Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

TUỔI TRẺ VÀ TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI THẦY

15 Tháng Ba 20176:36 CH(Xem: 3899)
TUỔI TRẺ VÀ TÂM TÌNH CỦA MỘT NGƯỜI THẦY
Ngày tháng qua đi như nước lũ xuôi nguồn, hấp tấp vội vàng, không hối tiếc. Nhưng trong dòng nước lũ cuồng nộ ấy vẫn còn tồn đọng đôi mảng rong rêu, như tâm tình đơn lẻ.

Hơn 30 năm, từ đầu thập niên 70, Thầy đã đến với anh em học Tăng trên đồi Trại Thủy, Phật Học Viện Hải Đức Nha Trang.  Âu cũng là nhơn duyên đâu đó.  Vì rằng trong thời gian này Thầy là Giáo sư Đại Học Vạn Hạnh mà cũng là Tổng Thư ký Tòa soạn Tư Tưởng Vạn Hạnh thì làm sao mà bỏ đi được.  Nhưng không, cái gì đến thì đã đến, đến trong thâm tình của một người Thầy cao cả, một bậc ân sư trao truyền cho nếp sống đạo, nếp sống chân thật và tình người chân thật.

 

Tăng sinh lớp học của Viện thời bấy giờ mới vừa trên dưới đôi mươi, riêng người viết thời ấy mới vừa 19 tuổi đầu.  Khung cảnh mái học viện thân thương, trên có ban Giám đốc, trong đó có Thầy, luôn chăm lo cho đàn con son trẻ.  Dĩ nhiên, trên lý tưởng “tiếp dẫn hậu lai báo Phật ân đức” là phương châm, hướng đi hàng đầu của quý Ôn hằng ấp ủ.  Người mà có tinh thần cấp tiến cho anh em học tăng được theo chương trình phổ thông là Ôn Già Lam, Giám viện các Phật Học Viện Báo Quốc – Huế; Trung Phần Hải Đức Nha Trang; Tu viện Quảng Hương Già Lam – Sài Gòn.  Ôn đã cho phép anh em học tăng được học hai chương trình song song, chuyên khoa Phật Học và phổ thông ngoài đời, vì Ôn nghĩ rằng kiến thức phổ thông sẽ giúp quý Thầy sau này tiếp xúc với xã hội được dễ dàng hoằng pháp lợi sanh.  Chính vì tinh thần cảm thông cho giới trẻ mà Ôn đã cho anh em học tăng tự do chọn ngành học của mình.  Thấy vậy Ôn Đổng Minh, nay đã viên tịch, khuyên anh em học tăng nên chọn những ngành khoa học hơn là chọn ban văn chương, triết học.  Ôn nói:

 

“Đi ban văn chương rồi về làm văn thơ gởi tâm tư theo mây gió có ích lợi gì đâu, hãy chọn các ban khoa học như toán, hóa học... về nghiên cứu, biến chế xì dầu Lá Bồ Đề, Hương Giải Thoát còn có ích hơn.” 

 

Ôn lúc nào cũng thiết thực, đem khả năng phụng sự cho Đạo, cho Đời.  Ôn muốn tận dụng kiến thức, khả năng của giới trẻ để phụng sự cho tất cả, mà không muốn uổng công phí sức.  Ôn thường nói:

 

“Của đàn na tín thí khó tiêu.”

 

