Điểm Khởi Đầu

27 Tháng Năm 20163:12 CH(Xem: 3912)
Điểm Khởi Đầu

Chương 2 - “Nghệ Thuật Sống”

“The Art of Living”

Bài Giảng Thiền Sư S. N. Goenka

Bản Anh ngữ: William Hart

Dịch Việt ngữ: Liễu Pháp

 

  Nguồn gốc cũa đau khổ nằm ngay trong mỗi chúng ta. Khi hiểu được thực tại của chính mình, chúng ta sẽ nhận biềt cách giải quyết vấn đề đau khổ. “Hãy tự biết chính mình” là lời khuyên bảo của mọi nhà thông thái. Chúng ta phải bắt đầu bằng cách nhận thức bản chất của chính mình; nếu không thì chúng ta chẳng bao giờ có thể giải quyết những vấn đề của chúng ta hoặc vấn đề của thế giới.

  Nhưng thực sự chúng ta biết gì về chính mình? Mỗi một chúng ta tin chắc về sự quan trọng của chính mình, cho mình là độc nhất vô nhị, nhưng sự hiểu biết của chúng ta về chính mình chỉ là hời hợt trên bề mặt. Ở mức sâu hơn, chúng ta chẳng biết gì về chính mình.

  Đức Phật quán sát hiện tượng của một con người bằng cách quán sát bản chất của chính mình. Để qua một bên những tiền-kiến, Ngài khám phá thực tại bên trong và nhận thức rằng mỗi con người là sự kết hợp của năm quá trình, bốn thuộc về tinh thần vá một thuộc về vật chất.

 

  SẮC (1)

  Chúng ta hãy bắt đầu với phương diện vật chất. Đây là phần hiển nhiên dễ nhận biết hơn hết của chúng ta, sẳn sàng để cho mọi giác quan cảm nhận. Tuy nhiên, thực sự chúng ta vẫn biết rất ít về phần vật chất này. Trên bề mặt, ta có thể điều khiển thân thể; thân thể cử động và hành động theo ý muốn của mình. Nhưng ở một mức độ khác, tất cả những cơ phận trong ta đều vận hành ngoài sự kiểm soát và sự hay biết của ta. Ở mức vi tế hơn, chúng ta chẳng biết gì một cách thực nghiệm về các phản ứng sinh hoá đang xẩy ra trong mỗi tế bào của cơ thể. Nhưng đây vẫn chưa phải là thực tại tối hậu của hiện tượng vật chất. Nói cho tận cùng, cái cơ thể mà ta tưởng là rắn chắc chỉ gồm có những hạt hạ nguyên tử và các khoảng trống. Hơn thế nữa, ngay chính những hạt hạ nguyên tử này cũng không thực sự là chất rắn; sự hiện hữu của một phân tử này chỉ kéo dài trong thời gian một phần tỷ của một giây. Những hạt phân tử này liên tục phát sinh và biến mất, sinh và diệt giống như một dòng rung động trôi chảy. Đây là thực tại tối hậu của thân thể, của mọi sắc pháp, đã được Đức Phật khám phá ra 2500 năm trước đây.

  Qua nhũng sự khảo sát của các nhà khoa học hiện đại, họ đã nhận biết và chấp nhận cái thực tại này của vũ trụ vật chất. Tuy nhiên các nhà khoa học này vẫn chưa phải là những người được giải thoát và giác ngộ. Chỉ vì sự tò mò, họ khảo sát bản chất của vũ trụ, dùng trí thông minh, luận lý và dựa vào dụng cụ để trắc nghiệm lý thuyết của họ. Ngược lại, Đức Phật được thúc đẩy không những chỉ bởi sự tò mò mà thật ra là bởi sự ước mong tìm được con đường thoát ra khỏi đau khổ. Trong sự khảo sát của Ngài, Ngài chẳng dùng dụng cụ nào khác ngoài tâm trí của chính mình. Sự thực mà Ngài đã khám phá là kết quả không phải do lý luận mà do kinh nghiệm trực tiếp của chính mình, và vì vậy Ngài được giải thoát.

