- Lời Nói Đầu của Nhà Biên Tập
- TU HÀNH TÂM THỨC VÀ NUÔI DƯỠNG LÒNG TỪ
- Điểm Một Những Sơ Bộ
- Điểm Hai Sự Thực Hành Chính Yếu Là Tu Hành Bồ Đề Tâm
- Điểm Ba Sự Chuyển Hóa Những Hoàn Cảnh Xấu Thành Con Đường Của Giác Ngộ
- Điểm Bốn Chỉ Ra Sự Sử Dụng Việc Thực Hành Trong Toàn Thể Cuộc Sống Của Mình
- Điểm Năm Sự Đánh Giá Việc Tu Tâm
- Điểm Sáu Những Kỷ Luật Tu Tâm
- Điểm Bảy Những Khuyên Nhủ Về Tu Tâm
- BÀI KỆ KẾT THÚC
- CHÚ THÍCH
- THUẬT NGỮ
- VỀ TÁC GIẢ
- PHỤ LỤC : BỐN MƯƠI SÁU CÁCH THỨC THẤT BẠI CỦA MỘT BỒ TÁT
ĐIỂM SÁU
NHỮNG KỶ LUẬT TU TÂM
ĐIỂM SÁU VÀ BÁT NHÃ BA LA MẬT
Ba la mật kết hợp với điểm thứ sáu của tu tâm là bát nhã ba la mật. Những châm ngôn này đều nối kết với sự làm bén nhọn trí thông minh của bạn để làm việc với chính bạn. Đó là ý tưởng cây kiếm bát nhã. Bát nhã được xem là cây kiếm cắt đứt sự ràng buộc của bản ngã. Cách cắt đứt sự ràng buộc của bản ngã trong thực hành đại thừa căn bản thì giống như trong thực hànhvipashyana – đó là tỉnh giác, liên hệ với thế giới còn lại của bạn và với đời bạn. Nó nối kết với một cảm thức rộng lớn về toàn bộcuộc đời của bạn và đặc biệt với kinh nghiệm sau thiền định.
Bất cứ cái gì xảy ra trong đời bạn đều được bát nhã thống lãnh và cai trị, trí huệ này cắt đứt sự loạn thần thói quen hoặc tiềm ẩncủa bạn. Sự áp dụng cảm thức lớn lao này của chánh niệm và tỉnh giác đến từ đại định được khai triển qua con đường Bồ tát. Với sự giúp đỡ của những nguyên lý shamatha và vipashyana, bạn học cách củng cố chính bạn như là một hành giả đại thừa – ở trong một trạng thái đại bi, lòng tốt, rỗng rang và dịu dàng.
Mặt khác, bạn cũng ở trong một trạng thái vô ngã. Không có sự bám chấp, hành động hay trụ vào bất cứ cái gì nối kết với bản ngã, atman hay linh hồn. Khi bạn không trụ nơi cái gì nối kết với bản ngã, những hoạt động được diễn tả trong bản văn lojong bắt đầu thấm nhuần đời bạn. Chúng bắt đầu biểu lộ. Bạn chứng ngộrằng không có cái “tôi” nào để thiền định về nó và không có cả “tôi là” để truyền bá cái gọi là sự hiện hữu của bạn. Nhờ đó bạn có thể trao đổi bản thân bạn cho những người khác. Bằng cách trước hết trở nên có thể hy sinh chính mình, bạn có thể chiến thắng những chướng ngại. Theo cách ấy, bạn học cách đối xử với cuộc hành trình của bạn trên con đường nhờ lưỡi kiếm trí huệ bát nhã.
23
Hãy luôn luôn hành động theo ba nguyên lý căn bản.
ù
Châm ngôn này là một diễn tả tổng quát làm sao chúng ta có thể thực hành Phật pháp theo ba nguyên lý căn bản của tiểu thừa, đại thừa và kim cương thừa. Nó nối kết với một cảm thức giữ gìn và kỷ luật của tất cả ba thừa – sự thực hành chánh niệm của tiểu thừa, nhân đức từ tâm của đại thừa, và trí-huệ-điên-cuồng của kim cương thừa – tất cả đồng thời.
