Phần 12

11 Tháng Giêng 20173:21 CH(Xem: 2820)
Phần 12
Từng giọt  nắng hồng
 
Tịnh Minh soạn dịch  
--- o0o ---
Phần 12

CHỈ VÌ LÁ CỎ BỜ MƯƠNG

   MÀ GIEO KHỔ LỤY ĐOẠN TRƯỜNG CHO NHAU

Truyện kể rằng thuở xưa có những thiện nam tín nữ giàu lòng nhân ái, tích thiện tu tâm, chung nhau công sức dựng một thảo am trên bờ sông gần thành Ba La Nại cho một vị Phật Độc-giác an trú tu hành. Như thường lệ, sáng nào Đức Phật cũng vào thành hóa duyên, khất thực; còn dân chúng thì rất mực thuần thành, thường mang hương hoa lễ vật đến thảo am cúng dường Ngài. Một hôm, có một nông phu đang cày ruộng nhìn thấy dân chúng nô nức đi thành từng đoàn qua cánh đồng đến thảo am. Sợ bờ mương bị sạt lở, hoa màu bị hư  hoại, ông lên tiếng cảnh báo:

- Các người hân hoan trong lòng mà không thấy kẻ khác âm thầm đau khổ. Ruộng nương đang vào vụ mùa, lúa nếp sắp lên nay mai; quý vị sáng chiều đi rầm rập như trẩy hội thế này thì đường sá đê điều nào chịu nổi. Xin bà con cô bác đi ngõ khác giùm cho!

- Đến chùa lễ Phật cầu kinh là đi trẩy hội chứ gì nữa! Hôm nào đi với chúng cháu một chuyến thì bác sẽ thấy thế nào là trời xanh mây trắng nắng vàng, lung linh cánh bướm nhịp nhàng đài hoa.- Một thiếu nữ lanh trí ví von.

- Ở đây không có thời giờ thơ thẩn đấy nhé! .- Bác nông phu hơi nặng giọng.

- Đường sá ta cứ đi, ruộng ai người ấy cày, đúng chưa? .- Một thanh niên ra vẻ lý luận.

Và thế là ngày ngày trên bờ ruộng vẫn có người đi thành hàng dài đến thảo am. Bực tức vì thấy lời cảnh báo của mình không có hiệu lực, lão nông phu một hôm  nảy sanh ác kế trong tâm và lầm bầm ra miệng:

- Rồi bọn bay sẽ biết, vỏ quít dày có móng tay nhọn! Giai do cái thảo am và lão sư cụ đó! Ngày nào còn thảo am, ngày ấy ruộng nương còn bị sạt lở. Đốt quách nó đi là xong chuyện!

Yêu kế đã quyết, chờ dịp ra tay. Một hôm, thừa cơ Đức Phật độc giác vào thành khất thực, lão nông phu xông đến thảo am, đập nát tất cả những bát lọ sành sứ dùng để đựng đồ ăn thức uống, và vung tay phóng hỏa đốt rụi thảo am không chút ân hận.

Khi khất thực về, thấy thảo am bỗng nhiên biến thành một đống tro tàn lạnh lẽo, Đức Phật mỉm cười, vẫy tay từ giã trú xứ thân thương, tiếp tục lên đường tuyên dương đạo nghiệp.

Chiều hôm đó, như thường lệ, các Phật tử đem hoa quả dầu mè đến thảo am lễ Phật cúng dường, thấy cảnh vật tiêu điều, tro than rơi vãi, họ đưa mắt nhìn nhau, ngạc nhiên hỏi:

- Tại sao thế này? Tôn sư của chúng ta đâu? Kẻ nào manh tâm phá hủy chùa chiền, hãm hại sư trưởng, kẻ ấy sẽ bị điêu linh thống khổ, vĩnh kiếp đọa đày.

- Ta đó! Lão nông phu đứng trong đám đông, dõng dạc lên tiếng. Các ngươi xem thường lời cảnh báo của ta, khinh ta quê mùa dốt nát, không có cách đối trị với các ngươi hả, các ngươi dám làm gì ta nào?

Chẳng nói chẳng rằng, đám đông xông tới vây kín lão nông phu; kẻ đấm người đá, dần lão một trận chí tử, và tất nhiên là lão gục chết trên vũng máu oan khiên.

Lão bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu nhiều thống khổ lâu dài; nay lại đầu thai làm quỷ mãn xà trên đỉnh kền kền, thật là khổ đau khốn kiếp!

Sau khi kể xong truyện tiền thân của một lão nông phu gây ác nghiệp, Thế Tôn nói:

- Này các thầy Tỳ kheo, ác nghiệp giống như sữa vậy. Ác nghiệp chưa đơm hoa kết trái, hay chưa đổi sắc chín muồi, cũng giống như sữa chưa rót vào bình lọ, hay chưa kết tủa đông dần. Một khi ác nghiệp đến, khổ đau liền hoành hành.

Ngài đọc kệ:

Ác nghiệp chưa kết trái, 

Như sữa chưa đông ngay,

Nung đốt kẻ ngu này,

Tựa lửa phủ tro vậy.

(PC. 71)


 

NGÓN NGHỀ RÈN LUYỆN TINH THÔNG

VẬN HÀNH CHỆCH HƯỚNG TAN THÂN NÁT ĐỜI

Thuở xưa, tại thành Ba La Nại, có một thanh niên khuyết tật, bị teo một chân, đi đứng không vững, nhưng có tài ném đá và tạo hình bằng lá cây nên được mọi người mến tài, đặt cho biệt hiệu là Thiện Xảo. Cậu thường ngồi tại cổng thành, dưới một gốc cây đa cổ thụ, ném đá biểu diễn và cắt tỉa hình dạng súc vật. Trẻ em trong thành thường vây quanh cậu, nhờ cậu làm cho chúng những con thú rừng như voi, cọp, sư tử, gấu, khỉ v.v... với nhiều tư thế uyển chuyển, kỳ dị, bằng những chiếc lá đầy tạp sắc và lắm kích cỡ dễ thương. Để đáp lại tài năng và lòng hào hiệp của cậu, các em thay phiên mang thực phẩm và bánh kẹo đến cho cậu.

