Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 2

15 Tháng Bảy 201612:16 SA(Xem: 2389)
Phần 2
            BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
           (Phần Hai)

 

      Thiền Sư Sayadawgyi U Silananda

        Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Hai của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền 9 ngày tại Như Lai Thiền Viện vào tháng 11 năm 1995. Bài này do Theikdi và Maureen O’Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 5 – Mùa Hè 2009. Phần giới thiệu và sơ lược tiểu sử tác giả đã viết ở Phần Một.

 

 

Phần Hai

                                                                                                        

Hôm nay, Sư (ngài Thiền Sư U Silananda) sẽ nói về sự chuẩn bị cho việc hành thiền. Quả thực, pháp thoại hôm nay đáng lẽ là phải nói trước phần đã nói hôm qua (Phần Một), nhưng Sư đã muốn quí vị hiểu những điểm căn bản của thiền Minh Sát càng sớm càng tốt nên Sư đã làm thế. Bây giờ theo thứ tự thiền tập thực sự, chúng ta hãy trở về thời gian khi quí vị chuẩn bị cho sự thực tập. Bất cứ công việc nào quí vị làm, quí vị cần phải chuẩn bị thì mới thành công được. Hành thiền là một công trình tâm linh lớn lao, vì thế phải cần chuẩn bị cẩn thận để đạt được những ích lợi của sự thực tập. Có vài khả năng mà chúng ta cần phải có trước khi hành thiền và cũng có những việc ta cần phải làm trước khi bắt đầu hành thiền để chúng không làm cản trở ta khi hành thiền. May mắn cho chúng ta là tất cả những điều này đã có sẳn trong Tạng Kinh (The Basket of Discourses – Sutta Pitaka) cũng như trong Chú Giải.   

Có một lần, một người tu khổ hạnh tìm đến Đức Phật và thỉnh Ngài dạy cho vị đó giáo pháp ngắn gọn, để sau khi nghe sự hướng dẫn của Ngài, vị đó có thể “sống một mình, ẩn dật, sốt sắng và quả quyết”. Điều đó có nghĩa là vị đó có thể đi đến một nơi hẻo lánh để hành thiền. Đức Phật dạy: “Trước tiên nên thanh lọc sự khởi đầu của mọi điều thiện.” Rồi Ngài tiếp tục: “Sự khởi đầu cho mọi điều thiện là gì? Đó là đạo hạnh được thanh lọc thật trong sạch và có kiến thức chính đáng. Khi có đạo hạnh thật trong sạch và kiến thức chính đáng, rồi được đạo hạnh hổ trợ, ta có thể trau dồi thiền Tứ Niệm Xứ”. Ở đây Đức Phật đã chỉ rõ hai điều cho vị tu khổ hạnh. Một là đạo hạnh phải được thanh lọc thật trong sạch. “Đạo hạnh” ở đây có nghĩa là đạo đức trong sạch hay là giới (sila). Như vậy, giới trong sạch là một điều căn bản cho sự hành thiền Tứ Niệm Xứ. Trong Phật Pháp, đặc biệt là trong giáo pháp Nguyên Thủy (Theravada, Trưởng Lão Bộ), đạo đức trong sạch hay giới được nhấn mạnh. Đó là bởi vì chỉ khi nào ta có được đạo đức trong sạch thì mới có thể hành thiền và được kết quả. Như thế, giới là nền tảng vững chắc trên đó ta xây dựng định và huệ hay sự hiểu biết.

Đôi khi người ta giảm thiểu sự quan trọng của đạo đức trong sạch, nhưng nếu chúng ta không có đạo đức trong sạch, chúng ta không thể hành thiền bởi vì khi đạo hạnh bị ô uế, chúng ta có mặc cảm tội lỗi hay ân hận. Măc cảm tội lỗi hay ân hận có thể đến với ta nhất là khi ta hành thiền: khi ta hành thiền, những ý tưởng như thế đến với ta và dày vò ta. Khi chúng ta không thể xua đuổi cái mặc cảm tội lỗi này, chúng ta sẽ không đạt được an lạc,    