Chúng ta có thể bắt đầu xử sự theo một kiểu điên cuồng vô căn cứ trong truyền thống riêng biệt nào đó và không ngó ngàng gì đến giá trị của những truyền thống khác, phá vỡ toàn bộ những cấu tạo xã hộiđược đặt nền trên những truyền thống tôn giáo như vậy. Điều ấy không nên xảy ra. Chúng ta có thể thực sự giải thoát mình khỏi những việc phù phiếm như vậy. Đặt nền cho sự thực hành tâm linh của chúng ta trên những sự tự thoải mái và tự thích thú riêng rẽ như vậy có vẻ là một trong những việc nguy hiểm nhất. Chúng ta có một cuộc du hành cùng nhau : triết học của chúng ta thỏa đáng, những trích dẫn của chúng ta đúng thời ; chúng ta có văn phạm và ngôn ngữ của chúng ta đã thành tựu – nhưng sau mọi điều đó, chúng ta không muốn từ bỏ bản ngã của chúng ta. Chúng ta có một loại nền tảng để đi trên đó, và chúng ta không muốn buông bỏ sở hữu thiêng liêng và bí mật nhất của chúng ta. Điều này trở thành vấn đề, chúng ta không thực sự theo cuộc du hành một cách thích đáng. Bản văn nói rằng pháp không nên bị thoái hóa trên nền của hạnh phúc, trong trường hợp này nó là một loại tà kiến trong lãnh vực chánh pháp.
Ba nguyên lý căn bản cũng được diễn tả là (1) giữ gìn hai nguyện (2) tự chế với hành động quá đáng, và (3) phát triển nhẫn nhục.
Cái thứ nhất là giữ gìn những lời hứa bạn đã nguyện khi bạn quy y và những lời nguyện bồ tát, giữ chúng một cách trọn vẹn. Cái thứ nhất này hoàn toàn thẳng thắn, trực tiếp.
Cái thứ hai là tự chế với hành động quá đáng. Khi bạn bắt đầu thực hành lojong, bạn nhận thức rằng bạn không nên có bất kỳ quan tâm nào đến chính bạn ; bởi thế, bạn cố gắng hành động trong một cách thức tự hy sinh. Nhưng thường việc thử biểu lộ tính vô ngã của bạn trở thành tính cách triển lãm. Bạn để cho mình bị ném vào tù hay bị đóng đinh trên thập tự giá. Bạn biểu lộ những hành động vô ngã bởi vì những quan niệm vững chắc của bạn – những cái gọi là quan niệm vững chắc của bạn trong trường hợp này – nhưng những hành động của bạn vẫn còn đặt nền trên ý niệm của bạn là một người đàng hoàng đứng đắn. Bạn có thể hành động dựa trên một ý thích tùy hứng hay trở nên rất điên, dấn thân vào một sự phô trương vô ngã đủ mọi loại, như tuyệt thực lâu ngày hay nằm dài trên đường phố nhân danh sự thực hành bồ tát. Nhiều bạn hữu Hoa Kỳ của chúng ta đã làm những việc ấy. Tuy nhiên, cách tiếp cận này cần được xem như sự phô trương thuần túy hơn là sự thành tựu hành động bồ tát.
Thứ ba là phát triển nhẫn nhục. Thường thường, có sự mù mờ cực kỳ về nhẫn nhục. Nghĩa là, bạn có thể nhẫn nhục với bạn bè của mình nhưng bạn không thể nhẫn nhục với kẻ thù của mình ; bạn có thể nhẫn nhục với người mà bạn đang gắng sức trau dồi cho họ hay với người bạn đang che chở, nhưng bạn không thể nhẫn nhục với những người ngoài vòng che chở của bạn. Loại cực đoan này thực sự là một hình thức tôn thờ cá nhân, sự tôn thờ bản thân bạn, nó không phải là một ý tốt. Thật vậy, phải nói rằng đó tuyệt đối không phải là một ý tốt.
Qua trí huệ bát nhã bạn nhận biết bạn đang cố gắng bao nhiêu để trở thành một cái gì đó. Đang trở thành một cái gì thành tựu trong thực hành lojong và trong thực tập tonglen, bạn có thể bắt đầu cảm thấy đã đến lúc cho bạn lập chi nhánh và trở thành một người lãnh đạo hay một anh hùng. Bạn cần đề phòng chuyện đó. Đây là một trong những điểm căn bản của hạnh kiểm hay giới luật. Nó nối kết với Bát nhã Ba la mật : bởi vì bạn bắt đầu phân biệt bạn là ai, là cái gì, bạn đang làm gì, bạn hãy coi chừngthường trực tất cả mọi cái ấy.
