4. Sugato (Thiện-Thệ)

13 Tháng Ba 20189:53 CH(Xem: 3393)
4. Sugato (Thiện-Thệ)

Tại sao Đức Phật có hiệu là SUGATO (Thiện-Thệ)?


- Bởi ngài:


* Có sự hành-trình Toàn-Hảo (Sobhana Gamana)
* Có ngôn-ngữ Chân-Chánh (Sammãgadattã)


Sự hành-trình Toàn-Hảo.


Sự hành-trình Toàn-Hảo đây, ý nói có 4 điều:


Tướng đi đẹp-đẽ.


Đức Phật có tướng đi vừa oai-hùng, vừa trang-nghiêm tề-chỉnh, khiến cho chúng-sanh trông đến phải ngưỡng-mộ, tôn-kính và vui-thích nhìn xem.


Sau khi thành-đạo dưới cội Bồ-Đề, Ngài cất bước thẳng tiến về phía vườn Lộc-Giả (Isipatana) để độ năm thầy Kiều-Trần-Như, có vô số Chư-Thiên và cầm-thú trông thấy diện-mạo quang-minh hào quang rực-rỡ và tướng đi trang-nghiêm đẹp-đẽ của Đức Phật, đồng thanh phát Tâm thỏa-thích hoan-hô ca-tụng. Từ trên không, Chư-Thiên rắc hoa thơm ngào-ngạt và phổ tấu những bản nhạc du-dương cúng-dường tùng bước đi của Ngài. Dưới trần, muôn thú hân-hoan theo gót chân Ngài, chim chóc bay lượn, hót mừng ca tụng đấng Đại-Bi... Vạn-vật như bừng lên một ánh-sáng huy-hoàng và rộn-rịp lên một niềm hân-hoan đón chào đấng Cứu-Thế, từ đây châu-du trọn 45 năm trường tế-độ quần-sanh...

Lại nữa, mỗi khi Đức Thế-Tôn ngự đến xóm làng nào, đều có Chư-Thiên và đông người cung-kính đi theo nhìn xem tướng trang-nghiêm tốt-đẹp phát sanh Tâm ngưỡng-mộ tôn-sùng.


Cần nói thêm rằng có nhiều hạng chúng-sanh sùng-bái tôn-kính Đức Phật vì Ngài có 4 Pháp Chan-Hòa (Pamãna) nghĩa là dồi-dào lai-láng sự tốt-đẹp, cao-quí như sau đây:


a) Sắc Chan-Hòa (Rũpa Pamãna): Dung-nhan Ngài tốt-đẹp phi-phàm trọn đủ 32 tướng hảo và 80 tướng phụ (xem giải rộng trong quyển "32 tướng Đức Phật" của Đại-Đức Bửu Chơn), Chư-Thiên và Nhân-loại không ai sánh bằng.


b) Pháp Chan-Hòa (Dhamma Pamãna): Các Pháp mà Ngài đã tỏ-ngộ thật vi-diệu thậm-thâm và đúng chân-lý, các bậc thiện trí-thức khác không thể sánh bằng.


c) Thinh Chan-Hòa (Gosa Pamãna): Tiếng nói của Ngài thanh-tao, vang ngân như tiếng của trời Phạm-Thiên và êm dịu rõ-ràng như tiếng con chim quốc (Karavika)


d) Tâm Vui Thích Bình-Đẳng Chan-Hòa (Luka Pamãna): Ngài có Tâm bình-đẳng, dầu bậc Vua chúa hoặc thường dân, người giàu sang hoặc kẻ bần hàn đem vật chi đến cúng dường, Ngài cũng đều thọ-lãnh một cách vui-vẻ hồn-nhiên không phân biệt giai-cấp của thí chủ và vật cúng cao quý hay thấp-hèn.


