Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
Danh Mục Tam Tạng

Giới Bổn Bồ Tát Tại Gia

17 Tháng Năm 201611:36 CH(Xem: 2728)
Giới Bổn Bồ Tát Tại Gia

Giới văn trích lục từ Ưu Bà Tắc Giới Kinh do ngài

Tam tạng Pháp sư Đàm Vô Sấm dịch Phạn Hán

Tỳ kheo Thích Pháp Chánh dịch chú

 

Giới bổn Bồ tát tại gia

(Nghi Thức và Giải Thích) 

 --- o0o ---

Lời tựa 

Sự thù thắng của Phật pháp Đại thừa, không phải chỉ là sự hiểu rõ ý nghĩa triết lý thâm sâu, mà cũng chính là sự thực hành đúng pháp hạnh từ bi của chư Phật.

Học Đại thừa tức là học Bồ tát thừa, mà ý nghĩa của Bồ tát thừa là tinh thần phục vụ chúng sinh. Thế nhưng, phục vụ chúng sinh không phải chỉ là phận sự riêng tư của hàng xuất gia, mà phải là nhiệm vụ chung của tất cả mọi người con Phật.

Như người thế gian, nếu muốn đạt đến mục tiêu, cần phải có những hành trang đầy đủ; người tại gia tu học Phật pháp, cũng tương tự như vậy, cần phải có những phương tiện thù thắng, mà trong đó quyển giới bổn Bồ tát tại gia này là một cẩm nang cần thiết nhất, giúp cho hành giả mau chóng đạt đến mục tiêu tối hậu của mình là Vô thượng Bồ đề.

Trong quá khứ, giới luật của hàng tại gia bị xem thường. Phần lớn đều nghĩ rằng người tại gia chỉ cần thọ Tam quy, Ngũ giới là đủ; thế nhưng ý nghĩa của sự quy y, sự hoạch đắc giới thể, cùng sự thọ trì các hành tướng của Ngũ giới như thế nào, thì chẳng mấy ai hiểu rõ. Thọ giới trở thành một sự phô diễn hình thức, còn sự hành trì như thế nào cho đúng pháp, thì chẳng mấy ai quan tâm đến. Đây cũng là một sự kém may mắn của hàng Phật tử tại gia.

Gần đây, tuy cũng có nhiều vị xuất gia bắt đầu quan tâm đến việc giảng giải, hoặc truyền thọ giới pháp Bồ tát cho hàng Phật tử tại gia, song chưa có một quyển giới bổn nào tạm gọi là hoàn bị, và hơn nữa, chưa có một quyển chú thích nào, dù là sơ lược, cho hàng Phật tử tại gia thọ giới Bồ tát đọc tụng, hầu hiểu rõ phần nào các giới tướng mà mình đang thọ trì.

Vì những lý do trên, người dịch không quản tài học thô thiển, đã mạo muội soạn quyển Giới bổn Bồ tát tại gia, Nghi thức và giải thích, để cho hàng Phật tử tại gia nhân đây mà hiểu rõ phần nào ý nghĩa và bổn phận Bồ tát của mình.

Quyển sách nhỏ này ra đời trong sự vội vàng, do đó, ắt hẳn sẽ còn rất nhiều thiếu sót. Người dịch thành tâm cầu mong được sự chỉ chánh của các vị tôn túc, cùng tất cả các bậc thiện tri thức ở khắp mọi nơi, hầu mong quyển sách này sẽ được hoàn bị hơn, trong lần xuất bản tới.

Sau hết, người dịch xin chân thành cảm tạ thầy Thích Pháp Quang, trụ trì Chùa Tịnh Luật, Texas, đã quan tâm đốc thúc và hướng đạo, cùng toàn thể Phật tử Chùa Tịnh Luật, đã nhẫn nại trong việc hiệu đính quyển giới bổn này trong những kỳ tụng giới, và hơn nữa, đã quyên góp tịnh tài ấn tống. Nếu không có sự đóng góp quý báu đó, có lẽ quyển giới bổn này vĩnh viễn sẽ không bao giờ có cơ hội ra mắt quý vị đồng đạo.

Nguyện đem hết những công đức góp nhặt được, nếu có, hồi hướng đến thân mẫu, Sư cô Thích Nữ Chúc Phước, cùng toàn thể chúng sanh trong pháp giới, nguyện tất cả đều sớm viên thành Phật Đạo.

Lập Xuân, Quí Mùi, 2003

Tường Quang Tự

Tỳ kheo Thích Pháp Chánh cẩn thức

 

Phần một:

Nghi thức tụng

Giới bổn Bồ tát tại gia[1]

 

I. Tán lư hương  

Lư hương vừa ngún chiên đàn,

Khói thơm ngào ngạt muôn vàn cõi xa,

Lòng con quy kính thiết tha,

Ngưỡng mong chư Phật thương mà chứng minh.

Nam mô Hương Vân Cái Bồ tát Ma ha tát (Ba lần) 

 

II. Sám hối[2] 

Quá khứ đã tạo bao ác nghiệp,

Đều do vô thỉ tham sân si,

Từ thân miệng ý phát sanh ra,

Tất cả con nay xin sám hối.

Nam mô Cầu Sám Hối Bồ Tát Ma Ha Tát. ̣(Ba lần ba lạy) 

(Đại chúng đứng yên. Người tụng giới lên pháp tòa xong, bèn mời đại chúng cùng an tọa. Kế đến, người tụng giới đọc bài kệ khai kinh. Người tụng giới đọc trước, đại chúng họa theo.)

 

III Kệ khai kinh  

Phật pháp vi diệu rất rộng sâu,

Trăm ngàn muôn kiếp khó tìm cầu,

Con nay nghe thấy chuyên trì tụng,

Nguyện giải Như Lai nghĩa nhiệm mầu.

Nam mô Bổn sư Thích Ca Mâu Ni Phật. (Ba lần) 

(Người tụng giới bắt đầu đọc giới văn, đại chúng im lặng lắng nghe.) 

 

IV. Tựa tụng giới  

Chúng thọ giới Bồ tát lắng nghe:

Quy mạng Lô Xá Na,

Mười phương Kim Cương Phật,

Đảnh lễ đức Di Lặc,

Sẽ hạ sanh thành Phật.

Nay tụng ba tụ giới,

Bồ tát đều cùng nghe,

Giới như đèn sáng lớn,

Soi sáng đêm tối tăm.

Giới như gương báu sáng,

Chiếu rõ tất cả pháp,

Giới như ngọc Ma ni,

Rưới của giúp kẻ nghèo.

Thoát khổ mau thành Phật,

Chỉ giới này hơn cả,

Vì thế nên Bồ tát,

Phải tinh tấn giữ gìn. 

Các vị Bồ tát tại gia! Sau khi Đức Phật diệt độ, trong thời mạt pháp, phải nên tôn kính Ba la đề mộc xoa[3]. Ba la đề mộc xoa chính là giới pháp này. Trì giới này thời như đi đêm tối gặp đèn sáng, như người nghèo được của báu, như người bệnh được bình phục, như người tù được tự do, như kẻ đi xa được trở về. Nên biết rằng giới pháp này là đức Thầy sáng suốt của chúng ta, không khác khi Đức Phật còn ở thế gian.

Nếu không có lòng sợ tội, thì tâm lành khó nẩy sanh. Cho nên trong kinh có lời dạy: "Chớ xem thường lỗi nhỏ mà cho là không hại, giọt nước dầu nhỏ mà lần lần đầy cả chum lớn. Lúc tạo tội chừng trong giây phút, mà phải nghìn muôn năm chịu khổ nơi địa ngục. Một phen bị đọa lạc mất thân người, thì muôn đời khó đặng lại."

Sắc trẻ không dừng, dường như ngựa chạy. Mạng người vô thường, mau hơn nước dốc. Ngày nay dầu còn, khó bảo đảm được ngày mai.

Đại chúng! Mỗi người nên nhất tâm cần cầu tinh tấn. Chớ biếng nhác trễ lười, phóng túng ngủ nghỉ. Ban đêm phải nhiếp tâm niệm Phật tham thiền, chớ để thời gian luống qua vô ích, mà sau này phải ăn năn.

Đại chúng! Mỗi người nên nhất tâm cung kính, y theo giới này, như pháp tu hành, chuyên cần học tập.

Đại chúng! Hôm nay là ngày mười lăm (mười bốn) có trăng (không trăng)[4], làm phép bố tát[5] tụng giới Bồ tát. Đại chúng nên nhất tâm nghe kỹ. Ai có tội thời phát lồ, người không tội thời im lặng. Nếu mọi người im lặng, nên hiểu là đại chúng thanh tịnh có thể tụng giới. Tôi đã tụng lời tựa của giới Bồ tát rồi.

Nay xin hỏi trong đại chúng đây được thanh tịnh không? (Hỏi ba lần)

Thưa đại chúng! Trong đây thanh tịnh vì im lặng. Việc này xin nhận biết như vậy. 

 

V. Sáu giới trọng: 

(1) Giới giết hại:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại. Nếu phạm giới giết hại, hoặc bảo người giết, hoặc tự mình giết, sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ nhất. 

(2) Giới Trộm Cắp:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến một đồng tiền, cũng không được trộm cắp. Nếu phạm giới trộm cắp sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ hai. 

(3) Giới đại vọng ngữ:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được đại vọng ngữ: "Tôi đã chứng được pháp quán bất tịnh", hoặc: "Tôi đã chứng được thánh quả A na hàm", vân vân ... Nếu phạm giới đại vọng ngữ sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ ba.  

(4) Giới tà dâm:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được tà dâm. Nếu phạm giới tà dâm sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ tư. 

(5) Giới rao nói tội lỗi của bốn chúng:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được rao nói tội lỗi của bốn chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Nếu phạm giới rao nói tội lỗi của bốn chúng sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ năm. 

(6) Giới bán rượu:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được bán rượu. Nếu phạm giới bán rượu sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ sáu. 

Chư Phật tử! Nếu Bồ tát tại gia sau khi thọ giới có thể hết lòng giữ gìn không cho hủy phạm thì sẽ đắc được thánh quả như trên.

Chư Phật tử! Giới Bồ tát tại gia là ngọc anh lạc trang nghiêm; là hương thơm vi diệu xông khắp mọi nơi; là quỹ luật[6] cho pháp thiện, ngăn chận các pháp bất thiện; là kho tàng diệu bảo vô thượng; là chủng tính của dòng dõi tôn quí; là nơi đại tịch tĩnh; là vị cam lộ; là đất sanh thiện pháp. Chỉ cần chân thực phát tâm thọ giới đã được vô lượng vô biên lợi ích như vậy, huống chi là nhất tâm giữ gìn không cho hủy phạm. 

