Chùa Phật Ân 475 Minnesota Avenue Roseville, MN 55113. Tel: (651) 482-7990 - Web: www.PhatAn.org. Email: chua_phatan@yahoo.com.
THƯ MỤC TÁC GIẢ

Ý NGHĨA PHÁP PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA

09 Tháng Chín 201612:16 SA(Xem: 5333)
Ý NGHĨA PHÁP PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA

Ý NGHĨA PHÁP PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA

Thích Giác Chí

 

 

 A/ DẪN NHẬP

Chương 1: GIỚI THIỆU ĐỀ TÀI

1.1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI:

Đức Phật là vị giáo chủ đầy tính vị tha, Ngài đã khẳng định sự ra đời của Ngài là vì muốn đem lại hạnh phúc cho chư thiên và loài người. Ngài xuất hiện trên đời này là vì hết thảy chúng sanh đang khổ đau. Bởi lầm chấp vọng tưởng đảo điên nhận huyễn làm chơn, bỏ hình theo bóng cho nên chúng sanh mới bị cuốn trôi theo dòng xoáy của luân hồi sinh diệt. Đức Phật luôn muốn chúng sanh nhận chân rõ sự thật, nhận được cái lẽ chân thật của cuộc đời và nhận ra cái bản thể thanh tịnh của mình. Cái bản thể ấy vốn không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch vẫn thường hằng dù ở bất cứ cảnh giới nào. Đó chính là cái Tri Kiến Phật, tri kiến Như Lai, tri kiến giải thoát. Đức Phật ra đời chỉ để chỉ cho chúng sanh nhận chân được Phật Tri Kiến của mình sống với nó mà thoát ly sanh tử khổ đau. Điều này được xác định qua Kinh Pháp Hoa. Bản hoài của chư Phật là: “khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến” (開 是眾 生 悟 入 佛 知見). Làm thế nào để khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến? Phật Tri Kiến là pháp chân thực không thể dùng lời nói để luận bàn, không phải pháp hữu tướng để nhìn thấy. Bởi nếu là pháp hữu thì duyên sanh không thật. Như Kinh Kim Cang có dạy:

“Phàm sở hữu tướng giai thị hư vọng” (凡 所 有 相 皆 是 虛 忘)

    Vậy làm thế nào để chúng sanh nhận ra được cái bản thể thanh tịnh thường hằng của chính mình. Đức Phật đã dùng hình ảnh rất cụ thể để cho chúng ta thấy được cái pháp của Ngài. Đó là ảnh dụ ngón tay và mặt trăng.

“Nhất thiết tu đa la như tiêu nguyệt chỉ”( 一 切 修 多 羅 如 宵月 指)

    Tất cả các kinh giáo Ta dạy như ngón tay chỉ mặt trăng Đức Phật đã nói như vậy. Ngón tay là phương tiện, mặt trăng là chân lý, là thật tướng mà Đức Phật đã chứng ngộ. Điều Phật đã chứng ngộ thậm thâm vi diệu là cái điều mà hết thảy chúng sanh đều có. “Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh” (一 切 眾 生 皆 有 佛 性). Để chỉ cho chúng sanh thấy được Phật tánh, Phật Tri Kiến của mình Đức Phật đã dùng vô số phương tiện để chỉ bày.

Như vậy pháp Phật chính là Pháp Phương Tiện (法 方 便) hay nói cách khác Pháp Phương Tiện chính là pháp Phật. Từ điều này ta có thể nói rằng tất cả sự chỉ dạy của Đức Phật chỉ là phương tiện. Vì mục đích đạt đến cứu cánh của hết thảy chúng sanh mà Đức Phật đã dùng vô số phương tiện. Nhưng chúng sanh phần nhiều chưa rõ được Pháp Phương Tiện của chư Phật ra sao? Thường lầm chấp phương tiện là cứu cánh nên có một số người đã thần thánh Kinh điển phải để những chỗ trân trọng, thậm chí có kẻ còn thờ cả Kinh điển mà không hiểu được nghĩa lý của Kinh. Họ không biết được tụng đọc kinh điển là để hiểu cái lý của Phật dạy: “Tụng kinh giả minh Phật chi lý” (誦 經 者明 佛 之 理). Mà cứ khư khư ôm lầm chấp như kẻ qua sông còn ôm mãi chiếc đò không chịu rời bến. Nhưng cũng lắm người lại lợi dụng cái Pháp Phương Tiện để mưu cầu danh lợi. Họ nhân danh: “Phương tiện trong phương tiện” để giải đãi biếng nhác tu tập, tóm thu lợi dưỡng, mưu cầu lợi danh. Trước những điều trăn trở ấy người viết quyết định chọn “Pháp Phương Tiện” làm đề tài nghiên cứu xin được góp thêm một đóm lửa nhỏ để làm sáng tỏ hơn vấn đề.

1.2 VÀI NÉT VỀ LỊCH SỬ ĐỀ TÀI:

     Pháp Phương Tiện là pháp được Đức Phật xác định rõ ràng trong Kinh Pháp Hoa ở phẩm Phương Tiện thứ hai. Kinh Pháp Hoa là bộ kinh lớn thuộc kinh điển Đại thừa nên rất được chư Tôn Đức tiền bối và hiện tại, cũng như các thức giả quan tâm nghiên cứu và chú giải. Kinh Pháp Hoa là một bộ kinh rất đặc biệt nó vừa cao sâu nhưng lại rất phổ thông, nên không những được các nhà nghiên cứu Phật học giảng giải mà quảng đại quần chúng Phật Tử đều đọc tụng thọ trì. Nhưng có lẽ Pháp Phương Tiện chưa được đề cập riêng biệt. Tuy nhiên khi phân tích chú giải Kinh Pháp Hoa các học giả và các nhà học Phật thường chú trọng sớ giải phẩm Phương Tiện một cách rất sâu sắc. Vì phẩm này chính là phẩm căn bản trong phần tích môn của Kinh Pháp Hoa. Như Hòa thượng Thích Thiện Siêu khi giảng giải Kinh Pháp Hoa đã dành 177/ 560 trang sách để giảng giải về phẩm Phương Tiện. Qua đây ta có thể nói rằng Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa cũng đã được đề cập rất nhiều trong quá trình nghiên cứu và chú giải. Trong bài viết này chỉ mong tiếp nối cái sở học của những người đi trước.

1.3. Ý NGHĨA VÀ NHIỆM VỤ ĐỀ TÀI.

    Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa như đã nói là phần căn bản của tích môn, nó như là cánh cửa để Đức Phật khai mở Đạo Nhất Thừa. Muốn chỉ được nhất thừa Đức Phật phải dùng phép phương tiện để khai quyền hiển thật. Trình bày đạo nhất thừa Đức Phật cũng phải dùng đến phương tiện ngôn ngữ. Điều này chứng tỏ không có Pháp Phương Tiện thì không thể thuyết giáo, không thể khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến. Nói như vậy để thấy rằng Pháp Phương Tiện đối với Phật pháp là vô cùng quan trọng. Cho nên hiểu rõ về Pháp Phương Tiện để hiểu sâu hơn về Kinh Pháp Hoa nói riêng và giáo lý nhà Phật nói chung là công việc rất cần thiết. Bởi hiểu đúng ý nghĩa của nó mới mong áp dụng Pháp Phương Tiện một cách đúng đắn. Nên với đề tài nghiên cứu này mong rằng sẽ làm sáng tỏ hơn tính chất quan trọng của Pháp Phương Tiện.

1.4  PHẠM VI NGHIÊN CỨU:

Pháp Phương Tiện là pháp mà Đức Thế Tôn và chư Phật quá khứ đã khai mở ra hầu dẫn dắt hết thảy chúng sanh qua khỏi biển sanh tử vượt thoát khổ đau. Chân lý nhiệm mầu là bất khả tư nghì. Để diễn đạt nó Đức Phật đã dùng vô số phương tiện. Có thể nói, tất cả cách thức trình bày, thuyết giảng, dùng đến ngôn ngữ, hình ảnh hay thị hiện thần thông…thậm chí đến sự ra đời, xuất gia thành đạo hay chứng nhập niết bàn cũng là phương tiện của Phật để độ chúng sanh. Như vậy Pháp Phương Tiện thật rộng bao la, sâu vô cùng, dài vô lượng. Với phạm vi một tiểu luận nhỏ mà bàn về Pháp Phương Tiện chẳng khác nào đội đá vá trời. Nên chỉ xin lạm bàn về Pháp Phương Tiện theo tinh thần Kinh Pháp Hoa đã được học. Với tiểu luận này cũng mong trình bày một số nhận định về Pháp Phương Tiện qua Kinh Pháp Hoa nhằm hỗ trợ cuộc sống tu tập của những hành giả Pháp Hoa. Cũng như thêm một ít chất liệu để mọi người cùng hiểu Phật pháp một cách sâu sắc hơn.

1.5  PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ KẾT CẤU LUẬN VĂN:

Với tiểu luận này người viết chỉ mong được trình bày lại một số kiến thức mà mình đã được học từ sự khai mở của Hòa thượng ân sư, cũng xin được góp một số ý kiến nhận định của mình như là trả bài cho chư vị giáo thọ, mong đáp được phần nào công ơn dạy dỗ và xin chia sẽ với các hành giả Pháp Hoa số vấn đề mang tính cách mới của Pháp Phương Tiện để cùng nhau trao đổi hỗ trợ cho việc tu học ngày một tốt hơn.

    Do mục đích đó nên tiểu luận này trình bày dưới dạng tham cứu cơ bản, từ đó phân tích rút ra những bài học thiết thực hay tìm đến những phương pháp làm phương tiện cho việc tu học và hoằng pháp. Từ mục đích và phương pháp nghiên cứu như đã trình bày ở trên. Tiểu luận này được kết cấu gồm 3 phần 5 chương.

Phần dẫn nhập : Chương 1 - Giới thiệu Đề tài.

Phần nội dung: Chương 2 :Giới Thiệu Tổng Quát.

 Chương 3: Ýù Nghĩa Của Pháp Phương Tiện Trong Kinh Pháp Hoa

 Chương 4 : Giá Trị Thực Tiển Của Pháp Phương Tiện.

Phần kết luận: Chương 5: Phật Pháp Là Pháp Phương Tiện

    Trước khi đi vào nội dung chính, thiết nghĩ chúng ta nên đi vào phần khái quát nội dung của Kinh Pháp Hoa và duyên khởi Phật nói pháp phương tiện.

B/ PHẦN NỘI DUNG

Chương 2: GIỚI THIỆU TỔNG QUÁT

2.1.XUẤT XỨ:

2.1.1.Khái quát nội dung Kinh Pháp Hoa:

     Kinh Pháp Hoa là bộ kinh lớn của kinh điển Đại thừa hàm chứa ý nghĩa rất sâu xa và phong phú. Không thể một vài dòng mà có thể nói hết được nội dung của bộ kinh. Chỉ xin dẫn dụ ra đây sự tóm lược nội dung kinh mà chư tiền bối các bậc thức giả đã tóm lược để người đọc có cái nhìn khái quát hơn. Kinh Pháp Hoa bao gồm 28 phẩm được chia ra làm 7 quyển (theo bản dịch của Hòa thượng Thích Trí Tịnh). Hải Ấn thiền sư khái quát nội dung của 28 phẩm Kinh Pháp Hoa như sau:

a)   Phẩm tựa: Hiển bày tổng quát về sự tướng của pháp giới.

b)     Từ phẩm Phương tiện thứ 2 đến phẩm Pháp sư thứ 10: Khai mở cho chúng sanh cái thấy biết của chư Phật.

c)     Từ phẩm Hiện bảo tháp thứ11 đến phẩm Chúc lụy thứ 22: Chỉ rõ sự thâm áo của Tri Kiến Phật.

d)    Từ phẩm Dược vương Bồ Tát bổn sự thứ 23 đến phẩm Phổ hiền Bồ Tát thứ 28: Nói đế sự thể nhập Phật Tri Kiến hai con đường hành đạo Bồ tát

 Nhưng phần đông đều phân tích nội dung Kinh Pháp Hoa theo hai phần Tích môn và Bản môn.

Phần Tích môn là phần diễn tả sự hóa độ của Đức Phật Thích Ca qua biểu hiện lịch sử tu tập, hành đạo và giáo hóa bao gồm 14 phẩm đầu. Phần nầy được phân tích ra làm 5 phần nhỏ.

Phần 1 là phẩm Tựa: Giới thiệu tổng quát về Phật Tri Kiến.

Phần 2 là phẩm Phương tiện thứ 2: Đây là phẩm căn bản của phần tích môn, cũng là chính yếu của bộ Kinh Pháp Hoa. Nên được gọi là: “Pháp thuyết châu” (法 說 珠)chỉ bày Phật Tri Kiến rất cao thâm chỉ có hàng thượng căn thượng trí mới nhận được. Phẩm này Đức Phật xác nhận tất cả các pháp của Phật đều là phương tiện.

Phần 3: Từ phẩm Thí dụ thứ 3 đến phẩm Thọ ký thứ 6: đoạn này Phật tiếp tục chỉ bày Phật Tri Kiến qua các hình ảnh thí dụ và trao truyền để hàng có căn trí thấp hơn giai đoạn đầu có thể lãnh ngộ được nên gọi là: “Dụ thuyết châu”. (喻 說 珠)

Phần 4: Từ phẩm Hóa thành dụ thứ 7 đến phẩm Thọ học, vô học nhân ký thứ 9: phần này Đức Phật đã mỡ tâm cho các hàng đệ tử có căn cơ thuộc hàng hữu học nhận rõ nhân tu hành quá khứ của tự thân để phát khởi tâm Đại thừa, hầu nhận rõ được Phật Tri Kiến nên gọi là: “Nhân duyên thuyết châu”. (因 緣 說 珠)

Phần 5: Từ phẩm Pháp sư thứ mười đến phẩm An lạc hạnh thứ 14: phần này là phần bổ sung cho phần chính của tích môn để nói rõ hơn khả năng thành Phật của hết thảy chúng sanh hay nói cách khác là phần này nói về Phật tính và điều kiện để hiểu và giảng Kinh Pháp Hoa.

Đây chính là phần chuẩn bị tư tưởng để thính chúng đi vào phần Bản môn.

Phần Bản môn: Phần Bản môn chỉ rõ Phật tính vốn không sinh không diệt thường hằng nên Thế Tôn thành đạo từ vô lượng kiếp trước ở Ta bà chứ không phải ra đời và thành đạo ở hiện kiếp. Đây chính là phần triển khai giáo lý Pháp Hoa, giải thích tại sao thành Phật và con đường đi vào Phật đạo, kiến Phật Tri Kiến của các hàng Bồ tát. Phần Bản môn này được chia ra 3 phần nhỏ.

 Phần 1 gồm 2 phẩm: Hiện bảo tháp thứ 15 và Như lai thọ lượng thứ 16: Đây là phần chính yếu của Bản môn. Khẳng định Phật tánh là thường hằng không sanh không diệt và Như lai đã thành đạo từ  vô lượng kiếp trước.

 Phần 2 từ phẩm Phân biệt công đức thứ 17 đến phẩm Chúc lụy thứ 22: Phần này Đức Phật khích lệ hàng đệ tử học hiểu và phổ biến Kinh Pháp Hoa nhưng không xa rời Bản môn.

Phần 3 từ phẩm Dược vương Bồ Tát bổn sự thứ 23 đến phẩm Phổ hiền Bồ Tát khuyến phát thứ 28: Chỉ rõ con đường đi vào Phật Tri Kiến hay quá trình tu tập của hàng Bồ Tát trên con đường chứng nhập Phật Tri Kiến.

    Tóm lại dù nói gì đi nữa thì nội dung Kinh Pháp Hoa cũng để khẳng định Đức Phật dùng vô số phương tiện để mở bày dẫn dắt chúng sanh trở về với Tri Kiến Phật của chính mình hay nói cách khác nội dung Kinh Pháp Hoa là Đức Phật dụng phương tiện để “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”.

2.1.2  Sự Xuất Hiện Của Pháp Phương Tiện Trong Kinh Pháp Hoa.

Theo tinh thần nội dung tư tưởng của Kinh Pháp Hoa thì Pháp Phương Tiện đã xuất hiện rất sớm. Vì sao vậy? Vì tất cả hành động diễn thuyết từ sự Đản sinh, cho đến xuất gia tu hành, thành đạo của Đức Phật đều dụng Pháp Phương Tiện để nhằm chỉ rõ cho chúng sanh nhận rõ Phật Tri Kiến và chứng nhập được Phật Tri Kiến của chính mình.

