Tu Niệm Phật Tam Muội Phương Tiện Đàm

18 Tháng Năm 201612:45 CH(Xem: 3767)
Tu Niệm Phật Tam Muội Phương Tiện Đàm

Lời Nói Đầu

Tu niệm Phật Tam Muội Phương Tiện Đàm bàn giải về phương tiện pháp môn niệm Phật tam muội (chánh định), mục đích khiến cho chúng sanh bỏ mê về giác.

Mục đích chính yếu của Phật pháp dùng những phương tiện gì làm cho chúng sanh tiến tu Thánh đạo, không còn phiền não để thoát khỏi bể khổ sanh tử bước lên bờ giác, ngõ hầu họa căn đoạn được, tạo khí thế hòa bình cho thế giới.

Bởi đời mạt pháp, ác nghiệp của chúng sanh rất thâm trọng, bít lấp đường lành. Những người hoài bão đại bi tâm, muốn đem Phật pháp để cứu đời, luôn luôn không rời bỏ hoài niệm ấy. Muốn đem những phương tiện tùy thuận chúng sanh để độ họ, đâu biết rằng: Lúc ta tỏ ngộ thì muốn chuyển hóa chúng sanh nhưng khi ta mê lầm thì bị chúng sanh chuyển hóa (tha hóa).

Thật vậy, gần đây những bậc hoằng pháp có tầm cỡ, mỗi khi gặp đối tượng cứ phát ngôn là tùy thuận chúng sanh, cho nên nhất cử nhất động trong các việc ăn, uống, đi, đứng hay làm công việc gì, cứ bắt chước sai lầm của người thế tục; đến nỗi còn muốn bỏ cái học của mình mà học cái học của người khác.

Đại Viên tôi thấy đó mà ngậm ngùi, càng xét nét sâu xa, nghĩ rằng: Phải có phương chước gì để cứu cái tệ này.

Nếu tận lực hoằng dương đúng theo chánh pháp, tuy bên ngoài có phong cách nhưng bên trong chưa có chất liệu tu dưỡng để thật tu. Nếu dốc hết chí hoằng khai các tông môn, chỉ có lợi cho một số ít người mà không phổ cập cho tất cả mọi người. Do đó, Đại Viên tôi trăn trở thao thức, nhưng đột nhiên ý niệm trác tuyệt này khởi lên: Chỉ có một pháp môn Niệm Phật (cầu vãng sanh Tịnh Độ) là lợi ích cho chính mình và tất cả mọi người. Dù người ở nơi cảnh thanh tịnh hay ở chốn huyên náo đều có thể kham tu được cả. Chứ ở nơi uế độ ác duyên này là cảnh huống đầy nhiêu khê và khổ não đang vây bủa, tâm tán loạn dễ sanh. Dù có thiện tâm nhưng chẳng bù được tính biếng nhác, ỷ lại, đã ăn sâu vào tiềm thức rồi thì lại càng dễ sanh sôi nảy nở phiền não vạn đoạn, làm sao mà có Thánh quả trong một đời tu hành mong manh này được.

Nhơn đó, tôi mới trước tác thiên luận này, phương tiện giải bày ra thành 14 bài. Trước biện luận pháp quán tưởng, tạo nguồn gốc cho Chánh định (Tam muội), sau lần lượt giảng trạch để giúp đoạn trừ những phiền não chướng ngại về chánh định.

Như thế người tu hành muốn đóng cửa (nhập thất) niệm Phật, hoặc chưa nhập thất được thì vẫn tăng được định lực, có chánh niệm rõ ràng, thành quả sơ bộ thấy ngay trước mắt.

Vì lo lắng tiền đồ Phật pháp nên tôi chẳng quản tài hèn, học kém, trước tác ra thiên luận Tu Niệm Phật Tam Muội Phương tiện này, để giúp cho người tu về pháp môn niệm Phật có lợi ích rõ ràng và cũng là bổ chính cho những ai hiểu sai lầm về pháp môn niệm Phật thù thắng này.

Rất trông mong các bậc cao minh trong hải hội Thiền môn thương giúp bổ túc cho những thiếu sót không tránh khỏi được. Rất mong thay và thành thật cảm tạ.

1. VÀO NHÀ NHƯ LAI

Trong kinh Pháp Hoa, Phật dạy: Vào nhà Như Lai, mặc y Như Lai, ngồi tòa Như Lai.

Nhà Như Lai là nhà đại từ bi. Y Như Lai là y nhu hòa nhẫn nhục. Tòa Như Lai là tòa tất cả pháp Không. Hành giả tu niệm Phật Tam Muội, phải biết thất kỳ (mỗi kỳ nhập thất bảy ngày). Nên phải hiểu rõ được lý giải trước khi nhập thất.

Nhà chúng sanh là nhà tranh danh trục lợi, dù trốn vào núi trống không vắng vẻ, để giảm trừ náo nhiệt, nhưng vì trầm tịch (vắng lặng) quá lâu nên chẳng thể ngăn cản vọng tâm; nếu lấy thân tứ đại làm nhà, càng tăng thêm phiền não. Nên lấy tâm làm nhà, đó là nhà vô tướng vậy. Vì vậy, người niệm Phật trước phải phát tâm đại từ bi, xem tất cả chúng sanh như con một, phải cứu độ bình đẳng, không để sót một chúng sanh nào chẳng đặng thành Phật, huống gì lại đem lòng hãm hại họ.