 

VI. Hai mươi tám giới khinh: 

(1) Giới không cúng dường cha mẹ, sư trưởng:

Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(2) Giới uống rượu:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, ham mê uống rượu, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(3) Giới không chăm sóc người bệnh:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(4) Giới không bố thí người đến xin:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho người đến xin ra về tay không, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(5) Giới không chào hỏi lễ lạy các bậc tôn trưởng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc các vị Bồ tát tại gia thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(6) Giới khinh mạn người phá giới:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di phạm giới, bèn sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ, họ không bằng mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(7) Giới không thọ sáu ngày bát quan trai giới mỗi tháng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, mỗi tháng không thọ sáu ngày bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(8) Giới không đi nghe pháp:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, trong vòng bốn mươi dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(9) Giới thọ dụng đồ dùng của chư Tăng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thọ dụng đồ dùng của chư tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v..., thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(10) Giới uống nước có trùng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nghi nước có trùng mà vẫn cố ý uống, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(11) Giới đi một mình trong chổ nguy hiểm:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đi một mình trong chỗ nguy hiểm, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(12) Giới một mình ngủ đêm tại chùa ni (tăng):

Nếu Bồ tát tại gia nam (nữ), sau khi thọ giới, một mình ngủ đêm tại chùa ni (tăng), thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(13) Giới vì của đánh người:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài, thì sẽ phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(14) Giới bố thí thức ăn thừa cho bốn chúng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đem thức ăn thừa bố thí cho tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc ưu bà tắc, ưu bà di khác, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(15) Giới nuôi mèo, chồn:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng mèo, chồn, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(16) Giới nuôi súc vật:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, hoặc các loại súc vật khác, không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(17) Giới không chứa ba y, bình bát, tích trượng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, không chứa sẳn ba y, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng tăng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(18) Giới không lựa chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt, thì sẽ phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(19) Giới buôn bán không chân chánh:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho kẻ trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi. Nếu không làm như thế, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(20) Giới hành dâm không đúng thời, không đúng chỗ:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, hành dâm không đúng chỗ, không đúng thời, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(21) Giới gian lận thuế:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề thương mại, công nghiệp, v.v..., không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(22) Giới vi phạm luật pháp quốc gia:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, vi phạm luật pháp quốc gia, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(23) Giới được thực phẩm mới mà không dâng cúng Tam bảo trước:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, lúc lúa, trái cây, rau cải được mùa, không dâng cúng Tam bảo trước, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(24) Giới Tăng già không cho thuyết pháp mà tự chuyên:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, Tăng già không cho phép thuyết pháp, mà vẫn cứ làm, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(25) Giới đi trước năm chúng xuất gia:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, ra đường đi trước các tỳ khưu, sa di, v.v..., thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(26) Giới phân phối thức ăn cho chư Tăng không bình đẳng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(27) Giới nuôi tằm:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi tằm lấy tơ, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

(28) Giới đi đường gặp người bệnh không chăm sóc:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Chư Phật tử! Nếu Bồ tát tại gia nào, có thể chí tâm thọ trì giới pháp này, kẻ ấy là hoa phân đà lợi[7] trong hàng Bồ tát tại gia, là hương thơm vi diệu trong hàng Bồ tát tại gia, là hoa sen trong sạch trong hàng Bồ tát tại gia, là trân báu chân thực trong hàng Bồ tát tại gia, là bậc đại trượng phu trong hàng Bồ tát tại gia. 

Chư Phật tử! Đức Phật có dạy: Bồ tát có hai hạng, một là tại gia, hai là xuất gia. Bồ tát xuất gia gọi là tỳ khưu, hay tỳ khưu ni, Bồ tát tại gia gọi là ưu bà tắc, hay ưu bà di. Bồ tát xuất gia trì giới xuất gia, điều này không khó. Bồ tát tại gia trì giới tại gia, điều này mới khó. Tại sao như vậy? Bởi vì Bồ tát tại gia bị nhiều ác duyên ràng buộc.

 

VII: Bài kệ kết thúc 

Người trí nhiều nhẫn, tuệ,

Thọ trì giới pháp này,[8]

Lúc chưa thành Phật đạo,

Được hưởng năm điều lợi:

Một là thập phương Phật,

Thương tưởng hộ trì luôn;

Hai là lúc lâm chung,

Chánh niệm lòng an vui;

Ba là sanh chỗ nào,

Cùng Bồ tát làm bạn;

Bốn là những công đức,

Giới độ[9] đều thành tựu;

Năm, đời này, đời sau,

Đủ giới và phước tuệ.

Đây là hạnh chư Phật,

Chỗ người trí quán xét.[10]

Kẻ trước tướng chấp ngã[11],

Không thể được pháp này,

Người trầm không trệ tịch[12],

Cũng không gieo giống[13] được.

Muốn phát tâm Bồ đề,

Trí tuệ chiếu thế gian,[14]

Phải nên quán sát kỹ,

Thật tướng của các pháp:

Không sanh cũng không diệt,

Không thường cũng không đoạn,

Chẳng đồng cũng chẳng khác,

Chẳng đến cũng chẳng đi.

Trong thể nhất tâm ấy,

Siêng tu tập trang nghiêm.

Phải tuần tự học tập,

Công hạnh của Bồ tát,

Đối với Học, Vô học,

Chớ mống tâm phân biệt,[15]

Đây là Đệ nhất đạo,

Cũng gọi pháp Đại thừa.

Hết thảy lỗi hí luận,

Từ đây đều dứt sạch.

Vô thượng trí của Phật,

Đều do đây mà thành.

Vì thế nên Phật tử,

Phải phát tâm dũng mãnh,

Nghiêm trì giới của Phật,

Tròn sạch như minh châu.

Chư Bồ tát quá khứ,

Đã từng học giới này,

Hàng vị lai sẽ học,

Hàng hiện tại đang học,

Đây là đường Phật đi,

Là chỗ Phật khen ngợi,

Tôi đã tụng giới rồi,

Nguyện phước đức vô lượng,

Hồi hướng cho chúng sanh,

Đồng đến Nhất thiết trí,

Nguyện ai nghe pháp này,

Đều được thành Phật đạo. 

 

VIII. Lời cảm tạ đại chúng 

Cảm tạ đại chúng đã đề cử con tụng giới, nhưng vì ba nghiệp của con bất chuyên, cho nên đọc tụng có nhiều vấp váp, làm cho đại chúng ngồi lâu mỏi mệt, sanh khởi buồn phiền. Ngưỡng mong đại chúng từ bi hoan hỷ! 

(Người tụng giới rời pháp tòa, trở về vị trí của mình. Đại chúng bắt đầu tụng phần hồi hướng và tam quy y.) 

 

IX. Phần hồi hướng 

Tụng giới công đức thù thắng hạnh,

Vô biên thắng phước giai hồi hướng,

Phổ nguyện pháp giới chư chúng sanh,

Tốc vãng Vô Lượng Quang Phật sát.

Nguyện tiêu tam chướng trừ phiền não,

Nguyện đắc trí tuệ chơn minh liễu,

Phổ nguyện tội chướng tất tiêu trừ,

Thế thế thường hành Bồ tát đạo.

Nguyện sanh Tây phương Tịnh độ trung,

Cửu phẩm liên hoa vi phụ mẫu,

Hoa khai kiến Phật ngộ vô sanh,

Bất thối Bồ tát vi bạn lữ.

Nguyện dĩ thử công đức,

Phổ cập ư nhất thiết,

Ngã đẳng dữ chúng sanh,

Giai cộng thành Phật đạo.

 

X. Tam quy y 

Tự quy y Phật, xin nguyện chúng sanh, thể theo đạo cả, phát lòng vô thượng. (Một lạy)

Tự quy y Pháp, xin nguyện chúng sanh, thấu rõ kinh tạng, trí tuệ như biển. (Một lạy)

Tự quy y Tăng, xin nguyện chúng sanh, thống lý đại chúng, hết thảykhông ngại. (Một lạy)

 

 

Phần hai:

Giải thích

 

I. Giới bổn Bồ tát tại gia 

Giới: Tiếng Phạn Sila, theo nghĩa, dịch là giới. Giới [theo nghĩa hẹp] là những điều cấm chế, có công năng làm cho hành giả đề phòng, chế ngự thân, tâm, không cho phạm vào lỗi lầm (Hán: phòng phi chỉ ác). Giới là tiêu chuẩn quy định đệ tử Phật hành động thế nào là đúng pháp, hành động như thế nào là không đúng pháp.

Giới còn có nghĩa là "mát mẽ (Hán: thanh lương)". Ba nghiệp (thân, khẩu, ý) giống như cơn lửa phiền não đốt cháy hành giả, còn giới thì có thể dập tắt cơn lửa phiền não, làm cho hành giả mát mẽ, cho nên gọi là "thanh lương".

Giới là bậc thang cho tất cả pháp lành, trong đó có bốn giai tầng là ngũ giới, bát giới, thập giới, và cụ túc giới. Phật tử nếu muốn từ địa vị phàm phu vượt lên thánh vị, phải theo thứ tự này mà tiến bước. (Đây là nói theo Tiểu thừa, còn theo Đại thừa, giới pháp Bồ tát bao quát cả bốn giai tầng này.)

Giới có công năng giúp cho hành giả ngăn chận pháp ác, đoạn trừ tất cả tập khí ác, diệt tận phiền não loạn tưởng, chứng đắc Niết bàn. Kinh Tăng Nhất A Hàm nói: "Được gọi là giới, bởi vì nó có thể giúp hành giả diệt trừ các việc ác. Giới có thể giúp hành giả viên thành đạo quả, làm cho mọi người hoan hỷ. Giới, gọi là anh lạc trang nghiêm, vì làm cho hành giả hiện tướng trang nghiêm. Giới cấm của chư Phật, như bình Cát tường, tất cả nguyện cầu đều được toại ý; tất cả đạo phẩm đều do giới mà thành tựu. Như vậy, này các tỳ kheo! Kẻ nào tuân hành giới cấm, thì kẻ đó sẽ được đại quả báo, các điều lành sẽ đến. Kẻ đó được vị cam lộ, đến quả vị "vô vi", sẽ được thần thông, diệt trừ loạn tưởng, chứng đắc "sa môn quả", sẽ được Niết bàn."

Bồ tát: Bồ tát là gọi tắt của "Bồ đề tát đỏa", là dịch âm từ chữ Phạn Bodhisattva. "Bồ đề" dịch là giác, còn "tát đỏa" dịch là hữu tình, hợp lại gọi là "giác hữu tình", có nghĩa là bất cứ đệ tử nào của Phật, hễ phát tâm "trên cầu Phật đạo, dưới độ hữu tình", thì kẻ đó được gọi là Bồ tát.

Tại gia: Đệ tử của Phật được chia làm hai hạng xuất gia và tại gia. Tại gia gồm hai chúng là ưu bà tắc và ưu bà di. Ưu bà tắc, là dịch âm từ chữ Phạn upasika, theo nghĩa, được dịch là cận sự nam, hoặc cận thiện nam, hoặc cận túc nam, v.v... Thế nhưng, chỉ có nghĩa "cận sự nam" là chính xác nhất. "Cận", có nghĩa là thân cận (gần gũi), "sự" có nghĩa là phụng sự, tức là thân cận phụng sự Tam bảo. Người nam gọi là ưu bà tắc, người nữ gọi là ưu bà di.

 

II. Sáu giới trọng: 

(1) Giới giết hại:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại. Nếu phạm giới giết hại, hoặc bảo người giết, hoặc tự mình giết, sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ nhất. 

Dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến, cũng không được giết hại: Đối với cảm quan của loài người, cho rằng trùng, kiến là những loài vật bé nhỏ, cho nên coi thường sinh mệnh của chúng. Khi giết hại những loài trùng kiến này, không những không cảm thấy xúc động, mà nhiều khi lại còn cảm thấy "thích thú". Thế nhưng, đối với Phật pháp, tất cả sinh mệnh của chúng sanh đều bình đẳng. Sinh mệnh của loài trùng kiến cũng là sinh mệnh của chính chúng ta. Nếu chúng ta biết yêu tiếc thân mệnh mình, thì loài trùng kiến cũng biết yêu tiếc thân mệnh của chúng. Do đó, chúng ta không có quyền tước đoạt sinh mệnh của bất cứ loài vật nào.

Vì lý do này, các ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, dù cho hy sinh thân mạng của chính mình, cũng không được sát sinh; do đó mới nói: "Dù cho mất thân mạng, ngay đến loài trùng kiến cũng không được sát hại". Đến như giết người, thì tội lại càng nặng hơn. Ngoài việc phá giới, mất giới thể và chiêu cảm ác báo trong tương lai, lại còn không thể sám hối (Theo Đại thừa, tuy có thể sám hối, song sự sám hối cũng không phải dễ dàng, phải thấy được điềm lành, như thấy Phật đến xoa đầu, hoặc thấy hương thấy hoa, v.v..., thì tội phá giới mới tiêu diệt, thế nhưng, ác báo trong tương lai vẫn không bị trừ diệt).

Đối với những loài vật nhỏ trong các dạng thái: như sinh ra từ trứng, sanh nơi ẩm thấp, sinh ra bằng sự biến hóa, v.v..., nếu vô ý sát hại, tuy không phạm giới, song vẫn phải sám hối để tiêu trừ nghiệp chướng. Còn nếu cố tâm sát hại, thì vẫn là phạm vào điều giới này.

