Phần 9

11 Tháng Giêng 20173:18 CH(Xem: 2540)
Phần 9
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 9

HƯƠNG NGƯỜI ƯƠM ĐỨC HẠNH
NGƯỢC GIÓ BAY MUÔN PHƯƠNG

Tương truyền rằng một đêm nọ, trong lúc hành thiền, nhứt tâm đại định, Trưởng lão A Nan lại nảy ra ý nghĩ như sau:

- Thế Tôn có ba loại hương ưu việt, gọi là đàn hương, căn hương và hoa hương. Tuy nhiên, loại hương nào cũng bay theo chiều gió. Vậy thì có loại hương nào bay ngược chiều gió, hoặc có loại hương nào vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió?

Sau đó một ý nghĩ khác cũng chợt đến với Trưởng lão:

- Một mình ta ra sức giải đáp vấn đề này thì phỏng có ích gì! Ta sẽ tham vấn Đức Bổn Sư, và chỉ có Ngài mới đủ trí tuệ diễn giải nghĩa lý.

Trưởng lão đến gặp Bổn Sư, trịnh trọng thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, theo con biết thì có ba loại danh hương: đàn hương, căn hương và hoa hương, nhưng loại hương nào cũng bay theo chiều gió. Vậy thì, bạch Thế Tôn, có loại hương nào vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió?

- Này A Nan, Thế Tôn đáp, thường thì loại hương nào cũng bay theo chiều gió, nhưng có một loại hương đặc biệt, loại hương thù thắng, vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió.

- Nhưng... bạch Thế Tôn, xin Thế Tôn giải thích thêm loại hương nào vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió.

- Này A Nan, hãy lắng nghe:

Nếu ở bất cứ thôn làng hay thị tứ nào trên cõi đời này mà có người, bất luận nam nữ già trẻ, chí tâm quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng; suốt đời giữ vững năm giới, tức là không sát sanh hại mạng, không cướp đoạt trộm cắp, không gian díu tà hạnh, không bịp bợm dối trá, không rượu chè nghiện ngập; người như thế nhứt định sẽ có được hương vị siêu việt, vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió.

- Này A Nan, Thế Tôn tiếp:

Nếu ai nuôi dưỡng đức hạnh,

Thuận theo nếp sống chân thành,

Quyết tâm xả ly tham dục,

Đoạn tuyệt thành kiến, ghét ganh.

Nếu ai khoan dung, khoáng đạt,

Vị tha, bố thí, tu thiền,

Thân cận Sa môn phạm hạnh,

Tụng kinh, bái sám tinh chuyên.

Nếu ai tán dương ân đức,

Chư Phật Bồ Tát mười phương,

Nỗ lực chu toàn hạnh nguyện,

Khuyên người nương tựa Pháp vương.

- Này A Nan, nếu tại thôn làng hay thị tứ nào có thiện nam tín nữ thiết tha làm được những việc nêu trên, thì đó chính là hương vị siêu việt, vừa thuận theo gió, vừa bay ngược gió.

Thế Tôn đọc kệ:

Hương các loại hoa thơm,

Không thể bay ngược gió,

Hương người đức hạnh đó,

Ngược gió bay muôn phương.

Hương chiên đàn, già la,

Hương sen và vũ quý,

Ngần ấy loại hương vị,

Không sánh bằng giới hương.

(PC. 54, 55)

Dừng lại trong giây lát, Đức Thế Tôn hỏi:

- A Nan, thầy hết thắc mắc rồi chứ?

- A Di Đà Phật! Bạch Thế Tôn, nghe Thế Tôn diễn giải con càng thấm thía ấn tượng: “... xuất quảng trường thiệt tướng biến phú tam thiên đại thiên thế giới...”

- Thế Tôn mỉm cười.

- A Nan đứng lên đảnh lễ Bổn Sư, lui ra với tâm trạng lâng lâng rằng mình có được một Tôn Sư  đích thực!

 


 

SA MÔN XÔNG GIỚI ĐỨC HƯƠNG
CHƯ THIÊN NHÂN LOẠI CÚNG DƯỜNG QUY Y

Một thời Thế Tôn an trú tại tu viện Trúc Lâm, thành Vương Xá. Bấy giờ Trưởng lão Đại Ca Diếp (Mahà Kassapa) ẩn tu trong hang động Pi-pa-li (Pipphali). Sau bảy ngày đoan thân chánh tọa, nội quán thâm sâu, đắm mình trong hương vị thiền duyệt, Trưởng lão đang từ từ xả định thì một ý nghĩ chợt đến:

- Nếu như ta khất thực quanh thành Vương Xá thì ...

Bấy giờ có 500 tiên nữ phát nguyện cúng dường thực phẩm cho Trưởng lão Ca Diếp, nhưng Trưởng lão từ chối tiếp nhận. Sáng hôm đó, Trưởng lão mặc pháp phục chỉnh tề, tay bê bình bát, nhứt niệm ung dung vào thành hóa duyên, hành đạo.

Lúc đó thiên chủ Đế Thích (Sakka) cũng muốn dâng lễ vật cúng dường cho Trưởng lão nên cải dạng thành một thợ dệt đang kéo sợi với Thiện Sanh (Wellborn), một thiên thần A-tu-la (Asura), cũng đang mắc thoi, luồn chỉ. Thấy Trưởng lão thả từng bước uy nghi từ xa đi tới, thiên chủ Đế Thích vội vã đứng lên, ra tiếp đón ngài. Đế Thích ôm bát, mời ngài vào nhà, bê nước cho ngài rửa tay chân, đoạn đặt thức ăn sang trọng vào bát, rồi đảnh lễ và ngỏ lời cúng dường.

Bấy giờ  một ý nghĩ thắc mắc lại chợt đến với Trưởng lão: “Người này là ai mà thần lực siêu việt thế?” .

Và chỉ trong giây lát, ngài nhận ra gốc tích ngay: “Đây hẳn là thiên chủ Đế Thích” .

Nghĩ thế, Trưởng lão liền hỏi:

- Vì sao phải thay hình đổi dạng? Đừng làm vậy nữa nhé, thí chủ Mai Danh Kô-xi-da (Kosiya)!

