Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phật pháp và thám hiểm không gian

22 Tháng Mười Hai 201612:25 CH(Xem: 3357)
Phật pháp và thám hiểm không gian

Phật pháp và thám hiểm không gian

Ngày 6/8/2013, tàu thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay mang tên Curiosity đã hạ cánh thành công xuống sao Hỏa. Được phóng lên vào ngày 26/11/2011 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, tàu Curiosity là loại tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất và hoàn thiện nhất của NASA...
Vấn đề thời sự của thám hiểm không gian hiện nay là những sự kiện sau: Tàu thám hiểm Sao Hỏa Curiosity.
Ngày 6/8/2013, tàu thăm dò sao Hỏa hiện đại nhất và lớn nhất của Mỹ từ trước đến nay mang tên Curiosity đã hạ cánh thành công xuống sao Hỏa. Được phóng lên vào ngày 26/11/2011 từ Trung tâm vũ trụ Kennedy ở mũi Canaveral, bang Florida, Mỹ, tàu Curiosity là loại tàu thăm dò vũ trụ lớn nhất và hoàn thiện nhất của NASA. Tuy nhiên, việc cho con tàu tự hành này hạ cánh xuống sao Hỏa được NASA coi là khó khăn nhất do Curiosity quá nặng, không thể giảm bớt tác động bằng các túi khí. Chính vì vậy, các kỹ sư của NASA đã thiết kế một kiểu “cần cẩu” với dây treo và các tên lửa hãm để giữ Curiosity trong những phút trước khi nó đáp xuống sao Hỏa.
Curiosity trên sao hỏa
Tàu Curiosity trị giá 2,5 tỷ USD. Các nhà khoa học không tin vào việc tàu Curiosity sẽ tìm được người ngoài hành tinh hay những sinh vật sống khác, mà thay vào đó, họ hy vọng sẽ sử dụng tàu thăm dò để phân tích các loại đất đá nhằm tìm kiếm dấu hiệu của sự sống hiện tại hoặc hỗ trợ sự sống trong quá khứ trên sao Hỏa. Ngoài ra, họ cũng sử dụng tàu để nghiên cứu môi trường của sao Hỏa, chuẩn bị cho việc đưa con người lên hành tinh này trong những năm tới.
Tàu thám hiểm Mặt trăng LADEE.
Vào lúc 10h27 sáng 7/9/2013 Cơ quan Hàng không Vũ trụ Mỹ (NASA) phóng thành công tên lửa đẩy thế hệ mới mang theo tàu vũ trụ Thám hiểm Tro bụi và Khí quyển Mặt Trăng (LADEE) không người lái  tại Cơ sở Wallops Flight ở bang Virgina, Mỹ, nhiệm vụ đầu tiên là tìm hiểu bầu khí quyển mỏng và môi trường bụi trên mặt trăng. Các nhà khoa học sẽ kiểm tra khả năng vận hành hệ thống thông tin liên lạc bằng laser của LADEE để chuyển dữ liệu về Trái Đất. Mô hình truyền thông laser có thể cho phép tàu vũ trụ gửi thông tin 3D, video độ nét cao và các dữ liệu khác về trạm kiểm soát trên mặt đất.  Trước khi bay vào quỹ đạo Mặt Trăng, tàu vũ trụ LADEE đã quay quanh quỹ đạo Trái Đất theo hình elip 3 lần. Theo dự kiến, trước khi giai đoạn kiểm tra của tàu thăm dò bắt đầu, tàu LADEE sẽ khai hỏa động cơ và quay quanh quỹ đạo vào các ngày 9/10 và 12/10.  Các thiết bị đo đạc của tàu LADEE sẽ giúp giải mã những bí ẩn lâu nay về việc liệu có phải lớp bụi Mặt Trăng tiếp điện từ tia cực tím phát ra những tia sáng rực rỡ, hiện tượng mà các phi hành gia tàu Apollo đã quan sát được từ năm 1969.
Đường bay của tàu Mangalyaan từ địa cầu lên Sao Hỏa
Ngày 5/11/2013, tàu vũ trụ không người lái Mangalyaan (Mars Orbiter) của Ấn Độ đã được ấn nút phóng lên vũ trụ từ Trung tâm vũ trụ Satish Dhawan, thuộc bang Andhra Pradesh, đánh dấu mốc quan trọng trong lịch sử ngành khoa học không gian của Ấn Độ. Đây là một chương trình không gian đầy tham vọng mà chưa quốc gia châu Á nào thực hiện thành công. Tuy nhiên, chỉ có thể đánh giá thành công sứ mệnh của tàu Mangalyaan khi nó vào quỹ đạo của Sao Hỏa ngày 24/9/2014. Cho đến nay, chưa có quốc gia nào phóng tàu vũ trụ đến được Sao Hỏa trong lần phóng đầu tiên. 

