Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

QUÊ HƯƠNG TÂY TẠNG VÀ CUỘC SỐNG LƯU VONG

16 Tháng Ba 20176:56 CH(Xem: 3399)
QUÊ HƯƠNG TÂY TẠNG VÀ CUỘC SỐNG LƯU VONG

QUÊ HƯƠNG TÂY TẠNG VÀ CUỘC SỐNG LƯU VONG
images (36)

Cuộc sống xô bồ và dồn dập trong các xã hội phương Tây không cho phép một số người có thì giờ đọc toàn bộ những quyển sách liên quan đến các vấn đề khúc mắc của tâm linh. Vì thế nhiều tác giả chọn lọc các lời thuyết giảng, các câu phát biểu ngắn gọn hoặc các đoản văn ý nghĩa nhất để gom lại thành sách giúp người đọc dễ theo dõi và tìm hiểu, vì họ muốn đọc hay muốn dừng lại ở đoạn nào cũng được.

Năm 1996, nhà xuất bản Le Pré aux Clercs có phát hành một quyển sách theo thể loại trên đây. Sách gồm những lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về Phật giáo và vài vấn đề liên quan đến Phật giáo, chọn lọc từ các bài diễn văn, phỏng vấn, các buổi thuyết giảng và các sách của Đức Đạt-Lai Lạt-ma. Hiện nay tại Pháp có khoảng mười quyển sách trích dẫn các lời phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma đã được phát hành, thế nhưng có lẽ quyển sách của nhà xuất bản Le Pré aux Clercs do Frédéric Hatier biên soạn là một trong những quyển sách chọn lựa và sắp xếp các câu phát biểu của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cẩn thận, công phu và mạch lạc nhất.

Nói chung khi đọc lại một số sách khá xưa của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma, kể cả các sách đã xuất bản từ vài chục năm trước, đôi khi chúng ta giật mình và bàng hoàng trước tính cách hiện đại, chính xác, thích nghi với tư tưởng con người trong bất cứ thời đại nào, trong bất cứ bối cảnh xã hội nào. Một điều khiến chúng ta càng kính phục và ngưỡng mộ hơn nữa là trong tất cả các sách, các bài phỏng vấn, thuyết giảng ... vô cùng phong phú của Ngài chưa hề thấy ai có thể tìm thấy những lỗi lầm hay ý tưởng mâu thuẫn. Đọc lại những lời Ngài phát biểu cách nay hàng chục năm ta cứ ngỡ là Ngài vừa nói lên ngày hôm qua để nhắc nhở chúng ta những gì phải học và phải làm trong ngày hôm nay, không giống như những tuyên ngôn của các chính trị gia hay những nhà lãnh đạo tinh thần khác.

Quyển sách trích dẫn mang tựa đề SAMSARA, se libérer de la souffrance, combattre l'intolérence par la non-violence (TA-BÀ, tự giải thoát khỏi khổ đau, chống lại sự kỳ thị bằng bất-bạo-lực).

Chương II

QUÊ HƯƠNG TÂY TẠNG VÀ CUỘC SỐNG LƯU VONG

 

Sự thật mạnh hơn đầu mũi súng

            Từ khi rời khỏi Tây tạng, tôi xin tị nạn tại Ấn độ. Vào các năm 1949-1950 nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc xua quân xâm lược quê hương tôi. Suốt mười năm, tôi giữ chức vụ lãnh đạo chính trị và tinh thần cho dân tộc tôi và tôi đã cố gắng hết sức để tái lập một nền bang giao hòa bình giữa hai quốc gia ; thế nhưng việc đó tỏ ra không thể nào thực hiện được. Mặc dù không muốn rời bỏ quê hương thế nhưng phải thú nhận rằng tôi chỉ có thể phục vụ hữu hiệu cho quê hương tôi từ bên ngoài.

            Tôi phải chịu sống xa quê hương suốt bốn mươi năm qua, từ lúc Trung quốc khởi binh xâm lăng Tây tạng cho đến bây giờ. Từ đó đến nay chúng tôi vỏn vẹn chỉ có lòng quyết tâm - tức là sự thật - để thương thảo với người Trung quốc. Mặc dù chính sách tẩy não cùng đủ mọi hình thức khủng bố và tuyên truyền đã được mang ra sử dụng, thế nhưng sự thật vẫn hoàn toàn là sự thật. Về phía chúng tôi, chúng tôi chẳng có tiền nong lại cũng chẳng biết tuyên truyền là gì, và thật thế chúng tôi chẳng có gì cả ngoài tiếng kêu gọi yếu ớt của mình. Thế nhưng phần đông mọi người không mấy ai tin vào những lời oang oang của người Trung quốc mà chỉ tin vào tiếng nói thật thấp bé của chúng tôi. Sức mạnh phát sinh từ ý chí của những con người bình dị biết đâu cũng có thể thay cho đầu mũi súng.

Nguyên nhân của sự hung hăng nằm trong các kiếp sống quá khứ 

            Điều đó rất đúng đối với một cá thể - trong một kiếp sống nào đó một cá thể cảm nhận được tác động phát sinh từ nghiệp của chính mình - thế nhưng điều đó cũng đúng đối với một nhóm người, một gia đình, một dân tộc. Sự thật hiển nhiên đó gắn liền một cách chặt chẽ với giáo lý Phật giáo của chúng tôi.

            Chúng tôi tự hỏi có phải cộng nghiệp đã đưa đẩy chúng tôi lâm vào hoàn cảnh kháng cự mang lại các thảm họa này hay không ? Giáo lý Phật giáo cho biết luôn luôn phải phân biệt thật rõ đâu là nguyên nhân và đâu là hoàn cảnh (tức cơ duyên). Muốn tìm hiểu nguyên nhân chính yếu đưa đến sự xâm lăng gây ra cảnh khổ đau mênh mông này thì phải nhìn vào các kiếp sống trước, và đấy không nhất thiết là do người Tây tạng mà ra. Biết đâu nguyên nhân là do những hành tinh khác, những thiên hà khác ? Tất cả đều có lý. Không có một biến cố nào có thể xem là độc lập, không liên hệ gì với các biến cố khác. Cái chuỗi dài vô tận của nguyên nhân và hậu quả gần như không thể nào phân tích nổi , thế nhưng nó vẫn thật sự hiện hữu.