tĩnh lặng, và khi không được tĩnh lặng, chúng ta không thể có định, và khi không có định thì sẽ không có sự hiểu biết bản chất thực sự của sự vật. Nhưng khi mà đạo hạnh trong sạch, và khi mà ta nhìn lại đạo đức trong sạch của mình, ta cảm thấy vừa lòng. Chúng ta trở nên hỷ lạc và tĩnh lặng, và khi tâm ta được tĩnh lặng, ta đạt được định dễ dàng. Và khi có tâm định, chúng ta có thể xuyên thấu bản chất của sự vật. Như thế, trong những bước trên con đường giáo pháp Đức Phật đã vạch ra, đạo đức trong sạch là bước đầu tiên. Chúng ta không thể bỏ qua bước này, phải đạt được đạo đức trong sạch trước khi chúng ta hành thiền.  

Làm thế nào để chúng ta đạt được đạo đức trong sạch?- hay là làm thế nào người cư sĩ đạt được đạo đức trong sạch? Đơn giản là là bằng cách thọ giới và giữ giới. Khi quí vị thọ giới, quí vị hứa kềm giữ không làm điều sai - sát sanh, trộm cắp v.v… Khi quí vị giữ giới, hành động cũng như lời nói quí vị đều trong sạch. Như thế, bằng cách thọ giới - và dĩ nhiên giữ giới – quí vị có thể đạt sự trong sạch của giới. Đối với người cư sĩ, có năm giới hoặc tám giới, và một vài người giữ mười giới. Với người theo Phật, một Phật tử, giữ tối thiểu năm giới thì có thể gọi là có đạo hạnh trong sạch. Mặc dù rằng giữ năm giới trong khóa thiền cũng là đủ, thiền sinh được khuyến khích giữ tám giới bởi vì giữ tám giới thì tốt hơn giữ năm giới, và có nhiều công đức hơn khi giữ tám giới. Thêm nữa, khi giữ tám giới, quí vị có dịp hành thiền nhiều hơn vì quí vị không ăn buổi chiều, và nhờ thế quí vị có nhiều thì giờ hơn để thực tập. Chúng ta có thể nói rằng chúng ta ăn với chánh niệm, vì thế mặc dù đang ăn chúng ta cũng không bỏ hành thiền, tuy nhiên thực sự thì thiền lúc ăn không tốt bằng thiền khi ngồi. Như vậy, khi giữ tám giới, quí vị có nhiều thì giờ hơn để hành thiền, và giữ tám giới đã trở nên một tiêu chuẩn cho thiền sinh trong nhiều trung tâm thiền ở xứ chúng tôi (Miến Điện).

Đạo hạnh của người cư sĩ phải trong sạch bao lâu trước khi bắt đầu hành thiền? Khi chúng ta nhấn mạnh đạo đức trong sạch, khi chúng ta nói rằng đạo đức trong sạch là thiết yếu cho sự phát triễn định và huệ, chúng ta không nên đi quá xa mà nói rằng một người cần phải có đạo hạnh trong sạch một thời gian lâu trước khi bắt đầu hành thiền. Đạo dức trong sạch có thể đạt được trong một khoãnh khắc. Đạo đức trong sạch chỉ là một chập tư tưởng. Tại một lúc này, đạo hạnh của quí vị có thể là không trong sạch, nhưng vào lúc kế tiếp, quí vị quyết tâm giữ giới và kềm giữ mình không làm điều giới cấm; rồi thì đạo hạnh của quí vị trở nên trong sạch. Như thế, đối với người cư sĩ, sự trong sạch của đạo hạnh có thể đạt được chỉ bằng cách quyết tâm giữ giới. Có những chuyện kể chứng tỏ rằng có người mà đạo hạnh không được trong sạch trong một thời gian lâu vẫn có thể được giác ngộ.  Thí dụ, có chuyện một người đang đi câu. Khi Đức Phật gặp người đó, ngài hỏi người đó tên ông ta là gì và ông ta nói: “Tên tôi là ông Trong Sạch”. Rồi thì Đức Phật nói: “Một người đi sát hại sinh mạng chúng sinh khác không thể được gọi là ông Trong Sạch.” Người đi câu bèn bỏ cần câu và lưới xuống và nghe Đức Phật giảng giáo pháp, và ông ta đã trở thành một bậc Thánh Nhập Lưu (Sotapanna). Chúng ta thấy rằng khi người đó gặp Đức Phật, ông ta đang câu cá, như thế đạo hạnh ông ta không trong sạch, nhưng sau khi nghe Phật Pháp, ông ta quyết định bỏ việc đi câu, và như thế đạo hạnh trở nên trong sạch, và căn cứ trên đạo hạnh trong sạch đó, có lẽ ông ta đã phải hành thiền Minh Sát tại chỗ và nhờ thế ông ta đã được giác ngộ. Có một chuyện kể khác về hai người móc túi đi đến chỗ Đức Phật đang giảng pháp. Chúng đi lẫn vào đám người đang ngồi nghe giảng với ý định ăn cắp, và một trong hai người đã móc được tiền, nhưng người kia lại thích nghe giảng pháp, và cuối bài pháp, người đó trở nên một vị Thánh Nhập Lưu (Sotapanna). Như thế, khi mới đi đến gần Đức Phật, đạo hạnh của người đó không trong sạch bởi vì ông ta đến với ý định ăn cắp, nhưng sau khi nghe giảng pháp, có lẽ người đó đã phải quyết định kềm giữ mình không ăn cắp, và nhờ thế đã có thể đạt được giác ngộ.