Vào nhà đại từ bi, thì cùng ở chung với Như Lai, được gần với Phật. Trong ba môn học thì gọi đó là Định học.

Đã vào nhà Như Lai rồi thì phải mặc y phục, nếu y phục đẹp thì tăng lòng tham, nếu y phục xấu thì sanh lòng nhàm chán, nên luống loạn tâm tư.

Vì thế, phải lấy tâm niệm làm y phục, mới phá được tất cả chướng ngại. Nếu gặp kẻ ngỗ nghịch, bạo ngược mình, thì nên lấy nhu hòa mà đối lại. Gặp kẻ võ phu lấn lướt bạo hành, thì lấy nhẫn nhục để đối phó. Nếu mặc được y phục nhu hòa nhẫn nhục của Như Lai thì tất cả ma chướng đều trở thành trợ đạo phẩm. Dù trải qua thiên ma bách chiết (ngàn cay trăm đắng) cũng chẳng thay lòng đổi dạ. Trong ba môn học gọi đó là Giới học.

Đã vào nhà và đã mặc áo Như Lai rồi thì phải có chỗ ngồi. Bình thường trong bốn oai nghi (đi, đứng, nằm, ngồi), ta thường thay đổi luôn. Tuy ngồi kiết già trên thiền sàn, cũng chẳng có gì là không gián đoạn, nên công dụng có chừng. Thế nên hành giả nếu có ngồi thì phải quán tất cả các pháp đều không  làm chỗ ngồi. Chẳng những lục trần (sắc, thinh, hương, vị, xúc, pháp) bên ngoài đều không, mà lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý) bên trong cũng đều không. Chẳng những các pháp tranh danh đoạt lợi của thế gian đều không, mà các pháp tu hành xuất thế gian như đại từ bi, nhu hòa, nhẫn nhục cũng đều không nốt. Nếu hay quán sát tất cả pháp Không như vậy lấy nó làm tòa ngồi, thì dù có ngồi mà thật ra không ngối. Dù chưa ngồi tại tòa mà thật ra chẳng bao giờ lìa tòa ngồi, đó gọi là vô thượng thậm thâm diệu thiền. Ở trong ba môn học trên đây thuộc về Huệ học.

Vào nhà Như Lai thì thệ nguyện từ đây về sau chẳng bỏ tâm đại từ bi. Mặc y Như Lai thì thệ nguyện từ đây về sau chẳng rời y nhu hòa nhẫn nhục. Ngồi tòa Như Lai nguyện từ đây về sau mỗi niệm, mỗi niệm trong pháp Không rất rõ ràng. Người tu hành được ba môn Giới học, Định học, Huệ học này tinh tấn không thôi, thì chính ngay nhất niệm của mình thẳng đến mười phương ba đời Chư Phật không hai không khác. Lấy tâm này mà niệm Phật thì gọi tâm này là Tâm Phật. Lấy tâm đó quán tưởng Phật thì gọi đó là tâm làm Phật. Chính đây là cơ sở tu niệm Phật Tam Muội, cứu cánh vào được chánh định niệm Phật. Thế nên không có gì ngoài tâm đây vậy.

2. QUÁN NIỆM

Như trước đã nói, lập được cơ sở niệm này rồi thì phải quán sát. Một niệm từ tâm phát khởi ra hay từ miệng phát ra. Nếu từ miệng phát khởi ra thì các tượng bằng gỗ, bằng đất, v.v. có miệng đều niệm được. Trái lại, các tượng đó không niệm được, thế mới biết các niệm này không thể từ miệng mà niệm, còn nói từ tâm phát khởi niệm này, vậy nếu miệng và lưỡi không cử động chắc không thể thành tiếng. Bởi vậy, nên biết là niệm Phật ban sơ từ tâm khởi niệm rồi truyền nhanh ra miệng, lưỡi phát động thành âm thanh, mới hoàn thành một niệm. Lại quán sát, niệm này từ tâm phát khởi thì ban sơ phải từ tâm khởi niệm và truyền nhanh đến miệng, như sóng biển, dù lượng sóng có ngàn vạn mà thể nước chỉ là một. Cũng như vậy, niệm của tâm dù một hay mười niệm, cho đến ngàn vạn niệm mà niệm này cũng chỉ là một thôi. Huống chi là lúc khởi niệm như vậy là hòa hợp sắc tâm liên kết phận vị giả lập mà thôi.

Một niệm phát xuất lúc đó thì niệm ấy tích trữ cho đến ngàn vạn năm, chúng đều không khác gì nhau, cho nên nói rằng nhất niệm vạn niên. Lại niệm ấy cứ tiếp tục ngàn vạn năm, dù có nhiều cho đến bất khả tư nghì cũng giống số lượng nước biển bất khả tư nghì vậy. Nghĩa là lượng sóng biển tuy nhiều mà thể nước không sai khác. Cũng vậy, niệm số tuy nhiều mà niệm sau không khác gì niệm trước, gọi đó làvạn niên nhất niệm. Liễu ngộ được nhất niệm vạn niên thì biết rõ ràng một tiếng niệm Phật chắc chắn diệt trừ được tám vạn ức kiếp sanh tử trọng tội.

