Vấn đề trợ tử và di chúc sinh thời

27 Tháng Năm 20168:55 CH(Xem: 3360)
Vấn đề trợ tử và di chúc sinh thời

     Trước khi bàn luận về vấn đề trợ tử và di chúc sinh thời, có lẽ cần phải định nghĩa vài  từ ngữ như điều trị trợ sinh, trợ tử, di chúc sinh thời, chúc thư và di chúc cuối cùng …

Điều trị trợ sinh (life-support treatment, ĐTTS) là sự điều trị bệnh nhân bằng các thủ thuật y khoa, máy móc hay dụng cụ y tế gắn vào người, chẳng hạn như dụng cụ giúp bệnh nhân thở, giúp truyền thức ăn, nước uống qua ống dẫn, truyền máu, hồi sức tim phổi (CPR), thẩm tích (dialysis) v.v… để duy trì sự sống.   

Trợ tử (euthanasia) có nghĩa là giúp chấm dứt sự sống, tạo nên cái chết của một người bệnh ở giai đoạn đau đớn hoặc không có hy vọng chữa lành hoặc do bệnh nhân yêu cầu.  Y sĩ hay y tá có thể dùng thuốc hoặc tháo gỡ các thủ thuật y khoa trong sự điều trị trợ sinh để bệnh nhân chết và chấm dứt sự đau đớn theo nguyện vọng của bệnh nhân hoặc do người đại diện cho bệnh nhân (health care agent) quyết định khi bệnh nhân không còn khả năng phán đoán (incapacitated).  

Di chúc sinh thời (living will, DCST) là di chúc được soạn thảo khi đương sự còn sống, chưa lâm bệnh nặng, tâm trí còn sáng suốt. Thông thường đây là một bản văn ngắn gọn nói lên nguyện vọng được chết “có phẩm cách”, không muốn kéo dài hay duy trì sự sống trong đau đớn mà không có hy vọng lành bệnh. Di chúc này chỉ được áp dụng nếu đương sự bị bệnh nặng và mất khả năng phán đoán, không còn có thể quyết định về sự chữa trị cho mình. Một di chúc sinh thời không bắt buộc là phải chỉ có một sự chọn lựa là muốn chết để tránh đau đớn và yêu cầu sự trợ tử. Tuy nhiên, đa số mẫu living will nhận được từ các văn phòng luật sư đều là như thế, chỉ có mục đích hợp thức hóa việc trợ tử. Gần đây có mẫu di chúc sinh thời khác trong đó có nhiều nguyện vọng và có sự chọn lựa giữa những quyết định khác nhau, như sẽ được trình bày ở phần cuối bài này. Ngoài ra cũng có một mẫu ngắn gọn khác là mẫu “Chỉ dẫn trước” (“Advance Directive” hoặc “Do not Resuscitate” form) ghi ý muốn của đương sự trước khi lâm bệnh nặng, chẳng hạn như không muốn điều trị trợ sinh, không muốn duy trì sự sống bằng ống dẫn thức ăn, máy thở nhân tạo…

Chúc thư và di chúc cuối cùng (last will and testament) là di chúc chú trọng về sự phân chia tài sản sau khi chết, là một văn bản pháp lý nói về xử dụng tài sản và tiền của như thế nào sau khi đương sự chết. Thông thường văn bản này do một văn phòng luật sư soạn thảo theo ý kiến của đương sự.
1.      Vấn Đề Trợ Tử và Di Chúc Sinh Thời:

 Vấn đề trợ tử (euthanasia) là một vấn đề đã làm dư luận xôn xao một thời và hiện nay quan điểm còn rất là phân tán vì quan niệm về trợ tử tùy thuộc vào nhân sinh quan, truyền thống và tín ngưỡng của mỗi cá nhân. Vấn đề trợ tử liên hệ trực tiếp đến di chúc sinh thời (living will) mà nhiều nguời dùng để cho gia đình và người thân cũng như bác sĩ biết về nguyện vọng của mình khi lâm bịnh nặng, mất khả năng phán đoán và quyết định, yêu cầu được chăm sóc như thế nào, nhất là quyết định có nên áp dụng, tiếp tục hay ngưng hẳn việc điều trị trợ sinh (life-support treatment).  

