Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần 3

15 Tháng Bảy 201612:18 SA(Xem: 2308)
Phần 3

      BƯỚC VÀO THIỀN MINH SÁT NIỆM XỨ
          (Phần Ba)

 

 Thiền Sư Sayadaw U Silananda

  Liễu Pháp chuyển ngữ

 

Đây là Phần Ba của loạt bài pháp thoại “Stepping into Satipatthana Vipassana” do Thiền Sư Sayadaw U Silananda giảng trong khóa thiền tập 9 ngày, vào tháng 11 năm 1995 tại Như Lai Thiền Viện, San Jose, California. Bài này do Theikdi và Maureen O’ Brien ghi lại bằng Anh ngữ và đăng trong Dhamma Bell Newsletter số 6, Mùa Đông 2009. Phần Giới Thiệu và Tiểu Sử ngài U Silananda đã có viết trong Phần Một.

  

Phần Ba

 

Phần còn lại của loạt bài pháp thoại này gồm có hai phần. Chủ đề chính của phần đầu tiên là các thành phần của sự quán chiếu (anupassanà, contemplation) và những yếu tố được xả bỏ đi nhờ sự quán chiếu. Phần kế tiếp (sẽ đăng sau) là nói về những điều quan trọng khi hành Thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ.

 

Nơi thích hợp để hành thiền

Trong bài nói chuyện hôm nay, chúng ta đi thẳng ngay vào sự thực tập. Khi nào mà Đức Phật mô tả một vị sư hành thiền thì Ngài nói: “ Vị sư đi vào rừng, đến một gốc cây, hay là một nơi trống trải, ngồi xuống, ngồi xếp bằng chân bắt chéo, giữ thân thẳng đứng và đặt chánh niệm đối diện với đối tượng hành thiền.”  Với những lời “đi vào rừng, đến gốc cây, hay một nơi trống trải,” Đức Phật chỉ một nơi thích hợp cho việc hành thiền. Khu rừng là nơi là nơi phù hợp nhất bởi vì rừng là gần như hoàn toàn vắng vẻ và yên tĩnh. Gốc cây hay chung quanh đó cũng được xem như là một nơi yên tĩnh phù hợp cho việc hành thiền. Và “nơi trống trải” có nghĩa là “nơi vắng vẻ”. Điều quan trọng là nơi đó “trống trải” hay vắng vẻ. Vì thế cho dù bạn đang ở trong rừng hay ở gốc cây - ngay cả ở ngay giữa lòng thành phố - điều quan trọng là nơi đó phải vắng vẻ, hay yên tĩnh. Thực sự, chúng ta có thể thiền-tập bất cứ nơi nào, nhưng đây là những nơi thích hợp nhất cho việc hành thiền. Như Sư (ngài thiền sư U Silananda) đã có lần nói, thiền viện này là một nơi thích hợp cho việc hành thiền. Dù rằng đây không phải trong rừng hay ở gốc cây, nơi đây được mô tả là một nơi trống trải hay vắng vẻ vì nơi này quả là vắng vẻ và yên tĩnh.

 

Tư thế thiền tọa

Sau khi chỉ những nơi thích hợp để hành thiền, Đức Phật hướng dẫn tư thế thích hợp để hành thiền khi Ngài nói vị sư ngồi xuống. Đặc biệt cho việc hành thiền bằng chánh niệm trên hơi thở, tư thế ngồi là phù hợp nhất. Tư thế ngồi được mô tả trong Chú Giải như là “một tư thế bình yên, thanh thản, một tư thế mà một mặt thì chẳng phải không làm gì, mặt khác thì cũng không buông lung, kích động”. Có bốn tư thế của thân: đứng, đi, ngồi và nằm. Trong các tư thế đó, đi và đứng là hai tư thế khiến ta kích động. Đi mà là kích động thì hiển nhiên, chẳng có gì đáng nói. Tuy nhiên, tư thế đứng thì cũng kích động. Khi đứng, chúng ta phải cố gắng để đứng; không cố gắng đứng thì không đứng được. Bởi vì có một sự cố gắng nào đó để đứng, cho nên tư thế đứng có thể đưa đến sự kích động. Và tư thế nằm lại đưa đến sự yên nghỉ, buồn ngủ và sự lười nhác. Bởi vì tư thế ngồi một mặt không đưa đến sự yên nghỉ, mặt khác không đưa đến sự kích động, tư thế ngồi được mô tả như là một tư thế bình yên cho việc hành thiền.

