Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Chương 4

13 Tháng Bảy 20162:21 CH(Xem: 2598)
Chương 4

MƯỜI TÁM VỊ LA-HÁN

 Phần 4: (16-20)

 

16. CHÚ-TRÀ-BÁN-THÁC-CA

Tôn giả Chú-trà-bán-thác-ca là vị La-hán cuối cùng trong mười sáu vị La-hán. Hiện tại, ngài cùng một ngàn sáu trăm vị đệ tử trú tại núi Trì Trục. Tên vị La-hán này rất lạ bởi dịch tiếng Hán là Lộ Biên Sanh (sanh bên đường). Trong kinh A Di Đà tên ngài là Châu-lợi-bàn-đà-già. Đây chỉ do dịch âm không đồng mà thôi. Vì  tên này tương đối quen thuộc với mọi người hơn nên chúng ta gọi ngài là Châu-lợi-bàn-đà-già.

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, theo phong tục Ấn Độ đương thời, người phụ nữ mang thai sắp đến ngày “mãn nguyệt khai hoa” đều phải về lại nhà mẹ mình để sanh. Có một sự trùng hợp đặc biệt là Châu-lợi-bàn-đà-già và anh ngài đều sanh giữa đường lúc mẹ chưa kịp về đến nhà ngoại. Do đó, người đời sau gọi ngài là Tiểu Lộ Biên Sanh (sanh bên đường nhỏ) và gọi anh Ngài là Đại Lộ Biên Sanh (sanh bên đường lớn).

Anh Ngài tên Bán-thác-ca tư chất thông minh, xuất gia theo Phật rất sớm, đạt nhiều thành tựu trong tu tập. Lớn lên, ngài cũng theo anh xuất gia. Mặc dù đã xuất gia nhưng ngài tối dạ không ai bằng, trí nhớ kém, thường mặc đồ trái, mang dép trái, sư phụ bảo đi lấy kinh thì ngài lại đi lấy mõ.

- Đồ ngốc!

- Đồ ngu! – Ngài thường bị chúng điệu mắng.

Bán-thác-ca thấy em mình ngu như thế, trong lòng rất cảm thông muốn giúp đỡ nhưng cũng không biết làm cách nào hơn.

Nhiều năm trôi qua vậy mà chỉ một danh hiệu Phật, ngài niệm không xong, một câu kinh cũng nhớ không nổi. Thậm chí khi đại chúng ngồi thiền, cả đến ngồi xếp bằng, ngài làm cũng không được.

Một hôm, Bán-thác-ca chịu không được nữa bảo:

- Em à! Em quả thật quá ngu. Tu tập ngoài ý chí nghị lực còn cần có trí tuệ thông minh mẫn tiệp. Em đã khờ khạo thế này thì dứt khoát nên về nhà cuốc đất làm ruộng, trồng dâu nuôi tằm đi, chứ theo Phật mà như thế này chỉ uổng phí công phu, sẽ không có kết quả.

- Thưa anh, em không muốn xa đức Thế Tôn, em cũng không muốn xa anh, xin cho em tiếp tục ở đây đi. – Châu-lợi-bàn-đà-già khẩn khoản xin.

- Không được! Em ở đây chỉ gây nhiều phiền phức cho mọi người. Em không biết tụng kinh, không biết tọa thiền, không biết niệm Phật, em nên về nhà đi! – Bán-thác-ca vẫn không đồng ý.

Thấy anh kiên quyết không chấp thuận, ngài vô cùng đau khổ. Tuy không muốn về nhưng lại không dám trái lời anh nên ngài đành phải thu dọn đồ đạc rời vườn Kỳ thọ Cấp-cô-độc, nơi chúng Tăng ở và cũng là nơi đức Phật  thường giảng kinh thuyết pháp.

Rời khỏi vườn, Châu-lợi-bàn-đà-già vừa đi vừa khóc. Khóc xong, ngài đến ngồi dưới gốc cây Bồ-đề suy tư tự hỏi:

- Sao mình lại ngu thế này? Sao mình không thông minh như anh nhỉ? Mình không nên xa đức Thế Tôn, mình không nên về nhà. – Nghĩ đến cảnh bị đuổi về, ngài tủi thân òa khóc sướt mướt.

Sự tình lúc đó may sao gặp đức Phật ra ngoài vừa về. Nghe trong rừng có người đang khóc, ngài bảo một vị đệ tử đến đó xem thử là ai.

- Bạch đức Thế Tôn! Người đang khóc là Châu-lợi-bàn-đà-già.

- Đến gọi ông ấy tới đây. - Đức Phật  ôn tồn bảo.

Châu-lợi-bàn-đà-già đến bên Phật như đứa trẻ thơ được về bên cha. Khi ấy, những uẩn khúc trong lòng chợt hiện lên, ngài lại khóc nức nở.

- Có chuyện gì buồn vậy? Nói cho ta nghe được không? – Đức Phật  hỏi.

- Dạ, bạch Thế Tôn! Anh con đuổi con về, không cho con ở đây tu học nữa... - Châu-lợi-bàn-đà-già vừa nói vừa khóc.

- Sao vậy?

- Dạ vì con quá ngu, ngay cả áo mặc cũng không nên, một câu kinh cũng thuộc không nổi. – Châu-lợi-bàn-đà-già u buồn thưa.

- À, ra là vậy. – Đức Phật  cười rồi an ủi:

- Châu-lợi-bàn-đà-già này! Thật ra ông đâu có ngu chút nào đâu!

 - Dạ, thật sao? – Nghe đức Phật nói mình không ngu, Châu-lợi-bàn-đà-già thấy vui hẳn lên.

- Đương nhiên là thật rồi. – Đức Phật nói nghiêm nghị, nét mặt không chút trêu đùa khiến Châu-lợi-bàn-đà-già thấy rất an ủi.

Đức Phật  từ ái nói tiếp:

- Vậy là được rồi. Này Châu-lợi-bàn-đà-già! Tạm thời ông cứ ở lại đây, sau này ta sẽ đích thân đến dạy ông tu tập!

- Cảm ơn đức Thế Tôn! Cảm ơn đức Thế Tôn! -  Châu-lợi-bàn-đà-già vội sụp lạy đức Phật, bày tỏ niềm biết ơn vô hạn.

Ngày đầu đến dạy, đức Phật  cầm theo một cây chổi, hỏi Châu-lợi-bàn-đà-già:

- Này Châu-lợi-bàn-đà-già, ông biết đây là cái gì không?

- Dạ đây là... là... - Không ngờ ngay cả chổi mà ngài nói cũng không ra, còn luống cuống đến toát mồ hôi trán.

