3. Vijjãcaranasampanno (Minh-Hạnh-Túc)

13 Tháng Ba 20189:48 CH(Xem: 3987)
3. Vijjãcaranasampanno (Minh-Hạnh-Túc)

Tại sao Đức Phật có hiệu là Vijjãcaranasampanno (Minh-Hạnh-Túc)?


Bởi Ngài đã toàn đắc:


3 cái Giác (Vijjã)
5 cái Giác (hoặc Minh)
15 cái Hạnh (Carana).


Ba cái Giác (Vijjã).


"Giác" hoặc "Minh" (Vijjã) có nghiã là sự hiểu biết cùng tột, tinh-tường.


Ba cái Giác của Phật có kể trong kinh "Bhayabhevara Sutta" (Majjhima Nikãya) như sau:


Pubbe Nivãsãnussati Vijjã:


Túc-Mạng-Minh là Tuệ biết rõ những tiền-kiếp của Ngài và của tất-cả chúng-sanh.


Đức Phật tri-tỏ căn nguyên của thân Ngũ-Uẩn của Ngài từ một kiếp đến vô số kiếp quá-khứ: trong kiếp nào Ngài sanh trong cảnh nào, khi ấy có tên họ chi, dòng giống nào, sắc diện thế nào, tuổi thọ được bao nhiêu, khi thác rồi sanh trong cảnh nào... Ngài đều rõ biết từng chi-tiết như thế trong mỗi tiền-kiếp của Ngài và luôn của mỗi chúng-sanh nữa.


Đức Phật đắc Túc-Mạng-Minh lúc đầu hôm trong đêm thành đạo dưới cội Bồ-Đề.


Cutũpapãta Vijjã:


Thiên-Nhãn-Minh có 2 nghĩa sau đây:


a) Sanh-Tử-Minh là có nhãn-thông thấy rõ sự sanh-tử luân-hồi của chúng-sanh đều do nghiệp (Ác hoặc Thiện) cấu-tạo nên.


Chúng-sanh nào làm những nghiệp ác do Thân, Khẩu, Ý, chấp theo tà kiến sẽ tái-sanh trong các cảnh khổ (Duggati) là cảnh A-Tu-La, Ngã-Quỉ, Súc-Sanh, Địa-Ngục.


Chúng-sanh nào làm những nghiệp lành do Thân, Khẩu, Ý, nói theo chánh-kiến sẽ tái-sanh vào cõi Yên-Vui (Sugati) là cõi trời và cõi người (người có nhiều hạnh-phúc).


Đức Phật thấy rõ và biết trước cảnh-giới tái-sanh của mỗi chúng-sanh tùy theo nghiệp dữ hoặc lành mà chúng-sanh ấy đã tạo.


b) Thiên-Nhãn-Thông là có nhãn-thông thấy rõ tất-cả Chư-Thiên, nhân-loại và các vật.


Dầu sâu dưới đất, trong lòng núi hay bị che-án, dầu hữu-hình hoặc vô-hình, dầu gần hoặc xa đến đâu, Ngài cũng đều thấy rõ như ngay trước mắt.


Nhưng đây chỉ nói đến Sanh-Tử-Minh là cái Minh mà Đức Phật đã đắc vào khoảng giữa đêm Ngài thành đạo.


Asavakkhaya Vijjã:


Lậu-Tận-Minh là Tuệ biết rõ các Pháp Trầm-Luân mà diệt tận. Pháp Trầm-Luân (ãsava) có 4:


a) Kãmãsava: Trầm-Luân trong Ái-Dục
b) Bhavãsava: Trầm-Luân trong Tam-Giới
c) Ditthãsava: Trầm-Luân trong Tà-kiến
d) Avijjãsana: Trầm-Luân trong Vô-Minh.

Riêng về Ái-Dục, Đức Phật đã thấy rõ, hiểu biết tường-tận đây là Khổ, đây là nguyên-nhân phát-sanh sự Khổ, đây là nơi diệt Khổ, đây là con đường đi đến nơi diệt Khổ.


Về các Pháp Trầm-Luân khác là Tam-Giới, Tà-Kiến, Vô-Minh, Ngài cũng hiểu thấy rõ-rệt, Pháp này là Pháp Trầm-Luân, Pháp này là nhân sanh sự Trầm-Luân, đây là nơi diệt Pháp Trầm-Luân, đây là phương-pháp diệt trừ Pháp Trầm-Luân.