Thông thường, nhiều người không muốn nghĩ tới và tránh nói tới chuyện lâm bệnh nặng hay chuyện chết chóc; ví dụ một người con ít ai muốn hỏi mẹ mình khi lâm bệnh nặng thì mẹ có muốn được điều trị trợ sinh hay không và nếu bệnh kéo dài quá lâu và nhiều đau đớn mà không có hy vọng chữa khỏi thì có nên tháo gỡ các thủ thuật y khoa để không kéo dài sự sống hoặc tiếp tục dùng các thuốc giảm đau? Vì thế để lại di chúc lúc còn sinh thời để bày tỏ ý muốn của mình là một việc nên làm để giúp cho gia đình và nguời thân của mình tránh được tình trạng bối rối và khó xử vì không biết mình muốn gì, khi mình lâm bệnh nặng và mất sự phán đoán hay khả năng truyền đạt, ví dụ như bị hôn mê, không  nói năng gì được.

Tâm lý con người là rất e ngại mình bị bệnh nặng, bị sự đau đớn hành hạ và không muốn kéo dài sự sống với sự đau đớn mà không có hy vọng được chữa lành bệnh. Vì thế, đa số người ta nghĩ đến di chúc sinh thời là để châm dứt sự đau đớn, là chấm dứt sự điều trị trợ sinh; họ đến văn phòng luật sư, nhận một mẫu living will, điền tên và ký tên trước hai nhân chứng để hợp thức hóa ý định của mình trên phương diện pháp luật. Mẫu living will này, như đã nói trên, có mục đích là trong trường hợp đương sự bị bệnh nặng và mất khả năng phán đoán thì đương sự yêu cầu gia đình, bác sĩ và những người chăm sóc sức khỏe đừng kéo dài sự sống trong đau đớn hoặc hôn mê bằng sự điều trị trợ sinh và ngưng điều trị trợ sinh nếu đã bắt đầu. Di chúc trợ sinh này giúp đương sự được toại nguyện và cũng giúp hợp thức hóa việc trợ tử, tuy rằng trong nước Mỹ có những tiểu bang chấp nhận mẫu di chúc sinh thời này và cũng có nhiều tiểu bang khác không chấp nhận. Đây là một quyết định cá nhân tùy thuộc vào nhân sinh quan, truyền thống và tín ngưỡng của mỗi người, vì thế không có sự phê phán đúng hay sai; sự quyết định như thế nào cũng nên được tôn trọng. Tuy nhiên sự trợ tử đã gặp nhiều trở ngại về phương diện pháp lý, nhất là khi không có di chúc sinh thời hoặc có mà không đúng theo luật của tiểu bang, hoặc là khi có ý kiến tương phản giữa những người thân trong gia đình, có thể sinh ra kiện tụng. Bác sĩ thực hiện sự trợ tử, cho dù có sự yêu cầu của bệnh nhân, cũng có thể bị rắc rối trước pháp luật; tuy vậy vẫn có người đã thực hiện sự trợ tử, nhân danh lòng nhân đạo.   

    

   2. Quan Điểm của Phật Giáo về Vấn Đề Trợ Tử:

 Là Phật Tử, chúng ta nên tìm hiểu xem quan điểm của Phật Giáo liên hệ tới việc trợ tử như thế nào. Trên báo Viên Giác (xuất bản ở Đức Quốc), ông Nguyễn Phúc Bửu Tập có viết bài “Quan niệm về trợ tử” trong đó có nêu ra ba trường hợp trợ tử và sự phán xét của chính Đức Phật:

- Thời Đức Phật, có năm vị tỳ kheo trong tăng đoàn, vì hiểu sai giáo pháp, cho rằng thể xác của mình không tinh khiết, muốn thoát ly đời sống; họ tìm một người, cũng ở trong tăng đoàn mà vẫn theo tà đạo, giúp họ tìm cách tự vẫn. Sự việc này bị bại lộ, đến trước Đức Phật, Ngài dạy: “Người tỳ kheo nào đã chủ tâm kết liễu đời sống, người đó là kẻ thất bại, không có thiện căn và phải bị lọai ra khỏi tăng đoàn” (theo Encyclopedia of Buddhism, Vol. IV)

- Trường hợp thứ hai: sáu vị tỳ kheo xúi dục vợ của một người bị bệnh nặng gần chết kết liễu đời sống của người chồng. Sự việc đến tai Đức Phật, Ngài dạy: “Kẻ nào đã chủ tâm kết liễu đời sống của tha nhân, lại bày vẽ rằng nên chết khỏe hơn sống bệnh cực hình, kẻ đó không có thiện căn và phải bị loại ra khỏi tăng đoàn”.

- Trường hợp thứ ba: Kinh Vinaya thuật lại một hành động trợ tử điển hình. Một vị tỳ kheo quá già yếu, mắc bệnh nan y, đau đớn triền miên. Ông nhờ bạn đồng môn và họ vì lòng nhân đạo đồng ý giúp đở cho ông chết sớm. Sự việc đến tai Đức Phật, Ngài dạy rằng những kẻ giúp giết người đã thiếu căn tu. Tuy trường hợp có giảm khinh vì tấm lòng nhân ái, nhưng tội lỗi vẫn rõ ràng. Đức Phật nhấn mạnh là tác ý đạo đức muốn giúp tha nhân chấm dứt sự đau đớn không đủ, cần xét kết quả của hành động, ở đây thực sự là sát nhân, vì hành động này đưa đến cái chết.

Kinh Vinaya được Đức Phật giảng dạy trong đời sống tăng đoàn, nhưng đối với cư sĩ và tín đồ nói chung, những lời giảng dạy trên cũng phải được áp dụng vì giới sát sanh là giới căn bản và quan trọng hang đầu trong Ngũ Giới của tất cả Phật Tử.

Ngoài ra, người Phật Tử nên học Phật Pháp để tìm hiểu luật nhân quả, về sự báo ứng của nghiệp (kamma), để hiểu đời sống này chỉ là một kiếp trong vô số kiếp của vòng luân hồi sinh tử. Sự ra đi qua kiếp khác nhẹ nhàng không đau đớn hay với bệnh tật đau đớn đều là do nghiệp của mình tạo nên từ kiếp này và những kiếp trước. Chu kỳ sinh, lão, bệnh và tử là một luật thiên nhiên, khó tránh được. Ngài Dalai Lama 14 dạy rằng chết là “thay đổi thân xác, như thay quần áo cũ…”. Người Phật Tử phải hiểu rằng khi đi qua kiếp khác chỉ có mang theo nghiệp của mình mà chẳng mang theo bất cứ thứ gì khác. Nhưng đó chỉ là cách nói theo tục đế, nói một cách qui ước thôi, thực ra không có một người, một thực thể nào, đi đâu và mang theo gì cả. Con người gồm có thân và tâm và chập tâm cuối cùng trước khi chết là Tâm Tử (hay Tử Thức), chỉ là điều kiện cho Thức Tái Sinh sanh khởi, còn Hành Nghiệp mới là nhân của Thức Tái Sinh (còn gọi là Kiết Sinh Thức hay Tâm Tục Sinh). Nói một cách khác, những gì quyết định cho sự tái sanh không phải là cái chết nhưng là do nghiệp đã tạo ra. Là kết quả của nghiệp, môt danh-sắc (hay thân-tâm) mới được sanh khởi chứ không phải là một danh sắc liên tục từ kiếp trước đó. Tuy nhiên danh-sắc sinh khởi mới mẻ này không phải là không liên hệ với nghiệp quá khứ vì đó là quả của nghiệp quá khứ (Chúng ta nên học hỏi kinh Thập Nhị Nhân Duyên tức Pháp Duyên Sinh của vạn pháp, nghiên cứu Vi Diệu Pháp để hiểu thân tâm là gì và tiến trình của tâm trong đời sống hằng ngày cũng như lúc sắp chết…). Cũng do thiện nghiệp mà nhiều người đã chết nhẹ nhàng, không bị bệnh hoạn đau đớn, như chúng ta đã thấy trong nhiều đời.