24
Hãy thay đổi thái độ của bạn,
nhưng vẫn ở tự nhiên.
ù
Thông thường, thái độ của chúng ta là chúng ta luôn luôn muốn bảo vệ lãnh địa riêng của chúng tatrước tiên, Chúng ta muốn giữ gìn nền tảng riêng của mình – những người khác để đằng sau. Điểm cốt yếu của châm ngôn này là thay đổi thái độ này, để cho bạn có thể thực sự nghĩ về những người khác trước tiên và về bạn sau đó. Nó rất đơn giản và trực tiếp. Bạn thường thực hành sự dịu dàng khoan hòa với chính bạn, và cái ngược lại với những người khác. Nếu bạn muốn cái gì ngoài kia, bạn sẽ bảo ai khác lấy nó cho bạn thay vì tự bạn ra ngoài và lấy nó. Thế nên châm ngôn này nói về sự cố gắng áp đặt quyền lực và chủ quyền của bạn lên những người khác. Bạn cũng cố gắng tránh né những sự việc. Chẳng hạn, bạn không rửa chén đĩa, hy vọng có ai khác làm điều đó. Thay đổi thái độ của bạn, nghĩa là lật ngược hoàn toàn thái độ của bạn, thay vì khiến ai khác làm điều gì, thì chính bạn làm điều đó.
Bấy giờ châm ngôn nói “vẫn ở tự nhiên”, nó có một ý nghĩa buông lỏng, thư giãn. Nó nghĩa là thuần hóacon người căn bản của bạn, thuần hóa hoàn toàn tâm thức bạn đến độ bạn không còn thường trực sai người khác chạy lung tung. Thay vì thế, bạn nhận lấy cơ hội tự mình chịu trách nhiệm.
Chúng ta đang nói về thay đổi thái độ tự yêu quý chính mình. Thay vì yêu quý chính mình, bạn yêu quý những người khác – và rồi bạn an nghỉ. Thế đấy. Nó rất là chất phác.
25
Chớ nói về những khuyết tật.
ù
Bởi vì sự kiêu ngạo và hung hăng của bạn, bạn thích nói về những khuyết điểm của người khác như là một cách thức để xây dựng nên “con người” của bạn. Điểm cốt yếu của châm ngôn này là không vuithích với những khuyết điểm hay tàn tật của người khác. “Tàn tật” nói rất cụ thể về trạng thái tâm lý hay sinh lý của người ta : mù hay điếc, hay chậm chạp. Nó nói đến mọi loại khiếm khuyết thân thể mà một người có thể mắc phải. Điều này hình như là đạo đức tổng quát đã được Thiên Chúa giáo dựng nên, rằng không ai bị kết án vì những khuyết điểm của thân thể họ, nhưng mọi người phải được nhìn như là một con người, một nhân cách. Chúng ta chớ làm như vậy theo bất cứ cách nào, trong bất cứ trường hợp nào.
Đây không phải là một lối tiếp cận thực tại có tính cách Thanh giáo, mà đơn giản nhận thức rằng nếu một người có những vấn đề với cuộc đời họ, chúng ta không nên làm to chuyện bằng cách có những nhận xét về chúng. Chúng ta có thể đơn giản chấp nhận những vấn đề của người đó. Nếu có người nào hoàn toàn “bốc” và cường điệu về lãnh vực những hiện tượng riêng của họ, hay “bốc” về việc chạm trán với ai đó, thì điều ấy cũng không nên được xem là một biểu lộ xấu của người đó. Đó chỉ là một cách đáp ứng với thực tại của họ, nó luôn luôn xảy ra mọi lúc.
26
Chớ cân đo những người khác.