Vì thế, nên có người phát Tâm hoan-hỷ, ưa thích sắc tướng đẹp-đẽ phi-phàm của Đức Thế-Tôn rồi xuất-gia vào tu theo Giáo-Pháp hoặc tin lời giáo-huấn của Ngài mà làm điều phước thiện.


Có người cảm mến Ngài vì những Pháp hợp-lý, cao-thượng, chân chánh mà Ngài đã giảng dạy rồi trở thành môn-đồ của Ngài.


Có người ưa-thích tiếng nói tao-nhã êm-ái của Ngài rồi tu theo Ngài.

Có người lại mến Tâm bình-đẳng của Ngài trong sự thọ-nạp vật-dụng cúng-dường rồi thọ-giáo với Ngài.


Do nhờ 4 "Pháp Chan-Hòa" cao-quí vừa kể trên mà Đức Thế-Tôn ngự đến nơi nào, cũng hằng làm cho đại chúng phát Tâm tín-ngưỡng sùng mộ Ngài.


Chúng-sanh nào chưa có đức-tin nơi Tam-Bảo, khi gặp Ngài rồi liền phát lòng cảm-mến tin-tưởng.


Chúng-sanh nào đã tu theo Giáo-Pháp của Ngài rồi, khi nghe Ngài thuyết-Pháp, hoặc nhìn sắc thân, hoặc nghe tiếng nói, hoặc cảm-thông Tâm bình đẳng của Ngài, lại càng có đức tin dũng-mãnh và thực-hành tinh-tấn nhưng Pháp mà Ngài đã giáo-huấn.


Đi đến nơi trong sạch.


Đức Phật hằng đi đến nơi trong sạch vì nơi nào dầu ô-uế nhơ-bẩn đến đâu, khi Ngài ngự đến đều trở nên sạch-sẽ vui-tươi.

Như tích xưa, thành Vesãli bị bọn phi-nhân là Ngạ-Quỉ, dạ-xoa... hoành-hành, gieo rắc bệnh dịch-hạch làm cho dân chúng chết-chóc vô-số đến nỗi không kịp chôn, mùi tử-khí xông lên nồng-nặc. Trước khi Đức Thế-Tôn ngự đến thành ấy, Chư-Thiên hay biết liền tuôn một đám mưa lành rất lớn, quét tan các hàng phi-nhân và mùi tử-khí thành Vesãli trở nên sạch-sẽ an-lành.

Đi con đường chân-chánh.

Đức Phật đã đi con đường chân-chánh, thanh-tịnh là Thánh-Đạo (Ariya Magga), không hề quay lại tìm các Phiền-Não trọng-đại và thụy-miên mà Ngài đã diệt-trừ do nhờ đạo-quả Tu-Đà-Hườn, Tu- Đà-Hàm, A-Na-Hàm và A-La-Hán.

Con đường chân-chánh ấy trọn 4 A-Tăng-Kỳ và 100 ngàn đại-kiếp quả địa cầu, Đức Thế-Tôn đã đi từ lúc còn là Bồ-Tát, được Đức Phật Nhiên-Đăng (Dipankãra) thọ-ký cho đến khi thành bậc Chánh-Đẳng Chánh-Giác dưới cội Bồ-Đề với hoài-bảo thiết-tha cứu-vớt nhân-loại ra khỏi mê-tận khổ-ải, Ngài đã hành viên-mãn 30 Pháp Ba-la-mật và đã gian-lao khổ-nhọc trên con đường trung-đạo, không thiên về những quan-niệm cực-đoan là "Lợi-Dưỡng" và "Khổ-Hạnh", "Thường-Kiến" và "Đoạn-Kiến".

Đi đến nơi an-lạc.

Đức Phật đã đi đến nơi an-lạc, vô sanh bất-diệt là Đại Niết-Bàn.