  Ngài đã tìm ra rằng toàn thể vũ trụ vật chất là gồm bởi những hạt phân tử, gọi theo tiếng Pali là kalàpas, hay là “những đơn vị bất khả phân”. Những đơn vị này biểu hiện trong biến chuyển vô tận những đặc tính căn bản của vật chất: đất, nước, lửa và gió (2). Chúng  họp lại để tạo nên những cơ cấu dường như có một sự thường còn nào đó. Nhưng thực sự tất cả những cơ cấu đó chỉ gồm toàn là những “kalàpas” thật nhỏ nhoi đang ở trong trạng thái liên tục sinh và diệt. Đây chính là thực tại tối hậu của vật chất: một làn sóng hay dòng phân tử liên tục.  Đó là cái Thân mà mỗi người chúng ta gọi là “cái tôi”.

 

    DANH

  Cùng đi với quá trình vật chất có quá trình của tinh thần, đó là Tâm. Tuy rằng tâm không thê sờ mó hay nhìn thấy được, tâm dường như nối liền mật thiết với ta hơn, so với thân. Chúng ta có thể tưởng tượng một sự hiện hữu trong tương lai mà không có thân đi kèm, tuy nhiên khó mà tưởng tượng một sự hiện hữu như vậy mà không có tâm. Tuy vậy, chúng ta biết rất ít về tâm và chẳng có thể kiểm soát được gì về tâm. Tâm thường từ chối làm những gì ta muốn và tâm làm những gì ta không muốn. Sự kiểm soát của ta về tâm có ý thức đã khá mong manh, nhưng tâm vô thức thì dường như ta hoàn toàn bất lực và ta chẳng hiểu biết gì về nó; tâm vô thức đầy động lực mà ta có thể không chấp thuận và hay biết gì đến.

  Trong khi khảo sát Thân, Đức Phật cũng khảo sát Tâm và tìm thấy một cách tổng quát rằng Tâm gồm có bốn quá trình như sau: Thức (Vinnàna), Tưởng (Sannà), Thọ (Vedanà) và Hành (Sankhàra).

  Quá trình thứ nhất, Thức, là phần thu nhận của Tâm, đó là sự ghi nhận không phân biệt, chỉ ghi lại sự xẩy ra của bất cứ hiện tượng nào, thuộc về vật chất hoặc tinh thần. Thức chỉ ghi lại cái dữ kiện thô sơ của kinh nghiệm thu nhận đó mà không dán lên nhãn hiệu hoặc phán đoán, đánh giá gì cả.

  Quá trình tâm thứ hai là Tưởng, là sự nhận biết. Phần này của tâm nhận dạng bất cứ cái gì được Thức ghi nhận. Tưởng phân biệt, cho nhãn hiệu và phân loại những dữ kiện thô do Thức ghi nhận và đánh giá chúng, cho là tích cực hay là tiêu cực.

  Phần kế đến của tâm là Thọ. Thực sự thì khi điều gì được thu nhận, Thọ phát sinh ngay, đó là dấu hiệu một cái gì đang xẩy ra. Chừng nào mà điều thu nhận chưa được đánh giá, Thọ vẫn còn là trung hoà. Nhưng một khi một giá trị được gắn vào dữ kiện thu nhận, tùy theo sự đánh giá, Thọ sẽ trở nên dễ chịu (Lạc Thọ) hoặc khó chịu (Khổ Thọ).

  Nếu cảm thọ là Lạc Thọ, một sự mong muốn được hình thành để kéo dài và tăng cường kinh nghiệm đó. Nếu cảm thọ là Khổ Thọ thì có sự mong muốn chấm dứt hoặc đẩy xa kinh nghiệm đó. Tâm phản ứng (3) với thích hoặc không thích. Ví dụ khi lỗ tai vận hành bình thường và một người nghe âm thanh, sự ghi nhận đang làm việc. Khi âm thanh được nhận biết là lời nói với ý tưởng tích cực hoặc tiêu cực, Tưởng bắt đầu vận hành. Kế đến, Thọ vào cuộc. Nếu lời nghe được là sự khen ngợi, một cảm thọ dễ chịu  phát sinh. Nếu lời nghe là lời chê bai, xúc phạm thì một cảm thọ khó chịu phát sinh. Liền tức khắc sẽ có phản ứng. Nếu là cảm thọ dễ chịu, ta sẽ bắt đầu thich, muốn có thêm lời khen nữa. Nếu là cảm thọ khó chịu, ta sẽ bắt đầu không thích, muốn chấm dứt lời chê bai, xúc phạm.

