Bài này được dịch từ Chương 12 quyển “A Manual of Buddhism” của Đại Đức Narada Maha Thera. Năm 18 tuổi, Ngài xuất gia và được Đại Lão Tăng Pelene Vajiranyana hướng dẫn. Ngài học trường Đại Học Tích Lan và sau đó làm giảng sư về môn Đạo Đức Học và Triết Học tại trường này. Ngài là tác giả của nhiều quyển sách về Phật Pháp có giá trị:
1) “The Manual of Abhidhamma” (Khái Luận về Vi Diệu Pháp) là bản dịch Anh ngữ từ nguyên tác Pali ‘Abhidhammattha Sangaha’ của Bhadanta Anuruddhacariya.
2) “Dhammapada” (Kinh Pháp Cú); dịch và chú giải bằng Anh ngữ.
3) “The Buddha And His Teachings” (Đức Phật Và Phật Pháp) là một tác phẩm rất nổi tiếng, được xem là sách căn bản cho những ai muốn tìm hiểu Phật Giáo (Quyển “A Manual of Buddhism” coi như là tiền thân của quyển này).
Nghiệp thiết yếu là dẫn đến sự tái sinh (Nghiệp là hành động hay hành vi tạo tác; tiếng Pali là kamma). Nghiệp quá khứ làm điều kiện cho sự tái sinh trong hiện tại; nghiệp hiện tại, cùng với nghiệp quá khứ, làm điều kiện cho sự tái sinh trong tương lai. Hiện tại là con đẻ của quá khứ, rồi trở thành cha mẹ của tương lai.
Hiện tại thì chẳng cần bằng chứng. Quá khứ thì căn cứ trên trí nhớ và dữ kiện để lại, còn tương lai thì căn cứ trên sự suy tính trước và sự suy diễn.
Những lý do để tin có đời sống trong quá khứ
Đức Phật là người có thẩm quyền nhất về sự tái sinh. Ngài nói:
“Với cái nhìn sáng suốt, thanh tịnh và phi thường, ta thấy chúng sinh hoại diệt từ một trạng thái hiện hữu và tái sinh vào một trạng thái hiện hữu khác. Ta nhìn thấy kẻ bình thường, người cao thượng, kẻ đẹp, người xấu, kẻ hạnh phúc, người khốn khổ chuyển kiếp tùy theo hành vi tạo tác của họ.”
Chẳng có lý do gì mà Đức Phật nói lời không đúng sự thật để phỉnh gạt những người theo Ngài. Các đệ tử của Ngài theo sự hướng dẫn của Ngài, đã phát triển khả năng hồi tưởng và họ có thể thấy được những tiền kiếp của họ một cách tường tận.
Sự phát triển khả năng phi thường này không chỉ giới hạn cho Đức Phật và các đệ tử của Ngài. Bất cứ người nào, cho dù là theo đạo Phật hay không, cũng có thể có khả năng này. Có người Ấn Độ Rishis nọ, ngay cả trước thời Đức Phật, đã phát triển các thần thông như là thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, đọc được tư tưởng người khác, v.v…
Cũng có vài người khác, theo luật phối hợp tư tưởng, bất ngờ nhớ lại những lần tái sinh của họ trong quá khứ và nhớ các phần đời trong các tiền kiếp. Có vài trường hợp có bằng chứng đã được ghi nhận ở Miến Điện, Ấn Độ, Đức, Anh, v.v…
Những trải nghiệm kỳ lạ của các nhà tâm linh đáng tin cậy thời hiện đại về sự giao cảm giữa hai cảnh âm dương và các trường hợp ngồi đồng, cầu cơ cũng đem lại vài tia sáng cho sự tin tưởng vào sự tái sinh.
Có người mà cá tính thay đổi như là hai người khác nhau; hiện tượng này có thể giải thích như là do nhớ lại những kinh nghiệm từ kiếp trước hoặc do một âm linh nhập vào. Cách giải thích đầu có vẻ hợp lý hơn, nhưng ta cũng khó hoàn toàn bác bỏ cách giải thích thứ hai.