Nhưng ở đây chúng ta chỉ bàn theo nội dung của Kinh Pháp Hoa. Trong Kinh Pháp Hoa ta nhận thấy rằng sau khi Đức Phật nhập vào chánh định vô lượng nghĩa xứ thân và tâm không lay động từ trong đạo bạch hào phóng ra vô lượng hào quang để hiển bày vô lượng cảnh giới. Sau đó Đức Phật lại từ chánh định ung dung mà xuất bảo với Ngài Xá Lợi Phất rằng: “Trí của chư Phật thậm thâm vô lượng, trí huệ môn đó rất khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh văn, Bích Chi Phật không thể hiểu được. Vì sao? Bởi vì các Đức Phật đã từng thân cận trăm ngàn vạn ức vô số Đức Phật và đã tận hành vô lượng đạo pháp của các Đức Phật, dũng mãnh tin tấn danh xưng cùng khắp, thành tựu pháp thậm thâm vị tằng hữu và tùy nghi nói pháp ý thú khó hiểu” [15. 51].

 Đức Phật vừa xuất định đã tán thán trí huệ của Chư Phật là chính để hiển bày sự dụng của Pháp Phương Tiện mà Đức Phật sắp nói ra. Thật vậy chúng ta hãy nghe Phật dạy đoạn tiếp theo: “Này Xá Lợi Phất, từ ta thành Phật đến nay đã dùng các nhân duyên, các thí dụ, rộng nói ngôn giáo và vô số phương tiện dẫn đạo chúng sanh khiến xa lìa chấp trước. Sở dĩ làm vậy là vì phương tiện tri kiến Ba la mật Như Lai đều đã đầy đủ. Này Xá Lợi Phất, tri kiến Như lai rộng lớn sâu xa, vô lượng vô ngại lực, vô sở úy, thiền định giải thoát, tam muội sâu vào không có ngần mé, thành tựu các pháp chưa từng có. Này Xá Lợi Phất, Như Lai hay phân biệt khéo nói các pháp ngôn từ mềm dịu vui đẹp lòng chúng” [13. 187].

    Ở đây ta thấy Phật nói sự thành tựu về phương diện từ lợi cũng nói về phương diện lợi tha. Từ sự thành tựu của tự lợi nhìn vào biết được chúng sanh tánh, dùng xảo thuyết để dẫn dắt chúng sanh tức khéo hợp với căn cơ mà nói pháp. Đó là Pháp Phương Tiện.

    Đây chính là sự khởi đầu Đức Phật tuyên dương Pháp Phương Tiện của chư Phật. Vì nếu không dụng pháp phương tịên thì không chỉ bày được Tri Kiến Phật vốn rất khó hiểu, khó nghĩ vì pháp đó là thập như thị: như thị tướng, như thị tánh, như thị thể, như thị lực, như thị tác, như thị nhân, như thị duyên, như thị quả, như thị báo, như thị bản mạt cứu cánh.  [13. 189]

   Như vậy chúng ta đã nhận thấy rằng Pháp Phương Tiện đã được Đức Phật khẳng định ở phẩm Phương tiện của Kinh Pháp Hoa. Để tìm hiểu sâu hơn Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa và ứng dụng của nó ra sao trong quá trình tu tập và hoằng pháp chúng ta cùng đi tiếp vào phần ý nghĩa Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa.

 Chương 3: Ý NGHĨA PHÁP PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA

3.1 PHÁP PHƯƠNG TIỆN.

Như chúng ta đã biết chúng sanh có vô lượng phiền não thì Đức Phật vị Pháp Vương cũng có vô lượng pháp môn tu tập để diệt trừ , đưa chúng sanh ra khỏi biển sanh tử luân hồi. Như vậy, pháp ở đây chính là phương pháp tu tập diệt trừ phiền não. Chúng sanh nhờ các pháp tu nầy để đạt được sự giác ngộ. Nhưng Tri Kiến Phật thậm thâm vô lượng chúng sanh không thể tự nhận biết mà phải nhờ đêùn sự khai mở của Đức Phật để đạt đến giác ngộ. Đức Phật dùng pháp gì để “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.” Đó chính là Pháp Phương Tiện.

Vậy, Pháp Phương Tiện chính là phương pháp xử dụng phương tiện để thuyết giảng, để giáo hóa chúng sanh, nhằm giúp cho chúng sanh nhận chân được Phật Tri Kiến của mình mà tu tập giải thoát.

3.1.1 Phương Tiện Là Gì?

Phương là phương pháp; tiện là tiện dụng, phương tiện hiểu theo nghĩa nầy là phương pháp tiện dụng, phương pháp dùng một cách thích hợp và thuận tiện. Từ nghĩa nầy ta có thể nói rằng; Pháp Phương Tiện chính là phương pháp tiện dụng mà Đức Phật dùng để giáo hóa chúng sanh nhận rõ được chơn như thật tánh của các pháp và của chính mình. Nhưng giải thích như thế thì quá giản đơn không thể bao hàm hết ý nghĩa của Pháp Phương Tiện mà Đức Phật đã xử dụng. Vậy chúng ta cần phải hiểu hai chữ phương tiện theo nghĩa rộng hơn. Theo hòa thượng Thích Thiện Siêu hai chữ phương tiện được hiểu như sau: Phương là giáo lí chân chánh, tiện là ngôn ngữ xảo diệu. Giáo lí thậm thâm mà không dùng lời xảo diệu thì mới vô thuyết tâm, nhờ ngôn ngữ xảo diệu mà từ giáo lí vô ngôn trở thành giáo lí đa ngôn.

Thật vậy, nói đến chơn tâm là nói đến sự vô ngôn, vắng bặt suy lường nếu không dụng ngôn ngữ làm phương tiện thì ai nói, ai nghe, nói cái gì và nghe cái gì? Nếu đã dùng ngôn ngữ, hình ảnh, cảnh tượng v.v.v..để nói, để chỉ về nó tức đã xử dụng phương tiện ngôn ngữ, hình ảnh, cảnh tượng v.v.v…. Cũng theo Hòa thượng Thích Thiện Siêu thì chữ phương tiện có hai nghĩa rộng và hẹp. “Về nghĩa hẹp: phương là phương pháp, tiện là thuận tiện, thích đáng. Phương pháp thích đáng để dẫn đến mục đích, một ý muốn đó là phương tiện. Về nghĩa rộng: tất cả các cách thức trình bày thuyết giảng dùng đến ngôn ngữ sắc tướng v.v. thậm chí cả đến sự ra đời của Phật cũng đều là phương tiện” [13. 172]

Chữ phương tiện theo tiếng Nhật là “hò ben” từ ghép của hai chữ “hò” (phương 方) và “ben”(tiện 便). Hò ngoài nghĩa là vuông còn có nghĩa là đúng. Ben là phương pháp hay phương tiện. Do đó hò “hò ben”nghĩa là phương pháp đúng. Như vậy, phương tiện nhằm chỉ ý niệm một phương pháp soi sáng áp dụng thích hợp. [8.114]

Kết hợp hai cách định nghĩa trên đấy ta có thể nói; phương tiện là một phương pháp đúng, thích đáng, soi sáng áp dụng thuận tiện, thích hợp cho người hay trường hợp để dẫn đến mục đích, một ý muốn.

Thật ra, chữ phương tiện được rất nhiều nhà học Phật nghiên cứu định nghĩa và giải thích, song không ngoài hai ý trên. Người viết cũng nhận thấy đây là định nghĩa về hai chữ phương tiện tương đối  hoàn hảo. Mở rộng ra ta có thể hiểu Pháp Phương Tiện như là một phương pháp đúng, đầy đủ tiện ích, thích đáng mà Đức Phật dùng để soi sáng cho hết thảy chúng sanh thấy rõ được sự thật của các pháp là vô tướng và nhận rõ Phật Tri Kiến của chính mình. Hay nói một cách cụ thể hơn Pháp Phương Tiện chính là phương pháp đúng đắn tiện ích mà Đức Phật xử dụng nó để thực hiện bản hòai của mình là “ Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”.

Qua đây chúng ta hiểu Pháp Phương Tiện như là một phương cách đặc biệt nhưng phổ thông mà Đức Phật vì bản hoài của mình mà khai mở pháp môn phương tiện. Để hiểu hơn vấn đề này thiết nghĩ ta cũng cần tìm hiểu đôi nét về bản hòai của chư Phật.

3.1.2 “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến” Là Bản Hoài Của Chư Phật.

Chư Phật ra đời vì muốn cứu độ hết thảy chúng sanh. Chúng ta có thể nói nếu không có chúng sanh khổ đau thì Chư Phật sẽ không xuất hiện trên đời. Vì sao chúng sanh lại khổ đau? Vì bị vô minh che lấp chân tánh nên chúng sanh mãi đảo điên sanh tử, nhận giả làm chân mới bị luân hồi chi phối. Đức Phật vì lòng từ bi vô hạn luôn muốn cứu vớt chúng sanh ra khỏi biển sanh tử luân hồi. Chư Phật nhận rõ trong mỗi chúng sanh đều có được cái tánh giác vốn không sanh không diệt, nhưng chúng sanh không nhận rõ cái tánh giác của mình nên mê lầm chấp trước dẫn đến khổ đau. Chư Phật muốn độ chúng sanh nên chỉ cho chúng sanh thấy rõ được cái tánh giác vốn không sanh không diệt của chính mình. Cái tánh giác ấy chính là Tri Kiến Phật. Như vậy, chư Phật ra đời chỉ nhằm mục đích “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”. Bản hoài nầy được Phật xác định rõ ở phẩm phương tiện thứ 2 của Kinh Pháp Hoa. Khai là mở ra; thị là chỉ; ngộ là nhận biết; nhập tức thâm nhập; Phật Tri Kiến là giác tánh của mỗi chúng sanh. Như vậy, bản hoài của Chư Phật là mở ra, chỉ cho chúng sanh nhận biết và sống được với tánh giác chân thật của chính mình. Đây là mục đích chính duy nhất về sự ra đời của Đức Phật. Từ đây có thể nói rằng sự ra đời của Đức Phật là phương tiện để  hoàn thành bản hoài của chư Phật ba đời.

3.2. PHÁP PHƯƠNG TIỆN TRONG KINH PHÁP HOA.

3.2. 1. Pháp Phương Tiện Qua Phẩm Tựa

Theo một số học giả nghiên cứu về Pháp Hoa cho biết rằng nhiều nguyên bản kinh không có phẩm tựa và giả định cho rằng phẩm tựa là phẩm mà các Chư Tổ sau nầy thêm vào để khái quát nội dung của Kinh Pháp Hoa. Điều nầy không hẳn là như vậy, vì khi đọc kỉ bộ Kinh Pháp Hoa chúng ta nhận thấy rõ phẩm tựa là phẩm chuẩn bị khung cảnh, tư tưởng để mở đường cho tư tưởng Pháp Hoa đến với đại chúng học Phật mà không bị ngỡ ngàng. Thật vậy, sau phần lục chủng chứng tín kinh nói đến việc Đức Phật thuyết Kinh đại thừa tên là “ Vô Lượng Nghĩa Giáo Bồ Tát pháp Phật sơ ũhộ niệm”. Thế nào là Kinh Vô Lượng Nghĩa? Kinh “ vô lượng nghĩa” không có nghĩa là kinh nầy có nhiều nghĩa, mà ở đây cần hiểu là kinh nầy không thể cắt nghĩa được. Vì sao? Vì kinh nầy vốn lìa ngôn ngữ, văn tự, cho nên dù dùng lời nói hay hình ảnh để diễn thuyết thì diễn thuyết hòai vẫn không hết được nghĩa của nó. Vì nó chính là thưc tại cuộc sống, là tri kiến như lai, là sự thể nhập chứ không thể nói bàn được.

Như vậy, ở đây Đức Phật đã xử dụng phương tiện li tướng, li ngôn thuyết thật tướng kinh. Nhưng thính chúng cũng chưa hiểu được. Nên Đức Phật lại dụng phương tiện nhập vào thiền định vô lượng nghĩa xứ để nói với thính chúng rằng; muốn hiểu được Kinh vô lượng nghĩa xứ phải nổ lực tu tập xa lìa các tướng thế gian não phiền mới nhận được thật tướng chân như. Nhưng nghĩa lí quá sâu xa chúng đương cơ lại là Thanh Văn vẫn không hiểu được pháp nầy. Đức Phật lại một lần nữa dụng Pháp Phương Tiện, mượn sự đối đáp của hai người trợ thủ là Bồ Tát Văn Thù và Bồ Tát Di Lặc. Qua sự đối đáp của hai vị Bồ Tát thượng thủ ấy pháp Phật dần dần hé mở, đặt nền tảng để Đức Phật thuyết giảng về kinh điển đại thừa sau nầy. Pháp Phương Tiện ở đây đã giúp hé mở chân lí, đặt nền móng để Đức Phật “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phập Tri Kiến”. Muốn hiểu hơn sự diệu dụng của Pháp Phương Tiện ra sao, chúng ta hãy cùng vào phần tích môn tiếp theo.

3.2.2.Pháp Phương Tiện Qua Phần Tích Môn (昔 門):

Như đã nói ở phần khái quát nội dung Kinh Pháp Hoa, phần tích môn bao gồm từ phẩm phương tiện thứ 2 đến phẩm An Lạc Hạnh thứ 14. Đây là phần kinh diễn dịch phần có tích chất lịch sử của Đức Phật Thích Ca. Phần nầy được khởi đầu bằng phẩm phương tiện, đây là phẩm được ví như là “Pháp Thuyết Châu”. Phần nầy chỉ bày Phật Tri Kiến và tuyên bố pháp Phật dùng luôn là Pháp Phương Tiện. Thật vậy, nếu không xử dụng Pháp Phương Tiện thì làm sao chỉ được Tri Kiến Phật, thực tướng của các pháp. Mở đầu phẩm kinh nầy là hình ảnh Đức Phật từ chánh định an lành mà dậy, bảo với ngài Xá Lợi Phất rằng: Trí huệ của các Đức Phật rất sâu vô lượng, môn trí huệ đó khó hiểu, khó vào, tất cả hàng Thanh Văn cùng Bích Chi Phật đều không biết được và đức Phật xác định: “Từ ta thành Phật đến nay, các món nhân duyên, các món thí dụ, rộng nói ngôn giáo, dùng vô số phương tiện dìu dắt chúng sanh, làm cho xa lìa lòng chấp. Vì sao? Đức Như Lai đã đầy đủ phương tiện, tri kiến và ba la mật” [15. 51]. Pháp Phật chứng thật sâu vô cùng, vì nó đầy đủ thập như thị.

               “Các pháp tướng của nó như vậy.

Tánh của nó như vậy.

Thể của nó như vậy.

Lực của nó như vậy.

Tác của nó như vậy.

Nhơn của nó như vậy.

Duyên của nó như vậy.

 quả của nó như vậy.

Báo của nó như vậy. Và từ đầu chí cuối của nó như vậy.” [16. 35]

Từ “như vậy” (như thị 如是) khiến người nghe rất đổi ngạc nhiên đến ngỡ ngàng nếu ngưòi nghe chưa học qua Phật pháp, thậm chí có học qua mà không sâu sắc vẫn thấy sự bối rối như thường. “như vậy” là như cái gì? Nếu có thể nói cái gì thì đâu cần phải nói “như vậy”. Nói “như vậy” là vì tánh, tướng, thể, lực, tác, nhơn, duyên,  quả, báo trước sau rốt ráo của các pháp vốn không chỉ được qua sắc tướng âm thanh. Nói thế không lẽ không chỉ được thật tướng vô tướng của các pháp sao? Nếu không chỉ được Như Lai ra đời mà làm gì? Nếu không rõ được thật tánh của các pháp thì chúng sanh sẽ bị lầm chấp mà còn lầm chấp thì sanh tử làm sao dứt được. Đức Phật trong quá trình thuyết giáo độ sanh với một tâm nguyện tha thiết thủy chung nhưng cũng rất linh họat. Ngài đã vận dụng “Tứ Tất Đàn” một cách vô cùng phong phú. Đây chính là quyền khai phương tiện của Đức Phật.

