Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Hai

30 Tháng Tám 20164:01 CH(Xem: 2153)
Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Hai

PHẦN BA
NỀN TẢNG CỦA ĐẠO LỘ

NGÀY MƯỜI HAI

(Kyabje Pabongka Rinpoche kể câu chuyện ngắn để khởi động lực cho chúng tôi, trích dẫn từ tác phẩm của đức Tsongkapa:)

Tái sinh làm thân người 
Là điều rất khó được. 
Đời này không kéo dài. 
Tâm thường quán như vậy 
Và lơ chuyện thế gian…

(Sau khi nhắc lại những tiêu đề đã giảng, ngài ôn lại tài liệu về nỗi khổ ở các đọa xứ, một phần của chương “Nghĩ Về Loại Vui Hay Khổ Bạn Sẽ Gặp Trong Tái Sinh Sau Ở Một Trong Hai Nẻo Luân Hồi.”)

Những điều ấy làm cho bạn muốn rút tỉa tinh hoa của đời tái sinh may mắn này. Khi nghĩ đến những thống khổ ở đọa xứ, bạn sẽ kinh hoàng và mong tìm chốn nương thân, cũng như tìm cách nào để được sung sướng trong đời sau. Chỗ nương mà bạn tìm được để che chở bạn khỏi đọa, chính là bậc thầy và Tam bảo. Cách để được sung sướng đời sau là phát khởi niềm tin và luật nhân quả - lòng tin này là gốc rễ của mọi sức khỏe và hạnh phúc - và thay đổi lối hành xử cho phù hợp với luật ấy.

2.1.2. DẠY CÁCH ĐỂ ĐƯỢC HẠNH PHÚC ĐỜI SAU

Có hai tiêu đề phụ: (1) quy y, cánh cửa thiêng để đi vào nền giáo lý; (2) phát khởi niềm tin vào luật nhân quả - gốc rễ của mọi sức khỏe và hạnh phúc.

a. Quy y: cánh cửa thiêng để đi vào giáo lý

Có năm đoạn: (1) nguyên nhân sự quy y; (2) nương tựa vào những gì; (3) tiêu chuẩn của chỗ nương đầy đủ; (4) lợi lạc của quy y; (5) lời khuyên sau khi đã quy y.

a-1. Nguyên nhân quy y

Sự quy y chính đáng hay không là do trong dòng tâm thức người ta có nguyên nhân chính đáng để quy y hay không. Những nguyên nhân ấy được bàn trong tác phẩm của Lozang Choekyi Gyaeltsaen nhan đề Tiếng Cười Du Dương Của Lozang Dragpa - Trả Lời Cho Những Câu Hỏi Về Lòng Vị Tha Tinh Khiết Nhất:

Bản chất chân thực của quy y:

Quy y vì ta rất sợ chính ta

Và vì ta biết

Tam bảo có năng lực che chở

Đây là điều mà ta gọi Đấng Toàn Tri.

Nói cách khác ta cần cả hai nguyên nhân: vì sợ khổ sinh tử và các đọa xứ; và niềm tin rằng, một khi ta đã đặt niềm tin vào Tam Bảo, thì Tam Bảo sẽ có năng lực che chở cho ta thoát khỏi những nỗi kinh hoàng ấy. Nếu chúng ta không có hai nguyên nhân ấy, thì không quy y được một cách thuần túy. Nếu chúng ta không sợ khổ thì ta không nghĩ đến chuyện tìm một chỗ nương. Nếu chúng ta không tin tưởng vào cái điều mà chúng ta đã tìm đến để nương cậy (quy y) thì ta không nhớ đến sự tin cậy của ta vào chỗ nương ấy - ta chỉ có thể nhắc lại bằng lời nói suông mà tim ta không đặt hết tin tưởng vào đấy. Mỗi phạm vi trong ba phạm vi đều chứa lý do trước nhất của nó, trong sự quy y. Với Phạm Vi Nhỏ thì đó là: Sợ nỗi khổ luân hồi trong sinh tử. Với Phạm Vi Lớn là: lòng từ bi bao la làm cho ta không thể chịu nổi thấy kẻ khác đau khổ trong sinh tử. Trong phần đặc biệt này của Lam-rim, lý do quy y là nỗi sợ hãi các đọa xứ.

a-2. Nương cậy vào cái gì.

Có hai phần: (1) nhận ra những chỗ đáng nương cậy; (2) lý do tại sao đấy là những nơi đáng nương cậy.

a-2.1. Nhận ra những chỗ đáng nương cậy

Tác phẩm Một Trăm Năm Mươi Bài Tụng nói:

Hãy nương tựa vào một người

Tuyệt đối không lầm lỗi,

Không mù quáng, và nơi người ấy

Có đủ mọi khía cạnh của thiện đức.

Khi bạn nghĩ về điều này.

Hãy tôn trọng người nào ca tụng Ngài

Và an ttú trong giáo lý của Ngài giảng dạy.

Nói cách khác, khi bạn nghĩ làm sao để phân biệt cái gì đáng nương cậy cái gì không, thì bạn sẽ muốn nương cậy Phật, người giảng dạy Pháp, nương cậy Pháp ấy, và nương cậy Tăng, những người sống theo Pháp. Phàm phu tìm chỗ nương là những sinh vật thế gian, như quỷ thần, rồng v.v… Những người không Phật tử tìm chỗ nương là Phạm Vương, Đế Thích v.v… nhưng chính những sinh vật này cũng đang ở trong sinh tử, bởi thế không phải là chỗ quy y xứng đáng.

Như vậy ai là chỗ quy y xứng đáng? Tác phẩm Bảy mươi Bài Kệ Quy Y nói:

Phật, Pháp và Tăng

Là ba chỗ quy y cho người cầu giải thoát.

Nghĩa là, chỗ nương cậy duy nhất là Tam Bảo: Phật, Pháp, Tăng. Nhưng nếu ta không nhận ra cho đúng, thì ta sẽ không quy y một cách thuần tịnh. Chúng ta không có tinh thần phê phán, bởi thế tự hào là người biết Đại thừa, mà khi gặp chuyện rắc rối,hay có việc quan trọng, ta lại đi tìm trú ẩn trong những chỗ nương thế tục, như quỷ thần, thổ thần, v.v… Chúng ta làm lễ tịnh hóa bằng khói hoặc đeo bùa, hoặc chạy bổ đến bất cứ một vị thần linh nào. Mọi hoạt động bên ngoài này chứng tỏ tình trạng nội tâm ta. Phật tử thì phải tin tưởng Tam Bảo. Chúng ta có thể đã thực thụ làm người xuất gia, được một tu viện thâu nhận, thế mà ta không đủ tư cách làm Phật tử chứ đừng nói làm một người hiểu biết Đại thừa.

Trời rồng, v.v…, không có ba đức là toàn tri, tình yêu và năng lực. Những chúng sinh này cón không thể biết mình lúc nào chết. Thông thường chúng được liệt vào hạn súc sinh hay ngạ quỷ, sự tái sinh của chúng thấp hơn người. Không có cách nào tệ hơn là tìm cách nương tựa vào chúng. Hoàn toàn không thể che chở ta thoát khỏi sinh tử và nỗi khổ ở đọa xứ, hay giúp đỡ tạm thời cho chúng ta, chúng còn làm hại chúng ta là đằng khác. Có câu chuyện chứng minh như sau. Một người bị bướu cổ đi đến mọt nơi có quỷ ăn thịt sống thường lai vãng. Những quỷ này có nợ chúng sinh khác một ít thịt, nên chúng lấy cục bướu của người này. Một người khác có bướu cũng đến cầu xin quy y với hy vọng khỏi bướu, nhưng những quỷ này không phá hủy cục bướu mà lại làm cho lớn hơn. Cũng tương tự như vậy, quỷ thần ở thế gian đôi khi giúp người nhưng cũng lắm lúc hại người; nên không bao giờ có thể tin cậy được.

Những người không Phật tử thường quy y cả Đế Thiên Đế Thích, thần Shiva, Thần Ca lâu la, Khẩn na la, v.v…; nhưng thần này có khá hơn nhưng cũng chưa giải thoát khỏi sinh tử và đọa xứ nên không thể che chở người khác. Nhưng đức Phật bậc thầy về giáo lý thì không như vậy. Tác phẩm Ca Tụng Những Người Đáng Ca Tụng nói:

Ngài tuyên bố: “Ta là bạn

Của những người không ai che chở”.

Lòng bi mẫn bao la của Ngài bao trùm tất cả chúng sinh

Hỡi đấng đạo sư, Ngài có lòng thương rộng lớn,

Ngài có từ bi và Ngài hành động do từ bi thúc đẩy.

Ngài tinh tấn không lười biếng

Còn ai có thể được như Ngài?

Ngài là đấng che chở khắp tất cả hữu tình;

Ngài là quyến thuộc từ bi đối với tất cả.

Trong một chương khác tôi sẽ bàn đến từng đức tính của Phật. Theo chương ấy Ngài có 3 đức tính vĩ đại là toàn trí, từ bi và năng lực thần thông. Những những quỷ thần, ma vương, không có dù chỉ một phần những đức tính này, mà tất cả những đức tính của những chỗ quy y trên thế gian như trời rồng v.v…, cộng lại cũng không thể sánh bằng những đức của một vị Dự Lưu thuộc Thanh Văn đạo.

Đức Phật là chỗ nương tuyệt đỉnh bởi vì Ngài đã đạt được hai thứ lợi lạc là tự lợi và lợi tha đến chỗ toàn hảo. Đấng đạo sư chúng ta đã trừ khử được tất cả lỗi lầm và có được tất cả đức tính.

Nói một cách giản dị thì Phật bảo tuyệt đối là hai pháp thân (thân chân lý); còn Phật bảo là tương đối là hai thân vật lý (tức là báo thân và hóa thân).

Pháp bảo là như sau. Pháp bảo tuyệt đối là bất cứ gì thuộc về diệt đế và đạo đế - đây là hai sự thật có khả năng tịnh hóa (ngược lại với hai sự thật khổ và tập) trong dòng tâm thức của những bậc thánh. Một phần của diệt đế có nghĩa là thoát khỏi hay chấm dứt một vài chướng ngại đặc biệt, để cho một đạo lộ đặc biệt nào đó không bị bế tắc. Đạo đế là phương tiện của các bậc thánh để hoàn thành những diệt đế này và những thực chứng trong dòng tâm thức của họ. Những người chưa học những tác phẩm cổ điển và suy nghĩ ở tầng thấp kém có thể xem ba phạm vi của Lam-rim cũng gần như pháp bảo mật tuyệt đối.

Thông thường mười hai thành phần của kinh điển được xem là Pháp Bảo.

Tăng bảo là như sau: bảo châu tối thượng về tăng là những bậc thánh có bất cứ giải thoát nào trong 8 giải thoát.

Một nhóm gồm 4 phàm phu đã thọ và giữ cụ túc giới được xem là tăng bảo. Nếu chúng ta giúp đỡ hay làm hại những người này ta sẽ tạo ra những quả báo thuộc phước hành hoặc phi phước hành đối với tăng.

Ta không cần cả ba chỗ nương này để được che chở khỏi vài loại hiểm nguy; một trong ba ngôi báu này cũng đủ che chở. Có lần một người đàn ông ở Dokham khấn cầu đức Quan Âm khi đang bị một con cọp lôi đi. Con cọp liền thả y ra và y được giải thoát khỏi hiểm nạn.

Sau khi Phú Lâu Na chứng quả A la hán có một vài người bà con và thương gia đi biển để tìm trầm, nhưng chiếc thuyền của họ khởi sự tan rã. Những người bà con cầu khẩn đức A la hán Phú Lâu Na và thoát khỏi chết chìm.

Vua của loài rồng phun một cơn mưa khí giới trên vua Ba Tư Nặc, Mục Kiền Liên liền hóa chúng thành những mưa hoa.

Tuy nhiên cả ba ngôi báu đều cần thiết để che chở chúng ta hoàn toàn thoát khỏi sinh tử và các đọa xứ. Muốn chữa một con bệnh khỏi chứng bệnh trầm trọng thì cần phải có 3 điều: y sĩ, thuốc và người điều dưỡng. Cũng thế muốn thoát khỏi cơn bệnh khổ sinh tử và các đọa xứ, mối nguy của Niết bàn tiểu thừa, hay thoát khỏi luân hồi, người ta đương nhiên phải cần tất cả: Đức Phật bậc thầy chỉ dạy con đường đưa đến giải thoát, như một y sĩ; Pháp con đường giải thoát thuộc ba phạm vi giống như thuốc, Tăng những người thực hành pháp giống như người điều dưỡng. Vậy ba điều này là những nơi để quy y.

a-2.2. Những lý do tại sao đấy là những chỗ nương xứng đáng.

Lý do chính là những đức tính của Phật bảo. Có 4 lý do.

a-2.2.1. Lý do thứ nhất.

Đức Phật đã giải thoát khỏi nguy hiểm. Những người chết đuối hay bị sa vào đống cát lở không thể cứu lẫn nhau. Nếu chư Phật - những đấng cứu thế mà chúng ta quy y - chưa thoát hiểm, thì các ngài không thể giải thoát kẻ khác.

Đức Phật đấng đạo sư chúng ta đã giải thoát khỏi tất cả những hiểm nguy. Đề bà đạt đa có lần muốn ám sát Phật đã sử dụng một cái máy để tung đá vào Ngài nhưng không thể làm hại được Ngài. Tại thành Vương xá, A xà thế thả ra một con voi say. Tất cả các A la hán khác đều sợ hãi bay lên không nhưng Đức Phật không sợ và đã hàng phục được con voi. Một gia chủ tên là Shrìgupta đặt một kế hoạch ném Phật vào hầm lửa nhưng Phật đã không bị đốt cháy. Shrìgupta còn đầu độc thức ăn của Phật nhưng cũng không thành công.

(Sau khi Pabongka Rinpoche kể chi tiết chuyện này, ngài tiếp.)

Shrìgupta, vợ ông ta và những người khác đã xem đấng Đạo sư như một người thường, có thể đem hầm lửa hay độc dược mà dọa. Người ta dễ so sánh chuyện này với chương nói về Thờ Kính Bậc Thầy trong đó nói rằng ta không thể chấp tướng bề ngoài. Đức Phật đã giải thoát mọi nguy hiểm; điều ấy chứng tỏ rằng Ngài đã từ bỏ hai loại chướng ngại cùng với những bản năng của chúng.

a-2.2.2. Lý do thứ hai.

Ngài thiện xảo về phương tiện giải thoát chúng ta khỏi hiểm nguy. Nếu Ngài giải thoát khỏi mọi nguy hiểm riêng tư mà không đủ thiện xảo để che chở những người khác, thì Ngài sẽ không làm gì được, cũng như người mẹ cụt tay không thể cứu đứa con đang chết chìm. Nhưng đức Thế Tôn rất thiện xảo trong cách hàng phục đệ tử. Ngài giải thoát cho những kẻ trọng tội như Chuỗi Ngón tay (Angulimala) người bị đốt cháy bởi ngọn lửa thù hận; Pramudita, vua của các nhạc thần; Ưu lâu tần loa Ca Diếp người bị ngọn lửa kiêu căng thiêu đốt; những sinh vật hùng mạnh như Dạ xoa nữ Hariti và Dạ xoa Atavaca; những người có năng khiếu chậm lụt như Châu lợi bàn đà già u mê ám chướng; những người già và ít công đức như gia chủ Shrijata; những người nhiều dục vọng như Nan đà. Thế đấy là sự thiện xảo của đức Phật trong cách hàng phục đệ tử.

 a-2.2.3. Lý do thứ ba.

Ngài đối xử với tất cả bằng tâm bi mẫn không thân sơ. Nếu không như vậy thì Ngài chỉ giúp đỡ những người thân, không giúp những kẻ thù. Nhưng Đức Phật không có thân sơ với bất cứ ai. Không có khác biệt nào trong sự giúp đỡ và thân tình của Ngài đối với Đề bà đạt đa một kẻ thù và La hầu la con ruột của Ngài. Đề bà đạt đa ăn một lượng bơ rất nhiều để cạnh tranh với Phật, nhưng ông ta không thể tiêu hóa nên bị ốm nặng. Đức Phật đã cứu Đề bà đạt đa khỏi cơn bệnh bằng cách thề rằng Ngài thương Đề bà đạt đa và La hầu la bình đẳng.

a-2.2.4. Lý do thứ tư.

Đức Phật làm việc vì tất cả chúng sinh, dù chúng có giúp gì Ngài hay không. Chúng ta thì không thế: chúng ta còn không thèm chuyện trò với những người đã bị chà đạp, nói vài lời từ mẫn với họ, huống hồ là giúp đỡ. Chúng ta chỉ làm việc vì những người đã giúp chúng ta chứ không vì những người không giúp chúng ta; chúng ta không che chở những người cùng quẫn. Đức Phật thì không thế; Ngài làm việc vì tất cả mọi người, dù họ có giúp Ngài hay không. Ngài săn sóc kể ốm đau. Chẳng hạn, có lần Ngài đã rửa thân thể một tỳ kheo ốm nặng đến nỗi thân thể ông đầy cả phân tiểu do chính ông bài tiết. Ngài săn sóc cho những người bà la môn xấu xí có mười tám vẻ xấu và là một kẻ bị bỏ rơi ngay cả trong đám ăn mày. Đức Phật che chở và săn sóc cho người hất hạnh như con gái xấu xí dị hình của vua Ba tư nặc (Prasenaji) tên Vajrì có mặt như mặt heo, hay con trai của gia chủ Mahàmati tên Svàgata (Không được đón chào), người quá vô phúc đến nỗi sinh ra thì gia đình mất dần hết tất cả tài sản. Ông thành một kẻ ăn xin, nhưng gia nhập vào đám ăn xin nào là đám ấy không xin được chút gì để ăn. Ông bị đặt tên lại là “Không được đón chào.” Bất kỳ đi đâu không ai cho ông thứ gì, bởi thế ngay cả trong đám ăn xin ông cũng là kẻ bị ruồng bỏ. Dù ông đi hành hương người ta cũng không cho ông trở về.

(Kyabje Pabongka Rinpoche kể chi tiết đức Phật che chở ông ta như thế nào.)

Vậy đức Phật có tâm đại bi thương xót tất cả, không có kẻ thân người sơ. Lại nữa, Ngài còn làm việc cho tất cả hữu tình dù có giúp đỡ Ngài hay không giúp. Nhưng Ngài đặc biệt thương những kẻ khốn cùng. Nếu Ngài không thương, không có lòng bi mẫn lớn thì dù có xin cầu Ngài cũng không che chở. Nhưng đức Phật có những thiện đức như thế, nên chắc chắn Ngài ban cho chúng sinh sự che chở dù chúng sinh không yêu cầu.

(Sau khi bàn sơ qua những lý do để quy y và quy y với ai, Kyabje Pabongka Rinpoche tiếp tục).

a-3. Thế nào để biết ta đã chân thật quy y.

Có bốn mục nhỏ.

a-3.1. Biết rõ những thiện đức của chỗ ta nương cậy.

Ta phải quy y bằng cách biết rõ những thiện đức của từng ngôi trong ba ngôi báu. Vậy có ba phần: (1) những thiện đức của từng ngôi trong ba ngôi báu. Vậy có ba phần: (1) những thiện đức của Phật; (2) những thiện đức của Pháp; 93) những thiện đức của Tăng.

a-3.1.1. Những thiện đức của Phật.

Đức Phật có bốn loại thiện đức: (1) về thân thể; (2) về lời; (3) về ý; (4) về hành động.

(i) Những thiện đức của thân Phật.

Quyển Trang Hoàng Cho Thực Chứng nói: “Tay chân Ngài đều có hình những bánh xe, lòng bàn chân bằng phẳng như ngực rùa…” Nghĩa là, thân thể Ngài được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng tốt. Kinh ấy cũng nói đến những móng tay màu đồng của đức Mâu ni…” Nghĩa là Ngài còn được trang hoàng bằng tám mươi tướng phụ.

“Tướng” nghĩa là Ngài có dòng tâm thức của một bậc đại nhân. “Tướng phụ” làloại đức tính Ngài có bên trong. Thật rất ích lợi nếu ta nghĩ về những đức tự nhiên của các tướng hảo và tướng phụ, những đức của nguyên nhân các tướng ấy, vân vân. Quyển Tràng Hoa Báu của Long Thụ nói rằng nếu ta cộng lại tất cả công đức trong đời của những bậc Duyên giác và Vô học Thanh văn, Chuyển luân vương, vân vân, thì tất cả những đức ấy cũng không phát sinh được một lỗ chân lông của một vị Phật. Tất cả công đức cần có để phát sinh hết thảy lỗ chân lông Phật, nhân lên trăm lần, mới sinh được một trong ba mươi hai tướng hảo. Những công đức cần có để phát sinh ba mươi (trong số 32) tướng nhân lên ngàn lần, mới sinh được tướng bạch hào (sợi lông xoán giữa hai hàng lông mày của Phật). Công đức cần có để sinh tướng lông trắng này, nhân lên trăm lần, mới sinh được tướng Ushnisha (nhục kế). Công đức để sinh tướng hảo cuối cùng này, nhân lên gấp mười lũy thừa 14, sẽ được tiếng Phạm âm của Phật. Lại nữa, mỗi phần trên thân thể của một đức Như Lai, các tướng tốt và tướng phụ, đều là một bậc thầy dạy Pháp, và đều làm được công việc của ý giác ngộ. Ngay cả tướng nhục kế của Ngài, những lỗ chân lông của Ngài cũng đều làm công việc của ý giác ngộ và bởi thế đều nhận chân được cả hai khía cạnh tương đối và tuyệt đối của mọi cái khả tri.

Tôi đã theo truyền thống của những bậc thầy thuộc hệ phái Lam-rim trong quá khứ khi giảng thiện đức của thân giác ngộ theo ba dòng của một bài kệ của Tsongkapa, đề cập thân, lời, ý:

Thân thể sinh ra do mười triệu đức tính tuyệt hảo

Lời nói thỏa mãn hy vọng của vô lượng hữu tình,

Ý thấy được như thật tất cả pháp khả tri:

Con kính lễ tối thượng trong dòng họ Thích Ca.

Bất cứ gì được thân Ngài thẩm thấu thì cũng thấy được bởi lời và ý của Ngài. Do vậy, “Tất cả cõi Phật hiện thân Ngài và thân Ngài trong tất cả cõi Phật.” Đấy là những huyền bí bất khả tư nghì của thân giác ngộ. Một bản kinh nói: “Bất cứ cái gì mà trí bản giác của Ngài thấm đến, thì thân thể Ngài cũng đến.” Mỗi khi ta thấy tướng nhục kế trên đỉnh Phật thì ta chỉ thấy cao bốn tấc Anh, nhưng khi Bồ tát Vegadhàrin muốn đo, ngài phải dùng thần thông lên cao vô lượng thế giới hệ mà vẫn không trông thấy được đỉnh nhục kế của đức Như Lai, và ngài quá mệt không thể hoàn tất việc đo đạc. Việc này được nói trong Kinnh Về Những Việc Bất Khả Tư Nghì.

Y phục của Phật thường cách thân thể của Ngài một khoảng cách bốn tấc, nhưng nhìn từ ngoài thì vẫn theo hình dáng của thân Ngài. Chân Ngài bước không chạm mặt đất mà vẫn để lại dấu chân Ngài đi qua cảm thấy được phúc lạc trong bảy ngày, và khi chết được sinh trên cõi trời. Tác phẩm “Xưng Tán Bằng Ẩn Dụ” nói: 

Thân Ngài được trang hoàng bằng tướng hảo

Tuyệt đẹp, làm cam lồ cho những con mắt nhìn,

Như một bầu trời không mây

Được trang hoàng với những chòm tinh tú.

Hỡi đấng Mâu Ni, Ngài là sắc vàng ròng

Bao phủ một cách kỳ diệu trong lớp y phục

Như một đỉnh núi vàng

Vươn lên trên bờ những áng mây.

Hởi đấng Che chở thế gian,

Ngài không trang sức ngọc ngà

Mà gương mặt còn hơn cả

Vừng trăng rằm sáng chói

Trên nền trời không mây,

Như một đóa sen nở ra dưới ánh mặt trời.

Những đệ tử như bầy ong dạn dĩ bay đến.

Gương ánh sáng như vàng ròng của Ngài

Thật đẹp với hai hàng răng trắng

Như một dãy núi bằng vàng ròng

Tắm dưới ánh trăng mùa thu.

Ôi hỡi đấng Ứng Cúng

Bàn tay phải của Ngài

Được trang sức bằng dấu luân xa

Đem lại can đảm cho những người

Sợ hãi vì bánh xe sanh tử

Hỡi đấng Mâu ni, mỗi khi Ngài cất bước

Thì hai bàn chân như nở những đóa sen

Để lại những đường nét trên mặt đất.

Ôi đấng như Hoa Sen, Ngài thực đẹp làm sao!

Hãy nhớ lại những đức ấy. Nếu cần nhiều chi tiết hơn, bạn phải tham khảo tác phẩm Trang Hoàng Cho Thực Chứng cùng các kinh khác.

(ii) Những thiện dức của lời Ngài

Lời Ngài có sáu mươi vẻ khác nhau; một mật điển nói đến những đặc điểm căn bản là: “Mặc dù Ngài chỉ nói một chuyện, mà trong đám đông mỗi người hiểu theo hoàn cảnh riêng của mình. “Tsongkapa, hiện thân của Văn Thù, nói trong tác phẩm Những Bài Thơ Về Con Người Chân Thật:

Nếu tất cả hữu tình thế gian

Đồng loạt xin giải đáp nghi ngờ

Ngài có thể hiện trước tất cả chúng

Đồng lúc, với cùng một lời nói

Sử dụng cùng một thân thể ấy,

Giải quyết tất cả quan niệm sai lầm của chúng.

Nghĩa là nếu nhiều hữu tình khác nhau hỏi đức Như Lai đồng thời nhiều câu hỏi, Ngài có thể thốt một lời duy nhất mà trả lời tất cả những câu hỏi ấy bằng chính ngữ ngôn của từng người và hợp với trình độ từng người. Đức Phật dạy ba loại Bát nhã khác nhau, kinh dài, kinh trung bình, và kinh ngắn, đồng một lúc. Do đó có ba kinh Bát nhã vì các trình độ của đệ tử không đồng.

Lại nữa, lời Ngài dù cách xa mấy người ta cũng nghe được. Kinh nói về Những Việc Bất Khả Tư Nghì nói rằng Mục Kiền Liên dùng thần thông đi qua nhiều cõi Phật để đo lường sức bay xa của lời Phật, nhưng dù đi xa đến đâu ngài cũng nghe được lời Phật nói.

Lời Ngài còn nhiều đức nữa, như trong Một Trăm Năm Mươi Bài Tán Phật nói:

Gương mặt Ngài thật đẹp;

Giọng nói Ngài như cam lồ

Nhỏ xuống từ mặt trăng.

Lời Ngài như đám mây đem mưa xuống

Để rửa sạch bụi bặm tham ái,

Vứt bỏ con rắn hận thù

Như thần điểu garuda; chinh phục được

Những tia nắng ngu dốt

Như một cái lọng; như kim cương sắc bén

Chinh phục ngọn núi kiêu căng.

Vì Ngài đã thấy chân lý, nên Ngài không lừa dối

Vì Ngài không lầm lạc nên Ngài nói trước sau như một.

Khéo lập ngôn và dễ hiểu làm sao.

Lời Ngài thật hùng hồn

Vượt trên tất cả,

Chính phục những người nghe;

Ngay cả khi nhớ lại

Cũng làm tiêu tan tham ái si mê.

Nó an ủi những người khốn đốn

Che chở người liều lĩnh

Và làm cho người bình thản phải hăng lên;

Như vậy lời Ngài thích hợp cho tất cả.

Đem lại niềm vui cho học giả

Khai tâm cho kẻ tầm thường

Và phá tan sự mù mịt của người bực hạ.

Lời Ngài là lương dược cho tất cả chúng sinh.

Nhưng vẫn chưa hết: lời giác ngộ có vô lượng đức tính, cũng như có thể làm công việc của thân giác ngộ và ý giác ngộ.

(iii) Những thiện đức của ý Phật.

Những điều này được đề cập chi tiết trong những cổ thư nói về những đức tính do 21 thành phần của sự tinh thức nguyên ủy: thập lực, mười tám bất cọng, vân vân. Những người học và quán những cổ thư cần quán giáo lý đặc biệt này để rút ra những lợi ích.

Nói tóm, có hai hạng thiện đức: thiện đức do toàn trí và do từ bi. Vì chư Phật toàn tri, nên ngay cả khi Ngài đang trú trong thiền định về chân đế, Ngài cũng biết được tất cả những pháp khả tri rõ ràng như nhìn trái xoài trên bàn tay. Ta có thể biết điều này qua tác phẩm Ca Tụng Những Người Đáng Ca Tụng:

Đức Thế Tôn, tất cả pháp trong ba thời gian,

Tất cả những nguồn gốc của nghiệp,

Đều được trí Ngài phán xét

Như nhìn trái Am la trong bàn tay

Tất cả hiện tượng

Động hay bất động, một hay nhiều

Đều mở ra trước tâm Ngài

Không bị chướng ngại

Như giữa bầu trời trong sáng.

Một lần có một người dòng họ Thích Ca tên Nandaka chết. Những thầy tu viện thỉnh vong linh người chết khi họ cử hành tang lễ. Hình dáng người chết xuất hiện và những thầy cúng cho y thức uống ăn: y cư xử giống như Nankada thực, nhưng đấng Đạo sư cho họ biết đấy là do nhạc thần ở cõi trời tạo ra. Nhưng những thân quyến không tin lời Phật.

Một quyển kinh kể rằng đấng Đạo sư mời mỗi người Sakya đem lại một hạt lúa và làm dấu trên hạt lúa của mình. Có rất nhiều người đến nỗi lúa họ đem lại có thể chất đầy một thớt voi. Đức Phật nhận ra từng hột của mỗi người không sai một hột. Việc này làm cho mọi người tin lời Ngài nói.

Truyền thừa Luật tạng kể rằng người ta đưa cho đức Phật nhiều mảnh gỗ đã cháy để dưới biển rất lâu mà Ngài vẫn nhận ra đúng từng mảnh. Không cần yếu tố gì khác, Ngài có thể nhận ra mãnh gỗ này đến từng vùng nào, nó thuộc về phần ngọn cây hay gốc cây.

Năng lực thần thông của thân giác ngộ là khả năng thị hiện trước bao nhiêu đệ tử cũng được, như mười triệu, một tỷ v.v… Năng lực thần thông của ngữ giác ngộ là khả năng nói vói mọi người; có thể dạy pháp đồng loạt mà mỗi hữu tình hiểu theo ngôn ngữ và ước muốn của chúng. Năng lực thần thông của ý giác ngộ là tịnh chỉ nhất tâm như sau. Khi đức Đạo sư của chúng ta có ý niệm về thế gian thì tâm của các hữu tình khác, kể cả những con kiến, cũng hiểu được đức Như Lai muốn nói gì. Nhưng khi Ngài có một ý niệm siêu thế thì ngay cả những vị Bồ tát trong thân thể cuối cùng cũng không thể hiểu được tư tưởng của Phật. Khi đức Phật giảng kinh Bát nhã ba la mật, Ngài làm cho tất cả các thế giới đều trở thành thanh tịnh. Bởi thế tâm Phật có vô lượng đức tốt lành.

Nhưng đức từ bi của Ngài được vị Dalai Lama thứ bảy mô tả như sau:

Một người có thể ác độc đối với Ngài,

Người khác có thể giận dữ muốn giết Ngài

Nhưng Ngài luôn luôn nghĩ đến chúng sinh

Như con của Ngài

Ngài đã tránh xa

Tất cả những tư tưởng làm hại

Lòng yêu mến mà ta có đối với chính bản thân

Cũng không thể sánh với đức bi mẫn trong tâm Ngài.

Nói cách khác, loại tình yêu mà ta có đối với bản thân không thể sánh với dù chỉ một phần của tình yêu đức Phật đối với loài hữu tình. Lại nữa tình yêu của Ngài không như lòng thương xót “có cơn” như chúng ta: chúng ta chỉ cảm thấy thương xót khi ta trông thấy một hữu tình đau khổ, và không cảm thấy thương xót khi khuất mắt. Một Đức Phật luôn luôn thấy được tất cả hữu tình đang đau khổ; bởi thế lòng từ bi bao la của Ngài đối với chúng không bao giờ gián đoạn mà luôn luôn vận hành. Lòng bi mẫn của một Đức Phật là hậu quả của năng lực quen tập luyện từ khi Ngài mới bước vào đạo lộ. Điều này là ý nghĩa của bài kệ trong quyển 150 bài tán Phật:

 Tất cả những chúng sinh này không khác gì nhau

Chúng đều bị vọng tưởng trói buộc

Ngài đã bị trói buộc từ lâu bởi lòng bi mẫn

Và sẽ giải thoát những chúng sinh mê lầm

Trong quyễn Những Bài Thơ Về Con Người Chân Thật:

Tâm của tất cả hữu tình luôn luôn bị che phủ

Bởi bóng tối vô minh

Bậc đại thánh thấy được

Tất cả chúng sinh trong ngục tù sinh tử và phát tâm đại bi.

(iv) Những thiện đức của hành vi Ngài

Dòng Tương tục Cao Cả của Đại Thừa của Di Lặc nói:

Như Đế Thích, trống,

Mây, Phạm Thiên, mặt trời

Bảo châu, âm thanh, trái đất

Đó là những ví dụ về đức Như Lai.

Sự quán tưởng của bạn nên theo lời dạy của văn bản này về chín ẩn dụ:

Hình ảnh phản chiếu của Đế Thích hiện ra trên mặt lưu ly trên đỉnh Tu di, không tùy thuộc vào nỗ lực hay suy nghĩ nào của Đế Thích. Khi những vị trời thấp hơn trông thấy hình ảnh phản chiếu ấy, chúng nghĩ rằng: “Ta cũng sẽ hành động để được như thế.” Rồi họ tích lũy nguyên nhân để thành một vua trời. Cũng thế khi chúng ta trông thấy thân thể của một Đức Phật, được trang hoàng bằng ba mươi hai tướng hảo và tám mươi tướng phụ, chúng ta nghĩ đến việc làm sao để được thân thể như thế, và cố tích lũy những nguyên nhân để thành Phật. Đây là những hành vi tốt đẹp của thân giác ngộ.

Trong cõi trời thứ 33 có một cái trống lớn do công đức những vị trời phát sinh. Không cần ai đánh trống, nó cũng phát ra những âm thanh giảng dạy bốn dấu ấn của Phật pháp; những âm thanh này kích động cho chư thiên tám cầu giải thoát. Chư Phật cũng thế không cần nỗ lực dụng công mà vẫn làm cho lời nói của Ngài lan đến tất cả những chúng sinh, đưa chúng đến tái sinh cao cấp và sự thù thắng quyết định. Thiện hành của ngữ giác ngộ là khả năng giảng pháp cho những chúng sinh may mắn đủ trình độ.

Mưa rơi xuống từ những đám mây làm cho mùa màng tăng trưởng. Thiện hành của ý giác ngộ cũng thế, là khả năng làm cho những đức hạnh phát sinh dòng tâm thức của những đệ tử.

Thân giác ngộ thi triển những thần thông để hàng phục hữu tình, thiện hành của ngữ giác ngộ là giải thoát. Chư Phật làm những thiện hành của ý giác ngộ tùy thuộc vào tâm tịnh chỉ không mê lầm.

Nói tóm lại chư Bồ tát từ địa vị thứ tám trở xuống phải làm những nỗ lực thô; chư Bồ tát ở trên địa vị thứ tám phải làm những nỗ lực vi tế để khởi động lực. Vì những bồ tát này còn phải nỗ lực nên thiện hành của họ không đồng thời lan đến tất cả hữu tình; những hiện hành của chư Phật thì không phụ thuộc vào những nỗ lực như thế, hoặc vào những động lực như nghĩ rằng “Ta sẽ làm việc vì tất cả hữu tình.” Một ví dụ: mặt trăng trên trời không nghĩ ta sẽ chiếu xuống, tuy thế phản ảnh của nó vẫn hiện ra trên những giọt sương đầu ngọn cỏ và trên mặt nước của hàng trăm ngàn bình chứa, miễn là nước ấy trong và lặng. Nhưng hiện hành của đức Phật có hiệu quả một cách tự nhiên không cần nỗ lực trong những giòng tâm thức của các đệ tử khi đã đến lúc họ đáng được điều phục. Cũng thế, những thiện hành của Phật tùy thuộc vào căn bản trí của pháp thân (pháp trí thân, Dharmajnànakàya) kể như một trong những nhân duyên gọi là “hoàn cảnh.” Những thiện hành này bởi thế được xem là kết quả của những thiện đức tích cực nơi Ngài.

a-3.1.2. Những thiện đức của Pháp.

Nếu bạn đã học những cổ thư thì hãy nghĩ về pháp là con đường diệt trừ những chướng ngại, một nhiệm vụ của những con đường không gián đoạn trong đạo lộ kiến đạo. Nếu bạn không hiểu điều này thì hãy nghĩ như sau: từ đâu chư Phật phát sinh, những vị có được những điều bất khả tư nghì như trên? Các Ngài đã phát sinh và sẽ phát sinh tùy thuộc vào pháp sở chứng nghĩa là con đường diệt khổ v.v… và tùy thuộc và pháp sở truyền. Hãy nghĩ rằng Pháp có cái đức sản xuất ra chư Phật.

Người ta thường thường có thể xem Pháp bảo là mười tầng bậc, năm đạo lộ v.v… - nói cách khác, đó là chân lý về diệt, và những con đường không gián đoạn ở trong những đạo lộ về kiến và thiền (không là tri kiến và hành động). Tuy nhiên điều quan trọng nhất là điều phục chính tâm thức của mình; bởi thế nói cách giản dị và để cho bạn có được một hình ảnh cụ thể, ta cũng có thể nói Lam-rim chính là pháp bảo. Tôi đã nói điều này.

a-3.1.3. Những thiện đức của Tăng.

Ta hãy lấy ví dụ về một Thanh văn trên đạo lộ tích lũy, vị ấy được thúc đẩy phải từ bỏ dòng sinh tử luân hồi, rồi đi vào đạo lộ tích lũy công đức; xây dựng 13 điều kiện để đạt giác ngộ Thanh văn, thành tựu ba ngành đầu trong 37 ngành giác ngộ, hóa thân để giúp đỡ những người khác, có được thần thông sáng suốt v.v… Những bậc Thanh văn trên đạo lộ đã hiêu được 16 khía cạnh của 4 chân lý nhờ những hình ảnh trực tiếp trong tâm. Thanh Văn trên địa vị kiến đạo đã trực tiếp hiểu được tánh không không cần hình ảnh trong tâm; Trên đạo lộ thiền quán, họ bỏ được 81 đối tượng cần từ bỏ. Khi những vị Thanh văn đạt quả A la hán, họ còn có nhiều thiện đức hơn nữa: Họ có thể phối hợp nhiều vật thể lại với nhau, họ có thể phát xuất nhiều hóa thân nhờ thiền định về đất nước lửa gió và hư không; họ có thể đi đến bất cứ đâu để giáo hóa một đệ tử v.v…

Quả thế thanh văn A la hán có vô lượng điều tốt lành. Sau khi đấng Đạo sư chúng ta đã vào Niết bàn, thì A nan đã hàng phục các ngoại đạo, đưa 80 ngàn người đến chân lý trong vòng 7 ngày. Còn có câu chuyyện về ngài Ưu Ba Cúc Đa, một lần ngài đang giảng pháp, vị trời cõi dục mưa xuống thực phẩm và châu ngọc, và còn hóa làm những vũ công nhảy múa. Bậc thánh Ưu Ba Cúc Đa quàng hoa cho những vũ công ấy trước khi họ bắt đầu khiêu vũ; nhưng ngài làm phép cho những tràng hoa ấy biến hành những vật hết sức ghê tởm. Người ngày nay xem Thanh văn là thấp kém, nhưng bất cứ vị nào có những thiện đức cũng được xem như là bậc hành giả vĩ đại.

Những vị Duyên giác hay Độc giác Phật có nhiều thiện đức trăm ngàn lần hơn Thanh văn, và đã tích lũy công đức trên 100 kiếp.

Những thiện đức của một Bồ tát thì vô biên so với Độc giác Thanh văn. Trong khi còn trên những đạo lộ tích lũy và chuẩn bị, và còn hành động vì lòng tin, những Bồ tát vẫn luôn luôn tăng trưởng về đề mục tánh không. Họ huấn luyện về đức bi mẫn, tâm bồ đề và tri kiến sâu xa, và như thế làm muội lược những thành kiến nhị nguyên rõ rệt nơi họ để hoàn tất những tích lũy vô lượng đầu tiên. Khi những Bồ tát ở trên đạo lộ kiến đạo, trước hết họ hoàn tất hình thức bố thí phi thường (ba la mật đầu tiên trong sáu ba la mật). Khi họ ở tầng thứ 9 của đạo lộ thiền quán, họ hoàn tất hình thức siêu phàm của sáu la la mật và ba vô lậu học nhờ nhận thức đúng về chân như.

Bồ tát ở sơ địa hóa ra hàng trăm thân thể, mỗi thân được vây quanh với hàng trăm bồ tát khác. Những bồ tát sơ địa thấy được hàng trăm kiếp, du hành qua hàng trăm thế giới, đi sâu vào hàng trăm thứ định, thầy hàng trăm chư Phật, nhận được sự gia hộ của chư Phật này, hóa thân vào hàng trăm cõi Phật, du hành đến hàng trăm chỗ, mở cửa hàng trăm pháp, thành thục hàng trăm loại hữu tình, và sống lâu hàng trăm kiếp. Trong mỗi sát na, những Bồ tát sơ địa này làm được hàng trăm trường hợp về 12 loại công đức như thế.

Người ta có thể làm một sự so sánh về 12 đức này đối với những bồ tát ở các địa vị khác. Bồ tát sơ địa thành tựu hàng ngàn đức, bồ tát tam địa hàng trăm ngàn, bồ tát tứ địa hàng tỷ, bồ tát ngũ địa hàng mười tủy; lục đại hàng ngàn tỷ; thất địa, 10 lũy thừa 23; bát địa một số lượng bằng vi trần trong một triệu tỷ thế giới và thập đại bồ tát thành tựu một khối lượng công đức bằng những vi trần trong một tỷ bất khả tư nghì vô số tỷ thế giới. Nói tóm lại bồ tát ở 7 địa không thuần tịnh đầu tiên cần phải hai vô số kiếp để tích lũy hai thức công đức trong khi bồ tát ở ba địa thuần tịnh sau cùng chỉ cần thêm một vô số kiếp nữa để hoàn tất sự tích lũy.

Những cổ thư bàn những việc ấy rất chi tiết. Vậy, tăng già có vô lượng công đức.

a-3.2. Biết rõ những khác nhau giữa ba ngôi báu.

Có sáu loại khác nhau

Sự khác nhau giữa những đặc tính giác ngộ rõ rệt: Các ngài thấy rõ hình thái hiện hữu của tất cả các pháp. Người ta nghi rằng âm jang trong danh từ jangchub, Tạng ngữ có nghĩa là “giác ngộ” có nghĩa là “huấn luyện,” như khi học thuộc lòng một bài học, bởi thế ta có thể nói rằng một đức Phật đã đạt đến sự thực chứng toàn vẹn nhất. Pháp có đặc tính là hậu quả sự xuất hiện của Phật. Khi đức Phật chuyển bánh xe Pháp Tứ Đế, thì 5 vị đệ tử đầu tiên của Ngài khai triển những thực chứng khác nhau trong dòng tâm thức của họ: địa vị kiến đạo v.v… Còn nhiều trường hợp tương tự đã xảy ra khi đức Phật chuyển pháp luân. Tăng có đặc tính là những người thực hành Pháp.

Sự khác nhau giữa những thiện sự của Tăng bảo là như sau: Chư Phật giảng Pháp bằng cách cho những giáo lý truyền khẩu. Thiện sự của Pháp thì khác: Pháp khiến ta từ bỏ những gì ta cần từ bỏ. Tăng thực hành Pháp, và khi họ được những kết quả của Pháp, thì những người khác thấy được điều này và khởi sự thực hành. bởi thế những người thuộc thành phần tăng chúng và những người không thuộc, hai bên giúp đỡ lẫn nhau. Đây là thiện sự của Tăng, tăng chúng hoan hỷ trong giới đức.

Có nhiều cách khác nhau để nhìn Tam bảo khi người ta quy y. Muốn cứu người chết đuối chẳng hạn, ta cần một người chèo thuyền, chiếc thuyền của ông ta và những người phụ giúp đi theo. Cũng thế, ta nên xem chư Phật như đối tượng của sự cúng dường và phụng sự, Pháp là cái cần làm hiển lộ trong dòng tâm thức; và Tăng là những người bạn chân thật.

Những pháp tu khác nhau liên hệ đến Tam bảo là những phương tiện để thực hành 3 lối nhìn khác nhau đối với Tam bảo.

Những cách khác nhau để nhớ đến Tam Bảo là cốt để nhớ lại những đức tính khác nhau của Tam Bảo. Điều này được giải thích trong kinh Nói về Sự Tưởng Niệm Tam Bảo trong giai đoạn mở đầu, “Như vậy, chư Phật Thế Tôn…”

Những sự khác nhau trong việc 3 ngôi báu làm tăng trưởng công đức của ta thì như sau. Đối với chư Phật, công đức tăng trưởng tùy thuộc vào một người duy nhất; đối với Tăng công đức tăng trưởng tùy thuộc vào nhiều người. Bởi thế trong trường hợp Phật và Tăng, thì công đức tăng trưởng là nhờ người. Đối với Pháp thì có khác ở chỗ, công đức tăng trưởng nhờ một cái gì không phải người.

Khi bạn quy y, bạn làm vậy bởi vì bạn muốn cúng dường, phụng sự Phật, và khai triển Pháp trong dòng tâm thức bạn.

a-3.3. Quy y do lòng tin của mình

Lòng tin của ta là: Đức Phật dạy chỗ quy y, Pháp là chỗ quy y thực sự, và Tăng giúp đỡ cho những hành giả phát tâm quy y. điều này được làm sáng tỏ bằng ví dụ con bệnh dặt hy vọng vào thầy thuốc, y dược và người điều dưỡng. Nếu qua tiến trình thực chứng và từ bỏ mà người ta phát triển được từng phần của Pháp trong dòng tâm thức, thì ta thoát khỏi mọi hiểm nguy. Bởi thế Pháp là chỗ quy y chân thực.

a-3.4. Quy y Tam Bảo, không chấp nhận một tôn giáo khác.

Ở xứ cổ Ấn Độ có bậc đạo sư tên là Udbhat - askddhasvamin có 2 người em lúc đầu không theo Phật. Họ đi đến núi tuyết để dâng cúng lễ vật cho thần Shìva, nhưng họ thầy thần này đang quy y Phật, bởi thế họ cũng trở thành Phật tử. Và về sau làm giáo thọ sư trong Đại thừa. Udbhata soạn tác phẩm Sự Ca Tụng Tối Thượng, nói về những đức tính vĩ đại của Phật.

Như tác phẩm này nói, chúng ta đã quy y bậc đạo sư và đã trở thành những đệ tử trong giáo lý ngài. Chúng ta đã vĩnh viễn quy y Phật, không thể đổi sang một nơi khác nương tựa nào khác. Những pháp của các đạo Bon, các tà giáo, v.v… đều không phải là Phật giáo, và không được xem là chỗ nương tựa. Có sự khác nhau về hơn kém giữa những bậc thầy trong đạo Phật và ngoài; về giáo lý và đệ tử cũng vậy. Sự Ca Tụng Tối Thượng nói:

Con đã từ bỏ những bậc thầy khác

Và tìm chỗ nương nơi Ngài, hỡi đấng Thế tôn.

Tại sao điều này dễ dàng như thế? Chính vì

Ngài không lỗi lầm và có nhiều thiện đức.

Con càng xem xét

Những phẩm bình của ngoại đạo

Thì tâm con càng thêm tin tưởng nơi Ngài,

Hởi đấng che chở cho con.

Và trong tác phẩm Ca Tụng Những Người Đáng Ca Tụng cũng nói như sau:

Ta nên đi vào cái gì,

Và cái gì ta nên từ bỏ?

Hỡi bậc Anh Hùng,

Ngài tịnh trừ tất cả vọng tưởng,

Chỗ khác nhau chính là:

Lời của Ngài, và của những người khác.

Ở Tây Tạng không có những người tà giáo thật sự, nhưng có một vài người tự cho mình là hành giả và học giả mà lại không thấy gì sai quấy khi nói về đạo Bon và về các pháp ngoại đạo để mua chuộc người khác, thâu thập tín đồ, hoặc để có lợi ích cho mình khi gặp chuyện khó khăn. Họ là những người quy y hai mặt; họ đã gạt hành động quy y ra khỏi dòng tâm thức và đã tự mình bước ra khỏi hàng ngũ Phật tử.

Một vài người nói: “Một ít đạo Phật, một ít đạo Bon” nhưng không có lý do gì những vị thầy đạo Bon, pháp và tín đồ của họ lại xứng đáng làm chỗ nương tựa; ba thứ này không có đủ những đức tính cần thiết. Những bậc thầy của đạo này không có những đức tính như từ bỏ mọi lỗi lầm v.v…, pháp của họ lại cũng không phải là một phương tiện để giảm trừ vô minh vọng tưởng. Họ tuyên bố tăng già của họ căn cứ trên giới biệt giải thoát, nhưng giới của họ không có hệ truyền thừa.

Đạo Bon không phải là một chỗ quy y cho Phật tử; nó không xứng đáng làm chỗ nương. Tuy nhiên những người theo Phật và tín đồ đạo Bon thường nói chuyện với nhau vì thân hay thù, và điều này không đưa đến sự tranh luận thẳng thắn. Điều cốt yếu là bạn phải biết nguồn gốc của đạo Bon. Những nguồn gốc này được bàn trong những sử liệu và những tác phẩm như Tấm Gương Về Sự Hùng Biện của tác giả Tukaen Dharmavajra; sách này nói về những gì mà các bậc thầy khác nhau công nhận, và nguồn gốc những giáo điều của họ.

Những pháp sư đạo Bon và giáo lý của họ cũng như những kiến chấp của họ đã làm hỏng những quan niệm và pháp hành của những người không Phật tử. Họ cũng đã ăn cắp giáo lý của Phật. Những tà pháp của họ được sáng chế rất lâu về trước, và ác pháp này hiện đang thịnh hành khắp nơi; nhưng đó không phải là chỗ nương xứng đáng cho những người khát khao giải thoát, lại cũng không phải là chỗ nương đáng tin cậy. Drigung Jigtaen Goenpo nói:

“Về pháp thiền và tri kiến của đạo Bon: theo giáo lý của họ thì có vẻ rằng vũ trụ được sinh ra từ những cái trứng hoặc sáng tạo bởi những vị thần Cha, thần Shiva v.v… Đây là những vay mượn từ các tà kiến ngoại đạo.”

Lịch sử Phái Kamdampas hậu kỳ nói:

Ngoại đọa và những người theo đạo Bon mau đắc thần thông.

Mặc dù bây giờ sung sướng

Về sau họ phải sa đọa

Ngoại đạo và đạo Bon giống như lửa:

Bạn cảm thấy ấm áp tiện nghi khi đứng hơi xa,

Nhưng nếu sờ vào bạn sẽ bị đốt cháy.

Milarepa nói:

Nguồn gốc của đạo Bon là tà Pháp.

Một sự sáng tạo của loài rồng.

Nó không đưa người ta đến con đường tối hậu.

Bon là đạo thấp nhất.

Sự khác nhau giữa đạo Phật và đạo khác

Là ở chỗ quy y:

Chỗ nương của Phật tử là 3 ngôi báu;

Của người không Phật tử là Phạm Vương, Đế Thích.

Đức Phật đã giác ngộ hoàn toàn

Tự mình thoát khỏi sinh tử

Nên cũng có thể giải thoát người khác.

Những vị trời thuộc thế gian như thần Shìva

Chính họ cũng bị buộc vào sinh tử

Họ có thể ban cho người những thành công ngắn hạn,

Nhưng làm sao họ có thể đem lại giải thoát hoàn toàn?

Họ nói “mong tôi thành Phật quả

Trong Mandala của 5 bộ loại rồng

Được tìm thấy trong Tuyển tập về Rồng Trắng.”

Những rồng được xếp vào loài súc vật.

Phần đông tín đồ đạo Bon làm những tượng thần như Kunzang

Và những đồ hình khác nhau; nhưng tôi nghĩ đấy là tà pháp

Do đạo sư Váy Xanh sáng chế..

(Kyabje Pabongka Rinpoche nói chi tiết về việc này)

Ngày nay có người nói rằng những vị thần đạo Bon như Shenrab và Oekar là một với đức Quán Thế Âm trong đạo Phật. Họ tuyên bố: “Để cho tất cả hữu tình đều thành đệ tử Phật, có nhiều hóa thân của chư Phật và Bồ tát đã xuất hiện trong hàng ngũ tín đồ đạo Bon. Bởi thế theo đạo Bon cũng không sao, có thể là điều tốt.” Họ tuyên bố ồn ào như vậy do sự mù lòa lớn lao của họ, bởi vì dòng tâm thức họ đã bị nhiễm tà kiến. Nếu những gì họ nói là đúng, thì cũng có thể nói rằng bắt chước những hành vi của chó và heo cũng không sao, có thể là điều tốt bởi vì cũng có thể rằng những hóa thân của chư Phật Bồ tát đã xuất hiện trong loài thú vật. Người nào mong muốn điều tốt nhất thì nên từ bỏ những tư tưởng tà ác nôn mửa như thế, cũng như từ bỏ những cục đá họ sử dụng để chùi đít. Chỗ nương duy nhất cho Phật tử là ba ngôi báu. Những Phật tử nên quy y một cách thuần tịnh, và điều cốt yếu là họ phải hoàn toàn quy phục chỗ mình đã quy y.

Tóm lại ta không chỉ cần đọc lên những lời suông “quy y” mà thôi. Cũng như một tử tội tìm sự che chở của một quan chức, chúng ta phải sợ những đọa xứ, sinh tử v.v…, và phải tin chắc Tam Bảo có năng lực che chở cho chúng ta. Rồi ta phải nghĩ một cách chân thành, bằng tất cả tâm vương và tâm sở, rằng chúng ta đang đặt hết niềm tin vào Tam Bảo. Đây là tiêu chuẩn của sự quy y chính đáng. Chúng ta đã khai triển sự quy y trong dòng tâm thức hay chưa, điều ấy tùy thuộc vào việc ta đã phát sinh những tư tưởng như thế hay chưa trong dòng tâm thức. Bởi vậy đừng giống như những người tụng đọc công đức quy y hàng tỉ lần mà không một lần phát sinh thực chất của quy y trong dòng tâm thức. Bạn phải nỗ lực theo những kỹ thuật để khai triển những nguyên nhân quy y và chính sự quy y trong dòng tâm thức bạn.

Có 2 cách quy y khác nhau: chỉ tìm sự che chở và xem Tam Bảo như là cái mà người khác đã thành tựu trong dòng tâm thức của họ, và hình thức đặc biệt của sự quy y xem Tam Bảo như một cái gì có thể được khai triển trong dòng tâm thức của mình, và quyết định rằng mình đã thành tựu được điều này. Có nhiều cách làm hai loại quy y này trong mỗi phạm vi của Lam-rim, nhưng vì chúng ta là những người đang học và quán những cổ thư, nên chúng ta phải cố làm pháp quy y đặc biệt, tuy nhiên sự học thật nhiều có thể không giúp gì bao nhiêu khi nói đến chuyện quy y; nếu chúng ta học và quán chỉ như một sự luyện tập tri thức, thì có mối nguy là sự quy y của chúng ta sẽ không khác gì sự quy y của một cư sĩ già. Tuy nhiên ngay dù ta không biết gì về những cổ thư, chúng ta cũng nên có cả 2 nguyên nhân quy y và nên hoàn toàn quy phục Ba ngôi báu. Đây là cách làm như vậy.

Hãy nghĩ đến cách những người bệnh phó thác mình cho y sĩ, thuốc và người điều dưỡng. Nếu bạn có những nguyên nhân để quy y và tin tưởng ngôi Tam Bảo tận đáy lòng, thì bạn sẽ phát sinh sự quy y một cách chân chính trong dòng tâm thức của bạn. Vậy đây là điều cốt yếu nếu không, thì không ăn thua gì để đọc công thức quy y nhiều lần mà tự xưng mình là một Bồ tát v.v…, như phái Kadampa tiền kỳ đã nói: “Vị trưởng lão trước mặt bạn ở trong chánh điện có thể chưa gia nhập hàng ngũ những người Phật tử.”

a-4. Những lợi lạc của sự quy y

Có 8 điều lợi: Bạn trở thành một Phật tử, bạn trở thành một người có thể thọ tất cả giới, bạn sẽ tiêu trừ tất cả chướng ngại do nhiều nghiệp tích lũy từ trước, bạn sẽ dễ dàng tích lũy một lượng công đức khổng lồ, bạn sẽ không bị phiền nhiễu vì những hành vi tác hại của người hay chúng sinh khác, bạn sẽ không rơi vào các đọa xứ, bạn sẽ thành tựu không khó khăn tất cả những mục tiêu tạm thời và dài hạn của mình, và chẳng bao lâu bạn sẽ đạt giác ngộ.

Bởi thế khi làm pháp quy y, đừng nên chỉ nhẩm lại những lời như người khác nói, hoặc chỉ quy y ngoài miệng, mà phải quy y từ trong tâm. Bạn trở thành một Phật tử chỉ khi nào bạn phát triển được hành vi quy y một cách chân chính trong dòng tâm thức, việc đọc tụng công thức quy y hàng trăm lần không làm cho bạn trở thành một Phật tử. Người ngày nay nói: “Bạn phải đọc công thức quy y nhiều lần” nhưng rất ít người nói “Bạn phải khai triển việc quy y ngay trong dòng tâm thức của bạn.”

Ngày xưa ở Dagpo, một thầy tu tên là Atar đang nhập thất cùng với bằng hữu, họ phải tụng đọc công thức quy y một số lần. Atar suy nghĩ sâu xa về ý nghĩa đằng sau sự quy y nên đọc chậm hơn những người khác. Họ nhanh hơn nhiều bởi vì họ chỉ lặp lại công thức quy y; họ hoàn tất gần một tỉ lần. Vì sợ Atar không hoàn tất được số lần cần thiết, họ hỏi ông đã đọc được bao nhiêu lần, và Atar đã nói: “Bạn chỉ có tích lũy một số lần đọc cho nhiều hay sao?” Vậy nếu bạn tụng đọc công thức quy y mà đồng thời duy trì sự chú ý vào ý nghĩa của quy y, thì nhờ thế bạn trở nên thuần thục, và sự quy y có đầy ý nghĩa.

Khi bạn phát nguyện thọ bất cứ giới nào trong 3 loại giới, trước hết bạn phải quy y. Nếu không bạn không thể thọ giới. Cũng như đất nâng đỡ nhà, mùa màng, tường vách, rừng cây v.v… hành vi quy y là căn bản để thọ tất cả giới.

Bạn có thể đã phạm nhiều ác nghiệp trong quá khứ và tích lũy nhiều chướng ngại - chẳng hạn tội ngũ nghịch như A xà thế giết cha là vua Bình Sa người đã chứng quả Bất hoàn, hoặc phạm những tội nhỏ hơn - nhưng khi bạn đã quy y bạn sẽ tịnh hóa được những nghiệp như thế và những chướng ngại phát sinh từ nghiệp, vì bạn đã tìm chỗ nương nơi đức Phật. Sau đó dù đọc danh hiệu chư Phật hay đọc bộ kinh Bát Nhã Ba La Mật một lần cũng sẽ tịnh hóa nghiệp chướng nhiều kiếp. Kinh tạng nói rất nhiều về những lợi lạc này. Bản kinh Bát nhã ngắn đã nói:”Nếu công đức của sự quy y mà có hình tướng, thì 3 cõi cũng không đủ chỗ để chứa đựng.” Nói cách khác, công đức do hành vi quy y thật là vô lượng.

Chư Phật là những đấng có tiềm năng thiện nghiệp mạnh đến nỗi những thiện căn phát sinh liên hệ đến các Ngài đều chắc chắn sẽ làm nhân cho người ta đạt đến toàn giác, dù cho họ không có động lực thanh tịnh. Kinh Sen Trắng Của Lòng Bi Mẫn nói:

“Này A nan, việc ấy như thế này. Giả sử một gia chủ có một cánh đồng không đá, không gốc cây, sỏi, gạch vụn, mà có một thứ đất mầu mỡ. Người ấy làm đúng bằng cách gieo hạt giống trong khi đất còn mới, phì nhiêu. Nắng và gió không tác hại; hột giống không bị nẻ cũng không thối và được gieo đúng lúc trên những luống đất đã cày. Khi thì người ta tưới nước, khi thì để khô, và bảo vệ nó khỏi mọi sự. Này A nan, người gia chủ có một ngày nào sau đó lại đi đến bờ ruộng nói: “Hỡi hạt giống, xin đừng làm hạt giống nữa. Đừng nảy mầm, đừng lớn lên. Ta không muốn kết quả. Ta không muốn phần thưởng.” Này A nan, ngươi nghỉ sao? Liệu những hạt giống có vì những lời ấy mà không còn là hạt giống nữa không?

- Không bạch Thế Tôn. Không bạch Thiện Thệ.

Đức Phật bảo: Có phải quả sẽ không là quả nữa, có phải người ấy sẽ không gặt được phần thưởng nào?

- Không, bạch Thế Tôn. Không, bạch Thiện Thệ

Khi ấy đức Phật dạy: Này Ananda, khi những người ca tụng sinh tử, vui thích trong sinh tử, cúng dường chư Phật, thì dù họ có cầu nguyện, mong rằng nhờ thiện căn này tôi sẽ không bao giờ đến Niết bàn,” cũng không thể nào họ không đạt đến Niết bàn. Này A nan, những thiện căn phát sinh liên hệ chư Phật sẽ có kết quả là Niết bàn, dù chúng không muốn. Ta bảo ông, những thiện đức ấy sẽ chuyển biến cho đến khi chúng đạt Niết bàn. Bởi thế, mỗi khi người ta phát thiện căn dù chỉ là một niệm tưởng đến chư Phật Thế Tôn, thì kết quả của những thiện căn như vậy sẽ là Niết bàn. Ta bảo ông, những thiện căn ấy sẽ chuyển hóa cho đến khi người ta đạt tối hậu Niết bàn.”

Người ta se không bị phiền nhiễu bởi những hành động tác hại của người hay loài khác. Đây là vài câu chuyện để chứng minh.

Có lần một người ngoại đạo làm một tròng bằng khí lực và cố bắt lấy một ưu bà di của Phật với chiếc tròng ấy, nhưng không thành công.

Một người Ấn bị vua kết án tử hình, phải bị quăng bỏ ở nghĩa địa. Tất cả những người bị đày đến đấy đều đã biến mất: chúng bị một loài phi nhân mang đi ăn thịt, không một ai sống sót trở về. Người Ấn này đặt trên đầu mình một mảnh vải y tỷ kheo rồi làm pháp quy y. Sau đó y không bị các phi nhân quấy nhiễu hay làm hại.

Một kẻ du mục có lần bỏ lại mọt mình trong một ngày tại chỗ không người. Y bị một phi nhân yeti tấn công gần chết, còn để lại nhiều vết sẹo trên đầu. Một vị lama hỏi nguyên do những vết sẹo ấy; y kể lại và vị lama dạy nên quy y.

Về sau người ấy lại gặp một yeti. Ông làm pháp quy y; yeti đánh hơi đã không nhận ra mùi thịt người nên bỏ đi.

Một đêm, khi thấy mình sắp lạc vào nghĩa địa, gia chủ Cấp Cô Độc đọc bài kệ quy y nên những phi nhân ở đấy không làm hại ông. Sau đó ông lại quỳ trước một tượng thần ngoại đạo, nên đã mất sự che chở.

Một tên trộm có lần trông thấy người ta cúng y cho một tỷ kheo. Anh ta trở về đêm để ăn trộm. Vị tỷ kheo làm phép trói lại đánh ba hèo, vừa đánh vừa đọc lời quy y. Tên trộm bỏ chạy trốn dưới một cây cầu phi nhân thường lai vãng. Anh nhẩm lại những lời vị sư đã đọc và nhủ thầm: “May quá, chỉ có ba quy y chứ nhiều hơn nữa chắc mình sẽ chết.” Đêm ấy những phi nhân không thể qua cầu.

(Kyabje Pabongka Rinpoche còn kể thêm vài mẫu chuyện khác.)

Khi gặp nguy chúng ta không nên sợ hãi, mà phải rút can đảm từ nơi Ba ngôi báu; và chỉ cần nương Tăng bảo cũng đủ thoát hiểm.

Quy y còn ngăn ta khỏi tái sinh vào đọa xứ. Một vị trời biết chắc mình sẽ tái sinh làm một con heo nên xin Đế Thích cứu và thỉnh vấn đức Phật, Phật chỉ dạy ông pháp quy y. Vị trời theo lời dạy quy y rồi chết. Đế Thích tra tầm xem ông ta tái sinh chỗ nào; nhưng ông chỉ thấy được những tầng trời thấp hơn mình và không tìm thấy vị trời kia tại những nơi ấy. Ông hỏi Phật, Phật công bố rằng vị ấy đã tái sinh vào cõi trời Đâu suất.

Chỉ có nhờ quy y, mà vị trời ấy không những đã khỏi tái sinh làm heo, mà còn được sinh vào một cõi trời rất thù thắng. Tuy vậy chúng ta lại không biết được tầm quan trọng như thế của sự quy y. Trong những buổi lễ, chúng ta ngồi thấp thỏm bồn chồn khi nhẩm đọc: “Cho đến ngày giác ngộ, con xin quay tựa về nương tựa Phật, Pháp, Tăng…” Khi đến đoạn “Om svabhàva shuddhah sarva dharmah svabhàva shuddho ham”,(*) chúng ta giả vờ đăm chiêu thiền định và lăn tròn đôi tròng mắt. Đây là dấu hiệu ta không biết cái cửa ngõ đi vào Phật giáo hay một phương tiện kỳ diệu để ngăn tái sinh vào các đọa xứ.

Atìsha thấy chỉ có quy y và luật nhân quả là quan trọng, nên ngài chỉ dạy hai pháp ấy. Người ta mệnh danh ngài là “vị lama quy y” hoặc “lama nhân quả.” Ngài nghe được việc ấy và bảo: “Những cái tên đặt cho tôi như vậy cũng sẽ giúp cho việc giảng dạy giáo lý.”

Khi ta chết, việc thiền quán các giai đoạn phát sinh và hoàn tất có thể vượt ngoài khả năng ta, nhưng nếu ta làm pháp quy y một cách chân thật thì chắc chắn một điều là ta không sa vào các đọa xứ. Sangyae Oen nói:

Tóm lại, nếu tôi không phát triển

Thực chứng về chết và vô thường,

Thì cả đến mật điển Guhyasamàja 

Cũng không có gì sâu sắc.

Nhưng ba bài kệ quy y

Thật sâu sắc khi được phát sinh

Trong dòng tâm thức tôi vào lúc chết.

Cũng không có phương tiện nào tốt hơn để thỏa mãn các ước nguyện của ta hơn là quy y. Jangsem Retrenw nói:

Đừng đăt hy vọng nơi con người - hãy cầu khẩn Tam Bảo!

Nói cách khác, những bậc thánh trong quá khứ đã thành tựu được những mục tiêu ngắn hạn và dài hạn của mình nhờ khẩn cầu Ba ngôi báu. Có lần vị bồ tát ở Retreng này vướng vào một vụ kiện tụng; ông đã được kiện nhờ nương vào Ba ngôi báu.

Bạn cũng sẽ sớm đạt giác ngộ. Sự quy y bây giờ của bạn sẽ có kết quả trong tương lai là những hành động tương ứng với nguyên nhân ấy. Trong đời này, mỗi khi gặp nghịch cảnh bạn liền quay về nương tựa Tam Bảo ngay. Và bởi vì điểm đặc biệt của tâm thức ta là đi theo gì nó đã quen thuộc, nên bạn sẽ nhờ Phật khi bạn chết. Kinh Tam Muội Vương nói:

Lại nữa, hãy làm những hình tượng đấng Chiến Thắng,

Và nhớ nghĩ đức Thích Ca Mâu Ni,

Trí tuệ căn bản của Ngài thật vô lượng.

Nếu ta luôn luôn nhớ đến Phật

Thì tư tưởng ta tự nhiên quay về nơi Ngài…

Với thân lời thanh tịnh

Hãy luôn luôn ca tụng Phật.

Làm cho dòng tâm thức quen thuộc với những ý tưởng ấy,

Bạn sẽ trông thấy Phật ngày đêm.

Khi nào bạn đau ốm hay bất hạnh

Hay gặp thống khổ trước khi chết,

Sự tưởng niệm Phật nơi bạn cũng không giảm sút;

Những cảm giác đau đớn cũng không làm bạn mất chánh niệm.

Chúng ta sẽ được những tái sinh tốt đẹp trong tất cả đời kiếp, sẽ gặp được chỗ nương cậy, và sẽ không bao giờ xa lìa những người có quy y. Và khi ta tu tập đạo lộ tối hậu, ta sẽ thành tựu được Ba ngôi báu trong dòng tâm thức ta, và sẽ sớm đạt giác ngộ.

a-5. Lời khuyên sau khi quy y.

Có hai phần: (1) lời khuyên liên hệ đến mỗi ngôi báu nói riêng; (2) lời khuyên liên hệ cả Ba ngôi nói chung.

a-5.1. Lời khuyên liên hệ mỗi ngôi báu nói riêng.

Có hai tiêu đề phụ: (1) khuyên cái gì không nên làm; (2) cái gì nên làm.

a-5.1.1. Điều không nên làm.

Đã quay về nương tựa Phật bảo, bạn không nên tìm nương tựa những vị thần thế gian. Ngày nay có một vài thầy tu khi vặp việc không may lại đến quy phục một cách hèn hạ trước tượng thần của thế gian. Họ làm một điều sỉ nhục cho những hành giả Phật giáo. Như tôi đã nói, chỉ cần ăn ở hai lòng là bạn đã tự đào thải mình ra khỏi hàng ngũ Phật tử, vì trước khi thọ giới là phải quy y. Tuy nhiên, cũng không hề gì nếu bạn cúng bánh, làm lễ sái tịnh bằng khói, đốt đồ cúng cho trời, rồng, quỷ thần… để cầu đỡ về các pháp sự. Nhưng bạn không được nương theo họ. Việc cúng bái này cũng giống như hối lộ người nào để xin giúp đỡ, nhưng ta không cần phải quy y người đó.

Đã quay về nương tựa Phật bảo, bạn không nên làm hại hữu tình như giết, đánh, cướp của chúng; cũng không nên bắt súc vật chở quá nặng.

Đã quay về nương tựa Tăng bảo, bạn không nên kết giáo với những người tà kiến ngoại đạo. Ở Tây Tạng không có những người thực sự là tà kiến, nhưng có những người tương tự tà kiến. Họ bảo: “Bạn có nghĩ rằng có cái gọi là Tam Bảo và luật nhân quả không? Đấy chỉ là những điều mà những ông lamas và geshes lém mồm miệng thường nhắc tới.” Không nên kết giao những người như vậy. Chúng ta chưa đạt đến một sự an trú nào trong đầu nên đã bị những người như vậy lung lạc làm ta đổi ý. Phải tránh xa họ.

Có người khi đứng trước mặt Geshe Potowa đã nói rằng thật không có chuyện Đức Phật xuất hiện ở đời. Vị Geshe đã nói lại: “Vậy thì có lẽ anh cũng không có tổ tiên ông bà gì cả.” Người kia nói: “Tôi có ông bà tổ tiên chứ!” Potowa liền nói: “Vậy thì cũng có bằng chứng là đức Phật đã xuất hiện ở đời - đó là kinh điển Ngài để lại.” Khi ấy người kia mới tin chắc quả thực đức Phật đã xuất hiện.

a-5.1.2. Những gì nên làm.

(i) Kính trọng tất cả hình tượng dù tạc vẽ rất tồi.

Khi bạn đã quy y Phật thì như Long Thụ nói trong Bức Thư: “Dù hình tượng đức Như Lai được chế tạo như thế nào, bằng gỗ cũng thế, người có học vẫn tỏ sự kính trọng.” Nói cách khác, một tượng Phật có thể được tạc rất xấu hay làm bằng vật liệu tồi tàn, hoặc có thể có những mảnh tượng trong một ngôi chùa hoang, bạn vẫn phải có thái độ như đấy là Phật thực.

Chúng ta thường có niềm tin lớn đối với những tượng làm bằng đồng, vàng, đồng Ấn Độ, ta tôn trí những pho tượng như thế ở ngay chính giữa chùa. Nhưng ta lại không kính trọng những tượng Phật làm bằng đất sét, v.v… khi tượng bị vỡ, chúng ta để ngoài hàng giậu hoặc đem đến một ngôi chùa hoang. Những lamas ngày xưa bảo rằng mang những pho tượng như thế ra khỏi nhà cũng như là mang phước ra khỏi nhà. Lại nữa, một điều chứng tỏ lòng kính trọng của bạn đối với Tam Bảo đã bị thối rữa tận xương tủy khi bạn không phục hồi tình trạng những tranh tượng bị hỏng vì thời gian.

(ii). Tôn trọng một chữ trong kinh như thế đấy là Pháp bảo.

Khi bạn đã quy y Pháp, bạn phải tôn trọng dù chỉ là một mẫu tự trong kinh như thể đấy là Pháp bảo. Thật là điều vô cùng tai hại nếu bạn không có niềm tôn trọng ấy, bạn sẽ bị u mê ám chướng từ đời này sang đời khác. Như một vị Geshe đã nói: “Chúng ta xem Pháp như trò đùa và sự thiếu tôn trọng Pháp và những người giảng Pháp chính là nguyên nhân làm cho trí tuệ yếu kém. Chúng ta cũng đã khá vô minh. Vậy không nên tích lũy thêm những nguyên nhân để vô minh hơn nữa. Chúng ta sẽ làm thế nào nếu ta còn vô minh hơn bây giờ!”

Chúng ta quý tiền hơn là quý một trang kinh. Nếu chúng ta trông thấy tiền rơi trên một cống nước, chúng ta sẽ cố móc lên bằng cách dùng một cây gậy dài. Nhưng chúng ta không bận tâm khi đó là một trang kinh. Chúng ta nên làm như câu chuyện sau đây: một lần, khi Gyaelwang Choeje làm viên chức nhà nước, ông được chính phủ trung ương ra lệnh phải nộp một bản phúc trình về tài chính cho năm con cọp sắt (năm Dần thuộc hành kim). Trong khi ông đang làm việc này, có nhiều tài liệu của nhiều vùng trong xứ đang trải ra giữa nhà. Mỗi khi đi ra ngoài, ông lại dọn dẹp các hồ sơ ấy trước để khỏi dẫm lên trên.

(iii) Tôn trọng cả những mảnh y của Tăng già như thể bạn tôn trọng những người mang chúng.

Khi đã quy y Tăng bảo, bạn cần nên tỏ sự kính trọng như Geshe Dromtoepa Rinpoche và Mahàyogi (hành giả vĩ đại). Họ thường không bước lên miếng giẻ rách màu vàng, dù nó nằm trên đường đi, họ sẽ rũ sạch mảnh giẻ ấy và mang đến nơi sạch sẽ. Bạn nên tỏ sự kính trọng đối với những mảnh y của tăng, cả đến những mảnh vải vàng rơi trên đất như bạn kính trọng những người mang chúng. Kinh Bánh Xe Thứ Mười của Địa Tạng nói:

Ngay cả một đóa hao champaka đã khô héo

Cũng còn tốt hơn những hoa khác nhiều

Một tỳ kheo có thể đã phạm giới

Và có thể là một người tội lỗi,

Nhưng vẫn còn hơn những người tà đạo.

Nếu thế thì, không kính trọng một người như vậy thuộc vào loại ác hạnh nào? Kinh Khuyên Hành Hạnh Vị Tha nói:

Những người tìm công đức cư trú trong rừng?

Không đưa ra những lỗi lầm cho người khác thấy

Không có một ý niệm gì như:

“Ta là thù thắng, ta tốt hơn.”

Những hành vi ấy thật táo bạo từ căn bản; đừng khinh bỉ những vị sư thấp kém: Trong nhiều kiếp bạn sẽ không được giải thoát.

Đây là những lời giáo huấn được truyền thừa.

a-5.2. Lời khuyên liên hệ đến cả ba ngôi báu nói chung

Có sáu lời khuyên:

Bạn nên luôn luôn quy y và nhớ lại những công đức của 3 ngôi báu. Như tôi đã nói, hãy nhớ lại sự khác nhau giữa những bậc thầy Phật giáo và phi Phật giáo, và giữa giáo lý của họ. Lại còn nhớ đến những gì mà cả Ba ngôi báu đều có, rồi quy y nhiều lần.

Hãy nhớ lại lòng từ bi của ba ngôi báu. Mỗi khi ăn uống, trước hết bạn nên dành cúng một phần cho Phật, Pháp, Tăng để đừng quên 3 ngôi. Những sự cúng dưòng như thế hết sức lợi lạc vì không thể có ruộng phước nào thù thắng hơn là 3 ngôi báu. Nhưng bạn không nên làm hỏng sự cúng dường ấy vì ác cảm bất tận, lười biếng v.v… ngay cả khi bạn cũng dâng cúng những chén nước, thì tất cả chư Phật đều biết việc này nên bạn cần phải hành xử như một người đầu bếp mới rót trà cho ông chủ.

Hãy hướng dẫn những người khác quy y. Bạn nên ngăn người khác tích lũy ác nghiệp chẳng hạn khi họ tin theo tà sư, tà pháp và đi theo những bạn xấu. Lại nữa bạn nên hướng dẫn những người không tin tưởng kính trọng Tam Bảo nhưng có thể dẫn dắt bằng luận lý, làm cho họ quy y bằng cách vô tình nói đến những đức tính của ba ngôi báu trong câu chuyện.

Bạn nên nhớ lại những lợi ích của sự quy y; và hãy quy y ngày ba lần, đêm ba lần. Nghĩa là hãy nắm chắc Tam Bảo là nơi nương tựa toàn bích, phát triển đức tin vào Tam Bảo và quy y mỗi ngày 6 lần.

Bất cứ việc gì làm, hãy đặt tin tưởng vào Tam Bảo bất cứ việc lớn hay nhỏ, hãy đặt niềm tin vào ba ngôi báu và cúng dường thì công việc sẽ được thành tựu. Đừng có những tư tưởng tà ác, nuôi dưỡng sự lừa bịp hay tin theo những thổ thần ma vương v.v…

Đừng bao giờ từ bỏ ba ngôi báu dù bạn có phải mất mạng, hoặc dù chỉ nói chơi. Nếu bạn từ bỏ sự quy y mà bạn đã làm, tức là bạn đã tự ra khỏi hàng ngũ Phật tử. Và khi bạn không còn là Phật tử thì bạn không còn là một chú tiểu, một tỳ kheo, một người trong gia đình các bồ tát hay một người hành trì mật tông. Từ bỏ lời nguyện quy y có vẻ như không quan trọng, nhưng kỳ thật nó cũng có nghĩa là bạn từ bỏ tất cả những lời nguyện khác. Bởi thế như tôi đã nói, đừng bao giờ bỏ sự liên lạc với ba ngôi báu cho dù bạn phải mất mạng hoặc ngay cả khi nói đùa. Tsongkapa viết trong tác phẩm Những Giai Đoạn Lớn Của Đạo Lộ:

“Đừng từ bỏ ba ngôi, dù bạn phải mất mạng. Nếu bạn vi phạm điều này thì bạn thực sự từ bỏ chỗ quy y. Cũng thế bạn có thể chưa từ bỏ ba ngôi báu nhưng đồng lúc lại tin theo những thầy tà, những người chống lại ba ngôi báu. Như vậy là bạn đã vi phạm lời chỉ giáo rằng, bạn không nên tin theo một tôn giáo khác hoặc từ bỏ niềm tin vào chỗ quy y.”

Sau đây là một ví dụ về một người không bỏ Tam Bảo dù phải mất mạng. Một lần có người tà đạo bảo một tu sĩ Phật tử hãy bỏ Tam Bảo thì sẽ được tha mạng. Người cư sĩ này không chịu bỏ nên đã bị giết và được tái sinh vào các cõi trời.

(Khi ấy Kyabje Pabongka Rinpoche tóm tắt phần tài liệu này).

--------------------------------------------------------------------------------

(*) CT. Câu thần chú này được đọc lên trong lúc quán khoảng không bao la không có tâm điểm trước khi phát sinh hình ảnh một vị thần. Câu ấy có nghĩa “Tự bản chất tôi là thanh tịnh, như sự thanh tịnh nơi tự tánh của tất cả pháp.”