Trong những trạng thái thôi miên, vài người đã kể lại kinh nghiệm trong tiền kiếp; trong khi có người khác, như trường hợp Edgar Casey ở Hoa Kỳ, không những có thể thấy được tiền kiếp của người khác mà còn có thể chữa bệnh cho họ.
Đôi khi ta trải qua những kinh nghiệm kỳ lạ chỉ có thể giải thích bằng sự tái sinh. Bao nhiêu lần ta gặp những người chưa từng gặp từ trước mà ta cảm thấy rất quen biết với họ? Bao nhiêu lần ta thăm viếng những nơi chốn chưa từng đến mà sao ta lại cảm thấy thật quen thuộc với khung cảnh nơi chốn đó?
Trên thế gian, có những bậc Toàn Giác như những vị Phật, những bậc trí tuệ cao siêu. Có thể nào mà chỉ trong một kiếp hiện hữu ngắn ngủi mà có thể đột nhiên tiến hóa nhanh như vậy?
Làm sao ta có thể giải thích những nhân vật vĩ đại như Khổng Tử, Panini, Homer và Plato, những thiên tài như Kalidasa, Shakespeare, những thần đồng như Ramanujan, Pascal, Mozart, Beethoven, Raphael và những người khác nữa, những trẻ em có thể nói nhiều ngôn ngữ và các đề tài mà họ chưa bao giờ học trong kiếp hiện tại? Chỉ một mình thuyết di truyền thì không đủ để trả lời được các câu hỏi này. Để giải thích đầy đủ các vấn đề phức tạp này, chúng ta nên bổ túc thuyết di truyền với lý Nghiệp Báo và Tái Sinh.Tin tưởng rằng chỉ có kiếp sống hiện tại ngắn ngủi này là đủ để quyết định một tương lai với hạnh phúc vĩnh cửu hoặc với khốn khổ vô tận, phải chăng đó là một sự tin tưởng hợp lý? So với khoảng thời gian vô tận, khoảng thời gian ngắn ngủi mà chúng ta may mắn được sống trong kiếp hiện tại chắc chắn là không đủ để chuẩn bị cho một cái gì vĩnh cửu trong thời gian vô tận.
Nếu ta tin có hiện tại và tương lai thì tin có quá khứ cũng là điều hoàn toàn hợp lý.
Nếu có những lý do để tin tưởng chúng ta đã hiện hữu trong quá khứ thì không có lý do gì mà lại không tin tưởng chúng ta sẽ không tiếp tục hiện hữu sau khi kiếp sống hiện tại chấm dứt.
Chính đời sống trong quá khứ và tương lai giúp giải thích vì sao “trên thế gian này những người đạo đức thường hay bị khốn khổ mà người gian ác thì lại được giàu sang”. (Nếu người đạo đức trong kiếp này mà gặp điều bất hạnh thì nên hiểu rằng đó là do nghiệp bất thiện của mình trong quá khứ; người gian ác mà được giàu sang là do nghiệp thiện của họ trong quá khứ. Nghiệp thiện và bất thiện trong hiện tại cũng sẽ tạo quả tương ứng khi cơ duyên hộ đủ; quả có thể xảy ra trong hiện tại hoặc trong tương lai).
Nguyên nhân của tiến trình tái sinh – Bánh xe luân hồi
Nói vắn tắt, do nguồn gốc là Vô Minh, Nghiệp sinh khởi và Nghiệp là nguyên nhân tạo nên sinh và tử. Chừng nào nghiệp lực còn thì còn tái sinh.
Tiến trình hiện hữu (Bhava, Becoming) đươc giải thích rõ rệt trong kinh “Pháp Duyên Sinh” (Paticca Samuppada, Dependent Origination, còn gọi là Lý Duyên Khởi hay Thập Nhị Nhân Duyên).
Chúng ta nên hiểu rằng “Pháp Duyên Sinh” chỉ là một kinh giảng về biển đời luân chuyển hay tiến trình sinh tử mà không phải là thuyết tiến hóa về nguồn gốc thế giới từ thời nguyên thủy. “Pháp Duyên Sinh” đề cập đến nguyên nhân của tái sinh và đau khổ mà không nói đến nguồn gốc của đời sống.
