Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

phần 2

12 Tháng Giêng 20171:57 CH(Xem: 2647)
phần 2

KINH NGHIỆM NIỆM PHẬT 
VÀ NHỮNG CHUYỆN LUÂN HỒI
 

Biên Soạn: Cư Sĩ Diệu Âm
Chứng Minh: H.T. THÍCH GIÁC HẠNH

 ---o0o----

2

Niệm Phật Đại Thừa

 

 Kính thưa quý bạn, ngoài phát tâm bồ đề, nguyện niệm Phật để thành Phật, chúng ta còn phải làm những hạnh nguyện như Phật dạy, là tự độ và độ tha (tự độ: là tự cứu mình. Độ tha: là cứu người). Chúng ta đang tu tịnh độ, nghĩa là chúng ta đang tu pháp môn đại thừa cao siêu nhất của Phật. Tịnh: là tịnh nghiệp và tịnh tâm. Độ: là tự độ và độ tha. Đại thừa: là bao la vô cùng tận; ý nghĩa là, khi chúng ta tu niệm Phật đại thừa, phải có tấm lòng bao la vô cùng tận như Phật.

 Độ người là công đức, không phải là phước đức. Nếu chúng ta có tiền thì đem bố thí, để tạo phước đức. Còn nếu chúng ta nghèo không có tiền, thì chúng ta khuyên người tu niệm Phật. Công đức lớn hơn phước đức. Nhưng công đức mà thiếu phước đức, thì cũng không được hoàn toàn mỹ mãn. Không phải chúng ta bố thí nhiều tiền, thì mới có nhiều phước đức, mà phải tính ở chỗ, chúng ta làm hết sức của chúng ta.

 Cũng như người giàu có, họ bố thí nhiều tiền, nhưng họ lại không tu niệm Phật, thì họ cũng không được vãng sanh. Họ chỉ được kiếp sau làm người giàu có mà thôi, rồi cũng phải bị luân hồi. Thời nay nhiều người chỉ lo tu phước, không lo tu giải thoát, đây mới thật là đáng tiếc.

 Khi chúng ta phát nguyện, niệm Phật để thành Phật, chúng ta phải một lòng buông xả, tinh tấn tự độ và độ tha. Chúng ta phải quyết tâm tu, để lấy được phẩm cao nhất. Quý bạn đừng hiểu lầm cho là chúng ta nghĩ như vậy, là cống cao ngã mạn hay là tham; hoàn toàn không phải. Đây là mục đích, mà chúng ta phải quyết tâm tu, để đi đến viên mãn. Vì khi chúng ta tu, không có tín tâm quyết liệt, thì chúng ta sẽ bị thối chuyển.

 Trên cõi Cực Lạc có chín phẩm vãng sanh: ba phẩm thượng sanh, ba phẩm trung và ba phẩm hạ. Nếu chúng ta được thượng thượng sanh, sẽ biết trước ngày giờ vãng sanh. Phút lâm chung, Tam Thánh sẽ  đem hoa sen ngàn cánh của chúng ta tu bấy lâu, có được trên ao báu. Để chúng ta ngồi vào, rồi tiếp dẫn chúng sanh về Cõi Phật. Khi đến Cõi Phật, thì hoa sen liền nở ra, chúng ta sẽ thấy Phật A Di Đà. Ngay lúc đó, chúng ta sẽ có kim thân to lớn, có 32 tướng tốt, 80 vẻ dẹp, và 6 loại thần thông giống y như Ngài.

 Còn nếu chúng ta chỉ tự độ, mà không có tấm lòng độ tha, không chịu bố thí để tạo phước đức, thì chúng ta chỉ được hạ hạ sanh. Chúng ta sẽ không có được nhiều ưu điểm, như người chứng quả thượng thượng sanh. Tuy nhiên, chúng ta cũng được vãng sanh về cõi Cực Lạc, nhưng phải sống trong hoa sen, một thời gian rất lâu để tu tập. Sau khi tu tập thành công, chúng ta sẽ gặp được Phật A Di Đà. Lúc đó chúng ta mới có đủ kim thân vẹn toàn giống y như Ngài. Tuy nói là ở trong hoa sen tu tập, nhưng cũng được sung sướng như cõi tiên, luôn luôn có Chư Bồ Tát ngày đêm dạy cho chúng ta tu hành.

 Ở cõi Cực Lạc không có thai sanh, không có luân hồi, chỉ có hoa sen hóa sanh, nên khi hoa sen nở ra, thì là ngày chúng ta thành Phật. Vì vậy mà Phật dạy: “Khi chúng sanh, bất cứ ai niệm Phật đại thừa, thì đều có một hoa sen mọc lên trong ao báu ở trên Cõi Phật”. Hoa sen lớn hay nhỏ, màu sắc khác nhau và nhiều hay ít thần lực, là phải coi công phu tu tập và hạnh nguyện của mỗi người. Khi Chư Phật nhìn hoa sen, là biết được công phu cao thấp hạnh nguyện của mỗi người, chứ không có Chư Phật nào ngồi trên đó theo dõi, để ý chúng ta mà chấm điểm thấp cao.

 Cũng như chúng ta trồng một chậu kiểng trong nhà, nếu chúng ta siêng tỉa, tưới nước, chăm sóc, thì nó mọc tươi tốt, mau có nụ, nở hoa, màu sắc rực rỡ. Nếu bỏ bê, thì hoa sẽ nhỏ, héo, xấu, thậm chí còn bị chết. Khi niệm Phật cũng vậy, một câu niệm Phật là một giọt nước thần, tưới cho hoa sen chúng ta tươi tốt. Nên khi niệm Phật, chúng ta phải niệm tinh tấn không thối chuyển, không bỏ nửa chừng, hoa sen sẽ bị chết và biến mất trong ao báu.

 Chúng ta có thể bỏ ăn, bỏ ngủ, bỏ làm, nhưng không thể bỏ câu niệm Phật, vì đây là tương lai vĩnh cửu của chúng ta, còn tương lai hiện tại chỉ là tạm thời. Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại; đừng ham thân giả để mất thân Phật, cuối cùng hối tiếc sẽ không còn kịp nữa.

 Khi niệm Phật phải niệm mỗi ngày, đừng ba hồi niệm ba hồi không, lỡ hoa sen bị chết, là công phu tu niệm của chúng ta cũng mất theo, vì công đức khác với phước đức. Phước đức mình tạo bao nhiêu là có bấy nhiêu, không bao giờ mất; nhưng công đức mà bỏ nửa chừng, thì mất hết tất cả.

 Mất hết có nghĩa là mất hết công phu tu tập trrước kia, nhưng chủng tử của câu niệm Phật vẫn còn. Chỉ cần chúng ta quyết tâm tu lại, thì chủng tử cũng như hạt giống nẩy mầm mọc lại. Tuy nói là nói vậy, nhưng thử hỏi mạng sống của chúng rất ngắn ngủi, nếu không cố gắng, lỡ mất thân này, thì đâu còn cơ hội mà trồng lại. Nếu lỡ trồng lại không kịp, tới phút lâm chung, không có hoa sen ngàn cánh, thì làm sao chúng ta sanh về Cõi Phật, để xa lìa thế gian tà ma này?

 Đức Từ Phụ từ bi thương chúng sanh vô bờ bến. Ngài biết chúng sanh ngu si, không đủ căn duyên, khó có thể tự tu để giải thoát, nên Ngài tìm ra môn tu niệm Phật, để giúp chúng ta đới nghiệp vãng sanh (nghĩa là mang theo nghiệp để vãng sanh). Khi lên được Cõi Phật, dù cho chúng ta có ngu si, nhờ thần lực của Chư Phật gia hộ, chúng ta sẽ có đủ trí tụê, để tu tập thành Phật. Tại sao môn tu tịnh độ lại cao siêu đệ nhất? Vì chúng ta có nội lực và tha lực. Nếu không có thần lực của Chư Phật gia hộ, chúng ta có tu bao nhiêu A tăng kỳ kiếp, cũng không thể thành phật, nói chi là một đời.

 Phật nói: “Môn tu này cao siêu khó tin, nếu ai tin được, là người này đã có tu nhiều kiếp, nên kiếp này cơ duyên thuần thục chín mùi mới có đủ trí tụê, chủng tử, mà thâu nhập được huyền cơ cao thâm của nó”. Ngài pháp sư Tịnh Không nói: “Kiếp này, chúng ta gặp dược môn tu cao siêu này, là chúng ta may mắn còn hơn là trúng số bạc tỷ. Gặp đã là khó, mà tín sâu tu niệm, thì lại càng khó hơn. Quý cũng như mò kim đáy biển ngàn năm một thuở”. Ngoài môn tu này ra thiết nghĩ trên đời này, không còn môn tu nào cao siêu, có thể tu trong một đời, mà được vãng sanh (vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật).

 

Đại Nguyện Thứ Mười Tám

 

 Vì thương chúng sanh, nên Đấng Từ phụ A Di Đà đã lập ra 48 đại nguyện (nghĩa là đại thề). Ở đây, tôi chỉ nêu ra đại nguyện thứ 18 của Ngài, vì trong 48 đại nguyện, đại nguyện thứ 18 là quan trọng nhất. 

 Đây là đại nguyện thứ 18 của Đức Từ Phụ A Di Đà:

 “Giả sử tôi thành Phật, chúng sanh mười phương hết lòng tin ưa, mong muốn sanh về cõi nước của tôi, xưng danh hiệu tôi cho đến mười niệm, mà chẳng được sanh, thời tôi không giữ ngôi chánh đẳng, chánh giác,chỉ trừ những kẻ tạo tội nghịch, chê bai chánh pháp”.

 Kính thưa quý bạn, đó là đại nguyện thứ 18 của Phật. Ngài nói, nếu chúng sanh trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục (nghĩa là mười hơi, không cần hơi ngắn hay dài) mà Ngài không đến nơi tiếp dẫn người đó sanh về Cõi Cực Lạc của Ngài, thì Ngài thề không làm Phật.

 Qua 48 đại nguyện của Phật, chúng ta thấy Ngài thương chúng ta vô bờ bến. Cha mẹ chúng ta còn chưa thề thốt với chúng ta, vậy mà Ngài thề với chúng ta, cho thấy mỗi khổ tâm và lòng từ bi của Ngài còn lớn hơn trời biển. Chúng ta là phàm phu còn coi nặng lời thề, không dám thề bừa bãi, không lẽ lời thề của Đấng Từ Phụ chúng ta không dám tin sao? Vì thương chúng sanh ngu si không có đủ lòng tin, nên Ngài lập lời thề để giúp chúng sanh có vững lòng tin.