Các hành động trợ tử, giúp đở hay xúi giục việc giết người, đều bị Đức Phật khiển trách. Trợ tử là giúp làm cho người chết đi, là sát sanh. Không sát sanh là một trong năm giới căn bản của người cư sĩ tại gia phải giữ; chúng ta hiểu rằng phải giữ giới trong sạch thì mới có định, rồi mới có thể phát triển huệ, theo con đường Giới Định Huệ mà Đức Phật đã vạch ra trong Bát Chánh Đạo, con đường để giải thoát khổ đau. Những ai còn thắc mắc về lòng nhân đạo, khi thấy người bệnh hoạn đau đớn mà không lẽ làm ngơ, xin suy nghĩ lại lời dạy của Đức Phật trong trường hợp trợ tử thứ ba nói trên. Ngài dạy rằng tác ý về sự giúp đở với lòng nhân đạo chưa đủ, phải xét đến kết quả của hành động. Trợ tử cho dù có thực hiện với một ý định giúp tha nhân chấm dứt sự đau đớn cũng vẫn là một hành động có kết quả là chấm dứt sự sống, là sát sanh. 

 Như thế quan điểm của Phật Giáo về trợ tử quả là rõ rệt. Tuy vậy, vẫn có nhiều người, nói là mình theo Phật Giáo, vẫn còn lẫn lộn trong vấn đề trợ tử và ký vào các “di chúc sinh thời” (living will) đi ngược lại với quan điểm của Phật Giáo. Một “living will” thông thường đơn giản chỉ có lời yêu cầu của đương sự rằng nếu không hy vọng chữa trị lành bệnh, bị đau đớn hay hôn mê thì đương sự yêu cầu không kéo dài sự sống bằng các thủ thuật y-khoa trong sự điều trị trợ sinh (life-support treatment) và nếu đã bắt đầu các thủ thuật này thì đương sự yêu cầu tháo gỡ dụng cụ trợ sinh, ngưng sự điều trị trợ sinh, để tránh sự đau đớn, cho dù việc này có làm đương sự chết sớm. Người theo đạo Phật thì hãy tìm hiểu Phật Pháp, đọc và suy nghĩ cho kỹ về mẫu living will thông thường này vì có thể có sư lựa chọn khác thích hợp với mình hơn. Nếu đương sự có di chúc cử người đại diện (Healt Care Agent) cho mình để quyết định, trong trường hợp mình không còn khả năng phán đoán, về cách chữa trị hoặc quyết định ngưng điều trị trợ sinh thì quả là một gánh nặng cho người đại diện. Người đại diện có thể phạm giới sát sinh là giới đầu tiên trong Ngũ Giới và phải chịu nghiệp quả nặng nề nếu phải quyết định ngưng sự ĐTTS. Hãy suy nghĩ kỹ có nên hay không nên ĐTTS, suy nghĩ về mẫu DCST thường thấy tại các văn phòng luật sư và việc cử người đại diện và các điều ghi trong DCST. Mục đích của bài này là nói về quan điểm của Phật Giáo về ĐTTS, suy nghĩ cho mình những gì nên viết vào DCST và giới thiệu một DCST gọi là “Năm nguyện vọng”.

