Bí ẩn vũ điệu Mandala của Phật giáo Kim cương thừa
Đức Phật hoá hiện thành những Phật bản tôn mang Pháp tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những chư vị Phật bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của Đức Phật.
Đạo Phật ra đời ở Ấn Độ vào thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, khi Thái tử Tất Đạt Đa thành tựu giác ngộ và trở thành Đức Phật Thế Tôn Thích Ca Mâu Ni. Từ lúc thành đạo cho đến khi nhập Niết bàn, Đức Thế Tôn không ngừng sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh hoá độ vô số hữu tình. Giáo pháp của Ngài vô cùng phong phú, nhiệm màu và thiện xảo để khế hợp căn cơ của vô lượng chúng sinh ở nhiều trình độ khác nhau.
Vũ công trong trang phục xanh dương- sắc tiêu biểu cho Đức Phật Bất Động
Đối với một số đệ tử xuất chúng, Đức Phật hoá thân thành những Phật bản tôn Kim Cương thừa để giúp chúng sinh tấn tốc thành tựu trên con đường giác ngộ. Ngài đã dạy đệ tử sử dụng những kỹ thuật thiền định thiện xảo. Khi ấy, Đức Phật hoá hiện thành những Phật bản tôn mang Pháp tướng uy mãnh tượng trưng cho năng lực vô ngại của tâm đại từ đại bi. Những chư vị Phật bản tôn đó nhảy múa theo hàng nghìn giai điệu oai nghiêm khác nhau, diễn tả vô số những hoạt động lợi tha của Đức Phật. Đây là nguồn gốc ra đời các vũ điệu Kim Cương thừa thiêng liêng ở Ấn Độ.
Những vũ điệu này thường được phô diễn trong những buổi đại lễ Phật giáo Kim Cương thừa. Trong những dịp như thế, các hành giả vũ công thường nhảy múa một cách tự nhiên, tự do không bó buộc, không ngần ngại hay ức chế. Theo thời gian, các vũ điệu Kim Cương thừa được hệ thống hoá, được cắt nghĩa chú giải và truyền dạy lại cho những người tài năng xuất chúng. Sự truyền thừa không gián đoạn từ Thượng sư xuống đệ tử đồng thời được các kinh nghiệm thực chứng của những đại Thượng Sư làm cho phong phú hơn, đã bảo lưu gìn giữ được pháp môn vũ điệu Kim Cương thừa này.
Sắc đỏ của Phật A Di Đà hay còn gọi là Phật Vô Lượng Quang - hiện thân của sự giải thoát khỏi ái chấp và ham muốn trong con người.
Phật giáo Kim Cương thừa dạy rằng: Tất cả những phẩm chất giác ngộ của chư Phật, Bồ tát, Dakini Trí tuệ vốn đều sẵn có đầy đủ trong mỗi chúng sinh, và mối liên hệ với tự tính Phật ấy có thể được hiển lộ nhờ vào những vũ điệu linh thiêng tự thân hóa Phật để khơi dậy niềm cảm hứng và hiển hiện những phẩm chất ẩn tàng.
Vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật, Bốn Bồ tát Ba la mật và Bốn Phật Mẫu Bát Nhã Kim Cương được trình diễn ngày hôm nay bắt nguồn từ Truyền thống Kim Cương thừa của dòng họ Phật Thích Ca truyền từ thời Đức Phật Bản sư Thích Ca Mâu Ni tại thế cho đến ngày nay. Đây cũng vũ điệu tương ứng với chư Phật Bồ tát và Các Phật mẫu Dakini được an vị tại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên.
Vũ điệu Mandala này nêu biểu gia trì quán đỉnh trí tuệ, ban trải hòa bình, hạnh phúc và năng lực cho người xem, cho quốc gia xã hội và muôn loài chúng sinh. Vũ điệu Kim Cương Mandala Ngũ Trí Phật là nghệ thuật giác ngộ vô cùng đặc biệt, ấn tượng, cao siêu và thâm diệu của Kim Cương thừa, được cử hành nhằm chuyển tải năng lực mạnh mẽ của trí tuệ thần lực gia trì giác ngộ, không chỉ lợi ích cho người tham dự và miền đất cử hành nghi lễ mà còn giúp vô số chúng sinh giải trừ những điều không lành, tai nạn, năng lượng tiêu cực và giúp tăng trưởng cát tường phúc báo hướng đến thành tựu giác ngộ.