Một hôm, trên đường ngoạn cảnh đến lạc viên, quốc vương đi ngang qua nơi hành nghề của cậu. Các em thấy ngựa xe rầm rập từ xa đi tới, chúng vội đỡ cậu thanh niên bất hạnh nhưng tài hoa vào sau gốc cây đa, đẩy cậu vào giữa những chùm rễ tua tủa, kín mít, rồi vọt chạy tứ phương. Bấy giờ mặt trời đã lên cao, khí hậu oai bức, nhất là thấy cây đa khổng lồ, cành lá sum suê, quốc vương cho dừng xe hóng mát dưới tàng cây. Bỗng thấy ánh nắng cứ nhấp nhô trước mặt, quốc vương nhìn lên và thấy nhiều hình dạng thú rừng được cắt tỉa tài tình bằng lá cây đa và được máng trên các cành lõa xõa bên dưới. Nhà vua thích thú ngắm nhìn những con thú lá cây đang tung tăng nhảy múa trong gió, và hỏi:

- Những tác phẩm này của ai?

- Tâu quốc vương, một thái giám thưa, nghe nói đây là thú tiêu khiển của một thanh niên bị bại liệt một chân, nhưng có tài ném đá và tạc hình bằng lá cây nên được quần chúng phong cho mỹ hiệu là Thiện Xảo.

- Hãy tìm cậu  ấy cho ta. Chân bị bại liệt nhưng tay thì tuyệt vời; âu cũng là lẽ công bình của trời đất! .- Quốc vương đưa tay vê vê mấy sợi ria mép, trầm giọng nói.

Sáng hôm sau, cậu thanh niên bại liệt được đưa đến hoàng triều, diện kiến quốc vương. Thấy cậu đứng co ro một chân, còn chân kia thì cụt ngủn và khẳng khiu như một que củi, quốc vương động lòng, cho miễn lễ, và hỏi:

- Ngươi tuy bất túc nhưng có biệt tài, đó là luật bù trừ trong vũ trụ. Ta có một đạo sĩ chuyên việc lễ nghi hoàng triều, nhưng hắn có tật lắm lời. Mỗi khi vào đề là hắn nói liên tu bất tận, không cho ai mở miệng mở mồm. Bực mình quá! Ta muốn mỗi khi hắn há miệng là ngươi ném vào đó một cục phân dê. Liệu làm được không?â

- Tâu bệ hạ, tiện nhi làm được.

- Bằng cách nào?

- Tâu bệ hạ, cho phép con gợi ý.

- Tự nhiên!

- Bệ hạ ngồi sau tấm màn, đối diện với đạo sĩ khi tiếp chuyện. Con sẽ dùng mũi dao nhọn khoét một lỗ tròn nho nhỏ trên tấm màn, thế là xong.

Trưa hôm đó, quốc vương thực hiện kế hoạch, và cứ mỗi khi đạo sĩ há miệng là một cục phân dê bay vô mồm. Đến khi bao phân đã hết mà đạo sĩ vẫn còn hưng phấn thao thao. Thiện Xảo kéo vẹt tấm màn, ngầm báo việc đã xong. Quốc vương nghiêm giọng, nói:

- Đạo sĩ, mỗi khi khải tấu điều gì, khanh nói ào ào như mưa gió; quên mất binh gia quân pháp, lễ giáo vương triều. Sợ bị cướp lời hả? Khanh nói hăng say đến nỗi nuốt hết một bao phân dê mà còn muốn nuốt thêm một bao nữa!

Giật mình như bị sét đánh, vị đạo sĩ Bà la môn cúi đầu im lặng, và từ đó về sau không dám hé môi trước mặt quốc vương.

Để tưởng thưởng tài năng điêu luyện, mấy hôm sau quốc vương cho triệu cậu thanh niên khuyết tật đến hoàng cung, khen rằng:

- Nhờ khanh mà ta có được tâm hồn yên tĩnh, đầu óc thảnh thơi.

Đoạn quốc vương ra khẩu lệnh ban cho cậu thanh niên bất túc kia tám mâm vàng bạc châu báu và bốn ngôi làng trù phú ở bốn hướng đông tây nam bắc của kinh thành. Một cận thần nghe tin đột xuất như thế bèn tức cảnh sinh tình:

Cho hay tiểu xảo riêng tư,

Mà ra bửu bối giúp người lừng danh.

Xả thân xây đắp kinh thành,

Chập chờn phước họa rắp ranh công hầu!

 

*

*      *

Bấy giờ có một người đàn ông đứng tuổi, khỏe mạnh, chân tay đầy đủ nhưng lam lũ quanh năm, nhất là đôi vai u lên, cứng ngắc nên được mệnh danh là Mã Kiên. Thấy cậu què nhờ chút tài vặt mà được nên danh nên phận, bổng lộc triều đình, thoát ly nghèo khổ. Đúng là tàn nhưng chưa phế. Hy vọng vận may sẽ mỉm cười với số phận hẩm hiu của mình, ông đến gặp Thiện Xảo, tha thiết xin học nghề:

- Thưa thầy, tôi chừng này tuổi mà chưa có nghề ngỗng gì cả; gánh thuê vác mướn quanh năm, chai vai mòn gót mà vẫn khố rách áo ôm. Thầy ơi!... Cái nghèo bóp chết đời tôi, mấy ai ngó bọn da mồi tóc sương! Xin thầy thương tình truyền cho tôi đôi chút tài nghệ của thầy.

- Mô Phật!... Cháu có nghề nghiệp gì đâu mà truyền. Chú mỉa mai cháu hả!

- Không dám!... Tôi nói thật mà. Cái tài ném đá và cắt tỉa lá cây của thầy đã nổi tiếng khắp kinh thành, quốc vương còn phải khâm phục. Xin thầy!...

- Chú đừng nói vậy tổn thọ cho cháu tội nghiệp. Cháu hay ba hoa khoác lác với đám con nít cho vui ấy mà!

