chơi với ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) rằng: nếu ông trải phủ vàng cùng khắp trên mặt đất của hoa viên tôi, tôi mới bán cho. Ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) liền chịu mua với giá cả ấy. Lở lời ông Hoàng Jeta phải chịu bán nhưng với điều kiện là ông giữ lại nguyên vẹn các thứ cây, nhất là những danh-mộc cổ-thọ, như xoài, dàn hương, để cho có bóng mát và bảo tồn thanh cảnh trang-nghiêm, huyền mặc cho hoa viên mà ông đã công khó tạo ra ... Nhân đó, sau khi ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) cất tịnh xá, rước Đức-Phật và Chư-Tăng về ở, người ta thường gọi là Jeta Vana (Kỳ-Viên hay Huê-Viên của ông Jeta) hoặc là Anãthapindika Vihãra (Cấp-Cô-Độc Tịnh-xá).

103- Tịnh-xá của ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) có chi đặc biệt không?

Tịnh-xá nầy là một thắng cảnh đẹp nhất giữa một cánh đồng phì-nhiêu, nằm về hướng Tây Kapilavastu (Ca-Bì-La-Vệ) và hướng Tây-Nam núi Hy-Mã-Lập-Sơn, cách xa hai nơi ấy độ 150 cây số. Quanh năm tiết trời mát-mẻ, cỏ hoa tươi đẹp, lại gần quê-hương của Đức-Phật, nên Ngài thường kiết-hạ nơi đây [*]. Đại-Đức Sariputa được phái đến trước, chỉ vẽ cho ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) cách thức tạo-lập Tịnh-xá. Giữa vườn là một biệt-thất dành riêng cho Đức-Phật, chung quanh có vườn hoa và ao sen, bốn mùa hương xông ngạt-ngào. Năm trăm vị Tỳ-Khưu ở riêng, mỗi vị một tịnh-thất, cất rải-rát trong hoa viên; ngoài ra nào là giảng-đường, trai-đường, phòng tắm, cầu tiêu nhà bếp, kiến trúc có lớp lang.

Ban ngày thiện-nam tín nữ tới lui tấp nập, tối lại chỉ còn những bóng người lặng-lẽ kinh-hành, quán-tưởng dưới tàn cây u-tịch.

[*] Kiết-hạ là an-cư trong 3 tháng mưa, từ rằm tháng 6 đến 16 tháng 9. Trong 45 năm, Đức-Phật kiết-hạ tại Kỳ-Viên 25 mùa.

104- Đức Vua nào trị vì xứ Kosala, tại Savatthi và Ngài đối với Đức-Phật ra sao?

Chính Đức Vua Pasenadi (Ba-Tư-Nặc). Hay tin Đức-Phật ngự đến Tịnh-xá Cấp-Cô-Độc, Vua và bá-quan trong triều thân-hành đến chào mừng. Vua Ba-Tư-Nặc, cũng như các vị vua khác, khi đến viếng Đức-Phật, đều áp-dụng một nghi-thức xã-giao giống nhau. Trước đoàn xe giá có toán quân-nhạc mở đường, sau có binh gia hộ-tống. Đến trước cổng Tịnh-xá. Vua và bá-quan xuống xe, lột cất năm biểu chương: Lông, mão, quạt và giầy rồi từ từ đi chân không vào. Đến trước Đức-Phật, Vua và bá-quan quì lạy đảnh-lễ: Phong tục Ấn-Độ đặt phẩm-cách tinh-thần trên uy-thế Đế-vương.

105- Vua Pasenadi có lòng mộ đạo không?

Vua Pasenadi cũng như Vua Bimbisãna, đồng tuổi với Đức-Phật thấy Ngài cũng là dòng Vua, lại dám hy-sinh ngôi báu xuất-gia tìm đạo và khi thành công đắc quả, còn phải sống một cuộc đời phiêu-lưu khổ-cực, tận tụy với nghĩa-vụ tế-thế độ nhân, nên hết sức kính-phục và nhiệt thành ủng hộ Đức-Phật trong việc Hoằng-pháp.

106- Tại Savatthi Đức-Phật còn người đệ-tử nào trung thành như ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) chăng?

Kế ông Anãthapindika (Cấp-Cô-Độc) là bà Visãkhã, một tin-nữ giàu có đã giúp Đức-Phật một cách đắc-lực. Bà rất đông con và nhiều cháu chắt, được dân chúng thành Xá-Vệ xem như bậc phúc-hậu đệ-nhất, nên trong mỗi cuộc lễ luôn luôn mời bà chủ tọa để nhờ hồng-phước của bà. Bà được nổi danh là một vị đại thí-chủ. Các nhà sư đến Xá-Vệ đều nhờ bà châu-cấp mọi vật cần thiết. Bà nguyện với Đức-Phật, trọn đời dâng cúng y phục tấm mưa cho Tăng-ni, thuốc men cho các nhà sư có bệnh, vật thực cho các vị mới đến hoặc sắp đi và mỗi sáng dâng cháo lót lòng cho Chư-Tăng.