 Ngài đã làm hết sức của Ngài, chẳng qua chúng ta không có đủ căn duyên phước phần, tin sâu niệm Phật. Đây là điều tội nghiệp cho chúng ta. Có nhiều người trong chúng ta nghi ngờ, nghĩ là nếu trước khi chết mà niệm được mười niệm, sẽ được vãng sanh về Cõi Phật, vậy thì thế gian này đâu còn ai?

 Kính thưa quý bạn, nghe qua mười niệm dễ quá, nhưng không dễ, vì có mấy ai trên đời này, trước khi chết mà niệm được mười niệm liên tục? Tại sao? Vì khi một người sắp chết, thần thức bị mê man, tứ đại tan rã (tứ đại: là thân của chúng ta) chúng ma dành giựt, oan gia, trái chủ vây quanh đòi nợ, tâm thần hoảng hốt luyến tiếc mạng sống, vợ con, tiền bạc và danh vọng v.v. Chưa nói là trước khi chết gặp chuyện không may, thể xác bị đau đớn, sanh tâm oán hận, thì làm sao có đủ sáng suốt để mà giữ chánh niệm?

 Nghe qua thấy dễ nhưng không dễ, vì một người trước khi chết mà có thể niệm được mười niệm liên tục, là người này đã có công phu tu niệm Phật nhiều năm, nên câu niệm Phật mới được thuần thục in sâu vào tâm thức. Nhờ niệm Phật nhiều năm mà tâm thần được an định, biết thân này là giả, coi nhẹ bản thân, buông xả tất cả, dù trưóc khi chết thể xác có bị đau đớn. Họ không bị phân tâm, vì vậy mà người này mới có đủ sáng suốt giữ được chánh niệm, để niệm liên tục mười niệm.

 Dù là một người đã niệm Phật nhiều năm, trước khi chết, nghiệp nặng còn nhiều, không may bị sự đau đớn thể xác, sanh tâm sân hận, không giữ được chánh niệm, cũng khó được vãng sanh. Điều này chúng ta luôn luôn ghi nhớ và lưu ý. Lỡ chúng ta bị ai đâm chết, ngay giây phút đó, chúng ta nên nghĩ: Đây là nghiệp chúng ta đã gieo, giờ chúng ta phải trả, không nên sanh tâm thù hận, mà hãy giữ chánh niệm để niệm Phật cho đến khi tắt thở, thì Chư Phật sẽ đến dẫn chúng ta sanh về Cõi Phật.

 Còn nếu phút cuối, chúng ta oán hận, quên đi niệm Phật. Phật có muốn cứu chúng ta cũng không được, mà chúng ma sẽ đến rước chúng ta. Cho nên thần thức trước khi chết rất là quan trọng, làm Phật hay làm ma, chỉ cách nhau một suy nghĩ của thần thức, mà dẫn dắt luân hồi. Vì thấy thần thức trước khi chết rất là quan trọng, nên Đấng Từ Phụ mới dạy chúng ta tu niệm Phật, đây là khổ tâm và dụng ý của Ngài.

 Tại sao người tu nệm Phật trước khi chết, cũng cần có thân bằng quyến thuôc, hay bạn bè đồng tu giúp đở trợ niệm? Tuy chúng ta niệm Phật đã nhiều năm, nhưng có mấy ai dám chắc 100/100 giữ được chánh niệm trước khi chết? Nếu phút lâm chung, có người giúp đỡ, hay máy niệm Phật trợ niệm, thì người chết sẽ nắm chắc 100/100 vãng sanh. Vì vậy, mà người trợ niệm rất là quan trọng, không những người trợ niệm giúp nhắc nhở thần thức của người sắp chết giữ được chánh niệm, mà còn giúp xua đuổi đi những vong hồn oan gia trái chủ, đang vây quanh người sắp chết.

 Kính thưa quý bạn, nếu chúng ta khuyên cha mẹ, hay chồng con chúng ta niệm Phật, mà họ không có đủ căn duyên, phước phần để tin sâu niệm Phật. Thì chúng ta phải cần niệm phật tinh tấn và chuyên cần hơn. Tại sao? Vì lỡ trong gia đình chúng ta có ngưòi thân sắp chết. Lúc đó, chúng ta giữ được chánh niệm,.bình tĩnh, dẫn dắt, khai thị và trợ niệm cho người sắp chết, khuyên họ niệm Phật, thì chúng ta có thể cứu được vong linh của người thân. Còn nếu chúng ta chết trước người thân của chúng ta, khi thấy chúng ta được vãng sanh ra đi tự tại, người thân chúng ta sẽ khởi tâm tin Phật, Niệm Phật. Như vậy, dù chúng ta đi trước hay đi sau, chúng ta đều có thể cứu được thân nhân của chúng ta. Đây mới là tình thương chân thật.

 

Đạo Phật Không Phải Là Tôn Giáo

 

 Đạo Phật không phải là tôn giáo. Đạo Phật là giáo học dạy về chân lý, lẽ thật của vũ trụ, tạo hóa luân hồi, đạo tâm và giải thoát.

 Phật A Di Đà là người có pháp nhãn, thần thông và trí tuệ viên mãn. Ngài thấy khắp cả tận hư không, hết pháp giới, cõi trời, địa ngục, đâu đâu Ngài cũng thấy. Vì thấy, nên Ngài biết được lẽ tạo hóa, luân hồi, đau khổ của chúng sanh ở khắp mười phương, Ngài đến đây làm thầy, làm cha để cứu, dạy dỗ, dẫn dắt chúng sanh lìa mê giác ngộ, thoát vòng sanh tử.

 Đạo Phật là đạo từ bi đã có gần 3000 năm, nhưng chưa có ai đổ một giọt máu vì đạo Phật. Phật dạy chúng ta: “Hãy nối hạnh của Ngài, đem giáo học Phật pháp lưu truyền khắp nhân gian, để dạy chúng sanh giác ngộ lìa mê”. Phật dạy, trên đường lưu truyền Phật pháp, không khỏi tránh những chuyện không tin hay phỉ báng. “Nếu có ai phỉ báng chê bai, thì đó là chuyện bình thường. Chúng ta không được giận họ, mà còn thương họ nhiều hơn”. Tại sao? Vì họ không có đủ phước duyên căn lành, nên không thể lãnh ngộ nổi huyền cơ cao thâm của Phật pháp. Phật dạy: “Chúng ta phải thương, cứu hết tất cả mọi loài, không phân biệt tôn giáo, chủng tộc, giàu nghèo, già trẻ, súc sanh hay quỷ thần. Vì tất cả chúng sanh đều bình đẳng”.

 

 Phật thấy tất cả chúng sanh dù là loài nhỏ như vi khuẩn đều có chủng tử Phật tánh. Trong những chúng sanh đó, cũng có nhiều đời ông bà cha mẹ của chúng ta, và chính bản thân của chúng ta đã trải qua làm thú, thay hình đổi dạng vô số kiếp. Chẳng qua, kiếp này chúng ta không nhớ, nhưng Phật thấy là biết rõ. Nếu kiếp này chúng ta không mau giác ngộ tu hành để giải thoát, thì kiếp sau chúng ta sẽ là một chúng sanh trong sáu ngã luân hồi.

 Tạo hóa của vũ trụ:

 Trước kia, tôi tưởng trên trời chỉ có ông trời, Chư Phật và các Đấng Thiêng Liêng khác. Dưới Đất chỉ có trái đất của chúng ta. Sau khi học hỏi kinh sách của Phật, tôi mới hiểu:

 Trên trời có 28 tầng trời. Có 3000 đại thiên thế giới khác nhau. Nói riêng về Cõi Phật, đã có nhiều Cõi Phật khác nhau rồi, nên mới gọi là 10 phương Chư Phật. Còn địa ngục thì có 18 tầng, mỗi tầng đều có hình phạt khác nhau. Còn trái đất mà chúng ta đang ở, so với mấy thế giới trên đó thì chỉ bằng hạt cát. Không phải chỉ có trái đất chúng ta là có chúng sanh, (chúng sanh nghĩa là sinh tử luân hồi) mà còn nhiều trái đất ở chung quanh trái đất của chúng ta cũng có chúng sanh. Phật không phải chỉ xuống trái đất này để cứu chúng ta thôi đâu, mà Ngài mỗi giây mỗi phút đang đi khắp nơi 10 phương thế giới để cứu độ chúng sanh, nên tới giờ, Ngài vẫn chưa nhập Niết Bàn.

 Tất cả vũ trụ chúng sanh là do tạo hóa tự nhiên, do duyên hợp mà thành, chớ không có riêng một Đấng Thiên Liêng nào tạo lên. Riêng chỉ có cõi Tây Phương Cực Lạc là do Phật A Di Đà dùng phép lực thần thông, trong nhiều kiếp tu tập của Ngài mà xây thành. Các Đấng Thiêng Liêng khác cũng vậy, họ đều có thế giới riêng của họ. Họ tới đây đều cùng một mục đích: dạy cho chúng sanh làm sao thoát khỏi đau luân hồi (nói về chánh đạo). Vì vậy, trên trái đất của chúng ta mới có nhiều đạo và tôn giáo khác nhau. Chẳng qua mỗi tôn giáo đều có đặc điểm riêng của họ. Trước kia chúng ta không hiểu rõ, nên chúng ta nghi ngờ. Nay hiểu rõ tạo hóa của vũ trụ, chúng ta nên dẫn dắt gia đình tu niệm Phật, để di cư về Cõi Phật.

 

Hiểu Lầm Cúng Dường Và Lễ Bái

 

 Lúc tôi chưa hiểu Phật pháp, tôi thường thắc mắc: tại sao Phật tử phải cúng đèn, hương, hoa, quả và nước cho Chư Phật? Tôi nghĩ: Ngài là Phật, thì Ngài đâu cần mấy thứ này làm gì? Nếu Ngài cần mấy thứ này, thì Ngài đâu phải là Phật từ bi như người đời ca tụng. Tôi thấy không đúng nên đi tìm hiểu. Tôi hỏi nhiều bác lớn tuổi, luôn cả ba mẹ tôi. Có người nói cúng cho Chư Phật dùng, có người nói cúng là để tỏ lòng thành kính. Tôi thấy hai lý do trên không hợp lý. Tôi hỏi: “Luật lệ này do Phật đề ra, hay do người đời đặt ra?” Họ nói là Phật đề ra.