Bảo người giết: (Hán: giáo nhân sát): Có hai loại, (1) sai: là dùng lời nói, cử chỉ, hay dấu hiệu, cho kẻ thuộc hạ ra tay sát hại đối phương, dưới sự hiện diện của mình; (2) khiển: ra lệnh, bằng lời nói hay thư từ, cho thuộc hạ truy lùng đối phương để sát hại.

Tự mình giết: nghĩa là tự mình ra tay sát hại. Có ba loại: (1) hoặc dùng nội sắc: nghĩa là dùng tay, chân, hoặc các bộ phận khác của thân thể mình, xúc chạm trực tiếp vào thân thể của đối phương; (2) hoặc dùng ngoại sắc: nghĩa là dùng dao, gậy, cây, đá, v.v... quăng, ném, phóng vào đối phương; (3) hoặc dùng nội ngoại sắc: nghĩa là tay cầm dao, gậy, cây, đá, v.v... xúc chạm vào đối phương.

Mất giới: tức là mất giới thể. Theo Tiểu thừa, mất giới thể là vĩnh viễn mất hẳn, không thể sám hối. Thế nhưng, theo Đại thừa, mất giới thể, chỉ có nghĩa là giới thể tạm thời bị mất đi cái công năng "phòng phi chỉ ác (đề phòng lỗi lầm, đình chỉ việc ác)". Giả như, hành giả đem tâm cực kỳ thành khẩn sám hối, theo kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, nếu thấy được điềm lành, như trong mộng thấy Phật, Bồ tát đến xoa đầu, thuyết pháp, hoặc thấy hương, thấy hoa, v.v..., thì tội liền được tiêu diệt, và hành giả có thể thọ giới lại, khôi phục giới thể thanh tịnh của mình.

Noãn pháp: Trong giáo pháp Tiểu thừa, trước tiên cần phải vượt qua bốn giai đoạn, gọi là bốn gia hạnh vị, tức là Noãn pháp, Đảnh pháp, Nhẫn pháp, và Thế đệ nhất pháp, sau đó mới có thể chứng đắcÕ bốn thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, và A la hán. Muốn biết thêm chi tiết xin xem Phật học từ điển.

Huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm: Theo giáo pháp Tiểu thừa, người tại gia, tối đa, có thể chứng đến thánh quả A na hàm, chỉ có hàng xuất gia mới chứng được thánh quả A la hán.

Phá giới: tức là hủy phạm những giới trọng mà mình đã thọ. Theo thuật ngữ giới luật, gọi là phạm Ba la di. Đối với bốn giới căn bản, dâm, sát, đạo, vọng, nếu phạm trọng sẽ mất giới thể. Còn hai giới trọng thứ năm và thứ sáu, tuy cũng phạm trọng, song không mất giới thể.

Xú uế: nghĩa là mùi hôi thối, mọi người ngửi đến cảm thấy nhờm gớm. Trong Phật pháp, tất cả điều ác, đều là do sự tham muốn sanh tử sanh ra, đều bị coi là ô uế. Cho nên kẻ phá giới, do vì tâm sanh pháp ác, giống như mùi hôi thối của xác chết, không ai dám ngửi.

Cấu ô: Chữ cấu, có nghĩa là trần cấu. Bởi vì thân thể bài tiết ra những chất bất tịnh, kết thành cấu uế nhơ nhớp. Trong Phật pháp, đem chất cấu nhớp trên thân ví cho vọng tưởng điên đảo. Tâm tính xưa nay vốn thanh tịnh, bởi do vọng tưởng điên đảo (phiền não) làm ô nhiễm, mà trở thành cấu ô (nhơ nhớp).

Chiên đà la: là giai cấp thấp nhất trong xã hội Ấn Độ, phần lớn làm nghề đồ tể. Kẻ Bồ tát tại gia thọ giới, xưa nay vốn đầy đủ tất cả thiện căn, nếu không giữ gìn giới pháp, giống như đem tất cả thiện căn ra giết sạch. Điều này giống như bọn đồ tể chiên đà la, dòng dõi thấp hèn.

Bị triền phược: có nghĩa là bị trói buộc, tức là hành giả bị phiền não trói buộc, kết hợp, thành thử bị trói buộc trong sinh tử luân hồi. 

Giới giết hại, có năm duyên thành phạm trọng: (1) đối phương là người, (2) tưởng là người, (3) có tâm sát hại, (4) lập phương tiện, (5) đối phương bị đoạn mệnh.  

(Chú ý: Ở đây chỉ đề cập đến trường hợp phạm trọng, mất giới thể, thành thử đối tượng cho sự sát hại là con người, còn như sát hại những sinh vật khác, sẽ phạm tội nhẹ hơn. Trong giáo pháp Đại thừa, tuy công nhận tất cả chúng sanh đều bình đẳng, song hàng tại gia thọ Bồ tát giới còn đang ở trong giai đoạn "chập chửng" học tập Bồ tát hạnh, không thể phán tội quá nặng, giống như các vị Bồ tát đăng địa được. Giả sử, nếu các Bồ tát thập địa phạm giới sát, thì sẽ phạm trọng mất giới thể, không kể đối tượng là ai! Còn như các vị tại gia sơ cơ, nếu bị phán tội giống như các vị Bồ tát thập địa, e rằng giới luật sẽ trở thành quá khắc khe, không ai có thể hành trì được. Có lý có tình, đây là tinh thần của giới luật.)

 

(2) Giới Trộm Cắp:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, ngay đến một đồng tiền, cũng không được trộm cắp. Nếu phạm giới trộm cắp sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ hai. 

Trộm cắp: Ăn cắp, ăn trộm, ăn cướp là ba hành vi ác. Ý nghĩa của chúng gần giống nhau, nghĩa là thừa dịp kẻ khác không chú ý, hoặc không đề phòng, mà đoạt lấy đồ vật của họ, về làm của riêng của mình. Trong Phật pháp gọi là "không cho mà lấy" (Hán: bất dữ thủ).

Kẻ trộm cắp, đầu tiên là do lòng tham muốn, kế đó bắt đầu dự mưu, tính toán, sau đó thực hành ý đồ của mình, đoạt lấy của cải của kẻ khác đem về làm của riêng, để thỏa lòng tham muốn của mình.

Trộm cắp, không phải là lấy lầm, mà là biết rõ tài vật đó là của người khác, không phải của mình, hơn nữa, tự mình không có món vật tương tự như vậy, đây hoàn toàn là một hành vi "bất chính".

Ngay đến một đồng tiền: Đây là dùng số lượng nhỏ để ví cho số lượng lớn. Chỉ cần lấy trộm một đồng tiền, cũng đã phạm vào điều giới này, huống chi là lấy trộm một số tiền lớn hơn. Theo giới luật quy định, nếu trộm "năm tiền" sẽ phạm trọng, mất giới thể. Thế nhưng, "năm tiền" là tính theo đơn vị tiền tệ của nước Ma Kiệt Đà của vua Tần Bà Sa La vào thời Đức Phật còn tại thế. Hiện nay, "năm tiền" trị giá bao nhiêu, khó mà biết một cách chính xác. Có một số Luật sư Nam truyền, cho rằng "năm tiền" tương đương với khoảng "hai mươi đô la Mỹ" hiện nay. Thế nhưng, theo ý người dịch, chỉ trộm "hai mươi đô la" mà bị mất giới thể, e rằng quy định như thế là quá "nghiêm khắc". Chỉ có cách là khuyên các vị ưu bà tắc, ưu bà di, sau khi thọ giới Bồ tát, đối với điều giới này phải nên rất cẩn thận. 

Giới trộm cắp có sáu duyên thành phạm trọng: (1) vật có chủ, (2) biết là vật có chủ, (3) có tâm trộm cắp, (4) vật có giá trị "năm tiền" hay hơn "năm tiền", (5) lập phương tiện, (6) di động vật rời chỗ, dù chỉ là xê xích một li.

 

(3) Giới đại vọng ngữ:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được nói dối: "Tôi đã chứng được pháp quán bất tịnh", hoặc: "Tôi đã chứng được thánh quả A na hàm", vân vân, ... Nếu phạm giới đại vọng ngữ sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ ba.  

Nói lời không thực, lừa dối phàm thánh, mê hoặc lòng người, gọi là nói dối. Trong đây phân làm bốn trường hợp: (1) Vọng ngữ: tức là thấy nói không thấy, không thấy nói thấy; nghe nói không nghe, không nghe nói nghe, v.v... Trong đây lại chia làm hai loại: (a) đại vọng ngữ, nghĩa là chưa chứng pháp quán bất tịnh, lại nói rằng đã chứng pháp quán bất tịnh, nhẫn đến chưa chứng thánh quả lại nói rằng đã chứng thánh quả; (b) tiểu vọng ngữ: tức là ngoài những lời đại vọng ngữ ra, tất cả những lời vọng ngữ thông thường khác, gọi là tiểu vọng ngữ. (2) Nói lời vô nghĩa (Hán: ỹ ngữ): tức là nói những lời phù phiếm, hoa hòe, nhẫn đến bàn tán những chuyện nhãm nhí, không lợi ích cho mình và người. (3)Nói lời đâm thọc (Hán: lưỡng thiệt): còn gọi là nói lưỡi hai chiều, tức là đến đây nói kia, đến kia nói đây, mục đích gây tạo sự chia rẽ, hiềm khích. (4) Nói lời độc ác (Hán: ác khẩu): tức là nói những lời tục tằn, chửi rủa, trù ẻo, v.v..., làm cho đối phương không thể nhẫn chịu được.

Điều giới này là muốn phán tội của sự đại vọng ngữ, nếu như đại vọng ngữ, sẽ phạm trọng, mất giới thể; còn như nói các lời hư vọng khác, sẽ phạm trung tội hoặc tiểu tội, không mất giới thể. 

Giới đại vọng ngữ có chín duyên thành phạm trọng: (1) đối phương là người, (2) mình biết đối phương là người, (3) cảnh giới không thật, (4) tự mình biết cảnh giới không thật, (5) có tâm lừa dối, (6) nói cảnh giới không thật, (7) tự nói mình chứng được cảnh giới đó, (8) lời nói rõ ràng, (9) đối phương hiểu ý mình muốn nói.

 

(4) Giới tà dâm:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được tà dâm. Nếu phạm giới tà dâm sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ tư. 

Dâm, được phân làm hai loại là chính dâm và tà dâm. Chính dâm là sự giao phối giữa hai vợ chồng chính thức. Ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, vẫn có thể làm chuyện "chính dâm" này. Thế nhưng, trong sáu ngày "bát quan trai" trong tháng, ngay cả việc "chánh dâm" cũng bị cấm đoán, mà phải hoàn toàn đoạn dục. Còn tà dâm là sự giao phối với kẻ thứ ba, không phải vợ hay chồng chính thức của mình, không luận kẻ đó là nam, nữ, súc sinh, quỷ thần, phi nhân, hoàng môn (bán nam bán nữ), v.v..., dù là còn sống hoặc đã chết (hành dâm với thây chết). Nếu hành tà dâm, sẽ phạm trọng, mất giới thể.

Nếu gặp kẻ không phải vợ chồng chính thức của mình, cưỡng bức mình làm chuyện tà dâm, dù cho mất thân mệnh cũng không để cho kẻ đó xâm phạm mình. Huống hồ, đã thọ giới Bồ tát, lại càng không thể cưỡng bức kẻ khác làm chuyện tà dâm.

Ngoài ra còn thêm một điều giới liên quan đến sự tà dâm, là điều giới khinh thứ hai mươi (Hành dâm không đúng thời, không đúng chỗ). 

Giới tà dâm có hai trường hợp: (1) tự mình tà dâm, (2) bị kẻ khác cưỡng bức tà dâm.