Có nhiều tư thế ngồi: Bạn có thể ngồi với hai đầu gối cao hoặc bạn có thể ngồi với hai chân giãn ra hay ngồi dựa vào tường. Tuy nhiên thế ngồi mà Đức Phật mô tả là thế ngồi với hai chân bắt chéo và thế ngồi này được giới thiệu bởi vì tư thế này vững vàng. Khi bạn ngồi chéo chân như thế, bạn tạo một hình tam giác làm cho thân vững vàng và bạn có thể ngồi trong tư thế đó lâu hơn mà không cảm thấy đau nhiều quá. Đó là tại sao khi Đức Phật mô tả vị sư hành thiền, Ngài nói “một vị sư đang ngồi bắt chân tréo”. Có nhiều cách ngồi “bắt chân tréo” khác nhau. Tư thế ngồi mà chúng ta thấy trong nhiều tượng Phật được gọi là thế kiết-già. Trong thế này, hai chân được khóa lại với nhau, và khi nhìn vào tượng Phật, chúng ta thấy Đức Phật dường như rất thoải mái trong tư thế đó. Tuy nhiên khi chúng ta thử ngồi theo tư thế đó, chúng ta cảm thấy không thoải mái như vậy – thực sự thì cảm thấy đau. Bạn cần phải tập thật lâu để có thể ngồi theo tư thế này. Một tư thế kế tiếp, thoải mái hơn thế kiết già, là thế bán-già. Trong thế bán-già, mà ta có thể thấy trên một số tượng Phật, một chân gác trên chân kia. Cũng có một thế ngồi khác, thế ngồi thoải mái nhất và được gọi là “tư thế dễ dàng”. Trong tư thế này, một chân được đặt, không phải trên chân kia mà là đặt trước chân kia; tư thế này thường được cho là thoải mái hơn cả. Bạn có thể chọn bất cứ tư thế nào trong 3 thế ngồi này - kiết già, bán già hay “tư thế dễ dàng” - mà bạn thấy thoải mái. Bạn nên để ý rằng việc Đức Phật giới thiệu tư thế ngồi “bắt tréo chân” không có nghĩa là nếu bạn không thể ngồi theo thế bắt tréo chân được thì bạn không hành thiền. Bạn biết rằng, nhất là khi bạn hành thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, bạn sẽ thiền tập không những chỉ ở trong thế ngồi mà cũng thực tập khi di, đứng, nằm và ngay cả khi đang có các hoạt động khác nữa. Tuy nhiên, tư thế này - ngồi bắt chân tréo - là tư thế thích hợp nhất để hành thiền, nhất là hành thiền chánh niệm trên hơi thở.

Khi Đức Phật tiếp tục mô tả vị sư hành thiền, Ngài nói “giữ thân thẳng đứng”. Điều này có nghĩa khi chúng ta ngồi bắt tréo chân, chúng ta ngồi với phần thân trên ngay thẳng, hay thẳng đứng, không nghiêng về đằng trước hoặc đằng sau. Ở đây “thẳng đứng” có nghĩa là thẳng một cách tự nhiên, bởi vì xương sống thực sự không thể thẳng như một đường thẳng được. Giữ thân trên thẳng có nghĩa chỉ ngồi với phần thân trên thẳng mà không gây cảm giác khó chịu. Chú Giải có nói rằng khi bạn ngồi với phần thân trên ngay thẳng, hay thẳng đứng, các khúc xương sống tựa trên nhau đúng cách và bạn không cảm thấy đau khi ngồi theo tư thế đó.

 