 Ơũ phẩm kinh nầy ta thấy Đức Thế Tôn đã đợi đến lần thưa thỉnh thứ ba mới nói diệu pháp. Có phải diệu pháp khó nói không hay Đức Phật muốn gây khó khăn cho hàng đệ tử? Không phải vậy pháp Phật vốn khó chỉ bày. Như Lai  hoàn  toàn không muốn gây khó khăn hay tạo áp lực đến với thính chúng mà Như Lai đang dụng phương tiện một cách xảo diệu. Cái gì càng khao khát thì khi nhận được mới quí trọng. Như Lai hiểu được tâm lí của chúng đệ tử nên dụng phương tiện chờ đến lần thỉnh thứ ba Ngài mới nói chính là muốn tạo tâm lí khao khát, muốn đưa chúng đương cơ đến chỗ quên hết ngoại cảnh, tập trung cao độ vào vấn đề Như Lai sắp nói. Hay nói cách khác Như Lai chờ đến lần thỉnh thứ ba mới chuyển dạy pháp vi diệu. Thật ra, Đức Phật đã dùng Pháp Phương Tiện loại trừ tạp niệm cho thính chúng. Để họ trong sạch  hoàn  toàn như lu nước cần được súc sạch để chứa đựng vị cam lộ. Phải chăng đây chính là sự khởi đầu Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa. Sau khi nhận lời thỉnh cầu của ngài Xá Lợi Phất. Đức Phật dụng phương tiện khéo dặn dò để cũng cố niềm tin đối với Phật pháp của thính chúng.

“Xá Lợi Phất khéo nghe

Pháp của các Phật đặng

Vô lượng sức phương tiện

Mà vì chúng sanh nói.” [15. 68]

Đức Phật phải rất khéo dùng phương tiện để nói cho chúng sanh rõ được pháp mình chứng. Những phương tiện đó là gì?

                “Dùng các duyên thí dụ

                Lời lẽ sức phương tiện

                Khiến tất cả vui mừng

                Hoặc là nói khế kinh

                Cô khởi cùng bổn sự

                Bổn sanh vị tằng hữu

                Cũng nói những nhơn duyên

                Thí dụ và trùng tụng

                Luận nghị cộng chín kinh.” [15. 68-69]

Như đoạn kinh trên thì dù là thí dụ, hay nói khế kinh thậm chí đến vị tằng hữu thuyết nhơn duyên. Tất cả đều là sự xử dụng phương tiện một cách thiện xảo của Đức Phật. Duy chỉ có Phật thừa nhưng lại phải quyền khai nói thành ba thừa thậm chí nói đến ngũ thừa hay thập giới đều là vì phương tiện để hướng đến giải thoát, nhập vào Phật Tri Kiến. Đối với chúng sanh căn cơ ám độn Đức Phật phải nói mười pháp giới, dạy cho ngũ thừa để chúng sanh từng bậc lên đến vô thượng chánh đẳng giác, Phật thừa. Cho nên dù Đức Phật dạy cho chúng sanh qui y Tam Bảo thọ trì ngũ giới để gieo nhân hạnh nhân thừa, tu thập thiện hướng đến cảnh giới Chư Thiên, cho đến hành lục độ vạn hạnh để viên thành quả vị Bồ Tát. Nhưng thật ra tất cả đó là phương tiện của Đức Phật giúp cho chúng sanh gieo nhân hạnh Phật thừa để được trọn vẹn giải thoát.

                “Trong cõi Phật mười phương

                Chỉ có một thừa pháp

                Không hai cũng không ba

                Trừ Phật phương tiện nói” [15. 70-71]

Như vậy, Đức Phật nói rằng; không chỉ ở cõi nầy mà trong tất cả mười phương chư Phật đều dùng Pháp Phương Tiện chế ra ba thừa pháp chứ thật ra chỉ một Phật thừa. Nhưng vì để cứu chúng sanh đau khổ nên Phật nói các đạo dứt khổ, chỉ cho họ chổ an vui tịnh lạc gọi là niết bàn chứ không phải thiệt diệt. Tức nói niết bàn nhưng thực không phải là niết bàn thiệt diệt. Vì

                “Các pháp từ bổn lai

                Tướng thường tự vắng lặng” [15. 74]

Chỉ có khi Phật tử thành đạo rồi mới thâm nhập được pháp nầy mà thôi. Đức Phật quả là một vị Đạo sư thượng diệu, Ngài đã dùng tất cả các cách làm tiện lợi nhất đơn giản nhất để chúng sanh có thể hiểu được các pháp mà họ có, cái đạo mà ngài đã chứng; từ những đồng tử chơi giỡn nhóm đất làm miễu Phật. Ngài cũng gieo nhân hạnh Phật thừa vào đó, thậm chí có người điên khùng chấp tay trước tượng Phật , Đức Phật cũng quyền khai phương tiện để độ họ. Chứng tỏ Pháp Phương Tiện là một pháp rất siêu việt vượt lên trên mọi chướng ngại đưa chúng sanh về bến giác, hay thâm nhập vào Tri Kiến Phật. Đức Phật thành đạo rồi ngài vẫn không rời chánh định luôn suy tư về phương cách độ sanh. Nhưng Thế Tôn nhận thấy đạo của mình chứng được sâu xa không ngần mé, khó hiểu, khó tin, khó truyền dạy nên Đức Thế Tôn khởi niệm muốn nhập niết bàn. Nhưng Đức Thế Tôn lại nghĩ; Ta ra đời vì để độ chúng sanh sao lại vì khó mà nhập niết bàn? Đức Phật chợt nhớ đến Chư Phật quá khứ đã dụng phương tiện để độ chúng sanh Ta nay cũng phải như vậy. Nên đức Phật đã dụng Pháp Phương Tiện để thuyết giáo độ sanh. Nhận thấy được phương tiện là quyền xảo mới có thể độ được chúng sanh cang cường. Đức Phật thay vì chỉ nói đạo nhất thừa Ngài đã phương tiện nói ba thừa là Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát. Thậm chí Phật chỉ bày tám vạn bốn ngàn pháp môn để đưa chúng sanh vào Phật huệ. Điều biểu hiện qua thi kệ:

                “Các pháp tướng tịch diệt

                Không thể dùng lời bàn

                Bèn dùng sức phương tiện

                Vì năm tỳ kheo nói

                Đó gọi chuyển pháp luân

                Bèn có tiếâng niết bàn

                Cùng với A La Hán” [15. 84-85]

Như vậy, Niết bàn hay A La Hán cũng chính là phương tiện của Phật mà thôi. Nhưng khi ta đọc đến đoạn cuối của phẩm phương tiện ta thấy có đoạn kệ viết:

                “Nay Ta vui vô úy

                Ơũ trong hàng Bồ Tát

                Chính bỏ ngay phương tiện

                Chỉ nói đạo vô thượng.” [15. 86]

Đoạn nầy có nghiã Đức Phật hiện đang ở giữa chúng Bồ Tát không còn sợ hãi gì nữa liền bỏ ngay phương tiện để nói đạo vô thượng thôi. Nhưng theo thiên ý của người viết không hẳn là thế mà Đức Phật đang dụng phương tiện một cách rất ư là tinh tế. Điều nầy được chứng thực khi bước vào phẩm thí dụ Đức Phật dùng phương pháp thí dụ làm phương tiện để thuyết pháp độ sanh. Đức Phật đã ví tam giới như nhà lửa dùng tả thực để chỉ cái pháp vô vi khó nhìn thấy. Bằng ví dụ tam giới như nhà lửa Đức Phật chỉ cho chúng ta thấy được cái sự thực bất an của cảnh đời tạm bợ. Cuộc sống ở thế giới Ta Bà đấu tranh giành giựt cấu xé lẫn nhau, giẫm đạp lên nhau để tranh giành cái thú vui giả tạm. Chỉ có những bậc trí mới nhận ra sự thật nầy, còn phần nhiều thì nhận khổ làm vui ví như trâu mao mến cái đuôi của nó vậy. Trong cuộc sống có những lúc sự thật hiển nhiên quá làm cho chúng ta ngỡ ngàng không tin cứ tưởng bị dối gạt. Xá Lợi Phâùt trong kinh nầy là một điển hình, Ngài nghe Đức Phật thuyết giảng Phật pháp thâm sâu không hiểu kịp nên nghi là ma giả Phật để dối gạt mình. Sau khi nhận ra chỗ thâm diệu của Pháp Phương Tiện Xá Lợi Phất đã thú nhận rằng: “Chúng con chẳng hiểu Phật phương tiện theo cơ nghi mà nói pháp, vừa mới nghe Phật nói pháp vội tin nhận suy gẫm để chứng lấy”. Điều nầy chứng tỏ Đức Phật đã xử dụng Pháp Phương Tiện một cách thành thục.

                “Phật dùng các món duyên

                Thí dụ khéo nói phô

                Lòng kia an như biển.” [15. 99]

Dụng phương tiện pháp mà như không phương tiện, vì mượn các nhân duyên, thí dụ mà chỉ khiến cho lòng chúng sanh được an tịnh. Pháp Phương Tiện không riêng gì Phật Thích Ca xử dụng mà chư Phật quá khứ, chư Phật vị lai cũng đều xử dụng pháp nầy để mong độ thoát chúng sanh.

                “Phật nói thuở quá khứ

                Vô lượng Phật diệt độ

                Cũng đều nói pháp đó

                Phật hiện tại vị lai

                Số nhiều cũng vô lượng

                Cũng dùng các phương tiện

                Diễn nói pháp như thế.” [15. 99]

Tại trong phẩm nầy, Đức Phật đã xác định cuộc đời của Ngài từ giáng sanh đến xuất gia, thành đạo và chuyển pháp luân cũng dùng phương tiện nói. Cũng có thể những hình ảnh ấy chính là Pháp Phương Tiện của Phật để thuyết giáo qua hình ảnh. Đặc biệt ở phẩm nầy Đức Phật cũng đã phương tiện thọ kí cho Ngài Xá Lợi Phất thành Phật để xác quyết niềm tin vào Tri Kiến Phật của đệ tử. Làm cho Xá Lợi Phất càng tin sâu hơn, thấy rõ hơn về Tri Kiến Phật của chính mình. Nhưng sau khi thọ kí cho Xá Lợi Phất trong thính chúng vẫn còn không hiểu được pháp Phật nói nên sanh tâm nghi ngờ. Ngài Xá Lợi Phất thỉnh cầu Phật dạy rõ hơn về tri kiến của Như Lai. Đức Phật đã dạy rằng: “Các Phật Thế Tôn dùng các món nhơn duyên lời lẽ thí dụ phương tiện mà nói pháp đều là đạo vô thượng chánh đẳng giác” [9. 127]. Như vậy, nhân duyên, lời lẽ, thí dụ đều là phương tiện của Đức Phật. Đức Phật dụng Pháp Phương Tiện để chỉ đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác. Lại vì có một số chúng sanh căn cơ chậm lụt không thể bắt kịp ý tưởng của Thế Tôn. Nên ngài một lần nữa lấy thí dụ làm phương tiện để chỉ cho chúng sanh cái Phật Tri Kiến của chính mình. Đức Phật ví mình như một ông trưởng giả giàu có nhiều con cái nhưng các con của ông đang ở trong căn nhà mục nát, nhiều thú dữ và lửa đang bốc cháy dữ dội.Ông trưởng giả muốn cứu các con ra khỏi nhà lửa mà các con ông lại ham chơi đùa không biết gì về sự nguy hiểm đang rình rập. Ông kêu các người con chạy ra ngoài lửa nhưng các người con không tin cứ mãi chơi đùa. Ông phải dụ rằng ra khỏi nhà ông sẽ cho ba thứ xe. Các con ông nghe vậy đua nhau chạy ra khỏi nhà lửa. Ông nhờ vậy cứu được các con bằng cách bày ra ba thứ xe dê, xe hươu và xe trâu.

 Từ những hình ảnh thí dụ trên người trí khéo có thể nhận biết, cái nhà xiêu vẹo ấy được ví như thế gian giả tạm mà đã giả tạm thì làm sao có thể đứng vững được. Nhưng ác thay những thứ giả tạm ấy có sức thiêu đốt ghê gớm những con người không nhận ra nó. Con cái vui chơi chạy giỡn không biết gì là lửa chỉ cho chúng sanh ngu si điên đảo không nhận sự thật là khổ đau bức bách cứ nhận khổ làm vui mà không cầu tìm giải thoát.

 Kinh kể lại ông trưởng giả nhận thấy con cái như thế thì rất đau lòng , rất muốn dùng cánh tay giang rộng ôm hết con vào lòng đưa ra khỏi nhà lửa. Đức Phật cũng như thế vì lòng từ bi thương xót tất cả chúng sanh, muốn cứu chúng sanh thoát khỏi luân hồi sanh tử. Nhưng chúng sanh đâu nhận rõ bản hoài chư Phật cứ nhởn nhơ trong sanh tử. Cho nên dù Phật có dùng sức lực cứu chúng sanh ra khỏi nguy hiểm chăng nữa, họ cũng trở lại sanh tử mà thôi. Bởi chưa nhận thức được khổ đau nên chúng sanh cứ mãi quanh quẩn trong sanh tử luân hồi. Nhưng trước mắt là phải làm thế nào để chúng sanh ra khỏi nhà lửa tam giới. Đức Phật phải dùng phương tiện nói ba thừa giáo chỉ cho chúng sanh thấy được cảnh giới của Thanh Văn, Duyên Giác và Bồ Tát là hạnh phúc hơn rất nhiều với đời sống hiện tại. Trong kinh là Đức Phật dụ nói ba thứ xe để các con của ông trưởng giả ham thích đồ chơi tốt đẹp mà ra khỏi nhà lửa. Nếu như trong lúc các người con đang ham chơi đó mà ông trưởng giả không khéo dụng phương tiện bày ra các trò chơi tốt đẹp thì không thể dẫn dụ các người con ra khỏi nhà lửa.

“Các con như thế đó

Làm ta thêm sầu não

Nay trong nhà lửa nầy

Không một việc đáng vui

Mà các con ngây dại

Vẫn ham mê vui chơi

Chẳng chịu tin lời ta

Toan sẽ bị lửa hại

Ông bèn lại suy nghĩ

Nên bày các phương tiện.” [15. 127]

 “ Nên bày các phương tiện” Tức là nên nghĩ ra phương cách gì tiện lợi có thể đưa các con ra khỏi nhà lửa. Cũng vậy, Đức Thế Tôn khi nhìn thấy chúng sanh đang ở trong tam giới là; dục giới, sắc giới và vô sắc giới vốn không có được sự an ổn, luôn chịu sự thiêu đốt của lửa dữ phiền não. Ngài vô cùng thương xót chúng sanh nên một lòng muốn cứu hết thảy chúng sanh nhưng đâu dễ ai tin. Ngài đã phương tiện xuất gia, tu hành thành đạo để rồi phương tiện chuyển pháp luân nói ra ba thừa pháp để giáo hóa chúng sanh. Tuy có nói ra ba thừa giáo pháp nhưng cái Đức Phật muốn truyền trao là Phật thừa, con đường thể nhập Phật Tri Kiến. Tam thừa còn khó tin được huống chi nhất thừa. điều nầy ta thấy rất rõ ở tâm lí chúng sanh. Chúng sanh thường cho quả vị hiền thánh là của những bậc cao xa chứ thực mình không bao giờ có được. Sự tự ti mặc cảm thấp hèn cũng đã vô tình che lấp cái tính vô úy vốn có sẵn ở mỗi con người. Trong cuộc sống ta thường gặp các lời phát biểu của các vị Phật tử rằng: quí thầy, quí cô ở trong chùa tu hành chớ tụi con người phàm làm gì có được phần đó. Chính có lẽ thấy biết tâm lí tự ti mặc cảm của chúng sanh nên Đức Phật đã dụng phương tiện như một con người bình thường tìm ra chân lí giải thoát.

 Đức Phật đã hiện thân như một con người rất bình thường từ sanh ra, cho đến thành đạo, chuyển pháp luân hay thị hiện nhập niết bàn. Đức Phật biết rõ Tri Kiến Phật là của báu vô lượng. Nếu ai thâm nhập được tri kiến Như Lai thì sẽ được giải thoát ung dung tự tại, tùy duyên xuất nhập bất cứ cảnh giới nào mà không hề vướng bận.Ý tưởng nầy được ảnh dụ qua hình ảnh ông trưởng giả giàu vô lượng, của cải ông xài không bao giờ hết. Tri Kiến Phật, tức bản thể chơn tâm thường hằng không sanh, không diệt, không tăng, không giảm được ví như kho báu vô lượng. Đức Phật muốn trao truyền cái Như Lai tạng tâm cho hết thảy chúng sanh sánh như ông trưởng giả chỉ cho các con của mình xe trâu lớn đẹp mà thôi. Xét xem ông trưởng giả ấy có mắc phải lỗi hư dối không? Không, ông trưởng giả ấy không hề mắc lỗi hư dối vì mục đích của ông là cứu các con ra khỏi nhà lửa, tạo cho các con của ông đời sống an ổn. Đức Phật cũng như thế Ngài đã làm tất cả những gì có thể làm được để cứu chúng sanh. Mọi việc làm của Phật đều là phương tiện thì có gì là hư dối. Tuy phương tiện là không thật nhưng Đức Phật đã xử dụng Pháp Phương Tiện một cách xảo diệu đưa chúng sanh ra khỏi sanh tử. Tức Đức Phật đã dùng cái không thật để chỉ ra cái lí chân thật. Như vậy, Đức Phật đã khéo xử dụng phương tiện nhằm đưa chúng sanh thoát khỏi khổ đau, đạt được sự an vui tỉnh lạc.

