Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Chuyên Đề
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Mùa Xuân tản mạn chuyện Hoa

20 Tháng Mười Hai 201611:41 CH(Xem: 3336)
Mùa Xuân tản mạn chuyện Hoa
Mùa Xuân tản mạn chuyện Hoa
Phan Thị Kim Chi

--- o0o --- 

     

 

 Hoa mang đến cho con người bức thông điệp về mùa Xuân. Vì thế, từ lâu hoa trở thành nguồn cảm hứng bất tận cho tao nhân mặc khách khi nói về mùa Xuân.

 Người ta yêu hoa, vì hoa mang lại hương sắc cho cuộc đời. Yêu hoa chính là yêu chuộng cái đẹp, tôn vinh cái đẹp. Mỗi loài hoa có vẻ đẹp riêng của nó, thêm vào đó là ý tưởng của con người đã tạo cảm xúc thẩm mỹ khi thưởng thức các loài hoa.

 Chu Đôn Di ngày xưa cho cúc là hoa ẩn dật, mẫu đơn là hoa phú quý, sen là hoa quân tử, ông yêu nhất là hoa sen. Ông yêu sen ở chỗ mọc lên từ bùn nhơ mà chẳng nhiễm, vẻ đẹp thanh thoát chẳng lả lơi, thân trong thông ngoài thẳng, không nhánh không cành, hương thơm thanh đạm.

 Trong nhà Phật, hoa sen tượng trưng cho tinh thần vô nhiễm, vì sen vốn tinh khiết, “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn”. Phật giáo Tây Tạng đôi khi không thờ hình tượng Đức Phật mà chỉ tôn trí, chiêm ngưỡng hình tượng hoa sen.

 Còn Đào Tiềm, một danh sĩ ẩn dật đời Tấn rất yêu cúc. Ông cho rằng cúc có thể sánh với đức người quân tử, vì cúc là giống cây dễ trồng lại không phiền công vun tưới, cũng như tánh con người vốn thiện. Cúc đến mùa Thu thì trổ hoa, hình sắc đều đẹp. Đến mùa Đông sương giá, trăm hoa đều tàn, chỉ còn cúc hiên ngang trong tiết lạnh, cũng như người quân tử chẳng đổi tiết tháo dù có gặp gian hiểm, nguy nan. Đối với Nguyễn Trãi, danh nhân văn hóa nước ta thì hoa càng mang đậm đà thi vị. Ông đã tìm thấy vẻ đẹp và ý nghĩa tư tưởng trong mỗi loài hoa, trong phần thơ Nôm “Hoa mộc môn” của ông có nhiều bài vịnh hoa bốn mùa rất hay. Chẳng hạn những câu vịnh bộ cây cảnh tùng, trúc, cúc, mai của ông:

 Tùng: Cội rễ bền, dời chẳng động

 Tuyết sương thấy đã đặng nhiều ngày.

 Trúc: Huống lại nhưng nhưng chăng bén tục

 Trượng phu tiết cứng khác người thay.

 Cúc: Hoa nhẫn rằng đeo danh ẩn dật

 Thức còn  thông, bạn khách văn chương.

 Mai: Xuân đến hoa nào chẳng tốt tươi

 Ưa mi vì tiết sạch hơn người.

 Ngoài ra, ông còn vịnh các loài hoa tiêu biểu cho bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông, đây gọi là bộ Tứ thời:

 Xuân đào: Đông phong ắt có tình hay nữa

 Kín tiễn mùi hương để động người.

 Hạ liên (sen): Gió đưa hương, đêm nguyệt tĩnh

 Trinh làm của, có ai tranh.

 Thu cúc: Chuốt lòng son, chẳng bén tục

 Bền tiết ngọc, kể chi sương.

 Đông tùng: Đống lương tài có mấy bằng mày

 Nhà cả đòi phen chống khỏe thay.

 Người xưa cho các loài cây loài hoa như tùng, trúc, cúc, mai có phẩm chất tốt đẹp nổi bật có thể đem sánh với nhân cách đạo đức của con người. Tùng chịu được tuyết sương. Trúc tao nhã, cứng rắn. Cúc đẹp bình dị, gần gũi với khách văn chương, người ẩn dật. Mai đẹp giản đơn nhưng tinh khiết, vững chãi với tiết Đông giống như lòng kiên trinh của con người.