Để bày tỏ thiện chí học nghề, Mã Kiên sụp lạy Thiện Xảo ba lạy, tình nguyện chiều tối nào cũng xoa bóp tay chân và xách nước cho Thiện Xảo tắm.

Sau một thời gian, thấy Mã Kiên thật tình hiếu học, Thiện Xảo cảm kích, bung tay truyền hết tài nghệ của mình.

Một hôm, để hiểu ý nguyện của Mã Kiên, con người vai u cổ nám ấy lại có một tâm hồn chân thành, trung tín, không nệ tuổi tác, cần mẫn học hành, Thiện Xảo hỏi:

- Chú Mã Kiên, nay thì chú đã có được tất cả những gì mà chú mong muốn. Bây giờ chú định làm gì nào?

- Trước hết, xin cảm ơn thầy đã tận tình dạy dỗ. Mã Kiên sẽ biểu diễn nghệ thuật trước công chúng.

- Bằng cách nào?

- Bằng cách ném viên sỏi trúng ngay huyệt đạo tử vong của một con bò hay một người đi đường.

- Trời đất!... Chú muốn chết cả lũ hả? Chú muốn bị phạt một trăm quan tiền? Nhất là động đến cha mẹ, vợ chồng, con cái của người ta. Tù rục xương đấy chú nhé!

- Thế à!... Vậy tôi sẽ liệu cách, miễn sao thoát ly nghèo đói, nổi tiếng với đời.

- Nổi tiếng và khét tiếng khác nhau xa lắm đó nghe chú!

- Xin cảm ơn!... Xin cảm ơn!...

Mã Kiên sau đó bọc một túi đá cuội, hăng hái ra đường tìm kiếm mục tiêu.

Đầu tiên ông gặp một con bò cái đang lững thững đi trên lề đường. Ông vừa đưa tay vô túi bốc viên sỏi thì một ý nghĩ vụt đến: “Không được! Thế nào nó cũng có bạn trai”. Rồi ông gặp một cậu bé tay bế con gà tre. Máu nghề nghiệp lại rần rần rọ rạy, nhưng ông kịp phản tỉnh: “Ấy chết, nó có cha có mẹ!” . Sau cùng, vừa thấy Xu-nét-ta (Sunetta), Đức Phật độc giác, đang từ một thảo am bốn bề gió lộng vào thành khất thực, ông chợt nghĩ: “Người này hẳn là... không mẹ không cha, không ông không bà, không cháu không con. Tội tình gì mà sợ. Chơi một phát xem sao!”. Thế là ông cầm viên sỏi nhắm lỗ tai phải của Xu-nét-ta búng mạnh một cái, Ngài rùng mình, và thấy lỗ tai trái có vài giọt máu rịn ra.Viên sỏi đã phóng đi như một mũi tên xuyên thủng hai mặt trống. Đau quá, Xu-nét-ta ngưng khất thực, nhứt niệm thiền hành quay về thảo am, và nhập niết bàn tức khắc.

Ngày hôm sau, không thấy Xu-nét-ta vào thành, dân chúng thắc mắc: “Hẳn là đã có việc chẳng lành với ngài khất sĩ rồi!” . Họ kéo nhau đến thảo am và thấy Xu-nét-ta đã viên tịch. Ai ai cũng ngậm ngùi thương tiếc, che mặt khóc thầm. Riêng Mã Kiên, người đã trà trộn theo đám đông đến đó, thì hãnh diện khoe rằng:

- Đích thị rồi!... Một phát là trúng ngay. Tài nghệ của ta như thế thì an tâm,  nhứt định sẽ nổi tiếng, thật xứng đáng với công phu rèn luyện.

- Ông nói gì cơ? .- Một bô lão hỏi Mã Kiên.

- Hôm qua thấy sư này ngang qua cổng thành, tôi búng viên sỏi thử tài một chút,  không ngờ kết quả mỹ mãn. Tài nghệ của tôi đúng là đã đến hồi điêu luyện.

- Bà con ơi! .- Một thanh niên quát lên. Chính tên này đã ám sát Xu-nét-ta. Hãy bắt nó lại! Gô nó lại!

Thế là Mã Kiên bị một trận đòn thâm da tím mặt và chết trong tủi nhục. Hắn bị đọa vào địa ngục A tỳ, chịu nhiều thống khổ. Đến khi thoát kiếp thì lại làm ma búa tạ trên đỉnh kền kền.

Dừng lại trong giây lát, Thế Tôn mỉm cười, nhìn đại chúng, hỏi:

- Các thầy có đoán ra Đức Phật độc giác Xu-nét-ta kia là ai không? Một tiền kiếp của ta đó!

- A Di Đà Phật.- Đại chúng chấp tay xá.

Đoạn Ngài tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, nếu người tâm lượng hẹp hòi, đầu óc nông cạn, mà trong tay có chút quyền lực hay tiểu xảo thì dễ sanh sự, bất lợi; trước nhất là tự chuốc lấy thảm hại cho chính mình.

Ngài đọc kệ:

Kiến thức và danh vọng,

Trở lại hại kẻ ngu,

Tiêu diệt ngay vận tốt,

Bửa nốt cả đầu ngu.

(PC. 72)


 

GIẢO NGÔN TẬT ĐỐ CHƯA PHAI

BAO NĂM KHỔ HẠNH CŨNG HOÀI CÔNG PHU

Thuở nọ có một gia chủ, tục danh Tâm Ý (Citta), cư ngụ tại thành Ma-chi-ka-xan-đa (Macchikàsanda), thấy Trưởng lão Đại Danh (Mahànàma) đang thiền hành khất thực với phong thái uy nghi từ tốn, khoáng đạt thanh cao; ông bèn sanh tâm hoan hỷ, cung kính đảnh lễ, xin ôm y bát, rồi thỉnh Trưởng lão về nhà cúng dường nhiều thực phẩm và lễ vật sang trọng.