- Đừng vội, Châu-lợi-bàn-đà-già, đây là cây chổi, ông nói lại xem thử được không? - Đức Phật  an ủi.

- Cây... cây...-  Châu-lợi-bàn-đà-già chỉ đọc được chữ đầu.

- Cây chổi!- Đức Phật  nhắc lại.

- Là... chổi... chổi...- Lần này thì ngài lại quên chữ đầu.

- Đừng hấp tấp, ghép hai chữ cây và chổi lại rồi đọc cây chổi, cây chổi, ông đọc thử xem.

- Cây... chổi... cây... chổi, cây chổi cây chổi.

- Đúng rồi, ông đọc đúng rồi, sau này phải nhớ đây là cây chổi. – Đức Phật  thấy mừng cho Châu-lợi-bàn-đà-già.

Khích lệ ngài mấy câu xong, đức Phật  hỏi tiếp:

- Cây chổi dùng làm gì ông biết không?

- Dạ dùng để quét rác! – Châu-lợi-bàn-đà-già cẩn thận đáp nhưng tiếng rất nhỏ vì ngài sợ sai.

- Hay lắm, Châu-lợi-bàn-đà-già! Ta đã nói là ông chẳng hề ngu chút nào mà! Sau này, ông khỏi phải tụng kinh, ngồi thiền, mỗi ngày chỉ cần cầm chổi quét vườn cho sạch là được rồi. – Đức Phật tấm tắc khen và giao công tác cho ngài.

Nghe đức Thế Tôn khen, còn nói mình không ngu, Châu-lợi-bàn-đà-già vui mừng khôn xiết, tín tâm đã mất cũng được khôi phục lại.

Trước kia, Bán-thác-ca tuy thường đích thân dạy ngài nhưng nội dung giảng quá cao siêu phức tạp, nghĩa lý lại thâm áo, do đó, ngài nghe không hiểu, dù có tâm tha thiết muốn học đi nữa cũng không thể nào học vô. Còn lần này, đức Phật  đích thân đến dạy, ngài chỉ yêu cầu nhớ hai chữ “cây chổi” và hiểu công dụng của nó dùng để quét rác là được rồi.

- Thì ra cầu học đâu có khó! – Châu-lợi-bàn-đà-già tự nhủ.

Lần thứ hai vào học, đức Phật  hỏi lại:

- Này Châu-lợi-bàn-đà-già, dùng chổi có thể quét sạch rác được không?

- Dạ được, bạch Thế Tôn. – Châu-lợi-bàn-đà-già trả lời rất chắc chắn vì công việc mỗi ngày của ngài làm là quét dọn.

- Châu-lợi-bàn-đà-già này! Ông có biết trong tâm chúng ta cũng có rất nhiều thứ cấu bẩn không? – Đức Phật  hỏi.

- Thứ gì nhỉ?- Châu-lợi-bàn-đà-già không rõ, ngài nghĩ đi nghĩ lại, một lát sau mới nói:

- Bạch Thế Tôn! Dạ có phải tham, sân, si, mạn, nghi, phẫn hận, tật đố... khiến tâm chúng ta bất an không?

- Đúng rồi! Ông trả lời rất tốt, những thứ đó giống như bụi trần làm ô nhiễm bản tâm vốn thanh tịnh sáng suốt của chúng ta. – Đức Phật  kiên nhẫn giảng dạy.

- Dạ, sao không trừ bỏ chúng? – Châu-lợi-bàn-đà-già hỏi.

Đức Phật  dạy:

- Mục đích của ta chính là muốn dạy ông phương pháp trừ bỏ chúng. Này Châu-lợi-bàn-đà-già! Dùng chổi có thể quét sạch những thứ cấu bẩn trên đất, cũng vậy, nếu như ông biết dùng “cây chổi Phật pháp” để quét sạch những uế trược trong tâm thì một ngày kia tâm ông cũng sẽ sáng suốt thanh tịnh như gương sáng.

Biện tài của đức Phật  thật hiếm thấy ở đời, ví dụ ngài nêu vừa rõ ràng đơn giản vừa thiết thực gần gũi với cuộc sống nên người khác nghe rất dễ hiểu.

- À, bạch đức Thế Tôn! Con hiểu ý Ngài rồi, có phải Ngài muốn dạy con trong công việc quét dọn không nên chỉ quét rác suông mà phải luôn chánh niệm tỉnh giác tịnh hóa nội tâm nữa phải không?

Sau khi được đức Phật tận tình chỉ dạy, thoáng chốc Châu-lợi-bàn-đà-già thông minh hẳn lên.

- Đúng vậy, Châu-lợi-bàn-đà-già! Đó chính là lý do ta bảo ông quét rác, chỉ cần ông kiên tâm trì chí, dụng tâm nỗ lực tinh tấn thì có ngày ông sẽ ngẩng đầu lên theo kịp với chúng bạn, không còn bị người khác chê cười khinh khi. – Đức Phật  tiếp tục khích lệ.

Từ đó, Châu-lợi-bàn-đà-già dốc sức chuyên tâm tu tập theo pháp môn quét rác – quét vườn Kỳ thọ Cấp-cô-độc. Bất kể gió mưa nóng lạnh, ngày nào ngài cũng làm việc rất siêng năng. Thật là ông trời không phụ người khổ công, cuối cùng ngài cũng chứng quả A-la-hán. Câu chuyện của Tôn giả Châu-lợi-bàn-đà-già chứng tỏ câu “cần cù bù thông minh” thật chẳng ngoa chút nào.

Vốn là một người ngu đần ngốc nghếch ai trông cũng thấy chán, ngay cả cây chổi cũng không biết. Thế mà dưới sự chỉ dạy của đức Phật, dựa vào ý chí nghị lực và lòng kiên trì, Tôn giả đã khắc phục cái ngu bẩm sinh, trở thành vị đại đệ tử, được đức Phật chọn vào trong số mười sáu vị La-hán lưu lại thế gian hoằng dương Phật pháp.

 

17. NAN-ĐỀ-MẬT-ĐA-LA

“Nan-đề-mật-đa-la”, Trung Quốc dịch là Khánh Hữu. Ngài ra đời sau đức Phật diệt độ tám trăm năm.

Tôn giả trú tại thủ đô nước Sư Tử (tức Tích Lan ngày nay). Toàn nước Sư Tử thời đó không ai không biết ngài là bậc đại A-la-hán.