 Thậm chí, tôi nghe nhiều người nói: “Ồ! Tôi bây giờ bị khổ, là vì bị Phật và Mẹ Quán Âm trừng phạt, vì năm trước, tôi có đến xin Phật và mẹ Quán Âm phù hộ cho con tôi khỏi bệnh, tôi sẽ cúng một mâm trái cây. Rồi sau đó, con tôi được khỏe lại, tôi lại không đi tạ lễ, nên bây giờ bị tai nạn này, là vì trời Phật trừng phạt tôi”.

 Tôi nghe riết rồi cũng hiểu lầm Chư Phật. Tuy là tôi tin Phật, nhưng trong tận đáy lòng, tôi vẫn còn một chút hoài nghi: là tại sao Phật lại dạy chúng sanh phải mua hương, đèn, hoa, quả và nước để lên bàn thờ trước, rồi mới lễ lạy sau? Dù tôi là người phàm phu, khi giúp đỡ người ta tôi còn ẩn danh, tại sao Ngài là Phật lại dạy chúng sanh cúng dường, lỡ chúng sanh nghèo không tiền thì không được phù hộ hay sao? Như vậy hai chữ “Từ Bi” là giả, không thật?

 Lúc đó, tôi thật muốn đến chùa tìm Tăng, Ni giúp đỡ để giải tỏa nghi vấn. Nhưng vì cuộc sống trôi nổi bôn ba nên không có dịp gặp Tăng, Ni. Sau này, cuộc sống được ổn định một chút, tôi tìm hiểu về kinh sách của Phật. Sau khi học hiểu, tôi thật là xấu hổ và hối hận, thấy tôi quá ngu si. Chỗ cần tìm hiểu thì không tìm hiểu; cứ đi hỏi bá tánh ở ngoài, đa số họ là đạo ông bà và ngoại đạo mê tín dị đoan, chính bản thân họ còn tưởng họ là đạo Phật và bản thân tôi trước đó cũng như vậy, thật là đáng thương. Tội cho tôi bao nhiêu năm, mỗi đêm cắm nhang lạy Phật, nhưng lại không tin Phật thật lòng, cứ hoài nghi Chư Phật. Khi hiểu được mới thấy hổ thẹn, hối hận. Vậy mà bao nhiêu năm, ai hỏi tôi đạo gì, tôi đều nói là tôi đạo Phật, đúng là ngu si đến đáng hận.

 

 Tôi nói tôi là đạo Phật, mà bản thân tôi không hiểu một chút gì về Phật pháp, không tìm hiểu học hỏi kinh sách của Phật. Chỉ nghe lời cha mẹ và những người mê tín ngoại đạo, rồi đi phỉ báng, nghi ngờ khiến cho các tôn giáo khác hiểu lầm về đạo Phật. Thử hỏi, tội lỗi của tôi có nhảy xuống mấy sông Hồng Hà rửa cũng không sạch. Sau khi hối hận, tôi tự sám hối, quyết tâm học hỏi Kinh Phật để tìm ra lẽ thật, để tuyên dương Phật pháp ra ngoài, đánh tan sự hiểu lầm về Chư Phật.

 Phật dạy: “Chúng ta lập bàn thờ, khắc tượng và dùng năm thứ lễ vật để lên bàn thờ, không phải là để cúng dường cho Chư Phật. Vì cho tất cả chúng sanh, mà Ngài đặt ra năm thứ lễ vật này, bao hàm năm pháp của Phật, có ngụ ý rất sâu. “Ý Ngài là muốn chúng ta mỗi khi lễ lạy, nhìn thấy năm pháp này, nhắc nhở chúng ta hằng ngày siêng năng tu hành, để thành chánh quả như Ngài. Mỗi một pháp có một ý nghĩa cao thâm của nó.

 Hoa: là tượng trưng cho Hoa Sen ngàn cánh và cũng là tượng trưng cho tâm bồ đề của chúng ta (tâm bồ đề nghĩa là tâm Phật của chúng ta). Vì mỗi một người tu hành đều có một hoa sen ngàn cánh mọc trong ao báu ở trên Cõi Phật. Ai tu niệm càng nhiều thì Hoa Sen càng lớn, phẩm Phật càng cao. Một câu niệm Phật là một phép thần lực chuyển hóa tâm bồ đề và nuôi dưỡng hoa sen ngàn cánh của chúng ta. Khi chúng ta chết, sẽ không mang theo được bất cứ vật gì ở trên thế gian, luông cả thân giả tạm này. Mà chúng ta chỉ mang theo được tâm bồ đề và hoa sen ngàn cánh này thôi. Phút lâm chung, Chư Phật đem hoa sen của chúng ta đến tiếp dẫn. Lúc đó, chúng ta sẽ ngồi trên hoa sen này mà sanh về Cõi Phật.

 Quả: là tượng trưng cho quả vị Phật. Sự tu hành của chúng ta phải đạt đến thánh quả viên mãn.

 Hương: là tượng trưng cho mùi hương thơm thanh khiết của hoa sen ngàn cánh và cũng là hương thơm tu hành, giữ năm giới, tu thập thiện của chúng ta. Khi Chư Phật đến tiếp dẫn chúng ta, mùi hương thơm của hoa sen ngàn cánh, vẫn còn để lại trong nhà đến mấy ngày sau (không phải người nào vãng sanh cũng có mùi hương thơm để lại, mà còn tùy phẩm vãng sanh cao, thấp và mỗi người đều thấy được những điềm lành khác nhau).

 Đèn: là tượng trưng cho trí tuệ bát nhã của chúng ta. Trí tuệ là phá ngu si, như mặt trời phá tan màn đêm tăm tối. Chúng ta phải biết dùng trí tuệ để phân biệt đâu là chánh đâu là tà, đau là hư đâu là thật. Bát nhã là thấy hiểu biết thế gian, tất cả là không, là giả tạm.

 Nước: là tượng trưng cho tâm thanh tịnh, tinh khiết, không bị ô nhiễm. Nước còn tượng trưng cho một tấm lòng từ bi, lai láng vô cùng tận, thấm nhuần tình thương, đi khắp mọi nơi.

 Hình tượng của Chư Phật: là để chúng ta nhìn tưởng, noi gương các Ngài mà tu tập. Khi thành chánh quả, chúng ta sẽ có kim thân vẹn toàn giống như quý Ngàì.

 Ý nghĩa cúng dường Chư Phật: Quý Ngài là Phật, không phải là ma, nên không cần dùng trái cây hoa quả của chúng ta cúng dường (nói như vậy không có nghĩa là chúng ta dẹp bỏ bàn thờ hay không còn dâng hương, hoa, quả, đèn, nước; mà chỉ dẹp bỏ sự hiểu lầm của chúng ta về Chư Phật). Ý nghĩa cúng dường ở đây, là nếu chúng ta là đệ tử của Phật, thì phải nghe lời Phật dạy, học hỏi Kinh sách của Phật, tu hành, tự độ và độ tha. Như vậy là chúng ta đã cúng dường mười phương Chư Phật rồi. Quý Ngài hy sinh cho chúng ta đã nhiều kiếp mục đích là vì cái gì? Là vì mong chúng ta thoát khỏi luân hồi vãng sanh thành phật.

 Nay thấy chúng ta siêng năng tu tập, dĩ nhiên quý Ngài vô cùng hoan hỷ. Cũng như người làm cha mẹ, nào mong con cái làm nhiều tiền để nuôi chúng ta, mà chỉ mong con cái được thành tài, nghe lời và làm người tốt, bậc làm cha mẹ đã vô cùng mãn nguyện. Khi chúng ta tu hành, dẫn dắt chúng sanh tu đạo là chúng ta đã gánh bớt một phần cực nhọc cho Đấng Từ Phụ. Chư Phật và Chư Bồ Tát. Đây mới là ý nghĩa cúng dường.

 Lễ bái: Phật là thầy, là cha đến đây để cứu độ chúng sanh. Ngài không phải là giáo chủ môn phái, hay là Đại Vương. Nên Ngài cũng không cần chúng ta quỳ gối bái lạy, hay để vinh danh Ngài. Ngài chỉ muốn chúng ta cung kính Ngài, như cung kính chính bản thân của chúng ta. Chúng ta cung kính Ngài, nên chúng ta bái lạy, điều này đúng không sai. Nhưng chúng ta không nên chỉ dùng hình thức bên ngoài, rồi hiểu lầm là mình quỳ bái lạy càng nhiều càng tốt, Phật sẽ gia hộ cho chúng ta. Điều này hoàn toàn sai lầm, không hiểu ý của Phật.

 

 Khi chúng ta bái lạy, trong tâm không nhất tâm thành kính, không một lòng noi gương Ngài dạy bảo, không quyết tâm tu sửa. Dù bạn có quỳ đến lủng sàng, bể gối cũng chỉ vô dụng thôi, vì Phật có muốn cứu bạn, Ngài cứu cũng không nổi. Tại sao? Vì Ngài là Phật, là đấng có trí tuệ toàn năng viên mãn. Ngài thấy tất cả pháp là không, đã là không, thì Ngài đâu còn chấp cái hình thức ở bên ngoài. Cái mà Ngài muốn thấy, đó là tâm Phật của chúng ta. Ngài chỉ chấp nhận sự bái lạy từ tâm Phật của chúng ta, một lòng thành kính, sám hối, noi gương của Ngài để mà tự độ và độ tha. Có được cái tâm chân thật lễ bái như vậy, thì chúng ta chắc chắn cảm ứng được với Chư Phật và được thần lực của Chư Phật gia trì. Điều này là vạn lần chân thật.

 Sám hối: trước kia, tôi cũng hiểu lầm về sám hối. Sau này tôi mới hiểu, không phải chúng ta ngày đêm đọc tụng kinh sám hối, hay sám hối với Phật, là tội lỗi của chúng ta được vơi hay là hết. Vì Phật không có thể giúp chúng ta hết nghiệp, mà bớt nghiệp hay không, là do chúng ta tự sám hối, nghĩa là: chúng ta tự sám hối với lương tâm của chúng ta. Quyết tâm không tái phạm, quyết tâm niệm Phật để được tiêu trừ nghiệp tội của chúng ta. Phật nói chỉ có câu Phật hiệu A Di Đà là giúp chúng ta sám hối hữu hiệu nhất.

 Trước kia tôi có nhiều tật xấu, tưởng tới chết sẽ mang theo, không bao giờ sửa đổi được. Tôi đã dùng đủ cách, nhưng không hiệu quả. Sau này nhờ niệm Phật, mà tật xấu bỏ được hết. Thật là thần diệu, không thể nghĩ bàn.

