Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc

16 Tháng Tám 20161:20 CH(Xem: 2343)
Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc
Chúc thư Đầu Nhọn Hạt Ngọc

Lời khai thị này được nói cho Yeshe Tsogyal.

Ta, vị thầy Sanh Từ Hoa Sen của Uddiyana,
Tu hành giáo pháp vì sự lợi lạc cho chính mình và người khác. 
Đến phía đông của Tòa Kim Cương
Ta nghiên cứu và uyên bác trong lời dạy Kinh điển.

Đến phía nam, phía tây và phía bắc
Ta nghiên cứu các bộ Luật, Luận,
Và giáo lý Ba la mật đa.

Ở Bhasudhara ta nghiên cứu Kriya.
Trong xứ sở Uddiyana ta nguyên cứu Yoga.
Trong đất nước Zahor ta nghiên cứu hai phần của Tantra.

Trong xứ sở Jah ta nghiên cứu Kilaya.
Trong đất nước Singha ta nghiên cứu Hayagriva.
Trong xứ sở Marutsey ta nghiên cứu Mamo.
Ở Nepal ta nghiên cứu Yamantaka.
Ở Tòa Kim Cương ta nghiên cứu Amrita.

Bốn nhóm Tantra Cha và Tantra Mẹ,
Gồm cả Guhyasamaja,
Ta nghiên cứu đến uyên thâm trong xứ sở Jala.
Đại Toàn Thiện ta học từ tâm giác bổn nhiên của ta.
Ta đã chứng ngộ rằng mọi hiện tượng đều như mộng, như ảo.

Trong xứ sở Tây Tạng ta đã thực hiện những hoạt động rộng lớn cho lợi lạc của chúng sanh.
Trong thời đại thoái hóa ta sẽ làm lợi lạc cho mọi người.
Bởi thế ta cất dấu vô số kho tàng Terma
Chúng sẽ gặp được người tiền định.

Thật may mắn phước đức cho tất cả ai tiếp xúc được với các terma này.
Hãy làm tròn mệnh lệnh của Liên Hoa Sanh !

Ngài nói như thế.

Emaho ! Vào thời chót của thời kỳ này các kho tàng terma của ta sẽ nở rộ ở xứ tuyết Tây Tạng. Hãy nghe đây, tất cả các người sẽ theo lời chỉ dạy của ta vào thời gian đó !

Khó hiểu thấu bản tánh của Ati Yoga, của Đại Toàn Thiện, thế nên hãy tu hành trong đó ! Bản tánh này là trạng thái tỉnh giác của tâm. Dầu cho thân bạn vẫn còn là con người, tâm bạn đạt đến mức độ Phật tánh.

Bất kể các giáo lý Đại Toàn Thiện có thể sâu bao nhiêu, rộng bao nhiêu, trùm khắp bao nhiêu, thì tất cả chúng đều gồm trong điều này : Chớ thiền định về hay khởi tạo một thứ gì dầu nhỏ như vi trần và chớ phóng dật dầu cho một sát na.(1)

Có một sự nguy hiểm là người ta không hiểu được điều đó rồi dùng câu nói vô vị thế này : “Thật đúng là không cần thiền định !” Tâm họ rồi vẫn bị trói buộc bởi các tán động của công việc thế gian sanh tử, nhưng khi có người nào hiểu thấu, chứng ngộ bản tánh của không-thiền-định, người ấy sẽ thấy sanh tử và Niết bàn là bình đẳng. Khi chứng ngộ xảy ra, bạn sẽ thực sự giải thoát khỏi sanh tử, các vọng niệm phiền não tự nhiên chìm lắng mất và trở thành tánh Giác bổn nguyên. Dùng một thứ hiểu biết mà không giảm bớt được phiền não thì có ích gì ?

Tuy nhiên, có nhiều người đắm chìm vào năm độc khi không thiền định. Họ không thấu hiểu chân tánh và chắc chắn sẽ vào địa ngục.