Mười sáu hoặc mười tám vị La-hán được tôn thờ trong các tự viện Phật giáo ở Trung Quốc là đều do ngài giới thiệu. Ở phần “Xuất xứ mười sáu vị La-hán”, chúng tôi đã trình bày rõ ràng rồi. Nhờ Nan-đề-mật-đa-la nói “Pháp trụ ký” mà chúng ta mới biết được danh tánh và trú xứ của mười sáu vị La-hán lưu lại nhân gian. Người đời vì thương nhớ ngài nên đưa ngài vào hàng mười tám vị La-hán.

Nan-đề-mật-đa-la thần thông quảng đại. Sau khi nói “Pháp trụ ký” xong, vì muốn cho mọi người thâm tín không còn nghi ngờ việc mười sáu vị La-hán lưu lại nhân gian nên ngài liền vận thần thông bay lên hư không hóa hiện vô số thần tích bất khả tư nghì ngay trước mặt mọi người. Ai nấy cũng đều trầm trồ, khen ngợi:

- A, Mầu nhiệm quá!

- Ôi, Tôn giả đúng thật là thần thông quảng đại!

- Một bậc đạo hạnh cao thâm, pháp thuật vô biên như thế thì lời của ngài nói chắc chắn không sai.

Hiển thị thần thông xong, ngay trên không trung, Nan-đề-mật-đa-la dùng chơn hỏa tam muội thiêu thân, Xá-lợi ngũ sắc rơi xuống dồn dập như mưa, mọi người tranh nhau lượm mang về nhà tôn thờ cúng dường.

Tuy đã thiêu thân nhưng Nan-đề-mật-đa-la không rời nước Sư Tử. Ngài chỉ bay đến một động đá trên núi để tọa thiền. Thời gian trôi qua thoáng chốc mà ngài ngồi đó đã hơn bốn trăm năm. Khi ấy, đúng vào thời vương triều Quý-sương do vua Ca-nị-sắc-ca thống trị ở bắc Ấn Độ.

Khi xuất định, vì muốn điều hòa huyết mạch thân thể sau bao năm ngồi bất động, Ngài ôm bát xuống núi vào thành khất thực.

- Ôi! Sao lạ vậy, sao phố xá lại lạ thế này? Để ta tính xem rốt cuộc là thế nào. – Nan-đề-mật-đa-la lẩm bẩm.

Nói rồi, Ngài đưa tay tính một hồi, bỗng nhiên cười ồ lên:

- Ha ha, thì ra ta ngồi đây đã hơn bốn trăm năm rồi, thảo nào một số đường ta không còn nhớ.

Chuyện Tôn giả Nan-đề-mật-đa-la tiếp tục lưu lại thế gian hiện còn ghi trong “Lịch sử Phật giáo Ấn Độ”. Đây là tác phẩm do vị Cao tăng nổi tiếng Tháp Lạt Na Tháp viết, hoàn toàn không chút hư dối.

Từ đó, Nan-đề-mật-đa-la thường xuất hiện khắp nơi, khi thì trì bát, lúc thì giảng kinh, khi thì cỡi voi, lúc thì cỡi mây. Thế nên, mãi đến nay, mọi người vẫn còn tin rằng Tôn giả vĩnh viễn không rời thế gian mà luôn luôn cùng mười sáu vị La-hán kia tiếp tục lưu lại thế gian hoằng pháp độ sanh.

 

18. CA-DIẾP

Tôn giả Ca-diếp sống cùng thời với Phật, là người nước Ma-kiệt-đà tại Ấn Độ. Ngài được người đời sau đưa vào hàng mười tám vị La-hán.

 “Ca-diếp”, Trung Quốc dịch là Ẩm Quang, vì thân ngài có thể phát ra ánh sáng. Bất luận đi đến đâu, trên thân ngài luôn phát ra ánh sáng rực rỡ trang nghiêm. Ẩm Quang hoàn toàn không phải là uống ánh sáng mà ý nói ánh sáng phát ra trên thânngài thù thắng hơn ánh sáng trên thân người khác. Khi mọi người đứng trước ngài, ánh sáng ấy thường làm cho ánh sáng sáng trên thân họ tự nhiên trở nên u ám thất sắc. Vì sao thân ngài phát ra được ánh sáng? Câu chuyện tương truyền như vầy:

 Thuở quá khứ, ngài từng làm người thợ vàng, tuy nhà nghèo nhưng rất thâm tín Phật pháp.

 Có lần, ngài đem hiến một miếng vàng nhỏ, số vàng duy nhất mà ngài dành dụm được, để trang sức một bức tượng Phật, mọi người nhìn vào ai cũng khen rất đẹp. Nhờ công đức ấy nên đời này sanh làm người, thân ngài phát ra ánh sáng thù thắng hơn người khác.

Lúc đầu, cha mẹ đặt tên cho ngài là Tất-bát-la-da, Trung Quốc dịch là “Thọ Hạ Sanh” (sanh dưới cây).

Vào tháng nọ, khi Ca-diếp sắp ra đời, một hôm mẹ ngài đang ngồi hóng mát dưới gốc cây đại thọ thì bỗng nhiên từ trên trời bay xuống một tấm thiên y rất đẹp, che phủ cả thân cây. Liền khi ấy, ngài cất tiếng chào đời.

Gia đình Ca-diếp rất giàu. Có người nói tài sản của họ còn nhiều hơn cả vua. Vì là con một nên song thân ngài luôn khuyên ngài sớm lập gia thất. Nhưng ý ngài lại muốn xuất gia học đạo.

- Con à, con nên sớm lập gia đình đi! – Hầu như ngày nào ngài cũng nghe cha mẹ nói như vậy.

Không nỡ trái ý cha mẹ, Ca-diếp đành nghĩ ra một kế, một mặt vừa an ủi cha mẹ, mặt khác để tránh việc kết hôn. Ngài cho người dùng vàng đúc tượng một mỹ nhân, rồi thưa với song thân.

- Thưa cha mẹ, không phải con không muốn kết hôn, chỉ vì tìm chưa ra người con gái nào xứng với tượng mỹ nhân này. Nếu như có người nào đẹp như vầy thì con bằng lòng lấy người ấy.

Vốn thương con tha thiết nên cha mẹ ngài lập tức sai người hầu trong nhà dùng xe chở tượng mỹ nhân đi khắp nơi trong cả nước, tuyên bố trước hàng vạn người náo nức đến xem:

- Các chị em gái chưa chồng, mau đến đây chiêm ngưỡng lễ bái mỹ nhân vàng, các cô sẽ có niềm vui bất ngờ.