Đối với bà Visãkhã cũng như phần đông phụ-nữ, người ân-nhân hay người đáng cám ơn, chẳng phải người cúng dường Đức-Phật và Chư-Tăng, mà chính là Đức-Phật, bởi Ngài chỉ dạy cách thức thực hiện công hạnh bố thí để cho mỗi người được dự vào phần thưởng của công-hạnh bố-thí ấy.

107- Trong thời-gian Đức-Phật an-cư tại Savatthi có điều chi xảy ra chăng?

Tại Tịnh-xá Cấp-Cô-Độc, Đức-Phật thâu nhận đệ-tử càng ngày càng đông; có nhiều người chứng đạo quả Tứ-Thánh tiếng đồn khắp xứ, thiên-hạ đưa nhau đến qui-y thọ-giáo với Đức-Phật, làm cho các đạo giáo phải lu-lờ và các vị Đạo-sĩ phải thiếu thốn mọi bề, nên họ đâm ra ganh-tị thù oán, tìm mọi mưu chước làm hại Đức-Phật.

108- Họ làm hại cách nào?

Đây chỉ tóm lược hai sử tích:

a) Để thỏa-mản lòng ganh-tị, bọn tà-sư nhóm lại định dùng mỹ-nhân-kế làm cho mất thanh-danh uy-tín của Đức-Phật. Mỗi buổi tối, giữa lúc thiện-nam tín-nữ từ Kỳ-Viên ra về, sau khi nghe pháp của Đức-Phật, một nữ Đạo-sĩ, nhan-sắc đậm-đà, xiêm áo lòe-loẹt, tay cầm hoa thơm, đi ngược chìu về hướng Tịnh-xá. Có người kêu hỏi: Cô đi đâu giữa đêm tâm tối vậy cô? Nàng ấy tên Cinca, ngoe-ngoãy trả lời: "Tôi đi đâu, căn cớ chi mấy người mà hỏi". Đi khỏi đám người, nàng Cinca trở lại nghỉ trong chùa của bọn tà-sư, gần Tịnh-xá Cấp-Cô-Độc. Rựng sáng, lúc thiện-tín, từ ngoài thành Savatthi vào Tịnh-xá yết-kiến Đức-Phật, nàng Cinca lại trở ra, cũng như nàng từ Tịnh-xá đi về.

Có ai hỏi: Cô ngủ đâu mà về sớm vậy?

Nàng cũng ngoe-ngoãy trả lời:

-"Tôi ngủ đâu, mặc kệ tôi".

Liên tiếp gặp nàng với cử chỉ khả nghi, nhiều người ngạc-nhiên hỏi nữa: Cô ngủ đâu mà về sớm vậy?

Nàng Cinca trả lời:

-"Tôi ngủ trong Tịnh-xá với ông Sa-Môn Gotama".

Từ đó tín-đồ xầm-xì, bàn-tán, phân-vân, nghi-ngờ. Bốn tháng sau ai ai thấy bụng của nàng Cinca càng ngày càng lớn. Đến tám chín tháng bụng nàng lại càng to lên, tỏ ra người mệt-nhọc, như gần ngày sanh-đẻ. Một buổi chiều nọ, lúc Đức-Phật đương ngồi trên bảo-tọa thuyết-pháp cho tín-đồ nghe, nàng Cinca vào đứng trước mặt Đức-Phật kêu nói rằng:

-"Nầy ông Đại Sa-Môn, ông giảng đạo-lý cho mọi người với giọng thật là ngọt-ngào dễ thương nhưng đối với tôi đây, vì ông mà phải mang thai nghén, nay gần ngày nở-nhụy khai hoa, mà không thấy ông để ý lo tạo cho tôi một chòi tranh, cùng mua sắm những vật cần-thiết cho việc sanh-đẻ. Cũng không thấy ông để lời cậy mượn những người trung-thành với ông như Đức Vua Pasenadi. Ông Anãthapindika hoặc bà Visãkhã, thay thế lo giùm cho ông. Ông biết chơi hoa thưởng nguyệt mà ông không biết ngăn-ngừa hậu quả".

Đức-Phật ngưng cuộc thuyết-pháp, dòm ngay nàng Cinca và thốt rằng:

-"Nầy cô thí chủ, những lời cô vừa thố-lộ đó, thật hay giả, chỉ có cô và Như-Lai biết thôi".

Nàng Cinca cũng bình-tỉnh trả lời:

-"Thật vậy, thưa ông Sa-Môn, chỉ có đôi ta mới rõ thấu sự tình nầy thôi".