Vô Minh (Avijja) trong Tứ Diệu Đế là nguyên nhân đầu tiên tạo nên bánh xe luân hồi. Vô Minh làm mờ mịt mọi hiểu hiểu biết chính đáng.
- Do Vô Minh làm điều kiện, Hành Nghiệp (Sankhara, Volitional activities) sinh khởi. Bất cứ mọi hành vi, đạo đức hay không đạo đức, thiện hay bất thiện mà do Vô Minh làm điều kiện, đều kéo dài sự trôi lăn trong luân hồi sinh tử. Tuy nhiên, hành vi thiện thì thật cần thiết để chấm dứt những khốn khổ của biển đời.
- Do Hành Nghiệp làm điều kiện, Thức (Vinnana, Re-linking Consciousness) sinh khởi.
- Điều này nối liền quá khứ và hiện tại. Đồng thời với sự sinh khởi của Thức là Danh Sắc (Nama, Rupa; Mind and Matter) sinh khởi.
- Lục Nhập (Salayatana, The Six Senses) là kết quả đương nhiên của Danh Sắc.
- Do Lục Nhập làm điều kiện, Xúc (Phassa, Contact) sinh khởi.
- Xúc dẫn đến Thọ (Vedana; Sensations)
- Do Thọ làm điều kiện, Ái (Tanha; Craving) sinh khởi.
- Ái tạo nên Thủ (Upadana; Attachment).
- Do Thủ làm điều kiện, Nghiệp Hữu (Kamma-Bhava; Becoming) sinh khởi.
- Do Nghiệp Hữu làm điều kiện, Sinh (Jati, future Birth) sinh khởi.
- Lão và Tử (Jara-Marana; Old Age and Death) là kết quả đương nhiên của Sinh.
Nếu do một nguyên nhân mà có kết quả thì khi mà nguyên nhân không còn nữa, quả cũng chẳng còn. Tận diệt Vô Minh sẽ chấm dứt sinh tử.
Tiến trình nhân quả trên đây liên tục tiếp diễn vô tận. Điểm khởi đầu của tiến trình này không thể xác định được, bởi vì ta không thể nói từ đâu mà luồng sống bị Vô Minh bao phủ. Nhưng khi mà Vô Minh trở thành trí tuệ và luồng sống chuyển hóa qua Niết Bàn thì luân hồi sinh tử chấm dứt.
Nguyên nhân của sự chết
Phật Giáo thẩm định sự chết do bốn nguyên nhân sau đây :
- Sự cạn kiệt của Nghiệp Tái Tạo (Kammakkhaya). Người Phật tử tin tuởng rằng, như một thông lệ, tư tưởng, tác ý hay ý muốn thật mạnh mẽ nào khi còn sống thì lúc lâm chung cũng sẽ nổi bật như thế và làm điều kiện cho sự tái sinh kế tiếp. Khi năng lực của Nghiệp Tái Tạo đã cạn thì luồng sinh lực và cơ thể cũng ngưng nghỉ cho dù chưa tới tuổi thọ.
- Đã hết tuổi thọ (Ayukkhaya). Sự chết vì tuổi già thuộc về loại này. Theo Phật Giáo, có nhiều cõi hiện hữu khác nhau và mỗi cõi có số tuổi thọ nhất định. Bất cứ nghiệp lực còn hay hết, ai cũng phải chết khi tuổi thọ đã đến mức giới hạn. Tuy nhiên, nếu năng lực của Nghiệp Tái Tạo quá mạnh mẽ, nghiệp lực có thể tự hồi sinh, tạo sắc mới trong cõi đó hoặc cõi cao hơn, như trường hợp chư Thiên.
- Tuổi thọ và Nghiệp Tái Tạo đồng thời chấm dứt cúng một lần (Ubhayakkhaya).
- Hành động của một nghiệp lực mạnh mẽ hơn đột nhiên làm cắt đứt luồng Nghiệp Tái Tạo trước tuổi thọ (upacchedaka kamma; chết yểu, chết bất đắc kỳ tử).
Ba nguyên nhân đầu được gọi là ‘chết đúng thời’ (Kalamarana; timely death) và nguyên nhân cuối là ‘chết không đúng thời’ (Akalamarana ; untimely death).