Người hầu chở tượng mỹ nhân xuất phát từ thành Vương-xá vượt qua sông Hằng thẳng đến thành Tỳ-xá-ly phía bắc Ấn Độ.

Trong thôn Ca Tỳ Ca thành Tỳ-xá-ly có một cô gái tên Diệu Hiền quốc sắc thiên hương, hoa nhường nguyệt thẹn. Diệu Hiền nghe nói trong thôn vừa có người chở đến một tượng mỹ nhân bằng vàng, trong lòng hiếu kỳ, sẵn có bạn rủ nên cô cũng đến đó xem.

Khi đứng trước mặt tượng mỹ nhân, Diệu Hiền tợ như hoa, như ngọc. Một chuyện lạ xảy ra là nhan sắc của tượng mỹ nhân vàng kia bỗng nhạt dần, ánh sáng thường ngày biến mất.

- Cô nương, xin dừng bước... Người hầu thấy cảnh đó vừa vui vừa sợ, liền hỏi rõ tên và chỗ ở của Diệu Hiền.

Nghe được tin, cha mẹ ngài tức tốc đi cả ngày đêm đến dạm hỏi cho ngài. Do hai nhà đều môn đăng hộ đối nên hôn sự chỉ nói sơ qua là thành.

Sau buổi hôn lễ chiều hôm nọ, khách khứa về hết, gian phòng chỉ còn lại Ca-diếp và Diệu Hiền. Hai người ngồi đối diện nhau, ai cũng tâm sự trùng trùng, dáng vẻ sầu muộn không vui. Gần sáng, Ca-diếp chịu không được cất tiếng hỏi:

- Xin hỏi, vì sao em không vui?

Diệu Hiền nức nở khóc:

- Ôi, ước mơ của em đã tan thành mây khói rồi!

- Ước mơ gì?

- Em muốn xuất gia học đạo, nhưng bây giờ...

  -  Thật sao? – Không đợi Diệu Hiền nói hết, Ca-diếp cao hứng tiếp lời: Em muốn xuất gia học đạo sao? Hay quá, tôi cũng có tâm nguyện ấy.

Vì chí nguyện giống nhau nên sau mười mấy năm chung sống, Ca-diếp và Diệu Hiền đều xuất gia qui y Phật và lần lượt đắc quả A-la-hán.

Ca-diếp là vị Đầu đà đệ nhất, tu khổ hạnh  danh chấn tôn phong trong hàng đệ tử Phật. Ngài không thích ở trong tịnh thất. Mỗi ngày ngoài thuyết pháp trì bát, Ngài thường tọa thiền dưới gốc cây hoặc ngoài đồng trống mặc cho gió táp mưa sa, nóng lạnh dãi dầu ngài luôn giữù như vậy.

Khi về già, Ca-diếp vẫn giữ lối tu khổ hạnh ấy. Một hôm, không nỡ nhìn thấy cảnh tuổi già sức yếu mà cứ đêm ngày dãi nắng dầm sương, đức Phật cho người  gọi ngài đến bảo:

- Nào, Ca-diếp đến đây ngồi với ta. Sau này không nên khổ hạnh vất vả như thế nữa. Ông đã phụng sự quá nhiều cho Phật pháp rồi, giờ hãy tịnh dưỡng để mọi người tôn kính cúng dường.

Ca-diếp khiêm hạ chắp tay cung kính thưa:

- Bạch đức Thế Tôn! Bản thân con không thấy có gì vất vả cả. Con nghĩ làm một bậc trượng phu xuất trần đại sĩ cần phải sống một đời thanh bần, giản dị, mộc mạc, nếu không thì chí nguyện thú hướng Niết-bàn giác ngộ giải thoát sao thành tựu được!

Nghe vậy, đức Phật  càng quí trọng Ca-diếp bội phần. Một hôm, giảng kinh trên hội Linh Sơn, đức Phật  không nói lời nào chỉ cầm một đóa sen đưa lên rồi im lặng nhìn đại chúng. Khi ấy, cả pháp hội không ai hiểu được tôn ý của Phật, chỉ có Ca-diếp nhìn Phật mỉm cười liễu ngộ (ý nói: Bạch đức Thế Tôn! Con đã hiểu tôn ý của Ngài. Ngài muốn đem giáo pháp vi diệu của Thiền tông trao cho con và bảo con tiếp tục lưu truyền đến đời sau).

Thấy Ca-diếp liễu ngộ diệu lý, đức Phật  vui mừng bảo:

- Lành thay, này Ca-diếp! Nay ta đem chánh pháp nhãn tạng vi diệu của Thiền tông trao cho ông. Ông phải dốc sức xiển dương để Phật pháp được huy hoàng rực rỡ!

Và như vậy, Ca-diếp trở thành vị tổ sư khai sáng Thiền tông Phật giáo.

Lúc đức Phật Niết-bàn ở thành Câu-thi-na-ca-la, chư đệ tử như rơi vào cảnh bầy ong mất chúa, không người lãnh đạo.

Khi đó, Ca-diếp đang giáo hóa ở nước Đạc-xoa-na-xa. Nghe tin Phật diệt độ, ngài tức tốc lên đường trở về bảo với mọi người:

- Các vị! Xin chớ quá bi thương, muốn báo ơn Phật sau này chúng ta cần phải đoàn kết hòa hợp. Điều quan trọng trước mắt chúng ta là nghĩ cách làm sao đem thánh giáo một đời của đức Thế Tôn đã thuyết kết tập, chỉnh lý lại để bảo tồn đến đời sau.

Chín mươi ngày sau khi đức Phật niết-bàn, Ca-diếp chủ trì cuộc đại kết tập Tam tạng thánh điển lịch sử tại thạch động nổi tiếng Tất-ba-la-diên. Ngày nay, chúng ta còn được xem Tam tạng giáo lý vĩ đại Kinh, Luật, Luận, thật sự không thể không cảm tạ ơn đức cao dày khó nhọc của ngài.

Đức Phật diệt độ, Ca-diếp lên thay Phật lãnh đạo Tăng đoàn. Ngài tiếp tục nỗ lực trong suốt gần ba mươi năm, khi ấy ngài đã hơn một trăm tuổi.

Thấy Phật giáo đã hưng thịnh, tiền đồ rực rỡ huy hoàng, ngài đến chỗ Tôn giả A-nan bảo:

- Này A-nan! Sau này ông là vị tổ thứ hai của Thiền tông, trách nhiệm hoằng dương chánh pháp sẽ do ông gánh vác.

A-nan hỏi:

- Thế còn ngài?