- Bạch Trưởng lão, chúng con muốn tích lũy công đức; chúng con muốn vun xới phước điền.

Sau đó thiên chủ Đế Thích cáo từ Trưởng lão bằng cách cung kính đi nhiễu ba vòng quanh ngài theo chiều quay mặt trời, rồi biến lên không trung với những lời tán dương khinh khoái:

Vui thay được cúng dường,

Đệ tử đấng Pháp vương,

Trưởng lão Đại Ca Diếp,

Ngào ngạt giới đức hương.

Thế Tôn đang đứng giữa chánh điện Trúc Lâm với Tăng chúng, nghe lời tán thán vang vọng trong không trung, Ngài nhìn quanh đại chúng và nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, hãy ngắm nhìn thiên chủ Đế Thích đang lượn người trên không kìa!

- Thiên chủ đang làm gì vậy, bạch Thế Tôn?

- Đế Thích đã thay hình đổi dạng, cúng dường  phẩm vật cho Trưởng lão Đại Ca Diếp, và giờ đây đang hưng phấn tán dương vang vọng khắp trời.

- Bạch Thế Tôn,  làm sao Đế Thích biết Trưởng lão mà dâng lễ vật cúng dường?

- Các thầy thấy đấy, cả thiên thần lẫn nhân loại đều tỏ lòng tôn kính và sẵn sàng hiến dâng lễ vật cúng dường cho Trưởng lão Đại Ca Diếp.

Nói xong, Thế Tôn cất lời tán thán:

Tỳ kheo tu khổ hạnh,

Thường quán pháp cúng dường,

Như thuốc nuôi huệ mạng,

Chư thiên cũng tán dương.

Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, chính vì hương vị đức hạnh mà thiên chủ Đế Thích thân cận và cúng dường Trưởng lão Đại Ca Diếp đó vậy.

Ngài đọc kệ:

Hương chiên đàn, già la,

Chưa phải là thơm phức,

Hương người có giới đức,

Xông ngát cả chư thiên.

(PC. 56)

 

VÀO CẢNH GIỚI NIẾT BÀN
SIÊU THOÁT TƯỚNG NHÂN GIAN

Một thời Trưởng lão Gô-đi-ka (Godhika), sau khi lãnh thọ yếu chỉ thiền quán từ Đức Thế Tôn, an tâm lập mệnh, quyết chí tu hành tại vùng núi đá đen trên đỉnh I-xi-ghi-li (Isigili). Sư hạ thủ công phu, chuyên tập thiền định, và sau một thời gian, sư đạt đến cảnh giới Phi tưởng phi phi tưởng xứ. Vì quá nỗ lực với pháp môn quán niệm nên sức khỏe Trưởng lão suy giảm: tứ chi mỏi mệt, khí lực hôn trầm; Trưởng lão sáu lần gia công nội quán nhưng vẫn không thành. Đến lần thứ bảy, Trưởng lão vào được chánh định, thâm nhập cảnh giới Phi phi tưởng. Tuy nhiên, trong lúc  xả thiền, Trưởng lão chợt nghĩ:

- Rồi đây ta chắc gì có được giây phút tam muội thiền duyệt như thế này, hay phải bị chi phối bởi các pháp hữu vi giả hợp, phải bị quay cuồng theo cơn lốc khắc nghiệt của thời gian. Ta đâu làm chủ được thân mạng tứ đại này. Nó đến và đi theo chu trình sanh trụ dị diệt. Thà đi sớm theo ý nguyện của mình thì hơn. Đợi đến lúc mắt lờ tai điếc, chân tay quờ quạng, đi đứng xiêu vẹo thì chỉ gặp khốn nạn!

Thế là, chỉ trong tích tắc, ý nghĩ đoản mạng vụt đến với ngài:

- Đã đến lúc ta phải nhờ sự trợ giúp của con dao cạo.

Gô-đi-ka mở hộp, lấy chiếc dao cạo tóc đã ngả màu han rỉ, đem mài thật bén, đoạn lên nằm ngửa trên  sạp gỗ, định ra tay kết liễu đời mình bằng lưỡi dao trên cổ.

Bấy giờ Ma vương, tên ác quỷ, thấy ý định quyết liệt của Trưởng lão, bèn khởi niệm:

- Sa môn này đã nghĩ đến công dụng của chiếc dao cạo, và những ai nắm sẵn nó trong tay như thế thì tình yêu, cuộc sống và mọi giá trị trên đời đều trở thành vô nghĩa. Họ đã vượt ra ngoài phạm vi đối đãi. Họ không còn đảo điên trong cảnh xưng dương tán thán hay hủy báng khinh thường. Những người như thế hẳn đã chứng quả A la hán, đã đạt đến trí tuệ siêu việt. Nhưng nếu ta ra sức khuyên can Trưởng lão từ bỏ ý định giải thoát thân mạng như vậy thì chắc gì người đã nghe. Phải cầu Đức Thế Tôn. Chỉ có Ngài mới hàng phục được ý nguyện của môn đệ Ngài.

Ma vương liền cải dạng thành một thường dân xa lạ, đến vái chào Đức Thế Tôn và cất lời trịnh trọng:

- Hỡi tráng sĩ vĩ đại, đấng trí tuệ và thần lực siêu phàm, bậc giải thoát sân hận và sợ hãi, con xin hân hạnh quỳ dưới chân Ngài.

- Hỡi Đạo sư tôn quý, đệ tử Ngài đã siêu thoát sanh tử, nhưng vẫn suy tư và mong cầu cái chết. Hãy khuyên họ từ bỏ ý định quyên sinh, nguyện đức từ bi xót thương cứu độ.

- Hỡi đấng đại giác Thế Tôn, cớ sao môn đệ Ngài tu tập chánh pháp, nhứt tâm thiền định, nhưng cuối đời vẫn chưa thành tựu sở nguyện, vẫn chưa được gọi là viên mãn công phu?

Lúc đó Trưởng lão vừa kéo con dao, Thế Tôn nhận ra Ma vương ngay, Ngài đọc kệ:

Người vững tâm tu tập,

Xem nhẹ tướng nhân gian,

Trưởng lão đoạn tham ái,

Đạt cảnh giới Niết bàn.