Ngày 1/12/2013, con tàu này đã rời quỹ đạo Trái Đất, bắt đầu hành trình đến Sao Hỏa kéo dài 300 ngày. Nhiệm vụ của tàu này là vẽ bản đồ bề mặt hành tinh Đỏ, nghiên cứu bầu khí quyển và tìm kiếm khí methane, dấu hiệu cho thấy một hành tinh có khả năng có sự sống.
Ngày 2/12/2013 Trung Quốc đã phóng tàu Hằng Nga 3 (嫦娥三号 Thường Nga tam hiệu) lên Mặt trăng từ Trung tâm phóng vệ tinh Tây Xương, tỉnh Tứ Xuyên lúc 1h30 sáng (theo giờ Bắc Kinh) bằng tên lửa đẩy Trường Chinh 3B. Thiết bị thăm dò Hằng Nga-3 của Trung Quốc đã đạt đến quỹ đạo gần Mặt trăng sau bốn ngày khởi động. Quỹ đạo ổn định được ghi nhận vào lúc 17:53 giờ Bắc Kinh hôm 6 tháng 12 theo Tân Hoa Xã. Quỹ đạo bay tròn của Hằng Nga-3 nằm ở độ cao 100 km trên bề mặt Mặt trăng sau khi thực hiện hãm phanh trong vòng 361 giây. Thời gian di chuyển từ Trái đất lên Mặt trăng của Hằng Nga - 3 là 112 giờ.
Chương trình thám hiểm Mặt trăng của Trung Quốc chia làm ba giai đoạn, gọi tắt là : 1- Vòng quanh Mặt trăng; 2- Hạ cánh xuống Mặt trăng; 3- Từ Mặt trăng trở về. Tổng cộng bố trí sáu vệ tinh Hằng Nga (Chang E, viết tắt CE); Trong đó Chang E - 1, 3 và 5 sẽ làm nhiệm vụ bay vòng Mặt trăng, hạ cánh xuống Mặt trăng và lấy mẫu đất Mặt trăng rồi trở về Trái Đất. CE-2, 4, 6 là các vệ tinh dự bị của CE-1, 3, 5. Chương trình trên dự kiến hoàn thành vào khoảng năm 2020.
Hằng Nga-1 (CE-1) được phóng đi ngày 24/10/2007, bay vòng quanh Mặt trăng ở cự ly 200 km, thực hiện nhiệm vụ chụp ảnh 3D bề mặt Mặt trăng (tổng cộng 589 tấm ảnh lớn, ghép thành ảnh chụp toàn cảnh Mặt trăng đầu tiên của TQ), phân tích hàm lượng các nguyên tố hữu ích trên bề mặt Mặt trăng và đặc điểm phân bố các loại vật chất, đo độ dày lớp đất Mặt trăng, quan trắc không gian giữa Trái đất với Mặt trăng. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ đó, ngày 1/3/2009, theo lệnh từ Trái đất, Chang E-1 đâm xuống địa điểm quy định trên Mặt trăng, kết thúc sứ mạng.
Hằng Nga-2 (Chang E-2) phóng ngày 1/10/2010, bay vòng quanh Mặt trăng ở cự ly 100 km, với vận tốc 15km/sec. Sau khi hoàn thành các nhiệm vụ quan trắc, chụp ảnh bề mặt Mặt trăng bằng máy ảnh có độ phân giải vật thể 10 m, chụp địa điểm sẽ chuẩn bị hạ cánh Hằng Nga-3, ngày 9/6/2011, theo lệnh từ Trái đất, Chang E-2 đã rời khỏi quỹ đạo Mặt trăng, bay đến điểm L2 (Lagrangian point, cách Trái đất 1,5 triệu km, là điểm cân bằng lực hút của Trái đất và Mặt trời) rồi bay vòng L2 trong 235 ngày để thực hiện nhiệm vụ quan sát Mặt trời.
Ngày 13/12/2012, Chang E-2 bay đến điểm cách Trái đất 7 triệu km, đi sát qua tiểu hành tinh Toutatis và chụp ảnh nó ở khoảng cách 3,2 km. Đây là lần đầu tiên chụp được ảnh Toutatis gần như vậy (xem ảnh kèm). Toutatis là tiểu hành tinh lớn nhất (dài 4,46 km, rộng 2,4 km) bay gần Trái đất.