Ca-diếp cười đáp:

- Tạm thời tôi đến núi Kê-túc tọa thiền, tự mình muốn tinh tấn tu tập thêm.

 Cáo biệt A-nan xong, ngài vận thần thông bay lên không, đến tám ngôi bảo tháp thờ Xá-lợi của Phật, mỗi tháp đảnh lễ cúng dường một lần để bái biệt.

Đảnh lễ tháp Phật xong, ngài mang y bát lúc sanh tiền của Phật một mình đi về hướng núi Kê-túc, phía tây nam thành Vương-xá. Khi đến nơi, ba ngọn núi hình móng gà bỗng mở ra, giữa khoảng trống xuất hiện một bàn thạch, ngài nhẹ nhàng bước vào. Lúc ấy, hoa trời tung rơi ba ngọn núi tự nhiên khép lại.

Ca-diếp muốn tọa thiền ở đó đợi đến năm mươi sáu ức năm sau, khi đức Phật Di Lặc hạ sanh, ngài sẽ trở ra tiếp tục phụng sự Phật pháp.

Trước đây không lâu, ở Pháp có vị học giả bác sĩ Bách-cách-sâm (Bergson) đến Ấn Độ chiêm bái Thánh địa. Khi lên núi Kê-túc, ông còn tận mắt thấy Tôn giả Ca-diếp, đồng thời thỉnh vấn và qui y với ngài.

Điều đó cho thấy, Tôn giả Ca-diếp vẫn còn lưu lại nhân gian hoằng dương Phật pháp.

 

19. QUÂN-ĐỒ-BA-THÁN

Tôn giả Quân-đồ-ba-thán là vị đại A-la-hán sống cùng thời với Phật khi Ngài còn tại thế.

 Lúc tám mươi tuổi, đức Phật  bảo Ca-diếp:

- Này Ca-diếp! Ta nay tuổi cao sức yếu, công việc hoằng pháp độ sanh ở đời cũng sắp kết thúc. Sau khi ta diệt độ, ông, La-hầu-la, Tân-đầu-lô và Quân-đồ-ba-thán hãy tạm thời lưu lại nhân gian tiếp tục gánh vác trách nhiệm hoằng dương chánh pháp để Phật pháp được thịnh hành ở thế gian.

 Vì vậy mà người đời sau đưa ngài vào hàng mười tám vị La-hán.

Sau khi xuất gia, vì không chịu tinh tấn tu tập nên Quân-đồ-ba-thán ngộ đạo hơi muộn. Một hôm, có vị thí chủ tên Tu-ma-già-đà thỉnh đức Phật cùng chúng đại đệ tử đến nhà thọ trai. Quân-đồ-ba-thán cũng có trong danh sách được thỉnh. Nhưng lần đó, Tu-ma-già-đà chỉ thỉnh các bậc A-la-hán ngộ đạo, trong khi Quân-đồ-ba-thán vẫn còn là một phàm phu chưa chứng quả.

- Xấu hổ quá! Ngay cả Sa-mật tám tuổi cũng chứng quả, còn ta tu hành lâu nay lại không chút thành tựu (Sa-mật là tên một vị Sa-di). Quân-đồ-ba-thán nghĩ mình thua cả một đứa trẻ nên trong lòng áy náy khó chịu.

- Ngày mai mình sẽ không tham dự. – Quân-đồ-ba-thán dặn lòng, song ngài lại đắn đo:

- Nhưng, vắng mặt mình, mọi người không phải sẽ càng cười cho rằng mình nhát gan sao? – Quân-đồ-ba-thán phân vân khó xử.

Tối đến, ngài tọa thiền một mình trầm tư quán xét tìm nguyên nhân vì sao mình không chứng quả. Nhờ chú tâm quán tưởng, chuyên nhất phản tỉnh, cuối cùng ngài hoát nhiên đại ngộ.

Ngày thứ hai, ngài vui vẻ nhận lời thỉnh mà không còn thấy áy náy bất an.

Tin ngài chứng quả thoáng chốc đã truyền khắp nước Ấn Độ, rất nhiều người đến chúc mừng, song vẫn còn một số người không tin.

Có người thị phi sau lưng:

- Hứ! Nhất định là lừa bịp, trông dáng vẻ ông ta chẳng giống La-hán chút nào.

Có người mỉa mai:

- Nói phải lắm! Nếu như ông ta mà chứng quả thì chắc tôi thành Phật sớm rồi.

Tuy nghe những lời đàm tiếu thị phi đó, nhưng Quân-đồ-ba-thán vẫn không chút tức giận, cũng chẳng quan tâm đến lời của những kẻ vô công rồi nghề. Ngài chỉ nhìn lại công hạnh tu tập của mình. Thế mà, bọn người thích gây sự vẫn không chịu buông tha ngài. Họ bàn kế hoạch bắt bí ngài trước mặt mọi người, rồi nhân đó vạch trần cái mà họ cho là ngài bày trò lừa bịp giả trang chứng quả.

Trưa hôm nọ, khí trời nóng bức, Quân-đồ-ba-thán vừa khất thực được một ít thức ăn tại một gia đình, đang định mang về thọ trai thì có một tên theo gây khó dễ. Hắn chạy như bay đến trước giật lấy cái bát trên tay ngài, rồi đem treo lên một cây đại thọ rất xa.

Treo xong, hắn cười khoái chí bảo:

- Đại A-la-hán, tới lấy đi!

Mọi người xung quanh chế giễu:

- Đại A-la-hán, hãy biểu diễn một chút thần thông biến hoá của ông để chúng tôi xem cho vui đi nào!

Quân-đồ-ba-thán vẫn đứng yên lặng một chỗ mỉm cười từ ái không để ý đến họ.

Bọn họ lại la ó lên:

- Các vị! Quân-đồ-ba-thán chẳng có chứng quả chứng quyết gì cả, ông ta chỉ là một gã lừa bịp.

Có người to tiếng:

- Các vị! A-la-hán thật sự bản lĩnh rất cao cường, không cần đi đến đó cũng có thể lấy được bát, nhưng ông ta có làm được đâu!

Lúc này, Quân-đồ-ba-thán cười to lên một tiếng rồi duỗi tay phải ra đến tận cây thu bát về.

- Ôi! Hay quá, hay quá!

- Quân-đồ-ba-thán lợi hại thật, ông ta đúng là La-hán đấy! – Mọi người vỗ tay hoan hô, hết lời ca ngợi 

Song, Quân-đồ-ba-thán vẫn không chút đắc ý. ngài biết về tinh xá chắc chắn sẽ bị đức Phật quở trách.

