QUYỂN CHÍN

13 Tháng Giêng 20171:28 CH(Xem: 2526)
QUYỂN CHÍN

Long Thơ Tịnh Độ

 

Dịch giả: HT Thích Hành Trụ

--- o0o ---

QUYỂN CHÍN

CHỨC QUỐC HỌC TẤN SĨ

ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU SOẠN

 

LỜI ÔNG VƯƠNG NHỰT HƯU NÓI

 

Trong Kinh Thập Lục Quán nói Người cầu về thượng phẩm thượng sinh, cần nên đọc tụng kinh điển Đại thừa, hiểu nghĩa đệ nhất thế thì người tu thượng phẩm, thâm ý của Phật chẳng khá chẳng biết. Nhưng nói thiển ý còn không biết đặng, huống chi thâm ý ư! Cho nên quyển này gọi là quyển “TỪ THIỂN CHÍ THÂM” rất cần dùng trong mỗi ngày, đều biên chép ra đây, gọi rằng Để giúp ích cho người tu thượng phẩm. 

TẬP THUYẾT

Đức Khổng tử dạy ba nghìn đồ đệ, song chỗ yếu chỉ kia chẳng ngoài một bộ sách Luận Ngữ, mà đầu bộ sách ấy chỉ một câu “Học nhi thời tập chi”. Nghĩa là Học thời thường tập đó.

Ý nghĩa một câu này đâu chẳng phải việc cần gấp trước ư. Luận rằng Học là gì? Học là làm người quân tử, làm vị thánh nhân. Tập là chi? Tập là tập nghề bắn, tập lễ nghi.

Học làm quân tử, làm thánh nhân, không thể vội gấp mà được, cho nên ắt phải theo thời, mà lần lần tập đó.

- Nếu học pháp rộng lớn, thì ngay trong thời chật hẹp mà tập đó. 

- Nếu học tính cách ôn hoà, thì ngay trong thời nóng giận tập đó.

- Nếu học tư dung cung kính, thì ngay trong thời khinh dễ tập đó.

- Nếu học theo bậc lương thiện, thì ngay trong thời dữ tợn tập đó.

- Nếu học theo lễ độ khiêm nhường thì ngay trong thời kình chống tập đó.

- Nếu học theo phẩm hạnh siêng năng, thì ngay trong thời biếng nhác tập đó.

Thế thì câu nói “Học nhi thời tập chi” là chính trong thời của việc đó, mà tập luyện. Thì sự tập luyện của ta không luống uổng vậy. Sự tập kia ắt thành, thành thời tự có chỗ khá mừng.

Cho nên sách Luận Ngữ lại nói thêm câu “Bất diệc duyệt hồ”. Nghĩa là Học đặng như thế chẳng cũng vui ư! Nếu ai ngộ đặng lý này, thời toàn trong bộ Luận Ngữ, lời nói thiện căn đều khá dùng tới.

Cho nên người học, dùng một câu này “Học nhi thời tập chi” trùm cả đầu một bộ sách, thật có ý nghĩa thâm thúy vậy.

Người tu Tây phương mà tấn nơi đạo là rất nhờ ở sự tu tập, cho nên người tu Tây phương xem đây chẳng khá dùng chẳng biết vậy. (Phải tu tập cho cần mẫn).

CÁC THÚ LỢI NHÂN THUYẾT

THUYẾT NÓI VỀ ÔNG CÁC PHIỀN THÁI THÚ LỢI ÍCH NGƯỜI ĐỜI

Trong niên hiệu Đại Hoán đời nhà Đường, có một ông Viên Quân, vào trong chợ kinh sư mua giày, thấy một đôi giày rất lớn, in như đôi giày hồi liệâm cha mình đem chôn, mới hỏi Giày đây do đâu mà có? Người bán giày đáp rằng Một ông cụ già đem cậy tôi sửa còn để đây.

Hỏi Chừng nào ông ấy lại lấy, ta hãy đến hầu chuyện.

Quả thấy cha ông, xuống ngựa trả tiền lấy giày. Ông con lễ bái, cha không ngó lên ngựa mà đi. Ông con chạy theo cỡ hai ba dặm nhưng không kịp bèn kêu to rằng

Cha ôi! Tôi với cha khi sống, làm cha con vì lẽ gì hôm nay không có một lời lành chi để dạy tôi?

Người cha ngoái lại đáp Nên học với ông Các Phiền.

Hỏi Các Phiền là người thế nào?

Đáp Người trong thế gian.

Bấy giờ ông con tìm hỏi chỗ ở ông Các Phiền, thì lúc đó Phiền đang làm quan Thái Thú trấn nhậm đất Trấn Giang. Bèn đến ra mắt và thuật lại duyên cớ đó, lại hỏi ông Các Phiền rằng Do đâu cảm động đến người ở chốn u minh như thế?

Vì tôi khi trước, mỗi ngày làm một việc lợi ích cho người, ngày kế làm hai việc, lại ngày sau làm ba việc, hoặc mười việc cho đến tuổi này nay đã bốn mươi, chưa từng có một ngày nào bỏ.

Hỏi Làm sao gọi là làm việc ích cho người?

Các Phiền chỉ cái ghế trong chỗ ngồi mà rằng - Như cái này đây, để không ngay thẳng, người đi vấp té trật chân, ta sửa lại cho ngay thẳng, cũng là việc lợi ích cho người vậy. Lại nữa Nếu người khát nước, ta có thể cho một gáo nước người uống cũng là việc lợi ích cho người vậy.