            Đối với hoàn cảnh (cơ duyên), thì nhất định người Tây tạng phải nhận lấy trách nhiệm về phần mình. Vì bị vô minh chi phối nên họ bất cần phần còn lại của thế giới, không quan tâm đến Trung quốc, Ấn độ, tình trạng căng thẳng chính trị trên thế giới, những biến động do thế chiến thứ hai mang lại... Nhiều người Tây tạng nghĩ rằng xứ sở của họ là một xứ sở tuyệt vời, thoát ra ngoài quy luật chung và cả dòng chảy của thời gian. Một dân tộc ngay thẳng biết tuân thủ luật pháp, thực hành nghi lễ đều đặn, nhất định phải được an toàn. Một số chức sắc mang trọng trách bảo vệ xứ sở tin tưởng vào các vị bảo hộ siêu hình. Tất cả những thứ ấy là những gì hoàn toàn sai lầm không thể mang ra để đối đầu với định mệnh. Khi quân cộng sản tràn sang biên giới của đất nước chúng tôi, các vị quan chức cao cấp chỉ biết giao phó bổn phận chống giữ bờ cõi cho thần linh. Có một vị chức sắc trấn an tôi là không có gì phải e ngại, thánh thần sẽ bảo vệ chúng tôi trước sự tấn công của người Trung quốc. Tất cả mọi chuyện xảy ra hình như đều mang chủ đích muốn tôi phải tin vào đấy, tin vào những lời người ta nói với tôi, vào tuổi trẻ của tôi, vào sự kiện người ta đã chọn lựa tôi, sự giáo dục cẩn thận từng li từng tí dành cho tôi, đời sống của tôi trong lâu đài Potala, tuổi thanh niên của tôi... May mắn thay, tôi đã biết mở mắt thật sớm. Quý vị có thể tưởng tượng được không ? Giữa thế kỷ XX này, người ta cầu nguyện để chống lại súng đại bác ? Chính phủ tin vào thần linh, bất chấp những lời tiên tri và sấm truyền. Các vị chức sắc nào có chịu trách nhiệm gì đâu !

Một trong những sai lầm của xã hội Tây tạng 

            Không nên xem Phật giáo Tây tạng cao siêu hơn các Phật giáo khác. Không như các nhà sư Tây tạng, các nhà sư tại Thái Lan, Miến Điện, Tích Lan tu hành thật nghiêm túc, và cho đến ngày nay họ vẫn giữ được truyền thống khất thực đã có từ hai ngàn năm trăm năm trước, khi Đức Phật và các đệ tử của Ngài còn tại thế.

            Các vị lạt-ma Tây tạng của chúng tôi mang những tên thật dài và rỗng tuếch, đôi khi thật khó đọc. Những người tu hành Tây tạng không quan tâm gì đến chiếc áo cà-sa màu vàng mà chính Đức Phật đã mặc mà chỉ nghĩ đến những chiếc áo mang các dấu hiệu cho thấy cấp bậc của những vị khoác những chiếc áo ấy. Về sau này khi các vị thầy Ấn độ bắt đầu đội mũ màu đỏ thì trên Tây tạng các đệ tử của các vị ấy cũng quay ra chú ý đến cái mũ màu đỏ mà quên đi những gì thiết thực hơn. Đấy là một lỗi lầm rất nghiêm trọng trong xã hội Tây tạng.

Niềm tin của tôi

            Mặc dù quốc gia Tây tạng ngày nay đang phải trải qua một giai đoạn tồi tệ nhất trong lịch sử lâu dài của mình và quả thật đấy là những gì hết sức và hết sức đáng buồn, thế nhưng tôi vẫn vững tin rồi sẽ vượt thoát được tình trạng đó.

Người Trung quốc di dân đến Tây tạng

            Đối với tình trạng hiện nay, một trong các vấn đề gay go hơn hết, trầm trọng hơn hết là việc di dân Trung quốc vào Tây tạng, tình trạng này sẽ còn kéo dài thêm từ mười đến mười lăm năm nữa. Người dân Tây tạng trở thành thiểu số trên quê hương của họ, cũng giống như tình trạng xảy ra ở Nội Mông (Mông cổ đàng trong), tại nơi này dân chúng địa phương chỉ vỏn vẹn có ba triệu, trong khi đó người Trung quốc di dân đến đây là mười triệu. Trong vùng Đông Turkestan (tức Tân cương, một vùng tự trị của Trung quốc gồm dân địa phương là Duy Ngô Nhĩ và người Hán di dân đến đây, ghi chú thêm của người dịch), số dân chúng người Trung quốc gia tăng mỗi ngày. Tại Tây tạng dân địa phương gồm sáu triệu, trong khi số người Trung quốc di dân lên đến bảy triệu rưởi. Thật là một vấn đề vô cùng nghiêm trọng.

Kiên nhẫn và bao dung thế nhưng không thể nào chấp nhận ách cai trị của Trung quốc

            Thiết nghĩ muốn xét đoán một trường hợp nào đó cũng nên căn cứ vào các đặc tính cá biệt của trường hợp ấy. Tha thứ hay kiên nhẫn không có nghĩa là phải chấp nhận bất cứ gì và bất cứ ai. Trong trường hợp Tây tạng, danh từ "giải phóng" bao hàm cả ý nghĩa của một sự khổ đau mênh mông. Tuy nhiên, tôi vẫn xem các nhà lãnh đạo Trung quốc là những con người, những người láng giềng thuộc một dân tộc từng có một lịch sử lâu đời, đã đạt được một nền văn minh cao độ. Tôi kính trọng họ và không hề oán hận họ.  

            Biết suy nghĩ như thế sẽ giúp chúng ta xóa bỏ những cảm tính tiêu cực và phát huy được sự kiên nhẫn.