Vì thế, lúc nào Ôn cũng đốc thúc, làm động cơ cổ súy anh em học Tăng có điều kiện tinh tiến.  Chính nhờ công đức đó mà các anh em có người trở thành Bác Sĩ, Hiệu Trưởng, Giáo Sư các trường Bồ Đề, hay giảng dạy lại trong các Phật Học Viện...  Đó là những chân tình của quý Ôn đã nuôi dưỡng học tăng qua các Phật Học Viện của một thời hưng thịnh.  Nay quý Ôn đã không còn nữa.  Người viết nhớ lại, mỗi khi có Phật sự của Viện cần bàn luận thì trên cốc của Ôn Giám viện có đầy đủ quý Ngài: Ôn Già Lam, Giám Viện Phật Học Viện; Ôn Từ Quang, thường ở trên cốc trong 3 tháng an cư; Ôn Từ Đàm – Viện trưởng Viện Cao Đẳng; Ôn Đổng Minh – Phó Viện Trưởng Viện Cao Đẳng; Ôn Trừng San – Giám sự Phật Học Viện; và Thầy Tuệ Sỹ...  nhưng giờ đã không còn nữa, chỉ còn Ôn Minh Châu ở Vạn Hạnh và Thượng tọa Tuệ Sỹ ở Già Lam.  Các Ngài đã xả bỏ báo thân viên tịch, vì thế Viện Cao Đẳng nay chỉ có xác mà không hồn, ngày tháng âm thầm, nép mình dưới rặng Bồ Đề, hàng phượng vĩ.  Một nỗi đau chẳng nói nên lời.  Đến nay, mỗi lần Thầy nghĩ về Phật Học Viện Hải Đức, trên đồi Trại Thủy khi xưa lại thấy lòng mình chấn động, bàng hoàng đến rơi lệ.  Bao lớp bụi phế hưng của vô thường đã chôn chặt tất cả mọi hình ảnh, công sức của các thế hệ Cha Ông, Thầy Tổ.  Còn đâu nữa bóng dáng oai nghiêm của Ôn Già Lam về thăm viện.  Không còn hình ảnh an nhiên tự tại trước hành lang viện của Ôn Từ Đàm và cũng không còn thân giáo ai cũng ngưỡng vọng nhưng khiếp sợ của Ôn Đổng Minh mỗi lần chống dù qua thăm chúng.  Tất cả đã lùi về dĩ vãng, chôn chặt ở nơi đó những kỷ niệm tình nghĩa Thầy trò, mà trăm kiếp ngàn đời cũng khó phôi pha.  Sự hiện thân của quý Ôn vào cuộc đời để độ sinh, hành đạo, rồi công viên quả mãn, thệ nguyện đã thành thì quý Ngài thuận thế vô thường, sanh diệt chỉ là huyễn duyên không thật.  Quý Ôn có đến có đi, nhẹ như mây trời, bềnh bồng đây đó, không hề vướng bận chút trần duyên, nhưng chúng con, hàng Tăng sinh hậu học còn nặng tình ân sư, nghĩa Thầy trò khó mà nguôi ngoai khi nghĩ về những ngày tháng cùng chung sống dưới mái Học Viện.  Từng mùa an cư kiết hạ, có đầy đủ quý Ôn.  Lễ Kiết Giới An Cư, Thầy quản chúng bưng cây đèn sáp thỉnh Ôn Từ Quang làm lễ khai chung bảng nơi trai đường.  Trong khi đó tất cả đại chúng y hậu chỉnh tề đứng nghiêm trang trong chánh điện.  Ôn Đổng Minh hầu Ôn Từ Quang vào chánh điện để niêm hương bạch Phật làm lễ Yết Ma Kiết giới trường.  Ôn Đổng Minh đại diện chúng Tăng tuyên bố và chỉ rõ ranh giới của giới trường từ hướng đông đến hướng tây, từ hướng nam đến hướng bắc.  Phía trước giáp cửa bàn pha, phía sau giáp vách hậu Tổ...  Tất cả hình ảnh ấy còn đậm nét trong tâm tư những anh em học Tăng thủa ấy.

 

Suốt ba tháng an cư đều đặn, Ôn Đổng Minh từ chùa Tỉnh Hội qua Viện trên con đường được mệnh danh là Đại Lộ Bình Minh, nằm ven triền đồi Trại Thủy, không sót một bữa, đủ chín chục bát cơm in... và cứ thế suốt bao mùa mưa nắng, quý Ôn đã tận tụy nuôi lớn đàn con, để bây giờ nghĩ về thời ấy mà thương quý Ôn vô vàn.

 

Cũng trong những mùa an cư này, Ôn Từ Đàm dạy Bát Thức Quy Củ Tụng hoặc Thủ Lăng Nghiêm, Ôn Đổng Minh dạy luật hoặc Duy Thức Phương Tiện Đàm.  Đâu đó rành rọt nghiêm minh như tấm lòng nồng ấm được trao truyền cho nhiều thế hệ.