Chẳng những thế thôi, cho đến lời nói nhỏ nhẹ, tính cách ôn hòa, làm cho người cảm mộ, làm việc phước thiện cũng là việc lợi ích cho người. Cứ tuy theo mỗi việc nào có lợi ích ta đều làm đó. Trên thì bậc khanh tướng, dưới nhẫn đến kẻ ăn xin ta đều có thể làm cả.

Duy ở nơi lâu mà không bỏ thôi.

Người con nghe nói rồi lễ tạ mà lui. Ông Các Phiền sau đặng tuổi cao mới qua đời.

Xem đây thời biết, việc lợi ích cho người chẳng khá chẳng gắng, việc tổn hại cho người đâu nên làm ư?

Nên có câu Ái nhân lợi vật vị chi nhân giả. Nghĩa là Thương người lợi vật, mới đặng gọi là người nhân.

Ông Các Phiền đặng đó. Các Phiền gồm tu Tịnh độ lấy việc làm phước đây hồi hướng về Tây phương. Sau có ông thầy tham thiền nhập định, xuất thần qua bên cõi Tịnh độ, thấy ông Các Phiền ở bên ấy.

THÍ BÁO THUYẾT

THUYẾT NÓI PHƯỚC BÁO BỐ THÍ

Đạo nhà Nho nói Bố thí đặng phước báu, cũng như đạo Phật nói Bố thí đặng quả báo.

Kỳ thật hai đạo cũng đồng một lý vậy. Phật nói Muốn đặng lúa ăn, phải siêng năng cày cấy, muốn cho có trí huệ, phải cần học vấn, muốn đặng thượng thọ, phải cần đừng sát sinh, muốn đặng giàu sang, phải cần bố thí.

Bố thí có bốn phép 1- Tài thí, 2- Pháp thí, 
3- Vô úy thí, 4- Tâm thí.

 

Tài thí là gì? - Lấy của cho người.

Pháp thí là gì? - Lấy lời nói lành dạy người.

Vô úy thí là gì? - Người và tất cả chúng sinh đang khi sợ hãi, ta an ủi họ, khiến họ khỏi sợ hoặc dạy họ lìa khỏi tâm sợ hãi, khiến họ hết sợ.

Tâm thí là gì? - Sức tuy không thể cứu người, nhưng thường giữ tâm cứu người.

Phật nói Hiếu dưỡng cha mẹ cũng là bố thí, còn thí cho người ngoài, cũng gọi là bố thí. Cho nên, ai là người làm kẻ dưới, phải cần trung thờ bề trên. Làm người lớn bề trên phải đủ tâm nhân từ an chúng. Làm thầy phải cần dạy bảo. Làm bạn phải thành thật với nhau. Trong một lời một câu, ắt cầu có lợi. Lúc một khi đi một khi đứng, ắt muốn khỏi phạm. Mỗi việc phương tiện lợi người, đừng cho có chỗ tổn hại, đều là bố thí cả. Sự làm như vậy, giữ tâm cũng như vậy, đời sau đâu chẳng đặng báo giàu sang.

Lời cổ ngữ nói Ai ai cũng biết nói có đời sau. Vì sao không tu để phước đời sau. Đời nay phước ta hưởng đây, chính là công tu đời trước. Cũng như lúa ta ăn năm nay, là sự làm ruộng năm ngoái. Người không thể buổi mai cấy lúa, mà buổi chiều đặng ăn, cũng như không thể mới làm phước, mà liền đặng hưởng phước. Sở dĩ lúa ắt nửa năm, phước cũng phải cách đời vậy. Đức Khổng Tử nói

Hóa ố kỳ khí ư địa, bất tất tàng ư kỷ.

Lực ố kỳ bất xuất ư thân, bất tất vị kỷ. 

Nghĩa là 

Ghét ai có của đem chôn dưới đất, không dám để trong mình.

Ghét người có sức không ra xuất thân (lập thân) chẳng phải vì mình.

Ông Lão Tử nói

Ký dĩ vị nhân, kỷ dũ hữu.

Ký dĩ dữ nhân, kỷ dũ đa.

Nghĩa là

Đã đem của vì người, mình càng có.

Đã đem của cho người, mình càng nhiều.

Đều là nghĩa bố thí.

Ông Tăng Tử nói Xuất hồ nhĩ dã phản hồ nhĩ. Nghĩa là Ra ở nơi người, trở lại cũng nơi người.

Ông Lão Tử lại nói Thiên đạo hảo hườn. Nghĩa là Đạo công bằng của trời đất, ưa trả lại những thiện hoặc ác.

Đây đều là nghĩa quả báo cả. Đạo Nho, đạo Lão, hai đạo, đều nói Thí báo, nhưng không nói cách đời thôi.

Sở dĩ có câu

Ái nhân giả, nhân thường ái chi.

Kính nhân giả, nhân thường kính chi.

Tai nhân giả, nhân tất phản tai chi.

Nghĩa là

Thương người, người thường thương lại.

Kính người, người thường kính lại. 

Hại người, người ắt sẽ hại lại.

Các việc đây đều là việc thí báo hiện đời cả. Nếu người biết đặng như thế, nên tu Tịnh độ để vun trồng thiện căn cho nhiều vậy.