Như thế, đối với người cư sĩ, đạo đức trong sạch không phải là khó khăn lắm. Họ chỉ cần quyết tâm kềm giữ không làm những điều sai trái trong tương lai – thọ giới và giữ giới. Sư phải nói với quí vị điều này vì Sư không muốn quí vị nãn lòng nếu quí vị trong quá khứ đôi khi không có đạo hạnh trong sạch. Đây không phải là khuyến khích quí vị coi thường đạo đức trong sạch, nhưng để làm an lòng những người có lẽ đã làm điều gì sai trong quá khứ, nhưng nay họ thành thật mong muốn hành thiền. Như vậy, bất cứ điều bất thiện nào mà quí vị đã làm trong quá khứ, nếu quí vị để yên điều đó qua một bên và nhất quyết thanh lọc đạo hạnh của mình trước khi hành thiền thì quí vị đã đạt được điều kiện về giới trong sạch. Đó là lý do tại sao thiền sinh thọ giới tại khóa thiền của chúng ta. Và một lần mà quí vị đã thọ giới, giới sẽ ở với quí vị cho đến chừng nào quí vị vẫn có ý định giữ giới. Tuy nhiên, xác nhận đạo hạnh trong sạch của mình mỗi ngày là điều tốt, vì thế  quí vị được khuyến khích thọ giới hằng ngày. Trong khóa thiền, quí vị sống với đạo hạnh rất trong sạch, và căn cứ vào đạo đức trong sạch này, quí vị sẽ phát triễn định và huệ.

Điều kiện thứ hai làm căn bản cho việc hành thiền Tứ Niệm Xứ là kiến thức chính đáng. Kiến thức chính đáng có nghĩa là sự hiểu biết đúng đắn, và hiểu biết đúng được giải nghĩa trong Chú Giải như là hiểu biết rằng chúng sinh có nghiệp (kamma) như là tài sản riêng của họ. Đây thực sự là sự hiểu biết hay sự tin tưởng về luật về nghiệp. Người ta có những vật sở hữu, đất đai, nhà cửa, xe cộ, cơ sở buôn bán, v.v…- và cả gia đình nữa. Mặc dù rằng tất cả các thứ đó có thể gọi là tài sản của họ, trên thực tế những thứ đó không phải tài sản của họ bởi vì khi họ rời khỏi đời này và qua kiếp sống kế tiếp, họ không thể mang theo bất cứ thứ gì theo họ. Nhưng nghiệp, thiện hay bất thiện nghiệp, nghiệp tốt hay nghiệp xấu, theo một người qua kiếp luân hồi. Chúng sinh chỉ có thể mang theo nghiệp qua các kiếp sống khác, và vì thế chỉ có nghiệp mới được gọi là tài sản riêng của mỗi người. Chúng sinh đau khổ hay sung sướng tùy thuộc vào nghiệp của họ hay quả của nghiệp. Như thế, người hành thiền Minh Sát hay Tứ Niệm Xứ cần phải hiểu biết luật về nghiệp. Một lần nữa, chúng sinh chỉ có kamma là tài sản riêng của họ. Kamma là khuôn đúc của họ, là họ hàng và nơi nương tựa của họ. Khi một người đã hiểu được điều này, có thể nói người đó chánh kiến hay kiến thức chính đáng về nghiệp. Và theo giáo pháp trong bài giảng này, hiểu biết nghiệp như là tài sản của riêng mình là thiết yếu cho sự hành thiền Tứ Niệm Xứ.