Bấy giờ Thế Tôn cùng nhiều môn đồ theo Ngài đến nơi Trưởng lão đã ra tay sử dụng con dao. Tên ác quỷ thấy vậy liền biến thành một cột khói khổng lồ, dày đặc, ra sức tìm Trưởng lão khắp mọi nơi nhưng không gặp. Hắn loay hoay thắc mắc:

- Thần thức của Trưởng lão trụ vào đâu nhỉ?

Đức Thế Tôn chỉ cho các Sa môn thấy cột khói dày đặc, nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, Ma vương đang nỗ lực tìm kiếm thần thức của Thánh tăng Gô-đi-ka. Hắn đang lầm bầm, bực tức đấy.

Nhưng, như các thầy suy nghiệm, thần thức của Gô-đi-ka không vướng mắc vào một nơi nào cả. Bởi vì, này các thầy Tỳ kheo, Thánh tăng Gô-đi-ka đã vào Niết bàn.

Không tìm ra tông tích thần thức của Trưởng lão, Ma vương cải dạng thành một hoàng tử, tay cầm chiếc đàn nguyệt làm bằng loại gỗ hoàng lim, đến gặp Thế Tôn, hỏi:

- Ta đã tìm khắp mọi nơi: trên trời dưới đất, bốn phương tám hướng, nhưng không thấy Gô-đi-ka. Sư đã thác sanh vào cõi nào, thưa Tôn giả?

Thế Tôn mỉm cười, đọc kệ:

Ai nỗ lực thiền định,

Quyết tâm tu vững vàng,

Ngày đêm vui chánh niệm,

Đoạn thân tướng nhân gian.

Trưởng lão vào Niết bàn,

Nhờ dứt nghiệp tham ái,

Hàng phục sạch chướng ngại,

Hết vướng lụy trần gian.

Vô cùng thất vọng, tên ác quỷ bỗng buông vội cây đàn, rồi biến mất với tâm trạng ngổn ngang, nặng trĩu.

Sau đó Thế Tôn nói:

- Này ác quỷ, làm sao ngươi tìm ra nơi thần thức của Trưởng lão Gô-đi-ka an trú?! Trăm ngàn mưu chước, biến hóa như ngươi cũng không tìm được.

Ngài đọc kệ:

Những ai sống đức hạnh,

Cẩn trọng và trang nghiêm,

Giải thoát bằng thánh trí,

Ác ma không thể tìm.

(PC. 57)

 


 

THÂN BẰNG QUYẾN THUỘC ĐẬM ĐÀ
CHỈ VÌ CUỒNG TÍN MÀ RA OÁN THÙ

Một thời tại Xá Vệ có hai người bạn thân tình với quý danh là Thiện Hộ (Sirigutta) và Minh Hóa (Garahadinna). Thiện Hộ là Phật tử tại gia của Đức Thế Tôn, còn Minh Hóa là môn đồ của phái ẩn sĩ lõa thể Ni Kiền Tử (Niganthas). Họ thường khuyên Minh Hóa mỗi khi gặp Thiện Hộ thì nên gợi ý thắc mắc:

- Tại sao bạn hay viếng thăm Sa môn Gô-ta-ma thế? Bạn hy vọng gì nơi ông ấy? Sao bạn không thân cận và giúp đỡ các Đạo sư lý tưởng của ta? Họ không xứng đáng cung kính, cúng dường sao?

Theo lời kích động của đám ẩn sĩ lõa thể, Minh Hóa gặp Thiện Hộ nơi nào cũng đều thốt ra hơi hướng khuyến dụ như thế.

Một hôm, thấy không thể im lặng và nhẫn nhục lâu hơn nữa, Thiện Hộ nói thẳng với Minh Hóa:

- Ông bạn, lúc nào gặp tôi ông cũng lải nhải ngần ấy chuyện. Thật không biết ngượng! Những gã đứng đi dồng dỗng, bẩn thỉu lèo nhèo thế mà ông gọi là tôn sư! Tu hành kiểu gì mà thấy trơ tráo quá! Bọn họ hiểu biết được gì nào?

- Ồ, ông bạn, không nên nói thế! Các tôn sư ta trông có vẻ dị hợm về hình thức nhưng thánh thiện về nội tâm. Họ quán thông cả quá khứ, hiện tại, vị lai. Họ thấu triệt tư tưởng, ngôn ngữ và hành động của mọi người. Họ thấy rõ mọi việc có thể và không thể xảy ra. Nói chung, không điều gì trên đời mà họ không biết.

- Nếu đúng như vậy mà không cho mình biết thì bạn quả thật có lỗi ghê gớm đấy nhé! Thật ra mình cũng đã nghe nói đến thần thông quảng đại, kiến thức siêu phàm của các tôn sư bạn. Này, vì tình thân hữu, nhờ bạn vui lòng thỉnh họ đến đây một chuyến cho thỏa lòng ngưỡng mộ.

Minh Hóa ấm lòng, đến gặp nhóm ẩn sĩ lõa thể, cung kính vái chào và thưa:

- Bạch quý thầy, Thiện Hộ nhờ con cung thỉnh quý thầy trưa mai đến nhà ông ấy thọ trai.

- Thiện Hộ đích thân nhờ đạo hữu đấy chứ?

- Vâng ạ, chính ông ấy.

Đám ẩn sĩ thấy đời lâng lâng nhẹ nhõm và hãnh diện nói với nhau:

- Vậy là việc đã thành. Thiện Hộ quy phục thì uy tín và lợi lộc chắc chắn sẽ đến với chúng ta mỗi ngày một thêm phong phú.

Thiện Hộ chuẩn bị trai lễ tại nhà, trong một khu vườn rất rộng. Ông cho người đào một hố dài, đổ đầy phân tro và nước thải xuống đó; hai bên đầu hố có trồng cọc và căng dây buộc chặt; rồi hai hàng ghế với hai chân trước trụ trên mặt đất, hai chân sau gác trên dây thừng được đặt dọc theo hai bên miệng hố để khi bọn ẩn sĩ vừa ngồi chạm ghế là chúng bị bật ngửa xuống hố liền. Sau đó ông cho phủ mặt hố bằng một tấm phên mỏng với lớp cây cỏ được ngụy trang trông như mặt vườn thật. Cuối cùng ông cho đặt hai hàng lọ sành sứ bóng loáng, nhưng trống rỗng, và mỗi miệng lọ đều có phủ một lớp vải vàng với ít cơm, cháo, đường, mật dính trên đó.

