Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Việt Nam từ rất sớm có thể từ trước công nguyên. Tuy là một tôn giáo ngoại nhập nhưng các nhà nghiên cứu thường thống nhất rằng mỗi dân tộc đều có một ông Phật của riêng mình. Vậy thì cái riêng, bản sắc Phật giáo Việt Nam là gì ?
Các nhà nghiên cứu đã thừa nhận Phật giáo thời Lý Trần là tinh hoa, đỉnh cao của Phật giáo Việt Nam và văn hóa Việt Nam. Chính Phật giáo Lý Trần đã góp phần làm nên cái chất Đại Việt, làm nên cái hào khí Đông A của thời đại, tạo nên bước nhảy vọt về tư tưởng của dân tộc ta lúc bấy giờ, làm nên sự hồi sinh mạnh mẽ của dân tộc sau hơn một ngàn năm bị nô lệ phương Bắc từ năm 111 TCN đến năm 938 SCN. Để góp phần giải đáp cái nét riêng của văn hóa Phật giáo Việt Nam, đặc biệt là Phật giáo thời Lý Trần có lẽ cần đặt nó trong mối giao lưu, tiếp biến với Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo Trung Quốc và tín ngưỡng - văn hóa dân gian bản địa.
1. Trước hết là mối giao lưu giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Ấn Độ.
Qua sử liệu, ta có thể khẳng định Phật giáo truyền vào Việt Nam bằng hai con đường: Một là, con đường biển từ Phương Nam trực tiếp truyền sang; hai là, con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống. Bằng con đường biển từ phương Nam, Phật giáo truyền vào Việt Nam rất sớm và sớm hơn bằng con đường bộ từ phương Bắc truyền xuống. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lang trong Phật giáo Việt Nam sử luận, tập 1 thì các tu sĩ đi theo thuyền buôn Ấn Độ là những người đầu tiên truyền đạo Phật vào nước ta với tín ngưỡng đơn sơ: thờ Phật, đốt trầm, tụng kinh, chữa bệnh, trừ tà và bày phép cúng dường, bố thí cho dân bản địa cùng truyền pháp Tam quy Ngũ giới cho cư dân ở đây chứ chưa có sự truyền giảng kinh điển gì (1).
Tiếp theo, Phật giáo với hệ thống kinh điển đại thừa mang tính Thiền học của Phật giáo vùng Nam Ấn đã truyền vào Việt Nam. Cũng theo Nguyễn Lang và các nhà nghiên cứu Phật giáo sử thì Nam Ấn là vùng đầu tiên dùng kinh văn hệ Bát nhã (Prajna) như Kim Cương, Tượng đầu tịnh xá, Bát thiên tụng Bát nhã, Bát nhã tâm kinh, Bát nhã ba la mật, Đại bát Niết bàn v.v… Chẳng hạn, kinh Kim Cương là một cuốn kinh Đại thừa Phật giáo thuộc kinh văn hệ Bát nhã phổ biến và có vị trí quan trọng trong Phật giáo, trong Thiền giới Việt Nam, Trung Quốc. Nhờ bộ kinh này mà Lục Tổ Huệ Năng ở Trung Quốc, nhà vua Thiền sư Trần Thái Tông ở Việt Nam đắc pháp, ngộ đạo khi đọc đến câu Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm mà các vị có ghi lại trong Pháp bảo đàn kinh của Huệ Năng và Thiền tông chỉ nam tự của Trần Thái Tông. Nhờ hệ thống kinh văn Bát nhã mà thế kỷ thứ hai sau công nguyên, Long Thọ Bồ Tát (Nagarjãna) đã viết bộ Trung Quán luận nổi tiếng với tư tưởng Vô trụ, Siêu việt hữu vô, Chân không. Bộ luận này đã có ảnh hưởng sâu rộng trong Thiền giới ở Việt Nam và Trung Quốc. Tư tưởng chân không của bộ luận cũng chính là chủ đề của bộ kinh Bát thiên tụng Bát nhã mà Khương Tăng Hội đã dịch ở Giao Châu vào thế kỷ thứ III. Các nhà nghiên cứu còn cho rằng đây là bộ kinh văn hệ Bát nhã xuất hiện xưa nhất ở Việt Nam (2).