 
Sau đó CE-2 tiếp tục bay vượt qua cự ly 10 triệu km. Tính đến 10h18 ngày 28/2/2013, CE-2 đã ở cách Trái đất hơn 20 triệu km. Các thiết bị trên vệ tinh vẫn hoạt động tốt, vệ tinh Hằng Nga-2 đang tiếp tục bay sâu vào khoảng không vũ trụ để thăm dò hệ Mặt trời, chuẩn bị cho nhiệm vụ phóng vệ tinh lên sao Hỏa. Chang E-2 được thiết kế với tuổi thọ nửa năm, nặng 2480 kg, trong đó có 1300 kg nhiên liệu. Đến nay, CE-2 đã phục vụ vượt thời hạn gần hai năm. Đây là vệ tinh đầu tiên trên thế giới xuất phát từ quỹ đạo Mặt trăng bay sâu vào không gian. Ông Ngô Chí Kiên 吳志堅, người phát ngôn của SASTIND (State Administration for Science, Technology and Industry for National Defense 国家国防科技工业局 Cục Công nghiệp Khoa học Kỹ thuật Quốc phòng TQ) cho biết tính đến ngày 25-11-2013, nó đã bay xa hơn 60 triệu km tính từ Trái đất và vẫn đang tiếp tục bay vào vũ trụ trong tình trạng hoạt động tốt. Dự kiến trong tương lai nó sẽ bay xa đến 300 triệu km, trở thành tàu vũ trụ có chuyến bay xa nhất của Trung Quốc.
Dựa trên 746 tấm ảnh do Hằng Nga-2 chụp được, đã hoàn thành việc vẽ bản đồ toàn cảnh Mặt trăng với độ phân giải 7m, một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử. Ngày 6/2/2012, Trung Quốc đã công bố bản đồ này, đánh dấu một bước tiến lớn của ngành thăm dò vũ trụ.
Hiện nay Trung Quốc đang tiến sang giai đoạn hai: đưa vệ tinh “Hằng Nga-3” đổ bộ lên Mặt trăng, trực tiếp đo đạc khảo sát thiên thể này ngay trên bề mặt của nó.
Ngày 3-3-2013, Viện sĩ Diệp Bồi Kiến 葉培建, Cố vấn Tổng thiết kế sư và Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-2 và Hằng Nga-3, Tổng thiết kế sư kiêm Tổng chỉ huy dự án Hằng Nga-1, tuyên bố: Trong nửa cuối năm 2013, Trung Quốc sẽ tiến hành phóng vệ tinh Hằng Nga-3 (CE-3), thực hiện vụ hạ cánh mềm lần đầu tiên một thiết bị thăm dò của Trung Quốc trên một thiên thể bên ngoài Trái đất.
Hằng Nga-3 được cấu tạo gồm 2 mô-đun: Bộ phận hạ cánh nặng 100 kg và xe tự hành Thỏ Ngọc nặng 120 kg. Bộ phận hạ cánh sẽ trở thành đài quan trắc. Xe có 6 bánh chở được 20 kg thiết bị, chạy bằng máy phát nhiệt điện chất đồng vị phóng xạ. Loại động cơ này cho phép xe có thể làm việc cả vào ban đêm khi nhiệt độ cực thấp làm ac-quy ngưng hoạt động, thiết bị điện tử bị đóng băng. Xe có thể chạy 10 km trong khu vực rộng 5 km2, lấy mẫu đất đưa vào xe phân tích và gửi kết quả về Trái đất.
Đây là một bước đột phá về các công nghệ quan trọng như hạ cánh mềm, thăm dò bề mặt Mặt trăng, khảo sát sự sinh tồn trên Mặt trăng, công nghệ thông tin và điều khiển từ xa, công nghệ đưa tên lửa vận tải trực tiếp đi vào quỹ đạo quay xung quanh Mặt trăng. Hằng Nga-3 sẽ là tàu vũ trụ đầu tiên hạ cánh mềm trở lại Mặt trăng kể từ sau ngày kết thúc Dự án Apollo của Mỹ ngày 19/12/1972, khi tàu Apollo-17 đã tiếp đất an toàn tại một địa điểm gần hòn đảo Samoa ở Thái Bình Dương, và phi thuyền Luna 24 không người lái của Liên Xô cũ đáp xuống Mặt trăng năm 1976.
Hằng Nga 3 sẽ hạ cánh xuống địa điểm Sinus Iridum (Vịnh Cầu vồng), sau đó xe tự hành Thỏ Ngọc sẽ được “thả” ra để chạy trên Mặt trăng. Bộ phận hạ cánh có lắp kính viễn vọng thiên văn cận tử ngoại, camera siêu tử ngoại và radar quan trắc, đều là các sáng tạo đầu tiên trong lịch sử khám phá Mặt trăng. Xe tự hành cũng lắp radar quan trắc. Hai bộ phận này sẽ chụp ảnh, quay phim lẫn nhau. Bộ phận hạ cánh sẽ là đài quan trắc Mặt trăng đầu tiên trong lịch sử. Nó sẽ chụp ảnh quốc kỳ Trung Quốc cắm trên xe tự hành rồi gửi ảnh về Trái đất, dùng làm bằng cớ chứng tỏ Trung Quốc đã lên Mặt trăng. Mô hình thực bộ phận này đã được trưng bày lần đầu tại Triển lãm vũ trụ Châu Hải hôm 13-11-2012.
