ĐA NGHI ẤY BỊNH PHÀM PHU
TRẢI TÂM ĐỨC HẠNH ĐƯỜNG TU THÁNH HIỀN
Thuở nọ hoàng tử Ma-ha-li (Mahàli) sống tại Tỳ Xá Li, nghe Đức Thế Tôn thuyết giảng công đức vô biên và hạnh nguyện cao cả của thiên chủ Đế Thích (Sakka), chàng đâm ra nghi ngờ, tự hỏi:
- Đấng đại giác Thế Tôn mô tả thiên chủ Đế Thích thật là rực rỡ huy hoàng, nhưng không biết Ngài đã thực sự nhìn thấy Đế Thích chưa? Ngài đã quen biết Đế Thích chưa? Ta sẽ đến hỏi Đức Thế Tôn cho ra lẽ mới được.
Thế là hoàng tử Ma-ha-li đến gặp Đức Thế Tôn, cung kính đảnh lễ Ngài, rồi trịnh trọng ngồi sang một bên và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, Ngài đã thực sự nhìn thấy thiên chủ Đế Thích chưa?
- Thấy rồi, Ma-ha-li! Ta đã nhìn thấy thiên chủ Đế Thích tận mắt.
- Bạch Thế Tôn, đó chẳng qua là bóng dáng giả danh của Đế Thích đó thôi, bởi vì, bạch Thế Tôn, Đế Thích đâu phải là lọ hoa, bình nước mà ai cũng nhìn thấy. Theo con, thấy được Đế Thích quả là chuyện hy hữu, nếu không muốn nói là huyễn hoặc.
- Nhưng, này Ma-ha-li, ta biết rõ Đế Thích. Ta biết Đế Thích đã được hun đúc bởi những đức hạnh gì. Ta biết quả vị Đế Thích đã được thành tựu nhờ những công phu tu dưỡng như thế nào.
Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người được may mắn sinh ra trong hoàng cung nên được gọi là hoàng tử Ma-ga (Magha). Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người đã làm nhiều việc phước thiện nên được gọi là Pu-rin-đa-đa (Purindada). Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người không ngừng phát huy hạnh nguyện bố thí nên được gọi là Xa-ka (Sakka). Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người luôn luôn dốc tâm xây nhà, dựng trại cho kẻ gặp cảnh khốn cùng nên được gọi là Va-xa-va (Vàsava). Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người có thể nghĩ ra trăm công nghìn việc chỉ trong khoảnh khắc nên được gọi là Xa-ha-xa-kha (Sahassakkha). Này Ma-ha-li, thiên chủ Đế Thích cũng có một cô trinh nữ tên là Xu-ja-ta (Sujata) làm vợ, nên được gọi là Xu-jam-pa-ti (Sujampati). Này Ma-ha-li, thiên chủ Đế Thích cũng giữ vai trò chủ quản thiên thần ở tầng trời thứ Ba mươi ba nên được gọi là Thiên Vương. Này Ma-ha-li, ở một tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích cũng là người, một con người đã phấn đấu hoàn tất bảy lời thệ nguyện, nên đạt đến quả vị Đế Thích. Bảy lời thệ nguyện đó là:
Một là phụng dưỡng mẹ cha,
Hai là cung kính cúng dường Sa môn,
Ba là ăn nói ôn tồn,
Bốn là tránh tiếng vu oan cho người,
Năm là bỏ tánh xan tham,
Đầu óc phóng khoáng, tâm hồn thanh cao,
Thuận lời thỉnh nguyện thưa cầu,
Hoan hỷ bố thí suốt đời không tranh,
Sáu là nói giọng chân thành,
Bảy là dứt hẳn mối manh giận hờn.
Này Ma-ha-li, trong tiền kiếp xa xưa, thiên chủ Đế Thích đã dốc tâm, dốc sức hoàn tất bảy lời thệ nguyện như vậy nên đạt được quả vị Đế Thích.
Sau đó Đức Thế Tôn kể lại toàn bộ quá trình tu dưỡng và công hạnh bố thí, cúng dường vĩ đại của thiên thần Ma-ga (Maghà), rồi Ngài đọc kệ:
Đế thích đạt thiên vương,
Nhờ tinh cần đi tới,
Tinh cần được ca ngợi,
Buông lung bị trách chê.