            Nói như thế không có nghĩa là tôi chấp nhận ách cai trị của Trung quốc. Tôi sẽ làm tất cả những gì có thể làm được để chống lại mọi áp bức, thế nhưng hành động của tôi không mang một mảy may hận thù nào. Tôi nghĩ rằng người Tây tạng phản ứng trước nghịch cảnh bằng phương cách trên đây là một chuyện tự nhiên không ai có quyền cấm họ. Nếu cố gắng với tất cả khả năng của mình và nhất là thành thật với chính mình thì rồi đây ta sẽ tìm thấy niềm vui sướng khi gặt hái được kết quả. Nếu không thì cũng chẳng có gì để hối tiếc cả.

Phát lộ lòng từ bi đối với người Trung quốc

            Trước cảnh người Trung quốc thực thi chính sách diệt chủng mang lại đau thương, thì những người Tây tạng chúng tôi đáng lý ra phải nổi giận thế nhưng chúng tôi đã cố gắng phát động thật mãnh liệt lòng từ bi hướng vào họ vì chúng tôi nghĩ rằng chẳng qua họ làm như thế chỉ vì họ bị chi phối bởi vô minh. Dù trong lúc này họ không gánh chịu những khổ đau hiển nhiên và  ngay tức thời thế nhưng đấy chỉ là vấn đề thời gian, sớm hay muộn họ sẽ phải gánh chịu hậu quả phát sinh từ những hành động của họ.

Sự chống đối của người Tây tạng

            Ngay cả trường hợp nếu như những thiệt hại mà người cộng sản Trung quốc gây ra cho Tây tạng và cả Trung quốc được đền bù xứng đáng bằng các kết quả tích cực ngang hàng với sự tàn phá, thì nhất định tôi phải tin chắc là họ cũng sẽ có đầy đủ khả năng góp phần xây dựng một xã hội tốt đẹp hơn, dù cho họ không cần đến lòng từ bi thúc đẩy họ đi nữa. Thế nhưng trên đất nước Tây tạng, người Trung quốc chỉ biết tra tấn và tàn phá triệt để - đóng cửa chùa, giam cầm các vị đại sư, cấm đoán tín ngưỡng Phật giáo, giam giữ hoặc xử tử hình những người tu tập - thế nhưng người dân không hề đánh mất niềm hy vọng và sự quyết tâm của họ. Tôi nghĩ rằng đấy là nhờ vào tinh thần Phật giáo.

Chúng tôi chỉ mong được tự trị và không còn dám mơ ước tái lập một nền độc lập

            Đất nước Tây tạng đã từng độc lập hàng bao thế kỷ. Ngày nay nền độc lập đó không còn nữa. Chúng tôi đành phải nhìn mọi sự trước mặt. Chúng tôi chỉ xin được tự trị, không còn dám ước mơ một nền độc lập. Chúng tôi chỉ mong được thương thảo dựa trên sự tương kính. Các điều kiện không còn giống như trước, chúng tôi sẵn sàng chấp nhận những gì mà Đặng Tiểu Bình đã nêu lên : "Một quốc gia hai chính thể" .

            Thế nhưng người Trung quốc lại không hành động theo chiều hướng đó. Ít nhất là trong lúc này. Áp lực quốc tế thật hết sức cần thiết. Nhất là áp lực đó không nên suy giảm vì người Trung quốc rất nhạy cảm về vấn đề này. Mỗi lần tôi phát biểu trước công chúng hoặc du hành trên thế giới, luôn luôn có người Trung quốc đến tham dự. Đôi khi tôi cũng đàm thoại với họ và họ tỏ ra rất khả ái. Thái độ đó cho thấy họ từng tán đồng những hành động của tôi, tuy rằng trên báo chí thì họ lại kết án tôi mang tham vọng cá nhân, nuôi dưỡng tinh thần chống-cách-mạng hoặc muốn tái lập một nền chính trị thần quyền. Tôi rất lạc quan vì chính nghĩa Tây tạng rất chính đáng và Trung quốc sẽ không thể nào tự tách rời mình ra khỏi thể chế tự do mãi mãi được.

Không thể bịt miệng Sự thật

            Chúng tôi là người Tây tạng, chúng tôi yêu thương quê hương chúng tôi, văn hóa của chúng tôi, và chúng tôi có quyền bảo vệ những thứ ấy. Chúng tôi hy vọng rất nhiều vào sự thay đổi thái độ của người láng giềng vĩ đại của chúng tôi là nước Cộng hòa Nhân dân Trung quốc. Thế nhưng quá khứ dạy chúng tôi phải thận trọng. Tuy nhiên tôi cho rằng sự quyết tâm và ý chí con người biết đâu cũng đủ sức để đương đầu với mọi hình thức áp bức và sự xâm lăng từ bên ngoài.

Chương trình tái lập hòa bình của tôi

            Để có thể phát huy sự hiểu biết tốt đẹp và nối lại mối bang giao hài hòa giữa người Trung quốc và người Tây tạng - người Trung quốc gọi đấy là sự thống nhất đất mẹ quê hương - tức là những gì thật cần thiết để  phát huy sự tương kính và tái lập tình trạng phi quân sự, thì trước hết phải giảm bớt số quân lính Trung quốc, sau đó rút toàn bộ quân đội ra khỏi Tây tạng. Điều ấy thật tiên quyết.

            Nếu muốn duy trì nền hòa bình trong vùng và đồng thời phát huy tình hữu nghị giữa hai quốc gia đông dân nhất là Ấn độ và Trung quốc, thì nhất thiết phải giảm bớt sức mạnh quân sự cả hai bên dãy Hy-mã-lạp sơn. Vì lý do đó, một trong những giải pháp mà tôi đề nghị là nước Tây tạng sẽ trở thành một vùng bất-bạo-động. Mọi người đều biết là trên đất Tây tạng có những nơi chất chứa cặn bã phóng xạ và những xưởng chế tạo vũ khí hạt nhân. Đây là một vấn đề thật trầm trọng. Tây tạng cũng bị nạn phá rừng tạo ra mối nguy hại trầm trọng cho môi sinh. Sau hết là sự tôn trọng nhân quyền vì đấy cũng là một vấn đề không thể tránh né được. Trên đây là những biện pháp mà tôi nêu lên trong chương trình tái lập hòa bình của tôi. Quả thật đấy là những vấn đề thiết yếu.

