Để đạt được những cấp độ hạnh phúc từ thấp đến cao như thế, tất nhiên người ta cần phải học tập và thực hành Phật giáo, bao gồm trong ba pháp giới-định-tuệ mà đức Phật đã thuyết giảng. Sống đúng với con đường giới-định-tuệ nghĩa là hành giả đang nắm giữ hạnh phúc chân thật, vì đây chính là đạo lộ mà đức Phật đã hành trì và đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát.
Mọi người hẳn sẽ nhất trí với lời phát biểu rằng đạo đức là giá trị cao quý nhất đối với cuộc sống con người trong mọi thời đại, đặc biệt là thế giới ngày nay. Từ điển Graw Hill Book định nghĩa: “Đạo đức là môn học đánh giá các hành vi thiện ác của con người biểu hiện qua thân, lời, ý và được thực hiện bởi ý chí, tình cảm và ý chí.”[1]
Theo Aristote: “Mục đích trực tiếp của con người không phải là cái hay, cái đẹp mà chính là hạnh phúc. Hạnh phúc là sự phát triển hoàn toàn đầy đủ các đức tính của một con người... Hạnh phúc đồng nghĩa với đạo đức.”[2]
Trong chừng mực nào đó, nếu đạo đức được hiểu là đồng nghĩa với hạnh phúc thì chúng ta có thể nói rằng đạo Phật là đạo hạnh phúc, vì giáo lý Phật giáo chính là con đường đạo đức giúp con người loại trừ khổ đau và đạt được hạnh phúc ngay trong hiện tại và tại đây. Nó thay thế những cảm nghiệm khổ đau trong cuộc sống hằng ngày của con người bằng cảm nghiệm hạnh phúc ngay khi người ta thực hành. Nó là phương tiện để con người từng bước hoàn thiện bản thân, phát triển nhân cách, đưa họ từ địa vị phàm phu tiến dần đến quả vị Thánh giả. Hơn thế nữa, giáo lý Phật giáo chính là con đường giúp cho người đạt được hạnh phúc tối hậu; đó là Niết-bàn, sự giải thoát toàn vẹn, vì đức Phật dạy “Ta chỉ dạy khổ và con đường diệt khổ.”[3]
Để đạt được những cấp độ hạnh phúc từ thấp đến cao như thế, tất nhiên người ta cần phải học tập và thực hành Phật giáo, bao gồm trong ba pháp giới-định-tuệ mà đức Phật đã thuyết giảng. Sống đúng với con đường giới-định-tuệ nghĩa là hành giả đang nắm giữ hạnh phúc chân thật, vì đây chính là đạo lộ mà đức Phật đã hành trì và đạt được quả vị giác ngộ, giải thoát.
Cần phải nhận thức rõ rằng ba pháp giới-định-tuệ luôn cùng hiện hữu mỗi khi một trong ba pháp ấy được hành trì. Trong thực chất, giới-định-tuệ là ba mặt của một vấn đề, là ba điều không thể tách rời mỗi khi đề cập đến giáo lý Phật giáo. Đức Phật dạy: “Trí tuệ được giới hạnh làm cho thanh tịnh. Giới hạnh được trí tuệ làm cho thanh tịnh. Ở đâu có giới ở đó có trí tuệ; ở đâu có trí tuệ, ở đó có giới. Người có giới hạnh nhất định có trí tuệ; người có trí tuệ nhất định có giới hạnh.” [4] Như vậy, mỗi khi đề cập đến một tức là đề cập đến cả ba. Nói khác đi, khi đề cập đến giới là nói đến con đường giải thoát giới định tuệ, nhưng đứng trên bình diện của giới luật để phân tích và bình luận.
Xa đề một chút, chúng ta nhận thấy rằng muốn xây dựng một chuẩn mực đạo đức trong cuộc sống cá nhân, gia đình và xã hội thì cần phải có những chuẩn tắc về hành vi để con người cò thể y cứ vào đó mà đánh giá các hành vi thiện hay bất thiện. Một hành vi đem đến hạnh phúc cho mình, cho người, cho xã hội là chuẩn tắc để đánh giá (ở đây đề cập đến giá trị giải thoát của hành vi). Đối với Phật giáo, chuẩn tắc hành vi đó phải dựa vào giới, hay nói chính xác hơn, chuẩn tắc ấy là giới.
Trong giáo lý Phật giáo, giới có nhiều loại. Tùy theo cấp độ tu hành khác nhau giữa hàng ngũ xuất gia và tại gia mà giới được phân thành nhiều loại, như giới Tỷ-kheo, giới Tỷ-kheo ni, giới sa di, giới sa di ni, giới ưu bà tắc, ưu bà di... Bên cạnh ấy, do môi trường, hoàn cảnh, phong tục, tập quán mà có những sự khác nhau trong giới luật Phật giáo. Tuy nhiên, phần trình bày ở đây tập trung vào năm giới căn bản của người Phật tử tại gia. Năm giới này là năm điều kiện đạo đức tối thiểu của một người Phật tử, và cũng là những chuẩn mực đạo đức tạo ra con người lý tưởng theo đúng chân nghĩa của nó.