Đức Phật đắc Lậu-Tận-Minh vào lúc rạng đông đêm thành đạo. Đạo quả viên thành, Ngài thành bậc Chánh-Đẳng Chánh-Giác là bậc tối-thượng, thầy cả Chư-Thiên và nhân-loại, là bậc xứng-đáng cho chúng-sanh tôn-trọng, lễ-bái cúng-dường.


Năm cái Giác (hoặc Minh).


Ngoài 3 cái Giác vừa kể trên, Đức Phật còn đắc 5 cái Giác khác (hoặc Minh), có kể trong Kinh "Ambattha Sutta " thuộc bộ Trường-A-Hàm "Dĩgha Nikãya".


Năm cái Giác ấy là:


Vipassanã Vijjã:


Minh-Sát-Minh là tuệ Quán-tưởng các Pháp hành (Sankhãra) là Danh và Sắc (Nãma Rũpa) theo 10 Pháp Minh-Sát (Vipassanã) (Xin xem giải rộng trong quyển "Thanh-Tịnh-Kinh" của Đại-Đức Hộ-Tông):


Sammasanannãna
: Huệ Quán-Tưởng các Danh và Sắc đều Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã, đúng theo thật tướng.


Udayabbayannãna:
 Huệ Quán-Tưởng sự tan rã, phân tán của Danh-Sắc.


Bhangannãna:
 Huệ Quán-Tưởng sự tan rã, phân-tán của Danh-Sắc.


Bhayannãna
: Huệ Quán-Tưởng cho thấy Danh-Sắc đáng ghê-sợ như là thú dữ.


Adinavannãna
: Huệ Quán-Tưởng cho thấy rõ tội-lỗi của Danh-Sắc như người thấy nhà mình bị lửa cháy, tìm đường thoát ra cho khỏi.


Nibbidãnnãna
: Huệ Quán-Tưởng cho phát sanh lòng chán-nản Danh-Sắc.


Muncitukamyatãnnãna
: Huệ Quán-Tưởng cho phát sanh Tâm mong mỏi thoát khỏi Danh-Sắc, cũng như cá mắc lưới muốn thoát thân, như kẻ tù-tội muốn lìa khỏi cùm-xích lao-tù.


Patisankhãrannãna
: Huệ Quán-Tưởng tìm phương thế giải-thoát khỏi Danh-Sắc.


Sankhãrupekkhã Nãna
: Huệ Xả là không còn chấp Danh-Sắc nữa, không vui, không buồn ví như người bỏ hẳn vợ, chẳng còn mến tiếc nữa, dầu người vợ ấy có tư-tình với người nào mình cũng thản-nhiên.


Anulomannãna
: Huệ Thấy Rõ và dốc lòng thực-hành xuôi theo Thánh-Đạo.


Minh-Sát ẩn tàng trong tâm Đức Phật từ khi Ngài chưa xuất-gia tầm đạo, nhưng lúc ấy chưa được uyên-viễn tinh-vi.

Chính nhờ cái Minh còn thô-thiển ấy mà khi còn là Thái-tử Sĩ-Đạt-Ta, Ngài đã nhận-thức được những điều thống-khổ của sự Già, Đau, Chết khi trông thấy một người già, một bệnh nhân, một tử-thi trong lúc Ngài đi du-ngoạn ngoài thành. Lúc trở về nội cung, Ngài suy-xét mãi về cái thân Ngũ-Uẩn Vô-Thường, phát Tâm chán-nản thế-sự phù-du, quả-quyết cắt-ái ly-gia mong tìm đường giải-thoát.

Minh-Sát-Minh là cái Giác đầu tiên trong 8 cái Giác mà Đức Phật đã đắc vì nhờ Minh-Sát-Minh mà Ngài mới hoàn-toàn tri-tỏ lý Tứ-Diệu-Đế.


Sau khi cảm thắng Ma-vương dưới cội Bồ-Đề do nhờ 10 Pháp Ba-La-Mật, Ngài liền nhập Diệt-Thọ-Tưởng-Định (Samãpatti) lúc xuất-định, Ngài dùng Minh-Sát-Minh chiếu vào các Pháp hành (Hữu-Vi) và thấy rõ Danh-Sắc đều là Vô-Thường (Aniccam), Khổ-Não (Dukkham), Vô-Ngã (Anattã), Ngài ví Ngũ-Uẩn theo Lý Tứ-Diệu-Đế như vầy:


Khổ-Đế: Ngũ-Uẩn là chúa-tể các sự khổ rất đáng sợ ví như 5 kẻ nghịch hung-bạo.
Tập-Đế: 3 cái Tâm Ái-Dục ví như 3 tên dẫn đường chỉ nẻo cho 5 kẻ nghịch ấy.
Diệt-Đế: Niết-Bàn là khí cụ để ngăn-cản, chặn-lối đám nghịch ấy.
Đạo-Đế: Bát-Chánh-Đạo là phương-Pháp diệt-trừ đám nghịch ấy.