Người Trung quốc điếc đặc không nghe thấy tiếng nói của chúng tôi thế nhưng họ rất nhạy cảm trước áp lực quốc tế

            Khi các đề nghị hòa bình của tôi được công bố vào cuối tháng 9 năm 1987, thì người Trung quốc phản ứng một cách bất thuận lợi và kết án tôi là tên-phản-động. Chuyện đó gây ra nhiều cuộc biểu tình tại Tây tạng, kéo theo các cuộc đàn áp.

            Tôi nghĩ rằng người Trung quốc đại diện cho một Quốc gia thật văn minh ít nhất là theo cách của họ. Thế nhưng họ đơn thuần chỉ biết có vũ lực. Họ không hề biết đến sự thực là gì. Trong một vài trường hợp họ nói thẳng thừng với chúng tôi : "Qúy vị ở bên ngoài Tây tạng, và cho đến khi nào quý vị vẫn còn bên ngoài thì quý vị không có một quyền hạn gì đưa ra những đề nghị trong các lãnh vực ấy".

            Quý vị có thấy không, người Trung quốc là những người điếc đặc ; họ điếc ngay cả với tiếng nói của họ. Trong thế giới bên ngoài, số người ý thức được vấn đề Tây tạng ngày càng đông hơn. Chỉ vì lỗ tai của các người bạn Trung quốc của tôi hơi nặng cho nên mỗi khi chúng tôi hét to lên những chuyện ấy thì chỉ tội làm khàn tiếng chúng tôi mà thôi. Chính vì thế mà những đề nghị trên đây tôi không đưa ra tại Bắc kinh mà chỉ nêu lên cho toàn thế giới biết. Tóm lại thái độ của người Trung quốc chỉ có thể trở nên tích cực hơn với áp lực của thế giới bên ngoài.

Người Trung quốc và Phật giáo

            Trung quốc là một xứ sở tuyệt đẹp. Trong tâm hồn người Trung quốc Phật giáo thật gần gũi, không mới lạ như trường hợp đối với người phương Tây. Người Trung quốc có truyền thống theo Phật giáo, đất nước Trung quốc có nhiều thánh địa thiêng liêng, nhiều chùa chiền. Tôi cũng tin rằng nếu người Trung quốc được tự do theo về với Phật giáo, và nhờ đó thế hệ trẻ được thừa hưởng những lợi ích mà Phật giáo mang lại, và khi đã hội đủ được các điều kiện thuận lợi thì tôi sẽ sẵn sàng góp phần của tôi.

Quyền sống còn của người Tây tạng

            Chúng tôi người Tây tạng cũng tương tợ như người Trung quốc, chúng tôi có một gia tài văn hóa độc nhất. Sáu triệu dân Tây tạng chúng tôi sống còn đến ngày hôm nay thiết nghĩ cũng xứng đáng được xem ngang hàng với người dân Trung quốc trong quyền hạn được phép bảo tồn cá tính của mình, nhất là chúng tôi không hề làm gì sai trái đối với bất cứ ai.

Kiến tạo lại những gì đã bị người Trung quốc tàn phá

            Mặc dù sự hủy diệt Phật giáo dưới chính thể Trung quốc không kéo dài như dưới triều đại của vua Lang-Dat-Ma (hoàng đế Tây tạng) vào thế kỷ XI, thế nhưng sức tàn phá rộng lớn hơn nhiều. Dù đủ sức hay không thì rồi đây chúng tôi cũng phải tự gánh vác lấy trách nhiệm tái thiết lại những gì đã bị người Trung quốc triệt để tàn phá.

Biến cao nguyên Tây tạng thành một thánh địa của hòa bình

            Chúng tôi không phải là một dân tộc đông người và hùng mạnh, thế nhưng lối sống của chúng tôi, văn hóa của chúng tôi và tôn giáo của chúng tôi đã giúp đỡ chúng tôi rất nhiều. Nhờ đó trong những thời kỳ khó khăn và khổ đau lớn lao chúng tôi vẫn luôn giữ vững được con đường hòa bình và tự tìm lấy cho mình sự can đảm cần thiết dựa trên tình thương yêu và lòng từ bi.

            Dân tộc Tây tạng luôn thiết tha mong mỏi khi hoàn cảnh cho phép sẽ nhận lấy trách nhiệm biến căn nhà của mình là cao nguyên Tây tạng trở thành một thánh địa của hòa bình, nơi đó con người và thiên nhiên cùng sống với nhau trong sự hài hòa và trong sáng.

Vì lý tưởng bất-bạo-động

            Thí dụ trường hợp chẳng may tôi phát lộ một cảm tính oán hận, giận dữ hay hận thù nào đó đối với người Trung quốc thì ai thua thiệt đây ? Nhất định tôi sẽ là người thua thiệt, tôi đánh mất hạnh phúc của tôi, tôi ngủ không yên, ăn không ngon, trong khi đó sự oán giận của tôi nào có chạm gì được đến người Trung quốc. Càng tự dày vò mình quá đáng càng khiến cho mình mất đi khả năng mang lại hạnh phúc cho những người chung quanh.

            Mặc cho người ta cứ chỉ trích tôi : riêng tôi lúc nào cũng cố gắng giữ lấy niềm hân hoan cho mình. Nếu muốn xả thân vì tự do và công lý một cách hữu hiệu thì không được giận dữ và có ác ý. Nếu biết giữ sự trong sáng và hành động với một tấm lòng chân thật thì ta sẽ hoàn tất được khối việc trong khoảng thời gian ba mươi hay năm mươi năm còn lại của đời mình. Nếu như tôi đã đạt được một vài kết quả tích cực nào đó trong tinh thần trên đây, thì tôi nghĩ rằng đấy chẳng qua một phần cũng nhờ vào quyết tâm của tôi đã chọn con đường bất-bạo-động, con đường đó được thúc đẩy bởi một niềm tin vững chắc, đấy là sự tin tưởng vào tình huynh đệ giữa con người với nhau.