Từ tờ mờ sáng, Minh Hóa hối hả đến nhà Thiện Hộ. Vừa tới cổng, gã đã lớn tiếng hỏi:

- Sao!... Trai lễ cúng dường chư tôn đức đã chuẩn bị chu đáo rồi chứ?

- Vâng ạ, thưa ông bạn chân tình!

- Ủa!... Lễ vật và thực phẩm để đâu?

- Trong các lọ sành sứ kia kìa.

- Ồ!... Vậy là nghiêm chỉnh, trịnh trọng. Đúng là một Thiện Hộ thuần thành, nhân cách!

Sau đó Minh Hóa khẩn trương đi mời 500 ẩn sĩ lõa thể.

Vừa thấy họ đến, Thiện Hộ vội vã chạy ra cổng vái chào, cung kính nghinh đón, và thầm nghĩ:

- Nghe Minh Hóa nói các ngươi biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai. Nếu đúng như thật thì các ngươi không nên vào căn nhà này, vì chả có gì gọi là phẩm vật, trai lễ. Còn nếu như các ngươi khoái lộng ngôn xảo ngữ, thì cứ vào. Các ngươi sẽ bị lao đầu xuống hố xí và sẽ bị đánh đòn thê thảm.

Ông mật lệnh cho một gia nhân khi thấy bọn lõa thể sắp ngồi xuống ghế thì lẻn ra phía sau tháo lẹ sợi dây thừng buộc vào đầu cọc.

Sau đó Thiện Hộ hướng dẫn  đám lõa thể vào trai phòng, và khi họ sắp ngồi thì có người lớn tiếng thưa:

- Xin từ từ, thưa chư vị tôn sư, để buổi lễ được thêm phần trang nghiêm, trọng thể, xin mời chư vị đứng ngay trước chỗ của mình, chờ thí chủ tác bạch rồi cùng ngồi một lượt.

- Thiện tai! Thiện tai! Nguyện cầu gia chủ phát tài, phát lộc và đạo tâm kiên cố. Một giọng nói nho nhỏ từ đám lõa thể phát ra.

Tất cả đều đứng theo thứ tự, đợi lời tác bạch.

Một giọng nói trầm ấm và thanh lịch vang lên:

- Cung thỉnh chư vị an tọa.

Bọn ẩn sĩ vừa ngồi chạm ghế thì sợi dây thừng bung ra, tất cả đều bật ngửa xuống hố xí. Thiện Hộ cho đóng cửa lại, lôi từng tên lên đánh đòn với lời cảnh cáo:

- Từ nay về sau chừa cái tật huyênh hoang, bịp bợm cho rằng biết hết mọi chuyện trên đời! Thần thông quảng đại để đâu mà phải lọt xuống hố xí... hả?

Thiện Hộ cho mở cửa và đuổi chúng đi, nhưng trước cửa có đổ nước vôi trơn trượt, bọn chúng lại một phen té ngửa, té nghiêng, người ngợm be bét, trông phát tởm.

Mọi người cười ngặt nghẽo, nói:

- Đấy!... Biết rõ quá khứ, hiện tại, vị lai mà còn nhào tới, lộn lui, lồm cồm gớm ghiếc thế.

Bọn lõa thể vừa gắng gượng bước đi, vừa mếu máo gào thét:

- Mày hại bọn tao rồi!... Mày hại bọn tao rồi!...

Chúng hùng hục xông thẳng đến nhà Minh Hóa.

Thấy tình trạng nhục nhã, thê thảm của đám lõa thể, Minh Hóa cũng hai tay đấm ngực, gào lên:

- Mày hại tao rồi!... Mày hại tao rồi!... Họ đã chấp tay quỳ lạy mà mày còn cho người đánh đòn họ đến bầm da tím thịt. Mày đã bẫy các bậc tôn sư minh triết, ân ích phước điền của tao xuống hố xí như thế mà chưa hả dạ sao!... Mày ác lắm Thiện Hộ ơi!... Tao sẽ kiện cho mày mang gông mục cổ. Mày hãy mở to mắt ra mà xem!

Minh Hóa đâm đơn kiện. Thiện Hộ bị áp giải đến hoàng triều và bị quốc vương phạt một ngàn nén bạc vì tội làm nhục và đả thương nhân mạng.

Thiện Hộ kháng cáo:

- Muôn tâu bệ hạ, xin bệ hạ điều tra sự thể rồi hạ lệnh trừng phạt cũng chưa muộn. Thảo dân lãnh án chỉ khi nào tâm phục, khẩu phục. Mong bệ hạ minh xét!

Sau đó Thiện Hộ kể hết mọi chuyện xảy ra. Quốc vương nổi nóng truyền lệnh phạt tiền và đánh đòn Minh Hóa chung với bọn lõa thể về cái tội phao tin đồn nhảm, phàm phu ngu dốt mà tự xưng thánh hiền!

Bị phạt, bị đòn, Minh Hóa cố dằn lòng nuốt nhục, và đoạn tuyệt dao du với  Thiện Hộ một thời gian. Nhưng rồi, một hôm, hắn bỗng thấy từ thâm tâm lóe ra một tia chớp phục thù, rửa hận. Hắn ra vẻ tự tin, hy vọng, vừa đi vừa huýt gió thẳng đến nhà Thiện Hộ.

Vừa gặp Thiện Hộ, hắn đưa tay ra bắt và nhỏ nhẹ nói:

- Bạn bè chúng mình vì một chút sơ suất ngoài ý muốn mà đâm ra lạnh nhạt, xa cách. Thôi, việc đã qua, cho qua. Coi như chúng mình gặp năm hạn tháng xung vậy. Tình bạn muôn năm nhé! Cả hai đều cười và siết tay nhau thật chặt.

Rồi một hôm, Thiện Hộ tâm sự với Minh Hóa:

- Minh Hóa này, quy ngưỡng đám lõa thể được tích sự gì? Kỳ vọng gì ở họ? Sao bạn không thân cận, cúng dường Đức Thế Tôn và các Sa môn cao quý của ta?