Liễu ngộ vạn niên nhất niệm thì biết được hằng hà sa số kiếp, hằng hà sa vọng niệm ta khởi ra chìm nổi ba cõi sáu đường, đem so sánh số lượng niệm Phật ngày nay của ta phát khởi từ sơ niệm cho đến hậu niệm thành Phật đều chẳng lìa một niệm ban sơ.

Hành giả chỉ triệt ngộ từ niệm này, trân trọng một niệm này, biết gìn giữ một niện này như gà ấp trứng, hơi nóng xông ướp với nhau không lúc nào gián đoạn. Đem so sánh công phu niệm Phật tối sơ nhất niệm cho đến vị lai không ngằn mé, niệm niệm không dứt, nối nhau không bao giờ gián đoạn vậy.

3. THẬT TƯỚNG

Kinh Hoa Nghiêm có bài kệ dạy rằng: Nếu người nào muốn biết chư Phật ba đời, nên quán trong Pháp giới tánh tất cả đều “duy tâm tạo”.

Đã biết ba đời chư Phật đều duy tâm tạo thì nay đối tất cả cảnh giới chẳng phải Phật cảnh, đều có thể quán thành Phật cảnh, bởi vì, bất luận cảnh nào cũng đều là giả cảnh cả nhưng không lìa Pháp giới tánh.

Nay nếu y pháp giới tánh tác quán ra các cảnh, vì cảnh nào cũng theo tâm biến, không có chi là chẳng được.

Hiểu được phương tiện ấy rồi, thì phàm những cái gì mắt thấy hoặc chẳng thấy đều có thể mượn các tướng trạng ấy tác quán Phật A Di Đà.

Hoặc những tiếng gì tai nghe hoặc chẳng nghe được, đều có thể tác quán ra tiếng niệm Phật.

Còn như những căn tỷ, thiệt, thân, ý và bốn trần cảnh (hương, vị, xúc, Pháp) đối lại, cũng đều mượn tác quán; cho đến thế giới Ta Bà cũng có thể tác quán ra Cực Lạc Quốc Độ. Chúng sanh trong sáu đường tác quán thành thượng thiện nhơn Cực Lạc. Những hàng cây, ao báu, nước gió, vườn rừng, chim chóc mượn đó quán ra các thứ đối cảnh Cực Lạc Tây phương. Cứ huân tập lâu dài lần lần sẽ được thuần thục.

Như thế, lần lần xa dần được thế giới Ta Bà và lần lượt được gần dẫn với thế giới Tịnh Độ. Trong sáu căn tiếp xúc với sáu trần, cõi này dần dần xa lìa cảnh giới năng sở trần lụy, đó là tiệm nhập Thánh cảnh.

Kinh Lăng Nghiêm gọi: Độ nhiếp sáu căn, tịnh niệm tương kế, nghĩa là nhiếp hết sáu căn thì tịnh niệm nối nhau không dứt.

Tác quán như vậy, ban sơ lấy tịnh tướng đổi uế tướng, gọi là hữu tướng, sau nữa chẳng những uế tướng diệt mà tịnh tướng cũng diệt. Tâm thể trạm nhiên cũng gọi là vô tướng. Lại nữa, vô tướng cũng là Không cảnh tịch quang hiện tiền, đó là thật tướng. Niệm Phật được như vậy thì chắc chắn với Phật tương ưng.

4. TÙY HỶ

Đức Phổ Hiền Bồ Tát phát mười đại nguyện mà công đức tùy hỷ liệt vào hàng thứ năm, ý nghĩa như đây: Phàm thấy người nào làm các công đức gì, ta khởi tâm hoan hỷ thì công đức này cũng chia phân nửa cho ta rồi. Đó là Tùy hỷ công đức. Nay ta niệm Phật hoặc khuyến khích người khác niệm Phật mà mình cũng vui mừng như thế là chia đều công đức vậy. Chẳng đợi nói mà phải biết rằng, mỗi khi nghe tiếng gì, ta cứ cho đó là tiếng niệm Phật. Nếu còn phân biệt tiếng ấy là tiếng mắng nhiếc ta, hoặc đây là tiếng người, tiếng chim, tiếng thú, tiếng nước chảy, tiếng gió rung khiến cho ta vui mừng hoặc cho ta phiền não; như thế, đối với người niệm Phật chắc chắn sẽ sinh ra chướng ngại. Nay ta niệm Phật thì phải xem các tiếng ấy đều bình đẳng. Thế thì các tiếng tốt, tiếng xấu, tiếng người hay là không phải tiếng người, ta cứ cho tất cả tiếng ấy là tiếng niệm Phật; chẳng mảy may phân biệt tiếng tốt, tiếng xấu, tiếng người hoặc chẳng phải người, mà trong chiều hướng âm thanh ta nghe được, ta cứ cho là nó trợ duyên giúp ta niệm Phật, thay ta niệm Phật, ta liền vui mừng. Quán sát được như vậy, lần lần thâm nhập vào Đại nguyện Phổ Hiền Vương Bồ Tát.

5. NIỆM PHẬT

Phương pháp Niệm Phật, tùy người nào có duyên với phương pháp nào nhưng phải từ nơi Kinh Luận mà chọn lựa, chẳng nhất định được.