(PC. 30)
THOÁNG NHÌN NGỌN LỬA RỪNG
LIỀN BỪNG LÊN THÁNH ĐẠO
Thuở nọ, có một Sa môn lãnh thọ yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn rồi lui về rừng sâu tu tập. Mặc dù sư chuyên tâm cần mẫn, nỗ lực tiến tu, phấn đấu hàng phục mọi trở ngại, nhưng sư vẫn chưa đạt đạo quả. Do đó, sư tự nhủ:
- Ta sẽ về thỉnh Đức Thế Tôn cho ta một chủ đề thiền quán khác hay hơn, cụ thể hơn, hợp với khả năng và nhu cầu của ta hơn.
Tạm biệt núi rừng, sư trở về Trúc Lâm để bày tỏ công phu tu tập của mình chưa được thành tựu và xin Ngài một công án khác. Trên đường về, sư bắt gặp một cảnh cháy rừng khủng khiếp: những ngọn lửa phừng phừng cứ mỗi lúc một lên cao, rồi trải dài, lan rộng như một biển lửa. Thầy vội chạy lên ngồi trên một đỉnh đồi trọc để tránh nạn. Thấy cây cối thảo mộc cứ dần dần bị thiêu hủy bởi muôn ngàn ngọn lửa hung tàn, sư nhận ra yếu chỉ và nhập định quán tưởng:
“Như đám cháy cứ mỗi lúc một lan dần và thiêu sạch mọi chướng ngại lớn nhỏ. Ta cũng vậy, phải dũng mãnh đi tới, bởi vì hồng nào hồng chẳng có gai, thành công nào lại không dài gian lao. Ta phải quyết chí vươn lên, đoạn diệt mọi nghịch duyên vướng mắc bằng ngọn lửa trí tuệ và thánh đạo” .
Đang thiền định trong tịnh xá, Đức Thế Tôn nhìn thấy dòng tư tưởng hưng phấn, quyết liệt của vị Sa môn tinh cần, Ngài cất lời tán thán:
- Đúng thay!... Đúng thay!... Sa môn . Như ngọn lửa thiêu hủy mọi chướng ngại lớn nhỏ. Cũng vậy, cần có ngọn lửa trí tuệ để thiêu sạch mọi ràng buộc vi tế hay thô lậu trong mỗi chúng sanh.
Ngài phóng quang rực rỡ, phân thân đến ngồi trước mặt vị Sa môn trí tuệ và kiên định kia, ngỏ lời tán thán và đọc kệ:
Tỳ kheo sợ phóng dật,
Thích nỗ lực tinh cần,
Như ngọn lửa lan dần,
Thiêu sạch mọi kiết sử.
(PC. 31)
Ngài vừa dứt lời thì vị Sa môn liền chứng quả A la hán, đầy đủ phước trí trang nghiêm, sung mãn thần thông diệu lực. Sư xả thiền, lên đường trở về Trúc Lâm hầu thăm Đức Thế Tôn.
BIẾT ĐỦ THÌ AN LÀNH
CẦU CẠNH SANH KHỔ LỤY
Thuở nọ có một thanh niên tên là Ni-ga-ma Ti-xa (Nigama Tissa), sinh trưởng tại một thị trấn cách thành Xá Vệ không xa, xuất gia theo Phật, gia nhập Tăng đoàn. Sư lúc nào cũng chu toàn bổn phận, mẫu mực trang nghiêm, tinh chuyên nỗ lực; nổi bậc nhất là hạnh cần kiệm, tri túc, thanh tịnh, quyết tâm, và cũng chính nhờ những phẩm hạnh đó mà sư trở thành biểu tượng cao đẹp cho toàn thị trấn. Sư thường đi khất thực một vòng quanh làng, nơi bà con thân tộc của sư cư ngụ. Mặc dù rất nhiều Phật tử, đặc biệt là trưởng giả Cấp Cô Độc và quốc vương Ba Tư Nặc (Pasennadi), hai đại thí chủ, cúng dường vô số lễ vật cho Tăng đoàn tại thành Xá Vệ, nhưng Sa môn Ti-xa vẫn không bao giờ đến đó.