Thí dụ, một ngọn đèn dầu có thể tắt vì do một trong bốn nguyên nhân :
1) tim cạn ; 2) dầu cạn ; 3) tim và dầu cạn cùng lúc ; 4) một nguyên khác, như cơn gió mạnh thổi đến.
Bốn lối sanh :
1) Noãn sanh (Andaja) : sanh từ trong trứng, như loài chim, rắn.
2) Bào sanh (Jalabuja) : sanh từ trong bào thai, như loài người.
3) Thấp sanh (Samsedaja) : sanh từ chỗ ẩm thấp, như một số côn trùng.
4) Hóa sanh (Opapatika): đột nhiên sanh ra, mắt người thường không thể thấy, không qua giai đoạn phôi thai nào, như là chư Thiên, ngạ quỉ.
31 Cảnh Giới
(Tùy theo nghiệp ác hay nghiệp thiện đã làm, chúng sinh có thể tái sinh vào 1 trong 31 cõi hiện hữu gọi là cảnh giới trong Dục Giới, Sắc Giới và Vô Sắc Giới).
A. Dục Giới :
Trong Dục Giới, có 4 Cảnh Giới Bất Hạnh và 7 Cảnh Giới Hữu Phúc.
a) Bốn Cảnh Giới Bất Hạnh :
1) Cảnh Địa Ngục (Niraya ; woeful states): không trường cửu, trả xong quả của nghiệp bất thiện, có thể đầu thai qua cảnh giới khác.
2) Cảnh Cầm Thú (Tiracchana Yoni ; animal Kingdom) : thuộc loài thú vật.
3) Cảnh Ngạ Quỉ (Peta Yoni ; plane of ghost-beings) : thuộc loài ngạ quỉ.
4) Cảnh Giới A Tu La (Asura Yoni): loài A Tu La là một loài chúng sinh đau khổ tựa như loài ngạ quỉ.
b) Bảy Cảnh Giới Hữu Phúc :
1) Cảnh Người (Manussa)
2) 6 Cảnh Trời thuộc Dục Giới (Devaloka)
B. Sắc Giới (Rupaloka) :
Có 16 cảnh giới của các vị Phạm Thiên, những vị Trời đã từ bỏ tham dục và đang thọ hưởng hạnh phúc của Thiền (Jhana).
C. Vô Sắc Giới (Arupaloka) :
Cảnh Vô Sắc chỉ có tâm mà không có vật chất; có 4 cảnh tương xứng với 4 tầng Thiền Vô Sắc.
Hiện tượng Tử Sinh
Có ba hiện tượng có thể xảy đến cho người sắp chết là Nghiệp (Kamma), Hiện Tượng Của Nghiệp (Kamma Nimitta) hoặc là Biểu Hiệu Lâm chung (Gati Nimitta). (Dùng danh từ của Cố dịch giả nổi tiếng Phạm Kim Khánh).
- Nghiệp : Ở đây Nghiệp có nghĩa là một hành vi ác hoặc thiện, có thể là một Nghiệp Nặng (Garuka Kamma) – chẳng hạn như là giết người thân hoặc là hành động nổi bật hoặc hành vi đặc biệt như nhập định…Những nghiệp này mạnh đến độ làm che lấp các hành vi khác và hiện ra rõ rệt trong tâm.
Nếu chẳng có nghiệp nào nặng như vậy thì tâm người đó (chập tư tưởng cuối cùng trước khi lâm chung) có thể lấy đối tượng là nghiệp vừa làm ngay trước khi chết - gọi là Cận Tử Nghiệp (Asanna Kamma).
Trong trường hợp không có Cận Tử Nghiệp, một hành vi thường quen làm, thiện hoặc ác, gọi là Thường Nghiệp (Acinna Kamma), có thể là đối tượng của tâm trước khi chết, chẳng hạn như là hành động trộm cắp trong trường hợp một kẻ trộm, hoặc là hành động chữa bệnh của một bác sĩ.