Thỏ Ngọc
Hằng Nga-3 có nhiệm vụ lấy được các tư liệu về địa hình, địa mạo và cấu tạo địa chất của địa điểm nó hạ cánh và sẽ lần đầu tiên thực hiện qua đêm trên Mặt trăng. Một ngày đêm của Mặt trăng tương đương với 14 ngày đêm của Trái đất. Ban ngày nhiệt độ cao nhất lên tới 150 độ C, ban đêm nhiệt độ thấp nhất tới -170 độ C, gây khó khăn cho sự sinh tồn của thiết bị – Ông Diệp Bồi Kiến nói. Ở đây đột phá quan trọng về kỹ thuật là hệ thống khống chế nhiệt cần dùng cho sự sinh tồn khắc nghiệt trên Mặt trăng.
Hằng Nga-3 sẽ làm việc ba tháng sau khi hoàn thành nhiệm vụ, bộ phận hạ cánh và xe tự hành Thỏ Ngọc sẽ ở lại Mặt trăng.
 
Dự Án Thường Nga 3 – Phụ đề Việt dịch
Hằng Nga 3 và Thỏ Ngọc đáp xuống Mặt trăng
Viện sĩ Diệp Bồi Kiến cho rằng ông lấy làm tiếc về việc Trung Quốc vì các lý do nào đấy chưa tiến hành chương trình thăm dò sao Hỏa. Ngay từ khi thực thi dự án Hằng Nga-1, các nhà khoa học vũ trụ Trung Quốc đã nghĩ đến việc thăm dò sao Hỏa. Hiện nay Trung Quốc đã có khả năng làm việc đó, hơn nữa chu kỳ cửa sổ thời gian phóng tàu lên sao Hỏa là 26 tháng, bây giờ đang là thời kỳ cửa sổ, nếu bỏ qua thì phải chờ hơn hai năm nữa. Diệp Bồi Kiến nói: “Ít nhất hiện nay Trung Quốc đang có điều kiện đưa thiết bị lên thăm dò sao Hỏa tốt hơn điều kiện đưa người lên thăm dò Mặt trăng. Chỉ cần hạ quyết tâm thì khẳng định trong vòng 3-5 năm sẽ có thể thực hiện nhiệm vụ này”.
 
Hằng Nga 3 đã thực hiện hãm phanh thành công gần Mặt Trăng và thuận lợi tiến vào quỹ đạo của vệ tinh này.
Phi thuyền Hằng Nga 3 là thiết bị nhân tạo trở lại đặt chân xuống Mặt trăng lần đầu tiên sau 37 năm, kể từ lúc phi thuyền Luna 24 của Liên Xô hạ cách xuống Chị Hằng năm 1976.
 
Ngày 2/12/2013 lúc 1h30 tại trung tâm không gian Tây Xương tỉnh Tứ Xuyên, Trung Quốc đã phóng phi thuyền Hằng Nga 3 (Thường Nga Tam hiệu 嫦娥三号) lên Mặt trăng. Ngày 14/12/2013 lúc 21h (giờ Bắc Kinh) Hằng Nga 3 đã nhẹ nhàng đáp xuống Mặt trăng. Lúc 4h35 rạng sáng ngày 15-12-2013, xe tự hành Thỏ Ngọc đã tách rời Hằng Nga 3, đi xuống đất, in những vết bánh xe đầu tiên trên Mặt trăng. Hai thiết bị đã chụp hình lẫn nhau.
Hằng Nga 3
Thỏ Ngọc mang theo 20 kg thiết bị gồm những máy móc tối tân. Dưới sàn Thỏ Ngọc có một hệ thống radar có khả năng thăm dò đến độ sâu 100m dưới mặt đất, đây là một điểm mới mà các phi thuyền đã đáp xuống Mặt trăng trước đây chưa có. Để có thể tồn tại, các thiết bị phải duy trì hệ thống sưởi và làm mát nội bộ để giữ nhiệt trong khoảng -40 độ C đến 50 độ C bảo vệ thiết bị, vì môi trường Mặt trăng vô cùng khắc nghiệt, một ngày đêm trên Mặt trăng gần bằng một tháng trên Địa cầu. Ban ngày có thể nóng trên 100 độ C, còn ban đêm có thể lạnh đến -180 độ C. Thỏ Ngọc có mang theo một viễn vọng kính để quan sát sao trời, đó cũng là viễn vọng kính đầu tiên của con người trên Mặt trăng. Vì Mặt trăng không có bầu khí quyển nên quan sát bầu trời thuận lợi hơn trên Trái đất. Còn Hằng Nga 3 có mang theo máy chụp hình tia cực tím (extreme-ultraviolet imager) để quan sát tầng điện ly (Plasmasphere) trên Trái đất. Tầng Plasmasphere là vùng plasma lạnh có nhiều electrons và các protons ion hóa cao độ, bao quanh Địa cầu, có năng lượng nhiệt (thermal energies) không quá vài electronvolts. Thỏ Ngọc có khả năng di chuyển với tốc độ 200m/giờ, như vậy có khả năng đi xa khoảng 10km trong suốt 3 tháng hoạt động.