Tự mình tà dâm, có năm duyên thành phạm trọng: (1) không phải người phối ngẫu chính thức của mình, (2) chánh cảnh (người nữ ba chỗ: nữ căn, miệng, và hậu môn; người nam hai chỗ: miệng và hậu môn); (3) khởi tâm dâm dục, (4) lập phương tiện, (5) hợp với chánh cảnh (dù độ sâu chỉ bằng hột mè).

Bị cưỡng bức tà dâm, có năm duyên thành phạm trọng: (1) không phải người phối ngẫu chính thức của mình, (2) chánh cảnh (người nữ ba chỗ: nữ căn, miệng, và hậu môn; người nam hai chỗ: miệng và hậu môn); (3) bị cưỡng bức dâm dục, (4) hợp với chánh cảnh (dù độ sâu chỉ bằng hột mè), (5) cảm thọ khoái lạc.

 

(5) Giới rao nói tội lỗi của bốn chúng:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được rao nói tội lỗi của bốn chúng: tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di. Nếu phạm giới rao nói tội lỗi của bốn chúng sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời, không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, hoặc A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây là giới trọng thứ năm. 

Rao nói (Hán: tuyên thuyết): có nghĩa là dùng ngôn ngữ, bao hàm lời nói, văn tự, tranh ảnh, v.v..., để truyền bá cho mọi người biết.

Tội: nếu như trong Phật pháp, là chỉ cho sự phá giới, còn như trong thế gian pháp, là chỉ cho sự phạm pháp.

Lỗi: tức là những lỗi lầm tương đối nhẹ khác.

Bốn chúng đệ tử, tuy đã tiếp thọ giới pháp tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, nhưng tất cả đều vẫn còn là phàm phu, vẫn có thể phạm vào lỗi lầm. Trên thế gian, không có ai là kẻ toàn thiện, trừ đức Phật.

Tỳ kheo, tỳ kheo ni, có ba nghĩa: (1) bố ma: khi một người xuất gia thọ giới cụ túc, ma cung liền bị chấn động, đồng thời, ma vương cũng cảm thấy sợ hãi, cho nên gọi là bố ma; (2) khất sĩ: trên thì khất (xin) pháp của chư Phật, dưới thì khất thực (thức ăn) của chúng sanh; (3) phá ác: tỳ kheo, tỳ kheo ni tu tập giới, định, tuệ, phá diệt tất cả các pháp ác như tham, sân, si, v.v..., cho nên gọi là phá ác.

Vì tỳ kheo, tỳ kheo ni có đầy đủ ba nghĩa như trên, cho nên nếu rao nói tội lỗi của họ, cũng tức là phá hoại Tam bảo. Còn ưu bà tắc, ưu bà di, là những người hộ trì Tam bảo, nếu rao nói tội lỗi của họ, sẽ là cho họ thoái thất tâm hộ trì Phật pháp. Vì những lý do này, đã thọ giới Bồ tát, nếu rao nói tội lỗi của bốn chúng, sẽ phạm trọng.

Bốn chúng tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, là bốn cột trụ của tòa nhà Phật pháp. Nếu phá hoại một trong bốn cột trụ đó, thì tòa nhà Phật pháp sẽ bị sụp đổ. Nếu như thấy có người trong bốn chúng phạm tội, hoặc làm lỗi, nên khéo léo khuyến cáo họ một cách kín đáo. Nếu như họ không chịu nghe lời khuyên nhắc, cũng không nên đem tội, lỗi đó ra mà rao nói cho kẻ khác biết. Ngài Liên Trì có nói: "Không thấy lỗi của người xuất gia, đây là liều thuốc hay nhất của hàng cư sĩ." Bởi vậy, cư sĩ tại gia, tuyệt nhiên không nên nói lỗi lầm của người xuất gia.

Sự học của các bậc thánh mới thực là sự học "đến nơi đến chốn". Đức Khỗng tử nói: "Ba người cùng đi, ắt phải có vị thầy của mình. Thấy điều thiện thì học hỏi, thấy cái không thiện thì nhân đó mà cải đổi chính mình." Các vị Phật tử, nếu thấy người khác có lỗi lầm, nếu như mình đã khuyên nhắc kín đáo mà họ vẫn không nghe, chỉ nên đi tìm vị thiện tri thức khác để học hỏi, tuyệt nhiên không nên rao nói lỗi lầm của họ. Các vị ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, phải nên cẩn thận điều này. 

Giới nói lỗi của bốn chúng có năm duyên thành phạm trọng: (1) đối phương là một trong bốn chúng, (2) biết đối phương là một trong bốn chúng, (3) có tâm rao nói tội lỗi, (4) rao nói tội lỗi, (5) người nghe hiểu ý mình muốn nói.

 

(6) Giới bán rượu:

Chư Phật tử! Sau khi thọ giới Bồ tát tại gia, dù cho mất thân mạng, cũng không được bán rượu. Nếu phạm giới bán rượu sẽ lập tức mất giới Bồ tát; trong hiện đời không thể chứng được noãn pháp, huống hồ là thánh quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm. Kẻ đó là Bồ tát phá giới, Bồ tát xú uế, Bồ tát cấu ô, Bồ tát chiên đà la, Bồ tát bị triền phược. Đây gọi là giới trọng thứ sáu. 

Điều giới này tương tự với điều giới trọng thứ sáu, Không được bán rượu, của kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới.

Rượu, là một chất độc là cho người uống mê say, đánh mất nhân tính. Uống rượu không những nguy hại đến sức khỏe, mà còn, nếu uống quá lượng, sẽ làm cho người uống trở thành nghiện ngập, lại còn có thể làm cho họ phát cuồng, phát điên. Vì thế bán rượu cho người khác uống, thì cũng gần giống như giết người; hơn nữa, kẻ say rượu lại có thể làm nguy hại đến luân lý xã hội, cùng những việc nguy hiểm đến tính mạng kẻ khác, do đó, ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, nếu còn bán rượu sẽ phạm trọng. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới có nói: "Tất cả rượu đều không được bán. Rượu là nhân duyên sinh ra tội lỗi. Là Phật tử, lẽ ra phải làm cho tất cả chúng sanh có trí tuệ sáng suốt, mà trái lại đem sự say mê điên đảo đến cho họ. Phật tử này phạm Bồ tát ba la di tội."

Các Bồ tát tại gia, nếu trước đó đã làm nghề bán rượu, thì phải tức khắc đổi sang nghề khác. Tuy có do đây mà bị thất nghiệp, hoặc cuộc sống bị nguy ngập, cũng không trở lại làm nghề bán rượu này. Nếu như người nhà phản đối, thì nên để cho kẻ chưa thọ giới Bồ tát tiếp tục làm, còn vị ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, tuyệt đối không nên dính líu vào công việc làm của họ. Nếu không lại phạm vào tội đồng lõa, hoặc phạm vào điều giới "chỉ dạy cho kẻ khác bán rượu".  

Giới bán rượu có năm duyên thành phạm trọng: (1) đối phương là người, (2) biết đối phương là người, (3) có tâm bán rượu cầu lợi, (4) rượu thật, (5) bán cho đối phương. 

 

III. Hai mươi tám giới khinh: 

(1) Giới không cúng dường cha mẹ, sư trưởng:

Chư Phật tử! Đức Phật đã dạy: Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Cúng dường: có nghĩa là đem vật sở hữu, tùy khả năng của mình, bố thí cho cha mẹ, sư trưởng và các bậc có đức sử dụng; mà trong đó, đặc biệt nên "cúng dường" cha mẹ, sư trưởng. Bởi vì, (1) "thân người khó được", mà cha mẹ lại là kẻ sinh ra thân mệnh mình; (2) "Phật pháp khó nghe", mà sư trưởng lại là kẻ giảng dạy Phật pháp cho mình. Ơn nghĩa của cha mẹ, sư trưởng đối với chúng ta sâu rộng như trời biển, bởi thế chúng ta phải nên cúng dường phụng sự.

Kinh Trang Nghiêm, quyển mười hai, có nói: "Các Bồ tát vì muốn thành tựu lục độ, cho nên trong mỗi địa, đều nhất định phải tu sáu việc: (1) phải tu cúng dường, đây là thành tựu bố thí ba la mật; nếu như không bố thí lâu dài, thì sẽ không thành tựu bố thí độ, ...." Nếu đã là bồ tát thì phải tu lục độ. Cúng dường, tức là bố thí ba la mật, cho nên cúng dường cha mẹ, sư trưởng, tức là để thành tựu, viên mãn "bố thí độ" vậy.

Nếu kẻ nào không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, thì đó là kẻ ngỗ nghịch vô đạo. Pháp thế gian còn không dung thứ, huống hồ là trong Phật pháp! Kẻ không cúng dường cha mẹ, sư trưởng, là kẻ đi ngược lại bổn nguyện của chư Phật, Bồ tát, cho nên, tuy họ nhất tâm niệm Phật, niệm Bồ tát, thì vẫn không thể nào tương ưng với chư Phật, Bồ tát được.

Tội sơ ý: có hai lối giải thích, (1) theo ngài Thái Hư Đại sư, sơ ý là không chú ý (Anh: unmindful) mà phạm, hành giả có thể sám hối, và không bị mất giới thể, (2) theo lối giải thích thứ hai, sơ ý là sự [tạm thời] quên mất tâm Bồ đề, cùng ý thức về sự lập thệ thọ giới, và ý thức về vai trò Bồ tát của mình (Anh: not being mindful and losing the initial intention in taking the precept.)

Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi (Hán: Bất khởi đọa lạc, bất tịnh hữu tác): Kẻ nào phạm vào những điều giới này, nếu không khởi tâm thành khẩn sám hối, sẽ bị đọa lạc vào ba đường ác, đó là kẻ cấu uế, bất tịnh, tiếp tục tạo nghiệp sinh tử luân hồi (Anh: If one does not have the mind of repentance, one will deteriorate. One is impure, and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of birth and death).

 

(2) Giới uống rượu:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, ham mê uống rượu, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Ham mê (Hán: đam nhạo): nghĩa là quá phần ham thích, đến độ mê luyến.

Như điều giới trọng thứ sáu, Giới bán rượu, có nói sơ lược, uống rượu làm tổn hại sức khỏe, lại còn làm cho tâm thần mê muội, mất hết nhân tính, nhẫn đến phát cuồng phát điên. Không những không thể tu hành, mà còn lại không thể làm những nghề nghiệp sinh sống chánh thường. Do đó, Bồ tát tại gia không nên uống rượu.

Uống rượu là nghiệp ác, thế nhưng, vì chỉ tự hại mình, thành thử phạm tội tương đối nhẹ, song nếu đưa rượu cho người khác uống, quả báo sẽ nặng hơn. Kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới nói: "Nếu tự tay trao chén rượu cho người uống, sẽ mang ác báo năm trăm đời không tay (nghĩa là đọa vào loài súc sanh)". Còn như bán rượu, tội lại càng nặng hơn nữa, tức là sẽ phạm trọng, và quả báo sẽ ở địa ngục. 

(3) Giới không chăm sóc người bệnh:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp người bệnh khổ, sinh khởi ác tâm, bỏ phế không chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Ác tâm: Chữ ác, theo tiếng Hán có ba nghĩa: (1) ác độc, (2) ghét, (3) nhờm gớm. Nói chung, ác tâm có nghĩa là tâm không lành, không từ bi, v.v...

Điều giới này và điều giới hai mươi tám (Đi đường gặp người bệnh không chăm sóc) tương đương với điều giới ba mươi hai (Không chăm sóc người bệnh) trong quyển Du Già Bồ Tát Giới. Thế nhưng lời văn của quyển giới bổn Bồ tát tại gia này quá đơn giản, thành thử phải dựa vào quyển Du Già Bồ Tát Giới để giải thích, mới có thể giúp cho người thọ giới Bồ tát tại gia thọ trì đúng pháp.