Sách Thanh Tịnh Đạo hướng dẫn cho ta cách để ta chuẩn bị cho việc hành thiền. Sách nói rằng trước hết chúng ta cần phải cắt đứt những chướng ngại hay những gì cản trở cho sự hành thiền. Sách chỉ ra mười chướng ngại: nhà cửa, người quen biết hay bạn hữu – hay là những kẽ hổ trợ trong trường hợp một vị sa môn - và vật dụng nhận được và cộng đồng mình sống chung, rồi đến cả những việc làm tại tu viện hay ở nhà, v.v… Khi một người dính mắc với nhà cửa của mình, người đó không cảm thấy có thể đi đến khóa thiền và không thể hành thiền. Như thế, dính mắc với nhà cửa là một chướng ngại. Chừng nào mà một người không cắt bỏ được chướng ngại này, người đó không thể hành thiền. Bất cứ chướng ngại là thứ gì, một người phải cắt bỏ tất cả chướng ngại để có thể hành thiền với một tâm tự do không vướng bận. Giả sử quí vị phải sửa chữa cái gì ở nhà hoặc phải xây dựng một cái gì, và bởi vì các việc đó quí vị không thể đi đến khóa thiền hay không thể hành thiền. Nếu quí vị muốn hành thiền, quí vị phải cắt bỏ chướng ngại đó. Đôi khi quí vị phải đi học hay phải đi dạy một lớp, và nếu quí vị không thể bỏ lớp, quí vị không thể hành thiền, và như thế quí vị phải cắt bỏ chướng ngại đó. Đôi khi quí vị muốn thăm viếng một nơi hay muốn có một cuộc hành trình – và kinh sách có nói rằng sự ham thích đi du lịch là một điều rất khó dứt bỏ. Một khi quí vị đã định trong tâm sẽ đi du hành một nơi, quí vị muốn đi đến đó, và như thế quả là khó mà dứt bỏ sự ham muốn đó. Như thế ham muốn đi du hành là một chướng ngại, và Chú Giải đề nghị rằng hãy đi du hành, và rồi thì sau đó mới hành thiền bởi vì quí vị sẽ không thể hành thiền với tư tưởng muốn đi một nơi nào đó chế ngự trong tâm. Đôi khi quí vị  bị đau yếu hay bị bệnh tật gì đó, và quí vị không thể hành thiền, hoặc là đôi khi quí vị phải săn sóc một người nào – thầy, cha mẹ hay bất cứ ai – đang đau yếu, và rồi quí vị không thể hành thiền đuợc. Như quí vị thấy, có nhiều chuyện làm chướng ngại cho việc hành thiền, và quí vị muốn hành thiền thì phải cắt bỏ những chướng ngại đó. 