Khi tìm thấy căn-nguyên của sự khổ và phương-Pháp diệt-tận sự khổ bằng Minh-Sát-Minh rồi, Đức Bồ-Tát mới xa-lìa được 3 cái Sử (Samyojana): Pháp thằng-thúc đầu tiên là Thân-Kiến (Sakkãya Ditthi), Hoài-Nghi (Vicikicchã) và Giới-Cấm-Thủ (Silibbattaparãmãsa: Chấp theo tập-quán, theo lệ cúng-tế thần-thánh) bằng Tu-Đà-Hườn Đạo-Tuệ (Sotãpatthi Maggannãna).


Rồi Ngài xa-lìa cái thô-siển của 2 Sử nữa là: Vui thích Tình-Dục (Kãmacchanda) và Thù Oán, Mong Hại người (Byãpãda) bằng Tu-Đà-Hàm Đạo-Tuệ (Sakidãgãmi Maggannãna).


Ngài lại xa-lìa cái vi-tế của 2 sử kể trên và diệt-tận trọn-vẹn cả 2 sử ấy bằng A-Na-Hàm Đạo-Tuệ (Anãgãmi Maggannãna).


Kế tiếp, Ngài xa-lìa cả 5 sử cuối-cùng là:


Rũparãga
: Vui-Thích cảnh Sắc
Arũparãga: Vui-Thích cảnh Vô-Sắc
Mãna: Cống-Cao, Ngã-Mạn
Uddhacca: Phóng-Tâm
Avijjã: Vô-Minh


bằng A-La-Hán Đạo-Tuệ (Arahatta Maggannãna).


Phiền-Não chướng ngại đã xa-lìa, Thân Tâm Bồ-Tát trở nên hoàn-toàn trong sạch, A-La-Hán quả phát-sanh lên và 7 cái Giác khác cũng tuần tự khởi-phát lên tròn đủ đến Tâm Ngài.


Manomayiddhi Vijjã:


Hóa-Tâm-Minh là cái Tâm có thể biến Tâm mình ra thành thân-hình như ta rút cái tim của cây cỏ ống ra khỏi cộng vậy.


Đức Phật dùng Tâm lực tự hóa ra khi thì làm người già, lúc thì làm người trẻ... biến hiện dưới hình thể, khác nhau tùy theo ý-muốn của Ngài.


Idhividhi Vijjã:


Thần-Thông-Minh là cái Minh có thể dùng các Pháp thần-thông. Đức Phật có thể biến-hóa một người thành ra nhiều người hoặc nhiều người thành ra một người.


Ngài có thể tàng-hình, độn-thổ, đi trên nước như trên đất bằng, đi ngang qua vách núi như đi trong khoảng trống, ngồi xếp bằng bay trên hư-không, lấy tay rờ mặt trời mặt trăng, làm cho đường gần thành ra xa, xa thành gần, vật này biến thành vật khác, vv...


Dibbasota Vijjã:


Thiên-Nhĩ-Minh là cái Minh có thể nghe các thứ tiếng, dầu xa, dầu gần. Đức Phật có thể nghe tiếng các loài (Noãn, Thai, Thấp, Hoá) nhất là loài người và Chư-Thiên, dầu tiếng ấy ở xa đến đâu Ngài cũng nghe được cả.


Cetopariya Vijjã:


Tha-Tâm-Thông là Tuệ biết rõ ý-tưởng hoặc tâm-thức của người khác. Đức Phật đã biết rõ Tâm của tất-cả chúng-sanh: Tâm người này còn Tham, Sân, Si; Tâm người kia đã dứt Phiền-Não; người này đang tưởng điều Ác; người kia đang nghĩ điều Lành. Nhờ cái Minh ấy mà ai đến gần, Ngài liền biết rõ người ấy muốn tìm Ngài để làm gì, hỏi chi, vv...

Năm cái Giác vừa kể trên hiệp với 3 cái Giác đã giải phía trước, thành ra 8 cái Giác (hoặc Minh) mà Đức Phật đã đắc.


Hạnh (hoặc Hành: Carana).


Hạnh (hoặc Hành: Carana) là phương-pháp mà bậc phạm hạnh phải hành theo để đi đến nơi giải-thoát là Niết-Bàn.