Vừa dứt lời, một khúc gổ hình bán cầu, mà nàng Cinca đã ràng-rịt trước bụng, thình-lình rớt xuống đè dập cẳng nàng [1]. Mưu gian bại lộ, thiện-nam tín-nữ rộ lên, kẻ phun nước miếng, người thì tát-vã vào mặt nàng. Đức-Phật liền ngăn-cản, khuyên tín-đồ dung-thứ và thương hại cho kẻ lỗi-lầm. Nàng Cinca chạy ra khỏ Tịnh-xá, vừa khuất dạng, thì đất xụp, vùi thân nàng dưới một cái hố sâu đầy lửa địa ngục [2].

[1] Tục rằng mỗi khi có việc chẳng lành xảy ra đến cho các bậc phạm-hạnh trong dục-giới, Trời Đế-Thích có cảm-giác bảo-tọa của Ngài ra hơi nóng và nhờ Thiên-nhãn, Ngài biết Đức-Phật đương bị hàm-oan, liền sai bốn vị hộ-giá lập tức xuống tận Kỳ-Viên, biếng làm 4 con chuột bạch, chung vào cắn đứt dây nịch của nàng Cinca.

[2] Mười ba thế-kỷ sau, thầy Huyền-trang đến Savatthi còn thấy cái hố chôn nàng Cinca.

b) Bọn tà-sư chưa chịu đừng bước trên đường tội-lỗi. Định hy-sinh một nữ Đạo-sĩ nữa tên Soundari (người đẹp), họ mướn kẻ côn-đồ bóp họng cô này, rồi lén đem thây vùi dưới đ?ng tràng hoa-héo, chất gần biệt-thất của Đức-Phật. Mặt khác họ đi khai-báo với nhà Vua rằng cô Soundari mất tích. Phụ-lực với nhà chức-trách họ cho bộ hạ đi tìm kiếm cô Soundari. Dĩ-nhiên họ kiếm được tử-thi cô nầy một cách dễ-dàng và để nằm trên một cái võng khiên vào thành Savatthi, truyền rao cho thiên-hạ thấy rõ bằng cớ dâm-đãng hiển-nhiên của ông Cồ-Đầm, mà đệ-tử của ông cố ý che đậy, nên giết cô Soundari để phi-tang. Dư-luận xôn-xao phẩn-uất. Nhà cầm-quyền đương ngấm-ngầm điều tra, thì bọn sát-nhân được trọng thưởng rủ nhau ra tửu-lầu, gầy tiệc vui-say, để rồi chia nhau số tiền thù-lao. Thần men ám-ảnh, anh nào cũng muốn dành phần nhiều, cải-cọ, ấu-đả, rồi tố cáo lẫn nhau. Kết cuộc cả bọn sát-nhân và kẻ đồng lỏa đều phải đền tội trước công-lý.

Một lần nữa, hàm-oan của Đức-Phật được minh-giải. Trong đời kẻ tiểu-nhân muốn làm hại một người chân-chánh, không phải dể như ý muốn, hà tất là cáo-gian một vị Chánh-Đẳng Chánh-Giác.

109- Tại Savatthi, Đức-Phật còn gặp trở ngại chi nữa chăng?

Nhóm Lục-Sư còn đề nghị tranh-tài, đấu phép với Đức-Phật, có Vua Pasenadi chứng kiến. Đức-Phật bắt buộc phải làm vừa lòng họ. Trước khi tranh-biện, Đức-Phật dùng phép thần-thông hóa ra một cây xoài to lớn, cao tận mây xanh, đầy bông trái, giữa sân đã dọn trống cho cuộc hội-hợp, rồi Ngài đến ngự dưới gốc xoài để trả lời từ câu chất vấn của nhóm Lục-Sư.

(Theo sử tích khác, Đức-Phật hóa phép ngồi trên một tòa-sen lớn bằng bánh xe. Nhân đó, trong thời-đợi sau, các chùa đều tượng cốt Phật ngồi trên tòa-sen. Một nguồn tài-liệu khác ghi rằng Đức-Phật hóa ra vô-số Vị Phật đi đứng nằm ngồi trên không-gian).

Bao nhiên biện chứng của Lục-Sư đưa ra đều bị Đức-Phật đánh tan, với lý lẽ không chối cải được. Không thấy kinh-sách ghi rõ những biện-chứng chi.

110- Đức-Phật có thần-thông quảng-đại mà không có phương-pháp nào tế-độ nhóm Lục-Sư sao?

Đức-Phật chỉ độ người có duyên lành với Ngài. Những người ấy dầu say-mê lầm-lạc theo tà-đạo, đúng giờ khắc nhất định, gặp một cơ-duyên họ thức-tỉnh ngay. Người không duyên lành, dầu sống bên cạnh Đức-Phật, họ cũng vẫn thiên về tà-đạo, huống-hồ là người đã sẵn có một tôn-chỉ khác biệt như nhóm Lục-Sư.