Như gãi đúng chỗ ngứa, Minh Hóa vồn vã hỏi:

- Đức Thế Tôn của bạn hiểu biết thế nào mà khuyên ta thân cận?

- Ồ, ông bạn, chớ nên nghi ngờ! Không một thứ gì ngoài tầm hiểu biết của Đạo sư ta. Ngài thấy suốt quá khứ, hiện tại, vị lai. Ngài hiểu rõ từng ý nghĩ của vạn loại hữu tình.

- Ồ, nếu đúng như vậy thì... sao lâu nay bạn không cho ta biết! Này, nể chỗ thân tình, nhờ bạn thỉnh Đức Thế Tôn và 500 Sa môn ngày mai đến đây thọ trai.

Thiện Hộ nhanh chóng đến Kỳ Viên cung thỉnh Thế Tôn và 500 Sa môn theo sở nguyện của Minh Hóa, nhưng anh cũng không quên tường trình mọi việc đã xảy ra cho Thế Tôn lượng định. Ngài im lặng, mỉm cười, thấy rõ mọi chuyện sắp diễn biến, và thầm nghĩ:

- Những ai cố tình phá hoại chùa chiền, hủy báng Tăng chúng, tức cũng đã có duyên với Phật pháp.

Ngài hoan hỷ nhận lời.

Thiện Hộ đến gặp Minh Hóa báo tin vui rằng Thế Tôn đã chấp thuận.

Để rửa sạch vết hằn sỉ nhục, Minh Hóa cho đào một cái hố lớn, đổ đầy gỗ keo, rồi nổi lửa đốt thành một hầm than khổng lồ, hừng hực, nhờ sự trợ giúp của hai cây quạt to tướng thổi vù vù suốt ngày đêm. Trên miệng hố có thả vài ba thanh cây mỏng,  một tấm phên trét đầy phân bò nhầy nhụa với một ít cỏ rơm lún phún, ngụy trang khéo đến nỗi khó nhận ra đó đích thị là một hỏa than địa ngục. Mục đích là khi Tăng đoàn đi qua, các thanh cây sẽ gãy, và thầy trò Thế Tôn sẽ bị lao đầu xuống hố lửa.

Được tin tín đồ ngoại đạo thiết lễ trai Tăng cúng dường sư đệ Đức Thế Tôn, quần chúng rủ nhau đến xem rất đông. Kẻ thì bảo để ngắm thân tướng trang nghiêm của Tăng đoàn; người thì muốn chờ xem Thế Tôn thuyết pháp và biểu lộ thần lực.

Sáng hôm đó, Thế Tôn và 500 Sa môn y bát chỉnh tề, thiền hành từng bước thẳng đến nơi trai lễ. Vừa thoáng thấy dáng Đức Thế Tôn, Minh Hóa vội vã chạy ra ngõ cung kính đón chào và thầm nghĩ: “Nghe Thiện Hộ nói ngươi thấy suốt quá khứ, hiện tại, vị lai, và hiểu rõ mọi ý nghĩ của vạn loại hữu tình. Nếu đúng như vậy thì các ngươi chớ nên vào căn nhà này, vì chả có gì gọi là phẩm vật, trai lễ, mà chỉ có lọt xuống hỏa khanh và bêu danh ô nhục” .

- Nghĩ thế, Minh Hóa thấy lòng dạ rọ rạy, bèn xin bê bình bát Đức Thế Tôn và cung thỉnh Tăng đoàn đi hàng ngang vào trai đường. Mục đích là để thầy trỏ Thế Tôn cùng lọt xuống hố lửa một lượt cho bỏ lòng căm tức.

Nhưng, với Phật nhãn quán chiếu, Thế Tôn ra hiệu tất cả đứng lại, một mình Ngài đi thẳng đến hố lửa, đưa một chân đặt lên miệng hầm, và những đóa hoa sen to bằng bánh xe từ từ nhô lên khỏi mặt nước trong xanh, tỏa hương ngào ngạt. Thế Tôn lên ngồi trên một bông sen, Tăng chúng ngồi chung quanh trên những cánh sen bên dưới, tạo thành một tòa sen uy nghi, sừng sững giữa hồ. Thế là hầm lửa biến thành hồ sen, oan gia biến thành thiện hữu.

Minh Hóa đến quỳ lạy trước tòa sen, sụt sùi khóc, xin Thế Tôn và Tăng chúng hỷ xả cho cái tội vô minh, ngu muội: có mắt như mù, có tai như điếc, không nghe thấy được uy lực nhiệm mầu của đấng đại giác Thế Tôn.

- Được rồi! .- Thế Tôn nói. Đi bê hết các lọ sành sứ tới đây.

Minh Hóa vâng lời và trố mắt kinh ngạc, thấy lọ nào cũng đầy ắp thực phẩm: cơm, cháo, bơ, sữa, mạch nha, bánh ngọt và những thức ăn tinh khiết khác.

Với tín tâm tuyệt đối, Minh Hóa đảnh lễ Đức Thế Tôn, xin quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng, và hiến dâng toàn bộ tài sản cho giáo hội.

Thế Tôn ngỏ lời hồi hướng công đức:

Chưa ngộ đạt pháp nhãn,

Khó thấy công đức sanh,

Oán thù nội kết dứt,

Phước - trí tự nhiên thành.

Dừng lại trong giây lát, Ngài đọc kệ:

Giữa đống rác bẩn thỉu,

Vất bỏ bên đường hoang,

Hoa sen thơm ngào ngạt,

Đẹp lòng khách qua đàng.

Cũng vậy giữa nhân gian,

Ngập tràn rác trần thế,

Đệ tử bậc chánh giác,

Soi sáng khắp quần mê.

(PC. 58, 59)

Thế Tôn vừa dứt lời thì Thiện Hộ và Minh Hóa liền chứng quả Tu đà hoàn. Mọi nguời có mặt đều xin quy y và hân hoan được Thế Tôn trao truyền giáo pháp.