  Những bước tương tự sẽ xẩy ra khi nào một trong các giác quan khác thu nhận một dữ kiện đi vào tâm: Thức, Tưởng, Thọ, Hành. Bốn chức năng về tâm này nhanh hơn ngay cả những phân tử hiện hữu ngắn hạn tạo nên thực tại vật chất. Mỗi một khoãnh khắc mà các giác quan tiếp xúc với bất cứ đối tượng nào, bốn tiến trình về tâm xẩy ra nhanh như sấm sét và lập đi lập lại sau mỗi khoãnh khắc tiếp xúc. Sự vận hành diễn ra thật nhanh, người đó không hay biết gì đang xẩy ra. Chỉ đến khi mà một phản ứng nào đó đã được lập đi lập lại qua một thời gian dài hơn và được tăng cường rõ rệt đến dạng mà sự hay biết phát triễn ở mức có ý thức, thì ta mới hay biết nhũng gì đang xẩy ra.

  Phương diện đáng chú ý nhất của sự mô tả về con người không phải là những gì nó gồm có mà là những gì nó thiếu sót.

 Cho dù ta là người phương Tây hoặc phương Đông, theo đạo Thiên Chúa Giáo, Do Thái Giáo, Hồi Giáo, Ấn Độ Giáo, Phật Giáo, vô thần hay gì khác, mỗi một người trong chúng ta đã được bảo đảm từ bẩm sinh rằng có một “cái Tôi” nơi nào đó trong ta, một thực thể liên tục. Chúng ta xử lý với sự hiểu ngầm thiếu suy nghĩ rằng con người hiện hữu mười năm trước đây cũng cùng là người đó ngày hôm nay, sẽ hiện hữu mười năm nữa và có lẽ sẽ còn hiện hữu trong một đời sống tương lai sau khi chết. Cho dù chúng ta có cho rằng những triết lý, hay lý thuyết hay sự tin tưởng nào là có thực, mỗi một chúng ta đều sống với niềm tin tưởng sâu đậm tận gốc rễ là: “Ta đã là, ta đang là và ta sẽ là”.

  Đức Phật đã thách thức sự quả quyết dùng trực giác nhận diện con người như vậy. Ngài  không thử thách bằng cách phô trương thêm nữa một quan điểm đặc thù để đánh bại lý thuyết của những người khác: Ngài nhấn mạnh rằng Ngài không đưa ra một quan điểm mà chỉ mô tả sự thực mà Ngài đã kinh nghiệm mà bất cứ một người thông thường nào cũng có thể kinh nghiệm được. Ngài nói: “Đấng giác ngộ đã gạt đi mọi lý thuyết vì đã thấy thực tại của vật chất, thức, tưởng, thọ, hành và sự sinh diệt của chúng. Bất kể dáng vẻ bên ngoài, Ngài đã tìm ra rằng mỗi con nguời quả là một chuổi sự kiện tuy riêng rẻ nhưng liên hệ với nhau. Mỗi sự kiện là kết quả của một sự kiện đi trước đó và tiếp nối nhau không cách quãng. Sự tiến triễn không ngừng của những sự kiện nối liền sát nhau cho ta dáng vẽ của sự liên tục, của thực thể, nhưng đó chỉ là một thực tại bề ngoài, không phải là sự thực tối hậu.