Bát châu Tam Muội thì thường đứng.

Nhất hạnh Tam Muội thì thường ngồi.

Các phương pháp này dành cho các hành giả đại tinh tấn nên rất khó hành trì. Chẳng bằng đi, đứng, nằm, ngồi các phương tiện ta đều kiêm dùng cả là tốt nhất.

Lại trong kinh Di Đà dạy ta trì danh niệm Phật, còn trong quán kinh dạy: ta quán tưởng niệm Phật. Nay ta tin dùng chuyên tu, đều có thể xen kẽ hành trì. Đến như pháp hành trì danh lại còn phổ cập hơn nữa. Về phương pháp trì danh, theo ngu kiến của Đại Viên tôi nên lựa chọn truy đảnh niệm Phật và phản văn niệm Phật là tiện dụng.

Với phương pháp của Pháp sư Ấn Quang hướng dẫn số thập niệm (niệm Phật bằng 10 hơi đếm) rất là thiết yếu mà dễ hành trì. Nếu người sơ cơ lập nguyện trường kỳ đóng cửa niệm Phật thì dù vọng tâm lén lút dễ khởi, chẳng bằng trước tiên kiết một thất kỳ (một thất bảy ngày), dần dần tăng đến hai, ba thất cho đến một tháng, một năm làm định kỳ thì vọng tâm lần lần ít lại. Thế thì vô luận đóng cửa kiết thất trường kỳ hay đoản kỳ đều phải cấm ngữ (cấm nói), chẳng cấm ngữ thì niệm Phật khó thuần nhất.

Bồ Tát Giác Minh Diệu Hạnh có dạy rằng: “Ít nói chuyện nhiều niệm Phật đánh được niệm đầu của người chết, cho pháp thân người sống”. Dù nói chuyện ít hay nhiều chẳng bằng yên lặng niệm Phật. Chẳng niệm Phật nhiều thì làm sao đánh được niệm đầu của người chết, nếu đánh không được niệm đầu người chết thì làm sao cho pháp thân người sống được đây. (Niệm đầu là niệm vô minh tối sơ)

6. SÁCH TẤN (TỰ KHUYÊN MÌNH PHẢI SIÊNG NĂNG)

Ở đời những người đánh bạc vì họ muốn tranh hơn ăn canh bạc, nên không kể gì mưa nắng, nóng lạnh, miễn ăn cho được canh bạc là tốt, cho đến tự quên ăn quên ngủ.

Còn nói đến lĩnh vực tình dục thì kẻ háo sắc, khi lửa dục phát động thì họ không bao giờ quên đối cảnh sở thích, miễn làm thế nào họ đạt đến mục đích mới thôi.

Thế là các tà nghiệp vọng tưởng người ta mưu đồ, cái thú vui cuồng vọng trong chốc lát mà vẫn chinh phục được những bữa ăn, giấc ngủ của họ, chẳng quản đêm ngày, mưa nắng.

Nay chúng ta vì đại sự sanh tử, cầu sanh Tịnh Độ, lo tính mưu đồ sự nghiệp an lạc vô lượng kiếp về sau, há lại để thua những người theo tà hạnh trong đời như dâm loạn, đỗ bát, v.v. hay sao? Nếu suy nghĩ việc tu hành là mệt mỏi thì ta suy tính điều hơn lẽ thiệt nên phải phấn chấn lên.

Lại phải suy nghĩ thêm rằng, như những bậc yêu nước trung thần, liệt sĩ, vị quốc vong thân, cốt làm sao rạng danh với núi sông muôn thuở; cũng như kẻ sĩ ham học vì lập thân danh, hoặc những người đánh bạc vì mưu cầu lợi nhuận, những kẻ háo sắc vì mưu đồ khoái lạc phút giây, tất cả những cảnh huống ấy chỉ là pháp vô thường khổ não của thế gian, thế mà cùng năm mãn tháng, lao tâm nhọc trí, họ vẫn lao lung nhẫn nại chẳng biết mệt mỏi để thực hiện cho được. Huống gì chúng ta, vì muốn ra khỏi sanh tử, vì đại đạo giải thoát, há lại chẳng cố gắng được sao? Dù có lao khổ như thế nào cũng chẳng bao giờ ngừng nghỉ. Lại nữa, ta phát đại bi tâm nghĩ thương chúng sanh trong địa ngục đang bị lửa dữ thiêu đốt, núi tuyết hàn băng, giường sắt trụ đồng, chảo nước sôi, lò lửa đỏ đang hành hạ tội họ không lúc nào xen hở. Một ngày một đêm trong cảnh giới khổ ấy bằng một nghìn sáu trăm năm của thế gian ta đang sống đây, trong cảnh huống ấy thì chúng sanh tội khổ trông mong có người cứu khổ họ, như vậy, ta đành làm ngơ được sao? Lại nữa, nếu ta không lập nguyện tinh tấn niệm Phật để cầu sanh Tịnh độ, thì khó thoát khỏi cảnh khổ sở đã kể trên.

Nếu chúng ta vươn lên lập chí nguyện vững mạnh, chẳng những đã cứu được ta mà còn cứu được mọi người. Có giận chăng, có hờn trách chăng là ta phải hận trách ta trước. Thế nên, chẳng tiếc gì thân mạng, chỉ mong sao niệm Phật sanh về được cõi Tây Phương, thấy Phật, nghe Pháp, mới thực hiện được trọn vẹn tự cứu, tự tha, tự lợi, lợi tha vậy.