Đại ý của điều giới này và điều giới hai mười tám, muốn nói là nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy người bệnh, lại khởi tâm ác, không chăm sóc, lo lắng cho người bệnh, sẽ phạm tội sơ ý. Còn nếu như không phải vì ác tâm, mà chỉ vì biếng nhác, vô trách nhiệm, thì cũng phạm, song tương đối nhẹ hơn. Theo quyển Du Già Bồ Tát Giới, có mười trường hợp khai duyên, tuy không chăm sóc người bệnh, mà vẫn không phạm, là khi: (1) tự mình có bệnh; (2) hoặc mình không đủ khả năng, sức lực; (3) hoặc mình nhờ kẻ có sức lực, có khả năng, chăm sóc dùm người bệnh; (4) hoặc mình biết người bệnh có bà con, thân thích, có thể chăm sóc cho họ; (5) hoặc người bệnh còn sức lực, có thể tự lo liệu; (6) hoặc bệnh của người đó thường phát tác (lành rồi lại bệnh, bệnh rồi lại lành); (7) hoặc người đó bị bệnh kinh niên; (8) hoặc mình đang phải chuyên tâm tu tập, không thể tạm bỏ phế việc tu hành; (9) hoặc tự mình là người ám độn, sự tu tập hạnh Bồ tát chưa được tiến bộ; (10) hoặc mình đang chăm sóc người bệnh khác.  

(4) Giới không bố thí người đến xin:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy người đến xin, không tùy sức mình mà bố thí ít nhiều, để cho kẻ đến xin ra về tay không, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Bố thí: bao gồm cả tài thí, pháp thí, và vô úy thí.

Để cho kẻ đến xin ra về tay không (Hán: không khiển hoàn): Theo nghĩa chữ Hán, không những không cho mà còn xua đuổi (khiển) họ đi. Điều giới này, đối với Bồ tát Bồ tát tại gia, vì còn ở trình độ sơ cơ, nên phán tội tương đối nhẹ, còn nếu y vào Du Già Bồ Tát Giới mà phán tội thì: nếu có người đến xin mà bỏn sẻn, không bố thí (dù ít dù nhiều), mà lại còn xua đuổi, sẽ phạm trọng (ba la di tội). 

(5) Giới không chào hỏi lễ lạy các bậc tôn trưởng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, gặp các vị tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc các vị Bồ tát tại gia thọ giới trước, không đứng dậy tiếp đón, lễ lạy, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Bồ tát tại gia thọ giới trước: nghĩa là những kẻ thọ giới Bồ tát tại gia trước mình (dù một ngày, một giờ, hay một phút). 

(6) Giới khinh mạn người phạm giới:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thấy tỳ khưu, tỳ khưu ni, ưu bà tắc, ưu bà di phạm giới, sinh tâm kiêu mạn, cho rằng mình hơn họ, họ không bằng mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Kiêu mạn là một trong năm phiền não căn bản, tức là tham, sân, si, mạn, và nghi. Tự cho mình là cao, rồi từ đó lăng nhục, khinh miệt kẻ khác, không có lòng bao dung, kính trọng. Do đó mà tự chiêu lấy rất nhiều phiền não. Kinh Đại Tập nói: "Phá núi kiêu mạn, nhỗ cây sinh tử", do đây mà biết rằng kiêu mạn và sinh tử là hai sự chướng ngại quan trọng ngang nhau, mà hành giả tu tập Phật pháp cần phải phá diệt trước nhất.

Hơn nữa, Phật nói nhân quả, tự mình làm tự mình chịu. Kẻ trì giới được quả lành, kẻ phạm giới bị quả ác, do đây, thấy kẻ khác phạm giới, tự mình nên đề cao cảnh giác, hoặc đem lòng từ bi mà đối đãi với họ. Nếu sinh tâm khinh mạn, tức là đi ngược lại bổn nguyện của mình, vi phạm giới pháp mà mình đã thọ, do đó Phật mới chế định điều giới này để răn cấm chúng ta. Còn như, nếu lại đi rao nói sự phạm giới của họ, thì sẽ phạm vào điều giới trọng thứ năm, rao nói tội lỗi của bốn chúng. 

(7) Giới không thọ sáu ngày bát quan trai giới mỗi tháng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, mỗi tháng không thọ sáu ngày bát quan trai giới, không cúng dường Tam bảo, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Nếu mỗi tháng không thọ sáu ngày bát quan trai giới (Hán: Nhất nguyệt chi trung, bất năng lục nhật thọ trì bát giới): Sáu ngày bát trai giới, tính theo âm lịch, là các ngày 8, 14, 15, 23, 29, 30 (28, 29, nếu là tháng thiếu). Tám điều giới gọi là quan (đóng lại), nghĩa là đóng cửa tà ác, còn điều "không ăn phi thời" gọi là trai, tức là không ăn quá ngọ.

Phụ chú: Nếu Bồ tát tại gia, vì hoàn cảnh không thuận tiện, không thể thọ trì sáu ngày bát trai giới trong một tháng, tốt nhất nên tạm xả điều giới này, sau đó chọn những ngày thuận tiện trong tháng để thọ bát trai giới, cũng sẽ hoạch được rất nhiều công đức.

 

(8) Giới không đi nghe pháp:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, trong vòng bốn mươi dặm có chỗ giảng kinh thuyết pháp mà không đến nghe, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Trong vòng bốn mươi dặm: Bốn mươi dặm là tính theo dặm Tàu, tức là khoảng mười hai cây số. Thời đức Phật, phương tiện giao thông chính là đi bộ, cho nên thời gian để đi bộ mười hai cây số là khoảng bốn tiếng đồng hồ. Hiện nay, giao thông tiện lợi, khoảng cách có thể tùy đó mà nới rộng ra.

Phụ chú: Đức Như Lai chế định giới luật, không phải là những giới điều cứng nhắc, mà luôn luôn tùy hoàn cảnh của kẻ thọ giới mà phán định. Giả như kẻ thọ giới không có phương tiện giao thông, hoặc bận rộn công việc, lo sinh kế gia đình, không thể đến nghe pháp, thì có thể mượn băng giảng kinh về nghe cũng tốt, song công năng phát sinh do sự nghe băng không thể so với công năng của sự nghe trực tiếp với vị thầy giảng pháp. 

(9) Giới thọ dụng đồ dùng của chư Tăng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, thọ dụng đồ dùng của chư Tăng, như ngọa cụ, giường, ghế, v.v..., thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Thọ dụng đồ dùng của chư tăng (Hán: thọ chiêu đề tăng ngọa cụ, sàng, tòa): Trong câu chữ Hán, "chiêu đề tăng", dịch là tứ phương tăng, nếu nói tổng quát là chỉ tất cả các bậc xuất gia. Ngọa cụ, theo nghĩa rộng là đồ nằm, tức là mền, mùng, chiếu, gối, v.v..., sàng tòa, tức là ghế, bàn, giường, v.v... Hơn nữa, chữ thọ, theo tiếng Hán, có hai nghĩa: (1) nhận lấy, (2) sử dụng. Thành thử, điều giới này có hai lối giải thích: (1) không được thọ nhận đồ của chư tăng (nếu họ cho mình), (2) không được sử dụng đồ của chư tăng.

Bản chú giải tiếng Hoa của cư sĩ Trí Minh giải thích như sau: "Ưu bà tắc, ưu bà di, tuy đã thọ giới Bồ tát tại gia, song thân tâm vẫn còn "bất tịnh", nếu sử dụng đồ dùng của "chiêu đề tăng", như đồ nằm, giường, ghế, v.v..., không phải là không nhiễm ô (bị nhiễm ô), đây là sự bất kính. Vì lý do này, Bồ tát tại gia không thể sử dụng."

Phụ chú: Theo thiển ý của người dịch, kẻ tại gia sử dụng đồ đạc của người xuất gia, e rằng đối với các bậc xuất gia sẽ sinh tâm khinh lờn, vì thế tốt nhất nên giữ khoảng cách, đối với đồ dùng của các bậc xuất gia, không nên sử dụng.

 

(10) Giới uống nước có trùng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nghi nước có trùng, mà vẫn cố ý uống, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Nghi nước có trùng: Chữ trùng ở đây, phải hiểu là những sinh vật có tầm kích mà mắt có thể thấy được, do đó một bản giới bổn tiếng Anh dịch là "insect". Nếu như mắt thường không thể nhìn thấy thì kể như không có, và được xem là không phạm. Còn nếu như cho rằng chữ trùng có nghĩa là vi sinh vật (micro-organism), thì e rằng tất cả loại nước mà chúng ta sử dụng, trừ loại nước thuần khiết (pure water), đều có trùng ở trong, và như vậy, đã ra ngoài phạm vi của điều giới này.

Phụ chú: Điều giới này, trong hoàn cảnh hiện nay, tương đối khó phạm, vì mọi nơi đều có cung cấp nước uống tinh khiết, chỉ khi nào lâm vào hoàn cảnh bất đắc dĩ, như đi lạc vào rừng sâu, chẳng hạn, mới phải đặt ra vấn đề này. Điều quan trọng ở đây là sự "cố ý uống", còn nếu như vô ý, không biết có trùng, thì không phạm.

 

(11) Giới đi một mình trong chổ nguy hiểm:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đi một mình trong chỗ nguy hiểm, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi.

 

Chỗ nguy hiểm (Hán: hiểm nạn xứ): tức là, như trong kinh Phạm Võng Bồ Tát Giới, điều giới khinh thứ ba mươi bảy có nói rõ: "Chớ đi đến những chỗ có tai nạn, cõi nước hiểm ác, nhà vua hung bạo, đất đai gập ghềnh, cỏ cây rậm rạp, những chỗ có sư tử, cọp, sói, cùng những nơi có lụt, bão, nạn cháy, giặc cướp, hoặc đường sá có rắn rít, v.v..."

Đi một mình (Hán: vô bạn độc hành): Dù có bạn cùng đi, cũng vẫn phải suy xét là có thể cùng nhau giải trừ các hiểm nạn hay không. Nếu có thể, thì nên đi; còn nếu không, cũng không nên đi vào những chỗ nguy hiểm.

"Thân người khó được", nay đã được thân người, phải khéo sử dụng nó, không thể mạo hiểm một cách phi lý, làm tổn hại thân mệnh. "Phật pháp khó nghe", những kẻ đã thọ giới Bồ tát tại gia, đều đã phát tâm Bồ đề, đã phát bốn hoằng thệ nguyện "trên cầu Phật đạo, dưới độ chúng sinh", nếu mạo hiểm gặp sự tổn hại, đây cũng là một sự "mất mát" cho Phật pháp.

 

(12) Giới một mình đến ngủ đêm tại chùa ni (tăng):

Nếu Bồ tát tại gia nam (nữ), sau khi thọ giới, một mình ngủ đêm tại chùa ni (tăng), thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Điều giới này được phân làm hai trường hợp: (1) Bồ tát tại gia nam (ưu bà tắc), một mình đến ngủ đêm tại chùa ni, (2) Bồ tát tại gia nữ (ưu bà di), một mình đến ngủ đêm tại chùa tăng.

Ưu bà tắc, vì hộ trì đạo trường, có những nhân duyên như xây cất, thỉnh tượng, phóng sinh, in kinh, cúng dường, v.v..., thường tới lui với ni chúng. Nếu như một mình đến ngủ đêm tại chùa ni, người khác thấy được, sinh tâm nghi ngờ, hoặc tạo khẩu nghiệp như dị nghị, đàm tiếu, phỉ báng, v.v... Nếu như thường tới lui, phát sinh tình cảm, và do đó, một mình đến ngũ đêm ở chùa ni, e rằng sẽ dễ phạm giới dâm. Vì lý do này, Đức Phật cấm chế ưu bà tắc không được một mình đến ngủ đêm tại chùa ni. Cùng những lý do như trên, ưu bà di cũng không thể một mình đến ngủ đêm tại chùa tăng. 

(13) Giới vì của đánh người:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, vì tiền của mà đánh đập chửi rủa tôi tớ, hoặc người ngoài, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Người ngoài: nghĩa là không phải tôi tớ, hay người thân thuộc của mình.