Sau thời ngọ trai, ông được Trưởng lão ban cho một thời pháp thoại với tựa đề “Lục độ ba la mật”, tức là sáu đại hạnh siêu việt, kiên cố của Bồ tát hóa thân, gồm có: bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, vàtrí tuệ. Ba la mật, theo Hán ngữ, là “đáo bỉ ngạn”, nghĩa là qua bờ bên kia: bờ tự do giải thoát; còn bờ bên này (thử ngạn): bờ sanh tử khổ đau. Bố thí ba la mật là thể hiện hạnh nguyện vượt tầm đối đãi, ngôn ngữ thiền môn gọi là “tam luân không tịch”, tức là chủ bố thí, khách tiếp nhận, và vật dụng trao tặng đều ở trạng thái tịch tịnh tuyệt đối, không còn khái niệm ta và người, năng và sở, chủ thể và đối tượng; tất cả đều vận hành theo một trật tự dung thông và bình đẳng. Nhờ tín tâm sâu sắc, thiện nghiệp lâu đời, Tâm Ý đã nương theo pháp thoại và chứng quả Tu đà hoàn. Để thể hiện duyên lành hy hữu, Tâm Ý phát nguyện hiến cúng khu lạc viên Am-ba-ta-ka (Ambàtaka) làm nơi trú xứ cho Tăng đoàn bằng cách, theo tập tục,  rót nước vào lòng bàn tay phải của Trưởng lão để minh chứng rằng khu vườn từ nay thuộc quyền sở hữu của Giáo hội, và trịnh trọng tuyên bố: “ Đạo Phật đã được thiết lập vững mạnh” . Sau đó, một đại thí chủ cũng phát tâm xây dựng một tu viện khang trang, rộng rãi ngay giữa lạc viên, và thế là những cánh cửa thiền môn từ từ mở ra, những nếp y vàng dần dần tụ lại, họp thành một cộng đồng thanh tịnh trang nghiêm dưới sự hướng dẫn của Trưởng lão Tịnh Pháp (Sudhamma).

Một thời gian sau, hai Cao đệ quản chúng của Thế Tôn, nghe thanh danh và đức hạnh của Phật tử Tâm Ý, quyết định đến Ma-chi-ka-xan-đa để diện kiến dung nhan và tỏ lòng kính trọng thí chủ. Tâm Ý được tin, đích thân ra xa nửa dặm nghinh đón, đưa họ về chùa, thiết lễ trai tăng cúng dường, rồi được dịp nghe pháp, và chứng quả Tư đà hàm. Sau đó, Tâm Ý cung thỉnh hai Trưởng lão với một ngàn đồ chúng đến nhà thọ trai vào ngày hôm sau. Đoạn ông quay sang thưa với Sư trưởng Tịnh Pháp:

- Nhân thể kính mời Trưởng lão ngày mai đến nhà con thọ trai với các Sa môn.

Bực tức vì thấy mình được mời sau cùng, Sư trưởng Tịnh Pháp im lặng, ra vẻ  không quan tâm đến lời mời.

Tâm Ý cung kính mời hai ba lần mà sư Tịnh Pháp vẫn phớt lờ, lạnh nhạt.

Hôm sau, Tâm Ý chuẩn bị lễ trai tăng rất trang trọng. Và ngay từ lúc sáng sớm,  Tịnh Pháp đã tự nhủ:

- Ta sẽ đến xem coi Tâm Ý thiết lễ thế nào, cúng kiếng những gì cho các Sa môn đó.

Thế là mới tờ mờ sáng, Tịnh Pháp đã y bát chỉnh tề, trực chỉ đến nhà Tâm Ý.

Thấy sư vào mà chả ngó ngàng gì đến ai, Tâm Ý chấp tay vái chào, thưa:

- Xin mời Trưởng lão ngồi.

- Không dám!... Sư đáp với thái độ lạnh lùng như băng giá. Ta đâu được cái hân hạnh đó. Tiện đường hóa duyên, ghé xem tí thôi!

Nhưng thấy nhiều phẩm vật đặc sắc đã được bày biện để cúng dường nhị vị Cao tăng, Tịnh Pháp thấy ngứa mắt, buột miệng nói:

- Thí chủ, phẩm vật cao sang, hương vị tuyệt vời, nhưng còn thiếu một món!

- Món chi? Xin Trưởng lão từ bi chỉ giáo.

- Món bánh mè. Thiếu bánh mè thì ra be bét!

Tâm Ý im lặng, nhưng trong lòng thấy Tịnh Pháp và bóng dáng của loài quạ diều chẳng khác là bao!

Vừa sượng, vừa tức, Tịnh Pháp vụt buông lời vô duyên, ngớ ngẩn:

- Phải rồi!... Đây là nhà của thí chủ, đang cầu tài cầu lộc, chứ đâu phải chùa chiền gì của mình mà dám luận bàn, góp ý. Ta đi thôi!

Nghĩ tình thân cận bao năm, Tâm Ý tha thiết mời Sư trưởng Tịnh Pháp ở lại thọ trai với Tăng đoàn, nhưng sư một mực từ chối. Tập khí đố kỵ tự nhiên thúc giục nhà sư hối hả ra đi .

Ra khỏi nhà Tâm Ý, Tịnh Pháp xăm xăm đến Kỳ Viên, đảnh lễ Thế Tôn và thuật lại mọi diễn biến đã xảy ra. Thế Tôn nói:

- Tịnh Pháp, thầy xuất gia tu học đã lâu mà tâm trí còn vướng kẹt vậy sao! Thầy hiểu hai từ “nội kết” và “kiết sử” thế nào, giảng tôi nghe xem.

Thấy Tịnh Pháp cúi mặt bẽn lẽn, Thế Tôn tiếp:

- Nội kết, nói nôm na, là “táo bón”, những thứ cặn bã cô kết trong lòng. Mà đã “táo bón” thì ruột gan ray rứt lắm, phải vậy không? Còn kiết sử? Kiết là trói buộc. Sử là dẫn dắt. Thầy đã bị nội kết dày vò, kiết sử lôi kéo như thế là vì thiếu chánh niệm và tỉnh giác. Thôi, hãy chiêm nghiệm! Hãy phản tỉnh! Tốt hơn là thầy nên trở lại gặp và xin lỗi thí chủ Tâm Ý.