Thấy Ti-xa thường thiền hành và khất thực quanh quẩn trong làng, các Sa môn một hôm đến thưa với Đức Thế Tôn:
- Bạch Thế Tôn, sư Ni-ga-ma Ti-xa lúc nào cũng bận bịu, vướng víu với bà con thân tộc, không bao giờ lên Xá Vệ kinh hành khất thực, cho dù trưởng giả Cấp Cô Độc và quốc vương Ba Tư Nặc cúng dường rất nhiều lễ vật, không đâu sánh bằng.
Nghe vậy, Đức Thế Tôn cho mời Ti-xa đến, hỏi:
- Nghe nói thầy ngày ngày quanh quẩn, lịu bịu với bà con xóm làng, không bao giờ lên thành hóa duyên truyền đạo, khất thực thiền hành, có đúng vậy không?
- Bạch Thế Tôn, không phải con nặng lòng gắn bó với bà con thân tộc. Con chỉ nhận vật thực của họ vừa đủ mỗi ngày một bữa cho con. Dù ngon hay dở, con vẫn nhiếp tâm thọ dụng, tán thán và chú nguyện công đức của đàn na thí chủ. Bạch Thế Tôn, con nghĩ như vậy là đủ lắm rồi. Mình chẳng lao động sản xuất ra của cải vật chất mà ngửa tay đón nhận lễ vật cúng dường quá nhiều thì e rằng không hợp, con sợ lắm!
Biết rõ tánh hạnh của Ti-xa, Đức Thế Tôn mỉm cười, ca ngợi:
- Lành thay, lành thay, Sa môn! Ta rất vui là có được một môn đệ như vậy. Này Ti-xa, cần kiệm là bản chất và tập quán của ta đó!
Rồi, theo yêu cầu của đại chúng, Đức Thế Tôn kể một truyện tích như sau:
*
* *
Ngày xưa, có một bầy két nhiều đến hàng mấy ngàn con sinh sống tại một cánh rừng toàn cây vả, trong rặng Hy Mã Lạp Sơn, trên bờ sông Hằng. Gặp mùa hạn hán, cây cỏ khô cằn, hoa quả tàn rụi, sông ngòi cạn kiệt. Không còn trái cây để ăn, bầy két mỗi lúc một lâm vào tình trạng nguy kịch. Bấy giờ con két đầu đàn không chê ngon dở, hợp khẩu hay không; nó gặp thứ gì ăn được thì ăn: hoặc lá chồi khô héo, hoặc vỏ rễ cứng dòn; ăn xong xuống sông Hằng uống nước rồi bay lên cành cây thong dong ca hót, vui vẻ hài lòng với nếp sống hiện tại của mình. Thấy rõ nguyên nhân và phẩm hạnh tri túc của con két đầu đàn, Đế Thích quyết định thử nghiệm bằng cách vận dụng thần thông xô ngã các cây, chỉ còn trơ vơ những gốc rễ khẳng khiu, nứt nẻ lởm chởm. Mỗi khi gió lộng, hơi nóng bốc lên, bụi bay mù mịt, két đầu đàn vẫn ung dung tự tại, thư thả trong lòng: mổ rỉa một vài mẩu rễ cây nho nhỏ rồi xuống sông uống nước, lên cành líu lo, mặc cho gió gào, nắng gắt.
Thấy phong thái tự nhiên, tâm hồn an lạc của con két, Đế Thích tự nhủ:
- Ta sẽ đến gặp két để thấy rõ hơn tình thân hữu, và làm cho cánh rừng vả đâm chồi nảy lộc, đơm hoa kết trái trở lại.
Đế Thích cải dạng thành một con ngỗng trời xinh đẹp bay đến đậu trên một gốc cây, rồi tỏ vẻ thân thiện bắt chuyện với két:
Két này:
Có nhiều cây xanh lá,
Với trái ngọt đầy cành,
Sao két vẫn an phận,
Với gốc rễ vây quanh!
Két đáp:
Ta vốn thích an lành,
Thuận theo từng tình cảnh,
Tri túc và chánh hạnh,
Cho trọn vẹn ngày xanh!
Im lặng trong giây lát, Đức Thế Tôn mỉm cười, nói:
- Này các thầy Tỳ kheo, Đế Thích bấy giờ là A Nan, còn con két đầu đàn chính là ta vậy. Các thầy thấy đấy, biết đủ là bản chất và tập quán của ta đó! Và cũng chả có gì xa lạ, Ni-ga-ma-va-xi Ti-xa (Nigamavàsi Tissa), luôn luôn an lạc và biết đủ, đã từng là con trai của ta nên đã nhận ta làm Thầy. Một Sa môn như thế thì nhứt định phải đạt đến niết bàn.