Năm giới ấy bao gồm: (1) Không sát sanh; (2) Không lấy của không cho; (3) Không tà dâm; (4) Không nói dối; (5) Không uống rượu.
Qua nội dung vừa trình bày ở trên người ta dễ dàng nhận thấy rằng năm giới này là để áp dụng cho con người, cho đời sống con người nhằm để ngăn chận các hành vi bất thiện do con người tạo ra (theo nghĩa tiêu cực), và để tạo ra an lạc, hạnh phúc thật sự cho chính con người và xã hội (theo nghĩa tích cực).
Giới là những điều không được vi phạm, cần phải tránh để bảo vệ đạo đức và nhân phẩm của một con người. Khi một người giữ gìn năm giới này được thanh tịnh thì tâm người ấy được an ổn, tự tại vì biết rằng mình đang trú trong đạo đức, nghĩa là đang ở xa vực thẳm phi đạo đức. Từ sự an ổn đó người ta sẽ cảm nhận được hạnh phúc và an lạc ngay trong hiện tại và chính trong cuộc sống của mình ngay tại đây. Khi năm giới được con người cảm nhận một cách chân thật thì tâm người ấy hoàn toàn tự do và thoải mái. Vì vậy chúng ta có thể nói rằng năm giới là năm điều kiện sống tất yếu của một con người, là năm điều kiện cần và đủ để làm người, ví như cá phải sống trong nước, nếu tách rời khỏi nước tất nhiên là cá tự hủy hoại cuộc sống của chính nó.
Giới luật Phật giáo có công năng tạo ra hạnh phúc và lợi ích thật sự cho cuộc sống con người, xã hội từ cấp độ thấp nhất (là con người đúng nghĩa), cho đến cấp độ cao nhất là giải thoát tối hậu (Niết-bàn) tùy theo cấp độ tu tập giới. Nhưng ở đây người viết chỉ trình bày tổng quát một vài tính chất tiêu biểu của giới:
(a) Con người không bao giờ thích kẻ khác gây bất cứ sự tổn thương nào đến cho mình (như tổn hại mạng sống, mất mát tài sản, rối loạn hạnh phúc gia đình...), thì chính những gì chúng ta không muốn ấy cũng đừng nên gây hại cho người khác[5]. Qua ý nghĩa này chúng ta thấy rằng giữ gìn năm giới chính là giữ gìn hạnh phúc của mình. – Đây là một ý nghĩa tích cực của giới.
(b) Người ta sẽ dễ dàng nhận thấy rằng nếu những giới điều trên bị vi phạm và phá bỏ thì chính môi trường chung quanh (xã hội) sẽ rơi vào một hoàn cảnh rối ren, đau khổ. Chỉ từ sự đánh mất hạnh phúc của từng con người là đã tạo ra đau khổ cho gia đình, xã hội, thậm chí sự tổn hại to lớn như chiến tranh có thể bùng nổ, nhân loại có thể diệt vong, nếu người ấy là kẻ có chức có quyền. Vậy thì năm giới là năm điều kiện tất yếu phải được tuân thủ, nếu như con người mong muốn hạnh phúc thật sự.
(c) Điểm điển hình kế tiếp của giới luật Phật giáo là từ bi. Mọi người có lẽ đều thừa nhận rằng đã là con người nghĩa là đã từng khổ đau và đang khổ đau (cảm giác theo từng cấp độ), vì như Lev. Tonstol từng nói: “Mọi người đều có cảm giác hạnh phúc giống nhau, nhưng cảm thọ khổ đau thì mỗi người một kiểu”. Như thế, điều thiện cần phải làm, từ bi cần phải có mặt là sự giúp đỡ cần thiết cho con người, cho xã hội, trực tiếp hoặc gián tiếp. Điều này nói lên một ý nghĩa tích cực khác của giới luật Phật giáo. Giữ giới có nghĩa là bố thí: bố thí năm điều không sợ hãi và đem đến năm điều an lạc cho con người, cho xã hội. Cần lưu ý rằng từ bi của Phật giáo không phải chỉ để cảm thông với khổ đau của con người trong quá khứ cũng như hiện tại, mà là tích cực để đoạn trừ những nỗi thống khổ ấy qua sự tu tập năm giới. Từ bi của Phật giáo liên hệ đến bất bạo động, do vậy nó có thể loại trừ khả năng sinh khởi các sai lầm do tham, sân, si điều động.