 Ngày nay có đến muôn ngàn loài hoa đậm đà hương sắc được con người yêu chuộng, đó cũng là sự hướng đến cái đẹp, tôn vinh cái đẹp của con người. Con người ngày càng tìm cho mình những nhận thức, cảm xúc thẩm mỹ, ước muốn tô đẹp cuộc đời.

 Người ta cho rằng loài hoa có một thứ ngôn ngữ mà con người không thể diễn tả bằng ngôn từ một cách tinh tế và trọn vẹn ý nghĩa. Ngoài việc mang đến cho con người những bức thông điệp về bốn mùa thì hoa còn mang nhiều ý nghĩa khác. “Một số loài hoa biểu lộ hầu hết ra ngoài những ý tưởng mà chính chúng là những đại diện sống động”, đó là lời nhận định của một trong những cuốn từ điển về hoa đầu tiên được xuất bản tại Philadelphia năm 1870. Thật vậy, chẳng hạn hoa sen thì tinh khiết, không bị nhiễm ô dù sống trong bùn nhơ nước đọng, nó xứng đáng là biểu tượng cho người quân tử. Hoa cúc thì mộc mạc, đơn sơ, vẻ đẹp thanh cao, chính là biểu tượng của đời sống ẩn dật.

 Ngày nay, ý nghĩa biểu tượng của hoa càng phong phú hơn, một loài hoa tùy vào vẻ đẹp, sắc thái và cách thưởng thức mà có giá trị ý nghĩa khác nhau. Hương thơm nồng nàn hay dịu dàng, thanh thoát, màu sắc tươi sáng, rực rỡ hay ảm đạm, u sầu, tẻ nhạt sẽ biểu lộ những ý tưởng khác nhau. Cũng là một loài hoa cúc, nhưng đóa hoa cúc trắng thường được tượng trưng cho sự hồn nhiên, ngây thơ trong trắng, còn cúc vạn thọ vàng tượng trưng cho nỗi thất vọng, buồn đau. Người phương Đông xem cúc là biểu tượng của sự thanh cao, thoát tục, nhưng một số nước phương Tây xem hoa cúc vàng là loài hoa tượng trưng cho điềm gở.

 Hầu hết các quốc gia trên thế giới đều chọn hoa hồng là biểu tượng của tình yêu và sắc đẹp. Vì được mệnh danh là hoa tình yêu nên ý nghĩa tượng trưng của hoa hồng cũng hết sức lý thú. Hoa hồng trắng tượng trưng cho mối tình trong trắng, hoa hồng đỏ đậm tượng trưng cho tình yêu cháy bỏng, hoa hồng đỏ thắm đâốm tượng trưng cho tình yêu nồng thắm, hoa hồng đỏ than chỉ nỗi đau thầm kín trong tình yêu, hoa hồng vàng chỉ tình yêu tươi sáng nhưng không bền lâu mà đang dần dần phai nhạt...

Có thể nói hầu hết các loài hoa đều được con người “quy ước” cho những ý nghĩa để xem nó là biểu tượng của cuôốc sống. Hoa là biểu tượng của tình bạn, tình yêu, đạo nghĩa vợ chồng, và trên nữa là luân thường đạo lý, triết lý cuộc đời. Hoa mẫu đơn tượng trưng cho vinh hoa phú quý, hoa cúc tượng trưng cho sự thanh cao thoát tục, hoa sen thể hiện sự thanh khiết thánh thiêốn, hoa mai tượng trưng cho đức tính kiên trinh, hoa lan tượng trưng cho vẻ đẹp lộng lẫy, cũng tượng trưng cho đức cao vọng trọng, hoa đỗ quyên mang ẩn ý nhớ nhà, các cây vạn niên thanh, tùng la hán, trúc, lan quân tử thì thể hiện sự trường thọ, mạnh khỏe v.v... Con người gởi gắm vào các loài hoa biết bao ý tưởng tốt đẹp và những lời nhắn nhủ thầm kín. Còn rất nhiều ý nghĩa hàm chứa trong các loài hoa mà có lẽ chỉ những ai yêu hoa, cảm nhận được niềm vui tao nhã khi đắm mình trong thế giới các loài hoa mới có thể biết hết, hiểu hết.

Mùa Xuân đã về, trăm hoa khoe sắc thắm thoảng đưa hương khiến cho lòng người càng thêm Xuân phơi phới!

 

--- o0o ---