 

Người viết nhớ ngày tổ chức Đại Giới Đàn Phước Huệ, năm 1973, Ôn Già Lam là Đàn Chủ, Ôn Từ Quang làm Đàn Đầu Hòa Thượng.  Giới Đàn oai nghiêm trang trọng.  Đêm hô canh, chấp lệnh, thiền hành.  Trên ba trăm giới tử xuất gia, ban kiến đàn, quản giới tử đều thiền hành từ chánh điện Phật Học Viện đi lên phía trước dãy Tăng phòng đến tháp chuông, lên Kim Thân Phật Tổ, xuống tam cấp Kim Thân, ra trước chánh điện chùa Tỉnh Hội, vòng qua đại lộ Bình Minh rồi về lại Viện.  Một đoàn người vừa chung, vừa bảng, vừa đèn đuốc, tù và, hô canh niệm Phật vang rền cả núi rừng Trại Thủy.  Thật là một thời huy hoàng, xiển dương chánh pháp.  Tấm biển “Tuyển Phật Trường”, sơn son thếp vàng, Đạo Tràng Chọn Người Làm Phật, được tôn trí ở nhà Thiền, nơi đảnh lễ cung thỉnh Hội Đồng Thập Sư.  Bên cạnh nhà Thiền là giảng đường để giới tử trùng tuyên giới luật, treo câu:

 

“Kích Pháp Cổ, Xuy Pháp Loa Phổ Cáo Mộc Xoa Ứng Thế”

(Đánh trống Pháp, thổi loa Pháp        Báo Hiệu Giới Luật Ứng Hiện Nơi Đời)

 

Trong ngôi vị Đàn Đầu Hòa Thượng, Ôn Từ Quang được cung thỉnh ngồi trên kiệu, có giới tử khiêng từ dưới cổng viện lên chánh điện trong buổi sáng hôm đó.  Sau buổi lễ, hầu Ôn về cốc, đến giờ cơm trưa, Ôn nói:

“Hồi sáng quý Thầy khiêng tui trên kiệu tui sợ quá, đường dốc, lên tam cấp, cái kiệu cứ lắc lư, tui bắt thót ruột.”

 

Ôn nói rồi cười, làm mọi người ai cũng cười theo.  Ôn Già Lam cũng đùa:

 

“Có răng mô mà Ôn sợ ?”

 

Ấy là nếp sống đạo vị của quý Ôn, mà người viết một thời có duyên gần gũi, hầu qúy Ngài, để thấy được tánh đức từ bi, trí tuệ sáng ngời tỏa rạng nơi quý Ôn, là những bậc thạch trụ Thiền gia, Long tượng Kỳ túc.  Nay thì rừng thiền vắng bóng quý Ôn, cửa Viện âm ba bặt dứt.  Dòng từ thanh thản uy nghiêm, nhẹ bước tiêu diêu miền Tịnh độ, để lại sau lưng gót hài còn sắc nét đâu đó nơi bực thềm, nơi sân, nơi cổng Viện...  và đâu đó còn hiển lộ bóng dáng tôn nghiêm của quý Ngài.  Hương thơm giới đức còn xông ướp mái chùa, sắc tướng huyễn thân ảnh hiện từng khóm cây, nhánh lá.  Đã gần 40 năm xa Viện nhưng cứ ngỡ như ngày nào, nay chỉ có mình Thầy còn đó.  Nhưng còn trong sự nghiệt ngã, đã một lần bị kêu án tử hình giảm xuống còn 14 năm tù ở, và còn bao năm bị quản chế giam lỏng.  Thời cuộc đẩy đưa khiến Thầy phải lao đao, nhưng ý chí vững vàng, Thầy vẫn hết mực giáo dục chúng con và các thế hệ kế tiếp.  Thầy đã nhiều lần khẳng định với anh em Tăng sinh:

 

“- Người xuất gia, khi cất bước ra đi là hướng đến phương trời cao rộng, tâm tính và hình hài không theo thế tục, không buông mình chiều theo mọi giá trị hư dối của thế gian, không cúi đầu khuất phục trước mọi cường quyền bạo lực.  Một chút phù danh, một chút lợi thế, một chút an nhàn tự tại, đấy chỉ là những giá trị nhỏ bé, tầm thường và giả ngụy, mà ngay người đời còn vất bỏ không tiếc nuối để giữ tròn tiết nghĩa.  Chớ khoa trương bảo vệ chánh pháp mà thực tế chỉ ôm giữ chùa tháp làm chỗ ẩn núp cho ma vương, làm nơi hội tụ của cặn bã xã hội.  Chớ hô hào truyền pháp giảng kinh, thực chất  là mượn lời Phật để xu nịnh Vua quan, cầu xin một chút ân huệ dư thừa của thế tục, mua danh bán tước.  Xưa kia, khi Vua Chúa bắt Sư Tăng cúi đầu nhận tước lộc của Triều đình để làm tôi tớ cho Vương hầu, Chư Tổ đã sẵn sàng đặt đầu mình trước gươm bén, giữ vững khí tiết của người xuất gia, bước theo chân vô úy, vô cầu của các Thánh đệ tử, được gói trọn trong thanh quy: “Sa môn bất kỉnh vương giả.”