112- Có người nào lạc theo tà-giáo mà được Đức-Phật tế- độ?

Tại Savatthi (Xá-Vệ) trong một hạ, Đức-Phật có tế-độ một tên sát-nhân, cuồng tín theo tà-giáo, đã gây ra sự kinh-khủng cho dân xứ Kosala. Kẻ sát-nhân ấy tên Angulimãla (Ngón tay tròng-cổ), con của một vị Đại-Thần tại Savatthi. Chàng được gửi đến thọ-giáo với một vị Đạo-sĩ danh-tiếng. Rất thông-minh, văn hay võ giỏi, chàng được thầy yêu mến, trọng đãi hơn các bạn học-sinh. Bọn nầy sanh lòng ganh-tị, bao phen lập kế, mét thót với thầy rằng Angulimãla âm-mưu phản thầy. Ông Đạo-sĩ không tin nhưng ba lượt bị thúc-giục phải xua-đuổi Angulimãla ra khỏi nhà, để tránh tai-hại về sau. Xiêu theo lời nịnh-bợ bất-chính, ông thầy lập kế đưa Angulimãla vào chốn lao-tù, mới kêu bảo rằng: "Nầy con, thầy thấy con võ-nghệ tinh-thông. thầy muốn truyền cho con một phép mầu-nhiệm để sau nầy còn nhờ lấy đó mà lập-thân; nhưng trước khi truyền phép huyền-bí cho con, con phải giết cho đủ một ngàn người, cắt lấy ngón tay, xõ làm một xâu tràng hoa đem về đây". Angulimãla tuy thông-minh nhưng tham-vọng rất nhiều, không suy-nghĩ, phần ỷ lại tài-nghệ xuất chúng, liền từ-giả thầy đi tìm giết cho đủ 1000 người. Ai đi vào rừng cùng, đi lẽ loi nơi vắng-vẽ đều bịAngylimãla giết chết và cắt ngón tay xỏ xâu đeo lên cổ. Tiếng đồn dân chúng kinh-sợ. Vua Pasenadi định đem binh đi bắt tên sát-nhân về trị tội. Lúc ấy Angulimãla đã giết được 999 người, càng giết càng hăng máu không gớm tay mong mau có đủ số, để sớm trở về cho thầy truyền đạo. Cũng lúc ấy bà mẹ của Angulimãla dọ hỏi tin-tức, biết tên sát-nhân là con của bà. Bà liền vào rừng tìm Angulimãla để khuyên giải và báo tin cho con bà hay rằng Đức Vua sắp gửi binh đến bắt chàng. Thấy mẹ, Angulimãla bị tội ác ám-ảnh, định giết mẹ cho đủ số 1000 người. Bà mẹ kinh-hồn chạy trở lại, liền khi ấy Đức-Phật hiện ra chẩm-rãi đi trước mặt, chận đường Angulimãla, để cho bà mẹ chàng thoát thân. Tên sát-nhân liền đổi ý, định giết ông Sa-Môn, nổ lực chạy đến gần để hạ-thủ. Đức-Phật mang bát từ từ bước trở ra, tên sát-nhân chạy theo sau như tên bay, trên cả ba do-tuần, mà không theo kịp. Tức mình, Angulimãla kêu:

"Kìa ông Sa-Môn, sao ông không dừng chân lại?"

Đức-Phật ngoái lại mĩm cười đáp:

-"Này Angulimãla, Như-Lai dừng bước đã lâu rồi, chỉ có ngươi chưa chịu dừng bước đó thôi".

Angulimãla hỏi lại:

"Ông nói ông đã dừng bước, sao tôi chạy theo ông không kịp. Ông là người nói dối".

Đức-Phật đáp:

-"Như-Lai đã dừng bước trên con đường tội-lỗi. Như-Lai đã bỏ hết gươm-giáo từ lâu rồi".

Nghe được có bấy nhiêu lời Angulimãla chợt tỉnh cơn lầm-lạc, hối-ngộ ăn-năn, liệng cả gươm-dao, quỳ lạy Đức-Phật, xin ra tay tế-độ. Đức-Phật liền vỗ-về an-ủi giải-thích cho Angulimãla biết rằng: "Tiền-kiếp người đã dày công tu-hành và có duyên-lành gặp Chánh-Pháp, nếu Như-Lai không đến cứu ngươi thì ngươi đã phạm tội giết mẹ. Với cái ngỗ-nghịch đại-tội ấy, ngươi phải sa vào vô-gián địa-ngục, biết đời kiếp nào chuộc cho xong". Đức-Phật dắt Angulimãla về Tịnh-xá Cấp-Cô-Độc cho xuất-gia làm Tỳ-Khưu.

