Lời cầu nguyện mùa Xuân

26 Tháng Mười Hai 201612:05 SA(Xem: 3830)
Lời cầu nguyện mùa Xuân

Lời cầu nguyện mùa Xuân

GS Hoàng Như Mai


Trong bài thơ Tết của Mẹ tôi, nhà thơ Nguyễn Bính viết: "Suốt đêm giao thừa  Mẹ tôi thức; Lẩm nhẩm đọc kinh Đức Chúa Ba".

Bà mẹ nhà thơ đọc kinh Bà Chúa Ba, giữ cho cái tâm trong sáng để những lời cầu nguyện của mình được linh ứng; vì một năm cũ đã qua, một mùa Xuân mới đã đến, một chu ký mới của sự tuần hoàn trong vũ trụ và nhân sinh bắt đầu, người ta với tất cả lòng thành cầu nguyện cho mọi sự tốt lành, tai qua nạn khỏi, làm ăn phát đạt. Người Việt Nam, nhất là những người bình dân có niềm tin như vậy.

Tôi theo gương bà mẹ hiền từ ấy viết lên lời cầu nguyện mùa Xuân này cho dân tộc tôi.

Tôi hiểu dân tộc mình trước tiên qua Mẹ tôi.

Trong một bài thơ gởi cho bạn cũ ở phương xa, sau 40 năm xa cách, mất liên lạc vì chiến tranh.  Tôi ôn lại những kỹ niệm xưa:

  Có thằng bạn nhỏ hiền như đất

Cuộc đời nổi mấy trận phong ba!.

Thằng bạn nhỏ hiền như đất ấy chính là tôi.

Thuở nhỏ, khi mới vào học mấy năm đầu Tiểu học, tôi là một trò nhỏ nhút nhát, ai bắt nạt cũng chịu, không dám gây gỗ với ai cả.  Ấy là do sự giáo dục của Mẹ tôi.   Cứ mỗi lần tôi đi ra ngoài đường là Mẹ tôi căn dặn: "Con đừng tranh dành với các bạn; một sự nhịn là chín sự lành, con nghe Mẹ ai nhất thì tôi thứ nhì; ai mà hơn nữa thì tôi thứ ba…"  Mẹ tôi là con gái nhà nông nghèo của một làng quê nghèo, họa hằng mới có năm không bị lụt lội – người làng tôi gọi là vỡ dường – người dân chỉ biết cam chịu thiếu thốn, rau cháo qua ngày không oán giận trời đất gì cả.   Mẹ tôi, sau này số phận dun dủi thế nào, lấy chồng làm quan, nhưng vẫn giữ lề thói quê mùa, lành hiền như thời con gái ở nhà cha mẹ chân lắm tay bùn.

Tôi còn nhớ khi anh tôi đỗ được Tiểu học ở tỉnh Bắc Giang, Mẹ tôi đưa anh tôi sang tỉnh Bắc Ninh để nộp đơn xin học Trung học, dắt tôi đi theo.  Trường Trung học chỉ thu nhận một số học sinh mà người nộp đơn thì đông, chen lấn nhau, cãi nhau ồn ào, sợ không được vào học.  Viên Giám đốc người Pháp tức bực từ trong phòng của y đi ra.  Một anh học sinh táo tợn xô các bạn, xông lên đưa lá đơn, liền bị y thẳng tay tát cho một cái như trời giáng.  Mẹ tôi xanh lè mặt, một tay dắt tôi, một tay nắm lấy cánh tay anh tôi, kéo ra ngoài cổng: "Thôi con ạ, không được học thì thôi, về đi con!"

Dần dà tôi lớn lên, biết nhận xét, biết suy nghĩ, tôi thấy những nét đặt trưng của Mẹ tôi, cũng là nét đặt trưng của đông đảo đồng bào; chỉ cầu mong được sống bình yên, không ưa những sự tranh chấp, đối địch.