BẬC CHÍ NHÂN NÓI THUYẾT SỐNG LÂU

Ông Vương Nhựt Hưu nói Tôi từng nghe bậc chí nhân nói Người đời áo cơm tài lộc, chốn âm ti (cân nhân quả) đều có định số.

Nếu cần kiệm không tham, thời được lâu dài, xa xí quá tham cầu, hưởng hết thời mạng chung. Ví như người có tiền một ngàn, mỗi ngày xài một trăm, thời được mười ngày, mỗi ngày xài năm chục thì hai mươi ngày. Nếu buông lung xa xí, liền thấy bại vong, còn như số một ngàn, một ngày xài hết, khá chẳng sợ ư. Kinh Dịch nói

Thiên địa chi số, ngũ thập hựu ngữ.

Sở dĩ thành biến hóa, nhi hành quỷ thần.

Nghĩa là

Số trời đất, năm mươi lẻ năm.

Thành số biến hóa, mà làm quỷ thần.

Thế là trời đất rất lớn, biến hóa rất hay, quỷ thần rất nhiệm, còn không trốn được kiếp số huống nữa người ư.

Kẻ hoặc hỏi Người thanh liêm cần kiệm sao mạng chết yểu, kẻ tham lam xa xí sao lại được sống lâu?

Ông Vương Nhựt Hưu Kẻ thanh liêm cần kiệm mà mạng chết yểu là số đương đời ít vậy. Nếu tham lam xa xí thời càng mau hơn nữa. Người tham lam xa xí mà được sống lâu là Số đương đời nhiều vậy, nếu lại thanh liêm cần kiệm thì càng lâu hơn nữa.

Vả chăng trời đất không riêng cho ai, lẽ nào lại nói số đương đời có nhiều có ít ư?

Đó chẳng qua là đều chỉ cho lý (cân) nhân quả đời trước của mỗi người gây tạo vậy thôi.

Cho nên kinh nói

Yếu tri tiền thế nhân kim sinh thọ giả thị.

Yếu tri lai thế quá, kim sinh tác giả thị.

Nghĩa là

Muốn biết nhân đời trước, coi đời nay ta thọ những gì.

Muốn biết quả đời sau, xem ngay cái nhân hiện đời.

Nhưng hiện đời làm nhiều điều lành tốt, cũng có thể tăng thêm phước thọ. Nên có câu Thần chi thính chi, giới nhĩ cảnh phước. Nghĩa là Thần nghe đó, ban cho nguồn phước lành.  

Song hiện đời làm nhiều điều tội ác, thì cũng có thể giảm bớt phước thọ nên nói Đa hành bất nghĩa, tất tự tệ. Nghĩa là Làm nhiều việc bất nghĩa, ắt phải chết non.

Vả như người tu Tịnh độ, vẫn chẳng những số nhiều phước thọ nói trên. Song việc tổn phước thọ, thời là ít đức vậy, đâu khá chẳng răn ư! Còn việc tăng thêm phước thọ, thời là nhiều đức vậy, đâu khá chẳng gắng ư!

THỰC NHỤC THUYẾT

THUYẾT ĂN THỊT

Trong Kinh Lăng Già, Đức Phật Thích Ca, Ngài kêu ông Đại Huệ Bồ Tát mà bảo rằng

Có vô lượng nhân duyên, cho nên chẳng nên ăn thịt vậy. Ta nay vì ông lược nói Này Đại Huệ! Tất cả chúng sinh từ xưa đến nay, nhân duyên xoay vần, thường làm bà con. Do vì ta tưởng bà con, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì khí phần bất tịnh chỗ sinh tưởng, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì chúng sinh nghe hơi thảy đều khủng bố, cho nên chẳng nên ăn thịt Do vì khiến người tu hành, từ tâm bất sát, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì kẻ phàm ngu thèm ăn, món hôi hám bất tịnh, danh đồn không tốt, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì tụng kinh trì chú không được linh nghiệm, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì người sát sinh thấy hình khởi thức, ưa thèm vị ngon, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì kẻ ăn thịt chư Thiên ghét bỏ, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì hơi hôi trong miệng bay ra, cho nên không nên ăn thịt. Do vì nhiều ác mộng, cho nên không nên ăn thịt. Do vì trong rừng vắng vẻ, hổ lang beo sói nghe hơi đến bắt, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì khiến người uống ăn không tiết độ, cho nên chẳng nên ăn thịt. Do vì khiến người tu hành không sinh tâm nhàm chán, cho nên chẳng nên ăn thịt.

Này Đại Huệ! Phàm những người sát sinh vì cớ tham tài lợi cho nên sát sinh bán thịt. Những người ngu si ăn thịt chúng sinh kia, đem tiền làm lưới, mà bắt mấy con thịt. Người sát sinh kia, nếu dùng tài vật, nếu dùng câu lưới bắt các loài bay trên không, lội trong nước, đi trên bờ, món món sát hại, bán thịt cầu lợi.

Này Đại Huệ! Nếu trong thế gian, không ai bảo sát, không ai cầu mua, không ai tưởng ăn, mà có cá thịt bao giờ! Do vì cớ ấy cho nên chẳng nên ăn thịt. Phật lại nói bài kệ. Kệ rằng

Vì lợi sát chúng sinh.

