Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương hai

28 Tháng Chín 201610:55 CH(Xem: 2104)
Chương hai

Chương hai

Đức Phật dạy về thuyết luân hồi

 

T

rong tất cả những lời dạy của Đức Phật, từ bài thuyết pháp đầu tiên ở Lộc Uyển cho đến khi ngài nhập Niết bàn, thuyết luân hồi luôn được nhắc đi nhắc lại. Một thí dụ trong đoạn kể lại việc ngài tham thiền dưới gốc bồ đề để đạt đến giác ngộ viên mãn. Theo Kinh Lalitavistara (Phổ Diệu Kinh), trong phần đầu của đêm hôm đó, sau khi trải qua bốn tầng thiền, Bồ Tát dùng thiên nhãn (divine eye/divya-cakshus) quán sát sự luân hồi sinh tử của chúng sinh. 

“ Với thiên nhãn thanh tịnh, Bồ tát thấy chúng sinh chết rồi lại tái sinh trong những giai cấp thấp hèn, trong thuận cảnh và nghịch cảnh. Ngài thấy chúng sinh luân hồi tùy theo nghiệp quả của mình “ than ôi, những sinh linh này đã tự tạo nghiệp xấu qua  thân, khẩu, ý, họ bất kính với các thánh nhân và ôm giữ tà kiến. Do tạo nghiệp với tà kiến, khi thân hoại mạng chung, họ tái sinh trong hoàn cảnh xấu và trong các địa ngục. Nhưng những chúng sinh tạo nghiệp tốt qua thân, khẩu, ý, cung kính các bậc thánh và không có tà kiến, do tạo nghiệp tốt với chánh kiến, khi thân hoại mạng chung, họ sẽ tái sinh trong hoàn cảnh tốt và trong các cõi thiên giới”. 

Kinh viết tiếp:  

“ Khi tâm của ngài đã được thu nhiếp, thanh tịnh, không có những phiền não vi tế nào, thuần thục, lợi ích, vững chắc và bất thoái chuyển, vào nửa đêm, Đức Bồ Tát đắc Túc mạng thông (Purva-nivasanusriti-jnana), quán thấy tất cả các kiếp sống quá khứ của mình cũng như các chúng sinh khác. Ngài nhớ lại một, hai, ba… cho tới vô số kiếp trước, đại kiếp sinh, trụ, dị, diệt. “ mình đã có tên như vậy, gia đình như vậy, đẳng cấp như vậy, màu da như vậy. Thực phẩm như vậy, tuổi thọ như vậy, mình đã sống lâu như vậy. Mình đã trải qua những hạnh phúc và khổ đau như vậy. Khi qua đời trong kiếp đó, mình đã tái sinh ở xứ kia. Sau khi qua đời ở xứ đó, mình đã tái sinh ở nơi đây”. Như vậy ngài nhớ lại những hoàn cảnh và những xứ sở của các kiếp trước của chính mình và của  tất cả chúng sinh”. 

Những đoạn kinh văn khác nói về cuộc tham thiền này của Đức Phật, trong Vinaya-Vastu (Kiền Độ) và trong Luật Tạng Pali khác nhau về thứ tự và những phần khác của cuộc tham thiền, nhưng đều có hai đoạn trên, với những lời lẽ tương tự. 

Không phải chỉ có Đức Bồ Tát mới có thiên nhãn thông và túc mạng thông, mà hai thần thông này cũng được dạy trong nhiều kinh điển, thí dụ như Kinh Sa Môn Quả (Samannaphala-sutta), và là hai trong năm thần thông mà bất cứ hành giả nào cũng có thể đạt được sau khi đã đắc đến đệ Tứ Thiền. 