Hằng Nga 3 và Thỏ Ngọc đáp xuống Mặt trăng
Hai Phi thuyền Voyager của Mỹ rời khỏi Thái dương hệ. Hai phi thuyền Voyager 1 và Voyager 2 của Mỹ phóng lên không gian từ năm 1977, chúng có hình dáng giống như một đĩa vệ tinh ghép với một chiếc TV kiểu cũ cùng những ăng ten như tai thỏ, với nhiệm vụ tìm hiểu về các hành tinh trong hệ mặt trời. Đến nay Voyager 1 được xác nhận đã ra khỏi hệ mặt trời, cách xa mặt trời 19 tỉ km. Hai phi thuyền “song sinh” Voyager 1 và Voyager 2 được đưa vào không gian 36 năm trước với nhiệm vụ chính là thám hiểm sao Mộc và sao Thổ. Chúng đã phát hiện nhiều chi tiết mới về bản chất của đĩa bụi của sao Thổ và tìm thấy những núi lửa trên mặt trăng Io của sao Mộc. Voyager 1 là vật thể do con người chế tạo đi xa Trái Đất nhất từ xưa đến nay. Voyager 2 đã di chuyển tới sao Thiên Vương và Hải Vương, trước khi nhiệm vụ của cả hai phi thuyền này được mở rộng sang thám hiểm rìa bên ngoài của hệ mặt trời. Voyager 1 vẫn tiếp tục gửi tín hiệu radio về trái đất. Các tín hiệu này phải mất 17 giờ mới đến được trái đất. Dự kiến tàu Voyager 1 sẽ hết năng lượng hoàn toàn vào năm 2025. Tàu Voyager 2 hiện vẫn đang hoạt động trong hệ mặt trời, ở cách mặt trời khoảng 14,48 tỉ km.

Việc thám hiểm không gian của con người liên quan gì tới Phật pháp?
Các thành tựu về khoa học không gian giúp con người tiến xa hơn vào vũ trụ mênh mông là những thành tích đáng khâm phục và ngưỡng mộ. Các nhà Phật học vẫn hân hoan chia vui với tiến bộ khoa học kỹ thuật của loài người. Tuy nhiên, họ vẫn có những quan điểm tổng quát về vũ trụ vạn vật để chia sẻ với các nhà khoa học như sau.
Về mặt tốc độ, phi thuyền Hằng Nga 2 của Trung Quốc đi trong 3 năm (từ 2010 đến 2013) chỉ mới đi cách xa Địa cầu 60 triệu km. Phi thuyền Voyager 1 của Mỹ đi trong 36 năm (từ 1977 đến 2013) mới rời xa Trái đất 19 tỉ km, chỉ mới ra khỏi vùng rìa của Thái dương hệ. Như vậy chẳng phải là quá chậm sao so với sự mênh mông của vũ trụ? 

Ngay cả trong trường hợp con người có khả năng đi với tốc độ ánh sáng, 300.000 km/giây cũng phải mất hàng triệu, hàng tỉ năm mới tới được những hành tinh xa xôi nơi có thể có những nền văn minh của những nhân loại khác. Kể cả trường hợp kỳ tài nhất là con người ngồi trên phi thuyền bay với tốc độ ánh sáng, họ không già đi, vì thời gian trên phi thuyền dừng lại, và bay tới một nơi tương đối gần, chỉ một trăm năm ánh sáng thôi. Như vậy đi và về mất hai trăm năm, người trên phi thuyền vẫn như cũ chưa già nhưng người ở Trái đất đã trải qua hai trăm năm, không còn ai biết đến chuyến du hành của họ, người thân của họ, kể cả con cái họ, đều đã qua đời từ lâu, như vậy thì còn có ích lợi gì? Điều đó nói lên khả năng giới hạn của khoa học kỹ thuật. Với tốc độ khoảng 50.000km/giờ của các phi thuyền hiện nay hoặc có thể đạt tới tốc độ gần bằng ánh sáng trong tương lai, con người vẫn không thể đi tới những nơi có sinh vật khác trong Tam giới. Chẳng hạn làm sao để lên được cõi trời Đao Lợi 忉利天 như đức Phật Thích Ca đã đi, hoặc lên được cõi trời Đâu Suất 兜率天 như Vô Trước đã đi.