Sự tin tưởng của tôi đối với truyền thống ngàn năm của dân tộc Tây tạng

            Tôi tin vào công lý và sự quyết tâm của con người. Lịch sử lâu dài của toàn thể nhân loại đã chứng minh cho thấy ý chí con người mạnh hơn là một khẩu súng. Chẳng phải lịch sử của dân tộc Tây tạng đã chứng minh cho thấy quốc gia của họ đã đứng vững từ hai mươi thế kỷ nay nhờ vào sự hòa giải với Trung quốc, Ấn độ, Nepal, Mông cổ và các tập thể con người khác hay sao ? Dù cho giai đoạn hiện nay là một trong những giai đoạn khó khăn nhất, thế nhưng niềm tin sâu xa của tôi luôn giúp tôi hy vọng dân tộc Tây tạng, văn hóa và tín ngưỡng của dân tộc đó sẽ sống còn và sẽ tìm thấy một sự phồn vinh mới. Không một giây phút nào tôi đánh mất lòng tin ấy.

Người phát ngôn của dân tộc tôi bị giam hãm giữa cảnh núi non

            Người Tây tạng nào lại chẳng muốn tôi quay về với họ trên quê hương Tây tạng, thế nhưng tôi thường nhận được những thông điệp gửi đi từ Tây tạng khuyên tôi không nên trở về trong tình trạng hiện nay. Họ không muốn tôi trở thành một kẻ múa rối để cho người Trung quốc giật dây, tương tợ như trường hợp của ngài Pan-chen Lạt-Ma. Ngoại trừ những lúc ngủ ngoài ra không một giây phút nào trong ngày tôi lại không nghĩ đến hoàn cảnh của dân tộc tôi đang bị giam hãm giữa bối cảnh im lặng của núi non. Khi lên giường và nếu đêm hôm ấy là một đêm trăng sáng thì tôi không khỏi liên tưởng đến vòm trăng trên bầu trời nhìn xuống dân tộc tôi đang bị giam hãm giữa núi đồi Tây tạng. Dù chỉ là một người tỵ nạn, thế nhưng tôi được tự do, tự do cất lên tiếng nói của dân tộc tôi. Trong thế giới tự do, tôi cảm thấy hữu ích hơn trong vai trò của một phát ngôn viên. Tôi hoạt động hữu hiệu hơn từ bên ngoài quê hương tôi.

Những người Tây tạng chúng tôi nào khác gì những kẻ du lịch

            Những người Tây tạng chúng tôi nào khác gì những kẻ du lịch trên địa cầu này, giống như những người từ một hành tinh khác đến đây ! Và nếu đã là một kẻ du lịch thì những gì quan trọng khi viếng thăm một xứ sở khác là phải biết giữ mình là một người tốt, không xúi giục người chung quanh gây ra những chuyện rối rắm.

Một ngày trong đời tôi

            Thức dậy vào bốn giờ sáng, tức khắc tôi tụng ngay bài kinh Ngagk-djinlap, tức là bài kinh hồi hướng tất cả những gì tôi thực hiện được bằng ngôn từ, bằng tư duy và hành động kể cả sự sinh hoạt trong ngày hôm nay của tôi để hiến dâng cho người khác trong mục đích giúp đỡ họ. Sau đó, để tránh cái rét tôi làm một vài động tác thể dục, tôi tắm rửa và nhanh nhẹn mặc quần áo. Tôi thiền định đến bốn giờ rưỡi sáng. Sau đó nếu trời đẹp tôi ra vườn. Những giây phút đầu tiên trong ngày mang rất nhiều ý nghĩa đối với tôi. Ngước lên cao, bầu trời thật rạng rỡ, tôi trông thấy từng vì sao và cảm thấy sự vô nghĩa của tôi trong vũ trụ này. Đấy là sự cảm nhận mà người Phật giáo chúng tôi gọi là "vô thường". Sự cảm nhận ấy giúp tôi tìm thấy sự thư giãn. Lắm khi tôi cũng chẳng suy nghĩ gì cả, giữa buổi hừng đông tôi lắng nghe chim hót để tìm thấy niềm hân hoan trong lòng. 

            Sau đó tôi vừa nghe tin tức trên đài BBC World Service vừa ăn sáng.

            Từ sáu đến chín giờ sáng tôi ngồi thiền. Trong lúc ngồi thiền, người Phật giáo chúng tôi cố gắng phát động những ước vọng chân chính mang lại sức mạnh cho chúng tôi : đấy là lòng từ bi, sự tha thứ và lòng bao dung. Tôi thiền định từ sáu đến bảy lần mỗi ngày.

            Từ chín giờ cho đến trước khi ăn trưa, tôi học hỏi và nghiên cứu kinh sách. Phật giáo rất thâm sâu, dù đã nghiên cứu suốt đời thế nhưng vẫn còn rất nhiều điều tôi còn phải học. Ngoài ra tôi cũng cố gắng đọc thêm các sách của các vị thầy Tây phương. Tôi muốn học hỏi thêm thật nhiều về triết học và khoa học phương Tây.

            Đôi khi tôi cũng ngưng đọc để làm những việc vặt, từ ngày nhỏ tôi rất say mê các vật dụng cơ khí, tôi sửa được đồng hồ tay, đồng hồ treo tường, hoặc đôi khi tôi mang cây đã ương sẳn trong nhà kính để trồng xuống đất. Tôi thích nhất là hoa phi yến (delphidium) và hoa tulip, tôi rất thích nhìn chúng mọc.

            Khoảng 12 giờ đến 12 giờ 30 tôi dùng bữa trưa, đôi khi không phải hoàn toàn là rau trái thế nhưng tôi vẫn thích ăn chay hơn.