Đánh đập là thân nghiệp, chửi rủa là khẩu nghiệp, giận dữ (nguyên nhân của sự đánh đập chửi rủa) là ý nghiệp. Như vậy, hành động đánh đập chửi rủa đã tạo tác ba nghiệp thân khẩu ý bất tịnh. 

(14) Giới bố thí thức ăn thừa cho bốn chúng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đem thức ăn thừa bố thí cho tỳ khưu, tỳ khưu ni, hoặc ưu bà tắc, ưu bà di khác, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Thức ăn thừa: tức là thức ăn mà mình hoặc người khác đã dùng qua, còn thừa lại, như cơm, rau, trà, trái cây, bánh mứt, v.v...

Bố thí: vốn là một việc làm phúc đức, như trong kinh Phật Thuyết Hiền Giả Ngũ Phúc Kinh có nói "Người đem thức ăn bố thí cho chúng tăng, sẽ được năm điều lợi: (1) tướng mạo trang nghiêm, (2) sức lực dồi dào, (3) thọ mạng lâu dài, (4) an ổn không bệnh, (5) có tài ăn nói".

Mục đích của sự bố thí là tập xa lìa sự bỏn sẻn, cho nên, đối với bốn chúng, phải đem lòng thành kính, bố thí thức ăn ngon lành tinh khiết. Nếu như, đem thức ăn thừa bố thí các vị tỳ kheo, tỳ kheo ni, ưu bà tắc, ưu bà di, điều này chứng tỏ tâm bỏn sẻn còn quá nặng, vả lại, cho kẻ khác ăn thức ăn thừa cũng là một hành vi bất kính, và hơn nữa làm mất đi ý nghĩa của sự bố thí. 

(15) Giới nuôi mèo, chồn:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng mèo, chồn, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Mèo chồn: hai loài này tính tình rất hung tàn, thích giết hại loài vật khác. Loài mèo, ngoài việc bắt chuột, đối với những động vật nhỏ khác, hễ thấy là sát hại; còn loài chồn (thợ săn thường huấn luyện để bắt các loại động vật khác), tính tình cũng giống loài mèo, thích giết hại các loài vật khác.

Nuôi mèo, nuôi chồn, để chúng giết hại loài vật khác, thì cũng giống như tự mình giết, hoặc bảo kẻ khác giết, cho nên ưu bà tắc, ưu bà di, sau khi thọ giới Bồ tát, không nên nuôi dưỡng bọn chúng. 

(16) Giới nuôi súc vật:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, lừa, hoặc các loại súc vật khác, không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Nuôi dưỡng voi, ngựa, trâu, dê, lạc đà, lừa, hoặc các loại súc vật khác: Sáu loài động vật này, đều có thể phục dịch tối đa cho loài người, hoặc bằng sức lực, hoặc cung cấp da, lông, v.v..., hoặc cung cấp thực phẩm; còn các loài súc vật khác như heo, gà, vịt, v.v..., thì đa số cung cấp thực phẩm. Đức Phật từ bi, căn cứ trên sự bình đẳng của sinh mệnh của tất cả chúng sinh, cho nên chế định ưu bà tắc, ưu bà di, sau khi thọ giới Bồ tát, không được nuôi dưỡng những loại súc vật này.

Không chịu tịnh thí cho người chưa thọ giới: Tịnh thí, tức là trong lúc bố thí, không cầu sự khen ngợi, hoặc phúc báo thế gian, mà đem công đức của sự bố thí hồi hướng đến quả báo giải thoát Niết bàn. Còn nếu bố thí với mục đích mong cầu quả báo thế gian, thì gọi là bất tịnh thí.

Nuôi dưỡng những loài súc vật này chướng ngại cho sự tu hành, vì nếu chúng không tuân mệnh, chúng ta sẽ khởi tâm sân hận, đánh đập, chửi rủa, trù ẻo, v.v..., gây tạo ba nghiệp ác thân, khẩu, ý. Cho nên, tốt nhất là không nên nuôi những loài vật này. Còn những loại động vật khác như cá kiểng, chim kiểng, v.v..., nếu như tịnh thí mà không người nhận, hoặc không có hoàn cảnh thiên nhiên thích hợp cho sự phóng sinh, thì có thể nuôi dưỡng, cho đến khi chúng chết già một cách tự nhiên (không nên đem phóng sinh một cách bừa bãi, vô trách nhiệm).

 

(17) Giới không chứa ba y, bình bát, tích trượng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, không chứa sẳn ba y, bình bát, tích trượng để cúng dường chúng tăng, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Ba y: tức là (1) tăng già lê (y chín điều trở lên), (2) uất đa la tăng (y bảy điều), (3) an đà hội (y năm điều). Tỳ kheo, tỳ kheo ni, thường phải có sáu vật không được rời thân, (1) tăng già lê, (2) uất đa la tăng, (3) an đà hội, (4) bình bát, (5) tọa cụ, (6) lọc nước, gọi là tam y lục vật.

Tích trượng: còn gọi là trí trượng, đức trượng. Bên Hiển giáo dùng để đi khất thực (khua tiếng cho thí chủ biết mình đang hiện diện, hoặc để xua chó dữ), hoặc đuổi trùng (khi ở trong rừng, hay dưới gốc cây, khua tiếng cho những loài trùng như rắn, rết, đi tránh chỗ khác), v.v....

Các bậc xuất gia là những kẻ đã xả bỏ tất cả: nhà cửa, tiền của, vợ con, v.v..., để cầu giải thoát. Các ưu bà tắc, ưu bà di, đã thọ Bồ tát giới, vì hộ trì Phật pháp, cúng dường tăng bảo, cho nên phải chứa những đồ vật mà chúng tăng thường dùng, để có thể tùy thời cúng dường cho các bậc xuất gia khi họ cần.

Điều giới này thích hợp với thời đại nông nghiệp, vì trong thời đại đó, vật chất thiếu thốn, phương tiện giao thông không được thuận tiện, do đó, Đức Phật đã quy định Bồ tát tại gia phải chứa sẳn những vật trên để tùy lúc cúng dường những đồ vật mà chư tăng đang cần dùng. Còn hiện nay, trong thời đại công nghiệp, vật chất phong phú, phương tiện giao thông tiện lợi, mua sắm dễ dàng, thành thử Bồ tát tại gia cũng không cần phải tích chứa những món này. Mà những vật như bình bát, tích trượng, lọc nước, ngay đến người xuất gia cũng ít ai dùng đến, do đó, tốt nhất là cúng dường tiền mặt để họ tiện việc mua sắm những đồ vật mà họ đang cần thiết. (Chú ý: Sự cúng dường tiền mặt sẽ không vi phạm điều giới "không giữ tiền bạc" của người xuất gia. Điều giới "không giữ tiền bạc" của tỳ kheo đã được khai duyên trong bộ luật "Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ")

 

(18) Giới không lựa chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề canh tác sinh sống, không tìm chỗ nước sạch, đất cao ráo để trồng trọt, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Sinh sống (Hán: vị thân mệnh): tức là duy trì sự sinh hoạt của chính mình hoặc gia đình mình, nếu nói rộng ra, bao hàm cả sự sinh hoạt của các vị xuất gia, cùng những kẻ ăn xin. Vì sao? Vì các vị xuất gia, cùng những kẻ ăn xin, đều phải nương nhờ vào sự cúng dường của người tại gia.

Không tìm chỗ nước sạch: nghĩa là chỗ nước không có trùng (có thể thấy được bằng mắt thường). Như khi trồng lúa, cần phải dẫn nước vào ruộng; vì trong nước, hoặc ao, hoặc sông, hoặc hồ, thường có những sinh vật (mà mắt thấy được), e rằng sinh mệnh của chúng bị tổn hại bởi sự cầy cấy, cho nên, lúc dẫn nước vào ruộng, nên cho qua lưới lọc, hầu tránh sát hại những sinh vật này (nếu mắt thường không thấy được thì không kể đến --- như điều giới khinh thứ mười đã có nói qua).

Đất cao ráo (Hán: lục chủng xứ): Theo tiếng Hán, lục chủng là những loại thực vật có thể được trồng ở nơi cao ráo (không cần nhiều nước như lúa gạo), như lúa mạch, bông vải, khoai, đậu, rau cải, dưa, trái cây, v.v... Các loại thực vật này, vì không cần phải dẫn nước, không đến nỗi tạo thành nghiệp sát sanh nghiêm trọng như trồng lúa gạo. Thế nhưng, khi canh tác, trồng trọt, vẫn phải cố gắng hết sức mình, để tránh sự ngộ sát các loài côn trùng. Không nên tùy tiện dùng thuốc hóa học cố ý sát hại. Chớ vì một chút lợi nhỏ trước mắt mà không nghĩ đến quả báo trong tương lai. Nếu đã thọ giới, phải nên cẩn thận chú ý vấn đề này. 

(19) Giới buôn bán không chân chánh:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề mua bán: lúc bán hàng, một khi đã đồng ý giá cả, không được lật lọng, đem bán cho kẻ trả giá đắt hơn; lúc mua hàng, nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi. Nếu không làm như thế, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Nếu thấy người bán cân lường gian lận, phải nói lỗi họ, để họ sửa đổi: Ưu bà tắc, ưu bà di, sau khi thọ giới Bồ tát, khi mua đồ vật, nếu thấy người bán trong lúc cân, lường, dùng cân non, giạ non, v.v..., nghĩa là thấy rõ đối phương dùng tâm dối trá, gian lận, lúc đó nên bảo rõ cho họ biết, để họ chỉnh đốn lại hành vi, cân lường chân chánh. Nếu như thấy rõ đối phương dùng những thủ đoạn gian giảo, lừa dối, mà không nói rõ cho họ biết, âm thầm chịu thiệt thòi, tức là đã vô tình khuyến khích đối phương tiếp tục làm ác. Vị Bồ tát tại gia đó đã không từ bi cứu vớt bọn họ; không những để cho bọn họ tiếp tục tạo tội, mà chính mình cũng đã tạo nghiệp (tán thành việc ác của kẻ khác). Vì thế, Bồ tát tại gia, trong những trường hợp này, phải nên rất tế nhị, dùng những phương tiện khéo léo để khuyên nhắc, đề tỉnh đối phương. Còn nếu mình biết rằng đối phương là kẻ bất lương, hung ác, không biết phục thiện, lời mình nói ra có thể sẽ đem đến sự nguy hiểm tính mạng cho chính mình, thì có thể im lặng, chờ cơ hội khác.

 

(20) Giới hành dâm không đúng thời, không đúng chỗ:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, hành dâm không đúng chỗ, không đúng thời, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Không đúng chỗ (Hán: phi xứ): có hai nghĩa: (1) ngoài bộ phận sinh dục của người nữ ra, tất cả các chỗ khác trên thân đều gọi là phi xứ (không đúng chỗ); (2) ngoài phòng ngũ chính thức của hai vợ chồng ra, tất cả những nơi khác, như phòng khách, phòng ăn, nhà bếp, ngoài đồng trống, v.v..., đều gọi là phi xứ.

Không đúng thời (Hán: phi thời): cũng có hai nghĩa: (1) lúc người vợ đang có thai, hoặc vừa mới sanh đẽ xong chưa được bao lâu; (2) trong những ngày rằm, ngày vía, hoặc những ngày bát quan trai (một tháng sáu ngày, như đã nói rõ trong điều giới thứ bảy).

Nên chú ý, trong những ngày bát quan trai, dù là vợ chồng chính thức cũng không được hành dâm, nếu không, sẽ phạm giới trọng thứ tư (không dâm dục), mất giới thể.

Phụ chú: Nếu vợ chồng cùng đến ở trong chùa, không được hành dâm, nhẫn đến không được ngũ cùng phòng. Hoặc ở nơi thờ phượng, dù là trong nhà mình, hoặc ở nơi có treo tranh ảnh, hoặc đặt để tượng Phật, Bồ tát, cũng không được hành dâm; nếu như buông lung không kiêng cử, làm việc bất tịnh ở những nơi tôn nghiêm, sẽ bị đọa vào địa ngục vô gián, như trong kinh Địa Tạng đã nói. Hơn nữa, những kẻ dù chưa thọ ngũ giới, nếu xâm phạm tiết hạnh của người xuất gia, dù họ đồng ý hay không, sẽ phạm biên tội. Kẻ đó, trong đời hiện tại sẽ không được thọ ngũ giới, bát giới, không được xuất gia. Cho nên, khuyên các vị tại gia, phải nên rất cẩn thận, đối với các bậc xuất gia, không nên khởi tâm bất chính. 