Vua Pasenadi, trước khi gửi binh nã-tróc tên sát-nhân vào thỉnh tôn-ý của Đức-Phật, vì Ngài biết đũ mọi việc quá-khứ vị-lai. Hơn nữa, tiếng đồn Angulimãla là một võ-tướng vô-địch, binh-sĩ nghe đến tên chàng đều khiếp-sợ nên Đức Vua không muốn mạo-hiểm, sợ phải hao-binh tổn-tướng nhiều. Đức-Phật biết trước nên khi Vua Pasenadi vào đến nơi Đức-Phật hỏi: "Tâu Đại-Vương, tên sát-nhân đã gây tội tày trời, đối với luật nước Đại-Vương sẽ trừng-trị để làm gương. Nhưng khi kẻ ấy biết ăn-năn tội-lỗi, hồi-đầu hướng-thiện, xin vào đây xuất-gia tu-hành, như các ông Tỳ-Khưu của Như-Lai đây, thì Đại-Vương sẽ đối xử với kẻ ấy như thế nào?"

-"Bạch Đức Thế-Tôn, nếu kẻ sát-nhân ấy, thật tâm ăn-năn vào xuất-gia dưới sự hướng dẫn của Đức Thế-Tôn, thì không chi quí-báu bằng. Chừng ấy, Trẫm sẽ lễ bái cúng-dường, như Trẫm lễ bái cúng-dường chư vị Tỳ-Khưu, môn-đệ của Đức Thế-Tôn vậy".

Đức-Phật mĩm cười, đưa tay chỉ vào nhóm Tỳ-Khưu mà nói rằng: "Tâu Đại-Vương, đây là Angulimãla, là người mà Đại-Vương sắp đem binh nả-tróc". Vua Pasenadi ngạc nhiên mọp đảnh-lễ ông Tỳ-Khưu Angulimãla. Khi ấy binh tướng ngồi chung quanh hầu vua, giật mình, len-lét liết dòm người võ tướng vô-địch, nổi tiếng hung ác, đương ngồi chểm-chệ trong oai-nghi đạo-đức.

113- Đức-Phật còn châu du nơi nào nữa?

Sau khi tranh tài đấu-phép với nhóm Lục-Sư (câu 109) thì mùa mưa cũng vừa đến, Đức-Phật lên kiết-hạ cung trời Đao-Lợi, thuyết phần Vi-Diệu-Pháp, độ mẹ Ngài là Hoàng-Hậu Maya đến đạo quả Niết-Bàn.

114- Đã nói rằng Đức-Phật độ bà Maya tại Budhi Gaya (câu 50) sao nay còn độ nữa? Vi-Diệu-Pháp là pháp chi? Sao ở thế-gian biết được Đức-Phật giảng pháp ấy cho mẹ Ngài?

Nếu tại Bodhi Gaya, bà Maya đắc được đạo quả A-La-Hán thì bà đã vào Niết-Bàn rồi, không còn làm chúng-sanh ở cung trời. Lịch-sử không ghi rõ nhưng có lẽ lần đầu tiên bà Maya chỉ đắc đạo quả A-Na-Hàm thôi. Để giữ trọn đạo làm con, Đức-Phật tùy thời cơ, độ mẹ Ngài đến tận bờ giải-thoát.

Ba tháng sau, Đức-Phật trở xuống Ấn-Độ, tại thành Sankasya, một nơi xa-xâm về hướng Tây Savatthi, hoàn-toàn chịu ảnh-hưởng của Bà-La-Môn giáo. Trên hai trăm năm sau, Vua Asoka (A-Dục) có đến tận chỗ chiêm-bái và xây tháp kỷ-niệm dặt tên là tháp Sankissa, hiện nay vẫn còn di-tích.

Trở lại thế-gian, Đức-Phật lần lượt đem pháp mà Ngài đã thuyết tại cung trời Đao-Lợi giảng-giải cho Chư Thinh-Văn La-Hán nghe. Pháp ấy dạy về tâm-ý, danh-sắc và Niết-Bàn, rất cao sâu khó hiểu nên gọi là Vi-Diệu-Pháp (Abhidhamma). Sau lại được ghi chép trong Tạng thứ ba cũng gọi là Tạng Vi-Diệu-Pháp mà người ta thường gọi là Tạng-Luận.

(Có chỗ ghi rằng Đức-Phật lên cung trời trong hạ thứ 7, chỗ khác nói hạ thứ 6).

115- Người có duyên-lành nhưng ở xa-xâm lại cũng không phải là thân-nhân của Đức-Phật, có hy-vọng được tế-độ chăng?