Ngài đọc kệ:
Tỳ kheo thích tinh cần,
Sợ hãi nhìn phóng dật,
Ắt không bị thối thất,
Nhất định gần niết bàn.
(PC. 32)
XA CHÙA XA BẠN XA THẦY
NHƯ CHIM XA TỔ NHƯ CÂY XA RỪNG
Thuở xưa, vì sự ràng buộc, bức bách của ba dòng tư tưởng độc hại tham, sân, si nên Trưởng lão Mê-ghi-da (Meghiya) không thể tiếp tục tu tập hành thiền trong khu rừng xoài, mà phải trở về gặp Đức Thế Tôn để giải bày tâm sự. Vừa thấy Thế Tôn ngồi giữa đại chúng, Trưởng lão Mê-ghi-da liền ngỏ lời chào hỏi, cung kính đảnh lễ Ngài và thưa rằng:
- Bạch Thế Tôn, con xin sám hối về cái tội đã không nghe lời khuyên răn của Đức Thế Tôn, đã tự ý vào rừng tịnh tâm tu niệm. Nhưng, bạch Thế Tôn, tu tập một mình, xa cách đồng môn pháp lữ quả thật vô cùng khó khăn. Cái cảm giác cô đơn trống vắng cứ vang dội trong tim, trong óc con; nhất là từ khi xa Đức Thế Tôn, không biết sao tâm ý con cứ chập chờn loạn động, thoạt đến thoạt đi, lăng nhăng lít nhít, không sao tĩnh tâm, định ý được; ngay trong giấc ngủ con cũng không cảm thấy an lành, cái tâm quả thật đáng sợ, khó bề nhiếp phục làm sao!
Đức Thế Tôn mỉm cười, nói:
Vậy đó! Tăng ly chúng tăng tàn, hổ ly sơn hổ bại. Tôi khuyên thầy ở lại tu tập với tôi một thời gian, chờ thầy khác đến rồi thầy hãy đi, vậy mà thầy nỡ để tôi một mình một bóng nơi đây. Tỳ kheo không được tự ý bỏ Thầy ra đi trong khi Thầy yêu cầu mình ở lại. Thầy đã phạm phải một lỗi lầm nghiêm trọng đó, Mê-ghi-da! Hơn nữa, như thầy biết đấy, trên bước đường tu tập, không phải Tỳ kheo nào cũng cảm thấy dễ dàng trong việc điều phục thân tâm, bởi vì tâm ý con người luôn luôn thay đổi, hiện khởi liên tục như những đợt sóng cuồn cuộn trên mặt đại dương. Nếu không thân cận với các bậc thiện hữu tri thức, tôn đức minh sư thì khó mà hộ trì nhiếp phục, thúc liễm vọng tâm lắm Mê-ghi-da à!
Ngài đọc kệ:
Tâm dao động bất thường,
Khó hộ trì nhiếp phục,
Người trí điều tâm phúc,
Như thợ tên uốn tên.
Như cá vớt khỏi nước,
Quăng trên bờ vực khô,
Tâm lo sợ vùng vẫy,
Vượt thoát cảnh ma đồ.
(PC. 33, 34)
Vừa nghe Đức Thế Tôn đọc kệ xong thì Trưởng lão Mê-ghi-da liền chứng quả Tu đà hoàn, một số Sa môn khác chứng quả Tư đà hàm và A na hàm. Tất cả đều lâng lâng hỷ lạc, đứng lên niệm danh hiệu Đức Bổn Sư và đảnh lễ Ngài ba lần. Sư đệ nhìn nhau bằng ánh mắt thân thương với nụ cười nồng ấm như ánh nắng ban mai sưởi ấm rừng núi đông phương.