Quả như vậy, sau khi trở về, ngài bị đức Phật quở:

- Này Quân-đồ-ba-thán! Trước mặt mọi người mà phô diễn thần thông là không tốt. Vì sao? Vì họ ít thấy nên lấy làm lạ, rất dễ sanh đa nghi, vả lại sẽ làm nhiễu loạn lòng người, gây rối an ninh xã hội. Song, hiện tại ông đã biểu diễn cho họ thấy rồi, giờ đây trong mắt mọi người ông là một vị đại tiên. Do đó, sau khi ta diệt độ, ông phải tiếp tục lưu lại nhân gian thay ta hoằng dương chánh pháp.

- Thưa vâng, bạch đức Thế Tôn!

Thế là Quân-đồ-ba-thán vĩnh viễn lưu lại nhân gian, luôn gần gũi lân mẫn quanh chúng ta, thầm hộ niệm chúng ta tu tập.

 

 20. ĐẠT-MA-ĐA-LA

Tôn giả Đạt-ma-đa-la là người ở núi Hạ lan tỉnh Cam Túc. Trong các tự viện thờ mười tám vị La-hán, ta thường thấy bên cạnh ngài, người ta tạc thêm một con hổ. Do đó, có người gọi ngài là La-hán Phục Hổ. Ngài cũng được người đời sau đưa vào hàng mười tám vị La-hán.

Thuở nhỏ, Đạt-ma-đa-la thường đến chùa chơi vì ngài rất thích tướng mạo kỳ lạ, ngộ nghĩnh của mười sáu vị La-hán được tôn thờ tại một cái am trong chùa. Sư phụ trong am thấy ngài hay đến chơi nên thường theo tán gẫu và kể cho ngài nghe những chuyện rùng rợn như thăng thiên độn thổ của các vị La-hán. Ngài nghe xong vừa thích lại vừa sợ.

 - Này cậu bé, cậu có thích La-hán không? –Vị sư phụ hỏi.

 - Dạ thích! – Đạt-ma-đa-la thành thật đáp.

Vị sư phụ xoa đầu ngài bảo:

- Vậy thì nên thường đến lễ bái nghen!

Ngay trong tánh linh trẻ thơ, Đạt-ma-đa-la rất sùng bái những vị La-hán thần thông quảng đại, nên mỗi lần không có việc gì làm ngài thường đến am, một mình lặng lẽ chiêmngưỡng, có khi đứng xem cả buổi chiều.

Dần dần toàn bộ hình dáng tướng mạo của mười sáu vị La-hán đều in đậm trong tâm trí ngài; thậm chí khi ngủ, ngài cũng mơ thấy.

Quá chí thành tôn kính các vị La-hán, đến nỗi ngài không dám tiêu xài một đồng nào để  đem số tiền dành dụm được đó đi mua các thứ danh hương hoa quả tốt tươi đến am cúng dường các vị La-hán.

Một hôm, đang đứng lễ bái, bỗng nhiên ngài thấy các vị La-hán huơ tay múa chân, mắt lại chớp chớp như người thật.

Đạt-ma-đa-la ngỡ mình hoa mắt, vội đưa tay dụi mắt, định thần nhìn lại. Lần này, ngài thấy rõ hơn, một số vị còn cười rất tươi.

Từ đó, Đạt-ma-đa-la càng kính ngưỡng tôn thờ những vị La-hán. Hầu như ngày nào ngài cũng thấy những kỳ tích cảm ứng, lúc thì nghe các ngài xướng tán, khi thì thấy các ngài bay ra cửa sổ, lượn mấy vòng trên không rồi bay vào.

Một hôm, Đạt-ma-đa-la hỏi một vị La-hán:

 - Thưa ngài! Con phải tu tập thế nào mới thành A-la-hán?

 - Sao! Ngươi cũng muốn làm La-hán à? Đơn giản thôi, chỉ cần ngươi siêng đọc sách, làm nhiều việc thiện, tinh tấn ngồi thiền là được.

 - Xin các ngài dạy con được không?

 - Không vấn đề gì, sau này ngươi hãy gắng tu hành cho tốt!

Được các vị La-hán chỉ dạy, công phu của Đạt-ma-đa-la tiến bộ rất nhanh, chẳng bao lâu ngài cũng ngộ đạo chứng quả A-la-hán.

Còn về con hổ nằm bên cạnh ngài cũng có một câu chuyện lưu truyền trong dân gian như sau:

Có người nói, sau khi chứng quả, Đạt-ma-đa-la du hóa khắp nơi thuyết pháp giảng kinh, thấy ai gặp nạn liền ra tay cứu giúp, giải quyết mọi chuyện.

Một hôm, trên đường du hóa đến núi Hạ lan tỉnh Cam túc, ngài ghé vào một gia đình nọ, đang định xin miếng nước uống thì không biết chuyện gì mà thấy gia đình này lại khóc lóc thảm thiết.

Đạt-ma-đa-la quan tâm hỏi:

 - Có chuyện gì mà cả nhà đều khóc vậy?

 - Dạ, gần đây xuất hiện một con hổ dữ ăn thịt người, anh em của con đều bị nó ăn hết rồi.

 Đạt-ma-đa-la an ủi:

- Được rồi, nín đi, để ta thu phục nó!

Ngay trên con đường nhỏ hổ thường ẩn hiện đi qua, Đạt-ma-đa-la đào một cái bẫy, phía trên ngài lấy cỏ phủ kín lại như không có gì.

Gần tối, con hổ dữ đó quả nhiên lại xuống núi. Vì không cẩn thận nó rơi tõm vào trong bẫy sâu.

Hổ gầm rống vùng vẫy suốt hai ngày đêm trong bẫy, tiếng gầm càng lúc càng nhỏ, trông biết nó đã sức cùng lực kiệt, lúc này Đạt-ma-đa-la mới đến đứng trên bẫy bảo:

- Nếu ngươi đồng ý không hại người nữa, ta sẽ cho ngươi con đường sống.

Hổ gục đầu không nói, có vẻ ăn năn nên Đạt-ma-đa-la thả nó đi.

Không ngờ một tuần sau nó lại xuất hiện, lần này càng hung tợn hơn, liên tiếp làm hại rất nhiều người.

Sớm đã liệu trước nó sẽ không dễ sửa đổi như thế nên Đạt-ma-đa-la ở lại trong một gia đình dưới núi lặng lẽ đợi sự tình xảy ra. Lúc này, hung tánh của nó càng bộc phát dữ dội. Do đó, ngài lại chuẩn bị lên núi thu phục.