 Hình ảnh Bồ Tát Quán Thế Âm hóa thân làm Tiêu Diện cũng chính là phương tiện để độ chúng sanh vì lòng từ bi. Thật vậy, các Ngài đã đầy đủ các ba la mật nên đã dùng vô số phương tiện để cứu giúp chúng sanh. Đức Phật cũng đã có đủ các ba la mật đặc biệt là tri kiến ba la mật, nên Đức Phật đã xử dụng phương tiện ba la mật tùy theo căn cơ để độ chúng sanh. Đức Phật thuyết pháp để độ chúng sanh bằng tất cả phương tiện mà Ngài có được. Với những hạng người căn cơ thấp Đức Phật thuyết tứ đế, thập nhị nhân duyên, để đưa đến quả vị Thanh Văn, Duyên Giác. Bước lên bậc có căn trí cao hơn, Đức Phật lại dạy cho pháp lục độ để viên mãn quả vị Bồ Tát .v.v. Tất cả những pháp ấy thật ra cũng chỉ là bậc thang từ thấp lên cao. Tuy Kinh Pháp Hoa có nói đến đại thừa hay tiểu thừa nhưng thực chất không phải vậy. Đây chỉ là phương tiện của Phật mà thôi.

 Như vậy, với Pháp Phương Tiện Kinh Pháp Hoa đã phá bỏ đi lầm chấp, định kiến về đại thừa hay tiểu thừa. điều này nếu chúng ta chịu khó suy nghĩ sẽ thấy được kinh điển đại thừa phát triển sau nầy đều có nền móng từ những bộ kinh nguyên thủy căn bản. Hay nói một cách khác giáo lí đại thừa được xây dựng trên nền tảng giáo lí Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên.v.v.v. Giáo lí Tứ Đế, Thập Nhị Nhân Duyên không phải là giáo lí tiểu thừa mà nó là bước khởi điểm đưa chúng sanh vào Phật Đạo. Muốn thâm nhập vào kho tàng tri kiến Như Lai thì chúng sanh phải nhận thức rõ, đời là đau khổ, phải biết nguyên nhân đưa đến khổ đau, có ý thức vượt qua khổ đau. Có như vậy chúng sanh mới từ bỏ thú vui giả tạm để quay về nương tựa chánh pháp.

 Khi chúng sanh biết quay về nương tựa ba ngôi báu Đức Phật đã dùng phương tiện thọ kí để củng cố niềm tin cho chúng sanh. Thọ kí là sự gởi gắm truyền trao và đón nhận thọ trì. Bất cứ giáo pháp nào mà có được sự truyền trao và thọ trì thì giáo lí ấy tất sẽ phát triển. Có lẽ tư tưởng Phật thọ kí chỉ mới xuất hiện ở kinh điển đại thừa sau nầy. Đức Phật thọ kí cho hàng đệ tử của mình để cho hàng đệ tử thấy rằng khả năng thành Phật của họ là có cơ sở. Không những thế chúng ta còn nhận thấy ở Thế Tôn đã phương tiện thọ kí một cách độc đáo. Đó là Thế Tôn thọ kí cho những người chỉ mới gieo duyên với Phật Đạo, như Đức Phật thọ kí cho đồng tử khi đùa giỡn đã có ý niệm Phật. Đây không phải là thọ kí, truyền trao Phật Đạo một cách bừa bãi mà là xác quyết niềm tin cho hết thảy thính chúng. Để cho thính chúng hiểu rằng tất cả chúng sanh đều có Phật tánh, tức chủng tử Phật. Mà đã có chủng tử Phật thì trước sau gì cũng thành Phật, điều nầy đồâng nghĩa với có Phật Tri Kiến thì trước sau gì cũng hiển lộ Phật Tri Kiến. Đức Phật đã dùng phương tiện thọ kí để chỉ bày chỗ thâm diệu nầy.

 Trong phẩm Tín Giải ta lại thấy Đức Phật đã xử dụng pháp đồng sự như là một phương tiện để độ sanh. Trong phẩm nầy kể chuyện Đức Phật qua hình tượng ông trưởng giả đã cùng làm việc với chúng sanh, cùng trò chuyện với chúng sanh và chỉ cho chúng sanh những phương pháp tu tập vượt thoát khổ đau. Đức Phật đã chỉ cho chúng sanh ánh sáng chân lí của cuộc đời, như sự nhiệm mầu trong cuộc sống mà rất ít người nhận ra. Chánh kinh đã diễn tả ông trưởng giả đã mặc áo thô rách trỉn dơ đến gần gã cùng tử để cho gã không còn thấy sự cách biệt giữa ông chủ và kẻ tôi tớ. Vì ông biết gã cùng tử nầy chính là con mình vì một niệm sai lầm đã rời bỏ ông đi lang thang khi khi còn nhỏ dại. Khiến cho cuộc sống phải lao đao lận đận vô cùng. Ông trưởng giả thương xót con mình bèn dùng phương tiện đến gần với con, để an ủi, để chỉ bày, lần lần tập cho con dần làm chủ rồi mới tuyên bố nhận con. Đức Phật cũng vậy đến với hết thảy chúng sanh bằng tất cả cuộc đời mình. Đức Phật biết rõ chúng sanh vốn do bị si mê lầm chấp mà xa rời chân tánh (nhân tối sơ nhất niệm sai thù - 因最 初 一 念 差 殊). Nên Ngài đến với chúng sanh như một người đồng sự để xẻ chia bao nỗi khổ đau của con người, rồi lựa chọn những cơ hội thuận tiện giảng giải cho họ nghe những chân lí mà Ngài đã tìm ra. Chúng sanh nhờ đó mà thoát khỏi sanh tử luân hồi. Pháp Phương Tiện ở đây được Đức Phật áp dụng như một pháp đồng sự để hóa độ chúng sanh thật tuyệt vời. Tuy nhiên pháp đồng sự được xử dụng truyền bá giáo lí cho những con người ở gần bên mình mà thôi. Nhưng Đức Phật thì từ bi vô lượng Ngài không những muốn chúng sanh gần Ngài thấm nhuần chân lí. Đức Phật còn muốn hết thảy xa gần, thậm chí đến chúng sanh đời sau nầy cũng được thấm nhuần chân lí giải thoát. Nên pháp Đức Phật truyền dạy như những cơn mưa, chúng sanh tùy theo căn cơ nghiệp cảnh mà lãnh thọ khác nhau. Để rồi cuối cùng chúng sanh cũng nhận ra được Phật Tri Kiến của mình như người bạn khốn khó cũng nhận ra được hạt minh châu nơi gấu áo. Hạt minh châu ấy chính là Tri Kiến Phật, tri kiến giải thoát cho hết thảy chúng sanh.

 Muốn cho hàng đệ tử nhận rõ Phật Tri Kiến của mình Đức Phật đã phương tiện chỉ cho những người đệ tử thấy được quá trình tu tập từ vô lượng kiếp, nhớ lại chí nguyện thuở ban đầu của họ, khuyến khích họ nổ lực tu tập nhằm tiếp cận với Tri Kiến Phật của chính mình. Đọc tới phẩm thọ kí ta thấy ở đây Đức Phật dùng cách thọ kí như là phương tiện truyền thông đến những hàng đệ tử để cho họ nhận thức về bản thân. Sẵn sàng tiếp nhận đạo Nhất thừa, tức là chấp nhận cái Tri Kiến Phật của chính mình. Như vậy, thọ kí cũng là một phương tiện độ sanh của Đức Phật. Một phương pháp kể về những việc làm trong qúa khứ và triển khai hướng đến vị lai thọ kí trở thành phương tiện rất hữu hiệu trong quá trình hoằng pháp của Đức Phật. Như đã nói ở trên thọ là nhận, kí là gởi, là ủy thác thọ kí được xem như sư truyền trao gởi gắm cho hàng đệ tử giáo pháp cao siêu và hàng đệ tử tín thọ phụng hành. Nguyện làm cho giáo pháp ngày một lan rộng, mong cứu độ hết thảy chúng sanh.

 Không những xử dụng thọ kí để đôỉ thoát chúng sanh, khai mở Phật Tri Kiến. Đức Phật còn xử dụng hóa thành để làm phương tiện để dìu dắt chúng sanh dần dần ra khỏi biển khổ sanh tử đạt đến Tri Kiến Phật. Chúng sanh căn tánh ám độn phần nhiều giãi đãi biếng nhác chỉ thích làm những công việc dễ làm lại hay nghi ngờ khả năng của chính mình, đây gọi là ti mạn. Với những loại chúng sanh như thế Đức Phật đã xử dụng hóa thành như một phương tiện để độ họ. Vì sao? Vì ai cũng mong muốn con đường đi của mình thật ngắn, thật nhanh đến đích. Nên Đức Phật đã dựng lên hóa thành để chúng sanh có điểm tựa dùng làm nghỉ ngơi, khiến cho thần trí sau khi nghỉ trở nên minh mẫn, nhiệt huyết tràn đầy trở lại, Đức Phật mới diệt hóa thành đưa họ đến bảo sở để đạt được sự cứu cánh  toàn vẹn. Hóa thành là niết bàn hữu dư y của hàng Thanh Văn. Bảo sở ấy chính là Tri Kiến Phật, tri kiến Như Lai là niết bàn vô dư y. Như vậy, Hóa thành là phương tiện, Bảo Sở là cứu cánh muốn đạt được cứu cánh tất phải xử dụng phương tiện. Đức Phật cũng thế muốn chỉ cho chúng sanh Tri Kiến Phật, tri kiến giải thoát tất phải dùng phương tiện quyền biến. Tại phẩm nầy Đức Phật không những quyền biến phương tiện tạo ra hóa thành như niết bàn cho hàng Thanh Văn. Để cho hàng đệ tử không thấy ngán ngại Phật Đạo sâu xa khó thành tựu được , mà Đức Phật còn dùng thuyết nhơn duyên để làm rõ căn cơ nhiều đời nhiều của hàng đệ tử khiến họ nhận rõ bản tâm vốn không sanh không diệt. Từ những nhân duyên Đức Phật chỉ ra cho hàng đêỉ tử đương cơ biết rằng ; thật ra họ từ lâu đã theo học với Thế Tôn chứ không phải chỉ mới kiếp nầy. Từ đó nguời đệ tử ý thức được con đường của mình đã đi, đang đi và sẽ đi, những kết quả mà mình đạt được, đang đạt được và sẽ đạt được tri kiến giải thoát, Tri Kiến Phật để  hoàn thành sự nghiệp giải thoát cho chính mình.

 Chân lí ấy, tri kiến ấy không tìm được ở nơi đâu khác mà là ngay trong chính mình, vấn đề nầy được Đức Phật chỉ rõ qua phẩm Hiện Bửu Tháp. Bằng phương tiện hiển thị chân lí qua hình ảnh. Trong kinh đã trình bày Bảo tháp của Đức Phật Đa Bảo từ dưới đất vọt lên. Đất là nền tảng của muôn sự vật, vạn vật đều từ đất mà nảy sinh ra. Được ví như bản tâm của chúng ta nơi xuất phát của muôn ngàn ý niệm. Tại nơi đây niệm niệm sanh diệt có thể làm cho chúng ta điên đảo bởi phiền não lầm mê, nhưng cũng chính nơi đây khơi nguồn tuệ giác đưa chúng ta thoát khỏi bờ mê. Tuệ giác đó, tri kiến đó chính là bổn tâm thanh tịnh vốn hằng hữu mà ở trong kinh nầy biểu hiện qua hình ảnh tháp Phật Đa Bảo. Bằng ẩn dụ đưa thính chúng lên giữa không trung để nhìn thấy Đức Phật Đa Bảo. Đức Phật muốn chỉ cho chúng ta rằng muốn nhận chân được Phật Tri Kiến không con đường nào khác ngoài con đường trung đạo, con đường không bị dính mắc bởi nhị biên sai lầm. Phật Đa Bảo là vị Phật đã có từ vô thỉ hiện ra giữa thính chúng khi Đức Phật Thích Ca thuyết giảng Kinh Pháp Hoa điều nầy nói lên cái gì? Phải chăng Phật Tri Kiến vốn hằng hữu từ vô thỉ và chỉ hiện hữu khi có đủ nhân duyên. Đúng vậy, khi hội đủ nhân duyên thuyết giảng Kinh Pháp Hoa Đức Phật Thích Ca mới tuyên giảng bộ kinh nầy. Đây là tạng thâm sâu của chư Phật không thể tùy tiện nói. Đức Phật Thích Ca là Đức Phật của lịch sử nhân loài là biểu tượng của tích môn và Đức Phật Đa Bảo hiện ra từ trong quá khứ là biểu tượng của bổn môn. Câu chuyện về tháp Phật Đa Bảo được Kinh Pháp Hoa nói đến trong phần tích môn là để hiển lộ bổn môn mà Phật sẽ tuyên thuyết sau nầy. Như đã phân tích một số phẩm kinh ở phần trên chúng ta thấy rằng trong Kinh Pháp Hoa Pháp Phương Tiện mà Đức Phật đã dùng đa số là pháp thí dụ. Lấy cái nầy để chỉ cho cái kia “ Khai tam thừa qui nhất thừa” (開 三 乘 歸 一 乘).

 Bằng những thí dụ rất có hình ảnh từ dụ tam giới như nhà lửa, dụ cây cỏ thuốc, dụ hóa thành, dụ ngọc trong gấu áo đến dụ Tri Kiến Phật như viên minh châu trên mão nhà vua trong phẩm an lạc hạnh. Đức Phật không chỉ khẳng định Tri Kiến Phật là báu vật của mỗi chúng sanh mà còn khẳng định Đạo Nhất Thừa đến khi đúng thời mới khai mở. Không những thế với phẩm an lạc hạnh Đức Phật còn chỉ ra phải lập hạnh như thế nào để tu đạt đến đỉnh cao của lí tưởng giảo thoát. Hay bằng ví dụ người khát đào giếng Đức Phật đã gởi đến chúng ta một thông điệp; Tìm về đạo nhất thừa hay để tìm ra Phật Tri Kiến của chính mình chúng ta phải nổ lực đến cùng, bao giờ đạt đến cứu cánh viên mãn mới thôi. Điều nầy được Đức Phật nói trong phẩm pháp sư thứ mười. Tại phẩm nầy Đức Phật cũng đã nói đến điều kiện giảng dạy và truyền bá Kinh Pháp Hoa.

Như vậy, với ba châu; pháp thuyết châu, dụ thuyết châu, nhân duyên thuyết châu và bảy dụ; dụ nhà lửa, dụ cùng tử, dụ cỏ thuốc, dụ hóa thành, dụ ngọc trong áo, và dụ viên minh châu trên đỉnh mão nhà vua. Đức Phật đã chỉ rõ chỗ quyền khai phương tiện dạy tam thừa để qui nhất thừa. Hay nói một cách khác Đức Phâảt đã xử dụng phương tiện khéo léo áp dụng pháp tu nhất thừa một cách rất  hoàn hảo dần đưa chúng sanh từ căn cơ ám độn trở về với trí tuệ vốn có của mình. Đến đây xem như chúng ta đã triển khai được về Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa qua phần tích môn. Để biết được ở phần bổn môn Kinh Pháp Hoa nói về Pháp Phương Tiện của Phật ra sao? Dụng phương tiện để chỉ bổn môn như thế nào? Và việc giới thiệu bổn môn có lợi ích gì? Chúng ta hãy cùng nhau đi vào phần tiếp của luận văn.

3.2.3. Pháp Phương Tiện Qua Phần Bổn Môn (本 門):

Như phân tích của một số nhà học giả thì phần bổn môn được bắt đầu từ phẩm Như Lai thọ lượng thứ 16. nhưng theo một số phân tích vừa trình bày ở trên ta thấy rằng phẩm “ Hiện Bửu Tháp” thứ 11 đã có dáng dấp của bản môn. Phần bổn môn theo Hòa Thượng Thích Thiện Siêu đây là phần khai cận hiển viễn, khai tích hiển bổn thân quyền thân thật. Từ các nhận định trên ta thấy phần bổn môn Đức Phật phương tiện dùng cái gần để chỉ cái sâu xa, dùng dấu tích để chỉ bày cái căn nguyên bổn gốc. Đức Phật Thích Ca dùng đời sống mình để chỉ cái nguồn cội sâu xa. Hay nói cách khác Đức Phật đã nói bản vị quá khứ của mình để chỉ cái nguồn đạo chân thực mà ngài đã chứng ngộ. Mong đưa chúng sanh trở về với tự tánh thanh tịnh của chính mình.