Nếu 3 trường hợp trên không đến thì Nghiệp Tích Trữ (Katatta Kamma) sẽ là đối tượng của tâm lúc đó. Nghiệp Tích Trữ là một trong số các nghiệp, không nằm trong ba trường hợp trên và được tích trữ qua nhiều kiếp trước.
- Hiện Tượng Của Nghiệp: là bất cứ những gì thấy, nghe, ngửi, nếm, sờ mó, hay suy nghĩ có được khi tạo nghiệp, như là con dao của người bán thịt, bệnh nhân trong trường hợp bác sĩ, đối tượng thờ phượng của một tín đồ, những biểu tượng quen thuộc khi những hành vi được tạo tác; những biểu tượng này có thể xuất hiện trong tâm người đang hấp hối.
- Biểu Hiệu Lâm Chung : có nghĩa là một dấu hiệu nào đó về cảnh giới sẽ được tái sinh; điều này thường xảy ra cho người sắp chết. Khi có dấu hiệu về sự tái sinh sẽ xẩy ra, nếu là điều xấu thì cũng có thể chuyển qua tốt bằng cách làm ảnh hưởng đến sự suy nghĩ của đương sự, tạo đối tượng tốt đẹp trong tư tưởng người sắp chết (như giảng kinh chẳng hạn). Những biểu tượng về vận mệnh của một người có thể là lửa địa ngục, rừng rú, vùng núi non, bào thai người mẹ, cung điện của các vị Trời, v.v…
Tiến trình tư tưởng của một trong ba hiện tượng trên (Kamma, Kamma Nimitta, Gati Nimitta) vẫn diễn tiến cho dù có chết bất đắc kỳ tử. Trường hợp một con ruồi bị búa nghiền nát trên đe thì tiến trình tư tưởng cũng diễn tiến trọn vẹn trước khi thực sự chết.
Sự chết có nghĩa là sự diệt tắt của đời sống tâm và vật lý. Cái chết đến khi sinh lực (Ayu), hơi nóng (Usma) và thức (Vinnana) không còn nữa. Một triết gia tây phương nói rằng cái chết chỉ là ‘một sự chấm dứt tạm thời của một hiện tượng tạm thời’. Chết không phải là sự tiêu diệt hoàn toàn cái gọi là chúng sinh, bởi vì cho dù đời sống hữu cơ ngưng nghỉ, cái tiềm lực tạo nên đời sống chúng sinh không bị hủy diệt.
Ánh sáng đèn điện chỉ là biểu hiện bên ngoài mà ta thấy được của điện năng còn điện năng thì không thấy được ; cũng như thế, ta chỉ thấy được biểu hiện bên ngoài của luồng nghiệp lực. Bóng đèn có thể bị vỡ và đèn điện có thể bị tắt, tuy nhiên dòng điện vẫn còn và ánh sáng đèn điện lại có với một bóng đèn khác.
Khi chết, thức tan biến đi chỉ để phát sinh một thức mới cho kiếp sống tiếp theo. Luồng sống mới thừa hưởng tất cả những kinh nghiệm trong quá khứ. Chúng sinh mới này chẳng phải hoàn toàn giống như chúng sinh trước đó vì có những thành phần khác nhau, nhưng cũng chẳng phải hoàn toàn khác biệt – vì cùng là một luồng sống, luồng nghiệp lực vẫn liên tục trôi chảy – Na ca so na ca anno. Tiến trình sinh nở của loài bướm có thể kể là một thí dụ điển hình của điều này : trước hết là một cái trứng, rồi thì trở nên con sâu ; sau nữa, phát triển thành một con nhộng, rồi cuối cùng mới trở thành con bướm. Tiến trình này diễn ra suốt một đời. Con bướm chẳng phải giống mà cũng chẳng hoàn toàn khác con sâu; đây cũng là một luồng sống, một sự trôi chảy liên tục.
Sự chuyển tiếp của luồng sống cũng là tức thời, không có chỗ cho một trạng thái trung gian – Antara bhava. Người theo Phật Giáo không nên tin phần tâm linh của người đã chết tạm trú ở một trạng thái nào đó cho đến khi tìm được nơi thích hợp để tái sinh.