CHỨNG ĐẮC THA TÂM THÔNG
DO KỲ CÔNG QUÁN NIỆM
Tại vương quốc Kô-xa-la (Kosala), dưới chân một dãy núi, có một ngôi làng xinh xinh tên là Ma-ti-ka (Matika). Một hôm, sáu mươi Sa môn cung kính đảnh lễ Đức Thế Tôn, lãnh thọ yếu chỉ thiền quán, rồi đến ngay làng này khất thực. Đây là ngôi làng trù phú, dân cư đông đúc và rất mực thuần thành với quý sư. Trưởng làng là Ma-ti-ka, một Phật tử trung kiên và gương mẫu trong mọi công tác phật sự. Bấy giờ mẹ của Ma-ti-ka, một ưu bà di nhân hậu, đứng nhìn đoàn Sa môn đang lặng lẽ đếm từng bước thiền hành dưới bóng xoài râm mát, bà sung sướng đem nhiều lễ vật ra cúng dường quý sư và hỏi:
- Xin thưa... quý sư định đi đâu?
- Đến nơi nào tạm ổn, thưa cụ.
Hiểu được tâm trạng các Sa môn đang cần một nơi an cư trong mùa mưa, bà liền quỳ xuống, đảnh lễ và thưa:
- Nếu quý sư an trú ba tháng nơi đây thì thật là phúc cho cả làng, chúng con sẽ có dịp thọ trì tam quy ngũ giới và thân cận với quý sư.
Thấy lời thỉnh nguyện chân thành của một cụ bà chánh tín, các sư chấp thuận và có cùng một ý nghĩ:
- Lành thay! Chúng ta đã gặp thiện duyên. Vậy là khỏi bận tâm về chuyện ẩm thực và trú xứ. Chỉ còn nỗ lực tu tập sao cho tương xứng với tấm lòng tinh khiết của bá tánh thập phương.
Thế là mẹ của Ma-ti-ka đích thân lo việc xây dựng một tu viện và nhiều am thất làm nơi tịnh tâm tu dưỡng cho các Sa môn. Trước tinh thần hộ trì Tam bảo cao cả của cụ bà khả kính, các sư, một hôm, nhóm họp giữa chánh điện, và Thượng tọa trưởng đoàn đã thốt lên những lời phát nguyện đầy cảm kích, quyết tâm tu tập và sách tấn cho nhau:
- Thưa quý huynh đệ, chúng ta đã có duyên lành sanh được làm người, được Đức Thế Tôn thọ ký và trao truyền giáo pháp, được thập phương thí chủ lân mẫn hộ niệm; vậy chúng ta hãy ra công tu tập, cần mẫn tinh chuyên, hàng phục vọng niệm để khỏi phụ lòng đàn na tín thí, và nhất là khỏi rơi vào tình trạng hoang mang lo sợ như đàn cá trong ao mỗi ngày một cạn nước. Chắc quý huynh đệ đều nhận thấy rằng ân đức và đạo nghiệp của Đức Thế Tôn không thể đền đáp bằng tâm ý buông lung, vọng cầu thất niệm. Mô Phật, xin quý huynh đệ niệm tình cho cái tội trực ngôn tự đáy lòng này.
Không ai bảo ai, tất cả đều chấp tay, cúi đầu xá trong im lặng.
Sau đó mỗi sư về tịnh thất riêng của mình với thỏa thuận rằng: nếu có ai ngã bệnh thì đến chánh điện thỉnh ba tiếng chuông, tất cả tăng chúng sẽ đến thăm và giúp đỡ bệnh nhân.
Một hôm, trong khi các sư đang nhập thất tịnh tu, thì cụ bà Phật tử cùng với một nhóm gia nhân đem bơ, sữa, mạch nha, mật ong v.v... đến cúng dường Tăng đoàn nhưng không thấy ai trong tu viện. Bà hỏi vài ba Phật tử lân cận thì họ cho biết là các sư đang chuyên tâm tu niệm trong am thất, không ra ngoài. Nếu muốn gặp họ thì đến chánh điện thỉnh ba tiếng chuông. Bà làm theo lời hướng dẫn và thấy các sư lác đác đến từ khắp mọi phía. Bà thầm nghĩ:
- Hẳn là các sư đã có chuyện bất hòa với nhau rồi!
Sau khi đảnh lễ Tăng đoàn, bà lên tiếng thưa:
- Kính bạch chư sư, chẳng hay các sư có gì chưa vừa ý? Có tranh luận, cãi vã gì không? Sao Tăng đoàn trông có vẻ rời rạc thế này?
- Dạ, không có gì vướng mắc. Thượng tọa trưởng đoàn đáp. Chúng tôi đang tu tập thiền định, đang quan sát và quán chiếu 32 thành phần cấu tạo cơ thể, gọi là niệm thân, thưa cụ!