 

Lời nói khí khái của bậc xuất trần vi thượng sỹ.  Thầy đã không khiếp sợ trước cường quyền: “Không ai có quyền xét xử tôi, thì không ai có quyền ân xá tôi.” dẫu đứng trước vành móng ngựa nhận án tử hình.  Thầy thanh thản, bình tâm giữ tròn tiết tháo của người đệ tử Phật, của kẻ sỹ ý thức được vận mạng quốc gia dân tộc, và đảm đương sứ mệnh hoằng truyền giáo pháp của Đức Như Lai.

 

Thầy luôn tâm niệm: đào tạo Tăng tài, giáo dục tuổi trẻ, nguồn tài nguyên vô tận, để hộ đạo giúp đời, đem niềm an vui tịnh lạc cho quê hương, dân tộc.  Thầy luôn khởi động làm chấn hưng văn hóa nước nhà và đóng góp những công trình nghiên cứu, dịch thuật, sưu khảo giáo pháp cho ngôi nhà Phật Giáo Việt Nam ngày thêm phong phú.

 

Bằng tâm niệm đó, Thầy luôn đi bên cạnh của nhiều thế hệ Tăng sinh.  Thế hệ học Tăng của 30 năm trước tại Viện Cao Đẳng Hải Đức, Nha Trang.  Thế hệ học Tăng của thập niên 80 của Tu viện Quảng Hương Già Lam.  Thế hệ học Tăng của Thừa Thiên – Huế hiện có bây giờ.  Thầy đã quán chiếu được môi trường xã hội mang tính thời đại, cũng như truyền thống Việt Nam nhiều nghìn năm.  Quán chiếu tự thân theo lẽ thăng trầm sinh diệt của cuộc đời.  Thầy nói:

“... Thế hệ của Thầy thừa hưởng được nhiều từ Thầy Tổ, nhưng chưa hề báo đáp ân đức giáo dưỡng cao dày trong muôn một.  Chỉ mới tròn 30 tuổi đã phải khép cổng chùa, xách cuốc lên rừng, xuống biển, cũng mưu sinh lao nhọc như mọi người.  Rồi lại vào tù, ra khám cũng linh đinh theo vận nước thăng trầm.  Sở học, sở tri cũng cùn mòn theo tuổi đời, năm tháng.  Duy chưa có điều gì thất thố làm điếm nhục tông môn, uổng công Sư trưởng tài bồi.  Một chút niềm tin chưa hề thoái thất, chỉ mong cùng chia sẻ với thế hệ kế thừa.  Một thế hệ đang trưởng thành để khơi tỏ ngọn đèn Chánh pháp giữa một đất nước thấm nhuần phong hóa.”

 

Tất cả tâm tư Thầy được diễn đạt đến anh em học Tăng bằng máu và nước mắt.  Bằng trái tim nồng nhiệt, lo lắng cho thế hệ tương lai.  Thầy đặt niềm tin nơi thế hệ tiếp nối giữ tròn tiết tháo của kẻ sỹ mà không bị lung lạc bởi thế tục lợi danh.  Thế hệ đó đi trên đoạn đường Chánh pháp, nêu cao chí nguyện xuất trần để khỏi cô phụ công ơn Thầy Tổ.  Mong cho các thế hệ kế thừa được vuông tròn theo ý nguyện của sơ tâm, giữ vững niềm tin trong sáng để tự tồn trên lý tưởng giác ngộ.  Thầy khuyên:

 

“Cầu mong các con có đủ dũng mãnh để đi bằng đôi chân của mình, nhìn bằng đôi mắt của mình; tự xác định hướng đi cho chính mình.  Thầy sẽ là người bạn đồng hành với các con trên đoạn đường bóng xế của đời mình.”

 (Thư gởi Tăng sinh Thừa Thiên – Huế.  Ngày 28-10-2003)

 

Còn gì để nói về tâm tình của một bậc Thầy cao cả! Bậc Ân sư của nhiều thế hệ Tăng sinh!

Nguyên Siêu