Tư tưởng Phật giáo Đại thừa ở Việt Nam cũng đã xuất hiện trước đó với tác phẩm Lý hoặc luận của Mâu Tử ở thế kỷ thứ II. Tiếp đến là một loạt tác phẩm dịch, chú sớ, đề tựa của nhiều nhà Phật học đều là những bộ kinh thuộc hệ thống Thiền học Đại thừa như An ban thủ ý kinh bàn về phép thiền quán sổ tức (phép đếm hơi thở) do Khương Tăng Hội dịch, chú sớ; Pháp hoa tam muội kinh do Cương Lương Lâu Chí và Đạo Thanh dịch. Bấy nhiêu cũng đủ khẳng định ở thời kỳ đầu, Phật giáo truyền vào nước ta chủ yếu là Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học và kinh điển chủ yếu là kinh văn hệ Bát nhã xuất hiện ở Nam Ấn. Để đến thế kỷ thứ IV, V tại Giao Châu, Thiền học Đại thừa cũng đã được phát triển với các bậc danh tăng như Huệ Thắng, Đạo Thiền… và các vị này còn truyền bá Thiền học Đại thừa sang tận Trung Quốc, trước khi tổ Tỳ Ni Đa Lưu Chi sang Việt Nam truyền dòng Thiền đầu tiên.
2. Thứ đến là mối giao lưu giữa Phật giáo Việt Nam và Phật giáo Trung Quốc.
Từ khi ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi đem dòng Thiền của mình truyền sang nước ta vào thế kỷ thứ VI, thì Phật giáo Việt Nam bấy giờ lại có thêm một mối giao lưu khác đó là Phật giáo Thiền tông từ Ấn Độ sang Trung Quốc rồi truyền đến Việt Nam với hệ thống kinh Đại thừa thuộc văn hệ Bát nhã nhấn mạnh tư tưởng Vô trụ, Siêu việt hữu vô. Tuy Tỳ Ni Đa Lưu Chi đắc pháp với tổ thứ 3 Tăng Xán của dòng Thiền Bồ Đề Đạt Ma ở Trung Quốc nhưng Tỳ Ni Đa Lưu Chi lại ít chịu ảnh hưởng Thiền học của thầy mình mà lại chịu ảnh hưởng Phật giáo Ấn Độ bấy giờ. Lúc này, Mật tông của Phật giáo Ấn Độ và Phật giáo Tây Tạng đã phát triển mạnh. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Lang thì Mật giáo (Mật tông) là giai đoạn phát triển thứ 3 của lịch sử Phật giáo Đại thừa Ấn Độ (giai đoạn thứ nhất là Bát nhã, giai đoạn thứ hai là Duy thức). Giáo lý và thực hành của Mật tông có nét gần gũi tương đồng với Thiền tông như nhấn mạnh sự quan trọng của tọa thiền, trực cảm tâm linh, sử dụng những thoại đầu, công án với những hình ảnh cụ thể, dùng những mật ngữ để khai mở trí tuệ giác ngộ, sử dụng thần chú ấn quyết … để hỗ trợ đắc lực cho sự Thiền quán hành đạo. Vì thế mà Phật giáo Mật tông đã bao trùm mọi tín ngưỡng bình dân trong lòng nó tại Ấn Độ cũng như ở Giao Châu lúc bấy giờ. Riêng ở Giao Châu ta, khuynh hướng này rất phù hợp với tín ngưỡng dân gian thờ phúc thần, nhiên thần, thờ Mẫu, tín ngưỡng vật linh… đồng thời phù hợp với phong tục của người Việt nên nó trở thành một yếu tố khá quan trọng trong sinh hoạt Thiền môn (3).