- Quán chiếu các thành phần cơ thể để làm chi?
- Để biết thân này vốn do duyên sanh, không có thật tánh; để thấy rõ bốn sự thật cao cả: sanh-lão-bịnh-tử mà Đức Thế Tôn đã tuyên dương sau ngày thành đạo cho năm người bạn cũ của Ngài.
- Chỉ có các sư mới được phép thực hành thiền định, quán chiếu sắc thân? Phật tử chúng con tu tập như vậy được không?
- Được chứ, thưa cụ! Pháp môn thiền định đâu chỉ dành riêng cho ai.
- Vậy thì xin các sư hướng dẫn cho chúng con với.
- Hay thay, thưa cụ!
Các sư dạy cho bà thực tập pháp môn quán niệm về 32 thành phần cấu tạo sắc thân, và chỉ trong một thời gian ngắn, bà chứng đắc ba thánh quả: Tu-đà- hoàn, Tư-đa-hàm, A-na-hàm; bốn phép thần thông: thần túc thông, tha tâm thông, thiên nhãn thông, thiên nhĩ thông, và vượt qua ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới.
Bằng cái nhìn liễu ngộ siêu việt và niềm hoan hỷ đạt đạo, bà tự nhủ:
- Không biết đến bao giờ các sư mới đạt thánh quả! Các sư còn nhiều bận bịu quá! còn bị vướng kẹt trong vòng xích tham sân si. Các sư quán chiếu nhiều mà chưa nếm được hương vị thiền duyệt.
Nhưng sau đó bà nhận thấy các sư cũng có đủ nhân duyên và phương tiện hành trì giáo pháp như y phục, phòng xá, thuốc thang v.v... nhất là năng lực nội quán thanh lương của các sư để đạt đến đạo quả. Bà thiết lễ trai tăng tại nhà với nhiều lễ vật và thực phẩm đặc biệt rồi thỉnh Tăng chúng đến thọ thực. Trong lúc chứng trai, các sư chú tâm về ba mục tiêu: nguyện đoạn nhứt thiết ác, nguyện tu nhứt thiết thiện, thệ độ nhứt thiết chúng sanh; và năm phép quán về tự thân: 1. Xem xét khả năng thiền định. 2. Đánh giá đức hạnh tu hành. 3. Hàng phục tham tâm vọng tưởng. 4. Nghĩ thực phẩm là thuốc hay. 5.Vì đạo nghiệp mà thọ thực. Trong lúc nhứt tâm quán niệm, các Sa môn bỗng thấy thân tâm khinh an, thanh tịnh và chứng quả A-la-hán. Họ cùng nhau tán thán:
- Lành thay! Cao quý thay công đức hộ trì Tam bảo. Nếu không có lễ Trai Tăng hôm nay, chúng ta hẳn không bao giờ chứng thành đạo quả.
Sau đó, Tăng chúng quyết định về hầu thăm Đức Bổn Sư. Họ cùng nhau đến thăm và ngỏ lời tạm biệt vị ân nhân cao quý được xem như mẹ hiền.
- Kính bạch tôn thân, hôm nay chúng con về thăm Đức Từ Phụ, xin cảm ơn đôi tay từ ái của mẹ, chúc mẹ ở lại mạnh khỏe trong ánh hào quang của chư Phật.
- Lành thay! Chúc các sư lên đường bình an. Và cho đệ tử kính lời hầu thăm Đức Thế Tôn.
Khi tăng chúng về đến Xá Vệ, họ đảnh lễ Đức Thế Tôn và cung kính ngồi sang một bên. Đức Thế Tôn hỏi:
- Các thầy tu hành tiến bộ chứ? Có gì trở ngại trong việc sinh hoạt, ẩm thực và trú xứ không?
- Bạch Thế Tôn, chúng con đã gặp thiện duyên, đã được một Phật tử Ưu bà di hết lòng hộ đạo nên ba tháng an cư của chúng con rất hanh thông, tốt đẹp. Bà là mẹ của Ma-ki-ta. Bà đọc được tâm trạng và ý nghĩ của chúng con nên bà hộ trì vật thực rất chu đáo.