Vô Trước (無著; sa. asaṅga, nghĩa là “không bị ô nhiễm, vướng mắc”), cũng được dịch âm là A-Tăng-Già (阿僧伽), sống khoảng thế kỷ thứ 4, là một Đại luận sư của Phật giáo Ấn Độ, người sáng lập Duy Thức tông (sa. vijñānavādin). Sư vận dụng thần thông (sa. ṛddhi) lên Đâu Suất thiên (兜率天sa. tuṣita) để được nghe Bồ Tát Di Lặc thuyết giảng về tính Không. Về lại nhân thế, Sư truyền bá lý thuyết mới này nhưng không ai tin. Sau, Sư lại lên Đâu Suất để thỉnh Di Lặc xuống giáo hóa và sau đó Di Lặc giáng trần, thuyết giảng Thập thất địa (sa. saptadaśabhūmi, tức là 17 quyển của Du Già Sư Địa Luận- 瑜伽師地論 sa. yogācārabhūmi-śāstra) trong một khoảng thời gian bốn tháng. 

Trong lúc này, Sư ban ngày thì thuyết giảng những lời dạy của Di Lặc, ban đêm lắng nghe và ghi chép lại những lời giảng mới. Sau đó, Sư bắt đầu trình bày tất cả giáo lý Đại thừa qua những trứ tác quan trọng của mình và cũng khuyến dụ Thế Thân, người em cùng mẹ khác cha, theo Đại thừa. Thế Thân vốn theo học giáo lý của Hữu bộ và cũng đã viết bộ luận lừng danh là A Tỳ Đạt Ma Câu Xá Luận (sa. abhidharmakośaśāstra). Thế Thân nghe lời khuyên của Sư và từ đây, hai anh em trở thành hai Luận sư quan trọng của Đại thừa Phật pháp, đại diện cho nhánh Duy Thức, để lại những tác phẩm vô cùng quý giá cho hậu thế. Các tác phẩm quan trọng của Vô Trước là Du-già sư địa luận, Đại thừa trang nghiêm kinh luận, Đại thừa a-tì-đạt-ma tập luận và Nhiếp đại thừa luận, một bộ luận viết bằng văn vần trình bày giáo pháp của Duy thức tông, hiện nay chỉ còn bản dịch  chữ Hán và chữ Tây Tạng.
Các nhà khoa học duy vật mù tịt về việc Thích Ca lên cõi trời Đao Lợi, hoặc Vô Trước lên cõi trời Đâu Suất, hoặc pháp sư Khoan Tịnh đến viếng thăm cõi Tây phương Cực lạc của Phật A Di Đà, nếu có nghe nói thì cũng nghĩ rằng đó chỉ là những huyền thoại trong kinh sách chứ không có cơ sở khoa học. Nhưng họ lại không biết rằng những hiện tượng như vướng víu lượng tử (quantum entanglement) hoặc hiện tượng giam hãm (confinement) trong hạt proton và hạt neutron, cũng như thuyết vũ trụ nổ (Big Bang) đều là những cơ sở khoa học cho việc làm của các vị nói trên. Họ cũng hoàn toàn không hiểu được tại sao Trương Bảo Thắng có thể dùng tâm niệm lấy một trái táo ra khỏi một thùng sắt đã hàn kín, hay Hầu Hi Quý trong chớp mắt có thể lấy được một gói thuốc lá ở cách xa 1600km. Đảng Cộng sản Trung Quốc mặc dù bị thế giới phê phán là kiểm soát thông tin gắt gao nhất thế giới, nhưng trong thực tế đã có việc làm đúng đắn là cho phép những cuốn sách nói về các kỳ nhân như Nghiêm Tân, Trương Bảo Thắng, Hầu Hi Quý, được xuất bản chính thức, nhờ vậy chúng ta mới biết được những việc làm phi thường của họ.
Tâm học Phật giáo chỉ ra rằng quan niệm duy vật chỉ hữu dụng trong cuộc sống đời thường thô thiển, cuộc sống tiện nghi vật chất, cơm ăn áo mặc, phương tiện sinh hoạt, phương tiện đi lại, phương tiện liên lạc như mạng internet, smartphone…chứ nếu muốn tìm cầu sự bình an vững chắc, sự an lạc vĩnh hằng thì khoa học không thể đáp ứng, vì nó đã vượt ngoài phạm trù duy vật, nó cần đến một sức mạnh phổ quát hơn, một khả năng to lớn hơn nhiều. Khoa học không thể đem lại hòa bình cho thế giới; khoa học không có khả năng khắc phục được thiên tai như động đất, núi lửa, bão tố, lụt lội, sóng thần; khoa học không thể giải quyết vấn đề sinh lão bệnh tử của con người; và cuối cùng khoa học không đủ sức giúp con người chu du khắp không gian và thời gian, giỏi lắm thì chỉ quanh quẫn trong thái dương hệ mà thôi.