Đem tiền mua những thịt.

Hai người đồng nghiệp ác.

Chết đọa ngục Khiếu hô (kêu la)

Thật vậy nếu trong thế gian không ai bảo sát, không ai tưởng ăn, không ai cầu mua, thời không ba món tịnh nhục. Song trong thế gian kia, đâu không phải nhân có người bảo giết, có người cầu mua, có người tưởng ăn, vì ba nguyên nhân ấy, cho nên chẳng nên ăn thịt uống rượu, ăn hành, hẹ, tỏi, đều là ngăn thánh đạo.

Ăn thịt thời không có tâm từ bi, hằng trái con đường chánh giải thoát, lại bỏ lời Phật để lại, thế cho nên chẳng nên ăn, vì thịt chúng sinh vốn chẳng phải vật ta ăn. Vì do tai nghe mắt thấy hằng quen, xưa nay không biết ăn thịt là tội.

Bằng người tu hành, dứt được sự ăn thịt, người ấy vốn là bậc thượng vậy. Bằng không đoạn được, vả ăn ba món tịnh nhục mà giảm bớt.   

Thí dụ như Bữa ăn có nhiều món giảm bớt còn một. Như hai bữa ăn đều có thịt phải một bữa ăn chay.

Người đời bổng lộc có chừng, nếu thực hành được như đây tự khá đặng diên thọ. Như sớm mai ăn chay lợi kia rất nhiều 1- Bớt nghiệp duyên, 2- Đặng thanh tịnh, 3- Chẳng hại nghiệp lành, 4- Đến buổi chiều ăn mặn, chẳng đến nỗi nhàm chay, mà muốn ăn mặn (mạng). Như thế tự đặng sống lâu. Bằng cho sự ăn chay là khó, đâu có biết ăn mặn còn tốn phí hơn. Vì sắm đồ ăn chay thì dễ làm mà để lâu được, nếu buông lung sự thèm muốn của miệng bụng, thì việc thèm muốn ấy có khi nào dứt. Cổ ngữ có câu rằng

Thế thượng dục vô đao binh kiếp.

Tu thị chúng sinh bất thực nhục.

Nghĩa là

Trên đời muốn khỏi kiếp đao binh.

Cần phải mọi người đừng ăn thịt.

Lại có câu

Dục tri thế thượng đao binh kiếp.

Đản thính đồ môn dạ bán thinh!

Nghĩa là

Muốn biết trên đời kiếp đao binh.

Chỉ nghe tiếng rên rỉ đêm khuya nơi cửa hàng thịt!

Và câu

Nhất thế chúng sinh vô sát nghiệp.

Thập phương hà xứ khởi đao binh.

Gia gia hộ hộ thường tu thiện.

Thiên hạ hà sầu bất thái bình.

Nghĩa là

Tất cả chúng sinh không nghiệp sát.

Mười phương xứ nào khởi đao binh,

Trăm họ người người đều tu thiện,

Lo gì thiên hạ chẳng thái bình.

Song người thế gian không ai tránh khỏi, không ăn ba món tịnh nhục, nhưng sau ngày đó, ta phải vì những thịt chúng sinh mà bị ta ăn thường ngày niệm bốn hiệu Thánh Tây phương, và lời chân ngôn thần chú để cầu siêu độ cho chúng nó được vãng sinh, thì họa may có thể giải được oan gia dứt tội.

Cứ theo lời vua Diêm La dạy ngươi Trịnh Lân thời ta nên chí thành niệm bốn hiệu Thánh để cầu siêu độ chắc đặng vãng sinh.

(Sự tích này đã nói trong quyển thứ tám).

Ba món tịnh nhục là 1- Không thấy sát, 2- Không nghe sát, 3- Không nghi người vì mình mà sát, 4- Tự nó chết và 5- Là chim rũ. Là năm món tịnh nhục.

GIỚI SÁT ĐẠO DÂM THUYẾT

Kinh Lăng Nghiêm Phật nói Tướng ưa sắc gái kết chặt trong tâm, nên có sự dâm dục. Thời các người thế gian cha mẹ con cháu sinh nhau không dứt. Những việc đây đều là do lòng tham muốn làm gốc.

Tham mến huyết nhục, tâm thích chẳng thôi, nên có sự ăn thịt, thời cả trong thế gian loài sinh trứng, loài sinh con, loài sinh nơi ướt, loài hóa sinh, tùy sức mạnh yếu ăn nuốt lẫn nhau.

Những việc như đây đều là do tâm tham sát làm gốc. Do người ăn thịt dê, dê chết làm người, người chết làm dê. Ăn các loài chúng sinh khác, cũng lại như thế, chết chết sinh sinh, trở lại ăn nhau, ác nghiệp đeo theo, tột đời vị lai. Như thế đều là do lòng tham trộm làm gốc.

Người thiếu mạng ta, ta trả nợ người, do nhân duyên đây cả trăm nghìn kiếp thường ở trong đường sinh tử.

Má mày yêu tâm ta, ta thương sắc má mày, do nhân duyên đây, trải qua trăm nghìn kiếp, thường ở trong vòng ràng buộc.

Như thế thì Sát, Đạo, Dâm ba món đây căn bản do nhân duyên, ác nghiệp quả báo đây, nối chuyền không dứt.