(d) Qua những điểm vừa trình bày trên chúng ta có thể thấy rằng giới là bước đi đầu tiên, là bước đi căn bản và vô cùng quan trọng trong lộ trình tu tập hướng đến xây dựng một con người tốt, một môi trường tốt và một xã hội tốt đẹp. Nếu giới không được nghiêm giữ một cách thanh tịnh thì việc tu tập thiền định khó mà đạt được kết quả tốt; và nếu có chăng cũng chỉ là những kết quả cỏn con. Nếu an lập được nền tảng các vấn đề đạo đức (giới) thì không thể nào không tạo ra được an lạc, hạnh phúc cho mình, cho gia đình và cho xã hội. Ngay cả mục đích tối hậu, tức sự giải thoát toàn vẹn, cũng đến từ bước khởi đầu này mà chứng đắc. Nếu cuộc sống giữa con người với con người, con người với gia đình, và con người với xã hội mà đều tuân thủ và hành trì giới luật một cách chân chánh thì không ai có thể chối cãi rằng cuộc đời này là một trú xứ đầy an lạc và hạnh phúc. Nói chính xác hơn, Tịnh-độ cũng chính tại đây, tất cả đều phụ thuộc vào hành vi đạo đức của con người mà được an lập.
Điều quan trọng cần phải lưu ý ở đây là sự hiện hành của pháp luật xã hội cũng như giới luật của các tôn giáo khác. Rõ ràng, sự tác động của những điều vừa được đề cập không phải là ít đối với cuộc sống con người và xã hội. Tuy nhiên, khách quan để đánh giá thì người ta sẽ nhận thấy rằng sự tác động của chúng chỉ mang tính răn đe và trừng phạt những hành vi phạm tội của con người, được thể hiện ra ngoài qua hành động của thân, miệng, ý. Trong khi ấy, chủ nhân chính để tạo ra tội lỗi lại là ý (tâm). Ý là chủ nhân và là nhân tố chính điều động các hành vi thiện ác. Như vậy, giáo dục là giáo dục ngay ở nguồn gốc của nó; ngăn chận là ngăn chận ngay ở thời điểm mà tội lỗi chưa phát sinh. Được như thế, kết quả hạnh phúc mà con người đang chờ đón mới có cơ hội đơm hoa, kết trái. Giới luật Phật giáo có công năng thực hiện trọn vẹn yếu tố này. Trích dẫn ngắn gọn sau đây từ hai bài kệ Pháp Cú hy vọng sẽ soi sáng cho vấn đề trên: “Tâm dẫn đầu các pháp; tâm làm chủ, tâm tạo. Nếu nói hay hành động; với tâm ý ô nhiễm. Khổ não bước theo sau; như xe chân vật kéo”. Và “Tâm dẫn đầu các pháp; tâm làm chủ, tâm tạo, nếu nói hay hành động; với tâm ý thanh tịnh. An lạc sẽ theo ta; như bóng không rời hình”.
Dĩ nhiên, muốn giáo dục và xây dựng tốt con người và xã hội trong một môi trường đạo đức thì cần phải có những mẫu người đạo đức (theo nghĩa tương đối); những con người sống đúng pháp, đúng luật. Phải chăng đó là hình bóng của Tăng đoàn Phật giáo. Đời sống mô phạm của đức Phật và các Thánh đệ tử trong thời đại của Ngài đã cho chúng ta thấy rằng, quả thật cuộc sống phạm hạnh của Tăng đoàn là bài pháp hùng hồn, là khuôn mẫu giáo dục có tác dụng to lớn, tác động mạnh mẽ đến việc cải thiện đạo đức cho người Phật tử nói riêng, và cho xã hội nói chung. Cuộc sống đúng giới luật của Tăng già là nền tảng vững chắc, là cơ sở thiết yếu để mọi người nương tựa. Bằng như chỉ nói về, chỉ lý thuyết, chỉ mơ ước thì ảnh hưởng của giới luật không những rất ít, mà lắm khi lại phản tác dụng, vì thực tế cho thấy rằng hành động đạo đức bao giờ cũng có giá trị hơn nói về đạo đức. Như vậy, yêu cầu bức thiết đối với Giáo Hội Phật Giáo hiện nay là cần có những đệ tử Phật thực hành chánh pháp, chuyên trì giới luật, sống đúng truyền thống lục hòa theo nghĩa tích cực của nó. Tăng đoàn cần phải phát huy sức mạnh, hiệu lực và giá trị của mình trong việc truyền trao giới pháp. Cần chú trọng đến phẩm chất, loại trừ chủ nghĩa số lượng, nặng tính hình thức.