 


 

PHÓNG TÂM THEO DỤC LẠC

NHÀU NÁT CẢ KIẾP NGƯỜI

Truyện kể rằng nhân ngày lễ hội, quốc vương Kô-xa-la (Kosala), Ba Tư Nặc ngồi uy nghi trên lưng con bạch tượng Pun-đa-ri-ka (Pundarìka) được trang hoàng lộng lẫy với nghi thức vương triều cực kỳ hoa lệ diễu hành qua khắp kinh thành để quyên góp phẩm vật, thực tập giới hạnh và tích lũy công đức.

Trên sân thượng của một cao ốc nọ, có một thiếu phụ mở cửa sổ, đứng ngắm quốc vương trong giây lát rồi từ từ khép lại tấm màn, khiến quốc vương cứ tưởng ánh trăng rằm đã bị áng mây vô tình che khuất. Quả thật quốc vương say đắm thiếu phụ đến nỗi suýt nữa lộn nhào xuống lưng voi. Vội vã kết thúc chuyến phổ nguyện phước điền, quốc vương quay về hoàng cung, gọi một cận thần đến hỏi:

- Này, khanh có thấy tòa cao ốc mà ta đứng ngắm một lát đó không?

- Thưa có, tâu hoàng thượng.

- Khanh có thấy một thiếu phụ nào ở đó không?

- Thưa có, tâu hoàng thượng.

- Thế thì hãy đi xem coi người ấy đã có gia đình hay chưa.

Sau khi tìm hiểu sự thật, vị cận thần về gặp quốc vương và tâu rằng:

- Tâu hoàng thượng, cô ấy đã có chồng.

- Thật sao! Vậy thì hãy triệu gấp chồng hắn đến đây.

Vị cận thần đến gặp phu quân thiếu phụ, truyền lệnh quốc vương, và đưa cậu ta về hoàng triều.

Đầu óc hoang mang lo lắng. Biết có vợ đẹp là tai họa khó lường, nhất là trong thời đại hôn quân bạo chúa. Nhưng mấy ai trên đời mà không ham mê vợ đẹp! Cậu đành nhắm mắt đưa chân, chấp hành vương pháp, theo quan thẳng đến hoàng cung, khấu đầu thi lễ quốc vương, rồi đứng sang một bên đợi lệnh.

Quốc vương lạnh lùng phán:

- Từ nay về sau ngươi là gia nhân của trẫm.

- Hoàng thượng vạn tuế. Xin đội ơn hoàng thượng. Nhưng thảo dân đã quen với nếp sinh hoạt thường nhựt, sớm tối bên cạnh vợ con trong cảnh thái bình thịnh trị như thế này là vạn hạnh lắm rồi, xin hoàng thượng tha cho!

- Ta sẽ cấp phát bổng lộc cho ngươi đúng phép.

- Muôn tâu hoàng thượng, thảo dân không dám, xin hoàng thượng tha cho!

- Im đi, từ giờ phút này ngươi là gia nhân của trẫm.

Quốc vương trao cho gã một cái mộc, một thanh gươm, và đó là thâm ý của nhà vua: “Ta sẽ đổ tội cho hắn, giết hắn, và rồi chiếm đoạt vợ hắn” .

Run sợ trước  cái chết ập đến bất cứ lúc nào, anh chồng khốn nạn kia phát nguyện hết lòng hết dạ hầu hạ quốc vương.

Ngọn lửa dục lạc trong lòng quốc vương cứ mỗi lúc một dâng lên ngùn ngụt mà vai trò trách nhiệm của tên gia nô chưa hề thất thố. Cuối cùng, để có được giai nhân, thỏa mãn dục vọng, nhà vua hạ thủ theo kế sách ném đá dấu tay bằng cách gọi tên gia nô đến, truyền lệnh:

- Này, cách đây một dặm có một dòng sông quý hiếm, gọi là huyết mạch của trời đất ban cho; hãy đến đó hái một ít bông súng xanh trắng và cạy một ít đất sét đỏ vàng đem về cho trẫm xông tắm tối nay. Về trễ là mất mạng đấy!

Rùng rợn trước cái chết chờn vờn, cậu về nhà hỏi vợ:

- Em ơi, cơm nấu chưa?

-    Đang sôi trên bếp đó.

Khỏi đợi cơm chín, cậu múc đại vài vá cho vào cái thố với chút cà ri, xong đậy nắp, bỏ vào một túi lát, túm lại, rồi hối hả lên đường thi hành vương lệnh.

Đến nơi, vừa bày cơm ra trên bờ sông thì thấy ngay một bà lão cũng có vẻ đói khát như mình, cậu mời khách  cùng dùng bữa. Khi ăn xong, cậu vét một nắm cơm quăng xuống sông cho cá và lớn tiếng khấn  rằng:

- Nguyện sơn thần hà bá, địa mẫu thủy long chứng giám cho lòng con. Quốc vương cố tình vu oan giáng họa nên bắt con đày đọa thế này. Trời ơi! Biết bông súng, đất sét đâu mà tìm! Xin chư vị thiện thần giúp con với, hu... hu...!

Nhờ chút tình thơm thảo: thương tưởng kẻ lỡ đường, san sẻ với cá tôm, long vương động lòng, cải dạng thành một cụ ông, đến gặp cậu, nói:

- Này, thấy cậu có lòng vị tha, thật thà chơn chất, lực tận thế cô; thôi, để ta giúp cho một tay.

Ông cụ trao cho cậu một bó bông súng xanh trắng và một gói đất sét đỏ vàng rồi đi mất.

Ở hoàng cung, quốc vương thầm nghĩ: “Trên đời có nhiều phương tiện sinh hoạt lắm. Nếu như hắn thực hiện đúng lời ta phán thì sẽ hỏng bét mục tiêu” .

Thế là nhà vua cho đóng cửa lại và cất giữ chìa khóa.

Cậu gia nô mang hoa và đất sét về hoàng cung, thấy cửa bị khóa chặt, kêu gọi mãi mới có người lên tiếng, và được biết đó là nghiêm lệnh của quốc vương: không ai được phép ra vào lúc này. Niềm vui vụt tắt, cái chết chờn vờn, cậu thả gói đất sét xuống thềm, máng bó hoa lên cánh cửa, và kêu lớn lên:

- Hỡi bà con cô bác, hỡi huynh đệ nghe đây, hãy làm chứng cho thảo dân này. Nô bộc đã thực hiện đúng  mệnh lệnh của quốc vương. Vậy thì quốc vương không còn lý do khép tội tru diệt nô bộc này nữa. Xin bà con dân chúng minh oan cho kẻ hèn này. Xin cảm ơn! Xin cảm ơn!