Di chuyển theo chiều kim đồng hồ của 5 vũ công tạo thành hình Mandala- tức cõi Tịnh độ của Phật.
Vũ điệu Mandala Ngũ Trí Phật là một sự biểu đạt trí tuệ thanh tịnh cao nhất của con người, là phương pháp chuyển hóa khái niệm nhị nguyên, những nỗi buồn chán, thất vọng, thách thức, niềm vui và sự thành công trong đời sống và sử dụng chúng để hiển lộ chiều sâu tâm linh siêu việt. Ngũ Trí Phật có sự khác nhau quan trọng mang tính biểu tượng về y phục, sắc màu, tư thế, cử chỉ Mật ấn và công hạnh lợi sinh khác nhau. Mục đích của vũ điệu là giác ngộ - để hợp nhất tất cả các phương diện tình yêu thương, lòng bi mẫn và tuệ giác của tâm chúng ta, để chứng ngộ được chân lý ngay nơi vạn pháp; để trưởng dưỡng tâm bồ đề hòa nhập vào trong cuộc sống đời thường với niềm cảm hứng bất tận.
Vũ điệu bắt đầu bằng quy y nương tựa Truyền thừa Thượng sư, chư Phật, giáo pháp và Tăng đoàn.
Khoảnh khắc tĩnh tại của các hành giả vũ công.
Tiếp đến là phát nguyện thực hành nhằm thực chứng tâm giác ngộ vì lợi ích của hết thảy hữu tình. Hành giả Phật pháp không yếm thế, không trốn tránh thế gian mà nhập thế thực hành Bồ đề hạnh đem lại an vui giải thoát cho chúng sinh.
Sau đó là quán tưởng Ngũ Trí Như Lai trong Báo thân hào quang rực rỡ, an trụ trong chân không. Bằng cách quán tưởng Ngũ Trí Phật trong chân không phía trước, hành giả thiết lập nên cảnh giới Mandala của các bậc giác ngộ với những phẩm chất trí tuệ và từ bi siêu việt. Tiếp đến, hành giả đem hòa nhập cảnh giới giác ngộ siêu việt đó vào trong sự trải nghiệm của chính mình.
Bằng cách múa các khế ấn kết hợp với bước chân di chuyển, các Sư ni múa thuận theo chiều kim đồng hồ tạo thành những vòng tròn đồng tâm Mandala để thực hiện nghi thức tịnh hóa những ác nghiệp và thiết lập nên cảnh giới tịnh độ Mandala của Ngũ Trí Phật. Khi kết thúc nghi thức tịnh hóa, họ quán tưởng tự thân là Ngũ Phật. Khi các Sư Ni giơ cao tay phía trên đỉnh đầu và cúi mình xuống là giây phút đặc biệt cảm động, và cũng là lúc kết thúc phần sám hối và tịnh hóa.
Bốn đức Phật mẫu Bát Nhã xuất hiện trong vũ điệu Phi hành thiên, du hí tự tại trong không trung siêu việt, thể hiện cảnh giới của sự tỉnh thức hoàn toàn vững chắc và an lạc tự do, bay tỏa ra các phương ban gia trì lợi ích chúng sinh. Các Dakini Phật Mẫu vừa múa trong vũ điệu mandala vừa cầu nguyện:
“OM AH HUNG! con xin cầu nguyện trước mười phương Như Lai, hết thảy chư Bồ tát và các đức Phật mẫu. Trong cảnh giới tràn đầy sự hỉ lạc, thanh tịnh xin các ngài hãy nhìn chúng sinh với lòng từ mẫn, hãy gia hộ cho chúng sinh viên mãn mọi thiện hạnh cát tường. HUNG! Con cầu nguyện trước khắp thảy Như Lai và Phật mẫu xin hãy ban ân đức gia trì hết thảy như ý thành tựu! A la la ho A ra li ho”.