Pháp Hành có 15:


a) Sĩla Samvara: Thu-Thúc theo Giới-Hạnh là giữ Tứ-Thanh-Tịnh-Giới (Patimokkha) cho trọn-vẹn Tinh-Nghiêm.


b) Indriya Samvara: Thu-Thúc Lục-Căn cho Thanh-Tịnh là giữ Tâm cho bình-thản không vui, không buồn, không cho cảnh trần chi-phối khi Lục-Căn tiếp-xúc với Lục-Trần.


c) Bhojan Mattannutã: Có sự Tiết-Độ trong vật thực là không độ nhiều quá hoặc ít quá, chỉ độ một buổi ngọ thôi.


d) Jãgariyãnuyoyo: Luôn Luôn giữ Tâm-Thần Tỉnh-Táo không uể-oải là hằng Thức-Tỉnh, không Mê Ngủ.


e) Saddhã: Có Đức-Tin Chân-Chánh là tin Lý Nhân-Quả (tin Nghiệp và tin Quả), tin nơi sự Giác-Ngộ của Đức Phật và tin nơi 37 phần-Pháp Bồ-Đề.


f) Sati Sampajanna: Có sự Ghi Nhớ Chân-Chánh và biết mình là Ghi Nhớ theo Tứ-Niệm-Xứ (Niệm-Thân, Niệm-Thọ, Niệm-Tâm, Niệm-Pháp) và biết rõ những hành-vi của mình về Thân, Khẩu, Ý.


g) Hiri: Hổ-Thẹn Tội-Lỗi đã làm.


h) Ottappa: Ghê-Sợ Tội-Lỗi, không dám tái phạm.


i) Bãhusacca: Nghe nhiều, Học Rộng (về Kinh, Luật, Luận và về các Pháp Giải-Thoát).


j) Viriya: Có sự Tinh-Tấn đúng theo Tứ-Chánh-Cần (Samappadhãna):


Cố-gắng diệt-trừ các Pháp Ác đã phát sanh nơi Thân-Tâm.
Cố-gắng ngăn-ngừa các Pháp Ác chưa sanh không cho xâm-nhập vào Thân.
Cố-gắng làm cho tăng-trưởng các Pháp Lành đã có (hoặc làm hoàn-bị những Pháp Hành đã đắc).
Cố-gắng làm cho phát sanh các Pháp Lành chưa có (hoặc hành các Pháp Hành chưa đắc).


k) Pathama Jhãna: Hành theo Sơ-Thiền.


l) Pannã: Có Trí-Tuệ hiểu biết thấy chân-chánh, là hiểu thấy theo 3 thật tướng của vũ-trụ (Vô-Thường, Khổ-Não, Vô-Ngã) theo lý Tứ-Diệu-Đế.


m) Dutiya Jhãna: Hành Nhị-Thiền.


n) Tatiya Jhãna: Hành cho đắc Tam-Thiền.


o) Catuttha Jhãna: Hành cho đắc Tứ-Thiền.


Nhờ toàn đắc 8 cái Giác mà Đức Phật phát-sanh Trí-Tuệ Vô-Biên, nhờ hành viên mãn 15 cái hạnh mà Ngài phát Tâm Đại-Bi Vô-Lượng.

Do nhờ Trí-Tuệ mà Đức Phật đã tự mình đến bờ Giác-Ngộ, nhờ lòng Đại-Bi mà Ngài dắt-dẫn chúng-sanh đến bờ Giải-Thoát.

Do nhờ Trí-Tuệ mà Đức Phật đã chứng bậc Chánh-Đẳng Chánh-Giác, nhờ lòng Đại-Bi mà Ngài thực-hành trọn-vẹn phận-sự của một bậc Chánh-Biến-Tri.


Do nhờ Trí-Tuệ mà Đức Phật tri-tỏ Pháp nào có sự lơị-ích; Pháp nào có sự nguy-hại đến chúng-sanh, nhờ lòng Đại-Bi mà Ngài khuyên bảo chúng-sanh lánh xa những điều tội-lỗi, khuyến-khích chúng-sanh làm những điều lành.


Nói tóm lại: Do nhờ 8 cái Giác và 15 cái Hạnh của Đức Phật mà các hàng tứ-chúng môn-đệ của Ngài được dắt-dẫn chu-đáo trên con đường chân-chánh, lánh xa những con đường sai-lầm như tu khổ-hạnh, tà-kiến, lợi-dưỡng, vv...


Do nhờ những Ân-Đức Cao-Quí vừa giải phía trên, nên Ngài có hiệu là VIJJãCARANASAMPANNO (Minh-Hạnh-Túc).