Cậu kêu lên ba lần như thế, rồi bơ vơ ngơ ngác chẳng biết về đâu, đành phải lững thững đi thẳng đến tu viện. Vâng, chỉ có các thầy, những người đã xả ly xan tham, lập hạnh giải thoát, mới giàu lòng lân mẫn cho cậu tá túc qua đêm.

Đêm đó nhà vua không sao ngủ được. Toàn thân như bị thiêu đốt bởi ngọn lửa dục vọng chiếm đoạt vợ người. Ác tâm vụt đến, oan nghiệt bùng lên, quốc vương quyết định sáng hôm sau hạ sát tên gia nô, mật đưa thiếu phụ về nơi cung điện.

Vì dục tình rạo rực, quốc vương không sao chợp mắt. Toàn thân nóng ran như lên cơn sốt. Miệng khô, đầu choáng, tai nghe vo vo như có muôn ngàn âm thanh đục khoét. Hoảng quá, nhà vua cho triệu đạo sĩ hoàng triều sáng hôm sau đến ngay để giải trình hiện tượng.

Vừa đặt tay lên trán quốc vương, đạo sĩ hỏi:

- Tâu hoàng thượng, hoàng thượng đã nghe những gì nào?

- Ôi, loạn xạ: ù ù... vo vo... xèo xèo..., nhức óc lắm! Hãy xem thử điềm gì?

Tối tăm mù mịt, chả biết nguyên do, nhưng nếu không có đôi lời bí hiểm theo kiểu chiêm tinh giải mộng  thì còn gì là thanh danh uy tín của bậc cố vấn đương triều về mặt siêu hình. Gã đạo sĩ Bà la môn tỏ vẻ đăm chiêu giây lát, rồi trịnh trọng nói:

- Muôn tâu hoàng thượng, xin hoàng thượng bình tĩnh, nguy kịch rồi! E rằng thọ mạng của hoàng thượng ...

- Sao?... Cứ nói thẳng, đừng ngần ngại!

- Dạ... vận số của hoàng thượng!...

- Không có cách nào thiên giải được sao?

- Dạ... khó quá!... À, còn một cách. Được rồi!... Tâu hoàng thượng.

- Cách gì? Ánh mắt quốc vương bỗng lóe sáng lên.

- Tâu hoàng thượng, chỉ còn cách tìm cho đủ các loài sinh vật như voi, ngựa, bò, dê, heo, cừu, gà, vịt; mỗi thứ 100 con, đặc biệt là 100 gái đồng trinh và100 trai tú lệ để dâng hiến thần linh. Chỉ còn cách đó là thọ mạng diên niên, phúc lộc nồng hậu cho hoàng thượng.

Suy nghĩ trong giây lát, quốc vương cả quyết nói:

- Được rồi! Ta phải cứu lấy mạng vị của ta với bất cứ giá nào.

Thế là từng toán gia đinh vâng lệnh đi tìm nhân mạng và súc vật mang về đầy vườn, tiếng gầm rú than khóc vang lên cả một góc trời.

Chợt nghe thấy cảnh ồn ào náo loạn, người vật ngổn ngang, hoàng hậu Ma-li-ka (Mallikà) đến gặp quốc vương, hỏi ra sự thể mới thấy rõ đầu óc cuồng tín  của bọn ẩn sĩ Bà la môn. Hoàng hậu trách khéo quốc vương:

- Hoàng thượng, quả thật thần thiếp không sao hiểu nổi! Đường đường là  một đấng minh quân, thống lãnh muôn dân, cai trị xã tắc, trí tuệ thần lực như vầng thái dương, vậy mà nỡ tin theo lời luận bàn nhảm nhí của bọn ẩn sĩ ngu muội đó sao?! Không thể bảo tồn thọ mạng của mình bằng cách hủy diệt sinh mệnh của kẻ khác. Hoàng thượng anh minh, hãy đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, bậc Đạo Sư của nhân thế, xin Ngài lời khuyên và làm theo lời Ngài.

Như khát được nước, như đói được cơm, quốc vương hớn hở theo hoàng hậu đến tu viện, đảnh lễ Thế Tôn, rồi cung kính đứng sang một bên.

Thế Tôn đáp lễ, hỏi:

- Quốc vương và hoàng hậu đến đột xuất thế này chắc có chuyện cần.

Thấy hoàng thượng đứng trân trân, hoàng hậu đỡ lời:

- Bạch Thế Tôn, chắc hoàng thượng còn bị ám ảnh bởi cái chết mà ẩn sĩ Bà la môn đã gán cho hoàng thượng.

Sau đó hoàng hậu kể hết mọi chuyện xảy ra ở hoàng cung, nhất là việc hiến tế sinh mạng cho thần linh để cầu trường thọ, và việc tai vua bị khuấy động bởi những âm thanh quái dị.

Nghe qua, Thế Tôn im lặng trong giây lát, đoạn Ngài mỉm cười, nói:

- Đại vương, không thể hủy diệt một sinh mạng hay nhiều sinh mạng để có được một sinh mạng. Mọi hiện tượng trên đời đều có mối quan hệ nhân quả và hữu cơ với nhau. Những âm thanh loạn động trong tai đại vương chính là thanh sắc đau thương của kẻ đã gây nhiều lầm lỗi. Đại vương không chết. Hãy bảo trọng long thể!

- Bạch Thế Tôn, họ đã làm gì mà sanh ra những âm thanh quằn quại như thế?

- Vậy thì hãy lắng nghe, đại vương và hoàng hậu.