(21) Giới gian lận thuế:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, làm nghề thương mại, công nghiệp, v.v..., không chịu nộp thuế, hoặc khai thuế gian lận, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Không chịu nộp thuế (Hán: bất du quan thuế): Chính phủ tuy quy định nhiều loại thuế, song thuế hàng hóa và thuế lợi tức là hai nguồn thuế chính yếu. Nộp thuế là nghĩa vụ mà tất cả mọi công dân trong nước phải tuân hành. Nếu không nộp thuế, tức là vi phạm luật pháp quốc gia. Các vị đã thọ giới ưu bà tắc, ưu bà di, dù làm bất cứ nghề nghiệp nào, cũng phải nên trung thực nộp thuế cho nhà nước.

Khai thuế gian lận (Hán: đạo khí khứ giả, Anh: report dishonestly): tức là tuy nộp thuế, song báo cáo gian lận tiền thuế đáng lẽ phải nộp cho nhà nước. Ví dụ, một công xưởng sản xuất một số lư‏ợng sản phẩm, thông thường phải khai báo đầy đủ số lư‏ợng sản xuất để nộp thuế, song lại báo cáo gian lận, hầu mong trả thuế ít hơn số ngạch đã quy định. Hoặc giả, tuy báo cáo trung thực, song đến lúc nhà nước ấn định số thuế phải nộp, lại không chịu nộp thuế, bỏ phế nghĩa vụ đóng thuế của mình.

Phụ chú: Không chịu đóng thuế, hoặc khai báo gian lận, sẽ phạm hai tội, một là vọng ngữ, hai là trộm cắp. Nếu số tiền thuế gian lận lớn hơn một số lượng nào đó, sẽ phạm vào giới trọng thứ hai (không trộm cắp), mất giới thể. Nếu không thọ giới thì thôi, còn nếu đã thọ, phải cố gắng cẩn thận giữ gìn.

 

(22) Giới phạm luật pháp quốc gia:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, vi phạm luật pháp quốc gia, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Vi phạm luật pháp quốc gia: luật pháp quốc gia, tức là những điều lệ mà quốc gia đã quy định, như chế độ, pháp lịnh, quy ước, nhẫn đến những phong tục tập quán thuần lương của nhân gian. Phạm luật pháp quốc gia, tức là vi phạm vào chế độ, pháp lịnh, quy ước của nhà nước, hoặc có những hành vi đi ngư‏‏ợc với phong tục thuần lương của nhân gian.

Các vị đã thọ giới Bồ tát, nếu vi phạm luật pháp quốc gia, không những làm cho kẻ khác chê cười, phỉ báng, tạo khẩu nghiệp, mà còn làm chướng ngại cho việc hoằng dương của Phật pháp.

 

(23) Giới được thực phẩm mới mà không cúng dường Tam bảo trước:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, lúc lúa, trái cây, rau cải được mùa, không dâng cúng Tam bảo trước, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Lúc lúa, trái cây, rau cải đư‏ợc mùa (Hán: tân cốc, quả, lỏa, thái, nhứ): tức là lúa mới gặt, hoặc những trái cây, rau cải lúc mới được thu hoạch lần đầu trong mùa.

Không dâng cúng Tam bảo trước: Những vị đã thọ giới Bồ tát, làm nghề canh nông, khi thu hoạch được thóc lúa, hay trái cây, rau cải đầu mùa, trước tiên nên đem cúng dường cho Tam bảo để tỏ lòng thành kính, rồi sau đó mới đem bán chác, hoặc thực dụng. Còn các vị Bồ tát tại gia khác, tuy không làm nghề canh nông, song mỗi khi có cây trái đầu mùa, cũng nên mua sắm, trước là để cúng dường Tam bảo, rồi sau đó thọ dụng.

Phụ chú: Cúng dường rau trái đầu mùa, có nghĩa là chỉ mỗi năm vào đầu mùa gặt hái, thì mới cúng dường rau quả gặt hái lần đầu, chứ không bắt buộc là mỗi khi mua sắm đều phải đem cúng dường. Nếu không, sự cúng dường Tam bảo sẽ trở thành một gánh nặng phiền toái cho hàng cư sĩ tại gia. Cư sĩ tại gia, mỗi khi mua sắm thức ăn, rau trái, v.v..., tuy không bắt buộc đem đến chùa để cúng dường, tuy thế, cũng nên đem cúng ở bàn Phật trong nhà, trước khi thọ dụng, để tỏ lòng tôn kính. 

(24) Giới Tăng già không cho thuyết pháp mà tự chuyên:

Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nếu Tăng già không cho phép thuyết pháp, mà vẫn cứ làm, thì phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Tăng già không cho phép thuyết pháp: Các vị ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, nếu chúng tăng không cho phép thuyết pháp, thì không được đi ngược lại lời khuyến cáo của Tăng già.

Thuyết pháp, có nghĩa là tụ hợp một số đông người lại để giảng giải Phật pháp. Thuyết giảng Phật pháp, xưa nay vốn là trách nhiệm của hàng tỳ kheo, tỳ kheo ni, vì các vị này, đã lãnh ngộ được ý nghĩa tương đối thâm sâu của kinh điển. Còn các vị cư sĩ đối với kinh điển, nếu chỗ lãnh ngộ chưa được thấu triệt, thì sự giảng giải Phật pháp của họ có thể không hoàn toàn phù hợp với ý nghĩa chân thực của kinh điển, và như thế sẽ dễ dàng đem đến sự hiểu lầm đối với giáo nghĩa của Đức Thế Tôn.

Đối với các vị ưu bà tắc, ưu bà di đã thọ giới Bồ tát, nếu như Tăng già nhận thấy chưa đủ trình độ thuyết pháp, và đã lên tiếng khuyến cáo không nên giảng kinh, mà vẫn ngoan cố không tuân hành lời khuyến dạy của Tăng già, sẽ phạm vào điều giới này. Còn như, nếu vị cư sĩ đó có đủ khả năng, hơn nữa, Tăng già đã đồng ý, thì vị đó nên nỗ lực hổ trợ tăng già trong việc hoằng dương chính pháp của đức Như Lai. 

(25) Giới đi trước năm chúng xuất gia:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nếu ra đường đi trước các tỳ khưu, sa di, v.v..., thì sẽ phạm tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Năm chúng xuất gia: tức là tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa di ni.

Nếu ra đường đi trước (Hán: đạo lộ nhược ... tiền hành): Các vị đã thọ giới Bồ tát tại gia, khi ra đường, phải nên đi sau các vị xuất gia, không được cố ý đi trước. Nếu như lúc đang đi, phía trước có chướng ngại, có thể đi đến phía trước để dẹp trừ, hoặc nếu phía trước có những sự nguy hiểm, thì có thể đi ra phía trước để ngăn chận, bảo hộ cho các vị ấy, hoặc vì một lý do nào đó, các vị xuất gia cho phép đi phía trước, thì cũng phải tuân hành chỉ thị của họ.

Phụ chú: Đi phía sau các vị xuất gia, mục đích là tôn kính Tam bảo; nếu đi phía trước, đây là sự biểu hiện của hành vi bất kính. Theo sự chế định của đức Phật, khi đi, thứ tự trước sau phải là: tỳ kheo, sa di, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di. 

(26) Giới phân phối thức ăn cho chư Tăng không bình đẳng:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, trong lúc phân phối thức ăn cho chư Tăng, lại sinh tâm thiên vị, lựa những món ngon, nhiều hơn phần người khác, để cúng dường thầy mình, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Phân phối thức ăn cho chư Tăng: Chư Tăng, là chỉ chung cho các vị xuất gia, tụ họp để thọ thực, chứ không phải chỉ có một vị xuất gia hiện diện.

Sinh tâm thiên vị ... thầy mình (Hán: nhược thiên vị sư): Chữ thầy, có nghĩa, hoặc là thầy bổn sư mà mình quy y, hoặc là thầy truyền giới, hoặc là thầy giáo thọ, hoặc là những vị thầy mà mình có cảm tình hoặc kính trọng. Sinh tâm thiên vị, nghĩa là đặc biệt trọng đãi các vị thầy mà mình ưa thích, kính trọng, còn đối với các vị thầy khác thì chỉ đối đãi lơ là, hoặc lấy lệ. Tâm thiên vị này đi ngược lại tinh thần bình đẳng của Phật giáo.

Lựa những món ngon: tức là lúc dâng thức ăn, lại phân biệt, lựa chọn món ăn ngon, quý, v.v..., đem dâng cho các vị thầy mà mình ưa thích, kính trọng. Cái tâm thiên vị này, không những là nhân duyên chướng đạo cho chính mình, mà lại còn làm cho các vị thầy được ưu đãi sinh tâm ngã mạn, cống cao, tham lam, v.v..., tức là tạo thành nhân duyên chướng đạo cho họ.

 

(27) Giới nuôi tằm:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, nuôi tằm lấy tơ, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Nuôi tằm lấy tơ, là làm tổn hại đến sinh mệnh của loài vật, vì khi lấy tơ, phải trụn kén vào trong nước sôi, giết chết con nhọng trong kén, trước khi nó cắn đứt bọng kén để chun ra ngoài.

Ở đây, cấm chế việc nuôi tằm, do đó nếu nuôi tằm sẽ phạm điều giới này. Còn như, nếu nuôi tằm lấy tơ, làm tổn hại sinh mệnh của loài vật, sẽ phạm vào giới trọng thứ nhất, cấm sát sanh.

 

(28) Giới đi đường gặp người bệnh không chăm sóc:

Nếu Bồ tát tại gia, sau khi thọ giới, đi đường gặp người bệnh, không tìm phương tiện chăm sóc, hoặc tìm cách gửi gắm cho người khác chăm sóc, thì phạm vào tội sơ ý. Nếu không khởi tâm sám hối, sẽ bị đọa lạc. Đó là kẻ nhiễm ô, tạo nghiệp sinh tử luân hồi. 

Đi đường gặp người bệnh, phải nên ghé đến xem xét, tìm tất cả phương tiện để giúp đỡ, hoặc giao phó cho những người ở lân cận chăm sóc, đây là nghĩa vụ của tất cả mọi người con Phật, trong việc cứu khổ cứu nạn tất cả chúng sanh. Nếu như thấy mà lại làm lơ bỏ đi, không có một chút lòng thương xót, thì đây là đã đi ngược với lòng từ bi của Phật giáo. Vì vậy, đức Thế Tôn chế định điều giới này là để khuyến nhắc các đệ tử thực hiện hạnh từ bi của Bồ tát.

Phụ chú: Điều giới này tương tự với điều giới khinh thứ ba, không chăm sóc người bệnh. Xin xem lại điều giới thứ ba phía trên.

Phụ Lục

Giới Bổn Bồ Tát Tại Gia Tiếng Anh

 

The Precepts of Lay Bodhisattva

(Excerpt from the Chapter of Taking Precepts in the Patimoksaễ sutra of the Upasaka)

 

 

[THE SIX GRAVE SINS]

 

1. The Precept of Killing

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not kill any being, even if it is an ant. After taking the precepts, if he/she instructs others to kill or if he/she himself/herself kills, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the First Grave Sin. 

2. The Precept of Stealing

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not steal, even as little as a penny. If he/she breaks the precept, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the Second Grave Sin.

 

3. The Precept of Lying

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not lie that he/she has mastered the contemplation of impurity or attained the fruition of a non-returner. If he/she breaks this precept, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the Third Grave Sin.

 

4. The Precept of Sexual Misconduct

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not engage in sexual misconduct. If he/she breaks this precept, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the Fourth Grave Sin.