Sư tái sinh xẩy ra ngay tức thì, không có sự khác biệt về thời gian cho dù sinh ra ở cõi trời, cõi địa ngục, cõi thú hay cõi người. (Chú thích : Theo kinh sách Tây Tạng – The Tibetan Book of the Dead - người chết có thể ở trong trạng thái chuyển tiếp trước khi đầu thai, có thể kéo dài tới 49 ngày; không những riêng Mật Tông mà Bắc Tông nói chung cũng tin như thế).
Cái gì tái sinh ? – Lý Vô Ngã
Theo Phật Giáo, ngoài tâm và vật chất là các thành phần của cái gọi là chúng sinh, chẳng có một linh hồn bất tử hay một bản ngã vĩnh cửu mà con người vốn có hoặc do một thực thể nào (một đấng tạo hóa nào) truyền đạt hay tạo dựng nên.
Thuyết tái sinh của Phật Giáo nên được phân biệt với thuyết hóa thân hay thuyết nhập hồn, bởi vì Phật Giáo phủ nhận sự hiện hữu của một linh hồn thường còn và vĩnh cửu.
Người Phật tử tuyệt đối không thể tin có chúng sinh nào như một vị trời, người hay thú vật mà có một linh hồn thường còn. Những cảnh giới đó chỉ là biểu tượng tạm thời của Nghiệp lực. ‘Chúng sinh’ chỉ là một ý niệm được dùng với mục đích qui ước mà thôi.
Nếu không có gì dưới hình thể của một tâm linh hay linh hồn đi từ kiếp sống này qua kiếp khác thì cái gì đi tái sinh? Hỏi như vậy là coi như là có một cái gì tái sinh.
Trong quá khứ, có người đã lập luận rằng ‘Cogito, ergo sum’ – Tôi suy nghĩ, tức là tôi hiện hữu. ‘Quả là có vẻ hợp lý, tuy nhiên trước hết phải chứng minh có một cái tôi để suy nghĩ. Tôi nói rằng chẳng có cái tôi để mà suy nghĩ. Trong một hơi thở tôi đã suy nghĩ ngược lại chính tôi (như vậy có hai cái tôi chăng ?). Vâng, phải chấp nhận rằng chúng ta không thể tránh dùng những từ ngữ qui ước. Chúng ta nói rằng mặt trời mọc ở hướng đông và lặn ở hướng tây không kể những gì các nhà khoa học chứng minh cho chúng ta về trái đất quay. Chúng ta không thể gõ hai lần đúng cùng một chỗ mặc dầu nó có vẻ như vậy. Mọi vật thay đổi thật nhanh chóng, Ngay cả không gian cũng thay đổi trong khoãnh khắc kế tiếp.
Theo Phật Giáo, cái gọi là chúng sinh gồm có tâm và vật chất – Danh (Nama) và Sắc (Rupa).
Sắc hay vật chất chỉ là biểu tượng của những năng lực và bản chất. Từ ngàn xưa, những nhà hiền triết Ấn Độ đã tin là có một nguyên tử bất khả phân – Paramanu. Đức Phật phân tích Paramanu và tuyên bố rằng đó chỉ là một biểu tượng của những năng lực tương quan mà Ngài gọi là Paramatthas hay là nguyên tố căn bản của vật chất. Những nguyên tố này là Đất (Pathavi), Nước (Apo), Lửa (Tejo) và Gió (Vayo) gọi là nguyên tố Tứ Đại. Đất có nghĩa là nguyên tố có đặc tính bành trướng, khối lượng (mass) chiếm chỗ của phần vật chất. Nước là nguyên tố có đặc tính làm dính liền (cohesiveness). Lửa là nguyên tố nóng lạnh (heat) trong vật chất. Gió là nguyên tố chuyển động (motion). Bốn nguyên tố vật chất luôn luôn pha lẫn với bốn phái sinh (derivatives) là màu sắc (Vanna), hương (Gandha), vị (Rasa) và bản chất dinh dưỡng (Oja).