Điều được đề nghị kế tiếp trong Chú Giải là hãy đi đến một vị thầy và chọn một đề mục thích hợp. Bất cứ khi nào ta muốn học một điều gì, ta cần phải có thầy. Như là thiền sinh, chúng ta một vị thầy tốt có thể hướng dẫn chúng ta, có thể giúp ta đi trên con đường thực hành giáo pháp. Kinh sách nói rằng một vị thầy cần được học trò kính trọng, và phải là vị dám nói thẳng. Điều này có nghĩa là nếu thiền sinh có lỗi lầm trong sự thực tập, vị thầy sẽ không e ngại vạch ra những lỗi lầm đó cho thiền sinh. Một vị thầy cũng phải là người rất dễ cho thiền sinh nói chuyện, một người có khả năng giảng pháp thâm sâu, và phải là một người không khuyến khích kẻ khác làm chuyện sai trái. Một người như vậy gọi là một người bạn tốt. Như thế chúng ta nên đến gần người bạn tốt hay vị thầy để mà học hỏi và chúng ta nên chọn một đề mục hành thiền thích hợp. Điều hướng dẫn sau cùng này là dành cho các vị muốn thực hành Thiền Chỉ (Samatha). Trong Thiền Chỉ có bốn mươi đề mục, vì thế một người phải chọn một đề mục hành thiền thích hợp với tính khí của người đó. Nhưng bây giờ chúng ta đang hành thiền Tứ Niệm Xứ hay thiền Minh Sát, như thế chúng ta không phải lo lắng việc chọn đề mục thiền nào vì chúng ta đã chọn thiền Minh Sát.  

Điều hướng dẫn kế tiếp là đi đến một nơi thuận tiện cho việc hành thiền. Có những nơi không thuận tiện - hay không tốt - cho việc hành thiền: nếu nơi đó quá đông người, nếu nơi đó ồn ào, nếu nơi đó gần chỗ nhiều người tụ họp. Nếu nơi đó quá lạnh hay quá nóng hoặc nơi quá mới hay quá cũ thì nơi đó không thuận tiện cho việc hành thiền. Như vậy chúng ta phải chọn một nơi mà chúng ta có thể hành thiền và có thể được tâm định và hiểu biết bản chất của vạn pháp. Sư nghĩ rằng trung tâm thiền này là một nơi thuận tiện cho việc hành thiền. Biết rằng trung tâm này ở trong một đô thị, nhưng tương đối khá yên tĩnh, cũng không lạnh cũng không nóng lắm và cũng không đông đúc, và như thế  trung tâm thiền này là một nơi rất thuận tiện cho việc hành thiền. Và chúng ta quả là may mắn đã đến nơi này.

Sau khi đi đến một nơi thuận tiện cho việc hành thiền, một lần nữa chúng ta lại được hướng dẫn phải cắt bỏ chướng ngại nhỏ hơn. Ví dụ, nếu móng tay, móng chân dài quá, ta phải cắt bỏ. Nếu áo quần không sạch, ta phải giặt giũ, hoặc áo quần bị sờn rách, ta phải may vá. Những chuyện nhỏ nhặt này chúng ta cũng nên làm trước khi bắt đầu hành thiền bởi vì lấy ví dụ ta cắt móng tay móng chân khi đang hành thiền, việc này sẽ quấy rầy sự liên tục của sự hành thiền. Bất cứ việc gì ta phải làm để cho việc hành thiền được suôn sẻ và không bị trở ngại thì chúng ta cần phải làm trước khi bắt đâu hành thiền. Như vậy, những chướng ngại nhỏ nhặt chúng ta cũng nên cắt bỏ trước khi hành thiền. 