*      *

Từ thuở xa xưa, cách đây hai vạn năm, có Đức Thế Tôn Ca Diếp (Kassapa) ra đời. Ngài thường cùng với hai vạn Sa môn đã đoạn trừ kiết sử vân du giáo hóa chúng sanh tại thành Ba La Nại. Dân chúng ở đây hiền hòa và rất tín tâm Tam bảo. Họ thường liên kết với nhau thành từng nhóm năm ba người, đem y phục lễ vật cúng dường thánh chúng. Bấy giờ có bốn thương gia trong thành giàu sang phú quý đến nỗi không biết phải chi tiêu tiền bạc thế nào cho bỏ thuở hàn vi. Một hôm, nhân lúc thù tạc cao hứng, một người gợi ý:

- Này, các bạn, chúng ta có chút duyên lành, làm ăn tương đối phát đạt; nôm na là... nhìn lên cũng chẳng hơn ai, đến khi nhìn xuống chẳng ai bằng mình. Để tình thâm giao càng thêm bền chặt, ruộng phước bốn mùa kết trái đơm bông, xin  đề nghị rằng chúng ta nên cùng nhau dành mỗi tháng một ít tiền hay phẩm vật cúng dường Thế Tôn và đại chúng, những người đã đoạn trừ tham dục, tình nguyện suốt đời kham khổ tu hành. Quý huynh thấy thế nào?

- Anh sao, mệt quá! .- Một người lên tiếng. Khéo lo con bò trắng răng. Mũi ai nấy thở. Có làm thì mới có ăn, không dưng ai dễ mang phần đến cho. Đó là lẽ công bình trong trời đất. Lao động vất vả thì được nếm mùi tự do. Nào, dzô!...

- Đúng rồi! .- Người thứ ba phát biểu. Dại gì làm tôi mọi cho ai. Một cắc một xu không phải là tiền, không phải là mồ hôi nước mắt, không phải là thành quả của tính toán tư duy! Còn khuya mới bố thí cúng dường. Gạo thơm nếp dẻo chỉ dành cho những ai nỗ lực với đời.

- Chí lí! người thứ tư tiếp. Các cậu thấy đấy, của cải không phải tự dưng mà có. Chúng ta đã phải đổ mồ hôi sôi nước mắt mới được ngày hôm nay. Hưởng thụ là hợp lý. Còn việc người ta, dại gì bận tâm cho khổ.

Từ đó về sau, họ đua nhau lên mặt, vung vít tiền bạc qua các thanh lâu tửu điếm. Họ đã vung tay phá vỡ biết bao gia đạo ấm êm. Chỉ vì đam mê sắc dục mà họ đã vong ân bội nghĩa với gia đình, tổ tiên và xã hội; để rồi cuối cùng, thân tàn lực kiệt, dật dờ phiêu bạt như  khúc gỗ mục lăn lóc ra khơi. Họ đã bị đọa vào địa ngục A tỳ sau khi chết, và chịu nhiều ngục hình thống khổ triền miên.

Xúc động trước lời pháp thoại của Đức Thế Tôn, quốc vương thầm nghĩ:

- Tà tâm tà hạnh quả thật là trọng tội. Chỉ vì một chút ham mê dục lạc, cướp đoạt vợ người mà đầu óc ta đâm ra đen tối, bức bách trong lòng đến nỗi cả đêm không sao chợp mắt. Từ nay về sau ta phải tu tỉnh thế nào để xứng đáng là một Phật tử trung kiên, một quốc vương trí tuệ, uy dũng và nhân đức.

Đoạn quốc vương chấp tay xá Đức Thế Tôn và thưa rằng:

- Bạch Thế Tôn, từ lúc cha sanh mẹ đẻ đến nay con mới biết thế nào là đêm dài. Bấy giờ, cậu gia nhân suýt bị thiệt mạng đang đứng bên cạnh quốc vương, nghe lời tâm sự của người mà thấy lòng mình se lại, bèn sụp lạy Đức Thế Tôn, mếu máo thưa:

- Bạch Thế Tôn, hôm nay quốc vương hiểu rõ thế nào là đêm dài. Hôm qua bản thân con cũng chiêm nghiệm được thế nào là đoạn đường thiên lý.

Kết hợp hai ý, Thế Tôn mỉm cười, nói:

Quốc vương thấy đêm dài,

Anh này thấy đường xa,

Tâm trí thường dao động,

Biết bao giờ tỉnh ra.

 Và Ngài đọc kệ:

Mất ngủ thấy đêm dài,

Mệt nhoài thấy đường xa,

Kẻ ngu luân hồi mãi,

Chánh pháp biết đâu là!

(PC. 60)

Quốc vương liếc nhìn hoàng hậu ra hiệu đảnh lễ Đức Thế Tôn, rồi cả hai cáo từ Ngài, trở về hoàng cung trả tự do cho người và vật đã bị bắt giữ. Súc vật thì tung hứng chạy nhảy, còn đám nam nữ thanh niên thì trương cổ hò reo, đấm tay lên trời hô lớn: “Hoàng hậu Ma-li-ka muôn năm! Hoàng hậu Ma-li-ka muôn năm! Nhờ ân đức của người mà chúng con được tha mạng!”

Tối hôm đó, sau giờ tịnh niệm, đại chúng ngồi lại trong chánh điện, phiếm luận sự việc đã diễn ra trong ngày. Họ bảo Ma-li-ka là một Phật tử thâm tín Tam bảo, nhờ đức hạnh và trí tuệ của hoàng hậu mà bao nhiêu mạng sống khỏi bị chết oan. Đức Thế Tôn, nghe các thầy nhỏ to góp ý trong chánh điện, từ thiền thất vào ngồi ngay giữa pháp tòa, tươi cười hỏi:

- Các thầy chưa về phòng nghỉ sao? Có gì mà trịnh trọng thế?

- Bạch Thế Tôn, Thượng tọa quản chúng thưa, chính nhờ đức đại từ bi năng hỷ xả của hoàng hậu Ma-li-ka mà bao nhiêu sinh mạng kia còn hít thở được khí trời. Hy hữu thay!

- Này các thầy Tỳ kheo, Phật tử chân chính thì lúc nào cũng trải rộng tình thương và tôn trọng sự sống. Ma-li-ka khéo léo vận dụng đức hạnh và trí tuệ nên đã cứu được vô số sinh mạng trong quá khứ cũng như trong hiện tại. Từ bi và trí tuệ là nền tảng vững mạnh của đạo nghiệp ta đó.

- A Di Đà Phật. Đại chúng chấp tay xá Thế Tôn, rồi cùng theo Ngài về phòng riêng ngủ nghỉ.

 

--- o0o ---