Khởi đầu phần bổn môn của Kinh Pháp Hoa là phẩm “ Tùng địa dõng xuất”. Từ phẩm nầy trở đi Kinh Pháp Hoa diễn tả những cảnh giới những cảnh giới vượt ngoài tầm hiểu biết thông thường của người phàm. Sự xuất hiện của Tháp Phật Đa Bảo ở phẩm thứ 11 đã báo hiệu Đức Phật chuẩn bị nói đến những cảnh giới siêu việt, dần dần định hướng cho phần bổn môn. Đến phẩm “ Tùng địa dõng xuất” miêu tả cảnh Bồ Tát từ dưới đất vọt lên hằng hà sa khi nghe Đức Phật thuyết Kinh Pháp Hoa tuyên dương đạo nhất thừa. Như thế để nói lên đất tâm của chúng sanh vốn sẵn có những chủng tánh lành thiện hay là những hạt giống bồ đề sẵn sàng ra hoa kết quả khi đầy đủ nhân duyên khai mở. Bằng phương tiện vị tằng hữu thuyết nhân duyên, Đức Phật khẳng định điều nầy khi nói qua cảnh vô số Bồ Tát từ dưới đất vọt lên. Hình ảnh vô số Bồ Tát từ đất vọt lên muốn nói rằng Bồ Tát không phải ở cảnh giới nào khác mà chính ở ngay tại Ta Bà nầy. Cũng vậy, ngay tại nguồn tâm của chúng sanh vốn có vô số hạt giống Bồ Đề Giác Ngộ. Mà có hạt giống giác ngộ thì sẽ có quả giác ngộ, có được sự giác ngộ tức sẽ có giải thoát. Có nhân tức có quả chân lí nầy không thể sai chạy.

 Để chỉ cái bản lai của chính mình Đức Phật dùng hình ảnh thật sinh động “cha trẻ , con già”. “Cha trẻ , con già” là hình ảnh của bổn môn và tích môn hòa nhịp. Đây là một sự thật hy hữu, cha trẻ là cha của tích môn, con già vì là con đến từ bổn môn. Sự kiện nầy nếu không dùng phương tiện vị tằng hữu thì làm sao có thể hiểu và tin được. Đúng như thế, Bồ Tát Di Lặc người biểu trưng cho ý thức phân biệt đã khởi nghi hiện tượng cha trẻ con già và Bồ Tát xuất hiện trùng trùng từ phương dưới của cõi Ta Bà đã đưa vấn đề nầy để hỏi Thế Tôn. Đức Phật đã dùng một thí dụ về người thầy thuốc thông minh để nói về thọ lượng của Như Lai. Như Lai thọ lượng vô cùng, Ngài đã thành Phật từ vô lượng kiếp. Nhưng Như Lai đã dùng vô số phương tiện, hiện vô lượng thân tướng để độ chúng sanh nơi cõi Ta Bà. Nên ta thấy trẻ mà không trẻ, ngược lại thấy con già nhưng thực sự không già. Ngưòi bình thường thấy Đức Phật đản sanh ở Lâm Tỳ Ni lớn lên xuất gia tu hành và thành đạo rổi chuyển pháp luân. Nhưng thấy như vậy là thấy cái hiện tướng của Như Lai, chứ không phải thấy được cái thật tướng của Như Lai. Nên trong kinh nói Đức Phật thấy chúng sanh mê mờ ngu si phước mỏng nghiệp dày, vì hạng người nầy mà Đức Phật nói: Ta lúc trẻ xuất gia tu hành được vô thượng chánh đẳng chánh giác, chứ thiệt Ta đã thành Phật từ vô lượng kiếp trước. Đây chỉ là phương tiện của Phật để giáo hóa chúng sanh, đưa chúng sanh về Phật Đạo, giúp cho chúng sanh nhận rõ Tri Kiến Phật.

 Sự thực Như Lai thấy rõ không sai lầm thật tướng của ba cõi, lại vì chúng sanh căn tánh không đều nên khai môn phương tiện để độ chúng sanh khiến chúng sanh phát khởi thiện căn. Tại phẩm nầy qua câu chuyện của cha con ông thầy thuốc chúng ta thấy Đức Phật xử dụng phương tiện hiện tướng niết bàn để độ sanh. Khiến cho chúng sanh thấy rằng chư Phật khó gặp mà trừ bỏ giãi đãi, tinh tấn tu hành sớm được giải thoát. Đây là một phương tiện tuyệt vời khi xử dụng sanh tử để đôỉ sanh tử chỉ có Phật mới có thể xử dụng một cách  hoàn hảo đến như vậy. Ngoài Đức Phật ra không có ai làm được như thế, dùng sự vô thừong để đưa chúng sanh trở về với lẽ chơn thường. Đức Phật đã dùng pháp huyễn, độ như huyễn đạt chân lí một cách thật tuyệt vời. Với phẩm Như Lai thọ lượng nầy Đức Phật đã mở ra cho chúng ta tầm nhìn bao la vô cùng vô tận.

Đức Phật làm Phật sự khắp mười phương không hề ngừng nghỉ, “Tuy thường xuyên ở Ta Bà, nhưng Phật không hề vắng mặt ở thế giới nào và không lúc nào không làm lợi ích chúng sanh. Như vậy, những điều Ngài làm chưa ngừng nghỉ chắc chắn sẽ làm dưới dạng vô hình Ngài nói có Phật Nhiên Đăng, Phật Di Đà, Phật Dược Sư.v.v. Tất cả giảng dạy nầy chỉ là phương tiện để giáo hóa chúng sanh” [9. 476]. Với phương tiện thiện xảo trong phẩm Như Lai thọ lượng Đức Phật đã cho ta thấy một Đức Phật bất sanh, bất diệt hằng hữu, dù có trãi qua cảnh giới nào quốc độ nào đi chăng nữa thì Phật vẫn là Phật. Điều nầy phải chăng Đức Phật dụng phương tiện để chỉ cho chúng ta Tri Kiến Phật cũng luôn hằng hữu, thể của nó không khác nhưng dạng lại không đồng. Cái dụng của Tri Kiến Phật hay Phật tánh của chúng sanh cũng luôn biểu hiện dưới các hình thức lành thiện để thăng tiến đạo giải thoát và làm lợi lạc quần sanh.

Không dừng lại ở đây Đức Phật còn xử dụng pháp phân biệt như là một phương tiện độ sanh, chúng ta có thể thấy rõ điều nầy qua phẩm phân biệt công đức. Như chúng ta đã biết Đạo Phật là trung đạo, không bị kẹt giữa hai thế giới nhị biên phân biệt. Vậy tại sao ở đây Đức Phật lại dùng pháp phân biệt? Đức Phật có lầm lẫn gì chăng? Không Đức Phật không có sự lầm lẫn ở đây mà Ngài đã rất trí tuệ khi dùng pháp phân biệt như một phương tiện để chỉ cho chúng sanh nhận rõ được thật hư, cao thấp, nông sâu của các pháp. Vì đối với Đức Phật thì mọi pháp đều bình đẳng như nhau song đối với chung sanh thì cần phân biệt, nhận định rõ các pháp để không bị lầm chấp. Như chúng ta thấy trong phát Bồ Đề Tâm Văn có đến tám hình thức phát tâm Bồ Đề để cầu Phật đạo đó là; Tà, Chánh, Chơn, Ngụy, Đại, Tiểu, Thiên, Viên. Người tu theo Phật đạo phải minh định rõ ràng tâm mình; tà hay chánh, chơn hay ngụy, đại hay tiểu, thiên hay viên. Nhận định rõ được việc làm của mình là tối cần thiết khi hành xử tiến tu đạo nghiệp. Cho nên Đức Phật đã vì chúng sanh phân biệt là thế. Trong kinh văn Phật dạy: “A Dật Đa! Có chúng sanh nào nghe Đức Phật thọ mạng dài lâu như thế, nhẫn đến có thể sanh một niệm tín giải, đặng công đức không thể hạn lượng được. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn vì đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, trong tám mươi ức na do tha kiếp tu năm pháp ba la mật; bố thí ba la mật, trì giới ba la mật, nhẫn nhục ba la mật, tinh tấn ba la mật, thiền định ba la mật, trừ trí huệ ba la mật, đêm công đức nầy với công đức tín giải trước, trăm phần, nghìn phần, trăm nghìn muôn ức phần chẳng kịp một, nhẫn đến tính đếm thí dụ, không thể biết được. Nếu thiện nam tử, thiện nữ nhơn có công đức như thế mà thối thất nơi đạo vô thượng chánh đẳng chánh giác, thời quyết không có lẽ đó.” [15. 411-412].

 Như vậy, ở đây Đức Phật đã dùng phương tiện để chỉ rõ rằng ai tin vào thọ mạng vô lượng của Phật thì công đức vô lượng không thể tính kể, vượt thoát cả năm ba la mật là; bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định. Tin vào thọ mạng của Như Lai tức tin vào cái Tri Kiến Phật của chính mình. Người có đức tin sâu như vậy phải là người có trí tuệ siêu việt, nhìn thấy được thật tánh bất sanh, bất diệt của vạn pháp, thấy được thật tướng của vạn pháp là duyên sanh. Thấy biết chân thật rồi thì sớm muộn gì cũng sẽ nỗ lực đạt cho được sự chân thật ấy. Thấy được nguồn tâm thanh tịnh chính là viên tròn công đức thì công đức nào có thể sánh bằng. Qua đây Đức Phật muốn dạy cho chúng ta đừng chạy theo pháp sanh diệt bên ngoài, mà phải quay lại nguồn tâm phản văn tự kỉ để phát hiện ra cái Phật Tri Kiến của chính mình trau dồi nuôi dưỡng tri kiến ấy mới là pháp tu đúng đắn đưa đến Phật đạo.

Pháp Phương Tiện phân biệt công đức còn kéo dài đến phẩm Tùy Hỷ Công Đức thứ 18 của Kinh Pháp Hoa. Nhưng ở đây được nâng lên một cấp độ cao hơn, tức ai vui theo người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa cũng được viên tròn công đức. Hay có thể nói rằng hành giả Pháp Hoa sẽ có vô lượng công đức. Mở đầu phẩm Kinh nầy Đức Phật nói với Ngài Di Lặc Bồ Tát rằng; Nếu có một người nghe Kinh Pháp Hoa sanh tâm vui mừng, rồi sau đó đêm truyền dạy cho người khác cứ như vậy lần lượt đến người thứ năm mươi cũng tùy hỉ sanh tâm vui mừng. Công đức của người nghe kinh thứ năm mươi đó nếu đem so với đại thí chủ bố thí cho hết thảy chúng sanh theo ý muốn của chúng, trong bốn trăm muôn ức thế giới trãi tám mươi năm, khi họ sắp chết vị thí chủ mới dạy họ tu hành làm cho đắc quả A La Hán thì công đức của người thứ năm mươi đó vượt thoát không thể tính kể. Nói như vậy có quá lắm không? Không, nếu như ta hiểu được lời Phật dạy. Đức Phật dạy người thứ năm mươi nghe Kinh Pháp Hoa mà vui vẻ tin nhận. Vì Kinh Pháp Hoa chính là sự hiển lộ chân lí nhất thừa, Phật thừa. Người nghe Kinh Pháp Hoa mà vui vẻ tiếp nhận thọ trì là người đã cảm nhận được chân tâm thường trú của mình, mà người thứ năm mươi nghe lại mà cảm nhận được điều nầy  quả thật sâu sắc. Như vậy, công đức của họ không thể nghĩ bàn không có gì là khó hiểu. Trái lại, người không nhận ra được bản tâm chính mình mà chỉ hướng ra bên ngoài tìm cầu pháp hữu vi thì làm sao sánh được với những ai đã tịnh lạc với nguồn tâm mình.

Như vậy, bằng phương tiện so sánh Đức Phật lại khẳng định sâu hơn khả năng thành Phâỉt của hết thảy chúng sanh. Hoan hỷ tin nhận Phật Tri Kiến của mình, khả năng thành Phật của tự thân hành giả Pháp Hoa vượt qua tự ti mặc cảm. Đưa hành giả Pháp Hoa lên một tầm cao mới cũng chính là một pháp tu đưa đến  quả vị Phật. Nếu như ở phẩm phân biệt công đức chúng ta thấy rằng người nào tin vào thọ mạng của Như Lai là vô lượng thì công đức vô lượng tức người nào nghe và kính tin Kinh Pháp Hoa thì công đức không thể tính kể. Đến tùy hỉ công đức vơi Kinh Pháp Hoa như trong phẩm tùy hỉ công đức thì có vô lượng vô biên công đức không thể dùng ngôn ngữ mà luận bàn được. Với phương tiện phân biệt công đức Thế Tôn đã giúp cho chúng sanh thấy được giá trị bất khả tư nghì của chân tâm, Phật tánh. Đúng là chúng ta không thể hiểu hết được sự nhiệm mầu của Pháp Phương Tiện mà Đức Phật đã xử dụng trong sự nghiệp độ sanh. Chúng ta còn sẽ bắt gặp sự độc đáo của Pháp Phương Tiện khi đi sâu vào Kinh Pháp Hoa. Khi bước vào phẩm Pháp Sư Công Đức chúng ta nhận ra thọ trì Kinh Pháp Hoa sẽ đưa đến sự viên thông của lục căn (nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý). Bằng Pháp Phương Tiện phân biệt công đức Đức Phật dẫn dắt hành giả Pháp Hoa từng bước đi vào Phật Đạo hay nhập Phật Tri Kiến một cách khéo léo. Diễn biến nhịp Kinh đều đều dần tiến như cuốn hút thính chúng đi từ ngoài vào trong, từ thấp đến cao từ cạn cho đến chỗ thậm thâm vi diệu. Đức Phật quả là quyền biến khi xử dụng phương tiện.

 Bước vào phẩm Thường Bất khinh Bồ Tát chúng ta nhận thấy phương tiện giáo hóa của Đức Phật thật giản đơn nhưng rất độc đáo. Kinh kể lại một tiền thân Đức Phật là Bồ Tát Thường Bất Khinh chỉ chuyên dùng lời tán thán Phật tánh của hết thảy chúng sanh. Mỗi khi gặp ai ngài đều nói “Tôi không dám khinh quí ngài, quí ngài nhất định sẽ thành Phật” Bồ Tát Thường Bất Khinh không tu pháp môn nào ngoài câu tán thán vừa nói ở trên. Điều nầy cho ta thấy Ngài đã dùng sự tán thán Phật làm phương tiện độ sanh để xác quyết với chúng sanh là ai cũng có khả năng thành Phật. Ngài đã xử dụng pháp nầy với sự nhẫn nhục cao độ, vì khi Ngài nói như vậy có rất nhiều người không hiểu đã chửi rủa thậm chí đánh đập Ngài một cách thậm tệ. Nếu không có được nhẫn nhục Ba La Mật thì không thể thành tựu được pháp nầy. Bằng sự tán thán không phân biệt Bồ Tát Thường Bất Khinh đem lại cho chúng sanh sự bình đẳng tuyệt đối, vì tất cả ai ai cũng có Phật tánh và đều có khả năng thành Phật. Bồ Tát có trí tuệ hơn người đã nhận ra thể tánh bình đẳng của hết thảy chúng sanh, lại vì thương chúng sanh vô hạn nên Bồ Tát đã hành nhẫn nhục để độ chúng sanh, chỉ cho chúng sanh thấy Phật Tri Kiến của mình và cuối cùng Ngài cũng làm được cái hạnh khó làm. Nếu không tin vào Tri Kiến Phật vốn hằng hữu trong mình thì Thường Bất Khinh Bồ Tát khó có được sự thành tựu như thế. Qua hình ảnh Thường bất Khinh Bồ Tát Đức Phật đã tạo ra cho chúng sanh niềm tin vào Phật Tri Kiến của chính mình. Biết mình có Phật tánh, tin mình có Phật tánh chúng ta sẽ dễ dàng nổ lực hơn trên con đường tìm lại Phật Tri Kiến của chính mình. Như vậy, Bồ Tát Thường Bất Khinh con đường hành đạo Bồ Tát mọât cách sinh động gần gũi nhưng lại rất thâm sâu.