ù
Trong châm ngôn này “cân đo những người khác” có nghĩa chỉ trích, lên án những nghi ngại và vấn đềnhỏ nhặt của những người khác. Một trong những vấn đề chúng ta thường có là khi có ai làm điều gì với chúng ta hay xâm phạm những nguyên tắc của chúng ta, chúng ta chỉ trích việc ngoại lệ đó. Chúng tamuốn chỉ trích nó và tìm cách xác nhận rằng những vấn đề của người đó cần phải công kích, phải kết án là không lành mạnh. Chẳng hạn, vì bạn làm việc quá gắt gao, trong thực hành tonglen, bạn phát triển một sự kiêu căng kinh khủng. Bạn cảm thấy rằng bạn đã thâm nhập khá nhiều và nỗ lực đó làm cho bạn thành một người có giá trị. Thế nên khi bạn gặp người nào chưa hoàn thành được cái bạn đã hoàn thành, bạn muốn xem thường họ. Châm ngôn này rất đơn giản : chớ làm điều đó.
Tôi không nghĩ là có rất nhiều khác biệt giữa châm ngôn này và châm ngôn trước ; về căn bản chúng cùng một sự việc. Mọi châm ngôn đều là những điểm đến cho bạn – không riêng là những dấu hiệu lưu thông mà là những nhắc nhở. Và mỗi khi một việc đặc biệt xảy đến cho bạn, những châm ngôn như là một toàn thể trở nên nhiều ý nghĩa hơn.
27
Trước tiên hãy làm việc với những nhiễm ô lớn nhất.
ù
Trước hết bạn cần làm việc với bất cứ cái gì là chướng ngại lớn nhất của bạn – dù đó là sân giận, đam mê, kiêu ngạo, ghen tỵ hay cái gì bạn có. Bạn không nên nói, “Tôi sẽ ngồi nhiều trước đã, rồi sau tôi sẽ đối xử với nó. Làm việc với những nhiễm ô lớn nhất nghĩa là làm việc với những điểm nổi bật nhất trong kinh nghiệm hay trong những vấn đề của bạn. Bạn không muốn làm việc với phân con gà, bạn muốn làm việc với chính con gà.
Nếu chúng ta có những khó chịu về kỹ thuật, triết học, thơ ca, nghệ thuật liên hệ với sự loạn thần riêng biệt của chúng ta, chúng ta cần đưa chúng ra trước tiên hơn là về sau. Khi chúng ta có một khó chịu bồn chồn, chúng ta cần làm việc với sự khó chịu bồn chồn đó. Có nói rằng tất cả các pháp cần được áp dụng trong cố gắng thuần hóa phiền não đó, nhưng đồng thời chúng ta không nên cố gắng đạt đến vài kết quả nào. Thế nên ý tưởng là tịnh hóa và làm việc nơi những điểm nổi bật nhất hơn là xem chúng như thứ đồ cũ. Chúng ta chỉ đơn giản làm việc với điểm nổi bật hay vấn đề nào xảy đến trong tâm thứcchúng ta một cách trực tiếp và thẳng thừng.
28
Hãy từ bỏ mọi hy vọng về quả.
ù
Châm ngôn này nghĩa là bạn cần vất bỏ mọi khả năng trở thành con người vĩ đại trong thế giới nhờ sự tu hành của bạn. Đặc biệt, bạn có thể hoàn toàn không kiên nhẫn mà hy vọng rằng do thực hành lojong bạn sẽ trở nên một người tốt hơn. Bạn có thể hy vọng rằng bạn sẽ được mời đến nhiều câu lạc bộ bởi những bạn bè hay người bảo trợ, họ rất có ấn tượng về bạn. Điểm cốt yếu là bạn phải vất bỏ mọi khả năng như vậy ; nếu khác đi bạn có thể trở thành một người tự yêu lấy mình. Nói cách khác, quá sớm cho bạn để thu thập đệ tử.
Làm việc với những châm ngôn không có nghĩa là trông chờ một sự phát hiện tạm thời hay cố gắnghoàn thành cái gì bằng cách làm những sự việc thanh nhã nho nhỏ chúng đã dẹp yên được những vấn đề của người ta trong quá khứ. Bạn có thể đã trở thành một diễn giả lớn khi có một buổi nói chuyện hay một nhà tâm lý học lớn đã thành công chinh phục được những cơn loạn thần của người khác hay một khuôn mặt văn chương lớn đã viết vài cuốn sách hay một nhạc sĩ nổi tiếng đã ra vài an-bum. Những việc ấy dầu sao cũng đặt nền trên sự liên hệ với thực tại một cách thích đáng, nối kết với thực tại. Nhưng bạn còn muốn chinh phục thế giới theo kiểu riêng của bạn, dầu điều ấy có thể tinh vi và lén lútthế nào.