7. XẢ

Ở đời về pháp siêng năng, có khi có, có khi không, đều sinh diệt. Vì sinh diệt nên chẳng vĩnh viễn, tiếp tục nhau, nên ngày nay niệm Phật, ngày mai lại chẳng niệm, lúc này niệm, lúc khác lại chẳng niệm, đều là sát na (tích tắc) nối nhau, huống chi thời gian năm tháng thì chắc chắn phải gián đoạn, chẳng tiếp tục nối luôn. Vì thế, khi hành giả dụng công niệm Phật thì vọng tâm âm thầm lén lút khởi lên.

Xưa Khổng Tử đứng bên bờ sông than rằng: "Chẳng kể gì ngày đêm, nước cứ chảy mãi như vậy ư?". Ngày nay, ta mượn nước để quán tánh niệm của ta ngày đêm chảy chẳng mãi thôi. Hoặc mượn tiếng nước chảy để quán lấy đó buộc niệm của chúng ta nối luôn luôn. Thế thì dòng nước chảy không dứt được, đó là bản tánh của nước, nếu nước mà chẳng chảy được thì nhất định bị đất đá ngăn trở làm chướng ngại. Thế nên niệm của ta chẳng bao giờ dứt cũng là bản tánh của niệm, nhưng niệm có gián đoạn  là bởi vọng tưởng ngăn trở. Vậy phải hiểu đất đá làm trở ngại dòng nước chảy nhưng tánh nước chẳng bao giờ trở ngại, nên tánh niệm cũng chẳng bao giờ gián đoạn. Vì vậy, niệm này thường còn, tánh Phật cũng chẳng diệt.

Thế thì niệm cùng với chẳng niệm, Phật tánh tự như như, dù đóng cửa niệm Phật hay không đóng cửa niệm Phật, tánh đó không bao giờ dứt cả.

8. HÀNG PHỤC CHÚNG MA

Trong lúc tu hành, vì ta dụng công quá cùng cực nên phát ra huệ giải, phát huy thi kệ rất đặc sắc như dòng nước tuôn chảy. Ngài Đại Sư Di Hám Sơn cho đó là thiền bệnh vậy. Cẩn thận chớ dễ dãi, phóng dật.

Phải suy nghĩ giống như ngày xưa ta mất viên ngọc báu, nó vùi lấp dưới đất bùn, nay tìm được, phải coi đó như vật sẵn có của ta mà đừng sanh tâm vui mừng quá đáng. Nếu ta làm thi kệ được lưu loát thì cũng nhẫn nại chẳng nên phô diễn ra ngoài làm gì, lại nữa, dù thấy thân Phật tốt đẹp sắc vàng rực rỡ, thì cũng nhẫn nại đừng hân hoan quá sức, mà phải nghĩ rằng các cảnh trạng này từ thân tâm ta hiện ra thôi, như bóng trong gương. Khi gương lu thì bóng ẩn, khi gương sáng thì bóng hiện ra. Có hiểu như vậy thì dù cảnh giới kỳ lạ gì cũng tự nhẫn nại được, không nên cho là chứng đắc.

Thế thì, phàm thấy những cảnh giới tốt hay xấu, những hình dạng đặc thù khác, ta phải hiểu là các pháp bình đẳng, không có cao thấp, phải lấy bình thường tâm mà đối trị. Đó gọi là bình thường tâm thị đạo, như thế mới hàng phục tất cả cảnh ma. Nếu không như vậy, thì dễ đắm trước tà cảnh, nhất là phát huy thi kệ, dễ mắc sự sai lầm: được chút ít cho là đủ, để rồi trở thành cống cao ngã mạn. Lại nữa, thấy tướng Phật tốt đẹp, sanh tâm ái trước, vui mừng thì dễ sanh cuồng loạn mất hết cả chánh niệm. Đó là ma hoan hỷ của ta. Vậy người tu hành theo pháp môn niệm Phật không thể không biết cảnh giới này.

9. TỰ TRỊ VỌNG TÌNH

Niệm Phật chẳng được nhất tâm, do đó dễ bị vọng tưởng ngăn ngại.

Vọng tưởng này như ta đã biết, nó khởi từ ngũ căn đối với ngũ trần làm khuấy động ý căn hoặc ý căn vọng động dẫn dắt ngũ căn, dù chẳng tiếp giáp trần cảnh cũng khởi vọng tưởng chiếu cảnh. Thế nên, người muốn đoạn được vọng tưởng, cần nhất phải đoạn ý căn, nên ta phải giả tưởng ngũ căn đã đoạn và nó trở thành vô dụng rồi. Như lúc ta toan nghĩ tới sắc, thì lại tưởng ta đã đoạn nhãn căn rồi thì không còn công dụng nhìn xem cảnh sắc, thế nên ý căn liền chẳng khởi ra được, mà chẳng khởi ra được thì ý niệm dứt liền.