Một Sa môn nghe quý huynh đệ tán thán công đức của nữ thí chủ liền muốn đến đó tham thiền.
Sau khi thọ lãnh yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn, sư đảnh lễ Ngài, ngỏ lời tạm biệt Tăng chúng, từ giã tu viện Kỳ Viên, và thẳng đường đến làng Ma-ti-ka. Vừa vào tu viện, sư liền nghĩ: “Ta nghe nói có một tín nữ biết rõ tâm tư nguyện vọng của người khác. Ước gì giờ đây có người đến quét dọn tu viện chứ ta mệt lắm rồi, cuộc hành trình dài quá!” .
Thế là bà liền cho người đến vấn an sức khỏe sư và quét dọn phòng ốc sạch sẽ.
Từ đó sư nghĩ cần thức ăn thức uống gì thì bà liền cho người mang đến ngay.
Được ít lâu, sư thầm nghĩ: “Nữ thí chủ này đọc được từng ý nghĩ của ta. Ta phải gặp bà tận mắt. Ước gì bà đích thân mang lễ vật đến chùa lễ Phật cho ta thăm một chút” .
Bà liền đem lễ vật đến thăm sư.
Trong lúc thọ thực, sư hỏi:
- Thưa cụ, cụ là mẫu thân của Ma-ti-ka?
- Đúng vậy, bạch Đại đức.
- Cụ đã đắc tha tâm thông?
- Sao sư hỏi thế?
- Cụ đã đáp ứng mọi nhu cầu theo ý nghĩ của tôi.
- Biết bao Sa môn cũng hiểu được như vậy.
- Tôi không hỏi người khác. Tôi đang hầu chuyện với cụ.
Bà cụ vẫn một mực tìm cách tránh né câu trả lời.
Bấy giờ vị Sa môn liền tự nghĩ: “Ta đang ở trong một tư thế lúng túng nhất. Cư sĩ mà có thần thông, thấy được tư tưởng cao thượng hay thấp hèn của người khác. Nếu như ta khởi tâm vọng niệm sai lầm thì chắc là bà sẽ vồ vào đầu ta như tóm chặt một tên trộm. Khiếp quá! Ôi thôi, tốt nhất là ta phải rời khỏi nơi này” . Sư nói:
- Thưa cụ, tôi muốn đi đây.
- Sư sẽ đi đâu?
- Về thăm Đức Thế Tôn.
- Hãy ở lại đây thêm một thời gian nữa, bạch Đại đức.
- Không thể ở lâu hơn nữa. Tôi dứt khoát phải đi thôi, thưa cụ.
Và thế là sư tạm biệt bà, lên đường trở về với Đức Thế Tôn.
Vừa gặp sư, Đức Thế Tôn hỏi:
- Thầy không ở đó nữa sao?
- Bạch Thế Tôn, con không thể ở đó được nữa.
- Vì sao thế?
- Bạch Thế Tôn, cụ bà Phật tử đó biết rõ từng ý nghĩ của con. Con nhận thấy cư sĩ mà có thần thông, phân minh, tách bạch được tư tưởng cao thượng hay thấp hèn của người khác. Nếu như con khởi tâm vọng niệm sai lầm thì chắc bà sẽ vồ vào đầu con như tóm chặt một tên trộm. Khiếp quá! Bạch Thế Tôn, con phải về lại thôi.
- Này, đó chính là nơi cho thầy an tâm tu tập.
- Con không thể, bạch Thế Tôn. Con không dám ở đó nữa.
- Ơ kìa! Vậy thầy có thể phòng hộ một điều duy nhất không?
- Dạ!... Bạch Thế Tôn, ý Thế Tôn ... con chưa hiểu!
- Hãy phòng hộ tâm tư, tức điều phục tư tưởng, vì tư tưởng khó nhiếp phục lắm. Hãy thúc liễm tâm tư, đừng để tâm dong ruổi, vì tâm tư khó hàng phục lắm.
Ngài đọc kệ:
Tâm đổi thay khó kiểm,
Vun vút theo dục trần,
Lành thay điều phục tâm,
Điều tâm thì an lạc.
(PC. 35)
Theo lời Đức Thế Tôn, sư trở lại tu viện và, sau một thời gian hành thiền, sư cũng chứng quả A la hán với sự trợ giúp chân tình của cụ bà hảo tâm và đầy thần lực.
--- o0o ---