 

Hiểu Lầm Hai Chữ Buông Xả

 

 Trước kia, tôi nghe quý thầy thuyết pháp, nói chúng ta phải buông xả hết, thì mới tu được, mới mong giải thoát. Tôi nghĩ: làm sao mà có thể buông xả, nếu buông xả được, thì chúng ta đã vào chùa tu rồi? Tôi lại nghĩ: không buông xả, thì không được giải thoát, vậy Phật cứu được bao nhiêu người? Sau này tôi mới hiểu, thì ra hai chữ buông xả, là ngụ ý nói tâm của chúng ta phải buông xả, không phải buông xả sự việc hằng ngày của chúng ta. Công ciệc làm hằng ngày, chúng ta vẫn giữ, trách nhiệm vẫn tròn, không thay đổi, chỉ thay đổi tâm của chúng ta mà thôi. Tâm chúng ta phải buông xả, không tham đắm danh, tiền, chấp trước, thị phi, lụy tình v.v. Chúng ta phải dùng trí tuệ, nhìn rõ sự việc giả tạm của thế gian, một lòng phát nguyện niệm Phật để thành Phật.

 Trước kia, tôi tưởng vào chùa mới buông xả được. Thật sự không phải là như vậy. Hai chữ buông xả không liên quan gì đến trong chùa hay tại gia, mà chỉ liên quan đến tâm của chúng ta. Ý nói, tâm chúng ta có chịu buông xả hay không? Không những chúng ta buông xả hết tham đắm của thế gian, mà trong chuyện học kinh sách và tu hành, phải cần buông xả một cách rốt ráo. Nghĩa là khi tu hành, nên buông xả hết hình thức không cần thiết. Học kinh sách, chỉ cần học một bộ kinh cho thật thuần thục. Chỉ cần hiểu thông một bộ, thì các bộ kinh khác đều thông.

 Khi học kinh sách, chúng ta phải buông xả hết văn chương, đối đãi danh hiệu, hoàn cảnh v.v. Tóm lại, bỏ hết đối đãi từ ngữ ra ngoài. Chỉ tập trung vào ý nghĩa cao thâm, gốc, tủy của kinh. Cũng như chúng ta đọc một cuốn tiểu thuyết tình cảm, đừng để ý cô đó tên gì, cô từ đâu đến, mà chỉ để ý kết luận cô ta hạnh phúc hay đau khổ. Còn tên tuổi, đối đãi, chữ nghĩa v.v. chỉ là phương tiện, giúp cho chúng ta hiểu thông câu chuyện. Chúng ta càng buông xả thì càng tự tại (buông xả trên sự chấp, không phải buông xả trên sự học hiểu)

 Tôi biết các bạn sẽ nghĩ: nói thì dễ làm thì khó; kính thưa quý bạn, trên đời này không có gì khó. Nếu chúng ta quyết tâm, thì sắt cũng có thể mài thành kim. Huống chi, Phật không để chúng ta một mình đơn độc đi tìm con đường giải thoát. Chỉ cần chúng ta chịu cất bước, thì Chư Phật sẽ gia hộ dẫn dắt chúng ta đi tới bờ giải thoát; huống chi, câu Phật hiệu A Di Đà có thể thay đổi tất cả.

 

Hiểu Lầm Hai Chữ Thanh Tịnh

 

 Có rất nhiều người trong chúng ta, hiểu lầm hai chữ “thanh tịnh”. Mỗi khi khuyên gia đình, bạn bè hay người chung quanh niệm Phật, họ đều nói với tôi: tâm họ chưa được thanh tịnh, thì làm sao có thể niệm Phật. Tôi hỏi họ tại sao? Đa số họ trả lời, nghe quý Thầy giảng và trong kinh Phật dạy, là phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật. Tôi hỏi họ: “Vậy tâm thanh tịnh nghĩa là gì?” Họ đều nói là tâm không được suy nghĩ hay vọng tưởng chi cả. Tôi hỏi họ: “Vậy chờ đến bao giờ mới hết vọng tưởng, mới có cái tâm thanh tịnh?” Họ đều ngập ngừng không trả lời được, rồi họ nói: “Niệm Phật sao khó quá, mới khởi niệm thì vọng tưởng kéo đến dồn dập”. Vì sợ mang tội với Phật, nên họ không dám niệm Phật. Cũng vì sự hiểu lầm này, khiến nhiều người không dám niệm Phật.

 Kính thưa quý bạn, nếu tâm chúng ta được thanh tịnh, thì Phật đâu cần đến thế gian này, để dạy chúng ta tu hành lìa mê, tìm đường giải thoát? Chúng ta đã hiểu lầm hai chữ thanh tịnh của Phật dạy trong kinh rồi. Phật dạy: “Chúng ta phải dùng cái tâm thanh tịnh để niệm Phật” ý Ngài nói trên cái chơn tâm Phật tánh của chúng ta, không phải nói trên cái tâm vọng tưởng, chấp trước của chúng ta. Trong mỗi một người, có nhiều tâm khác nhau, chúng ta không cần đi tìm hiểu nhiều tâm khác làm gì, vì càng tìm hiểu, càng làm chúng ta thêm lộn xộn, phân tâm, rồi sinh phân biệt chấp trước.

 Ở đây, tôi xin tóm lại còn hai tâm:

 1. Chơn tâm Phật tánh (tâm thật của ta)

 2. Tâm vọng tưởng chấp trước (tâm giả từ thân ta mà có)

 Khi chúng ta phát tâm niệm Phật, là chúng ta đã phát cái tâm thanh tịnh của chúng ta rồi. Tại sao? Vì tâm thanh tịnh, nghĩa là tâm Phật của chúng ta, chỉ có tâm Phật mới niệm được câu Phật hiệu A Di Đà. Còn tâm vọng tưởng, chấp trước là giả, thì làm sao có thể niệm Phật? Chúng ta xưa nay, cứ dùng cái tâm vọng tưởng, chấp trước cho là tâm thật. Còn tâm thật của chúng ta, thì cho là tâm giả rồi bỏ qua một bên, không ngó ngàng chi cả. Vì vậy, chúng ta mới hiểu lầm ý của Phật.

 Khi chúng ta niệm Phật, vọng tưởng kéo đến, chúng ta tưởng là vì niệm Phật mà có nhiều vọng tưởng. Thật ra không phải vậy, vọng tưởng của chúng ta lúc nào cũng nhiều vô cùng tận. Chẳng qua, trước kia chúng ta dùng tâm giả, nên chúng ta không thấy chúng. Giờ chúng ta niệm Phật, tâm Phật chúng ta thức tỉnh. Tâm Phật là ánh sáng trí tuệ, soi đường cho chúng ta thấy được vọng tưởng, để chúng ta nhận diện mà tiêu diệt chúng, để chúng không làm cho chúng ta bị đau khổ luân hồi.

 Cũng như một viên ngọc bị đóng sình đất lâu năm, chúng ta đem đi rửa. Lúc bắt đầu rửa, tay chúng ta sẽ bị dơ bẩn, thau nước sẽ bị đen hôi. Nhưng chúng ta cứ tiếp tục thay nước và chấp nhận tay bị dơ bẩn, sau khi rửa nhiều lần, thì tay chúng ta, nước và viên ngọc sẽ được sạch sẽ, thơm tho, chiếu sáng. Niệm Phật cũng vậy, vọng tưởng là dơ, câu Phật hiệu là nước thần rửa sạch tâm dơ bẩn của chúng ta, để viên ngọc chơn tâm Phật tánh hiển hiện. Khi ông Phật trong tâm hoàn toàn phát ra thần lực, thì trí tụê chúng ta theo đó mà được thông, đây gọi là thần thông. Thần là thần lực ánh sáng của tâm Phật chúng ta phát ra, làm tiêu tan tâm ma. Thông là trí tuệ bát nhã, nhờ có thần lực ánh sáng của tâm Phật mà trí tuệ được thông, hiểu biết tất cả pháp của thế gian.

 

Tâm Niệm

 

Tâm ta niệm, nào ngoại cảnh niệm

Chợ đông người, mặc kệ chợ đông.

Khen, chê, chửi, trách, chuyện của người

Mưa nắng, đêm, ngày, chuyện thiên nhiên.

 

Tâm ta niệm, nào thân ta niệm

Bận rộn đêm, ngày, chuyện của thân

Đi, đứng, nằm,ngồi, không chướng ngại

Thân mất, cảnh tàn, vốn tự nhiên.

 

Tâm đã định, ngại chi ngoại động

Niệm niệm Di Đà, niệm tự tâm

Trí tuệ, chơn tâm, thần thông đủ

Cực lạc, danh đề, Phật vị lai !

(Ta là Phật sẽ thành)

 

Ý Nghĩa Thời Gian

 

 Đa số chúng ta xưa nay hiểu lầm về hai chữ thời gian. Người đời thường ví : thời gian là vàng bạc. Vì vậy chúng ta, ai nấy cũng tranh thủ làm cực khổ ngày đêm để kiếm tiền, rồi cho thời gian là vàng bạc. Cũng vì cái hiểu lầm này, mà mỗi lần tôi khuyên gia đình, bạn bè, hay người chung quanh niệm Phật, họ đều trả lời: “Họ không có thời gian để niệm Phật”. Họ đều nói đợi đến bao giờ có thời gian họ sẽ niệm Phật sau.

 Tôi hỏi họ, đợi đến bao giờ mới có thời gian ? Họ đều trả lời đợi chuyện làm ăn, con cái, vợ chồng, gia đình ổn định, thì họ mới có thời gian. Tôi hỏi họ, đến bao giờ những chuyện đó mới ổn định? Họ đều không trả lời được, rồi họ nói sau này niệm Phật cũng chưa có muộn. Điều đáng thương cho chúng ta là, chúng ta không dám đối diện với cái chết, chúng ta luôn luôn tự gạt bản thân, luôn luôn nghĩ chúng ta sẽ sống thọ, sống đến răng long, tóc bạc.

 Kính thưa quý bạn, chúng ta thử đi tới nghĩa trang, nhìn lên những bia mộ, đếm thử xem có bao nhiêu sơ sinh và trẻ tuổi bị chết ? Chung quanh hằng ngày, trước mắt chúng ta, thấy có bao nhiêu người tóc bạc đưa người tóc xanh? Thời gian vốn không có thể cho chúng ta chờ đợi. Thời gian vốn ở trong tâm của chúng ta. Nếu chúng ta nghĩ có là nó có, nghĩ không là nó không. Chúng ta là người điều khiển thời gian, không phải thời gian điều khiển chúng ta. Duy chỉ có thân bệnh, già, chết là điều khiển chúng ta. Nếu như thần chết đã đến, thì chúng ta có chạy đường trời cũng không thoát.