Có thể nói ở phần bổn môn nầy phương tiện khai đạo của Phật rất cao sâu khó nghĩ ; vừa rất gần gũi nhưng lại rất thâm sâu. Khi thì Đức Phật hiển hiện bổn môn như một thực tế hiển nhiên, nhưng có khi trừu tượng khó hiểu. Khi Đức Phật chỉ thẳng, khi lại hiển lộ thần thông để chỉ về Phật Tri Kiến. Như ở phẩm Như Lai thần lực Đức Phật đã hiển lộ thần thông bất khả tư nghì để cho chúng sanh nhận thấy được chân lí nhiệm mầu nơi chính tự thân của mình. Trong kinh Đức Phật đã phú chúc việc hoằng pháp, truyền thừa Kinh Pháp Hoa tại thế giới Ta Bà cho hàng Bồ Tát tùng địa dõng xuất là những Bồ Tát cựu trụ ở Ta Bà, chứ không giao việc nầy cho các vị Bồ Tát ở mười phương mặc dầu các vị nầy phát tâm nhận lãnh. Điều nầy cho thấy rằng: Phật Tri Kiến phải tự tâm phát khởi chứ không thể tìm cầu bên ngoài mà được. Còn đến với phẩm Dược Vương Bồ Tát Bổn Sự thì ta thấy Đức Phật xử dụng phương tiện gì để thuyết Kinh Pháp Hoa, để chỉ được bản thể chơn như thanh tịnh. Giải về phẩm kinh nầy Hòa thượng Thích Trí Quảng đã dạy: “Đức Phật Thích Ca giới thiệu cho chúng ta Nhất Thiết Chúng Sanh Hỷ Kiến Bồ Tát giải được nhất thiết ngôn ngữ hay pháp ngữ. Nhưng trên thực tế chúng ta thấy chính Đức Phật ,chính là người giải được tất cả ngôn ngữ không bằng lời. Thật vậy, khi Phật trụ thế, chúng sanh có ngôn ngữ khác nhau nhưng chúng sanh nào đến với Phật, cũng cảm thấy Ngài hiểu mình và giải quyết mọi thắc mắc ưu phiền cho chính mình” [9. 609]. Như vậy, Đức Phật bằng phương tiện ẩn dụ kể về đời sống của một vị Bồ Tát nhưng lại chỉ cho thấy cái khả năng của Phật tức Phật Tri Kiến. Đi từ thực tế đến bản thể hay từ bản thể diễn dịch cuộc sống hiện tại. Chúng ta dễ thấy điều nầy qua diễn dịch sau đây: “Nhất thiết chúng sanh hỷ kiến, giải nhất thiết chúng sanh ngôn ngữ đà la ni bằng cách xử dụng ngôn ngữ xuyên qua bản thể. Ơũ dạng bản thể, tất cả sự vật đều bằng nhau.”[9. 609]. Từ đây thấy Đức Phật dung thông tất cả phương tiện để nhằm đưa chúng sanh đến sự giác ngộ cao nhất. Khi nhận rõ Tri Kiến Phật của chính mình hành giả Pháp Hoa có thể tùy thuận chúng sanh mà làm tất cả các Phật sự. Tại phẩm Diệu Âm Bồ Tát Đức Phật nói về Bồ Tát Diệu Âm là vị Bồ Tát có sức thần thông không thể nghĩ bàn. Đặc biệt, sự xuất hiện Bồ Tát Diệu Âm là do chính năng lực của Phật Đa Bảo. Trong kinh nói rằng khi đại chúng muốn thấy được thân tướng của Bồ Tát Diệu Âm Đức Phật đã nói “Đức Phật Đa Bảo sẽ vì các ông mà hiện bày thân tướng của Bồ Tát Diệu Âm.” Như vậy, ta thấy từ trong bản môn, Phật Đa Bảo hiện thân tướng của Bồ Tát Diệu Âm. Nhưng Diệu Âm Bồ Tát là người đã từng cúng dường vô số các thứ kỉ nhạc. Điều nầy chứng tỏ sự dụng Pháp Phương Tiện của Phật quả không thể nghĩ bàn. Bởi qua đây, Đức Phật muốn mượn hình ảnh của Diệu Âm Bồ Tát để dạy cho chúng ta phải nên tùy thuận  hoàn cảnh có thể dùng phương tiện âm thanh để đi vào đạo.

Tiếp nối ý tưởng trên nên phẩm kinh tiếp theo là phẩm Quán Thế Âm Bồ Tát . Kinh Pháp Hoa đã được sắp xếp theo một trình tự hợp lí từ Diệu Âm đến Quán Thế Âm. Diệu Âm là tiếng nói vi diệu của chân tâm và Quán Thế Âm tức là xem xét tư duy về âm thanh của thế gian. Như vậy, muốn có được tiếng nói vi diệu của bản tâm thanh tịnh, cần phải có sự tư duy đúng về thế giới hiện hữu hay nói theo Kinh Pháp Hoa thì muốn đạt được chân tâm ta cần phải tu theo hạnh Quán Thế Âm. Tu hạnh Quán Thế Âm chính là sự lắng nghe tiếng nói của tự tâm mình và rãi lòng từ bi đến khắp chúng sanh, lắng nghe tất cả những nỗi sầu bi của họ mà ra tay cứu giúp. Qua việc xiển dương hạnh tu của Bồ Tát Quán Thế Âm, Đức Phật đã dạy chúng ta một phương cách diệt trừ phiền não(tham, sân, si, mạn, nghi) bằng cách “Phản văn, văn tự tánh” (反 聞﹐聞 自 性) tức nghe lại tiếng nói tự cõi lòng mình để điều chỉnh cuộc sống tu hành cho hợp lí, hợp với lẽ đạo để có thể nhận biết tiếng nói của chân tâm.

Như vậy, chúng ta thấy rằng Đức Phật đã dùng nhiều cách mở cánh cửa bản môn để cho chúng ta nhận thức rõ nguồn tâm của chính mình. Nói cách khác Đức Phật từ trong bản môn cũng đã dùng vô số phương tiện để hiển bày chân lí khiến cho vô số chúng sanh ngộ nhập được Phật Tri Kiến.

Trong Kinh Di Giáo để phá bỏ lầm chấp của hàng đệ tử và chúng sanh sau nầy, Đức Phật đã tuyên bố “Trong bốn mươi chín năm ta chưa hề nói điều gì” Vì sao? Vì tất cả đều là phương tiện dù là nhất thừa như Kinh Pháp Hoa đi chăng nữa khi đã nói ra tức đã quyền khai phương tiện. Đạo là bất khả tư nghì (不 可 思 議) , đạo là không thể nghỉ bàn được, dù là một niệm khởi cũng sai lệch, là vọng niệm. Nhưng không dùng lời nói bàn thì làm sao nói được lẽ đạo nên phải dùng phương tiện nói bàn nhưng rất phải cảnh giác với sự thủ chấp. Chúng sanh điên đảo chỉ vì sắc tướng âm thanh thì Đức Phật cũng ngay chổ ấy mà mở môn phương tiện tạm nói ba thừa giáo để cuối cùng qui lại nhất thừa. Đức Phật phải dùng sắc tướng âm thanh để chỉ cho chúng sanh cái chân lí nhiệm mầu nằm ngay trong ấy. Như chúng ta thấy được rằng tại bộ Kinh Pháp Hoa Đức Phật tuyên bố rởi bỏ pháp phường tiện để chỉ nhất thừa. Nhưng để chỉ được nhất thừa tức cái Tri Kiến Phật, tri kiến giải thoát. Đức Phật cũng đã dùng vô số phương tiện để thể hiện chân lí, đạt được mục đích khai thị chúng sanh ngộ nhập Phật Tri Kiến cho hết thảy chúng sanh. Thế mới biết Pháp Phương Tiện có một tầm vóc quan trọng ra sao trong các pháp của Phật. Như chúng ta đã thấy tất cả các pháp của Phật xử dụng đều là Pháp Phương Tiện cả nên có thể nói Pháp Phương Tiện chính là pháp Phật. Chỉ có Pháp Phương Tiện mới có thể khai mở con được con đường độ sanh Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến.

Để thấy rõ hơn giá trị của Pháp Phương Tiện chúng ta cùng nhau đi tiếp qua chương bốn nói những giá trị hiện thực của Pháp Phương Tiện.

Chương 4: GIÁ TRỊ HIỆN THỰC CỦA PHÁP PHƯƠNG TIỆN

    Kinh Pháp Hoa không những có giá trị về mặt triết học kinh điển mà còn một giá trị thực tiển vô cùng to lớn. Kinh Pháp Hoa đưa ra những giá trị rất sâu sắc về mặt tư tưởng và giải thoát, kinh đưa con người thoát khỏi ý tưởng ràng buột chấp trước. Đến với Kinh Pháp Hoa ta  hoàn  toàn được tự do tắm mình trong biển pháp rộng mênh mông, sâu vô tận nhưng vô cùng hạnh phúc. Hạnh phúc đó sẽ trọn vẹn hơn cuộc sống nếu ta biết thọ trì Kinh Pháp Hoa một cách đúng đắn. Người thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa được gọi là Hành Giả Pháp Hoa.

4.1. HÀNH GIẢ PHÁP HOA.

Thế nào là hành giả Pháp Hoa? Hành giả Pháp Hoa chính là Người thọ trì, đọc tụng, giảng nói, biên chép Kinh Pháp Hoa xa hơn nữa là luôn sống và tin vào Tri Kiến Phật của chính mình. Trong phẩm phương tiện sau nhiều lần từ chối nói Kinh Pháp Hoa vì sợ chúng sanh mê muội không tin mà đọa lạc và sau khi ngài Xá Lợi Phất ba lần khẩn thỉnh Đức Phật Đã dạy: “Ông đã ân cần ba phen thưa thỉnh đâu chẳng đặng nói, ông nay lóng nghe khéo suy nghĩ nhớ đó, ta sẽ vì ông phân biệt giảng nói” Lóng nghe và khéo suy nghĩ, tức Đức Phật muốn thính chúng phải nghe bằng tất cả kính tin và cảm nhận. Từ điều nầy chúng ta thấy rằng; muốn trở thành một hành giả Pháp Hoa trước hết phải có niềm tin kiên cố vào Kinh Pháp Hoa, như tin vào Tri Kiến Phật của mình. Cũng như muốn thọ trì hồng danh Phật A Di Đà phải có đầy đủ tín, hạnh, nguyện. Tin sâu, nguyện thiết, hành thâm mới chính là cửa ngỏ đi vào Phật Đạo. Như Kinh tâm địa quán dạy; Đức tin là mẹ sinh ra các công đức.

 Nhưng có niềm tin không vẫn chưa đủ mà hành giả Pháp Hoa phải “vào nhà Như Lai, mặc áo Như Lai, ngồi tòa Như Lai” Như trong phẩm pháp sư có dạy. “Nhà Như Lai chính là tâm từ bi lớn đối với tất cả chúng sanh, y Như Lai chính là lòng nhu hòa nhẫn nhục, tòa Như Lai chính là nhất thiết pháp không” và còn phải dùng tâm không biếng trễ cũng chính là sức tinh tấn vậy. Nhà Như Lai là lòng đại bi tức lòng thương chúng sanh rộng lớn không ngần mé, có thể che chở cho hết thảy chúng sanh. Đức Phật vì thương chúng sanh nên hiện hữu trên đời. Hành giả Pháp Hoa cũng phải phát xuất từ lòng thương tưởng chung sanh mà phát tâm thọ trì đọc tụng Kinh Pháp Hoa. Hay nói cách khác hành giả Pháp Hoa phải bằng tất cả tâm đại bi đối với chúng sanh không so bì, bỉ thử hay vụ lợi.“Hành giả Pháp Hoa là sứ giả Như Lai phải mang thông điệp tình thương của Như Lai đến mọi loài” [9. 319]. Nếu được như vậy là hành giả đã vào nhà Như Lai an ổn mà thọ trì Pháp Hoa. Áo Như Lai chính là nhu hòa nhẫn nhục. Nhu là nhu nhuyến, mềm dẻo; hòa là thuận theo lẽ phải. Nhẫn nhục là đức tính kham nhẫn chịu đựng hy sinh để tạo nên tính cách đại hùng lực.

 Như vậy, hành giả Pháp Hoa phải là con người có được sự nhu nhuyến mềm dẻo, tùy thuận chúng sanh theo chánh lý, lại đầy đủ sự kham nhẫn đại hùng lực. Thành tựu những pháp như vậy mới có thể thọ trì Kinh Pháp Hoa một cách thấu triệt trở thành một hành giả Pháp Hoa. Nhưng muốn truyền giảng ngoài những điều cần thiết đã nói ở trên, hành giả Pháp Hoa còn phải thành tựu nhất thiết pháp không đây được xem như tòa Như Lai. Theo điều kiện nầy thì khi muốn truyền dạy Kinh Pháp Hoa hành giả cần phải không trụ chấp vào bất cứ pháp nào vì tất cả các pháp đều là phương tiện. Phải nhận thức tất cả các pháp là không; không sanh, không diệt, không cấu, không tịnh .v.v. Để rồi tùy theo căn cơ, trình độ của chúng sanh mà dùng phương tiện dạy dỗ, dìu dắt cho chúng sanh nhận chân được Phật Tri Kiến.

Với tâm từ bi vô lượng, nhu nhuyến mềm dẻo, tùy thuận và không chấp trước hành giả Pháp Hoa an trú trong bốn pháp “hành xứ, thân cận xứ, an lạc hạnh, phát đại bi tâm” Có thể đem lại lợi ích an lành cho hết thảy chúng sanh.

4.2. PHÁP PHƯƠNG TIỆN ĐEM LẠI LỢI ÍCH THIẾT THỰC CHO ĐỜI SỐNG TU TẬP

Phật ra đời vì muốn cứu độ hết thảy chúng sanh, đưa chúng sanh trở về với tự tánh giác ngộ vốn có của chính mình. Nhưng chúng sanh vì quá mê mờ không hiểu nổi pháp thậm thâm vi diệu. Nên Phật phải dùng nhiều phương cách độ sanh, khai mở pháp môn phương tiện nhằm cứu khổ độ mê. Chúng sanh điên đão trăm bề thì Đức Phật có muôn ngàn phương tiện. Ngài đã không quản gian lao khó nhọc đi dọc sông Hằng truyền trao giáo pháp cứu vớt sinh linh. Bước chân Ngài như còn in đậm nét son trên vạn dặm nẻo đường truyền trao chánh pháp. Chúng ta ngày nay nối chí Tôn Sư ngày đêm tu tập cũng mong cứu vớt sinh linh đang đắm chìm trong đau khổ. Nhưng Đức Thế Tôn nhập diệt từ lâu đã trãi qua hơn hai mươi lăm thế kỉ. Giáo pháp của Ngài để lại là kho tàng Kinh điển được tuân thủ theo nguyên tắc giới định tuệ. Ba môn học nầy chính là cửa ngõ, là bậc thang đưa đến sự giác ngộ giải thoát, nhưng cũng chính các điều nầy như trói buột ta. Ta luôn sợ phạm vào điều Phật cấm, nó luôn làm cho ta thụ động hơn trong các hoạt động của mình. Với một đời sống như thế chúng ta không thể bắt kịp nhịp sống xã hội đang ngày một phát triển nhanh chóng, thì làm thế nào hướng dẫn cho nhân sinh. May mắn cho chúng ta được thừa hưởng Pháp Phương Tiện mà Thế Tôn để lại. Nhờ vào Pháp Phương Tiện mà chúng ta như được mở trói đôi tay. Có thể tùy thuận  hoàn cảnh mà tu hành và hoằng pháp. Theo HT.Thích Trí Quảng “Ngày nay trình độ dân trí bên ngoài tương đối cao. Trong khi hiểu biết chúng ta không bằng thế gian huống là vượt thế gian làm thầy thiên hạ. Với thể lực yếu, trí lực kém, ác nghiệp quá sâu biết bao khó khăn chờ đón ta phía trước , chúng ta không còn cách nào hơn là nương theo Pháp Phương Tiện tu hành” [9. 100]

 Thật vậy, nhờ vào Pháp Phương Tiện mà Lục Tổ có thể cùng chung sống với nhóm thợ săn cùng ăn, cùng ngủ để rồi cuối cùng Ngài đã độ được họ. Thiền Sư Đơn Hà đã có thể đốt Phật độ Tăng hay Thiền sư Nam Tuyền đã giết mèo để cho chúng đệ tử được khai ngộ. Còn rất nhiều mẫu chuyện nhà thiền cho thấy cái diệu dụng của pháp môn phương tiện. Nếu ví trí tuệ của người tu như đôi mắt thì Pháp Phương Tiện như đôi tay. Trí tuệ là thể, phương tiện là dụng. Không có thể dụng không chỗ nương, trái lại không có dụng thì thể không cách gì hiện hữu. Thể và dụng luôn đi đôi với nhau hỗ tương nhau để hiển lộ.