Trên đây là những sự hướng dẫn từ trong sách Thanh Tịnh Đạo. Sư nghĩ nên thêm một điều nữa, đó là đừng mang theo chuyện thế sự vào khóa thiền. Đôi khi người ta đến tham dự khóa thiền họ mang theo những vấn đề gia đình, chuyện thế gian và họ lo lắng hoặc mong sẽ có thể giải quyết những vấn đề đó với thiền tập. Vài vấn đề thuộc về tâm như là băn khoăn, lo lắng có thể chữa lành bằng chánh niệm, nhưng không phải vấn đề nào cũng có thể giải quyết được. Cũng vậy thiền sư không phải là cố vấn trị liệu tâm lý, và vì vậy họ không thể giúp khuyên bảo gì được. Như thế điều quan trọng là chúng ta không mang theo những vấn đề thế sự vào khóa thiền. Chúng ta chỉ cần để lại những vấn đề đó ở nhà hoặc treo chúng ở cổng vào thiền viện và chỉ lấy chúng lại khi chúng ta rời khóa thiền. Tất cả quí vị khi đến đây đã phải hy sinh nhiều chuyện. Quí vị muốn sống với gia đình mình, muốn hưởng thụ đời sống bên ngoài, quí vị đã hy sinh các thứ đó, và quí vị đến đây để hành thiền. Nhưng nếu quí vị mang theo những vấn đề đó với quí vị, quí vị không thể hành thiền có kết quả được, như thế không bỏ công xứng đáng để cho quí vị đến đây. Như thế, thật là quan trọng rằng những lo lắng, chuyện thế tục nên để lại đằng sau khi quí vị đến với khóa thiền. Và một điều nữa là quí không nên liên lạc với người nhà khi quí vị đang ở khóa thiền. Đôi khi liên lạc với một người ngoài hoặc ngay cả ý tưởng về sự việc bên ngoài có thể quấy rầy sự tĩnh lặng - có thể quấy rầy sự an bình của tâm – và như thế quấy rầy sự thực tập của quí vị. Và như thế, thật là quan trọng rằng một khi rời nhà quí vị hãy để chuyện nhà cửa qua một bên, và cố găng thực tập không vướng bận. Với cách đó, quí vị có thể đạt được những ích lợi của sự thực tập tại khóa thiền. Ngược lại, khóa thiền sẽ không được thỏa mãn đối với quí vị, quí vị có thể sẽ không đạt được kết quả của sư thực tập. Không mang theo chuyện thế sự vào khóa thiền thật quan trọng bởi vì, nếu mang chúng theo, quí vị phải vật vã với những ý tưởng, những vấn đề thay vì là hành thiền. Như vậy hãy đến với một tâm không vướng bận để quí vị có thể tự do dồn hết sức mình cho sự hành thiền. Sư hy vọng rằng quí vị đến đây đã chuẩn bị sẳn sàng và hy vọng rằng quí vị sẽ sẽ vui thú với những lợi ích hành thiền ở đây.

Bây giờ, Sư sẽ giải thích vài điều về sự thực tập. Một điều hướng dẫn là quí vị phải chánh niệm về tác ý đi trước mỗi hành động. Mỗi hành động đều có trước đó một ý muốn, hay là ý định muốn làm, và quí vị được hướng dẫn là phải chánh niệm về những ý định đó. Thiền sư không muốn quí vị mất chánh niệm về tác ý. Thêm nữa, đây là huấn luyện tâm quí vị để hiểu tính duyên sinh của sự vật, để hiểu sự vật xẩy ra tùy thuộc vào vài nhân hay duyên nào đó. Theo Phật Pháp, hiểu được điều này rất là quan trọng, rằng mọi sự vật xẩy ra không phải từ hư vô mà xẩy ra tùy thuộc vào những điều kiện, và chúng ta hiểu sự liên hệ giữa nhân và quả chỉ khi chúng ta thấy được tính duyên sinh của sự vật, chỉ khi ta thấy được rằng sự vật sinh khởi tùy thuộc vào những điều kiện. Chỉ khi nào ta thấy được điều này thì mới có thể đạt tới bậc thánh nhập lưu.

Như vậy, để huấn luyện tâm của chúng ta nhận biết tính duyên sinh của sự vật, điều quan trọng là quí vị phải chánh niệm cái tác ý đi trước mỗi một hành động hay cử động tự ý. Khi quí vị niệm hay chánh niệm tác ý, quí vị sẽ biết rằng, vì có tác ý nên mới có cử động, ví dụ vì có tác ý muốn vươn vai thì mới có cử động vươn vai; vì có tác ý muốn nghiêng mình thì mới có cử động nghiêng mình. Khi không có tác ý vươn vai thì sẽ không có cử động vươn vai; khi không có tác ý nghiêng mình thì không có cử động nghiêng mình, chẳng phải do một đấng có thẩm quyền cao cả nào hay vị nào cả. Phật Pháp dạy rằng có một nhân hay điều kiện cho mỗi việc gì xẩy ra, và nhân hay điều kiện này chẳng phải là một thẩm quyền cao cả hay là một thực thể thường còn hay cái gì khác cả, nhưng hiện tượng xẩy ra đó chỉ sinh khởi bởi vì có các điều kiện cho chúng xẩy ra. Chúng ta nên thấy tính duyên sinh này của sự vật cho chính chúng ta qua sự thực hành thiền Minh Sát – nghĩa là qua sự chú ý tới tác ý và ngay cả hành động nữa. Như vậy, chánh niệm cái tác ý đi trước mỗi cử động tự ý thật là quan trọng.