Lần đi này, Đạt-ma-đa-la mang theo bình bát. Tuy rừng núi hoang vắng song ngài vẫn không chút sợ sệt.

 - Gừ, gừ....! Tiếng gầm từ xa vẳng tới.

Đợi Đạt-ma-đa-la đi đến gần một tảng đá, hổ thình lình từ sau tảng đá xông ra. Tuy lách người qua được nhưng do không cẩn thận ngài bị trượt ngã. Hổ tiếp tục quay đầu tấn công. Thấy nó vồ tới mà chưa kịp đứng dậy, Đạt-ma-đa-la vội ném bình bát ra, một chuyện lạ xuất hiện, bình bát lập tức phát hào quang biến to ra, hổ vừa nhảy tới thì rơi gọn vào trong bát. Liền khi ấy, bình bát từ từ thu nhỏ lại.

- Này nghiệt súc! Đây là lần cuối cùng ta tha cho ngươi đi, lần sau nếu còn tiếp tục hại người nữa thì đừng trách ta. – Nói xong, Đạt-ma-đa-la thả hổ đi.

Từ trong bát được thả ra, hổ trông rất nhỏ. Đạt-ma-đa-la niệm mấy câu thần chú cho nó trở lại nguyên hình. Trong tâm có vẻ vẫn không phục, nó liếc nhìn ngài một cái rồi uể oải bước đi.

Ba ngày sau, gia đình gần đó lại đưa tin hổ hại người. Đạt-ma-đa-la đành phải một mình lên núi. Nhưng lần này để bắt được nó thật không đơn giản chút nào, vì chẳng biết từ đâu nó gọi mấy ngàn con cả lớn nhỏ đến. Khi ngài vừa đi tới lưng chừng núi thì bị bọn chúng bao vây, con nào cũng nhe nanh múa vuốt nhìn ngài với ánh mắt hung tợn. Tình huống lúc này quá nguy cấp. Bỗng con quái hổ giận dữ rống lên, lát sau mấy ngàn con kia cũng đồng rống lên. Tiếng gầm chấn động cả núi rừng, đá trên núi lăn xuống dồn dập.

Đạt-ma-đa-la không chút hoang mang, vẫn thản nhiên ngồi xuống tọa thiền, miệng niệm thần chú. Khi ấy, bổng nhiên xuất hiện vòng lửa đỏ rực bao quanh Ngài.

Hổ là loài sợ lửa nên đầu tiên những con nhát gan chạy trước, lát sau cả đám thấy không đủ sức cũng bỏ chạy theo, cuối cùng chỉ còn lại mình con quái hổ kia. Thấy không kham, nó cũng cất bước định chuồn, song bị Đạt-ma-đa-la nhanh chóng đứng dậy nhảy tới chụp lấy đuôi. Nó quay đầu phản công, Đạt-ma-đa-la dùng đôi tay linh hoạt bấm vào đầu. Bị khóa chặt, nó cố sức giãy giụa đủ cách nhưng không có cách gì thoát ra được.

Đợi nó ngoan ngoãn, Đạt-ma-đa-la vỗ đầu từ ái bảo:

- Ăn thịt người là không tốt, đời đời kiếp kiếp về sau sẽ không được đầu thai làm người. Ngươi nên cải tà quy chánh, theo làm thị giả về núi tu hành với ta, giúp ta hoằng dương Phật pháp, cứu độ chúng sanh.

Hiểu được tiếng người nên nó gật đầu vui vẻ đi theo Đạt-ma-đa-la. Do đó, về sau bên cạnh Đạt-ma-đa-la, người ta thường vẽ thêm một con hổ nằm, nghe nói đó chính là con quái hổ này.

* * *

Chuyện mười tám vị La-hán đến đây đã kết thúc. Các bạn có cảm thấy thú vị và yêu thích không?

Tương truyền Bố Đại Hòa thượng do Bồ-tát Di Lặc hóa thân cũng được đưa vào hàng mười tám vị La-hán. Giai thoại về Ngài xin xem truyện “Nụ cười đức Phật Di Lặc” của “Từ ân Phật giáo nhi đồng tùng thư”, ở đây không giới thiệu thêm.

Sau cùng, chắc các bạn sẽ cảm thấy lạ và thắc mắc: “Tổng cộng không phải chỉ có mười tám vị La-hán thôi sao? Vì sao trong sách lại giới thiệu đến hai mươi vị? Xuất hiện thêm hai vị nữa là như thế nào?”

Các bạn có nhớ phần trước chúng tôi đã nói La-hán trụ thế thực ra chỉ có mười sáu vị, sau này dần dần được người đời sau thêm vào hai vị thành mười tám vị. Vấn đề đặt ra ở đây là vì đối tượng yêu thích, tôn kính, ngưỡng mộ của mỗi người khác nhau nên hai vị La-hán được thêm vào cũng không giống nhau. Nếu như để bạn tuyển chọn thì bạn cho rằng ngoài mười sáu vị La-hán vốn có ra nên thêm vào hai vị nào? 


 

  Phụ trương về “Thập bát La-hán”:

  HUYỀN THOẠI DÂN GIAN VỀ MƯỜI TÁM VỊ LA-HÁN

1. Sự tích thứ nhất được kể trong tập sách viết bằng chữ Hán của thầy giáo thọ Hoằng Khai, trụ trì chùa Càn an, tỉnh Bình định, vào năm Tự Đức thứ tư (1857). Theo sách này thì nước Triệu có một nàng công chúa tên Hy Đạt, vốn chí thành mộ đạo, nàng chuyên niệm danh hiệu đức Phật A Di Đà. Năm mười lăm tuổi, nàng ăn một đóa hoa sen vàng, rồi hoài thai đến sáu năm mới sinh ra mười tám đồng tử. Các đồng tử ấy về sau được đức Quan Âm hóa độ và thọ ký để họ trở thành mười tám vị La-hán.

Nội dung sự tích này khá lý thú, tương đối có giá trị về mặt văn chương, nhưng cốt truyện lại pha trộn tinh thần Phật, Khổng, Lão nên ít có giá trị về mặt lịch sử.

2. Sự tích thứ hai: Tương truyền ngày xưa, tại Trung Quốc có mười tám tên cướp rất hung dữ. Về sau họ hồi tâm cải tà quy chánh, nương theo Phật pháp tu hành và đắc giả A-la-hán.

Sự tích này tương đối có ý nghĩa, nhưng lại có tính cách huyền thoại, do đó ít được người ta chấp nhận.