 

  3. Di chúc sinh thời “Năm Nguyện Vọng”:

Gần đây, thay vì một “living will” thường tìm thấy tại các văn phòng luật sư, như đã nói ở trên. có một mẫu tương tự gọi là “Five Wishes” (Năm Nguyện Vọng). Tuy nhiên di chúc  sinh thời “Năm Nguyện Vọng” này khác với mẫu living will thông thường nói trên ở điểm quan trọng là cho chúng ta có sự chọn lựa loại chữa trị y-tế mình muốn và tránh đi loại chữa trị mình không muốn, có thể chọn muốn hay không muốn áp dụng sự điều trị trợ sinh. Ngoài ra, với mẫu “Năm Nguyện Vọng” này, ta có thể gạch bỏ những điều gì mình không muốn áp dụng cho mình và viết thêm vào những gì mình muốn. Mẫu “di chúc sinh thời” này, theo như tên gọi, ghi rõ năm nguyện vọng, xin được tóm tắt như sau:

 

1)      Nguyện Vọng 1: Chọn người mà đương sự muốn thay cho đương sự, người Đại Diện (Health Care Agent), để quyết định các vấn đề về chăm sóc sức khỏe khi đương sự không thể tự mình quyết định. Mẫu này ghi rõ những điều mà người Đại Diện có thể thay thế đương sự để quyết định về việc chăm sóc sức khỏe trong đó có một điều rất quan trọng liên hệ đến việc trợ tử. Có đoạn như thế này:

“Quyết định yêu cầu chấm dứt hoặc không cung cấp các biện pháp chữa trị y tế, bao gồm cả việc truyền thức ăn, dưỡng khí và nước uống bằng phương pháp nhân tạo, và bất cứ biện pháp điều trị nào khác để duy trì sự sống cho tôi.”

Theo sự hướng dẫn trong mẫu này thì đương sự có thể gạch bỏ bất cứ điều gì trong danh sách mà mình không muốn người Đại Diện thực hiện, Nếu quí vị không muốn người Đại Diện phải quyết định về việc yêu cầu thưc hiện việc trợ tử thì chỉ cần gạch bỏ điều trên đây trong danh sách. Chúng ta nên nhớ rằng không gạch bỏ điều này là có thể đồng ý với việc trợ tử và đặt một gánh nặng trên vai người Đại Diện cho quyết định này. Điều quan trọng là, nếu người Đại Diện chọn quyết định này thì người này sẽ phạm giới sát sanh cho dầu có làm với ý định chấm dứt sự đau đớn cho đương sự. Quyết định yêu cầu thực hiện việc trợ tử là tạo một bất thiện nghiệp mà người Đại Diện phải chịu trả quả của nghiệp này. Đương nhiên người hiểu và tin theo Phật Pháp không muốn như vậy.

Ngoài sự gạch bỏ này, trong Nguyện Vọng 1, đương sự có thể viết thêm cho rõ về nguyện vọng của mình liên hệ đến việc “điều trị trợ sinh” hay việc “trợ tử”. Chẳng hạn có thể chọn lựa một trong những cách như sau để viết trong khoảng trống có sẳn trong mẫu:    

(1a) Xin yêu cầu không điều trị trợ sinh, không áp dụng các thủ thuật nhân tạo để duy trì sự sống (tương tự như mẫu “Chỉ Dẫn Trước” – Advance Directive); hoặc:

(1b) Trong trường hợp tôi cần “điều trị trợ sinh” (life-support treatment) thì nên thực hiện sự điều trị này cho tôi.

  • Nếu chọn (1a) thì tránh được sự trợ tử và hậu quả của nó, tuy nhiên có thể sẽ mất cơ hội hy vọng được chữa lành bệnh nếu Điều Trị Trợ Sinh được áp dụng để sự sống được kéo dài để tiếp tục được chữa trị. Sự chọn lựa (1a) này cũng tương tự như là ký vào mẫu “Advance Directive” hoặc mẫu “Do Not Resuscitate” bày tỏ nguyện vọng là không muốn điều trị trợ sinh. Người Phật Tử tin vào nghiệp thì kéo dài sự sống ở cuối đời trong một thời gian ngắn không quan trọng bằng tránh cho người Đại Diện của mình khỏi phải quyết định việc trợ tử và khỏi phạm giới sát sinh. Trong các trường hợp trầm trọng như khi hấp hối, bị hôn mê hoặc bị tổn thương não bộ nặng thì chọn lựa (1a) cũng không khó khăn lắm.
  • Nếu chọn (1b) thì có thể kéo dài sự sống một thời gian, không chắc la bao lâu, tuy nhiên khi đã có sự điều trị trợ sinh thì, trong đa số trường hợp, trước sau gì  cũng phải quyết định ngừng sự điều trị trợ sinh, tức là vướng vào sự trợ tử là vấn đề khó xử, nhất là đối với người Phật tử muốn sống theo Phật pháp. 