            Sau đó là các sinh hoạt chính thức, tôi tiếp xúc với hội đồng Kashag (hội đồng bộ trưởng), các thành viên của Hội đồng nghị sĩ đại diện cho dân chúng, hoặc tiếp những người từ Tây tạng đến đây với giấy phép đi lại do người Trung quốc cấp hoặc đi chui. Thật quá buồn thảm cho tôi khi nghe họ kể chuyện, hầu như tất cả đều gặp những chuyện đau buồn và họ đã khóc với tôi.

            Sáu giờ chiều là giờ uống trà. Là người tu hành tôi không dùng cơm chiều . Bảy giờ tối là giờ xem truyền hình. Tôi thích xem các chương trình về văn minh Tây phương và các phóng sự thật tuyệt vời về cảnh vật thiên nhiên của đài BBC (Anh quốc).

            Sau đó đến giờ ngủ và trước khi lên giường tôi thiền định và tụng niệm, chủ yếu là cầu khẩn Quán-Thế-Âm Bồ-tát (Avalokiteshvara) vị thánh hộ mệnh của xứ Tây tạng, tôi cầu xin Ngài hãy bảo trợ cho dân tộc tôi. Khoảng 8 giờ hay 8 giờ 30 tối thì tôi lên giường.

Chiếc áo của người tu hành

            Tôi mặc chiếc áo màu nâu đỏ của những người tu hành. Chiếc áo không thuộc loại tốt và đã được vá. Nếu như chiếc áo may bằng vải tốt và nguyên một mảnh thì còn bán lại được và may ra còn vớt vát được đồng nào. Đằng này với chiếc áo của tôi thì đành chịu. Sự nghèo nàn đó làm gia tăng thêm ý nghĩa của sự khinh thường của cải tạm bợ trong thế gian này.

Tuổi thọ của tôi        

            Theo các giấc mơ của tôi thì tôi có thể sống tối đa 110 hay 113 tuổi. Thế nhưng làm gì tôi sống được đến đấy. Tuy thế tôi cũng có thể sống đến chín mươi tuổi, giữa tám mươi và chín mươi. Sau cái tuổi đó tôi sẽ trở nên vô dụng, một vị Đạt-Lai Lạt-Ma già nua nào còn có giá trị gì nữa.

Đức tin của tôi thật đơn giản

            Bất cứ một hành động ý thức và cân nhắc nào đều cần đến một động cơ thúc đẩy. Đối với trường hợp của tôi thì đức tin của tôi thật đơn giản : động cơ quan trọng hơn hết thúc đẩy hành động của là tình thương, và lòng tốt là triết lý của đức tin ấy.

Phải bảo tồn sức mạnh để chống chỏi với khổ đau

            Động cơ thúc đẩy tôi là sự an lành của tất cả chúng sinh, thế nhưng trên một bình diện thứ yếu hơn tôi cũng phải cố gắng hướng vào sự cứu giúp người Tây tạng. Khi năm mươi ngàn người thuộc bộ tộc Shâkya bị giết hại, Đức Phật Thích-ca Mâu-ni tuy là người thuộc bộ tộc ấy thế nhưng không phát lộ sự đau đớn. Ngài chỉ tựa người vào một gốc cây rồi thốt lên rằng : "Hôm nay tôi cảm thấy khá buồn vì năm mươi ngàn người thuộc bộ tộc của tôi bị giết hại". Riêng Ngài thì không hề hấn gì. Sự thể là như thế. Ngài thừa hưởng nguyên nhân và hậu quả phát sinh từ nghiệp của chính Ngài. Không thể làm gì khác hơn được. Đấy là cách suy nghĩ đã giúp tôi trở nên can đảm hơn và tích cực hơn, thế nhưng đấy tuyệt nhiên không phải là cách làm mất đi sức phấn đấu và lòng quyết tâm đương đầu với bản chất toàn cầu của khổ đau.

Đặc tính của người Tây tạng

            Chính vì quyết tâm phụng sự nhân loại mà tôi đứng ra bênh vực cho chính nghĩa Tây tạng. Cho đến thế kỷ vừa qua quê hương chúng tôi vẫn còn là một quê hương an bình với một nền văn hóa thật độc đáo. Nếu như chúng tôi có chậm tiến trên phương diện vật chất đi nữa, thì trên phương diện tâm linh hay nói theo một số người thì đấy là sự nẩy nở tinh thần, chúng tôi rất phong phú. Chúng tôi là người Phật giáo và nền Phật giáo mà chúng tôi hằng tu tập là một trong các nền Phật giáo toàn diện nhất. Hơn nữa chúng tôi đã duy trì được sự tích cực và sinh động cho nền Phật giáo đó xuyên qua nhiều thế kỷ. Không phải chỉ nhân danh một người Tây tạng mà đúng hơn với tư cách một con người, tôi mạn phép nghĩ rằng chúng ta cũng nên bảo tồn nền văn hóa đó và xứ sở đó vì những cống hiến mà nền văn hóa và xứ sở đó đã từng mang lại cho thế giới này.

Lòng nhân từ khác thường của người dân Tây tạng

            Một cuộc sống an bình và tiến bộ và một tinh thần đạo đức xây dựng trên các giá trị tâm linh phải luôn đi đôi với nhau. Từ lâu trước khi có cuộc xâm lăng của người Trung quốc vào năm 1950, vua chúa Tây tạng đã soạn thảo luật pháp căn cứ vào nền đạo đức Phật giáo. Nhiều người trên thế giới thường cho rằng người Tây tạng nhân từ và khả ái một cách lạ thường. Tôi không thấy một nguyên nhân nào khác hơn để giải thích cho khía cạnh đặc biệt đó của người Tây tạng ngoài tinh thần bất-bạo-động của Phật giáo đã in sâu vào nền văn hóa của họ đã từ ngàn năm.

Sự ôn hòa trong tánh khí của người Tây tạng

            Tây tạng là một quốc gia mênh mông, dân số lại thưa thớt. Sống trong bối cảnh đó đòi hỏi con người phải có một tinh thần tương trợ thật cao. Trong một lãnh thổ đông dân, người ta thường có xu hướng ngờ vực  những người láng giềng, xem láng giềng như những đối thủ phải tránh xa. Trên Tây tạng, chúng tôi luôn cảm thấy sự bao la của không gian, nếu triết lý Phật giáo còn tác động thêm vào sự cảm nhận ấy thì nhất định đấy là những lý do có thể giải thích tại sao người dân Tây tạng lại mang một tính khí ôn hòa như thế.