Bằng sinh về Tây phương Tịnh độ, thọ thân thanh tịnh, không nhân nơi dâm dục mà sinh, ăn cơm thanh tịnh, không nhân nơi sát hại mà có. Người bạn được thanh tịnh không phải đắm trước mà kết. Đây, đều là những người đã thoát ly cõi này rồi vậy. Song người tu thượng phẩm, đối với câu chuyện Sát, Đạo, Dâm nói trên đâu chẳng khá chẳng biết?

ẨM THỰC NAM NỮ THUYẾT

Câu chuyện ẩm thực và nam nữ người đời ai cũng rất thích lắm. Song người nào kiềm chế và thôi luôn, người ấy là vị Thánh nhân, còn kẻ tiết độ không buông lung cũng có thể làm vị Hiền nhân, còn người buông lung, không tiết độ thiệt là kẻ hạ ngu!

Luận rằng Hai món ẩm thực và nam nữ đây đều là nguyên nhân gây tạo các nghiệp Sát sinh để no miệng bụng, chẳng phải tạo tội chớ chi! Dâm dục hao mòn trí huệ (mất tánh thiện chân) chẳng phải tạo tội chớ gì?

Huống chi hai món đây thay nhau trợ phát Bởi ăn uống ngon thời huyết khí thạnh, huyết khí thạnh, thời dâm dục lung (nhiều). Dâm dục lung, thời tổn huyết khí, huyết khí tổn, thời lại nhờ ẩm thực tu bổ. Hai món đây đều là nguyên do thay nhau tạo tội vậy.

Nếu bớt được và dứt luôn, thời dù món ăn hẩm húc cũng tự ngon vậy. Bằng buông lung thời người đời số thọ dụng có chừng, số hết thời chết sớm vậy.

Ngài Từ Giác thiền sư làm bài thi ẩm thực như vầy

Ẩm thực ư nhân nhật nguyệt trường,

Tinh thô tùy phận tắc cơ thương,

Tài quá tam thốn thanh hà vật,

Bất dụng tương tâm tế giảo lương.

Nghĩa là .

Ăn uống nơi người ngày tháng doi (dài),

Ngon dở miễn sao lấp ghẻ dòi,

Nuốt vô khỏi cổ thành vật khác,

Sao chẳng để lòng chín chắn coi!

Nếu nghĩ xét được như thế, thời tự nhiên bớt được phần miệng bụng vậy.

Ông Vu Thật giả phu làm bài thi nữ sắc như vầy

Bì bao cốt nhục tinh niểu phấn,

Cượng tác kiều nghiêu cuống hoặc nhân,

Thiên cổ anh hùng giai tọa thử,

Bách niên đồng tác nhất khanh trần.

Nghĩa là

Da bọc thịt xương cùng đái, phẩn,

Cưỡng làm nũng nĩu khuỷnh gạt nhân, (người)

Nghìn thuở anh hùng đâu bị nó,

Trăm năm vùi dập dưới hầm trần!

Nếu nghĩ xét được như thế, thì tự nhiên bớt được việc dâm dục vậy.

Quả dứt được hai việc này rồi ở đời do đâu có tật bệnh và chết non, thân sau do đâu có địa ngục và súc sinh. Dù không khỏi hai việc này, nhưng chuyên tu Tịnh độ cũng mau thoát khỏi luân hồi. Thế thì người tu Tịnh độ, chẳng khá răn việc này ư !

THAM CHIẾT TIỀN TRÌNH THUYẾT

VÌ THAM, BỚT ĐƯỜNG TRƯỚC

Có hai vị quan viên, cầu mộng với ông Thần ở nơi miếu, đất Kinh sư, hỏi thăm việc đường trước.

Đêm đó một vị nằm chiêm bao thấy, có một người cầm cuốn sổ bộ lật ra chỉ và nói Người có biết đường trước của ông quan đống đi với người kia không? Xem coi trong sổ thấy biên ông kia từ chức tiểu quan thăng lên đến chức Tể tướng, nhưng có một vòng. Vị quan viên kia hỏi Vòng đây là nghĩa là làm sao? Người cầm sổ đáp Do ông quan này vì tham của thế gian, mỗi một lần lấy của bất nghĩa, thời trong cuốn sổ này có vòng một vòng. Nếu ông quan ấy biết mau cải quá, thời còn khá làm được chức Giám Tư.

Lúc thức dậy thuật lại điềm mộng. Ông kia nghe đó, từ đây không dám lấy của phi nghĩa, quả nhiên sau làm đến chức Giám Tư. 

Lại một sự tích nữa. Bà Hà Tiên Cô ở trong thế gian. Có một ông quan Chủ Bộ trước nhà, bỗng có một quyển Thiên thơ (sách trời) rơi xuống. Vì ông không biết nét chữ, bèn tới ra mắt bà Tiên Cô cậy bà đọc giùm. Bà Tiên Cô lập bàn hương án lạy Thiên thơ, rồi mới khai khán, xem xong bà mỉm cười, ông quan Chủ Bộ hỏi Thành thật đến cầu hỏi thăm, duyên cớ chi Tiên Cô lại cười?

Tiên Cô đáp Trong Thiên thơ nói Chủ Bộ thọ kim thập lượng chiết lộc ngũ niên. Nghĩa là Quan Chủ Bộ lãnh mười lượng vàng hối lộ, nên trời bớt lộc ông năm năm.