 Trong đời sống tu tập hằng ngày nếu không có phương tiện chúng ta không thể nào sinh hoạt được. Muốn ăn chúng ta phải có thực phẩm, muốn ngủ chúng ta phải cần chăn chiếu. Đến sinh hoạt trong chùa cũng phải có mõ chuông, để phục vụ đời sống hằng ngày chúng ta luôn cần đến phương tiện. Pháp Phương Tiện cho phép chúng ta sống theo hạnh đồng sự để xẻ chia những kiến thức cho những con người xung quanh, và qua đó chúng ta có thể hiểu hơn cuộc sống một cách sâu sắc hơn. Hành giả Pháp Hoa dụng Pháp Phương Tiện đi sâu vào trong quần chúng để hướng thiện cho cuộc đời. Còn trong sinh họat tự thân Pháp Phương Tiện cũng có một vị trí vô cùng quan trọng, nó như cánh cửa mở rộng để hành giả Pháp Hoa có thể tùy theo nhân duyên  hoàn cảnh mà ứng biến cho phù hợp. Như việc đi lại phải cần tiền tàu xe mà giới luật lại không cho cầm nắm tiền bạc nếu như không phương tiện cầm giữ, đi đâu cũng phải có cận sự thì thật là bất tiện. Trong cuộc sống thường xảy ra những điều ngoài dự  đoán nếu không có Pháp Phương Tiện thì hành giả Pháp Hoa rất khó khăn trong cuộc sống. Ngày nay, khoa học kỹ thuật pháp triển người tu hành cũng nhờ Pháp Phương Tiện mà có thể xử dụng những công cụ tiên tiến để nâng cao trình độ, tri thức của mình. Có thể cũng áp dụng những thành tựu khoa học để phục vụ cho đời sống tu tập, ví dụ muốn luôn nhắc nhở sự niệm Phật được tinh chuyên ta có máy niệm Phật được chế tác bằng một con chíp điện tử. Khi cần lưu trữ tài liệu học tập cho thật giản đơn ta có thể phương tiện xử dụng máy vi tính. Có thể nói rằng trong cuộc sống tu tập hành giả Pháp Hoa không thể không cần đến Pháp Phương Tiện. Thật vậy, muốn tu hành theo hạnh kính Lễ Chư Phật ta cũng dụng phương tiện hành lễ với Phật tượng. Từ việc lễ lạy Phật tượng ta dần dần diệt trừ được tâm ngã mạn, đoạn trừ được tham sân si, tịnh hóa thân tâm. Như vậy, thông qua Pháp Phương Tiện chúng ta có đầy đủ các pháp tu tập để dần khai mở Tri Kiến Phật của mình.

Thật ra, trong đời sống tu tập ta chưa hề rời Pháp Phương Tiện như ở phần định nghiã về Pháp Phương Tiện ta đã biết phương tiện là phương cách tiện lợi nhất để đạt được mục đích. Vì vậy để đạt được mục đích giải thoát chúng ta luôn dụng Pháp Phương Tiện thông qua các hình thức tu tập như; tụng Kinh, ngồi thiền, trì chú, niệm Phật v.v. không có pháp môn nào không dụng phương tiện. Pháp Phương Tiện theo chúng ta như hình với bóng nó gần gũi đến mức ta không nhận ra được nó mà cứ mặc nhiên xử dụng như chính ta vậy. Bởi vì, nâng tay lên là phương tiện, bước chân đi cũng là phương tiện. Lật trang Kinh, hay ngồi tỉnh tọa đều là phương tiện vậy như Chư Tổ đã dạy “Tụng Kinh giả minh Phật chi lí, tọa thiền giả đăng Phật chi cảnh”. (誦 經 者 明 佛 之 理﹐坐 禪 者 登 佛 之 境) Dùng phương tiện tụng Kinh để nhận ra cái lí của Phật dạy, phương tiện ngồi thiền là để sống với cảnh giới của Phật.

 Như vậy, trong quá trình tu tập rèn luyện tự thân mong cầu giải thoát hành giả Pháp Hoa không hề rời Phương tiện. Hay nói một cách khác chính Pháp Phương Tiện giúp cho hành giả Pháp Hoa luôn vững tiến trên bước đường tu tập giải thoát. Không những thế Pháp Phương Tiện luôn là sự cần thiết cho hành giả Pháp Hoa trong quá trình thực hiện hạnh Bồ Tát viên tròn đạo hạnh.Với Pháp Phương Tiện hành giả Pháp Hoa đi vào cuộc đời, như chim thêm cánh có thể bay cao hơn, xa hơn trong sự tu tập và hành đạo làm lợi lạc quần sanh.

4.3. PHÁP PHƯƠNG TIỆN VỚI SỰ NGHIỆP HOẰNG PHÁP ĐỘ SANH.

Có thể nói việc hoằng pháp là Phật sự vô cùng quan trọng trong sự nghiệp phát triển và bảo vệ lâu dài cho Phật pháp, không có hoằng pháp thì Đạo Phật sẽ đi đến chỗ diệt vong. Với sự phát triển của xã hội mọi pháp dừng lại đều đi đến chỗ diệt vong. Ý thức được sự quan trọng của việc hoằng pháp nên từ xưa đến nay công tác hoằng pháp luôn được giao cho những vị có tâm huyết đảm nhận. Người làm công tác hoằng pháp là người trước hết phải có sự uyên thâm Phật lí, có tinh thần dấn thân phục vụ chúng sanh trên tinh thần vô vị lợi. Nhưng vẫn chưa đủ người làm công tác hoằng pháp còn phải biết tùy theo nhân duyên  hoàn cảnh mà chỉ dạy Phật pháp, tùy  hoàn cảnh mà dụng phương tiện để đem lại lợi ích thiết thực cho hết thảy chúng sanh. Nói như thế để ta thấy được tầm quan trọng của Pháp Phương Tiện trong công việc hoằng pháp. Trong công tác hoằng pháp hành giả phải hiểu rõ Pháp Phương Tiện để tùy duyên mà xử trí công việc cho hợp lí, cốt làm sao cho quần chúng hiểu được, hiểu đúng Phật pháp để nương theo đó mà tu học. Pháp Phương Tiện giúp cho người hoằng pháp có nhiều điều kiện để tiếp cận với đời sống xã hội. Như chúng ta phương tiện làm các công tác xã hội theo tinh thần đồng sự. Trong đời sống xã hội có nhiều  hoàn cảnh thì người làm công tác hoằng pháp cũng phải có nhiều phương thức tiếp cận họ. Pháp Phương Tiện giúp chúng ta tiếp cận với cuộc sống đời thường, một cacùh nhẹ nhàng hơn, sâu hơn và nhanh hơn để đem lai lợi ích thiết thực cho con người. Chúng ta có thể thông qua hình thức hộ niệm cho người mất xẻ chia với mọi người, làm cho nỗi đau của họ phần nào vơi đi. Thiết thực nhất là qua đó ta có thể hướng dẫn cho họ nương về với chánh pháp, hướng dẫn họ thực tập tu hành để dần dần đi đến giác ngộ giải thoát. Lời nói là phương tiện ngữ ngôn giúp cho người nghe có thể khai tâm mở trí nhận chân được giá trị cuộc sống thật sự, thấu đạt chân lí dần dần đi đến cứu cánh giải thoát. Pháp Phương Tiện cho phép chúng ta đến với cuộc đời qua mọi hình thức miễn là đem được ánh sáng chân lí phổ cập khắp nơi. Người hoằng pháp có khi lấy thân mình làm phương tiện, thông qua đời sống phạm hạnh của tự thân làm ảnh hưởng đến nếp sống của người xung quanh khiến cho họ quí trọng ta và theo ta học pháp. Đây gọi là thân giáo sư cũng là phương pháp giáo hóa hữu hiệu nhất và phương tiện đơn giản nhất đêm lại hiệu quả nhất. Ta có sống được như vậy thì ta nói người đời mới chịu tin. Mình đang hút thuốc không thể khuyên người ta từ bỏ thuốc lá. Hơn thế nữa ta phải sống thế nào cho người đời thấy rằng theo giáo lí Đạo Phật là an lạc hạnh phúc. Lấy đời sống tu tập của chính ta làm phương tiện hoằng pháp là thiết thực nhất, song không dễ chút nào vì phương thức hoằng pháp nầy đòi hỏi chúng ta phải có một đời sống thật sự nghiêm túc tu tập tinh chuyên. Muốn được như thế chúng ta cần phải nỗ lực tinh cần không được xao lãng. Từ trong nội tâm trong sáng của chính mình hành giả Pháp Hoa tùy nghi xử dụng phương tiện hoằng pháp lợi sanh.

Ngày nay, khi đời sống xã hội phát triển, trình độ dân trí được nâng cao, tầm hiểu biết của con người là vô cùng sâu sắc. Đây là chỗ tiện và bất tiện cho công tác hoằng pháp, tiện là với trình độ cao người nghe dễ tiếp thu những điều chúng ta trình bày, nhưng đây cũng chính là sở tri chướng của chúng sanh hay chấp chặt vào những điều thấy biết mà khó tin chánh pháp. Đòi hỏi người hoằng pháp phải có một trình độ rất cao để đáp ứng nhu cầu xã hội. Đứng trước những khó khăn đó hành giả Pháp Hoa đã dùng tri thức khoa học hiện đại như là một phương tiện để hổ trợ cho việc hoằng pháp. Chúng ta có thể thông qua sách báo để đến với quần chúng một cách nhanh chóng và hiệu quả, như báo Giác Ngộ, bán nguyệt san, tập văn v.v.. Ngoài chúng ta còn có thể dùng các phương tiện thông tin đại chúng phát thanh, truyền hình hay dung các phương tiện nghệ thuật khác như; phim ảnh, ca, kịch, cải lượng v.v.. Tất cả các loại hình nghệ thuật từ phổ thông cho đến bậc cao chúng ta đều đã dùng Pháp Phương Tiện một cách uyển chuyển nhằm giúp cho mọi người nắm bắt tri thức Phật Giáo một cách hữu hiệu nhất. Thật vậy, tất cả các hình thức hoằng pháp của chúng ta từ xưa cho đến nay thảy đều nương vào Pháp Phương Tiện. Có phương tiện chúng ta mới có thể chỉ cho mọi người thấy được chân lí của Đạo Phật, mới truyền bá những tinh thần giáo lí nhà Phật được. Như thông qua phim ảnh ta có thể diễn tả lại cuộc đời của Đức Phật, Chư Tổ hay các vị Bồ Tát bằng hình ảnh cụ thể để cho mọi người dễ nắm bắt. Cũng bằng phương tiện phim ảnh, ca, múa, nhạc, kịch v.v.. chúng ta có thể đưa tư tưởng về luật nhân quả, lí duyên sinh. Thậm chí đến ý chỉ thiền tông cũng có thể chuyển tải qua hình thức các món nghệ thuật nầy với những câu thiền ngữ được nói thông qua sự diễn xuất của các nhân vật. Qua nhiều hình thức khác nhau Pháp Phương Tiện trong công tác hoằng pháp luôn là sự uyển chuyển kịp thời để thích nghi với từng  hoàn cảnh. Như vậy, chứng tỏ Pháp Phương Tiện luôn cần thiết trong công việc hoằng pháp. Hay nói một cách khác sẽ không thể tiến hành công tác hoằng pháp nếu không có Pháp Phương Tiện. Nhưng ứng dụng Pháp Phương Tiện vào thực tế thế nào cho hợp lí chúng ta cùng đi tiếp vào phần sau.

4.4. PHÁP PHƯƠNG TIỆN CẦN XỬ DỤNG NHƯ THẾ NÀO CHO HỢP LÍ

 Trong cuộc sống lúc nào cũng luôn tồn tại hai mặt của cuộc đời, các pháp cũng vậy luôn tồn tại hai mặt thể và dụng nên khi xử dụng pháp gì chúng ta cũng phải nhận rõ pháp mình đang xử dụng để khỏi phải lầm chấp. Như đã nói ở trên Pháp Phương Tiện thật là tuyệt vời, nhưng phải xử dụng như thế nào để đem lại lợi ích thiết thực, tránh đi những bất cập trong đời sống tu tập và hoằng pháp. Khi xử dụng Pháp Phương Tiện chúng ta cần phải nhận thức rõ phương tiện và cứu cánh là hai mặt trái phải của nhau, không nên lầm chấp phương tiện là cứu cánh và xử dụng phương như thế nào cho hợp lí. Có nhiều người lợi dụng hai chữ phương tiện để gần gũi tiếp xúc với Phật tử để quyên tiền làm những việc riêng của mình tóm thâu lợi dưỡng bất chấp luân thường đạo lí. Trong những trường hợp có thể cố gắng được song lại vì giãi đãi lợi dụng phương tiện không cố gắng vượt qua, làm cho ý chí lui sụt yếu đuối. Lại có người nương vào hai chữ phương tiện để hưởng thụ tiện nghi vật chất một cách quá mức có khi đi đến chỗ xa hoa phung phí. Như xe dùng làm phương tiện đi lại cho đỡ nhọc nhằn lại phải đòi hỏi sắm xe mô đen đắt tiền để khoe khoang giàu có. Cũng có kẻ lợi dụng phương tiện để trang bị phòng ốc sang trọng để hưởng thụ ngũ dục cho thỏa lòng ham muốn. Họ không biết rằng càng lợi dụng phương tiện không đúng mục đích sẽ dẫn đến những hậu quả rất tai hại. Tín tâm của hàng Phật tử ngày một giảm suốt, đạo nghiệp ngày một xa rời dẫn đến kết cục đọa lạc khổ đau sanh tử. Như vậy, cần phải rất cẩn thận khi xử dụng phương tiện trong cuộc sống tu học và hoằng pháp. Không nên quá dễ dãi xem thường để rồi trở thành kẻ nô lệ ngũ dục bị sai khiến. Điều nầy trong dễ thấy trong thời đại hiện nay nó một số tu sĩ chúng ta tham gia vào các tổ chức kinh tế, chính trị như là phương tiện để độ sanh, nhưng lại không đủ lực để cho ngũ dục lôi kéo làm lệch lạc mục đích ban đầu. Như để ngăn ngừa sự sai lầm đó, trong phần lược giải Kinh Pháp Hoa Hòa thượng Trí Quảng có dạy: “Phương tiện dùng cho người mới phát tâm vào đạo để đạt đến quả Vô thượng giác. Nhưng đắc đạo rồi, mở cửa phương tiện để giáo hóa chúng sanh như Phật Thích Ca. Chúng ta cần phân định rõ như vậy. Chỉ mở phương tiện được, với điều kiện chúng ta đã thành Vô thượng chánh đẳng chánh giác”. [9.100] Pháp Phương Tiện rất đa dạng đòi hỏi người áp dụng nó phải có một trình độ và định lực nhất định nếu không dễ bị lệch lạc đưa đến sự phản tác dụng. Không nên lạm dụng Pháp Phương Tiện quá mức để đưa đến những hậu quả không tốt làm ảnh hưởng đến đời sống tu tập của chính mình. Như muốn cứu một con người đang chết đuối trước hết mình phải biết bơi, phải biết cách thức cứu người bị đuối nếu không sẽ dẫn đến tình trạng hại mình mà không cứu được người. Pháp Phương Tiện của Đức Phật nhằm soi sáng tâm chúng sanh để cho chúng sanh khai mở Phật Tri Kiến. Thường được xem như ngón tay chỉ mặt trăng hay dụ cho chiếc thuyền đưa qua bể khổ. Người dụng pháp mà không tăng trưởng trí tuệ, không thuần được chánh hạnh lại kẹt ở chổ phương tiện. Nên vấn đề quan trọng là làm thế nào biết vận dụng giáo lí làm phương tiện sống cho chính mình. Phải biết chuyển hóa giáo lí thành sự sống cho thân tâm, nếu không biết chuyển hóa giống như người ăn mà không tiêu được thì dẫn đến bịnh, cũng vậy người học Phật mà không biết chuyển hóa dễ mắc bệnh giáo điều cứng nhắc khó tiến tu có kết quả. Như vậy, chúng ta thấy rằng việc xử dụng Pháp Phương Tiện thật không thể dễ dàng chủ quan, mà phải rất thận trọng. Điều nầy chứng tỏ chúng ta luôn phải sống tỉnh thức trong mọi  hoàn cảnh và sáng suốt khi áp dụng các pháp vào thực tiển cuộc sống.