Chớ có truyền dạy một cái thấy mà bạn chưa chứng đắc ! Vì cái thấy thì vắng dứt mọi sự thấy, nên bản chất của tâm là một sự mở rộng bao la của tánh Không. Vì thiền là không thiền, hãy buông thả cho kinh nghiệm của mình tự do thoát khỏi mọi ngưng trụ. Vì đức hạnh là vô hành, nó chính là tánh bổn nhiên không tạo tác. Vì quả thì không bỏ mặc hay hoàn thành, nó là Pháp thân của Đại Lạc. Bốn câu này là lời từ trái tim ta. Ngược lại với chúng bạn không thể nào khám phá bản tánh của Ati Yoga.

Vào lúc chấm dứt của thời kỳ tương lai, sẽ có nhiều hành giả hư hỏng họ xem Pháp là chuyện mua bán. Vào thời đó, tất cả những ai tuân theo lời của ta, chớ từ bỏ thập thiện.

Dầu cho sự chứng ngộ của bạn đồng đẳng với sự chứng ngộ của chư Phật, hãy cúng dường Tam Bảo.

Dầu cho bạn chế phục được tâm mình, hãy hướng những mục tiêu sâu xa của bạn về Giáo Pháp. Dẫu cho bản tánh của Đại Toàn Thiện là tối thượng, chớ xem thường các giáo lý khác.

Dầu cho bạn thấu hiểu rằng Phật và chúng sanh là bình đẳng, hãy ôm trùm tất cả chúng sanh bằng tâm đại bi. Dầu cho các con đường và các địa thì vượt khỏi sự tu hành và hành trình, chớ từ bỏ sự tịnh hóa các che chướng ngăn ngại qua các hoạt động thuộc về Pháp. Dầu cho công đức là vượt khỏi sự thu gom, chớ cắt đứt các nguồn gốc của đức hạnh hữu vi.

Dầu cho tâm bạn thì vượt lên sống và chết, nhưng thân huyễn hóa này đang chết, thế nên hãy thực hành trong khi nhớ về cái chết. Dầu cho bạn kinh nghiệm pháp tánh tự do khỏi tư tưởng, hãy duy trì Bồ đề tâm. Dầu cho bạn đã đạt đến kết quả của Pháp thân, hãy giữ sự tương thông với thần bổn tôn.

Dầu cho Pháp thân là không ở chỗ nào khác, hãy tìm ra thật nghĩa. Dầu cho Phật tánh là không ở đâu khác, hãy hồi hướng mọi công đức bạn làm về giác ngộ vô thượng. Dầu cho bất kỳ thứ gì kinh nghiệm được chính là tánh Giác bổn nguyên, chớ để tâm bạn lạc vào sanh tử.

Dầu cho bản tánh của tâm bạn là Phật, hãy luôn luôn tôn thờ bổn tôn hay thầy bạn. Dầu cho bạn đã chứng ngộ bản tánh của Đại Toàn Thiện, chớ bỏ vị thần bổn tôn. Những người nào, thay vì làm như thế, lại nói những lời khoa trương một cách dại dột chỉ là làm hại cho Tam Bảo và sẽ không tìm được dầu một khoảnh khắc hạnh phúc.

Vị guru nói : Con người không nghĩ về cái chết. Đời người giống như một đống trấu hay một cái lông chim trên đèo núi. Tử thần đến thình lình như một trận tuyết lở hay một cơn bão. Phiền não giống như rơm bắt lửa. Cuộc đời bạn giảm dần như bóng mặt trời lặn.

Tất cả chúng sanh của ba cõi đều tự vướng mắc vào con rắn đen của sân do chính mình tự tạo. Họ tự đâm thủng mình bằng đôi sừng của con bò đỏ của tham do mình tự tạo. Họ tự làm tối tăm bằng bóng tối dày đặc của si do mình tạo lấy. Họ tự cột mình vào vách đá kiêu mạn do mình tạo ra. Họ tự xé rách nát mình với con chó sói tham lam do mình tạo lấy. Người ta không nhận rằng họ không thể trốn thoát năm nhiễm ô nguy hiểm của phiền não. Họ làm mọi thứ để kinh nghiệm những lạc thú của sanh tử của ngay đời này.