Sang thế kỷ thứ IX, Phật giáo Việt Nam còn có thêm một mối giao lưu khác là Thiền tông Trung Quốc truyền sang với dòng Thiền Vô Ngôn Thông. Thiền phái này mang đậm dấu ấn Thiền học Trung Hoa với tư tưởng chân lý ở ngay trong lòng mình, Phật tại tâm. Chân lý đó con người có thể tu chứng trực tiếp, chứ không cần nắm bắt qua ngôn ngữ, văn tự. Thiền phái Vô Ngôn Thông chủ trương bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật. Đó chính là pháp môn Đốn ngộ mà Lục Tổ Huệ Năng đã đề ra trước đó. Sau này, Tổ Bách Trượng cũng đã phát biểu Tâm địa nhược không, Tuệ nhật tự chiếu (nếu đất tâm trống không, thì mặt trời trí tuệ sẽ tự chiếu sáng).
Tóm lại, Phật giáo Việt Nam thời Lý Trần đã phát triển trên cơ sở của ba mối giao lưu – tiếp biến bởi có 3 nguồn du nhập :
- Phật giáo Đại thừa với khuynh hướng Thiền học từ Nam Ấn trực tiếp truyền sang bằng đường biển từ cuối thế kỷ thứ I trước công nguyên hoặc những năm đầu sau công nguyên với kinh văn hệ Bát nhã;
- Thiên tông Ấn Độ truyền sang Trung Quốc rồi đến Việt Nam với vai trò của ngài Tỳ Ni Đa Lưu Chi vào thế kỷ thứ VI với tư tưởng vô trụ, siêu việt hữu - vô;
- Thiên tông Trung Quốc truyền vào Việt Nam với vai trò của ngài Vô Ngôn Thông vào thế kỷ thứ IX với pháp môn Đốn ngộ và tư tưởng Phật tại tâm.
3. Tiếp theo là mối giao lưu giữa Phật giáo với tín ngưỡng dân gian
Trước khi đạo Phật vào Việt Nam thì dân tộc ta đã có tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngày ấy, cư dân Việt đã thờ ba bà mẹ sáng tạo ra muôn vật. Trong tâm linh của cư dân Việt cổ, ba vị này là chủ thể sáng tạo ra ba địa bàn hoàn chỉnh của đất nước: vùng trời, vùng đất (kể cả rừng núi), vùng biển (kể cả sông ngòi). Bên cạnh tín ngưỡng thờ ba bà mẹ, dân tộc ta còn có tục lệ thờ các vị thần nông nghiệp, các vị thần về hiện tượng tự nhiên… Tất cả việc thờ cúng này mang ý nghĩa duy vật thô sơ. Không lấy làm lạ là trong kho tàng truyện cổ dân gian Việt Nam, chúng ta thường bắt gặp hình ảnh các bà mẹ : Mẹ Âu Cơ với cái bọc trăm trứng - biểu tượng cho sự khai sinh ra dân tộc; Mẹ Âu Cơ dạy dân trồng lúa, trồng dâu nuôi tằm dệt vải - biểu tượng cho sự sáng tạo văn hóa; Mẹ của Thánh Gióng - biểu tượng cho người sản sinh ra vị anh hùng khổng lồ trong công cuộc bảo vệ đất nước; Mẹ Man Nương với hòn đá phát sáng (Thạch Quang) ở gốc cây thiêng Dung Thụ, đưa mẹ Man Nương thành Phật Mẫu và các con là các nữ thần Mây, Mưa, Sấm, Chớp cùng hệ thống chùa Tứ pháp (Pháp Vân, Pháp Lôi, Pháp Điện, Pháp Vũ) gắn liền với đời sống của cư dân nông nghiệp lúa nước phương Nam. Những hình ảnh người mẹ ấy đã phản ánh một chặng đường dài phát triển của lịch sử dân tộc với quá trình dựng nước và giữ nước, đảm bảo cho dân tộc Việt Nam khắc phục được cả thiên tai và địch họa. Truyện xảy ra vào thế kỷ thứ II, biểu hiện sự giao tiếp văn hóa Việt Ấn (mẹ Việt Man Nương chân chất, cha Ấn Khâu Đà La siêu phàm). Cũng từ mốc văn hoá này mà chùa Việt Nam bên cạnh thờ Phật còn có cả thờ Mẫu (Tiền Thánh hậu Phật). Đó cũng chính là truyền thống và tư tưởng yêu nước nhân đạo của dân tộc. Chính dựa vào cái nền tín ngưỡng nguyên thủy này mà về sau các tôn giáo như Phật giáo chẳng hạn có đủ điều kiện để du nhập và bắt rễ nhanh chóng, có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống tâm linh của cư dân Việt thời xưa.