 Hai chữ thời gian là vàng bạc, ý nói thời gian mạng sống con người rất là ngắn ngủi. Nếu có thể, chúng ta nên bỏ vàng bạc ra để mua thời gian. Không phải nói chúng ta dùng thời gian mạng sống quý báu này, để làm nô lệ cho bạc tiền. Nói như vậy, không có nghĩa là chúng ta không đi làm để kiếm tiền. Dĩ nhiên, chúng ta ai nấy cũng cần tiền, vì tiền là mạch máu, là lẽ sống để nuôi thân chúng ta. Nếu không có tiền, thân ta sẽ bệnh chết, khi thân bị mất, thì đường tu chúng ta sẽ không thành. Vì vậy thân ta rất quý.

 Nhưng chúng ta phải biết dùng chúng để tu, thì tiền và thân giả này mới là ân nhân của chúng ta. Nếu chúng ta không biết dùng chúng nó, mà để chúng nó dùng ngược trở lại, đây thật là khổ sở và tai hại. Cho nên chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại, đừng để cả đời làm nô lệ cho chúng. Khi mất thân này thì thật là đáng tiếc. Tiền không thể giúp chúng ta tu giải thoát, nhưng thời gian có thể giúp chúng ta tu để thoát khỏi luân hồi.

 Phật nói: “Mạng sống con người rất là ngắn ngủi như hơi thở, chỉ cần mình thở ra được, mà thở vào không được thì mình sẽ mất đi thân người này”. Phật nói: “Con người chết đi được trở lại thân người, ít như đất dính ở kẽ móng tay Phật. Còn số người chết đi bị đọa vào ba đường ác, thì nhiều như cát sông hằng”. Phật nói: “kiếp này chúng ta có được thân người là trong nhiều kiếp quá khứ chúng ta đã có tu. Vậy tại sao chúng ta không dùng cái thân giả tạm ngắn ngủi này, để mà tu giải thoát? Lỡ mai nằm xuống, mất đi thân người này, thì làm sao còn cơ hội để mà tu giải thoát?”.

 Kính thưa quý bạn, tôi là người rất bận rộn không thua gì quý bạn, nhưng chúng ta có thể tu trong bận rộn. Tôi ví dụ, tôi là người bận rộn đến mức độ trong 24 tiếng đồng hồ, vẫn không có một phút để nghỉ ngơi. Tôi vẫn có thể nệm Phật, từ hai đến ba tiếng đồng hồ trong một ngày. Tại sao? Dù chúng ta có bận rộn như cái máy, thì mỗi ngày chúng ta cũng phải tắm rửa, vệ sinh, nấu nướng, ăn uống, lái xe đi làm hoặc về, có phải vậy không? Trong thời gian làm những chuyện này, tay chân, miệng mắt chúng ta bận, nhưng tâm và đầu chúng ta đâu có bận? Niệm Phật, là dùng tâm và đầu của chúng ta để niệm, không phải dùng tay chân để niệm.

 Tại sao vọng tưởng hại chúng ta, mà chúng ta cứ niệm chúng ngày đêm, thậm chí còn đem chúng vào giấc ngủ của chúng ta? Còn niệm Phât, là cứu chúng ta thoát khỏi luân hồi, vậy mà chúng ta không chịu niệm, cứ hẹn mòn, rồi bảo là không có thời gian. Vì cái tương lai giả tạm, mà chúng ta ngày đêm làm chết sống, học cực khổ mấy chục năm, thì cho là sung sướng. Còn tương lai vĩnh cửu của chúng ta, chỉ cần mỗi ngày niệm Phật nửa tiếng đồng hồ, thì chúng ta cho là cực khổ, làm không nổi. Thử hỏi chúng ta có khờ dại không?

 

Niệm Phật Không Làm Mất Thời Gian Sinh Hoạt

 

 Kính thưa quý bạn, tôi là người rất bận rộn, tôi một mẹ nuôi ba con. Tôi vừa làm cha lẫn làm mẹ. Tôi đi làm một tuần sáu ngày, một ngày mười tiếng (giờ tôi chỉ làm 5 ngày) bên cạnh không có một người thân giúp đỡ.

 Mỗi ngày bận rộn tới khuya, có lúc miếng ăn giấc ngủ không được tròn. Cả cuộc đời thân tôi như một cái máy. Cái máy vẫn còn may mắn hơn tôi, vì nó ít ra lâu lâu cũng được người ta mở ra thay đổi bộ phận, hay thay dầu nhớt. Còn thân tôi tiều tụy, lão hóa theo thời gian. Mỗi một giây phút trôi qua, là chúng ta sẽ mất đi một giây phút. Thời gian không bao giờ trở lại, thân ta cũng vậy. Tôi kể ra đây không phải than thân hay trách phận, vì mang thân người ai chẳng giống nhau, chỉ có khác là khổ ít hay khổ nhiều, nhưng dù khổ ít hay khổ nhiều cuối cùng cũng chỉ là tro bụi.

 Tôi kể ra đây là mong quý bạn hiểu một điều. Niệm Phật không làm mất thời gian sinh hoạt hằng ngày của chúng ta. Nếu quý bạn có thời gian đến chùa tu niệm Phật thất là điều may mắn; còn không có thời gian giống như tôi, thì quý bạn niệm Phật trong đầu hay ở nhà là đủ rồi. Vậy hoàn cảnh, thời gian không phải là phần chính, mà phần chính là chúng ta có chịu khó tu niệm hay không?.

 Nếu quý bạn còn chần chờ, đợi đến khi nào có thời gian rảnh mới tu niệm Phật sau; vậy kính thưa quý bạn, chúng ta đợi đến chết cũng không có thời gian. Mà dù chờ đến khi có đủ thời gian, thì thần chết cũng không chịu chờ chúng ta. Huống chi hiện tại, cái thế giới tà ma này, mỗi ngày một thêm ô nhiễm: thiên tai khắp nơi, chết chóc, nạn đói ôi thôi kể sao cho hết.

 Thời gian không còn đủ cho chúng ta chần chờ nữa. Vậy chi bằng ngay trong giây phút này, chúng ta siêng năng niệm Phật. Hiện tiền được sống lâu khỏe mạnh, trẻ đẹp, an lạc, tránh mọi tai ương. Đến khi nằm xuống, được Phật đến tiếp dẫn, vậy có phải là thập toàn thập mỹ không? Không những vậy, mà chúng ta còn cứu được thân nhân, cha mẹ, con cái và gia đình của chúng ta. Vậy thử hỏi, chúng ta đến kiếp nào mới tìm được môn tu đệ nhất cao siêu này? Mong quý bạn hãy suy nghĩ lại.

 

Niệm Phật

 

Phật ở tự tâm, hỏi đâu xa

Hỏi bạn trì danh, có một lòng?

Niệm niệm lâu ngày, không thối chuyển!

Phật tự tâm bạn, trả lời thông!

 

Niệm Phật, đâu ai bắt trả tiền

ngại gì không niệm, mãi hoài nghi

Tới giờ, thần chết không bỏ sót

Lặn hụp luân hồi kiếp nào ra?

 

Chi bằng niệm niệm, theo ngày tháng

Hiện tiền khỏe mạnh, định tâm an

 Đến ngày nằm xuống, nợ trần dứt

Tam thánh vui mừng ta vãng sanh.

 

Nuối Tiếc

 

 Tôi niệm Phật đã lâu. Riêng con tôi từ lúc còn nhỏ, tôi thường phải năn nỉ con tôi niệm Phật, thậm chí thưởng tiền, nhưng con tôi không chịu và tôi đã bỏ qua một thời gian rất lâu. Sau này tôi mới hiểu, không cần năn nỉ, cũng không cần thưởng tiền, mà là bắt buộc. Tôi bắt buộc các con tôi cùng tôi niệm Phật mỗi đêm. Lúc đầu chúng nó giận và khóc, nhưng tôi vẫn bắt chúng niệm.

 Niệm quen lâu ngày, bây giờ chúng nó rất vui vẻ để mà niệm, nhưng cũng hơi trễ; vì nếu tôi quyết tâm ngay từ đầu, thì đứa con trai của tôi, không bị đi lầm đường lạc bước. Cũng may câu Phật hiệu nhiệm màu, cộng vào sự thành khẩn của tôi, đã chuyển hóa con tôi từ đen trở lại trắng. Mỗi tối chúng nó đều niệm Phật với tôi. Nhưng thời gian ngắn, vì hai đứa con lớn của tôi: đứa sắp đi học xa, đứa có cuộc sống riêng, nên không còn cùng tôi niệm Phật mỗi đêm, chỉ còn lại đứa con gái út (nhưng dù con tôi ở xa, tôi vẫn thường gọi phone để nhắc nhở)

 Chắc quý bạn sẽ hỏi: tại sao niệm Phật lại có chuyện bắt buộc? Kính thưa quý bạn, nếu quý bạn muốn cứu con của mình ngay trong hiện tại của kiếp này và làm Phật trong tương lai, thì quý bạn phải bắt buộc chúng nó niệm. Chỉ cần chúng nó niệm ra miệng, thì câu Phật hiệu A Di Đà có một sức lực mạnh mẽ vô biên, sẽ giúp cho lòng của chúng nó từ bi và làm người tốt. Cũng như chúng ta bỏ những hạt giống vào một mảnh đất, dù chúng ta cố tình trồng hay không cố tình, thì những hạt giống này vẫn mọc. Tuy có cây chúng ta cố tình trồng, thì nó mọc tươi tốt, còn cây chúng ta không cố tình trồng, thì nó mọc yếu ớt, còn hơn là vĩnh viễn không có.

 Dù chúng ta có để cho con của chúng ta một biển vàng bạc châu báu, cũng không bằng để cho chúng một nền tảng niệm Phật nhập tâm.

 

Cách Niệm Phật Chung Với Con

 

 Lần đầu tôi bắt các con tôi niệm Phật, chúng nó không thích giận và khóc. Tôi dụ chúng nó, tôi nói: “Chỉ niệm Phật có năm phút thôi”. Lần đầu niệm chung với các con, tôi không muốn con tôi buồn chán, nên tôi niệm lớn, vừa niệm vừa hát, lại vỗ tay theo nhịp. Đầu tôi thì nhịp qua nhịp lại, như một người đang hát nhạc vui. Thấy tôi niệm Phật tức cười, các con tôi quên đi giận rồi nín khóc. Sau đó chúng nó niệm theo tôi, thế là bốn mẹ con tôi niệm hợp ca, khi nhìn lại đã niệm được 15 phút.