Lúc ta toan nghĩ tới tiếng thì cũng nghĩ nhĩ căn đã đoạn, không còn công dụng nghe tiếng nên ý căn liền chẳng khởi ra. Cho đến các thứ tỷ, thiệt, thân căn, ta cũng giả thiết đều đoạn được hết. Lại phải dùng một phương tiện đặc thù này, lúc vọng niệm muốn khởi ra, ta tưởng rằng ta đã vãng sanh ở Liên Trì trong ao Thất Bảo đang thiền tịnh niệm Phật, cảnh giới ấy cách cảnh giới này đến mười muôn ức Phật độ, dù ta có khởi vọng niệm cũng vô ích thôi vì không thể nào liên hệ tới cảnh giới Liên trì Thất bảo mà ta đang ở đó. Đó chính là phương pháp đối trị vọng tưởng rất thù thắng vậy.

10. CHÁNH NIỆM

Vọng tưởng từ nơi chánh niệm lưu chuyển mà ra, cho nên, lìa ngoài chánh niệm ra thì không có vọng tưởng. Nói cách khác vọng tưởng là chánh niệm, thế nên lúc vọng tưởng khởi ra, chẳng cần bài trừ. Chỉ biết nó là vọng tưởng thì dễ khởi chánh niệm, hễ chánh niệm khởi thì vọng tưởng chẳng cần bài trừ mà nó tự tiêu trừ.

Người tu hành nên quan sát tự tánh của nó là Không, đó là Không quán. Được Không quán này rồi chẳng nên thấy tướng Phật hiện ra mà phát hoan hỷ tâm để thành cống cao, hay là chẳng được thấy Phật mà rơi vào tình trạng lo âu thì bị sa vào ma sầu muộn. Chỉ nên tiếp tục trụ trong niệm tâm bình thường, chẳng khởi vọng tưởng thấy Phật hoặc chẳng thấy Phật, đó là chánh niệm vậy.

11. THÍCH NGHI (GIẢI RÕ NGHI TÌNH)

Nếu có khi ta cần thấy Phật hoặc chẳng thấy Phật trong lĩnh vực này chẳng nên khởi niệm buồn vì chẳng thấy Phật.

Tại sao vậy? Tâm Kinh có câu: “Sắc tức là không, không tức là sắc”, thế nên chỉ được tâm không thì dù thấy Phật hay không thì sắc thân Như Lai cũng không khác gì nhau.

Cũng lại nghi trong kinh Kim Cang có câu: “Nếu lấy sắc thấy ta, lấy âm thanh cầu ta, người đó làm tà đạo, chẳng thấy được Như Lai”, thì lại sợ rằng niệm Phật mong thấy Phật là ở trong vòng cầu thấy sắc, cầu nghe tiếng là tà đạo chăng? - Phải hiểu rằng cả sắc lẫn thinh đều không, mà không tức là Như Lai vậy. Pháp thân chẳng thể lấy sắc, tiếng mà cầu tìm, cho nên có thể thấy; cũng chẳng thể lấy sắc, tiếng mà cầu tìm, cho nên chẳng thấy. Vậy người tu hành chẳng cầu thấy Phật thì niệm Phật không thiết yếu, còn luống cầu thấy Phật thì là vọng tưởng. Phải như thế này: Chỉ ưng mỗi niệm, mỗi niệm cầu thấy, nhưng thật ra như chưa thấy. Mỗi niệm, mỗi niệm chẳng cầu thấy, cũng không có gì là không thấy.

12. HẠNH GIẢI

Ta niệm Phật Tam Muội chẳng ngoài giải hạnh, trước đã giải bày, cốt muốn làm thế nào cho người tu hành hiểu rõ và thông suốt được lý, thì lúc khởi hành chẳng bị lầm lạc. Nếu tìm văn trích cú, hoặc dò tìm cho sát văn giải nghĩa, cho đó là triệt ngộ, mà lại chẳng hành trì thì in như người chỉ nói món ăn suông và đếm của báu bằng miệng, đó là cái hại không nhỏ. Thế cho nên, mặc dù lý giải không đạt, đến khi thực hành thì phải quét trừ cho hết cái chỗ trí giải, chẳng còn vướng bận nó trong lòng.

Cần nhất phải lòng không dạ trống, bằng tâm niệm ấy mà tu tiến, đó mới đúng là hạnh khởi giải tuyệt (lúc hành trì phải buông thả cái chỗ hiểu biết của mình đi). Vậy mới gọi đó là niệm Phật tương ưng với Phật.

Nếu chỗ thấy biết của mình không tiêu vong, trái lại còn một chút ít hiểu biết vươn lên, đó là chẳng được thật chứng Tam Muội (chánh định).

Thế cho nên hai chữ hạnh giải, hễ thô tâm thường dễ ngộ nhận, hễ có mảy may sai lầm thì cách biệt muôn trùng.

13. BỊ CƠ (BAO TRÙM HẾT CĂN CƠ)

Pháp môn Tịnh Độ là đối với uế độ mà nói, nghĩa là theo bệnh mà cho thuốc. Như vị thuốc huỳnh bã đậu trị bệnh táo bón, vị càng cương phụ tử trị được bệnh hàn lạnh.

Thế giới ngày nay, nào là kiếp trược, kiến trược, phiền não trược, chúng sanh trược, mạng trược, năm trược đầy đủ; có tham, sân, si, sát, đạo, dâm, vọng, v.v.

Mười nghiệp ác đều bao trùm hết.