Theo lời Thế Tôn, Sư trưởng Tịnh Pháp trở lại gặp thí chủ, tỏ vẻ ân hân, nói:

- Tâm Ý ơi!... Những gì diễn ra quả thật là ngoài ý muốn của chúng ta. Xin Tâm Ý hỷ xả để cho tình đạo bạn  được ngày thêm bền vững nhé!

Tâm Ý im lặng, lạnh lùng xách thùng đi lấy nước tưới hoa.

Thấy thiện chí của mình bị xúc phạm, Tịnh Pháp buồn bực, về thuật lại sự thể với Thế Tôn, và được Thế Tôn khuyên nên trở lại xin lỗi Tâm Ý một lần nữa. Ngài thấy rõ mục tiêu của Tâm Ý là muốn chiết phục tính kiêu căng ngạo mạn của vị Sa môn này.

Nhưng trước khi Trưởng lão Tịnh Pháp cáo từ với một tân Sa môn được Thế Tôn cho phép tháp tùng, Ngài có đôi lời huấn thị:

- Này Tịnh Pháp, khi các thầy từ giã gia đình, theo ta tu tập, là các thầy đã tự nguyện suốt đời vô sản, khất thực hóa duyên; nhờ lòng hảo tâm của bá tánh thập phương mà duy trì thọ mạng, phát huy đạo nghiệp; vậy thì các thầy còn lý do gì để mà khởi tâm kiêu hãnh. Muốn thoát khỏi ngôi nhà thế tục, ngôi nhà phiền não, ngôi nhà nổi trôi trong ba cõi: dục giới, sắc giới và vô sắc giới, thì trước tiên phải bẻ gãy ngọn cờ kiêu mạn. Kiêu căng ngạo mạn là thành lũy chông gai, bít lấp lộ trình dẫn đến thánh đạo. Kiêu căng chớm khởi, ác nghiệp bùng lên. Người xuất gia học đạo, tu hạnh thanh bần thì phải luôn luôn hàng phục tập khí kiêu căng, chủ quan định kiến. Đừng bao giờ có ý nghĩ đây là chùa ta, trú xứ của ta, môn đệ của ta, thiện nam tín nữ của ta. Ta là trong sạch cao cả, ta là trưởng lão cao niên. Vì sao? - Vì một khi khởi lên khái niệm như thế thì trần lao phiền não ùn ùn kéo tới, nhận chìm thiện duyên công đức, che khuất thánh trí thần quang. Thầy đã nhận ra yếu chỉ của Như Lai và thiện niệm của Tâm Ý rồi chứ, Tịnh Pháp?

- A Di Đà Phật.- Tịnh Pháp đứng lên đảnh lễ Thế Tôn với hai khóe mắt đỏ rần.

Im lặng trong giây lát, đoạn Thế Tôn mỉm cười, gật đầu và đọc kệ:

Kẻ ngu ham danh hão,

Khoái ngồi trước Sa môn,

Ưa quyền trong tu viện,

Thích mọi người suy tôn.

 

Hãy để Tăng và tục,

Cho rằng: “Việc ta làm,

Mặc dù lớn hay nhỏ,

Đều phải theo ý ta”.

Kẻ ngu ôm khát vọng,

Dục mạn lớn dần ra.

(PC. 73, 74)   

 

 

 

 

CHÍ TÂM PHÁT NGUYỆN, CẢM ỨNG MƯỜI PHƯƠNG

TỊCH TỊNH TRANG NGHIÊM, THÀNH TỰU THÁNH ĐẠO

Truyện kể rằng tại Vương Xá có một tín đồ Bà la môn, húy Đại Trác (Mahàsena), cha của Trưởng lão Xá Lợi Phất. Một hôm, trên đường khất thực, Trưởng lão chợt nghĩ đến cảnh cơ hàn của cha mình mà bùi ngùi thương cảm, hai tay ôm bát theo nhịp bước thiền hành, thẳng đến trước nhà lúc nào không hay. Thoáng nhìn thấy con, Đại Trác bối rối, thầm nghĩ: “Thương quá!... Lấy gì bố thí cúng dường. Con ơi, chỉ có trời mới hiểu được cảnh khốn khó của cha”. Ông đảo mắt nhìn căn nhà trống trơn, rồi lách mình ra vườn sau giấu mặt.

Mấy hôm sau, nhân khóa lễ cầu kinh Bà la môn, ông nhận được một tô cháo trắng với một khúc vải thô, thế là ông liền nghĩ đến nếp sinh hoạt phạm hạnh thanh bần của người con. Và kỳ diệu thay, chính lúc đó Trưởng lão đang nhập định nhưng cũng bắt gặp ngay thiện niệm của phụ thân. Sau khi xả thiền, Xá Lợi Phất khoác y, ôm bát, trực chỉ đến trước cửa nhà của thí chủ. Vừa thấy Trưởng lão, Đại Trác lòng vui phơi phới, vội chạy ra đưa Trưởng lão vào nhà ngồi nghỉ, đoạn ông đích thân bê tô cháo đến trước Trưởng lão, nói rằng:

- Mong Trưởng lão nhận nơi đây lòng quý trọng và thương yêu vô hạn.

- Thiện tai!... Thiện tai!...

Xá Lợi Phất chỉ nhận nửa phần cháo, rồi sè tay che bát ra hiệu nhường phần còn lại cho phụ thân.

- Xin Trưởng lão độ hết, và cầu nguyện cho ta kiếp sau đuợc an lành hạnh phúc.

Đại Trác sớt hết cháo vào bình bát. Trưởng lão im lặng, chú nguyện và thọ thực ngay tại chỗ.

Sau đó thí chủ hai tay nâng khúc vải lên, phát nguyện:

- Trưởng lão, ước gì mai kia ta cũng ngộ đạt chân lý như Trưởng lão.

- Hẳn là như vậy, này thí chủ Bà la môn.

Trưởng lão đứng lên, ngỏ lời hồi hướng công đức và trở về Kỳ Viên.

Đại Trác tiễn Trưởng lão ra sân mà đầu óc cứ lâng lâng như đi trên mây gió. Đúng là:

Thấy con đạo nghiệp vuông tròn,

Đời cha dù có héo hon cũng đành.