 Thế là tôi quy định, mỗi tối niệm 15 phút, chúng nó cũng bằng lòng. Từ đó mỗi đêm, mẹ con tôi đều hợp ca niệm Phật. Có lúc chúng nó đi đứng hay nằm ngồi, tôi đều để chúng nó tự nhiên, miễn sao câu niệm Phật không rời miệng. Qua một thời gian, tôi thấy con tôi niệm Phật thấm nhuần. Bắt đầu tôi ngồi ngay thẳng niệm Phật, để mặc các con tôi hợp ca.

 Qua một thời gian, các con tôi tự động không còn giỡ nữa, mà ngồi bắt chước theo tôi để niệm. Lúc đó tôi bắt đầu thuyết pháp cho chúng nó nghe. Chúng nó rất vui vẻ nghe tôi thuyết pháp. Có những lúc niệm Phật, tôi thấy các con tôi có vẻ mệt nhọc hay buồn ngủ, tôi niệm lớn tiếng để đánh thức các con tôi, thế là các con tôi hiểu ý niệm lớn tiếng theo. Có lắm lúc, mẹ con tôi thi đua coi ai niệm lớn tiếng hơn, nhờ vậy mà quên đi mệt mỏi và buồn ngủ. Khi niệm Phật với các con, chúng ta phải biết cách uyển chuyển theo từng tuổi tác và tâm lý của các con.

 Đừng bắt buộc chúng nó vào một khuôn khổ nhất định, vì nếu chúng ta làm cho chúng nó bực mình nhàm chán, thì đây là một điều không tốt, vì vô tình khiến chúng nó niệm Phật không được nhất tâm. Vì muốn niệm Phật được nhất tâm, thì phải buông xả hết chướng ngại và hình thức. Duy chỉ có một điều quan trọng là dẫn dắt và nhắc nhở chúng niệm Phật mỗi ngày. Sau khi chúng nó chịu ngồi yên một chỗ để niệm, chúng ta nên để hình Phật trước mặt, để chúng nhìn và khuyên chúng phát nguyện: niệm Phật để thành Phật. Vì khi niệm Phật mà thiếu tín nguyện thì khó được vãng sanh (có đứa chịu nhìn hình, có đứa không chịu cũng không sao, đừng bắt buộc vì Phật vốn ở trong tâm)

 Các con tôi nhờ niệm Phật lâu ngày, nên đã trở thành một thói quen. Mỗi đêm chúng dều niệm Phật, dù không có tôi ở bên cạnh. Các con tôi đều nói, đêm nào chúng không niệm Phật thì chúng ngủ không ngon, và cảm thấy như thiếu một cái gì đó. Nên dù chuyện học hành có bận rộn đến nửa đêm, chúng cũng ráng niệm Phật 15 phút trước khi đi ngủ.

 Từ ngày đặt bút viết cuốn sách này, tôi không có thời gian niệm Phật với các con tôi, nhưng mỗi đêm nghe tiếng các con niệm Phật ở bên phòng, mà lòng làm mẹ vô cùng sung sướng và hạnh phúc vô bờ bến.

 Phần nhắc nhở:

 Chúng ta nên mua những sợi dây chuỗi thật đẹp cho chúng đeo vào tay (nhất là mấy đứa con ở xa) và nói với chúng: Khi con thấy chuỗi là con thấy mẹ. Nếu con thương mẹ thì con hãy siêng năng niệm Phật. Chỉ cần con niệm Phật thì mẹ sẽ được yên tâm và hạnh phúc lắm. Khi các con nghe chúng ta nói như vậy, chúng nó sẽ niệm Phật nhiều hơn. Việc làm này tuy nhỏ, nhưng rất có hiệu quả.

 

Niệm Phật Thế

 

 Tôi có một đứa con trai, khi bước vào tuổi 16, theo bạn bè bỏ học, xa đọa vào chốn ăn chơi. Tôi ngày đêm niệm Phật thế cho con tôi. Nhờ câu Phật hiệu cao siêu nhiệm nàu và lòng thành khẩn của tôi, đã cứu con tôi từ đen trở lại trắng. Ở đây, tôi xin chia xẻ cùng quý bạn về cách niệm Phật thế của tôi.

 Niệm Phật thế rất là đơn giản, nhưng đòi hỏi phải một lòng thành khẩn tha thiết và kiên nhẫn.

 Mỗi sáng tôi đều khấn nguyện: Con tên A. Hôm nay con xin niệm thế cho con của con tên B, mong con của con tin Phật, niệm Phật. Ngoài niệm Phật thế, tôi ráng làm mọi chuyện bố thí mà khả năng tôi có thể làm. Đến tối, tôi hồi hướng hết phước đức và công đức niệm Phật ngày hôm đó đến cho con của tôi, mong con tôi tin Phật, niệm Phật và làm người tốt. Mỗi ngày tôi đều làm như vậy, cho tới khi nào chuyển hóa được mới thôi.

 Quý bạn không tin thì cứ thử đi. Không những quý bạn cứu được người thân, mà chính bản thân quý bạn cũng sẽ được chứng quả. Tại sao? Vì khi bạn niệm thế cho người thân, là bạn đã có tấm lòng bồ tát độ tha rồi. Trong lúc niệm thế cho người nào đó, chúng ta luôn luôn nghĩ đến người đó, trong tâm tha thiết thành khẩn mong người đó trở thành người tốt. Ngoài niệm thế, quý bạn nên kiếm những cuốn sách hay, rồi kiên nhẫn từ từ độ họ. Quý bạn sẽ thành công, vì lòng thành sẽ cảm ứng đến sự gia hộ của Chư Phật và Chư vị Bồ Tát.

 Nhưng trước khi niệm Phật thế cho người thân, chúng ta phải niệm cho bản thân chúng ta trước. Đến khi công phu tu niệm Phật của chúng ta được thuần thục khả quan, thì chúng ta niệm thế sẽ có hiệu quả hơn, vì công phu niệm Phật càng cao thì càng có hiệu nghiệm. Cũng như chúng ta muốn cứu một người bị đuối, bản thân chúng ta phải biết bơi. Nếu không, cả hai đều bị chết. Muốn cứu chúng sanh cũng vậy, chúng ta mới cứu được vô số chúng sanh. Nói như vậy không có nghĩa là, chúng ta đợi thành Phật xong mới cứu chúng sanh, mà chúng ta phải cứu chúng sanh ngay trong giây phút này, nếu khả năng chúng ta cho phép.

 Kính thưa quý bạn, có cách này rất là hữu hiệu. Mỗi đêm chúng ta đợi lúc gia đình ai cũng sắp đi ngủ. Chúng ta niệm Phật lớn tiếng vừa đủ cho gia đình nghe. Chúng ta niệm làm sao âm thanh rõ ràng, thánh thót và nhẹ nhàng. Khiến tiếng niệm Phật của chúng ta đi sâu vào tâm thức của người thân. Mà chính họ không hay biết.

 Lâu ngày, sẽ có người thân niệm Phât theo chúng ta. Còn những người thân khác chưa chịu niệm Phật cũng không sao. Chỉ cần tiếng niệm Phật của chúng ta được ăn sâu vào tâm họ, thì sớm muộn gì họ cũng tin Phật, niệm Phật. Tại sao? Vì chúng ta đã gieo chủng tử câu A Di Đà vào tâm của họ rồi, chẳng qua duyên phần của họ chưa được thuần thục chín mùi, nên chưa niệm. Ngoài tự niệm Phật ra, chúng ta nên mở nhạc niệm Phật cho họ nghe, nhưng đừng mở lớn quá sẽ làm cho họ bực mình. Chúng ta chỉ mở nho nhỏ, nghe như văng vẳng xa xa, khiến cho người nghe cảm thấy nhẹ nhàng và an lạc.

 Lúc mới bắt đầu làm những hành động này, dĩ nhiên chúng ta sẽ bị những người trong gia đình cằn nhằn than phiền. Nhưng chúng ta hãy nhẫn nại, đừng bao giờ cho họ biết là chúng ta mở nhạc niệm Phật là để cho họ nghe. Chúng ta làm bộ năn nỉ họ thông cảm, nói cho họ biết là chúng ta cần phải nghe nhạc niệm Phật mỗi ngày và khi niệm Phật chúng ta phải cần niệm lớn tiếng, thì câu niệm Phật mới được thâm nhập vào tâm. Khi nghe chúng ta năn nỉ như vậy, người thân sẽ không bực mình, nhưng chúng ta phải khéo léo, uyển chuyển tùy theo căn cơ, tánh tình của mỗi người thân mà độ. Đừng làm cho họ bực mình quá thì không tốt.

 Kính thưa quý bạn, cách niệm Phật thế ở trên rất là hữu hiệu. Cũng như trước kia, chúng ta thường nghĩ người nào hút thuốc, thì người đó mới bị hại đến sức khỏe, còn người nào không hút thuốc thì không sao. Sau này chúng ta mới hiểu: người ở bên cạnh người hút thuốc mới bị ảnh hưởng nặng hơn. Lấy từ điểm này, chúng ta sẽ thấy cách niệm Phật thế rất là hữu hiệu và hợp lý. Huống chi câu Phật hiệu A Di Đà có một thần lực vô song. Nhờ cách này mà có một cháu gái mười ba tuổi, bạn của con gái tôi, vì thương bà nội, muốn bà nội được vãng sanh như cụ bà Triệu Vĩnh Phương. Cháu đã nghe lời về nhà niệm Phật mỗi đêm, cuối cùng cháu đã độ được bà nội. Bạn bè của tôi cũng nhờ cách này mà độ được người thân. Chỉ cần có quyết tâm, thì chúng ta sẽ độ được hết người thân và tất cà chúng sanh.

 

Tự Quy Y Với Phật

 

 Từ nhỏ tôi được mẹ dẫn đi làm Phật tử và quy y. Được một thời gian thì ngưng, vì biến chuyển của đất nước. Tôi định cư qua Mỹ, tôi luôn luôn mong mỏi tìm được thầy để thọ giới quy y lại. Tuy tôi quy y từ nhỏ, nhưng lúc đó tôi còn quá nhỏ, sợ chưa đủ thành ý. Nên đã nhiều năm ai hỏi tôi pháp danh là gì, tôi đều trả lời là không có, vì cảm thấy mình chưa xứng đáng. Mãi đến khi tôi nghe Ngài pháp sư Tịnh Không dạy về ý nghĩa quy y, tôi mới lãnh ngộ.