Do đây xem đó, của bất nghĩa thật khá ghê sợ, nếu bỏ tâm này, tu Tịnh độ, thì duyên lành trọn vẹn vậy.

PHƯỚC HUỆ THUYẾT

Người đời chẳng khá chẳng gồm tu phước và huệ, mỗi việc lợi người thường làm phương tiện, làm tất cả việc lành, chứa tất cả việc ác, chỗ gọi là tu phước vậy.

Biết nhân quả, biết tội phước, xem sách Thích thị (kinh Phật) trong rõ lý tánh, xem sách Nho gia ngoài hiểu đạo thế, chỗ gọi là tu huệ vậy.

Tu phước đặng giàu sang, tu huệ đặng sáng ngỏ. Tu huệ không tu phước, sáng ngỏ mà cùng khổn. Tu phước không tu huệ, đời sau giàu sang mà ngu si, phước huệ nếu gồm tu vừa được giàu sang vừa được sáng ngỏ. Cả hai món đều không tu, đã ngu si mà lại cùng khổn! Phật sở dĩ phước huệ gồm tu, cho nên mới nói Ngài là bậc Lưỡng Túc Tôn, nghĩa là Phước và Huệ hai món đều đủ vậy.

Xưa có hai người đồng tu hành, một người chuyên tu phước, một người chuyên tu huệ, qua mấy kiếp sau người chuyên tu phước nhân hưởng phước mà tạo ác, đọa trong loài con tượng (voi), do có phước dư đời trước, quân nhân cỡi đi đánh giặc, có công thắng trận, vị quốc vương ban cho đeo chuỗi Anh Lạc.

Còn người chuyên tu huệ kia sau đặng quả A La Hán nhưng vì trước không tu phước nên nay làm ông Tăng đi khất thực, nhiều chỗ không cho cơm ăn. Cho nên Phật nói bài kệ như vầy

Tu phước bất tu huệ.

Tượng thân quải Anh Lạc.

Tu huệ bất tu phước.

La Hán ứng cúng bạc.

Nghĩa là

Tu phước không tu huệ

Làm voi đeo Anh Lạc

Tu huệ không tu phước

Chứng quả mà đói ngặt.

Thế nên cả hai món phước và huệ đây chẳng khá chẳng gồm tu vậy. Nhưng sự bất đắc dĩ thà rằng Dẫu tu huệ hơn nơi tu phước, chớ đừng cho tu phước hơn tu huệ vậy. Vì sao? Nếu huệ hơn nơi phước, thời biết tội phước mà răn dè cho khỏi trụy đọa, bằng phước hơn huệ, thời nhân hưởng phước mà tạo ác, nên có nạn đọa sa!

Kinh Lăng Già nói Hưởng chút vui hiện tại mà trồng quả khổ vị lai phải vậy.

Phật nói bài kệ rằng

Gồm tu phước cùng huệ

Lại niệm Phật A Di Đà

Trong hoa sen chín phẩm

Phẩm nhất lại nhường ta.

Người trai giới tỏ ngộ, tu đó, ắt sinh lên phẩm thượng cớ vậy.

Phật lại nói kệ nữa rằng

Tuy tu phước cùng huệ

Không biết niệm Di Đà

Chưa đặng La Hán quả

Luân hồi chẳng hẹn ra.

Song người ở trong thế giới này tu hành, đặng quả A La Hán mới khỏi luân hồi cố vậy.

TẬP TỪ THUYẾT

Đức Quan Thế Âm Bồ Tát bảo rằng Muôn việc lành đều do nơi tâm từ sinh ra. Ông Lão Tử nói Ba ngôi báu của nhà đạo Tiên, cũng lấy tâm từ làm đầu dọc, ba ngôi báu 1.Thượng Thanh, 2. Ngọc Thanh, 3. Thái Thanh. Đạo nhà Nho nói Trong phép ngũ thường cũng lấy tâm nhân trước nhất. Ba đạo ý cũng đồng một.

Người đời có nhiều kẻ sân nộ (nóng giận) không biết ý đây. Chưa nói đến sự hại vật tạo nghiệp, trước tự tổn khí lực và hại tánh ôn hòa của mình. Song nếu có người đạt đến cảnh nhân từ mới biết, nóng giận là việc không tốt, chính người kia, ngay trong khi đang nóng giận, thời họ không biết cái khổ của sự nóng giận, cũng như người đi trong chông gai, đến một chỗ nhà rộng yên ở, mới biết tánh nóng giận kiêu ỷ tích trữ trong tâm trước kia, dường như đi trong chông gai.

Đến khi tập thành tâm từ nhân, thời cũng như vào trong một nhà lớn vậy. Song tâm nhân từ đây, chẳng khá dùng nói cho hết nhưng phải đương trong lúc nóng giận mà tập đó (tâm nhân từ) lâu lâu tự có chỗ khá mừng.

Đạo Thích, đạo Tiên, hai đạo vẫn đã răn việc sân, đạo Nho cũng thế. Coi như người Hoàng Đồi muốn hại đức Khổng Tử, đức Khổng Tử đâu từng sân ư? Người Trang Thương chê bai thầy Mạnh Tử, Mạnh Tử đâu từng sân ư? Người Hàn Tín không trả thù cái nhục lòn trôn đứa nhỏ! Thầy An Quốc Sư chẳng oán lời nói uống nước tiểu của đứa học trò! Các đấng đây dầu là bậc đáng làm gương cho ta bắt chước. Huống kẻ phàm thị bần hạ kẻ tôi đòi, xúc phạm đến mình, dễ sinh nóng giận, rất nên thận trọng và hoan hỷ vì rằng Chúng nó cũng là một loài người như ta vậy.