Đời này đi qua trong một phút giây ngắn ngủi, mà sanh tử thì vô cùng. Bạn sẽ làm gì trong đời sau ? Hơn nữa, sự dài ngắn của đời này thì không chắc chắn : thời gian chết thì không thể định được và giống như một tử tội bị đưa đến giàn xử tử, bạn đi đến gần cái chết trong từng bước chân.

Mọi chúng sanh đều vô thường và chết. Bạn đã từng nghe về những người đã chết trong quá khứ ? Bạn đã thấy họ hàng mình chết ? Bạn có nhận ra mình đang già ? Và rồi, thay vì thực hành giáo Pháp, bạn quên những buồn phiền quá khứ. Thay vì sợ khổ mai sau, bạn không biết đến sự khổ đau của các cõi thấp.

Bị săn đuổi bởi các hoàn cảnh thất thường, bị cột trói bằng sợi thừng của chấp trụ nhị nguyên, kiệt lực vì dòng sông tham ái, bị nhốt giam trong mạng lưới sanh tử, bị còng chặt chẽ vào nghiệp quả đã chín tới – ngay khi các tin tức của Pháp đến với bạn, bạn vẫn còn bám lấy các trò tiêu khiển và hờ hững. Có phải cái chết không xảy ra cho một người như bạn ? Ta thương xót cho mọi chúng sanh suy nghĩ như lối đó.

Vị guru nói : Khi giữ trong tâm sự thống khổ của cái chết, thì rõ ràng là mọi hoạt động đều là nguyên nhân của khổ, vậy hãy vứt chúng đi. Cắt đứt mọi dây trói, dầu là nhỏ nhất, và thiền định trong đơn độc về phương thuốc tánh Không. Không có bất cứ điều gì có thể giúp bạn vào lúc chết, thế nên hãy thực hành Pháp, vì đó là người đồng hành tốt nhất của bạn.

Thầy của bạn và Tam Bảo là sự hộ tống tốt nhất, thế nên hãy khẩn thiết quy y. Thực hành Pháp là cái giúp cho trạng thái tâm bạn tốt nhất. Hãy nhớ điều bạn đã nghe, vì Pháp là đáng tin cậy nhất.

Bất kể giáo lý nào bạn thực hành, hãy bỏ đi buồn ngủ, hôn trầm, lười lĩnh. Trái lại, hãy trang bị vũ khí chuyên cần. Bất kể giáo lý nào bạn đã hiểu, tự mình chớ lìa khỏi ý nghĩa của nó.

Padmasambhava nói : Hãy làm như vầy nếu bạn muốn thực hành chánh pháp ! Giữ lời dạy của thầy trong tâm. Chớ ý niệm hóa kinh nghiệm của bạn, vì nó chắc chắn làm cho bạn bị ràng buộc hay cáu kỉnh. Ngày và đêm, hãy nhìn vào tâm mình. Nếu dòng tâm thức có chứa một hạnh xấu nào, hãy từ bỏ nó từ sâu thẳm lòng mình và theo đuổi hạnh tốt.

Hơn nữa, khi bạn thấy người khác mắc phạm điều xấu, hãy có tâm bi với họ. Chắc chắn có thể là bạn cảm thấy thích hay ghét một vài đối tượng của giác quan. Hãy vứt nó đi. Khi cảm thấy dính kết với cái gì hấp dẫn hay ác cảm với cái gì ghê tởm, hãy hiểu rằng đấy là ảo giác của tâm bạn, chúng chỉ là huyễn hóa.
Khi bạn nghe những lời thích thú hay không thích thú, hãy hiểu chúng là tiếng vang trống không, như tiếng dội. Khi bạn gặp sự bất hạnh ngặt nghèo hay thống khổ, hãy hiểu đó là chuyện xảy ra tạm thời, một kinh nghiệm không thật. Hãy nhận ra rằng tự tánh vốn sẵn đủ chẳng bao giờ cách lìa bạn.