Thích Ca từ hơn 2500 năm trước đã thuyết giảng và đôi khi tự mình chứng minh rằng Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, tất cả đều là do Tâm tạo (Tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức 三界唯心、萬法唯識 – 華嚴經 Hoa Nghiêm Kinh)
若人欲了知,三世一切佛,Nhược nhân dục liễu tri, tam thế nhất thiết Phật
應觀法界性,一切唯心造   Ưng quán pháp giới tính, nhất thiết duy tâm tạo
Nếu con người muốn biết tất cả Phật của ba đời (quá khứ, hiện tại, vị lai) thì nên quán tính chất của pháp giới (tánh không), tất cả đều là do tâm tạo.
Chúng sinh xưa nay trôi lăn trong sinh tử luân hồi, lưu chuyển trong khắp tam giới (Dục giới, Sắc giới, Vô sắc giới) bằng cách nào, vận tốc bao nhiêu? Các nhà khoa học mù tịt trong lĩnh vực này vì nó đã vượt khỏi thế giới vật chất cảm nhận được bằng 6 giác quan. Nhưng các vị A La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác, Bồ Tát và Phật, có thần thông thì có thể chứng nghiệm một phần hoặc toàn phần các cõi giới trong đó sinh sống vô lượng vô biên chúng sinh. Trong đời, đức Phật cũng có lần lên cõi trời Đao Lợi.
Trong bản đồ thánh tích Phật giáo, chúng ta thấy có địa danh Sankasya (Tăng Già Thi 僧伽施 gần New Delhi ngày nay), địa danh này tương đối ít được biết. Đó là nơi đức Phật dùng thần thông lên trời Đạo Lợi 忉利天 thuyết pháp cho mẹ là hoàng hậu Ma Da nghe.
Phật lên cõi trời chỉ một buổi thôi, nhưng người trần gian thấy là ba tháng, sau ba tháng Phật mới trở về trần thế, có Đế Thích và Phạm Thiên theo hầu. Điều đó cũng tương tự như pháp sư Khoan Tịnh đến viếng cõi Tây phương Cực lạc chỉ trong 20 giờ thôi, nhưng người đời thấy là 5 năm 6 tháng.
Bia đá tạc sự tích Đế Thích, Phạm Thiên hầu Phật trở về thế gian tại Sankasya
Cõi trời Đao Lợi (忉利天) ở đâu? Chúng ta không thể tìm thấy trong vũ trụ này, nhưng không phải là không có. Theo Stephen Hawking (nhà vật lý người Anh, hiện mang chức danh Giáo sư Lucasian tức giáo sư Toán học của Đại học Cambridge, chỉ những nhà khoa học xuất sắc như Isaac Newton hay Paul Dirac mới có chức danh này) và Neil Turok (sinh năm 1958 tại Johannesburg, South Africa, Giáo sư Vật Lý của Đại học Princeton, Giám đốc Viện Perimeter về Vật Lý lý thuyết), hai người nói trong một định đề (postulate) : “The quantum world is one of virtual particles continually fluctuating in and out of existence, even in a vacuum, of superstrings vibrating and twisting in ten or eleven dimensions, most of which are ‘rolled up’ and invisible, of a reality in which gravitation, spacetime and matter are or were merged in one ‘instanton” (Thế giới lượng tử là thế giới của các hạt ảo không ngừng dao động qua lại giữa hiện hữu và cả hư không, của siêu dây rung động và biến dạng trong 10 hoặc 11 chiều kích mà phần lớn những chiều kích ấy bị cuốn lên và vô hình của một thực tại trong đó lực hấp dẫn, thời không, và vật chất, được hoặc đã được kết hợp lại trong ‘sát na hiện tiền’). Vậy cõi trời Đao Lợi nằm trong một vũ trụ song song với vũ trụ của chúng ta, thuộc các chiều kích không gian bị cuốn lại nên người trần không thể thấy, nhưng người có thần thông như đức Phật thì có thể thấy và đến được. Đến bằng cách nào? Bằng cách dùng tâm niệm, chỉ một niệm là đến. Đây là phương thức di chuyển chủ yếu trong Tam giới.