Luân hồi cũng thường được đề cập đến trong những kinh khi Đức Phật nói đến những sự kiện của kiếp hiện tại theo nghiệp của những kiếp trước và khi ngài dạy về nghiệp quả và về sự cần thiết phải tu tập. Thí dụ, trong kinh “ Pravrajyantaraya- Sutra”, Phật dạy:

” Này Mahanam, nếu một cư sĩ làm bốn hành vi, người ấy sẽ chịu bốn nghịch cảnh sau nay: y sẽ phải tái sinh nhiều lần, sinh ra bị mù, thiểu trí, bị câm, hay như một người hạ cấp, luôn luôn nghèo khổ, luôn luôn bị ngược đãi. Y sẽ trở thành người lưỡng tính hay người hoạn, hay sinh ra trong cảnh làm nô lệ suốt đời. Y sẽ trở người nữ, chó, heo, lừa, lạc đà, hay rắn độc, và do đó không thể thực hành giáo lý của Đức Phật”. 

(Bốn hành vi là cản trở những người muốn theo Đạo, cản trở những người thân của mình quy y, không tin Chánh pháp, phá hoà hợp tăng và những bậc bà la môn đức hạnh). Ngoài sự tái sinh làm thú vật hay ngạ quỹ, nhiều kinh sách Tiểu Thừa cũng như Đại Thừa còn dạy rằng tái sinh trong địa ngục là nghiệp quả từ những hành vi tà dâm và ăn thịt chúng sinh cho đến hủy báng giáo pháp. 

Thêm nữa kinh sách thường nói đến sự không tin luân hồi và nhân quả như là một loại tà kiến. Kinh Bát Nhã (Prajna-paramita-sutras) phân chia các cấp Thánh nhân và nói đến số lần tái sinh mà họ phải trải qua, và những điều khác. Như vậy thuyết luân hồi là một thành phần bất khả phân của hệ thống tư tưởng của PG. Không thể nào thu tóm thế giới quan phong phú của PG vào tâm trí chật hẹp của những người chối bỏ thế giới này, vì trong đó mỗi chúng sinh chuyển hóa qua vô số trạng thái trong vô số đại kiếp. 

Những người không nghiên cứu kỹ PG khi viết về tôn giáo này thường nói rằng giáo lý luân hồi có phần mâu thuẩn với nguyên lý vô ngã (Anatman,   Nairatmya), vì vậy chúng ta nên chứng minh rằng đó là một ý tưởng hoàn toàn sai lầm. Trước hết, như Har Dayal đã viết : “ vấn đề này phát sinh từ sự sai lầm khi người ta dịch từ ngữ “ Atman (ngã/ego) sang tiếng Anh là “ Soul” (hồn). Một trong những ý nghĩa của “ soul” là thành phần tâm linh của con người, được xem là tồn tại sau khi qua đời và có khả năng cảm nhận hạnh phúc hay khổ đau trong một trạng thái hiện hữu tương lai”. Vì vậy “ soul” hay “ hồn” không thể là từ ngữ thích hợp để dịch. “Atman” tự hiện hữu một cách độc lập, toàn vẹn và bất biến mà người Phật tử chối bỏ. Một “atman” như vậy không thể có tích chất như một “ soul”, nguyên lý vô ngã không chấp nhận những ý kiến sai lầm về sự hiện hữu của “ soul” hay nói một cái gì khác được bao gồm trong năm uẩn, hoặc được gán cho năm uẩn, nhưng không phủ nhận sự hiện hữu của nó. Nếu dùng thuyết đoạn diệt (hay hư vô chủ nghĩa) để diễn dịch thuyết vô ngã thì đó là tà kiến nguy hiểm nhất. Trong Kinh “ Kasyapa-Parivarta, Đức Phật dạy: “ này Ca Diếp, thà chấp có cái “ ta” lớn bằng núi Tu Di còn hơn là chấp không như phái đoạn diệt” (It were better, Kasyapa, to abide in a personality-view as big as Mount Sumeru, than the emptiness-view of the nihilist”. Bản ngã hiện hữu liên tục trong kiếp hiện tại, mỗi khoảng khắc thân và tâm phát sinh tùy thuộc vào khoảng khắc trước, cũng giống như vậy bản ngã hiện hữu từ kiếp này sang kiếp khác, luôn luôn biến đổi.

 

---o0o---