Uế trược đã sâu đậm, vậy chẳng luận bàn về Tịnh Độ thì chẳng thể cứu vãn nhân sinh. Các pháp môn khác dù có thể liễu sanh thoát tử nhưng chẳng thể hợp căn cơ của môi trường xã hội ngày nay.

Vậy trông mong các bậc Đại thiện tri thức của hành tinh nhân loại hiện đại, các ngài tạm hoãn lại các pháp môn mà chỉ xu hướng về pháp môn Tịnh Độ, đó là cứu được cái nạn cháy mày râu.

Lại đã thấu rõ danh nghĩa Tịnh Độ, vì tịnh chẳng phải uế tạp, thế cho nên, đã tạp nhiễm thì dù có tu thiện pháp nào cũng luống là khuấy động cho nó thành trược mà thôi. Giống như nước sạch, dù có lấy đũa pha lê khuấy nó thì nó vẫn trở thành cáu đục như thường, làm sao cảnh vật bên ngoài lại rọi soi vào bồn nước uế tạp ấy cho rõ hình được.

Thế nên, đời nhà Đường, ngài Thiện Đạo hòa thượng nói: Tu Tịnh Độ  thì có hai cách, chuyên tu và tạp tu. Chuyên tu thì mười người tu, mười người được vãng sanh, còn tạp tu, thì một trăm người tu, khó có một, hai người thành công được. Ngài Giác Minh Diệu Hạnh Bồ Tát xác định: Trong pháp môn cầu sanh Tây Phương phải chuyên tu Tam Muội. Đó là kim chỉ nam niệm Phật để thành chánh định vậy.

14. NGHIỆM THÀNH (KINH NGHIỆM TU PHÁP NIỆM PHẬT ĐỂ THÀNH CHÁNH ĐỊNH)

Có người vấn nạn: Chẳng cần thấy Phật làm sao thành Tam Muội, vô sở đắc rồi lấy cái chi để biết đã chứng Tam Muội?

Niệm Phật là chánh nhơn của Tam Muội, còn Tam Muội là cảnh quả của niệm Phật. Chánh nhân mà ngay thẳng thì cảnh quả không tà vạy. Nếu người niệm Phật đúng pháp, nghĩa là công phu niệm Phật sâu dày, thì việc thấy được Phật là lẽ đương nhiên, còn nếu không thấy thì cũng chẳng sao.

Nếu niệm Phật không đúng pháp, hoặc công phu niệm Phật chẳng sâu dày thì dễ đến chỗ sở đắc, dễ thành ma cảnh. Còn vô sở đắc lại tưởng lầm coi như ngu si (vì vô sở đắc là đạo lý cao thâm. Khi chứng đến bậc vô sở đắc thì không thấy có Phật để thành, không có chúng sanh để độ, nhưng người không hiểu, tưởng lầm vô sở đắc là ngu si). Bản thể của chúng ta vốn là Phật rồi, nhưng chưa thể thành Phật được là bởi nhiều kiếp đến nay do mê hoặc tạo thành nghiệp, phát sinh đủ thứ tập khí: tham, sân, si, sát, trộm, dâm, vọng, v.v.

Người tu hành nếu niệm Phật dụng công đến chỗ chí cực, khi đối cảnh tiền trần không mảy may phan duyên các cảnh, nên chẳng phát sinh các nghiệp tham, sân, si, v.v., y như tứ chi đã đoạn, không còn công dụng nữa. Tại tông môn đó là đại tử, đại hoạt (chết rồi sống lại trong vĩ mô rộng lớn, nghĩa là hết phiền não thì thành Đại trí huệ). Bồ Tát Diệu Minh Giác Hạnh gọi đó là đánh chết được vọng niệm ban đầu nên pháp thân tịnh diệu hiện ra (đã đắc niệm đầu tử hứa nhĩ pháp thân hoạt). Thế thì đạt thành Tam Muội không thể cầu tìm bên ngoài đến, như các thứ thần thông diệu dụng thì cũng do người tu hành thân chứng các cảnh giới kỳ diệu khác nhau mà thôi.

Cần phải ghi nhớ: Chẳng nên sanh tâm hoan hỷ, cũng chẳng nên bộc lộ ra ngoài. Nếu vui mừng thì bị ma vui khuấy động. Bởi chúng ma hiện bày như thế, nên lầm cho là chứng đắc, hễ được thì thấy mất, thay đổi trong ảo cảnh mà thôi. Phải cẩn thận lại cần cẩn thận hơn.

Trước đã giải bày phương pháp dụng công đó gọi là nhập thủ công phu niệm Phật Tam Muội, phần nhiều trích lại trong các Kinh Luận ra mà diễn giải hoặc do các vị minh sư thiện hữu tu hành đã kinh nghiệm các cảnh giới đã trải qua bày lại. Trông mong người tu hành phải hiểu rõ rằng các cảnh giới đắc thất, v.v., các vị nên lấy chỗ thật chứng trong quá trình dụng công thể nghiệm để cải chính trừ bỏ những sai lầm. Chính là công hạnh tự lợi, tự tha, cũng là niềm an ủi chung cho các đồng sự tu hành, không nên đắm trước chỗ sở trường u huyền của mình mà không phát minh được ánh sáng tu tiến, cứ đem chỗ sở đắc u huyền chỉ bày sai lầm cho mọi người. Phải biết thẹn thùng sự đắm trước phi lý, nó càng làm chúng ta nặng kiếp luân hồi, đọa sâu dày trong lục đạo, vô minh càng chồng chất mà thôi. Trong môi trường giáo hóa, đôi khi những tập khí hý luận (đùa giỡn) phát ra, chiêu cảm thói quen trở thành vọng ngữ. Vì vậy, niệm Phật không được đắc lực thì dù Tam Muội có tối thiểu, không thể nào có được.