Những người hữu-duyên gặp Đức-Phật ra đời đều được tế-độ cả thảy. M?i buổi sớm mai, Đức-Phật dùng Thiên-nhãn soi khắp mọi nơi coi có người đúng duyên-kỳ, dầu xa-xâm đến đâu, Ngài cũng đến tế-độ, như trường-hợp của chàngAngulimãla (câu 112). Ngoài ra, tín-đồ nào có chánh-tín, thường ngày tưởng nhớ đến Ân-đức Tam- Bão mà không cầu-cạnh van-vái để xin ân-huệ, chỉ lo làm lành ở phải, tin lý nhân-quả, thì chẳng những gia-đình họ càng được an-vui hòa-thuận, mà họ lại còn có thể làm nhịp-cầu đưa thân-nhân quyến-thuộc đến cho Đức-Phật tế-độ.

116- Xin cho vài bằng chứng.

Từ Sankasya, Đức-Phật trở lại Savatthi. Nơi đây Ngài có dịp tế-độ gia-đình của ông Cấp-Cô-Độc. Ai cũng biết ông nầy là một nhà triệu-phú nhưng vì có những thông-gia tà-kiến, nên dâu và rể của ông thường gây ra sự bất-hòa trong gia-đình mà ông vẫn nhẫn-nại nín-chịu. Ngày nọ, ông thỉnh Đức-Phật và Chư Thinh-Văn đến nhà thọ-thực, Đức-Phật biết dâu của ông là nàng Sujata thường ỷ mình là con nhà quyền-thế giàu sang, không kiêng-nể cha mẹ chồng, hổn-ẩu với chồng và đày-xắt tôi-đòi nên khi thọ-thực rồi Đức-Phật cho mời cô ra, đem đạo-lý khuyên-giải nàng, dạy nàng tư-cách làm dâu, làm vợ, dể tìm cội-phúc hiện-tại và vị-lai. Nhờ vậy, nàng trở thành một người dâu thảo, vợ hiền và một tín-nữ rất nhiệt-thành.

Ông Cấp-Cô-Độc còn một người con gái cũng khổ tâm vì phải gặp một gia-đình tà-kiến. Làm dâu cho một nhà triệu-phú ở xứ Bengale (miền Calcutta), mỗi ngày phải lo đủ lễ-vật cho cha mẹ chồng cúng-dường đến các vị Đạo-sĩ lõa-thể. Ngày nọ, các thầy Đạo-sĩ ấy được thỉnh về nhà thọ-thực, cha mẹ chồng ép nàng phải ra lễ-bài chào mừng. Vừa bước ra thấy các Đạo-sĩ trần-truồng, dơ-dáy, nàng bụm mặt trở vô, tỏ-ý khinh-bỉ. Ông cha chồng nổi xung, quở trách thậm-tệ. Nàng trả lời: "Thưa cha, con chưa từng gặp những hạng người lõa-lồ như vậy và con chỉ biết lễ-bái cúng-dường ông Cha lành duy-nhất của con là Đức-Phật Gotama cùng hàng Thánh-Tăng, đệ-tử của Ngài thôi. Đức cha lành của con và hàng môn-đệ của Ngài dung-nghi lẫm-liệt, ăn mặc tề-chỉnh rất xứng đáng cho trời, người lễ-bái".

Ông cha chồng mới hỏi:

"Mi nói thật chăng? Nếu quả thật vậy mi hãy mời các vị ấy đến đây thọ-thực ngày mai. Bằng mi nói dối, ta sẽ tống-khứ mi ra khỏi nhà nầy".

Trong lúc bối-rối nàng liền trả lời:

-"Dạ xin vâng".

Trọn ngày ấy, nàng đem hết tâm-thần hướng về Tịnh-xá Cấp-Cô-Độc, hết dạ tín-thành cầu thỉnh Đức-Phật và Chư Thinh-Văn đến thọ-thực ngày mai tại nhà cha mẹ chồng nàng, để cứu-rổi nàng khỏi tai-hại và phổ-độ gia-quyến của chồng nàng theo về với Chánh-Pháp.

Tại Savatthi, chiều ngày ấy ông Cấp-Cô-Độc vào yết-kiến Đức-Phật và thỉnh Ngài cùng Chư-Tăng ngày mai đến thọ-trai tại tư-gia. Đức-Phật mĩm cười trả lời rằng: "Như-Lai đã lở nhận lời thỉnh cầu của con gái ông rồi; nên ngày mai Như-Lai và Chư Thinh-Văn phải đi thọ-trai tại xứ Bengale".

Con gái ông Cấp-Cô-Độc đinh ninh rằng Đức-Phật sẽ đến, nên lo sắp đặt chỗ tiếp rước trong một gian-phòng lớn trên lầu.

Đúng giờ Đức-Phật và Chư Thinh-Văn bay đến đứng giữa hư-không, trước phòng trai-tăng. Nàng hết sức vui-mừng, mọp lạy cung-thỉnh Đức cha lành và Chư vị Thánh-tăng vào an-tọa, cả nhà ngạc nhiên, kính-phục, thành tâm lễ-bái cúng-dường ông Đại Sa-Môn Gotama và đoàn tùy-tùng của Ngài. Thọ-thực rồi Đức Thế-Tôn thuyết-pháp độ cả gia-quyến từ cha mẹ chồng đến chồng và tôi-trai tớ-gái của nàng. Mọi người đều phát tâm tín-ngưỡng xin qui-y thọ-giới làm thiện-nam tín-nữ.