Bằng cách làm loại gian trá như vậy, bạn mong đạt đến giác ngộ. Bạn đã điều chỉnh để nắm bắt được một lối tiếp cận nhà nghề và trở thành một kẻ thành công nhà nghề. Thế nên có khả năng bạn lại tiếp cận sự thực hành theo cùng cách ấy, nghĩ rằng bạn có thể lừa bịp được tâm Phật trong chính bạn và xoay xở mánh mung đạt đến giác ngộ. Theo châm ngôn đặc biệt này, điều đó có vấn đề. Có nói trong bình giải rằng mọi theo đuổi hạnh phúc, niềm vui, danh tiếng hay trí huệ của cuộc đời này, hay sự hy vọng đạt đến một trạng thái giải thoát vinh quang trong đời sau, phải được xem là một vấn đề.
29
Hãy từ bỏ thức ăn thuốc độc.
ù
Nếu sự thực hành về vô ngã bắt đầu trở nên một cách thức khác của sự xây dựng bản ngã của bạn – xây dựng bản ngã bạn bằng cách từ bỏ bản ngã bạn – đấy cũng giống như ăn thức ăn thuốc độc ; hành như thế thì không có hiệu quả gì. Thật vậy, thay vì cung cấp một trạng thái vĩnh cửu thức tỉnh của tâm, nó sẽ cung cấp cho bạn cái chết, bởi vì bạn bám vào bản ngã của bạn. Thế nên nếu lý do ngồi thiền hay việc thực hành sau thiền định hay bất kỳ loại thực hành nào khác của bạn là sự tiến bộ của mình và cho mình, sự tự cải thiện, thế thì cũng giống như ăn thức ăn thuốc độc. “Nếu tôi ngồi đúng, với kỷ luật và sự nỗ lực lớn nhất, bấy giờ tôi sẽ trở thành thiền giả tốt nhất trong mọi thiền giả.” – đó là một thái độ thuốc độc.
Đây là một châm ngôn rất mạnh mẽ cho chúng ta. Nó có nghĩa là bất cứ cái gì chúng ta làm với sự thực hành của chúng ta, nếu sự thực hành ấy nối kết với sự thành tựu cá nhân của chúng ta, đó gọi là “chủ nghĩa duy vật tâm linh”, hay sự vinh quang cá nhân trong đó chúng ta là đúng và những người khác thì sai, và chúng ta muốn chinh phục sự sai lầm của họ hay xấu xa của họ bởi vì chúng ta đang ở phía Thượng Đế hay v.v... – cái loại cứt bò, cứt chó này được xem là thức ăn thuốc độc. Thức ăn như vậy có thể được trình bày cho chúng ta rất đẹp đẽ, rất dễ thương, nhưng khi chúng ta bắt đầu ăn, nó bốc mùi.
30
Chớ quá có thể đoán trước.
ù
Dịch theo nghĩa đen, châm ngôn này là “Chớ luôn luôn giữ một khuôn mẫu”, nhưng giống hơn là “Chớ quá tử tế và trung thực, quá thẳng thắn.” Nghĩa là, một người bình thường của thế giới sẽ có một số hiểu biết về sự tương quan của nó với những kẻ thù và bạn hữu của nó và nó đã nợ người khác biết bao nhiêu. Điều ấy rất dễ dự đoán. Tương tự, khi người nào gây đau đớn cho bạn, bạn giữ chuyện đó rất lâu, bàn bạc rất lâu, thù hận rất lâu. Cuối cùng bạn muốn đánh trả lại nó, không quên sự xâm phạmcủa nó trong mười hay hai mươi năm.