Phải sợ ngày tháng như thoi đưa, vô thường mau đến, thân người dễ mất, Phật pháp khó gặp, ngày đêm thao thức trăn trở moi tìm phương tiện. Trộm nghĩ, nên học đòi Tôn Giả A Nan, dù chưa độ mình, trước phải độ người, liền đốt hương lễ Phật khẩn cầu gia bị. Nay y theo Kinh Luận, trước tác luận văn thô cạn này, nguyện khắp huân pháp giới hữu duyên chúng sanh, ai nghe thấy liền phát gấp tín tâm, nguyện lực gắng sức tu trì Tam Muội. Khi Tam Muội thành tựu rồi, cùng nhau đều độ thoát, mới mong vận đại từ bi tâm độ chúng sanh đồng sanh Tịnh Độ dự vào Hải Hội Liên Trì, thì đây là duyên lành chẳng phải nhỏ vậy

PHỤ GIẢI

TRUY ĐẢNH NIỆM PHẬT

Đời nhà Minh, ngài Hán Nguyệt Đại Sư phát huy pháp môn truy đảnh niệm Phật.

Cách thức niệm: Cần phải nỗ lực trì Phật danh bốn chữ A DI ĐÀ PHẬT, niệm cho thành khẩn, cứ một chữ vói theo một chữ, mỗi câu vói theo mỗi câu, gấp lại gấp, mạnh lại mạnh, ngăn được ý niệm quá khứ, chặn được ý niệm vị lai, chẳng duyên cảnh giới hiện tại, ba tâm (tâm quá khứ, tâm hiện tại, tâm vị lai) chẳng khuấy động được mình. Như thế, ba tâm đều đoạn tuyệt, khoảng cách thời gian chẳng hiện ra. Coi như ta thẳng đến chí điểm, nghiền nát cả hư không, đại địa đều bình trầm (bằng phẳng). Ta với cảnh vật đồng tiêu, không còn pháp nào dựng lập trong ý tưởng. Trước mặt hiện toàn thân Đại viên cảnh trí. Gương sáng trí tuệ bao trùm khắp vũ trụ không còn phân biệt vọng tưởng, dẫy đầy đại thiên sum la, vạn tượng rõ rõ ràng ràng nào có quái ngại gì đâu. Cảnh giới ấy gọi là nhất tâm bất loạn. Pháp thức tu này là phải niệm Phật cho đến cùng cực. Niệm một ngày, nếu một ngày không thành tựu, thì cứ ngưng ngày ấy lại coi như ta chưa niệm, mà phải tác niệm liên tục ngày thứ hai, ngày thứ ba, thứ tư cho đến bảy ngày, hoặc mỗi tháng niệm một ngày, hai ngày, hay một thất (thất kỳ bảy ngày hoặc mười ngày), hai thất. Nếu như chỗ niệm không thành khẩn thì phải điều dưỡng tinh thần rồi lại tiến tu mãnh liệt một ngày, hai ngày, một thất, hai thất. Như thế thì trước sau gì cũng đạt cảnh giới nhất tâm bất loạn.

PHẢN VĂN NIỆM PHẬT

Đây là phương thức niệm của ngài Tỉnh Am Đại Sư đời nhà Thanh.

Đem cái nghe để nghe niệm Phật. Phương thức này là niệm Phật ra tiếng, tiếng từ miệng ra, rồi thâu tiếng niệm ấy vào tai thẳng đến thông cả thân đều là Phật, không còn năng niệm, sở niệm. Sáu căn đều thâu nhiếp hết trở thành một tấm băng thanh tịnh. Như thế chẳng đợi lúc lâm chung, mà chính lúc ấy ta đã tọa vị trên Liên đài chín phẩm.

Tu pháp này trước phải phát tâm Bồ Đề rồi sau đem tâm ấy niệm Phật tinh tấn không gián đoạn. Bất luận đi, đứng, nằm, ngồi vẫn nắm lấy câu A DI ĐÀ PHẬT đương niệm. Mỗi chữ, mỗi chữ rõ ràng, cho đến từ câu, từ câu phân minh khoáng đạt, cho đến lúc không tác niệm mà vẫn cứ niệm, không chú tâm nghe mà vẫn cứ nghe. Niệm đến chỗ chí cực, chí thành thì tình tiêu, ý vong, thân tâm không tịch không ngằn mé, ngày ngày niệm như vậy, năm năm niệm như vậy thì quyết định được cảnh giới Tịch Quang Tịnh Độ hiện tiền. Phát tâm Bồ Đề là phát tâm: Thành Phật độ chúng sanh giải thoát.

Tu Niệm Phật Tam Muội Phương Tiện Đàm

Trước tác: Đường Đại Viên

Việt dịch: Tỳ kheo Thích Ấn Nghiêm