Trước ngày thành-đạo, Ngài chưa tùng đến nơi tịch-tỉnh ấy, nhưng Ngài không mảy-may e-ngại, vì Thân-Tâm đã được hoàn-toàn trong sạch thanh-tịnh, không còn Phiền-Não. Phiền-Não nào Ngài đã diệt-tận rồi, Phiền-Não ấy không còn trở lại Tâm Ngài và Ngài cũng không bao-giờ quay lại tìm Phiền-Não ấy.

Ngôn-ngữ chân-chánh.

Ngôn-ngữ chân-chánh, ý nói: Những huấn-từ chân-thật đúng theo Giáo-lý, nhằm vào sự lợi-ích và sự giải-thoát của chúng-sanh mà Đức Phật thốt ra tùy theo trường hợp và tùy theo hoàn-cảnh thích-đáng.

Ngài hiểu biết tường-tận lời nào theo chân-lý hoặc không đúng theo chân-lý, lời nào có lợi-ích hoặc không có lợi-ích, lời nào vừa lòng thích-ý chúng-sanh.

Lời nào không đúng theo chân-lý, không lợi-ích và không vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý nhưng không có lợi-ích và không vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý, có lợi-ích nhưng không vừa lòng chúng-sanh, Ngài biết tùy cơ-hội thuận-tiện để thuyết.

Lời nào không đúng theo chân-lý nhưng không có lợi-ích, dầu vừa lòng chúng-sanh, Ngài không bao giờ thuyết.

Lời nào đúng theo chân-lý, có lợi-ích và vừa lòng chúng-sanh, Ngài biết lựa cơ-hội thuận-tiện để thuyết.

Như một ngày nọ, đi ngang qua cánh rừng nhỏ gần thành Kosambi, Đức Thế-Tôn cầm một nắm lá trong tay và phán hỏi Đức A-Nan như vầy:

"Này A-Nan lá cây mà Như-lai nắm trong tay đây và lá cây trong rừng này, lá nào nhiều hơn?"

Đức A-Nan-Đa bèn bạch rằng:

"Bạch Đức Thế-Tôn! lá cây mà Đức Thế-Tôn nắm trong tay rất ít, lá cây trong rừng thật là nhiều".

Đức Phật mới phán rằng:

"Này A-Nan-Đa! cũng như thế ấy, những Pháp mà Như-lai đã thấy rõ, biết rõ thật là nhiều ví như lá cây trong cánh rừng này, còn những Pháp mà Như-lai đã thuyết ra cho chúng-sanh được biết, chỉ ít-ỏi như nắm lá trong tay Như-lai vậy".

"Tại sao thế?"

"Bởi vì các Pháp mà Như-lai không thuyết ra là những Pháp không đem lại sự lợi-ích, không liên-hệ chi đến sự hành phạm-hạnh, đến sự diệt-tận Phiền-Não, đến sự yên-lặng của Tâm-hồn, đến sự phát-sanh Trí-Tuệ viên-dung về Niết-Bàn. Vì vậy, Như-lai không thuyết ra.

Còn các Pháp mà Như-lai đã thuyết là những Pháp chỉ rõ đây là khổ, đây là nguyên-nhân phát-sanh sự khổ, đây là nơi diệt-khổ và đây là con đường đi đến nơi diệt-khổ. Vì các Pháp ấy đem lại sự lợi-ích liên-hệ đến đời sống thanh-cao, đến sự diệt-tận Phiền-Não, đến sự yên-lặng của Tâm-hồn, đến sự phát-sanh Trí-Tuệ viên-dung đến Niết-Bàn".

Như thế, ta nhận thấy rằng mặc dầu Đức Phật đã hiểu biết tường tận Vô-Lượng Pháp, nhưng Ngài chỉ phổ-cập những Pháp nào đúng theo chân-lý và đem sự lợi-ích và sự giải-thoát đến cho chúng-sanh thôi.

Do nhờ những Ân-Đức cao-quí vừa kể trên nên Ngài có hiệu là SUGATO (Thiện-Thệ).