Châm ngôn này có một nút vặn thú vị. Để bắt đầu, chúng ta có thể dùng ví dụ người bạn đáng tin cậy. Một số người là đáng tin cậy, người theo truyền thống, hay bạn có thể nói là người theo kiểu cũ. Khi bạn trở thành bạn bè với người như vậy, họ luôn luôn nhớ tình bạn của bạn và sự tin cậy giữa hai bên kéo dài rất lâu. Trong ví dụ người đáng tin cậy, bạn nên luôn luôn nhớ mối liên kết của bạn với nó hay mối liên kết của nó với bạn. Nhưng nếu có ai đối xử xấu với bạn hay nếu bạn có một số xích mích với ai, bạn không nên giữ luôn luôn sự bực tức với nó. Trong trường hợp này, điểm cốt yếu là bạn không nên luôn luôn nhớ những quan hệ xấu của ai đó đối với bạn. Châm ngôn này có gì khó hiểu, nhưng điểm chính là bỏ đi hoàn toàn trí nhớ dai dẳng của bạn về sự xung khắc, đối kháng.
Thường thường mọi sự chúng ta làm đều có thể dự đoán. Khi chúng ta có điều gì tốt xảy ra – chẳng hạn khi có ai đem biếu chúng ta một chai sâm banh – chúng ta luôn luôn tìm cách đền đáp lòng tốt đó bằng một cái khác, như mời họ bữa ăn tối hay nói những lời dễ thương. Và khi sự việc xấu xảy ra chúng tacũng như thế. Chúng ta luôn luôn có thể dự đoán được trong việc chúng ta sẽ làm như thế nào. Dần dần chúng ta tạo lập xã hội từ điều đó.
Khi có ai sắp làm chúng ta đau khổ, chúng ta thường chờ đợi cho đến khi họ thực sự tấn công chúng ta và không tốt với chúng ta. Chúng ta chờ cho mọi người đó bắt đầu viết những bài báo nói xấu chúng ta. Rồi chúng ta tạo ra một kẻ thù từ người đó. Đó không phải là lối tiếp cận thích hợp. Cách tiếp cận thích hợp là làm bạn bè ngay tức thì hơn là chờ đợi cái gì đó tấn công. Thay vì chờ đợi cho đến khi một người mắc vào một tội lỗi hay chấp nhận sự hung hăng của nó đối với bạn, bạn tiếp thông ngay liền và trực tiếp. Thế nên bạn tiếp thông trực tiếp hơn là chờ đợi một chiến thuật nào đó. Đấy chính xác là điều bình giải nói đến, và đấy là điều chúng ta cố gắng thực hành ở điểm này.
31
Chớ nói xấu những người khác.
ù
Bạn muốn cho rằng người ta sai lầm bằng cách nói những điều gièm pha. Tuy bề ngoài bọc đường và kem, bên dưới bạn cố gắng hạ thấp người khác, cố gắng trả thù. Gièm pha người khác đặt nền trên ước muốn trưng bày đức hạnh riêng của bạn. Bạn nghĩ rằng chỉ những đức hạnh của bạn có thể trưng bày bởi vì những đức hạnh của người khác thì kém cỏi, vì chúng kém hơn cái của bạn. Điều này áp dụng cho cả sự giáo dục và sự thực hành. Bạn có một sự tu hành ‘ngon lành’ hơn và nói, “Thời gian chú tâm của ai đó trong thực hành shamatha thì ngắn hơn của tôi ; bởi thế tôi ngon lành hơn.” hay “Người đó biết ít những phạm vi hơn tôi.” Căn bản, chúng đều là những cách nói, “Gã kia thì ngu, còn tôi thì ngon lành hơn nó.” Tôi nghĩ châm ngôn này rất thẳng thừng.
32
Chớ chờ đợi để phục kích.
ù
Câu châm ngôn này dịch ra tiếng Tây Tạng theo nghĩa đen là “Chớ phục kích”, tức là chờ đợi người ấy rơi vào trong bẫy hay trong vấn đề bạn muốn hay mong mỏi. Bạn muốn họ gặp bất hạnh này và bạn hy vọng rằng sự bất hạnh ấy sẽ xảy ra theo một cách giúp bạn thực hiện sự tấn công.
Nếu bạn có một bất bình với ai, thường bạn không tấn công ngay vì bạn không muốn ở trong một vị tríyếu. Thay vì vậy, bạn chờ kẻ ấy sảy chân và rồi bạn tấn công nó. Đôi khi bạn giả vờ làm cố vấn cho nó và bạn tấn công nó trong sự giả dạng này, chỉ ra cho nó rằng nó đã hư hỏng như thế nào. Bạn nói, “Tôi đã chờ để nói cho anh điều này. Bây giờ anh hoàn toàn sụp đổ, tôi có dịp để nói với anh rằng anh không tốt lắm. Tôi đang trong tình trạng tốt hơn anh nhiều.” Đấy là một loại chủ nghĩa cơ hội, một lối tiếp cận của kẻ cướp. Lối tiếp cận kẻ cướp này là ý nghĩa của sự mai phục, nó rất thường xảy ra.