Điều hướng dẫn thứ hai mà Sư muốn hướng dẫn quí vị là cách thức thực tập chánh niệm thế nào khi đi ngủ hay sắp vào giấc ngủ. Sư đã có nói rằng lúc ban ngày, từ khi thức giấc buổi sáng cho đến khi giấc ngủ đến với quí vị, quí vị phải luôn luôn giữ chánh niệm không rời. Như thế, vào cuối ngày khi đi ngủ, quí vị đi ngủ với chánh niệm. Quí vị nằm xuống giường chậm rãi với chánh niệm, và khi thân mình đụng giường, khi đầu quí vị chạm vào gối… quí vị sẽ phải chánh niệm với sự đụng chạm đó. Rồi thì quí vị đắp mền lên người với chánh niệm. Làm tất cả những việc này với chánh niệm. Và sau khi đã chuẩn bị sẳn sàng để ngủ, quí vị trở lại với chánh niệm với phồng xẹp của bụng hay hơi thở vào và hơi thở ra. Quí vị đừng để mất chánh niệm khi đi ngủ, phải đi ngủ với chánh niệm. Niệm phồng, xẹp hoặc vào, ra và quí vị sẽ cảm thấy buồn ngủ, và khi buồn ngủ hãy chánh niệm với sự buồn ngủ hay hãy niệm “buồn ngủ, buồn ngủ”. Quí vị có thể thức tỉnh trở lại, và khi thức tỉnh, hãy chánh niệm với phồng xẹp hoặc ra, vào. Khi quí vị thực sự mệt mõi và khi mà giấc ngủ đến thì quí vị không cản được. Hãy để cho giấc ngủ đến trong khi quí vị đang niệm hay khi quí vị đang chánh niệm với những chuyển động phồng xẹp của bụng hay hơi thở vào và hơi thở ra. Như vậy, vì quí vị thực tập luôn luôn khi quí vị thức tỉnh, quí vị đi ngủ với chánh niệm. Đúng ra, Sư không nên nói “quí vị đi ngủ” mà nói “để giấc ngủ đến với quí vị trong chánh niệm”. Sáng hôm sau, khi quí vị thức giấc, quí vị hãy cố gắng chánh niệm ngay lúc mới thức giấc. Từ ngay lúc đó ngày hành thiền của quí vị đã bắt đầu. Khi thức giấc, hãy cố gắng chánh niệm với lúc thức giấc hay hãy tự nhủ “thức giấc, thức giấc” rồi đi làm các việc cần thiết cá nhân với chánh niệm: hãy đi vào phòng tắm với chánh niệm, rửa mặt với chánh niệm, đánh răng với chánh niệm, cạo râu với chánh niệm – bất cứ làm việc gì, hãy làm với chánh niệm. Như thế, ngày ở đây bắt đầu  không phải từ 5 giò 30 khi bắt đầu thời thiền tọa đầu tiên mà bắt đầu từ khi thức giấc buổi sáng. Với cách này, quí vị luôn giữ chánh niệm suốt trong mọi thời giờ khi thức tỉnh. Đó là cách thức đúng đắn để đi ngủ và thức dậy.

Sư muốn quí vị được an bình và tĩnh lặng, nên nếu quí vị muốn có câu hỏi thì hãy tạm dẹp ý muốn đó qua một bên và có thể hỏi trong giờ trình pháp.    

 

(Những tiêu đề cung như chú thích bằng chữ nghiêng giữa hai dấu ngoặc đơn là do dịch giả thêm vào cho dễ đọc