 Ngài dạy: “Chúng ta không cần đi đâu xa để tìm thầy quy y, hay thọ ký (thọ ký là làm chứng cho chúng ta) vì tất cả chỉ là hình thức. Tại sao? Tại vì dù chúng ta có tìm được một vị thầy mà chúng ta tôn kính để chúng ta quy y, để thầy làm chứng cho chúng ta. Sau khi quy y xong, chúng ta không giữ năm giới, không tu thập thiện, thì chỉ làm mất thời gian mong mỏi của Chư Phật và quý thầy. Ý nghĩa quy y chân thật, đúng cách nhất đó là dùng cái tâm chân thật, một lòng quyết tâm của chúng ta quy y với Phật, quy y với Pháp, quy y với Tăng. Khi chúng ta khởi cái tâm cung kính, quyết tâm tu sửa, một lòng noi gương theo Đấng Từ Phụ; một lòng tìm hiểu học hỏi kinh sách của Phật; một lòng làm những hạnh nguyện như Ngài Quán Thế Âm và Ngài Thế Chí Bồ Tát, thì ngay giây phút chúng ta quy y đó. Phật sẽ chứng cho chúng ta. Tuy Chư Phật ở xa nhưng không xa, chỉ cần chúng ta khởi niệm, thì Chư Phật cảm ứng được ngay. Còn về pháp danh, trong kinh Vô Lượng Thọ, Đức Phật đã thọ ký cho chúng ta rồi. Đức Phật nói: “Phật Tử nào làm đúng theo những lời Phật dạy là: từ bi, tự độ và độ tha, thì đều là Phật tử Diệu Âm của Ngài. Pháp danh Diệu Âm, là do chính Phật thọ ký cho chúng ta”. Ngài pháp sư Tịnh Không nói: “Thời nay lẫn lộn chánh tà, khiến cho chúng ta hoang mang không biết nên quy y thầy nào cho đúng, không biết nên nghe thầy nào cho phải. Nên cách duy nhất giúp cho chúng ta đi đúng đường, thì chỉ có bái Phật Thích Ca làm thầy. Học hỏi kinh sách của Ngài, làm theo hạnh nguyện của Chư Bồ Tát là không sai, không còn hoang mang”.

 Kính thưa quý bạn, chúng ta tu là tu với Phật, với Chư Bồ Tát; tu cho bản thân chúng ta, không phải tu cho quý thầy. Ai tu nấy chứng, ai tội nấy mang. Chúng ta cứ một lòng niệm Phật, hướng về Phật. Khi niệm Phật, phải một lòng quyết tâm kiên cố. Dù cho ai nói ra, nói vào, chúng ta cũng một lòng kiên định. Chúng ta chỉ tu hành theo kinh sách của Phật là đúng không sai.

 Nếu chúng ta không có phước vào chùa để tu, thì chúng ta có thể tu tại gia. Tu tại gia hay tu ở chùa đều là tu xuất gia, không khác. Chỉ có khác ở chỗ là môi trường sinh hoạt mà thôi.

 Xuất gia ở đây không phải là bỏ hết tình cảm, gia đình, thân nhân, hay bỏ nhà vào chùa, mới gọi là xuất gia. Đó là hiểu sai ý Phật. Ý nghĩa của hai chữ xuất gia ở đây là xuất ra khỏi sáu ngã luân hồi. Chúng ta phải quyết tâm tu, dẫn dắt chúng sanh cùng nhau vãng sanh, đến cõi cực lạc để gặp Phật A Di Đà. Đây mới là xuất gia chơn chính.

 Ba bộ kinh lớn của Phật, giúp cho chúng ta tu tập trong thời mạt pháp là: Kinh Hoa Nghiêm, Kinh Vô Lượng Thọ và Kinh A Di Đà. Nếu quý bạn không muốn mất nhiều thời gian để tìm hiểu, thì kiếm bộ Kinh Vô Lượng Thọ 29 cuốn do Ngài pháp sư Tịnh Không giảng, thì quý bạn sẽ nắm hết tinh hoa cốt tủy kinh giáo của Phật. Đây mới là báu vật vô giá của thế gian.

 

Tâm Là Tất Cả

 

Nhà là chùa

Tâm là Phật

Kinh là thầy

Tìm chi cho nhọc, thời gian không còn !

A Di Đà

Chuyên trì niệm

Không thối chuyển

Đường về Cõi Phật không còn bao xa !

Phút lâm chung

Tưởng nhớ Phật

Phật tiếp dẫn

Hoa sen nở rộ, thân kim vẹn toàn!

 

Bố Thí Là Niềm Hạnh Phúc Vô Biên

 

 Không hiểu đạo:

 Trước kia tôi giúp người hay bố thí, đều có mục đích, vì muốn được có tiếng, muốn được người ta khen tôi là người tốt, muốn những người tôi giúp, phải mang ơn tôi. Sau khi hiểu ý nghĩa bố thí, tôi thật là xấu hổ cho tôi. Vì lòng dạ bố thí của tôi quá hẹp hòi, ích kỷ. Tôi sám hối sửa đổi, trừ bỏ lòng ích kỷ hẹp hòi. Từ đó, mỗi lần tôi giúp người hay bố thí, tôi đều mang ơn người nhận sự bố thí của tôi. Tại sao? Vì nếu không có những người chịu nhận sự bố thí của tôi, thì tôi đâu có cơ hội tạo công đức hay phước đức. Họ là những người giúp tôi có một hành trang trên đường đạo.

 Hiểu đạo:

 Sau khi hiểu đạo, tôi thật sự hiểu sâu ý nghĩa hai chữ bố thí. Trước kia, khi bố thí, trong tâm còn có mong cầu, nên niềm hạnh phúc trong tâm, không được hoàn toàn tự tại. Vì còn mong cầu thì còn chướng ngại, còn chướng ngại thì không thể đạt đến hạnh phúc, an lạc tự tại, không đạt đến hai chữ từ bi. Ở trên đời, không có niềm hạnh phúc nào, có thể so sánh với niềm hạnh phúc bố thí, độ tha!

 Bố thí cách nào là hoằng pháp lợi sanh?

 Nếu chúng ta có tiền, dùng tiền in Kinh Sách lưu truyền rộng ra. Không tiền thì dùng thời gian, công sức, thuyết pháp, dẫn dắt chúng sanh tu niệm Phật.

 

Hiểu Lầm Trí Tuệ Của Phật

 

 Trước kia, tôi hiểu lầm về trí tuệ của Phật. Tôi thường nghĩ: “Tại sao người đời nói Phật là Đấng Từ Phụ, từ bi cứu khổ; nói Phật có trí tuệ toàn năng viên mãn, là Phật cao nhất ở cõi trời? Nếu thật sự Ngài có đủ trí tuệ như người đời ca tụng, thì Ngài đã tìm ra cách tu đơn giản, để hạp với căn cơ của mỗi chúng sanh, để tất cả chúng sanh có cơ hội tu giải thoát”.

 Tu ở chùa là những bậc có thượng căn, họ tu khổ hạnh, mà còn chưa nắm được phần chắc vãng sanh, vậy những chúng sanh ở ngoài, làm sao có cơ hội giải thoát? Tôi nghi ngờ, rồi thất vọng, không còn mong được tu giải thoát, chỉ còn bám vào hai chữ tu phước, để mong kiếp sau được lại thân người, có phước phần hơn. Cũng vì vậy, chúng ta thời nay, ai ai cũng lo tu phước, không dám nghĩ đến tu giải thoát, vì đường giải thoát quá xa vời.

 Đến khi biết được môn tu niệm Phật, nghe nói niệm Phật sẽ thành Phật. Tôi nghĩ: “Trên đời này làm gì có chuyện dể dàng như vậy, nếu niệm Phật sẽ thành Phật, thì thế gian này đâu còn ai?” Nhưng vì thương cha mẹ, phần hoàn cảnh của tôi không cho phép chọn các môn tu khác, nên tôi tu niệm Phật. Thật sự trong tâm, tôi không dám nghĩ đến phát nguyện niệm Phật để thành Phật. Đến khi thấy được bằng chứng tôi mới phát nguyện. Nhờ phát nguyện mà tôi niệm Phật được nhất tâm.

 Sau khi tỉnh ngộ, hiểu được chân lý của sự thật, tôi mới hiểu tại sao mười phương Chư Phật phải cúi đầu đãnh lễ, tôn danh Phật A Di Đà là Phật Trung Chi Vương? (nghĩa là Phật cao nhất ở cõi trời). Vì chỉ có Ngài, mới có đủ trí tuệ viên mãn tìm ra môn tu niệm Phật cao siêu này. Một môn tu đơn giản đến mức độ thành không:

 . Không ràng buộc

. Không luật lệ

. Không giới hạn

. Không đòi hỏi căn cơ

. Không đò hỏi thời gian

. Không đòi hỏi hoàn cảnh

. Không đòi hỏi tu khổ hạnh

 Không: không có nghĩa là không cần tu, chữ “Không” ở đây, nói trên cái hình thức, căn cơ, hoàn cảnh và thời gian... Trong “cái không” tức nhiên phải có “cái có”. “Cái có” ở trong “cái không” mới là vĩnh cửu, bất hoại. “Cái có” đó, là chơn tâm Phật tánh của chúng ta. Tâm mới là chính, mới là tu, là gốc, cốt, tủy của việc tu hành. Khi tâm đã tịnh, thì thân theo đó mà được tịnh. Chúng ta tu, mục đích chính là chuyển cái tâm Phật của chúng ta. Khi tâm đã chuyển, thì tất cả pháp và thân đều chuyển. Vì vậy mà Phật dạy: “tâm là tất cả, tất cả là tâm”; “không tức là có, có tức là không”. Những cái có hình tướng, mà chúng ta đang thấy hằng ngày, đều trở thành không. Những cái không có hình tướng, mới là những cái có tồn tại vĩnh cửu. Điển hình như là: chơn tâm Phật tánh, nghiệp, không khí...

Chúng sanh khi tu môn tịnh độ sẽ không bị:

. Không bị thối chuyển

. Không bị loạn tâm mê hoặc

. Không bị thế gian mê hoặc

. Không bị hành động điên đảo

. Không bị đọa luân hồi

 Tóm lại, môn tu tịnh độ hạp cho sáu ngã mười phương chúng sanh, mọi loài. Chỉ có môn tu này, mới đạt tột đỉnh ý nghĩa từ bi và trí tuệ viên mãn của Phật A Di Đà.