 

2)      Nguyên Vọng 2: Nói đến những điều cần lưu ý với tư cách là người chăm sóc, ý          

nghĩa của sự “Điều Trị Trợ Sinh” (ĐTTS) và sự chọn lựa muốn áp dụng hoặc không muốn áp dụng “Điều Trị Trợ Sinh” trong các trường hợp A) hấp hối; B) bị hôn mê và không hy vọng phục hồi; C) tổn tương não nặng và không hy vọng phục hồi; D) trong trường hợp khác mà đương sự không muốn duy trì sự sống.

-          Những điều cần lưu ý như cung cấp thuốc giảm đau để bớt đau, săn sóc để bảo toàn sư sống cũng như ý nghĩa của sự điều trị trợ sinh có lẽ mọi người đều chấp nhận được; tuy nhiên có thể gạch bỏ điều gì mình không muốn.

-          Về ý nghĩa của ĐTTS, nên nói là mình đồng ý hoặc không đồng ý với định nghĩa trong mẫu. Nên phân biệt đồng ý với định nghĩa là một chuyện, còn muốn áp dụng ĐTTS hay không là một chuyện khác.

-          Trong các trường hợp A, B, C nói trên, mỗi trường hợp đều có 3 ô rõ rệt để lựa chọn quyết định: a) muốn áp dụng ĐTTS; b) không muốn áp dụng

ĐTTS và chấm dứt ngay nếu đã khởi sự; c) muốn áp dụng ĐTTS nếu bác sĩ tin là có hữu ích và ngưng ĐTTS nếu bệnh không thuyên giảm.

                  -     Trường hợp D: Nếu muốn duy trì sự sống thì không cần nói gì cả.

 

      3)   Nguyện Vọng 3: Nguyện vọng về mức độ thoải mái.

      Nguyện Vọng 4: Nguyện vọng về cách thức mà đương sự muốn được đối xử.

      Nguyện Vọng 5: Nguyện vọng về những gì đương sự muốn người thân biết.

Trong cả 3 nguyện vọng này, chúng ta có thể gạch bỏ những gì mình không đồng ý và ghi vào khoảng trống những gì mình mong muốn.

 

Mẫu “Năm Nguyện Vọng” đã được District of Columbia và 42 tiểu bang trong nước Mỹ chấp nhận, trong đó có California, Florida, Minnesota... Cần có hai người làm chứng theo điều kiện ghi trong mẫu và đương sự chỉ ký tên trước sự chứng kiến của hai nhân chứng. Có vài tiểu bang đòi hỏi công chứng (notarization). Mẫu này đã có bản dịch ra 25 ngôn ngữ trong đó có Việt ngữ chung với Anh ngữ. Có thể đặt mua bằng cách gọi (888) 5-WISHES hay (888) 594-7437, hoặc viết thư cho Aging with Dignity, P.O. Box 1661, Tallahassee, FL 32302-1661. Mỗi mẫu bằng tiếng Anh (12 trang) hay tiếng Việt chung với tiếng Anh (17 trang) giá US$ 5.00 không kể cước phí. Mẫu “Five Wishes” do ông Jim Towey soạn thảo với sự cố vấn của bác sĩ, y tá, luật sư.  Trước khi quyết định mua mẫu này, có thể vào trang web (www.agingwithdignity.org) để xem mẫu “Năm Nguyện Vọng” với đầy đủ chi tiết.

                                                                                                                          
Liễu Pháp                                                                                     
(Minnesota 052716)