Sự hài hòa trong gia đình người Tây tạng

            Tôi không muốn nói là không có chuyện hung bạo xảy ra trong gia đình Tây tạng. Tuy nhiên, nếu có một sự hung bạo nào xảy ra nhất định sẽ làm cho mọi người kinh ngạc vì không mấy khi họ trông thấy. Chuyện ly dị cũng hiếm hoi. Mỗi khi chuyện ấy xảy ra thì mọi người chung quanh đều cảm thấy bối rối và bất an.

            Trong khung cảnh truyền thống của xã hội Á châu, sự liên hệ trong gia đình có vẻ tốt đẹp hơn so với xã hội Tây phương. Chúng tôi đặt nặng sự hiếu thảo và quan tâm nhiều hơn đến các mối liên hệ họ hàng cũng như sự hài hòa trong gia đình.

Người Tây tạng hiền hòa từ bản chất

            Mặc dù chịu ảnh hưởng của lịch sử và mang ít nhiều tánh khí của người chiến sĩ, thế nhưng từ bản chất người Tây tạng lại rất hiền hòa. Đối với họ không có gì tồi tệ hơn là vai trò của người lính : dưới mắt họ người lính chẳng khác gì một một tên đồ tể.

Nghệ thuật tranh luận

            Phép biện chứng (dialectic) hay nghệ thuật tranh luận giữ một vị thế quan trọng trong nền giáo huấn nơi chùa chiền Tây tạng. Hai đối thủ luân phiên nêu lên câu hỏi, họ sử dụng cử chỉ tay chân để phụ họa và nhấn mạnh thêm cách trình bày các luận cứ của họ. Sự linh hoạt tâm thần giữ một vai trò quan trọng trong cuộc đấu trí, bên nào dồn đối thủ vào chỗ không trả lời được sẽ làm cho mọi người chung quanh cười ồ và sẽ được họ kính phục. Trò chơi tranh luận trên đây rất được ưa chuộng ngay cả đối với những người Tây tạng không được học hành nhiều. Ngày xưa không phải là một chuyện hiếm hoi khi thấy các đoàn người du mục hay các người nông dân từ xa lên tận Lhassa để suốt ngày ngồi xem mê mải các nhà bác học trổ tài tranh biện với nhau trong sân các tu viện.

Tánh tình vui vẻ của người Tây tạng

            Nói chung người Tây tạng nổi tiếng là vui vẻ. Đấy là một trong các nét đặc thù của tánh tình người Tây tạng. "Thế sự bí mật của bạn là gì ?", đấy là loại câu hỏi thường được nghe thấy, câu hỏi biểu lộ bản tính vui nhộn của người Tây tạng. Dù thuộc giới học rộng hay mù chữ người Tây tạng chúng tôi có thói quen khi gặp nhau hay gọi nhau là "má" hay là "bố". Cứ đến Tây tạng sẽ nghe thấy họ gọi nhau như thế. Tôi nhận thấy sự đồng hóa người khác với một lý tưởng từ bi (cha hay mẹ của mình) như trên đây là một cách mang lại sự vui sống cho chúng tôi.

Sự quyết tâm của người Tây tạng

            Bất chấp sự đàn áp tàn bạo của người Trung quốc, toàn dân Tây tạng lúc nào cũng tỏ ra kiên quyết. Tất nhiên đôi khi chúng tôi cũng cảm thấy buồn. Lại càng buồn hơn khi chúng tôi nghe kể lại là nhiều người Tây tạng dù phải sống trong cảnh cơ hàn và thường xuyên bị khủng bố thế nhưng lúc nào họ cũng một lòng tin tưởng vào chúng tôi và trông chờ chúng tôi. Điều đó thúc dục chúng tôi phải gánh vác một trọng trách thật nặng nề. Đôi khi chúng tôi cảm thấy buồn. Họ quá tin tưởng và quá trông chờ nơi chúng tôi. Thế nhưng những gì chúng tôi thực hiện được thật là vô nghĩa. Hành động của chúng tôi có giới hạn. Chúng tôi cố gắng tối đa và làm bất cứ gì có thể làm được để cố duy trì một sự thúc đẩy trong sáng. Thế nhưng thành công hay không lại là chuyện khác.

Sự lợi ích của giải Nobel về hòa bình

            Năm 1989 tôi đoạt giải Nobel hòa bình, nhờ biến cố đó nhiều người biết đến vấn đề Tây tạng. Họ lấy bản đồ ra xem và thắc mắc : "Nước Tây tạng ở vào chỗ nào ?"

            Tất nhiên là giải Nobel giúp tôi dịp may đến gần với nhiều vị lãnh đạo Quốc gia. Một số vị chính thức tiếp đón tôi. Một số khác, chẳng hạn như Tổng thống Mittérand chỉ tiếp tôi với tư cách cá nhân - chẳng qua thì cũng vì áp lực ngoại giao cả. Dù sao đi nữa, mọi sự trở nên dễ dàng hơn trước khi tôi cần tiếp xúc hay đàm thoại với những người có trọng trách. Thật vậy, giải Nobel đã giữ một vai trò tích cực trong các cuộc thương thảo với người Trung quốc.

Vấn đề trở về Tây tạng

            Tôi không nghĩ rằng có thể trở về Tây tạng trong kiếp sống này. Thế nhưng không hề gì. Vấn đề quan trọng hơn chính là sự tự do hành động. Dù với tư cách Đạt-Lai Lạt-Ma hay vị thế của một người tu hành mang tên là Tenzin Gyatso thì tôi vẫn luôn ước mong được tự do hành động hầu góp phần giúp đỡ tối đa dù bằng cách này hay cách khác cho dân tộc Tây tạng cũng như cho tất cả các dân tộc khác.