Dĩ nhiên, giới luật Phật giáo nói chung và năm giới nói riêng không chỉ dành cho đệ tử của đức Phật, cũng không phải dành riêng cho một hạng người nào trong xã hội. Nó dành cho tất cả mọi người, mọi lứa tuổi, mọi dân tộc, mọi thời đại; dành cho những ai muốn có cuộc sống an lạc, hạnh phúc cho mình, cho người ngay trong hiện tại và tại đây (nếu như không muốn nói đến tương lai), và cho những ai muốn có một chuẩn mức để làm người theo đúng chân nghĩa.
Thế giới con người đang quằn quại trong khổ đau và lên án những người đang vi phạm các nguyên tắc đạo đức cơ bản này. Thế giới con người cũng đang khao khát một cuộc sống hòa bình, thịnh vượng và hạnh phúc. Như vậy, có phải chăng năm giới điều trên của Phật giáo là năm chuẩn tắc luân lý để xây dựng một xã hội đạo đức lý tưởng (theo nghĩa tương đối) mà Socrate, triết gia nổi tiếng của Hy Lạp, đã mong chờ khi phát biểu rằng: “Một nền đạo đức không thể căn cứ vào một giáo lý mơ hồ, chúng ta phải tạo dựng một nền luân lý hoàn toàn không lệ thuộc thần học, hoàn toàn thích hợp với những người có tôn giáo cũng như không có tôn giáo thì xã hội mới ổn định.”[6]
Phải chăng đã đến lúc mọi người cần phải quay lại với chính mình, phải xác định lại mục đích thật sự mà họ đang tìm kiếm và muốn vươn tới. Phải chăng hạnh phúc là đối tượng mà con gnười đang mãi tìm kiếm. Nhưng, hạnh phúc thì đồng nghĩa với đạo đức, mà đạo đức chính là giới. Vậy thì chính lúc này con người cần phải loại bỏ tất cả ngộ nhận, sai lầm về giới luật của Phật giáo, để tiến gần giới luật, nằm giữ giới luật như là đang nắm giữa hạnh phúc của mình; nắm giữ giói luật như là đang duy trì chính nhân phẩm của mình vậy. Bằng như ngược lại, cứ khao khát, tìm cầu hạnh phúc, an lạc mà phá vỡ năm giới điều trên thì cũng như người khát nước mà mãi uống nước biển vậy. Kết quả chỉ là sự đau đớn, thống khổ của những người thiếu trí tuệ, như vua Trần Thái Tông từng nói:
“Phong trần thất thểu làm thân khách,
Ngày mãi xa quê vạn dặm đường”[7]
Đề cập đến năm giới căn bản, năm điều đạo đức tối thiểu của Phật giáo mà đã có thể đem lại hạnh phúc thiết thực và to lớn cho con người, cho xã hội như thế (nếu được thực thi). Chắc chắn rằng những giới điều khác của Phật giáo (cũng dựa trên năm giới điều căn bản này) mà được hành trì một cách nghiêm túc thì hạnh phúc tối thượng, tức Niết-bàn, là điều có thể đạt được, không hư dối vậy.
Hạnh phúc ở đây cần phải được hiểu theo từng cấp độ, từng hoàn cảnh và từng cá nhân cảm thọ nó trong từng điều kiện riêng biệt. Kết quả của năm giới là công năng của một cuộc sống đúng giới luật của hàng cư sĩ, đệ tử tại gia của đúc Phật; còn Niết-bàn tức hạnh phúc tối hậu - tất nhiên đòi hỏi một sự tu tập nhuần nhuyễn ba pháp giới-định-tuệ. Ở đó giới định tuệ đã vỡ tan và hoà nhập với tự thân hành giả, tạo nên một thể thống nhất giữa nhân và pháp. Niết-bàn là kết quả của sự hoà nhập hoàn toàn giữa pháp tu và người tu, giữa người chứng và quả chứng. Niết-bàn của Phật giáo vượt lên trên mọi suy tư logic, mọi cảm thọ bình thường. Nó là thể hiện trọn vẹn của một cuộc sống từ bi, trí tuệ, vô ngã, vị tha.
---------
[1] Câu chuyện Triết Học, Will Durant, Bửu Dích dịch, Tu Thư Vạn Hạnh, 1971
[2] Sđd.
[3] Trung Bộ Kinh, Kinh Thánh Cầu, HT. Minh Châu dịch
[4] Trường Bộ Kinh, Kinh Sonadana, HT. Minh Châu dịch
[5] Kỷ sở bất dục vật thi ư nhơn (Khổng Tử)
[6] Câu Chuyện Triết Học, Will Durant, Bửu Dích dịch, Tu Thư Vạn Hạnh xuất bản
[7] Thiền Học Trần Thái Tông
Nguồn: phatgiaodaichung.com