Ít lâu sau, Đại Trác qua đời, thác sanh vào gia đình của một cặp vợ chồng Phật tử thuần thành, hết lòng cung kính và hỗ trợ Trưởng lão Xá Lợi Phất đang an trú tại Xá Vệ. Từ lúc cấn thai, người vợ đã phát tâm rằng, đến thời khai hoa nở nhụy, nàng sẽ cung thỉnh Trưởng lão và năm trăm Sa môn đến nhà thọ lễ trai tăng và đặt tên cho cháu. Biết rõ thiện nguyện của vợ, người chồng rất mực hân hoan, chăm sóc từng miếng ăn giấc ngủ cho mẹ con thai nhi để được ngày ngày an vui, tăng trưởng.

Và rồi, sau chín tháng cưu mang, ôm ấp hoài vọng, nàng đã hạ sanh được một bé trai bụ bẫm vào một sớm mai trời thanh gió mát.

Để ước nguyện được thành tựu viên mãn, sau tuần sanh nở, hai vợ chồng thiết lễ trai tăng nhằm ngày trăng tròn. Và, cũng nhân dịp này, Trưởng lão được thí chủ cung thỉnh đặt tên cho em bé. Nhưng kỳ lạ thay, Trưởng lão vừa khởi tâm chú nguyện thì hài nhi liền đưa hai tay lên khỏi tấm chăn bông, ọ ẹ vài tiếng rồi cất lời trịnh trọng:

- Đây là đạo sư trước kia của ta. Nhờ Ngài mà ta có được cảnh huy hoàng rực rỡ hôm nay. Xin đảnh lễ và cúng dường Ngài.

Năm trăm Sa môn và mọi người nhìn nhau ngơ ngác, nhất là cha mẹ của em bé. Một hiện tượng hy hữu, chưa từng thấy trong đời.

- Bạch Trưởng lão, người mẹ đứng lom khom, run run hai tay nói, xin Trưởng lão thương vợ chồng con đặt cho cháu cái tên. Trời ơi!... Sao con của con mới được một tuần tuổi mà đã biết nói, lại nói Trưởng lão vốn là Thầy của nó. Lạy Phật, con sợ quá!... Hay là... xin Trưởng lão đặt tên cháu theo húy danh của Trưởng lão, cho cháu được ... ăn mày chút công đức ...

- Bình tĩnh.- Trưởng lão mỉm cười nói. Cái gì trên đời cũng có nhân duyên với nhau cả. Được rồi, cháu tên là Ti-xa (Tissa), gọi đầy đủ là U-pa-ti-xa (Upatissa).

Và U-pa-ti-xa chính là tục danh của Trưởng lão Xá Lợi Phất.

Cậu bé mỗi ngày một khôn lớn và trông tú lệ hẳn ra. Khi lên bảy tuổi, một hôm,  nhân cả nhà viếng chùa, lễ Phật, rồi sang thăm Trưởng lão Xá Lợi Phất. Trong lúc sư đệ đang hàn huyên tâm sự thì cậu bé nói với mẹ:

- Mẹ ơi, con muốn ở chùa. Con muốn theo Sư ông.

- Không được!.- Người mẹ nói nhỏ vào tai con. Con còn nhỏ. Ở chùa ai chăm sóc cho con, nhất là cái tội... con biết tội gì hôn? Tội làm ướt giường ướt chiếu ban đêm đó!

- Nhưng con ở chùa thì tự nhiên nó hết.

- Hay nhỉ!...

Người mẹ ngạc nhiên trước câu trả lời dứt khoát của con, bèn liếc nhìn chồng, và thưa với ngài Xá Lợi Phất:

- Bạch Trưởng lão, bỗng dưng cháu nói muốn theo Trưởng lão. Cháu muốn xuất gia.

- Thật sao!... Ở chùa khổ lắm con ơi! .- Trưởng lão kéo Ti-xa đến trước mặt nói: Giữa cảnh thiền môn, khi con muốn êm đềm hạnh phúc thì chỉ thấy buốt giá cơ hàn, còn khi con muốn buốt giá cơ hàn thì chỉ thấy êm đềm hạnh phúc. Ngược xuôi đảo lộn, tình cảnh dị thường. Vì sao? Vì người đời thì thuận dòng xuôi bến, còn tu sĩ thì bạt thủy nghịch lưu. Nếp sống tu hành thường  đơn côi thách thức như bóng dáng lẻ loi của những tay leo núi, trơ vơ sừng sững trên vách đá gồ ghề: phải gian nan vất vả, bền chí kiên cường mới đến đích, còn lệch chân sẩy tay là toi ngay thân mạng. Con thì ... thuộc dạng cành vàng lá ngọc, làm sao đương đầu với bão tố phong ba, cô thân chích bóng! .- Trưởng lão nói với em bé như tâm sự với một người trí thức trưởng thành.

- Dạ!... con sẽ chu toàn bổn phận theo lời chỉ giáo của Sư ông.

- Thiện tai!... Thiện tai!... Vậy thì kể từ giờ phút này con là thành viên của thiền môn.

Cậu bé liền được quy y thọ giới, mang pháp danh Thiện Nguyện, và được Thế Tôn trao  cho một chủ đề thiền quán về ngũ uẩn, gồm hình sắc, cảm thọ, tri giác, tâm hành và nhận thức; đặc biệt là chiêm nghiệm về sự bất tịnh của sắc thân.

Sau đó cha mẹ của Thiện Nguyện đảnh lễ Tam bảo rồi ra về, còn chú Sa di bé nhỏ kia hãnh diện khoác lên mình tấm pháp y màu nghệ, trông đường bệ và dễ thương như  một chú sư tử con đang ung dung tự tại giữa cánh rừng thân thương quen thuộc.

