Giới thiệu tấm bia chữ Nôm chùa Mụa mới sưu tầm

16 Tháng Ba 20172:00 CH(Xem: 6030)
Giới thiệu tấm bia chữ Nôm chùa Mụa mới sưu tầm

Giới thiệu tấm bia chữ Nôm chùa Mụa mới sưu tầm

Chùa Mụa, hiện trạng chùa còn tốt, hiện tại còn 4 tấm bia nói về việc dòng họ bà Trần Thị Ngọc Am cùng các tín chủ ở địa phương cúng tiến ruộng vào việc dựng chùa, ngoài ra còn có một số hoành phi câu đối.

Giới thiệu tấm bia chữ Nôm chùa Mụa mới sưu tầm
Vũ Thị Lan Anh

Viện Nghiên cứu Hán Nôm

Trong đợt sưu tầm tư liệu Hán Nôm tại tỉnh Hưng Yên, chúng tôi đã có dịp về chùa Vĩnh Phúc (tên Nôm là chùa Mụa) ở thôn Cộng Vũ, xã Vũ Xá, huyện Kim Động tỉnh Hưng Yên.

Chùa Mụa thờ bà Trần Thị Ngọc Am – Vương phí thứ hai của chúa Trịnh Tráng, sau được ban quốc tính họ Trịnh (Trịnh Thị Ngọc Am). Nhân dân địa phương quen gọi bà là bà chúa Mụa.

Hiện trạng chùa còn tốt, hiện tại còn 4 tấm bia nói về việc dòng họ bà Trần Thị Ngọc Am cùng các tín chủ ở địa phương cúng tiến ruộng vào việc dựng chùa, ngoài ra còn có một số hoành phi câu đối. Chùa đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa ngày 15 tháng 10 năm 1997.

Để ở sát tường phía trái chùa có một tấm bia chữ Nôm. Bia một mặt, khổ 85 x 57cm, chạm hình rồng, mây, hoa sen cách điệu, sóng nước. Bia khắc kiểu chữ Nôm chân phương, có bài ký viết theo thể song thất lục bát. Bia có 17 dòng, dòng nhiều nhất 34 chữ, dòng ít nhất 1 chữ, một số chữ đã bị sứt, mòn, dựng năm Bảo Đại 17 (1942).

Nội dung Bia nói về quá trình dòng họ Trần (dòng họ nội của bà Trần Thị Ngọc Am) xây dựng ngôi chùa. Năm Thành Thái 12 (1900) người trong họ là ông Trần Đức Tiến đứng ra xây ngôi phủ thờ. Đến năm Bảo Đại, hai vợ chồng người con thứ của ông là Trần Đăng Phúc và vợ là Phạm Thị Viết xây dựng lại cho chắc chắn. Đến năm Tân Tỵ, xây dựng tam quan thêm bức tường hoa, tháng 3 năm Nhâm Ngọ con trai ông bà Trần Văn Khoản hoàn thành tòa bi miếu để việc thờ tự của họ Trần đi vào quy củ.

Nhận thấy đây là tấm bia có nội dung và cách thức thể hiện khá độc đáo, chúng tôi xin giới thiệu toàn bộ nội dung tấm bia:

BIA CÔNG ĐỨC CỦA HỌ TRẦN

BIA CÔNG ĐỨC CỦA HỌ TRẦN VÀ BÀI KÝ

Phủ vương phi là nơi phát tích

Họ Trần ta trong lịch sử truyền

Trải qua những việc biến thiên

Dấu thiêng để lại một nền gió mưa

Căn phúc ấm ơn nhờ từ trước

Con cháu nay cũng được như người

Đời vua Thành Thái mười hai

Cụ Trần Đức Tiến dựng ngôi phủ thờ

Nền công đức bấy giờ gây trước

Còn đơn sơ chưa được vững bền

Triều vua Bảo Đại trung niên

Ông Trần Đăng Phúc con hiền thứ hai

Phạm Thị Viết là người hiền phụ

Việc phụng thờ củng cố kinh dinh

Mấy năm xây đắp chửa thành

Lòng từ(1) công trình sửa sang

Tòa phủ mới trang hoàng rực rỡ

Khắp trong ngoài mọi vẻ nguy nga

Đến năm Tân Tỵ vừa qua

Tam quan thêm bức tường hoa cửa ngoài

Công việc làm nửa vời chửa kịp

Cảnh thanh nhàn ông kíp chơi xa

Sang năm Nhâm Ngọ tháng ba

Việc ông định trước công bà theo sau

Trần Văn Khoản con đầu chăm chỉ

Dốc một niềm theo ý việc cha

Hoàn thành bi miếu một tòa.

Trước sau công của ông bà biết bao

Lại ký ruộng cúng vào hương khói

Để muôn đời nối dõi thủy chung

Họ hàng ai cũng biết công

Xin hầu hai vị hậu ông hậu bà

Bia kỷ niệm năm ba hàng chữ

Để lưu truyền những sự công duyên

Đời đời nhớ đến tổ tiên

Tứ thời bát tiết dám quên công trình.

Lưu đặt ruộng đất hương hỏa cùng ngày giỗ liệt kê dưới đây:

Kê:

Ông họ Trần, húy Bái, tự Đức Tiến, giỗ ngày 27 tháng 4.

Bà họ Nguyễn, húy Nhận, hiệu Diệu Lạc, giỗ ngày 29 tháng 2.

Ông họ Trần, húy Bạt, tự Đăng Phúc, giỗ ngày 5 tháng 9.

Bà họ Phạm, húy Viết, hiệu Diệu Tiết.

Một thửa ruộng ở xứ Cửa Quán số(2), 1 mẫu 2 thước.

Một thửa ruộng ở xứ Cửa Quán số 180, 2 sào 7 thước.

Một thửa ruộng ở xứ Tả Giang số 33, 2 sào 1 thước.

Một thửa ruộng ở xứ Cửa Quán số 191, 3 sào 5 thước, Trương Thị Tía cúng tiến.

Một thửa ruộng ở xứ Tả Giang số 440, 1 sào 1 thước, Trần Thị Quy cúng tiến.

Ngày 5 tháng 6 năm Bảo Đại 17 (1942)

Trần Kỳ, người trong họ soạn

Trần Văn Kiến viết chữ

Chú thích:

1. Những chữ trong bị mờ không đọc được.

2. Những chữ trong bị mờ không đọc được.