Đạo Luận (sưu tầm)

Theo truyền thuyết Trung Hoa

Thuở xưa, ở ngôi làng nọ có một vị trưởng giả giàu lòng nhân từ, tôn thờ Tam bảo, tin hiểu nhân quả. Nhà ông ta giàu có, ruộng vườn mênh mông bát ngát “cò bay thẳng cánh”. Trong nhà, ông ta có nuôi một con bạch mã để hàng ngày chuyên chở thóc lúa.

Vào một đêm, ông trưởng giả cứ trằn trọc bâng khuâng, giấc ngủ chẳng thành, trạng thái bất an vương vấn mãi trong lòng. Sẵn đêm khuya cảnh vắng, gió mát trăng thanh, ông ngồi dậy dạo gót ra vườn, rồi lần hồi đi qua chuồng ngựa, thì bỗng nhiên có người gọi giật ngược: “Ông trưởng giả!”. Ông trưởng giả giật mình ngó quanh chẳng thấy ai. “Ông trưởng giả!” – Tiếng gọi một lần nữa lại phát ra. Lúc đó, ông mới biết đích thật âm thanh ấy phát ra từ chuồng ngựa. Chưa kịp trấn tĩnh thì con bạch mã nói tiếp: “Ông đừng ngạc nhiên, chính tôi gọi ông đấy!” Ông trưởng giả lắp bắp: “Mày.....mày.... nói được tiếng người sao?”. Con bạch mã đáp: “Đúng vậy! Ông đừng lấy làm lạ, tôi sẽ kể cho ông nghe mọi chuyện”.

 Vào thời quá khứ, tôi đã ăn cắp của ông bảy nắm thóc, nhân quả báo ứng nên kiếp này phải đọa làm thân ngựa chở thóc trả nợ cho nhà ông đúng bảy năm. Giờ thì mãn kiếp, giây lát nữa đây tôi sẽ từ giã cõi đời nhưng vì ơn ông đối xử với tôi quá tốt, không một chút đòn roi, tôi không biết làm sao để tỏ lòng tri ân. Vậy tôi mách bảo một chuyện cho ông biết. Khuya mai, cũng vào giờ này có mười tám tên tướng cướp, chúng sẽ tấn công gia trang của ông. Ông phải thiết bày hương án để nghinh đón họ và giải thích nhân quả để cho họ biết mới mong thoát khỏi đại nạn.

Dứt lời, bạch mã từ từ quị xuống nhắm mắt lại, bắt đầu giấc ngủ ngàn thu. Ông trưởng giả ngậm ngùi xót thương và làm theo lời bạch mã.

Đêm hôm sau, đúng vào giờ tý canh hai, từ xa có tiếng vó ngựa vọng lại, rồi dần dần rầm rộ trước cửa gia trang ông trưởng giả. Ngay lập tức, bọn cướp tung cửa xông vào; nhưng đột ngột tên thủ lĩnh kéo dây cương, làm con ngựa dừng lại, đưa hai chân, hí lên một tiếng vang dội giữa đêm khuya thanh vắng. Vì phía trước có một bàn hương án khói hương nghi ngút chắn ngang, và một ông lão quắc thước ngồi im lặng bất động, hòa quyện giữa màn sương lạnh đêm khuya mờ mờ ảo ảo. Cả toán cướp rợn cả người chưa kịp xử lý ra sao thì ông trưởng giả đứng dậy. “Choảng!” tên thủ lĩnh tuốt gươm khỏi bao, lưỡi thép già sắc xanh phản ánh trăng chiếu lên khuôn mặt hắn đầy sát khí. Ông trưởng giả bình tĩnh thong thả bước đến vái chào tên thủ lĩnh:

 - Tôi đã chờ các vị từ lâu rồi.

Tên thủ lĩnh kinh ngạc hỏi dồn:

 - Ông làm sao biết ta đêm nay hạ sơn cướp gia trang mà đón chờ? Vì sao không tìm cách đối phó mà lại bày trò quái quỉ gì đây?

Ông trưởng giả bèn thuật lại đầy đủ câu chuyện của con ngựa đã mách bảo. Sau giây phút bàng hoàng im lặng, tên thủ lĩnh xuống ngựa đến trước bàn hương án nói:

 - Chỉ có bảy nắm thóc mà phải chở lúa trả nợ bảy năm huống gì cuộc đời của ta mười năm gươm không ráo máu, giết người không gớm tay, tội lỗi cao như núi, nghiệp chướng sâu như biển. Giờ thì mới hiểu, những thú vui ngắn ngủi phù du của một kiếp người, trong chốc lát đã dọn đường cho sự đau khổ triền miên ở cõi bên kia.

Đoạn ngước mặt lên trời thở một hơi dài, đôi dòng lệ lăn tròn trên má. Bất chợt, tên thủ lĩnh rút dao ngắn đâm vào ngực, móc trái tim bỏ lên bàn rồi ngã xuống, máu loang đỏ cả mặt đất.

- Đại ca! – Mười bảy tên cướp cùng kêu to chạy tới quỳ mọp xuống đất, hòa trong tiếng khóc nấc nghẹn đớn đau. Biết đại ca mình đã ăn năn hối lỗi phải đền nợ sám hối bằng trái tim máu chân thành, nên cuối cùng mười bảy tên cướp còn lại ấy cũng tự sát theo cái chết cao cả của đại ca, dâng tiếp mười bảy trái tim lên bàn hương án tạ tội.

Đêm nay trái đất như ngừng quay, thời gian như đứng im lắng đọng, để tiễn đưa mười tám linh hồn vừa thức tỉnh sau cơn mê trở về miền Tây phương cực lạc. Có lẽ, nẻo đường của Bồ-tát là thị hiện và hạnh nguyện, đem hạt giống Bồ-đề gieo ngay cánh đồng sanh tử khô cằn với những khổ đau triền miên của chúng sanh. Vì vậy, họ lại mang sứ mạng của Như lai làm mười tám vị La-hán, quay lại cõi Ta bà để cứu vớt những chúng sanh với khát vọng cháy bỏng mong tìm con đường sáng.

Cuộc đời mười tám vị La-hán có nhiều chi tiết mà ta ngỡ là hoang đường khó tin, như truyện Liêu Trai Chí Dị. Nhưng sự thật trên đời có gì đẹp hơn, thi vị hơn cho bằng những câu chuyện hoang đường, thần thoại, cổ tích, truyền kỳ? Chính những câu chuyện hoang đường, thần thoại, cổ tích, truyền kỳ ấy mới nói lên thực tại kỳ bí của con người và cuộc đời.

Nha Trang, Long Sơn thân cận thiện xứ.

Như Giáo