Trong khi Thiện Nguyện tu tập tại Kỳ Viên, anh em huynh đệ cùng trang lứa thường lui tới nô đùa và trò chuyện với chú. Thấy nếp sinh hoạt thiền môn có phần trở ngại, Thiện Nguyện đến đảnh lễ Đức Thế Tôn, trình bày quyết tâm viễn ly tịch tịnh, và được Thế Tôn hoan hỷ, nhắc lại yếu chỉ thiền quán về ngũ uẩn cho hành giả hạ thủ công phu. Thiện Nguyện sang đảnh lễ Trưởng lão y chỉ sư, tác bạch thiện chí, rồi một mình thẳng đến rừng Khổ hạnh.

Một sớm mai nọ, Thiện Nguyện vào làng khất thực. Thấy tướng mạo đoan trang, dung nghi đỉnh đạc của một chú tiểu khác lạ, dân chúng cảm mến, đua nhau cúng dường rất nhiều lễ vật cho chú. Để đáp lại công đức của bá tánh thập phương, Thiện Nguyện ngỏ lời hồi hướng:

Nguyện cầu thí chủ an khương,

Thoát ly khổ lụy, tuyệt đường tử sinh.

 Và chỉ sau ba tháng an cư, Thiện Nguyện chứng quả A la hán, với thần thông quảng đại, pháp lực siêu quần.

Bấy giờ, cũng sau ba tháng an cư, Trưởng lão Xá Lợi Phất đến vấn an Đức Thế Tôn, đảnh lễ Ngài và ngỏ ý muốn viếng thăm Thiện Nguyện. Thế Tôn hoan hỷ. Trưởng lão sang chào pháp lữ Mục Kiền Liên, Ma-ha Ca Diếp, và thế là ba Trưởng lão cùng với năm trăm Sa môn lên đường, hướng thẳng đến Khổ hạnh lâm.

Được Phật tử báo tin Tăng đoàn sắp đến, Thiện Nguyện rất đổi vui mừng, ra tận bìa rừng nghinh tiếp tôn Sư.

Thấy những nếp y vàng lấp lánh dưới ánh trời chiều, dân chúng hân hoan rủ nhau kéo đến rất đông, mục đích là chiêm ngưỡng Tăng đoàn và được nghe pháp thoại.

Lúc đó màn đêm dần dần buông xuống, cảnh vật vắng vẻ hoang sơ, Trưởng lão Xá Lợi Phất khuyên Phật tử và dân chúng ra về, nhưng họ khăng khăng muốn nghe pháp thoại. Không nỡ phụ lòng thâm tín Tam bảo của Phật tử, Trưởng lão cho đốt đèn  đuốc lên, và bảo Thiện Nguyện thuyết pháp. Nhưng hầu hết Phật tử đều lên tiếng:

- Kính bạch Trưởng lão, tiểu Tăng của chúng con không biết thuyết pháp, chỉ biết chú nguyện hai câu đơn giản như sau:

Nguyện cầu thí chủ an khương,

Thoát ly khổ lụy, tuyệt đường tử sinh.

- Nhưng làm thế nào để được an khương, để được thoát ly khổ lụy, để được tuyệt đường tử sinh. Ngài Xá Lợi Phất nói. Phải có lý thuyết và thực hành chứ! Nào, Thiện Nguyện, hãy thuyết giảng và lý giải tường tận cho thính chúng!

Theo lời Trưởng lão, Thiện Nguyện lên ngồi trên một pháp tòa bằng cỏ, được đan kết giản dị giữa một khoảng đất trống, rồi cất lời trầm hùng thanh thoát với chủ đề thiền quán về ngũ uẩn mà chú đã ân cần tiếp nhận từ Đức Thế Tôn:

 - Này thiện nam tín nữ, này chư Phật tử có duyên với Tăng lữ thiền môn, hẳn quý vị đều biết rằng trong chúng ta ai ai cũng có thân bịnh và tâm bịnh. Thân bịnh phần lớn là do ảnh hưởng của thời tiết và cung cách sinh hoạt thái quá của mỗi người; còn tâm bịnh thì bắt nguồn từ sự bất an của các trạng thái tâm lý. Thân bịnh thuộc về sắc; tâm bịnh thuộc về thọ, tưởng, hành và thức. Chúng ta thường bị khốn khổ về tâm bịnh nhiều hơn là về thân bịnh. Vì sao? Vì lúc nào ta cũng mang nặng ý niệm về ta vaø của ta. Nhưng ta và của ta là những khái niệm giả danh, không thật, không có tự tánh, không nắm bắt dược, không thiết lập được. Những nhận thức sai lầm này nếu phát sanh trong tâm ta thì chúng sẽ kết thành những triền sử. Và triền sử là những sợi dây vi tế, bền chắc, trói buộc và dẫn dắt ta đi theo những lộ trình đầy dẫy chông gai, hiểm nguy và đọa lạc. Nói chung, nhận thức sai lầm càng sâu, đau thương khổ lụy càng dày.

Nhưng qua sáu đối tượng (sắc, thọ, tưởng, hành, thức và thế giới) mà ai không thấy cái ta và cái của ta thì người ấy sẽ không bị vướng mắc vào những ràng buộc của cuộc đời. Vì không vướng mắc cho nên không hoảng sợ, và không hoảng sợ thì được thong dong tự tại, tịch tĩnh niết bàn. Vị ấy biết chính xác rằng mình đã lấp được cống rãnh, vượt qua mương hào, phá vỡ thành lũy, mở tung xiềng xích và hội nhập thánh trí. Vị ấy không còn luân hồi sanh tử. Vị ấy đã ngộ đạt chân lý thực tại.

Thính chúng hân hoan vỗ tay vang cả cánh rừng, tán thán: “Sa di Thiện Nguyện tính tình điềm đạm, ít nói, nay bỗng dưng lợi khẩu hùng hồn. Thế mới biết sức mạnh của tập thể Tăng thân!”

Trưởng lão Xá Lợi Phất cùng đại chúng rất đổi vui mừng về trí tuệ bừng sáng và đạo nghiệp viên thành của sư Thiện Nguyện.

Sáng hôm sau, dân làng thiết lễ trai phạn, cúng dường Tăng đoàn, rồi lưu luyến tiễn họ lên đường trở về Kỳ Viên thăm Đức Thế Tôn.