Mặt khác, vốn là một dân tộc tự lực tự cường, truyền thống bất khuất cùng tinh thần linh hoạt mềm dẻo của cư dân lúa nước, cha ông ta ngày ấy đã biết vừa tiếp thu và sàng lọc những cái mới lạ đối với mình, kể cả tiếp thu những tinh hoa từ phía đối phương; lại vừa chống lại cái mới đó. Việc giao lưu, tiếp biến này có tính quy luật. Cha ông ta ngày ấy chỉ tiếp thu kế thừa những gì có lợi cho dân tộc mình, phù hợp với bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Do vậy dù tôn giáo nào có sang Việt Nam thì cũng đều bị tiếp biến thành cái riêng của Việt Nam, thể hiện bản sắc dân tộc. Phật giáo cũng thế. Đó là ý nghĩa của câu nói Mỗi dân tộc có một ông Phật của riêng mình. Phật giáo là một tôn giáo rộng mở dân chủ. Chất rộng mở dân chủ này rất phù hợp với tính phóng khoáng rộng mở, linh hoạt, mền dẻo của cư dân lúa nước. Đó là lý do tại sao Phật giáo khi truyền sang nước ta lại dễ dàng bắt rễ nhanh chóng trong tâm linh của cư dân nơi đây. Chính tinh thần trên thể hiện rõ nét ở các thế hệ con người thời đại Lý Trần. Thời đại này đã sản sinh ra rất nhiều con người rất lạ với những nhân cách rất đẹp: Một Thái hậu Dương Vân Nga sẵn sàng trao ngai vàng và hoàng bào của con mình cho vị tướng tài khi đất nước bị xâm lăng; một Lý Thánh Tông tha tội chết cho vua nước Chiêm Thành là Chế Củ; ông còn là nhà vua thương dân như con; một Lý Nhân Tông tha tội chết cho Thái sư Lê Văn Thịnh khi hoá cọp để hại mình; một Lý Thường Kiệt sẵn sàng nhường chức Tể tướng của triều đình để cầm quân trấn giữ biên giới phía Nam của Tổ quốc; một Trần Thái Tông bỏ ngai vàng như trút chiếc giày rách; một Trần Nhân Tông nhường ngôi cho con, rồi chống gậy đi khắp nơi giáo hoá dân chúng, trở thành vị Phật của nước Đại Việt; một Trần Hưng Đạo vì nợ nước mà quên thù nhà... Rồi những con người như An Tư công chúa, Trần Bình Trọng, Nguyễn Đại Phạp… đều thể hiện rõ nét tinh thần của thời đại. Thời ấy, có rất nhiều Thiền sư, Nho sĩ, Đạo sĩ tận tụy hy sinh cho đất nước, tốt đời đẹp đạo và nhiều ngôi đền, ngôi chùa lại thờ các vị anh hùng dân tộc cùng thờ Mẫu. Đây là sự hỗn dung văn hóa Việt Ấn Hoa cùng quan niệm tam giáo Phật - Nho - Đạo đồng nguyên.