33
Chớ đem sự việc đến một điểm gây phiền muộn.
ù
Chớ vì cảm giác bất mãn, đau đớn và khốn khổ của bạn mà đổ lỗi cho ai khác và chớ bắt bẻ những người khác với quyền lực của bạn. Bất cứ quyền lực nào bạn có – quyền trong gia đình, quyền văn học, hay quyền chính trị – chớ áp đặt nó lên người khác.
Châm ngôn này cũng có nghĩa là không hạ nhục người khác. Một điểm quan trọng của lý tưởng bồ tát là khuyến khích người ta trên con đường của họ. Tuy nhiên, bạn có thể đối xử với người ta theo một cách khiến bạn tiến bộ trên con đường nhanh hơn họ. Có những cách làm chậm lại cuộc hành trình của họ khiến bạn có thể ở trước họ. Nhưng trong châm ngôn này, thay vì làm thế, bạn phát triển con đườngkhác – bạn đi sau những người khác.
34
Chớ chuyển vật nặng của con bò đực qua con bò cái.
ù
Rất dễ nói, “Đó không phải lỗi của tôi, hoàn toàn là lỗi của bạn.” Rất dễ nói như vậy, nhưng nó đáng ngờ. Người ta phải nghĩ về những vấn đề của mình một cách cá nhân, lương thiện và chân thật. Nếu không có bạn đề xướng ra những tình huống, thì sẽ không có vấn đề nào cả. Nhưng vì bạn hiện hữu, bởi thế cũng có những vấn đề. Chúng ta chớ nên chuyển gánh nặng đó cho ai cả.
Con bò đực có thể chở gánh nặng ; con bò cái thì kém khả năng chở những vật nặng. Thế nên điểm cốt yếu của châm ngôn này là bạn không chuyển giao gánh nặng của bạn cho ai yếu hơn bạn. Chuyển vậtnặng của con bò đực qua con bò cái nghĩa là không muốn xử lý sự việc về phần bạn. Bạn không muốn nhận một trách nhiệm nào ; bạn chỉ chuyển đẩy nó cho thư ký hay bạn bè hay bất kỳ ai bạn có thể sai bảo. Trong tiếng Anh chúng ta gọi điều này là “đùn đẩy trách nhiệm”. Làm như vậy là một quan niệm tồi tệ, bởi vì nói chung chúng ta có nhiệm vụ làm giảm bớt hỗn loạn rối rắm và tạo ít dịch vụ trong thế giớisanh tử. Chúng ta có nhiệm vụ giảm bớt những vấn đề hành chánh giấy tờ và cố sắp xếp mọi sự cho có trật tự. Chúng ta có thể mời người khác giúp đỡ chúng ta, nhưng chúng ta không thể đùn đẩy trách nhiệm cho họ. Thế nên chớ chuyển vật nặng của con bò đực sang con bò cái.
35
Chớ cố gắng làm người nhanh nhất.
ù
Khi những hành giả bắt đầu phát triển sự hiểu biết về pháp và sự cảm kích về pháp của họ, đôi khi họ rơi vào một loại tiếp cận theo lối đua ngựa. Họ muốn làm người chạy nhanh nhất : họ có thể hiểu ýnghĩa cao nhất của shamatha hay ý nghĩa vĩ đại nhất của tantra hay ý niệm cao nhất của Bồ đề tâm tối hậu hay những giáo lý được che giấu. Những hành giả như vậy quan tâm đến người có thể làm cho sự lễ lạy của họ nhanh hơn, ngồi tốt hơn, ăn tốt hơn, làm cái này cái nọ tốt hơn. Họ luôn luôn cố gắng chạy đua với người khác. Nhưng nếu sự thực hành của chúng ta được xem thuần túy là một cuộc đua, thì chúng ta có vấn đề. Toàn bộ sự việc trở thành một trò chơi hơn là thực hành thực sự, và không có hạt giống nhân từ, dịu dàng nào trong hành giả cả. Thế nên bạn không nên dùng sự thực hành của bạn như một cách để dẫn đầu những bạn đồng tu của mình. Điểm cốt yếu của châm ngôn này là không cố gắngthành tựu tiếng tăm, danh dự hay sự phân biệt từ sự thực hành của mình.