Sau ba tháng an cư xa cách, thầy trò nay lại đoàn tụ trong bầu không khí thắm tình thiền môn, đạo vị.

Rồi một buổi mai, Thế Tôn hướng dẫn Tăng đoàn và Thiện Nguyện thiền hành lên trên một đỉnh núi cao, bốn bề bát ngát với đại dương bao la. Thế Tôn hỏi:

- Thiện Nguyện, đứng trên đỉnh núi cao này, con nhìn thấy những gì nào?

- Bạch Thế Tôn, con chỉ thấy biển cả mênh mông và trời cao lồng lộng.

- Khi nhìn biển cả, đầu óc con có nảy sanh ý niệm gì không?

- Có ạ!... bạch Thế Tôn. Tự dưng con cảm thấy nước mắt của con, trải qua vô số kiếp sanh tử luân hồi, đã trào ra còn nhiều hơn nước của bốn biển đại dương.

- Đúng thế!... Đúng thế!... Thiện Nguyện. Theo dòng duyên nghiệp quay cuồng trong tam đồ lục đạo, nước mắt của con đã tuôn chảy nhiều hơn là nước của đại hải trùng dương.

Và để dễ nhớ, Thế Tôn tóm lược nội dung theo thể loại niêm vận:

Giọt lệ nhân gian giăng bốn phương

Nối theo năm tháng kết miên trường

Nhiều hơn nước biển vờn lai láng

Vọng niệm lên mầm nghiệp vấn vương.

Thế Tôn lại hỏi:

- Thiện Nguyện, hiện nay con trú ngụ nơi nào?

- Trong một hang đá tại rặng núi này, bạch Thế Tôn.

- Con có thấy gì không?

- Dạ!... con đã thấy thân mạng con trải qua vô lượng vô biên kiếp sống chết,  vùi dập trên dải đất này.

- Thiện tai!... Thiện tai!... Thiện Nguyện, đúng là như thế. Theo chúng ta biết thì không một chúng sanh nào sau khi mạng vong mà không bị đặt nằm trên trái đất này. Nghe có vẻ phũ phàng thê thảm nhưng sự thật là như vậy.

Ngài cũng tóm tắt nội dung thực tại theo thể kệ thất ngôn:

Mười bốn ngàn dân táng nơi đây

Thân tan cốt rụi lấp vơi đầy

Tử sanh luân lạc dòng vô tận

Thánh giả điều tâm thoát lưới vây.

 Thế Tôn hỏi tiếp:

- Thiện Nguyện, khi nghe tiếng cọp beo và những loài dã thú khác gầm rú trong cánh rừng này con  có sợ không?

- Không những không sợ mà còn yêu quý cánh rừng vô hạn, bạch Thế Tôn.

Sau đó Thiện Nguyện ứng khẩu đọc sáu mươi bài kệ ca ngợi cánh rừng. Thế Tôn và đại chúng nức lòng hoan hỷ về tâm trí rực rỡ của chú sa di tuổi vị thành niên.

Đoạn Thế Tôn nói:

- Thiện Nguyện!

- A Di Đà Phật, Thế Tôn gọi con.

- Thầy sắp đi đây. Con muốn theo Thầy hay trở về hang động?

- Dạ!... Thế Tôn cho con theo thì con đi, Thế Tôn bảo con về thì con về.

Trưởng lão Xá Lợi Phất đọc được ý niệm của Thiện Nguyện, bèn nói:

- Thiện Nguyện, nếu con muốn về thì hãy về đi!

Thiện Nguyện đảnh lễ Thế Tôn và Tăng đoàn rồi ra về, còn Thế Tôn và Tăng thân thì trở lại Kỳ Viên.

Tối hôm đó, đại chúng họp nhau trong chánh điện, luận bàn về khẩu khí xảo diệu của chú điệu khác thường:

- Các thầy nghĩ xem, Thiện Nguyện quả thật vĩ đại và hiếm có trên đời! Một Trưởng lão cao niên nói. Có ai bảy tuổi xuất gia làm điệu, bảy ngày tu tập tại chùa, rồi một mình một bóng thẳng đến rừng Khổ hạnh, tu tập chỉ trong một thời gian ngắn đã thành tựu đạo nghiệp: thuyết giảng lưu loát, kinh điển am tường, phong thái đường đường, trí tuệ rực rỡ; nhất là đi đến đâu cũng được quần chúng và Phật tử cung kính, cúng dường sung túc. Hy hữu quá!... Hy hữu quá!  Và xét cho cùng thì chắc là do túc duyên thiện nghiệp của gia đình Thiện Nguyện đã nhiều đời nhiều kiếp thâm tín chư Phật, hộ trì Tam bảo.

Nghe các sư nhận xét trong chánh điện, Thế Tôn bước vào, ngồi đúng vị trí của mình, tươi cười hỏi: “Có vấn đề gì mà các thầy luận bàn vui thế!” Rồi không đợi trả lời, Thế Tôn nói tiếp:

- Này các thầy Tỳ kheo, nghiệm lại mà xem, trước mặt chúng ta có hai con đường. Một đường dẫn đến thế gian: mưu cầu tư lợi; một đường dẫn đến Niết bàn: tịch tịnh an vui. Bốn cánh cửa sanh – lão – bịnh – tử lúc nào cũng mở toang cho những ai thân ở trong rừng mà tâm ngoài phố thị. Bao lâu còn mưu cầu lợi dưỡng, lượn theo lòng người, là bấy lâu còn thay hình đổi dạng, chìm nổi lênh đênh. Còn những ai đi trên lộ trình dẫn đến thánh đạo: viễn ly danh lợi, vô ngại ung dung, vững chãi đoan trang, cất bước siêu việt, thì nhứt định sẽ tự tại giải thoát, chứng quả vô sanh.

Ngài đọc kệ:

Đường này đến thế gian,

Đường kia đến niết bàn,

Tỳ kheo đệ tử Phật,

Phải ý thức rõ ràng,

Đừng đắm say thế lợi,

Hãy tu hạnh ly tham.

(PC. 75)

 

 

--- o0o ---