4. Cuối cùng là mối giao lưu giữa Phật giáo với văn hóa dân gian
Ở Việt Nam chùa chiền không chỉ là nơi thờ phụng, diễn ra nghi thức tôn giáo mà còn là nơi bảo lưu văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc với nhiều lễ hội, sinh hoạt văn hóa dân gian. Ở đây, giữa Phật giáo với văn hóa dân gian có nhiều mối quan hệ giao lưu gắn bó với nhau. Điều này, các bậc tiền nhân khi xưa đã chép lại trong các bộ sách như Việt điện u linh, Lĩnh Nam chích quái. Đó là Thánh Gióng tức thần Phù Đổng hay Đổng Thiên Vương trong Việt điện u linh; là Man Nương, Chử Đồng Tử, Từ Đạo Hạnh, Nguyễn Minh Không trong Lĩnh Nam chích quái. Những câu chuyện viết về các vị trên là những minh chứng cho sự giao lưu thâm nhập giữa Phật giáo và văn hóa dân gian. Hệ thống tứ pháp trong truyện Man Nương được nhân dân vùng lúa nước xem như là vị phúc thần để giúp dân cầu mưa thuận gió hòa, mùa màng phong túc, cây cối xanh tươi phát triển. Chử Đồng Tử một trong hệ thống tứ bất tử của người Việt, cùng Tiên Dung tu Phật lại hiển linh để đời sau giúp Triệu Quang Phục đánh giặc giữ nước… Ngày hội tắm Phật ngày mồng tám tháng tư Âm lịch hàng năm trong truyện Man Nương cũng chính là ngày nam nữ bốn phương về chùa để dự lễ hội, vui chơi ca múa. Đó là ngày kỷ niệm bà Man Nương lại trùng với ngày đản sinh của Đức Phật Tổ Thích Ca. Việc này các bộ sử thời phong kiến như Đại Việt sử ký toàn thư đời Lê, Khâm định Việt sử thông giám cương mục đời Nguyễn, cùng văn bia Sùng Thiện Diên Linh tháp bi của Nguyễn Công Bật đời Lý có chép lại. Sách Đại Việt sử ký toàn thư còn chép rằng : Các đời Đinh, Tiền Lê, Lý, Trần chưa có nhạc cung đình như các triều đại sau. Hồi ấy khi có yến tiệc, ăn uống xong, vua quan thường hát múa theo cách điệu dân gian. Họ đứng thành vòng tròn, tay người nọ đặt lên vai người kia, chân người nọ dẫm lên chân người kia … để hát (4).
Có được tính chất phóng khoáng, cởi mở, bình đẳng, dân chủ như trên có thể là do sự kết hợp giao lưu giữa tinh thần của cư dân lúa nước cùng Phật giáo. Mối giao lưu mật thiết giữa Phật giáo và văn hóa dân gian còn thể hiện ở các mặt sinh hoạt trong cuộc sống đời thường như cầu mưa trừ hạn, chữa bệnh trừ tà, cầu cho cuộc sống yên bình, cầu thần linh giúp sức để đánh tan giặc ngoại xâm…
Chính những mối quan hệ giao lưu tiếp biến trên đã góp phần làm nên một Phật giáo Đại Việt thời Lý Trần đậm đà bản sắc dân tộc.
Chú thích :
(1) : Nguyễn Lang, Phật giáo Việt Nam sử luận, tập 1, NXB KHXH, Hà Nội, 1994 tái bản, trang 24.
(2) : Xin xem : Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn và Nguyễn Tài Thư (chủ biên), Lịch sử Phật giáo Việt Nam , Viện Triết học, Hà Nội, 1988.
(3) : Nguyễn Lang, tài liệu đã dẫn, trang 138 139.
(4) : Đại Việt sử ký toàn thư, tập 1, bản dịch, Viện Sử học, NXB KHXH Hà Nội, 1972.
TÌM HIỂU ĐẠO PHẬT - SỐNG ĐỜI THANH THẢN THEO PTVN