Tấn, Niệm, Định, Huệ 

Khi Đức Phật nói rằng vị sư ngồi tréo chân và thân trên thẳng đứng, đang “đặt chánh niệm đối diện với đề mục hành thiền”, có nghĩa là ngài nói đang vị đó đang tập trung và chú tâm vào đề mục hành thiền. Trong sự thực tập thiền Tứ Niệm Xứ, điều đó có nghĩa là giữ tâm hay chú tâm của bạn trên chuyển động của bụng hoặc trên hơi thở ở mũi. Khi Đức Phật mô tả một vị sư đang hành thiền Tứ Niệm Xứ, ngài nói rằng đang “quán thân trong thân, nỗ lực, hiểu rõ và chánh niệm, khắc phục tham muốn và sầu khổ trong đời”. Những chữ trong câu này mô tả cách quán thân là “nỗ lực, hiểu rõ và chánh niệm”. Chữ “nỗ lực” có nghĩa là cố gắng, tinh tấn. Vị sư cố gắng để chánh niệm. Khi ta thực tập chánh niệm, sự cố gắng phải có đó không phải là sự cố gắng về thể chất mà là sự cô gắng về tinh thần, sự tinh tấn của tâm. Không có sự tinh tấn đó, chúng ta sẽ không có chánh niệm, như thế sự cố gắng là thiết yếu khi ta hành thiền chánh niệm hay khi ta hành thiền loại nào khác. Khi ta nỗ lực, tâm ta đạt tới đối tượng hay tâm ta chạm đối tượng. Tâm ta chạm đối tượng là điều mà ta gọi là chánh niệm. Chánh niệm có nghĩa là hoàn toàn nhận biết đối tượng, và sự tinh tấn thật cần thiết để ta có được sự nhận biết như vậy. Nếu bạn muốn thử xem điều này có đúng không, bạn có thể lần lần bớt sự cố gắng, bạn sẽ thấy chánh niệm biến mất đi dần dần. Nói tóm lại, với sự tinh tấn, tâm càng thấy rõ hơn đề mục hành thiền và sự nhận biết toàn diện đề mục được gọi là chánh niệm.    

Khi tâm đạt tới đối tượng hay chạm vào đối tượng, và khi mà chánh niệm trở nên mạnh mẽ, tâm duờng như dính chặt vào đối tượng hay ở với đối tượng một khoảng thời gian lâu. Tâm dính vào đối tượng hay ở trên đối tượng như là chìm đắm vào đối tượng là cái được gọi là định. Định được mô tả như là “tâm hợp nhất” hay “nhất tâm”. Thực sự, định là một yếu tố giữ tâm và các tâm sở của nó cho được điều hợp với nhau và trên cùng một đối tượng. Khi chánh niệm trở nên mạnh mẽ, định cũng đến. Tâm chìm đắm vào đối tượng hay dính chặt vào đối tượng. Với sự hổ trợ của định hay là khi có tâm định, sự hiểu rõ đối tượng (hay trí huệ) sinh khởi. Khi tâm chưa định, khi tâm chưa vững vàng hoặc tĩnh lặng, sự thấy rõ đối tượng không thể đến được. Chỉ khi nào có tâm định thì sự hiểu rõ hay thấy rõ đối tượng (đề mục thiền) mới phát sinh. Như thế, trong sự thực tập thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, có bốn thành phần: thứ nhất là Tấn, thứ hai Niệm, thứ ba Định và thứ tư Huệ. Trong Kinh Tứ Niệm Xứ, Đức Phật chỉ nhắc tới ba thành phần - sự cố gắng với chữ “nỗ lực”, sự hiểu biết với chữ “hiểu rõ” và chánh niệm với chính chữ “chánh niệm”  - và không có chữ nào cho định trong kinh này. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng định được hàm ý ở đây, bởi vì không có định thì không có sự hiểu rõ. Sự hiểu rõ là do định mà có, và định là do chánh niệm mà có. Như thế bốn thành phần này là cần thiết nếu muốn thiền tập có kết quả tốt. Ở đây “hiểu rõ” có nghĩa trước tiên là thấy đối tượng một cách rõ rệt và đối tượng được vạch rõ không lẫn lộn nó với những đối tượng khác. Như vậy, khi bạn chú tâm trên tâm, bạn thấy tâm rõ rệt và đối tượng tâm được vạch rõ và khi bạn chú tâm trên thân, bạn thấy thân rõ rệt và thân được vạch rõ. Điều này cũng có nghĩa là khi bạn thấy rõ đối tượng, hoặc khi bạn quan sát, vào lúc quan sát đó, bạn chỉ thấy hai vật đang diễn tiến: đối tượng và tâm nhận biết đối tượng. Chẳng có gì khác: không cá nhân nào, không người nào, không đàn ông, không đàn bà, không thực thể trường tồn nào cả. Cũng như thế, khi bạn thấy đối tượng rõ rệt và thấy tâm rõ rệt, bạn thấy chúng sinh khởi và thấy chúng biến mất. Khi thấy chúng sinh khởi và biến mất, bạn cũng thấy chúng là vô thường. Nếu bạn thấy sự vô thường của tâm và thân, bạn cũng thấy sự bất toại nguyện và thấy chúng chẳng có thực. Về phần vật chất - về thân – bạn cũng thấy rằng thân chẳng đáng yêu gì cả.     