            Căn cứ vào khía cạnh đó nếu tôi thấy có nhiều may mắn thực hiện được hoài bão của tôi bên ngoài Tây tạng, thì tôi sẽ lưu lại bên ngoài. Nếu dịp may thành công ngang nhau thì tôi sẽ chọn giải pháp trở về, trở về Tây tạng mà cũng có thể là trở về Trung quốc. Mối quan tâm của tôi là làm thế nào mang lại kết quả tốt nhất thế thôi. Tất nhiên không nên quay về Tây tạng hay Trung quốc nếu như sự trở về ấy chỉ mang lại thiệt hại mà không giúp được gì thiết thực.

Các khía cạnh tích cực của tình trạng lưu vong

            Một trong các khía cạnh tích cực trong hoàn cảnh lưu vong là chúng ta có thể nhìn về xứ sở của mình dưới một góc cạnh khác hơn. Chẳng hạn, đối với trường hợp Tây tạng, tất cả những nghi lễ dành cho tôi trước đây trong thời kỳ tôi còn trẻ nay đã mất hết ý nghĩa. Ngày nào cũng thế từ đầu năm đến cuối năm nghi lễ cầu kỳ kéo dài bất tận và các người chung quanh thì xem các nghi lễ ấy thật nghiêm trọng. Các nghi thức chi tiết đó chi phối cuộc sống của chúng tôi trong từng ngày, mọi người phải thận trọng trong từng lời nói và cử chỉ.

            Sự bỏ chạy và sau đó là những gì phải làm - các cuộc đấu tranh để lôi kéo sự chú ý của các quốc gia khác, các cuộc du hành và các buổi phát biểu - đã lôi tôi trở về với thực tế. Cũng phải thú nhận là cuộc sống lưu vong đã giúp tôi khám phá ra phần còn lại của thế giới này, giúp tôi tiếp xúc với các dân tộc khác, biết thêm các tín ngưỡng khác. Quả thật không có gì hữu ích bằng.

            Nước Ấn đã đón nhận chúng tôi. Chúng tôi thiết lập một cuộc sống mới tại Dharamsala trong một xứ tự do, điều đó mang lại những điều kiện thuận lợi cho những sự tiếp xúc trên đây. Thật vậy khó có thể thực hiện được những việc ấy trên đất nước Tây tạng vào những năm của thập niên năm mươi. Thật vậy chính những khó khăn trong giai đoạn chuyển tiếp trên dòng lịch sử lâu dài của Tây tạng đã làm nảy sinh cả một ngành nghiên cứu mới mà người ta gọi là "Tây tạng học".

            Không biết bao nhiêu thế kỷ đã bám rễ quá sâu vào quê hương xứ sở và có thể đó là lý do đã làm lu mờ cái cảm tính tự nhiên về dân tộc tính của chúng ta. Những mối dây buộc chặt chúng ta vào mảnh đất quê hương trở thành những gì quá hiển nhiên, hình như không ai có thể tước đoạt được. Thế nhưng bỗng một thứ gì đó vụt hiển hiện ra và đặt trở lại vấn đề cho các mối dây liên hệ đó, chúng ta chợt nhận thấy một sự tàn nhẫn vô liêm sỉ, đấy là việc sử dụng sức mạnh tàn bạo trước sự mong manh của chúng ta. Thế rồi chúng ta phải ra đi và chỉ còn nhìn thấy quê hương từ xa, quê hương đó bị chiếm đóng, bị tàn phá. Thế nhưng cũng lạ, chúng ta lại nhận thấy quê hương nào có biến mất đâu, nó vẫn còn nguyên trong lòng chúng ta, và chúng ta cảm thấy mình vẫn là người Tây tạng. Thế rồi chúng ta lại tự hỏi : là người Tây tạng là thế nào ?

Tenzin Gyatso, Đức Đạt-Lai Lạt-Ma XIV, có phải là vị Đạt-Lai Lạt-Ma cuối cùng ?

            Đôi khi người ta hỏi tôi rằng có phải tôi là vị Đạt-Lai Lạt-Ma cuối cùng hay không ? Rất có thể. Vì hai lý do sau đây. Lý do thứ nhất thuộc lãnh vực chính trị. Người Trung quốc từ ba mươi lăm năm nay vẫn lập đi lập lại là tôi mang tham vọng tái lập một đế quốc già nua của thời xa xưa, vớt vát lại một số người hầu cận, một số ưu đãi nào đó và nhiều ngàn gian phòng trong lâu đài Potala. Tôi trả lời với họ là thể chế Đạt-Lai Lạt-Ma đâu còn thuộc thẩm quyền của tôi nữa. Đấy là chuyện của những người Tây tạng. Tôi đã khẳng định nhiều lần với họ như thế. Nếu một ngày nào đó xứ Tây tạng phục hồi lại được nền độc lập của mình, hay chỉ đơn giản là một nền tự trị - đấy cũng là sự mong mỏi chân thành của tôi - thì chuyện ấy cũng sẽ phải xảy ra một cách dân chủ. Trong trường hợp đó người dân Tây tạng sẽ còn muốn tiếp tục thể chế Đạt-Lai Lạt-Ma nữa hay không ? Họ sẽ tự trả lời cho câu hỏi ấy. Nếu đa số biểu quyết chống lại, tôi sẽ rút lui. Trong trường hợp này tất nhiên tôi sẽ là vị Đạt-Lai Lạt-Ma cuối cùng.

            Lý do thứ hai mang tính cách lịch sử nhiều hơn. Nếu nhiều người cho rằng không thể tách rời thể chế Đạt-Lai Lạt-Ma ra khỏi dân tộc Tây tạng thì chuyện ấy nhất định hoàn toàn sai. Trước thế kỷ XV, đất nước Tây tạng vẫn trường tồn không cần phải có Đạt-Lai Lạt-Ma. Tình trạng đó biết đâu cũng có thể xảy ra ngày mai. Tôi xin long trọng tuyên bố điều này : chính quyền tương lai của Tây tạng phải được bầu cử một cách dân chủ.

 Bures-Sur-Yvette, 13.03.11
 Hoang Phong chuyển ngữ