36
Chớ hành động với một nút vặn xoắn.
ù
Hành động với một nút vặn xoắn nghĩa là bởi vì bạn nghĩ mình đang kiếm được cái tốt nhất trong mọitrường hợp, thì bạn cũng tự nguyện cho cái xấu nhất. Cái ấy rất hèn hạ lén lút. Bạn có thể hành động với một nút vặn xoắn với thầy của bạn, học trò của bạn, hoàn cảnh cuộc đời của bạn – mọi sự. Bạn có thể tự cho là một người hoàn toàn nhân đức luôn luôn nhận lãnh trách nhiệm, nhận thức rằng bạn đang có cái tốt nhất. Tôi nghĩ điều này hoàn toàn trực tiếp cụ thể.
Hành động với một cái nút vặn xoắn là một loại duy vật tâm linh. Nó luôn luôn có động cơ tối hậu là làm việc cho lợi lạc riêng của mình. Chẳng hạn, để đạt được những kết quả tốt cho chính bạn, bạn có thể tạm thời nhận lãnh trách nhiệm và sự trách cứ về việc gì đó. Hay bạn có thể thực hành lojong gắt gaođể có được cái gì từ đó, hay với ý tưởng tự bảo vệ bạn khỏi bệnh hoạn. Sự thực hành của châm ngônnày là bỏ đi thái độ trông chờ những lợi lạc cá nhân có từ thực hành – một kết quả hoặc trực tiếp tức thời hoặc về lâu về dài.
37
Chớ làm cho chư thiên biến thành ma quỷ.
ù
Châm ngôn này ám chỉ khuynh hướng chung của chúng ta là bám vào sự đau khổ và đi qua cuộc đờivới những than vãn thường xuyên. Chúng ta không nên biến cái tự thân vốn là niềm vui thành ra đau khổ.
Ở điểm này, bạn có thể đã hoàn thành một mức độ thuần hóa chính mình nào đó. Bạn có thể đã phát triển thực hành tonglen trao đổi chính bạn với những người khác và cảm thấy sự hoàn thành của bạn là thực. Nhưng đồng thời, chúng ta quá kiêu ngạo về toàn bộ sự việc đến độ sự thành tựu của bạn bắt đầu trở thành một ý định xấu, bởi vì bạn nghĩ bạn có thể phô bày ra. Theo cách này, pháp trở thành phi pháp.
Dù cho sự thành tựu của bạn có thể thuộc loại thành tựu chân chánh và bạn thực sự có một kinh nghiệm rất tốt – nếu bạn xem đó như là một cách để chứng tỏ mình và xây dựng bản ngã của bạn, nó không tốt nữa, và nó trở thành ma quỷ.
38
Chớ tìm kiếm sự đau khổ của những người khác như là
phần hữu cơ của hạnh phúc riêng của bạn.
ù
Châm ngôn này hoàn toàn thẳng tắt : bạn hy vọng ai đó sẽ chịu khổ đau để bạn có thể thu lợi từ đó. Đây là một ví dụ rất đơn giản : nếu có một thành viên của tăng đoàn chết, bạn thừa hưởng cái đệm thiền của người ấy, hay nếu bạn là một hành giả kim cương thừa, bạn có thể thừa hưởng chuông và chày kim cương của người ấy. Chúng ta có thể mở rộng lý luận này trong mọi hoàn cảnh, nhưng tôi không nghĩ chúng ta cần thiết phải làm như thế.
Chúng ta không nên xây dựng hạnh phúc riêng của chúng ta trên sự đau khổ của những người khác. Dù cho sự việc người nào nếm trải bất hạnh có thể làm lợi lạc cho chúng ta, chúng ta không nên mong muốn điều đó và mơ tưởng về cái chúng ta có được từ tình huống đó. Hạnh phúc xây dựng trên khổ đau thì giả tạo và chỉ dẫn đến thất vọng về sau.