Các Sư Ni vừa di chuyển thuận chiều kim đồng hộ tạo thành hình mandala vừa phát Bồ đề tâm nguyện lợi ích hữu tình. Pháp tu vũ điệu Ngũ Trí Mandala có công năng viên mãn những sở nguyện thế gian cũng như ban gia trì giải thoát giác ngộ siêu việt. Những động tác chuyển động của vũ công hết sức linh thiêng và sâu sắc. Bằng cách dùng mật ấn và các vũ điệu múa, các Ngài hướng về đức Phật và Bồ tát ở trung tâm Mandala để tán thán, cúng dàng, tùy hỷ công đức chuyển bánh xe pháp vì lợi ích vô số hữu tình.
Các Sư Ni vừa múa vừa quán tưởng tự thân họ là thân khẩu ý giác ngộ của Phật và đón nhận ánh sáng trí tuệ tỏa chiếu từ Ngũ Trí Phật, bốn Bồ tát Ba la mật và các Phật Mẫu Trí tuệ Bát Nhã ban gia trì cho thế gian. Họ biểu diễn nghi thức “truyền quán đỉnh ân đức gia trì quang minh” bằng cách cúng dàng lên chư Phật, Bồ tát đón nhận ân đức gia trì từ các Ngài và quán tự thân là Phật, rồi lại ban trải những ân đức gia trì ấy khắp pháp giới để cứu độ chúng sinh khỏi luân hồi đau khổ.
Với vũ điệu tán thán Madala Ngũ phương Ngũ Trí Như lai, các Sư Ni Hành giả thể hiện tự tính bên trong chính mình là khía cạnh giác ngộ của đức Phật. Pháp thiền định phát triển bi tâm này giúp hành giả hòa nhập tình yêu thương, lòng từ bi và trí tuệ vào trong đời sống thường nhật. Thân thể vũ công chuyển động và Báo thân năm Đức Phật được thể nhập qua những chuyển động ấy. Vũ điệu này không chỉ là sự thể hiện bên ngoài vào mà là lưu xuất từ tự tính bên trong.
Trong suốt vũ điệu múa, các Sư Ni triệu thỉnh Ngũ Trí Phật theo ba phương diện: phương diện thứ nhất là Ngũ Trí Phật thị hiện trong Pháp tướng Báo thân Phật, phương diện thứ hai là hết thảy hữu tình đều vốn sẵn đầy đủ tự tính của Ngũ Trí Phật; và phương diện thứ ba là Hành giả chính là Ngũ Trí Phật.
Sự trải nghiệm phi thường là cách hành giả hòa nhập tâm linh siêu việt với thế giới bên ngoài. Hành giả có thể vận dụng thực hành những phẩm chất giác ngộ và những lời tán thán Ngũ Trí Phật trong đời sống hàng ngày.
Sau khi kế ấn và múa ngợi ca tán thán công hạnh và phẩm chất của Ngũ Trí Phật, Bốn Bồ tát Ba la Mật và Trí trí tuệ Bát Nhã, một trong những thời khắc quan trọng nhất của pháp tu vũ điệu Ngũ Trí Phật là giây phút tĩnh lặng ngừng bặt mọi chuyển động. Các hành giả cùng thực hiện “Hoàn toàn thư giãn buông bỏ thủ xả, an trú tâm trong vô niệm an lạc, trụ hoàn toàn trong Đại Thủ Ấn.” An trú trong khoảnh khắc thực tại này hiển lộ rực rỡ năng lực của pháp tu vũ điệu Kim cương. Tâm thức vắng bặt mọi bám chấp, khổ đau phiền não, tự tính Phật tự nhiên vô tác hiển lộ.
Vũ điệu kết thúc bằng âm nhạc cúng dàng cầu nguyện hồi hướng công đức, gia trì cát tường viên mãn mọi tâm nguyện và nguyện cầu Phật pháp trải khắp muôn phương và trường tồn mãi mãi vì lợi ích của sáu đạo khổ não chúng sinh.