Đức-Phật đã đem an-vui hạnh-phúc cho người thiện-nữ chánh-tín là con gái ông Cấp-Cô-Độc và gia-đình bên chồng của nàng.

117- Hiện nay, nếu có người chánh-tín cầu khẩn Đức-Phật gia-hộ cho, có linh-nghiệm chăng?

Nên nhớ rằng hai câu chuyện kể trên xảy ra lúc Đức-Phật còn tại thế. Những người đã có gieo nhiều duyên-lành, mới được sanh vào thời-kỳ ấy. Gặp lúc Đức-Phật ra đời mà không có Chánh-kiến, cũng không thể nhờ Phật tế-độ được. Chẳng phải vì lòng sùng-mộ, vì sự cầu-khẩn mà Đức-Phật sửa đổi được nghiệp-quả của mỗi người.

Với một đức-tin chân-chánh, kiên-nhẫn thực-hiện đời sống, y theo giáo-lý của Đức-Phật, mỗi tín-đồ phải tự-lực mưu-cầu hạnh-phúc an-vui cho mình, chớ nên mù quáng ỷ lại nơi sự gia-hộ của Đức-Phật, bởi mỗi hành động thiện-ác do luật nhân-quả.

118- Đức-Phật có gặp kẻ nào cương-ngạnh, khêu-chọc Ngài chăng?

Phật-giáo ra đời làm lu-lờ các đạo-giáo khác, không sao tránh được kẻ cương-ngạnh phá-rối. Đức-Phật là người lễ-độ ôn-hòa, không bao giờ làm Phật lòng ai cả, trừ khi nào có người đến gây chuyện. Ngài mới đối phó nhưng cũng dùng kim-ngôn mỹ-từ để cảm-thắng họ.

119- Xin cho vài bằng chứng.

Đây chỉ tóm-lược vài chuyện trong muôn ngàn chuyện đã xảy ra:

1) Ngày nọ, có một thầy Bà-La-Môn trong tay giấu một con chim vào đố Đức-Phật: "Nầy ông Sa-Môn Gotama (Cồ-Đàm), tôi đương cầm trong tay một con chim, ông có tài giỏi thử nói cho mọi người biết con chim ấy sống hay chết?"

Đức-Phật bảo:

-"Nầy thầy Bà-La-Môn, thầy nên đem con chim của thầy ra ngoài, hội nhiều người làm chứng, rồi đem trở vô đây, Như-Lai sẽ cho biết chim ấy sống hay chết". Đức-Phật biết rằng chim ấy sống nhưng nếu Ngài nói nó sống, thầy Đạo-sĩ bóp nghẹt, dầu sống chim ấy cũng phải chết.

2) Một nhóm Bà-La-Môn khác đến hỏi: "Nầy thầy Gotama (Cồ-Đàm), tục-lệ xưa nay từ bậc Vua-chúa đến hàng thứ dân, muốn cầu hạnh-phúc cho gia-đình, xã-hội, ai ai cũng giết thú vật để cúng tế thần-linh. Thủ-tục ấy có lợi ích cho bá-gia bá-tánh, cớ sao ông lại không cho tín-đồ của ông áp-dụng".

Đức-Phật đáp:

-"Nầy các thầy Bà-La-Môn, con người khôn hơn muôn vật, tự mình phải tìm hạnh-phúc cho muôn loài vạn-vật. Trí-Tuệ để làm gì, mà phải hạ mình, ỷ lại nơi thần-linh? Sát-sanh hại vật để đổi lấy hạnh-phúc cho mình; hạnh-phúc đâu không thấy, mà tội-ác đã hiển-nhiên".

"Không đâu thầy Gotama (Cồ-Đàm), các con vật bị giết để tế-thần đều được siêu-thoát về thượng-giới, bởi thế chẳng phải là tội-ác, mà chính đó là một việc lành để giúp các con vật ấy mau được thoát khỏi kiếp đọa-đầy, siêu-sinh về cõi yên-vui. Thế tại sao Như-Lai chưa từng thấy ai làm việc lành ấy để mưu-cầu hạnh-phúc thiên-đàng cho thân-nhân quyến-thuộc của họ?".

3) Nhóm Bà-La-Môn khác đến vấn-nạn: "Bạch thầy Gotama (Cồ-Đàm), Thánh-kinh từ ngàn xưa lưu-truyền, có hiệu lực huyền-bí thiêu-đốt tội-lỗi cho linh-hồn người quá-vãng được nhẹ-nhàng, hồi-qui nơi cựu-vị, cọng hưởng khoái-lạc muôn đời với Brahma; đạo của thầy được công-bố là đạo cứu-khổ, song mỗi khi trong hàng tứ-chúng của thầy, có ai qua đời, chẳng thấy tổ-chức tế-thần, cứ im-lặng khiêng xác đi thiêu?"