Như vậy tốc độ hữu hiệu trong vũ trụ mênh mông và trong Tam giới chắc chắn phải là tốc độ của tâm niệm. Nghĩa là chỉ cần một niệm là đến bất cứ đâu trong Tam giới, dù cho cõi đó cách xa Địa cầu 14 tỉ quang niên, khoảng cách không gian hoàn toàn không còn ý nghĩa. Chính vì vậy nên Phật còn có danh hiệu là Như Lai, nghĩa là không đi không đến, tất cả mọi cõi giới đều là do tâm tạo, khoảng cách không gian vật lý trong vũ trụ chỉ là ảo tưởng, không có thật. Đó là điều chắc chắn 100%, vật lý lượng tử cũng xác nhận như thế, các nhà khoa học đã nhiều lần thí nghiệm về hiện tượng vướng víu lượng tử (quantum entanglement) thì nhận thấy hai photon vướng víu (entangled), khi một photon bị tác động thì tức thời photon kia bị tác động tương ứng tức thời bất kể khoảng cách là bao xa, điều đó chứng tỏ khoảng cách không gian là không có thật. 

Năm 2008, Nicolas Gisin của Đại học Geneva tiến hành đo thử tốc độ truyền tín hiệu nếu giả sử điều đó là có xảy ra giữa hai photon vướng víu (entangled), thì thấy tốc độ đó gấp hơn 10 triệu lần  tốc độ ánh sáng, một sự kiện hoàn toàn không tưởng, nó làm sụp đổ định đề của Einstein nói rằng tốc độ của ánh sáng là nhanh nhất trong vũ trụ.
Tốc độ vô hạn, đó là tốc độ của tâm niệm, chẳng những nó đúng trong thế giới lượng tử mà cũng nghiệm đúng trong thế giới đời thường. Năm 1979, Hầu Hi Quý đã làm một thực nghiệm phi thường, ông và Hoa Cổ kịch đoàn của Du huyện tỉnh Hồ Nam đang lưu diễn ở làng Loan Sơn. Ông đã biểu diễn lấy một gói thuốc lá thơm hiệu Đỗ Quyên Hoa từ một nơi rất xa xôi là huyện Lạc Đô tỉnh Thanh Hải, cách xa 1600 km chỉ trong nháy mắt.
Thuốc lá hiệu Đỗ Quyên Hoa 杜鹃花 do huyện Lạc Đô 乐都 tỉnh Thanh Hải sản xuất. Huyện Lạc Đô (LeDu) nằm cách thủ phủ Tây Ninh 西宁 (XiNing) của tỉnh Thanh Hải 63km về phía đông.
Còn nơi Hầu Hi Quý và Hoa Cổ Kịch đoàn đang lưu diễn là làng Loan Sơn là một hương trấn ngày nay gọi là Loan Sơn Trấn 鸾山镇 trực thuộc  Chu Châu Thị 株洲市 của Du Huyện 攸县. Chu Châu Thị phía đông tiếp giáp với tỉnh Giang Tây (JiangXi). Loan Sơn Trấn cách xa huyện Lạc Đô, nơi sản xuất thuốc lá Đỗ Quyên Hoa của  tỉnh Thanh Hải (QingHai) , khoảng 1600 km.
Huyện Lạc Đô
Năm 1984, Hầu Hi Quý đã thực hiện việc lấy xăng từ trung tâm Bắc Kinh đổ vào một chiếc xe hơi hết xăng đang đậu tại hồ Mật Vân, cách xa 50km, cũng trong tức khắc. Thực tế là khoảng 20 lít xăng đã biến mất tại một cây xăng ở trung tâm Bắc Kinh và xuất hiện tức thời trong bình xăng xe hơi của công ty du lịch mà Hầu Hi Quý và nhóm của ông đang đi du ngoạn, qua một cái vỏ hộp diêm.
Trung tâm Bắc Kinh (Beijing) cách hồ Mật Vân (Miyun reservoir) 50km
Những chi tiết kể trên chứng tỏ Tâm pháp của đức Phật không phải là chuyện hoang đường, nó chính là cứu cánh của con người, cũng là cứu cánh của khoa học.
Con người vẫn nên tiếp tục chinh phục không gian vũ trụ, nhưng các nhà khoa học cũng nên biết rằng Tâm là nguồn gốc của vũ trụ vạn vật, khoa học vật chất là có giới hạn, con người nên hiểu sự giới hạn đó và đừng quá ham mê vật chất đến mức tranh giành lợi lộc, bất chấp chiến tranh khổ nạn cho thế giới một cách mê muội, mà nên cố gắng xây dựng hòa bình thế giới, nhân nhượng lẫn nhau để mưu cầu hạnh phúc chung cho nhân loại và cả các loài sinh vật khác trên quả Địa cầu.
(Trong bài có sử dụng tư liệu báo chí trên mạng internet, đặc biệt bài “Trung Quốc: chương trình thám hiểm Mặt trăng bước sang giai đoạn hai” của tiến sĩ Nguyễn Hải Hoành, báo Tia Sáng). Xin cám ơn các tác giả.
Truyền Bình