 

Những yếu tố được xả bỏ

Khi bạn đạt được đến giai đoạn thấy rõ, hiểu rõ như trên, bạn sẽ biết được hay hiểu được những khía cạnh này của tâm và của thân mà bạn đang quan sát. Khi bạn hiểu rõ đối tượng - có nghĩa là bạn thấy đối tượng là vô thường, bất toại nguyện, không có thực và chẳng đáng yêu – bạn sẽ không có dính mắc vào đối tượng đó hay bạn sẽ không sân hận, tức giận hay bất mãn với đối tượng đó. Khi bạn thấy rõ đối tượng, khi bạn thấy đối tượng là vô thường, v.v…thì chẳng có cơ hội nào cho phiền não phát sinh – nhất là sự dính mắc, sự căm giận hay sự thù nghịch: có sự xả bỏ dính mắc và căm giận ở đây. Trong kinh, những chữ abhijjà domanassa đã được dùng. Abhijjà có nghĩa là tham muốn và domanassa có nghĩa là sầu khổ, nhưng thực sự, sự tham muốn bao gồm cả mọi loại dính mắc như tham ái, thèm khát…. Và sự sầu khổ bao gồm mọi thứ sân hận như ghét bỏ, thù nghịch, căm hận, thất vọng, trầm cảm… Tóm tắt, “tham muốn và sầu khổ” là Tham (lobha) và Sân (dosa). Khi chúng ta đến được giai đoạn thấy rõ đối tượng rõ rệt, thấy được nó là vô thường, không có thực, v.v…, chúng ta có thể ngăn ngừa Tham và Sân phát sinh với đối tượng đó. Và điều này được mô tả như là “xả bỏ tham sân trong cuộc đời”. Sự xả bỏ tham sân đạt được cùng lúc bạn thấy rõ đối tượng hay hiểu rõ đối tượng, như thế tham sân được xả bỏ ngay khi bạn thấy rõ đối tượng trong tâm của bạn. Sự hiểu rõ đối tượng và sự xả bỏ hay ngăn ngừa tham sân xẩy ra cùng một lúc. Vì thế câu “vineyya loke abhijjà domanassam” nên được dịch là “khắc phục hay xả bỏ tham sân trong cuộc đời” và không nên dịch “đã khắc phục hay đã xả bỏ tham sân trong thế gian”, như có khi đã được dịch như vậy. Mục đích của sự thực tập này, mục đích của thiền Tứ Niệm Xứ là xả bỏ tham sân, nếu tham sân đã được xả bỏ thì chẳng cần phải hành thiền Minh sát Tứ Niệm Xứ gì cả. Như thế thật quan trọng mà hiểu rằng câu kinh trên có nghĩa là “cùng một lúc xả bỏ tham sân trong thế gian.”

Có hai loại xả bỏ: Xả bỏ với những đối tượng được quan sát và xả bỏ với những đối tượng không được quan sát. Bạn quan sát, hay bạn cố gắng chánh niệm trên một đề mục, và bạn đạt được định và sự hiểu rõ. Với sự hiểu rõ đối tượng, bạn có thể ngăn ngừa tham và sân với đối tượng đó. Loại xả bỏ này gọi là “xả bỏ tức thời” – đó là xả bỏ với đối tượng được quan sát. Khi bạn có kinh nghiệm xả bỏ tham sân với đối tượng được quan sát, bạn sẽ tìm thấy rằng, do năng lực của sự thực tập đó, bạn cũng có thể xả bỏ hay cũng có thể ngăn ngừa tham sân với những  đối tượng bạn không quan sát. Tâm của bạn trở nên thông thạo trong việc xả bỏ tham sân và tâm của bạn trở nên thật trong sáng, mềm mại và vi tế để nhận ra rằng bạn có thể ngăn ngừa tham sân không cho phát sinh cho dù với đề mục bạn không quan sát. Loại xả bỏ này được gọi là “xả bỏ tạm thời”. Như vậy, ở đây “xả bỏ hay khắc phục tham sân trong cuộc đời’ có nghĩa là xả bỏ chúng bằng hai cách: xả bỏ với đối tượng được quan sát và xả bỏ với đối tượng không được quan sát. Có một loại xả bỏ nữa; đó là xả bỏ tuyệt đối. Xả bỏ tuyệt đối không đạt được với thiền Minh Sát Tứ Niệm Xứ, nhưng chỉ đạt được với cái gọi là Con Đường (Giải Thoát). Đó là vào lúc Giác Ngộ.