 Sau khi tỉnh ngộ, tôi mới hiểu ý nghĩa của hai chữ Phật pháp cao siêu. Ngụ ý nói Phương pháp cứu chúng sanh của Đấng Từ Phụ quá cao siêu, cao siêu đến mức độ, vượt ra ngoài tưởng tượng, tư tưởng của chúng sanh. Khiến cho chúng ta không dám tin đây là sự thật. Nếu như chúng ta ai nấy cũng tin được, thì Phật đâu gọi môn tu này là môn tu cao siêu khó tin. Cũng như chúng ta thường cho: chữ nghĩa lời nói văn hoa, bóng bẩy mới là cao thâm tài giỏi có học. Chúng ta nào ngờ chữ nghĩa, lời nói, mộc mạc mới là chân thật, dễ hiểu, hạp cho tất cả căn cơ của mỗi chúng sanh. Giờ tôi mới hiểu: càng đơn giản thì càng đạt đạo, càng phức tạp thì càng lạc vào ma đạo.

 

Hiểu Lầm Lòng Từ Bi Của Phật

 

 Sau khi qua Mỹ, tôi thấy các nước tây phương, đa số là đạo thiên Chúa, đều to lớn, giàu có, dân chúng được tự do, sung sướng, hạnh phúc. Suốt ngày trên TV, trên báo chí, hay những người đi giàng đạo, họ đều nói: “Đức Chúa trời đã tạo lên thế giới vũ trụ này. Nếu ai tin Chúa thì sẽ sống được hạnh phúc, bình an, khi chết sẽ được lên thiên đàng vĩnh cửu”. Họ nói ở đâu có Chúa, là ở đó được bình yên. Tôi nghe riết rồi thấy cũng có lý, vì tôi thấy các nước tây phương, đa số là đạo Chúa. Nước nào cũng đầy đủ vật chất, bình yên, hạnh phúc.

 Còn các nước Á Đông, đa số là đạo Phật, nước nào cũng đau khổ, chiến tranh, nghèo đói. Tôi nghĩ theo Chúa có lợi hơn, không cần tu khổ cực, vẫn được lên thiên đàng. Thế là tôi đi nhà thờ, tìm hiểu về Kinh Sách của Chúa. Sau khi tìm hiểu, tôi không tìm được những gì tôi muốn. Sau đó tôi nghĩ, tôi phải đi tìm hiểu đạo Phật. Nếu tôi chưa tìm hiểu rõ đạo Phật, mà bỏ đạo cha mẹ theo đạo người, thì thật là tội lỗi.

 Sau đó, tôi tìm Kinh Sách Phật để học hỏi. Sau khi hiểu rõ, tôi thật xấu hổ và cảm thấy có tội với Đấng Từ Phụ. Tôi đã hiểu lầm về lòng từ bi của Ngài. Lòng từ bi của Ngài rộng lớn vô cùng tận. Ngài xả thân đi cứu độ chúng sanh, không quản chi cực khổ. Ngài đi tới những nước có khổ đau, binh đao, nạn đói, kỳ thị, bất công v.v. Ngài tới để dẫn dắt, dạy dỗ chúng sanh thoát khỏi biển lửa, khổ đau luân hồi. Nước đầu tiên Ngài tới là nước Ấn Độ. Nước này dân chúng phân biệt giai cấp, nữ, nam khắc nghiệt, bất công, đọa đày. Không những Ngài chỉ đến các nước có khổ đau, mà Ngài còn đi sâu vào địa ngục và ngạ quỷ để cứu chúng sanh.

 Cũng như chúng ta thường tới những nơi đau khổ, nghèo đói để giúp đỡ người, khuyên người tu để được giải thoát. Chúng ta đâu có đến những chỗ giàu có, sung sướng, giúp đỡ hay khuyên họ tu hành. Vì dù chúng ta có khuyên, họ cũng không tin, thậm chí còn chửi chúng ta làm phiền. Vì thấy rõ điều tai hại này, Phật dạy chúng ta nên tu giải thoát để ra khỏi lục đạo luân hồi. Đừng chỉ lo tu phước, dù được làm tiên, rồi cũng phải bị đọa xuống luân hồi sanh tử. Tại sao? Vì khi chúng ta ở trên cõi trời làm tiên hưởng lạc, sung sướng, không lo tu hành cứ lo tạo tác, đến khi hưởng hết phước báu, nghiệp báo kéo đến, lại bị luân hồi tiếp tục.

 Lời Phật dạy không sai. Chúng ta thử nhìn xem, những kẻ quá giàu có ở trong xã hội ngày nay, đa số họ làm toàn những chuyện kinh thiên động địa, tham dâm, sát sanh đầy dẫy, thâm tình tráo trở, danh tiền đảo điên, ăn chơi đọa lạc, bán rẻ lương tâm. Mỗi phút mỗi giây, họ đang tạo tác, mà chính bản thân họ không hay biết, hỏi như vậy có tai hại không?

 

An Phận Là Tự Tại

 

 Kính thưa quý bạn !

 Ở đời chúng ta thường thấy, những người sống không an phận, là những người đau khổ; vì họ sống bon chen đua đòi vật chất, nên tự họ trở thành cái máy, làm nô lệ cho đồng tiền. Khi chết, còn bị đọa vào ba đường ác.

 Cái tham vật chất ở thế gian, chúng ta dễ nhận diện, nhưng cái tham của người tu, thì chúng ta khó nhận diện. Đa số chúng ta thường nghĩ là: học hỏi nhiều kinh sách của Phật, tụng thuộc đủ các loại kinh, tu căn cơ cao. Thật ra, ý nghĩ này hoàn toàn sai lầm, đi sai ý của Phật.

 Phật dạy chúng ta, tâm bình thường là đạo, kẻ tu hành phải biết tri túc và buông xả, thì mới đạt đến cảnh giới an lạc và tự tại. Nhưng chúng ta xưa nay, không chịu dùng cái tâm bình thường tu đạo, không chịu an phận trong vấn đề học hỏi, đọc tụng kinh Phật, không chịu buông xả chấp trước và chướng ngại của hình thức. Chúng ta cứ ôm đồm, học đủ loại kinh sách, tụng đủ loại kinh, tu hành xen tạp. Vì quá tham, nên rốt cuộc, tự chúng ta đưa chúng ta vào bí lối, hoang mang, phân biệt, chấp trước. Cuối cùng, chúng ta không tìm ra được con đường giải thoát. 

 Phật dạy chúng ta nhiều kinh sách, môn tu tông, phái khác nhau. Môn nào Phật cũng nói là cao siêu đệ nhất. Lời Phật dạy không sai, vì mỗi một môn tu của Ngài dạy cho chúng sanh, đều cao siêu bất khả tư nghị. Nhưng ngoài lý thuyết, thực hành, chúng ta còn phải tùy căn cơ, áp dụng đúng thời, thì mới đạt đến cao siêu đệ nhất. Còn nếu chúng ta cố chấp, không chịu uyển chuyển theo căn cơ và thời thế, thì dù Phật pháp co cao siêu cũng không thể giúp chúng ta tu giải thoát.

 Phật nhìn thấy căn cơ chúng sanh không đồng, biết chúng sanh phải trải qua nhiều thời cuộc biến hóa đổi thay, nên Ngài dạy cho chúng ta đủ loại kinh sách, môn tu khác nhau, là để chúng ta tùy căn cơ, thời thế, tự chọn cho mình một môn tu thích hợp. Nhưng chúng ta không hiểu ý của Phật, chúng ta cứ ô đồm, cố chấp, không chịu buông xả những môn tu, không còn hạp căn cơ và thời thế, vì vậy mà chúng ta mới khổ.

 Thời nay là thời mạt pháp, không phải là thời chánh pháp hay tượng pháp, chúng ta phải biết thay đổi môn tu cho thích hợp thời cơ. Nếu chúng ta không mau buông xả sự cố chấp, kẻ thiệt thòi là chính bản thân của chúng ta. Cũng như thời nay là phản lực bay, mà chúng ta còn cố chấp, muốn tự mình đi bộ, không chịu đi máy bay, vậy đến bao giờ chúng ta mới tới mục đích? Huống chi, trên đường đi, chúng ma đầy dẫy, sợ chúng ta chưa kịp cất bước, thì đã bị chúng ma hãm hại.

 Ngài pháp sư Tịnh Không thuyết trong bộ kinh Vô Lượng Thọ là: “Môn tu niệm Phật là môn tu cao siêu, vượt cả không gian và thời gian, cấp tốc, trực chỉ, thẳng tắc. Một niệm A Di Đà, có thể vượt qua ba đại A Tăng Kỳ Kiếp. Người tu niệm Phật không cần phải trải qua từng giai đoạn, từng bước như các môn tu khác”. Ngài đưa ra một ví dụ: “Có một nhà lầu năm tầng. Các môn tu khác phải dùng sức đi bộ, leo từng nấc thang, để đi lên đến lầu năm. Còn người tu môn niệm Phật, không cần dùng sức leo khổ cực, chúng ta chỉ đi vào cầu thang máy, nhấn một nút, trong nháy mắt, là chúng ta tới lầu năm. Vì vậy, mà chúng ta có thể vãng sanh ngay trong một kiếp (vãng sanh đồng nghĩa với thành Phật)”

 Ngài pháp sư Tịnh Không là người có trí tuệ rất cao, Ngài nổi tiếng cả thế giới. Mỗi lần Ngài giảng kinh, có cả hàng ngàn Phật tử đến nghe, không phải chỉ một ngày, mà kép dài cả tháng, nhưng số người đến nghe không bị giảm. Ai nấy cũng ngồi im lặng từ đầu cho đến cuối. Thật là hy hữu! Ngài đi tu lúc Ngài 24 tuổi, nay Ngài đã 80, dung mạo trẻ trung, đạo mạo uy nghi. Ngài thuyết pháp đã mấy chục năm. Trước kia, Ngài hay thuyết bộ kinh Hoa Nghiêm, nhưng nhiều năm sau này Ngài chỉ giảng một bộ kinh Vô Lượng Thọ (vì bộ kinh Vô Lượng Thọ là cốt tủy của bộ kinh Hoa Nghiêm và Ngũ Đại Kinh) Ngài chuyên dẫn dắt chúng sanh tu niệm Phật. Đệ tử của Ngài vãng sanh rất đông.

 Ngài là bằng chứng để cho chúng ta tin. Dù chúng ta không tin trí tụê của Ngài, thì chúng ta cũng phải tin lời đại nguyện thứ 18 của Phật và tin ông Phật trong tâm của chúng ta. Chỉ cần chúng ta phát tâm niệm Phật, trong một thời gian ngắn, chúng ta sẽ có câu trả lời thỏa đáng.

 Kính thưa quý bạn, người thế gian vì không an phận nên thân tâm của họ mới khổ. Còn người tu hành như chúng ta, nếu không an phận trong vấn đề tu học hỏi kinh sách, thì chúng ta sẽ bị cái tham và phân biệt chấp trước làm chướng ngại, rốt cuộc tu cả đời chỉ uổng công.

 

---o0o---