Tỉnh Bắc Giang, nơi tôi được sinh ra và lớn lên có một con sông chảy qua, tên gọi sông Thương.  Người trong tỉnh lưu truyền truyện cũ: Ngày xưa, những người dân Việt bị nạp cống sang Tàu thường được cha mẹ vợ con tiễn đưa đến bờ Nam con sông này rồi vĩnh biệt; những người phải đi, vượt qua sông sang bờ bên kia bị áp giải lên Lạng Sơn, sang Tàu.  Người quay về, kẻ ra đi thương nhớ n hau khôn tả; vì thế con sông này thành tên sông Thương!.

Có lẽ vì cư trú một nơi có cái truyền thuyết buồn thương ấy, cho nên người dân ở tỉnh trung du này ưa sống bình yên, an phận hơn là náu nhiệt đua tranh – ít ra đó là điều cảm nhận hồi tuổi thơ của tôi.

Phải chăng cái ấn tượng tâm lý ban đầu này đã xây nền cho nhận thức của tôi, mà sau này, cho đến bây giờ, đã đi nhiều nơi, gặp nhiều người, tôi vẫn đinh ninh rằng cái nét bản chất của dân tộc tôi là thuần phúc, hiền lương, ưa chuộng một cuộc sống hòa hợp, hướng thiện, tương thân; tương ái, lánh xa những sự xung đột, xô xát.  Tục ngữ răng dạy: "Ở hiền gặp lành" , "ác giả ác báo", "tham thì thâm".   Truyện cổ tích luôn luôn kể rằng những người nhân đức bao giờ cũng gặp may mắn; nếu gặp điều bất hạnh, vấp phải tai ách thì ông Bụt sẽ hiện lên và cứu trợ.  Các bà Mẹ thường nghiêm cấm các con nhỏ phá tổ chim, ngắt cánh một con bướm, một con chuồn chuồn, vì thế có câu nói: "Phúc đức tại mẫu".   Các bậc đại văn hào của dân tộc tôi đã từng khuyến cáo mọi người:

Lấy điều nhân nghĩa dạy con

May mà gặp tiết nước non xoay vần

Ở cho có đức có nhân

Mới mong đời trị được ăn lộc trời…

Dân tộc tôi đã phải chịu nhiều thiên tai địch họa; hàng năm phải chống chọi với những cơn bão lụt, úng hạn nặng nề; lịch sử đã trải qua những cuộc xâm lăng tàn bạo; nhưng dân tộc tôi không oán trời giận đất; không nao núng tinh thần.   Trái lại lòng tự nhủ lòng phải vượt qua những thử thách của cuộc sống, như một vị anh hùng dân tộc đã viết:

Trời thử lòng, trao cho đại nhậm

Ta gắng sức khắc phục gian nan

Dân tộc tôi chấp nhận số phận của mình và điều chỉnh nó, tự tin vào sự thành tâm, thiện chí của mình.

Hơn năm trăm năm trước, một bậc đại trí đã tuyên ngôn:

Như nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu

Điều đó thật đúng.  Nước Đại Việt nay là nước Việt Nam, là một quốc gia hiên ngang tự hào về nền văn hiến của mình và đó là cốt cách, là khí phách của dân tộc.   Nền văn hiến ấy không phải được biểu thị bằng quân lực hùng mạnh, tài nguyên phong phú mà đất nước không thiếu; nhưng chủ yếu bằng sự thành tâm, thiện chí "đem đại nghĩa thắng hung tàn, lấy chí nhân thay cường bạo".

Một dân tộc như thế, thật xứng đáng được sống an lạc, thái hòa!  Chỉ còn vài năm nữa, nhân loại sẽ bước sang thiên niên kỷ mới.  Mùa Xuân này, đứng trên bậc thềm của kỷ nguyên trước mặt, tôi xin thành kính chấp tay cầu nguyện:

Xin cầu nguyện cho dân tộc tôi, đất nước tôi sẽ được sống trong một cộng đồng thế giới hòa bình, hữu nghị, không có khói lửa chiến tranh.