Có được thân người là cực kỳ khó, thế nên thật là ngu mê không hiểu biết Pháp một khi đã tìm được nó. Chỉ có Pháp mới cứu được bạn ; mọi thứ khác đều là sự lừa dối của thế gian.

Vị guru lại nói : Người với nghiệp thấp kém nhắm đến sự lớn lao và phù phiếm của thế giới này và hành động không nghĩ đến nghiệp quả. Sự thống khổ về sau sẽ kéo dài hơn là hiện tại, thế nên hãy từ ái và bi mẫn đối với chúng sanh ba cõi. Hãy thường trực tương thông với tâm giác của Bồ đề tâm. Hãy từ bỏ mười nghiệp bất thiện và nuôi dưỡng mười thiện nghiệp.

Chớ nhìn bất kỳ chúng sanh nào như kẻ thù của mình : làm thế chỉ là vọng tưởng của tâm bạn. Chớ tìm kiếm thức ăn và nước uống bằng nói dối và lừa lọc. Dầu bụng bạn có sẽ đầy trong kiếp này, nó sẽ rất nặng nề trong kiếp tới.

Chớ lao vào làm ăn và lợi lộc : nói chung, nó chỉ là trò tiêu khiển giết thời giờ cho cả bạn và người khác. Chớ xem sự giàu có là quan trọng, vì nó là kẻ thù của thiền định và thực hành giáo pháp.

Chỉ chú ý vào thức ăn là một nguyên nhân phóng tâm : hãy giữ thực phẩm cho hành thiền chỉ đủ để duy trì thân mạng. Khi bạn sống tách biệt, tâm bạn cũng sẽ như vậy. Bỏ đi sự nói chuyện vô ích và nói ít thôi. Nếu bạn làm tổn hại tình cảm người khác, cả hai đều tạo nghiệp xấu.

Tổng quát, mọi chúng sanh không trừ ai đều là cha mẹ của bạn, thế nên đừng cho phép mình bị bám dính hay ghét bỏ. Hãy duy trì một tâm trạng bình an. Bỏ đi giận dữ và lời thô bạo ; thay vào đó nói với một khuôn mặt tươi cười.

Lòng tốt của cha mẹ không thể đáp đền dầu bạn có hy sinh đời mình, thế nên hãy tôn trọng trong tư tưởng, lời nói và hành vi. Đức hạnh và cái xấu đều đến từ đối tượng được thấy biết và các mối liên lạc, thế nên chớ giữ mối liên lạc với người làm ác. Chớ ở một nơi mà người ta hiềm khích với bạn và nó thúc đẩy thêm giận dữ và tham muốn. Nếu bạn làm thế, nó chỉ tăng thêm phiền não trong bạn và trong những người khác.

Hãy ở chỗ nào mà tâm trạng bạn thoải mái và sự thực hành Pháp của bạn tiến bộ một cách tự động. Cư trú chỗ nào có sự ham thích hay ác cảm nhiều chỉ làm loạn tâm. Hãy ở nơi mà sự thực hành Pháp tiến triển.

Nếu bạn kiêu mạn, công đức bạn bị giảm, thế nên hãy bỏ đi kiêu căng, và ngã mạn. Nếu bạn trở nên chán nản và thất vọng, hãy tự an ủi mình và tự làm cố vấn cho mình. Hãy dấn thân trở lại vào con đường.

Vị guru nói : Nếu bạn muốn thật sự thực hành Pháp, hãy làm điều đức hạnh, dầu chỉ là việc nhỏ nhất. Từ bỏ ác hạnh dẫu chỉ là điều nhỏ nhất. Đại dương bao la được làm từ những giọt nước ; ngay cả núi Tu Di và bốn châu lục cũng được tạo ra từ những hạt vi trần nhỏ nhoi.

Bất kể bạn cho đi thứ gì dầu nhỏ như một hạt mè ; nếu bạn cho với tâm bi và Bồ đề tâm thì bạn đã thành tựu trăm ngàn lần phước đức. Nếu bạn cho mà không có quyết định của Bồ đề tâm, phước đức của bạn sẽ giảm đi, dầu cho cả ngựa hay lâu đài.

Chớ dung dưỡng những người bạn tâng bốc và không thật lòng. Hãy chân thành trong tư tưởng và việc làm. Nền tảng của sự thực hành Pháp đặt nơi samaya, đại bi và Bồ đề tâm thanh tịnh. Các samaya của Mật thừa, các điều luật của Bồ tát và các giới luật của Thanh Văn đều bao hàm trong ấy.

Vị guru nói : Hãy tiêu dùng thực phẩm và của cải vào việc đức hạnh. Con người nói : “Cần của cải cho lúc chết.” Nhưng khi bạn bị tra khảo bởi bệnh tật, bạn không thể chia phần sự đau đớn bằng tiền bạc, dầu có đông người giúp đỡ bạn, và cơn đau của bạn không lớn hơn nếu bạn không có gì cả.

Vào lúc đó chẳng khác nhau gì hoặc là bạn có người trợ giúp, người hầu, bà con và của cải hay không. Tất cả đều là nguyên nhân của chấp níu. Chấp bám trói buộc bạn, dầu là chấp bám vào hóa thần hay vào Pháp. Sự dính bám của người giàu vào trăm, ngàn lượng vàng và sự dính bám của người nghèo vào kim chỉ của nó đều trói buộc như nhau. Hãy quăng bỏ sự dính bám nó ngăn chặn cánh cửa giải thoát.

Khi bạn chết, cũng như nhau hoặc là thân thể bạn được hỏa thiêu bằng trầm hương hay để cho chim và chó ăn ở nơi không người. Bạn ra đi, cùng với nghiệp tốt hay xấu đã mắc phải khi còn sống. Danh thơm hay tiếng xấu, kho lẫm và giàu có, quý nhân giúp đỡ và người hầu hạ đều bỏ lại phía sau.

Vào ngày bạn chết, bạn sẽ cần một vị thầy cao cả, thế nên hãy kiếm một vị thầy. Không có thầy, bạn không thể hiểu biết giác ngộ, thế nên hãy theo một vị thầy có phẩm chất và hoàn thành bất cứ thứ gì ngài yêu cầu.

Vị guru lại nói : Nghe đây, các người may mắn của các thời sau tuân theo lời dạy của Padmakara ! Trước tiên, khi bước vào con đường, bạn phải chuyên cần. Vì rất lâu trong quá khứ, bạn đã mải mê trong kinh nghiệm mê lầm ; từ vô số kiếp, bất kỳ điều gì bạn làm đều lạc trong mê vọng. Hãy cắt đứt cái mê vọng này ngay khi bạn có được một thân người.

Tất cả chúng sanh đều bị che ám bởi bóng tối của căn bản vô minh. Khi kinh nghiệm danh tướng nhị nguyên khởi lên, nó được làm vững chắc thêm bởi sự trụ tướng phân biệt. Dầu bất cứ điều gì họ làm, họ đều mắc vào các việc làm đáng thương. Nhà ngục mê huyễn này của sáu loại chúng sanh thật là siết kín !

Cực kỳ khó khăn để có được một thân người. Có được thân người, chỉ có ít người nghe được danh hiệu Phật. Sau khi nghe được, rất ít người có được niềm tin. Và ngay dù có được niềm tin, sau khi đi vào giáo pháp, nhiều người giống như những con thú ương ngạnh phá vỡ các lời thệ nguyện và giới luật rồi sa đọa. Thấy các chúng sanh đó, các Bồ tát thất vọng, và ta, Padmakara, buồn rầu.