  Chúng ta có thể đặt tên cho một con sông nhưng thực sự nó là một dòng nước không bao giờ ngừng chảy. Chúng ta có thể nghĩ  ánh sáng của ngọn đèn nến là cố định, nhưng nếu nhìn thật kỹ, chúng ta thấy đó thực là một ngọn lửa phát sinh từ tim nến cháy một khoãnh khắc rồi tức khắc được thay thế bởi một ngọn lửa mới và cứ thế thay đổi. Chúng ta nói về ánh sáng của đèn điện, không bao giờ ngừng nghỉ tưởng như liên tục, giống như cho dòng sông như là một dòng cố định, trong trường hợp này là dòng năng lượng tạo nên bởi những dao động có tần số rất cao trong tim của đèn. Trong mỗi khoãnh khắc, một cái gì mới phát sinh như là sản phẩm của qua khứ, để mà được thay thế bằng một cái gì mới trong khoãnh khắc kế tiếp. Sự tiếp nối của những sự kiện nhanh và liên tục đến nỗi khó có thể hiểu được. Tại một điểm nào đó trong quá trình, ta không thể nói rằng cái gì đang xẩy ra bây giờ cũng cùng là cái xẩy ra trước đó, mà ta cũng không thể nói là khác được. Mặc dầu như thế, quá trình vẫn xẩy ra.

  Cùng một cách như vậy, Đức Phật nhận thức rằng con người không phải là một thực thể đã được hoàn thành, không còn thay đổi, nhưng thực ra là một quá trình trôi chảy từ khoãnh khắc này đến khoãnh khắc khác. Chẳng có một “chúng sinh” thực sự nào, chỉ có một dòng đang trôi chảy, một quá trính liên tục trở thành. Dĩ nhiên trong đời sống hằng ngày, chúng ta phải ứng xử với nhau như những con người ít nhiều cố định trong bản chất, chúng ta phải chấp nhận một thực tại bên ngoài, có dáng vẽ như thực; nếu không, chúng ta không thể vận hành, giao tiếp với nhau được. Thực tại bên ngoài là một thực tại, nhưng đó chỉ là một thực tại hời hợt trên bề mặt. Ở một mức độ sâu hơn, thực tại là toàn thể vũ trụ, sinh động hoặc không sinh động, luôn luôn ở trong trạng thái trở thành - trạng thái sinh và diệt không ngừng nghỉ. Mỗi một chúng ta thực sự là một dòng hạ nguyên tử thay đổi không ngừng nghỉ, đi với các quá trình Thức, Tưởng, Thọ, Hành, thay đổi còn nhanh hơn nhiều so với quá trình của vật chất.

  Đây là cái thực tại tối hậu của cái ta mà mỗi chúng ta rất quan tâm đến. Đây là chuổi sự kiện mà chúng ta phải liên quan tới. Nếu chúng ta có thể hiểu chuổi sự kiện này một cách đúng đắn bằng kinh nghiệm trực tiếp, chúng ta sẽ tìm ra chìa khóa dẫn ta ra khỏi đau khổ.

 

Chú Thích của Người Dịch:

(1)               Sắc: phần vật chất (Rùpa); theo Vi Diệu Pháp (Abhidhamma), có 28 sắc pháp (Tứ Đại và 24 Sắc Y Đại Sinh). Sắc là một trong hai thành phần tạo nên chúng sinh; thành phần kia (phần tâm linh) là Danh (Nàma). Sắc thường dùng để chỉ Thân khi nói về Thân và Tâm của con người. Sắc có nghĩa rộng hơn vì ngoài nội sắc (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân) còn có ngoại sắc (thanh, hương, vị, xúc), các sắc pháp ngoài con người.

(2)                Tứ Đại: Đất (pathavi), Nước (àpo), Lửa (tejo) và Gió (vàyo). Tuy nhiên, không nên hiểu những nguyên tố này là đất, nước, lửa, gió thông thường mà phải hiểu là đặc tính 4 nguyên tố của vật chất:

-          Đất là nguyên tố có đặc tính mở rộng, cơ sở nền móng của vật chất. Nếu không có nguyên tố này thì vật thể không thể chiếm chỗ trong không gian. Tính chất cứng và mềm, một cách tương đối, là hai điều kiện của nguyên tố này.