 

5. The Precept of Talking About the Wrong Deeds of the Four Categories of Buddha's Disciples.

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not speak of the faults of the bhikkhus, bhikkhunis, upasakas and upasikas. If he/she breaks this precept, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the Fifth Grave Sin.

 

6. The Precept of Selling Alcohol

Followers of the Buddha! After an upasaka/upasika takes the precepts, even if he/she has to sacrifice his/her life, he/she should not sell intoxicants. If he/she breaks this precept, he/she loses the upasaka/upasika precepts. This person cannot attain even the state of warmth (usmagata), let alone the fruition of a stream-enterer or a nonreturner. He/she is called a precept-breaking upasaka/upasika, a stinking upasaka/upasika, an outcast upasaka/upasika, a defiled upasaka/upasika, and an afflicted upasaka/upasika. This is the Sixth Grave Sin.

 

[THE TWENTY-EIGHT FAULTS]

 

1. The Precept of Not Making Offering to One's Parents and Teachers

Followers of the Buddha! As the Buddha has said, if an upasaka/upasika, after taking the precept, does not make offerings to his/her parents, teachers, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

2. The Precept of Indulging in Intoxicants

If an upasaka/upasika, after taking the precept, indulges in intoxicants, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

3. The Precept of Not Visiting and Looking after the Sick

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not look after those who are sick, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in time cycle of life and death.

 

4. The Precept of Ignoring One's Begging

If an upasaka/upasika, after taking the precept, upon seeing supplicants, does not give away whatever he/she can, but rather send them away empty-handed, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

5. The Precept of Not Paying Respect to the Elderly Among the Four Categories of Buddha's Disciples.

If an upasaka/upasika, after taking the precept, upon seeing bhikkhus, bhikkunis, elder upasakas or elder upasikas, does not get up to greet and bow to them, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

6. The Precept of Pride When Seeing the Four Categories of Buddha's Disciples Break the Precepts.

If an upasaka/upasika, after taking the precept, arouses this arrogant thought upon seeing bhikkhus, bhikkhunis, upasakas, and upasikas who violate the precept, "I am superior to them, for they are not as good as I", this upasaka/upasika commits the fault of not being mindful, and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

7. The Precept of Not Fulfilling the Precept of Not Eating After Midday during the Six Days of a Month.

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not keep the eight precepts and makes offerings to the Triple Gem for six days each month, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

8. The Precept of Not Listening to the Dharma

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not attend the Dharma lectures held within 40 li (about 12 km), he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

9. The Precept of Using the Sangha's Furniture and Utensils

If an upasaka/upasika, after taking the precept, makes use of the Sangha's beds, chairs and utensils, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

10. The Precept of Drinking the Water that Contains Insects

If an upasaka/upasika, after taking the precept, suspects that there are living organisms in the water and drinks it anyway, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

11. The Precepts of Walking Alone in Dangerous Places

If an upasaka/upasika, after taking the precept, travels alone in places that are considered dangerous, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

12. The Precept of Staying Alone in the Bhikkhu's/Bhikkhuni's Vihara

If an upasaka/upasika, after taking the precept, stays overnight alone in a bhikkhuni's/bhikkhu's vihara, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

13. The Precept of Fighting for the Sake of Wealth

If an upasaka/upasika, after taking the precept, for the sake of one's own wealth, beats and scolds his/her slaves, servants or other people, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

14. The Precept of Giving Leftover Food to the Four Categories of Buddha's Disciples

If an upasaka/upasika, after taking the precept, offers leftover food to bhikkhus, bhikkhunis, upasakas, upasikas, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

15. The Precept of Keeping Cats or Foxes

If an upasaka/upasika, after taking the precept, raises cats or foxes, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

16. The Precept of Rearing Animals and Not Giving Them Away to Those Who Have Not Taken the Precepts

If an upasaka/upasika, after taking the precept, raises elephants, horses, cows, goats, camels, donkeys, or any other animals, and does not give them to those who have not yet taken the precepts, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impute and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

17. The Precept of Not Keeping the Three Outfits, Bowls and Walking Sticks

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not keep the sanghati, clothes, bowls and walking sticks (the daily necessities of the Sangha), he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

18. The Precept of Not Ensuring that the Irrigation Water of Rice Farms is Insect Free, and to Carry Out Farming on Land

If an upasaka/upasika, after taking the precept, needs to farm for a living, but does not ensure that the irrigation water of his/her rice farm is free from insects, and carries out farming on the land, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

19. The Precept of Using an Unjust Scale in Business

If an upasaka/upasika, after taking the precept, engages in business for a living, that uses a balance/scale to sell goods, then after having made a deal, he/she should not call off a previous deal for a more profitable one. When buying from others, he/she should advise the seller if he/she is trying to be dishonest in using his/her balance/scale. If an upasaka/upasika does not do so, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

20. The Precept of Having Sexual Encounters at the Wrong Time and Place

If an upasaka/upasika, after taking the precept, has sexual intercourse in improper places and improper times, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

21. The Precept of Evading Government Taxes while Doing Business

If an upasaka/upasika, after taking the precept, evades government taxes while doing business or reports dishonestly, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

22. The Precept of Not Obeying the Country's Law

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not obey the country's law, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

23. The Precept of Not Making Offerings to the Triple Gem when Obtaining New Food

If an upasaka/upasika, after taking the precept, does not offer the newly harvested grain, fruits, and vegetables first to the Triple Gem, but consumes them first himself/herself, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

24. The Precept of Giving Dharma Lectures without the Sangha's Permission

If an upasaka/upasika, after taking the precept, gives Dharma talks without the Sangha's permission, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

25. The Precept of Walking in Front of the Five Categories of Buddha's Disciples

If an upasaka/upasika, after taking the precept, walks in front of a bhikkhu, bhikkhuni, siksamana, sramanena, sramanerika, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

26. The Precept of Not Distributing the Sanghas Food equally

If an upasaka/upasika, after taking the precept, offers food to monks/nuns, meanwhile offering better food in excessive amount to his/her own master, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

27. The Precept of Rearing Silk Worms

If an upasaka/upasika, after taking the precept, raises silk worms, he/she commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impute and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 

28. The Precept of Ignoring the Sick on the Road

If an upasaka/upasika, after taking the precept, comes across a sick person on the road, if this upasaka/upasika does not look after and arrange a place for this sick person, but rather deserts him/her, this upasaka/upasika commits the fault of not being mindful and losing the initial intention in taking the precept. If he/she does not have the mind of repentance, he/she will deteriorate. He/she is impure and will continue to create defiled karma that leads to transmigration in the cycle of life and death.

 


[1] Đây là giới pháp của Bồ tát tại gia, các vị Bồ tát xuất gia không bắt buộc phải tham dự. Tuy tụng giới tại chùa, cũng chỉ nên để các vị tại gia cư sĩ tụng với nhau, và không cần phải làm pháp yết ma. (Pháp yết ma là một loại nghi thức tuyên cáo làm các nghiệp sự như thọ giới, sám hối, v.v..., và cũng nhờ bài văn tuyên cáo mà các nghiệp sự được thành tựu.)

[2] Trước khi tụng giới, cần phải ba nghiệp thanh tịnh. Sau khi phát lồ những điều giới mình đã phạm trước đại chúng, mọi người thành khẩn lễ Phật, cầu Tam Bảo gia bị, nghiệp chướng tiêu trừ.

[3] Ba la đề mộc xoa: Tiếng Hán dịch là "Biệt biệt giải thoát", hoặc dịch là "Xứ xứ giải thoát". Đây là giới pháp do đức Như Lai chế định mà bảy chúng (Tỳ kheo, tỳ kheo ni, thức xoa ma na, sa di, sa di ni, ưu bà tắc, ưu bà di) thọ trì, có công năng đem đến sự giải thoát khỏi bảy điều ác của thân và miệng (Thân: dâm dục, giết hại, trộm cắp; miệng: nói dối, nói lời ác, nói đâm thọc, nói lời vô nghĩa). Vì muốn phân biệt giới pháp của đức Như Lai với Định cộng giới (do tu định mà phát sanh) và Đạo cộng giới (do chứng thánh quả mà phát sanh) cho nên gọi tên là "Biệt biệt giải thoát giới", nghĩa là mỗi điều giới (biệt biệt) đều có công năng đem đến sự giải thoát cho hành giả.

[4] Theo phong tục Ấn Độ, mỗi tháng (âm lịch) được chia là hai giai đoạn, từ ngày mồng một đến ngày mười lăm thì gọi là tháng trắng (Hán: Bạch nguyệt), hoặc gọi là tháng có trăng; từ ngày mười sáu đến ngày hai mươi chín (hoặc ba mươi) thì gọi là tháng đen (Hán: Hắc nguyệt), hoặc gọi là tháng không trăng. Do đây mỗi tháng, khi tụng giới vào ngày mười lăm, thì nên đọc "Ngày mườiÕ lăm có trăng", còn như cuối tháng, nếu là tháng đủ, thì nên đọc "Ngày mười lăm không trăng", nếu là tháng thiếu, thì nên đọc "Ngày mười bốn không trăng". Có nhiều bản giới bổn dùng ngày "hai mươi chín" hoặc "ba mươi", thì đây là không còn theo truyền thống Ấn Độ mà tụng giới nữa.

[5] Bố tát: là pháp của hàng xuất gia và hàng Bồ tát tại gia, mỗi nửa tháng tập chúng tụng giới, giúp cho đại chúng an trụ trong tịnh giới, làm cho thiện pháp được tăng trưởng (Hán: trưởng tịnh).

[6] Quỹ luật: tức là quỹ phạm (mô phạm) và quy luật (phép tắc).

[7] Phân đà lợi: tức là hoa sen trắng, tượng trưng cho sự cao quý.

[8] Hai câu này dịch từ chữ Hán: "Minh nhân nhẫn tuệ cường, năng trì như thị pháp", ý muốn nói: Người sáng suốt có nhiều sự kiên nhẫn và trí tuệ thì mới thọ trì được giới pháp này.

[9] Giới độ: tức là Trì giới Ba la mật.

[10] Đây là hạnh chư Phật, người trí thường nghĩ đến: Hai câu này dịch từ chữ Hán "Thị chư Phật hành xứ, trí giả thiện tư lường", có nghĩa: Thọ trì giới pháp này một cách viên mãn, thì đây là công hạnh của chư Phật, nơi mà người có trí thường phải suy ngẫm đến.

[11] Trước tướng chấp ngã: nghĩa là dính mắc vào hình tướng, chấp trước vào cái ngã. Kẻ trước tướng chấp ngã, tức là những kẻ phàm phu, ngoại đạo.

[12] Người trầm không trệ tịch: tức là muốn ám chỉ các bậc nhị thừa, chấp vào lý thuyết "thiên không", cùng sự an vui của cảnh giới Niết bàn tịch tĩnh, không khởi lên được lòng đại bi phổ độ chúng sanh.

[13] Gieo giống: tức là gieo hạt giống Bồ đề vào tâm của các bậc Nhị thừa.

[14] Muốn phát tâm Bồ đề, trí tuệ chiếu thế gian: dịch từ chữ Hán "Dục trưởng Bồ đề miêu, quang minh chiếu thế gian", có nghĩa: Nếu muốn nẩy hạt mầm Bồ đề (phát tâm Bồ đề) và dùng trí tuệ soi sáng thế gian. (Anh: In order to cultivate the Bodhi sprout and brighten the world.)

[15] Đối với Học, Vô học, chớ mống tâm phân biệt: dịch từ chữ Hán "Ư học ư vô học, vật sanh phân biệt tưởng", bản tiếng Anh dịch là "Do not differentiate between the not fully detached and the fully detached ones." Tạm dịch: Đối với các bậc hữu học hoặc vô học, chớ nên mống tâm phân biệt; hoặc có thể hiểu: Chớ nên mống tâm phân biệt giữa pháp hữu học và pháp vô học, vì cả tất cả, chung quy đều là pháp Đại thừa, là Đệ nhất đạo.

 --- o0o ---