Không muốn có chiến tranh, không phải vì dân tộc tôi khiếp nhược.  Đất nước tôi đã bao phen bị xâm lược bởi những kẻ hùng mạnh gấp trăm lần và tàn bạo hơn loài dã thú, lần nào nhân dân tôi cũng chiến thắng oanh liệt.  Nhưng vì đã đối mặt với chiến tranh, dân tộc tôi biết rõ cái giá phải trả.   Chiến tranh bao giờ cũng là một cơn điên khùng của những người tham chiến, trong cơn điên khùng ấy lại trỗi dậy những thú tính thấp hèn khi con người chưa thành con người.

Cuộc chiến tranh gần nhất là cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ xâm lược đã kết thúc hơn 20 năm rồi mà còn bao nhiêu hài cốt liệt sĩ chưa tìm được, có thể chẳng bao giờ tìm được; mà những lời "Nhắn tìm đồng đội"  vẫn khoắc khoải trên các phương tiện thông tin chờ đợi trả lời; mà bao nhiêu giọt nước mắt lúc nào đó lại ứa ra từ những cặp mắt trũng sâu của các bà mẹ Việt Nam cũng như các bà mẹ Mỹ.

Chiến tranh thật sự là một tai ương cho nhân loại; cho nên điều đầu tiên, tôi cầu nguyện cho hòa bình.

Lời cầu nguyện thứ hai là cầu nguyện cho con người bớt đi những tham vọng, nó chính là nguyên nhân tệ nạn xã hội mà không một quốc gia nào trên hành tin này tránh thoát; những tệ nạn đe dọa, hủy hoại từ sự sinh hoạt thường ngày của mỗi người như trộm cắp, cướp của giết người cho đến những nguy cơ lớn lao đối với sự sống của toàn nhân loại như sự tàn phá môi trường tự nhiên, sự biến đổi khí hậu trên trái đất, nạn ô nhiễm này càng nghiêm trọng v.v…  Dân tộc tôi có nhiều người là Phật tử và có những người không là Phật tử, nhưng mọi người có lương tri đều hiểu rằng:  Tham, Sân, Si ba cái độc ấy là mầm mống của tất cả mọi cái ác trên thế gian này, vì thế cần phải hạn chế, ngăn ngừa.  Dân tộc tôi không hám danh vụ lợi, nhất là danh lợi bất chính.  Những trẻ thơ thường được cha mẹ dặn dò: đi đường nhặt được của rơi thì phải tìm người vô ý đánh rơi mà trả lại người ta; vợ chồng ăn ở với nhau bao giờ cũng phải giữ đạo thủy chung, không được tham phú phụ bần.  Về sự buôn bán, dân gian có lời khuyên nhủ:

Theo chi những thói gian tham

Pha phôi thật giả tìm đường dối nhau

Của phi nghĩa có giàu đâu

Ở cho ngay thật giàu sau mới bền.

Tôi cầu nguyện cho cái động lực của sự tiến bộ trong xã hội loài người là sự lương thiện, không phải lòng tham dục.

Lời cầu nguyện thứ ba của tôi là dân tộc tôi sẽ duy trì và phát huy được những truyền thống tốt đẹp của mình, đậm đà tính nhân văn và bản sắc dân tộc.

Tiếp xúc với văn minh thế giới, chủ yếu là văn minh Tây phương, dân tộc tôi có những cái "được" nhưng cũng có nhiều cái "mất".  Cái "mất" to lớn nhất, quý giá nhất là đạo đức.

Đất nước tôi đã trải qua hàng ngàn năm dưới chế độ quân chủ phong kiến.  Trong thời kỳ lịch sử ấy, đã có không ít những vị vua quan hiền đức yêu nước thương dân.   Có vị vua do chí nguyện, đã từ bỏ cuộc sống ở ngôi cao cả, lên núi tu hành, tìm sự giải thoát;  nhưng vì thương nước thương dân bị xâm lược đọa đày, lại xuống núi cầm quân đánh giặc, vãn hồi lại cảnh nước thịnh, dân yên, rồi mới trở lại thực hiện tâm nguyện riêng của mình.  Lại có vị vua nhìn thấy con gái ở trong cung ăn no, mặc ấm, chạnh thương những người vì lầm lỗi bị giam trong ngục tù ngày đông tháng giá, liền ra lệnh đem thêm chăn áo, thêm suất ăn cho tù nhân.