-          Nước là nguyên tố có đặc tính làm dính liền. Khác với đặc tính Đất, ta không thể cảm nhận nguyên tố này bằng giác quan. Nguyên tố Nước làm dính liền các phân tử rời rạc của vật chất và làm khởi sinh ý niệm về “hình thể”. (Khi hành thiền theo pháp Quán Thân, nguyên tố Nước là nguyên tố khó thấy hơn hết trong tuệ chứng danh-sắc).

-          Lửa là nguyên tố nóng và lạnh, có thể tạo sinh lực cho vật chất, có thể làm cho vật chất tự mình hồi sinh. Vật chất được bảo tồn hay bị hư hoại là do nguyên tố này.

-          Gió là nguyên tố có đặc tính chuyển động và không tách rời khỏi nguyên tố Lửa. Sự chuyển động được coi như là năng lực tạo nên nhiệt. “Sự chuyển động và nhiệt trong lãnh vực vật chất tương đương với tâm và nghiệp báo trong lãnh vực tinh thần”. (Phần chú thích này phỏng theo “A Manual of Abhidhamma” của Nàrada Mahà Thera). 

(3)               Hành (sankkhàra): là phản ứng mù quáng của tâm khi bị chi phối bởi Thọ. Nếu là cảm thọ dễ chịu, sẽ có sự ưa thích, muốn thụ hưởng thêm và làm phát sinh tham ái; nếu cảm thọ khó chịu, sẽ có sự không thích hay muốn xa lánh và làm phát sinh sân hận; đó là nguyên nhân của khổ đau. Thiền Sư S.N. Goenka dạy pháp môn Quán Thọ theo kinh Tứ Niệm Xứ (Satipatthàna). Pháp hành thiền này, còn gọi là thiền Minh Sát (Vipassanà), theo đúng con đường Giới Định Tuệ của Bát Chánh Đạo. Trong các khóa thiền dài hạn ( 10 ngày, 20 ngày, 30 ngày, 60 ngày…), thiền sinh được hướng dẫn trong mấy ngày đầu thực tập theo rõi hơi thở theo kinh Quán Niệm Hơi Thở (Ànàpàna), tập chánh niệm (sammà-sati), rèn luyện tâm cho bén nhạy để quan sát , để xuyên thủng đối tượng. Sau khi chánh niệm vững vàng, bắt đầu đi vào thiền Minh Sát, tập quan sát cảm thọ ở mọi nơi trên thân và quan sát xuyên thấu ngay cả trong thân (chỉ khi có định lực mạnh, tâm thật sắc bén với chánh niệm vững mạnh). Điều quan trọng là chỉ quan sát mà không phản ứng. Kiên trì hành thiền để phát triễn tuệ Xả (Upekhhà) có thể chấm dứt mọi phản ứng (Hành) mù quáng. Cảm thọ thông thường tạo nên phản ứng để tạo nghiệp quả thì  nay với tuệ Xả, chí quan sát mà không có phản ứng, sau một thời  gian, cảm thọ giảm cường độ và biến mất, giúp tâm thấy được sự Vô Thường của mọi pháp. Hành, ngoài nghĩa là phản ứng còn có nghĩa là quả của phản ứng (hành quả, fruits of sankkhàra); đương nhiên ta đã có nhiều hành quả trong quá khứ. Những hành quả từ quá khứ cũng biểu hiện lên trong thân bằng cảm thọ. Với tuệ Xả, không có sự phản ứng, các hành quả này, dưới hình thức của cảm thọ, sẽ trồi lên và tiêu diệt đì. Hành giả nếu thiền tập kiên trì, tâm sẽ được sắc bén, có thể đạt tuệ Sinh Diệt (Bhanga: trạng thái tan rã của vật chất), thấy bản chất của thân (sắc) không rắn chắc như mình lầm tưởng. Nếu trong đời sống hằng ngày, ta cố gắng tăng phần Thiện Trí trong cách xử lý với mọi người, mọi vật chung quanh và Giới (Sila) được giữ trong sạch song song với sự tinh tấn hành thiền, Định (Samaldi) sẽ được tăng cường và Tuệ (Pannà) sẽ phát triển.

      Cư Sĩ Liễu Pháp