Bốn nguyên tố vật chất và những phái sinh không thể tách rời nhau và luôn luôn liên quan chặt chẻ với nhau, nhưng trong mỗi loại vật chất, một nguyên tố có thể trội hơn nguyên tố khác ; thí dụ nguyên tố bành trướng trội hẳn trong đất, đặc tính dính liền trội hơn trong nước, hơi nóng trội hơn trong lửa và chuyển động trội hơn trong không khí.
Tâm, phần quan trọng nhất trong sự vận hành của con người, cũng chỉ gồm có những trạng thái tâm ngắn ngủi (trạng thái tâm = tâm sở, cetasika). Có 52 trạng thái tâm như thế. Vedana hay Cảm Thọ là một tâm sở, Sanna hay Tưởng là một tâm sở khác. 50 trạng thái tâm còn lại gọi chung là Sankhara hay Hành. Những trạng thái tâm này sinh khởi trong một Thức – Vinnana.
Như vậy cái gọi là chúng sinh là tổng hợp của 5 Uẩn (Pancakkhandha), gồm có Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức, luôn ở trạng thái liên tục trôi chảy.
Cá tính của một người là tổng hợp của năm Uẩn. Chẳng có linh hồn vĩnh cửu nào ngự trị trong cái gọi là chúng sinh này cả.
Làm thế nào tái sinh mà không có một linh hồn đi tái sinh ?
Tái sinh chỉ đơn giản là sự khởi sinh của Khandhas, sự Tái sinh ngũ uẩn là sự khởi sinh của ngũ uẩn lần nữa và lại lần nữa…
Giống như sự khởi sinh của một trạng thái vật chất là do nguyên nhân từ một trạng thái trước đó, đời sống tâm-vật lý sinh khởi cũng do những nguyên nhân đã có từ trước. Khi một tiến trình đời sống sinh khởi mà không có một cái gì vĩnh cửu chuyển theo từ một chập tư tưởng này qua một chập tư tưởng khác thì một loạt tiến trình như thế cũng không cần phải có bất cứ cái gì chuyển từ đời này qua đời khác.
Cái thân này - nói theo qui ước - chết đi, truyền Nghiệp lực của nó qua một Nghiệp lực khác mà chẳng có cái gì chuyển qua từ đời này qua kiếp khác. Sự hiện hữu tương lai bên đó là do cái Hành nghiệp hiện tại bên này. Chúng sinh mới không hoàn toàn giống như chúng sinh trước đó – vì thành phần cấu tạo không giống nhau – mà cũng chẳng phải hoàn toàn là một chúng sinh khác – vì cùng chung một dòng Nghiệp lực. Vì thế, có sự tiếp nối của một dòng sống ; chỉ có thế và chẳng có gì hơn nữa.
(Dịch giả xin trích dẫn một đoạn về Lý Vô Ngã do Ngài Nyanatiloka viết trong cuốn ‘The Word of the Buddha’ : Sự hiện hữu của một cá nhân, cũng như sự hiện hữu của toàn thể thế giới, trên thực tế chẳng là cái gì khác ngoài cái tiến trình của những hiện tượng thay đổi không ngừng của ngũ uẩn. Tiến trình này đã có từ bao giờ không thể biết được; trước sự sinh và sau cái chết của một chúng sinh, tiến trình này vẫn tiếp tục và còn kéo dài mãi khi mà nhân duyên tạo tác vẫn còn. Ngũ uẩn, cho dù có được phân ra hay tổng hợp lại thì cũng không có cách gì tạo nên một tự ngã thực sự hoặc là một nhân cách tồn tại được, và cũng như thế, chẳng có thể tìm thấy một cái ngã, một linh hồn hay thực thể nào như là ‘chủ nhân’ của ngũ uẩn. Nói một cách khác, ngũ uẩn là vô ngã (anatta), ngũ uẩn cũng không thuộc về một cái ngã (anataniya). Theo quan điểm của vô thường và điều kiện của mọi sự hiện hữu, sự tin tưởng vào cái ngã dưới bất cứ hình thức nào phải được xem như là một ảo tưởng).
- Những chữ nghiêng trong dấu ngoặc là do dịch giả thêm vào như là những chú thích, không có trong nguyên bản của tác giả.
Liễu Pháp
Minnesota, 9/2014
- Từ khóa :
- Cư Sĩ Liễu Pháp