Nước tôi có nhiều bậc quan trọng nghĩa, chính trực, một lòng vì nước vì dân sẵn sàng xả thân cứu nguy "dù trăm thân này phơi ngoài nội cỏ, nghìn xác này gói trong da ngựa ta cũng cam lòng"; có bậc hiền thần dũng cảm dâng sớ xin chém đầu bọn gian thần được vua sủng ái, không sợ bị nhà vua trị tội, bị kẻ thù hãm hại; có bao nhiêu vị danh nho cả đời lo cho dân nước, đến lúc tuổi già, được về trí sĩ lại mở đường dạy học để lưu truyền đạo lý làm người, làm dân cho các thế hệ thiếu niên; có vị còn được vua cha mời làm thầy học cho hoàng tử và lúc hoàng tử kế vị làm vua, ông thầy ấy khi cần vẫn có những điều giáo huấn trong việc trị nước.

Dân tộc tôi lấy gia đình làm nền tảng cho xã hội cho nên kỷ cương đạo đức trong gia đình rất được chú trọng.   Truyền thống gia đình Việt Nam về cơ bản mang ý nghĩa tích cực, các bậc cha mẹ bao giờ cũng khuyên con làm tròn nghĩa vụ với nước với dân.

Dân tộc tôi hoàn toàn có quyền tự hào về đạo nghĩa vợ chồng truyền thống và đó cũng là cái nền hạnh phúc.   Cho đến nay, nhiều gia đình, trong lễ vu quy, thường trịnh trọng đứng trước bàn thờ gia tiên trao cho dâu, rể làm quà cưới hai chiếc nhẫn khắc hai chữ Nhẫn – Hòa.  Nhẫn: Yêu thương nhừng nhịn – và Hòa: vui vầy, chan hòa; ấy là hai yếu tố đảm bảo cho gia đình đầm ấm, vợ chồng thủy chung.

Dân tộc tôi khuyến cáo mọi người từ thiên tử đến thứ dân, ai cũng phải lấy sự tu thân làm gốc.  Người người đều gắng sức trao dồi đạo đức bản thân…  Có người đem so sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa phương Tây và phê phán xã hội xưa của ta không quan tâm đến cá nhân mà chỉ coi trọng cộng đồng; nhận xét như vậy không thật là đúng.  Theo quan niệm truyền thống, vai trò chủ thể của cá nhân rất quan trọng; nhưng đó là nhìn về mặt  trách nhiệm đóng góp với cộng đồng, hơn là mặt lợi ích riêng đòi hỏi ở cộng đồng.  Văn hào Nguyễn Công Trứ nổi tiếng về khí phách hiên ngang đã tuyên bố: Vũ trụ giai ngô phận sự (công việc trong trời đất là nhiệm vụ của tôi)  và tự coi mình như cây thông giữa trời, vách đá cheo leo – Ai mà chịu rét thì trèo với thông.  Quan niệm về cá nhân tích cực như vậy nên sự trao dồi phẩm giá bản thân là rất cần.  Văn hóa đạo đức truyền thống có nhiều cái hay, cái tốt cho nên tôi cầu nguyện cho dân tộc tôi, trên đường phát triển, tiếp nhận những tin hoa văn hóa hiện đại của thế giới, không đánh mất gốc rễ văn hóa của mình.  Gốc rễ vững thì cây lớn, bền. 

Lời cầu nguyện mùa Xuân của tôi cho dân tộc mình gồm ba điều nói trên.  Đó cũng là những điều nhân nghĩa mà người Việt Nam đời đời ôm ấp: "Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân".