- MỤC LỤC
- Lời giới thiệu
- Đôi Nét Về Ngài Pabongka Rinpoche
- Lời dẫn nhập của Trijang Rinpoche
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Nhất
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Hai
- Phần Một Những Chuẩn Bị Sơ Khởi Ngày Thứ Ba
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Tư
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Năm
- Phần Hai Những Nghi Thức Chuẩn Bị Ngày Thứ Sáu
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Bảy
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Tám
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Chín
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Thứ Mười
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Một
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Hai
- Phần Ba Nền Tảng Của Đạo Lộ Ngày Mười Ba
- Phần Bốn Phạm Vi Trung Bình Ngày Mười Bốn
- Phần Bốn Phạm Vi Trung Bình Ngày Mười Lăm
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Sáu
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Bảy
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Tám
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Mười Chín
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Mốt
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Hai
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Ba
- Phần Năm Phạm Vi Lớn Ngày Hai Mươi Bốn
- Lời Cuối Trang Sách Của Trijang Rinpoche
- Phụ Lục 3 Ba Nòng Cốt Của Đạo Lộ
- Phụ Lục 4 Trang Hoàng Yết Hầu Những Người May Mắn
- Phụ Lục 5 Pháp Luyện Tâm Bảy Điểm
PHẦN NĂM
PHẠM VI LỚN
NGÀY MƯỜI CHÍN
Kyabje Pabongka Rinpoche kể một chuyện ngắn để chúng tôi khởi động. Về văn bản thì ngài chọn Lời Nguyện Của Di Lặc trong đó có câu:
Cúi lạy chư Bồ tát
Đã ngăn các con đường
Đưa đến các đọa xứ,
Đã khéo dạy đạo lộ
Đưa đến các cõi cao,
Đã dẫn đường đi đến
Cái không già không chết.
Rồi ngài nhắc lại những những tiêu đề nói trên, và ôn lại “Pháp Quán Thực Thụ Đổi Địa Vị Mình Với Người” và “Con Đường Đưa Đến Thiền Quán Cho Và Nhận.” Ngài cũng trở lui về hai phần đầu của giáo lý bảy phần.
Mình và người là căn bản trên ấy bạn xây dựng những ý tưởng hoặc yêu mến hoặc làm ngơ. Bây giờ hai căn bản ấy cần phải đổi chỗ. Rồi, như tôi đã nói, muốn khai triển thêm, bạn hay quán Nhận đau khổ để xây dựng tâm bi; và quán Cho thân thể, tài sản, công đức của bạn để xây dựng tâm từ. Lại nữa bạn nên phối hợp sự Cho và Nhận ấy với hơi thở vào thở ra. Thêm vào đấy, để khỏi quên pháp này, bạn nên nhồi ký ức mình với một vài bài kệ trong khi làm những công việc hàng ngày.
Có một số phương pháp khác nhau để phối hợp hai chỉ giáo này về luyện tâm bồ đề trong sự tu tập của bạn. Những phương pháp này được đề cập bằng những tiêu đề và những trình tự khác nhau. Sau đây là nói vắn tắt về cách tu tập dưới 11 đề mục thiền quán.
Khởi đầu bằng cách quán bốn pháp:
(1) xả; (2) nhận ra mọi hữu tình là mẹ; (3) cách thông thường và cách đặc biệt để nhớ lại sự tử tế của họ; (4) ước mong đền đáp sự tử tế ấy.
Bốn pháp ấy được tiếp theo bằng: (5) bình đẳng giữa mình và người; (6) quán những lỗi do ngã ái; (7) quán những đức do thương người.
Bây giờ đến pháp quán thực thụ về đổi địa vị mình và người: (8) nhận, bao gồm pháp quán để xây dựng tâm Bi; (9) cho, bao gồm pháp quán để xây dựng tâm Từ mong mỏi hạnh phúc cho kẻ khác.
Và cuối cùng là: (10) Sự phát triển tâm vị tha.
Khi bạn xét mình có thực sự đã làm được gì về Cho và Nhận, thì sẽ thấy rằng đấy chỉ là trong tưởng tượng mà thôi. Hiện tại bạn chưa làm được điều gì cụ thể lợi lạc cho chúng sinh; vậy thì khởi ý nghĩ: “Tôi sẽ làm một điều gì để thực hiện việc ấy trong thực tế.” Và khi gánh lấy trách nhiệm ấy, là bạn phát triển tâm vị tha. Rồi vì lý do ấy mà có: (11) Phát triển lòng mong mỏi thực thụ đạt đến toàn giác.
Mười một đề mục thiền nói trên làm nên một tổng hợp của cả hai chỉ giáo về bảy lớp nhân quả và đổi địa vị mình với người. Sau đây là cách tu tập.
Ở phần kết của chuỗi đề mục ấy, còn có một bước nữa, một dáng điệu tốt lành để bạn dễ thành công hoàn toàn về mật điển và các madala trong đó. Điều này cũng giống như những lời nguyện của bà la môn Samandraraja và vị Chuyển luân vương Arenemi về những tái sinh của họ trong tương lai (xem Ngày Thứ Tám). Điều bạn làm là, hãy tưởng tượng tất cả hữu tình đều thành tựu mọi điều hạnh phúc; việc này sẽ là một vốn lớn lao để giúp bạn hoàn thành mọi điều hạnh phúc; việc này sẽ là một vốn lớn lao để giúp bạn hoàn tất hai sự tích lũy. Bạn làm điều này bằng cách hóa thân thành Đức Thích Ca Mâu Ni, rồi phóng những hào quang tịnh hóa tất cả đau khổ hữu tình. Quán tất cả hữu tình cũng đều tịnh hóa thành thân Thích Ca Mâu Ni. Rồi thiền quán về tâm Hỉ. Bằng cách ấy, bạn vừa quán những kết quả của sự phát tâm bồ đề của bạn, và dùng pháp quán ấy như một phần của đạo lộ.
Bản văn của chúng ta nói:
Ba đối tượng, ba độc và ba thiện căn.
Ba đối tượng là những gì bạn cho là hấp dẫn, ghê tởm, hoặc trung tính. Khi hướng tâm đến những đối tượng ấy ta phát sinh tham ái, thù hận, v.v… Khi các hữu tình hướng sự chú ý đến những đối tượng ấy chúng cũng phát sinh vào đọa xứ của chúng tùy thuộc vào tất cả vọng tưởng ấy và đối tượng ấy. Hãy tưởng tượng bạn nhận lấy tất cả những điều này, cùng với cái nhân đau khổ của chúng trong sinh tử; nghĩ rằng: “Tôi đã làm cho tất cả hữu tình nhẹ gánh tham, sân, si, nên bây giờ họ chỉ còn có những thiện căn. “Hãy xem chính ngã ái của chúng là đáng chê trách vì đã đem lại tất cả nghịch cảnh cho chúng như lo âu, bệnh hoạn, v.v… Hãy làm cho nghiệp báo của họ chấm dứt, nhận lấy tất cả đau khổ của họ. Hãy thấy rằng những gì bạn nhận sẽ chín mùi trên bạn, và lấy đó làm nhân cho sự vui sướng mừng.
Nhờ làm vậy, người nào quen luyện tâm sẽ không bao giờ khổ sở, vì tất cả nghịch cảnh đối với họ đều có ích. Đấy là lý do việc luyện tâm được gọi là “nguồn gốc của thành trì hạnh phúc.” Nó khiến cho bạn kham nhẫn những nghịch cảnh nhỏ nhặt. Ví dụ, khi một thương gia lên đường, y phải nhìn mọi sự với thái độ triết lý. Nếu trời mưa, ít nhất y sẽ không bị cướp; nếu tuyết xuống, ít nhất những con vật chở hàng của y sẽ không bị què. Quyển Hành Bồ Tát Hạnh nói:
Nếu một việc có thể điều chỉnh được
Thì cần gì phải khổ sở?
Nếu một việc không thể điều chỉnh
Thì đau khổ liệu có ích gì?
Nếu bạn gặp khổ thì buồn sầu cũng vô ích, bạn nên biến nỗi khổ ấy thành hữu dụng. Hơn nữa bạn có thể thấy có những người đã tự mình đạt được tuệ giác về vô thường sau một cơn bệnh suýt chết.
Bởi thế khi gập hoàn cảnh xấu hay nghĩ rằng “mong tất cả những điều mà hữu tình đã bị sẽ đến với tôi.” Không gì lợi lạc hơn là suy nghĩ cách ấy.
Đến đây là chấm dứt phần ôn lại đề mục “Chuyển nghịch cảnh thành con đường giác ngộ.”
a-.2.3.2. Chuyển hóa bằng hành động
Có 4 loại hành động bao hàm ở đây: tích lũy công đức và trí tuệ, thanh lọc chướng ngại, cúng bánh lễ, và triệu thỉnh Hộ Pháp làm các thiện sự.
Nếu khi bạn hoàn toàn quen thuộc với pháp luyện tâm này, mà bỗng bạn bị ốm, thì nên triệu thỉnh thiện sự của Hộ Pháp như sau: ‘Sự thực hành Cho và Nhận của tôi đã có ý nghĩa mới, vì nỗi khổ của tất cả hữu tình đang trút xuống trên tôi. Mong cho bệnh của tôi còn nặng hơn thế này nữa!” Khi bạn cúng bánh lễ cho phi nhân, hãy nghĩ “Quý vị đã rất tử tế với tôi khi hại tôi. Điều này đã chứng tỏ cólợi cho sự tu tập của tôi. Tôi đã tịnh hóa nhiều tội lỗi chướng ngại và tích lũy thêm nhiều công đức. Bây giờ, hãy làm hại tôi nhiều hơn nữa!” những người không đủ can đảm, cảm thấy sợ hãi vì ý nghĩ này, sẽ thấy mình không thể nào làm được điều ấy. Vậy, họ nên làm việc thông thường là kêu gọi sự giúp đỡ của phi nhân để khỏi bị đau ốm v.v…
Nếu nhà bạn ngập nước, bạn nên tìm căn nguyên vân đề để chấm dứt. Khi bị đau khổ cũng thế, bạn nên từ bỏ tội lỗi - nguyên nhân của đau khổ - và xây dựng công đức - nguyên nhân của hạnh phúc. Nếu bạn sám hối tội lỗi bằng cách tụng bài Sám hối tổng quát (xem phần phụ lục) sau khi hoàn tất lễ cúng gồm 100 phần, bạn sẽ làm tròn cả 4 loại hành vi; cũng nên làm những cầu nguyện về pháp luyện tâm vào cuối lễ này.
Bản văn nói:
Áp dụng ngay thiền quán
Càng nhiều càng tốt.
Nói cách khác, bạn phải áp dụng phương pháp luyện tâm ngay khi một hoàn cảnh thuận hay nghịch xảy ra, để chuyển hóa nó thành pháp tu tức khắc.
a-2.4. Dạy một phương pháp để áp dụng suốt đời
Trước hết có 5 năng lực: (1) năng lực của hạt giống trắng; (2) năng lực của tập quán; (3) năng lực của quyết định; (4) năng lực của sự từ bỏ; (5) năng lực của cầu nguyện.
Năng lực của quyết định là năng lực quan trọng nhất. Khi vừa thức dậy vào buổi sáng, bạn phải làm quyết định sau đây: “Tôi sẽ không để cho cuộc đời tôi trở thành vô nghĩa, nhất là trong năm nay, trong ngày nay tôi sẽ làm một điều gì có ý nghĩa. Tôi sẽ nhiếp phục ngã ái, kẻ thù thật sự của tôi!” Sự quyết định của bạn khởi đầu tất cả mọi hành động, làm cho hành động ấy thành thiện hay bất thiện, đại thừa hay tiểu thừa. Khi bạn quyết định giết một con rận hay quyết định soạn một bữa ăn trưa, thì điều ấy là chuyện mà bạn sẽ làm thực sự. Vừa thức dậy mỗi sáng khi buộc thắt lưng, thông thường chúng ta chỉ quyết định là những chuyện thế gian - thực phẩm, thời trang, danh tiếng - những phương tiện để đạt hạnh phúc. Bây giờ đổi lại, hãy làm quyết định như trên, và làm một cách sâu xa từ tâm để.
Năng lực của hạt giống trắng có nghĩa là xây dựng hai sự tích lũy và thanh lọc chướng ngại nhờ những nghi lễ chuẩn bị v.v…, những điều này được làm để tăng trưởng bồ đề tâm của bạn. Thiện hành mà chúng ta làm thường bị mất hút vào cuộc đời này, vậy cốt nhất đừng để điều này xảy đến.
Năng lực của tập quán, nghĩa là luôn luôn thực hành pháp tu bất kỳ ta đang làm việc gì - đi bộ, ngủ hay ngồi - bằng cách sử dụng những phương pháp tăng trưởng cả hai loại bồ đề tâm. Những ý tưởng của những vị đại bồ tát thì quá sức ta, cũng như những hành vi hy sinh đầu, tay, chân của họ. Nhưng đấy là hậu quả của tập quán. Lúc đầu có thể ta không biết gì về nghề thợ thiếc hay thợ mộc, nhưng ta có thể đi đến chỗ học được nghề ấy và chúng không còn khó khăn đối với ta nữa. Cũng thế, ngay cả sự hy sinh mạng sống cũng sẽ dễ dàng như cho một dĩa rau, khi ta đã đạt đến một sự quen thuộc với tư tưởng bố thí mạng sống. Có câu nói: “Không gì khó khi đã trở thành quen thuộc.” Một số những hành giả vĩ đại trong quá khứ có thể hoàn tất sự thiền quán phần quan trọng về Lam-rim trong khi đang cỡi ngựa: họ làm việc này khi một chân đặt trên bàn đạp và một chân kia trên yên. Điều này cũng là hậu quả của thói quen. Thiền định và thói quen là đồng nghĩa. Làm sao chúng ta uống một bát trà được một cách dễ dàng, nếu ta chưa có thói quen việc ấy?
Năng lực của từ bỏ là như sau. Hiện tại, ngã ái là điều duy nhất bạn đang phát triển, và bạn nên chấm dứt việc ấy. Bạn phải từ bỏ ngã ái bằng cách đánh vào nó mỗi khi nó thò mặt ra, cũng như bạn đánh một con chó đến ăn trộm.
Năng lực của cầu nguyện là, ngay trước khi đi ngủ hãy hồi hướng tất cả thiện căn mà bạn đã có trong ngày ấy, để chúng làm tăng trưởng hai loại tâm bồ đề.
Năm năng lực này áp dụng cho cuộc đời hiện tại. Còn có 5 năng lực vào lúc chết; đấy là sự thực tập chuyển đi sự luyện tâm để hướng tâm bạn vào tái sinh mới.
Chỉ giáo của Đại thừa về chuyển di
Liên hệ đến năm năng lực.
Hãy yêu mến hoạt động này!
Kỹ thuật chuyển di sự luyện tâm không dùng thần chú hik và phat nhưng sâu sắc hơn bất cứ kỹ thuật chuyển di nào khác.
Sự quyết định của bạn ở đay là quyết không rời tâm bồ đề trong khi ở trong trạng thái chết, trạng thái trung ấm, vân vân.
Năng lực bạch chủng (hột giống trắng) là như sau. Giả sử bạn quá tham luyến những sở hữu của mình. Hãy phá hũy lòng tham luyến ấy bằng cách dâng hiến cũng sở hữu ấy qua một lễ cúng, v.v… Dâng hiến những vật ấy cho những người nhận có đức; hoặc di chúc bố thí tất cả sở hữu của bạn. Việc này còn tốt hơn để một người khác tạo công đức hồi hướng cho bạn sau khi chết. Nếu bạn không xả bằng cách đó thì chuyện sau đây có thể xảy ra.
Một thầy tu tham luyến cái bát khất thực của mình, và tái sinh làm một con rắn. Đức Phật đuổi nó vào rừng, làm cho nó tức giận, và ngọn lửa sân của con rắn đốt cháy cả khu rừng và chính nó. Rồi nó tái sinh vào địa ngục, và cả ba thân xác của nó (xác ông thầy, xác con rắn và thân thể tái sinh ở địa ngục) đồng thời bốc cháy.
Một người bị ám ảnh bởi một số vàng chôn dưới đất. Ông ta cũng tái sinh làm một con rắn, và bị buộc phải cúng vàng ấy cho Phật.
Những chuyện như thế cho thấy cái gì xảy ra nếu bạn không xả bỏ của cải. Nhưng bạn cũng có thể tham luyến thân xác bạn và tái sinh làm một con sâu chẳng hạn, để sống trong cái thân xác ấy. Có lần một thi thể phụ nữ nằm trên bờ biển. Một con sâu trông giống như một con rắn cư trú trong cái xác, chui qua chui lại trong lỗ mũi, miệng, mắt, tai vân vân. Chúng sinh ấy được nói là tái sinh của một cô gái quá đam mê thân xác của mình và luôn luôn soi gương. Bởi thế, vào lúc chết, hãy xây dựng hai sự tích lũy của bạn (phước đức và trí tuệ - DG), và làm những cầu nguyện tha thiết để tăng trưởng tâm bồ đề. Điều này rất cần thiết cho những người tham luyến thân xác của mình.
Một tu sĩ thấp kém rất tham luyến một số tiền. Ông chết và thành một con cóc luôn luôn bám lấy số tiền ấy.
Có nhiều người không thể chết được khi đã đến thời đáng chết, cũng chỉ vì lòng bám víu mạnh mẽ. Một vị sư già ở Amdo rất thích thực phẩm béo bở nên chết rất khó. Gungtang Jampaelyang dùng phương tiện khéo nói: “Hãy luyện tập tái sinh lên cõi trời Đâu suất đi. Thức ăn ở đấy còn béo bở hơn những thứ mà ta có được vào ngày rằm tháng bảy.” Vị sư liền tắt thở lập tức. Việc này cũng rất có thể xảy đến cho chúng ta. Bởi thế, cốt nhất chúng ta phải từ bỏ tham luyến.
Năng lực từ bỏ là sám hối những tội phạm giới và thọ giới. Những điều này bắt buộc phải làm. Nếu bạn tu mật tông, bạn phải phục hồi giới mật tông và giới Bồ tát đã vi phạm bằng cách làm một lễ tự quán đảnh hoặc thọ pháp quán đảnh trở lại. Việc này cần làm luôn luôn, nhưng quan trọng nhất là phải làm khi bạn chết. Nếu không làm, thì bóng tối của tội lỗi cứ lơ lửng trên đầu bạn: bạn có thể không đến được các cõi tịnh, v.v… mặc dù đã đủ điều kiện để đến đấy.
Năng lực của cầu nguyện không phải là cầu lên tịnh độ hay gì cả; trái lại, bạn cầu xin sự gia trì trong việc phát bồ đề tâm của bạn, cầu mong rước lấy những đau khổ tội các và chướng ngại của mọi hữu tình.
Năng lực của tập quán là như sau. Sau khi đã quen thuộc với bồ đề tâm, bạn từ bỏ đời tái sinh này trong khi đang thiền định về tâm bồ đề do thói quen. Việc ấy là tốt nhất. Bạn nên theo thế nằm sư tử nghiêng về bên hông phải trong khi hướng tâm về tái sinh mới. Đây là thế nằm của đức Đạo sư đầy từ mẫn của chúng ta khi Ngài nhập Niết bàn, và ngay cả việc làm này cũng đủ có một ảnh hưởng lớn trong việc giúp bạn đạt đến các cõi tịnh.
Nói chung, người ta nên thực hành phép chuyển di tâm thức bằng cách quy y theo Phạm Vi Nhỏ. Tuy nhiên người nào đang thực hành Phạm Vi Lớn cũng cần phải làm sự chuyển di tương tự trong khi quán tưởng về bồ đề tâm. Bạn có thể nghĩ rằng phương pháp sau này không thể làm bạn đạt đến các cõi tịnh, nhưng sự thật không phải vậy. Khi Chaekawa sắp chết, ngài bảo thị giả mau làm lễ cúng dường giúp ngài. “Tôi đã cầu nguyện đi xuống địa ngục Vô gián để giúp đỡ tất cả chúng sinh ở đấy, nhưng bây giờ tôi lại đang trông thấy các cõi tịnh!” Geshe Potowa cũng có một câu chuyện tương tự. Có hai mẹ con bị dòng nước cuốn trôi. Họ nghĩ đến nhau với lòng thương mến, nên cả hai đều được sinh vào cõi trời Đâu suất. Một lần có một con thuyền bằng da dùng làm đò ngang qua sông Jasa ở phía nam bị quá tải sắp chìm, một sứ giả phát tâm từ nhảy xuống sông (cho thuyền nhẹ bớt). Nhưng ông lại không chết, và xung quanh ông đầy những ánh sáng cầu vồng. Bồ đề tâm là một hình thức thù thắng của lòng tốt; nên nếu bạn khởi động dù chỉ một hình thức gượng gạo của tâm bồ đề, chắc chắn bạn cũng sẽ tái sinh vào một hoàn cảnh tốt.
Chúng ta gán tầm quan trọng nhiều hơn cho pháp chuyển di tâm thức, sử dụng những thần chú hik và phat hơn là bồ đề phát tâm bồ đề. Chúng ta cũng quá xem trọng việc nhận được những triệu chứng của những thành công trong những pháp tu như vậy. Nếu bạn thực hành việc niệm hik nhiều lần mà không làm phép quán gì cả, thì những triệu chứng đã được khả năng chuyền di tâm thức có thể xuất hiện trên đầu bạn như đỉnh đầu nhô cao, nhưng đây chỉ là tác động của các luồng khí lực, không có gì đáng quái dị. Hình thức luyện tâm để hướng dẫn sự tái sinh này không sử dụng hik hay phat nhưng nó là pháp sâu xa nhất trong tất cả các pháp luyện tâm. Sau khi thực hành những phép chuyển di khác, cũng chưa chắc bạn đã đóng được cánh cửa tái sinh vào đọa xứ; nhưng nếu bạn hướng dẫn sự tái sinh của bạn qua năm năng lực này, thì chắc chắn bạn sẽ không tái sinh vào bất cứ một cõi bất hạnh nào.
a-2.5. Tiêu chuẩn để biết đã luyện tâm
Tất cả pháp đều do tâm tạo.
Đức Thế Tôn đã giảng rất nhiều giáo lý riêng biệt, mà tất cả đều là những pháp đối trị bệnh ngã ái. Đường phân chia giữa cái gì là pháp cái gì là phi pháp, được nói là nó có diệt trừ được vọng tưởng hay không. Như vậy dấu hiệu thành công tốt nhất là mức độ bạn giảm thiểu những si mê của mình. Nếu bạn chưa làm được điều này, thì những dấu hiệu thành công khác không có nghĩa gì. Ngay cả những con chim ăn xác chết cũng có thể bay giữa hư không, chuột có thể độn thổ, cá có thể lặn trong nước. Bạn cần phải trắc nghiệm Pháp bằng cách sử dụng sự tu tâm như cán cân. Sự giảm thiểu ngã ái mới là bằng chứng rõ rệt của sự có tu.
Hãy chú trọng nhân chứng chính yếu.
Có hai nhân chứng: Bản thân bạn và những người khác. Sự tu hành của bạn có thể còn xa với sự toàn thiện, nhưng bạn lại có thể làm cho người ta tưởng bạn đã toàn thiện. Những người khác có thể nhìn bề ngoài của bạn để đánh giá trị và tôn trọng đạo đức có vẻ hoàn toàn nơi bạn. Người ta bảo có 4 hạng xoài chín; có thứ chín bên trong lẫn bên ngoài, có thứ ngoài chín trong sống, v.v… Bạn có thể giống như thứ xoài bên ngoài chín mà trong còn xanh. Trong trường hợp ấy, dáng điệu “có nghiên cứu” của bạn chỉ như một con mèo rình mồi, và bạn sẽ được những người không biết pháp tưởng là một người tốt. Đừng hành động như thế. Nhưng cũng không nên chỉ chín bên trong mà xanh bên ngoài. Nếu bề ngoài bạn tỏ ra có giới luật, thì người khác sẽ không bất mãn. Khi bạn có kỷ luật nội tâm, thì dòng tâm thức của bạn sẽ phong phú nhờ tu tập. Bởi thế cả trong lẫn ngoài phải được thanh tịnh. Có câu nói: “Bồ tát không từ bỏ tiếng xấu.” Nói cách khác, mặc dù bạn nên cẩn thận từ bỏ những hành vi có thể mang tiếng xấu, nhưng điều quan trọng nhất là phải duy trì tính tự trọng.
Luôn luôn đào luyện niềm hỷ lạc nội tâm.
Nếu bạn giàu, thì không nên đau khổ do thành kiến giữ của hoặc muốn tăng trưởng tài sản. Nếu bạn không giàu, đừng nên lo ngại về kế sinh nhai. Hãy nghĩ về những sự bất lợi của giàu sang. Hãy biết hỷ túc, nghĩa là biết cách chuyển cảnh nghèo cũng như cảnh giàu thành con đường tu tập.
Đừng để tám mối bận tâm thế tục ló đầu ra khi bạn được khen hay bị kết án; hãy tìm lý do mỗi khi bạn cảm thấy sung sướng hay buồn khổ, rồi bạn sẽ không còn đau khổ trong tâm.
Tiêu chuẩn để biết bạn đã luyện tâm là như sau:
Bạn đã làm chủ được tâm.
Nếu khi tán tâm vẫn làm chủ được.
Người cỡi ngựa chưa kinh nghiệm thì chỉ vững được khi để tâm vào việc cỡi ngưạ; nếu tâm đi lang thang anh ta sẽ bị ngã xuống, Nhưng người kỵ sĩ có kinh nghiệm thì không bao giời bị té dù trong lúc lơ đễnh. Người luyện tâm chưa thuần thục cũng giống như người cỡi ngựa thiếu kinh nghiệm, khi bất thần bị lăng nhục, vị ấy sẽ nổi giận ngay, và chỉ sau một lúc mới nhớ lại mà nguôi cơn giận. Một người với tâm khéo luyện sẽ không tức giận khi bị người khác đánh hay lăng nhục ngay cả khi tâm vị ấy không đề phòng.
Tiêu chuẩn của tâm khéo luyện
Là khi bạn đã lật người nó lại.
Nghĩa là, tiêu chuẩn của tâm khéo thiền định (về cái chết và vô thường hay thiền định về từ bỏ) là sự kiện rằng bạn không còn bận tâm về những chuyện tầm thường của đời này, không khát khao sự sung túc trong sinh tử. Cũng vậy, bạn đã làm chủ được tâm nếu bạn lật ngược ngã ái thành lòng vị tha.
Bạn sẽ có 5 dấu hiệu chứng tỏ sự tự chủ lớn lao.
Khi luyện tâm thuần thục bạn sẽ có 5 triệu chứng: bạn thành một nhà khổ hạnh vĩ đại vì có khả năng nhẫn nhục. Tâm bạn sẽ không hướng về vọng tưởng dù bị đau khổ tai ương v.v… Bạn sẽ là một nhân vật vĩ đại vì bạn yêu mến người khác hơn chính mình. Bạn sẽ là một người thực hành giới vĩ đại vì trong mọi hoạt động, không bao giờ bạn rời xa việc thực hành 10 loại pháp hành. Bạn sẽ là một người bảo trì tạng luật vì bạn luôn luôn an tịnh, tự chủ, và hoàn toàn không bị ô nhiễm bởi ác hành nhỏ nhặt nhất. Bạn sẽ là một hành giả vĩ đại vì thực hành con đường Đại thừa thực thụ.
a-2.6. Mười tám điều kiện của pháp luyện tâm
(1) Luôn luôn theo sát ba điểm chính
Điểm thứ nhất là không bao giờ vi việt những giới điều của sự luyện tâm. Đừng lấy sự luyện tâm làm cớ để mà bỏ qua những giới luật căn bản như là những giới trong tạng luật.
Điểm thứ hai đừng để cho sự luyện tâm của bạn trở thành chỉ là sự bắt chước. Đừng dùng sự luyện tâm của bạn làm cớ để không ngần ngại làm đảo lộn mọi người và các hữu tình như chặt phá cỏ cây v.v… vì bạn giả vờ không còn ngã ái.
Điểm thứ ba là đừng để sự luyện tâm của bạn trở nên bất túc, nghĩa là chỉ kiên nhẫn đối với bạn mà không kiên nhẫn đối với kể thù hoặc chỉ khoan hồng đối với mọi người mà thiếu khoan hồng đối với những chúng sinh khác, v.v…
Hãy thay đổi những ước vọng của bạn
Nhưng vẫn giữ phong thái như cũ.
Đừng để nguyên những tư tưởng ngoan cố mà bạn có trong dòng tâm thức: hãy dùng một vài biện pháp để cải thiện chúng. Những mẫu người tốt nhất cải thiện thấy rõ từng ngày; người trung bình chỉ cải thiện sau hàng tháng, và tệ nhất thì cả năm mới thay đổi. Bạn phải thấy bạn có thể thuộc vào hạng nào trong đó. Nếu cả ba hạng đều vượt quá sức bạn thì dù bạn đã xuất gia, thọ giới và đã già, bạn vẫn còn giữ nguyên những tư tưởng bạn có trước khi xuất gia. Đừng giống như những tảng đá ở sau nhà bạn không bao giờ thay đổi từ năm này qua năm khác. Hãy thay đổi những khát vọng của bạn! Những ước vọng ấy phải được thay đổi thành ước vọng có tâm bồ đề, có sự từ bỏ, có thực chứng về vô thường, v.v… Nhưng đừng thay đổi tư thái bề ngoài của bạn. Có những người không có một đức tính nào có giá trị được phát triển bên trong, nhưng bên ngoài lại giả vờ có một tia mắt thánh thiện nhìn xa xăm v.v… Bạn chỉ nên phát triển những tuệ quán và cải thiện nội tâm mà đừng bao giờ hiện tướng ra bên ngoài. Cũng đừng để cho ai biết bạn đã làm những tiến bộ phi thường. Bạn nên làm như Shantideva hay bậc thánh Chu Lợi Bàn Đà Già đã từ bỏ vọng tưởng một cách âm thầm, bí mật đạt thực chứng. Ngay cả bậc hiền trí Chandrakirti cũng chỉ ra vẻ như một học giả không có gì đặc biệt, không ai chú ý gì đến ông. Nhưng bên trong ngài đã đạt được thần thông, ngài có thể nặn ra sữa từ hình vẽ một con bò cái. Những con người như vậy không bao giờ tự làm cho mình nổi bật. Và trong quá khứ những vị tu sĩ trong truyền thống Kadampas cũng không tìm cách nổi tiếng như tu thiền giữa công cọng, bày tỏ những dấu hiệu của sự đắc đạo, v.v… Hãy theo gương họ. Bạn sẽ gặp nhiều chướng ngại khi tự quảng cáo về mình: điều ấy cũng như có một viên ngọc như ý mà đem đi khoe. Bạn không khác gì người thế tục và bị rơi lại vào những chuyện thế gian. Mỗi khi chúng ta tu được dù chỉ một pháp nào, chúng ta cũng mong cho mọi người biết như thể là giương một lá cờ trên đỉnh núi. Đừng làm như vậy. Trong truyền thống này của Atìsha và phái Kamdampas, bạn phải che giấu những đức tính như ngọn đèn giấu trong bình đèn.
Đừng nói đến những chân tay tàn tạ của người khác.
Nghĩa là đừng nói về những khuyết điểm của mọi người.
Đừng bị ám ảnh bởi người khác.
Nghĩa là bạn phải phân tích lỗi lầm của chính mình nhưng không nên nhìn lỗi người khác. Nếu không bạn chỉ tìm lỗi nơi những người tu khác, những người bạn trong tu viện hay những vị tu sĩ trong nhà trọ của bạn v.v…, bạn sẽ tự nhiên tìm lỗi ngay cả nơi chư Phật. Đừng gán lỗi cho người khác, vì như thế bạn chỉ khinh người và không biết gì đến họ.
Hãy thanh lọc trước tiên vọng tưởng lớn nhất.
Hãy thanh lọc bất cứ vọng tưởng nào mà bạn thấy là lớn nhất trong dòng tâm thức của bạn. Nếu tham nơi bạn là lớn nhất, thì hãy thanh lọc nó bằng cách áp dụng pháp đối trị như quán thân bất tịnh.
Từ bỏ tất cả hy vọng về quả báo.
Khi bạn làm một điều gì thiện, thì đừng mong chờ sự đền bù hay quả dị thục tốt đẹp.
Hãy từ bỏ thực phẩm có chất độc.
Đừng nên đào luyện bất cứ đức hạnh nào giống như thức ăn có lẫn chất độc ngã ái.
Ta hãy nói phần còn lại mà không trích dẫn thêm bản văn gốc. Nếu bạn phát sinh một vọng tưởng, thì hãy đối trị ngay không để cho nó kéo dài - hãy đối xử không nương tay với nó.
Bản văn nói về bốn pháp mà một hành giả cần phải thực hiện, ví dụ đừng lấy oán trả oán. Bạn không phải là một hành giả đức hạnh nếu bạn không thực hành bốn pháp, (CT.- tức là bốn trọng giới của tỳ kheo. Chúng không được kể ra ở đây) vì bạn đã hứa trước tu viện trưởng và thầy truyền giới là bạn sẽ giữ bốn giới ấy. Nếu ai nói với bạn “Con chó già” thì đừng trả đũa bằng “người là đồ ăn trộm.” Nếu ai đánh bạn một cái, đừng đánh trả lại gấp hai.
Đừng chờ dịp trả thù một người nào, như phục kích trên đường hẽm để hại họ. Những người thế tục ngu si tưởng rằng tốt nhất là nên mĩm cười trong khi âm thầm nuôi dưỡng sự thù hận. Điều này chỉ chứng tỏ rằng Pháp và những hành vi thế tục là hai chuyện trái ngược.
Nếu bạn biết một người nào có tội lỗi, đừng nói ra trước nhiều người khác hay đã kích những chỗ yếu của họ. Đừng nêu lên những lỗi lầm của họ. Cũng thế không nên tụng những thần chú phẫn nộ để hại các hữu tình v.v…
Khi bạn làm gì quấy thì đừng trách cứ người khác một cách lừa dối. Cũng đừng nên tự cho mình tài khéo và chỉ trích người khác khi công việc không suông sẻ, đừng đặt gánh nặng của một con trâu dzo lên một con trâu thường.
Tâm được huấn luyện cốt để hàng phục ngã ái. Nhưng nếu những sự thiền định của bạn chỉ làm cho bạn tăng thêm ngã ái, và bạn không làm hại hữu tình chỉ vì muốn được danh tiếng, quà tặng v.v… thì như vậy là “bùa chú đã mất linh.” Đừng nên làm như vậy.
Đừng hấp tấp chiếm lấy một cái gì thuộc của công, hoặc cố được phần nhiều nhất bằng cách đến trước - nghĩa là đừng chạy đua.
Đừng để cho thiên thần trở thành ác quỷ, nghĩa là đừng để sự luyện tâm của bạn không còn là một pháp đối trị ngã ái, mà là một cái gì làm vững chắc thêm ngã ái.
Đừng nghĩ “Nếu kẻ thù của tôi chết hay phá sản thì tôi mới sung sướng!” Điều này sẽ là tìm hạnh phúc trong bất hạnh.
Trên đây là 18 lời nguyện.
a-2.7. Hai mươi lời khuyên
Tất cả pháp tu đều từ một pháp.
Nghĩa là hành giả không cần thực hành thật nhiều đức hạnh, vì tất cả đức hạnh bao gồm trong một ý “đổi địa vị mình với người.” Khi ăn hãy nghĩ: “Tôi đã hiến thân tôi cho hữu tình. Bởi vậy để làm việc cho lợi lạc hữu tình, tôi sẽ nuôi dưỡng thân này.” Với tất cả lề lối hàng ngày của bạn, cũng đều làm như vậy. Hãy làm mọi sự bằng cách ấy, như khi bạn tụng thần chú, trừ tà v.v…
Nếu thuốc tỏ ra không hiệu nghiệm, thì y sĩ có thể vừa châm chích con bệnh vừa chữa bằng nước nóng. Sự đổi địa vị mình với người cũng vậy có hàng trăm lợi ích, vì nó là cách đối trị tất cả vọng tưởng và thói xấu.
Hãy khởi động lực trước khi làm mọi việc lành, và cuối cùng hãy hồi hướng công đức. Điều quan trọng nhất là mỗi buổi sáng nên làm quyết định bạn sẽ làm gì và sẽ không làm gì trong ngày hôm ấy.
Bạn không được bỏ việc luyện tâm dù gặp hạnh phúc hay đau buồn xảy đến. Có người bỏ Pháp khi được sung sướng vì lên chức hay có tài sản. Có người bỏ Pháp khi bị kẻ thù làm cho đau khổ. Nhưng bạn không được bảo sự luyện tâm trong bất cứ biến cố nào.
Hãy duy trì những lời nguyện trong khi luyện tâm và những lời nguyện trong các pháp khác nói chung, như thể là bạn bảo trì sinh mạng của mình.
Có ba pháp tu khổ hạnh mà bạn nên biết để tu tập. Đó là: nhận ra vọng tưởng, áp dụng những biện pháp đối trị, và chấm dứt tính tương tục của vọng tưởng.
Bạn nên cầu nguyện cho mình có đầy đủ ba nhân chính để tu tập pháp: gặp được minh sư; tâm thích hợp cho việc tu tập; và có đủ điều kiện cần thiết như y phục và thực phẩm.
Hãy làm ba điều không thoái hóa: kính thầy; vui mừng trong việc tu tập; và kiên trì nhớ kỹ những lời khuyên này.
Đừng để cho thân lời ý của bạn nhàn rỗi, hãy làm cho chúng bận rộn bằng thiện hành. Thiện hành của thân không chỉ là lạy dài hay đi kinh hành v.v… mà ngay khi ngồi bạn cũng cần chuyển tư thế ngồi thành một thiện hành bằng cách làm thẳng cột sống. Đừng chia những đối tượng của tâm bạn thành bạn và thù, chúng sinh và Phật. Bạn phải làm chủ sự tập luyện này ngay trong tâm để của bạn, để bao quát tất cả pháp, như Geshe Chaekawa đã làm. Muốn hoàn toàn làm chủ pháp này, hãy nhấn mạnh thiền định về kẻ thù mà bạn thấy khó kiên nhẫn với họ nhất, v.v… hãy dành một chỗ đặc biệt cho những đối tượng có thể chứng tỏ nguy hiểm cho bạn về phương diện nghiệp, như là thầy, cha mẹ, người ở cùng phòng.
Hãy tiếp tục thiền quán, dù bạn có hội đủ những điều kiện cần thiết như cơm áo hay không. Đừng để việc sau đây áp dụng cho bạn:
Trông như một hành giả
Khi cơm đầy bụng và trời nắng
Nhưng trông như người thế tục
Khi gặp điều rắc rối xảy ra.
Từ hôm nay, hãy thiền quán về tâm bồ đề, một điều rất khó triển khai nhưng lại vô cùng lợi ích. Bạn phải làm việc này vì lợi lạc cho bản thân người khác, chứ không phải cho những việc trên thế gian này. Bạn nên hành động cốt yếu hướng về đời sau hơn là đời này; hướng về pháp hơn và về những chuyện thế tục; và hướng về thiền định luyện tâm hơn là thực hành những pháp khác.
Bản văn gốc tiếp tục
“Đừng hiểu lầm…” Tôi sẽ bàn phần còn lại mà không trích dẫn. Có 6 cách hiểu lầm:
(1) Nhẫn nhục sai:
Nghĩa là chịu đựng được những vấn đề gặp phải trong khi làm chuyện thế tục nhưng lại không có can đảm đối phó với những khó khăn gặp phải trong khi thực hành pháp.
(2) Hiểu sai mùi vị:
Bạn phải nếm vị Phật pháp nhờ học hỏi, quán tưởng, thiền định, v.v… Khi bạn không có quan niệm về pháp mà lại có thể hiểu những chuyện thế gian như kinh doanh, quân sự v.v… và có thể phân tích mọi việc, thì thế là bạn đã nếm vị thế gian. Đây là nếm vị sai lầm.
(3) Hiểu sai tâm đại bi:
Nghĩa là không thiền định về tâm đại bi đối với những người tội lỗi, mà chỉ đại bi đối với những người khi gặp khó khăn vì chánh pháp.
(4) Ước nguyện sai lầm:
Nghĩa là không mong ước thực hành pháp thanh tịnh mà mong ước có hạnh phúc, thế lực và tài sản trên thế gian.
(5) Khuyến cáo sai lầm:
Nghĩa là khuyến khích những người tin tưởng bạn đừng thực hành pháp làm lợi ích cho họ trong những đời sau, mà trái lại đi khuyến khích họ học doanh thương, pháp luật v.v… những điều rất hại cho đời sau của họ.
(6) Hỷ lạc sai lầm.
Nghĩa là không vui mừng đức hạnh của chính mình hay của mọi người, hoặc về hạnh phúc của người khác. Sự vui mừng ấy gọi là bất thiện. Lại nữa, sự hỷ lạc hiểu sai là vui mừng khi kẻ thù của bạn gặp đau khổ. Một ví dụ: có lần một tu sĩ vui mừng khi đối thủ của ông phạm giới trọng. Khi nghe chuyện này, Geshe Potowa nói: “Con người vui mừng phạm tội lớn hơn là con người phạm giới.”
Khi chúng ta làm những việc như học hỏi với một bậc thầy, chúng ta có thể phát sinh một sự từ bỏ nông cạn, và trong vài ngày có thể thực hành đức hạnh một cách cuồng nhiệt. Sau một thời gian chúng ta đâm chán và phế bỏ việc hành thiện. Vậy không nên gián đoạn trong việc tu tập của bạn, làm như thế nó có từng cơn. Geshe Karag Gomchung nói:
Hãy nhìn xa phía trước,
Hãy thấy xa
Hãy nhịp nhàng.
Nói cách khác khi bạn thực hành đức hạnh, bạn nên luôn luôn giữ mức độ vừa phải, không quá nồng nhiệt cũng không quá buông lỏng. Sau khi làm xong pháp thiền vào buổi sáng thức dậy, bạn nên thực hành sự tu tập đúng mức. Về sau tăng lên, thì bạn sẽ bao quát một phạm vi rộng lớn. Giống như câu chuyện về con rận và con bọ chét (CT.- Câu chuyện này giống như ngụ ngôn của Aesop về con rùa và con thỏ).
Bản văn gốc nói: “Đừng tu tập có từng cơn.”
Một cách giải thích là: hãy để ý vào việc luyện tâm.
Khi cần lấy máu, y sĩ đồng thời cắt xuyên qua mạch máu và da. Cũng vậy việc luyện tâm của bạn phải làm mòn dòng tâm thức của bạn như một tảng đá làm mòn một cục xương.
Hãy dùng pháp thiền phân tích để luyện tâm, bằng khái niệm và bằng phân tích.
Hãy áp dụng cách đối trị để trừ vọng tưởng nào bạn cho là lớn nhất.
Sự làm việc vì lợi lạc hữu tình chỉ là chuyện đương nhiên, một điều bạn đã phát nguyện, bởi vậy đừng khoe khoang về điều ấy.
Giả sử một người nào xem thường bạn trước mặt những người khác, bạn không nên nổi giận v.v… nghĩa là đừng tỏ vẻ khinh bỉ.
Đừng thay đổi như thời tiết mùa xuân, đổi từ vui đến buồn vì một lý do tầm thường nhất.
Đừng giúp đỡ người khác với hy vọng nhận lấy tiếng khen v.v…
Điều này kết thúc những lời khuyên.
Nếu theo đúng những lời khuyên này, bạn có thể chuyển những nghịch cảnh thành con đường giác ngộ, mặc dù năm thứ suy đồi - suy giảm về thọ mạng, vân vân - là chuyện thông thường.
Hệ phái giảng dạy này được truyền từ Suvarnadvipi. Chỉ giáo này đã làm cho Chaekawa sung sướng, ông bảo rằng bây giờ ông có thể chết mà không ân hận.
Trừ phần nói về tri kiến, thì giáo lý đến đây là hoàn tất. Trong nhiều luận giải về bản văn này, tri kiến được đề cập theo sự truyền giáo đầu tiên, nên không được rõ ràng. Tác phẩm Sự Luyện Tâm Như Tia Mặt Trời khi bàn về tri kiến thì dựa theo hệ thống trung quán. Suvarnadvipi lúc đầu theo cách giảng Duy thức về tri kiến, nhưng về sau chuyển qua hệ thống trung quán.
Khi cho một buổi nói chuyện thân mật về Lam-rim thì theo truyền thống, người ta không lập lại ba hay bốn lần tài liệu sau phần này nói về phát bồ đề tâm.