Song bởi chúng nó ít phước nên mới phụng thờ ta, lẽ nào ta buông lung tánh tình, mà tạo ác nghiệp ư? Nhưng xét cho đúng lý mà nói Người tâm từ hòa đối với mình cả đặng tiện lợi.

Trong Đại Tạng Kinh nói Đời nay người ta thấy ta hoan hỷ, do vì đời trước ta thấy người hoan hỷ vậy, song sự hoan hỷ đây, cũng do một tâm từ hòa mà sinh ra cả.

Người tu Tịnh độ, đâu khá chẳng lấy đây làm tâm mình ư? Như tất cả chúng sinh, làm tội ác lớn, cũng đừng sinh tâm sân dấy nhơ tâm trong sạch của mình. Vì thương người kia ngu si, nên mới như vậy. Phải chi người kia có trí huệ, ắt họ không làm như thế. Ta phải sinh lòng thương xót người ngu si kia vậy. Cho nên thầy Tăng Tử nói Như đặng tình kia, thì thương xót mà chớ mừng. Như thế rồi chuyên tu Tịnh độ, thời căn lành viên thục lắm vậy.

VI QUÂN TỬ THUYẾT

Người đời ai cũng có thể làm quân tử, mà chẳng chịu là quân tử. Chẳng nên làm tiểu nhân, mà ắt muốn làm tiểu nhân. Nếu người thành tín cung kính, hoặc ôn hòa chánh trực, hoặc tôn người hiền, khen người tài, hoặc tùy cơ lợi vật, những việc như đây. Đều là việc của người quân tử cả. Làm đó cũng chẳng khó chi, mà người chẳng chịu làm là sao ư?

Còn như dối trá khinh dễ, hoặc dữ tợn, dua vạy, hoặc nói xấu, bươi móc việc ác, hoặc lung tình hại vật. Những việc như đây, đều là việc của kẻ tiểu nhân vậy. Làm đó lại có ích chi, mà người làm mãi là sao ư?

Làm quân tử thời người mừng đó. Thần giúp đó, họa hoạn chẳng sinh, phước lộc khá thêm, chỗ đặng nhiều vậy.

Tuy có khi cũng thất nhưng đó là mạng, chớ chẳng phải nhân làm quân tử mà thất, dù không làm quân tử cũng thất, vì mạng có định phần, cớ vậy.

Làm tiểu nhân, thời người oán đó, Thần giận đó, họa hoạn toan đến, phước thọ vắn bớt, chỗ thất cũng nhiều.

Tuy có khi cũng đắc, nhưng đó là mạng chớ chẳng do làm tiểu nhân mà đắc, dù không làm tiểu nhân cũng đắc. Bởi vì mạng có định phần cớ vậy.

Đức Khổng Tử nói Người không biết mạng, không đủ làm quân tử, kẻ tiểu nhân không biết thiên mạng, nên ngài lại dạy cho biết rằng, dù đắc dù thất, cũng đều là mạng cả (nhân quả), người thấu đặng lý đây, đáng gọi là quân tử, càng đặng làm quân tử. Bằng không xét đặng lý này, thời tiểu nhân, bao giờ cũng vẫn làm tiểu nhân.

Như thế mà tu Tịnh độ, thời quyết định chẳng sinh ở phẩm hạ vậy.

VI THÁNH VI PHẬT THUYẾT

LÀM THÁNH LÀM PHẬT

Ông Vương Nhựt Hưu nói Ta từng luận rằng Đức Khổng Tử sở dĩ làm bậc Thánh nhân vốn chẳng phải một mối. Song xét chỗ cốt yếu của ngài ở nơi câu

Tam nhân đồng hành,

Tất hữu ngã sư yên.

Nghĩa là

Ba người đồng đi,

Ắt có thầy ta vậy.

Người thiện đành rằng thầy ta. Nhưng người ác cũng là thầy ta nữa. Vì sao? Vì người lành ta nên bắt chước, người ác ta phải cải răn. Chỗ kiến thức như thế, đâu đặng chẳng là bậc Thánh nhân.

Lại nữa ta từng nói Đức Phật Thích Ca sở dĩ Ngài làm Phật là vốn chẳng phải một mối. Song chỗ cốt yếu của Ngài là ở nơi câu Sơn trung tu hành thời, quốc vương xuất lập vấn thú sở tại. Nghĩa là  Khi Ngài làm ông nhẫn nhục Tiên ở trong núi tu hành, gặp vị quốc vương (Ca Lợi Vương) đi săn, hỏi con thú ở đâu. Nếu Ngài bảo thật thì thú kia phải chết, bằng không bảo thật, thời là phạm vọng ngữ. Trong khi đang ngẫm nghĩ, bị quốc vương nổi giận, chặt đứt một cánh tay. Lại hỏi lần thứ hai, Ngài cũng ngẫm nghĩ chưa trả lời, lại bị chặt đứt một cánh tay nữa. Tiên nhân phát nguyện rằng Khi ta thành Phật trước độ người này, đừng để người trong thiên hạ bắt chước kia làm ác. Giữ tâm như vậy đâu chẳng đặng làm Phật.

Sau khi, Ngài ra đời thành Phật trước độ ông Kiều Trần Như, Kiều Trần Như chính là vị quốc vương thuở đó vậy. Nếu người giữ tâm được như đây, mà chuyên tu Tịnh độ, thời mau cùng với các vị đại Bồ Tát đồng bậc vậy.

A LA HÁN THUYẾT

Đức Phật dạy rằng Bậc A La Hán tuy đặng hưởng nhân thiên cung, nhưng phước cho người cũng ít. Giả sử có người, trăm năm cúng dường các vị A La Hán đầy cả bốn châu thiên hạ, nhưng chẳng bằng phát tâm Bồ đề cũng dường cho Phật một ngày. Vì sao? Bởi Phật Ngài từ vô lượng kiếp đến nay, tiếp độ chúng sinh, đâu chẳng phải đặng phước, mà phước lợi người cũng nhiều vậy.

Vị A La Hán, dứt đường sinh tử được chứng Niết Bàn (Tiểu thừa) cũng còn lối độc thiện kỳ thân (tự lợi) cho nên phước lợi kịp người ít vậy.

Phật lại nói rằng Nếu người có phước từng cúng dường Phật, nhưng cũng đừng nói rằng Cúng Phật là việc phước đời sau.

Năm gần đây đất Tú Châu có một ông Tăng chuyên niệm Phật A Di Đà, vì người cầu bệnh, bệnh được mạnh lành. Như thế đâu nên nói rằng Cúng dường Phật, chẳng lợi ích cho đương đời ư? Đã nói rằng Cầu bệnh được lành, thời cầu phước cũng có thể được! Nhưng chỉ sợ người tâm tin chẳng chí thú, nếu người tâm chí thành, cầu Phật thời không có một người nào mà Phật chẳng chứng.

Nếu chuyên tu Tịnh độ, nguyện trở lại cõi này hóa độ chúng sinh, rất chẳng phải là không phước, cho nên người tu Tịnh độ, đối với đây chẳng khá chẳng biết vậy!

NHỊ THIÊN NHÂN THUYẾT

Trong Kinh Hoa Nghiêm nói Người đời có hai vị Thiên nhân theo người 1. Đồng sinh, 2. Đồng danh. Hai vị Thiên nhân thường thấy người, mà người chẳng thấy hai vị Thiên nhân. Hai vị Thiên nhân này, đâu chẳng phải chúng Thiện ác nhi bộ đồng tử.

Người khi mống ý thốt lời, động thân cất bước thường nghĩ hai vị Thiên nhân đó thấy người lẽ nào người làm ác mà không hổ thẹn hay sao?

Như vậy mà chuyên tu Tịnh độ thời chắc sinh lên bậc thượng phẩm. Hoặc người hỏi nạn rằng Mỗi một người có hai vị Thiên nhân thì tất cả người trong thế gian vô số, vậy chớ vị Thiên nhân ở đâu mà nhiều lắm thế?

Ông Vương Nhựt Hưu đáp Một mặt trăng phổ hiện (chiếu khắp) trong tất cả vũng nước, vậy thử hỏi trăng kia ắt có nhiều ư?

TIỂU NHÂN QUẢ THUYẾT

Ông Vương Nhựt Hưu nói Có người bắt cầu có người vỡ cầu, đây là cái nhân nhỏ thiên đường, địa ngục vậy. Có người ngồi trên kiệu, có người khom lưng khiêng kiệu, đây là cái quả nhỏ thiên đường, địa ngục vậy. Còn nhiều việc khác nữa, so sánh đây nên thấy.

Thường giữ tâm như thế, mà tu Tịnh độ, vãng sinh về bậc thượng phẩm, chắc chắn không còn nghi gì nữa.

PHẦN TỰ LUẬN

Người đời vì mê lầm, nên không thể sống nhịp nhàng với chân tâm thường trú, rồi luôn luôn quay cuồng theo vọng thức phân biệt, là chấp ảnh tượng hào nhoáng ấy là tâm của mình, vì nhận sự lầm vô ý thúc ấy, nên phải đau khổ khi nó luôn luôn sinh diệt và đổi mới.

Bởi tâm là chủ động của mọi sự hành động ở nơi thân thể, và ý nghĩ bất lương ở nội tâm.

Khi quan niệm được thuần thục nghĩa là Tâm không còn vọng niệm phân biệt đắn đo theo với tiền trần giả ảnh, thì tâm được an nhiên tụ tại.

Người tu hành cũng thế, một khi tâm tu đã an tịnh, nhờ định lực tu hành, thì chân tu được hiển lộ, thể nhập với chân lý, nghĩa là Trí giác đồng với chư Phật, thì Giới, Định, Huệ là con đường duy nhất, là tư tưởng bất hữu của mười phương các Đức Phật là thuyền Bát nhã đem chúng sinh đến cảnh giới Niết Bàn, là nơi kỳ ngộ của các đấng Chí Tôn chói rạng, cái hạnh phúc hoàn toàn vĩnh viễn.

NAM MÔ BỔN SƯ THÍCH CA MÂU NI PHẬT

QUYỂN CHÍN HẾT

 

 

--- o0o ---