Tsogyal, ở một nơi mà giáo lý của Phật hiện diện, ngay người có được một thân người hoàn hảo là đã từng có vô số đời tích chứa công đức vô biên, nhưng họ vẫn còn đầy đủ nghiệp quả của sáu loài.

Vài người trong số đó, nghe được những phẩm tính của Phật, vẫn bốc cháy bởi tham đắm và giận dữ, lo sợ rằng người khác cũng sẽ quan tâm đến. Đã thành tín đồ theo Phật pháp, họ lo sợ rằng sanh tử kia sẽ cạn kiệt. Loại tham đắm và giận dữ này là chủng tử cho địa ngục. Trong các đời tới, họ sanh vào các nơi chốn chẳng bao giờ nghe đến danh Tam Bảo.

Các người đang sống hay sẽ xuất hiện trong tương lai và người nghe lời của Padmakara, đây là điều bạn nên làm : Để cho có được lợi lạc khi đã được thân người, bạn cần giáo pháp cao cả. Người bám níu và khát khao uy tín và danh vọng hơn là thực hành Pháp sẽ thuộc về mức độ cao nhất ở trong loài thú.

Nếu bạn nghi ngờ điều này thì hãy suy nghĩ kỹ càng : lo cho thân này được tiện nghi thoải mái, lo cho nó được trường tồn, lo người khác thắng mình, lo cho người thân được lợi thế, lo người thù ghét mình trả đũa – những thứ ấy mọi người thế gian đều có đủ. Chim trên trời, chuột trong hang, kiến sống dưới lỗ tất cả đều có giống như vậy. Tất cả chúng sanh đều có như vậy.

Có ít kẻ thù hơn những người khác chỉ là mức độ cao nhất trong loài vật. Để thực hành Pháp bạn phải vất bỏ sự quyến luyến vào một xứ sở. Quê hương bạn là nơi sanh quán của dính bám và sân hận.

Hãy giữ thực phẩm và của cải đủ dùng để ăn và mang đi. Làm như thế cho đến khi bạn vất bỏ được đắm níu vào thức ăn và đồ mặc. Chớ giữ tài sản nó sẽ trở thành một sự phóng tâm. Hãy tìm một nơi người hoang dã không lui tới. Giữ thực phẩm đủ duy trì mạng sống, sống nơi cô đơn ngoài mọi ràng buộc bè bạn.

Trước hết, làm trong sạch các nghiệp xấu. Tiếp theo, nhìn vào trong tâm bạn ! Sự kiện rằng trạng thái bổn nhiên của tâm không kéo dài mà phóng xuất các niệm là bằng chứng nó là trống không. Sự xảy ra không ngừng các niệm tưởng lưu xuất chính là cái sáng chiếu thấu biết của nó. Chớ theo đuổi sự lưu xuất của các niệm. Chớ bám vào phương diện chiếu sáng của nó. Bằng cách buông xả chú tâm và nhận biết yếu tính của nó, tánh Giác bổn nhiên mọc lên soi tỏ như là Pháp thân.

Thỉnh thoảng, làm những thực hành để tịnh hóa các chướng ngại và làm trợ giúp nâng cao. Nếu bạn có thể theo chúc thư của ta theo lối này, bạn sẽ đạt đến trạng thái Vajra-dhara trong chỉ đời này.

Tsogyal, có người nào đó với bề ngoài nâu sậm và dữ tợn sẽ xuất hiện gần thời chót của các giáo lý của Phật Thích Ca. Để cho người đó, hãy cất dấu các lời này của ta trong một cái tráp bằng da tê giác màu nâu.

Như thế ngài đã nói.

Chúc thư của đạo sư Liên Hoa Sanh xứ Uddiyana có tên là Đầu Nhọn Hạt Ngọc hoàn thành ở đây.

Nó được khám phá bởi Rigdzin Gošdem, vị Vidyadhara với lông chim kên kên, từ kho tàng màu trắng phương đông.

Samaya, ấn, ấn.
Mong là tốt lành.
Mong là tốt lành.
Mong là tốt lành.

SARVA MANGALAM.