Tất cả những điều đã phân tích và dẫn chứng ở trên người viết chỉ mong mọi người nhận thấy pháp Phật cao sâu nhưng rất uyển chuyển như con nước dịu dàng uốn mình theo mọi địa hình nhằm đưa thuyền về đến biển, cũng vậy pháp phương tiện để đưa chúng sanh đến bờ giải thoát. Như vậy, người học Phật phải biết tùy duyên mà ứng dụng Phật pháp một cách hiệu quả nhất. Xin mượn lời Tổ dạy thay cho tiểu kết phần nội dung quan trọng nầy.

“Kinh điển lưu truyền tám vạn tư

Học hành không thiếu cũng không dư

Đến nay tính lại đà quên hết

Chỉ nhớ trên đầu mỗi chữ Như.” [9. 113]

C/KẾT LUẬN

Chương 5: PHẬT PHÁP LÀ PHÁP PHƯƠNG TIỆN

5.1. PHÁP PHƯƠNG TIỆN ĐEM LẠI SỨC SỐNG CHO ĐẠO PHẬT

Như chúng ta đã biết Đức Phật sau khi chứng quả vô thượng chánh đẳng chánh giác đã cảm thấy Phật pháp quá cao siêu khó nghe, khó thấy, khó chứng và khó tin. Tuy Ngài vẫn biết rằng trong mỗi chúng sanh vẫn luôn hằng hữu Phật Tri Kiến, nhưng lại vì vô minh che lấp bản tâm nên chúng sanh lầm chấp khó độ. Đức Phật đã nghĩ về việc nhập niết bàn, nhưng vì thương chúng sanh Đức Phật đã quyền khai phương tiện mở đường độ sanh. Đức Phật bắt đầu quán sát căn cơ chúng sanh, tùy theo trình độ cao thấp mà thuyết pháp độ sanh đóng cửa khổ đau, mở cửa niết bàn. Trong tất cả các truyền thống Kinh điển chúng ta đều nhận thấy bóng dáng của Pháp Phương Tiện. Trong bộ Kinh Pháp Hoa chúng ta đang đề cập Đức Phật xác định tất cả các pháp Phật nói ra đều là phương tiện. “ Dĩ phương tiện nhi độ sanh” (以 方 便 而 度 生), lấy phương tiện để độ sanh là căn bổn của Phật Pháp. Vì căn trí của chúng sanh chậm lụt thấp kém không tin nỗi vào Phật Tri Kiến của chính mình, nếu Phật không dụng phương tiện chỉ bày thì chúng sanh muôn đời không nhận ra được chơn như thật tánh. Như vậy, Pháp Phương Tiện đã khơi thông mạch sống của Đạo Phật chúng ta. Không những thế pháp phương tiện còn luôn là sự diễn đạt các pháp Phật một cách hữu hiệu để Tổ Tổ truyền thừa mạng mạch Phật pháp. Chính Pháp Phương Tiện đã đa dạng hóa tất cả các hình thức sinh hoạt của Đạo Phật chúng ta, để đưa Đạo Phật thể nhập vào cuộc đời. Tùy theo nhân duyên  hoàn cảnh mà chuyển biến thích hợp. Đạo Phật du nhập vào tất cả các nền văn hóa nhân loại nhưng không hề bị chống trái hay bài xích, cũng bởi nhờ các nhà hoằng pháp của chúng ta biết áp dụng tinh thần tùy duyên bất biến để hòa nhập với các nền văn hóa văn minh khác, nhưng vẫn giữ được bản sắc của chính mình. Pháp Phương Tiện đã làm cho sự sống của đạo Phật luôn thích ứng với mọi  hoàn cảnh. Chính nhờ vào Pháp Phương Tiện mà Phật Giáo dù có chia ra nhiều tông phái chăng nữa vẫn chung sống với nhau rất hòa hợp. Đây chính là nét độc đáo của Đạo Phật mà không tôn giáo nào có được. Vì tất cả những người theo Đạo Phật đều ý thức rằng; tất cả đều là phương tiện để thích nghi với môi trường sống mà thôi. Pháp Phương Tiện đã giúp cho Phật Giáo du nhập vào tất cả các quốc gia trên khắp thế giới mà không hề vấp phải sự kháng cự nào. Vì Phật Giáo nhờ vào Pháp Phương Tiện giúp cho những người tu hành truyền đạo có được sự uyển chuyển thích hợp, để hòa mình vào đời sống cộng đồng, nương theo phong tục tập quán của người dân bản xứ mà đem lại hạnh phúc thiết thực cho họ, khiến cho họ cảm thấy sự có mặt của Phật Giáo là cần thiết. Như vậy, Pháp Phương Tiện đã làm cho sức sống của Đạo Phật ngày một lớn mạnh hơn. Cũng nói thêm rằng sự lớn mạnh của Phật Giáo không mang tính chất bành trướng tôn giáo mà chỉ mong mang sự thật của nhân sinh đến với đời sống nhân loại. Pháp Phương Tiện của Đạo Phật thiết thực đã đem đến cho nhân sinh nguồn sống lành mạnh và trong sáng dần dần nhận rõ bản thể đưa đến sự an vui giải thoát.

5.2. PHÁP PHƯƠNG TIỆN CỦA ĐỨC PHẬT ĐƯA CHÚNG SANH VƯỢT THOÁT KHỔ ĐAU CHỨNG NHẬP NIẾT BÀN GIẢI THOÁT

  Trong Kinh Di Giáo Đức Phật dạy; nước trong bốn biển chỉ có vị mặn, trong giáo pháp của ta chỉ có một vị duy nhất đó là vị giải thoát. Để phục vụ cái mục đích duy nhất là giải thoát cho hết thảy chúng sanh ra khỏi sanh tử luân hồi Đức Phật đã quyền khai vô số phương tiện độ thoát chúng sanh. Thật vậy, sau khi thành đạo Đức Phật đã mở ra con đường giải thoát bằng vô số phương tiện. Và cũng nương nhờ Pháp Phương Tiện ấy mà chúng sanh đã dần nhận ra được chân tánh của mình nỗ lực tu tập thoát khỏi khổ đau sanh tử. Chúng sanh nương vào lời Phật dạy nhận thấy ba cõi vốn không an ổn, vạn pháp vô thường, thân tứ đại vốn dĩ khổ đau, nhận thức như vậy chúng sanh dần ra khỏi sanh tử. Như trong Kinh Bát Đại Nhơn Giác có dạy:“Đệ nhất giác ngộ; Thế gian vô thường, quốc độ nguy thúy, tứ đại khổ không, ngũ ấm vô ngã, sanh diệt biến dị, hư ngụy vô chủ, tâm thị ác nguyên, hình vi tội tẩu, như thị quán sát tiệm ly sanh tử.” [12. 15] Từ những lời Phật phương tiện nói ra bằng ngôn ngữ, bằng đời sống tu tập của chính mình chúng ta như nhận được những thông điệp của trí tuệ, của nguồn sáng tràn đầy sức sống.

 Thời Phật còn tại thế, có một người đàn bà lấy chồng đã mười năm mà chưa có con nên bị gia đình nhà chồng hất hủi. Bà chỉ mong có đứa con để được an ủi. Sau đó bà sinh được một đứa con. Nỗi mừng vui không sao kể xiết, bà đặt tất cả nguồn yêu thương và niềm hy vọng vào đứa con. Chẳng bao lâu, đứa con bị bệnh chết. Quá đau khổ, bà không chịu chôn con, bà bồng con đi tìm thầy thuốc mong cứu sống con. Nhưng không ai cứu được. Thấy bà quá đau khổ người ta bèn bảo bà tìm tới Đức Phật. Phật bảo: “ Con hãy đi xin cho Ta một nắm hạt cải ở nơi nhà nào mà xưa nay chưa chưa từng có người chết, Ta sẽ cứu sống đứa trẻ “. Bà liền bồng con đi xin hạt cải hết nhà nầy đến nhà khác. Nhà nào cũng có hạt cải nhưng không nhà nào chưa từng có người chết. Càng đi bà càng thấy như có những tia sáng chiếu rọi vào tâm hồn bà làm cho bà tỉnh ngộ: Sống, Chết là định luật tất yếu của tất cả mọi người. Lúc ấy nỗi đau khổ của bà lắng xuống, bà liền đem chôn con và trở về bạch Phật: “Những điều Ngài dạy con đã làm xong”. Đó chính là xảo thuyết, cũng chính là Pháp Phương Tiện mà Đức Phật đã xử dụng để đưa một con người từ chổ khổ đau cùng cực u mê tăm tối trở về với ánh sáng của thực tại. Bằng một cách giáo dục rất đơn giản Đức Phật đã chỉ cho chúng ta chân lí của cuộc đời. Pháp Phương Tiện đã giúp ta soi sáng cuộc đời mình bằng ánh sáng trí tuệ. Nhận ra cuộc đời là sanh diệt khổ đau ta mới có ý thức chấp nhận thực tại để chuyển hóa cuộc sống. Như bà mẹ mất con kia nếu không nhờ Phật phương tiện giáo hóa thì nỗi đau ấy bao giờ dứt được. Nếu như lúc đó Phật không phương tiện bảo bà đi tìm hạt cải nơi nhà không có người chết mà nói ngay lí vô thường sanh diệt liệu bà ta có tin được không? Dứt khóat là ngay lúc đó bà sẽ không thể chấp nhận dù đó là sự thật. Vì sao? Vì lúc đó bà chưa trãi nghiệm thực tế khiến bà ta không thể chấp nhận. Biết vậy nên Đức Phật đã dụng phương tiện một cách khéo léo để cho chính bà ta trãi nghiệm qua sự thật và tự bà ta nhận ra chân lí của cuộc đời. Đức Phật thật là một Bậc Đạo Sư tuyệt vời Ngài không tuyên thuyết chân lí mà dùng phương tiện để người đời tự nhận ra chân lí của cuộc đời. Bởi chân lí vốn hằng hữu trong cuộc sống muốn nắm bắt nó ta phải trãi nghiệm chính bằng tự thân. Bậc đạo sư muốn chỉ bày thì phải dùng phương tiện. Ta thấy rằng Pháp Phương Tiện không những chỉ có Phật mới xử dụng để chỉ bày chân lí mà Chư Tổ cũng áp dụng một cách triệt để, Tổ Bồ Đề Đạt Ma khi muốn khai tâm cho Thần Quang cũng đã dụng phương tiện một cách hết sức độc đáo. Chỉ một câu nói: “hãy đem tâm ra ta an cho”. Đạt ma đã làm cho Thần Quang bừng tỉnh, ngộ được chân tâm. Bởi câu nói đó đã khiến Thần Quang quay lại với chính mình để nhìn thấy sự thật các pháp vốn vô thường sanh diệt không có một cái “Ta” thực sự để thủ chấp. Ngay tại đó Thần Quang đã nắm bắt được ý chỉ của thiền tông an vui, tự tại giải thoát. Nếu không có Pháp Phương Tiện khai tâm độc đáo của Đạt Ma Tổ Sư thì làm gì có được một Huệ Khả siêu xuất sau nầy.

Nhờ vào Pháp Phương Tiện các bậc Đạo Sư đã khiến cho nguồn tâm của chúng sanh được bừng sáng, nhận ra chân lí, thoát li sanh tử, thể nhập niết bàn. Như lời Đức Phật đã dạy qua Kinh điển thì Pháp Phương Tiện luôn tồn tại trong giáo lí Đạo Phật cho đến khi nào hết thảy chúng sanh đều chứng ngộ vô thượng chánh đẳng chánh giác. Vì mục đích của Pháp Phương Tiện là để chư Phật; “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”. Bởi chỉ có phương tiện diễn bày các pháp qua hình ảnh, ngữ ngôn còn thực tướng của vạn pháp vốn “Như Thị”. Như vậy, chúng ta có thể nói; Pháp Phương Tiện đưa chúng sanh vượt thoát khổ đau, chứng nhập niết bàn an vui giải thoát.

5.3. KẾT LUẬN

Trong Kinh kim cang Đức Phật có dạy: “Ngã sở thuyết pháp như phiệt dụ giả, pháp thượng ưng xả hà huống phi pháp” (我 所 說 法 如 閥 喻 者﹐法 上 應 捨 何 況 非 法). Tạm dịch: Pháp ta nói như chiếc bè qua sông, Pháp còn bỏ huống gì phi pháp. Như vậy, không những trong Kinh Pháp Hoa Đức Phật xác định pháp Phật là Pháp Phương Tiện, mà trong Kinh Kim Cang Phật cũng cho rằng pháp Phật như chiếc bè đưa người qua sông, tức Kinh Kim Cang cũng khẳng định pháp Phật là Pháp Phương Tiện. Không thể qua sông nếu không có đò, không thể nhận ra Phật Tri Kiến nếu không có Pháp Phương Tiện. “Ngài Nhật Liên khi sớ giải về Kinh Pháp Hoa đã khẳng định thật tướng Pháp Hoa chỉ có Phật Thích Ca nói Phật Đa Bảo nghe. Từ Bồ Tát trở xuống đều nghe Pháp Phương Tiện” [9. 111]. Chúng ta ngày nay, đón nhận giáo pháp của Đức Phật bởi nhờ tổ tổ tương truyền. Qua biết bao nhiêu thế hệ, bao nhiêu vùng lãnh thổ tùy theo mỗi mỗi nền văn hóa mà tiếp nhận khác nhau, đều nương vào phương tiện khai sáng của các bậc đạo sư. Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa chỉ là những Pháp Phương Tiện có tính chất đặc trưng cho muôn ngàn phương tiện của chư Phật.

 Xử dụng Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa, Đức Phật nhằm khai Tri Kiến Phật cho hết thảy chúng sanh. Vì Tri Kiến Phật là thể tánh nhiệm mầu không thể nghĩ bàn (bất khả tư nghì) nên Đức Phật đã phải quyền khai phương tiện. Thật vậy, thâm nhập thế giới bản thể vắng lặng là một công việc hết sức khó khăn nếu không dụng Pháp Phương Tiện thì không thể nào chỉ ra được nên việc Đức Phật xử dụng Pháp Phương Tiện là điều hiển nhiên. Có thể nói sự hiện hữu của Phật tại thế gian là phương tiện của Phật bản thể nên đương nhiên pháp của Đức Phật ấy nói cũng là Pháp Phương Tiện. Giáo pháp Đức Phật soi sáng tâm con người thường được ví như chiếc thuyền qua sông hay ngón tay chỉ mặt trăng. Như vậy, giáo pháp của Đức Phật chỉ là phương tiện để hiển bày chân lí chứ không phải là chân lí, cho nên có thể nói Phật pháp là Pháp Phương Tiện. Nhưng vì những điều Phật dạy quá đúng với sự thật cuộc sống nên ta cứ ngỡ là chân lí. Thật vậy, Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa đã khai mở cho chúng ta một chân trời mới, chân trời của Tri Kiến Phật, tri kiến giải thoát ngay tự tâm mình. Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa cũng đã đưa chúng ta đến với triết lí cao siêu nhưng lại gần gũi thân thuộc. Đến với Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa ta thấy khả năng tu tập thành Phật của chính mình là con đường lí tưởng, nhưng khả thi chứ không phải đó là con đường không tưởng. Kinh Pháp Hoa với sự tuyệt vời của Pháp Phương Tiện Đức Phật đã rất thành công khi mở cửa độ sanh  hoàn thành bổn nguyện “Khai Thị Chúng Sanh Ngộ Nhập Phật Tri Kiến”. Từ Pháp Phương Tiện trong Kinh Pháp Hoa mở rộng ra cho đến các Kinh điển khác gần như nơi đâu cũng có bóng dáng của Pháp Phương Tiện. Có thể nói phương tiện là cửa ngỏ duy nhất đưa chúng sanh trở về với chân như thật tánh và cũng là con đường duy nhất chư Phật Bồ Tát đến với chúng sanh. Pháp Phương Tiện mở đường cho chúng sanh đến với Phật Bồ Tát. Chư Phật và Bồ Tát cũng mở cửa phương tiện để giáo hóa chúng sanh. Như thế cả chiều thuận lẫn chiều nghịch Pháp Phương Tiện vẫn mang một ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với Phật pháp. Và hơn thế nữa Pháp Phương Tiện sẽ còn được tiếp tục trong sự nghiệp hoằng dương chánh pháp đưa con người trở về với chân thiện mỹ, đưa chúng sanh ra khỏi vô minh điên đão. Là một hành giả Pháp Hoa ta cần phải biết đúng và áp dụng đúng Pháp Phương Tiện để làm lợi lạc quần sanh thành tựu đạo nghiệp. Có như vậy thì mới không cô phụ ơn sâu chư Phật đã vì chúng ta mà khai môn phương tiện.

 

Nguồn: dentutraitim.com

---o0o---