-"Nầy các thầy Bà-La-Môn, đạo của Như-Lai hẳn thật là đạo cứu-khổ, cứu-khổ một cách thực-tế. Hàng tứ-chúng của Như-Lai thường xuyên tự-độ, không mong chờ một tha-lực nào gia-hộ; trọn đời ăn ngay, ở thẳng, làm lành, lánh dữ; tinh-tấn trau-giồi đức-hạnh; bố-thí trì-giới, tham-thiền quán-tưởng, tự-giác giác-tha; khi thở hơi cuối cùng, nếu chưa đắc đaọ quả Niết-Bàn họ sẽ thọ-sanh vào cảnh-giới yên-vui hiệp theo định-luật công-bình thiên-nhiên mà Như-Lai gọi là Luật-Nhân-Quả. Nếu Thánh kinh của các thầy quả thật có hiệu lực đổi ác ra thiện, sửa tội ra phước; Như-Lai xin đề-nghị đem ra thí-nghiệm để chứng-minh sự thật: Các thầy hãy lấy một cục đá và một cục bông gòn đồng cân với nhau để trước mặt rồi xúm lại tụng Thánh-kinh cầu nguyện cho cục đá trở ra nhẹ như bông gòn và cho cục bông gòn trở ra nặng như cục đá. Khi tụng kinh cầu-nguyện rồi, các thầy đem hai vật ấy thả xuống sông Găng, các thầy nghĩ sao? Cục đá sẽ nổi phêu trên mặt nước hay cục bông gòn?"

120- Tại sao trong Phật-giáo có tục-lệ cầu-an và cầu-siêu?

Đức-Phật không có để lại bài kinh nào gọi là kinh cầu-an hay cầu-siêu. Do nơi sự đòi hỏi của người thế-tục mê-tín mà nảy sanh tục-lệ cầu-an và cầu-siêu. An hay không tự mình, siêu hay không cũng tự mình, nếu mình biết hành đúng theo giáo-lý của Đức-Phật. Hiện nay những Phật-ngôn mà người ta thường đem ra tụng trước một xác chết, một linh-cửu thuộc về loại pháp thức-tỉnh những người còn sống có mặt nơi đám tang, cho họ hiểu rằng chúng-sanh trong Tam-giới phải chung chịu cái luật vô-thường sanh-diệt và khi chết rồi còn phải tái-sanh nơi vui, nơi khổ tùy theo nghiệp-lực, chỉ khi nào tu-hành đến đạo quả Niết-Bàn mới diệt được cái khổ sanh-tử luân-hồi. Ít ai giải-thích, để mặc tình người thế hiểu sao cũng đuợc. Tình trạng mập-mờ ấy dĩ-nhiên làm mất giá trị của đạo.

Trong trường hợp cầu-bệnh giải-ách, người ta dùng một thứ Phật-ngôn mà xưa kia Đức-Phật đã có dịp thuyết cho một vài vị Tỳ-Khưu có bệnh, hoặc dạy các thầy ẩn-dật trong rừng phải hành-động cách nào để tránh những việc chẳng may. Lẽ dĩ-nhiên người cầu-kinh phải biết nghe, biết hiểu để suy-xét quán-tưởng nhẫn-nại với cái đau, cái khổ và tinh-tấn làm lành, lánh dữ. Nhưng phần đông chỉ tin nơi sự phù-hộ của Đức-Phật; nếu mạnh được thì cho rằng kinh có hiệu lực trừ bệnh, quên để ý đến công điều trị của ông Bác-sĩ; bằng thoát được tai-ách cũng cho rằng nhờ kinh mà vận-mạng được sửa đổi không ai tin nơi nhân-quả vô-hình.

Đối với người cầu-phước xin tội còn một thứ kinh phúc-chúc khác, không lớp-lang, đặt ra để thỏa-mãn nhu-cầu của thí chủ.

Nếu ba loại kinh kể trên quả thật có hiệu lực, mà không cần phải thực-hành theo Phật-ngôn cùng vun-trồng đạo-đức thì trước nhất các ông thầy không bao giờ có bệnh, không gặp việc rủi-ro và cũng được siêu-sanh về Niết-Bàn. Nếu lời phúc-chúc của các thầy có kết-quả, thì thân-bằng quyến-thuộc của các thầy đều được mọi sự an-lành: sống lâu, sắc-đẹp, an-vui, sức-mạnh, giàu-sang vinh-hiển và những tín-đồ trung thành với các thầy cũng được hưởng lây.

 

 

-ooOoo-